Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 05

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 05

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 05

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 55035 lượt xem

Giám đốc ngân hàng Trung Hoa Lý Gia Hàn, tục danh Lý Cáy, một trong số đại tư bản Hoa Kiều, bị bắt cóc ngay tại nhà hàng "Arc en Ciel" đã làm xanh mặt giới Hoa kiều tư sản Chợ Lớn. Vụ bắt cóc diễn ra khá êm thấm, mãi sáng hôm sau mới phát hiện ra, khi người nhà báo tin Lý Cáy không thấy trở về. Số bạn bè cùng ngồi chung bàn với Lý Cáy tối đó kể lại: Vào khoảng mười một giờ, có một người khách ăn mặc sang trọng vào gặp Lý Cáy nói nhỏ gì đó, rồi cả hai kéo nhau ra ngoài, mãi sau không thấy họ quay lại. Mọi người cho là chuyện thông thường đối với Lý Cáy, luôn luôn giao dịch rộng rãi, chỉ có điều đáng chú ý là tất cả số bạn bè chưa hề quen biết người lạ mặt. Từ lâu rồi những vụ bắt cóc, tống tiền các Hoa kiều giàu có ở Chợ Lớn thường xảy ra, nhưng với ai khác chứ không thể với Lý Cáy, một nhân vật được coi là người quốc tế. Vừa là bạn thân với Bảy Viễn, vừa được Phòng nhì Pháp sẵn sàng bảo vệ và hiện nay đang cộng tác chặt chẽ với phái bộ MAAG của Hoa Kỳ.
Sáng sớm hôm sau Lucien Conein đến biệt thự tại đường Garcler, gặp viên đại tá chỉ huy của y, đang lúc Edward Lansdale ngồi uống cà phê trong phòng ăn.
- Thưa đại tá, Lý Cáy bị bắt cóc đêm hôm qua.
Nguồn tin đột ngột làm Lansdale bực bội:
- Nhưng ai bắt cóc?
- Bảy Viễn.
Conein trả lời khẳng định rồi giải thích:
- Mười hai giờ đêm, sau một giờ Lý Cáy bị bắt cóc, nhân viên của tôi tại nhà hàng "Cầu vồng" mới báo cho tôi biết. Theo lời hắn kể, một chiếc xe hiệu Bel Air màu xanh cánh chả đã chở Lý Cáy đi, ngay khi Cáy từ nhà hàng bước ra. Lúc đó bọn công an Bình Xuyên còn đứng gác quanh đó. Nếu không phải là Viễn, thì Lý Cáy đã dùng mọi cách báo động cầu cứu rồi. Nhưng chắc hắn ta đã biết kẻ uy hiếp mình là ai, nên không dám cầu cứu công an, là đồng bọn của chúng. Tôi cũng nhận thấy chỉ có hai tên có đủ uy lực để kéo Cáy từ bàn tiệc ngoan ngoãn đi ra, là Salvani và Bảy Viễn. Lý Cáy biết rõ rằng từ chối lời mời bắt buộc của chúng có thể chết ngay, hoặc sau này cũng không tránh khỏi chết, nên hắn ta đành im lặng đi theo, chắc hắn tính toán sẽ tùy nghi ứng biến, may ra còn hy vọng bảo toàn. Có thể là vậy, Cáy đã lên xe mà không hề phản ứng.
- Số xe và chủ xe?
- Xe đó của một ký giả Nhật Bản, mướn tại hãng Charner đã một tuần rồi. Chiều hôm qua xe đỗ ở bãi đậu trước khách sạn Continental nơi ký giả đó ở trọ, tối phát hiện mất xe, hắn ta đã trình báo công an. Nhưng sáng sớm nay, chiếc xe đã được trả về chỗ cũ, không rõ từ lúc nào!
Lansdale cau mày tỏ vẻ đăm chiêu, lát sau hất hàm nói:
- Nếu Lý Cáy mất tích hoặc chết, ta sẽ mất bao nhiêu?
- Hắn đã nhận hai mươi tấn thuốc phiện chưa thanh toán.
- Nhiều đấy! Theo anh, Viễn bắt cóc Lý Cáy nhằm mục đích gì? Lão này đã từng cộng tác với Viễn và được Viễn tin cậy?
Conein đã nghĩ tới điều này, nên trả lời không chút đắn đo:
- Lý Cáy quay sang hợp tác với chúng ta, tự nhiên Viễn coi như hành động phản lại hắn.
Viễn đang ức vì mất mối lợi thuốc phiện quan trọng, lại mất luôn Lý Cáy, tức là vuột khỏi tay hắn nhiều nguồn lợi tức liên quan. Viễn không còn chi phối được giới Hoa kiều, hắn mất nguồn lợi kinh tế hiện đang là mạch máu nuôi sống tổ chức của hắn. Bắt Lý Cáy cảnh cáo hoặc thủ tiêu, Viễn nhằm khủng bố giới Hoa kiều Chợ Lớn buộc họ phải tiếp tục thuần phục. Chúng ta không can thiệp ngay để cứu Lý Cáy thì chỉ còn chờ khi nào diệt xong Viễn, chúng ta mới chiếm được thị trường trọng yếu này.
Lansdale gật gù tỏ vẻ đồng tình. Lát sau hắn hỏi Conein:
- Phía Nhu có phát hiện được tin gì không?
- Trước khi đến đây tôi đã gặp Nhu. Chưa có tin gì mới, tuy nhiên họ đang tích cực dò
la. Tôi đá yêu cầu ông ta bằng mọi cách cứu Lý Cáy, đừng để mất mặt với giới Hoa kiều Chợ Lớn.
Lansdale uể oải đứng lên, đi sang phòng khách. Conein im lặng theo sau. Trên bàn kê sát góc tường có ba máy điện thoại, Lansdale nhấc một ống nghe lên quay số:
- Hê lô! Văn phòng đại tướng tư lệnh? ... Tôi Lansdale phái bộ Hoa Kỳ. Vâng, xin được
nói chuyện với đại tướng Paul Ely... Sao? Đại tướng đi Đà Lạt từ hôm qua?... Vâng việc cần... thiếu tướng Gam-bi-ê?... Được, xin ông báo với thiếu tướng tôi qua ngay... cám ơn...
Đặt ống nghe, Lansdale quay lại nói với Conein:
- Ély đi Đà Lạt chưa biết lúc nào về. Hiện có thiếu tướng Gam-bi-ê, phụ tá của ông ta, thay mặt tiếp chúng ta. Anh cùng đi với tôi qua đó..
2.
