Cửa địa ngục - Chương 20

Cửa địa ngục - Chương 20

Cửa địa ngục
Chương 20

Ngày đăng
Tổng cộng 34 hồi
Đánh giá 9.1/10 với 27758 lượt xem

Sáng hôm sau, tôi yêu cầu dọn điểm tâm ngay trong phòng. Trong lúc ăn, tôi lấy bức thư của Moniques ra khỏi hộp đựng máy chữ và đọc lại lần nữa. Nó vẫn không có một ý nghĩa nào sáng sủa hơn. Chắc chắn phải có một ám hiệu gì trong những chữ ở đầu dòng nếu tôi thừa nhận hai chữ không viết hoa. Nhưng tôi vẫn nghĩ mãi vẫn không thấy gì khác lạ và sinh ra nghi ngờ suy đoán của mình. Người ta thường tìm được nhiều ý nghĩa ngẫu nhiên sau khi sắp đặt lại các hàng chữ nếu chịu khó nghiền ngẫm thật kỹ. Điều khiến cho tôi gần như chắc chắn rằng bức thư này mang một ám hiệu đặc biệt là người viết đã dùng chữ và đặt câu một cách vụng về. Các hàng chữ giống như những câu thơ không vần không âm hiệu, tựa hồ nhiều chữ đã được dùng một cách gượng gạo để ngầm chứa một ám hiệu nào đó.
Cuối cùng, sau khi uống xong tách cà phê cuối, tôi quả quyết rằng nếu tôi không đọc nổi ám hiệu, thì ít nhất tôi cũng có thể tin tưởng sẽ không có một ai khác đọc nổi trong trường hợp bọn họ nhất định lục soát phòng tôi.
Tôi đã ghim vào trong cái kẹp phía trên hộp đựng máy chữ Olivetti của tôi mấy tờ giấy viết thư khổ lớn mang dấu hiệu của bến tàu Cunard mà tôi đã lấy trong phòng viết của chiếc Queen Victoria. Tôi rút ra một tờ và đặt lên mặt bàn cùng với bức thư của Moniques. Tôi biết mình không thể sao lại y hệt từ màu mực cho đến nét chữ của nàng, nhưng tôi có thể miễn cưỡng giả mạo tuồng chữ này.
Công việc được thực hiện một cách khá mỹ mãn với một mánh khóe mà một ông già chuyên môn làm các thứ giấy tờ giả mạo đã truyền thụ cho tôi hồi tôi nhờ ông cụ ngụy tạo một văn kiện. Quý bạn chỉ cần lật ngược bức thư mà bạn muốn chép lên trên một tờ giấy trắng, đoạn xếp sát dưới hàng chữ bạn cần sao và đặt sát phía trên chỗ mà bạn sẽ viết. Rồi bạn đừng nghĩ đó là một hàng chữ, và cứ cẩn thận sao từng dòng tựa hồ đây là những chi tiết trong một bức họa đồ chứ không phải là chữ.
Tôi chép lại bức thư y hệt nàng đã viết, nhưng tôi thay đổi khoảng cách giữa các chữ ở cuối mỗi dòng, để cho những chữ mang mật hiệu - nếu quả thật tôi đoán không lầm - không còn nằm ở đầu dòng. Khi viết xong, tôi xếp bức thư này theo đúng lối xếp của nàng và cất vào trong cái đáy giả của hộp máy chữ. Đoạn tôi lấy một phong bì ở quầy tiếp tân của khách sạn và bỏ bức thư chính hiệu của Monique vào trong đó. Bên ngoài phong bì, tôi đề tên Đại úy Colin Andrews, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoàng Gia Anh, và ghi thêm dưới hàng địa chỉ : "Xin trao lại cho Stuart Dunbar". Nếu quả thật Đô Đốc Everett Jonas đã viết thư cho ông ta, chắc chắn ông ta sẽ nhận biết cái tên này. Tôi dán tem và bỏ phong thư vào thùng ngoài hành lang gần thang máy.
