Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông - Chương 02

Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông - Chương 02

Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông
Chương 02

Ngày đăng
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 20913 lượt xem

Đặt chân đến cơ quan, chị lao công liền vội vàng chạy lại chỗ căn buồng xép để lấy đồ lề làm vệ sinh buổi sáng. Nhưng vừa mở cửa, chị đã hoảng hốt, hô hoán ầm ĩ: trên sán, người gác đêm đang nằm sóng sượt, hai tay bị tró ghì sau lưng.
Lát sau, lại phát hiện được thêm một người gác đêm, vẫn chuyên canh giữ phòng làm việc của viên thủ quỹ ở ngay cạnh cửa ra vào, nằm trong một vũng máu đã khô đen, lưng bị một vết thương sâu hoắm.
Không có lấy một dấu vết nhỏ nào cho thấy nạn nhân đã chống cự, ngoài một chiếc ghế bị đổ nghiêng. Đồ đạc trên hai chiếc bàn làm việc, cả của viên thủ quỹ lẫn của người phụ tá của ông ta, mọi thứ đều vẫn ở nguyên chỗ cũ. Bức rèm treo trên chiếc cửa sổ duy nhất trong phòng, đặt sau tấm lưới thép chắc chắn, vẫn buông kín như cũ, cả mấy cái tấm lưới cũng không bị hư hại. Mấy cánh cửa của chiếc tủ két chống cháy hé mở, không hề thấy một dấu vết cạy phá, nhưng toàn bộ số tiền trong đó đều biến mất.
Người được phân công điều tra vụ mất trộm này là thiếu tá Vưd-ma, một cán bộ của Tổng cục Công an. So với chức vụ thì Vưd-ma còn quá trẻ, vì anh chỉ mới ngoài ba mươi. Nét mặt gãy gọn, nhưng hơi khô khan. Mái tóc đen nhánh luôn chải mượt. Anh chỉ mặc cảnh phục vào những dịp thật cần thiết. Bộ quần áo dân sự rõ ràng được thiếu tá chuộng hơn, vì nó rất hợp với dáng người anh và thường khiến phái đẹp khó lòng dửng dưng mỗi khi nhìn vào.
Tổ điều tra, do thiếu úy Ghéc-xơn chỉ huy, cho mời tất cả các cán bộ, nhân viên đang choáng váng trước vụ án mạng và vụ mất trộm, rời khỏi phòng tài vụ, và bắt tay ngay vào việc. Còn thiếu tá thì đến thẳng phòng giám đốc của liên hiệp xí nghiệp, sau khi tìm hiểu sơ qua hiện trường và nội vụ.
Cô thư ký, tóc màu đồng thau, đón thiếu tá ngay trước cửa:
- Đồng chí giám đốc đã đến và đang chờ đấy ạ - Giọng cô đầy vẻ xúc động, nhưng môi vẫn mỉm cười rất đỗi duyên dáng và đôi mắt hơi nheo lại liếc nhìn thiếu tá chăm chú, tuy hơi kiểu cách.
Giám đốc Lem-pit-xki là một người đàn ông béo tốt, đầu hói gần hết. Thấy khách đi vào, ông hạ đôi kính râm to tướng xuống, đẩy sang một bên và đứng dậy.
Ông tự giới thiệu rồi mời thiếu tá ngồi. Thiếu tá gieo người xuống chiếc ghế bành đặt trong góc phòng, và hỏi ngay:
- Số tiền bị mất trộm có nhiều không?
Lem-pit-xki rụt sâu người trong chiếc ghế bành đang ngồi và bình thản đưa tay lên vuốt vầng trán hói cao, nhẵn bóng:
- Hai triệu tám trăm nghìn đồng với một ít tiền lẻ…
Vưd-ma huýt sáo khe khẽ.
- Hẳn phải có gì trục trặc, chứ lẽ nào đồng chí lại dám cả gan giữ lại cách đêm trong tủ cơ quan một khoản tiền mặt lớn đến ngần ấy?
- Đó là số tiền nhận về để trả lương cho công nhân. Lẽ ra phải phát từ hôm qua kia. Nhưng rốt cuộc không phát được, đành để sang hôm nay…
- Tại sao lại phải hoãn thế?
