Cây bách buồn - Chương 20
Cây bách buồn
Chương 20
Ngày đăng 25-12-2015
Tổng cộng 26 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 27114 lượt xem
Poirot gõ cửa căn nhà tranh của bà điều dưỡng Hopkins. Bà mở cửa ra, miệng ngậm đầy bánh bao.
Bà gay gắt nói:
- À, ông Poirot, bây giờ thì ông muốn gì nào?
- Tôi có thể vào được chứ?
Bà Hopkins miễn cưỡng lui vào, nhường chỗ cho Poirot bước qua ngưỡng cửa. Bà đem bình trà ra mời khách. Một phút sau Poirot hơi kinh hoàng nhìn cái ly đựng thứ nước đen như mực.
- Vừa mới pha xong, ngon và đặc lắm - bà Hopkins nói.
Poirot khuấy trà một cách thận trọng, rồi oai hùng nhấp một hớp. Ông nói:
- Bà có ý nghĩ gì về lý do tại sao tôi đến đây không?
- Tôi không thể nói ra được, tôi chắc thế, cho đến khi nào ông cho tôi biết. Tôi không tự nhận là người đọc được ý nghĩ của kẻ khác.
- Tôi đến đây để hỏi bà về sự thực.
Bà Hopkins nổi sùng lên:
- Thế là thế nào chứ, tôi muốn được biết? Tôi bao giờ cũng là một người thật thà, chớ chẳng phải là kẻ che đậy lấp liếm. Lúc thẩm vấn tôi đã nói về cái ống thuốc morphine bị mất trong khi nhiều kẻ khác ở vào địa vị tôi hẳn là đã ngồi im, không nói gì cả. Tôi hiểu khá rõ rằng tôi sẽ bị khiển trách vì đã bất cẩn để cái cặp ở đó, thế nhưng, dù sao thì đó cũng chỉ là một điều có thể xảy đến cho bất cứ ai. Tôi bị khiến trách về lỗi đó - thế cũng chẳng tốt đẹp gì cho nghề nghiệp của tôi, tôi xin nói để ông biết. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng gì đối với tôi cả. Tôi biết một điều gì đó có liên quan đến vụ án này, thì tôi nói ra thế thôi. Thưa ông Poirot, cái sự nói bóng gió bẩn thỉu đó, xin ông vui lòng giữ lấy cho ông. Không có điều gì về cái chết của Mary Gerrard mà tôi đã không mở miệng công khai nói thẳng ra; nếu như ông nghĩ khác thế, thì xin hãy nói có sách, mách có chứng cho. Tôi không giấu diếm gì - không giấu diếm gì cả. Tôi sẵn sàng tuyên thệ, đứng trước tòa mà nói như vậy.
Poirot không chủ tâm ngắt lời. Ông biết quá rõ cách đối xử với một người đàn bà đang tức giận. Ông để mặc cho bà Hopkins bùng nổ lên rồi kìm nén xuống. Rồi sau đó ông nói - một cách bình thản, hòa nhã.
Ông nói:
- Tôi không có ý nói là có một điều gì về tội ác đó mà bà đã không nói ra.
- Thế thì ông đã gợi ý gì, tôi muốn được biết?
- Tôi xin bà cho biết sự thực - không phải về cái chết, mà về cuộc đời của Mary Gerrard.
- Ồ! - Bà Hopkins có vẻ hơi thoáng ngạc nhiên, nói - Té ra là ông muốn biết thế? Nhưng điều đó có dính dáng gì với vụ sát nhân này đâu?
- Tôi không nói là có dính dáng. Tôi nói là bà đã khước từ không cho biết về cô ta.
- Tại sao tôi lại không được thế cơ nhỉ - nếu điều đó chẳng dính dáng gì với tội ác kia?
Poirot nhún vai:
- Tại sao bà lại thế?
Bà Hopkins bừng đỏ mặt nói:
- Bởi vì đó là phép lịch sự thông thường. Bây giờ tất cả họ đều đã chết rồi - mọi người có liên hệ đều đã chết rồi. Chẳng còn phải là phận sự của ai khác nữa.
- Nếu đó chỉ là sự phỏng đoán - có lẽ không phải thế. Nhưng nếu bà biết sự thực, thì lại khác.
Bà Hopkins chậm rãi nói:
- Tôi không hiểu đúng ông muốn nói gì?
