13 vụ án - Chương 09

13 vụ án - Chương 09

Bốn nghi can

Ngày đăng
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 24340 lượt xem

Cuộc thảo luận xoay quanh mấy vụ án chưa được khám phá và chưa được tuyên phạt. Theo thứ tự từng người phát biểu ý kiến. Sau đại tá Bantry, tới bà vợ mập ú có duyên, qua tới Jane Helier, bác sĩ Lloyd, và bà Marple. Có một nhân vật chưa kể câu chuyện của mình nhưng ý kiến lại được mọi người đồng tình đó là ngài Henry Clithering, cựu cảnh sát trưởng Scotland Yard, ông ngồi đưa tay vân vê hàng ria mép, khều khều đúng hơn, miệng cười tủm tỉm! Có vẻ tâm đắc một ý tưởng vừa lóe lên trong đầu.
“Ngài Henry”, bà Bantry bực mình thốt ra “Nếu ông không kể gì tôi sẽ gào lên. Có phải còn nhiều vụ án chưa được tuyên phạt hay là không?”
“Bà muốn nhắc lại mấy hàng tít đăng trên báo, thưa bà Bantry. Sở Scotland Yard lại mắc sai lầm. Nội dung thuật lại một lô vụ án chưa được xét xử”.
“Quả thật bấy nhiêu đó chỉ chiếm một phần tỉ lệ nhỏ thôi hay sao?” Bác sĩ Lloyd nói.
“Đúng, mà thật vậy. Hàng trăm vụ án đã được xét xử, thủ phạm lãnh án mấy khi được báo trước hay xướng tên. Nhưng vấn đề chưa cần tranh cãi lúc này có phải vậy không?” Ông vừa nhắc lại nhiều vụ án chưa được khám phá và chưa được xét xử tức là ông muốn chia làm hai phạm trù. Ở phạm trù thứ nhất gồm những vụ án sở Scotland Yard chưa hề nghe nói, vụ án chưa ai biết là đã từng xảy ra”.
“Nhưng giả sử không phải nhiều vụ như vậy đâu?” Bà Bantry nói.
“Thật sao?”
“Ngài Henry! Ngài không muốn nói là chuyện đó có thật”.
“Thật ra thì...” Bà Marple nghĩ ngợi “... còn rất nhiều vụ”.
Bà già có cốt cách trầm tĩnh lạ thường, thản nhiên phát biểu.
“Coi kìa bà Marple”, Đại tá Bantry lên tiếng.
“Tất nhiên”, bà Marple nói “Phần đông người ta ngu xuẩn. Bởi vậy cho nên mới bị phát giác. Nhưng còn bao nhiêu người khác họ đâu có dại gì, khiến ta phải rùng mình trước hành vi của họ vì chúng được thực hiện một cách rất bài bản”.
“Phải”, ngài Henry nói “Còn biết bao người đâu có dại gì. Nhiều vụ án bị phát giác bởi những bàn tay vụng về, nên bọn tội phạm mới thấy ân hận. Nếu không vì một bàn tay vụng về thử hỏi đố ai biết được”.
“Chuyện không đơn giản đâu, Clithering”, đại tá Bantry nói “Không đơn giản”.
“Ông nói thật à?”
“Ông hỏi gì lạ vậy? Thật chứ! Không đơn giản đâu”.
“Ông đã từng nói tội ác nhan nhản chưa bị trừng phạt, mà có thiệt không? Luật pháp không trừng phạt chuyện đó cũng có khi, nhưng ở đời còn có luật nhân quả. Kẻ gây tội ác phải bị trừng trị là chuyện thường tình, tôi thấy không có gì có thể đúng hơn được nữa”.
“Biết đâu, biết đâu được”. Đại tá Bantry nói “Điều đó không thể nói hết mức quan trọng của vụ việc”. Ông bỏ ngang giữa chừng, gương mặt bối rối.
Ngài Henry Clithering nhếch mép cười.
“Một trăm người hết chín mươi chín người không tin ông”, ngài nói “Ông nên nhớ, không phải việc phạm tội mới cần nêu lên, mà chính là người vô tội. Chưa ai nghĩ ra việc này”.
“Tôi chưa hiểu”. Jane Helier nói.
