Đại chiến hacker - Chương 21

Đại chiến hacker - Chương 21

Đại chiến hacker
Chương 21

Ngày đăng
Tổng cộng 24 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 20339 lượt xem

Họ để tôi và cô Barbara ở lại trong phòng, và tôi dùng vòi sen để rửa ráy qua loa - tôi bỗng thấy ngượng khi người toàn nước tiểu và thứ nôn mửa. Khi tôi xong xuôi thì đã thấy cô Barbara đang khóc.
“Bố mẹ cháu...” cô bắt đầu nói.
Tôi lại cảm thấy mình sắp nôn ra đến nơi. Chúa ơi, bố mẹ tội nghiệp của tôi. Những gì họ phải trải qua.
“Họ có ở đây không ạ?”
“Không,” cô nói. “Sự việc rất phức tạp.”
“Sao cơ?”
“Cháu vẫn đang bị bắt, Marcus à. Tất cả mọi người ở đây cũng thế. Họ không thể cứ thế tràn vào và mở tung các cánh cửa ra. Tất cả mọi người ở đây đều sẽ phải tuân thủ đúng các bước trong hệ thống tư pháp hình sự. Và việc này, ờ, có thể mất tới vài tháng.”
“Cháu sẽ phải ở đây vài tháng nữa ư?”
Cô nắm lấy tay tôi. “Không, cô nghĩ chúng ta có thể giúp cháu nhanh chóng được xét xử rồi bảo lãnh cháu ra. Nhưng nhanh chóng chỉ là một từ mang tính tương đối. Cô không hy vọng có điều gì sẽ xảy ra hôm nay. Những người kia cũng không có vẻ gì là sẽ khác cháu. Sẽ rất nhân đạo. Sẽ có thức ăn theo đúng nghĩa thức ăn. Không có tra khảo. Gia đình được đến thăm.
“DHS bị loại bỏ không có nghĩa là cháu có thể ung dung ra khỏi đây. Điều chúng ta đang làm bây giờ là dỡ bỏ phiên bản quái gở, vô phép tắc của hệ thống tư pháp mà bọn chúng đã xây dựng nên và thay thế bằng hệ thống cũ. Hệ thống có quan tòa, xét xử công khai và có luật sư.
“Chúng ta có thể cố gắng chuyển cháu đến một nơi giam giữ dành cho trẻ vị thành niên trên đất liền, nhưng Marcus ạ, những nơi đó có thể thực sự rất khắc nghiệt. Rất, rất khắc nghiệt. Đây có thể là nơi tốt nhất dành cho cháu trước khi cháu được bảo lãnh ra ngoài.”
Được bảo lãnh ư? Phải rồi. Tôi là một tên tội phạm cơ mà - tôi vẫn chưa bị kết án, nhưng chắc chắn có cả đống tội danh bọn họ có thể nghĩ ra cho tôi. Trên thực tế, sẽ là bất hợp pháp nếu có bất cứ ý nghĩ tiêu cực nào về chính phủ cơ mà.
Cô Barbara lại siết chặt tay tôi. “Điều này thật tệ hại, nhưng buộc phải vậy. Điều quan trọng là nó đã kết thúc. Thống đốc đã hất cẳng DHS ra khỏi bang, giải tán tất cả các trạm kiểm soát. Bộ trưởng bộ Tư pháp đã ban hành trát bắt giữ bất kỳ cơ quan hành pháp nào dính líu đến vụ ‘tra khảo bằng cách gây áp lực’ và bắt giữ người bí mật. Bọn chúng sẽ phải vào tù, Marcus ạ, và đó là nhờ những gì cháu đã làm.”
Tôi chết lặng. Tôi đã rõ từng từ, nhưng chúng chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì một lý do nào đó, nó đã kết thúc, nhưng nó vẫn chưa kết thúc.
“Nghe này,” cô nói. “Có lẽ chúng ta có khoảng một đến hai tiếng trước khi vụ hôm nay được dàn xếp, trước khi bọn chúng quay lại và tống cháu trở lại tù. Cháu muốn gì nào? Đi dạo trên bãi biển? Ăn một bữa? Chúng có một phòng dành cho nhân viên rất tuyệt - bọn cô đã vào phòng này trên đường đến đây. Cực đỉnh.”
Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra câu trả lời. “Cháu muốn tìm Ange. Cháu muốn tìm Darryl.”
Tôi cố gắng dùng cái máy tính mà tôi tìm được để truy ra số xà lim của họ, nhưng để làm được điều này phải có mật khẩu, vậy nên chúng tôi buộc phải đi dọc hành lang, kêu tên họ. Đằng sau những cánh cửa xà lim, tù nhân gào thét vào mặt chúng tôi, hoặc khóc lóc, cầu xin chúng tôi thả họ ra. Họ không hiểu điều gì vừa mới xảy ra, không thể nhìn thấy bọn lính trước đó vừa canh gác họ đã bị còng tay dồn lại tại bến tàu, bị đội đặc nhiệm của bang California giải đi.
“Ange!” tôi gọi ầm lên, “Ange Carvelli! Darryl Glover! Marcus đây!”
Chúng tôi đã đi hết chiều dài của dãy xà lim nhưng vẫn không có ai trả lời. Tôi thấy phát khóc lên được. Họ đã bị tàu chở ra khơi - họ đang ở Syria hoặc có thể tệ hơn nữa. Tôi sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy họ nữa.
Tôi ngồi bệt xuống và dựa lưng vào tường hành lang, hai tay bưng mặt. Tôi nhìn thấy gương mặt của mụ Tóc Bằng, nhìn thấy mụ ta cười tự mãn khi hỏi tài khoản đăng nhập của tôi. Chính mụ đã gây ra điều này. Mụ sẽ bị tống vào tù, nhưng thế vẫn chưa đủ. Tôi mà gặp lại mụ, tôi sẽ giết mụ. Mụ đáng bị như vậy.
“Thôi nào,” cô Barbara nói, “Thôi nào Marcus. Đừng bỏ cuộc. Còn có nhiều xà lim nữa ở quanh đây, đi nào.”
Cô ấy nói đúng. Tất cả những cánh cửa chúng tôi vừa đi qua của dãy xà lim này đều đã cũ, hoen gỉ, có từ hồi nơi này mới được xây dựng. Nhưng ở phía cuối hành lang là một cánh cửa an ninh tối tân dày ngang một cuốn đại từ điển đang mở hé. Chúng tôi đẩy cửa và đánh liều đi vào dãy hành lang tối om bên trong.
Thêm nhiều cửa xà lim nữa ở đây, những cánh cửa không có mã vạch. Mỗi cánh cửa đều có một hốc để cắm chìa khóa điện tử.
“Darryl?” tôi gọi. “Ange?”
“Marcus?”
Là Ange, gọi tôi từ sau cánh cửa xa nhất. Ange, Ange của tôi, thiên thần của tôi.
“Ange!” tôi la lên. “Là anh, anh đây!”
“Ôi Chúa ơi, Marcus,” cô nghẹn lại và rồi khóc nức nở.
Tôi đập thình thình vào những cánh cửa khác.
“Darryl! Darryl! Cậu có ở đó không?”
“Tớ đây.” Giọng nói đó rất nhỏ, và khàn đục.
“Mình ở đây. Mình rất, rất xin lỗi. Làm ơn. Mình rất xin lỗi.”
Giọng nó nghe có vẻ... suy sụp. Tan nát.
“Mình đây, D,” tôi nói, áp người vào cánh cửa phòng giam của nó. “Marcus đây. Qua hết rồi - họ đã bắt đám lính canh rồi. Họ đã đá đít DHS đi rồi. Chúng ta sẽ được xét xử, xét xử công khai. Và chúng ta sẽ biện hộ chống lại bọn chúng.”
“Mình xin lỗi,” nó lặp lại. “Làm ơn, mình rất xin lỗi.”
Đúng lúc đó thì cảnh sát tuần tra California đi đến chỗ cánh cửa. Họ vẫn để cho máy quay hoạt động. “Cô Stratford?” một người trong số họ nói. Ông cởi mặt nạ, trông ông giống bất kỳ cảnh sát nào khác, chứ không giống như người vừa cứu sống tôi. Giống một người đến để còng tôi lại.
