Điệp vụ thành Bát Đa - Chương 11

Điệp vụ thành Bát Đa - Chương 11

Điệp vụ thành Bát Đa
Chương 11

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 8.1/10 với 20722 lượt xem

Victoria thức dậy, sáng hôm nay trời nắng chói chang. Thay đồ xong nàng bước ra ngoài hàng hiên thoáng mát cạnh cửa sổ. Cách đó không xa, một người đàn ông tóc bạc xoắn để dài tới cần cổ rắn chắc nước da sạm màu nâu đỏ đang ngồi trên chiếc ghế đẩu đối diện với nàng. Ông nghiêng đầu qua một bên, nàng Victoria nhận ra ngay với một thoáng ngạc nhiên, đó là ngài Rupert Crofton Lee. Nàng không giải thích được vì sao nàng ngạc nhiên khi nhìn thấy ông ấy. Cũng bởi lẽ nàng đinh ninh một nhân vật thuộc hàng VIP như ngài nên ở lại trong Lãnh sứ quán hơn là tìm chỗ ở ngoài khách sạn. Thế mà ngài lại ra đến đây đưa mắt chăm chăm nhìn dòng sông Tigris như đang dồn hết nội lực vào cặp mắt. Nàng để ý thấy ngài còn mang theo cả ống dòm dã chiến, treo lủng lẳng bên hông ghế. Nàng nghĩ bụng chắc ông đang nghiên cứu về các loài chim.
Có một thời, nàng quen anh chàng điển trai thích nuôi chim, đã từng theo gã rong ruổi những ngày cuối tuần băng đồng đứng trong bụi cỏ trời gió lạnh cóng hàng giờ để rồi được nghe gọi với giọng nói thích thú nhìn qua ống dòm hướng về phía một loài chim ủ rũ đậu trên cành đàng xa. Nàng đã phì cười khi thấy loài chim, theo như nàng không xứng đáng với tên gọi là chim cổ đỏ hay chim sẻ mai hoa tước.
Victoria trở xuống nhà dưới, nàng thấy Marcus Tio đang ở ngoài hàng hiên ăn thông hai dãy nhà khách sạn.
“Tôi nhìn thấy ngài Rupert Crofton Lee vừa đứng ở đây”. - Nàng vừa nói.
“Ồ, vậy hả” - Marcus đáp, nhếch mép cười “Quả thật ngài Rupert là một con người tử tế”.
“Ông biết rõ ngài chứ?”
“Không, tôi mới gặp ngài lần đầu, tôi qua ông Shrivenham ở Sứ quán Anh đưa ngài đến đây. Ông Shrivenham cũng tử tế lắm, tôi thì biết rõ ông này hơn”.
Đang ngồi vào bàn ăn sáng, Victoria ngẫm nghĩ, không có ai đến đây mà Marcus không cho là tử tế. Gã thích làm việc từ thiện với mọi người.
Sau bữa ăn, Victoria đi ngay đến trụ sở Bảo tàng Cành Ô Liu.
Là dân London, với nàng thì chuyện tìm kiếm địa chỉ khác lạ không có gì khó, nhất là đang ở một thành phố như thành Bát Đa này.
Lúc trở ra nàng lại gặp Marcus, nàng nhờ gã chỉ đường đi tới khu nhà bảo tàng.
“Nhà bảo tàng trông thật tráng lệ”. Marcus - vui cười nói. “Ở đó, có rất nhiều cái lý thú, có nhiều món đồ cổ thật quý giá. Chẳng những tôi đã từng đến đó, mà tôi còn quen biết nhiều bạn bè tại đó. Những nhà khảo cổ, mỗi lúc có dịp ghé Bát Đa đều đến ở lại đây. Như là ngài Baker - Richard Baker, cô biết chứ? Và cả hai ông bà M. Intyre - tất cả đều ở lại khách sạn Tio. Họ là bạn tôi. Họ kể cho tôi nghe mọi chuyện bên trong nhà bảo tàng - phải nói thật là lý thú”.
“Bảo tàng ở đâu, làm cách nào tôi đến đó được?”
“Cô đi thẳng dọc theo phố Rashid Street - đường này dài lắm - qua khỏi khúc rẽ đầu cầu Feisal Bridge, rồi đi qua khỏi phố Nhà Băng - cô biết chỗ phố Nhà Băng chứ?”
