Con chim khát tổ - Chương 31

Con chim khát tổ - Chương 31

Con chim khát tổ
Chương 31

Ngày đăng
Tổng cộng 45 hồi
Đánh giá 9/10 với 50351 lượt xem

Cánh cửa đen nặng nề của tòa nhà số 18 Kentigern Gardens dẫn vào một sảnh lót đá cẩm thạch. Một cái bàn gỗ gụ hoàng tráng được lắp cố định ở sảnh, trực diện với lối vào, bên tay phải là cầu thang đi lên, khuất tầm nhìn (bậc thang cũng bằng cẩm thạch, tay vịn bằng gỗ và đồng thau). Kế bên đó là cửa thang máy dát vàng bóng loáng và một cánh cửa gỗ sẫm màu trên nền tường trắng. Giữa cánh cửa này và hai cánh cửa chính đằng trước là một kệ trưng bày đặt trong góc nhà, với những chiếc bình hoa trụ cao, cắm đầy hoa loa kèn màu hồng đậm. Mùi hương nồng tỏa khắp không khí ấm áp trong nhà. Bức tường bên trái ốp kín gương, tạo cảm giác sảnh rộng gấp đôi. Gương phản chiếu Robin và Strike đang mải ngó nghiêng, cánh cửa thang máy và bộ đèn chùm kiểu hiện đại gồm những khối pha lê vuông treo trên trần. Bức tường gương cũng khiến cho quầy trực bảo vệ bằng gỗ bóng loáng trông như dài hơn thực tế.
Strike nhớ lại lời của Wardle: “Trong căn hộ thì lát đá hoa nọ kia... mẹ kiếp, nhà ở mà cứ như khách sạn năm sao.” Robin đứng ngay bên cạnh hắn, cố tỏ ra không hề bị ngợp. Hóa ra giới triệu phú ở nơi như thế này. Matthew và cô đang thuê tầng dưới của một ngôi nhà cùng vách với hàng xóm ở Clapham. Phòng khách của cô rộng đúng bằng phòng nghỉ giải lao của nhân viên bảo vệ, cũng là chỗ Wilson chỉ cho hai người xem đầu tiên. Trong phòng có một cái bàn và hai cái ghế, một chiếc hộp treo trên tường đựng tất cả các chìa khóa chủ và một cánh cửa mở vào nhà vệ sinh nhỏ xíu.
Wilson mặc đồng phục màu đen, thiết kế giống trang phục của cảnh sát, áo sơ mi trắng, cà vạt đen, nút áo bằng đồng.
“Màn hình theo dõi,” ông ta chỉ cho Strike khi họ ra khỏi phòng sau, đến chỗ bàn trực, nơi có bốn màn hình trắng đen, khuất tầm nhìn của khách ra vào. Các màn hình lần lượt chiếu một đoạn đường trước tòa nhà, rồi hầm đỗ xe vắng ngắt, đến bãi cỏ trong khu vườn cũng không bóng người của tòa nhà số 18, vài thứ cây cảnh kiểu cọ và bức tường sau khá cao mà Strike từng leo lên; và cuối cùng là bên trong buồng thang máy đang đứng yên. Bên cạnh dãy màn hình là hai bảng điều khiển các thiết bị báo động chung của tòa nhà và báo động lắp ở cửa vào hồ bơi và bãi đậu xe. Cuối cùng là hai điện thoại để bàn, một gần với đường dây bên ngoài, một nối trực tiếp với ba căn hộ.
“Cánh cửa đó,” Wilson nói, chỉ vào cánh cửa gỗ nguyên khối, “dẫn ra phòng tập thể dục, hồ bơi với lại bãi đậu xe.” Ông ta dẫn cả hai đi vào theo yêu cầu của Strike.
Phòng tập thể dục khá nhỏ nhưng lắp gương khắp tường như ở sảnh, tạo cảm giác rộng gấp đôi. Trong đó chỉ có một cửa sổ nhìn ra đường, một máy chạy bộ tại chỗ, vài chiếc máy tập đua thuyền, tập bước chân và một bộ tạ.
Cánh cửa gỗ gụ thứ hai mở ra một cầu thang cẩm thạch hơi hẹp, trên tường gắn đèn khối vuông. Cầu thang dẫn xuống tầng hầm, đến một cánh cửa sơn trông rất bình thường mở ra bãi đậu xe. Wilson mở cửa bằng hai chìa khóa, một Chubb một Yale, rồi bật công tắc đèn. Khu vực vừa được thắp sáng dài gần bằng con phố trước nhà, đầy những chiếc xe hiệu Ferrari, Audi, Bentley, Jaguar và BMW, tổng trị giá cũng dễ đến hàng triệu bảng. Cách bức tường phía sau khoảng mười tám mét là những cánh cửa như cánh cửa cuối cùng họ vừa bước qua, thông thẳng vào mỗi tòa nhà ở Kentigern Gardens. Cửa tự động vào bãi đỗ xe từ Ngõ Nông Nô gần với tòa nhà số 18, hắt vào ánh sáng bàng bạc ban ngày.
