Chuyến bay Frankfurt - Chương 01

Chuyến bay Frankfurt - Chương 01

Người hành khách trên sân bay Frankfurt

Ngày đăng
Tổng cộng 24 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 22219 lượt xem

Tác giả nói:
Câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra với một tác giả thường là :
- Ông (hay bà) lấy tứ truyện ở đâu?
Tiện nhất là tác giả trả lời: “Tại Trung tâm Thương mại Harrods hoặc Liên hợp thương mại của Quân đội”.
Khi nghe trả lời như thế, người ta dễ nghĩ rằng có một nơi kỳ diệu, đến đấy tác giả tha hồ kiếm tứ truyện. Tuy nhiên câu trả lời đó không làm thỏa mãn những độc giả nào nhớ đến mấy câu thơ của Shakespeare:
Hãy nói tôi nghe, óc tưởng tượng nằm trong đầu hay trong tim?
Nó sinh ra và lớn lên thế nào?
Khi đó tác giả trả lời: “Trong đầu tôi”.
Tất nhiên nghe trả lời như thế, người đọc vẫn chưa thỏa mãn trí tò mò. Nhưng nếu người đọc là người dễ tính thì ông ta chỉ im lặng suy nghĩ và tác giả sẽ giải thích thêm đôi chút:
“Nếu tứ truyện có vẻ lý thú và tác giả thấy có thể sử dụng, anh ta xoay chuyển nó theo đủ các cách, đào sâu và nhào nặn dần. Sau đấy tất nhiên phải viết nó ra giấy, và đây không phải công việc dễ dàng. Thật ra, đó mới là bước khởi đầu cho một quá trình lao động thật sự. Nhưng đôi khi, tác giả giữ nó lại trong trí nhớ, để dành và sau đó một hoặc hai năm mới lấy ra sử dụng”.
Câu hỏi thứ hai thường như sau :
- Còn các nhân vật thì chắc hẳn ông rút ra trong cuộc sống thực tế?
Nghe hỏi thế, tác giả thường tức giận chối phăng :
- Hoàn toàn không phải! Các nhân vật đều do tôi bịa ra. Chúng hoàn toàn của tôi và tôi có thể bắt chúng hoạt động theo ý tôi. Chúng biến dần thành những con người thật, có tư tưởng tình cảm riêng, nhưng các tình cảm và tư tưởng ấy do tôi tạo ra cho chúng.
Có nghĩa tác giả tạo nên các ý nghĩ và đẻ ra nhân vật.
Bây giờ đến yếu tố thứ ba: khung cảnh. Hai yếu tố đầu - cốt truyện (hoặc tứ truyện), nhân vật - bắt nguồn từ óc tưởng tượng của bản thân tác giả, nhưng yếu tố thứ ba - khung cảnh - lại do từ bên ngoài. Người ta không bịa ra cái đó mà nó phải tồn tại từ trước.
Thí dụ tác giả có thể tạo nên một tuần dương hạm chạy trên sông Nil [1] và tìm ra một khung cảnh thích hợp cho cốt truyện của ông ta. Tác giả có thể đến ăn tại một nhà hàng ở khu Chelsea [2] và chứng kiến một cuộc cãi lộn, thứ cung cấp cho ông ta chất liệu dùng làm sự kiện khởi đầu cho cuốn truyện tương lai. Thậm chí tác giả có thể ngồi trên đoàn tàu nhanh chạy sang phía Đông và nghĩ bụng đây sẽ là khung cảnh tuyệt vời cho kết cấu của cuốn truyện ông đang thai nghén. Tác giả còn có thể đến uống trà ở nhà một bạn gái, bà này thấy ông ta đến, bèn gấp cuốn sách đang đọc, reo lên: “Hay lắm! Nhưng tại sao lại hỏi đến Evans?” Thế là tác giả quyết định đặt tến cuốn sách sắp viết của ông ta là “Tại sao không phải Evans?”. Ông ta chưa biết Evans là ai, nhưng điều đó có gì quan trọng? Bây giờ ông đã có nhan đề cuốn sách, còn Evans thì nhân vật này sẽ xuất hiện lúc nào cần thiết.