Từ tối đến giờ, Vũ đóng cửa phòng ngồi đọc hết các bài báo tường thuật cuộc họp báo tại chiến khu Long Mỹ của Ngô Đình Diệm, chiến khu của Cách mạng đã vang danh suốt quá trình đánh Pháp ở miền Tây Nam Bộ, giờ đây lính Diệm đến tiếp thu khi quân ta tập kết ra Bắc.
Đi theo Diệm có hàng chục ký giả ngoại quốc có Edward Lansdale, cùng nhiều tên tay chân tin cậy của Diệm. Tất cả các báo Mỹ, Việt đều rập khuôn một luận điệu: "Nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm đã rũ áo từ quan, để bài phong chống thực, xuất dương tìm đường cứu nước, nay trở về quyết giành cho được độc lập, tự do, hứa hẹn xây dựng một chế độ cộng hòa tại miền Nam, có hiến pháp, có bầu cử..." Trả lời các nhà bác, Diệm lên án cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta, lên giọng cam kết sẽ đem đến cho dân chúng miền Nam hòa bình, phồn vinh và hạnh phúc. Phải chăng đã đến thời điểm Mỹ cho phép Diệm công khai lên án thực dân và Bảo Đại? Công khai chống hiệp định Genève lập một "nước miền Nam" riêng biệt.
Vũ soát xét lại những vụ tranh chấp khốc liệt đã xảy ra giữa hai bọn tình báo Pháp, Mỹ, điển hình là vụ cướp đoạt khu Tam giác vàng, giành thị trường độc quyền ma túy tại Chợ Lớn và một góc thế giới. Những vụ tấn công tàn sát bọn Đại Việt tại Ba Lòng, Quốc dân Đảng tại Quảng Nam, song song với những vụ ám sát mà hàng chục nạn nhân đều là tay sai trung thành của Pháp. Tại miền Trung, em ruột của Diệm là Ngô Đình Cẩn mạnh tay hung bạo. Phái bộ MAAG của Mỹ tung ra tại Liên khu Năm lực lượng mệnh danh là "Hội anh em" gồm cả trăm tên Mỹ gốc Phi, mở chiến dịch "Tình thương" tấn công vùng tự do trong chín năm kháng chiến. Trước các hành động này Bộ tư lệnh Pháp không hề phản ứng, ngược lại vẫn tuần tự im lặng kéo quân về Sài Gòn...
Vũ nhớ lại lời linh mục Dưỡng tiết lộ với anh, hôm anh lên Thủ Đức gặp ông ta: "Một vài người Mỹ có thẩm quyền nói với tôi là Hoa Kỳ đã buộc Pháp phải rút quân, nhưng còn chờ Mỹ xây dựng cho ông Diệm một lực lượng quân đội tương đương với quân Pháp, đủ sức mạnh thay quân Pháp, cho kịp ngày quân Pháp rút trước kỳ hạn hiệp đinh quy đinh. Chủ ý của Mỹ là làm cho hiệp định Genève trở thành vô hiệu khi Pháp không còn có mặt ở đây..." Thêm vào là các nguồn tin của Trần Đình, của Trinquier qua cô Tư Bình Xuyên, đến các tình hình đang diễn biến trước mắt. Tất cả cho phép Vũ xác định: Pháp đã đầu hàng Mỹ, giao miền Nam lại cho Mỹ, chuẩn bị rút quân và rút trước kỳ hạn quy định theo hiệp định Genève? Vậy thì cái ngụy quyền "Chính phủ liên hiệp" hiện nay chỉ là sự liên minh gán ghép tạm thời. Trước sau gì Mỹ cũng sẽ không để tình trạng lộng hành của các "Lực lượng bổ sung" của Pháp. Nhưng các lực lượng này không phải như bọn Đại Việt và Quốc dân đảng ở miền Trung, mà liên can đến hai giáo phái Cao Đài Hòa Hảo có gần hai triệu tín đồ. Nếu dùng quân đội đánh dẹp sẽ tạo ra nội chiến, mà nội chiến lúc này bất lợi cho cả Diệm lẫn Mỹ. Đứng trước tình hình khó khăn này bọn CIA phải tính toán. Chúng sẽ áp dụng ngón nghề quen thuộc là tìm cách mua chuộc bằng tiền và địa vị. Mỹ dại gì mà không nắm lấy năm mươi ngàn quân của Soái, Phương, để sử dụng theo ý đồ của chúng, như trước Pháp và Nhật đã dùng? Lôi kéo được số quân tay sai Pháp vầ phía Mỹ coi như đã nắm được con bài của Bộ tư lệnh viễn chinh Pháp tại đây, thật dễ dàng thắng cuộc Với đà đó Mỹ sẽ ổn định được miền Nam, tập trung toàn lực hướng về phía cách mạng, như ở miền Trung chúng đã làm và hiện chúng đang chuẩn bi tung ra chiến dịch "Tố cộng diệt cộng" sớm hơn?
Vũ nghĩ đến nhiệm vụ ở trên giao, anh tự ví mình như con vít nhỏ gắn vào chi tiết thiết bi của một bộ máy hoạt động trong nội bộ địch. Anh cần phải thận trọng tối đa để giữ đúng vai trò con vít, chính xác, vững chắc, thì bộ máy mới phát động đều. Cho đến lúc này, về nội tình miền Nam nói chung và các lực lượng vũ trang tay sai của Pháp nói riêng Vũ đá hiểu khá rõ. Anh chỉ còn cân nhắc, lựa chỗ đứng chân.
Với Bảy Viễn, một tổ chức vũ trang đã từ lâu bị dân chúng chán ghét đến căm hờn, Diệm rất cần dẹp đi sớm. Cộng tác với Viễn lúc này là thất sách! Vũ nghĩ đến nhóm Sơn Thái - Tuấn Phong trong giáo phái Cao Đài. Sơn Thái trước làm trong Ngự tiền văn phòng của Bảo Đại, nay là người được giáo phái Cao Đài Tây Ninh cử làm tổng trưởng Thông tin trong "Chính phủ liên hiệp" của Diệm. Tuấn Phong, em họ Thái, cùng học với Vũ bốn năm ở Hà Nội, được Thái nhắn vào đề cử làm giám đốc trường huấn luyện cán bộ trong hệ thống các trường "tâm lý chính trị" của phái bộ Hoa Kỳ. Vũ vào gặp Tuấn Phong, Phong rủ anh cộng tác ở trường huấn luyện, từ đó, Vũ có thể dần dần đi sâu vào đạo Cao Đài. Nhưng anh thấy trước mắt, tiếp cận được với Nguyễn Thành Phương và Phạm Công Tắc đòi hỏi khá nhiều thời gian, trong khi tình hình không cho phép anh chậm trễ.