“Tôi biết”, bà Marple lên tiếng. “Lúc bà Trent phát hiện mất một đồng tiền nửa đồng năm shillings trong ví, bà nghi cho người giúp việc, bà Arthur. Tất nhiên nhà Trents nghi cho bà chớ ai, nhưng người chủ biết điều, xét hoàn cảnh người giúp việc gia đình đông con, chồng thì nghiện rượu, thôi thì làm rùm beng lên để được gì. Từ đó về sau chủ nhân dè dặt hơn không giao nhà cho bà một mình, bà thấy lạ, hàng xóm nghi bà có vấn đề gì đây. Về sau, bà Trent kiểm soát người giúp việc một cánh cửa được phản chiếu qua tấm gương. May đây - tôi vẫn cho đó là Trời định. Cái đó theo tôi thấy, nó phù hợp với suy nghĩ của ngài Henry. Tất nhiên mọi người phải nghi cho một người lấy cắp tiền, nhưng lại nghi không đúng người, y như truyện trinh thám! Nhưng người bị nghi oan là bà Arthur lại không biết gì chuyện đó. Tức là phù hợp với suy đoán của ông, đúng không, ngài Henry”.
“Vâng, bà Marple, bà đã hiểu ý tôi nói. May cho bà giúp việc, nhờ có bà chứng kiến từ đầu. Bà ta vô tội chuyện đã rõ. Thế mà có người phải mang tiếng suốt đời vì bị hàm oan đối xử bất công”.
“Theo ông có thể có một trường hợp ngoại lệ nào không, thưa ngài Henry?” Bà Bantry khéo hỏi.
“Nói thiệt với bà là có, một vụ án ly kỳ. Một vụ giết người nhưng không tìm ra chứng cứ”.
“Chỉ có vụ đầu độc thôi”, Jane thở ra, “khó tìm thấy dấu vết”.
Bác sĩ Lloyd ngồi không yên, ngài Henry lắc đầu.
“Làm gì có, cô em. Đây không phải như chuyện bắn tên độc của người da đỏ Nam Mỹ. Tôi nghĩ có thể đây là một trường hợp tương tự. Ta sẽ được chứng kiến một vụ tầm thường hơn... đến mức ta không làm sao chứng minh cho thủ phạm nhìn thấy. Trường hợp như một người già cả té xuống thang lầu gãy cổ, tai nạn thương tâm này cũng thường thấy xảy ra”.
“Nhưng sự thật thế nào?”
“Ai mà nói được”, ngài Henry rùng mình, “nạn nhân bị xô ngã từ sau lưng chăng? Có thể một mảnh vải hay sợi dây cột ngang đầu cầu thang rồi sau đó khéo léo vứt bỏ đi? Làm sao biết được”.
“Ngài có thể cho đó là... à, không phải một tai nạn? Rồi sao nữa?” Ông bác sĩ hỏi.
“Chuyện kể dài dòng, nhưng... ối chà, tôi biết chắc một điều. Tôi biết trước khó mà chứng minh cho thủ phạm thấy được... bởi bằng chứng thì quá mơ hồ. Ta thử xét qua một khía cạnh mới... nội vụ tôi đang kể ra đây. Trong vụ này có tới bốn tên tham gia, chỉ một tên chịu tội ba tên kia thì vô tư. Và nếu không tìm ra được manh mối, ba tên kia vẫn bị theo dõi gắt gao”.
“Tôi thấy”, bà Bantry nói, “thà ông cứ kể cho hết dù có lâu tới chừng nào”.
“Tôi không muốn kể dài dòng”, ngài Henry nói “Tôi xin tóm tắt phần đầu, liên quan tới một hội kín của người Đức - hội Schwartze Hand - mô phỏng theo kiểu hội kín morra, có thể nói phần đông nghe nhắc ai cũng biết là morra chuyên tống tiền và khủng bố. Hoạt động bùng phát sau cuộc đại chiến và nhanh chóng lan rộng khắp nơi, khủng bố người dân lương thiện. Chính quyền khó đương đầu bởi tổ chức được bố phòng một cách cẩn mật, khó có thể mua chuộc bọn đàn em bên dưới”.
“Ở nước Anh ít người biết tới tổ chức này, ở bên Đức nó hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Cuối cùng tổ chức tan rã do các hoạt động bị ảnh hưởng bởi một nhân vật, một vị bác sĩ được biết tên là Rosen, trước đây đã từng là nhân viên mật vụ. Ông xin vô làm nhân viên rồi xâm nhập tận cùng hang ổ, làm sụp đổ toàn bộ cơ cấu tể chức này”.
“Ông bị truy nã và đã nhanh chân ra khỏi nước Đức, dù bất cứ giá nào. Ông qua tới nước Anh, sau đó tôi nhận được nhiều thư cảnh sát Berlin gởi qua, nhắc chuyện của ông. Ông yêu cầu được gặp riêng tôi, phong cách của ông rất tự nhiên và bình thản. Ông biết được tương lai ông sẽ đi về đâu”.
“Bọn chúng muốn giết tôi, thưa ngài Henry”.
