Chuyến bay Frankfurt - Chương 03

Chuyến bay Frankfurt - Chương 03

Người làm công ở hiệu giặt

Ngày đăng
Tổng cộng 24 hồi
Đánh giá 9.1/10 với 22110 lượt xem

Stafford về đến nhà. Bà nấu bếp to béo trong bếp chạy ra chào ông chủ. Bà nói thêm :
- Ông chủ về được đến nhà thế này là rất mừng. Đi máy bay bây giờ dễ gặp chuyện rắc rối lắm.
- Bà nói đúng. Tôi về đến sân bay trễ mất hơn hai tiếng đồng hồ đấy.
- Thì cũng như đi ô-tô thôi, khó biết được xe có đến nơi đúng giờ không. Nhưng đi máy bay còn khó biết hơn đi ô-tô nhiều!
Nói xong, bà nấu bếp quay về gian bếp, còn Stafford vào phòng ngủ. Bà ta đứng ở cửa nói :
- Suýt quên không nói với ông chủ. Lúc nãy anh làm công ở hiệu giặt đến đây lấy quần áo bẩn, tôi đã đưa họ mấy bộ, được chứ, thưa ông?
- Bà đưa họ những thứ gì?
- Hai bộ âu phục. Anh ta là người của hiệu giặt Twiss và Bony.
- Hai bộ âu phục? Hai bộ nào?
- Bộ ông mặc đi đường vừa rồi và một bộ nữa, tôi không biết là bộ nào. Còn một bộ, cũng kẻ sọc và cũng bẩn cần đưa giặt nhưng tôi chưa hỏi ông chủ nên chưa dám đưa họ.
- Vậy là anh ta đã đem hai bộ ấy đi?
- Tôi hy vọng không làm trái ý ông chủ chứ?
- Tôi đang nghĩ về bộ tôi mặc hôm đi đường vừa rồi.
- Bộ ấy hơi mỏng so với thời tiết hiện nay. Ông chủ sang xứ nóng mặc bộ ấy thì được, chứ ở London thì không hợp. Với lại, đem nó đi giặt cũng chẳng ảnh hưởng gì. Anh làm công ở hiệu giặt Twiss và Bony nói ông chủ đã gọi điện bảo họ đến lấy hai bộ ấy đi giặt.
- Anh ta có vào phòng tôi để lấy hai bộ ấy không?
- Có thưa ông chủ. Nhưng tôi nghĩ anh ta không làm điều gì khuất tất đâu.
Stafford vừa bước vào phòng ngủ vừa lẩm bẩm :
- Chà, chuyện lạ đấy!
Mọi thứ trong phòng tuyệt đối ngăn nắp. Giường nệm được xếp gọn gàng. Máy cạo râu điện được cắm vào ổ để lấy điện... Rõ ràng có bàn tay chu đáo của bà nấu bếp đã đụng vào đây.
Stafford mở tủ đứng, nhìn vào trong, rồi mở các ngăn kéo tủ đựng quần áo lót kê gần cửa sổ. Mọi thứ đều gọn gàng, xếp đặt ngăn nắp. Thậm chí quá ngăn nắp! Tối hôm qua lúc về đến nhà chàng đã nhét bừa các quần áo lót vào một ngăn kéo, định lúc nào rảnh sẽ gấp và xếp lại, vì đó không phải công việc của bà nấu bếp. Vậy là có người đã mở những ngăn kéo ấy ra lục lọi và khi lục xong đã xếp lại quá ngăn nắp. Rồi hắn đem theo hai bộ âu phục đi, trong đó có bộ chàng đã mặc trong chuyến đi công cán ở Malaysia. Còn bộ kia, kẻ sọc, bằng vải mỏng, chắc hắn tưởng cũng là bộ chàng mang theo trong chuyến đi.
Stafford lẩm bẩm điều đang làm chàng suy nghĩ:
Vậy là họ mưốn tìm thứ gì đó...
Chàng gieo mình xuống ghế bành, tiếp tục suy nghĩ. Mắt chàng tình cờ nhìn vào con gấu trúc nhồi bông đặt trên ghế đẩu. Chàng nảy ra một ý nghĩ. Chàng nhấc điện thoại, ấn số, nói :
- Bà Matilde phải không ạ? Cháu là Stafford đây.