- Người phụ tá của thủ quỹ đau răng. Anh ta bị viêm màng xương, phải đi nhổ. Ông kế toán trưởng đành phải để cho anh ta xuống bệnh xá, khi thấy một bên má đang sưng vù. Vắng người phụ tá, ông thủ quỹ cứ một mực từ chối và đề nghị chuyển sang hôm nay. Tôi đã chấp thuận, sau khi xin ý kiến của đảng ủy xí nghiệp.
- Thế vắng viên phụ tá, ông thủ quỹ không thể phát được lương à?
- Xí nghiệp chúng tôi có đến gần hai nghìn cán bộ, nhân viên; các phòng ban cũng nhiều. Số tiền thì lớn mà người chịu trách nhiệm về tiền nong lại là ông ấy, chắc đồng chí đã biết. Bởi thế, tôi không nỡ ép ông cụ.
Vưd-ma ngước nhìn lên cửa sổ, qua đó, anh nhận ra bóng dáng những mái nhà của các phân xưởng. Lát sau, lại quay sang phía đồng chí giám đốc.
- Ông thủ quỹ ấy tên gì?
- Rô-man Bê-let-xki
- Còn người phụ tá?
- Y-an Ur-ba-ny-ac
- Về những người ấy, ý kiến đồng chí ra sao?
- Bê-let-xki là một ông già sống độc thân, tuổi trên sáu mươi, không có họ hàng thân thích. Tính khí thì cố chấp, tẻ nhạt, thậm chí quá quắt là đằng khác. Phàm đã là người như thế thì nhất định phải giữ chân thủ quỹ, đó là cái chắc. Ông cụ gắn bó với xí nghiệp này ngót hai mươi năm nay. Cách đây tám năm, khi tôi được cử về, ông già đã giữ chân ấy rồi. Trong suốt thời gian đó, chưa thấy một đoàn thanh tra nào phàn nàn về ông cụ cả.
- Còn về người kia? Về Ur-ba-ny-ac ấy?
- Hoàn toàn đáng tin cậy. Anh ta về xí nghiệp thì tôi đã công tác ở đây rồi – cách đây năm năm. Tuổi khoảng bốn mươi, có thể nhiều hơn chút ít gì đó, và cũng là độc thân. Được học hành tử tế hơn cụ Bê-let-xki, mà cũng năng nổ hơn; bởi thế, họ đắp đổi cho nhau rất tuyệt.
- Chuyện hoãn phát lương, chắc cả xí nghiệp không ai là không biết nhỉ?
- Dĩ nhiên rồi.
- Đồng chí có biết Ur-ba-ny-ac đến gặp ai để chữa răng không hả? Xí nghiệp các đồng chí chắc có bác sĩ chuyên trách?
- Có đấy, Nữ bác sĩ Ter-ly-a.
- Chính bác sĩ Ter-ly-a đã chữa chạy cho anh ta phải không?
- Khoản ấy thì tôi không nắm được, nhưng xác minh thì cũng dễ thôi… - ông giám đốc chồm người về phía máy điện thoại.
- Khoan đã, đồng chí giám đốc ạ, - Vưđ-ma ngăn ông lại, - tôi sẽ tự tìm hiểu lấy.
Lem-pit-xki rụt vội tay về, tựa như phải bỏng.
Ông lại ngả người xuống ghế, mở hộp thuốc lá ra, chia cho thiếu tá. Vưđ-ma châm một điếu, rồi lại tiếp tục câu chuyện bỏ dở:
- Xí nghiệp có bao nhiêu người gác đêm và các trạm gác bố trí ở những đâu?
- Ngoài đội trưởng, đội bảo vệ còn có mười lăm người nữa. Họ chia thành ba phiên, thay nhau trực. Các trạm gác thì ba đặt trong khuôn viên nhà máy, hai trạm còn lại thì một bố trí tại cổng ra vào và một trong phòng khách của phòng hành chính – quản trị.
- Thế người thiệt mạng là ai vậy?
