Con chim khát tổ - Chương 14

Con chim khát tổ - Chương 14

Con chim khát tổ
Chương 14

Ngày đăng
Tổng cộng 45 hồi
Đánh giá 8.7/10 với 50274 lượt xem

Một thanh niên khoảng hai lăm tuổi đi vào quán. Anh ta hơi thấp, dáng thanh và cực kỳ đẹp trai.
“Ê Derrick,” anh ta lên tiếng. Anh lái xe và ông bảo vệ chào hỏi, chụp lấy cánh tay, cụng nắm đấm thân mật. Kolovas –Jones ngồi xuống ngay bên cạnh Wilson.
Anh chàng lái xe đẹp như tranh vẽ. Một thứ cốc-tai chủng tộc khó hiểu, da màu đồng-olive, gò má góc cạnh, mũi hơi khoằm, mắt hạt dẻ tối màu với lông mi đen, tóc thẳng, ôm ra sau gương mặt. Vẻ đẹp trai sửng sốt được làm dịu bớt bằng một cái áo sơ mi và cà vạt hơi già dặn. Anh chàng mỉn cười khiêm tốn, cứ như thể đang dàn hòa với những người đàn ông khác, trước khi họ kịp ghét mình.
“Xe đâu?” Derrick hỏi.
“Đậu bên đường Electric,” Kolovas-Jones chỉ ngón cái ra phía sau vai. “Được khoảng hai mươi phút. Phải trở lại bên phía Tây lúc bốn giờ. Anh khỏe không?” anh chàng nói tiếp, đưa tay ra cho Strike bắt, rồi tự giới thiệu. “Kieran Kolovas-Jones. Anh là…?”
“Cormoran Strike. Derrick nói anh muốn…”
“Vâng,” Kolovas-Jones đáp. “Tôi không biết chuyện tôi nói ra có quan trọng hay không, chắc là không, cảnh sát không thèm quan tâm. Tôi chỉ muốn kể lại với ai đó. Tôi không có ý nói vụ cô Lula không phải là tự tử, anh hiểu không?” Kieran thêm vào. “Tôi chỉ muốn nói hết ra. Làm ơn cho một cà phê,” anh ta nói với bà chạy bàn trung niên, có vẻ không hề bị anh ta quyến rũ chút nào.
“Anh lo chuyện gì?” Strike hỏi.
“Chuyện là, tôi luôn chở cô Lula,” Kolovas-Jones nói tiếp, kể lể dài dòng theo kiểu đã tập trước rồi, Strike nhận ra ngay. “Cổ lúc nào gọi tôi.”
“Cô Lula có hợp đồng với công ty anh không?”
“À, ờ…”
“Mọi thứ đều qua ban trực,” Derrick lên tiếng. “Gói dịch vụ có hết. Nếu ai cần xe thì tụi tui gọi cho Execars, là chỗ Kieran làm.”
“Ờ, nhưng lần nào cô Lula cũng yêu cầu tôi lái,” Kolovas-Jones kiên quyết nhắc lại.
“Anh thân với cô ấy lắm hả?”
“Ờ, rất là thân thiện,” Kolovas-Jones tiếp. “Tôi với Lula, tôi không nói là gần gũi gì hết, ờ mà thực ra cũng thân. Tụi tôi rất thân thiện; không chỉ là lái xe với khách, anh hiểu không?”
"Thế à? Thân như thế nào?"
"Không, không phải chuyện đó," Kolovas-Jones nhe răng cười. "Không có chuyện đó."
Nhưng Strike cũng nhận thấy anh chàng hí hửng ra mặt khi có người nhắc tới khả năng đó.
"Tôi lái cho Lula được một năm rồi. Tụi tôi hay nói chuyện với nhau. Tại có nhiều điểm chung. Chẳng hạn như gốc gác này kia, anh hiểu không?"
“Là sao kia?”