- Cháu đã về rồi đấy à? Bà thở phào được rồi vì hôm qua bà đọc báo thấy ở Malaysia đang có dịch tả. Bà nghĩ đó chính là Malaysia, vì bà không thuộc tên các nước lắm. Bà hy vọng cháu sớm đến thăm bà chứ? Không, đừng kiếm cớ bận. Bận đến mấy thì cũng có lúc rảnh chút ít chứ!
- Tuần sau cháu đến thăm bà được không ạ?
- Ngay ngày mai được không? Nhưng thôi, tùy cháu, tuần sau cũng được.
- Vậy là tuần sau cháu đến! Tuần này cháu phải làm nốt một số việc. Bé Sybil thế nào ạ?
- Vẫn bình thường.
- Cháu có quà cho bé Sybil đấy, một con gấu trúc rất ngộ.
- Cảm ơn cháu, Stafford.
Stafford ngắm nghía con gấu nhồi bông, rồi nói tiếp vào máy :
- Cháu hy vọng bé Sybil sẽ thích con gấu trúc đó.
- Chắc chắn rồi, ít nhất thì nó cũng là đứa rất biết quý những thứ người khác tặng nó.
Stafford vừa đặt máy xuống thì chuông điện thoại lại reo. Một tiếng nói đàn ông vang lên trong máy :
- Stafford đấy à? Pugh đây. Mình vừa được tin cậu mới ở Malaysia về. Tối nay đi ăn với mình được không?
- Thế thì còn gì bằng!
- Vậy thống nhất nhé! Nhà hàng Limpita Club được không? Tám giờ mười lăm.
- Đồng ý!
Stafford vừa đặt máy xuống thì bà nấu bếp chạy vào, thở hổn hển :
- Dưới kia có ông nào bảo muốn gặp ông chủ.
- Bà biết là ai không?
- Có lẽ ông Horsham.
Hơi ngạc nhiên vì cuộc viếng thăm bất ngờ này, Stafford xuống thang gác. Bà nấu bếp không lầm: quả là Horsham thật. Anh ta đã đứng trong phòng khách, vóc cao lớn, lực lưỡng, nước da hồng hào, dáng vẻ tự tin và lạnh lùng như mọi khi.
Horsham nói :
- Tôi hy vọng không làm phiền ông...
- Phiền sao?
- Là ông vừa mới gặp tôi xong, tôi đã lại đến. Hẳn ông còn nhớ hai chúng ta đã gặp nhau sáng nay ở nhà ông Chetwynd?
Stafford đẩy tráp đựng thuốc lá về phía khách, rồi ngồi xuống, nói :
- Mời ông ngồi.
Horsham nói tiếp :
- Ông Chetwynd quả là con người tuyệt vời. Tôi cảm thấy đã làm ông ấy yên tâm phần nào. Lúc trước, ông Chetwynd và Đại tá Munro đang rất băn khoăn về sự việc không may vừa rồi của ông.
- Thật ư?
Stafford cười rồi vừa châm điếu thuốc lá vừa chăm chú nhìn Horsham. Sau đó chàng hỏi :
- Cụ thể là ông muốn nói gì với tôi đấy, ông Horsham?
- Tôi muốn hỏi ông một câu, không biết có thóc mách quá không? Ông định mấy ngày tới sẽ ở đâu?
- Sẵn sàng trả lời ngay: tôi định đến thăm nữ công tước Matilde Oleckheaton, bà cụ là em của ông nội tôi. Nếu ông muốn, tôi sẽ cho ông biết địa chỉ nhà bà ấy.
- Tôi biết địa chỉ của bà cụ Matilde rồi. Tôi thấy ông dự định như thế là rất đúng đấy. Nữ công tước Matilde Cleckheaton sẽ rất mừng thấy ông yên ổn, lành lặn trở về. Bởi rất có thể không được như thế. Đúng vậy không, thưa ông Stafford?
- Phải chăng đó là nhận định của ông Chetwynd và Đại tá Munro?
- Ông thừa biết là chức trách buộc hai ông ấy phải cảnh giác.
Stafford nhắc lại hai chữ cuối cùng, vẻ tự ái :
- Cảnh giác? Ông định ám chỉ cái gì thế, ông Horsham?
Vị khách cười, không hề bị kích động.
- Vì ông nổi tiếng là người không coi thứ gì trên đời là quan trọng hết.
- Nghĩa là sao?
- Người ta cho rằng ông dễ chạy theo ý thích nhất thời và coi mọi thứ chỉ là trò đùa.
Stafford đáp lại :
- Nhưng con người thì không thể lúc nào cũng sống quá nghiêm túc.