- Đó là một trong những người gác đêm thường vẫn được bố trí trong khuôn viên nhà máy. Nhưng tối qua, người ta điều tạm sang tòa nhà của phòng hành chính, để canh bộ phận thủ quỹ - nơi đặt tủ két chứa tiền.
- Thế tên họ của người gác đêm bị nhốt trong căn buồng xép của chị lao công là gì?
- An-tô-ni Gher-man.
- Ý kiến của đồng chí về người này ra sao?
- Tôi không nắm chắc hết tất cả các nhân viên thường trong cơ quan. Nếu đồng chí muốn tìm hiểu, tôi sẽ yêu cầu phòng tổ chức cán bộ mang hồ sơ cá nhân của anh ta lên đây ngay.
- Làm việc với đồng chí xong, tôi sẽ đích thân xuống gặp phòng tổ chức. Hình như đồng chí đã thông báo trước với cán bộ dưới quyền là tôi sẽ đến đây làm việc rồi thì phải?
- Ồ, dĩ nhiên! Toàn bộ hồ sơ của cán bộ, nhân viên chúng tôi đã được lệnh phải đặt dưới quyền cai quản của các đồng chí. Dẫu gạt sang một bên khía cạnh vật chất đi nữa, thì vụ này cũng đã khiến chúng tôi lao đao lắm rồi. Tôi xin sẵn sàng làm hết sức mình, để giúp các đồng chí sớm tìm ra thủ phạm của vụ mất trộm. Vả lại, để thiên hạ khỏi lời ra tiếng vào… - ông giám đốc Lem-pit-xki mỉm cười một cách nhiều ngụ ý.
- Thôi, ta tạm dừng câu chuyện ở đây, đồng chí giám đốc nhé… - Thiếu tá đứng dậy. – Tôi cần hỏi chuyện người kế toán trưởng đôi điều đã, rồi mới đến gặp phòng tổ chức cán bộ được.
Phòng tài vụ chiếm toàn bộ cánh bên trái của tầng một tòa nhà. Cả bộ phận thủ quỹ cũng đặt tại đó. Lúc đi qua hành lang, thiếu tá đã có thể biết chắc việc điều tra sơ bộ tại hiện trường đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Thi thể người gác đêm đã được mang đi. Trên nền nhà, chỉ còn những nét phấn, vẽ phác tư thế của nạn nhân sau khi bị hạ sát.
Trao đổi dăm câu với thiếu úy Ghéc-xơn xong, Vưđ-ma liền tìm đến căn phòng trên cửa sổ có treo biển đề: “Kế tóan trưởng – Ni-cô-lai Vu-xắc”.
Một người đàn ông gầy gò đứng thẳng lên ngay sau bàn làm việc. Tự giới thiệu xong, ông vội mời khách ngồi và đi ngay vào câu chuyện.
- Chắc hẳn đồng chí quan tâm đến quy mô sự thiệt hại mà xí nghiệp chúng tôi đang phải gánh chịu, đúng không ạ?
- Cái đó tôi đã được thông báo rồi. Nhưng tôi đang cần hỏi thêm nhiều điểm khác nữa.
- Xin đồng chí cứ cho biết – Vu-xắc đan mười ngón tay vào nhau, rồi chổm hẳn người ra đằng trước, tỏ ý chờ.
- Ông có thể cho biết ý kiến riêng về Bê-let-xki và Ur-ba-ny-ac được chứ?
Người kế toán trưởng cắn môi ngẫm nghĩ. Mãi, mới chịu lên tiếng:
- Tôi chỉ có thể nói về tác phong và hạnh kiểm của họ trong công tác thôi. Phải thừa nhận là cả hai đều hoàn thành tốt các chức trách của họ. Nhất là Bê-let-xki. Ông cụ quả là một cán bộ gương mẫu.
- Căn cứ vào lời ông, thì tôi có thể kết luận rằng: Ur-ba-ny-ac không thể coi là gương mẫu được. Có đúng thế không nào?
- Tôi không định nói vậy. Ur-ba-ny-ac hẳn không thể sánh kịp Bê-let-xki về đức cẩn thận, nhưng, e hèm… anh ta tháo vát hơn.
- Thế những ai thì được phép bước chân vào căn phòng đặt tủ két?
