Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông - Chương 19

Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông - Chương 19

Chiếc măng tô trắng kẻ ô vuông
Chương 19

Ngày đăng
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 19756 lượt xem

Viên thiếu úy tốt bụng vừa bước ra thì mình nhận ngay được một bức điện của Tê-rê-da. Nàng báo tin là sẽ về bằng chuyến máy bay sáng, hạ cánh lúc hơn mười hai giờ trưa mai.
Tin mừng ấy tuyệt nhiên chẳng làm mình phấn khởi chút nào. Đầu óc mình cứ rối tung lên. Suốt ngày chỉ bận tâm với mấy câu hỏi: sẽ đón Tê-rê-da thế nào đây? Có dám kể hết với nàng không? Phải viện đến những lý lẽ gì để nàng khỏi ngờ vực?
Lại phải lăn lưng vào cái phác thảo mà lẽ ra đã phải giao cho bên đặt hàng xem từ tuần trước. mãi đến gần tối, mình mới xong việc. Mình quyết địng gọi dây nói cho Ca-rôn ngay vì viễn cảnh phải đơn thương độc mã đương đầu với cái bóng tối dài lê thê này cứ đè trĩu lên ngực mình. Vả lại cũng phải đảo mắt qua căn phòng của Tê-rê-da trong chốc lát để xem có còn gì chướng mắt ở đó nữa không.
Caront rả lời: không thể đến trước tám giờ. Và đúng thời gian đã hẹn, cậu ta xuất hiện. Hai chúng mình nhớ lại cuộc trò chuyện hồi sáng với viên thiếu úy, nói đến những hậu quả có thể có do những lời khai của cả hai có thể đem lại. Sau đó mới thả bộ để dạo chơi luôn thể đến căn phòng của Tê-rê-da ở đường Ma-đa-lin.
Hai hàng bồ đề dọc phố Nar-but với những tán lá sặc sỡ nghiêng bóng trùm lên vỉa hè. Ánh điện không xuyên qua nổi đám lá cây xum xuê đó để đi qua màn sương đục đang chờn vờn trong con đường hầm chạy dài dưới bóng hàng cây, nơi hai đứa đang lững thững dạo chơi. Thấy vẻ mặt ủ dột của mình, Ca-rôn liền thử an ủi:
- Theo tớ thì cậu đã quá thổi phồng những hậu quả do cuộc viếng thăm của An-ca đưa lại đấy. Chuyện ấy lúc này thật chẳng có nghĩa lý gì trong cái chuỗi biến cô bi đát đã xảy ra tiếp theo sau đó cả. Nó đã lùi xuống hậu cảnh rồi. Chắc cậu cũng thừa biết là mình rất áy náy, do mình mà cậu lại vướng vào câu chuyện lôi thôi kia. Nhưng Tôn ạ, chuyện đó ầm ĩ đến mức nó khiến người ta quên đi hết thảy mọi thứ khác.
- Cậu suy xét cứ như thể chưa bao giờ biết phụ nữ là gì ấy. Đối với họ, cuộc đụng độ giữa hai đạo quân chỉ là chuyện vặt so với việc đức lang quân của họ léng phéng với một cô ả nào đó. Trước mắt Tê-rê-da chỉ có mỗi một sự kiện sau đây là đáng kể: mình đã lôi về phòng cô ấy một người đàn bà khác. Cô ấy sẽ nghĩ thế này: mình làm thế chẳng qua là do sở thích chử chẳng phải vì nể lời ai cả. Còn cậu thì mình chỉ viện ra để làm bìng phong thế thôi. Toàn bộ câu chuyện dưới mắt cô ấy chỉ vẻn vẹn có vậy, không hơn không kém.
- Cậu bảo trưa mai máy bay sẽ đến chứ gì. Được, mình sẽ đi đón cùng với cậu nếu cậu không phản đối.
- Hoan hô! Được vậy thì còn gì bằng. Mình sẽ thấy vững dạ hơn.