Robin tự hỏi không biết hai người đàn ông lặng thinh đi bên cạnh mình đang nghĩ gì. Hẳn Wilson đã quá quen với đời sống lạ thường của những cư dân tòa nhà; quen mắt với bãi đậu xe ngầm, hồ bơi và những chiếc Ferrari? Còn Strike (cũng như cô) hẳn đang nghĩ rằng những cánh cửa liên tiếp này chứa đựng nhiều khả năng mà trước đó cô chưa nghĩ đến: cơ hội lẩn trốn nhanh chóng giữa những nhà lân cận, bao nhiêu nhà trên phố là bấy nhiêu lối để ẩn náu và lẻn ra? Nhưng rồi cô để ý thấy vô số camera đen gắn trên cao chĩa khắp hướng, thu mọi cử động vào loạt màn hình lúc nãy. Liệu có khả năng người bảo vệ đã bỏ sót hình ảnh nào đêm đó chăng?
“Xong rồi,” Strike lên tiếng và Wilson dẫn hai người trở lại cầu thang cẩm thạch, sau khi khóa cánh cửa vào bãi đậu xe.
Cả ba đi theo một cầu thang ngắn khác xuống tầng hầm, càng xuống sâu mùi chlorine càng nồng nặc. Khi Wilson mở cánh cửa ở cuối cầu thang, mùi không khí ẩm, ẩm ướt, nồng hóa chất khử trùng xộc lên mũi.
“Hôm đó cánh cửa này không bị khóa phải không?” Strike hỏi Wilson, ông ta gật đầu, bật công tắc đèn, ánh sáng đổ ra chói cả mắt.
Ba người bước trên mép bể bơi rộng rãi cũng lát đá cẩm thạch, hiện giờ đang được phủ lại bằng một tấm nhựa dày. Bức tường đối diện cũng được ốp đầy gương, phản chiếu ba người đang đứng, áo quần đầy đủ, không ăn nhập gì với bức tranh sau lưng vẽ các loại cây cối nhiệt đới và bươm bướm đập cánh, phủ đầy tường lên đến trần nhà. Hồ bơi dài khoảng mười lăm lét, cuối hồ là một bồn tắm mát-xa thủy lực hình lục giác, sau đó là ba buồng thay đồ đều lắp cửa có khóa.
“Ở đây không có camera sao?” Strike hỏi, nhìn quanh quất. Wilson lắc đầu, tỏ ý không có camera nào cả.
Robin cảm thấy mồ hôi rịn ra sau cổ và dưới tay áo. Khu vực hồ bơi rất bí, cô thấy nhẹ cả người khi đi lên cầu thang trước hai người đàn ông, trở lại sảnh lễ tân. So với hồ bơi thì sảnh lễ tân dễ chịu và thoáng hơn nhiều. Một cô gái nhỏ nhắn tóc vàng đang đứng đó. Cô ta mang tạp dề màu hồng, mặc quần jeans và áo thun, xách theo một xô nhựa đầy các loại dụng cụ lau chùi.
“Derrick,” cô ta gọi, giọng rất nặng kiểu tiếng Anh của người nước ngoài, khi thấy ông bảo vệ vừa lên cầu thang. “Tôi đang càng chìa khóa số hai.”
“Đây là Lechsinka,” Wilson nói. “Lao công.”
Cô ta nhìn Strike, mỉm cười thân thiện. Wilson ra phía sau bàn gỗ gụ, đưa cho cô ta một cái chìa khóa. Lechsinka đi lên cầu thang, tay vung vẩy cái xô đựng đồ, cặp mông bó chặt trong lớp quần jeans lắc lư khiêu khích. Biết Robin đang liếc ngang, Strike chột dạ, ngập ngừng đổi hướng nhìn.
Cả hai theo Wilson đi lên lầu, đến căn hộ số 1. Wilson mở cửa bằng chìa chủ. Strike để ý thấy cánh cửa ngay cầu thang có một lỗ nhìn trộm kiểu cũ xưa.
