Con chim khát tổ - Chương 42

Con chim khát tổ - Chương 42

Con chim khát tổ
Chương 42

Ngày đăng
Tổng cộng 45 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 50345 lượt xem

Sáng hôm sau trời trong mát, nắng đẹp. Strike đi tàu điện đến khu Chelsea hiền hòa, nhiều cây cối. Mặc dù từng sống lang thang khắp London, hắn hầu như không bao giờ bén mảng đến đây. Mẹ Strike chưa bao giờ với tới nổi một tấc đất gần Bệnh viện Hoàng Gia Chelsea, ngay trong những giai đoạn bà phung phí tiền bạc mạnh tay nhất. Dưới ánh nắng mùa xuân, tòa nhà bệnh viện hiện lên trầm mặc và nền nã.
Trước mặt Strike là con phố Franklin Row xinh đẹp với những dãy nhà gạch đỏ, hàng cây tiêu huyền và một bãi cỏ rộng lớn có hàng rào bao quanh. Một đám học sinh tiểu học đang chơi thể thao trên bãi cỏ, mặc áo thun Aertex và quần short màu xanh sẫm, xung quanh có các thầy cô mặc đồ thể thao đứng trông chừng. Tiếng cười đùa của bọn trẻ làm ngắt quãng sự yên lặng tĩnh tại ở khu phố vốn dường như chỉ có tiếng chim hót. Strike sải bước trên vỉa hè, hai tay đút túi quần. Đường phố không một bóng xe chạy qua.
Phía trên bốn bậc cấp bằng đá trắng là một cánh cửa lắp kính. Kế đó là bảng chuông cửa bằng nhựa Bakelite kiểu cũ xưa gắn trên tường. Strike kiểm tra lại có đúng là tên của phu nhân Yvette Bristow nằm bên cạnh dòng chữ Căn hộ E hay không rồi quay xuống vỉa hè, đứng đợi trong ánh nắng ấm áp dìu dịu, thỉnh thoảng nhìn về hai phía đầu đường.
Mười giờ rưỡi. John Bristow vẫn chưa đến. Khu phố không một bóng người, trừ khoảng hai mươi đứa trẻ con bên kia hàng rào bãi cỏ. Chúng đang chơi đến trò chạy qua những vòng tròn và cột mốc đủ màu.
Mười giờ bốn mươi lăm phút, điện thoại của Strike rung lên trong túi. Robin nhắn tin:
Alison vừa gọi để báo rằng JB bận không tới được. JB không muốn anh nói chuyện với bà mẹ mà không có mặt ông ấy.
Ngay lập tức Strike nhắn tin của Bristow:
Anh còn bận bao lâu nữa? Vẫn gặp hôm nay được chứ?
Hắn chưa kịp gởi tin nhắn thì điện thoại đổ chuông.
“A lô?” Strike nói.
“Oggy?” Giọng lành lạnh của Graham Hardacre vang lên, từ tận nước Đức. “Tao có thông tin về Agyeman rồi.”
“Mày thiêng quá xá.” Strike rút cuốn sổ ra. “Nói đi.”
“Anh chàng này là Trung úy Jonah Francis Agyeman, Kỹ sư Quân đội Hoàng gia. Hai mươi mốt tuổi, chưa kết hôn, đợt làm nhiệm vụ gần đây nhất bắt đầu từ ngày Mười Một tháng Giêng, kết thúc vào tháng Sáu tới. Người thân gần nhất là mẹ. Không anh chị em, không con cái.”
Strike hí hoáy viết hết vào sổ, điện thoại kẹp giữa cằm và bả vai.
“Tao nợ mày vụ này rồi, Hardy,” hắn vừa nói vừa cất cuốn sổ. “Không có hình ảnh gì hả?”
“Để đó tao email cho một cái.”
Strike đọc cho Hardacre địa chỉ email của văn phòng. Sau vài màn hỏi thăm thông thường về cuộc sống và chúc tụng lẫn nhau, hắn dập máy.
Mười một giờ kém năm. Strike vẫn đứng đợi giữa khu phố hiền hoà, xanh tươi, điện thoại cầm trong tay. Đám trẻ con vẫn mải chơi với mấy cái vòng và túi hạt xốp. Một chiếc máy bay màu bạc bé xíu vạch một đường trắng dày trên nền trời xanh nhàn nhạt. Cuối cùng, điện thoại phát ra tín hiệu báo tin nhắn, nghe rất rõ trên con phố vắng lặng. Bristow trả lời:
Hôm nay không được rồi. Tôi phải đi Rye có việc. Hay ngày mai vậy?
Strike thở dài.
“Xin lỗi nhé John,” hắn lẩm bẩm rồi leo lên bậc tam cấp và bấm chuông nhà phu nhân Bristow.
Sảnh đón khách yên tĩnh, rộng rãi và sáng sủa, nhưng vẫn có vẻ gì đó ảm đạm của những nơi công cộng, mặc dù có đặt thêm bình hoa trông như cái xô cắm đầy hoa khô, thêm thảm lót màu xanh mờ và tường sơn vàng nhạt, chắc chủ nhân cố ý chọn toàn những thứ nhẹ nhàng dễ chịu như vậy. Giống với toà nhà chung cư Kentigern Gardens, ở đây cũng có thang máy, nhưng cửa bằng gỗ. Strike quyết định đi cầu thang bộ. Toà nhà trông hơi cũ kỹ nhưng vẫn lặng lẽ toát lên vẻ giàu có.
