Hận vàng Ấn Độ - Chương 03

Hận vàng Ấn Độ - Chương 03

Từ Saigon đến Bombay

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 8.5/10 với 13598 lượt xem

Sự thật mà chàng đòi cô gái bị thương cung khai đã được chứa đựng phần nào trong cuộc tiếp xúc tại phi trường quốc tế Đon mương với đặc phái viên C.I.A.
Văn Bình vừa đặt chân xuống thảm bê-tông ướt nước mưa, và óng ánh những lùm sáng rực rỡ thì một gã đàn ông tây phương mũi lõ dài ngoằng đã chực sẵn, với cái bắt tay nồng nhiệt.
Gã đàn ông này là đặc phái viên C.I.A., tên thật của hắn là gì, chàng không cần biết, chàng chỉ biết bí danh là Giắc. Chàng có nhiệm vụ gặp hắn để được thông báo nội dung của điệp vụ mà chàng sẽ thực hiện trên đất Ấn.
Cũng như mọi lần, lần này chàng đóng vai nhân công làm thêu cho ông nhà giầu nứt đố đổ vách Tình báo Trung ương Mỹ. Chàng đinh ninh được ăn tô phở gà cho bõ thèm nhớ sau bao ngày xa quê hương, song chàng “sếu vườn” đáng ghét Lê Diệp đã chặn chàng ngay tại Tân sơn nhứt với khẩu lệnh của ông Hoàng. Theo khẩu lệnh này, Văn Bình phải trèo lên chuyến máy bay sớm nhất để đi Vọng các, và từ Vọng các đi Bombay.
Dưới trận bão rớt Bờridít, phi cảng Tân sơn nhứt có bộ mặt héo hon và xơ xác như bộ mặt cô gái về chiều chưa kịp nhồi kem, trát phấn kỹ càng buổi sáng. Trận bão không thổi đến Thái Lan song hàng chục cơn mưa rào đã nối đuôi nhau trút xuống Vọng các. Thái là xứ nóng, vậy mà Văn Bình lại run lạnh. Khi gặp gã đặc phái viên tình báo trọc phú có cái tên cụt thun lủn và khô khan là Giắc, chàng còn run lạnh hơn nữa.
Vì từ bộ mã đến cử chỉ hắn chẳng có chút nào thiện cảm. Nếu ông Hoàng không nhờ Lê Diệp nhắc khéo với chàng là tủ sắt của Sở bắt đầu cạn tiền, chàng đã phớt tỉnh, không thèm bắt tay Giắc, và gọi xe về trung tâm thành phố.
Cái mũi lõ của hắn đã dài ngoằng, mấy cái răng cửa của hắng cũng dài ngoằng nữa mới lạ. Chàng chưa thấy răng ma-cà-rồng, nhưng căn cứ vào sự miêu tả trong sách báo thì răng ma-cà-rồng cũng chỉ có thể dài và nhọ bằng răng Giắc là cùng. Điều lạ nữa là tuy mũi dài ngoằng, và răng cửa dài ngoằng, Giắc lại không quá xấu trai. Đối với tiêu chuẩn tây phương, hắn có thể được điểm trung bình.
Giắc diện khá xộp, com-lê bằng lụa, sơ-mi lụa, cà-vạt lụa; Thái là xứ sản xuất lụa nổi tiếng nhưng đồ lụa của hắn lại của Ý, nổi tiếng hơn, và dĩ nhiên đắt tiền hơn. Riêng bộ âu-phục này đã chứng tỏ hắn là nhân viên cạo giấy cao cấp tại tổng hàng doanh địa phương C.I.A. Hắn nhe răng cửa dài ngoằng cười với chàng:
- Tôi là Giắc. Anh là đại tá Z.28 ?
Văn Bình đáp:
- Lạ thật, tôi mặc thường phục, không đeo lon tại sao anh lại gọi tôi là đại tá ?
- Thôi, tôi xin bồ. Tôi chỉ hỏi tên bồ cho có chuyện, vì trước khi đến đây tôi đã có ảnh của bồ, Sàigòn lại điện cho tôi, nói rõ bồ mặc áo màu gì, thắt cà-vạt gì, vân vân và vân vân.
Những giọt mưa lác đác đã hết. Trên phi đạo rộng mông mênh chỉ còn lại Văn Bình và Giắc. Hắn tranh xách giùm cái va-li cho chàng, giọng thân mật:
- Anh để tôi xách cho, tôi quen nhân viên công an và quan thuế.
Chàng phản đối:
- Cảm ơn anh. Tôi xách cũng được. Trong va-li tôi không có hàng lậu nên tôi không cần quen họ.
- Nhừng còn võ khí ?
- Va li chỉ đựng quần áo, và mấy chai rượu huýt-ky. Theo chỗ tôi biết, nước Thái không nghiêm cấm du khách nhập loại rượu mạnh. Vả lại, nếu tôi không lầm thì chúng ta chỉ nói chuyện với nhau ngay tại phi trường trong khi chờ chuyến máy bay của Air-India đi Bombay.
Lời nói của Văn Bình làm Giắc, đặc phái viên C.I.A., giật mình, suýt đánh rơi cây dù được xếp gọn ghẽ đang cầm trong tay. Nhân viên điệp báo hành động không mang võ khí theo mình là việc mới lạ đối với hắn, còn mới lạ hơn cả việc phụ nữ cởi truồng thỗn thện đi chơi ngoài đường phố nữa.