“Không chạy đâu thoát”, nhìn người ông cao lớn, giọng nói trầm, phát âm giọng có đặc trưng của dân bản xứ. “Việc này tôi đã biết trước. Với tôi chẳng có gì phải lo. Trước lúc cộng tác tôi đã lường trước mọi gian nguy. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức hoàn toàn tan rã. Tuy vẫn còn một số ngoài vòng pháp luật. Bọn chúng đòi lấy mạng tôi để rửa hận. Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi, với tôi càng lâu càng thuận lợi. Ông biết đó, tôi đang thu thập tư liệu để cho ra mắt một tác phẩm, tổng kết những hoạt động một thời. Tôi mong muốn đạt được sở nguyện”.
“Nghe ông trình bày đơn giản sự việc với tất cả lòng dũng cảm khiến tôi khâm phục. Tôi hứa bảo đảm cho ông mọi mặt. Nghe vậy ông xua tay”.
“Sớm muộn bọn chúng cũng giết tôi”, ông nhắc lại, “nếu tôi có mệnh hệ nào xin ông chớ nên ray rứt. Bởi ông đã giúp tôi hết sức mình”.
“Ông kể ra những việc cần phải làm ngay. Ông có ý định tìm một ngôi nhà nhỏ vùng quê ở đây để yên tâm hoàn thành tác phẩm. Ông đã chọn được một nơi tại địa phương, Somerset, làng King’s Gnaton, cách xa đường tàu bảy dặm, thoải mái không màng tới cuộc sống văn minh bên ngoài. Thế rồi ông cũng tậu được một ngôi nhà nhỏ ưng ý, sửa sang lại đôi chút để cư ngụ lâu dài. Người nhà có đứa cháu gái Greta, một thư ký, một bà giúp việc quốc tịch Đức, đã theo hầu ông suốt bốn chục năm, người làm vườn dân là địa phương làng King’s Gnaton”.
“Đúng quá. Bốn nghi can, còn nói gì hơn nữa. Cuộc sống của ông bình yên ở King’s Gnaton được đâu chừng năm tháng thì tai họa ập tới. Buổi sáng hôm đó bác sĩ Rosen té cầu thang, nửa giờ sau ông mới chết. Lúc xảy ra tai nạn bà Gertrud ở dưới nhà bếp, cửa đóng không nghe thấy gì... theo lời bà kể. Cô Greta đang ở sau vườn lom khom trồng thêm mấy bụi cây... cũng theo lời nàng kể. Dobbs, người làm vườn đang ngồi trong nhà kho ăn bữa lỡ... theo lời ông kể, còn người thư ký thì đi dạo ngoài đường và cũng do gã tự thuật lại. Không ai viện cớ vắng mặt... không ai làm chứng cho người khác. Nhưng có một chứng cứ gọi là xác đáng. Không thấy dấu vết người ngoài xen vô vụ này, ở trong làng King’s Gnaton có kẻ lạ tức thì mọi người biết ngay. Cửa trước cửa sau đều khóa, người nhà mỗi người có chìa riêng. Tức là ta thấy trước sau có bốn người. Không ai có thể gọi là nghi can, Greta là đứa cháu gái. Getrud qua bốn mươi năm phục vụ tận tụy. Dobbs, không có một ngày đi xa khỏi làng King’s Graton. Sau cùng người thư ký, Charles Templeton...”
“Ồ phải”, Đại tá Bantry nói, “anh chàng ra sao? Trong đầu tôi cứ nghi cho anh chàng này. Ông biết anh chàng này thế nào?”
“Chính vì chỗ quen biết nên tôi muốn đặt ra ngoài chuyện nghi vấn... cho dù thế nào chăng nữa. Ngài Henry nghiêm chỉnh nói “Ông biết đấy, Charles Templeton là người của tôi”.
“Chao ôi!” Đại tá Bantry nói, càng ngạc nhiên hơn.
“Vâng tôi cần tìm một người cài vào trong và cũng muốn tránh tiếng trong làng. Rosen đang cần một thư ký, tôi giới thiệu ngay Templeton vô nhận việc. Anh ta lịch lãm, nói thạo tiếng Đức, nói chung là một nhân viên lành nghề”.
“Vậy thì ông nghi cho ai?” Bà Bantry hỏi đang còn phân vân. “Tôi thấy chẳng có ai đáng nghi cả”.
“Vâng, rõ quá rồi. Bà nên hiểu sự việc dưới một góc độ khác. Cô Greta là một đứa cháu thật dễ thương. Nhưng trải qua một thời kỳ chiến tranh, chúng ta đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh anh chị em xung khắc nhau, cha con xung đột và đủ các thứ; cũng có những đứa cháu dễ thương và ngoan ngoãn có khi dám làm những việc kinh thiên động địa. Ta có thể xét trường hợp Getrud và có ai biết được động cơ nào đưa đẩy bà vô vòng tội lỗi. Có thể sau một lần xung đột với ông chủ, hận thù chồng chất qua bao nhiêu năm tận tụy phục vụ. Những người như bà lắm lúc càng sâu sắc hơn. Còn Dobbs thì sao? Phải chăng anh chàng người ngoài cuộc bởi không họ hàng thân thích gì với nhà này? Đồng tiền chi phối mọi thứ. Xét theo một khía cạnh khác Dobb có thể bị người ngoài mua chuộc”.