“Nhà ông Bestigui đây,” Wilson nói, tay bấm mã số trên bảng nút bên phải cánh cửa để tắt hệ thống báo động. “Sáng nay Lechsinka đã vô dọn dẹp rồi.” Strike ngửi thấy mùi nước đánh bóng và thấy cả đường lằn do máy hút bụi trên thảm trắng trong hành lang, hai bên có những chiếc đèn ốp tường bằng đồng thau và năm cánh cửa trắng muốt không tỳ vết. Hắn để ý thấy có một bảng nút báo động được lắp kín đáo trên bức tường bên phải, vuông góc với một bức tranh của Marc Chagall vẽ mấy con dê và người nông dân mơ màng trôi trên nền ngôi làng màu xanh nước biển. Ngay dưới bức tranh là mấy chiếc lọ cao cắm hoa phong lan đặt trên bàn sơn mài màu đen kiểu Nhật.
“Ông Bestigui đi đâu?” Strike hỏi Wilson.
“Los Angeles,” ông bảo vệ trả lời. “Hai ngày nữa mới về.”
Căn phòng khách sáng sủa, tươi tắn có ba cửa sổ dài, mỗi cửa sổ đều có ban công hẹp ốp đá ở bên ngoài. Ngoài các bức tường sơn màu xanh nhạt như màu men gốm sứ Wedgwood, gần như tất cả những đồ đạc còn lại đều có màu trắng. Mọi thứ đều tinh tươm, thanh lịch và cân xứng. Thêm một bức tranh tuyệt đẹp, trông ma mị và siêu thực. Trong tranh là một người đàn ông cầm giáo, hóa trang thành con chim hét, tay trong tay với một thân hình phụ nữ màu xám không có đầu.
Tansy Bestigui khăng khăng rằng bà ta đã nghe thấy tiếng la hét cãi nhau cách đó hai tầng lầu khi ở ngay trong căn phòng này. Strike tiến lại gần cửa sổ, chú ý đến chốt cửa kiểu hiện đại và độ dày của tấm kính. Hắn hoàn toàn không nghe được âm thanh nào từ đường phố mặc dù tai hắn gần như áp sát mặt kính lạnh lẽo. Ban công bên ngoài khá hẹp và đầy những chậu cây cảnh được tỉa thành hình chóp nhọn.
Strike đi vào nhà tắm. Robbin vẫn còn ở phòng khách, chậm rãi quay người quan sát chung quanh. Cô nhìn bộ đèn chùm bằng thủy tinh Venice, thảm lót sàn tông trầm màu xanh nhạt và hồng, TV plasma, bàn ăn bằng thủy tinh và sắt kiểu hiện đại, những chiếc ghế sắt có gối tựa bọc lụa rồi đến những món đồ trang trí nhỏ màu bạc đặt trên mấy chiếc bàn con mặt gương và trên bệ lò sưởi bằng đá cẩm thạch trắng. Cô hơi chạnh lòng nghĩ đến bộ sofa IKEA ở nhà mới đó cô còn rất hãnh diện; rồi cô sực nhớ ra chiếc giường xếp của Strike trong văn phòng và thấy hơi xấu hổ vì phép so sánh vừa rồi. Bắt gặp ánh mắt của Wilson, Robin lên tiếng, vô tình lặp lại lời của Eric Wardle:
“Đúng là một thế giới khác nhỉ?”
“Ừa,” ông ta đáp. “Chỗ này không nuôi con nít được.”
“Ừ nhỉ,” Robin nói, nãy giờ nhìn ngắm căn hộ cô không hề nghĩ đến chuyện đó.
Ông sếp tạm của Robin bước ra từ phòng ngủ, vẻ mặt như vừa nghĩ ra được điều gì đó rất thỏa mãn và bước tiếp vào hành lang.
Thực ra Strike đang chứng minh rằng con đường hợp lý nhất từ phòng ngủ nhà Bestigui đến phòng tắm là dọc theo hành lang, vòng qua phòng khách. Hơn nữa, hắn tin chắc rằng vị trí duy nhất trong căn hộ mà Tansy có thể nhìn thấy và nhận ra người vừa rơi xuống chính là Lula Landry, chỉ có thể là phòng khách. Trái với nhận định của Eric Wardle, không ai đứng trong phòng tắm mà nhìn rõ được cửa sổ, nhất là vào ban đêm. Nếu không ở phòng khách thì rất khó nhận ra thứ vừa rơi xuống là một con người, chứ chưa nói đến chuyện thấy rõ mặt.
Strike trở lại phòng ngủ. Sau khi Tansy dọn đi chỉ còn mỗi ông Bestigui ở trong căn hộ, ông ta nằm ngủ trên giường phía gần cánh cửa và hành lang, suy từ mớ thuốc men, kính đeo mắt và mấy cuốn sách đặt trên bàn con cạnh giường. Strike tự hỏi khi Tansy còn ở đây, phải chăng ông ta cũng có thói quen nằm phía bên đó.