- Vấn đề đâu phải là ở đó. Chẳng qua mình chỉ muốn đích thân kể hết đầu đuôi cho Tê-rê-da nghe.
- Thế theo cậu, mình không đủ can đảm chứ gì?
- Cậu nhầm to rồi, Tôn ạ. Mình chỉ lo là cậu sẽ cố sống chết thanh minh với Tê-rê-da rằng cậu vô tội. Nhưng chính vì thế mà cậu sẽ ăn nói lung tung và làm hỏng hết mọi chuyện.
- Hừm, có thể cậu đúng. Đã thế, cậu cứ nói rõ lý lẽ của cậu đi xem nào.
Nhưng chúng mình đã đến nơi. Mình rút chìa khóa ra mở cửa. Vào phòng một cái, mình vớ ngay lấy cái phất trần phủi bụi. Ca-rôn cũng noi gương. Chẳng mấy chốc hai đứa đã dọn dẹp, thu xếp đâu ra đấy. Xong xuôi, mình rót ra hai ly rượu, rồi ngả người xuống sa-lon.
Cả hai đều chẳng muốn nói gì thêm nữa. Mình duỗi thẳng hai chân ra, uể oải ngắm bức tranh trên bức tường trước mặt. Ca-rôn thì gác chân lên mép bàn, uống cạn chỗ rượu còn lại, đặt cốc xuống. Bỗng cái chuông treo ngoài cửa ra vào đường đột ngân dài.
Mình vội vàng ngoảnh đầu ra vì sửng sốt.
- Chà, bắt đầu rồi đấy. Chắc ai đó tường Tê-rê-da về trước hạn. Hoặc có lẽ họ nhìn thấy cửa sổ có ánh đèn.
Mình uể oải đứng dậy, bước ra cửa, chuẩn bị sẵn câu trả lời. Nhưng đến khi thấy bóng một phụ nữ đứng giữa cửa thì sửng người không còn mở miệng được nữa. Người phụ nữ đó chính là An-ca El-mer. Chật vật lắm cô ta mới kìm bớt được nhịp thở gấp gáp như sau lúc chạy đường trường về đến đích. Tóc tai thì rối bù, mặt lộ rõ vẻ hoảng hốt. Điều đập ngay vào mắt mình là chiếc măng-tô: chiếc măng-tô trắng kẻ ô vuông. Cô ấy đang mặc nó trên người.
Thấy mình, cô ta vội lùi ngay lại, toan bỏ chạy sau khi buột miệng thốt lên mấy tiếng ngạc nhiên:
- Anh đấy à?... Anh cũng ở đây sao?
Sợ cô ấy lại bỏ trốn lần nữa, mình phải vội vàng bảo: cả Ca-rôn nữa cũng đang có mặt tại đây và nhã nhặn mời cô ta vào nhà. Sau lưng ngay lúc ấy cũng vang lên tiếng chân vội vã của Ca-rôn: chắc anh cũng nghe được mấy câu đối đáp ngoài cửa và nhận ra giọng nói của An-ca. Mình chưa kịp ngoảnh lại thì Ca-rôn đã đứng ngay cửa và An-ca lập tức nhào đến ôm ghì lấy cổ anh chàng. Thấy thế, mình bèn nhanh tay đóng cửa lại. Ngả đầu vào ngực Ca-rôn, cô gái khóc nấc lên.
