Đợi chờ - Chương 04

Đợi chờ - Chương 04

Đợi chờ
Chương 04

Ngày đăng
Tổng cộng 17 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 14159 lượt xem

Barley đã đóng trại ở phía đầu kia gian phòng, càng xa chúng tôi càng tốt. Ngồi ngất ngưởng trên một chiếc ghế học trò không tiện nghi, ông ta cầm ly rượu uýt-ki trong hai tay và ngắm nghía ly rượu, đầu nghiêng nghiêng như một triết gia hay nói đúng hơn là một nhà tư tưởng tự do cô đơn, vì thực tế ông ta nói với chính mình, với một giọng vừa khoa trương vừa sâu sắc, chỉ ngừng để uống một ngụm rượu hay gật đầu khi nhấn mạnh một chi tiết cá nhân và thường là tối nghĩa trong chuyện kể của ông ta. Ông ta kể với vẻ quan trọng của một nhân chứng hay ngờ vực của một thảm kịch, thí dụ một sự chết chóc hay một tai nạn xe hơi: tôi ở đây, ông đứng đầu kia, và kẻ đi đến từ phía này.
- Tại hội chợ triển lãm sách vừa qua ở Matxcơva, một ngày Chủ nhật. Không phải Chủ nhật trước, mà là Chủ nhật sau, - Barley kể.
- Một chủ nhật của tháng chín – Ned nhắc.
Barley quay đầu về phía Ned và nói đôi lời cám ơn, như thể ông ta tán thưởng sự trợ lực của Ned. Rồi ông ta kể tiếp:
Chúng tôi mệt lử. phần nhiều các người có sách trưng bày, ngày thứ sáu đã sắp xếp hành lý để ra về. Chỉ còn lại một nhóm nhỏ những người có những hợp đồng cần điều chỉnh, và những ai không có một lý do nào đích xác để trở về nước sớm. Tối thứ bảy, chúng tôi dự một buổi tiệc ăn uống say sưa, và Chủ nhật đi đến Peredelkino, trong chiếc xe của Jumbo.
Bỗng nhiên hình như ông ta nhớ lại là ông ta có một thính giả.
- Peredelkino là làng của các nhà văn Liên Xô. – Ông ta giải thích như thể chứng tôi chưa bao giờ nghe nói đến làng ấy. – Người ta cấp cho họ một số datcha (1). Hội Nhà văn quản lý ngôi làng.
- Jumbo là ai thế? – Ned hỏi.
- Jumbo Oliphant, giám đốc Nhà xuất bản Lupus Books. Ông ta là người AiLen và là một nhân vật quan trọng của Hội Tam Điểm. Ông ta có thẻ vàng.
Chợt nhớ ra có mặt Bob ở đây, Barley quay đầu về phía Bob và nói:
- Không phải thẻ vàng của American Epress, mà là thẻ vàng của hội chợ triển lãm sách ở Matxcơva. Có thẻ vàng ấy, Jumbo được cấp miễn phí một chiếc xe, một phiên dịch, một phòng khách sạn và một hộp cavian, Jumbo đã sinh ra với một thẻ vàng trong nôi.
Bob mỉm cười một cách cởi mở để chứng tỏ rằng mình cũng thích đùa.
Barley tiếp tục kể:
- Thế là tất cả chúng tôi đã đi thăm làng của các nhà văn Liên Xô, Oliphant của nhà sách Lupus; Emery của Bodley Head; và một cô của Penguin mà tôi không nhớ tên. À, nhớ ra rồi: Magda. Quỉ tha ma bắt, làm sao tôi lại có thể quên cô ta được? Và Blair của A and B. Chúng tôi có ý định đi tham quan ngôi nhà cũ và mộ của Pasternak (2). Lúc khởi hành, Jumbo Oliphant không biết Pasternak là ai, nhưng Magda đã nói nhỏ “Tác giả quyển tiểu thuyết Bác sĩ Jivago mà ông ta có xem phim rồi đó”.
Barley ngừng lại một lát rồi kể tiếp:
- Mộ của Pasternak ở trên một ngọn đồi. Ngày hôm ấy, với không khí tự do mới mẻ của thời mở cửa, khi chúng tôi đến nơi, đã có trên vài trăm người hâm mộ đủ mọi thành phần tụ tập chung quanh mộ của nhà văn. Tấm bia biến mất dưới những bó hoa chất chồng càng lúc càng cao. Người ta phải chuyển các bó hoa từ tay người này sang tay người khác, qua trên đầu họ, để có thể đặt bó hoa lên chóp đống hoa. Rồi để tỏ lòng tôn sùng Pasternak, người ta trích đọc các tác phẩm của nhà văn. Một người đàn ông nhỏ thó, đọc thơ của Pasternak. Một cô gái mập mạp đọc văn xuôi. Tiếp đến, có một người nào đó cất tiếng hát to. Các người khác đồng thanh hát lại các điệp khúc và cảnh trạng chung quanh ấy đã có không khí như một lễ hội. Tiếng hát càng lúc càng to hơn và cũng huyền bí hơn. Tôi biết được năm ba chữ tiếng Nga, các người khác thì còn biết ít hơn nữa.. nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng tôi cùng tham dự lễ với họ. Điều ấy cũng đã không ngăn cản Magda khóc như một Madeleine, và Jumbo tuyên bố với giọng nghẹn ngào rằng, có Chúa Trời chứng giám, ông ta sẽ xuất bản toàn bộ tác phẩm của Pasternak từ chữ đầu đến chữ cuối, và ông ta hứa sẽ xuất tiền túi để in ấn ngay sau khi về đến nhà. Jumbo thỉnh thoảng có những lúc bồng bột như thế.
Barley mỉm cười ngừng kể, nhăn mày một lần nữa, cất kính mắt rồi nhìn đăm đăm chúng tôi hết người này đến người khác như thể nhớ lại tình hình hiện tại trước khi kể tiếp.