Tủ gương siêu lớn để quần áo thông với phòng ngủ. Bên trong treo đầy complet Ý và áo sơ mi Turnbull & Asser. Có hai ngăn kéo phía dưới đựng toàn khuy măng-sét bằng vàng và bạch kim. Đằng sau tấm vách giả ngay sau kệ đựng giày là một két sắt.
“Tôi nghĩ coi ở đây vậy đủ rồi,” Strike nói với Wilson khi trở ra phòng khách.
Wilson bật lại hệ thống báo động trước khi cả ba rời khỏi căn hộ.
“Anh biết mã số của tất cả các căn hộ ở đây?”
“Ừa.” Wilson đáp. “Phải thuộc. Để lỡ báo động có kêu thì còn tắt.”
Họ lên cầu thang đến căn hộ thứ hai. Cầu thang uốn sát quanh đường thông thang máy, đến nỗi mỗi vị trí trên cầu thang đều bị khuất tầm nhìn. Bên trong căn hộ vọng ra tiếng gầm gừ của máy hút bụi Lechsinka đang dùng.
“Bây giờ có ông bà Kolchak thuê lại căn nhà này,” Wilson nói. “Người Ukraine.”
Hành lang ở đây thiết kế giống hệt như căn số 1, trang trí cũng có nhiều điểm tương đồng. Căn hộ này cũng có bảng nút báo động lắp trên tường, nhưng sàn căn hộ lót gạch thay vì lót thảm. Một tấm gương soi lớn, viền mạ vàng treo đối diện với lối vào, tương đương với vị trí bức tranh ở căn số 1. Đặt cạnh tấm gương là hai chiếc bàn con bằng gỗ trông có vẻ mỏng manh, dễ gãy, trên bàn có chiếc đèn ngủ Tiffany rất kiểu cọ.
“Bình hoa hồng của Bestigui cũng được đặt trên bàn như vậy hả?” Strike hỏi.
“Ừa, đặt trên một cái bàn cũng giống vậy,” Wilson đáp. “Cái đó giờ đem vô phòng khách lại rồi.”
“Hôm đó anh bưng bàn ra ngay giữa hành lang, rồi đặt bình hoa lên hả?”
“Ừa, ông Bestigui muốn Macc bước vào nhà là thấy ngay, nhưng cũng dễ tránh, anh thấy đó. Đâu dễ gì đụng bể liền. Nhưng anh cảnh sát đó cũng còn trẻ.” Wilson đáp, vẻ thông cảm.
“Vậy mấy cái nút báo động anh nói đâu?” Strike hỏi.
“Quanh đây,” Wilson trả lời, dẫn hắn ra khỏi hành lang và đi vào phòng ngủ. “Có một cái ngay cạnh giường và một cái trong phòng khách.”
“Căn hộ nào cũng có hết à?”
“Ừa.”
Vị trí tương ứng của phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp và phòng tắm giống hệt như căn hộ số 1. Nhiều chi tiết nhỏ cũng giống, chẳng hạn cánh tủ quần áo siêu lớn cũng được ốp gương. Strike đi vào xem xét. Khi hắn mở cánh cửa tủ và quan sát mớ quần áo phụ nữ trị giá cũng phải vài ngàn bảng. Lechsinka từ phòng ngủ bước vào, trên tay cầm một cái thắt lưng, hai cái cà vạt và mấy bộ áo đầm mới được giặt sấy bọc ni lông cẩn thận.
“Chào cô,” Strike lên tiếng.
“Chào,” cô ta nói, bước tới một cánh cửa sau hắn và kéo ra một chiếc móc treo cà vạt. “Tránh ra, giùm chút.”
Hắn đứng ra một bên. Cô ta nhỏ con, xinh xắn kiểu nữ tính, hoạt bát. Gương mặt cô ta hơi bẹt, mũi hếch và đôi mắt kiểu người Đông Âu. Cô ta treo cà vạt lên thật ngăn nắp, Strike lặng lẽ đứng nhìn.
“Tôi là thám tử,” hắn nói. Rồi hắn nhớ lời Eric Wardle mô tả tiếng Anh của Lechsinka là “dở như hạch”.
“Giống cảnh sát vậy đó?” hắn thử giải thích.
“À. Cảnh sát.”
“Hôm trước khi Lula chết cô cũng có ở đây đúng không?”
Hắn phải nói vài lần Lechsinka mới hiểu ý. Khi đã hiểu ra, cô ta không có vẻ khó chịu gì cả, miễn là vẫn được đứng đó treo đồ lên khi trả lời.