“Ta có thể suy đoán, một lệnh lệnh từ nơi khác được chuyển tới nếu không thì sao tình hình yên tĩnh được năm tháng? Không, bởi các tay chân của tổ chức vẫn hoạt động không ngừng. Vì chưa chắc Rosen phản bội nên bọn chúng phải chờ đến lúc tìm đủ bằng chứng. Ngay tức thì không còn chần chờ gì nữa bọn chúng gởi một lệnh cho phe nội gián... nội dung phán quyết: ‘Phải giết’.”
“Thật ghê tởm!” Jane Heiler rùng mình nói.
“Làm cách nào điện được gửi đi? Việc này cần phải làm sáng tỏ, may ra giải quyết được vấn đề. Một trong bốn người phải có quan hệ với bên ngoài hoặc đã bị mua chuộc. Ngay tức thì, tôi biết rõ, khi mệnh lệnh được chuyên tới, chúng sẽ được thi hành ngay theo đúng tôn chỉ của hội kín Schwartze Hand”.
“Tôi lao ngay vô việc, theo một cung cách là có thể cho là tỉ mỉ, đáng buồn cười. Buổi sáng hôm đó ai đến ngôi nhà đó? Trong vụ này không loại trừ ai. Tôi kể ra đây”.
Ông lôi trong túi chiếc phong bì rút ra một mảnh giấy.
Người hàng thịt tới giao thịt cừu. Sau khi đã được kiểm tra hàng.
Người bán hàng tạp hóa, đem giao bột bắp, đường cát, bơ, cà phê, sau khi cho kiểm tra xong.
Người đưa thư, giao hai thư thông báo gởi cô Rosen, thư gởi cho Gertrud, ba cái thư của Tiến sĩ Rosen, một cái từ nước ngoài; hai cái gởi cho Templeton, một cái nữa cũng từ nước ngoài.
Ngài Henry bỏ ngang câu chuyện lôi trong phong bì ra một xấp giấy.
“Các bạn sẽ thích thú được xem mấy thứ này. Trong số thư này có người giao lại cho tôi và một số thu nhặt trong giỏ rác. Phải nói là tất cả được thử lại coi có sử dụng mực hóa học... Không thấy một điểm nào đáng ngờ”.
Mọi người xúm lại coi. Xấp giấy gồm là mẫu hàng do người ươm cây giao và của một hãng sản xuất áo lông thú. Hai tờ phiếu tính tiền đề tên tiến sĩ Rosen, một ở trong nước giao hàng hạt giống làm vườn, một cái của hãng đồ dùng văn phòng. Bức thư gởi cho ông nội dung ghi lại:
“Thân gởi Rosen,
Tôi vừa đến thăm nhà tiến sĩ Helmuth. Hôm kia gặp lại Edgar Jackson cùng với Amos Perry vừa đi du lịch Tsingtau về. Và Thiệt tình mà nói tôi thèm được như nhà họ, đi du lịch một chuyến. Chờ tin cậu. Như tôi đã dặn trước, nên đề phòng kẻ lạ - cậu hiểu ý tôi nói, dù biết là cậu không chịu nghe.
Thân ái,
Georgine”
“Thư gửi cho Templeton chỉ một tờ phiếu này, tính tiền cho hiệu may quần áo và một cái thư ở bên Đức”, ngài Henry kể tiếp, “cái thư rủi thay xé bỏ vứt đi trong lúc gã đi dạo ngoài phố. Ta coi qua bức thư gửi Gertrud”.
“Thân gởi Swartz,
Chúng tôi mong được gặp bạn vào buổi họp mặt tối thứ Sáu, thầy trợ tế mong chờ. Bạn sẽ được mọi người đón tiếp nồng hậu. Cám ơn món thịt jăm bông, ăn thật ngon. Chúc bạn khỏe, mong gặp lại tối thứ Sáu.
Emma Greene”.
Bác sĩ Lloyd tủm tỉm cười, bà Bantry thấy vậy cười theo.
“Tôi thấy nên bỏ qua chuyện cái thư này”, bác sĩ Lloyd nói.
“Tôi cũng nghĩ như ông”, ngài Henry nói “Theo tôi cũng nên xét lại vì sao có chuyện bà Green vào hội thánh nhà thờ trong này. Có lúc không nên quá tỉ mỉ như vậy, ông đồng ý chớ”.