Vậy thì cộng tác với Nhiệm coi như cận kề được với Soái. Vũ thấy rõ hai điều thuận lợi.
Trên danh nghĩa hợp pháp anh là nhân viên của Bộ Nội vụ trong chính phủ Diệm: là dân Bắc di cư anh có lý lẽ để phủ nhận mình là người của giáo phái Hòa Hảo, thân tín của Trần Văn Soái giữ thế an toàn lâu dài. Về mặt công tác, qua Nhiệm để tiếp cận Soái, dựa thế Soái anh có nhiều khả năng tác động đến Phạm Công Tắc' và Bảy Viễn.
Cuối cùng anh quyết định nhóm Trần Văn Soái là chỗ đứng chân, là mục tiêu cho nhiệm vụ giai đoạn. Vũ kiểm điểm lại những điều đã nói với Huỳnh Văn Trọng với chủ ý dùng Trọng tấn công vào chỗ yếu của Nhiệm - Soái. Nếu không lầm Nhiệm sẽ sớm tìm anh, sẽ mời anh cộng tác.
Suy nghĩ chín chắn rồi. Vũ liền ngồi vào bàn viết báo cáo về Trung tâm, xin ý kiến của trên.
3.
Thiếu tướng Ga-bi-ê, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Pháp, thay mặt đại tướng Ely tiếp Lansdale và Conein trong phòng khách tổng hành dinh Pháp. Gam-bi-ê tỏ vẻ lạnh lùng, xã giao mà không niềm nở. Sau tuần rượu khai vị, Gam-bi-e vào đề:
- Đại tá qua đây chắc có việc gì cần đến chúng tôi?
Lansdale hỏi lại, giọng trịch thượng:
- Chắc thiếu tướng đã biết vụ tên Hoa kiều Lý Cáy bị bắt cóc đêm qua?
Gam-bi-ê ngạc nhiên:
- Hắn ta là chủ Ngân hàng Trung Hoa?
- Vâng, chính hắn.
- Tôi chưa biết gì về vụ bắt cóc này. Thông thường những việc xảy ra xét không quan trọng lắm, một vài ngày sau Phòng nhì mới báo cáo lên tôi. Mà không lẽ vấn đề này đã làm cho đại tá quan tâm?
- Lý Cáy đã cộng tác với phái bộ MAAG cả mấy tháng nay rồi, công việc đang dở dang, thiếu hắn sẽ gây trở ngại cho chúng tôi không ít. Vì vậy tôi qua đây để yêu cầu thiếu tướng can thiệp cho hắn được về.
Vừa ngạc nhiên vừa khó chịu, Gam-bi-ê cau có:
- Vậy tôi phải can thiệp với ai, cơ quan nào?
Lansdale vẫn tỏ ra bình tĩnh:
- Tướng Lê Văn Viễn.
Gam-bi-ê liền thở dài, ngả lưng ra thành ghế, nhếch môi cười mỉa mai:
- Trước đây ít tháng, đại tá bảo tôi can thiệp, tôi có thể gọi ngay tướng Viễn đến, hay ra lệnh cho ông ta phải làm theo ý muốn của đại tá. Nhưng hiện nay thì đổi khác rồi, tướng Viễn là của quân đội Việt Nam, là Quốc vụ khanh của chính phủ ông Diệm, đâu còn thuộc chúng tôi? Theo tôi, chính đại tá hiện là cố vấn đặc biệt của ông Diệm, có lý gì không đủ quyền giải quyết?
Thấy thái độ và lời lễ châm biếm thách thức của Gam-bi-ê, tên sĩ quan tình báo Mỹ cười gằn. Hắn cố gắng lắm mới ngăn chặn được cơn giận như muốn bung ra:
- Cho đến lúc này, tôi vẫn tin Viễn là tay chân trung thành của thiếu tướng, nên tôi mới nhờ đến thiếu tướng can thiệp, với thiện chí mong giải quyết êm đẹp trong nội bộ. Còn nói đến thẩm quyền, vâng, Thủ tướng Diệm bây giờ có thừa khả năng đặt vấn đề thẳng với Viễn.... Nếu vậy tình hình sẽ diễn biến phức tạp, mà tôi tin là cả hai phía chúng ta đều không muốn.
Gam-bi-ê hiểu câu nói úp mở của tên trùm CIA ngụ ý đe dọa. Hiện nay thì Diệm đã đủ mạnh để diệt lực lượng của Viễn không mấy khó khăn, trong lúc đại tướng Navarre còn đang lưu lại Sài Gòn, Bộ tư lệnh Pháp không thể nào cứu Viễn. Gam-bi-ê vốn là con người già dặn, thận trọng, hắn suy nghĩ và tự nhủ mình nhường nhịn? Đến chính phủ Pháp còn phải đầu hàng, cá nhân hắn cam đành thua thiệt. Hắn trở lại bình tĩnh lái câu chuyện sang hướng khác để giải tỏa sự căng thẳng:
- Như vậy đại tá đã có bằng cớ chứng minh tướng Viễn bắt Lý Cáy?
Lansdale thấy mình đã thắng cuộc, hắn trở giọng thân mật:
- Mười một giờ đêm qua Lý Cáy được mời rời khỏi bàn tiệc trong nhà hàng "Arc-en-Ciel", ngoan ngoãn bước lên xe trước mắt tốp công an Bình Xuyên đứng gác tại đó. Thiếu tướng nghĩ coi chỉ có hai nhân vật đủ uy quyền ở đây có thể buộc Lý Cáy phải phục tùng: tướng Viễn và thiếu tá Salvani, nhưng chúng tôi biết thiếu tá Salvani không bắt Lý Cáy. Nếu vậy chúng ta mời tướng Viễn đến đây. Tôi tin là nếu ông ta nhúng tay vào vụ này thì việc giải quyết sẽ không khó khăn gì.
Nhưng đột nhiên Gam-bi-ê như nhớ lại chuyện gì. Hắn ta ngập ngừng dừng tay chưa nhấc điện thoại lên, quay lại hỏi Lansdale khá đột ngột:
- Đại tá có nghi ngờ gì "nhóm đại diện hãng thông tin AFP" vừa đến Sài Gòn không?
Lansdale tự nhiên đỏ mặt. Hắn khẽ lắc đầu lúng túng, nhưng có thể Gam-bi-ê không để ý thấy vì hắn ta đã quay đi, chăm chú quay số điện thoại.