Cho nên, nói đúng ra, tác giả không bịa địa điểm diễn ra hành động của cuốn sách, mà ông ta tìm thấy địa điểm đó ở xung quanh. Tác giả chỉ cần đưa mắt là dễ dàng nhìn thấy nó rồi tùy ý lựa chọn. Trên một chuyến tàu hỏa, trong một bệnh viện, một khách sạn ở London, trên một bãi tắm ở bờ biển quần đảo Antilles [3], trong một xóm nhỏ nông thôn, một buổi chiêu đãi, một trường nữ học...
Nhưng còn một câu hỏi nữa được đặt ra: tác giả tìm đâu ra những thông tin ngoài cách phỏng đoán qua những hình ảnh nhìn thấy và những lời nói nghe thấy? Câu trả lời cực kỳ đơn giản. Chính là báo chí mỗi sáng đem đến những thông tin mới. Trên thế giới ngày nay đang diễn ra những chuyện gì? Người ta suy nghĩ ra sao? Người ta nói thế nào? Người ta làm những gì? Muốn biết, chúng ta chỉ cần đặt một tấm gương trước nước Anh răm 1970, nghĩa là mỗi sáng đọc trang đầu của tờ nhật báo của chúng ta trong một tháng, ghi chép, rồi xem xét và phân loại.
Ngày nào cũng có một vụ án mạng, một cô gái bị bóp cổ, một bà già bị tấn công và cướp mất số tiền ít ỏi bà ta đã dành dụm được, những ngôi nhà bị chất nổ thiêu trụi hoặc phá hủy, ngày nào cùng có chuyện buôn lậu ma tuý, những đứa trẻ bị lạc được tìm thấy, những người bị giết chỉ cách nhà họ vài bước chân, những vụ trộm cắp và trấn lột.
Phải chăng tất cả những chuyện đó là nước Anh? Phải chăng nước Anh của chúng ta lại đúng là như thế? Chúng ta biết rằng không phải, ít ra thì cũng chưa phải. Nhưng nước Anh có thể như thế.
Thế là nỗi sợ xuất hiện - nỗi sợ những gì có thể xảy ra. Không phải vì những sự việc xảy ra, mà vì những nguyên nhân nằm đằng sau chúng, một số chúng ta biết, một số khác chúng ta chưa biết nhưng chúng ta cảm thấy khá rõ.
Tình trạng đó không chỉ riêng ở nước ta. Trong tờ nhật báo, chúng ta thấy cả những tin tức ở châu Âu, châu Á, hay châu Mỹ. Chúng ta thấy những chuyện máy bay rơi, cướp máy bay, chuyện bạo lực, nổi loạn, hằn thù, chuyện lộn xộn vô chính phủ.
Tất cả những chuyện đó dẫn đến sự sùng bái phá phách, nỗi thích thú bạo lực. Nhưng ý nghĩa sâu xa của chúng là gì?
Những lời thơ ra đời từ thời Nữ hoàng Elizabeth [4] lại văng vẳng bên tai chúng ta.
Đó chỉ là câu chuyện
Do một anh hề kể ra
Đầy âm thanh và bạo lực
Không có ý nghĩa gì hết.
Tuy nhiên chúng ta biết trên thế giới có bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu việc làm cao thượng, nhân ái, từ thiện, vị tha. Trong khi đó, tại sao vẫn có cái không khí đáng lo ngại hàm chứa trong các tin tức hàng ngày, những thứ đó vẫn xảy ra và là những chuyện có thật?
Vào cái năm 1970 ân huệ đó, muốn viết một câu chuyện, tôi thấy cần tự đặt mình vào trong một tình huống có thật. Nếu cái tình huống đó khác thường, cuốn truyện phải thích ứng với nó và sẽ thành một truyện mang tính bịa đặt, phóng đại.