“Đó cũng là ý muốn của bà Marple”, bác sĩ Lloyd vừa cười vừa nói “Bà đang mơ hay sao, bà Marple. Bà nghĩ gì đâu đâu vậy”.
Bà Marple lên tiếng.
“Tôi nghĩ mình ngốc nghếch”, bà nói “Tôi thấy một điểm lạ vì sao chữ thiệt tình trong thư gởi Tiến sĩ Rosen viết chữ hoa”.
Bà Bantry hiểu ý ngay.
“Tôi cũng thấy vậy”, bà nói, “chà!”
“Đúng rồi”, bà Marple nói “Bà cũng tinh mắt ghê!”
“Cần lưu ý một điểm trong bức thư”, ngài Henry nói “Theo lời Templeton kể lại, tiến sĩ Rosen mở thư ra coi nhân lúc ngồi ăn sáng, ông quăng qua anh ta nói ông chả biết người bạn này”.
“Đâu phải bạn”, Jane Helier nói, “người viết ký tên ‘Georgina’.”
“Khó mà đoán là ai”, bác sĩ Lloyd nói “Có thể là Georgey, nhưng nếu đoán ra Georgina thì chắc hơn. Tôi đặc biệt lưu ý người viết là đàn ông”.
“Ông nên nhớ nó lạ ở chỗ, đại tá Bantry nói, “theo như cách ông ta quăng cái thư qua bên kia bàn rồi giả vờ như chả biết nó. Ông muốn thử xem phản ứng của mọi người. Kẻ giấu mặt đó là ai, nam hay nữ?”
“Hay là bà nấu ăn?” Bà Bantry nói xen vô. “Bà bưng món ăn sáng vô trong phòng. Nhưng tôi chưa rõ ở chỗ... nó lạ làm sao ấy...”
Bà cau mày nhìn bức thư, bà Marple ngồi xích lại, bà chìa ngón tay sờ lên trang giấy. Hai bà nói nhỏ với nhau.
“Còn cái thư kia sao anh chàng thư ký muốn xé bỏ đi?” Jane Helier sực nhớ hỏi lại.
“Dường như... ối chà! Tôi cũng không biết... Chuyện lạ. Anh ta cũng nhận thư từ qua lại từ bên Đức sao? Cho dẫu, tất nhiên là, gã được cho vô tội như lời suy đoán của ngài...”
“Ngài Henry có nói ra vậy đâu”, bà Marple nhanh nhảu đáp, đang lúc nói riêng với bà Bantry, bà ngước mặt lên nói “Ngài nói có bốn nghi can. Như vậy kể luôn cả anh chàng Templeton. Ngài Henry thấy đúng không?”
“Vâng, bà Marple. Tôi đã thấm thía một điều chớ nên suy đoán một người nào là vô tội. Tôi sẽ đưa ra lý do vì sao nghi ba người kia, nghe ra thật phi lý. Ngay thời điểm đó tôi chưa nghi cho anh chàng Templeton. Cuối cùng tôi sực nhớ ra dựa theo quy luật tôi nêu lên ban nãy và tôi đã chọn giải pháp: bất cứ một quân đội nào dù là bộ binh hải quân hoặc là cảnh sát đều có những tay làm nhân viên nội gián, cho dù ta không muốn nhìn nhận sự thật. Tôi lặng lẽ theo dõi trường hợp nghi can Charles Templeton”.
“Tôi đã tự đặt mình vô những điều thắc mắc Helier nêu lên. Tại sao chỉ còn một mình anh ta không chịu đưa cái thư ra, cái thư đóng dấu tem từ bên Đức gởi. Sao anh ta lại có thư từ qua lại từ bên Đức?”
“Cuối cùng tôi nêu lên một câu hỏi nghe vô tư. Anh ta cho biết đơn giản thôi. Mẹ anh ta có một người chị lấy chồng Đức. Lá thư đó là do một người em gái bà con gởi qua. Từ đó tôi mới biết... là Charles Templeton có bà con ở bên Đức. Tôi thấy cần phải đưa tên anh ta vô danh sách tình nghi... phải vậy thôi. Tôi coi gã như người nhà, một anh chàng tử tế đáng tin cậy, nhưng theo thói thường và công bằng mà xét, tên anh ta được xếp lên trên hàng đầu các nghi can”.
“Nhưng còn một việc này... tôi không biết! Tôi không biết... và hầu như chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ biết. Đây không phải chuyện trừng phạt một tên tội phạm. Một vấn đề khác đối với tôi có mức độ quan trọng gấp trăm lần. Phải nói đó là vết nhơ trong sự nghiệp một người được trọng vọng... vì bị tình nghi... Một nghi can mà tôi không thể làm ngơ”.