- Về nguyên tắc thì không một ai được vào đó cả, nếu công việc không đòi hỏi.
- Nhưng trên thực tế thì thế nào?
- Về cơ bản, Bê-let-xki đã giữ đúng nguyên tắc đó. Tuy thế, tôi thấy ông cụ đôi khi vẫn để cho người này người nọ vào, mà chẳng hề cấm cản gì…
- Thế những ai đã từng được hưởng đặc ân ấy?
- Trước hết là cô El-mer, thư ký riêng của đồng chí giám đốc. Nghe đâu Bê-let-xki phải lòng cô ta hay sao ấy. Thứ đến là Xtet-xki, trưởng ban vận tải của xí nghiệp. Cũng như cụ Bê-let-xki, ông này rất mê chơi tem. Họ cùng có chung một hứng thú lúc nhàn rỗi mà.
- Chìa khóa tủ két do ai giữ?
- Dĩ nhiên là cụ Bê-let-xki.
- Có bao giờ chùm chìa khóa ấy lọt vào tay người khác không?
- Có đấy. Mới đây thôi, chỉ cách đây vài tuần thì phải. Bê-let-xki ốm nặng. Chúng tôi đã phải phái Ur-ba-ny-ac đến tận nhà ông già để lấy chìa khóa đấy.
Nghe được điều đó, thiếu tá gật gù, ra vẻ đã hiểu hết, rồi đứng dậy, từ biệt người vừa hỏi chuyện.
Sau đó, anh ngồi suốt một tiếng đồng hồ trong phòng tổ chức cán bộ, lần đọc cả một chồng lý lịch và hồ sơ cá nhân. Trong số giấy tờ đọc qua, thiếu tá có ghi ra một vài nhận xét vắn tắt. Đọc xong tập hồ sơ cuối cùng, thiếu tá xếp nó sang một bên, rồi ngồi trầm ngâm một lúc. Mãi sau anh mới đứng dậy, bước ra ngoài, tìm gặp Ghéc-xơn.
Các chuyên viên giám định lúc này đã hoàn thành xong những việc cần làm và đang ngồi nghỉ. Cạnh viên thiếu úy chỉ còn trung sĩ Bu-rưi và một chiến sĩ cảnh sát. Cả ba đang ngồi trong phòng thủ quỹ.
- Xtê-phan (tên của thiếu úy Ghéc-xơn), kết quả ra sao? – thiếu tá hỏi với một giọng đầy quan tâm.
- Dấu vết đã bị xóa sạch. Nhưng tôi nghĩ khó lòng phát hiện được dấu tay của một ai khác, ngoài dấu tay những người vẫn đến phòng này làm việc hằng ngày. Lưới sắt bảo vệ vẫn nguyên vẹn. Nhưng bọn tôi lại tìm thấy một cánh cửa sổ ở tầng một – trong phòng vệ sinh phụ nữ - không cài chốt. Đối diện với cái cửa ấy là vách tường nhà kho. Trên tường có treo một lô dụng cụ chữa cháy. Mà trong đống đồ lề ấy lại có cả một cái thang chữa cháy màu đỏ, hết sức tuyệt vời nữa.
- Hừm… Thế tủ két có sao không?
- Mấy cánh cửa tủ đều nguyện vẹn, không bị cạy phá.
- Còn chùm chìa khóa, Bê-let-xki cất ở đâu?
- Ông ấy khai là vẫn mang trong người, đeo ở thắt lưng da. Do đó, có thể kết luận…
- Kết luận thì sợ hơi sớm đấy. Thế bác sĩ của chúng ta, ông ấy nhận định ra sao? Nạn nhân chết vào lúc nào?
- Lúc gần hai giờ sáng…
- Cậu xác minh gấp giúp mình xem viên phụ tá của thủ quỹ, tên là Ur-ba-ny-ac, có đến gặp bác sĩ nha khoa của xí nghiệp để chữa răng không, và bà ta chuẩn đoán ra sao. Rồi chạy lại phòng quản trị, tìm ngay một bản sơ đồ của tòa nhà này.