“Tôi luôn chùi cầu thang trước,” cô ta nói, “Cô Landry nói chuyện với ông anh lớn tiếng lắm; ổng la là cổ cho bồ nhiều tiềng quá, với lại cổ tệ với ổng lắm.
“Tôi cũng chùi căn số hai, trống trơn. Trước đã chùi rồi. Nên làm nhanh.”
“Lúc cô đang chùi có Derrick với người bên công ty bảo trì ở đó không?”
“Derrick với gì...”
“Người bảo trì? Người làm đồ báo động?”
“À người báo động với Derrick hả, à có.”
Strike nghe thấy tiếng Robin và Wilson nói chuyện trong hành lang, vị trí hắn dừng lúc nãy.
“Sau khi chùi xong cô có bật báo động trở lại không?”
“Đặt báo động hả? Có,” cô ta nói. “Một chín sáu sáu, giống như dưới cửa, Derrick nói.”
“Ông ấy nói mã số cho cô trước khi dẫn người làm báo động đi?”
Lại một lần nữa hắn phải hỏi vài lần Lechsinka mới hiểu. Khi đã hiểu ra, cô ta có vẻ hết kiên nhẫn.
“Có, tôi nói rồi mà. Một chín sáu sáu.”
“Vậy sau khi chùi xong trong này cô bật báo động trở lại?”
“Đặt báo động, có mà.”
“Cái người sửa báo động đó, trông anh ta ra sao?”
“Người sửa báo động hả? Trông sao hả?” Cô ta nhíu mày trông thật dễ thương, chiếc mũi nhỏ xinh chun lại, cô nhún vai. “Không thấy mặt. Nhưng mà màu xanh – màu xanh hết...” cô ta nói thêm, dùng cánh tay không cầm đám áo đầm quét một đường trên người mình.
“Mặc bộ đồ bảo hộ hả?” Strike gợi ý, nhưng cô tỏ ra không hiểu từ đó. “Được rồi, sau đó cô lau chùi ở đâu?”
“Nhà số 1,” Lechsinka đáp, vừa nói vừa tiếp tục công việc, bước quanh Strike để tìm ra đúng móc treo cho từng món. “Chùi cửa sổ lớn. Bà Bestigui nói chuyện điện thoại. Giận lắm. Buồn lắm. Nói là không muốn nói dối nữa.”
“Bà ấy không muốn nói dối nữa?” Strike lặp lại.
Lechsinka gật đầu, nhón chân để treo một chiếc áo đầm dài quét đất.
“Cô nghe bà ấy nói,” Strike lặp lại rõ ràng, “trên điện thoại, là bà ấy không muốn nói dối nữa?”
Lechsinka lại gật đầu, gương mặt thản nhiên ngây thơ.
“Rồi bà thấy tôi, la lên ‘Cút đi, cút đi!’”
“Thật hả?”
Lechsinka gật đầu tiếp, tay vẫn treo áo.
“Còn ông Bestigui lúc đó ở đâu?”
“Không có đó.”
“Cô có biết bà ấy nói chuyện với ai không? Nói trên điện thoại đó?”
“Không.” Nhưng rồi, Lechsinka nói tiếp, ra vẻ bí mật. “Đàn bà.”
“Đàn bà? Làm sao cô biết?”
“La hét. La hét trên điện thoại. Nghe đàn bà.”
“Cãi lộn à? Tranh cãi? Họ la hét với nhau? Lớn tiếng, hả?”
Strike nhận ra mình đang nói một cách kỳ quặc, cố tình nói chậm, nhấn nhá từ ngữ như một người Anh điển hình khi bối rối trước người nước ngoài không thạo tiếng Anh. Lechsinka lại gật đầu lần nữa, rồi mở ngăn kéo tìm chỗ cất cái thắt lưng, cũng là vật duy nhất còn sót trên tay. Cuối cùng sau khi đã cuộn và cất chiếc thắt lưng vào ngăn kéo, cô ta đứng thẳng người rồi bước ra, đi thẳng vào phòng ngủ. Strike bước theo sau.
Trong khi cô ta trải drap giường và sắp xếp lại hai chiếc bàn con cạnh giường, Strike tiếp tục hỏi và biết thêm được rằng hôm đó cô ta lau chùi căn hộ của Lula Landry sau cùng, sau khi cô người mẫu đã đi ra ngoài thăm bà mẹ. Cô ta không thấy có gì khác thường cả, cũng không thấy tờ giấy màu xanh nào, có viết chữ hay còn để trống. Lúc cô ta xong việc thì mấy cái túi cùng với đám quần áo cho Deeby Macc mà Guy Somé gởi đến cũng vừa được giao ở bàn trực. Hôm đó việc cuối cùng cô ta làm là mang quà của Guy Somé lên lầu, lần lượt đặt vào căn hộ của Lula và Macc.