“Tôi có biết chỗ nào đâu” - Victoria đáp.
“Có thể đi tới đó theo ngõ khác - cũng đi ra hướng đầu cầu men theo lối bên phải. Đến đó hỏi thăm ngài Betoun Evans, một cố vấn người Anh - ngài rất lịch sự. Bà vợ cũng rất nhã nhặn, bà phụ trách khâu giao thông vận chuyển trong thời kỳ chiến tranh. Ô khỏi phải nói bà thật là lịch sự”.
“Nói thật với ông tôi không có ý định tới nhà bảo tàng”. - Victoria nói. “Tôi muốn đi tìm một chỗ - một Hiệp hội - một dạng câu lạc bộ tên gọi là Cành Ô Liu”.
“Nếu cô cần trái ô liu” - Marcus nói. “Tôi sẽ biếu cho cô nhiều quả thơm ngon - chất lượng hơn. Nhà sản xuất dành riêng cho tôi - và khách sạn Tio Hotel. Hãy đợi đấy, tối nay tôi sẽ mang tới tận bàn ăn”.
“Ông tử tế quá” - Victoria vừa nói xong nàng chuồn ngay ra phố Rashid Street.
“Rẽ qua trái” - Marcus la thật to, “đừng đi về bên phải. Đường tới bảo tàng còn xa cô đón taxi mà đi”.
“Xe taxi có biết đường đi tới Hội quán Cành Ô Liu không?”
“Chẳng ai biết chuyện gì hết! Cô chỉ cần bảo tài xế rẽ qua trái, qua phải dừng lại, thẳng tới trước - là tới ngay điểm hẹn”.
“Thôi vậy thì tôi đi bộ cho xong” - Victoria nói. Nàng đi ra phố Rashid Street rồi rẽ qua trái. Thành Bát Đa hoàn toàn khác với những ý tưởng nàng nghĩ trong đầu. Đến một ngã tư đông người chen chúc, xe cộ bóp còi inh ỏi, tiếng người la hét. Cửa hiệu bày đầy hàng sản xuất từ châu Âu, nàng nhìn thấy cảnh khạc nhổ thoải mái trên đường phố. Nhìn quanh không tìm thấy hình ảnh huyền bí phương Đông, nhan nhản khắp nơi mọi người ăn mặc theo lối phương Tây, quần áo cũ mèm rách bươm, áo choàng lính bộ binh, không quân. Thỉnh thoảng mới thấy những chiếc áo dài đen chấm đất mặt che mạng, xen lẫn trong những kiểu ăn mặc theo lối Tây phương. Những người ăn xin van nài bu theo nàng - tay bế con mặt mũi lấm lem. Trên vỉa hè đầy những ổ gà, lối đi gồ ghề. Nàng thản nhiên đi tới chợt cảm thấy như đang lạc vào một nơi xa lạ. Còn gì là cái thú đi du lịch nữa, tâm trạng nàng chới với. Nàng đi ngang qua đầu cầu Feisal Bridge rồi thẳng hướng đi tới. Dù trong bụng không vui nhưng nàng cảm thấy như bị cuốn hút theo những món hàng bày trong tủ kính. Rất nhiều món hàng như giày len trẻ em, kem đánh răng, mỹ phẩm, đuốc điện, chén tách, đĩa - bày chung một quầy. Dần dần nàng lại cảm thấy thích thú hơn vì được chiêm ngưỡng nhiều món hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới bày ra trước, tha hồ chọn lựa.
Nàng tìm ra địa chỉ bảo tàng nhưng chưa tìm ra trụ sở Hiệp hội Cành Ô Liu. Nàng từng quen với chuyện đi tìm địa chỉ ở thành phố London thế mà đến đây không thể hỏi thăm được ai. Nàng không biết nói tiếng Ả Rập. Người bán hàng nói tiếng Anh mời chào mua hàng đến lúc nàng hỏi thăm địa chỉ Cành Ô Liu người ta giương mắt ra mà ngó.
Quay qua hỏi cảnh sát, nhưng anh ta mải lo vẫy tay huýt còi điều khiển giao thông.
Nàng bước vào hiệu bày bán sách tiếng Anh hỏi địa chỉ Cành Ô Liu chỉ nhận được những cái nhún vai lắc đầu.