- Tuân lệnh, thưa thủ trưởng! – Ghéc-xơn ưỡn bộ ngực lép kẹp ra chào, nhưng khuôn mặt lấm tấm tàn nhang của anh ta không hề để lộ một thái độ nào, ngoài thái độ tận tâm với công việc.
- Bác sĩ chắc đã khám nghiệm cho người gác đêm bị nhốt rồi chứ gì? Tình trạng ông ta ra sao, cái người tên Gher-man ấy?
- Bị ngộ độc nặng clô-rô-phor-mơ. Hiện đang nằm dưới bệnh xá. Tuồng như đã tỉnh lại rồi…
- Trước khi bắt tay thực hiện những mệnh lệnh của tôi với nhiệt tình vốn có, cậu hãy mời đến đây ngay những đồng chí sau đây, - Vưđ-ma kể tên – Ta hãy để dành Gher-man cho bữa tráng miệng; còn bây giờ cứ để ông ta nghỉ. Bu-rưi, - thiếu tá quay sang người trung sĩ, - đồng chí ghi giúp tôi biên bản nhé!
Người đầu tiên được mời vào để lấy lời khai à Xtet-xki. Sau một số thủ tục thông thường, một vài câu hỏi thuộc phần lý lịch, Vưđ-ma quay hẳn sang người đàn ông béo phục phịch, ngồi ở bên kia bàn, cất tiếng nói lớn:
- Ông biết tên họ người gác đêm bị giết chứ?
- Dĩ nhiên là biết: Da-lu-xki. Từ sáng đến giờ cả nhà máy có ai bàn tán về ai khác nữa đâu… - Xtet-xki nhún vai.
- Họ bàn tán những gì về anh ấy thế?
- Mỗi người phán một kiểu, ai cũng làm như thể mình là một Sơ-lốc Hô-mơ-dơ (Sherlock Holmes) thực thụ không bằng.
- Thế ý kiến của họ ra sao?
- Họ cho là phải có một kẻ nào đó, làm việc trong nhà máy này, nhúng tay vào.
- Ra thế cơ đấy! Còn ông, ông nghĩ sao?
Xtet-xki lườm Vưđ-ma một cái:
- Tôi là chuyên gia về cơ khí, chứ đâu phải chuyên gia về đạo tặc. Tôi sẽ không khua môi múa mép về những chuyện vớ vẩn, chỉ vì tôi chẳng biết mô tê gì cả…
- Ông với Bê-let-xki là chỗ quen thân thì phải?
- Ông cụ ấy thì cả nhà máy ai mà chẳng biết: tháng nào anh chẳng phải đến gặp để lĩnh lương.
- Nghe đâu ông với cụ thủ quỹ còn gặp nhau cả lúc nhàn nhã nữa kia mà?
Xtet-xki ném sang thiếu tá một cái nhìn rất gấp gáp, rồi cúi mặt xuống và chăm chú ngắm đôi giày cao cổ đang đi dưới chân. Mãi sau, mới lên tiếng, giọng chậm rãi:
- Tôi có lại đằng nhà ông cụ hai lần…
- Ra hai người đã từng kết bạn với nhau thật à?
- Hai chúng tôi đều mê sưu tập tem thư. Tôi đến để trao đổi mấy con tem với ông ấy.
- Nhưng việc ấy không thể làm ngay tại cơ quan được sao?
- Thỉnh thoảng cũng gặp nhau tại đây, nhưng đó là chuyện năm thì mười họa. Vì bận bịu lắm kia.
- Ông phụ trách ban vận tải?
- Phải.
- Nghĩa là, ông rất thành thạo về cơ khí?
- Dĩ nhiên! – Xtet-xki cười khẩy.
- Thế ông hãy cho biết, với tư cách là một chuyên gia cơ khí nhé: làm những chiếc chìa, như loại chìa mà Bê-let-xki vẫn dùng để mở cái tủ két chống cháy ấy, chắc chẳng khó khăn gì đâu nhỉ?
Nụ cười vụt tắt trên môi Xtet-xki.
- Tôi chưa xem kỹ những chiếc chìa khóa ấy – ông ta đáp, vẻ hơi lúng túng – nhưng bất cứ thứ chìa khóa nào cũng có thể làm giả được, nếu có sẵn mẫu trong tay…
- Ông muốn nói đến mẫu để dập lại chứ gì?