Tại sao Lansdale lại đỏ mặt, lúng túng? Câu hỏi của Gam-bi-ê đã làm hắn nhớ tạt sự kiện nhục nhã xảy ra tuần trước. Dưới cái lốt đại diện hãng thông tin AFP, Francois Spirito đã đến tại nhà riêng thăm hắn vào một buổi tối. Lansdale đang ăn tối, tên quản gia đưa trình hắn một tấm danh thiếp của khách lạ xin tiếp kiến. Cũng chỉ là tấm danh thiếp thông dụng như hàng trăm tấm danh thiếp khác tấp nập bay vào nhà hắn trong nửa năm nay, nhưng Lansdale đã nhận ra dấu hiệu đỏ in trên góc trái. Hắn bỏ ăn, chăm chú ngắm cái hình chữ nhật đứng. Phần trên in con chim ó, phần dưới là hình đầu người buộc chiếc khăn ngang. Hắn đứng bật lên, ra lệnh cho tên Tý mời khách vào phòng. Tên quản gia trung thành tỏ vẻ băn khoăn, kinh ngạc khi thấy mặt chủ tái đi, mất hẳn vẻ kênh kiệu thường ngày. Khách là ai mà làm cho tên đại tá đầy quyền lực phải run sợ?
Khách là một người Âu trung niên, tầm thước, nhưng chắc nịch biểu lộ sức mạnh có thừa. Trán của y cao, cặp mắt sáng xanh và miệng luôn luôn nở nụ cười cởi mở:
- Kính chào đại tá Edward Lansdale.
- Rất hân hạnh được tiếp ông Francoise Spirito. Xin mời ông ngồi.
Cả hai ngồi đối diện, uống rượu mạnh, chúc nhau sức khỏe. Đây là lần đầu tiên tên sĩ quan CIA cao cấp được tiếp kiến một trong những trùm mafia. Lansdale hiểu rõ điều nguy hiểm đang chờ mình, khi một thủ lĩnh nhiều quyền lực như Francoise Spirito bất ngờ đến thăm. Có điều Lansdale yên tâm là mafia ít khi nhúng tay vào chuyện chính trị.
Viên sĩ quan CIA trở lại bình tĩnh, đặt ly rượu đã uống cạn xuống bàn, mạnh dạn vào đề:
- Ông đến đây chắc có việc cần đến tôi?
Vẫn với nụ cười luôn đọng trên môi, khách khá lễ độ khẽ nghiêng đầu cất tiếng, giọng nói còn nặng miền đảo Corse:
- Thưa vâng, mới đây người đại diện của tôi tại Merseille, ông Marcel Francisci, báo về cho chúng tôi biết là đầu năm 1955, số thuốc phiện ba trăm năm mươi tấn hàng năm, nhận ở trung tá Trinquier trưởng Phòng nhì quân đội viễn chinh Pháp, từ Việt Nam qua đã không còn nữa. Chúng tôi hỏi ra mới biết khu Tam giác vàng đã đổi chủ, mà đại tá là đại diện của chủ nhân toàn bộ sản phẩm khai thác được ở đầy. Chúng tôi cũng đã cho người qua Thái Lan để điều đình, xin cung cấp tiếp tục Nhà máy chế biến tại đó chỉ có thể dành cho mười tấn heroin, tương đương với một trăm tấn thuốc thô. Như vậy chúng tôi khòng có đủ để phân phối cho khách hàng như trước. Tất nhiên số hai trăm năm mươi tấn mà cả châu Âu cần phải có, người ta đã mua trực tiếp ở các ngài. Chúng tôi thấy vấn đề không ổn.
Spirito ngừng lại, khoan thai uống cạn ly rượu thứ hai chủ nhà vừa mới châm đầy, thái độ vẫn từ tốn, vui vẻ:
- Chúng tôi không biết làm chính trị, và cũng không thạo về quân sự, nhưng về phương diện buôn bán chúng tôi hiểu đây là lối tranh cướp thi trường!
Khách nhấn mạnh mấy tiếng cuối cùng rồi cười ha hả, lát sau lại tiếp:
- Nghề buôn bán tranh cướp là sở trường của chúng tôi. Như đại tá thấy đấy, trước nay chúng tôi chưa phải nhượng bước một tổ chức, ngay cả một quốc gia nào. Chúng tôi cũng tự hỏi nên giải quyết vụ này ra sao, khi chúng tôi vản kính nể Hoa Kỳ, tôn trọng cơ quan CIA? Do đó, thay vì chặn đón số thuốc của quý ngài khi chuyển sang châu Âu không mất tiền vốn, tôi đã tự thân hành qua đây gặp đại tá với thiện chí hòa bình. Tôi chỉ yêu cầu cho đủ số lượng thuốc hàng năm như trước đây Phòng nhì Pháp đã nhượng cho chúng tôi.
Lansdale hiểu rất rõ, một tổ chức nằm trong bóng tối với những thành viên sẵn sàng coi thường mạng sống của mình để đánh đổi cái chết của địch thủ, gồm luôn cả vợ con, gia đình họ. Không một ai có đủ khả năng đề phòng và đối phó suốt cả đời mình khi bọn chúng rất kiên trì, bền bỉ, bám sát chờ thời cơ để hạ sát, trả thù cho kỳ được mới thôi. Lansdale chẳng đắn đo, mau lẹ chấp nhận đầu hàng:
- Từ khi được giao nhiệm vụ này, quả tình tôi không biết số hàng phân phối tại Pháp lại do người đại diện của quý ông phụ trách. Nhân viên thuỷ quyền không báo cáo rõ cho chúng tôi vụ này, thật là một sơ sót đáng tiếc. Nhưng cũng nhờ vậy tôi mới được hân hạnh biết ông, tôi rất sẵn sàng thỏa mãn yêu cầu của ông.
Khách nhận ly rượu thứ ba của chủ và uống cạn. Không khí thăm dò, thủ thế hoàn toàn giải tỏa. Spirito lấy ở túi áo ra một miếng thẻ nhỏ màu vàng óng ánh. Hắn đứng lên với vẻ quan trọng, hai tay đưa tấm thẻ cho Lansdale:
- Thay mặt tổ chức mafia, tôi trần trọng trao đại tá, cùng với quyết định của toàn nhóm thủ lãnh công nhận đại tá là thành viên danh dự mafia kể từ ngày hôm nay.