Bà Marple vừa ho vừa nói nhỏ nhẹ:
“Vậy là, thưa ngài Henry, nếu tôi đoán không nhầm chính anh chàng Templeton đã khiến ngài phải lo lắng”.
“Cũng có phần đúng. Xét cho cùng thì cả bốn người xếp chung vô một danh sách nhưng chưa hẳn là vậy đâu. Ví như trường hợp của Dobbs, người làm vườn, thì không ảnh hưởng gì tới công việc trước mắt, nếu tôi có nghi cho ông ta. Không ai trong lòng nghĩ chuyện tiến sĩ Rosen chết là do tai nạn. Bà Gertrud thì có phần nào đau đớn. Phải nói là cách đối xử giữa cô Rosen với bà có khác hơn. Nhưng nghĩ lại chuyện đó không ăn thua gì”.
“Còn lại Greta Rosen. Vâng, mấu chốt vấn đề là đấy, Greta một cô gái nh đẹp, còn Charles một chàng thanh niên điển trai, hai người quấn quít bên nhau đến nay được năm tháng. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Hai người phải lòng nhau... theo kiểu ‘tình trong như đã mặt ngoài còn e’?”
“Thế rồi tai họa ập tới. Đến nay đã ba tháng; lúc đó tôi vừa trở lại được ít bữa, Greta Rosen đến thăm. Nàng cho hay đã bán nhà để trở về bên Đức, có giải quyết công việc cho người chú. Nàng đích thân đến nhà dù biết là tôi đã về hưu và cũng bởi có việc riêng nên nàng muốn gặp tôi. Sau một hồi nói vòng vo tam quốc nàng mới khai thiệt. Tôi nghĩ sao đây? Chính vì cái thư đóng dấu tem bên Đức nên nàng mới thắc mắc, bận tâm, cái thư Charles đã xé bỏ. Như vậy có được không? Phải được thôi. Là vì nàng tin theo lời anh ta kể nhưng mà... Ôi! Giá mà nàng hiểu được! Giá mà nàng biết được... mà chắc vậy”.
“Bà thấy chưa? Trước sau như một: nàng muốn tin nhưng trong đầu còn ngấm ngầm nửa tin nửa ngờ. Tôi thấy sao nói vậy và yêu cầu nàng nên nghe theo. Tôi hỏi nàng có thật tình lo lắng cho Charles và ngược lại anh ta cũng lo cho nàng”.
“Hình như vậy”, nàng nói “À vâng, tôi thấy hình như là vậy. Chúng tôi rất hạnh phúc. Mỗi ngày qua là một ngày vui, cả hai đứa tôi biết điều đó. Không vội vã, thời gian còn dài. Một hôm chàng ngỏ lời với tôi, tôi đáp lại tôi cũng nói yêu chàng. Ồ! Nhưng mà ông có thể đoán được không, nay thì đã khác xưa. Một áng mây đen đã ngăn cách chúng tôi... Nhìn nhau mà thấy ngượng, không biết ăn nói ra sao, chắc là anh ta cũng nhận ra điều đó... Trong thâm tâm mỗi người tự nói ra: ‘Nếu mà tôi biết chắc!’ Cho nên, thưa ngài Henry, xin ngài nói với tôi là, ‘Cô em tin chắc đi, có người đã giết ông chú, nhưng không phải Charles Templeton!’ Ông nói đi! Ôi, nói cho tôi biết! Van ông... xinn ông!”
“Thôi, bỏ đi”, ngài Henry nói, hai tay đấm xuống bàn, “Tôi không thể nói cho nàng nghe. Hai người cùng xa cách, cả hai... đổ tội cho nhau như ma ám trong đầu. Làm sao đuổi nó đi”.
Ông ngã người ra sau mặt mũi bơ phờ, buồn xo. Ông lắc đầu chán nản.
“Mọi việc không thể giải quyết trừ khi...” ông ngồi ngay lại một nụ cười khó hiểu thoáng hiện trên gương mặt ông... trừ khi bà Marple muốn giúp tôi một tay. Được không, bà Marple? Tôi đoán hình như bà đã biết cái thư đó. Thư gửi cho hội thánh nhà thờ. Bà thử nhớ lại việc gì đó hay một người nào đó có thể làm sáng tỏ mọi vấn đề? Bà có thể giúp cho đôi bạn yêu nhau, họ đang lúc tuyệt vọng, có thể tìm thấy lại hạnh phúc?”
Ẩn sau nụ cười khó hiểu, lời yêu cầu của ông nói lên tấm lòng nhiệt thành. Ông liên tưởng ngay tới khả năng yận dụng trí nhớ của một người đã có tuổi. Ông nhìn qua bà một cái nhìn tha thiết, khẩn cầu.
Bà Marple húng hắng ho, đưa tay vuốt lại nếp đăng ten trên ve áo.