Cô y tá Macmillan[1] người Caribe ra mở cửa, mỉm cười thân thiện. Cô cũng chính là người bấm nút mở cửa vào sảnh ở tầng dưới cho Strike sau khi hắn bấm chuông.
[1. Một tổ chức chuyên chăm sóc người bệnh ung thư ở Anh quốc.]
“Tôi cứ tưởng là anh Bristow,” cô ta nhanh nhẹn nói.
“Không, tôi là Cormoran Strike. John vẫn đang trên đường đi.”
Cô y tá cho hắn vào. Hành lang dẫn vào phòng khách nhà phu nhân Bristow ấm cúng dễ chịu. Giấy dán tường màu đỏ phai, trên tường treo nhiều tranh màu nước lồng khung mạ vàng cũ xưa. Giá để dù đi mưa đựng đầy các loại gậy chống. Mấy chiếc áo khoác được treo lên một hàng móc áo ngay ngắn. Strike liếc qua phải, thoáng thấy thư phòng ở cuối hành lang, bên trong có một chiếc bàn gỗ nặng nề và chiếc ghế xoay, lưng ghế quay ra phía cửa.
“Phiền anh đợi trong phòng khách. Tôi đi xem phu nhân đã sẵn sàng gặp anh chưa nhé.”
“Vâng, được.”
Hắn bước qua cánh cửa cô y tá vừa chỉ, vào một phòng khách trang nhã với tường sơn màu hoa anh thảo, đầy kệ sách và khung ảnh. Một chiếc điện thoại quay số kiểu cổ đặt trên chiếc bàn con, cạnh đó là ghế sofa bọc vải hoa. Strike đợi cô y tá đi ra hẳn, rồi nhấc ống nghe điện thoại lên, khéo léo gác kênh máy, nhìn lướt qua khó nhận ra.
Gần cửa sổ lớn là chiếc bàn mặt tủ kiểu cọ, trên bàn có một tấm ảnh lớn lồng khung bạc, chụp đám cưới của Ngài Alec Bristow và phu nhân. Chú rể trông già hơn nhiều so với cô dâu. Ngài Alec phốp pháp, râu ria, đang mỉm cười rạng rỡ bên cô dâu mảnh khảnh, tóc vàng, xinh đẹp kiểu nhàn nhạt. Giả vờ đang chiêm ngưỡng bức ảnh, Strike đứng quay lưng về phía cửa và nhanh tay mở ngăn kéo nhỏ ngay dưới mặt chiếc bàn gỗ xoan đào tinh tế. Bên trong là giấy viết thư màu xanh nhạt và bì thư cùng màu. Hắn đóng ngăn kéo lại ngay.
“Anh Strike? Anh có thể vào gặp phu nhân được rồi.”
Hai người trở ra hành lang có giấy dán tường đỏ rồi đi một đoạn ngắn đến một phòng ngủ rộng lớn với hai màu chủ đạo trắng và xanh trứng sáo. Mọi thứ trong phòng toát lên vẻ thanh lịch, trang nhã. Bên trái là hai cánh cửa đang khép hờ, một mở vào buồng tắm, một mở vào tủ áo quần siêu lớn. Bàn ghế trong phòng tinh tế, mang hơi hướm phong cách Pháp. Bình truyền nước gắn trên giá đứng bằng thép, bộ vệ sinh sạch sẽ sáng bóng đặt trên tủ ngăn kéo cùng với vô số thuốc men. Những món đạo cụ của bệnh tật lạc lõng trong căn phòng thanh nhã như những kẻ trà trộn không mời.
Người đàn bà đau yếu mặc áo khoác len dày màu trắng ngà, nằm lọt thỏm trên chiếc giường gỗ chạm trổ, đỡ lưng bằng những chiếc gối màu trắng. Vẻ đẹp thanh xuân của phu nhân Bristow đã hoàn toàn biến mất. Dưới làn da mỏng manh, trong suốt, và đã bắt đầu bong vảy, những đốt xương lộ rõ, gầy guộc và góc cạnh. Đôi mắt của phu nhân trũng sâu, mờ đục. Mái tóc bạc trắng lơ thơ như tóc trẻ con, lộ cả lớp da đầu hồng nhạt. Hai cánh tay xương xẩu đặt hờ trên lớp chăn, trên tay gắn kim truyền dịch. Cái chết đã hiện diện trong căn phòng, chừng như đang lịch sự và kiên nhẫn đứng chờ ngay sau lớp màn cửa.
Mùi hoa chanh thoang thoảng trong không khí, nhưng vẫn không át được mùi thuốc sát trùng và bệnh tật, khiến Strike nhớ đến mấy tháng dai dẳng nằm viện. Cửa sổ lớn thứ hai đã được nâng lên khoảng vài tấc, hứng lấy chút không khí ấm áp trong lành và tiếng trẻ con chơi đùa từ xa vọng vào, nhìn ra những cành cao nhất trên hàng cây tiêu huyền xanh mát trong nắng.
“Anh là thám tử à?”
Giọng của phu nhân Bristow mỏng manh, khàn và hơi nhịu. Trước đó Strike vẫn còn băn khoăn không biết liệu Bristw đã nói thật với mẹ ông ta về hắn chưa. Hắn mừng là phu nhân đã biết trước.
