Bóng tối Đồng Pha Lan - Chương 06

Bóng tối Đồng Pha Lan - Chương 06

Bóng tối Đồng Pha Lan
Chương 06

Ngày đăng
Tổng cộng 20 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 22238 lượt xem

Giờ ấy, văn phòng bí mật của ông Hoàng, tổng giám đốc mật vụ còn sáng rực ánh đèn ở Sài Gòn.
Như thường lệ, ông Hoàng lại thức suốt đêm với ly cà phê luôn luôn được rót đầy và đĩa đựng tàn đầy ắp mẩu xì gà Ha-van đặc biệt. Thân hình gầy guộc cố hữu của ông trở nên gầy guộc thêm trong bộ com-lê cũ kĩ chật chội và xấu xí.
Châm điếu Ha-van mới - có lẽ là điếu thứ 30 trong ngày - ông Hoàng bấm chuông gọi Nguyên Hương, cô thư ký không-bao-giờ-già của Sở.
Không ngẩng đầu lên khỏi đống hồ sơ cao ngất, ông Hoàng hỏi:
- Bức điện từ Vạn Tượng đánh về đã dịch xong chưa?
Nguyên Hương đáp:
- Thưa rồi.
Ông tổng giám đốc ra hiệu cho Nguyên Hương đọc. Tiếng nàng vang lên đều đều trong căn phòng im lặng:
“Mật điện số 22, nhận được hồi 3g30 sáng, giờ Saigon.
“Z.413.
“Kính gửi HH.
“Bổ túc cho bức điện gửi về cách đây hai hôm, xin trân trọng báo cáo tiếp.
“Thời cơ đã thuận tiện cho chúng ta tổ chức tại Sầm Nứa, và trong vùng do đối phương kiểm soát. Xin cho nhân viên lên ngay.
“Tôi đã có thể mua chuộc được Nam Tha qua trung gian của Mường Xinh. Để đài thọ phí tổn, xin chuyển ngân nội ngày mai cho tôi ba ngàn đô la.
“Z.413.
Thấy ông tổng giám đốc lặng lẽ rít xì gà, Nguyên Hương sửng sốt:
- Thưa, ông định thả nhân viên xuống căn cứ Sầm Nứa của Pathét Lào?
Ông Hoàng phì cười:
- Thả anh em xuống Sầm Nứa làm gì? Dưới đấy chỉ có mấy trại binh lèo tèo mà tôi đã biết rõ quân số. Vì điều kiện an ninh, tôi phải dùng mật ngữ trong mật mã. Sầm Nứa trong bức điện của Z.413 có nghĩa là toà đại sứ Bắc Việt tại Vạn Tượng.
Tôi có một kế hoạch gài người vào trong sứ quán Bắc Việt. “Tổ chức tại Sầm Nứa” nghĩa là kế hoạch thâm nhập này có thể được thi hành.
- Thưa, còn Nam Tha và Mường Xinh.
- Cô không hiểu nghĩa thật của hai chữ Nam Tha và Mường Xinh vì cũng là mật ngữ. Đó là tên hai người, một đàn ông, và một đàn bà. Họ sẽ giúp ta đạt được mục đích.
Bỗng ông Hoàng nheo mắt:
- Văn Bình hiện ở đâu?
Nghe ông tổng giám đốc nhắc đến tên Văn Bình - Z.28, Nguyên Hương luống cuống suýt rơi cây bút chì.
- Thưa, Z.28 đang ở Vọng Các.
- Khách sạn nào?
- Thưa, Thai Hotel.
Ông Hoàng hơi cau mặt:
- Hừ, tôi dặn lấy phòng ở Erawan kia mà?
Nguyên Hương không giấu được giọt nước mắt long lanh.
- Thưa, Z.28 viện cớ Erawan ở trung tâm thành phố, quá ồn ào, không thích hợp với người nghỉ mát, vả lại, ở xa phi trường và toà đại sứ Việt Nam.
Ông Hoàng ngẩng nhìn cô thư ký:
- Cô tin như vậy không?
Nàng thở dài nhè nhẹ:
- Thưa không.
Ông Hoàng lẩm bẩm:
- Lạ thật chứng nào vẫn tật ấy. Đi đâu cũng nghĩ đến du hí, sớm muộn rồi chết vì nữ sắc mất thôi.
Rồi đổi giọng nghiêm nghị:
- Cô đánh điện ngay cho đệ nhị tham vụ của sứ quán ta tại Vọng Các. Ra lệnh cho Lê Thái tới gặp Văn Bình và đưa Văn Bình lên chuyến máy bay sớm nhất đi Vạn Tượng.
Nguyên Hương đã lấy lại phong độ tháo vát và trịnh trọng của người bí thư quen việc:
- Thưa, còn chi tiết công tác?
- Văn Bình sẽ nhận được sau khi tới trường bay Vạt Chai.
Nguyên Hương rón rén ra phòng ngoài.
Nàng bước thật nhẹ, dường như sợ tiếng động mạnh sẽ phá rối sự suy nghĩ của ông tổng giám đốc.
Ngồi một mình trong văn phòng rộng, ông Hoàng lúi húi rút ra tập hồ sơ bìa vàng, ngoài đề hai chữ Sầm Nứa bằng chữ gô-tích mực đỏ tươi. Ông Hoàng nhẩm lại bản báo cáo:
1. - Nam Tha: Nam Tha là mật hiệu đặt cho Hoài Thanh, đệ nhị tham vụ của sứ quán “Việt Nam dân chủ cộng hoà” tại Vạn Tượng. Y là nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp, học rộng, từng phục vụ tại nước ngoài nhiều năm.
Tuy chưa được hoàn toàn tin cậy, Hoài Thanh cũng nắm trong tay nhiều giấy tờ quan trọng. Trong tuần qua, được biết chắc một bản danh sách bí mật loại A1 được gửi từ Hà Nội tới, và chuyển qua tay Hoài Thanh để nghiên cứu.