- Em không thể… không còn chịu đựng được nữa… Bọn chúng đã làm tình làm tội em… Em đến với anh, hy vọng anh sẽ che chở… che chở cho. Em chẳng còn biết đi đâu… nương nhờ ai nữa cả, cũng chẳng còn biết làm gì nữa…
Mình ngước nhìn chàng Rô-me-o đang ngây ngất trong hạnh phúc, ôm chặt An-ca trong lòng, mặt đực ra như một chú cừu trước cổng chuồng mới. Và vừa vuốt tóc An-ca, anh chàng vừa lộc ngộc nói những câu ngớ ngẩn:
- Nín đi em yêu, chẳng có gì đáng sợ nữa đâu… Anh không để cho bất cứ đứa nào làm khổ em nữa đâu. Nào, nìn đi rồi đâu sẽ vào đó thôi…
- Sao không vào trong phòng kia mà an ủi hả? – mình càu nhàu, chẳng hiểu tại sao nhưng tự dưng đâm bực cả với Ca-rôn lẫn An-ca – Tôi đề nghị cô làm ơn cởi măng-tô ra đã: vì câu chuyện huyên thuyên của anh chị xem chừng còn dài đấy… Còn chiếc măng-tô, tôi nghĩ đã đến lúc cần được treo lên chỗ cũ rối… Ca-rôn, đưa người đẹp của cậu vào nhà đi… Rót cho cô ấy một cốc vốt-ka. Như thế chắc cô ấy sẽ bình tâm hơn là những tiếng quàng quạc vô bổ của cậu đấy.
Cuối cùng, anh ta cũng dìu An-ca xuống ghế. Cô ta run lên và ngồi nhìn bức tranh trên tường. Đấy chẳng qua chỉ là một cơn choáng váng tâm thần sau bao gian nan đã nếm trải chứ thật ra trong phòng rất ấm, mà ngoài trời thì cũng chẳng có giá tuyết gì. An-ca ngoan ngoãn uống cạn cốc rượu đầy, ngước nhìn mình rồi lại nhìn sang Ca-rôn.
- Hóa ra các anh quen biết nhau ư?
- Đại để là thế - mình lầu bầu và vì không nỡ làm cho không khí căng thẳng nên vội thêm – Tôi rất lấy làm tiếc…
- Đúng thế, anh với A-na-tôn là chỗ quen biết. Anh rất tự hào có được một người bạn như anh ấy – đến lượt Ca-rôn mở miệng.
- Hóa ra em sợ anh là hoàn toàn vớ vẩn ư?
- Cô hiểu ra điều đó có hơi muộn màng, nhưng xem thế cũng đủ chứng tỏ anh chàng gà tồ kia nói nhảm – mình đáp bằng một giọng khá là chua chát.
- Hôm ấy, nghe anh nhắc đến cái xắc là em choáng người vì sợ không còn biết xoay sở ra sao nữa. Nhưng làm sao mà anh lại đến được cái lán ấy?
- Đó là cả một câu chuyện rất dài, An-ca ạ. Nhưng đằng nào cô cũng phải nghe. Tôi dính vào vụ ấy chung quy chỉ vì cái xắc và chiếc măng-tô mà cô lấy đi từ căn phòng này là hai thứ của quý của Tê-rê-da, vợ chưa cưới của tôi. Tôi phải tìm cho ra. Vì nói chung, Tê-rê-da sẽ biết là có một phụ nữ khác, hay nói khác đi là một kẻ thuộc phái yếu hơi thiếu giáo dục… đã đột nhập vào đây lúc cô ấy vắng nhà, nhờ sự tiếp tay của chính tôi đây.
- Anh tả lại câu chuyện thật là hoa mỹ - An-ca nói – nhưng thật ra em đâu có định lấy những thứ đó. Ác cái là gã Y-a-khma cứ nằng nặc bắt em phải đến gra-đô-va với một cái xắc. Vả lại, sáng hôm ấy trời lạnh quá. Em khoác chiếc măng-tô kia vào người chính là vì lẽ ấy.
- Việc cô cất tiền trong cái xắc da ấy chúng tôi biết rồi. Điều chúng tôi đang cần biết thêm lúc này là những sự việc còn mù mờ trong câu chuyện mà chúng tôi hình dung được khá rõ, vì sắp phải có một quyết định khá quan trọng đấy.
Thế là mình bèn kể lại hết thảy những gì đã biết. Tiếp đó, An-ca thêm vào những sự việc vừa xảy ra. Cô ấy vừa dứt lời thì mình đề nghị:
- Nào, ta cùng cạn chén mừng hội ngộ đi các bạn. Ca-rôn ơi, tình cảnh của An-ca xem chừng bi đát đấy.