Thế rồi nàng đi bộ dọc theo đường phố, chợt nghe tiếng búa vang rền, nàng nhìn xuống phía dưới con đường hẻm dài hun hút mù mịt, nàng sực nhớ bà Cardew Trench chỉ chỗ trụ sợ Hội Cành Ô Liu gần khu phố bán hàng đồng. Đây rồi, đúng là chợ bán hàng đồng.
Victoria lao tới ngay, gần cả tiếng đồng hồ nàng quên phứt đi chuyện Cành Ô Liu. Phố hàng đồng hấp dẫn nàng lao vào. Nhìn ngọn đèn hàn, mẻ đồng đang nóng chảy, thao tác của thợ đúc đồng khiến cho cô gái dân thành phố London khám phá một điều mới mẻ mà xưa nay cô chỉ quen với những món hàng bày bán sẵn. Nàng dạo bước quanh chợ, qua khỏi phố hàng đồng, ghé vào xem gian hàng bày khăn trải yên ngựa, khăn trải giường. Nhiều món hàng phương Tây lạ mắt dưới ánh sáng lờ mờ lúc chập tối mọi vật khoác một dáng vẻ xa lạ, lai căng như thứ hàng hóa ngoại nhập. Những kiện vải bông in màu sắc nhìn lạ khá mắt.
Tiếng rao hàng Balek - Balek chốc chốc lại vang lên, con lừa trên lưng chất đầy hàng đi ngang qua trước mặt nàng, người phu cõng hàng nặng trên lưng. Bọn trẻ nhỏ trên cổ đeo lủng lẳng mâm hàng vụt nhanh về phía nàng.
“Mời bà mua hàng, dây thun, hàng tốt, dây thun Ăng-lê, lược chải đầu, lược Ăng-lê”.
Bọn trẻ chào hàng giúi vào người nàng ép khách mua cho bằng được. Victoria vừa bước đi vừa mơ màng. Mỗi bước đi của nàng mở ra một chân trời mới. Qua mỗi ngóc ngách trong con hẻm khuất dưới vòm nàng nhìn thấy một điều kỳ thú - một xóm cửa hiệu may, thợ khâu vá, những hình mẩu cắt may, một dãy hàng đồng hồ, đồ trang sức. Nhiều kiện hàng vải nhung, hàng thêu kim tuyến. Rồi bất chợt quay qua bên kia nàng còn nhìn thấy khu bán quần áo cũ nhập từ châu Âu, áo varơ cũ mèm, những bộ vét nhàu nát. Chốc chốc nàng liếc nhìn về phía khoảng sân rộng trống trải.
Nàng bước tới chỗ khoảng sân rộng, nhìn vào cửa hiệu, một người bán hàng tư thế bắt chéo chân đầu đội khăn turban ngồi khuất trong một góc mời khách.
Balek
Từ đâu phía sau lưng một con lừa trên lưng chất đầy hàng lầm lủi bước tới khiến nàng tránh qua một bên lối đi hẹp trống trải vòng quanh mấy ngôi nhà mái cao. Đang đi thì chợt nàng nhìn thấy nơi mà mình muốn tìm. Đứng từ chỗ trống trải nhìn tới khoảnh sân vuông vức đằng xa có lối đi vào cửa để ngỏ phía trên treo một tấm bảng to đề chữ CÀNH Ô LIU gắn phù hiệu thạch cao hình con chim ngậm cành cây.
Mừng rỡ, Victoria vụt chạy băng tới khoảnh sân đi vào lối cửa để ngỏ. Trước mắt nàng là một căn phòng với ánh đèn mờ nhạt, trên bàn và giá sách bày đầy sách và tạp chí. Cách bày biện như một quán sách, chỉ trừ mấy hàng ghế xếp cạnh nhau mỗi nơi vài chiếc.
Từ chỗ khuất trong bóng mờ, người phụ nữ trẻ bước đến chào Victoria bằng tiếng Anh sành sỏi.
“Dạ thưa tôi có thể giúp gì cô ạ?”
Nàng Victoria đứng nhìn nàng. Cô ta mặc chiếc quần nhung kẻ sọc, áo sơ-mi flannel mái tóc đen ướt cắt ngắn. Lẽ ra nhìn nàng có nét phảng phất dân ở khu văn nghệ sĩ Bloombury, nhưng gương mặt nàng thì có nhiều nét ưu phiền, mắt đen buồn xa xôi.
“Có phải - đây là - nhà ngài Tiến sĩ Rathbone?”