Y còn trẻ, ham chơi và rất cần tiền. Tố chức y không khó lắm, miễn hồ kín đáo.
2. - Mường Xinh: Mường Xinh là mật hiệu đặt cho một thiếu phụ tên là nàng Boun, người Lào.
Nàng Boun trạc ba mươi, rất quen tên trong xã hội ăn chơi Vạn Tượng. Tính tình độc lập, không sống chung với người đàn ông nào được lâu, cũng như không chịu làm cho ngoại quốc. Chức thư ký tại hãng hàng không quốc gia Lào đối với nàng chỉ là việc giết thời giờ hơn là mưu sinh, vì lẽ nàng tiêu tiền nhiều hơn kiếm được, và các bạn trai thượng lưu luôn luôn cung cấp đầy đủ cho nàng.
Nhược điểm quan trọng: nàng Boun rất thương em trai tên là Xiêng May, trung sĩ trong quân đội hoàng gia. Xiêng May bị Pathét Lào bắt và có lẽ đã chết. Tuy vậy nàng Boun vẫn tin em nàng còn sống. Một số người đã lợi dụng tình trạng này để làm tiền nàng. Nếu đánh lừa được nàng Boun là Xiêng May được yên ổn và sẽ được phóng thích, thì bảo gì nàng cũng sẵn sàng nghe theo.
Ông Hoàng đóng hồ sơ lại.
Điếu xì gà trên môi ông đã cháy một phần ba, mùi thơm thoang thoảng. Trong cuộc đời ngắn ngủi còn lại ông không còn thú vui nào nữa, ngoại trừ thú vui bè bạn với xì gà Ha-van.
Dáng điệu chậm chạp, ông tổng giám đốc tiến lại tủ sắt đồ sộ gắn vào tường bê tông. Ông lấy ra một cuốn sổ tay bìa đỏ, bên trong chữ viết li ti.
Trên đầu một trang, có hàng chữ như sau bằng mực đỏ:
“Lược thuật về cơ sở tình báo của Cộng sản Bắc Việt tại Ai Lao.
Bên dưới là nhiều tấm ảnh căn cước. Tấm thứ nhất chụp một thanh niên trạc tứ tuần, nét mặt gân guốc, cặp mắt sáng như điện. Trong bức thứ hai có một người đàn ông trên ba mươi, cặp kính mát to tướng thỗn thện trên mắt, và cái tẩu thuốc lá ngật ngưỡng ở miệng.
Ông Hoàng không lạ gì hai người này. Họ là đại tá Trần Chương và đại uý Phạm Nghị, đầu não của bộ máy do thám vô cùng nguy hiểm của Bắc Việt tại Vạn Tượng.
Trầm ngâm một lát, ông tổng giám đốc nhấc điện thoại và quay số.
Chuông điện thoại reo vang trong phòng khách sạn của Văn Bình.
Thật ra, chuông điện thoại trong Thai Hotel reo rất êm, song Văn Bình vẫn có cảm giác là âm thanh chọc thủng màng tai. Ngoảnh sang bên thấy cô bạn người Thái nằm ngoan ngoãn, mí mắt nhắm lại một cách nũng nịu, chàng thở dài tiếc nuối hạnh phúc bị bỏ dở trước khi uể oải áp ống nghe vào tai.
Chàng giật mình vì kẻ đối thoại có giọng nói rất quen thuộc. Giọng nói khô khan của đệ nhị tham vụ toà đại sứ.
Văn Bình nghe rõ như ai thét bên mình:
- Mùa xuân đấy phải không? Mùa xuân đấy phải không?
Trời nóng chảy mỡ, người và vật biến thành than ở thủ đô Vọng Các mà thiên hạ lại nhắc nhở đến mùa xuân. Viên tham vụ nói tiếng Việt, Văn Bình đáp lại bằng Anh ngữ, vẻ cáu kỉnh cố hữu - cáu kỉnh mỗi khi bị phá đám - hiện rõ trên mặt và tràn ngập giọng nói cộc lốc:
- Ông lầm rồi.
Chàng ném điện thoại xuống bàn. Từ trong ống nói vẳng ra câu hỏi lạ lùng “mùa xuân đấy phải không?”. Đợi điện đàm cắt hẳn, chàng mới nhấc máy lên.
Đến lượt chàng nghe giọng nói ngọt như trái cây mùa xuân của cô gái giữ điện thoại trong lữ quán:
- Thưa ông, có người vừa gọi cho ông.
Văn Bình nhăn mặt:
- Tôi đã dặn cô là trong khi tôi ngủ không ai được quấy rầy kia mà. Cả cô cũng muốn hại tôi nữa ư?
- Em thành thật xin lỗi ông. Xin lỗi ông ngàn lần. Em nhất định không cho số, nhưng bạn ông cứ nằng nặc nói là quan trọng lắm.
- Chuyện gì mà quan trọng?
- Em không biết. Ông ấy doạ là không thể chờ được, và nếu có việc gì trục trặc thì em phải chịu trách nhiệm. Em sợ quá, vả lại…
- Ồ, thằng cha láo lếu. Chẳng có gì quan trọng cả. Cô bị hắn lừa mà không biết. Hắn điện thoại cho tôi nhờ tôi mời cô đi chơi với hắn.
- Mời em đi chơi?
- Phải, đi chơi trên xa lộ. Rồi đi ăn, đi đâu nữa, cô thừa biết.
- Em không dám.
- Đúng, cô từ chối là phải. Hắn là kẻ không thành thật với đàn bà, nhất là đàn bà dễ yêu như cô.
- Em xấu lắm.
- Hừ, hàng triệu phụ nữ trên thế giới cầu trời, khấn Phật để xấu bằng phần mười cô mà không được.
- Cảm ơn ông.
- Cô khách sáo ghê. Bây giờ cô nghĩ thế nào?
- Thưa ông, theo nội quy của lữ quán, em không được phép đi chơi với khách.
- Ồ, cô quên mất rồi. Đêm trước cô vừa đi chơi với tôi.