“Đội trưởng Sanchez,” cô nói. “Chúng tôi đã xác định được vị trí của hai tù nhân đang được quan tâm ở đây. Tôi mong họ được thả ra và tôi có thể kiểm tra tình hình của họ.”
“Thưa cô, chúng tôi không có mã truy cập để mở những cánh cửa này,” ông nói.
Cô giơ tay lên. “Đó không phải là thỏa thuận. Tôi phải có toàn quyền tiếp cận cơ sở này. Đây là lệnh trực tiếp từ Thống đốc, thưa ngài. Chúng tôi sẽ không nhúc nhích chừng nào ông chưa mở được những xà lim này.” Nét mặt cô trước sau như một, không hề có dấu hiệu nào của sự nhượng bộ hay đổi ý. Cô không hề dọa.
Có vẻ như ngài Đội trưởng cần một giấc ngủ. Ông nhăn nhó. “Tôi sẽ xem có thể làm được gì.”
Cuối cùng họ cũng tìm được cách mở xà lim sau chừng nửa tiếng đồng hồ. Mất ba lần thử, nhưng rốt cuộc họ cũng nhập được mã số đúng, khớp chúng với thẻ RFID trên phù hiệu nhận dạng mà họ lấy được từ những tên lính bị bắt giữ.
Họ mở xà lim của Ange đầu tiên. Cô mặc quần áo bệnh viện, hở phía sau lưng, xà lim của cô còn trống trải hơn của tôi - chỉ lót đệm, không chậu rửa hay giường chiếu gì, không ánh sáng. Cô nheo mắt nhìn ra ngoài hành lang và máy quay của cảnh sát chiếu vào cô, rọi ánh sáng lên mặt cô. Barbara bước lên che chúng tôi khỏi máy quay. Ange ngập ngừng bước ra khỏi xà lim, hơi lúng túng. Có gì đó không ổn với đôi mắt của cô, với nét mặt của cô. Cô đang khóc, nhưng đó không phải lý do.
“Chúng đánh thuốc em. Vì em không ngừng kêu gào đòi gặp luật sư,” cô nói.
Tôi ôm chầm lấy cô. Cô hơi lùi lại nhưng rồi cũng siết chặt lấy tôi. Người cô bốc mùi hôi thối và ướt đẫm mồ hôi, còn tôi cũng chẳng thơm tho gì hơn. Tôi không bao giờ muốn rời cô nữa.
Đúng lúc đó thì họ mở được xà lim của Darryl.
Nó đã xé vụn cái áo giấy bệnh viện. Nó trần truồng, đầu tóc bù xù, đang ở tít góc xà lim, tránh khỏi máy quay và ánh mắt của chúng tôi. Tôi lao đến chỗ nó.
“D,” tôi thì thầm vào tai nó. “D, mình đây. Marcus đây. Kết thúc rồi. Bọn lính đã bị bắt. Chúng ta sẽ được bảo lãnh, chúng ta sắp được về nhà rồi.”
Nó run lên và nhắm nghiền mắt lại. “Mình xin lỗi,” nó thì thầm, rồi ngoảnh mặt đi.
Sau đó họ dẫn tôi đi, một cảnh sát mặc áo giáp cùng với Barbara đã đưa tôi về xà lim của mình và khóa cửa lại, tôi phải qua đêm ở đó.
Tôi không nhớ rõ lắm về chuyến đi đến tòa án. Họ xích tôi chung với năm tù nhân nữa, bọn họ đều ở trong tù lâu hơn tôi nhiều. Trong số họ có duy nhất một người nói tiếng Ả Rập - đó là một người trung niên, và ông ấy run lẩy bẩy. Những người khác đều trẻ. Tôi là người da trắng duy nhất. Khi chúng tôi đã được giải lên boong của chiếc phà, tôi nhận ra rằng hầu như tất cả mọi người trên đảo Kho Báu đều là người da màu.