“Vâng, tôi là Cormoran Strike.”
“John đâu rồi?”
“Anh ấy bận việc ở văn phòng.”
“Lại bận nữa à,” bà ta lẩm bẩm, rồi nói tiếp, “Tony bắt John làm việc cực khổ quá. Không công bằng chút nào.” Bà ta cố nheo mắt nhìn hắn, rồi khẽ đưa ngón tay lên chỉ một chiếc ghế nhỏ. “Ngồi xuống đi.”
Hai mống mắt đã bạc màu của phu nhân Bristow có những đường trắng đục viền quanh. Khi ngồi xuống Strike để ý trên bàn con cạnh giường có thêm hai khung ảnh bạc nữa. Một luồng điện chạy qua người Strike khi hắn nhìn vào đôi mắt của Charlie Bristow trong ảnh. Gương mặt tròn trịa, đuôi tóc hơi dài, Charlie dừng lại mãi ở tuổi lên mười trong chiếc áo sơ mi đồng phục có cổ áo chìa ra và nút thắt cà vạt to tướng. Trông Charlie y hệt như lúc vẫy tay tạm biệt Cormoran Strike, cậu bạn thân nhất, ríu rít hẹn gặp nhau sau kỳ nghỉ Phục Sinh.
Bên cạnh ảnh của Charlie là một tấm ảnh nhỏ hơn, chụp một cô bé xinh lạ thường, tóc đen dài xoăn từng lọn, đôi mắt to màu nâu, mặc đồng phục màu xanh sẫm. Lula Landry trong ảnh chắc chỉ độ sáu tuổi.
“Mary,” phu nhân Bristow gọi khẽ, cô y tá chạy ngay đến. “Cô có thể lấy cho anh Strike đây ít cà phê? Hay anh dùng trà nhỉ?” bà ta quay sang hỏi hắn. Trong giây lát, Strike như quay trở về khoảnh khắc cách đây hai thập kỷ rưỡi, trong khu vườn rực nắng ở nhà Charlie với người mẹ tóc vàng duyên dáng tay cầm bình nước chanh mát lạnh.
“Cho tôi một tách cà phê vậy, cảm ơn cô nhiều.”
“Xin anh bỏ quá cho vì tôi không tự pha được,” phu nhân Bristow nói, sau khi cô y tác đã đi ra ngoài, bước chân vội vã, “nhưng anh thấy đó, giờ tôi phải nương nhờ lòng tốt của kẻ khác. Như Blanche Dubois[2] tội nghiệp.”
[2. Nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng A streetcar named desire của Tennessee Williams, từng được dịch ra tiếng Việt với tựa Chuyến tàu mang tên dục vọng (NXB Trẻ, 2011) - ND]
Bà nhắm mắt lại trong giây lát, như để tập trung cảm nhận sự đau đớn bên trong cơ thể. Hắn không biết phu nhân Bristow đã uống bao nhiêu thuốc và còn tỉnh táo tới đâu. Đằng sau phong thái nền nã đó, Strike vẫn thấy vương vấn chút chua chát trong từng lời nói, tựa như mùi hoa chanh không thể át hết mùi bệnh tật trong phòng. Hắn thấy ngạc nhiên, chẳng phải Bristow gần như lúc nào cũng túc trực cạnh bên để tận tình chăm sóc bà mẹ đó sao?
“Tại sao John không tới?” phu nhân Bristow lại hỏi, mắt vẫn nhắm.
“Anh ấy bận việc ở văn phòng,” Strike lặp lại.
“À, đúng rồi. Anh có nói.”
“Thưa phu nhân, tôi muốn hỏi bà một vài câu. Tôi xin bà lượng thứ nếu câu hỏi quá riêng tư, hoặc làm bà phải phiền lòng.”
“Nếu anh đã gặp những chuyện mà tôi phải trải qua,” bà ta lặng lẽ nói, “thì chẳng còn gì có thể gây đau đớn được nữa. Cứ gọi tôi là Yvette.”
“Cảm ơn phu nhân. Bà không phiền nếu tôi ghi chép lại chứ?”
“Không, không sao cả,” bà ta trả lời, nhìn hắn lấy cây viết và cuốn sổ ra, vẻ hơi tò mò.
“Nếu bà không phiền, tôi muốn bắt đầu từ việc Lula đã đến với gia đình như thế nào. Khi nhận nuôi bà có biết gì về gốc gác của cô ấy không?”
Phu nhân Bristow giờ đây như hiện thân của sự bất lực và thụ động, hai cánh tay vẫn hờ hững đặt trên lớp chăn.
“Không,” bà ta trả lời. “Tôi chẳng biết gì cả. Chắc Alec biết, nhưng nếu có đi nữa thì ông ấy cũng không bao giờ kể với tôi.”
“Tại sao bà nghĩ Alec biết gì đó?”
“Alec luôn tìm hiểu tường tận mọi thứ,” bà ta trả lời, dịu dàng mỉm cười hoài niệm. “Ông ấy là người làm ăn giỏi, anh biết đó.”
“Nhưng ông ấy chưa bao giờ nói gì với bà về gia đình đầu tiên của Lula?”