- Ông là khác.
- Tôi cũng là khách của lữ quán.
- Nhưng em lại có cảm tình với ông. Vả lại… em định từ chối mà không được.
- Tôi có cưỡng bách cô đâu.
- Không. Đó là lòng em.
- A ha, cô làm tôi sung sướng như được lên thiên đường. Tối nay cô đi ăn với tôi nữa nhé?
- Em cảm ơn ông.
- Nghĩa là cô nhận lời?
- Thưa ông, không.
- Sao vậy? Cô lại giận tôi rồi ư?
- Em đâu dám.
- Hay là ông giám đốc cấm đoán?
- Cũng không phải. Em sẵn sàng thôi việc nếu ông giám đốc xía vào đời tư của em. Sở dĩ em thoái thác là vì ông. Vì em sợ cô bạn gái hiện ở trong phòng ông thù oán. Ông tệ thật. Ông là người đàn ông đáng yêu nhất và đáng ghét nhất trên đời.
Nói xong, nàng cắt điện đàm.
Có lẽ nàng đang lấy mù soa lau một giọt nước mắt. Văn Bình úi chao một tiếng rồi lặng người, nằm duỗi chân trên giường.
Đột nhiên, chàng mường tượng đến cái áo đầm có một không hai của cô gái phụ trách tổng đài điện thoại.
Cái áo may chật đến nỗi chỉ thở mạnh là có thể đứt phăng đường chỉ ni lông. Nếu nàng dự thi sắc đẹp, chắc hẳn ban giám khảo sẽ bắt nàng thay áo khác, vì người viễn thị nặng nhất thế giới khi được chiêm ngưỡng núi của quán quân mà nàng cố tình may áo thật chặt để triển lãm với đàn ông.
Tuần trước, Văn Bình gặp nàng ngoài hành lang.
Mải rửa cặp mắt, suýt nữa chàng húc phải anh bồi bưng khay thức ăn vào thang máy. Chàng xin lỗi:
- Cô đẹp quá làm tôi mờ cả mắt.
Chàng chỉ nói thế. Nhưng dáng dấp lịch sự Tây phương, cặp mắt tình tứ như thôi miên, đôi môi duyên dáng phi thường, và nhất là thân hình cân đối, cao lớn, chắc nịch của chàng đã tán tỉnh giùm chàng.
Hết giờ làm việc, chàng đợi nàng ngoài cửa phòng điện thoại, nhã nhặn mời nàng ra đường dạo mát. Không suy nghĩ, nàng nhận lời.
Đêm ấy nàng ngoan ngoãn theo chàng vào các hộp đêm tối om của thành phố Vọng Các. Mãi đến gần sáng, chàng mới dìu nàng ra ngoại ô, tới một khách sạn vắng vẻ trên xa lộ ra phi trường Đồn Mương.
Chàng đinh ninh nàng sẽ quên chàng như đã quên những người bạn một đêm khác. Nhưng nàng không quên. Nàng từ giã chàng, nước mắt rưng rưng như người bạn chung thuỷ tiễn đưa chồng ra biên ải. Mỗi lần biết chàng ở một mình trong phòng nàng lại gọi điện thoại nói chuyện.
Thế rồi…
Thế rồi nàng khám phá ra cô bạn gái của chàng.
Thiếu nữ nằm cạnh Văn Bình cựa mình.
Cô gái mở hé mắt rồi nhắm mắt lại như cũ. Chàng định ngủ lại song không tài nào ngủ được. Mặc dầu màn cửa được che kín, Văn Bình đã biết trời sáng rõ từ lâu. Giờ này, thiên hạ đã đi làm. Trừ những người vô công rồi nghề như chàng.
Chàng lẩm bẩm một mình:
- Mùa xuân đấy phải không?
Đó là mật ngữ mà ông Hoàng dặn chàng trước ngày chàng rời Saigon, qua Vọng Các du hí. Theo chỉ thị, người nói mật ngữ này là liên lạc viên của Sở có nhiệm vụ giao công tác mới cho chàng.
Nghĩa là thời gian xả hơi của chàng đã chấm dứt.
Hoạt động dưới quyền ông Hoàng đã lâu, Văn Bình đã dạn dĩ với thói quen lôi nhân viên dậy giữa đêm khuya, bắt đoạn tuyệt những mối tình nên thơ sắp thành tựu, rồi chỉ dành cho nửa giờ đồng hồ ngắn ngủi thu xếp hành trang trước khi sắp sửa nhảy lên phi cơ lạ, vèo tới một địa điểm vô định có Tử thần đợi sẵn với máu lửa, súng đạn và xác chết chồng chất.
Lần nào bị phá đám, chàng cũng bực mình. Lâu dần rồi quen đi, ông Hoàng vẫn tiếp tục sai người tới kéo chàng ra khỏi vòng tay của những người đàn bà quyến rũ và chàng vẫn tiếp tục trái lệnh trong chốc lát.
Nhưng chỉ mấy phút sau, lương tâm nghề nghiệp, và mối tình tri kỷ với ông Hoàng thức dậy trong lòng chàng.
Lặng lẽ, chàng bật đèn lên và ngồi nhỏm dậy. Cô gái hỏi chàng, giọng ngái ngủ:
- Anh đi đâu thế?
Văn Bình nhăn nhó:
- Xuống âm phủ.
Cô gái phá lên cười:
- Ồ, thế thì còn gì hay bằng. Anh xuống âm phủ làm gì?
- Để gặp con gái Diêm vương, mời nhảy một bài cha cha cha.
- Tuyệt. Em đang ngứa chân. Anh cho em đi theo để nhảy cho vui.
- Không được. Nàng ghen lắm.
- Em cũng ghen không kém. Coi chừng, ai léo hánh đến anh, em sẽ giết ngay. Dầu là ái nứ của vua âm phủ.
Vừa nói, cô gái vừa kéo cái mền mỏng che vai xuống, và cố tình nằm nghiêng sang bên, đối diện với ngọn đèn, cốt cho chàng ngắm làn da trơn bóng, cái bụng mỏng dính và những đường cong quyến rũ.