Tôi chỉ ở trong đó có một đêm, nhưng như vậy cũng là quá lâu. Trời lắc rắc vài hạt mưa, thường thì nó sẽ làm tôi phải khom vai và cúi mặt xuống, nhưng hôm nay tôi cùng với tất cả những người khác đều ngẩng mặt lên bầu trời xám xịt bất tận, hân hoan trong cái cảm giác ướt nhẹp ran rát khi chúng tôi đi qua vịnh để xuống boong phà.
Họ đưa chúng tôi đi bằng xe buýt. Những chiếc còng khiến việc leo lên xe buýt trở nên khó nhọc, và phải mất một lúc lâu mọi người mới lên hết. Chẳng ai bận tâm. Khi không vật lộn để giải quyết vấn đề mang tính hình học gồm sáu người, một dây xích, lối đi chật hẹp, chúng tôi ngắm nhìn thành phố xung quanh, ngắm nhìn những tòa nhà trên đồi.
Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là tìm Darryl và Ange, nhưng không thấy tăm hơi của cả hai đâu. Đoàn người rất đông và chúng tôi không được phép di chuyển tự do. Những người lính áp giải chúng tôi cũng nhã nhặn, nhưng dù sao họ vẫn to lớn, mặc áo giáp và được trang bị vũ khí. Tôi liên tục tưởng là đã nhìn thấy Darryl trong đám đông, nhưng đó luôn là một ai khác cũng với dáng vẻ tiều tụy, lom khom của thằng bạn tôi trong xà lim hôm ấy. Nó không phải là người duy nhất suy sụp.
Tại tòa án, họ dẫn từng nhóm bị xích chung vào các phòng thẩm vấn. Một luật sư từ Liên đoàn quyền tự do công dân Mỹ (1) lấy lời khai và hỏi chúng tôi vài câu hỏi - khi đến cạnh tôi, cô ấy mỉm cười và chào tôi bằng tên riêng - rồi sau đó dẫn chúng tôi đi vào phòng xử án, đứng trước thẩm phán. Vị thẩm phán mặc một chiếc áo choàng và hình như đang trong tâm trạng tốt.
Có vẻ như thỏa thuận ở đây là ai có thành viên gia đình đến nộp tiền bảo lãnh sẽ được tự do, tất cả những người còn lại sẽ vào tù. Liên đoàn quyền tự do công dân Mỹ phải thuyết phục vị thẩm phán rất lâu để có thêm vài tiếng nữa trong khi nhân thân của tù nhân được triệu tập và đưa tới phòng xử án. Vị thẩm phán đồng ý với đề nghị này, nhưng khi tôi nhận ra rằng vài người trong số những tù nhân này đã bị bắt giam sau khi chiếc cầu bị nổ tung, bị gia đình mình coi như đã chết, không hề được xét xử, và bị tra khảo, giam cách ly, tra tấn - tôi chỉ muốn tự mình đập tan xiềng xích để tất cả được tự do.
Khi tôi được đưa tới trước vị thẩm phán, ông ta nhìn tôi và bỏ kính xuống. Ông ta trông có vẻ mệt mỏi. Luật sư của ACLU cũng có vẻ mệt mỏi. Nhân viên chấp hành cũng có vẻ mệt mỏi. Phía sau mình, tôi có thể nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm rộ lên khi chấp hành viên gọi tên tôi. Vị thẩm phán gõ búa một lần nhưng vẫn không rời mắt khỏi tôi. Ông ta dụi mắt.
“Ông Yallow,” ông ta nói, “bên nguyên cho rằng bị cáo là mối nguy hại đối với các chuyến bay. Tôi nghĩ họ có lý. Chắc hẳn bị cáo còn có nhiều tiền án hơn những người ở đây. Tôi muốn giữ bị cáo lại để xét xử, không cần biết bố mẹ của bị cáo nộp bao nhiêu tiền bảo lãnh đi chăng nữa.”
Luật sư của tôi bắt đầu nói gì đó, nhưng vị thẩm phán đã đưa mắt buộc cô ta im lặng. Ông ta lại dụi mắt thật mạnh.
“Bị cáo có gì để nói không?”