“Ôi không, ông ấy không nói những chuyện đó đâu.” Có vẻ như phu nhân Bristow thấy câu hỏi thật kỳ lạ. “Tôi muốn con bé chỉ là của tôi, của riêng tôi mà thôi, anh hiểu không. Alec nếu có biết gì thì vẫn muốn che chở cho tôi. Tôi không thể chịu được cái ý nghĩ rằng ai đó sẽ tìm đến và đòi lại nó. Tôi đã mất Charlie; tôi rất muốn có một đứa con gái; ý nghĩ sẽ mất nó thật…”
Cô y tá quay trở lại cầm theo một chiếc khay với hai cái tách và một đĩa bánh qui sô cô la.
“Một cà phê,” cô ta vui vẻ nói, đặt cái tách bên cạnh Strike trên chiếc bàn con gần hắn, và “một trà hoa cúc.”
Rồi cô ta lại vội vã bước ra. Phu nhân Bristow khép mắt lại. Strike uống một ngụm cà phê đen, rồi hỏi tiếp:
“Năm ngoái Lula bắt đầu đi tìm bố mẹ ruột, có phải vậy không thưa bà?”
“Đúng thế,” phu nhân Bristow trả lời, mắt vẫn nhắm. “Lúc đó tôi vừa phát hiện ung thư.”
Cả hai im lặng. Strike khẽ đặt tách cà phê xuống. Tiếng trẻ con hò hét từ xa vọng vào qua ô cửa sổ đang mở.
“John và Tony rất giận nó,” phu nhân Bristow nói tiếp. “Cả hai đều thấy nó không nên đi bắt đầu đi tìm mẹ đẻ trong khi tôi ốm đau như vậy. Khi phát hiện thì khối u đã tiến triển. Tôi phải làm hoá trị ngay. John rất ngoan; nó lái xe chở tôi đi về bệnh viện, đến ở cùng tôi những ngày tệ hại nhất. Đến Tony cũng hay ghé qua. Vậy mà Lula dường như chỉ biết có…” Bà ta thở dài, mở đôi mắt mờ, nhìn mặt Strike. “Tony luôn nói con bé được chiều quá hoá hư. Lỗi tại tôi cả. Tôi từng mất Charlie, anh thấy đó, tôi yêu con bé bao nhiêu cũng không đủ.”
“Bà có biết được Lula đã tìm ra những gì về gia đình ruột thịt của cô ấy không?”
“Không, tôi không biết gì cả. Tôi nghĩ nó cũng biết chuyện đó làm tôi rất phiền. Nó không kể gì nhiều. Tôi biết nó đã tìm ra mẹ ruột, đương nhiên rồi, vì báo chí ồn ào kinh khủng sau đó. Bà ta đúng như những điều Tony đoán. Bà ta còn không muốn sinh ra Lula. Một người đàn bà chẳng ra gì, chẳng ra gì cả.” phu nhân Bristow thì thầm. “Nhưng Lula cứ đi gặp bà ta mãi. Trong lúc tôi vẫn còn hoá trị. Tôi bị rụng hết tóc…”
Giọng bà ta yếu dần đi. Strike thấy mình thật thô lỗ (mà có lẽ bà ta cũng thấy vậy) khi vẫn phải tiếp tục hỏi:
“Còn người cha ruột thì sao? Cô ấy có bao giờ kể gì về ông ta không?”
“Không,” phu nhân Bristow đáp, giọng yếu ớt. “Tôi không hỏi. Tôi có cảm giác nó không thiết tha gì nữa sau khi tìm ra bà mẹ khủng khiếp đó. Tôi không muốn nói chuyện đó với nó, không muốn chút nào cả. Quá đau lòng. Tôi nghĩ nó cũng biết vậy.”
“Cô ấy không nói gì về người cha ruột khi gặp bà lần cuối sau?” Strike vẫn hỏi tiếp.
“Ôi không có,” bà ta trả lời, giọng nhẹ nhàng. “Không nói gì. Nó cũng chẳng ở lâu, anh biết đó. Tôi còn nhớ vừa vào đến nơi nó đã nói là không ở được lâu. Nó phải đi gặp Ciara Porter bạn nó.”
Strike nhận ra chút tủi thân phảng phất trong giọng nói của bà ta, tựa như mùi đau ốm lâu ngày vương vấn trong phòng: có chút gì ẩm mốc, chết chóc. Phu nhân Bristow làm hắn nhớ đến Rochelle, mặc dù hai người nhìn bên ngoài thật như một trời một vực. Cả hai đều có cái hờn tủi của những người nghĩ mình bị người khác quay lưng, bỏ rơi.
“Bà có nhớ là hôm đó bà và Lula nói những chuyện gì không?”
“Anh biết đó, tôi uống rất nhiều thuốc giảm đau. Tôi vừa phải chịu một ca phẫu thuật lớn. Tôi không nhớ hết được.”
“Nhưng bà nhớ Lula có ghé vào thăm?” Strike hỏi.
“Có chứ,” bà ta nói. “Nó đánh thức tôi dậy vì trước đó tôi vẫn còn ngủ.”
“Bà có nhớ hai người nói chuyện gì không?”
“Chuyện ca phẫu thuật, đương nhiên rồi,” bà ta nói, thoáng sự khó chịu. “Sau đó có nói một chút về anh của nó.”
“Anh của cô ấy…?”
“Charlie,” phu nhân Bristow trả lời, giọng buồn bã. “Tôi kể lại ngày Charlie chết. Trước đó tôi chưa bao giờ nói chuyện đó với Lula cả. Ngày tồi tệ nhất, kinh khủng nhất trong đời tôi.”