“Việc này nhắc tôi nhớ lại Annie Poultny”, bà nói “Tất nhiên chuyện cái thư đó đã rõ, cả tôi và bà Bantry biết. Không phải cái thư của hội thánh nhà thờ, mà là cái thư kia. Ông sống lâu năm ở Luân Đôn, nhưng không biết chuyện làm vườn, thưa ngài Henry, nên không để ý”.
“Ô kìa”, ngài Henry lên tiếng, “Để ý chuyện gì?”
Bà Bantry chìa tay qua lấy cuốn catalogue, mở ra đọc to lên có vẻ thích thú.
“Tiến sĩ Helmuth Spath. Giống cây tử đinh hương, rất đẹp, cành dài cứng cáp, chọn làm giâm cành hoặc làm đẹp cho vườn cây. Một nét đẹp thật mới lạ”.
“Edgar Jackson, một giống hoa cúc, sắc hoa màu ngói lạ mắt”.
“Arnos Perry. Màu đỏ chói trang trí trên cao”.
“Tsingtau. Màu đỏ cam chói lọi, trồng trong vườn cho ra hoa sắc màu lòe loẹt, lâu tàn”.
“Thiệt tình...”
“Chữ thiệt tình viết hoa, ông nhớ chứ”, bà Marple nói nhỏ.
“Thiệt tình. Sắc hồng và sắc trắng, bông hoa nở to cánh, tròn trịa”.
Bà Bantry buông tập sách catalogue xuống mồm hô to như la làng:
“Dahifiasl!” (Một loài hoa thược dược)
“Chữ đầu của mỗi câu ghép lại có nghĩa là DEATH (chết)”, bà Marple phân bua.
“Nhưng cái thư gởi cho tiến sĩ Rosen”, ngài Henry bắt bẻ lại.
“Đấy mới là chuyện đáng nói”, bà Marple nói “Cái thư mang theo một lời cảnh báo. Ông ta biết tính sao, vừa nhận được thư của một người xa lạ, nội dung ghi đủ thứ tên ông ta mù tịt. Rồi sao nữa, tất nhiên ông quăng qua bên bàn cho người thư ký”.
“Vậy là, rốt cuộc...”
“Ồ, không”, bà Marple nói, “không phải người thư ký. Sao nữa, rõ ràng không phải anh ta, nếu có thư chăng nữa anh ta sẽ không để cho ai biết. Hơn nữa anh ta chẳng muốn xé bỏ nó đi khi cái thư được đóng dấu bên Đức. Thiệt tình, chính cái vô tư của anh ta... nếu ngài cho phép tôi nói... đã rõ”.
“Vậy thì ai...”
“À, có một điều chắc chắn... phải nói chắc như bắp, có một người thứ ba tại bữa ăn sáng và lúc đó nàng muốn tranh thủ thời cơ, chìa tay ra cầm lấy thư đọc. Chỉ có vậy. Ngài còn nhớ nàng vừa nhận được một tập sách catalogue cũng từ bên Đức gởi...”
“Greta Rosen”, ngài Henry nói chậm rãi. “Cho nên nàng muốn tìm đến nhà tôi”.
“Mấy ông có thói quen không chịu nhìn thấu suốt vấn đề”, bà Marple nói “Tôi thừa hiểu mấy ông cho bọn tôi già cả khác nào lũ mèo, thấy sao biết vậy. Tôi muốn chứng minh phần đông người ta chỉ biết bênh vực cho mình, khổ thế đấy. Theo tôi thấy giữa hai người có một sự ngăn cách. Anh chàng thư ký cảm thấy khinh thị nàng một cách vô cớ. Anh ta hiềm nghi là vì linh tính báo cho biết và anh ta không muốn giấu chuyện đó. Tôi mới hiểu là cô nàng muốn tìm đến nhà ông là do oán hận mà reo. Rõ ràng nàng vô tội, nhưng lại có ý muốn để cho ông thấy anh chàng Templeton mới là nghi can. Thoạt đầu ông chưa biết anh ta ra sao cho tới lúc cô nàng tới nhà gặp ông”.
“Tôi cam đoan là không phải do cô ấy nói...” Ngài Henry nói.
“Các ngài”, bà Marple điềm nhiên nói, “không bao giờ nhìn thấu suốt vấn đề”.
“Còn cô nàng”, ông dừng lại, “đã phạm một trọng tội mà vẫn sống ung dung”.