- Khổ một nỗi là cô ấy lại vừa mới chạm trán với lão ta. Trước, lão chỉ nghĩ làm cách nào để lấy lại được chỗ tiền gã Táo Xanh đưa. Việc hắn dấu mặt trong lần tra khảo cô ấy tại cái lán gỗ chứng tỏ hắn không có ý định thủ tiêu An-ca. Giờ thì sự tình đã xoay chuyển theo một hướng hoàn toàn khác. Chắc lão thừa hiểu là An-ca đã nhận được mặt lão, bởi thế…
Ca-rôn không nói hết câu vì cậu ta hiểu rằng đoạn cuối sẽ càng khiến An-ca sợ.
- Ta hẵng cứ hy vọng là lão già đó không đò được dấu vết cô ấy. Tuổi tác như lão dễ gì theo kịp được An-ca đang độ trẻ trung thế kia. Hơn nữa, trong toa tàu, ngoài lão ra còn có ai khác nữa.
An-ca không hề nói câu nào xen vào những lời bàn bạc của mình với Ca-rôn.
- Nếu cậu đúng thì bây giờ chúng mình phải nhanh chóng tìm cho An-ca một chỗ ẩn nấp thật chắc chắn – mình lầu bầu, không giấu vẻ lo lắng – Nhưng biết tìm đâu đây mới được.
Mình hiểu là chỉ có một lối thoát duy nhất cho tình cảnh bi đát này, nhưng trong thâm tâm lại rất đỗi run sợ khi nghĩ phải tìm đến lối thoát ấy. Nhưng rồi mình cũng tự chủ được.
- Đằng nào rồi mình cũng phải đối đầu với Tê-rê-da khi kể lại câu chuyện ghê gớm này vì tuy đã lấy lại được chiếc măng-tô và chắc chỉ nay mai thôi, cả cái xắc da nữa, những vụ rắc rối ấy đã vượt quá cái tầm cỡ có thể ỉm đi mọi chuyện. Bởi thế, tốt hơn hết là cứ để An-ca ở lại đây cho đến mai. Còn chuyện giấu An-ca vào đâu trong thời gian tới thì để mình bàn lại với người vốn là vợ chưa cưới của mình đã, rồi ta sẽ liệu.
Nghe mình nói vậy, An-ca liền lên tiếng:
- Em thấy các anh lo như thế thôi uổng công. Chuyện này chỉ có công an mới giúp được em thôi. Các anh cứ báo cho công an em đang ở đây. Em sẽ kể thật hết với họ, tự nguyện trả lại chỗ tiền. Chuyện đó nhất định sẽ được chiếu cố đến khi xét xử vụ án:
- Trình báo với công an, cái đó thì đã hẵn – Ca-rôn đồng ý – Anh tin là họ sẽ thông cảm thôi. Cái cậu thiếu úy đến đây hôm qua ấy mà đáng mến lắm.
- Nhưng quyền quyết định đâu phải tùy thuộc vào một mình anh ấy. Dẫu sao mình cũng tán thành phải đến trình với cảnh sát mà vì cái chỗ tiền kia là chính. Cô vẫn gửi nó ở phòng giữ hành lý đấy chứ? – mình quay sang phía An-ca.
Cô gái gật đầu, đứng dậy, bước ra phòng ngoài. Lát sau đã trở lại với cái xắc du lịch nhỏ, mở phéc-mơ-tuya, lấy ra một mảnh giấy con.
- Biên lai đây anh ạ - cô nói.
- Số điện thoại của anh thiếu úy tôi có ghi lại đây – mình với tay lấy quyển danh bạ đặt cạnh máy điện thoại.
- Khoan đã nào – Ca-rôn ngăn mình lại – còn kịp chán. Phải xem lại xem, thế đã thật ổn chưa…
- Xem lại xem đi cái gì nữa hả? – mình ngạc nhiên – Nếu tớ không nhầm thì cậu ủng hộ nhiệt liệt giải pháp trung thực đối với các nhà chức trách lắm kia mà. Sao tự dưng lại đổi thái độ đột ngột như thế?