Ngược lại Văn Bình cũng đã hiểu rõ về hắn. Hắn là ông bự C.I.A. quen ăn trên ngồi trước từ ngày làm “cớm”, và có lẽ chưa bao giờ đấu dao, bắn súng và thi thố võ thuật. Hắn chưa biết chàng là ai, hắn chỉ là cái máy quay đĩa, Trung Ương dặn hắn những gì, hắn sẽ thuật lại với chàng, không thiếu một chữ hoặc một dấu chấm phết. Dầu sao thái độ “ngu si hưởng thái bình” của hắn cũng làm chàng bực mình. Lệ thường mỗi khi nhờ chàng giúp một tay, ông Sìmít tổng giám đốc C.I.A. đều ủy cho đại tá Pít, bạn thân của chàng. Trái đất ngày nay đã được khoa học thu nhỏ lại, Viễn Đông ở xa Hoa thịnh Đốn cả chục ngàn cây số nhưng Pít có thể đến gặp chàng trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hoặc gọi điện thoại vô tuyến. Tại sao ông tổng giám đốc C.I.A. lại giao việc này cho Giắc ?
Thì Giắc đã giải đáp thắc mắc:
- Lẽ ra người được cử đi tiếp xúc với anh là đại tá Pít, phụ tá hành động của ông Sìmít. Nhưng vào phút chót, Pít không lên đường được. Nghe đâu vợ anh ta đẻ khó nên anh ta cần có mặt tại hộ sinh viện. Tôi không quen với công việc này chắc không tránh khỏi vụng về, nếu có xin anh bỏ qua giùm.
Văn Bình quên giận và phá lên cười. Lần nào gặp đại tá Pít, chàng cũng được tin bà vợ nằm nơi. Pít lập gia đình hơi muộn, bạn bè đinh ninh hắn chỉ có một vài đứa con là hết “phông”, không ngờ vợ hắn cứ đẻ sồn sồn, đẻ chán con trai, quay ra đẻ con gái, đẻ một đứa mỗi lần chưa đủ, còn tìm cách đẻ sinh đôi nữa để làm đồng nghiệp lác mắt. Người Mỹ là một trong các dân tộc ham cai đẻ nhất thế giới, Pít là dân Mỹ chính cống, vậy mà sản xuất không hề biết mỏi. Những chuyến tạt qua Hoa thịnh Đốn Văn Bình thường không quên tạt qua thăm vợ chồng Pít và mấy đứa con tóc vàng mũm mĩm. Đã 6 năm trôi qua, chàng nhận thấy lần nào chàng ghé lại cô vợ trẻ măng của đại tá Pít cũng ôm cái bụng thè lè. Và lần nào gặp chàng Pít cũng giơ tay lên trời long trọng cam kết sẽ ngừng sản xuất; năm ngoái, Pít long trọng cam kết lần nữa, chàng không tin, nhưng khi bạn viết hẳn lời cam kết ra giấy chàng mới chịu tin.
Nhưng rồi năm nay bà vợ lại sinh. Chẳng hiểu làm ăn ra sao mà cô nàng giật giải quán quân về đẻ dễ lại vấp phải trường hợp đẻ khó khiến đức lang quân phải bỏ dở một điệp vụ quan trọng ?
Văn Bình ngồi gọn trong chiếc xe hơi nhỏ gắn máy lạnh có tài xế mặc đồng phục, đội cát-két lái ra ngoài phi trường. Giắc tự giới thiệu:
- À quên, tôi là đệ nhị tham vụ của sứ quán Mỹ tại đây. Ông tổng giám đốc Sìmít yêu cầu tôi xác định với anh rằng điệp vụ Bombay có tính cách thập phần quan trọng; vì vậy chúng tôi đành phải yêu cầu anh chấm dứt nghỉ hè và yêu cầu anh bắt tay vào việc.
Trong một câu, Giắc dùng ba tiếng “yêu cầu”, giọng nói của hắn sặc mùi ngoại giao làm Văn Bình rác tai, tuy vậy, chàng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chàng định nói toạc cho hắn hiểu rằng điệp vụ Bombay thập phần quan trọng là chuyện dĩ nhiên, vì nếu không quan trọng ông Sìmít đã không mở tủ két, lấy cuốn chi phiếu của một đại ngân hàng Thụy sĩ ký cho ông Hoàng một tờ với 6 con dê-rô, nhân viên C.I.A. ở Đông nam Á thiếu gì chẳng qua công việc khó nuốt ông Sìmít mới triệu dụng điệp viên đắt tiền Z.28 …
- Mình về thành phố ?
Văn Bình hỏi Giắc. Và hắn lắc đầu:
- Không. Tài xế chỉ lái quanh co một hồi rồi trở lại phi trường. Lẽ ra chúng ta nói chuyện ngay tại nhà hàng phi trường, song nhân viên của địch ở đó đông như kiến cỏ. Nói chuyện trên xe tiện hơn.
- Mời anh nói. Tôi xin nghe.
- Anh biết nói cả thảy bao nhiêu thứ tiếng ?
Văn Bình không phải là thiên thần ngoại ngữ nói làu 60 thứ tiếng như vị hồng y lỗi lạc của đầu thế kỷ thứ 191, nhưng nếu so sánh với sinh viên cao đẳng ngữ học mài đũng quần chục năm trên ghế nhà trường thì họ còn thua chàng một vực một trời. Hầu hết những thứ tiếng thông dụng trên thế giới chàng đều nói thạo, đôi khi viết thạo; khó học và khó nói nhất là thổ ngữ của một số bộ lạc da đỏ Bắc-Mỹ và dân ét-ki-mô ở Bắc Cực2 chàng còn am tường. Huống hồ những tiếng thường nói ở châu Á. Tuy nhiên chàng không đáp lời Giắc. Chàng không thích bị hắn coi là thí sinh. Hắn lặp lại câu hỏi giọng cầu khẩn chàng mới nhún vai, vẻ mặt lè phè:
- Cũng biết lăng nhăng.