Nhưng liệu ta có thể hình dung rằng những sự kiện diễn ra trên thế giới có một nguyên nhân đặc biệt nào đó không? Thí dụ một chiến dịch bí mật nhằm nắm quyền bá chủ thế giới, một ý đồ điên rồ nhằm phá tan tành mọi thứ để lập ra một thế giới hoàn toàn mới? Người ta còn có thể đi xa hơn, tính đến khả năng giải phóng thế giới này bằng những phương pháp hoang đường, thoạt nhìn có vẻ không thể thực hiện được? Nhưng khoa học chẳng đã chứng minh cho chúng ta thấy đó sao: không có thứ gì là thực sự không thể được!
Câu chuyện tôi sắp kể, về bản chất, là một câu chuyện bịa đặt và nó không dám đòi hỏi độc giả phải nghĩ nó là chuyện thật. Tuy nhiên phần lớn những sự kiện diễn ra trong đó đôi khi đã từng xảy ra trên thế giới thời nay, hoặc có thể xảy ra. Cho nên đây không phải câu chuyện không thể có, mà chỉ là câu chuyện khác thường.
Chú thích:
[1] Con sông dài nhất của châu Phi, chảy từ hồ Victoria ra Địa Trung Hải, qua đất Ai Cập, nổi tiếng nhờ những Kim Tự Tháp nằm ở hai bên bờ. (N.D).
[2] Tên một quận ở ngoại thành London, nơi rất nhiều văn nghệ sĩ cư trú. (N.D).
[3] Nằm trong khu vực Tây Âu, trong biển Caribean, trong số các đảo có quốc đảo Cuba. (N.D).
[4] Nữ hoàng Anh (1558 - 1603) trị vì vào thời Phục Hưng (N.D).

Xin quý khách vui lòng thắt dây an toàn!
Hành khách trên máy bay lục tục thực hiện lời đội bay yêu cầu, không hề nghĩ rằng chưa phải máy bay đã đến Geneve [1]. Những người đang ngủ gà ngủ gật há miệng ngáp. Cô nhân viên hàng không đi dọc các hàng ghế; kiểm tra xem có vị khách nào ngủ quá say để đánh thức.
- Xin quý khách vui lòng thắt dây an toàn!
Rồi một giọng nói bình thản vang lên trong loa, lần lượt bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, cho biết vì thời tiết xấu, máy bay buộc phải hạ cánh xuống sân bay Frankfurt [2] và dừng lại đây trong một thời gian ngắn.
Stafford há miệng ngáp, rồi xoay người trong ghế. Đó là một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, nước da sạm đen, mày râu nhẵn nhụi. Nhìn Stafford, người ta có cảm giác chàng có nét nào đó của con người thế kỷ mười tám, và dường như chàng còn cố tình tô đậm thêm cái nét ấy. Stafford thích ăn mặc kiểu độc đáo, khác hẳn mọi người. Cách ăn mặc đó đôi khi làm các đồng sự cau mày nhưng lại khiến chàng thích thú một cách ranh mãnh.
Mỗi khi đi xa, Stafford thường mặc một tấm áo măng-tô rất rộng kiểu áo choàng của đám cướp ông mua trên đảo Corse [3]. Tấm áo mầu sẫm, có ánh tím nhạt, lớp lót bằng lụa đỏ, bên trên đính thêm chiếc mũ mán để có thể trùm lên đầu hoặc thả xuống lưng.
Trong giới quan chức ngoại giao, Stafford bị mang tiếng là người hay nói dối. Sau một thời trẻ lập khá nhiều công trạng, khi đứng tuổi chàng bắt đầu sinh thói chuyển sai lời hứa. Cả trong những trường hợp nghiêm túc nhất Stafford cũng vẫn dùng giọng hài hước và tỏ ra chàng làm mọi thứ theo ý thích cá nhân chứ không chịu tuân theo những quy tắc cứng nhắc tẻ nhạt. Tuy vậy Stafford là nhân vật được nhiều người biết đến mặc dù chàng không nổi tiếng gì lắm và cũng sẽ không bao giờ nổi tiếng.