- Chúng tôi đang tiếp tục từ trên đồi đi bộ xuống, thì cũng người Nga nhỏ thó đó vội vã chạy tới phía chúng tôi, tay cầm một điếu thuốc ngang mặt như cầm một ngọn nến và hỏi chúng tôi có phải là người Mỹ không.
Clive ngắt lời Barley và hỏi:
- Cũng người Nga nhỏ thó ấy? người Nga nhỏ thó nào? Cho đến bây giờ chúng tôi có nghe ông nói đến đâu.
- Ôi, lạy Chúa! Thì là cái ông đã ngâm thơ của Pasternak ở bên mộ ấy. Tôi đã nói rồi mà. Ông không nhớ sao mà còn hỏi. Chính ông ấy đã hỏi chúng tôi có phải là người Mỹ không. Và tôi đã trả lời là không phải, cám ơn Chúa, chúng tôi là người Anh.
Tôi nhận thấy Barley đã đóng vai trò phát ngôn viên của đoàn, chứ không phải Oliphant, Emery hay Magda.
Barley chuyển sang cuộc đối thoại ttrực tiếp. Nhờ có tài bắt chước giọng của người khác, Barley nói giọng Nga khi đóng vai người đàn ông nhỏ thó và nhại giọng Ailen khi đóng vai Oliphant.
- Các ông là nhà văn? – Người đàn ông Nga nhỏ thó hỏi (do miệng của Barley nói giọng Nga).
- Không, chúng tôi chỉ là những nhà xuất bản – Barley trở lại giọng của chính mình để trả lời.
- Những nhà xuất bản Ăng-lê?
Chúng tôi tham dự hội chợ triển lãm sách ở Matxcơva. Tôi cai quản một nhà xuất bản nhỏ có tên là Abercrombie and Blair. Còn ông này chính là giám đốc của nhà xuất bản Lupus Books. Một người rất giàu. Một ngày nào đó ông ta sẽ đứng ra bảo trợ cho các nhà văn. Thẻ vàng và tất cả những gì nữa. Không phải sao Jumbo?
Oliphant trách Barley lắm điều. Nhưng người đàn ông nhỏ thó muốn biết thêm.
- Tôi xin hỏi các ông đã làm gì bên phần mộ của Pasternak?
- Ồ chỉ là ngẫu nhiên thôi, - Oliphant nhanh nhảu đáp – Một điều hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng tôi thấy có đám đông, nên đã đến xem việc gì đang xảy ra. Quả thật chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên. Thôi, chúng tôi đi đây.
Nhưng Barley không hề có ý định bỏ đi. Những lời lẽ và cử chỉ của Oliphant làm cho ông ta bực tức, và ông ta không muốn để cho một anh chàng tỉ phú Ailen mập ú đối xử với người đàn ông nhỏ thó kia như thế.
- Chúng tôi đã làm như tất cả các người ở đây đã làm – Barley đáp – Chúng tôi đã đến đây để ngưỡng mộ một nhà văn lớn. Chúng tôi đã vô cùng tán thưởng những bài thơ mà ông đã đọc. Thật là cảm động. Ông đã trích đọc một đoạn rất hay. Thật tuyệt vời.
- Ông khâm phục Pasternak chứ?
Oliphant một lần nữa lại xen vào (cũng do Barley nhại giọng của Oliphant để nói).
- Chúng tôi không có một quan niệm nào về Boris Pasternak hay bất cứ một nhà văn Liên Xô nào khác. Chúng tôi đến đây với tư cách là khách được mời. Và chỉ với tư cách là khách được mời. Chúng tôi không có ý kiến về các vấn đề nội bộ của Liên Xô.
- Chúng tôi nhận thấy Pasternak là một thiên tài – Barley cắt ngang – Ông là một ngôi sao có tầm cỡ thế giới.
- Nhưng vì sao? – Người đàn ông nhỏ thó hỏi.
- Chúng tôi trân trọng tài năng nghệ thuật của Pasternak. – Barley đáp. – Trân trọng lòng nhân ái và nhất là khả năng của Pasternak làm xúc động trái tim của dân chúng Nga.
- Nếu các ông có long kính trọng Pasternak đến như thế, các ông hãy đi với tôi, và tôi sẽ giới thiệu với các ông những người bạn. – Người đàn ông nhỏ thó gợi ý. – Tất cả chúng tôi đều là nhà văn. Chúng tôi có một cái Datcha. Chúng tôi sẽ rất hân hạnh được đàm luận với những nhà xuất bản Ăng-lê có nhân quan.
Theo Barley, Oliphant hốt hoảng khi nghe người đàn ông nhỏ thó nói những lời đầu tiên. Ông ta sợ bị gài bẫy, bị lôi cuốn vào việc mua bán ma tuý…. Hơn nữa, ông ta đang cố gắng ký một hợp đồng liên doanh xuất bản qua trung gian của VAAP.
Barley bảo Oliphant, Emery, và Magda lên xe về trước. Còn ông ta đi theo người đàn ông nhỏ thó.
- Nejdanov! – Đột nhiên Barley reo lên. – Bây giờ tôi nhớ lại tên ông ta rồi. Nejdanov. Một nhà viết kịch.
- Này ông bạn thân mến bây giờ là một anh hùng. Ba trong các vở kịch một hồi của ông sắp được diễn tại Maxcơva trong năm tuần liền và mọi người đều nô nức sẽ đi xem cho bằng được.
Lần này là lần đầu tiên kể từ khi ông ta gặp Barley, gương mặt ông ta rạng rỡ một niềm hân hoan mãnh liệt, và đột nhiên tôi có cảm tưởng đó là bản chất sâu kín của con người ông ta.
- Thế thì tuyệt vời! – Barley reo lên với vẻ thích thú chân thực của một người biết tán thưởng sự thành công của người khác. – Tuyệt vời. Cám ơn ông đã cho tôi biết điều đó. – Barley nói thêm với vẻ như đột nhiên trẻ trung lại.