Lansdale đứng lên theo, cầm miếng kim khí rồi bắt tay Spirito. Óc hắn rung lên như động cơ phát động. Từ chối ư, không thể vì như thế là mặc nhiên khinh miệt cái tổ chức giết người này. Đành nhận sao, để mãi mãi cúi đầu nghe lệnh? Thời gian không cho phép tên CIA kéo dài suy nghĩ, chỉ thoáng vài giây thôi hắn phải quyết định:
- Tôi xin cám ơn các vị thủ lĩnh và riêng ông.
Khách đã ra về, Lansdale vẫn còn ngồi chết lặng ngó tấm thẻ vàng có hình con Ó và chiếc đầu dân đảo Corse. Hắn biết từ đây hắn phải mang danh là người của mafia. Nhục nhã đầu hàng, hắn không dám chết cho danh dự!
Lansdale đã phải nghĩ đến sự việc vừa qua, hắn không còn giữ được vẻ huênh hoang lúc đầu, khi Gam-bi-ê đặt ống điện thoại quay lại bảo với hắn:
- Tướng Viễn vừa đi khỏi, đại tá cứ yên tâm trở về, tôi sẽ đích thân gặp Viễn để giải quyết vụ này. Nếu đúng ông ta bắt Lý Cáy, tôi tin là can thiệp được thôi.
Gam-bi-ê đã tự khuyên không nên đối đầu với CIA, tất nhiên hắn cũng không muốn để tướng Viễn, tay chân tin cậy của hắn húc đầu vào đá. Về phần tên sĩ quan tình báo Mỹ, hắn vẫn còn chột dạ vì câu hỏi của Gam-bi-ê. Hắn tự hỏi viên sĩ quan Pháp đã biết sự có mặt của trùm mafia tại Sài Gòn, nhưng có biết vụ hắn đã đầu hàng nhục nhã hay không?
Hai tên đều theo đuổi theo ý nghĩ riêng, trở nên lạnh nhạt trong lúc chia tay. Lansdale cùng Conein bước vội ra khỏi phòng.
4.
Đúng năm giờ sáng. Vũ mở đài bán dẫn nhận bản tin của Trung tâm theo định kỳ. Ghi xong, anh thận trọng nhẩm dịch từng chữ, từng lời, ghép trọn câu bằng trí nhớ, không ghi thành nguyên bản ra giấy. Anh phải tập thói quen này, vừa giữ bí mật tối đa, vừa phòng khi bất ngờ, trong khung cảnh mà xung quanh đầy rẫy tai mắt kẻ thù.
Vũ không khỏi bồn chồn trong lòng sau khi đã đọc lại lần thứ ba đoạn chỉ thị công tác của Trung tâm, đã chấp thuận cho anh đứng chân trong nhóm Nhiệm - Soái, và cho phép anh làm "phụ tá về công tác chính trị" của nhóm này. Đốt xong tờ giấy ghi mật mã, anh ngồi im lặng, tập trung suy nghĩ về công việc có nhiều khó khăn và phức tạp. Cộng tác với Nhiệm tức là với Soái, phải làm sao để tránh được tình trạng tự đặt mình trong thế thù địch với Diệm, có vậy mới tồn tại được lâu dài. Trước mắt nếu mất cảnh giác, thiếu tế nhị, rất dễ đưa Soái đến chỗ nghi mình, dân gốc Bắc di cư là tay chân của Diệm, chui vào nội tuyến. Rồi bọn Phòng nhì Pháp vẫn chưa ngừng dòm ngó, dò xét người của Cách mạng tung vào. Vũ phải chấp nhận đương đầu với cả bốn bên địch, loại kẻ thù tàn nhẫn, dã man giết người đã trở nên quán tính.
Vũ từng thận trọng, luôn tự soát xét mình, những lời nói, những việc làm, sau mỗi ngày hành động. Những buổi tiếp xúc, quan hệ với chính kẻ thù, là những màn kịch do anh sắm vai, đạo diễn, và cũng chính anh sáng tác nội dung. Nhưng đây không phát là màn kịch trình diễn trên sần khấu thông thường, mà là diễn xuất ngay trong lòng một xã hội rừng xanh, bao quanh là thú dữ, không pháp luật, không đạo lý. Từng lúc, từng lời sơ hở là dễ dàng va chạm với cái chết!
Sài Gòn như bừng tỉnh sau một đêm dài mệt mỏi, động cơ xe các loại xao động một vùng. Vũ đứng dậy tắt đèn, mở cửa sổ, một góc trời sáng đỏ. Xế trước mặt là cầu Rạch Bền. Dưới cầu thủy triều dâng cao, ánh bình minh làm mặt con rạch ửng hồng, phủ lên màu nước đen thải ra từ hàng trăm cống rãnh.
Chiều hôm đó, đúng như dự tính của Vũ, Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm nhờ anh Trọng mời anh tới nhà riêng, ăn cơm tối. Đã mấy ngày rồi, Vũ chuẩn bị rất chu đáo cho buổi tiếp xúc này mà anh tin sẽ diễn ra, với quyết tâm phải thành công, phải đạt cho được mục tiêu công tác. Đột nhập vào nội bộ Trần Văn Soái, không chỉ phải qua mặt cơ quan điều tra của chính tổ chức này, mà còn phải che được mắt người của Phòng Nhì Pháp gài vào như hai tên Thành Nam, Văn Phú. Hai tên này đang giữ vai trò bí thư cho Soái. Nhất cử nhất động của ngay bản thân Soái cũng không tránh khỏi cặp mắt cú mèo của Salvani. Ngoài ra, còn phải chú ý đến cả hệ thống chân rết của hai tên đó ngày đêm dò la nghe ngóng, từ hàng ngũ sĩ quan cho đến những đơn vị lẻ tẻ bên ngoài!
Vũ đã gợi ý cho Trọng tìm mọi cơ hội thông báo lý lịch của anh với Nhiệm, một bản lý lịch rất dễ kiểm tra và bảo đảm, để ngay từ bước đầu tạo được ấn tượng tốt trong lòng Nhiệm, tức là nhẹ bớt phần chú ý của hai tên phòng Nhì Thành Nam, Văn Phú. Lúc này, được Nhiệm mời tới sớm hơn anh dự tính. Vũ nhận thấy cửa chính đã mở rồi. Phần còn lại, là bắt mạch tìm và giải thích đúng đắn cân nguyên ' tình trạng của bệnh nhân, làm cho người bệnh tin vào khả năng của y sĩ...
- Nhiệm đã báo cáo với ông Soái những điều chú thảo luận với tôi, và trước khi mời chú có thể ông ta đã thảo luận kỹ với viên bí thư Thành Nam, lâu nay vẫn là bộ óc của ông Soái.
Đang chăm chú lái xe, Trọng đề cập đúng điều Vũ vừa suy nghĩ. Anh thích thú quay lại nhìn Trọng thăm dò:
- Vậy sao anh?