Poirot nói:
- Tôi xin giúp bà. Tôi đã nghe lời nói bóng gió của cô O’Brien, tôi đã trò chuyện lâu với bà Slattery, bà ta nhớ rất dai những việc xảy ra cách đây hơn hai chục năm. Tôi xin nói để bà biết đúng những gì tôi đã nghe được. Cách đây hơn hai chục năm về trước, có một cuộc tình giữa hai người. Một người là bà Welman; bà ta đã ở góa trong mấy năm nay và là một phụ nữ có khả năng yêu đương thắm thiết, nồng nàn. Còn người kia là ngài Lewis Rycroft; ông này rất không may là có một bà vợ mất trí hoàn toàn. Luật pháp thời bấy giờ không cho phép được ly dị, mà phu nhân Rycroft với sức khỏe thể chất rất dồi dào thì còn có cơ sống đến chín chục tuổi. Cuộc giao du thân mật giữa hai người, tôi nghĩ là, người ta chỉ phỏng đoán mà thôi, còn họ thì đều rất kín đáo, thận trọng để giữ thể diện. Thế ngồi ngài Lewis Rycroft tử trận.
- Thế sao? - Bà Hopkins nói.
Poirot nói:
- Tôi nghĩ là sau khi ông ta chết thì có một đứa bé chào đời, đứa bé đó là Mary Gerrard.
Bà Hopkins nói:
- Hình như ông biết tất cả mọi điều về chuyện đó?
Poirot nói:
- Tôi nghĩ thế. Nhưng có thể là bà đã có chứng cớ rõ rệt là chuyện đó là như vậy.
Bà Hopkins ngồi yên một hai phút, nhắm mắt, rồi bỗng đứng lên, đi ngang qua phòng, mở ngăn kéo, lấy ra một chiếc phong bì. Bà đem phong bì đến cho Poirot.
Bà nói:
- Tôi xin nói ông biết phong thư này đã đến tay tôi như thế nào. Xin lưu ý là, trước đây tôi đã có nghi ngờ. Một đằng là cái cách bà Welman nhìn cô gái kia, thêm vào đó là những lời bàn tán xì xào. Lão Gerrard khi đau bệnh cũng đã nói với tôi là Mary không phải là con gái ông ta.
Sau khi Mary chết tôi thu dọn nhà săn. Trong một ngăn kéo, giữa các đồ vật của lão ta, tôi đã kiếm được bức thư này. Ông hãy xem đây trên thư đã viết gì.
Poirot đọc hàng chữ đề trên phong bì bằng mực phai màu: Gửi Mary - thư này gửi cho Mary sau khi tôi chết.
Poirot hỏi:
- Hàng chữ này không mới được viết đây sao?
- Không phải lão Gerrard viết hàng chữ này - bà Hopkins giảng giải - Đó là mẹ của Mary, chết cách đây mười bốn năm. Bà ta có ý định gửi thư này cho cô ta, nhưng lão già giữ lại trong số các đồ vật của mình, cho nên cô ta chẳng bao giờ trông thấy thư này cả. Tôi cho là rất may là cô ta đã không trông thấy. Cô ta có thể ngẩng cao đầu lúc tạ thế, và chẳng có lý do gì để cảm thấy hổ thẹn.
Bà ngừng lại rồi nói tiếp:
- Thư này dán kín, nhưng khi tôi kiếm thấy, tôi xin thú thực với ông là tôi có mở ra đọc - lẽ ra tôi không nên làm thế. Nhưng Mary đã chết rồi; vả lại; tôi đã đoán được ít nhiều những gì viết trong đó; tôi cũng không thấy nó có liên quan gì với ai khác cả. Dù sao chăng nữa, tôi không muốn hủy nó đi, vì tôi không cảm thấy làm thế là phải chút nào. Nhưng, nó đây, ông hãy nên tự đọc lấy.
Poirot rút ra tờ giấy phủ đầy những hàng chữ nhỏ không gọn nét.