“Sau khi để đồ ở trong hai căn hộ đó cô đều bật lại báo động hết?”
“Tôi đặt báo động, có hết.”
“Cả nhà của Lula nữa?”
“Có.”
“Một chín sáu sáu trong căn số Hai?”
“Có.”
“Cô có nhớ đem gì lên căn hộ của Deeby Macc không?”
Lechsinka phải ra dấu để diễn tả vài món đồ, nhưng cô ta vẫn làm cho Strike hiểu được là cô ta nhớ có đem lên hai chiếc áo, một cái thắt lưng, một cái mũ, một đôi găng tay và (cô ta làm động tác loay hoay quanh cổ tay) khuy măng-sét.
Lechsinka kể tiếp là sau khi để hết mấy món đồ đó vào phần kệ mở tủ áo quần để Macc có thể nhìn thấy ngay được, cô ta bật báo động và ra về.
Strike cảm ơn cô lao công rối rít, cố tình lần chần để ngắm cặp mông mặc quần jeans bó sát khi cô ta vuốt thẳng tấm chăn mềm, rồi mới quay trở ra hành lang với Robin và Wilson.
Khi cả ba đi lên dãy cầu thang cuối cùng, Strike kiểm tra lại câu chuyện của Lechsinka với Wilson, ông bảo vệ xác nhận là có nhờ nhân viên bảo trì cài mã số 1966 trên báo động, giống như cửa trước nhà.
“Tui chỉ chọn số nào để Lechsinka dễ nhớ, tại giống cửa trước. Nếu muốn sau đó Macc có thể tự cài lại số khác.”
“Anh có nhớ hôm đó nhân viên bảo trì trông như thế nào không? Anh có nói là anh ta đến đây lần đầu?”
“Còn trẻ lắm. Tóc dài chừng mày.”
Wilson chỉ lên cổ.
“Da trắng?”
“Ừa da trắng. Nhìn như chưa mọc râu.”
Cả ba đứng trước cánh cửa căn hộ số Ba, nơi từng là chỗ ở của Lula Landry. Tự dưng Robin thấy như có một luồng điện chạy qua người – vừa sợ hãi, vừa phấn khích khi Wilson mở cánh cửa sơn trắng muốt, trên cửa có một lỗ nhìn trộm lắp kính, cỡ bằng đầu đạn.
Căn hộ trên cùng được thiết kế khác với hai căn còn lại: nhỏ hơn nhưng thoáng hơn. Có vẻ như nó vừa được trang trí lại hoàn toàn với tông màu kem và nâu. Guy Somé có nói với Strike rằng chủ nhân nổi tiếng trước đây của căn hộ yêu thích màu săc; nhưng giờ đây trông căn hộ cũng lạnh lùng như một phòng khách sạn hạng sang. Strike im lặng, đi trước vào phòng khách.
Thảm lót sàn ở đây không làm bằng len mịn màng như dưới căn của Bestigui mà lại bằng sợi đay màu cát, hơi nham nhám. Strike quẹt bàn chân lên thảm, không để lai dấu vết hay lằn ranh nào cả.
“Sàn cũng như vậy khi Lula còn ở đây sao?” Hắn hỏi Wilson.
“Ừa. Cổ chọn vậy. Gần như mới nguyên nên họ giữ lại.”
Khác với ba ô cửa sổ dài ở dưới hai căn hộ còn lại, mỗi ô có một ban công riêng, căn hộ tầng trên cùng chỉ có hai cánh cửa lớn dẫn ra một ban công rộng. Strike mở khóa, đẩy cửa bước ra bên ngoài. Robin không thích nhìn hắn làm việc đó; sau khi liếc nhìn gương mặt trầm tĩnh của Wilson, cô quay lại nhìn mấy chiếc gối tựa và những tấm ảnh treo tường đen trắng, cổ không nghĩ đến việc xảy ngay tại đây ba tháng trước.
Strike nhìn xuống đường. Robin ắt hẳn sẽ rất ngạc nhiên nếu cô biết được những suy nghĩ của hắn hiện giờ không hề lạnh lùng, bình thản như cô vẫn tưởng.