- Độ mấy ngoại ngữ ?
- Đủ dùng thôi.
- Hừ, anh đừng tưởng bở. Hiểu thổ ngữ Ấn độ là một trong các điều kiện tiên quyết để thi hành điệp vụ. Nếu không …
- Vậy anh tìm người khác. Về khoản ngoại ngữ tôi thuộc vào hạng dốt.
- Anh đừng khiêm tốn nữa. Ông Sìmít cho tôi biết anh là “một cây” thổ ngữ.
- Nếu ông Sìmít đã nói thì anh còn hỏi làm gì nữa. Dân Ấn còn chưa biết nói hết tiếng mẹ đẻ của họ, huống hồ là tôi. Anh biết họ nói cả thảy bao nhiêu thứ tiếng không ?
Giắc nín lặng. Nín lặng nghĩa là mù tịt. Hắn chỉ quen chỉ tay năm ngón trên ghế xoay êm ái, trong văn phòng gắn máy điều hòa khí hậu, chứ chưa khi nào xông xáo lằn tên mũi đạn. Hắn giật mình khi nghe Văn Bình giải thích:
- 14 ngôn ngữ chính thức và hơn 100 thổ ngữ. Nhưng anh đừng lo, đa số người Ấn nói tiếng hinđi, và tôi cũng khá thạo tiếng này. Thế nào, ông Sìmít muốn tôi bắt cóc cô con gái rượu đẹp như tiên của tiểu vương Bombay mang về Hoa thịnh đốn để đấm bóp trong lúc tuổi già hả ?
- Ấy chết, anh đừng đùa bỡn ông tổng giám đốc, ai nghe được thì khổ!
Văn Bình chỉ gã tài xế:
- Sợ hắn báo cáo ?
Giắc cười thiểu não:
- Không. Hắn mắc bệnh điếc.
Xe hơi chạy bon bon trên xa lộ thẳng tắp. Trời tối từ lâu, mưa lại lúc rơi lúc tạnh nên đường xá vắng tanh, tài xế tha hồ phóng hết tốc lực.
Giắc đằng hắng một tiếng nhỏ rồi nói:
- Ông Sìmít nhờ anh đảm trách một điệp vụ quan hệ đến quặng mỏ ở Ấn độ.
- Ha ha, uara-niom.
- Không phải. Đây là vàng. Nhưng cũng không phải quặng vàng, mà là vàng nguyên chất. Vàng lẫn với cát.
- Phen này tôi sẽ giầu.
- Lại tếu nữa rồi. Gần đến giờ phi cơ đi Bombay, anh chịu khó ngồi yên để tôi nói tiếp. Ở bất cứ thời nào và bất cứ nơi nào, vàng vẫn là quí kim giá trị; vàng nguyên chất trộn lẫn với cát sông hoặc cát biển lại giá trị hơn vàng quặng mỏ rất nhiều. Nước nào tìm ra vàng sẽ trở thành phú cường nhanh chóng. Ấn độ là nước cần vàng, thèm vàng hơn hết, vì hiện nay phần lớn của sáu trăm triệu dân còn thất học, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì đào đâu ra tiền để mở trường dậy chữ; nếu những mỏ vàng trong cát này là sự thật thì chỉ trong đầu hôm sớm mai mực sống của người dân Ấn độ sẽ thay đổi hoàn toàn. Vả lại, không riêng gì Ấn độ, mọi quốc gia trên thế giới đều thèm vàng. Nền kỹ nghệ càng bành trướng chừng nào thì quốc gia càng thèm vàng chừng nấy. Tôi xin lấy kỹ nghệ Nhật bản để dẫn chứng, mỗi năm nước này cần khoảng 50 tấn vàng để dùng vào kỹ nghệ và y học thì mức sản xuất bản xứ chỉ lên tới 18 tấn, khiến vàng lậu đua nhau nhập nội; riêng năm nay có đến 7 hoặc 8 tấn vàng lậu bị quan thuế khám phá và tịch thu. Những việc xảy ra ở Nhật bản cho thấy là chính phủ xứ này cũng như giới buôn vàng quốc tế rất quan tâm khi được tin vàng nguyên chất được khám phá ra trên lãnh thổ Ấn độ.
Thêm vào đó là sự ganh đua tìm vàng của Trung Hoa cộng sản kế cận. Hẳn anh đã nghe nói đến Quốc tế Tình báo Sở ?
- Chưa.
- Tôi lạy ông đại tá. Ông cứ xỏ ngọt tôi mãi. Ông Sìmít nói trong vụ này có cả bàn tay của Quốc tế Tình báo Sở. Và cũng có thể GRU sô viết nữa.
- Còn MI-5 ?
- Tôi sắp sửa nhắc đến tình báo Anh cát lợi MI-5 đây. Ấn độ vốn là giang sơn của họ từ một thế kỷ nay, tuy Ấn đã hoàn toàn độc lập song ảnh hưởng Anh quốc vẫn còn, và MI-5 vẫn để tai mắt lại trong xứ. Vàng thường làm con người tối mắt, phải không anh ? Vì vậy ông Sìmít cho rằng MI-5 khó thể đứng ngoài vụ này. Cuộc vật lộn sẽ diễn ra hết sức gay go.
- Đã tìm ra nơi có vàng chưa ?
- Rồi.