Rồi mình nhìn sang An-ca, khoái trá ra mặt với câu nói mỉa mai ấy.
- Bàn những chuyện liên quan đến cá nhân em mà các anh chẳng thèm hỏi ý kiến em gì cả. Trong thâm tâm em không hề có ý định gây phiền hà gì cho cả anh lẩn Ca-rôn. Nhưng em cũng tỉnh táo để hiểu rằng cần phải báo gấp cho công an việc em đến đây. Đó là lối thoát duy nhất cho tình cảnh hiện thời đấy. Để công an bắt giam, em nghĩ, đó chính là cách tốt nhất để cứu sống em, tạo cho em một chỗ nương thân thật an toàn. Đã thế, xin anh cứ gọi điện đi, đừng nghe Ca-rôn nữa.
- Gọi điện thì dễ lắm. Có điều sau đó sẽ ra sao? Em đang ở vào một cái thế hết sức bất lợi trước các cơ quan xét xử.
- Nhưng làm cách nào để tránh được chuyện đó? – An-ca hỏi lại bằng một giọng rất thực tế.
- Theo tôi nghĩ, không có cách nào trao lại cho công an tấm biên lai mà lại lờ đi chuyện An-ca xuất hiện.
- Vấn đề không phải ở chỗ đó – Ca-rôn phản đối – Tờ biên lai ta cứ giao. Nhưng sao lại không bịa ra một chuyện gì đó để tránh đả động việc An-ca xuất hiện.
- Cậu tưởng người ta cứ để cho cậu bịp người ta chứ gì? – mình nổi nóng – Họ tài ba lắm chứ đâu phải chỉ là những chàng công tử bột như cậu. Cậu tưởng lấy vải thưa che mắt thánh như thế thì thoát nạn chứ gì?
- Em van các anh đấy, đừng phí thì giờ tranh luận vô bổ như thế nữa – An-ca xen vào, giọng rất cứng cỏi – Anh A-na-tôn, anh làm ơn gọi điện mời họ đến nhận tờ biên lai đi.
Mình thấy không nên chần chừ nữa, nên vội tìm số điện thoại của Ghéc-xơn và nhấc ống nghe lên.
Mười phút sau, công an đến. Ngoài viên thiếu úy đã quen mặt còn có thêm một người nữa mặc thường phục, tầm vóc cân đối nhưng hơi gầy, tóc tiêu muối, phong độ hết sức hấp dẫn hệt như thể vừa từ một trang bìa của một tờ tạp chí thời trang Anh-cát-lợi bước ra. Ghéc-xơn gọi anh này là thiếu tá. Anh vào phòng trước tiên, dừng lại trước mặt An-ca, giữa lúc cô gái tỏ vẻ hết sức bối rối, chậm rãi đứng thẳng dậy. Quan sát vẻ mặt cô một lát rồi thiếu tá cất tiếng hỏi:
- Thế nào, chán trò ú tim lắm rồi chứ gì?
Xem ra thì An-ca đã vô tình chọn được một dáng đứng khó lòng chê trách được trong tình thế đó: cô cúi gằm và bật khóc, nước mắt lã chã trên má. Thấy vậy, thiếu tá bĩu môi rồi quay sang hỏi mình:
- Chuyện cô El-mer tìm đến chỗ các anh, đầu đuôi thế nào kể cho tôi nghe đi.
- Theo tôi suy xét thì cô ấy tưởng rằng căn phòng này của anh bạn tôi đây. Còn nguyên do thúc đẩy cô ấy đến, có lẽ tốt hơn hết hãy để chính cô ấy trình bày.
- Thế thì phải chờ một lát cho cô ấy bình tĩnh lại đã – thiếu tá lầu bầu.
- Em xin nói ngay đây ạ - An-ca sôi nổi thốt lên.
- Còn gì bằng, tôi nghe cô đây. Đề nghị cô kể rõ ràng và có đầu có đuôi kẻo không anh thiếu úy Ghéc-xơn đây sẽ đến thiếp đi trong ghế sa-lon êm ái này mất.