Strike có thể hình dung cảnh phu nhân Bristow vừa mệt mỏi kiệt sức nhưng cũng không kém phần ai oán, cố giữ cô con gái đang miễn cưỡng ngồi lại bằng cách nói về sự đau đớn hành xác, rồi về đứa con trai đã chết.
“Làm sao tôi biết được đó lại là lần cuối cùng tôi thấy con bé?” bà ta nói, thở nặng nhọc. “Khi đó tôi không biết sẽ lại mất thêm một đứa con nữa.”
Đôi mắt phu nhân Bristow đỏ ngàu, ngấn nước. Bà ta khẽ chớp mắt, hai giọt nước mắt tròn mẩy lăn dài trên gò má hốc hác.
“Phiền anh mở ngăn kéo,” phu nhân Bristow thì thào, chỉ ngón tay gầy guộc về chiếc bàn con cạnh giường, “lấy cho tôi mấy viên thuốc?”
Strike mở ngăn kéo bàn. Bên trong có nhiều hộp trắng, đủ loại thuốc men được dán nhãn khác nhau.
“Thuốc nào…”
“Loại nào cũng được. Như nhau cả,” bà ta nói.
Hắn lấy ra một chiếc hộp trắng có dán nhãn ghi chú rõ ràng là Valium. Chỗ thuốc trong hộp đủ cho bà ta uống quá liều mười lần.
“Anh cho tôi vài viên được không?” bà ta nói. “Tôi sẽ uống với trà, nếu đã nguội bớt.”
Hắn đưa mấy viên thuốc và tách trà cho phu nhân Bristow. Đôi bàn tay bà ta run rẩy, hắn phải đưa tay đỡ lấy cái đĩa tách. Hắn tự dưng (thật vô duyên) thấy mình như một vị linh mục đang cử hành thánh lễ.
“Cảm ơn anh,” bà ta thì thào, ngả người lên gối khi hắn đặt tách trà xuống bàn, rồi lại não nùng nhìn hắn. “Hình như John có nói với tôi là anh biết Charlie?”
“Vâng, đúng thế.” Strike đáp. “Tôi không bao giờ quên được anh ấy cả.”
“Đương nhiên rồi. Nó là đứa trẻ đáng yêu nhất. Ai cũng nói thế. Đứa trẻ xinh xắn, dễ thương nhất mà tôi từng biết. Không ngày nào mà tôi không nhớ nó cả.”
Bên ngoài cửa sổ, đám trẻ con vẫn đang hò hét, hàng cây tiêu huyền lao xao. Strike nghĩ đến một sáng mùa đông vài tháng trước. Khi đó hẳn hàng cây đã rụng lá, chỉ còn trơ trụi cành khô, còn Lula đang ngồi ngay chỗ hắn đây, đôi mắt xinh đẹp dán vào tấm hình của Charlie quá cố, trong khi bà mẹ mê man kể lại một câu chuyện khủng khiếp.
“Trước đó tôi chưa bao giờ kể chuyện Charlie cho Lula cả. Tôi còn nhớ, hôm đó Charlie và John đạp xe ra ngoài chơi. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng John gào thét, và tiếng Tony la hét, rồi la hét…”
Strike vẫn chưa đặt bút viết. Hắn mải quan sát gương mặt người đàn bà hấp hối đang kể chuyện.
“Alec không để tôi nhìn thấy cảnh đó, không cho tôi tới gần mỏ đá. Khi ông ấy kể lại, tôi ngất xỉu. Tôi tưởng tôi chết mất thôi. Tôi muốn chết. Tôi không hiểu tại sao Chúa có thể để chuyện đó xảy ra được.
“Nhưng sau đó tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đáng chịu tất cả,” phu nhân Bristow mơ hồ nói, mắt dán lên trần nhà. “Tôi luôn tự hỏi phải chăng mình đang bị trừng phạt. Vì tôi yêu thương cả ba quá mức. Tôi nuông chiều chúng. Tôi không biết nói không Charlie, Alec rồi cả Lula. Tôi nghĩ ắt hẳn đó phải là sự trừng phạt bởi vì nếu không thì quá độc ác, phải vậy không? Chúa khiến tôi phải chịu đau đớn đến ba lần.”
Strike không biết nói sao. Dường như bà ta muốn tìm kiếm chút thương hại, một sự thương hại vượt ra ngoài khả năng của hắn. Phu nhân Bristow nằm đó, quấn trong lớp áo choàng vô hình của một vị thánh tử vì đạo, mang thêm sự bất lực và thụ động như những món đồ trang sức. Nhưng khi nhìn bà ta, Strike vẫn thấy không quý mến nổi.
“Tôi rất muốn có Lula,” phu nhân Bristow nói, “nhưng tôi không nghĩ nó… Nó là một đứa bé đáng yêu. Rất xinh đẹp. Vì nó tôi có thể làm tất cả. Nhưng nó không yêu tôi như Charlie và John yêu tôi. Có lẽ đã quá trễ. Có lẽ vì chúng tôi nhận nuôi nó quá trễ.
“Khi nó mới về John ghen tị lắm. Thằng bé rất đau khổ sau khi Charlie… nhưng rồi hai đứa trở nên rất thân thiết. Thân lắm.”
Một cái nhướng mày khiến lớp da mỏng như giấy trên trán bà ta nhăn lại.
“Vậy nên Tony đã nói sai.”