- Tìm ra rồi thì chính phủ Ấn cứ việc huy động quân đội bao vây khu vực và cho máy đến … xúc mang về, việc gì phải cần đến mấy cha nội C.I.A. và các anh phải triệu đến tôi cho tốn tiền ?
- Hừ … công việc phức tạp hơn anh nói nhiều. Trên lý thuyết thì mỏ vàng đã được tìm ra nhưng trên thực tế thì chưa.
- Nghĩa là như thế nào ?
- Nghĩa là cách đây không lâu một phái bộ địa chất học đã tìm ra mỏ vàng trong vùng cao nguyên gần Bombay. Phái bộ đã ghi mọi điều quan trọng vào một bản báo cáo. Nhưng bản báo cáo này đã biến đâu mất.
- Bị đánh cắp ?
- Không rõ là bị đánh cắp, bị thiêu hủy, hoặc bị mất. Chỉ biết là hiện nay người ta cần đến nó thì nó đã biến dạng.
- Thì lôi mấy ông địa chất gia trong phái bộ ra mà hỏi …
- Nếu lôi được họ ra mà hỏi thì còn gì bằng … Đằng này …
- Họ cũng biến dạng như bản báo cáo phải không ?
- Phải. Đến khi chính phủ Ấn nhớ đến họ thì chẳng biết họ ở đâu nữa. Họ biến mất như khói.
- Còn vợ con họ, gia đình họ, giấy má họ để lại trong nhà, trong văn phòng ?
- Chính phủ Ấn đã theo dõi hết, lục lọi hết, nhưng rốt cuộc đành phải bó tay. Phái bộ địa chất học chỉ gồm vẻn vẹn 3 ông già, thì trong đó 2 ông đã sống độc thân từ thuở thanh niên, còn ông thứ ba thì góa vợ, con lại không có một mống. Sau khi phái bộ tìm vàng trở về, và đệ trình bản phúc trình, thì ông bác học góa vợ đi đời nhà ma.
- Chết ?
- Vâng, hồi tối đang khỏe như vâm, con gái hai mươi cũng thua chạy có cờ, hắn ta truyện trò vui vẻ, về phòng ngủ như thường lệ để rồi sáng hôm sau không chịu dậy nữa.
- Bị đầu độc ?
- Không. Luật y nói là hắn ta từ trần vì bệnh tim. Trên lục tuần thì chết vì bệnh tim là thường nhưng theo lời ông Sìmít thì lão bác học này có trái tim rất tốt. Có thể hắn đã bị ám sát. Ám sát bằng gì ? Tại sao bị ám sát ? Ai ám sát ? Những nghi vấn này vẫn chưa ai trả lời được.
- Còn 2 ông già độc thân kia ?
- Mất tích. Mọi cuộc tìm kiếm đành phải làm lại từ bước đầu. Và chính phủ Ấn đã giao cho một đại công ty của Mỹ. Tên công ty này là Quốc tế Khai khoáng Cty.
- Tại sao không nhờ người Anh ?
- Điều đó tôi cũng lấy làm lạ. Có lẽ công ty Mỹ chịu nhiều điều kiện thuận lợi cho Ấn hơn. Quốc tế Khai khoàng Cty với sự hỗ trợ của tòa Bạch Ốc đã ký khế ước với nhà cầm quyền Ấn về việc khai thác mỏ vàng trong vùng Bombay, trong trường hợp họ tìm ra nơi có vàng trộn lẫn trong cát. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tìm cho ra. Và ông Sìmít tin tưởng mãnh liệt là anh sẽ thành công. Anh sẽ đến Bombay và hoạt động chung với đoàn thám hiểm Anfa.
- Đoàn thám hiểm Anfa ?
- Phải, Ngoài mặt, đoàn này gồm một số nhà khoa học chuyên nghiên cứu những hiện tượng lạ trong lòng đất. Họ giòng dây xuống vực thẳm trong núi đá, và ở dưới vực thẳm này để tiến hành các cuộc thí nghiệm. Đoàn thám hiểm này đã đến vùng cao nguyên Đề-căn gần Bombay, mục đích là tìm mỏ vàng nhưng báo chí và dư luận quốc tế tưởng họ đến để thám hiểm các động thạch nhũ ăn sâu dưới mặt đất gần bờ biển. Anh đọc trong đây thì hiểu.
Giắc rút trong cặp da ra một xấp giấy trắng bên trên dán sẵn những mẩu giấy cắt trong báo. Hắn mở đèn trên trần xe cho chàng đọc.
Mẩu tin thứ nhất đăng trên một nhật báo bằng Anh ngữ phát hành tại thủ đô Pa-kít-tăng như sau:
“Một nguồn tin thông thạo vừa cho biết hôm nay là những địa chất gia sống sót trong cuộc thám hiểm vực thẳm lòng đất tại cao nguyên Đê-căn trong tiểu bang Bombay (Ấn độ) đang lên đường trở lại thị trấn Bombay.
Tưởng cần nhắc lại là cách đây không lâu một đoàn thám hiểm từ Tây phương đã đến cao nguyên Đê-căn gần một địa điểm có nhiều vực thẳm sâu nhất thế giới. Các nhà khoa học đã xuống tận đáy vực và sinh sống dưới đó một thời gian để nghiên cứu về một số đặc chất trong ruột trái đất.
Chẳng may tai nạn xảy ra, 2 nhân viên của đoàn đã thiệt mạng, do đó công cuộc thám hiểm phải đình hoãn, 3 người sống sót gồm 2 nam 1 nữ hy vọng sẽ có mặt tại Bombay trong tuần tới, và ngoại trừ họ gặp trở ngại bất ngờ vào phút chót, họ vẫn giữ vững ý định tiếp tục các hoạt động khoa học trong vùng đồi núi Đê-căn.