Hơn nữa, Stafford cho rằng, trong thời đại ngày nay, khi chính trị và các mối quan hệ quốc tế trở nên vô cùng phức tạp, thái độ dè dặt có lợi hơn sự nổi tiếng, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao. Chính vì vậy, Stafford luôn giữ thái độ như lui vào bóng tối, mặc dù thỉnh thoảng chàng vẫn được giao những nhiệm vụ bí mật loại không quan trọng lắm. Tuy nhiên giới báo chí đôi khi vẫn tìm đến Stafford, coi chàng thuộc loại người am hiểu trong giới ngoại giao. Không biết Stafford có thấy chuyện đó và cả nghề ngoại giao nói chung làm phiền mình không? Chàng không bao giờ nói ra, mà có lẽ chính bản thân chàng cũng không biết rõ.
Hôm nay, Stafford đang trên đường công cán ở Malaysia về, sau khi thực hiện một nhiệm vụ điều tra mà chàng không thích thú gì vì cảm thấy cấp trên đã quyết định những vấn đề quan trọng trước khi nghe chàng báo cáo kết quả cuộc điều tra ấy. Họ nghe Stafford báo cáo nhưng thật ra họ đã có quyết định rồi, những nhận định của chàng không làm thay đổi những quyết định kia. Stafford rất muốn trêu chọc họ vì chàng thấy họ làm việc tuy có nghiêm túc nhưng kiểu suy nghĩ của họ tầm thường, không một chút sáng tạo. Ngay bà Nathaniel Edge, thành viên ủy ban điều tra, nổi tiếng là thông minh và luôn có những nhận định mới mẻ, cũng chỉ làm ra vẻ chăm chú nghe Stafford báo cáo, thật ra bà ta không quan tâm chút nào.
Stafford đã gặp bà ta trước đây vài tháng, nhân một vấn đề cần giải quyết tại thủ đô một quốc gia khu vực Balkans. Lần đó chàng đã đưa ra một số ý kiến được bà ta quan tâm. Vậy mà trên một tờ báo chuyên tung tin đồn nhảm đã nói bóng gió rằng sự hiện diện của Stafford tại thủ đô quốc gia trong khu vực Balkans này liên quan chặt chẽ với những vấn đề trong khu vực, và chàng được giao một nhiệm vụ bí mật hết sức tế nhị. Thậm chí người ta còn gửi số báo cho Stafford, trong đó bài báo nói trên được đóng khung bằng bút chì đỏ. Nhưng Stafford đâu có chấp. Chàng đọc bài báo xong, chỉ cười, thầm nghĩ đám nhà báo chuyên đoán mò, thật ra họ chẳng hiểu sự thực ra sao. Lý do Stafford đến Sofia [4] một phần do chàng quan tâm đến những giống hoa dại mọc ở đây, một phần do lời yêu cầu của một bà bạn lâu năm. Bà này say mê tìm kiếm các giống hoa kia và sẵn sàng trèo lên núi đá hoặc mò ra giữa bãi lầy hễ thoáng nhìn thấy ở đó một bông hoa lạ, có cái tên Latin dài dằng dặc hoàn toàn ngược với kích thước nhỏ bé của bông hoa đó...
Trên máy bay, giọng nói của phát thanh viên lại vang lên báo tin do sương mù dầy đặc trên thành phố Geneve nên máy bay buộc phải hạ cánh xuống phi trường Frankfurt. Những hành khách đi London sẽ được chuyển sang chuyến bay Frankfurt - London, còn những hành khách đi Geneve sẽ được chuyển sang một máy bay khác để đến đó. Nhưng những thay đổi trong lộ trình không ảnh hưởng đến Stafford. Chàng biết rằng nếu tại London cũng lại có sương mù dầy, máy bay sẽ quay sang hạ cánh xuống Prestwick [5]. Tuy nhiên Stafford hy vọng không xảy ra chuyện đó vì chàng đã quá nhiều lần phải xuống cái thành phố nhỏ này. Stafford thầm nghĩ, chàng đã quá ngán các chuyến đi này, chúng chẳng làm chàng thích thú gì, trừ phi... trừ phi thế nào nhỉ?
* * * * *
Nhà ga sân bay Frankfurt nóng bức. Stafford hất chiếc mũ mán của áo măng-tô ra sau gáy, để lộ ra lần lót bằng lụa đỏ khiến trông chàng khá đặc biệt.