“Ông ấy nói sai chuyện gì?” Strike khẽ hỏi.
Ngón tay phu nhân Bristow co lại trên tấm chăn. Bà ta nuốt nước bọt.
“Tony nghĩ chúng tôi không nên nhận nuôi Lula.”
“Tại sao không?” Strike hỏi.
“Tony không thích đứa nào trong đám con tôi cả” Yvette Bristow trả lời. “Em trai tôi là người rất nghiệt ngã. Rất lạnh lùng. Cậu ấy nói những lời thật khủng khiếp sau khi Charlie chết. Alec xông vào đánh cậu ấy. Những chuyện Tony nói không hề đúng sự thật. Không đúng tí nào cả.”
Đôi mắt mờ đục của bà ta nhìn mặt Strike, hắn thoáng nhận ra người đàn bà của ngày trước, khi hãy còn nhan sắc: một chút quyến luyến, một chút trẻ con, xinh đẹp, thích phụ thuộc vào người khác. Một người đàn bà cực kỳ nữ tính, được nâng niu, bảo vệ trong vòng tay Ngài Alec; mọi ước ao, mọi ý thích tình cờ đều được thoả mãn.
“Tony nói gì vậy?”
“Những điều khủng khiếp về John và Charlie. Rất kinh khủng. Tôi không…” bà ta nói, yếu ớt, “… muốn lặp lại. Rồi khi nghe rằng chúng tôi sắp nhận nuôi một bé gái, cậu ấy gọi ngay cho Alec để ngăn cản. Alec giận lắm," bà ta thì thào. “Sau đó ông ấy cấm cửa Tony”.
“Hôm đó bà có kể hết chuyện này cho Lula không?” Strike hỏi. “Về Tony, về những điều ông ấy nói sau khi Charlie chết, rồi cả khi bà sắp nhận nuôi cô ấy?”
Câu hỏi đó với phu nhân Bristow dường như một lời quở trách. Bà ta khống chế:
“Tôi không nhớ chính xác đã nói gì với nó. Khi đó tôi vừa phải chịu một ca phẫu thuật lớn. Nhiều thuốc men quá nên tôi hơi buồn ngủ. Tôi không nhớ rõ lắm…”
Và rồi, phu nhân Bristow bất ngờ đổi chủ đề:
“Anh chàng đó khiến tôi nhớ đến Charlie. Bạn trai của Lula ấy. Một cậu rất đẹp trai. Tên gì nhỉ?”
“Evan Duffield?”
“Đúng vậy. Anh ta có đến thăm tôi. Cũng mới đây thôi. Tôi không biết chính xác… tôi không còn nhớ ngày tháng nữa. Nhiều thuốc men quá. Nhưng anh ta có đến thăm tôi. Thật là tử tế. Anh ta muốn nói chuyện về Lula”.
Strike nhớ Bristow từng nói mẹ anh ta không biết Duffield là ai. Hắn tự hỏi phải chăng phu nhân Bristow đã vờ vĩnh với ông con trai, kiểu như cố tỏ ra đãng trí để được Bristow chú ý chăm sóc hơn.
“Charlie mà còn sống hẳn cũng sẽ đẹp trai như thế. Hẳn nó phải thành ca sĩ, hay diễn viên. Nó rất thích trình diễn, anh có nhớ không? Tôi thấy thương Evan quá. Anh ta ngồi đây khóc với tôi. Anh ta nói cứ tưởng Lula có người khác”.
“Người khác là ai?”
“Tay ca sĩ ”, phu nhân Bristow nói mơ hồ. “Tay ca sĩ viết bài hát về Lula. Khi còn trẻ và đẹp như vậy người ta dễ cư xử tàn nhẫn. Tôi thấy tội Evan. Anh ta nói rằng anh ta rất ân hận. Tôi nói anh ta không có việc gì phải ân hận cả”.
“Tại sao anh ta ân hận?”
“Vì đã không theo nó vào nhà. Vì đã không có ở đó, để ngăn nó lại”.
“Nếu bà có thể nhớ lại thêm một chút, ngay hôm trước khi Lula mất…?”
Bà ta tỏ vẻ hơi trách móc.
“Tôi e là tôi không nhớ gì nữa. Tôi đã kể với anh tất cả những gì tôi còn nhớ. Lúc đó tôi vừa ra viện. Tôi không tỉnh táo. Nhiều thuốc giảm đau quá”.
“Tôi hiểu. Tôi chỉ muốn biết hôm đó Tony có ghé thăm bà không?”
Im lặng một lúc. Gương mặt yếu ớt của phu nhân Bristow đanh lại.
“Không, tôi không nhớ là Tony ghé qua”, cuối cùng bà ta lên tiếng. “Tôi biết cậu ấy nói là có ghé qua thăm, nhưng tôi không nhớ. Có lẽ khi đó tôi đang ngủ”.
“Ông ấy nói lúc đó Lula cũng đang ở đây”, Strike nói.
Phu nhân Bristow khẽ nhún đôi vai gầy gò yếu ớt.