Văn Bình sửng sốt trong một giây đồng hồ. Chàng sực nhớ lại phút đầu tiên gặp nàng cách đây hai hôm trên sàn gỗ êm ái của một tiệm nhảy sang trọng gần khách sạn Erawan, khu thượng lưu của thủ đô Vọng Các.
Gặp Văn Bình, nàng có cảm tình ngay. Chàng không tìm hiểu nguyên nhân vì từ bao năm nay chàng vẫn nổi danh là hòn đá nam châm đối với phái yếu trên thế giới. Mặc cho nhiều người mời mọc mỏi miệng, nàng chỉ khiêu vũ với chàng.
Nàng gục đầu vào vai chàng trong khi ánh sáng tắt phụt, chỉ chừa cái bục hình tròn kê giữa khiêu vũ trường, nằm gọn giữa hai lùm đèn pha phô bày trước hàng trăm cặp mắt thèm thuồng những nét hấp dẫn của một thiếu nữ trẻ măng, run rẩy thoát y vũ theo điệu đàn.
Rồi nàng theo chàng về Thai Hotel.
Mỗi đêm, nàng ở lại với chàng. Tuy là người Thái trăm phần trăm, nàng lại có cái tên rất Tây, Simon.
Simon nắm tay chàng, thỏ thẻ:
- Anh sắp bỏ em phải không?
Văn Bình đáp:
- Không.
- Vậy anh sửa soạn đi đâu?
- Có lẽ anh phải rời Vọng Các.
- Bao giờ anh đi?
- Anh không biết nữa. Dầu sao, anh cũng ở đây khá lâu rồi. Anh muốn ở thêm, nhưng toà báo không thể nào cho anh nghỉ hè mãi.
- Em đi cùng với anh được không? Em thích nghề làm báo như anh quá!
Văn Bình tát nhẹ vào má Simon một cách thương hại. Nếu nàng biết chàng chỉ là thông tin viên báo chí giả hiệu, nàng sẽ không yêu nghề làm báo của chàng nữa.
Trong cuộc đời gián điệp quốc tế, Văn Bình đã làm hàng chục nghề nghiệp khác nhau. Có khi chàng trá hình làm cu li bến tàu, hoa tiêu hàng hải, cũng có khi chàng đội lốt tên bợm chuyên trèo tường, khoét vách để có thể được đưa ra toà lãnh án và ngồi tù nữa.
Lần này ông tổng giám đốc đa sự muốn chàng đóng vai nhà báo, đúng hơn đóng vai thông tin viên chiến tranh.
Vai lủng lẳng hai cái máy ảnh đắt tiền - một cái Nikon F, kính 0,8, một cái Rollei 2,8, kèm theo đầy đủ dụng cụ, tổng cộng gần ngàn đô la - một cái máy chữ Remington xách tay trong hành trang, với mớ đồ nghề cố hữu mà nhà báo nào cũng có như giấy trắng, bút chì nguyên tử, ống nhòm, Văn Bình vọt lên phi cơ đi Vọng Các.
Chàng định sang Âu Châu, song ông Hoàng chỉ muốn chàng dưỡng sức ở Thái. Như thường lệ, chàng phản đối:
- Thưa ông, dạo này Vọng Các nóng như trong lò nướng bánh. Nếu quả thật ông cho phép tôi nghỉ mát tại sao không cho tôi qua Pháp. Bờ biển phía nam dạo này đẹp ghê, không xấu như hồi ông ở bên ấy đâu. Vả lại…
- Anh đi Vọng Các tiện hơn.
- Thưa ông… đại hội điện ảnh sắp họp ở Cannes…
- Hừ, lần đầu tiên anh tỏ ra mê say nghệ thuật thứ bảy. Anh thích đóng phim không?
- Thưa…
- Còn rụt rè gì nữa. Trả lời thích đi cho rồi.
- Thưa thích.
- Ừ, xong việc tôi sẽ cho anh đi Cannes. Nhưng hiện thời, anh cần có mặt ở Viễn Đông. Tôi không muốn anh qua Pháp vì cô Katy đang có mặt tại Cannes. Anh có hẹn tuần sau với Katy phải không?
- Thưa… phải.
- Hừ, anh còn định giấu cả tôi. Lần này tôi phải phạt anh.
Đổi giọng nghiêm nghị, ông tổng giám đốc nói:
- Thật ra, tôi cũng chẳng muốn phạt anh làm gì. Anh cần hò hẹn cũng như con người cần dưỡng khí để thở. Chẳng qua tôi muốn anh ở Vọng Các là vì một chuyện quan trọng sắp xảy ra.
Thế rồi, Văn Bình lên đường.
Mùa xuân, là mật ngữ quái ác chàng không muốn nghe mà vẫn phải nghe.
Tiếng nói của Simon nheo nhéo bên tai chàng:
- Cho em sang Lào với nhé?
Chàng lắc đầu:
- Không được.
Simon trợn mắt:
- Anh không cho, em cũng đi.
Văn Bình trợn mắt lại:
- Sao được?
Thấy Simon rưng rưng hàng lệ, chàng đành đấu dịu:
- Em yên tâm. Chỉ một vài tuần sau anh trở lại Vọng Các.
Simon giơ bàn tay búp măng lên trời:
- Em không tin. Anh thề đi.
Văn Bình thở dài:
- Nếu em bắt, anh xin chiều. Nhưng em đừng quên rằng lời thề dưới thời đại nguyên tử này không còn thiêng nữa đâu.
- Dĩ nhiên, kẻ nuốt lời thề không thể bị xe cán, song ít ra cũng thẹn với lương tâm. Em biết anh là người có lương tâm quang minh chính đại.
- Em ơi, trong đời lắm khi người ta không được quyền thoả mãn sở thích của mình. Anh giang hồ đã nhiều và đã gặp nhiều đàn bà. Và anh đã thề nhiều lần. Bây giờ anh không muốn thề nữa. Vì anh muốn thành thật với em. Anh không thể đánh lừa em.