Stafford vừa thong thả uống vại bia lấy ở quầy giải khát, vừa lơ đãng nghe những lời thông báo vang ra từ các loa phóng thanh :
- Chuyến bay 4387 đi Moskva... Chuyến bay 2381 đi Ai Cập và Calcutta [6]...
Những con người ngao du khắp vòng quanh trái đất. Thật lãng mạn! Tuy nhiên không khí trong phòng chờ của sân bay Frankfurt này không có gì lãng mạn đặc biệt. Nhìn chỗ nào cũng chỉ thấy hàng hóa bày bán, các loại ghế nệm, ghế băng, có quá nhiều chất dẻo, quá nhiều người, quá nhiều trẻ nhỏ khóc ậm ật. Stafford nhớ lại mấy câu thơ của ai đó:
Ta cũng muốn yêu loài người..
Ta cũng muốn yêu bộ mặt ngu ngốc của nó...
Của thi sĩ... Chesterton phải không nhỉ? Phải rồi, chắc chắn của ông ta rồi. Chỉ cần tụ tập một số con người lại chúng ta sẽ thấy sao họ giống nhau đến thế, giống đến mức không chịu nổi!
Cặp mắt Stafford dừng lại nơi hai cô gái khá đẹp, mặc bộ đồng phục quốc gia của nước họ, có lẽ là nước Anh, nghĩa là mini-juyp ngắn cũn cỡn. Rồi chàng đưa mắt sang nhìn một cô gái khác, còn xinh đẹp hơn, mặc bộ gọi là “áo vét với quần” đồng màu.
Lần này, ít ra Stafford cùng gặp được một con người khác với mọi người xung quanh, bởi chàng có tính không quan tâm đến những phụ nữ tuy xinh đẹp nhưng ăn mặc giống hệt mọi người khác.
Cô gái “mặc quần” đến ngồi bên cạnh Stafford, trên chiếc ghế dài bọc da nhân tạo. Chàng lập tức chú ý đến khuôn mặt cô, dường như chàng đã từng gặp, nhưng không làm sao nhớ được gặp ở đâu và bao giờ. Cô trạc hai mươi nhăm hai mươi sáu tuổi, có nét mũi nghiêng rất đẹp: mũi nhỏ và hơi chúc xuống chút ít, làn tóc đen dầy thả xuống vai. Cô cầm một tờ tạp chí đọc, nhưng không có vẻ chăm chú chút nào. Thật ra cô ta đang liếc nhìn Stafford. Rồi đột nhiên, cô cất tiếng nói, giọng trầm rất êm tai và có một chút âm sắc tiếng nước ngoài.
- Tôi muốn nói chuyện với ông, được không, thưa ông?
Stafford chưa trả lời vội, mà quan sát cô ta đã. Cô gái này không phải định bắt quen để quyến rũ đàn ông. Mục đích cô ta hoàn toàn khác. Chàng đáp :
- Tôi không thấy có gì trở ngại, nhất là lúc này tôi đang rảnh rỗi phải ngồi chờ ở đây.
Cô gái nói tiếp :
- Tôi đang lo có thể cả ở Geneve lẫn London đều có sương mù. Không biết tôi phải làm thế nào bây giờ?
Stafford nói :
- Cô đừng lo. Các hãng hàng không đều cố gắng phục vụ hành khách cách nào chu đáo nhất. Cô đi đâu?
- Geneve.
- Thế thì cô sẽ đến đó được thôi.
- Nhưng tôi cần đi ngay bây giờ. Tôi rất cần phải đến đó gặp một người và chỉ khi đó tôi mới được an toàn.
Stafford mỉm cười hỏi lại :
- An toàn?
- Đó là hai chữ thời nay không còn khiến ai quan tâm, nhưng đối với tôi hai chữ ấy lại rất quan trọng, ông biết không, nếu tôi không ghé vào Geneve mà bay thẳng đến London, người ta sẽ giết tôi mất.
Cô gái nhìn chằm chằm Stafford như muốn xuyên qua người chàng.
- Hình như ông không tin lời tôi nói?
- Xin thú thật là đúng như thế.
- Nhưng điều tôi nói là sự thật.