Trọng gật đầu, vẻ nghiêm túc lộ rõ trên mặt:
- Quyết định của ông Soái mời chú cộng tác với Nhiệm coi như đã thông qua Thành Nạm, tức là Phòng nhì Pháp đã duyệt. Theo tôi nghĩ chú tính xa vậy thôi, chớ riêng với Nhiệm cũng đủ uy tín với Salvani rồi. Chú không thấy ông ta đã học và lớn lên từ bên Pháp sao?
- Thấy chứ anh, nhưng nếu để cho họ có chút gì băn khoăn về mình ngay từ buổi đầu sẽ khó tạo được lòng tin mà không tin, cộng tác với nhau rất khó! .
Câu chuyện trao đổi ngừng lại, Trọng cho xe chạy thẳng vào sân trước một biệt thự lầu.
Với vóc người cao gầy, tuy ngoài năm mươi, Nhiệm vẫn lanh lợi, giọng cởi mở. Hắn bước ra tận cửa đón Vũ và Trọng. Bắt tay Vũ, hắn dắt luôn vào phòng khách.
- Ông Bộ đã giới thiệu với tôi từ tháng trước lận. Chúng tôi có ý trông chờ, hôm nay rất mừng được gặp ông.
Vũ mỉm cười trang trọng:
- Về phần tôi, trước hết tôi xin cám ơn lòng nhiệt tình của ông Tổng trưởng, tôi rất vinh dự được tiếp kiến.
Không khí khá thân mật trong suốt buổi khai vị xã giao và bữa ăn thịnh soạn. Sau đó cả ba kéo vào phòng riêng dành riêng cho khách thân, ngồi uống cà phê. Tổng trưởng Huỳnh Văn Nhiệm mới vào đề:
- Tôi đã được ông Bộ tường thuật khá tỉ mỉ buổi hai ông trao đổi tình hình với nhau. Tôi khâm phục ông một người mới lần đầu vào đây mà đã nắm được những vấn đề sâu sát sát như thế, trong khi chúng tôi ở giữa Sài Gòn mà vẫn mơ hồ, đúng là đáng trách! Chúng tôi cấp tốc kiểm điểm lại thực trạng diễn biến mới đây, thú thật với ông, tất cả đều giật mình hoảng hốt. Quả như ông đã nhận định, không riêng gì trung tướng Trần Văn Soái mà các lực lượng khác cùng chung cảnh ngộ, đang bị dòn vào thế bí, chưa tìm được lối thoát. Hôm nay chúng tôi mời ông lại với mục đích xin nghe một vài lời cao kiến, bằng cách nào đó mong cứu vãn được tình hình.
Trước thái độ khiêm nhường và lời lẽ chần tình của Nhiệm, Vũ nhận thấy tình hình thuận lợi cho mình đứng chân trong lực lượng này, ở vị trí cao, khả dĩ tác động được không chỉ đối với Nhiệm mà cả với Soái. Anh phấn chấn, nhưng vẫn thận trọng:
- Tôi được biết anh Trọng đang cộng tác với ông Tổng trưởng. Với tình anh em trong nhà, tôi có nêu một vài ý kiến hoàn toàn vô tư, không ngờ lại được ông Tổng trưởng lưu ý. Nay ông Tổng trưởng lại hỏi tới, tôi không có cao vọng sẽ giúp ích được gì mà chỉ với thiện chí đóng góp mong đáp lại thinh tình của ông Tổng trưởng đã dành cho tôi. Như tôi đã nói với anh Trọng theo thiển ý của tôi thì đúng là các lực lượng vũ trang đang ở trong hoàn cảnh khá nghiêm trọng. Nhưng trước khi đề đạt ý kiến, xin mạn phép hỏi ông Tổng trưởng, từ ngày quý vị đại diện ra tham chính đến nay, đối nội đã làm được những việc gì mang lợi ích thiết thực về cho lực lượng vũ trang lẫn giáo phái Hòa Hảo, và đối ngoại đã tạo được ưu thế gì để phát huy ảnh hưởng?
Nhiệm sững sờ đến ngơ ngác, trong khi Vũ rất rõ tại sao ông ta khó trả lời câu hỏi của anh đặt ra. Thái độ của Nhiệm chứng tỏ Trọng nhận xét về họ quả là xác đúng: "Bừng mắt dậy đã trở thành tướng chính qui, nhân vật chính quyền, nắm một góc nội các chính phủ, họ tự hào đã đạt tới tột đỉnh vinh quang, cứ thế lao vào hưởng thụ..." Đến bây giờ trong khi chờ đợi chuyển số "lính bổ sung" thành "quân quốc gia", họ vẫn thản nhiên tiếp tục làm lãnh chúa từng vùng, tất cả không cần cảnh giác!
Một lát sau, Nhiệm mới ngập ngừng:
- Chỉ một câu hỏi thông thường của ông đã làm cho tôi lúng túng, không biết nói thế nào? Đúng là chúng tôi chỉ nghĩ đến công việc của chính phủ, không lo riêng mình, nên chưa làm được trò trống gì có lợi cho nội bộ, nói gì đến công việc đối ngoại.
Vũ cố giữ thái độ nghiêm túc để tránh mặc cảm của Nhiệm:
- Chắc ông Tổng trưởng đã hiểu, sở dĩ ông Diệm phải nhận những đại diện ba lực lượng vũ trang vào nội các chính phủ, không phải vì mấy chục ngàn quân vũ trang, mà vì hai triệu tín đồ của hai giáo phái. Bằng cớ là ở miền Trung, ông ta đã thẳng tay tiêu diệt các lực lượng Đại Việt và Quốc dân đảng mau lẹ, chỉ vì ông ta biết rất rõ hai tồ chức này không có dân chúng sau lưng.
Anh dừng lại như để thăm dò. Thấy Nhiệm nhìn anh đầy vẻ khích lệ, Vũ nói tiếp:
- Trên thực tế, Trung tướng và ông Tổng trưởng bận bịu nhiều công việc nên không có dịp được nghe dân chúng phàn nàn về nạn thuế má nặng, về binh lính mang danh tín đồ Hòa Hảo lại tác oai, tác quái, hiếp đáp dân lành. Đó là một sơ hở nghiêm trọng, nếu như ông Diệm thấy rõ yếu huyệt này, ông ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng, mua chuộc tín đồ, lôi kéo dân chúng về phía ông ta, trung tướng Soái sẽ bị cô lập như cảnh Đại Việt miền Trung.