Lời nói chân thành của Văn Bình làm Simon rung động. Lăn lộn dưới ánh đèn màu, nàng đã quen với lời thề cá trê chui ống của đàn ông. Song nàng cảm thấy Văn Bình không nói dối.
Cuộc gặp gỡ với Văn Bình đã hoàn toàn thay đổi quan niệm về đời sống của Simon. Nàng chưa hề yêu ai, hoặc đúng hơn, nàng đã yêu nhưng chỉ yêu ví tiền đầy đô la Mỹ, yêu những chiếc Cađilắc dài ngoằng gắn máy lạnh và âm thanh nổi, yêu những toà biệt thự tráng lệ dọc bờ biển. Nhưng từ ngày gặp gỡ chàng thanh niên khôi ngô, bặt thiệp và cường tráng này nàng cảm thấy cuộc đời đáng sống hơn trước.
Và nàng bắt đầu yêu.
Nàng nhớ lại rõ mồn một những chuyện xảy ra trong một tiệm ăn tối lờ mờ gần lữ quán Thai Hotel. Nàng yêu chàng vì chàng là thần tượng trong đám đàn ông không đặc sắc.
Song nàng lại yêu chàng hơn nữa khi khám phá ra chàng là một thanh niên can đảm, võ dũng khác thường.
Chàng mời nàng vào tiệm ăn sau khi lái xe ngao du trong châu thành Vọng Các. Nàng vừa ngồi xuống ghế thì ba người Âu cao lớn nhìn nàng bằng đôi mắt sống sượng như muốn bóc trần thân thể nàng..
Khi ấy Văn Bình ra cửa mua thuốc lá Salem. Lẽ ra, chàng quay vào sớm hơn, nhưng bộ y phục cũn cỡn, còn cũn cỡn hơn đồ tắm biển, của cô gái bán thuốc lá trong tiệm ăn đã bắt chàng lần khân thêm mấy phút nữa. Và chàng chỉ chịu cất bước khi đạt thêm một thắng lợi mới.
Đến gần bàn ăn, chàng ngạc nhiên khi thấy một gã vai u thịt bắp nghênh ngang kéo ghế ngồi sát Simon, phà vào mặt nàng hơi rượu nồng nặc.
Simon làm thinh, không đáp lại lời tán tỉnh thô lỗ của hắn. Được thể, gã người Âu làm già. Thấy Văn Bình, nàng mừng như bắt được của.
Nàng đề nghị với chàng bằng giọng cầu khẩn, gần như rưng rưng nước mắt:
- Chúng mình đi chỗ khác đi anh.
Văn Bình đáp:
- Không, ở đây vui hơn. Giàn nhạc Phi Luật Tân hay số một em ạ.
Simon nói:
- Em không còn tâm trí nào nghe nhạc nữa. Mấy thằng say rượu này song tàng quá.
Nàng nói dứt lời thì một gã người Âu khác say bí tỉ, loạng choạng tới bên, bàn tay lông lá vuốt vào má nàng, đoạn rú lên cười sằng sặc.
Văn Bình không thể nhịn nhục được nữa. Như mỗi lần, ông Hoàng dặn chàng cố gắng chịu đựng mỗi khi bị thiên hạ gây sự. Ông Hoàng khuyên chàng không nên vào những vũ trường có người đẹp, hoặc cặp kè với người đẹp vào nơi có nhiều dân anh chị. Ban chuyên môn của Sở đã đưa cho chàng bản danh sách những vũ trường và tửu quán mà chàng không nên léo hánh tới.
Song chàng không nghe. Ông Hoàng lấy phòng cho chàng ở Erawan thì chàng tìm đến Thai Hotel. Ông Hoàng không muốn chàng bắt bồ với đàn bà Thái trong thời gian chờ đợi công tác thì chàng dính như sơn với Simon…
Máu anh hùng sôi sục trong huyết quản Văn Bình. Hàng chục lần chàng đụng đầu với bọn du côn vũ trường. Hàng chục lần, chàng phải dụng võ. Nay thêm một lần nữa cũng chẳng sao…
Chàng gằn giọng:
- Tôi cho anh một phút để về bàn. Nếu không anh đừng trách tôi khiếm nhã.
Cả bọn cười ồ.
Có lẽ chúng cho chàng là thằng điên. Vì là thằng điên mới dám đương đầu với ba cây thịt đồ sộ cộng lại gần ba trăm ký.
Simon đứng dậy, níu áo Văn Bình, giọng van lơn:
- Đừng anh. Em trông họ dữ tợn lắm. Cánh tay nào cũng xăm sọ dừa với xương chéo. Say rượu như thế, họ có thể giết anh như chơi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, anh nhịn đi là hơn.
Simon không can ngăn, chàng có thể nhịn được. Nàng đã lên tiếng, chàng cần ra tay cho nàng biết.
Vả lại, dẫu chàng muốn nhịn cũng không kịp nữa. Một tên người Âu hung hăng nhất lừ lừ tiến về phía chàng, miệng la hét om sòm.
Đèn trong vũ trường vụt bật sáng quắc. Mọi người nín thở chờ chuyện đáng tiếc xảy ra.
Văn Bình vẫn ngồi trầm ngâm trước ly huýt-ky nguyên chất, không ngẩng đầu lên, cũng như không thèm quan tâm đến bầu không khí căng thẳng trong tiệm nhảy đông khách.
Tên say rượu gầm lên:
- Thế nào, mày dám thử sức với tao không?
Chẳng nói, chẳng rằng, Văn Bình hắt ly rượu vào mặt hắn. Như vậy nghĩa là chàng tấn công trước và chàng cố tình hạ nhục đối phương.
Nghĩa là máu phải đổ. Gã người Âu không tránh kịp, ôm mặt ho sặc sụa.
Một tên lao vào người Văn Bình. Không thèm đứng dậy, Văn Bình khẽ gạt tay.