- Đã đành là như thế. Nhưng vừa rồi ông đã làm một chuyện quá mạo hiểm đấy, thưa ông Stafford.
- Tôi chưa hiểu ông định nói đến chuyện gì?
- Vậy tôi xin nói. Đôi khi con người ta dính vào những chuyện phiền toái mặc dù họ không chủ định. Đó có thể do ý Chúa Trời, hoặc do Quỷ Dữ, tôi cũng không biết nữa.
Giọng Stafford chuyển sang vẻ đùa giỡn :
- Ông định nói đến chuyện bỗng nhiên ở Geneve có sương mù chăng?
- Đúng thế. Sương mù bao phủ Geneve làm đảo lộn kế hoạch của một người nào đó, đẩy y vào một tình thế nguy hiểm.
- Ông hãy kể cho tôi nghe về con người đó đi, tôi rất muốn biết cụ thể.
- Hôm qua, lúc máy bay của ông cất cánh ở sân bay Frankfurt, trên máy bay thiếu một người trong danh sách các hành khách đã mua vé, cụ thể là một phụ nữ. Loa trên sân bay mấy lần mời bà ta ra máy bay nhưng không thấy bà ta ra. Trong lúc đó thì ông ngủ say sưa tại một góc của phòng chờ trong sân bay.
- Thế người phụ nữ đó sau đấy ra sao?
- Chúng tôi còn đang tìm hiểu. Chỉ biết là người ta tìm thấy tấm hộ chiếu của ông ở sân bay Heathrow [1] trước khi ông đến đó khá lâu.
- Tấm hộ chiếu ấy hiện nằm ở đâu? Liệu tôi có được nhận lại nó không?
- Tôi nghĩ là không. Hiện nay còn quá sớm để trả nó cho ông. Liều thuốc ngủ bỏ vào cốc bia của ông được tính toán chỉ vừa đủ để ông ngủ một giấc mà không gây hậu quả tai hại gì đến sức khỏe của ông.
- Nhưng nó cũng làm tôi sau đó váng đầu khủng khiếp.
- Đó là điều không thể tránh được.
- Vì ông đã biết rõ mọi thứ, vậy ông có thể cho tôi biết, nếu hôm qua tôi từ chối điều người phụ nữ kia đề nghị với tôi thì tình hình sẽ ra sao không?
- Thì cô Mary Ann kia rất có thể mất mạng trong cuộc mạo hiểm của cô ta.
- Mary Ann? Mary Ann là ai?
- Là Daphné Theodophanous.
- Cái tên đó tôi có nghe thấy gọi trên loa, lúc người ta mời người khách vắng mặt ra cửa kiểm soát để lên máy bay.
- Chính thế. Cô ta đã dùng cái tên giả đó để đi lại. Nhưng chúng tôi thì vẫn gọi cô ta là Mary Ann.
- Chính xác cô ta là ai?
- Trong lĩnh vực hoạt động của cô ta, Mary Ann thuộc cỡ rất cao.
- Nhưng lĩnh vực hoạt động của cô ta là gì? Cô ta có đứng về phía chúng ta không? Hay cô ta đứng về phía “họ”? Về phía này, tức là về phía “họ”, tôi biết rất ít.
- “Họ” là số thanh niên nổi loạn do chịu ảnh hưởng của những lực lượng chính trị quá khích, cực đoan. Phong trào này còn được mệnh danh là “Tân Mafia”, phát triển rầm rộ nhất tại các quốc gia Nam Mỹ...
Stafford đăm chiêu lẩm bẩm :
- Mary Ann... Nhưng sao cô ta lại lấy cái tên giả nghe lạ tai đến như vậy? Daphné Theodophanous!
- Mẹ cô ta người Hy Lạp, cha người Anh, còn ông nội cô ta là người Áo.
- Nếu tôi không cho cô ta mượn một tấm áo nào đó thì cô ta sẽ ra sao?
- Thì cô ta sẽ bị ám sát.
- Ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ?
- Đã một thời gian gần đây, tình hình sân bay Heathrow xảy ra khá nhiều sự kiện đáng lo ngại. Thí dụ hôm qua, nếu máy bay đỗ lại ở Geneve như kế hoạch thì cô Mary Ann sẽ không sao vì tại đó cô ta được bảo vệ chu đáo. Nhưng nếu máy bay không đỗ lại ở Geneve thì tính mạng cô ta sẽ nguy hiểm. Người ta chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra vì có rất nhiều người hoạt động hai mang, thậm chí ba bốn mang!