- Cả loại chìa đó nữa cũng vậy…
- Ta kết thúc ở đây nhé! Ông làm ơn ký vào biên bản cho một chữ, rồi mời giúp cô El-mer vào đây.
Cô El-mer đường hoàng đi vào.
Đó là một cô gái dáng người cao thon và cân đối. Mái tóc xoăn màu hạt dẻ sáng lượn sóng quanh đầu. Đôi mắt to, hơi gần nhau, cố giấu giếm những cái nhìn ranh mãnh. Sau vài câu hỏi về phần lí lịch , Vưđ-ma mời cô một điếu thuốc. Chờ cho cô gái nghiêng người châm lửa, anh liền đường đột hỏi:
- Cô biết người gác đêm bị sát hại chứ?
- Không. Nhân viên gác đêm chẳng có lý do gì để tìm đến phòng thư ký của giám đốc cả.
- Vụ án mạng này xem ra không làm cô xúc động mấy nhỉ? Lẽ nào nó không tác động gì đến cô?
- Không tác động ư? Lúc mới nghe kể, tôi suýt ngất đi đấy. Bây giờ thì đã định thần được nhiều.
- Cô có nghĩ thế này không nhé: một kẻ nào đó trong số can phạm phải là nhân viên của xí nghiệp ta?
- Anh cho như thế ư?... – hai hàng chân mày vòng nguyệt của cô giương cao lên.
- Cô có thể nhớ lại một chi tiết nào, dù hết sức nhỏ nhặt cũng được, giúp xác nhận giả thuyết đó không?
Cô gái ngẫm nghĩ một lát, rồi lắc đầu:
- Chịu thôi, tôi không tài nào nhớ nổi.
- Thế ý kiến của cô về Ur-ba-ny-ac ra sao?
El-mer dụi điếu thuốc, để có thì giờ ngẫm nghĩ về câu trả lời.
- Người ta đồn là anh ấy rất được nữ giới hâm mộ. Điều đó kể cũng chẳng có gì lạ, vì phải thừa nhận anh ấy là một người rất thú vị.
- Không lẽ ý kiến của cô về anh ấy chỉ vỏn vẹn có thế? – giọng của thiếu tá pha chút đùa giỡn – Còn về cụ Bê-let-xki? Nghe nói ông cụ rất có cảm tình với cô, phải không?
- Ông giìa đến là lẩm cẩm! – cô khoát tay với vẻ coi thường, làm cho mấy chiếc vòng bạc đeo trên cổ tay leng keng lên một hồi.
- Có bao giờ ông Bê-let-xki mở tủ két ngay trước mặt cô không?
- Tại sao anh lại hỏi tới điều ấy nhỉ? Chết anh thứ lỗi cho… - cô gái ngẫm nghĩ một lúc, - Có đấy… Nhưng dẫu sao tôi cũng không thể nhớ rành rọt.
- Ông cụ thường lấy chìa khóa từ đâu ra?
- Chuyện ấy chẳng bao giờ tôi để ý cả.
Người tiếp theo là Y-an Ur-ba-ny-ac. Tuy ngoại tứ tuần nhưng anh ta vẫn còn giữ được một dáng vóc cân đối. Còn mảng tóc tiêu muối, hai bên thái dương và những đường nét ngay ngắn trên khuôn mặt khiến viên phụ tá của ông thì quỹ có một vẻ quyến rũ, khó lòng chối cãi xác nhận thêm cho ý kiến của cô thư ký.
Thiếu tá đi ngay vào vấn đề đang làm anh bận tâm, sau một vài câu hỏi dạo đầu:
- Cùng làm việc với Bê-let-xki trong một phòng, anh thấy ai là kẻ hay để mắt đến chùm chìa khóa tủ két nhất?
- Không, tôi không nhận thấy thế - Ur-ba-ny-ac đáp, giọng rắn rỏi.
- Chắc Bê-let-xki chẳng bao giờ hớ hênh với chùm chìa khóa ấy đâu nhỉ?