“Có lẽ vậy”, bà ta nói tiếp, “nhưng tôi không nhớ”. Rồi bà ta nói to hơn một chút. “Cậu ấy đã dễ chịu hơn với tôi, vì biết tôi gần đi rồi. Cậu ấy hay ghé thăm lắm. Đương nhiên là lúc nào cũng nói xấu John. Xưa nay cậu ấy vẫn thế. Nhưng John rất hiếu thảo với tôi. Nó đã đỡ đần tôi rất nhiều khi ốm đau…làm cả những việc mà đáng ra con trai không phải làm. Những việc đó nếu Lula làm thì hợp lý hơn… nhưng con bé được chiều quá. Tôi yêu nó lắm, nhưng nhiều khi nó khá ích kỷ. Rất ích kỷ”.
“Vậy vào cái ngày cuối cùng đó, lần cuối cùng bà gặp Lula…” Strike cố tìm cách trở lại chuyện chính, nhưng phu nhân Bristow đã ngắt lời hẳn.
“Sau khi nó ra về, tôi rất buồn”, bà ta nói. “Buồn quá đỗi. Mỗi khi nhắc chuyện Charlie tôi đều cảm thấy như thế. Con bé thấy tôi đang rất buồn, nhưng vẫn đi gặp bạn. Lúc đó tôi phải uống thuốc, rồi tôi thiếp đi. Không, tôi không hề gặp Tony; cũng không hề gặp ai khác. Tony nói cậu ấy có ghé qua, nhưng tôi không nhớ gì nữa, cho đến khi John đánh thức tôi dậy để ăn tối. John rất giận. Nó còn rầy tôi nữa”.
“Tại sao vậy?”
“Nó nói tôi uống nhiều thuốc quá”, phu nhân Bristow trả lời, bối rối như một bé gái. “Tôi biết nó chỉ muốn tốt cho tôi, tội nghiệp John, nhưng nó không nhận ra rằng… nó không thể… Đời tôi đã quá nhiều đau đớn. Đêm đó nó ngồi với tôi rất lâu. Chúng tôi nói về Charlie. Nói đến tận sáng sớm. Và trong khi chúng tôi nói chuyện”, bà ta hạ giọng, thì thào, “ngay đêm đó, Lula ngã xuống… từ ban công.
“John phải làm cái việc là báo tin cho tôi biết, ngay sáng hôm sau. Cảnh sát đến trước nhà khi trời vừa sáng. Sau đó John vào phòng ngủ để nói với tôi và…”
Bà ta nghẹn ngào, khẽ lắc đầu chậm chạp, dường như không còn sinh khí.
“Vì vậy mà ung thư tái phát, tôi biết mà. Người ta chỉ chịu được chừng đó đau đớn”.
Giọng bà ta càng lúc càng nhịu. Hắn tự hỏi không biết bà ta uống bao nhiêu Valium rồi. Hai mắt phu nhân Bristow nặng trĩu, khép lại.
“Yvette, tôi dùng nhà vệ sinh của bà được không?” hắn hỏi.
Bà ta cho phép bằng cái gật đầu thiêm thiếp.
Strike đứng dậy, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng di chuyển thân hình bệ vệ. Hắn đi thẳng vào tủ quần áo siêu lớn.
Những cánh cửa gỗ gụ trong tủ chạm đến trần nhà. Hắn mở một cánh ra, thấy những giá treo đầy nhóc các loại áo đầm và áo khoác, bên trên có kệ đựng túi xách và mũ. Mùi âm ẩm của giầy cũ và vải vóc khiến hắn cảm giác như đang đứng trong cửa hàng từ thiện bán đồ cũ, mặc dù đám đồ đạc ở đây hẳn cực kỳ đắt đỏ. Hắn khẽ mở hết cánh cửa này đến cánh cửa khác, đến cánh thứ tư, hắn thấy mấy cái túi xách còn mới nguyên, đủ màu sắc, tất cả được nhồi nhét trên kệ.
Hắn lấy xuống chiếc túi màu xanh, mới cứng, sáng bóng. Chiếc túi có logo GS và lớp vải lót bên trong bằng lụa có dây kéo. Hắn cho tay vào bên trong chiếc túi, miết ngón tay khắp các góc rồi khéo léo đặt vào chỗ cũ.
Tiếp đến hắn chọn chiếc túi màu trắng có lớp lót in hoa văn cách điệu kiểu châu Phi. Hắn lại miết ngón tay trong túi. Rồi hắn mở khoá kéo, tháo lớp vải lót.
Y như Ciara đã mô tả, lớp vài lót rời ra thành một chiếc khăn quàng cổ có viền là dây khoá kéo, để lộ phần da nham nhám màu trắng bên trong túi. Vẫn không thấy gì cả, cho tới khi hắn nhìn thật kỹ. Một đường màu xanh nhạt lộ ra dọc theo tấm bìa cứng bọc vải hình chữ nhật ở đáy túi. Hắn nhấc tấm bìa lên. Bên dưới là một tờ giấy màu xanh nhạt đã được gấp lại. Chữ viết trên tờ giấy khá cẩu thả.
Strike nhanh tay nhét lớp vải lót trở lại túi rồi đặt vào chỗ cũ. Hắn rút từ trong túi áo ra một cái bao ni lông, bỏ tờ giấy xanh vẫn chưa kịp đọc vào đó, rồi đóng cánh cửa lại và tiếp tục mở các cánh khác. Đằng sau cánh cửa gần cuối là một cái két sắt có khoá mã số.