Tôi biết cần phải gọi điện thoại cho Dillingham, nhưng tôi bỏ ngay ý nghĩ đó. Sau một lúc phân vân, tôi quyết định gởi cho ông ta một bức điện tín, liền điện thoại xuống phòng gác để nhờ gởi đi :
Đã lên bờ, hiện tại Khách sạn Lovelace. Đau buồn về vụ Quen và Martin. Sẽ điện thọai sau khi biết điều gì rõ ràng.
Tôi ký bằng cái tên Mackenzie. Tôi tin Dillingham sẽ thừa sức đoán biết nguồn gốc nhờ ý nghĩa của bức điện tín.
Trong suốt khoảng thời gian còn lại của buổi sáng, tôi cố sức suy nghĩ. Tôi không thu hoạch được một kết quả nào ở đây bởi vì không có kết quả để thu hoạch.
Phương pháp sáng kiến hoàn toàn khác với phương pháp suy luận, và tôi vốn quen thuộc với cách đầu hơn cách sau. Đa số các bài tôi đã viết cho hãng Thông tấn đều là những bài sáng kiến, từ con người, nơi chốn, cho tới mọi vật. Tôi không bao giờ thích kiểu giải thích bởi lẽ tôi không có tài giải thích thật hay. Phương án sáng kiến có nghĩa là : bạn hãy ráng học tập mọi điều liên hệ với vấn đề, rồi bỏ quên nó đi trong hai tuần lễ để cho nó chìm sâu vào tiềm thức, và trong giai đoạn thứ ba tư tưởng của bạn sẽ nẩy mầm. Tư tưởng sẽ nổi lên mặt biển bí mật đó. Khi tôi thử dùng phương pháp này vào việc suy luận, các tư tưởng trôi lềnh bền như một lũ cá thu đã chết và có mùi hôi.
Trên đường đến tiệm Buttery để ăn trưa, giữa lúc tôi gần như quyết định phải đi Ba-lê dù nơi đó là địa ngục và dù sẽ bị đám thanh tra chu lưu gây khó dễ, tôi mua một tờ Daily Telegraph và cầm theo trên tay. Tôi dừng lại ở quầy rượu bên ngoài tiệm Buttery để uống một ly trước, rồi khởi sự xem sơ qua trang đầu của tờ nhật báo.
Thoạt tiên tôi hăm hở đọc bài tường thuật về vụ Martin Allen bị giết trên tàu Victoria. Người viết đã dùng những lời lẽ khá dè dặt, có lẽ bởi vì không ai hiểu biết nhiều về Allen. Bài báo cho tôi hay cảnh sát đang nóng lòng muốn được tiếp xúc với một người tên Stuart Dunbar, "người có thể giúp ích cho cảnh sát trong cuộc điều tra", bởi vì Dunbar là một trong những người quen biết với nạn nhân. Nói trắng ra là : tôi đang bị truy tầm để cho cảnh sát thẩm vấn như một kẻ bị tình nghi. Một người bồi tàu - có lẽ là Err - đẽ kể lại với cảnh sát rằng tôi đã trở về buồng hơi sớm hơn giờ phỏng định xảy ra án mạng. Bất cứ một đọc giả truyện trinh thám nào cũng biết rằng giờ chết không thể định rõ một cách chính xác. Err cũng đã thuật lại tôi có hỏi anh ta phòng sẽ được lau chùi vào lúc nào.
Nhưng tôi chỉ thật sự xúc động khi mắt tôi bắt gặp một hàng chữ lớn khác, cũng đăng trên trang nhất, dính liền với cái tên Ménard.