Bàn tay cứng như thép của chàng xô hắn ngã nhoài trên đất. Tên thứ hai với chai rượu bổ vào đầu Văn Bình.
Chàng thản nhiên chờ vỏ chai tới gần mới đẩy bật ra. Một phát atemi êm ái vào cườm tay làm đối phương đau bủn rủn. Bỗng Simon rú lên thất thanh:
- Trời ơi!
Tên thứ ba rút dao ra không biết từ lúc nào, đang nhắm ngay gáy Văn Bình đâm mạnh xuống. Ai cũng tưởng chàng bị mạng vong. Khách chơi đêm không thể hiểu rằng Văn Bình là võ sĩ tuyệt luân có tài né tránh đòn ngầm đánh lén sau lưng.
Nghe tiếng gió, chàng lạng người sang bên hữu. Lưỡi dao đâm trệch xuống bàn. Văn Bình giáng một nhát sống bàn tay vào xương bả vai địch. Hắn buông con dao sáng quắc rồi rú lên như bị thọc huyết.
Cuộc ẩu đả diễn ra trong vòng một phút đồng hồ. Ba gã khổng lồ bị Văn Bình đánh ngã một cách thần tốc và dễ dàng như trong rạp xiếc. Nét mặt không thay đổi, Văn Bình đánh diêm châm thuốc hút rồi ra hiệu cho Simon khoác tay chàng, ung dung ra ngoài, trong sự ngạc nhiên kính phục của toàn thể dạ khách.
Văn Bình cười với Simon:
- Anh bảo đảm với em là ông chủ không tính tiền rượu.
Chàng nói đúng. Khi chàng gọi bồi, đòi thanh toán thì chủ tiệm vòng tay cung kính:
- Bản hiệu xin thết ông bà. Ông vừa có những cử chỉ hết sức đẹp đẽ. Ba người say rượu này thường đến đây phá phách luôn. Tôi xin cảm tạ ông đã cho họ một bài học về quyền thuật. Thú thật là từ 20 năm nay, tôi chưa thấy ai giỏi võ như ông.
Ngọn gió khuya tạt vào mặt Văn Bình khí lạnh đáng yêu của ban đêm mùa hạ ở Vọng Các.
Simon dựa đầu vào vai chàng:
- Thật em không ngờ.
Nàng định nói thêm nhưng chẳng hiểu sao lại nín bặt. Nàng định nói “em không ngờ anh lại giỏi võ như thế, và em không thể tin anh là nhà báo”.
Câu hỏi thắc mắc này của Simon định nêu ra lần nữa trong khung cảnh xao xuyến của cuộc chia phôi mà nàng linh tính là gần tới. Thấy nàng thừ người, Văn Bình lên tiếng:
- Em nghĩ đến ba thằng say rượu phải không?
Simon khựng người:
- Phải. Nhưng sao anh biết?
- Vì anh thấy em hoa chân múa tay, bắt chước lại miếng võ mà anh xử dụng.
- Anh tài thiệt. Cái gì kín đáo nhất cũng không qua khỏi mắt anh. Nếu anh cho phép em tò mò thì em xin hỏi một câu.
- Ồ, em chẳng cần phải xin phép.
- Nhưng em tò mò lắm.
- Tò mò là tính tốt của phụ nữ. Em cứ hỏi đi, anh sẽ làm em thoả mãn ngay.
- Vậy em xin hỏi nghề thật của anh là gì?
- Anh nói đến lần thứ mười rồi em vẫn quên. Anh là thông tin viên đặc biệt của nhật báo Buổi Trưa ở Sài Gòn chứ còn gì nữa? Không lẽ anh làm nghề ảo thuật.
- Anh có thể nói dối với mọi người, song không thể nói dối được với em. Em xét đoán đàn ông rất đúng. Đàn bà chúng em thường có một giác quan bén nhạy, có lẽ là giác quan thứ sáu, để khám phá những cái mà mắt không nhìn thấy, tai không nghe thấy.
Nếu không phải là một điệp viên già dặn, Văn Bình đã biến sắc. Tuy nhiên, lời nói của Simon đã làm tim chàng đau nhói. Quả nàng nói đúng, tạo hoá đã phú cho phụ nữ một thiên tài nhận xét. Chồng lén vợ đi tình tự với người yêu, đã cẩn thận lau hết vết son trên mặt, nhặt hết tóc vướng vào sơ mi, thế mà khi về nhà vẫn bị sư tử Hà Đông phăng ra, do thái độ sượng sùng vô cớ, không dám nhìn ánh đèn, hoặc do thái độ ngọt ngào, chiều chuộng vợ nhiều hơn ngày thường.
Nguyên Hương, nữ thư ký trung thành của ông tổng giám đốc, vợ chưa cưới, đúng hơn là không bao giờ cưới của chàng, có giác quan thứ sáu bén nhạy đến độ kinh khủng. Không cần gặp chàng, nàng chỉ cần gọi điện thoại là có thể phăng ra bí mật mèo mỡ của chàng. Dường như nàng có thể đánh hơi qua làn sóng điện, xa hàng trăm, hàng ngàn cây số.
Giờ đây đến lượt Simon.
Simon không thể biết Văn Bình là cán bộ điệp báo thượng thặng, nhưng ít ra nàng vẫn linh tính được một người như chàng không phải là thông tin viên báo chí chỉ sống quen với máy ảnh, máy chữ và giấy bút.
Nghe nàng nói, chàng cười lú lấp:
- Vậy theo em, anh phải làm nghề gì?
- Anh ấy à? Thôi, em không nói nữa. Vì em sợ sự thật lắm.
Cũng như nàng, Văn Bình đang sợ sự thật. Vì sự thật bắt chàng xa nàng, xa cuộc sống thần tiên trong thành phố Vọng Các yêu đương. Vì sự thật bắt chàng lao đầu vào cạm bẫy tử thần. Vì sự thật bắt chàng vứt bỏ tình yêu một cách tàn nhẫn.