“Tụi tôi đều là con lai,” Kolovas-Jones giải thích. “Mọi thứ trong gia đình tôi khá lộn xộn, nên tôi hiểu Lula. Cô ấy không biết có nhiều người giống mình, nhất là sau khi cô ấy nổi tiếng, rất ít khi được nói chuyện thân tình với ai.”
“Chuyện con lai với Lula quan trọng lắm hả?”
“Cổ là da đen trong gia đình da trắng, anh nghĩ sao?”
“Hồi nhỏ anh cũng giống Lula vậy hả?”
“Ba tôi nửa Caribe, nửa Wales; mẹ tôi nửa Liverpoool, nửa Hi Lạp. Lula thường nói là cô ấy ganh tị với tôi,” Anh lái xe nói, ngồi thẳng người. “Cổ nói là, ‘Ít ra anh còn biết anh ở đâu ra, mặc dù từ tùm lum chỗ.’ Và hôm sinh nhật tôi, nhé,” Anh chàng thêm vào, như thể cần phải gây ấn tượng thêm với Strike về tầm quan trọng của sự việc, “cổ tặng tôi một cái khoác Guy Somé, khoảng chừng chín trăm bảng nhé.”
Có vẻ nói tới đây Kieran chờ đợi một phản ứng từ người nghe, Strike gật đầu, tự hỏi không biết liệu Kolovas-Jones đến đây chỉ để kể chuyện anh ta thân với Lula ra sao. Thỏa mãn, anh chàng nói tiếp:
“Vậy là hôm cổ chết… ngay trước đó thì đúng hơn, tôi lái xe chở cổ đi gặp mẹ buổi sáng. Cổ không vui lắm. Cổ không bao giờ thích đi thăm bà già.”
“Tại sao không?”
“Vì cái bà đó quái bỏ cha đi được,” Kolovas-Jones trả lời. “Tôi từng lái xe chở cả hai đi một lần, hồi sinh nhật bà ta. Phu nhân Yvette là người rất kỳ khôi. Cưng ơi, cưng à với Lula, nói gì cũng đệm vô mấy chữ đó. Bà cứ bám riết cô Lula. Anh có thất rất là kỳ cục, ích kỷ và hơi sến không?
“Trở lại hôm đó, bà già cô Lula mới ra viện, vụ đó đương nhiên đâu có cái gì vui, hả. Cổ cũng không háo hức gặp bà già. Cổ có vẻ căng thẳng sao đó, không giống như trước.
“Rồi tôi nói là tối hôm đó tôi không lái cho cổ được vì mắc lái cho Deeby Macc, cổ không vui chút nào.”
“Tại sao?”
“Vì cổ thích tôi lái hơn, không đúng vậy à?” Kolovas-Jones đáp, cứ như Strike chậm hiểu. “Tôi hay đỡ cô tránh nhà báo, với cổ tôi còn là vệ sĩ mỗi khi cổ đi tới chỗ này chỗ kia.”
Wilson khẽ nhăn mặt, tỏ rõ thái độ trước chuyện Kolovas-Jones đi làm vệ sĩ.
“Vậy sao anh không đổi với người khác, rồi lái cho cô Lula thay vì Macc?”
“Tôi đổi cũng được, nhưng tôi không muốn vậy,” Kolovas-Jones thú thật. “Tôi rất mê Deeby. Lúc nào cũng muốn gặp ổng. Vậy nên Lula rất bực. Sau đó,” Kieran nói nhanh, “Tôi chở Lula về nhà bà già, rồi ngồi đợi, rồi bấy giờ tới đoạn mà tôi rất muốn kể cho anh nghe.”
“Cô Lula đi ra khỏi nhà bà già, có gì đó rất khác. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy cổ như vậy cả. Im lặng, không nói gì. Giống như bị sốc hay sao đó. Rồi cổ hỏi tôi có cậy viết nào không, cổ viết gì đó trên một tờ giấy màu xanh. Không nói gì với tôi hết. Không nói gì hết trơn. Chỉ ngồi viết vậy thôi.”