Nhưng chẳng mấy chốc nét mặt ông ta lại sa sầm, và ông ta nhấp giọng rượu uýt-ki trong ly.
- Nói tóm lại, có rất đông người. Người ta càng điên, người ta càng vui cười. Tôi giới thiệu với ông, đây là người em họ của tôi. Ông hãy dùng một cái bánh hot-dog đi cho nóng.
Một ngôi nhà thật lớn đầy dẫy những xó, những góc, Barley diễn tả theo kiểu văn điện tín mà ông ta đã chọn. Tường lát ván xéo chồng nhau. Những mái hiên một khu vườn, một rừng phong. Nhiều ghế dài, một bếp di động đun bằng than. Khoảng ba mươi người ở trong vườn, phần nhiều là đàn ông, người ngồi, người đứng, người đang nấu nướng, người đang uống rượu. Đậu dọc theo đường là những chiếc xe cũ giống như xe Ăng-lê trước khi Thatcher lên cầm quyền. Những người này mặt mày khả ái, nói năng một cách thoải mái. Tất cả đều thuộc giới văn nhân thi sĩ. Nejdanov đi đến, Barley đi theo sau.
- người tiếp đãi chúng tôi là một nhà thơ nữ - Barley nói – Tamara gì đó. Lesbienne, mỹ miều. Chồng là chủ bút một tạp chí khoa học. Nejdanov là em rể của ông ta. Ở đây ai cũng là anh hay em rể, anh hay em vợ của một người khác.
Barley kể với chúng tôi rằng ông ta đã cùng với Nejdanov đi đến với nhóm này, nhóm khác, rồi sau đó một mình vừa uống rượu vừa nói chuyện với bất cứ ai nói chuyện với ông ta.
- Khi đến giờ ăn trưa – Barley kể tiếp. – Chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn gồm một tấm ván kê trên những con ngựa gỗ. Tôi ngồi một đầu, Nejdanov ngồi ở đầu bên kia, trên bàn có những chai rượu vang trắng, sản phẩm của Géorgie, mọi người đàm luận bằng tiếng Anh về chính sách Perestroika.
Clive lại ngắt lời Barley. Ông ta không muốn nghe những chi tiết vô ích, ông muốn biết tên những người nói chuyện với Barley.
- Clive, ông muốn biết tên, thì đây. Một người là giáo sư đại học quốc gia ở Matxcơva, nhưng tôi không nhớ tên ông ta. Một người khác quản lý các kho hoá phẩm, đó là người anh em cùng cha khác mẹ của Nejdanov, và họ gọi ông ta là dược sư. Cũng có một người khác nữa, tên là Grégor, nhưng tôi không biết ông ta họ gì. Chỉ biết ông ta là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
- Có phụ nữ cùng ăn không? – Ned hỏi.
- Có. Có hai người, nhưng không có Katia, - Barley đáp.
- Nhưng cũng có một người khác nữa phải không.
Barley từ từ ngửa đầu lên để uống rượu, rồi kẹp cái ly vào giữa hai đầu gối, cúi xuống nhìn vào đó như thể để tìm nơi đó một câu trả lời thận trọng.
- Đúng như thế, luôn luôn phải có một người nào khác. Nhưng không phải là Katia.
Giọng nói của Barley đã thay đổi, mặc dù tôi không đủ khả năng để phân tích nó thay đổi như thế nào. Có thể là ít lanh lảnh hơn, với một chút luyến tiếc hay ân hận.
- Tôi cũng như những người khác, chúng tôi chờ đợi, vì chắc chắn chúng tôi đã cảm thấy có một điều gì đó khác thường đang lộ ra nơi chân trời.
- Một người nhiều râu – Barley nói tiếp, đôi mắt nhìn vào bóng tối lờ mờ như thể cuối cùng ông ta chợt nhận ra người kia. – Cao lớn, mặc một bộ đồ màu sẫm và đeo cà vạt đen. Mặt hốc hác. Chắc chắn đó là lý do vì sao ông ta nhiều râu. Tóc đen. Say rượu luý tuý.
- Ông ta có một cái tên chứ? – Ned hỏi.
Barley luôn luôn thám xét trong bóng tối lờ mờ, tả người mà không một ai trong chúng tôi có thể nhìn thấy.
- Geothe. – cuối cùng Barley trả lời – Họ gọi ông ta là Geothe (3). Tôi giới thiệu với các ông nhà văn đại tài của chúng ta, Geothe. Ông ta trông có vẻ như đã năm mươi tuổi hay mới mười tám đôi mươi.
Sau này, khi cho phát lại cuốn băng ghi âm, Ned cho biết đúng lúc ấy, nói một cách kỹ thuật, Chim Xanh cất cánh. Barley chọn lúc ấy để lên cơn hắt hơi. Mới đầu ông ta nhảy mũi vài cái cách nhau, rồi tăng dần lên đến một tràng dài liên tiếp trước khi dịu dần.
- Xin lỗi – Barley nói. Rồi ông ta kể tiếp: - Trong lúc đàm đạo, tôi nói năng lưu loát, không hề vấp váp. Tôi là nhà vô địch, là ngôi sao sân khấu và màn bạc. người phương Tây nhã nhặn và hấp dẫn. Chính vì thế mà tôi đã sang bên ấy, phải không? Chỉ có người Nga khờ khạo mới chịu nghe những chuyện ngu ngốc của tôi.
Barley lại chúi mũi xuống trên ly rượu.
- Bên kia là như thế đó. Người ta làm một chuyến đi chơi ở vùng quê, và người ta thấy mình ở trung tâm một cuộc tranh luận về tự do và trách nhiệm với những nhà thơ say mèm. Nếu bạn đi tiểu tiện trong những nhà vệ sinh công cộng, sẽ có một người nào đó nghiêng mình qua bức tường ngăn và hỏi bạn có sự sống sau cái chết hay không. Bạn là người phương Tây, bạn phải biết điều đó. Thì bạn cứ trả lời với người ấy rằng chẳng có gì mất đi hết.