Strike lấy ra thêm một bao ni lông nữa, lồng tay vào và bắt đầu bấm mã số. Nhưng trước khi hắn kịp thử thì bên ngoài có tiếng động. Hắn vội vàng nhét bao ni lông vào trong túi áo, đóng cửa tủ không một tiếng động và quay trở lại phòng ngủ. Cô y tá Macmillan đang cúi xuống bên phu nhân Bristow. Khi nghe tiếng bước chân hắn cô ta ngẩng lên nhìn quanh.
“Tôi đi nhầm”, Strike nói. “Tôi cứ tưởng là nhà vệ sinh”.
Rồi hắn đi vào nhà vệ sinh, đóng cửa lại. Trước khi bấm xả bồn cầu và vặn vòi nước để cô y tá có thể nghe được, hắn đọc bản di chúc cuối cùng của Lula Landry, viết tháu trên tờ giấy lấy từ thư phòng của phu nhân Bristow. Người làm chứng là Rochelle Onifade.
Khi hắn trở ra, Yvette Bristow vẫn nằm đó, mắt nhắm nghiền.
“Bà ấy thiếp đi rồi”, cô y tá dịu dàng nói. “Bà ấy dạo này hay ngủ như vậy lắm”.
“Vâng”, Strike nói, hai tai nóng bừng. “Khi phu nhân tỉnh dậy, phiền cô nhắn lại là tôi xin phép ra về. Tôi phải đi đây”.
Hai người cùng đi ra, dọc theo hành lang ấm cúng.
“Phu nhân Bristow trông rất yếu”, Strike bình luận.
“Ồ vâng, đúng vậy”, cô y tá đáp lời. “Bà ấy có thể đi bất cứ lúc nào. Bà ấy yếu lắm rồi”.
“Tôi nghĩ hình như tôi để quên…” Strike băng quơ nói rồi rẽ trái vào căn phòng khách sơn vàng lúc hắn mới đến. Hắn cúi người trên chiếc sofa, che tầm nhìn của cô y tá và cẩn thận đặt ống nghe điện thoại ngay ngắn trở lại lên giá đỡ.
“À đây rồi”, hắn nói, giả vờ nắm lấy một vật rất nhỏ trong bàn tay rồi bỏ vào túi. “Cảm ơn cô đã mời cà phê”.
Tay cầm nắm cửa, hắn quay lại hỏi cô y tá.
“Phu nhân vẫn lạm dụng Valium như xưa, nhỉ?”
Không hề nghi ngờ gì cả, cô y tá mỉm cười độ lượng.
“Vâng, thì vậy, nhưng bây giờ cũng không thể hại gì nữa. Mà nói thật”, cô ta tiếp, “phải tay tôi, tôi mắng cho mấy tay bác sĩ đó một trận. Bà ấy có tới ba bác sĩ chuyên kê đơn cho bà mua Valium từ bao năm nay, nhìn trên nhãn dán hộp thì biết”.
“Thật chẳng ra gì”, Strike nói. “Một lần nữa cảm ơn cô. Tạm biệt”.
Hắn gần như chạy xuống cầu thang, điện thoại đã cầm sẵn trong tay. Hắn phấn chấn đến nỗi không nhìn lối đi, hụt chân trên cầu thang. Chiếc chân giả bị lệch về một bên, hắn rống lên đau đớn. Đầu gối trật ra khiến hắn ngã rầm xuống sáu bậc thang, nằm nguyên một đống. Khớp gối và mỏm chân cụt của hắn đau đớn kinh hoàng như lúc vừa mới bị cưa, lớp da non còn đang kéo lại.
“Mẹ kiếp! Đau quá!”
“Anh không sao chứ?”, cô y tá Macmillan gọi hắn từ trên lan can, từ dưới nhìn lên gương mặt của cô ta lộn ngược trông rất buồn cười.
“Tôi ổn… Không sao cả!” hắn hét ngược trở lại. “Trượt chân thôi! Đừng lo! Chó chết, khốn nạn, mẹ kiếp”, hắn rên rỉ, thở hồng hộc rồi vịn tay vào trụ cầu thang gần nhất để đứng dậy, rón rén không dám đứng thẳng trên chiếc chân giả đã bị lệch.
Hắn đi cà nhắc xuống phần cầu thang còn lại, cố dựa vào lan can; vừa đi vừa nhảy lò cò qua sảnh đón khách rồi bám vào cánh cửa dày để lết xuống bậc tam cấp trước toà nhà.
Đám trẻ con học thể dục đang chuẩn bị về lại trường để kịp bữa trưa, đi thành hàng rồng rắn xanh xanh ở phía xa. Strike đứng dựa lưng vào bức tường gạch ấm áp, vừa chửi thề liên tục, vừa tự hỏi rằng không biết chân cẳng mình đã hư hại đến đâu. Hắn thấy đau đớn kinh khủng, cảm giác như lớp da mỏm chân đang sưng tấy bị rách ra, rát buốt trong lớp lót bảo vệ. Viễn cảnh đi bộ về trạm tàu điện ngầm trở nên vô cùng thê thảm.
Hắn ngồi ở bậc tam cấp và gọi taxi. Trong khi chờ xe đến hắn gọi cho Robin, rồi Wardle, rồi văn phòng công ty luật Landry, May, Patterson.
Chiếc xe taxi đen đỗ xịch ở góc đường. Lần đầu tiên hắn nhận ra xe taxi ở London trông giống hết như những cỗ xe tang nhỏ. Hắn gượng đứng dậy, lê lết xuống vỉa hè, mỏm chân đau buốt.

Chương trước Chương sau