An-ca lại ngồi xuống và bắt đầu thuật lại mọi việc, còn thiếu tá thì đứng yên, hai tay khoanh trước ngực chăm chú nghe. Mình có cảm tưởng An-ca không hề giấu giếm gì hết. Chắc anh thiếu tá đẹp trai kia cũng có cảm tưởng hệt như mình. Nghe xong, anh ta bắt đầu đặt một lô câu hỏi với một giọng đỡ xẵng hơn nhiều.
- Nghĩa là cô nghĩ ông Pa-gi-xturi đây sẽ giúp đỡ cô – anh nhìn sang phía Ca-rôn – Nhưng do đâu mà cô dám tin chắc như thế? Theo tôi nghĩ những cơ sở làm chỗ dựa cho giả thiết đó chẳng lấy gì làm vững lắm.
- Đối với em đó là lối thoát độc nhất – An-ca thành thật thú nhận – Em quyết định cứ thử liều xem sao.
- Lẽ ra em phải đến đây từ trước kia mới đúng – Ca-rôn nói rõ quan điểm cậu ta.
Rồi ai nấy đều nín thinh cho mãi đến khi anh thiếu tá lên tiếng.
- Còn một câu hỏi quan trọng nữa đây, cô tin chắc mười mươi rằng lão già trong cái lán gỗ với lão già cô gặp trên xe lửa là một chứ? Thế chắc cô nhận diện được lão ta?
- Không đâu ạ! Em xin nói thật: không thể nhận diện được – Rồi An-ca cố thuyết phục bằng một giọng sôi nổi – nhưng giọng nói thì đích thực là của một người. Em nhớ như in từng chỗ lên giọng, xuống giọng, cả cái vẻ khê khê, khàn khàn lẫn độ nhanh, chậm nữa. Tiếc cái là trong toa tuy có đèn nhưng không sáng mấy nên em không nhìn rõ mặt. Với lại, lúc nào cái mũ lưỡi trai cũng tùm hụp trên đầu lão ta.
- Dứt khoát là không thể nhận mặt được lão già chứ gì?
- Vâng ạ. Trong toa tối lắm.
- Hừm… Thôi đành vậy chứ biết làm sao. Các vị quan tòa chắc gì đã coi chuyện nhận diện qua giọng nói là bằng chứng xác đáng. Phải tìm một cái gì khác có trọng lượng hơn.
- Thưa thiếu tá – Ca-rôn lắp bắp nói – thế nghĩa là tính mạng của An-ca El-mer đang bị đe dọa phải không ạ?
- Đúng thế, tôi nghĩ chuyện này chẳng có gì phải úp mở cả. Thật ra, lúc này, lão đang còn có nhiều mối lo nghĩ khác nhưng tôi tin chắc lão sẽ không quên cô An-ca của anh đâu. Rõ ràng là lão bíêt An-ca đã nhận ra lão.
- Tôi nghĩ chẳng có gì…
- Nhưng dẫu sao anh vẫn không tin chắc lắm vào những ý kiến phản đối của chính mình. Thôi được, chuyện ấy lát nữa ta sẽ quay lại. Bây giờ, hẵng bàn sang chuyện món tiền kia. Hiện cô đang giữ món tiền ấy phải không nào?
- Vâng, vẫn ở ngoài ga, trong phòng giữ hành lý. Biên lai em trao cho ông Xar-na rồi.
- Đúng thế đây, xin các anh nhận lại cho – mình trao cho thiếu tá tờ biên lai cuộn tròn.
Thiếu tá cầm lấy, mở ra xem rồi đưa cho Ghéc-xơn và dặn:
- Anh ra ga, lấy giúp chỗ tiền ấy về đằng Cục cất đi rồi hoàn lại ông Xar-na cái xắc. Cho ông ấy đỡ lo. Tôi ngồi đây đợi anh đấy. Lấy xe mà đi. Dặn cậu lái xe trông chừng đề phòng bất trắc.