- Ai định giết cô?
- Chuyện đó ông cần biết để làm gì kia chứ?
- Tất nhiên chuyện đó không liên quan đến tôi.
- Ông nên tin tôi. Điều tôi nói là sự thật. Tôi đang cần có người giúp để về đến London mà không gặp nguy hiểm nào.
- Tại sao cô lại nhờ tôi?
- Bởi tôi thấy có vẻ ông là người đã hiểu cái chết nghĩa là sao. Tôi đoán ông đã từng nhiều lần chạm trán với cái chết.
Stafford chăm chú nhìn cô gái trong vài giây đồng hồ. Rồi chàng hỏi :
- Chỉ vì như vậy thôi?
Cô gái thú nhận :
- Quả thật còn vì một lý do khác, đó là cái này.
Cô ta đưa bàn tay mảnh dẻ rám nắng sờ vào tấm áo măng-tô rộng của Stafford. Cử chỉ đó kích thích mối quan tâm của chàng.
- Nghĩa là sao?
- Không phải ai cũng mặc một tấm măng-tô rộng quá khổ như ông. Do đó tấm măng-tô đó rất lạ và là một nét đặc sắc khiến ông không giống bất cứ ai xung quanh.
- Cô nhận xét đúng đấy. Cái măng-tô này là một trong số những ý thích oái oăm của tôi.
- Và ý thích đó lúc này lại giúp ích được cho tôi.
- Giúp ích thế nào, tôi chưa hiểu?
- Tôi muốn đề nghị một điều mà tôi đoán ông sẽ từ chối. Nhưng tôi cứ nói ra, lỡ ông đồng ý thì sao? Bởi tôi đoán ông thuộc loại người thích mạo hiểm đôi chút.
Stafford cười đáp :
- Tôi rất muốn nghe thử lời đề nghị của cô,
- Ông cho tôi mượn tấm măng-tô, hộ chiếu và phiếu lên máy bay của ông. Vì chỉ trong hai mươi phứt nữa, người ta sẽ thông báo mời những hành khách đi London lên máy bay. Tôi sẽ lên chuyến bay đó thay ông.
- Cô muốn đóng giả là tôi?
Cô gái mở xắc lấy một chiếc gương nhỏ ra đưa Stafford. Cô nói :
- Ông thử nhìn tôi và soi vào gương này nhìn lại ông xem.
Stafford nhận ra cô gái rất giống Pamela, em gái chàng, đã qua đời gần hai chục năm trước và rất giống chàng. Rồi chàng đưa mắt nhìn cô gái lạ.
- Cô định nói rằng cô có nhiều nét giống tôi phải không? Nhưng điều đó không đánh lừa được ai đâu.
- Tôi biết, nhưng chuyện đó không quan trọng. Ông thấy đấy, tôi mặc quần, còn ông thì suốt trong chuyến đi này ông luôn trùm mũ che mặt. Bây giờ tôi chỉ cần cắt món tóc dài của tôi; gói nó vào một tờ giấy rồi quăng đi, sau đó tôi mặc tấm măng-tô của ông vào... Chỉ cần trong chuyến bay này không hành khách nào quen biết ông là tôi có thể dễ dàng đội lốt ông đáp chuyến bay sắp tới đi London. Lúc xuất trình hộ chiếu, tôi sẽ thả mũ mán xuống che mặt, chỉ để lộ ra đôi mắt, cái mũi và cái miệng. Đến London, tôi sẽ có cách rời khỏi sân bay mà không gặp nguy hiểm gì, bởi không ai biết tôi đáp chuyến bay này. Tôi chỉ việc đi lẫn vào đám đông hành khách, thế là xong.
- Còn tôi thì sẽ ra sao?
- Tôi xin đề xuất một cách, nếu ông có đủ can đảm để thực hiện.
- Cô cứ thử nói ra xem sao. Tôi luôn thích nghe những điều người khác đề xuất.
- Ông tạm tránh đi đâu một lát, thí dụ ra mua thứ gì đó, tờ báo chẳng hạn, nhưng để lại áo măng-tô trên cái ghế này. Trong lúc đó tôi bỏ một chút thuốc ngủ vào cốc bia. Khi quay lại, ông uống nốt cốc bia đó, rồi ra ngồi ở một đầu ghế và ông sẽ ngủ một giấc dài.