“Ôi! Không, thưa ngài Henry”, bà Marple nói, “không thể sống ung dung. Cả ông và tôi không ai tin có chuyện đó. Hẳn ông còn nhớ đã nói gì cách đây không lâu. Không, Greta Rosen không thể nào thoát khỏi tội. Tôi đoán là, khó có thể nào thoát khỏi một nhóm băng đảng... chúng là bọn tống tiền và khủng bố mối quan hệ không giúp gì cho nàng, mà còn có thể nhận lấy hậu quả bi thảm. Theo lời ông, ta không nên phí thời giờ nghĩ đến người có tội... chính người vô tội mới đáng nói. Anh chàng Templeton, tôi dám nói chắc, sẽ lấy cô nàng bà con chú bác làm vợ, việc anh ta xé bức thư nàng gửi coi như là... vâng, một điều đáng ngờ... Tôi nhắc lại chỗ này hoàn toàn khác với lúc ngồi bàn thảo luận buổi tối. Còn nhớ lúc đó gã có vẻ lo sợ cô nàng kia để ý cái thư, và muốn coi? Vâng, tôi thấy câu chuyện tình này có vẻ lãng mạn. Phải kể luôn Dobbs... vâng, theo như lời ông, người làm vườn không có chuyện gì. Cuối cùng bà Gertrud nhắc tôi nhớ lại, Annie Poultny. Tội nghiệp Annie Poultny. Sau năm mươi năm tận tụy phục vụ phải chịu nghi oan cho tội lấy trộm tờ di chúc của bà Lamb, dù không có bằng chứng buộc tội. Khổ cho bà, một đời trung thành với chủ, cho tới ngày bà chủ chết mới vỡ lẽ tờ di chúc bà Lamb đem cất giấu trong hộp đựng trà không cho ai biết. Tội nghiệp Annie sự thể quá muộn màng”.
“Nghĩ tới bà giúp việc tôi thấy đau lòng, khi người ta tới tuổi già mới thấy thấm thía, chua xót. Tôi thấy thương hại bà, hơn là anh chàng Templeton, anh ta còn trẻ mặt mũi điển trai. Ngài Henry nên viết thư cho bà kể cho bà nghe bà hoàn toàn vô tội, có nên chăng? Chủ nhân đã chết, bà đừng ân hận làm gì. Chao ôi! Làm sao chịu nổi!”
“Bà Marple, tôi sẽ làm theo lời dặn của bà”, ngài Henry nói. Ông nhìn sâu vô mắt bà. “Bà biết không, tôi không hiểu bà nổi. Quan điểm của bà hoàn toàn trái với những điều tôi nghĩ trong đầu”.
“Tuy vậy chứ quan điểm của tôi lúc nào cũng trong sáng”, bà Marple khiêm tốn nói: “Tôi ít khi nào rời xa St. Mary Mead”.
“Vậy mà bà đã giải quyết xong một việc bí ẩn mang tính tầm cỡ quốc tế”, ngài Henry nói “Bởi bà đã làm xong nhiệm vụ. Tôi nhận ra điều đó”.
Bà Marple ngỡ ngàng, hai bên má ửng hồng, điểm một chút hờn dỗi.
“Bởi từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ kỹ càng. Hai chị em tôi được một gia sư người Đức kèm. Cô giáo là một người dạt dào tình cảm. Cô dạy bọn tôi hiểu thế nào là ngôn ngữ các loài hoa... một bài học ngày nay đã bị quên lãng, dù rất là thú vị. Hoa tulip vàng là tượng trưng tình tuyệt vọng trong khi hoa thúy các nói thay lời - vì ghen mà tôi chịu chết dưới chân nàng. Dưới lá thư ký tên Georgine, tôi sực nhớ tiếng Đức là Dahlia (hoa thược dược), càng hay vì mọi chuyện tới đây đã rõ. Tôi ráng nhớ ý nghĩa của loài hoa thược dược, nhưng hỡi ơi, lại quên mất. Đầu óc tôi nó ra làm sao ấy”.
“Nói chung nó không mang ý nghĩa CHẾT CHÓC”.
“Không đâu, khiếp thật phải không? Thế gian này còn lắm chuyện đau buồn”.
“Còn chứ”, bà Bantry thở ra nói “Cũng may người ta kẻ được hoa, người được bạn”.
“Bà nhắc đến bọn mình sau rốt, ông thấy chưa”, bác sĩ Lloyd nói.
“Đêm nào cũng có một anh chàng đem hoa lan tím tặng cho tôi tại nhà hát”, Jane mơ màng nói.
“Tôi mong nhận được ân huệ từ bàn tay của cô em, tôi mong lắm thay”, bà Marple tưởng tượng hớn hở nói.
Ngài Henry ho khan, ông quay qua chỗ khác.
Chợt bà Marple kêu lên.
“Tôi nhớ ra rồi! Hoa thược dược có nghĩa là ‘dối trá xỏ viên’.”
“Tuyệt”, ngài Henry nói “Hết chỗ chê”.
Nói xong ngài thở ra.

Chương trước Chương sau