“Rồi tôi chở cổ tới Vashti, tại cổ có hẹn với bạn ăn trưa…”
“Vashti là gì? Bạn là ai?”
“Vashti là một cái cửa hàng quần áo nhỏ - người ta hay gọi là boutique. Ở trong có quán café, rất là sành điệu. Và bạn cổ là…” Kolovas-Jones bẻ đốt ngón tay, nhăn trán. “Là cái người quen với cô Lula từ hồi ở bệnh viện, hồi cô Lula đi điều trị. Tên khỉ gì ấy nhỉ? Tôi thường lái xe trở cả hai đi. Trời đất… tên gì nhỉ, Ruby? Roxy? Raquelle? Đại loại vậy. Cô ta ở nhà trọ St Elmo dưới Hammersmith. Cô ta không có nhà cửa gì.”
“Rồi, Lula đi vô Vashti, lúc sáng cổ có nói với tôi là sẽ ăn trưa ở đó, nhưng mà vô trong chỉ mới mười lăm phút thì cổ đi ra một mình, nói tôi chở về nhà. Thật kỳ cục. Và cái cô tên Raquelle hay gì đó – chút nữa có khi tôi nhớ ra – không đi chung với Lula nữa. Tờ giấy xanh cũng không có đó nữa. Trên suốt đường về Lula không nói gì với tôi hết.”
“Anh có kể với cảnh sát về tờ giấy không?”
“Có. Họ nghĩ là không đáng gì hết,” Kolovas-Jones nói. “Họ nói chắc là giấy ghi mấy thứ cần mua.”
“Anh có nhớ tờ giấy trông ra làm sao không?”
“Màu xanh dương. Giống như giấy viết thư.”
Kieran nhìn đồng hồ.
“Mười phút nữa tôi phải đi.”
“Đó là lần cuối cùng anh gặp Lula?”
“Đúng vậy.”
Kieran cạy kẽ móng tay.
“Khi anh nghe tin Lula, anh nghĩ gì trước hết?”
“Tôi không biết,” Kolovas-Jones trả lời, cắn móng tay vừa mới cạy. “Tôi sốc bỏ mẹ đi được. Ai nghĩ tới chuyện đó? Vừa gặp cổ ngay mấy tiếng trước. Báo chí nói là Duffield làm, vì tối hôm đó hai người cãi nhau trong hộp đêm. Nói thật với anh, lúc đó tôi cũng nghĩ chắc là Duffield. Thằng chó.”
“Anh biết anh ta à?”
“Tôi lái xe chở hai người đi vài lần,” Kolovas-Jones trả lời. Mũi hơi hỉnh lên, miệng mím lại, như thể có mùi gì khó chịu.
“Anh nghĩ sao về Duffield?”
“Tôi nghĩ hắn là một thằng khốn nạn bất tài.” Đột nhiên, Kieran trơn tru giả giọng ngang phè, điệu đàng: “Chút nữa mình có cần nó nữa không hả Lules? Vậy để nó đợi, nha?” Kolovas-Jones tức tối.
“Chưa bao giờ nói thẳng với tôi. Thằng ngu, chẳng ra làm sao.”
Derrick lên tiếng, ra vẻ bí hiểm. “Kieran đây còn là diễn viên nữa.”
“Chỉ toàn vai nhỏ thôi.” Kolovas-Jones giải thích “Cho tới giờ.”
Rồi anh chàng nói qua mấy bộ phim truyền hình có tham gia. Strike thấy Kieran rất muốn được người ta biết đến, khao khát danh vọng, muốn biết sự nổi tiếng đến bất ngờ, nguy hiểm và khiến người ta đổi đời ra sao. Suốt ngày chở những người nổi tiếng trong xe, mà vẫn chưa bao giờ chạm tới sự nổi tiếng. Anh chàng ắt hẳn vừa sốt ruột vừa tức tối.