Nàng quên mất họ của Edward. Nàng còn nhớ cả lúc bà Cardew Trench gọi tên gã là Edward Thingummy kia mà.
“Phải đây là nhà Tiến sĩ Rathbone - trụ sở Cành Ô Liu. Cô muốn gia nhập hội phải không?”.
“Tôi muốn - tôi có thể xin gặp ngài Tiến sĩ Rathbone được không ạ?” - Nàng ngập ngừng hỏi.
Người phụ nữ trẻ nhoẻn một nụ cười vẻ mệt nhọc.
“Chúng tôi không dám làm phiền. Tôi có sẵn mẫu in. Tôi đọc cho cô nghe rõ, xong rồi cô ký tên. Sau đó vui lòng trả tiền công hai đồng dinar”.
“Tôi chưa dám chắc có nên tham gia vào hội không”. Victoria đáp, tỏ vẻ ngạc nhiên khoản tiền hai đồng dinar. “Cho tôi gặp ngài Tiến sĩ Rathbone - hoặc là người thư ký riêng cũng được. Tôi nghĩ là thư ký có thể giúp được”. - Nàng nói tiếp.
“Tôi sẽ nhắc lại cho cô nghe rõ mọi việc. Chúng tôi là những bạn hữu, bạn với nhau cả mà. Chúng tôi cùng chí hướng là cho ra những sản phẩm có tính giáo dục cao”.
“Cho tôi gặp người thư ký của Tiến sĩ Rathbone”. - Victoria nói thật to, thật rõ. “Anh ta dặn tôi cần việc gì phải hỏi anh ta trước”.
Vẻ mặt người nữ nhân viên biến sắc cáu kỉnh.
“Tôi đã nói là hôm nay không thể được”.
“Sao hôm nay lại không được? Anh ta có mặt tại đây không? Tiến sĩ Rathbone có ở đây không?” - Victoria tỏ vẻ giận dữ.
“Có, Tiến sĩ Rathbone có đây. Ngài đang ở trên lầu. Giờ này không ai được phép quấy rầy ngài”.
Dòng máu Ăng-lê không dung tha ngoại bang đang sôi sục trong người nàng. Tiếc là, thay vì mang cái mác Hội Cành Ô Liu cần phát huy hơn nữa tình hữu nghị anh em đằng này lại đi ngược lại truyền thống đã đề ra.
“Tôi từ bên Anh mới qua đây” - Victoria nói tưởng nghe như chính giọng bà Cardew Trench - “tôi mang theo một bức điện gởi ngài Tiến sĩ Rathbone nhưng phải chính tay tôi trao lại, tôi yêu cầu cho tôi được gặp ngài ngay! Dù bất cứ giá nào tôi cũng phải gặp ngài ngay”.
“Ngay bây giờ!” - Cô hỏi lại.
Người nữ nhân viên cùng Victoria vòng ra phía sau gian phòng, bước tới phía cầu thang băng qua lối hành lang nhìn ra khoảng sân rộng. Cô dừng lại gõ cửa. Tiếng người đàn ông bên trong vọng ra. “Cứ vào”.
Cô mở cửa ra dấu mời Victoria bước vào.
“Ngài có khách từ nước Anh đến thăm”.
Victoria bước tới, từ phía chiếc bàn bày đầy giấy tờ, một người đàn ông đứng dậy chào nàng.
Nhìn dáng người ông bệ vệ, tuổi độ sáu mươi, trán cao tóc bạc phơ. Mới nhìn qua có thể đoán ra ngay được ông là một người tử tế tốt bụng. Nếu gặp nhà sản xuất phim chắc ông sẽ nhận được một vai người chuyên đi làm phước.
Ông niềm nở tươi cười tiếp nàng Victoria.
“Thế là cô vừa ở bên nước Anh tới đây” - Ông mở lời. “Chắc là lần đầu du lịch qua xứ sở phương Đông phải không?”
“Dạ”.
“Không biết cô có cảm nghĩ ra sao? Mà thôi mai mốt kể cho ta nghe cũng đước. Chà, hình như ta gặp nhau đâu đó một lần thì phải? Ta thì trí nhớ kém mà cô không chịu nói tên”.
“Ngài không nhận ra tôi à” - Victoria nói “Tôi là bạn của Edward đây”.
“Bạn của Edward” - Tiến sĩ Rathbone ngạc nhiên “Lạ thật nhỉ. Edward đã hay tin cô đến Bát Đa chưa?”