Strike đang hình dung ra một người đang mất kiểm soát, chạy xô về phía Landry khi cô người mẫu đứng đó, thanh mảnh và xinh đẹp, trong bộ quần áo cô đã chọn để gặp một người khách mà cô rất mong gặp. Kẻ sát nhân mất trí giận dữ giằng co với Lula, cuối cùng dùng sức mạnh thô bạo của một người điên loạn ném cô xuống. Những giây Lula rơi xuống mặt đường bê tông, tắt thở trong lớp tuyết trông mềm mại nhưng chết chóc, hẳn phải dài vô tận. Lula đã đập loạn tay trong không khí trống trơn tàn nhẫn, cố tìm một chỗ bấu víu. Và rồi, không hề có thời gian để sửa chữa sai lầm, để giải thích, để trăn trối hay xin thứ tha, không hề có những thứ xa xỉ thường dành cho những kẻ may mắn có thời gian hấp hối, thân xác cô tan vỡ ngay trên mặt đường.
Người chết chỉ có thể lên tiếng qua miệng người còn sống, và qua những dấu hiệu rải rác họ để lại. Strike đã mường tượng ra cô người mẫu từ những dòng chữ cô viết cho bạn bè; hắn đã nghe thấy giọng cô trên điện thoại áp bên tai; nhưng giờ đây, khi nhìn xuống quang cảnh cuối cùng cô thấy trước khi lìa đời, hắn cảm thấy gần gũi lạ lùng với Lula. Sự thật đang chậm rãi hiện ra giữa một đám chi tiết rối rắm không liên quan với nhau. Hắn chỉ còn thiếu bằng chứng.
Điện thoại di động của Strike đổ chuông. Tên và số của John Bristow hiện ra, hắn nhấc máy trả lời.
“Chào anh John, cảm ơn anh đã gọi lại.”
“Không thành vấn đề. Có gì mới không?” Ông luật sư hỏi.
“Có thể có vài thứ. Tôi đã nhờ một chuyên gia xem qua máy tính của Lula, anh ấy tìm thấy một file nhiều hình ảnh bị xóa sau khi Lula chết. Anh có biết gì về chuyện đó không?”
Đáp lời hắn là sự im lặng hoàn toàn. Điều duy nhất khiến Strike biết được Bristow vẫn chưa dập máy là những tiếng động phía bên kia đầu dây.
Cuối cùng ông luật sư lên tiếng, giọng khác hẳn:
“Bị xóa sau khi Lula chết?”
“Chuyên gia máy tính nói vậy.”
Dưới đường một chiếc xe chậm rãi chạy đến, dừng lại ngay giữa đường, Một người phụ nữ mặc áo lông bước ra.
“Tôi... tôi xin lỗi,” Bristow nói, giọng vô cùng chấn động. “Chỉ là tôi sốc quá. Hay bên cảnh sát xóa file này?”
“Anh nhận máy tính lại khi nào?”
“À... hồi tháng Hai, tôi nhớ vậy, khoảng đầu tháng Hai.”
“File bị xóa vào ngày mười bảy tháng Ba.”
“Nhưng... nhưng thế thì thật vô lý. Không ai biết mật khẩu cả.”
“Rõ ràng là có người biết. Anh có nói là cảnh sát cho mẹ anh biết mật khẩu đúng không?”
“Mẹ tôi chắc chắn là không xóa...”
“Tôi không nói mẹ anh làm chuyện đó. Nhưng liệu mẹ anh có để máy tính mở lúc nào đó không? Hoặc đưa mật khẩu cho ai đó?”
Bristow hắn đang ở trong văn phòng. Hắn nghe thấy tiếng nói lao xao ở đầu dây bên kia và văng vẳng có cả tiếng phụ nữ đang cười.
“Cũng có thể là vậy,” Bristow chậm rãi lên tiếng. “Nhưng ai có thể xóa những tấm hình đó? Trừ khi... lạy Chúa, thật kinh khủng...”
“Chuyện gì kia?”
“Anh không nghĩ một trong mấy cô y tá đã xóa mấy tấm hình chứ? Để bán lại cho báo chí? Nhưng mà như vậy thì kinh quá... cô y tá...”
“Chuyên gia chỉ nói là mấy tấm hình bị xóa hết; không có gì cho thấy là chúng bị chép lại rồi đem giấu đi. Nhưng mà như anh nói đó, chuyện gì cũng có thể xảy ra.”
“Nhưng còn ai được nữa chứ... Ý tôi là tôi không muốn nghĩ y tá làm chuyện đó, nhưng còn aicó thể làm được? Chiếc máy tính ở chỗ mẹ tôi suốt, kể từ khi bên cảnh sát trả lại.”
“John, anh có biết mặt tất cả những người đến thăm mẹ anh trong vòng ba tháng trở lại đây không?”
“Tôi nghĩ là biết hết. Nhưng rõ là tôi cũng không chắc...”
“Đúng vậy. Khó ở chỗ đó.”
“Nhưng tại sao... tại sao lại làm vậy?”