“Kieran từng đi thử vai cho Freddie Bestigui,” Wilson thêm vào “Đúng không vậy?”
“Đúng vậy,” Kolovas-Jones trả lời, không có vẻ hứng thú gì cả.
“Sao hay vậy?” Strike hỏi.
“Cũng theo kiểu thường thôi,” Kolovas-Jones nói, có chút kiêu ngạo. “thông qua người đại diện của tôi.”
“Nhưng sau đó không tới đâu hả?”
“Họ quyết định thay đổi kịch bản mà,” Kolovas-Jones kể, “Họ bỏ vai đó đi.”
“OK, vậy hôm đó anh đi đón Deeby Macc từ đâu – sân bay Heathrow à?”
“Nhà ga số Năm ở Heathrow,” Kolovas-Jones trả lời, quay về với thực tế tầm thường, rồi nhìn vào đồng hồ. “Tôi phải đi đây.”
“Tôi đi ra xe với anh nhé?” Strike hỏi.
Wilson cũng vui vẻ muốn đi theo; Strike trả tiền cho cả ba người. Họ ra khỏi quán. Trên vỉa hè Strike rút thuốc lá ra mời cả hai; Wilson từ chối, Kolovas-Jones lấy một điếu.
Một chiếc Mercedes màu bạc đậu gần đó, gần góc đường Electric.
“Sau đó anh chở Deeby đi đâu?” Strike hỏi Kolovas-Jones, lúc này họ đã tới khá gần chiếc xe.
“Ổng ưa đi hộp đêm, nên tôi chở tới Barrack.”
“Anh tới đó lúc mấy giờ?”
“Tôi không biết… mười một rưỡi? Mười hai giờ kém mười lăm. Ổng có vẻ căng thẳng, nói chưa muốn đi ngủ.”
“Tại sao lại tới Barrack?”
“Tối thứ sáu ở Barrack là chỗ có hip-hop hay nhất London,” Kolovas-Jones trả lời, cười cười, như thể ai cũng biết điều đó vậy. “Ổng có vẻ thích lắm, tại tới gần ba giờ ổng mới ra lại.”
“Vậy anh chở Macc về lại Kentigern Gardens rồi mới thấy cảnh sát đầy ở đó, hay...?”
“Tôi đã nghe tin trên radio trước rồi,” Kolovas-Jones nói. “Tôi kể với Deeby khi ổng vô xe. Nhân viên của ổng bắt đầu gọi điện loạn xạ, đánh thức mấy người bên hãng đĩa hát, sắp xếp lại mọi thứ. Họ kiếm cho ổng được một phòng ở khách sạn Claridges; tôi chở ổng về đó. Năm giờ sáng tôi mới về tới nhà. Bật TV lên xem lại trên kênh Sky. Khốn kiếp không thể tin nổi.”
“Tôi cứ tự hỏi không biết ai nói trước với đám paparazzi đứng trước tòa nhà số mười tám là mấy tiếng sau Deeby mới về. Nghe đâu có ai nói vậy nên họ mới bỏ ra về hết trước khi Lula ngã xuống.”
“Vậy hả, tôi không biết.” Kolovas-Jones đáp.
Anh chàng bước nhanh hơn một chút, tới xe trước hai người còn lại và bấm mở khóa.
“Macc không mang theo hành lý gì à? Có để trong xe anh không?”
“Không, bên hãng đĩa hát cho gởi đi trước vài ngày rồi. Ổng xuống máy bay chỉ có một cái túi xách tay, và khoảng mười vệ sĩ.”
“Vậy xe anh không phải là chiếc xe đi đón duy nhất?”
“Có bốn chiếc tất cả, nhưng Deeby ngồi trong xe tôi.”
“Khi ông ta ở trong hộp đêm anh đợi ở đâu?”
“Tôi chỉ đậu xe và ngồi đợi thôi,” Kolovas-Jones trả lời. “gần phố Glasshouse.”
“Còn ba chiếc nữa ở đâu? Mấy anh không đậu cùng chỗ hả?”