Simon bá cổ chàng, hôn lấy hôn để. Nước mắt mằn mặn rớt xuống vai chàng.
Bỗng phía sau có tiếng động.
Cửa phòng được mở hé, và người bước vào là Lê Thái, tham vụ toà đại sứ Việt Nam tại Vọng Các, nhân viên bí mật của ông Hoàng.
Chứng kiến cảnh tượng thân mật giữa hai người, Lê Thái đứng sững, miệng lí nhí:
- Xin lỗi anh.
Simon khoác vội mền len mỏng vào mình. Sự đường đột quá mức của Lê Thái làm Văn Bình giận đến mức không thể nào làm mặt giận được nữa.
Chàng đành mỉm cười gượng gạo:
- Anh phá rối tôi quá!
Lê Thái lúng búng như miệng ngậm hột thị:
- Xin lỗi anh lần nữa. Vì gấp quá.
Vừa nói, Lê Thái vừa nhìn về phía Simon. Giả vờ không để ý, Văn Bình hỏi:
- Lệnh ông chủ bút phải không?
- Vâng.
- Toà báo ra lệnh tôi đi ư?
- Vâng.
- Bao giờ?
- Trong 45 phút, máy bay cất cánh.
- Trời ơi, anh làm tôi như người máy, bấm nút là chạy liền. Dầu sao, tôi cũng cần một thời gian sửa soạn…
- Thưa anh, vé đã lấy xong rồi. Phiền anh sửa soạn ngay cho kịp. Trong 10 phút nữa, tôi sẽ lái xe đưa anh lên phi trường. Từ đây lên Đồn Mương gần ba chục cây số, chạy nhanh và không kẹt xe thì mất trên nửa giờ. Nghĩa là chỉ vừa lên phi cơ.
Văn Bình ngần ngừ:
- Sợ không kịp. Hoãn đến mai được không?
Lê Thái lắc đầu:
- Không được. Ông cụ đích thân kêu điện thoại cho tôi. Hẳn anh đã biết tính ông cụ. Từ bao năm nay, chưa bao giờ ông cụ gọi điện thoại từ Sài Gòn qua đây cho một nhân viên tầm thường là thằng tôi.
Simon choàng dậy:
- Ông cụ nào mà ác vậy, thưa ông?
Văn Bình đỡ lời:
- Ông cụ chủ bút.
Simon rủa:
- Hừ, thiên lôi đánh ông cụ ấy chết cho rồi.
Lê Thái hơi tái mặt. Văn Bình vội tiếp:
- Hừ, ông cụ còn khoẻ hơn thiên lôi nữa.
Lê Thái xoa bàn tay:
- Mời anh. Dầu anh muốn ở lại cũng không được nữa. Tôi đã thanh toán xong tiền phòng. Bồi sắp mang hành lý xuống xe hơi.
Văn Bình nhăn mặt:
- Rồi có lẽ tôi cũng phải xin thôi. Làm việc như mọi, nghỉ chưa lại sức thì ông cụ cho người đến áp giải ra phi cơ.
Simon nhìn Lê Thái, mặt ngơ ngác:
- Đi đâu hả ông?
Lê Thái bật cười:
- Vạn Tượng.
Simon cười sung sướng:
- Ồ, thế thì được. Mai mốt mình sang bên ấy.
Nhưng Văn Bình lại không sung sướng chút nào. Nghĩ đến thành phố Vạn Tượng vắng heo và đầy bụi đỏ, với những bồn tắm khô nước, bùn bê bết, những bữa ăn nuốt không trôi vào thực quản, chàng đâm ra chán nản. Thời gian hú hí ở Vọng Các trong toà khách sạn tối tân bậc nhất này bên cạnh mỹ nhân thật là thần tiên.
Lê Thái quay gót:
- Tôi xuống dưới nhà trước, và đợi anh trong xe hơi.
Cửa phòng đóng lại.
Simon ghì chặt Văn Bình, nước mắt ướt đầm ngực chàng. Chàng biết chắc đó là những giọt lệ thành thật. Rất ít khi gái giang hồ khóc thành thật. Và khi đã khóc thành thật, suốt đời sẽ không bao giờ quên.
Nàng sụt sùi:
- Hai ngày nữa, em sẽ sang bên ấy với anh.
Văn Bình thở dài:
- Nghề của anh nay đây mai đó như con chim em đi theo sao được.
- Em cũng biết vậy nhưng đến khi ấy hãy tính. Giờ đây, anh đi Lào, cách Vọng Các có một giờ phi cơ. Em không thể để anh một mình bên ấy. Ở đây, em cũng không thể sống một mình. Em sẵn sàng theo anh đến chân trời, góc biển. Chỉ sợ anh quên em thôi.
Nàng lại khóc. Simon đã bộc lộ tâm tình một cách hoàn toàn thành thật. Nàng là hạng người đã nói là làm.
Từ nhiều năm nay Văn Bình không thích bận tâm về đàn bà trong khi thi hành công tác mà thường lệ là hiểm nghèo. Song trước thái độ thành thật của Simon, chàng không thể thoái thác. Chàng bèn gật đầu.
Văn Bình kéo màn cửa sang bên.
Ánh sáng buổi sáng tràn vào làm chàng chói mắt. Phòng chàng nhìn thẳng ra hướng đông, mặt trời dâng lên đỏ ối, khiến cho những ngôi tháp màu vàng của các ngôi chùa đối diện lấp lánh như vừa được đánh bóng.
Trong vòng mấy giờ đồng hồ nữa, Văn Bình sẽ dấn vào cuộc thách đố với Tử thần. Chàng không khi nào sợ chết, song chàng lại tiếc nuối Vọng Các một cách lạ lùng.
Đối với du khách, Vọng Các là quê hương của những chiếc cà-vạt toàn lụa dệt tay nhiều màu rực rỡ, và những khuy áo măng sét bằng bạc độc đáo có một không hai trên thế giới. Con sông Chao Phya nằm thưỡn như người thiếu phụ đòi hỏi ân tình với những ngôi chợ nổi bồng bềnh trên mặt nước phóng đãng, trên đường tới viếng ngôi chùa Rạng Đông, đã khắc ghi vào lòng Văn Bình những kỷ niệm đằm thắm không thể nào quên.