Được tin tức gì thêm bản báo sẽ loan tiếp.”
Văn Bình nhún vai đọc tiếp bản tin thứ hai:
“Tin mới nhất cho biết hai nhân viên sống sót của phái đoàn địa chất thám hiểm vùng cao nguyên Đê-căn đã về đến thị trấn Bombay chiều qua. 2 nhân viên này là nữ tiến sĩ Rose, chuyên gia về các mạch nước ngầm dưới đất, và ông Bill, nhà thể thao có nhiều thành tích và kinh nghiệm về trèo núi và thám hiểm lòng núi.
2 người này tỏ ra rất mệt mỏi, có lẽ vì tâm thần còn bấn loạn vì những tai nạn liên tiếp đã giáng xuống đầu phái đoàn khoa học và gây ra một loạt thương vong đáng tiếc. Căn cứ vào các bản thống kê chánh thức, người ta có thể nói đây là phái đoàn thám hiểm bị thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian hoạt động trên đất Ấn.
Tuy vậy nữ tiến sĩ Rose đã tuyên bố với phái viên bản báo rằng phái đoàn vẫn chuẩn bị để trở lại Đê-căn. Cô Rose là người Mỹ, song vì mẫu thân cô gốc Trung hoa nên người ta quen gọi cô là Hồng Nương. Nữ tiến sĩ Hồng Nương còn nói với phái viên bản báo là cô đang chờ thêm một số đồng nghiệp khác đến giúp sức; tuy nhiên cô không nói rõ số người này là ai, từ đâu đến, và gồm bao nhiêu người.”
Văn Bình trả hai mảnh giấy báo cho Giắc. Nhân viên văn phòng C.I.A. ở Vọng các chắc là phụ nữ, và là phụ nữ lớn tuổi chưa chồng, bằng chứng là mẩu tin được cắt ngay ngắn và dán bằng băng keo trên giấy trắng không xiên xẹo.
Chàng nói với đặc phái viên C.I.A. Giắc:
- Bản tin không đá động gì đến công cuộc tìm vàng.
Giắc lắc đầu:
- Như tôi đã giải thích, việc tìm vàng được giấu kín, nhưng tôi nghĩ là chỉ có thể bịt mắt được dư luận chứ đừng hòng qua mặt các cơ quan tình báo của địch.
- Tại sao phái đoàn Anfa phải trở về ?
- Anh đọc bản tin thứ nhất thì rõ. Hai nam nhân viên của đoàn bị chết. Chẳng hiểu sao khi cô Hồng Nương khởi hành với đoàn thám hiểm đến cao nguyên Đê-căn thì thời tiết rất tốt, song khi bắt đầu công cuộc tìm kiếm thì thời tiết bỗng đổi xấu một cách lạ lùng. Mưa là hiện tượng hiếm trên đất Ấn, nếu mưa thì ở Đê-căn cũng không mưa nhiều, vậy mà trong hai tuần lễ liên tiếp, hàng chục hàng trăm trận mưa dầm thi nhau rớt xuống thung lũng, mọi thạch động và vực sâu đều đầy ngập. Hồng Nương đành bỏ dở mọi hoạt động. Sau đó là hai nhân viên bị chết. Nghe nói họ leo núi trượt chân và rớt xuống khe, không mò thấy xác. Tôi không tin họ gặp tai nạn dễ dàng như vậy, theo hồ sơ, những nạn nhân đều có kinh nghiệm. Có lẽ họ đã bị giết. Anh tính, trong cảnh đồi núi hoang vu, bắn súng đại bác còn không nghe tiếng ồn, huống hồ là dùng súng nhỏ; vả lại, hung thủ chả cần dùng súng, một lưỡi dao cũng đủ, hoặc giản dị hơn, họ lừa xô nạn nhân xuống vực thẳm …
- Anh nghi hung thủ là nhân viên trong đoàn Anfa ?
- Tôi không nói như vậy. Giả thuyết này khó thể xảy ra vì các nhân viên trong đoàn đều tin cậy lẫn nhau, và ít ra họ đã được Hồng Nương tin cậy.
- Trong mẩu tin thứ nhất, có 3 người sống sót gồm 2 nam, 1 nữ. Song mẩu tin thứ hai lại nói …
- Hiểu rồi. Bản tin thứ hai nói là chỉ có 2 người sống sót là Hồng Nương và Bill.
- Còn người thứ ba ?
- Tên hắn là Kônin.
- Chết ?
- Dường như biệt tích.
- Anh chưa biết rõ hắn chết hay biệt tích ?
- Chưa. Nhưng Ấn độ là một bán đảo rộng mênh mông, tìm ra một người biệt tích không phải dễ; vả lại, nhiệm vụ của anh không phải là theo dõi tông tích của Kônin, mà là đối phó với những việc sẽ xảy ra, và nhất là khám phá địa điểm có vàng.
- Hồng Nương và Bill được bình yên chứ ?
- Anh thông minh thật, tôi định nói thì anh hỏi. Cho đến nay, họ vẫn còn sống, song điều đó không có nghĩa là họ được bình yên. Chưa nói đến những nguy hiểm ở cao nguyên Đê-căn, và dọc đường về, riêng tại thị trấn Bombay họ cũng đã chết hụt. Cả hai đều bị kẽ gian núp trong bóng tối phóng dao ám sát, cũng may là họ tránh khỏi.