“Ở London dễ gì tìm được bốn chỗ đậu xe liên tiếp hả ông bạn,” Kolovas-Jones nói. “Tôi không biết ba đứa kia đậu ở đâu.”
Lúc này Kieran đã mở cửa xe, anh ta liếc nhìn Wilson rồi lại nhìn Strike.
“Nhưng chuyện này thì liên quan gì?” Anh ta hỏi.
“Tôi muốn biết khi lái xe riêng cho khách thì ra sao thôi.”
“Chán bỏ mẹ,” Kolovas-Jones trả lời, có vẻ bực tức. “Nghề này thì tới vậy thôi. Lái xe phần lớn là ngồi một chỗ đợi.”
“Anh còn giữ chìa khóa garage tầng hầm Lula đưa không?” Strike hỏi.
“Gì kia?” Kolovas-Jones hỏi lại, mặc dù Strike cá là anh ta đã nghe rõ câu hỏi. Vẻ hằn học của anh lái xe trở nên rõ ràng hơn, không chỉ với Strike, mà còn với cả Wilson, từ đầu tới cuối ngồi yên, trừ lúc xen vào kể chuyện Kolovas-Jones là diễn viên.
“Anh còn giữ…”
“Còn, còn giữ. Tôi vẫn phải chở ông Bestigui còn gì?” Kolovas-Jones trả lời, “Thôi, tôi phải đi đây. Tạm biệt Derrick.”
Anh ta vứt điếu thuốc hút dở xuống đường và ngồi vào xe.
“Nếu anh còn nhớ ra gì nữa,” Strike dặn, “ví dụ như tên của cô bạn Lula gặp ở Vashti, anh gọi điện cho tôi nhé?”
Strike đưa danh thiếp cho Kolovas-Jones. Anh ta đã cài xong dây an toàn, cầm lấy cái danh thiếp mà không thèm nhìn.
“Khéo mà trễ mất.”
Wilson vẫy tay chào. Kolovas-Jones đóng sầm cửa xe lại, khởi động, đánh xe ra khỏi bãi và nổ máy chạy đi.
“Nói hơi bị lậm mấy vụ sao siếc nổi tiếng,” Wilson nói, khi chiếc xe đã đi hẳn, như thể đang xin lỗi giùm cho anh chàng lái xe. “Nó rất thích lái xe cho cô Lula. Nó luôn tìm cách lái cho mấy người nổi tiếng. Nó đã rất hi vọng là Bestigui sẽ cho nó thử một vai, chờ đằng đẵng hai năm trời. Nên lúc không được gì nó rất tức.”
“Vai gì vậy?”
“Một tay buôn ma túy. Phim gì đó.”
Hai người cùng về phía ga tàu điện Brixton. Trên đường có mấy nữ sinh da đen mặc váy xếp màu xanh đang túm tụm cười nói. Một cô bé có tóc tết xâu hạt làm Strike lại nghĩ đến em gái Lucy.
“Ông Bestigui vẫn còn ở đó đúng không?” Strike hỏi.
“Đúng vậy.” Wilson đáp.
“Còn hai căn hộ kia thì sao?”
“Hai vợ chồng một tay môi giới chứng khoán người Urkraine thuê căn số hai. Một tay người Nga đang hỏi thuê căn số ba, nhưng chưa ra giá.”
Một người đàn ông nhỏ thó, râu rậm, mặc áo choàng như nhà tiên tri trong Kinh thánh chạy băng qua trước mặt, lè lưỡi trêu, khiến Strike và Wilson phải dừng lại. Strike hỏi “Hôm nào anh cho tôi vào trong nhà xem được không?”
“Cũng được,” Wilson đáp sau khi liếc nhìn chân Strike. “Cứ gọi tui. Nhưng phải đợi lúc ông bà Bestigui không có nhà, anh hiểu không. Ổng khó tính lắm, mà tui thì cần việc làm.”

Chương trước Chương sau