Có người đến Vọng Các để thăm cái trại nuôi toàn rắn, bức tượng Phật nguy nga cao 32 thước, ngôi đền cẩm thạch hoặc khoác tay tình nhân chiêm ngưỡng những cảnh hoang tàn nên thơ nhưng cũng không kém Đế Thiên, Đế Thích. Nhưng Văn Bình lại khác…
Chàng nhớ Vọng Các ở chỗ có những nhà khiêu vũ nửa sáng, nửa tối bên trong người ta phải nhịn thở để uống từng cái ưỡn ngực, cái thót bụng của màn thoát y giật gân, và đặc biệt là những căn phòng bí mật mà khách không nhìn thấy mặt nhau, từ tối đến sáng chiếu toàn phim ảnh khác thường, phim ảnh Nhật, Mỹ, Pháp, Thụy Điển mà người đàn ông đứng đắn phải đỏ chín người vì xấu hổ và ham muốn lén lút.
- Hoàng Lương?
Văn Bình ngoảnh lại.
Simon gọi chàng. Chàng sực nhớ mình là thông tin viên Hoàng Lương. Lần này, Nguyên Hương đích thân đặt tên cho chàng. Nàng chọn tên Hoàng Lương vì muốn rằng trong thời gian chàng hoạt động ở hải ngoại mọi mối tình của chàng chỉ có giá trị như giấc mộng hoàng lương.
Theo nguyên tắc, danh tính điệp viên không được đặt ra một cách hú hoạ. Tại văn phòng trung ương có một bản danh sách gồm 5 ngàn tên giả, lần lượt dùng hết tên này thì dùng tên kế tiếp. Song Nguyên Hương đã lôi Hoàng Lương từ dưới lên trên, ấn cho chàng. Chàng nhún vai phản đối thì nàng cười nửa miệng:
- Nếu em còn có quyền, em đã bỏ tù anh, chứ không cho anh thênh thang đi Vọng Các nghỉ mát đâu. Bắt buộc anh phải mang tên Hoàng Lương. Để anh luôn luôn nhớ rằng ái tình dọc đường chỉ như giấc mộng kê vàng.
Đàn bà muốn là trời muốn, nên Văn Bình nhận lời.
- Hoàng Lương?
Văn Bình ngoảnh lại. Simon đã mặc quần áo chỉnh tề. Sau làn lụa hồng, tơ bóng chói lọi, nàng lộng lẫy hẳn, khiến ai gặp nàng ngoài phố khó thể đoán nàng là người của ban đêm trác táng.
Lê Thái tủm tỉm cười khi thấy Văn Bình từ thang máy bước ra với Simon chĩu nặng một bên Văn Bình biết là anh chàng tham vụ phải gió muốn nói chuyện riêng với chàng.
Giả vờ hốt hoảng, chàng rờ túi quần sau rồi than:
- Khổ quá!
Simon cất tiếng:
- Anh bị đau ư?
Văn Bình lắc đầu, giọng ai oán:
- Anh quên ví tiền trên phòng rồi.
- Để đâu?
- Dưới đệm giường.
Simon làm sao hiểu được rằng Văn Bình cố tình bỏ quên ví tiền dày cộm để dặn nàng lên lấy. Chàng muốn nàng có cơ hội tiêu giùm chàng mấy trăm đô la còn lại.
Chàng không hề coi nàng như gái chơi cần trả tiền sòng phẳng, song chàng cũng không thích ra đi một cách lạnh nhạt. Mặt khác, chàng muốn tự do trong năm phút với Lê Thái.
Simon mắc mưu liền. Nàng ngoan ngoãn bước tới thang máy.
- Để em lên lấy cho. Anh ở dưới này nói chuyện với ông ấy đi.
Văn Bình nheo mắt nhìn tấm thân ngọc ngà khuất sau cửa thang máy. Lê Thái gật gù giọng thán phục:
- Người ta thường khen anh, bây giờ tôi mới biết. Mấy hôm nay nàng chi tiền phải không?
Văn Bình đáp:
- Cũng gần như thế. Không biết tôi sinh nhằm giờ gì mà đàn bà đua nhau trả tiền ăn, tiền mặc, tiền tiêu cho tôi.
- Anh làm tôi thèm rỏ dãi. Anh giả vờ quên ví để hoàn lại tiền cho nàng phải không?
- Phải. Tôi muốn trả một cách kín đáo.
- Tôi sợ nàng không lấy.
- Tôi cũng sợ như thế. Và đó mới là mối nguy cho tôi. Không cần tiền nghĩa là nàng thành thật yêu tôi. Nàng sẽ bám riết lấy tôi, không chịu nhả ra nữa.
- Cũng tại anh cả. Ông Hoàng dặn mà anh không nghe.
- Lần này lỡ rồi. Lần sau tôi xin nghe.
- Làm nghề này, sợ không còn lần sau nữa thôi.
- Đành liều, biết sao! À, ông Hoàng dặn gì thêm nữa không?
Lê Thái lắc đầu:
- Không. Dường như đến Vạn Tượng anh mới nhận được chỉ thị đặc biệt.
Mắt Văn Bình sáng rực:
- Tôi sang Vạn Tượng vì việc gì?
- Không biết nữa. Tôi chỉ được lệnh tới khách sạn tìm anh và đưa lên chuyến phi cơ sớm nhất, thế thôi.
Simon đã nện gót giày một tấc lộp cộp trên sàn gạch bông bóng loáng.
Vẻ hớn hở như con nít được quà, nàng cầm ví tiền giơ lên cao:
- Suýt nữa, anh sẽ bị đói ở Vạn Tượng. Nhờ em đấy, nếu không…
Cả ba người cười rộ.

Chương trước Chương sau