Nhiệm chăm chú lắng nghe từng câu từng lời, chỉ khẽ lắc đầu thở dài. Vũ lại tiếp:
- Sự kiện diễn ra ở Ba Lòng, Quảng Nam đã chứng tỏ ông Diệm đang mạnh tay hành động, dẹp mọi phe phái đối lập.
Vũ ngừng lại, Nhiệm tỏ ra nôn nóng tán đồng:
- Gần đây chúng tôi cũng có nghi ngờ ông Diệm thiếu thiện chí trong việc hợp tác. Trong những phiên họp nội các, ông ta dần dần tỏ vẻ độc đoán cá nhân. Bây giờ càng nghe ông phân tích, tôi thấy vấn đề càng sáng tỏ, đúng là ông Diệm đã có ý đồ đối phó với phía chúng tôi. Chúng tôi cũng đã thấy được ông ta dám qua mặt Đức Quốc trưởng, bất chấp Cao ủy Pháp, Bộ tư lệnh quân viễn chinh, vì dựa thế Hoa Kỳ bảo trợ. Ông ta lên giọng bài phong kiến, lên án thực dân, đòi quân Pháp rút... Tình hình đã bày ra trước mắt chẳng còn úp mở. Tôi mong ông giúp cho ý kiến, chúng tôi phải làm gì trước những sự kiện đe dọa dồn dập chúng tôi?
Vũ chậm rãi trình bày ý kiến của mình. Nhiệm lắng nghe, trong lòng thầm cám ơn sự phù trợ của Đức Thầy đã dẫn dắt đến cho mình một cộng sự viên tuy còn trẻ nhưng vô cùng sắc sảo. Cuộc tiếp xúc xong, Nhiêm đưa chân Vũ ra tận cổng ngoài và không quên dặn Trọng sáng mai nhớ dẫn Vũ vào văn phòng để làm hồ sơ chuyển lên Thủ tướng ký quyết định bổ nhiệm chức công cán ủy viên, đặc trách chính trị.
Cuộc hội kiến với Lê Nguyên Vũ đã ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng Huỳnh Văn Nhiệm. Nhưng sau đó, suy nghĩ về những ý kiến của Vũ thì vị Tổng trưởng chưa biết nên bắt đâu từ đâu. Việc nào xem ra cũng cấp bách, cũng là việc sống còn đối với ông cũng như Trần Văn Soái! Nhưng có lẽ cần kíp hơn cả là phải bắt tay soạn thảo ngay một bản thỏa ước thành lập khu Thánh địa tự trị Hòa Hảo do Đức ông Huỳnh Công Bộ trực tiếp làm chủ tịch Hội đồng trị sự. Ngay ngày mai, trước khi đem thông qua nội các, Nhiệm sẽ vận động các phe phái Bình Xuyên, Cao Đài ủng hộ, buộc Diệm phải ra sắc luật..
Bên tai Nhiệm vẫn còn văng vẳng lời của Vũ: "Làm được việc này, tướng Soái có hai cái lợi: mua được lòng Đức ông, tức là hàn gắn được sự cách ly lâu nay với tín đồ Hòa Hảo; mặt khác có một khu thánh địa tự trị, bất khả xâm phạm về mặt pháp lý, từ đó ta xây dựng một căn cứ quân sự, về kinh tế có ruộng đất phì nhiêu để tự túc quân lương, về địa thế có chỗ dựa lưng là vùng Đòng Tháp Mười mênh mông".
"Cao kiến lắm!" Nhiệm không ngớt khen thầm Vũ. Có điều còn làm ông ta băn khoăn là tìm cách trình bày sao để thuyết phục Soái chịu ra lệnh cho binh sĩ dưới quen bãi bỏ việc thu thuế dân chúng bừa bãi, thay bằng việc thành lập một Ban vận động nuôi quân, kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của tín đồ!
Viết bản phúc trình lên Soái, Nhiệm đã cân nhắc từng câu, từng chữ: "Thưa trung tướng! Làm được điều đó, trung trướng đang từ cái thế nhất thời, chuyển sang cái thế lâu dài, mà lại xóa được trong lòng các tín đồ những cảm nghĩ không tốt đối với lực lượng vũ trang của ta!"
Nhiệm rất hiểu tâm trạng của Soái lúc này. Ông ta sợ kẹt, vì đối đầu với Diệm là đối đầu với Mỹ, mà đối đầu với Mỹ thì khó trông mong vào Pháp được. Cái bí của Soái là ở đó.
Nhiệm lại tìm cách diễn đạt những gợi ý của Vũ: "Thưa trung tướng! Bây giờ chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Cả ba lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên cần thực hiện câu ngạn ngữ: "Ba cây chụm lại", thành tâm bắt tay nhau chặt chẽ, mới mong kiến tạo được cơ hội ngõ hầu chống lại sức tấn công, tuy đang âm thầm nhưng rất quyết liệt của ông Diệm! Hơn ai hết, trung tướng là người có đủ uy tín đứng ra xóa bỏ tí hiềm, quy tụ các lực lượng..."
Huỳnh Văn Nhiệm kết thúc bản phúc trình với câu kết: "Trong tình thế phức tạp này, giáo phái Hòa Hảo chúng ta có được một người như ông Vũ nhận lời cộng tác, quả là một sự đáng mừng và hãnh diện? "
5.
Salvani ngồi ngửa ra trên ghế sa-lông, hai chân gác chéo trên góc bàn, vẫn con chó Đức màu xám tro phủ phục dưới chân, lưng con vật vượt lên quá mặt bàn. Cạnh đó, Viễn khoanh hai cánh tay trần để sau gáy, ưỡn bụng nằm ngả ra trên ghế đối diện. Trên bàn, hũ rượu Mai quế lộ bằng sành, hai chiếc chén Giang Tây dưới đáy còn chất nước vàng tươi. Mùi thơm loại rượu quý Trung Hoa phảng phất trong căn phòng. Cả hai có thói quen gặp nhau là song ẩm, mà chỉ với loại rượu lâu năm khó kiếm này. Họ quen tính nết nhau, và hợp nhau nhiều điểm, đặc biệt là ăn uống và chơi bời, nên từ lâu họ chẳng cần giữ kẽ với nhau. Từ lúc Salvani đến, uống rượu, rồi im lặng cho hơi men thấm dần vào mạch máu, cả hai chưa trao đổi với nhau lời nào. Mãi đến lúc này, tên Trưởng Phòng nhì Pháp mới ngẩng mặt nhìn Viễn, khói thuốc lá còn tỏa ra trên trán hắn:
- Diệm có xé bức điện của Đức Quốc trưởng gọi hắn ta qua Pháp, anh biết chưa?