- Barley, ông hãy cho chúng tôi biết những gì đã xảy ra và dành cho chúng tôi phần bình luận, ông đồng ý chứ? – Clive gợi ý.
- Những gì đã xảy ra, tôi đã tỏ ra khá xuất sắc trong lúc đàm đạo với họ. Thôi hãy cho qua đoạn này đi.
- Ông đã nói về những vấn đề gì? – Clive hỏi.
- Ôi, – Barley nhún vai – nói về chính sách Perestroika, về hoà bình tiến bộ và Glanost, về sự giải trừ binh bị ngay lập tức vô điều kiện.
- Ông có thể cho chúng tôi biết những gì ông đã nói không? – Clive hỏi.
- Tôi đã nói rằng giải trừ binh bị không phải là một vấn đề quân sự và cũng không phải là một vấn đề chính trị, mà đơn giản chỉ là một vấn đề ý chí của con người. Vấn đề là phải biết người ta sẽ gặt hái những gì mà người ta sẽ gieo.
Barley ngừng lại để phân trần với Ned:
- Tôi đã nói căn cứ theo những bằng chứng mà tôi đã đọc được nơi này một ít nơi kia một ít.
Chắc hiểu rằng chúng tôi chờ đợi một sự giải thích rõ ràng hơn, ông ta nói tiếp:
Tôi đã nói rằng tôi tin cậy ở Gorbatchev. Tôi đã nói rằng Tây phương phải có một Gorbatchev của mình và Đông phương phải hiểu sự quan trọng của ông Gorbatchev của họ. Rằng nếu người Mỹ cũng tha thiết với việc giải trừ binh bị bằng việc đưa con người lên mặt trăng, thì người ta đã có được sự giải trừ binh bị lâu rồi. Tôi cũng đã có nói rằng tội ác lớn hơn hết của Tây phương là tin rằng họ có thể phá tan hệ thống Xô Viết bằng một sự vượt trội trong cuộc chạy đua vũ trang, vì lẽ nếu xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba,thì toàn thể nhân loại sẽ bị huỷ diệt.
Walter lấy tay che miệng cười khúc khích.
Không nao núng, Barley nói tiếp:
- Có người đã hỏi tôi rằng tôi không nghĩ rằng vũ khí hạch tâm đã gìn giữ hoà bình trong bốn mươi năm hay sao? Tôi đã trả lời rằng đó là những luận điệu ngu xuẩn. Nói như thế chẳng khác nào nói thuốc súng đại bác đã gìn giữ hoà bình trong thời gian giữa Waterloo và Sarajevo. Và nói cho cùng, thế nào gọi là hoà bình? Bom đạn đã không ngăn cản được chiến tranh Triều Tiên cũng như không ngăn cản được chiến tranh Việt Nam. Bom đạn cũng đã không can ngăn được người ta đừng xâm chiếm Tiệp Khắc, đừng phong toả Berlin, đừng xây bức tường Berlin hay đừng đưa quân vào Afghanistan. Nếu gọi đó là hoà bình thì chúng ta hãy cố gắng đem lại hoà bình mà không có bom đạn. Tôi có nói điều người ta phải làm, không phải là nghiên cứu về không gian mà là về nhân tính. Rằng các siêu cường phải chung sức, phải đoàn kết để giữ gìn trật tự trên toàn thế giới. Tôi đã nói một cách say sưa.
- Và bây giờ ông tin một cách thật sự những gì ông đã nói? – Clive hỏi.
Barley không trả lời câu hỏi ấy mà nói tiếp:
- Và sau đó, người ta đã nói về nhạc jazz, Bix Beiderbecke, Louis Armstrong, Lester Young. Tôi cũng có chơi một chút.
- Ông muốn nói một người nào đó có một cái kèn saxo? – Bob reo lên một cách thích thú, - Họ có những nhạc khí gì khác nữa? Một cái trống lớn? Một cái não bạt?
Tôi tưởng Barley sắp đi ra ngoài. Ông ta đứng lên, đưa mắt tìm cửa và đi tới phía đó. Nhưng Barley ngừng lại ở giữa đường, trước một cái bàn thấp bằng gỗ chạm, cúi xuống trên cái bàn ấy và hát “pah-pah-pah-pah- pah-pah-pah”, vừa hát giọng mũi, vừa gõ gõ các đầu ngón tay để bắt chước đánh nhịp hoà theo của não bạt và trống lớn.
Bob đã vỗ tay, cũng như Walter và tôi. Ned cười. Chỉ một mình Clive là chẳng có vẻ gì thích thú.
- Sau đó có người đã hỏi tôi như thế này: “Barley, hay lắm. Giả thiết rằng tất cả đều đúng như ông nói. Ai sẽ đảm trách các cuộc nghiên cứu về nhân tính?”
- Người nào hỏi? – Clive hỏi.
Một trong những thực khách. Có gì quan trọng?
- Chúng ta hãy theo quy tắc là tất cả mọi sự đều quan trọng – Clive bắt bẻ. – Và ông đã trả lời người ấy như thế nào?
- Tôi đã trả lời: Chính các ông phải đảm trách công việc ấy. Chứ sao lại là chúng tôi. Bởi vì muốn có những thay đổi triệt để, người Nga giỏi hơn người Tây phương chúng tôi. Các ông có một giới lãnh đạo tập trung và một giới trí thức có rất nhiều ảnh hưởng đối với dân chúng. Trong một nền dân chủ kiểu Tây phương, làm cho dân chúng nghe theo là một việc khó khăn hơn nhiều.
- Này Barley – Bob nói, - đó là một quan niệm hơi trừu tượng, nhưng tôi tin rằng trong đó cũng có phần đúng.
- Ông có kiến nghị một hành động nào không? – Clive hỏi thêm.