“Đây là sự thực tôi viết ra, phòng hờ có lúc phải cần đến. Tôi là người hầu gái của bà Welman ở Hunterbury; bà đã đối xử với tôi rất mực tử tế. Tôi gặp rắc rối bà đã bênh vực tôi, lại đem tôi về làm việc cho bà khi sự việc đã kết liễu; nhưng đứa bé đã chết. Bà chủ tôi và ngài Lewis Rycroft yêu nhau, nhưng không lấy được nhau, vì ông đã có vợ mà bà phu nhân đáng thương đó lại đang ở nhà điên. Ông ta là một nhà quý tộc tốt, hết lòng yêu thương bà Welman. Ông ta chết trận. Ít lâu sau bà chủ nói với tôi là bà sắp có con. Sau đó bà đi lên Tô-cách-lan, có đem theo tôi. Đứa bé sinh ra ở đó - ở Ardlochrie. Bob Gerrard đã phủi tay, hất hủi tôi khi tôi có rắc rối, bây giờ lại viết thư cho tôi. Sự việc được dàn xếp như sau: chúng tôi phải lấy nhau và ở tại nhà săn; anh ta phải nghĩ đứa bé đó là con của mình. Nếu chúng tôi sống ở khu nhà đó thì đương nhiên là bà Welman sẽ quan tâm đến đứa bé, sẽ lo liệu dạy dỗ nó, cho nó một vị trí ở trên đời. Bà nghĩ không bao giờ nên cho Mary biết sự thực thì hơn. Bà Welman cấp cho hai chúng tôi một số tiền kha khá; nhưng cho dù không có số tiền đó, tôi vẫn sẵn lòng giúp bà. Tôi sống rất hạnh phúc với Bob, nhưng anh ta chẳng bao giờ ưa Mary cả. Tôi đã giữ miệng, không nói hở cho ai biết, nhưng tôi nghĩ tôi phải viết sự việc này xuống giấy phòng khi tôi chết, thì mới là phải lẽ”.
ELIZA GERRAD
(tên khai sinh: Eliza Riley)
Poirot hít một hơi dài, rồi gấp thư lại.
Bà Hopkins băn khoăn nói:
- Ông sẽ làm gì về bức thư này? Bây giờ họ đều chết cả rồi mà. Chẳng nên bới móc chuyện đó nữa. Ở đây mọi người đều tôn kính bà Welman, chẳng hề có tiếng gì về bà ta cả. Gợi lại tất cả những đều nhơ nhuốc xưa - thì thực là độc ác. Đối với Mary cũng vậy. Cô ta là một cô gái đáng yêu. Tại sao người ta lại phải cần biết cô ta là đứa con hoang? Hãy để cho kẻ chết yên nghỉ trong mồ, tôi xin nói như vậy.
Poirot nói:
- Ta phải quan tâm đến người sống chứ?
Bà Hopkins nói:
- Nhưng chuyện này thì có dính dáng gì tới vụ sát nhân kia đâu?
Poirot nghiêm trọng nói:
- Có thể có nhiều điều dính dáng tới vụ đó.
Ông ra khỏi căn nhà tranh, để lại bà Hopkins miệng há hốc, chằm chằm nhìn theo.
° ° °
Poirot vừa đi được một quãng thì nghe thấy tiếng bước chân ngập ngừng ngay đằng sau. Ông đứng ngừng rồi quay lại.
Đó là Horlick, chàng trai trẻ làm vườn ở Hunterbury. Anh ta có vẻ đang bối rối, tay xoắn xoắn mũ.
- Xin ông thứ lỗi cho. Xin cho phép tôi được thưa với ông một lời?
Horlick nghẹn ngào nói.
- Được lắm. Có gì thế?
Horlick xoắn mũ mạnh hơn, ngoảnh mắt đi, có vẻ khỗ sở, băn khoăn.
- Thưa đó là về chiếc xe.
- Chiếc xe đậu bên ngoài cổng sau buổi sáng hôm đó, phải không?
- Thưa phải. Sáng nay bác sĩ Lord bảo đó không phải là xe của ông ta - nhưng, thưa ông, quả đúng là xe của ông ta.
- Chú biết chắc chắn thế sao?
- Thưa chắc. Vì số xe. Đó là MSS2022. Tôi nhớ đó là con số đặc biệt - MSS 2022. Thưa ông, trong làng này chúng tôi biết xe đó, chúng tôi thường gọi nó là cô-tu-tu. Tôi chắc chắn là nó.
Poirot mỉm cười nói:
- Nhưng bác sĩ Lord nói sáng hôm ấy ông ta sang Widthenbury kia mà.
Horlick đau khổ nói:
- Thưa, đúng vậy. Tôi có nghe ông ta nói thế. Nhưng, thưa ông, quả đúng là xe của ông ta. Tôi xin thề về điều này.
Poirot nhẹ nhàng nói:
- Cám ơn Horlick, đó đúng là việc có thể chú phải làm.