“Tôi đã có cơ hội để chạy trốn,” tôi nói. “Đó là vào tuần trước. Có người đã đề nghị đưa tôi đi ra khỏi thành phố, giúp tôi có một danh tính khác. Thay vì bỏ trốn, tôi đã lấy trộm điện thoại của cô ta, trốn khỏi chiếc xe và bỏ chạy. Tôi đưa chiếc điện thoại lưu giữ bằng chứng về bạn tôi, Darryl Glover, cho một phóng viên rồi lẩn trốn trong thành phố.”
“Bị cáo lấy trộm một chiếc điện thoại?”
“Tôi đã quyết định rằng tôi không thể trốn chạy. Tôi phải đối mặt với công lý... sự tự do của tôi không có nghĩa lý gì khi tôi là một người bị truy nã, hay khi thành phố vẫn chịu sự kiểm soát của Cục An ninh Nội địa. Khi bạn bè tôi vẫn bị bắt giam. Sự tự do của cá nhân tôi không quan trọng bằng sự tự do của cả đất nước.”
“Nhưng đúng là bị cáo đã ăn trộm điện thoại?”
Tôi gật đầu. “Đúng vậy. Tôi định trả nó lại nếu tôi tìm được người phụ nữ trẻ cần tìm.”
“Cám ơn phần trả lời của anh, anh Yallow. Anh là một chàng trai trẻ rất có khiếu ăn nói.” Ông ta nhìn trừng trừng vào công tố viên. “Có người cũng sẽ nói anh là một chàng trai trẻ dũng cảm. Trên bản tin sáng nay có phát một đoạn phim. Nó cho thấy anh có một lý do hợp pháp nào đó để lẩn trốn các nhà chức trách. Xét thực tế như vậy, và thêm bài diễn văn nho nhỏ của anh vừa rồi, tôi sẽ cho phép anh được bảo lãnh, nhưng tôi cũng sẽ yêu cầu công tố viên thêm vào cả hình phạt trộm cắp mức độ nhẹ, với trường hợp của chiếc điện thoại. Vì vậy, anh sẽ phải mất thêm 50.000 đô la tiền bảo lãnh.”
Ông ta lại gõ nhẹ cái búa, và luật sư của tôi siết chặt lấy tay tôi.
Vị thẩm phán nhìn xuống tôi một lần nữa và lại đeo kính lên. Vai áo ông ta lấm tấm gàu. Một ít nữa rơi xuống khi cặp kính chạm vào mái tóc thô xoăn.
“Giờ anh có thể đi, chàng trai. Hãy tránh xa những chuyện phiền toái.”
Tôi quay gót và có ai đó ôm chầm lấy tôi. Đó là bố. Ông nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất, ôm tôi chặt đến nỗi xương sườn tôi kêu cọt kẹt. Bố ôm tôi theo cách ông vẫn ôm tôi hồi tôi bé xíu, khi ông quay tròn tôi trong trò chơi máy bay vui nhộn nhưng buồn nôn; bố tung tôi lên không trung và bắt tôi lại rồi siết chặt lấy tôi cũng như thế này, chặt đến nỗi làm tôi đau nhói.
Một đôi tay dịu dàng hơn nhẹ nhàng gỡ tôi ra khỏi vòng tay của bố. Mẹ. Bà dang rộng vòng tay ôm tôi một lúc, chạm vào mặt tôi như tìm kiếm thứ gì đó, bà không nói gì, nước mắt tuôn rơi. Mẹ vừa cười vừa khóc nức nở vừa ôm tôi, vòng tay của bố bao bọc lấy cả hai mẹ con.
Khi hai người buông tôi ra, rốt cuộc tôi cũng xoay xở nói được gì đó, “Darryl sao rồi?”
“Bố đã gặp bố cậu ấy. Cậu ấy đang trong bệnh viện.”
“Khi nào con có thể gặp nó?”
“Bây giờ chúng ta sẽ đến đó,” ông trả lời. Vẻ mặt ông thật đáng sợ. “Cậu ấy không...” ông dừng lại. “Họ nói cậu ấy sẽ ổn thôi,” giọng ông nghẹn lại.
“Thế còn Ange?”
“Mẹ cô bé đã đưa cô bé về nhà. Cô bé muốn ở đây chờ con, nhưng...”