- Ông nói làm tôi sợ đấy. Vậy là cô ta đã thoát khỏi nỗi nguy hiểm, có đúng như vậy không?
- Tôi hy vọng cô ta được yên ổn, vì chúng tôi chưa nhận được thêm tin tức gì về cô ta.
- Không biết tôi kể chuyện này có giúp gì được ông không, nhưng tôi phải báo ông biết rằng sáng nay đã có một kẻ đột nhập vào nhà tôi, trong lúc tôi ngồi ở văn phòng ông Chetwynd. Hắn đóng vai người làm công cho hiệu giặt, đến nhà tôi lấy đi hai bộ âu phục của tôi, viện cớ tôi đã gọi điện đến hiệu giặt yêu cầu cử người đến lấy đem đi giặt là. Trong hai bộ đó có một bộ tôi mặc trong chuyến công cán sang Malaysia vừa rồi. Tôi cảm thấy hắn ta định tìm thứ gì đó, vì các ngăn tủ và ngăn kéo trong phòng ngủ của tôi đều bị lục soát. Nhưng hắn ta định, tìm thứ gì vậy?
Horsham chậm rãi đáp :
- Tôi cũng đang muốn biết. Có lẽ họ đang mưu đồ thứ gì đó, vì chỉ thấy lộ ra vài mẩu giống như gói đồ buộc không chặt, để ló ra vài chỗ hở. Mỗi lúc chúng ta lại đoán theo một cách, khi thì cho rằng đó là những chuyện xảy ra trong Liên hoan Beyreuth [2] khi thì lại ở Nam Mỹ, rồi ở Hoa Kỳ. Sự thật là tại nhiều địa điểm khác nhau, đang diễn ra nhiều hoạt động mờ ám nhằm chuẩn bị cho một âm mưu nào đó hoàn toàn khác... Hình như ông biết ông Robinson thì phải? Ông ta biết ông đấy.
Stafford suy nghĩ một chút rồi đáp :
- Robinson? Nghe cái họ này rất Anh. Có phải ông ta cao lớn, lực lưỡng, da màu vàng chanh và dường như lúc nào cũng dính vào một ap-phe tài chính nào đó không?
- Ông ta đã giúp chúng tôi thoát khỏi nhiều tình huống nan giải, nhưng những người như ông Chetwynd lại không thích ông ta, cho rằng sử dụng ông ta tốn tiền quá. Ông Chetwynd hơi chi li, quá quan tâm đến các món chi tốn kém.
Stafford nhận xét :
- Dân gian có câu: “Nghèo nhưng lương thiện”. Tôi có cảm giác Robinson tuy đòi lắm tiền nhưng lại lương thiện, cho nên câu trên có thể chuyển thành “Giàu nhưng lương thiện”. Dù sao tôi cũng rất muốn biết sự việc ông đang nói đến thuộc loại nào. Rất có thể tôi đã vô tình dính vào đó mà chưa biết cụ thể nó là cái gì.
Horsham lắc đầu :
- Chính chúng tôi cũng chưa rõ nữa là. Có chăng chỉ là biết một cách mơ hồ thế thôi.
- Người ta đến sục sạo nhà tôi là họ định tìm cái gì vậy?
- Quả tôi không biết. Nhưng ông không giữ trong nhà thứ gì quan trọng đấy chứ? Có ai nhờ ông giữ hộ thứ gì không?
- Hoàn toàn không. Còn về chuyện Mary Ann, thì cô ta chỉ nhờ tôi cứu cô ta thoát chết chứ không nhờ thứ gì khác.
- Và nếu căn cứ vào tin báo chí đưa thì ông đã cứu được cô ta! Đúng vậy không? Quả là rất đáng tiếc, bởi vì chuyện ấy đã bắt đầu làm tôi quan tâm rồi đấy. Tôi rất muốn biết hiện bọn họ đang âm mưu chuyện gì. Tôi xem chừng trong lĩnh vực hoạt động của ông, ông có cách nhìn hơi bi quan.
- Đúng thế. Tôi công nhận là tình hình nước ta đang có nhiều chuyện bất ổn.
Chú thích:
[1] Sân bay quốc tế ở London. (N.D).
[2] Thành phố cảng trên bờ Địa Trung Hải, thủ đô Libăng. (N.D).

Chương trước Chương sau