- Bê-let-xki ấy à? Ồ, thế là ông thiếu tá chưa biết gì về ông cụ rồi! Lúc nào ông già cũng kè kè bên người ấy: đeo vào tận trong thắt lưng da kia mà.
- Nhưng khi mở két, thế nào chẳng phải tháo ra?
- Vâng, cái đó thì đã hẳn. Nhưng xong một tí là lại cho vào ngay ngăn kéo.
- Xtet-xki và El-mer thỉnh thoảng vẫn lui tới gặp cụ Bê-let-xki, vậy họ có cầm chìa khóa lên tay bao giờ không?
- Không… Có lẽ không bao giờ… - giọng nói của Ur-ba-ny-ac chợt mất vẻ quả quyết.
Giữa lúc đó, thiếu úy Ghéc-xơn đủng đỉnh bước vào, và chẳng nói chẳng rằng, anh ngồi xuống bên cạnh người trugn sĩ đang ghi biên bản. Ur-ba-ny-ac quay sang phía người mới vào.
- Sao anh ngập ngừng vậy? Ai nào? Xtet-xki hay El-mer?
- Cô El-mer. Chuyện xảy ra cách đây vài tuần. Cô ta đến gặp chúng tôi, để giải quyết một việc gì đó. Trong lúc trò chuyện, cô ta sơ ý hất tay, làm chùm chìa khóa rơi xuống sàn. Nhưng cô ấy vội vàng cúi xuống nhặt ngay lấy. Ác cái là cô ấy không trả lại, mà còn đùa nhả: giấu chùm chìa khóa sau lưng, bằt ông già đoán xem, nó đang nằm trong bàn tay nào; nếu đoán đúng, mới chịu thua.
- Chà, nhìn bề ngoài thì chỉ là một trò đùa vô tình, chẳng làm gì nên tội nhỉ… Xem ra, anh đang nghĩ thế thì phải?
Ur-ba-ny-ac nhìn thiếu tá một lúc, miệng mỉm một nụ cười tinh khôn:
- Tôi có cảm tưởng là chẳng phải vô tình tự dưng cô ta lại hất chùm chìa khóa.
Cuối cùng, đến lượt cụ thủ quỹ. Ông cụ người gầy nhom, lưng hơi gù, má hóp, yết hầu nhô trên chiếc cổ áo sơ mi rộng hoác. Cụ cúi chào ngay từ ngoài cửa và khép nép ngồi vào chiếc ghế thiếu tá vừa chỉ. Vưđ-ma ném một cái nhìn bao quát và mau lẹ lên ông thủ quỹ, nhưng anh chẳng nhận thấy gì, ngoài cái vẻ rầu rĩ trên mặt cụ già.
- Thế nào, ông Bê-let-xki, số tiền bị mất nhiều đấy chứ?
Cụ thủ quỹ gật đầu và thở dài:
- Nhiều ạ… Chính xác là: hai triệu tám trăm linh ba nghìn hai trăm…
- Tổng số tiền bị mất, tôi đã được thông báo rồi – Vưđ-ma ngắt lời – Tôi muốn ông cho biết rõ: tiền giấy có những loại nào?
- Cũng như mọi kỳ lương tháng khác thôi, từ giấy bạc một nghìn đến giấy bạc hai mươi đồng; ngoài ra là các loại tiền lẻ.
-Cả tiền lẻ cũng bị cuỗm sạch? – Vưđ-ma ngạc nhiên – Tổng số bao nhiêu?
- Sáu nghìn. Nghĩa là toàn bộ số tiền lẻ đặt trước tại ngân hàng.
- Thế số tiền lẻ ấy nặng mấy cân hả?
- Vài cân là cùng, không nặng đến mức để phải bận tâm đâu.
- Lấy cả tiền lẻ nữa thì kể cũng lạ, ông Bê-let-xki nhỉ?
- Dĩ nhiên. Đã cuỗm đến bạc triệu rồi mà sáu nghìn tiền lẻ cũng không tha.
- Làm việc với Ur-ba-ny-ac, ông thấy anh ấy thế nào?