“Dạ chưa” - Victoria đáp.
“Vậy thì hắn sẽ ngạc nhiên biết mấy khi trở về đây”.
“Trở về à?” - Victoria nói, giọng như lạc đi.
“Phải đấy, hắn đang đi công tác ở thành phố cảng Basrah. Ta cử hắn đến đó để theo dõi mấy thùng sách vừa gởi tới. Hải quan làm khó dễ chưa cho nhận hàng về. Đưa người tới để thăm hỏi cho có vậy thôi, Edward thì rành mấy việc đó. Hắn biết lúc nào nên cương lúc nào thì nhỏ nhẹ xuống nước, hắn cứ đeo bám cho đến khi nào xong thì thôi. Hắn kiên nhẫn, tuổi trẻ được như vậy hiếm có. Ta lo lắng cho Edward”.
Mắt ông chớp chớp.
“Ta nói vậy không phải là có ý khen Edward trước mặt cô”.
“Vậy chừng nào - chừng nào Edward xong việc ngoài cảng Basrah mới về đây?” - Victoria hỏi nhỏ.
“Ồ - bây giờ ta chưa nói trước được. Xong việc hắn mới về - ở xứ sở này cô chớ nên vội vã. Cô ở đâu cho ta biết để khi trở về hắn sẽ bắt liên lạc với cô”.
“Tôi chưa biết...” - Victoria nói giọng chán nản. “Tôi chưa biết liệu có tìm được việc làm không?”
“Tôi sẽ liệu giúp cô”. - Tiến sĩ Rathbone nói thiệt tình. “Cô yên tâm đi, cô sẽ kiếm được việc làm mà. Ở đây đang cần người làm, nhất là được hợp tác với mấy cô gái người Anh. Công việc đang tiến hành thuận lợi - mà cũng còn nhiều việc phải làm hơn nữa. Mọi người hăng say công tác. Ở đây có tất cả ba mươi nhân viên tình nguyện rất hăng hái nhiệt tình. Nếu quả thật cô muốn tham gia, thì thật là quý hóa lắm”.
Nghe nhắc đến hai chữ tình nguyện, Victoria tỏ vẻ thất vọng.
“Tôi muốn tìm việc làm có lương kia”. - Nàng đáp.
“Ối trời!” - Nét mặt ngài Tiến sĩ sa sầm. “Thật khó đấy. Quỹ lương hạn hẹp - và lúc này, với một đội ngũ nhân viên tình nguyên thì vừa đủ”.
“Tôi không thể chịu nổi nếu không có việc làm, tôi là một thư ký tốc ký có trình độ”. - Nàng nhắc lại, giọng khẩn khoản không một chút ngại ngùng.
“Ta biết cô là một thư ký có trình độ, một tài năng sớm bộc lộ, ta khen thật đấy. Nhưng ở đây phải nói quan trọng là vấn đề tiền nong. Nếu cô em đã tìm được việc làm, thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi đến giúp chúng tôi một tay. Nhân viên ở đây ai cũng nhiệt tình và chịu khó. Ta cứ nghĩ cô sẽ thích thú được góp phần giúp người. Có như vậy mới xóa bỏ đi được cái thói xấu man rợ trên đời này, không còn cảnh chém giết, hiềm khích, nghi kỵ lẫn nhau. Cái chúng ta cần là một không gian lớn cho mọi người xích lại gần nhau. Thơ ca, kịch nghệ, các loại hình nghệ thuật - cái vĩ đại của thế giới tâm linh - sẽ không còn đất dung nạp những tị hiềm nhỏ nhoi”.
“Kh-không” - Victoria ngập ngừng nửa tin nửa ngờ, nàng liên tưởng đến những bạn bè từng là diễn viên điện ảnh, nghệ nhân, trong cuộc sống của họ thì luôn luôn nung nấu ganh tỵ vì những chuyện vụn vặt, căm hờn tột độ.