Ghéc-xơn vội vã đứng lên. Khi anh vừa ra khỏi phòng, thiếu tá lại hỏi An-ca tiếp:
- Cô lấy mất bao nhiêu trong chỗ tiền ấy?
- Em không hề lấy một đồng nào. Thậm chí đến mở ra đếm cũng không ạ…
Mình thấy thiếu tá rướn cao hài hàng chân mày
- Thế thì cô cầm làm quái gì món tiến ấy để đến nỗi mang vạ vào thân?
- Em chỉ muốn… chỉ muốn trả thù Vich-to vì hắn đã dám làm thế…
- Cụ thể là làm gì?
- Đánh em ạ. Tát… hai cái… - An-ca cúi mặt.
- Cô có định sẽ làm gì với khoản tiền ấy không?
An-ca nhún vai
- Không ạ. Em chỉ muốn trả thù… Và thế là lấy đi. Em biết hắn sẽ sửng sốt lắm khi không gặp mặt em ở nhà, cả cái xắc tiền cũng không thấy. Em đâu ngờ chính vì món tiền ấy mà hắn chết oan.
- Không phải vì cô mà hắn mất mạng đâu. Hắn mưu toan xoay sở ít nhiều của đồng bọn. Cho nên đồng bọn của hắn phải đoạt lại chỗ tiền đã mất. Vài khi đã lấy lại được tiền rồi, thể nào chúng cũng thanh toán hắn thôi. Chuyện này hình như thiếu úy Ghéc-xơn đã giải đáp cho các anh rồi phải không nhỉ.
- Thưa thiếu tá… thiếu tá có bắt giam em không ạ? – An-ca rụt rè hỏi.
- Đấy, bây giờ mới nói sang những hành động của cá nhân cô. Kể ra thì phải bắt giữ cô mới hy vọng bảo toàn được tính mạng cho cô. Nhưng rõ ràng ông Pa-gi-xturi đang tha thiết muốn chăm nom, bảo vệ cô. Hơn nữa, cô đã không đụng đến món tiền, lại tự nguyện giao nộp. Bởi thế tôi cho là không hợp lý nếu ta tước mất của ông bạn cô cái nguyện vọng chính đáng ấy.
An-ca liếc nhìn Ca-rôn và thấy mặt anh chàng rạng rỡ hẳn lên.
- Điều duy nhất chưa được giải quyết, theo tôi, là chưa thể đảm bảo an toàn tính mạng của An-ca chừng nào thủ phạm chủ chốt của vụ án ghê gớm này còn đang nằm ngoài vòng pháp luật. Bởi thế, đề nghị thiếu tá cho chúng tôi vài lời khuyên bảo.
Thiếu tá ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi mới nói:
- Quả tình An-ca đang gặp mối nguy hiểm thật sự. Nhưng tôi nghĩ chỉ vài hôm nữa vụ án sẽ kết thúch thôi. Tôi đang còn cần đến cô El-mer và cả anh nữa – thiếu tá đưa mắt nhìn mình – xem ra thì ngay từ ngày mai thôi. Vậy nếu được, tôi chỉ yêu cầu: đừng để An-ca rời khỏi căn phòng này một bước nào. Thế bao giờ thì cô vợ chưa cưới của anh về? – thiếu tá quay sang trò chuyện trực tiếp với mình.
Mình đáp:
- Mai ạ. Trưa mai sẽ đến nơi.
- Gay nhỉ. Vừa mới đi xa về mà đã sa ngay vào cái mớ bòng bong này thì thật chẳng ổn chút nào. Nhưng tôi không thấy có lối thoát nào khác ngoài việc phải thật sự bắt giữ cô An-ca El-mer. Ông Pa-gi-xturi này, ông có thể nghỉ phép vài hôm đưa cô ấy đi đâu đó được không? Dạo này trời đang đẹp, nghỉ ngơi ít hôm trên núi hoặc biển thì còn gì bằng. Với lại cho đầu óc cô ấy nhẹ nhõm bớt đi… Nhưng phải đề p[hòng thật cẩn thận đấy.