- Tôi nói chỉ còn vấn đề lý tưởng và những gì mà hai mươi năm trước đây có vẻ như là một điều mơ tưởng điên rồ, thì bây giờ là hy vọng duy nhất của chúng ta, đó là vấn đề tài giảm binh bị, vấn đề sinh thái học, hay nói một cách đơn giản, vấn đề sống còn của nhân loại. Tôi cũng nói giới trí thức Tây phương phải lấy lại ảnh hưởng của mình, Tây phương phải nêu gương chứ không phải đợi người ta làm trước rồi mới noi theo.
- Ông muốn nói Tây phương phải đơn phương tài giảm binh bị chứ gì? – Clive nói và siết chặt hai bàn tay lại với nhau. – Thế đó. Tốt, được rồi.
Ông ta không nói “rồi” mà nói “rùi”, đó là lối nói của ông ta khi nghĩ một đường mà nói một nẻo.
Rồi ông ta lại hỏi thêm:
- Và trong lúc ông trổ tài hùng biện như thế thì cái ông Goethe có nói gì không?
- Không nói gì cả. Mọi người đều có phát biểu ý kiến, trừ ông ta.
- Nhưng ông ta nghe và trố mắt ra, phải không?
- Lúc ấy, người ta đang kiến thiết lại thế giới. Yalta (4), họ thân mật vỗ vai nhau lần thứ hai. Mọi người tranh nhau nói, trừ Goethe. Ông ta không ăn, không nói. Tôi không ngừng nhìn vào mặt ông ta mà phát biểu ý kiến, chỉ vì ông ta không tham gia vào cuộc đàm luận. Nhưng điều đó chỉ thúc đẩy ông ta uống rượu nhiều hơn. Cuối cùng tôi đành chịu thua.
Vẫn với giọng thất vọng bất bình, Barley nói tiếp:
Và Goethe không đưa ra một quan điểm nào. Suốt cả buổi chiều không nói một tiếng. Goethe nghe, mắt đăm đăm nhìn đâu đâu. Đôi khi ông ta cười, nhưng không bao giờ cười khi có điều gì đó ngộ nghĩnh một chút. Thỉnh thoảng ông ta đứng lên, đi thẳng tới cái bàn rượu tìm một chai vodka khác, trong lúc mọi người uống rượu vang, và trở về chỗ cũ với một cốc đầy mà ông ta chỉ uống vài hớp là cạn khi người ta đề nghị nâng ly rượu mừng. Nhưng chính ông ta thì không bao giờ đề nghị. Ông ta thuộc hạng người nhờ im lặng mà gây được một ảnh hưởng tâm lý, đến nỗi cuối cùng người ta tự hỏi rồi người ấy sẽ chết vì sinh bệnh hay đang dựng lên một dự án lớn.
Khi Nejdanov đưa tất cả mọi người vào trong nhà để nghe nhạc, Goethe lặng lẽ đi theo. Đêm đã khuya, trong lúc tôi hầu như đã quên trên đời này có Goethe, tôi mới nghe ông ta nói.
Bây giờ mới nghe Ned đặt một câu hỏi:
- Các người khác đối cử với Goethe như thế nào?
- Họ kính trọng ông ta. Họ coi ông ta là bậc thầy của họ. Họ nói “chúng ta bây giờ xem Goethe có ý kiến như thế nào về vấn đề ấy”. Goethe nâng ly lên uống chúc mừng mọi người, và mọi người đều vui cười trừ ông ấy.
- Các bà cũng có thái độ như thế chứ?
- Tất cả. Họ khâm phục ý kiến của ông ta. Có thể nói họ trải thảm đỏ để rước ông ta.
- Và không có ai nói với ông nơi Goethe ở, nơi ông ta làm việc sao?
- Không. Họ chỉ nói ông ta đến đây từ một nơi mà ở đó ông ta không thể uống rượu được, và vì thế ông ta thường đi nghỉ phép nơi này đến nơi khác để uống.
- Ông tin rằng họ che chở ông ta phải không?
Tôi có ý nghĩ rằng những lúc tạm ngừng của Barley, quả thực rất lạ lùng. Sự tiếp xúc của ông ta với môi trường chung quanh mỏng manh đến nỗi tâm trí ông ta hình như đang nghĩ gì ở đâu.
Chú thích:
(1) Datcha: ngôi nhà kiểu nông thôn ở nước Nga – ND.
(2) Pasternak: Nhà văn Nga (1890-1960), giải thưởng Nobel văn chương 1968. Bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô, nhưng đã được phục hồi danh dự năm 1987. – ND.
(3) Geothe (1749-1832): Đại văn hào Đức.
(4) Yalta: tại hội nghị Yalta năm 1945, ba nước Anh, Mỹ và Liên Xô đã bắt tay nhau.
- Phải, - đột nhiên Barley nói – Phải, phải, họ che chở ông ta. Đúng như thế. Đây là câu lạc bộ của những người hâm mộ ông ta nhiệt liệt.
- Vì sao họ che chở ông ta?
Barley lại tạm ngừng.
- Có thể vì ông ta không phát biểu ý kiến. Lúc đó tôi cũng không có ý nghĩ như thế, nhưng bây giờ thì có.
- Và vì sao ông ta muốn tránh phát biểu ý kiến? Ông có thể cung cấp cho chúng tôi một lý do, mà lý do đó không phải do ông bịa ra không? – Clive nhấn mạnh, rõ ràng là để chọc giận Barley.
Nhưng Barley không tỏ vẻ bực tức.
Tôi không bao giờ bịa đặt, - ông ta đáp.