- Tôi không dám phàn nàn gì cả. Anh ấy giúp tôi phát lương, chứ một mình tôi thì làm sao xuể. Thế mà đánh đùng một cái lại xảy ra chuyện mất trộm. Tôi cảm thấy mình có lỗi, ông thiếu tá ạ… Tôi cứ nằng nặc đòi hoãn việc trả lương, vì sợ không kham nổi. Mà lấy một người khác, thay vào chỗ Ur-ba-ny-ac thì không dám, không quen việc là nhầm lẫn lung tung lên ngay. Chuyện tiền nong, đùa sao được. Còn bọn trộm thì cứ như thể chỉ chờ có mỗi dịp ấy để ra tay.
- Đúng thế đấy, then chốt của vấn đề chính là chỗ ấy đấy. À này, Xtet-xki ấy mà, ý kiến của cụ về ông đó ra sao? Nghe đồn ông ta với cụ là chỗ quen thân, phải không ạ?
- Trước kia cơ! – Giọng ông già đầy vẻ tức tối.
- Sao, tự dưng sao hai ông lại cư xử với nhau như người lạ thế? Trước, ông ấy vẫn lui tới đằng nhà cụ kia mà?
- Thế đấy, quả đúng thế thật! Nhưng tôi bắt được quả tang hắn ta nắn túi tôi.
- Chuyện đã lâu chưa, hả cụ? Xin cụ kể lại đầu đuôi đi!
- Về đến nhà, tôi có thói quen cứ treo bộ vét tông mặc đi làm trên lưng ghế, rồi khóac pi-gia-ma vào. Một hôm, Xtet-xki đến, gạ đổi tem. Chả là hắn có mấy con tem tôi rất thích. Thế là tôi mới vào nhà trong, để mang bộ sưu tập ra. Lúc quay lại, tôi thấy ngay: chiếc áo vét tông chệch hẳn sang một bên, còn chùm chìa khóa, mà lúc nào tôi cũng đeo ở chiếc thắt lưng da, thì trồi hẳn ra ngoài, lủng lẳng trên dây xà tích.
- Theo cụ, thì ông ấy tìm gì ạ?
- Tìm gì ư? Tem chứ còn gì nữa! Thằng cha bịp bợm ấy tưởng tôi cất tem trong người.
- Lúc đó, cụ xử sự với ông ta ra sao?
- Bây giờ tôi đâm tiếc là đã không tống cổ hẳn ra. Lúc ấy thì tôi chỉ ca cẩm, và hai bên đâm to tiếng.
- Thế ông Xtet-xki đối đáp ra sao?
- Hắn cam đoan là chỉ muốn bật thêm ngọn đèn bàn. Lúc tìm công tắc, loay hoay thế nào không biết mới làm đổ cái ghế tôi mắc bộ quần áo. Hắn làm như thể chùm đèn treo ở trên trần nhà còn chưa đủ sáng ấy! Thanh minh thế mà cũng đòi thanh minh.
- Thế cụ nghĩ Xtet-xki nói dối sao? Chuyện tem tiếc thì tôi mù tịt, nhưng rất có thể ông ta cần có thêm ánh sáng để xem cho rõ món đồ chơi sắp đổi. Vả lại, tôi nghe đồ cụ và Xtet-xki vốn quen biết nhau từ lâu, đã thế thì thói quen của cụ, không bao giờ mang theo tem tiếc trong người, ông ta còn lạ gì nữa, mà phải lục túi cụ.
Ông thủ quỹ sững sờ, nhìn Vưđ-ma ma một hồi, chẳng nói chẳng rằng. Mãi sau mới bối rối đưa ra câu hỏi:
- Ông nghĩ như thế thật đấy chứ? Theo ông thì Xtet-xki muốn bật thêm đèn, phải không ạ? Chà, thế mà tôi cứ đinh ninh là hắn muốn khoắng túi tôi.
- Trong giới sưu tập tem của các vị, những chuyện ngộ nhận kiểu đó cũng chẳng hiếm lắm đâu, cụ Bê-let-xki ạ. Lúc nào họ cũng đinh ninh rằng thiên hạ không ai là không lăm le chiếm đoạt cái kho báu mà họ gom góp được. Ta kết thúc ở đây nhé? Cảm ơn cụ.

Chương trước Chương sau