Tôi hiểu. Hoàn toàn hiểu, hiểu cảm giác của các gia đình có người thân bị giam cầm ở một nơi xa xôi. Phòng xử án đẫm nước mắt và nhiều cái ôm siết, ngay cả nhân viên tòa án cũng không ngăn được họ.
“Đi thăm Darryl thôi,” tôi nói. “Cho con mượn điện thoại của bố được không ạ?”
Tôi gọi cho Ange trên đường đến bệnh viện nơi Darryl đang nằm - bệnh viện Đa khoa San Francisco, ở ngay cuối phố - và hẹn gặp cô sau bữa tối. Cô nói bằng một giọng thì thầm rất vội vàng. Mẹ cô còn đang băn khoăn không biết có nên trừng phạt cô hay không, nhưng Ange không muốn liều mạng.
Có hai cảnh sát tuần tra cao tốc ở hành lang nơi Darryl đang được canh gác. Họ ngăn các phóng viên đang kiễng chân nhìn ngó và chụp ảnh. Đèn flash cứ rọi liên hồi vào mắt chúng tôi như đèn nhấp nháy, tôi lắc đầu để tỉnh táo. Bố mẹ tôi đem theo quần áo sạch cho tôi và tôi đã thay ở ghế sau của xe, nhưng tôi vẫn còn thấy kinh tởm, ngay cả sau khi tôi đã tắm rửa trong phòng tắm của nơi xử án.
Một trong các phóng viên gọi tên tôi. Ối chà, phải rồi, giờ tôi nổi tiếng rồi. Hai viên cảnh sát đang đứng gác cũng nhìn tôi, họ đã nhận ra mặt tôi hoặc tên tôi khi mấy tay phóng viên réo nó lên.
Bố Darryl gặp chúng tôi ở cửa phòng, chỉ thì thầm để đám phóng viên không thể nghe thấy. Ông mặc thường phục, quần jean và áo len mà tôi thường thấy ông mặc, nhưng trên ngực ông đính huân chương phục vụ.
“Nó vẫn đang ngủ,” ông nói. “Khi nãy nó tỉnh dậy và bắt đầu gào. Nó gào mãi không ngừng được. Họ cho nó uống thuốc giúp nó ngủ.”
Ông dẫn chúng tôi vào. Mái tóc Darryl sạch sẽ chải chuốt, nó đang há mồm ra ngủ. Có thứ gì đó màu trắng ở góc miệng nó. Phòng nó nằm là loại phòng chăm sóc riêng dành cho hai người, trên giường còn lại là một người Ả Rập lớn tuổi, khoảng tứ tuần. Tôi nhận ra đó chính là người đã bị xích cùng tôi trên đường rời khỏi đảo Kho Báu. Chúng tôi chào nhau bằng những cái vẫy tay ngượng nghịu.
Tôi quay sang Darryl. Tôi cầm tay nó lên. Móng tay đã bị gặm đến tận thịt. Nó có thói cắn móng tay từ nhỏ, nhưng đã bỏ từ khi vào trung học. Tôi nghĩ Van đã thuyết phục nó rằng thật gớm khi suốt ngày cứ cho móng tay vào miệng.
Tôi nghe thấy tiếng bố mẹ tôi và bố Darryl đi ra chỗ khác, kéo rèm xung quanh chúng tôi. Tôi cúi sát mặt nó trên gối. Bộ râu lởm chởm của nó làm tôi nhớ đến Zeb.
Nó đang ngáy khe khẽ. Suýt nữa thì tôi nói “Mình yêu cậu,” câu mà tôi chưa bao giờ nói với người nào không thuộc gia đình mình, thật kỳ cục khi nói vậy với một đứa con trai khác. Cuối cùng tôi chỉ siết chặt tay nó. Darryl thật đáng thương.
Chú thích:
1. ACLU (American Communist Lawyers Union) là một tổchức quốc gia, phi lợi nhuận, phi đảng phái với hơn 500.000 thành viên, có mục tiêu là bảo vệ nguyên lý quyền tự do và bình đẳng thể hiện trong Hiến pháp và Luật Nhân quyền.

Chương trước Chương sau