“Tôi có thể nghĩ ra vài lý do. Nếu được, phiền anh hỏi lại mẹ anh mấy chuyện. Rất quan trọng, John à. Phiền anh hỏi trong khoảng giữa tháng Ba mẹ anh có bật máy tính không. Có ai trong những người khách đến thăm tỏ ra quan tâm tới nó không.”
“Tôi... tôi sẽ thử xem.” Giọng Bristow rất căng thẳng, nghe như sắp bật khóc. “Mẹ tôi giờ đang rất yếu.”
“Tôi rất tiếc,” Strike nói, đúng phép tắc. “Có gì tôi sẽ liên lạc với anh sớm. Tạm biệt.”
Hắn quay trở lại trong nhà, đóng cửa ban công, rồi hỏi Wilson.
“Derrick, anh có thể chỉ lại cho tôi xem hôm đó anh kiểm tra căn hộ này như thế nào không? Anh kiểm tra phòng nào trước?”
Wilson ngẫm nghĩ một lúc, rồi lên tiếng:
“Tui vô đây trước. Nhìn quanh, thấy cửa mở. Nhưng không đụng vô. Rồi,” ông ta ra hiệu cho Strike và Robin đi theo, “tui coi trong đây...”
Robin đi theo hai người đàn ông, để ý thấy cách Strike nói chuyện với ông bảo vệ hơi khác lúc trước. Hắn hỏi những câu đơn giản, khéo léo, tập trung vào những thứ Wilson đã cảm nhận hay đụng vào, mường tượng ra lúc Wilson đi quanh nhà.
Dưới sự dẫn dắt của Strike, điệu bộ của Wilson bắt đầu thay đổi. Ông ta bắt đầu diễn lại cách ông ta nắm thanh cửa, chồm người vào từng phòng, nhanh nhẹn nhìn quanh quất. Khi ông ta đến phòng ngủ duy nhất, Wilson diễn tả lại hành động chạy một cách chậm rãi, đáp ứng lại sự tập trung chú ý trên gương mặt của Strike. Ông ta quỳ xuống, diễn tả cách mình đã xem xét gầm giường, khi Strike hỏi thì nhớ thêm được là lúc đó dưới chân ông ta có một chiếc áo đầm nhàu nhĩ. Rồi ông ta diễn tả cách mình xoay người để kiểm tra phía sau cánh cửa trước khi chạy ra cửa trước. (Wilson giả vờ làm động tác chạy, hai cánh tay vung mạnh khi bước đi).
“Và sau đó,” Strike lên tiếng, mở cửa và ra hiệu cho Wilson bước qua, “anh bước ra…”
“Tui bước ra,” Wilson đồng ý, giọng trầm thấp, “rồi tui bấm nút thang máy.”
Ông ta giả vờ làm động tác bấm nút, rồi giả vờ đẩy hai cánh cửa ra, nôn nóng xem bên trong có gì.
“Không có gì cả... vậy là tui chạy xuống nhà lại.”
“Lúc đó anh nghe gì không?” Strike hỏi, đi theo Wilson, cả hai đều không để ý đến Robin đang đóng cửa căn hộ.
“Chỉ nghe xa xa... tiếng hai ông bà Bestigui la hét... rồi tui quay qua đây...”
Wilson đứng im trên cầu thang. Strike, dường như cũng đoán trước được, cũng dừng lại; Robin đi thẳng đâm sầm vào hắn, bối rối xin lỗi nhưng hắn đã đưa tay lên ra hiệu im lặng, hắn làm như thể Wilson đang tập trung hầu đồng.
“Rồi tui trượt chân té,” Wilson nói. Giọng ông ta sửng sốt. “Tui quên mất vụ đó. Tui trượt chân té, ngay đây. Té ra đằng sau. Ngồi xuống cái rầm. Có nước. Chỗ này. Mấy giọt nước. Ngay đây.”
Ông ta chỉ về phía cầu thang.
“Mấy giọt nước,” Strike lặp lại.
“Ừa.”
“Không phải tuyết.”
“Không.”
“Không phải dấu chân ướt.”
“Giọt nước. Giọt bự lắm. ở đây. Chân tui quẹo qua một bên rồi tui trượt ngã. Rồi tui đứng dậy ngay, tiếp tục chạy.”
“Anh có kể với cảnh sát về mấy giọt nước chưa?”
“Không. Tui quên mất. Tới giờ luôn. Tui quên mất tiêu.”
Một chi tiết từng khiến Strike mất ăn mất ngủ cuối cùng cũng sáng tỏ. Hắn thở dài thỏa mãn và nhe răng cười. Hai người còn lại nhìn hắn chằm chằm.

Chương trước Chương sau