Bài báo khiến cho thần trí tôi gần như hôn mê. Nó kể lại cái chết của Jacques de Ménard trong một tai nạn xe hơi kiểu thể thao ở gần Ba-lê. Đầu nạn nhân đã bị đè nát một cách ghê rợn và chiếc xe đã bốc cháy sau khi lăn tròn nhiều vòng trên một đoạn đường vắng giữ Ba-lê và Troyes. Phóng viên đã thuật khá đầy đủ về công việc và chức vụ hiện tại của kẻ bất hạnh : Jacques de Ménard là chủ tịch Công ty Điện tử Pháp Quốc (Compagnie Electronique de France, S.A.), do chính ông thành lập và lúc này đã trở thành một công ty lớn, với năm ngàn nhân viên, sản xuất từ những vật dụng trong nhà cho đến các loại máy móc điện toán, các hệ thống ra đa phức tạp và các hệ thống kiểm soát hướng dẫn hỏa tiễn. Ông vẫn chưa lập gia đình. Cô em gái của ông, Monique de Ménard, một nữ ca sĩ nổi tiếng, là người thừa kế duy nhất.
Chính đoạn cuối cùng của bài báo đã khiến cho tôi xao xuyến mãnh liệt hơn hết :
Lúc tai nạn xảy ra, ông De Ménard đang ngồi bên cạnh một người đàn bà còn trẻ mà thi thể chưa được biết lý lịch. Hiện giờ cô De Ménard vẫn chưa có thể trở về nhà riêng của cô tại Ba-lê để giải thích rõ điều này.
Tôi ngồi bên cạnh ly rượu chưa cạn một hồi lâu, cứ đọc đi đọc lại bài báo sơ lược, rồi tôi vào trong tiệm Buttery để ăn một bữa cơm trưa mà tôi không thể nhớ có nuốt nổi hay không.
Tôi chỉ có thể nhớ rõ ràng chuyện đã xảy ra lúc tôi ăn xong. Tôi bắt đầu cảm thấy mơ màng buồn ngủ. Loại cà phê của Anh, pha như tra, thường quá yếu không chống nổi cơn buồn ngủ bình thường, nhưng tôi biết đây không phải là cơn buồn ngủ bình thường. Tôi khởi sự nhìn một vật hóa thành hai và mí mắt nhất định sụp xuống.
Tôi liền yêu cầu tính tiền. Lúc ký tên vào tấm phiếu và đưa lại cho người bồi, tôi lo sợ mình sẽ không đi nổi tới thanh máy.
Nhưng tôi vẫn còn đủ sức đi. Tôi mò mẫm đút chìa khóa mở cửa và vừa vào trong phòng đã nằm vắt ngang giường, mê man không còn biết gì nữa.
Khi tôi tỉnh dậy, tôi đang nằm thẳng người trên giường. Một chiếc gối đã được đặt dưới đầu tôi. Tôi cảm thấy mình vẫn còn mặc đầy đủ áo quần. Tôi cố ngồi lên nhưng không thể được. Tôi thật sự bị trói chặt không khác gì Gulliver trong xứ Lilliput (1), chỉ khác một điều là không thấy sợi dây nào. Thế mà tôi vẫn không sao cử động. Tôi liền đảo mắt nhìn quanh phòng.
Van Leyden đang tự trên lan can ở chân giường, hai cánh tay gác dọc theo lan can, mắt nhìn sững tôi dưới mái tóc vàng. Viên giáo sư sử học nhỏ thó đứng sát bên trái y. Y cũng chăm chú nhìn tôi một cách thản nhiên.
Viên giáo sư chợt lên tiếng :
- Hình như ông ta đã tỉnh lại.
Van Leyden đáp :
- Phải. Matuschek, tôi thấy rồi. Ông Dunbar, ông có thể nghe tôi chứ?
- Vâng. Ông đang làm gì ở đây?
- Chỉ đến viếng thăm thân hữu. Ông Dunbar, ông cảm thấy thế nào?
- Hoàn toàn bị tê liệt.
- Thú vị. Để chúng tôi xem lại cho chắc chắn. Ông vui lòng thử đưa một cánh tay lên. Cánh tay kia.