Barley lại im lặng. Rồi nhăn mày, ông ta lẩm bẩm vài lời nguyền rủa, và đột ngột cười lên một tiếng, rồi nói:
- Tôi giật mình thức dậy lúc nửa đêm. “Lạy Chúa, tôi đang ở đâu thế này?” Tôi đang ở trong một mái hiên, nằm trên một cái ghế dài, đắp một cái áo choàng. Thoạt tiên tôi tưởng mình đang ở bên Mỹ. Vì bên đó tại một số bang, có mái hiên tương tự. Nhưng tôi không hiểu sao tôi lại có thể đi đến Mỹ nhanh như thế sau một bữa ăn trưa ở Peredelkino. Và rồi tôi sực nhớ ra họ đã thôi không còn nói chuyện với tôi nữa, và tôi đã đâm ra buồn chán. Chẳng có gì bất lịch sự cả. Đơn giản chỉ vì họ quá chén và tôi cũng đã ngán nghe những lời lẽ của những người say rượu. Thế là tôi đi ra ngoài mái hiên với một chai uýt-ky. Một người nào đó đã đắp cho tôi một cái áo choàng để che sương. Chắc là ánh trăng rằm đã đánh thức tôi dậy. Và tôi nghe có tiếng người nói với tôi. Vẻ nghiêm chỉnh. Tiếng Anh rất sỏi. Lạy Chúa, tôi tự nhủ, giờ này mà còn có khách khứa. “Này ông Barley, có những sự đau đớn cần phải có. Nhưng cũng có những sự đau đớn khác tai hại hơn cần thiết.” Ông ta trích dẫn những gì tôi đã nói trong bữa ăn trưa, một câu mà tôi đã trích dẫn trong bài diễn thuyết của tôi về vấn đề hoà bình trên thế giới. Tôi không nhớ chính tôi đã trích dẫn câu nói ấy của ai. Tôi nhìn ông ta gần hơn, và tôi đã thấy con diều hâu nhiều râu kia, một chai rượu vodka cầm tay, tóc tung bay trước gió. Ông ta ngồi gần bên tôi, và đã rót rượu đầy ly. “Chào Goethe”, – tôi nói – “Ông còn chưa chết? Nhờ đó mà tôi có cái thú được gặp ông”.
Nhìn nét mặt ông ta đột nhiên sa sầm, Barley hình như có vẻ khó chịu, rồi kể tiếp:
- Và ông ta lại nêu ra một câu khác trong những câu châu ngọc mà tôi đã nói trong bữa ăn trưa: “Tất cả các nạn nhân đều bằng nhau. Không ai hơn ai”. Tôi đã cười, nhưng không cười nhiều. Tôi cảm thấy hơi bực dọc. Tôi có cảm tưởng bị người ta theo dõi. Lão ta đã ngồi lỳ trong suốt cả bữa ăn ấy, say tuý luý, không ăn, không nói một tiếng nào. Và đột nhiên, mười giờ sau, lão ta tuôn ra những lời tôi đã nói như một cái máy ghi âm. Thật là khó chịu.
Tôi đã nói với lão ta: “Goethe, ông là ai? Ông làm gì trong đời khi ông không uống rượu và không nghe người khác nói?”
“Tôi là một người đứng ngoài vòng pháp luật về mặt tinh thần. Tôi nghiên cứu những học thuyết lớn có tính thế tục”.
“Gặp được một tác giả luôn luôn là điều thích thú đối với tôi. Lúc này ông đang viết những gì?”
“Mỗi loại một ít. Những tiểu luận lịch sử, những vở kịch, những chuyện hư cấu, giả tưởng, những chuyện tình.”
“Rồi ông ta chọc quê tôi: “Này ông Barley. Ông là nhà xuất bản. Sao ông không hỏi tôi đã tìm ý ở đâu?”
“- Barley. Tôi tìm ý, thứ nhất…” và ông ta đếm trên các đầu ngón tay của ông ta.
Barley duỗi thẳng các ngón tay của mình ra để bắt chước Goethe và đổi giọng sang giọng người Nga, nói:
“Tôi tìm ý của tôi… một, trên các khăn bàn ăn bằng giấy của các quán cà phê ở Berlin trong các năm của thập niên 30”. Goethe uống một hớp vodka, rồi ợ lên: “Hai, trong các sách, báo xuất bản của những người giỏi hơn tôi. Ba, trong các dự định hay ước mơ bỉ ổi của các tướng lãnh hay chính trị gia của tất cả các nước. Bốn, trong giới chuyên viên khoa học bị bọn phát xít cưỡng bức làm việc cho chúng. Năm, trong dân chúng Liên Xô. Và sáu, trong những dịp rất hiếm có, trong tài trí của một nhà trí thức xuất sắc của phương Tây, đột ngột xuất hiện trong đời tôi. “Rõ ràng là ông ta muốn ám chỉ tôi, vì ông ta nhìn tôi đăm đăm để dò phản ứng của tôi. Và bỗng ông ta thay đổi thái độ, ông ta có vẻ nghi ngờ”. Trong bữa ăn trưa, ông đã đóng kịch rất khéo. Bằng cách nào ông đã thuyết phục Nejdanov mời ông đến dự với chúng tôi?” “Thật chua cay, chẳng khác nào ông ta nói: Tôi không tin ông”.
“- Tôi đã không thuyết phục Nejdanov . Đó là ý của ông ta. Thật sự ông muốn nói bóng gió đến điều gì?”
“Ý ấy không của ai hết. Chính ông đã nhồi nhét ý ấy vào trong đầu óc của Nejdanov. Ông là một người có thủ đoạn. Ông giỏi lắm, hoan hô!”
Và thay gì tiếp tục tuôn ra những lời lẽ chế giễu có tính cách xúc phạm tôi, Goethe bám vào vai tôi như một người sắp chết đuối. Tôi sợ ông ta có thể nôn ra trên người tôi. Tôi cố giúp đỡ ông ta, nhưng không biết phải làm gì. Ông ta nóng hừng hực, mồ hôi toát ra như tắm… Tôi tự nhủ phải mở nút cổ áo sơ mi của ông ta. Và sau đó tôi nghe tiếng ông ta nói ngay trong lỗ tai tôi. Mới đầu tôi không hiểu ông ta nói gì, vì ông ta đứng quá gần. Tôi thụt lùi, nhưng ông ta vẫn bám sát vào tôi.