Giắc dúi vào tay Văn Bình một cuộn giấy bạc, giọng hắn có vẻ ngượng ngập:
- Đây là tiền anh tiêu tạm. Chẳng có bao nhiêu.
Văn Bình gạt phắt:
- Cám ơn anh. Để sau này ông tổng giám đốc của tôi sẽ gửi hóa đơn cho ông Sìmít, khi ấy thanh toán tiện hơn. Dầu sao tôi cũng còn mấy ngàn đô-la và cuốn chi phiếu du hành, tôi vốn ghét mang tiền nặng trong túi. Mặc dầu đồng tiền là huyết mạch.
Chàng ngẫm nghĩ một giây rồi hỏi đột ngột:
- Anh còn quên một chi tiết. Những phí khoản của cuộc thám sát này do ai đài thọ ? C.I.A. hay chính phủ Ấn ? Hay là Quốc tế Khai khoáng Công ty ?
Giắc giật bắn trên nệm xe:
- Ừ nhỉ, tôi quên khuấy. Quốc tế Khai khoáng Công ty hoàn toàn đài thọ mọi phí khoản với sự chấp thuận của chính phủ Ấn, còn C.I.A. chỉ đứng phía sau. Vì Quốc tế Khai khoáng Công ty xuất ngân nên cô Sophia cũng có mặt trong phái đoàn thám hiểm Anfa.
Đến lượt Văn Bình giật mình. Tuy nhiên, chàng trấn tĩnh được ngay. Đèn trong xe được bật lên cho chàng đọc báo vừa tắt, nên Giắc khó thể nhận rõ những nét thay đổi vội vàng trên mặt chàng. Giắc nói tiếp:
- Cô Sophia là con gái độc nhất của ông vua mỏ vàng Mỹ, nàng đòi đi kỳ được, không ai ngăn nổi; thành ra chúng tôi chỉ còn cách bảo vệ an ninh cho nàng.
- Hừ, anh muốn tôi làm hộ vệ viên cho nàng Sophia ?
- Dùng danh từ hộ vệ viên hơi quá đáng. Vâng, anh sẽ bám sát nàng, anh có trách nhiệm giữ cho tấm thân ngàn vàng của nàng được nguyên vẹn. Tùy anh, anh muốn quan niệm việc đó là việc hộ vệ viên cũng được. Nhưng anh không thể không đồng ý với tôi rằng được làm vệ sĩ cho đàn bà con gái đẹp là một vinh hạnh lớn lao, tôi muốn đi theo nàng, hầu hạ nàng mà không được ông Sìmít tuyển chọn. Anh biết không ? Nàng là cô gái có sản nghiệp lớn nhất nhì nước Mỹ, và được liệt vào danh sách những người giàu nhất nhì trên thế giới. Nàng nổi tiếng về óc kinh doanh, chứ không đa sầu đa cảm, năm tháng rong chơi như mọi cô gái nhà giầu cùng tuổi khác. Ai cũng tưởng Sophia có trái tim bê-tông cốt sắt, nàng sẽ sống độc thân đến già, không dè nàng đã tìm ra được “hoàng tử của lòng em”.
- Thành thật nói với anh là tin nàng trồng cây si làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Nàng không phải là người có trái tim bê-tông cốt sắt, từ trước đến nay nàng không yêu là vì nàng theo chủ nghĩa thụ hưởng thiên nhiên, coi tình yêu cũng như ly rượu, khi nào thèm thì uống, rượu ngon thì say còn rượu dở thì nhức đầu, mất ngủ. Bởi vậy, gọi nàng là cô gái e không đúng, nàng chưa có chồng thật đấy song về kinh nghiệm nàng còn sành sỏi hơn cả đàn bà có chồng, có con đùm đề nữa. “Hoàng tử của lòng em” là thằng cha căng chú kiết nào hả anh ?
- Ông anh của giai nhân Á-đông Hồng Nương. Tên hắn là Hồng Lang.
- Anh ruột ?
- Phải, anh ruột. Gia đình Hồng Nương có cả đống anh chị em. Đàn bà Trung hoa thường khoái đẻ con như vậy, càng đẻ họ càng trẻ dội ra.
- Nếu tôi không lầm, anh chưa lấy vợ ?
Giắc thở dài sườn sượt:
- Lưng tôi đã còng mà chẳng hiểu sao tôi chưa lập gia đình.
Văn Bình cười:
- Anh sống độc thân nên cứ tưởng rằng đàn bà Tàu ưa đẻ và càng đẻ họ càng xinh. Lầm to, anh ơi, cô vợ của đại tá Pít là người Mỹ trăm phần trăm mà vẫn đẻ sồn sồn, đầu năm một đứa cuối năm một đứa. Hồi cô ta mới đẻ đứa thứ hai, trông còn mát mắt, đến lần thứ ba, thứ tư thì ôi thôi … Nhưng phi cơ sắp cất cánh, chúng mình làm gì có thời giờ tán gẫu, phải không anh Giắc ?
- Vâng, tôi xinh nói tiếp. Anh chị em của Hồng Nương đều có hai tên, tên Mỹ và tên Tàu; tên Tàu nào cũng bắt đầu bằng tiếng Hồng, nhưng Hồng Nương, Hồng Lang … Dân tộc Mỹ gồm nhiều giống người hết hợp nên trai gái thường đẹp, lai Tàu lại đẹp hơn nhiều do sự kết hợp giữa Đông và Tây. Nên Hồng Nương rất đẹp. Và dĩ nhiên là anh ruột của nàng rất đẹp trai.
- Hồng Lang cũng đang có mặt tại Bombay ?