Tôi làm theo lời của y. Sức cố gắng nhất định ai cũng có thể thấy dễ dàng. Ông ta mỉm cưới. Tôi lại thử hai chân. Tất cả đều nằm bẹp trên giường như những khúc cây không còn sinh khí.
Van Leyden bảo :
- Tuyệt. Xem bộ ngon lành lắm. Được rồi, Matuschek.
Gã đàn ông nhỏ thó liền đi quanh tới bên cạnh giường. Y nắm lấy bàn tay của tôi và bắt đầu bẻ ngược ngón tay cái ra phía sau. Tôi đau đớn hét lên :
- Trời ơi!
- Đủ rồi, Matuschek. Ông Dunbar, đó chỉ là một lối chứng minh rằng ông vẫn có thể cảm thấy đau đớn.
- Các ông cũng vậy nếy tôi được tự do, đồ chó đẻ đồng tính luyến ái.
- Ông nói chuyện có khó khăn không?
Lưỡi tôi hơi cứng lại nhưng tôi vẫn có thể nói :
- Không. Tại sao? Các ông có muốn nghe những gì tôi nghĩ về các ông?
- Bây giờ khoan đã, ông Dunbar. Có lẽ khi khác. Bây giờ chúng tôi đang đi dò tin tức, chứ không phải đi chửi rủa. Trước khi chúng tôi khởi sự tìm những gì chúng tôi cần theo những lối không mấy vui thú, ông có vui lòng cho chúng tôi biết bức thư hiện ở đâu?
Tôi hiểu y muốn nói gì. Thói quen đặc biệt của người Tô-cách-lan đã xui khiến tôi cất bức thư ở chỗ mà y không thể nào tìm ra. Tôi giả vờ hỏi lại :
- Bức thư nào?
- Thôi mà, ông Dunbar, ông đừng nên gây khó khăn. Chúng tôi đang cần bức thư cô De Ménard đã viết cho ông trước khi cô rời tàu.
- Cô ấy đâu rồi?
- Tôi không có thì giờ để trả lời câu hỏi cho ông. Bức thư ở đâu?
Tôi vẫn một mực.
- Tôi không hiểu ông đang nói gì.
Y liền quay sang Matuschek.
- Được rồi, Vasil.
Gã đàn ông nhỏ thó cúi xuống và xách một chiếc vali con bằng da khỏi mặt nền bên cạnh chân y. Y đặt vali
Y đặt vali lên cái bàn ở giữa hai chiếc giường và lấy ra một ống chích. Tôi nhìn sững y đẩy mũi kim vào trong một ống thuốc có chất nước trong suốt xuyên qua nút cao su và rút chất thuốc vào ống chích.
Van Leyden bảo :
- Cẩn thận nghe, Vasil. Chỉ cần hai phân khối.
Matuschek gật đầu. Y cúi lên mình tôi và véo một miếng da phía trên khuỷu tay của tôi. Y ngần ngại nhìn Van Leyden.
- Ông Dunbar, chắc ông muốn biết chuyện gì sắp xảy ra? Đây là một thứ thuốc đặc biệt rất hiệu nghiệm mà chúng tôi đã kiếm được trong một chuyến công tác thường ở Mạc-tư-khoa. Loại này, ở những nơi khác rất ít người biết tới. Nó gây ra những triệu chứng giống hệt một thứ ma túy. Thường thường, nó bắt đầu có hiệu lực sau khi chích vào người độ chừng (y nhìn đồng hồ tay) mười lăm giây sau. Chúng tôi sẽ chích cho ông một chút. Hiệu lực sẽ kéo dài khoảng hai phút. Nếu Matuschek tính kỹ.
Nói đoạn, y gật đầu với Matuschek. Viên giáo sư sử học mỉm cười một cách hiền lành và thúc mũi kim vào cánh tay của tôi. Y chích một cách khéo léo đến nỗi tôi gần như không cảm thấy gì khác lạ.