Ông ta đã thì thầm: “Tôi tin từng lời ông đã nói ra. Các lời ông nói đã đi thẳng vào trái tim tôi. Ông hãy hứa với tôi rằng ông không phải là một điệp viên Ăng-lê, và tôi sẽ hứa với ông rằng tôi không phải là một điệp viên của Nga.” Ông ta đã nói câu ấy từng chữ một như thể ông ta lấy làm xấu hổ. Ông ta nhớ từng câu tôi đã nói. Và tôi, tôi cũng nhớ từng lời ông ta đã nói.
“- Không, Goethe thân mến, tôi không phải là một điệp viên. Tôi chưa bao giờ là điệp viên và sẽ không bao giờ là một điệp viên cả. Ông thích chơi cờ chứ? Chúng ta hãy nói chuyện chơi cờ đi”.
Hình như ông ta không nghe câu tôi hỏi. Vì ông ta hỏi tôi: “- Và ông không phải là điệp viên của Mỹ chứ? Ông không phải là điệp viên của bất cứ ai, ngay cả của Nga cũng không?”
“- Này Goethe, hãy nghe tôi nói đây. Không giấu gì ông, tôi bắt đầu bực mình rồi đấy. Tôi không phải là gián điệp của bất cứ ai. Tôi là tôi. Thế thì, hoặc là chúng ta nói chuyện chơi cờ, hoặc là ông đi gõ một cánh cửa khác, đồng ý không?” Tôi tưởng ông ta ngậm tăm, nhưng tôi đã lầm. Ông ta rất thạo môn cờ, và đã nói với tôi rằng: “mỗi tay chơi cờ có chiến lược của mình, và nếu tay này không đoán được chiến lược của tay kia, hay lơ là không chú ý một chút thì tay kia thắng. Trong cuộc cờ, lý thuyết là sự thật. Nhưng trong cuộc đời, ít ra là trong một số trường hợp, người ta có thể ở trong một tình thế mà một tay chơi cờ có những ý tưởng kỳ cục về tay kia đến nỗi cuối cùng anh ta tự tạo cho mình kẻ thù mà anh ta cần. Không phải sao?” – “Vâng, Goethe, tôi hoàn toàn đồng ý”. Và Goethe đột ngột thanh minh như tất cả những người đã uống quá chén thường làm. Vì sao ông ta còn sống trên đời? Độc nhất chỉ để tôi nghe ông ta? Ông ta nói rằng ông ta sinh ra với hai linh hồn, như Faust (1), vì thế mà người ta gọi ông là Goethe. Ông ta kể với tôi về gia đình của ông ta, về cuộc đời của ông ta và cuối cùng ông ta nói ông ta muốn hứa với tôi một điều, rằng ông ta khâm phục người Anh. Người Anh có đạo đức hơn hết ở châu Âu, là những máy điều hoà kín đáo, những người làm thống nhất ý tưởng lớn của châu Âu. Còn người Mỹ thì đã đầu độc thế giới với lý luận thực dụng của họ. Nếu người láng giềng của tôi có một chiếc xe, tôi phải có hai chiếc. Nếu người láng giềng của tôi có một khẩu súng lục, tôi phải có hai khẩu. Nếu người láng giềng của tôi có một trái bom, tôi phải có một trái to hơn và nhất là nhiều hơn, ngay cả nếu chúng được thả xuống không trúng đích. Thế là tất cả những gì tôi phải làm, đó là tưởng tượng ra khẩu súng của người láng giềng của tôi và chế tạo ra một khẩu súng giống như thế, bằng lập luận ấy, tôi biện minh tất cả những gì tôi chế tạo là chính đáng. Không phải sao?
Vladimir Petcherine. Ông ta muốn tận tâm phục vụ nhân loại. Ông ta đã đi tu và trở thành giáo sĩ. Petcherine yêu Chúa nhưng ghét khoa học, ngoại trừ nếu khoa học chú trọng đến linh hồn con người. Tôi đã hỏi ông ta bao nhhiêu tuổi. Tuổi của Goethe, chứ không phải của Petcherine. Vì lúc ấy, người ta có thể nói ông ta mới lên bảy hay đã bảy mươi bảy cũng được. Và ông ta đã nói với tôi rằng ông gần đất xa trời rồi. Ông ta năm mươi tuổi, nhưng vừa mới được sinh ra.
Walter hạ thấp giọng hỏi như đang ở trong một nhà thờ:
- Vì sao ông lại hỏi tuổi của Goethe, trong lúc có biết bao nhiêu câu hỏi mà đáng lẽ ông phải đặt ra hơn? Trong một lúc như thế, biết lão ta có mấy cái răng phỏng có ích lợi gì?
- Bởi vì, thật là khó hiểu. Mặt ông ta không có lấy một nếp nhăn, trừ khi ông ta nhíu mày.
- Và ông ta nói “khoa học”? Không nói “vật lý”, khoa học, phải không?
- Phải. Khoa học. Ông ta dùng danh từ: khoa học. Ông ta nói “Petcherine cũng mê say nước Anh như tôi. Nước Anh, cái nôi của công lý, của chân lý và của tự do.
- Còn tôi, - Barley kể tiếp, - lúc ấy tôi chỉ mong muốn một điều: đó là ông ta hãy để cho tôi được yên. Tôi bắt đầu sợ. Nhưng trái lại, ông ta ép sát người vào tôi, mặt hầu như dính vào mặt tôi. Ông ta thở như một con bò, tim đập thình thịch như muốn vỡ ra.. Ông ta trố cặp mắt màu nâu, nhìn tôi. Tôi hỏi ông ta: “Goethe, ông đã uống gì? Uống cortisone(2) phải không?”.
“- Ông biết những gì ông đã nói trong bữa ăn trưa không?” – Goethe hỏi lại tôi .
“- Không biết gì cả. Tôi không có mặt trong bữa ăn trưa. Đó là người anh em sinh đôi với tôi”. Nhưng một lần nữa Goethe không nghe tôi nói.
“- Ông đã nói: “Trong thời đại chúng ta, phải suy nghĩ như một người anh hùng để rồi hành động như một con người xứng đáng với danh xưng ấy:.