- Vâng hắn đang có mặt tại Bombay với người đẹp tỉ phú Sophia. Dường như họ sửa soạn thành hôn. Chuyến đi Bombay này có thể được coi là tuần trăng mật trước ngày làm lễ cưới chính thức.
- Té ra tôi phải hộ vệ cho Sophia để Hồng Lang được ung dung hưởng tuần trăng mật với giai nhân … Anh nên yêu cầu người khác làm việc này thì hơn. Tôi không quen đứng gác cửa phòng cho đàn ông hú hí với đàn bà bên trong. Vả lại, Sophia có thiếu gì tiền bạc, nàng chỉ cần nhấc máy điện thoại lên là hàng trăm hàng ngàn thám tử võ trang tận răng đến khách sạn, bảo vệ nàng từng phút, từng giây …
- Khổ lắm, anh cũng hờn mát nữa ư ? Tôi xin nói rõ là vấn đề bảo vệ an ninh cho Sophia không phải do ý muốn của nàng. Nàng nghĩ rằng không ai dám động đến lông chân của nàng. Nàng phản đối mạnh mẽ khi được tin chính phủ Mỹ đặt vấn đề bảo vệ an ninh, nàng bảo là thân nàng nàng lo, nàng không cần ai bận tâm. Thành ra C.I.A. phải vời đến anh. Việc yêu cầu anh bảo vệ an ninh cho nàng không hề được thông báo với nàng, và nàng cũng chưa hề hay biết. Thiết tưởng tôi cần nói thêm là bình thường Sophia rất sáng suốt nhưng đến khi rơi vào lưới tình nàng lại ngu xuẩn hơn ai hết, Nàng tôn thờ thằng cha đẹp trai Hồng Lang như ông hoàng, nàng hoàn toàn tin cậy hắn, nàng cho rằng nếu trở ngại xảy ra thì ông hoàng vạn năng của nàng sẽ giúp nàng thoát hiểm dể dàng.
- Anh có thể cho tôi biết thêm về ông hoàng vạn năng của Sophia được không ?
- Hồng Lang ấy à ?
- Dĩ nhiên, anh vừa gọi hắn là ông hoàng vạn năng xong. Chẳng lẽ tôi lại hỏi hồ sơ lý lịch của anh.
- Hừ … định xỏ nhau nữa ư ? Lý lịch của tôi chẳng có gì đáng nói, ngoại trừ có hàng đống đàn bà, thật nhiều rượu huýt-ky và vài ba chục vụ buôn lậu. Buôn lậu để kiếm tiền xài thêm vì lương C.I.A. nhiều thật đấy nhưng chỉ là lương chết đói. Tôi đã mang sẵn hồ sơ của Hồng Lang, anh cần coi tôi xin đưa ngay.
- Không cần. Anh thuyết trình miệng cũng được. Tôi đang mỏi mắt kinh khủng, nếu anh bắt tôi đọc tôi sẽ ngủ quay lơ, chả vì mấy tuần nay thức hoài không được ngủ … Hồng Lang đẹp trai ra sao ? Đẹp trai kiểu lực sĩ hay đẹp trai kiểu búp-bê ?
- Cả hai. Hắn không còn trẻ nữa, tuổi hắn không hơn người đẹp Sophia thì cũng khó thể chịu thua nàng, nhưng đứng bên nàng hắn lại trẻ hơn nàng quá nhiều, trẻ đến nỗi dễ lầm nàng đáng làm chị hắn. Lối phục sức híp-py thời đại đã làm hắn trẻ thêm 5, 10 tuổi, tóc dài xuống quá gáy và quăn bồng lên không cần uốn chải thường xuyên, tóc mai mềm mượt, răng đều trắng, chưa hề có vết trám đục của nha sĩ, khoái mặc sơ-mi dài mầu hồng, thành thật mà nói, cách chưng diện của hắn không quê mùa đâu, bằng chứng là đàn bà con gái mê hắn kinh khủng.
- Ăn chơi và chuyên sống bám vào gái nhà giàu ?
- Nói về ăn chơi thì vô cùng … Đàn ông ai cũng ăn chơi, không nhiều thì ít, nếu tôi không lầm, anh vốn là một cây hộp đêm, vậy mà … vào việc có ai bằng anh đâu. Hồng Lang thuộc loại ăn chơi không biết mệt nhưng lại không phải dân lưu manh hắn đã cắp sách đến trường khoảng hai chục năm liên tục và đã tốt nghiệp một trường cao đẳng kỹ thuật nổi danh nhất nhì trên thế giới, trường Bách Khoa của Pháp. Người Pháp thi đậu vào trường này đã khó ghê gớm, thi đậu xong còn phải có đủ khả năng theo học nữa, huống hồ Hồng Lang là người ngoại quốc, nên có thể gọi hắn là một nhà đại trí thức phóng khoáng.
- Liên hệ chính trị ?
- Ngoài sách vở khoa học, đàn bà và rượu chè ra, hắn không còn có liên hệ nào khác. Tuy nhiên, đó là những điều được ghi trong hồ sơ, và hồ sơ này chính xác đến mực độ nào tôi chưa thể nói chắc với anh. Có thể bề ngoài Hồng Lang không có những liên hệ chính trị khả nghi, nhưng bên trong hắn là một kẻ cuồng tín. Dầu sao anh cũng nên biết một chi tiết đáng kể trong đời sống gia đình của hắn, dưới thời đại chiến thứ hai một người cậu ruột đã dính líu mật thiết đến màng lưới do thám của ký giả Sorge tại Nhật. Sorge là điệp viên quan trọng của Liên sô và màng lưới của Sorge đã cung cấp cho Mạc tư khoa những tin tức vô cùng quan trọng; sau khi Sorge bị bắt, tổ chức ở Đông kinh bị phản gián Nhật phá vỡ thì cậu ruột của Hồng Lang đã trốn thoát. Từ bấy đến nay không ai nghe nói đến hành tung của ông ta nữa.