Salvani nói tiếng Việt rất khá. Viễn vẫn lạnh lùng:
- Chưa biết. Nhưng tôi biết là Diệm sẽ không đi. Đọc qua nội dung bức điện đó tôi đoán trước rồi.
- Không lẽ Diệm thấy được ý đồ của chúng ta ở nội dung bức điện?
Viễn ngồi chồm dậy, hai cánh tay tựa trên ghế, nổi rõ hai đám xăm chàm một bên là con rồng, bên kia chiếc đâu cọp:
- Dĩ nhiên. Kêu Diệm qua Pháp bàn công việc, nếu chỉ thế thôi còn có lý, cần gì phải thòng cái đuôi: "Tạm thời giao quyền lại cho tướng Vỹ trong thời gian vắng mặt". Anh thấy đấy ông Vỹ có khác gì ông Hinh, Diệm làm sao tin được hai ông này?
- Đúng? Đức Quốc trưởng vấp phải sai lầm, đáng trách thật. '
Viễn lắc đâu:
- Theo tôi cũng chưa hẳn là vì thế. Cái chính là Diệm nắm gọn quyền hành rồi, đã đến lúc thoát ra khỏi vòng kiềm chế của Đức Quốc trưởng, dại gì hắn ta rời Sài Gòn đi? Âm mưu thoán đoạt của hắn đã lộ rõ qua lời tuyên bố vừa rồi trước báo chí, lên án "thực dân, cộng sản bắt tay nhau chia đôi đất nước..."
Viễn dài giọng nhấn mạnh câu nói cuối cùng, rồi cười lên ha hả. Hắn ngửa đầu ra thành ghế, cái bụng cong vồng rung lên. Tràng cười kéo dài, mỉa mai, châm chọc, khiến Salvani phải ngồi bật dậy. Tên trưởng Phòng nhì Pháp không giận thái độ của Viễn, nhưng chắc là khó chịu. Hắn thong thả rói rượu đầy hai chén Giang Tây:
- Thế đấy. Không phải chỉ mình anh nghe, mà mọi người đều nghe, cả đại tướng Navarre đang túc trực bên cạnh đại tướng Ely để chứng kiến công tác bàn giao miền Nam cho Diệm cũng nghe. Đó là luận điệu của Lansdale dùng mõm Diệm phun ra - Salvani đặt mạnh chén rượu đã uống cạn xuống đĩa - Tiếc là tôi đã dùng lầm hai thằng mù, nếu không thì thằng khốn đó hết láo xược từ lâu rồi?
Viễn mở cặp mắt thật lớn nhìn sói vào mắt Salvani:
- Anh yên tâm, với một tấn thuốc nổ tôi đã đặt đúng vào sào huyệt bọn cáo rồi, trước sau gì chúng cũng phải chết. Tôi cần thêm vài khẩu bích kích pháo 81 nữa, anh lo ngay cho tôi đi.
- Có rồi, tôi sẽ cho bọn chúng đưa ra. Tôi qua đây gặp anh để bàn về việc Lý Cáy. Tướng Gam-bi-ê chuyển lời dặn anh phải thả Lý Cáy về thôi, chớ có ném chuột vớ bình. Lý Cáy không phải là đối tượng của ta, kẻ thù của bọn ta là CIA. Nhưng đối đầu với CIA phải thận trọng, kín đáo, lộ ra dù đại tướng Navarre cũng không che chở cho bọn mình được.
Viễn cúi đầu buồn bã, giây lát mới trả lời:
- Thiếu tướng đã chỉ thị cho tôi bằng điện thoại, tôi còn đắn đo vì ức. Nếu không bị kẹt vì các ông, tôi đã chơi hết mình với chúng. Anh biết không, thả Lý Cáy coi như tôi mất hết quyền lợi trong giới Hoa kiều Chợ Lớn. Bọn chúng sẽ mạnh dạn quay lưng lại tôi, bám theo bọn Mỹ.
- Thì chính chúng tôi cũng bị động hoàn toàn. Nếu không vì lệnh của chính phủ Pháp, bọn tôi quyết không sợ mấy chục tên CIA khốn kiếp, lên mặt khinh người. Trung tá Trinquier biết tính tôi, trước khi đi Algerie cứ dặn đi dặn lại tôi đừng đối đầu với CIA, và nhắc lại câu chuyện của anh ta, nếu không nhờ có Conein che chở thì đã toi mạng rồi, vì chính phủ Pháp sẵn sàng hy sinh anh ta để giữ mối quan hệ ngoại giao với Mỹ. Trinquier mà còn như vậy, anh và cả tôi, có nghĩa gì nhỉ?
Viễn lắc đầu:
- Bây giờ thì tôi có khác anh chứ? Tôi đã hết bị ràng buộc với quân đội Pháp rồi. Tôi là Bộ trưởng Quốc vụ khanh của chính quyền Sài Gòn, là cấp tướng của quân đội quốc gia, tôi làm gì tôi chịu.
- Đành vậy, nhưng phải làm cái gì cho ra trò kia. Nhúng tay vào vài ba chuyện vặt vãnh làm hại cho đại cuộc là dại dột, tạo cho chúng có cớ tấn công mình ngay. Nắm hàng ngàn quân lính trong tay, anh phải tận dụng hết sức mạnh của mình. Muốn làm được vậy anh phải tính toán chi li, đường tiến thối lui, từng giai đoạn và lâu dài, để đạt cho được mục đích. Thế đấy. Hãy chuẩn bị để nắm được thời cơ có lợi tối đa mới hành động. Chúng tôi, cả đại tướng Navarre, cũng khuyến khích anh chứ không ngăn trở, vì đó là việc nội bộ của các anh. Còn việc bắt Lý Cáy, hoặc thủ tiêu, anh giải quyết được gì nào? Thị trường Chợ Lớn sớm muộn cũng lọt vào tay CIA, cả cái miền Nam này cũng vậy. Chúng ta chưa chuẩn bị chu đáo đã tạo cớ cho đối phương dùng thế "tiên hạ thủ vi cường" có phải là hạ sách không? Thiếu tướng Gam-bi-ê không phải sợ hành động của anh liên can đến Bộ tư lệnh, mà vì lời đe dọa của Lansdale khiến ông ta lo cho anh, và vì thương anh ông mới nhận lời can thiệp.
Viễn chớp chớp mi mắt biểu lộ xúc động:
- Tôi hiểu. Anh về trình với ông, tối nay tôi sẽ thả Lý Cáy.

Chương trước Chương sau