“Hiện ta có trong tay một tác phẩm, đó là tác phẩm Giấc mộng đêm hè được dịch ra nhiều thứ tiếng” - Tiến sĩ Rathbone vừa nói. “Bốn mươi nhóm bạn trẻ cùng hướng về một tác phẩm văn học. Bọn trẻ - cũng là một ẩn số. Điều ta say mê không ai khác hơn là bọn trẻ. Một khi nhận ra tinh thần và trí tuệ khô cằn thì lúc đó đã muộn màng. Không thể được, tuổi trẻ phải xích lại gần nhau. Cô hãy xuống nhà dưới, gặp Catherine - người mới vừa gặp cô lúc nãy. Cô ta người xứ Syria vừa từ Damas đến, ta thấy hai người cùng tuổi. Hẳn nhiên là hai người không thể xích lại gần nhau, bởi không cùng quan điểm. Đã đến trụ sở Hội Cành Ô Liu này cả hai cô đây cũng như những bạn bè từ nước Nga, Do Thái, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Armeria Ai cập, Iran gặp gỡ rồi cảm thấy gần gũi, cùng đọc chung một tác phẩm, tranh luận chuyện phim ảnh âm nhạc. Ta có nhiều diễn giả tài ba, các bạn sẽ nhận ra và được thích thú với những quan điểm khác nhau - Ôi, cuộc sống là thế đó”.
Victoria không tài nào hình dung ra ngài Tiến sĩ Rathbone có vẻ lạc quan quá mức đến vậy. Cứ cho là những người bạn không cùng chính kiến một khi xích lại gần nhau nhất thiết phải thích nhau thôi. Cụ thể như nàng và Catherine đang có mặt tại đây hoàn toàn không thích gì nhau. Victoria cảm thấy thật sự lo ngại vì còn gặp nhau nữa càng ghét nhau thôi.
“Edward mới đáng khâm phục” - Tiến sĩ Rathbone nói “Hắn làm quen thân mật với một người. Khéo hơn nữa là với bọn con gái chớ không phải bọn con trai. Bọn nam sinh viên khó gần gũi là một - nghi kỵ - thù địch. Bọn nữ sinh viên thích Edward hơn. Lại giúp cho hắn được nhiều việc. Hắn cảm thấy gần gũi với Catherine hơn”.
“Thật vậy à”. - Giọng Victoria nghe lạnh tanh. Nàng cảm thấy căm ghét Catherine sâu sắc hơn.
“Thế đấy” - Ngài Rathbone cười nói “Cô cứ đến đây giúp chúng tôi khi nào có dịp”.
Nói xong, ông thân mật bắt tay nàng. Victoria bước ra ngoài đi xuống nhà dưới.
Catherine đứng bên cửa ra vào đang nói chuyện với một cô nàng vừa mới tới tay xách chiếc va-li. Cô nàng xinh đẹp nước da ngăm đen, chợt Victoria nhớ lại đã nhìn thấy cô nàng đâu một lần rồi. Cô ta quay qua nhìn lại như không hề quen biết nàng. Hai cô bạn đang mãi nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng nàng không hiểu ra. Nàng bước tới, họ thôi không nói nữa, lặng thinh, chăm chăm nhìn theo. Nàng đi ngang qua chỗ hai người đang đứng bước ra cửa, và nói được một câu chào “Đi nhé” rất lịch sự với Catherine.
Nàng men theo con hẻm ngoằn ngoèo ra tới đường phố Rashid Street, chầm chậm dạo bộ về khách sạn, nàng cứ lầm lũi bước đi không để ý đám đông hai bên đường. Nàng cố quên đi hoàn cảnh khó khăn trước mắt (đến Bát Đa không một su dính túi) tập trung tư tưởng về ngài tiến sĩ Rathbone, Hiệp hội Cành Ô Liu. Từ lúc còn ở London, Edward đã nhắc đến dấu hiệu “khả nghi” về công việc của gã. Khả nghi về việc gì? Về Tiến sĩ Rathbone hay là “Hội Cành Ô Liu?”
Victoria không tài nào nghĩ ra có vấn đề khả nghi về Tiến sĩ Rathbone. Với nàng ngài là một trong những nhân vật cổ xúy bị lầm đường lạc lối theo đuổi một thế giới lý tưởng, không màng tới thực tế ra sao.
Edward nhắc đến hai chữ khả nghi đó làm gì nhỉ? Hắn suy nghĩ mập mờ lắm. Hắn còn chưa hiểu hắn là ai nữa kia. Có lẽ nào Tiến sĩ Rathbone là một tay lừa đảo tầm cỡ. Nếu vậy tại sao tính cách của nàng lại dịu dàng quá vậy. Nghĩ đến điều đó nàng lắc đầu chán nản, thôi thì đâu cũng là lẽ thường tình.

Chương trước Chương sau