- Cậu ruột nghĩa là em mẹ ?
- Anh.
- Cậu ruột của cả Hồng Nương lẫn Hồng Lang ?
- Dĩ nhiên, vì họ là anh em ruột. Tại sao anh lại hỏi như vậy ? Xin anh tha lỗi, vì tôi thấy câu hõi của anh hơi ngớ ngẩn. Trước đây ba phút, tôi đã lặp lại nhiều lần rằng Hồng Lang và Hồng Nương là anh em ruột lai Trung hoa.
- Nhưng trước đây một phút anh cũng lặp lại nhiều lần rằng những chi tiết trong hồ sơ lý lịch của Hồng Lang chỉ có giá trị chính xác tương đối.
- Đó là tôi nói tổng quát. Còn về liên hệ ruột thịt của họ thì hoàn toàn đúng.
- Nghĩa là tôi vẫn ngớ ngẩn ?
- Tôi xin rút lại ý kiến ấy. Anh còn hành tội tôi điều gì nữa không ?
- Còn, Hồng Lang đã có vợ chưa ?
- Về khoản lăng nhăng thì rất nhiều, nghe nói đến cả chục cô vợ không chính thức. Song về hôn nhân có giấy tờ đàng hoàng thì trước sau có hai. Cả hai đều đã ly dị, hiện nay Hồng Lang sống đọc thân. Chẳng hiểu sao hắn khỏe như vâm, nhân tình hàng đống mà con cái lại không có mống nào. Hắn không có máu cờ bạc nhưng môn nào cũng thạo, các sòng bạc cừ khôi từ đông sang tây đều in dấu chân hắn, hắn thua nhiều mà thắng cũng nhiều. Hắn biết lái máy bay; còn về xe hơi thì năm nào cũng sắm cái mới toanh, và hắn chuyên dùng xe đua, không phải xe đua hạng trung bình, mà là xe đua thượng thặng, trên 15 ngàn mỹ-kim một chiếc.
- Hắn gặp giai nhân tỉ phú ở đâu ?
- Trong một cuộc trình diễn âm nhạc. Năm ngoái, giới trẻ yêu nhau giật gân khắp Âu châu nhóm đại hội trình diễn tại một làng gần bờ biển miền nam nước Pháp, có hơn 5000 nam nữ tham dự, Sophia và Hồng Lang ở trong số 5000 người hiện diện. Hồ sơ không nói rõ tại sao họ quen nhau. Chỉ nói rằng Sophia gặp Hồng Lang và bị trúng ngay “tiếng sét ái tình”. Từ đó, nàng và hắn cặp kè với nhau khắp nơi, không bao giờ rời nhau, như thể hình với bóng. Hồng Nương qua Ấn độ tìm mỏ vàng, có lẽ Sophia cũng qua Ấn độ là vì Hồng Lang rủ rê. Xin lổi … tôi dùng chữ “rủ rê” không sát nghĩa, Sophia đâu phải thiếu nữ ngây thơ mà con trai có thể “rủ rê”, nàng rủ rê đàn ông thì có …
Giắc nâng cánh tay nhìn đồng hồ. Văn Bình gạt đi :
- Đến giờ rồi hả ?
Giắc lắc đầu:
- Chưa.
Văn Bình ngáp:
- Vậy anh cho tôi ngủ cái đã. Anh cứ bảo tài xế lái trở về Đôn mương, chừng nào phi cơ sửa soạn cất cánh đánh thức tôi dậy còn kịp chán.
Trên thực tế, giấc ngủ trên nệm xe êm ru đã làm chàng suýt lỡ chuyến bay. Đến Đôn mương, chàng đã được đánh thức đàng hoàng và chàng đã bắt tay từ giã một cách thân thiết. Lẽ ra Giắc phải chờ đến khi con chim sắt rời sân bay bê-tông mới được quay về thành phố, nhưng hắn đã bắt tay từ giã sớm hơn dự định. Chắc một người đẹp có bờ mông cao su mút đang vò võ đợi hắn trong căn phòng tình yêu gắn máy điều hòa khí hậu …
Một người đẹp có bờ mông cao su mút mặc đồ tốp-lét hở ngực ở sân bay đã giúp Văn Bình tỉnh ngủ hoàn toàn nhưng ngược lại chàng đã trở thành điếc lòi điếc đặc, máy vi-âm phi trường gọi tên chàng oang oang mà chàng không nghe tiếng.
Tuy vậy chàng vẫn lên đường được đúng theo chương trình của ông Hoàng. Nhưng từ Vọng các đến Bombay mắt chàng lại mở toang hoác dầu chàng còn đói ngủ kinh khủng.
Nguyên do khiến chàng mất ngủ là Sophia.
--------------------------------
1 Vị giáo chủ Hồng y này là Giuseppe Caspar Mezzofanti quản thủ thư viện Tòa Thánh La mã (1774-1849); ngài có thể phiên dịch 114 thứ tiếng, 72 thổ ngữ và nói thạo 60 ngoại ngữ.
2 Ngữ vựng étkimô gồm chừng 12.500 chữ, nhưng rất khó nói đúng giọng, và khó ghép chữ lại cho đúng nghĩa.

Chương trước Chương sau