- Sau đó?
- Ông thành nạn nhân của một vụ ăn cắp có sử dụng thuốc mê. Khi tỉnh lại, ông đến gặp nhà chức trách khai báo. Và ông có thể chứng minh được căn cước của ông không khó khăn gì.
- Vậy là cô đã biết tôi là ai? Ai đã cho cô biết?
- Hiện giờ thì tôi chưa biết, vì tôi chưa xem hộ chiếu của ông. Tôi hoàn toàn chưa biết ông là ai.
- Nhưng vừa rồi cô bảo tôi có thể chứng minh căn cước của tôi không khó khăn gì!
- Tôi biết cách phân biệt người nào là nhân vật quan trọng, người nào không.
- Nhưng tại sao cô lại chọn tôi để đề xuất một việc như việc vừa rồi?
- Vì tôi biết ông thuộc loại người sẵn sàng cứu một con người đang gặp nguy hiểm.
- Cô đánh giá tôi cao quá mức đấy?
- Có thể. Ông có thể không tin tôi, nhưng tôi nghĩ rằng ông tin. Có đúng là ông tin tôi không?
Stafford vừa chăm chú nhìn cô gái vừa suy nghĩ. Chàng nói :
- Cô biết không, cô ăn nói hệt như một nữ điệp viên xinh đẹp trong một cuốn tiểu thuyết ly kỳ vậy?
- Chỉ khác một điều là tôi không đẹp!
- Và cũng không phải nữ điệp viên chứ?
- Thật ra có một số người cho tôi là điệp viên chỉ vì tôi đang nắm trong tay một số tin tình báo mà tôi giữ kín. Tôi nói thật, những tin tình báo đó có giá trị sống còn với đất nước của ông đấy. Câu chuyện này nếu đem viết ra hẳn mọi người sẽ cho là vô lí, nhưng trên đời thiếu gì chuyện nhìn bên ngoài có vẻ vô lý nhưng bên trong lại là sự thật một trăm phần trăm?
Stafford lại một lần nữa ngắm cô gái không quen biết. Quả cô ta rất giống Pamela, em gái đã qua đời của chàng. Cả cái giọng trầm của cô ta cũng giống. Nhưng điều cô ta đề nghị quả kỳ cục, không thể thực hiện được và còn rất nguy hiểm. Tất nhiên nguy hiểm cho chàng. Khốn nỗi Stafford lại thích dấn thân vào những trò nguy hiểm. Chàng rất thích thử mạo hiểm một cái để xem kết cục sẽ ra sao.
Stafford hỏi thêm :
- Làm theo điều cô yêu cầu thì tôi được cái gì?
- Ông được hưởng cái thú của sự mạo hiểm! Ông được thoát khỏi cuộc sống nhàm chán trong một thời gian ngắn. Thôi, bây giờ ông quyết định đi, có nhận lời đề nghị của tôi hay không? Bởi thời gian không còn nhiều nữa.
- Còn hộ chiếu của cô thì sao? Hay tôi phải mua một bộ tóc giả và cải trang thành phụ nữ?
- Ông không cần phải làm thế. Coi như chỉ là ông bị kẻ gian đánh thuốc mê và lấy cắp tấm áo măng-tô cùng một số giấy tờ: hộ chiếu, vé máy bay... Mà thôi, ông phải quyết định ngay. Thời gian gấp lắm rồi, tôi lại còn phải cải trang nữa chứ!
- Thôi được, tôi bằng lòng. Quả là tôi có tính không muốn bỏ qua một dịp được nếm mùi mạo hiểm.
- Tôi cũng đã đoán là ông sẽ bằng lòng.
Stafford lấy hộ chiếu trong túi trong của áo vét ra, bỏ vào túi trong của tấm áo măng-tô rộng thùng thình đặt trên ghế băng. Rồi chàng đứng dậy, đưa mắt quan sát xung quanh, lấy dáng điệu nhàn tản đi lững thững về phía các quầy bán bách hoá.