“- Điều đó chẳng có gì mới mẻ lắm. Tất cả những gì tôi đã nói cũng thế thôi. Không phải do tôi sáng tác. Mà đó là những điều tôi đã đọc, nơi này nơi kia. Thế thì bây giờ ông quên đi những gì tôi đã nói và ông trở về với bạn bè của ông đi”. Nhưng Goethe vẫn không chịu nghe lời tôi. Ông ta nắm cánh tay tôi. Ông ta có hai bàn tay như con gái, nhưng nắm tay cứng như thép. Ông nói với tôi: “Hãy hứa với tôi đi, nếu tôi tìm được can đảm để suy nghĩ như một người anh hùng, thì ông sẽ hành động như một con người xứng đáng với danh xưng ấy”.
“- Này Goethe, hãy nghe lời tôi. Chúng ta hãy quên tất cả những điều đó, và chúng ta đi tìm một cái gì để ăn đi. Có xúp ở trong nhà. Tôi nghe có mùi thơm đấy. Ông thích món xúp phải không? Món xúp nóng?”
Tôi không thật sự nghĩ rằng lão ta khóc, nhưng khuôn mặt lão trắng bệch, ướt đẫm. Hình như lão ta toát mồ hôi vì đau đớn. Lão bám chặt vào tôi như vào một người mà lão có thể tỏ bày tâm sự được. Lão nói: “Hãy hứa với tôi điều đó đi!”
“- Lạy Chúa! Nhưng tôi biết hứa gì với ông đây?”
“- Hãy hứa rằng ông sẽ hành động như một nhà quý tộc!”
“- Tôi không phải là một nhà quý tộc. Tôi là một nhà xuất bản”.
Và thế là Goethe phá lên cười. Lần đầu tiên. Cười oan oan. Lão tuyên bố: “Ông không thể biết khi ông từ chối thì tôi lại tin cậy ông đến mức nào”.
Tôi đứng lên. Từ từ để khỏi làm cho Goethe sợ. Và lão ta vẫn bám chặt vào tôi. Lão nói: “Tôi có tội với khoa học mỗi ngày. Tôi cải tiến những lưỡi cày thành gươm giáo. Tôi lừa gạt các bậc thầy của chúng tôi. Tôi tiếp tục lừa gạt không ngừng. Mỗi ngày tôi ám sát nhân tính mà tôi mang trong người tôi. Ông hãy nghe tôi”.
“- Này ông bạn Goethe thân mến, bây giờ tôi phải đi. Chắc các bà gác cổng khách sạn đang đợi tôi và lo lắng cho tôi. Ông vui lòng buông tôi ra, ông bẻ gãy cánh tay tôi rồi đây này!”.
Goethe ôm chặt lấy tôi. Tôi có cảm tưởng tôi là một người to lớn đồ sộ, còn lão ta thì nhỏ thó ẻo lả. Tóc tai, râu ria lão ướt nhèm. Người lão nóng hừng hực.
“- Hãy hứa với tôi điều đó đi!”
Lão ta đã giựt được ở tôi lời hứa của lão. Bằng sự nhiệt tình của lão. Tôi chưa bao giờ thấy một điều như thế. Lão nói: “Hãy hứa đi! Hãy hứa đi!”
Tôi đã nói: “Đồng ý. Nếu bao giờ ông đạt đến mức là một anh hùng, tôi sẽ là một con người xứng đáng với danh xưng ấy. Hợp đồng đã được ký kết. Đồng ý? Bây giờ hãy ngoan ngoãn nào, và hãy để cho tôi đi”
“- Hãy hứa đi đã!” Goethe lặp lại.
“- Tôi hứa với ông điều đó”, tôi vừa nói vừa gỡ tay Goethe ra.
Barley vừa nói dứt lời, Walter vội xen vào. Không một lời can ngăn của chúng tôi, hoặc một nét nhìn giận dữ nào của Ned, của Clive hay của chính tôi có thể kềm chế ông ta lâu hơn.
- Barley, nhưng ông có tin lão ta không? Có phải lão ta đang phỉnh gạt ông không? Ông là một người khôn ngoan. Ông có những cảm nghĩ như thế nào?
Im lặng. Im lặng kéo dài. Và cuối cùng, Barley nói:
- Lão ta say như chết. Tôi cũng đã say nhừ tử như thế đôi ba lần. Lão ta đã nốc rất nhiều rượu vodka suốt cả ngày, và luôn luôn uống cả ly đầy như uống nước. Nhưng lúc đó lão ta có được một lúc minh mẫn. Tôi đã tin lão ta. Lão không phải là loại người không đáng tin.
- Nhưng ông đã tin cái gì? – Walter hỏi một cách giận dữ - theo ý ông, lão ta đang nói gì với ông? Ông nghĩ như thế nào về những việc lão ta làm? Một tràng diễn thuyết về những gì mà nhắm mắt trật đích, lừa dối các bậc thầy của lão ta và của cả ông nữa, môn cờ không phải là một trò chơi mà là một cái gì khác? Ông biết suy nghĩ chứ? Vì sao ông đã không đến gặp chúng tôi? Tôi, tôi biết vì sao! Ông rúc đầu vào trong cát như một con đà điểu. “Tôi không biết bởi vì tôi không muốn biết.” Ông giống con đà điểu như đúc!
Và những gì người ta nghe được sau đó trên băng từ là Barley đi thật mau trong gian phòng, vừa đi vừa rủa: “Cút! Cút! Cút!” Barley thì thầm không ngớt cho đến khi có tiếng của Clive bảo ông ta thôi đi. Nếu bao giờ có một ngày nào đó Clive ra lệnh huỷ diệt vũ trụ, ông ta sẽ dùng cái giọng nói ấy…
Tôi lấy làm tiếc phải báo cho ông biết rằng chúng tôi sắp rất cần đến sự giúp sức của ông.
Chú thích:
(1) Faust: Nhân vật chính trong tác phẩm của Goethe.
(2) Cortisone: kích thích tố ở tuyến thượng thận.

Chương trước Chương sau