- Nếu bọn chúng theo dõi căn nhà này thỉ hễ chúng tôi bước ra là bị tòm cổ ngay. Thế còn đi đâu được nữa – Ca-rôn tỏ ra lo sợ.
- Ông đừng lo. Thiếu úy Ghéc-xơn sẽ có cách giúp ông đưa được cô El-mer ra khỏi đây. Nhưng đó là chuyện vặt, bàn ở đây sợ mất thì giờ. Cái chính là ông Xar-na phải thuyết phục cô vợ chưa cưới của ông ấy để cô ta đồng ý cho phép sử dụng căn phòng này làm chỗ trú tạm thời.
- Mọi chuyện tùy thuộc vào trạng thái tâm thần của Tê-rê-da lúc trở về - mình dè dặt đáp và mỉm cười, ít ra cũng là để giấu vẻ bối rối.
Thì còn biết trả lời thế nào nữa kia chứ? Nhưng những suy nghĩ của mình về chuyện đó bỗng bị cắt ngang – viên thiếu úy lại xuất hiện. Sau khi thỏa thuận thêm một vài chi tiết, cả hai sĩ quan công an đều ra về, để lại cái xắc da chết tiệt kia lại cho mình. Thế là rốt cuộc cả hai món đồ làm mình khổ sở bấy lâu nay đã trở về chủ cũ – với cả một cô gái kèm theo nữa. Kể mình cũng tốt số đấy chứ!
- Ông thiếu tá ấy họ tên gì ấy nhỉ? – Ca-rôn hỏi ngay sau khi hai người vừa bước chân ra – Đâu như là Vưđ-ma thì phải. Cũng dễ chịu đấy chứ?
- Vì ông ấy để An-ca lại cho cậu chứ gì? – mình không ghìm được nên nói toạc ra thế, giọng bực dọc – Còn cái mà ông ấy để lại cho mình thì cậu đâu thèm tưởng đến. Này, An-ca, tôi yêu cầu cô đồ đạc thế nào cứ xin để nguyên như thế cho, cho đến lúc Tê-rê-da về. Chớ có làm lộn tùng phèo lên, mà khổ thân tôi đấy. Hình như hết nhẵn thức ăn rồi thì phải. Nhưng không sao, mai tôi sẽ xách đến.
PHẦN 33
Cuộc khám xét cái xưởng sản xuất vật liệu bê-tông đúc sẵn ở đường Gra-đô-va vẫn cứ diễn ra tuy không có chủ nhân là Di-gmun-tơ Lu-chắc chứng kiến. Phòng công nghiệp cho hay ông Lu-chắc quanh năm vẫn sống tại Y-u-dê-phốp, chỉ họa hoằn lắm mới tới xưởng, bởi vậy không làm cách nào để đưa mấy cái lệnh gọi của công an. Sự vắng mặt đó khiến thiếu tá Vưđ-ma không tài nào dò hỏi được Lu-chắc những điều mà anh đang rất bận tâm.
Tổ điều tra đã tiến hành khám xét kỹ lưỡng cái lán, mấy dãy nhà kho và những khu đất nằm trong phạm vi của cái xưởng bê-tông đó. Trong lán, cũng như trong kho chẳng tìm thấy gì, ngoài những thứ đồ đồng nát, bàn ghế gãy, dụng cụ sản xuất và các loại khuôn đúc cùng mấy bao xi măng đã vón cục.
Nhưng đến khi khám xét các vuông đất xung quanh, tổ đã phát hiện được một chỗ đất mới đắp ngay bên dưới chân tường một nhà kho. Cho đào lên thì thấy dưới đáy hố có hai xác chết.
Cuộc khám nghiệm tại chỗ của các chuyên gia pháp y cho phép khẳng định: cả hai đều bị giết bắng súng lục. Đem xét nghiệm những đầu đạn tìm được từ hai cái xác đó, các chuyên gia cũng đã xác định được khá dễ dàng kẻ nào là chủ nhân của khẩu súng lục, nghĩa là thủ phạm gây nên hai cái chết kia.

Chương trước Chương sau