Tôi nhắm mắt lại và chờ đợi. Tôi có cảm giác tựa hồ những bắp thịt ở tay và chân tôi đang bị siết chặt bởi những chiếc kềm nóng đỏ. Cùng lúc với cơn đau đớn dữ dội này, trong chốc lát đã lan tràn khắp cơ thể, lại còn thêm một cảm giác khổ sở hơn cỡi trên một cơn đau như những hòa âm trên một nốt nhạc. Tôi cảm thấy dường như có nhiều đàn kiến đang tấn công từng phân da thịt tôi, từ đầu cho tới gót chân. Tựa hồ tôi đang bị lột da sống, tựa hồ nhà giải phẩu đang moi các mạch máu của tôi và lôi ra ngoài cơ thể. Tôi cảm thấy máu đang tràn ra trong miệng tôi, trong khi tôi cắn lưỡi để cho khỏi hét lên. Khổ sở nhất là tôi không thể vặn vẹo thân hình cho đỡ đau đớn. Tôi vẫn còn bị tê liệt.
Tôi phỏng đoán khoảng thời gian này chỉ kéo dài hai phút như Van Leyden đã ước lượng. Nhưng nó như không bao giờ chấm dứt. Khi tôi lên tới mức độ gần ngất xỉu và cố gắng gượng lại, những cảm giác đau đớn qua khỏi tột đỉnh và như nước thủy triều rút xuống không còn gì nữa. Tôi nằm yếu xìu và toát đầy mồ hôi trên giường.
- Ông Dunbar, đó chỉ là một màn biểu diễn nhỏ. Một lối thẩm vấn văn minh thật, phải không ông? Và có lẽ đó mới là khởi đầu. Bây giờ tôi sẽ hỏi lại một lần nữa. Bức thư ở đâu?
Tôi không còn muốn liều mạng một cách vô ích. Thiên hạ vẫn thường bao tôi ương ngạnh theo kiểu này. Tôi liền nói :
- Trong hộp Olivetti, dưới đáy giả. Kéo đường rãnh kềm máy đánh chữ lên.
Van Leyden gật đầu với Matuschek. Matuschek đi tới cái hộp trên bàn vào kéo đường rãnh lên. Y trở lại và trao bức thư tôi đã viết giả mạo cho Van Leyden.
- Tại sao ông muốn lấy bức thư này? Đó chỉ là một bức thư chia tay.
Matuschek mỉm cười và mở miệng lên tiếng lần thứ hai :
- Thế thì tại sao ông cất giấu quá cẩn thận như vậy?
Van Leyden bảo :
- Khỏi cần, Vasil. Ông Dunbar, chuyện rất đơn giản. Chúng tôi muốn biết chắc cô De Ménard không nhắn gởi gì với ông.
- Cô ấy hiện ở đâu?
Y chỉ vắn tắt trả lời :
- Ở nơi an toàn. Tuyệt đối an toàn.
Y có vẻ như muốn nói một điều gì khác nhưng đã đổi ý một cách kín đáo.
- Còn em tôi?
- Đã chết rồi, Ông Dunbar à. Tôi xin chia buồn. Ông nên bỏ qua chuyện đó đi. Ông chỉ gây thêm đau đớn nếu ông cứ tiếp tục tìm kiếm một cách dại dột.
Y lại gật đầu với Matuschek. Gã đàn ông nhỏ thó lấy một ống chích khác trong chiếc va-li của y. Y thọc cây kim vào trong một cái chai khác.
Van Leyden giải thích :
- Thứ này chỉ giúp cho ông ngủ lại. Bây giờ không còn đau đớn gì nữa. Ông Dunbar, xin chúc ông có nhiều mộng đẹp.
Matuschek lại chích mũi kim vào cánh tay của tôi.
Chú thích:Lilliput : xứ sở của giống người lùn một tấc rưỡi, trong "Gulliver's Travels" của nhà văn Jonathan Surift ở nước Anh vào thế kỷ thứ 18.

Chương trước Chương sau