Stafford mua một cuốn sách gáy bọc da xong, sờ vào những con vật nhồi bông. Cuối cùng chàng chọn mua một con gấu trúc.
Sau đấy, Stafford lững thững quay về chỗ cũ, thấy tấm áo măng-tô đã biến mất, cả cô gái kia cũng không còn ở đó. Nhưng cốc bia uống dở dang vẫn còn trên bàn. Chàng nhấp thử, thấy có vị thuốc ngủ, bèn nốc một hơi cạn.
Rồi Stafford đứng lên, đi lững thững sang đầu kia của phòng chờ, ngồi xuống chiếc ghế giữa đám hành khách phụ nữ và trẻ em đang nói chuyện và cười đùa ầm ĩ. Chàng thầm nghĩ, vậy là mình đã chấp nhận chuyện mạo hiểm. Stafford ngáp, ngả người ra lưng ghế. Loa thông báo chuyến bay đi Teheran [7] sắp cất cánh, mời hành khách lên máy bay. Đám đàn bà trẻ con ồn ào thu xếp hành lý, dắt díu nhau đi về phía cửa ra sân bay. Stafford mở cuốn sách ra định đọc, nhưng mắt díu lại. Chàng ngáp một cái nữa rồi nhắm mắt, ngủ thiếp ngay...
Tiếp đó hãng Hàng không Xuyên Châu Âu thông báo chuyến bay số 303 đi London sắp cất cánh. Một số hành khách đứng lên. Một nam giới tầm thước, khoác tấm măng-tô xanh lam thẫm rộng thùng thình, lót lụa đỏ, mũ mán thả xuống che gần hết khuôn mặt. Y đi về phía cửa ra sân bay, chìa hộ chiếu cho nhân viên kiểm soát, rồi ra khuất.
Đến lượt hãng Hàng Không Anh thông báo máy bay đi Athenes và đảo Cliypre sắp cất cánh.
Rồi loa đưa ra một lời nhắn :
- Mời nữ quý khách Daphné Theodophanous mau cửa kiểm soát. Chuyến bay đi Geneve bị hoãn lại vì điều kiện thời tiết. Mời hành khách đi Athenes ra máy bay...
Tiếp đến những thông báo về các chuyến bay đi Nhật Bản, Ai Cập, Nam Phi... Rồi lại vang lên lời nhắn quý khách Daphné Theodophanous ra cửa kiểm soát.
- Đây là lời nhắn cuối cùng trước khi máy bay cất cánh.
Tại một góc phòng chờ, một bé gái sờ vào con gấu trúc nhồi bông của một ông khách đang ngủ say sưa. Bà mẹ nói :
- Joan, con không được đụng vào con gấu. Con không thấy ông khách đang ngủ à?
- Ông ấy đi đâu, hả mẹ?
- Có lẽ cũng đi Australia như chúng ta.
- Ông ấy có con gái bé như con không, mẹ?
- Chắc có, và ông ấy mua con gấu trúc để cho con gái bé của ông ấy đấy.
Đứa bé gái thở dài, rồi ngoái đầu nhìn con gấu trúc nhồi bông một lần nữa trước khi đi theo mẹ ra cửa sân bay.
Trong lúc đó, Stafford mơ thấy chàng đang đi săn báo. Rồi chàng lại mơ thấy đang ngồi trong phòng khách của bà chàng, bà cụ Matilde, uống trà bên cạnh bà cụ già nghễnh ngãng...
Chú thích:
[1] Thành phố của Thụy Sĩ, nơi thường được chọn để tiến hành nhiều hội nghị quốc tế (N.D).
[2] Thành phố thuộc Đức (N.D).
[3] Hòn đảo nằm ở phía Nam nước Pháp, ngoài Địa Trung Hải, nổi tiếng về những kẻ ngỗ nghịch. Đảo Corse cũng là quê hương của Napoléon.
[4] Thủ đô Bungari (N.D).
[5] Thành phố nhỏ cũng thuộc Anh (N.D).
[6] Thành phố thuộc Ấn Độ (N.D).
[7] Thủ đô Iran (N.D).

Chương sau