Hãy đặt nàng lên tấm thảm hoa - Chương 03

Hãy đặt nàng lên tấm thảm hoa - Chương 03

Hãy đặt nàng lên tấm thảm hoa
Chương 03

Ngày đăng
Tổng cộng 7 hồi
Đánh giá 10/10 với 6133 lượt xem

Đã từ lâu, tôi vẫn ước mơ có một văn phòng thật đầy đủ tiện nghi để gây ấn tượng với khách hàng, nghĩa là một văn phòng sang trọng tân kì. Paula đã phải bỏ ra những xấp tiền khó nhọc lắm chúng tôi mới kiếm được để mua sắm đồ đạc, từ tủ, bàn, kệ sách, thảm chân, rèm cửa cho đến cả dăm bức họa treo tường của mấy họa sĩ trẻ nhưng có nét vẽ có thể nhập nhằng với một họa sĩ danh tiếng thời xưa. Sau khi hoàn thành công việc trang trí nội thất xong, tôi cũng để ý đi tới một số văn phòng của các hãng đặt ở Orchid Building để nhận xét. Có vài nơi khá hơn trụ sở của chúng tôi, nhưng có nhiều nơi không bằng. Nói chung không có nơi nào làm cho tôi phải ganh tị thèm muốn. Cho tới hôm bước vào phòng của Mafrend Willet, chủ tịch hiệp hội luật sư Glynn và Coppley tôi mới vỡ lẽ ra rằng, muốn có được một văn phòng lý tưởng, còn phải dày công kiếm nhiều đôla hơn nữa. So sánh nơi tôi vừa đến với văn phòng của công ty tôi như so sánh cái chòi lá với tòa lâu đài vậy.
Trong căn phòng rộng rãi có trần cao vút, một cái bàn giấy đặt ở cuối phòng phía xa xa, đối diện với ba cửa sổ lớn. Cái bàn chắc chắn, to bằng hai cái bàn bida ghép lại, còn có mấy cái cửa sổ có dáng thật thanh tú, vậy mà lại cao gần tới trần. Bốn năm chiếc ghế bành lớn và một chiếc ghế nệm dài được bố trí quây quần với nhau bên cạnh một lò sưởi đủ rộng, để cho mấy con voi chơi trò đi trốn tìm. Tấm thảm lớn trải trên sàn có những sợi lông như những lá cỏ đã tới ngày xén. Mặt lò sưởi và những bàn nhỏ đặt tại các góc, có rất nhiều pho tượng bằng ngọc thạch. Đồ dùng văn phòng để trên bàn làm việc đều bằng bạc chạm trổ tinh vi. Những mảnh kính mờ màu kem lẩn trong tường và trên trần tỏa ánh sáng êm dịu xuống căn phòng đã được điều hòa nhiệt độ. Các cánh cửa đều được viền cao su, đảm bảo việc cách âm được hoàn hảo. Trong phòng này, một tiếng đằng hắng nhỏ cũng vang lên như đá sỏi rơi xuống cái mái nhà lợp bằng tôn vậy.
Mafrend Willet ngồi trên chiếc ghế quay có nệm tựa lưng, sau cái bàn rộng lớn. Ông đang hút một điếu thuốc lá dẹt, đầu ngậm mạ vàng. Cao lớn và vạm vỡ, vào khoảng bốn mươi lăm tuổi, tóc màu xám, ông có bộ mặt có nhiều nét đẹp như tạc tượng. Trong bộ đồ cắt may theo đúng mốt Ønglê, chiếc áo sơ mi ông mặc có màu trắng như những bông tuyết đầu mùa. Mafrend Willet cứ để cho tôi nói. Hai mắt ông không rời lọ mực để trên bàn, nét mặt lạnh lùng, không biểu hiện một chút cảm xúc gì.
Tôi kể lại cho ông nghe, bắt đầu từ lá thư của Janet, tình trạng ngôi biệt thự của gia đình Crosby ở Crestways, cho tới lời đồn về Maureen đi cai nghiện, sự ngạc nhiên của tôi về cái chết của Janet về bệnh tim mà trước đó hai hôm cô vẫn chơi quần vợt và đi khiêu vũ. Tôi đề cập tới việc ông bác sĩ già Bewley chứng nhận cái chết của ông Crosby như thế nào, việc tôi chứng kiến cô người hầu Eudora Drew bị tên Dwan, tay chân của Salzer và Maureen, về việc hai trung sĩ cảnh sát Graw và Hartsell có mặt lúc Dawn thú nhận mưu hại tôi, nhưng kết cuộc lại là cái chết của Dwan có liên quan đến những vết xe để lại của hai người đó và cuối cùng là việc cô y tá Gurney bị bắt cóc. Dù có tóm tắt các sự việc xảy ra, tôi cũng phải mất một thời gian khá dài để trình bày. Vậy mà ông chỉ ngồi im lặng, không ngắt lời, không hỏi thêm một câu nào. Nhưng tôi biết, đằng sau bộ mặt bình thản ấy, bộ óc ông không ngừng ghi nhận và xét đoán. Tôi kết luận:
- Thưa ngài, tôi nghĩ rằng ở cương vị là người quản lí tài sản, những sự việc tôi vừa kể rất đáng để ngài quan tâm. Sau nữa, ông đại úy Brandon đã gợi ý cho tôi tới đây để trao trả năm trăm đô la tôi đã nhận được của cô Janet.
Tôi rút ví tiền đặt trước mặt Mafrend Willet rồi nói tiếp:
- Đúng ra, sau khi hoàn lại số tiền, tôi cũng chẳng còn nhiệm vụ gì về việc này nữa. Nhưng nếu ngài muốn công ty của tôi tiếp tục cuộc điều tra thì chúng tôi xin sẵn sàng phục vụ. Xin thú thật rằng, bản thân tôi sẽ rất thích thú.
Ông ta im lặng nhìn tôi. Nhiều phút trôi qua, tôi có cảm tưởng là tuy hai mắt hướng về tôi, nhưng ông không nghĩ tới sự hiện diện của tôi nữa. Bất chợt ông lên tiếng:
- Những sự việc đó quả thật là không bình thường. Tôi đã được nghe những người khách hàng của tôi nói tới công ty của ông với nhiều lời khen nên, sau khi nghe ông kể, tôi nghĩ rằng chúng ta có quyền mở một cuộc điều tra. Tôi muốn trao việc đó cho ông (ông ta đẩy lui ghế ra xa bàn) nhưng ông phải tiến hành thật kín đáo, không để cho ai biết tôi chủ trương làm việc này, vì nhiệm vụ của tôi rất tế nhị. Tôi chỉ được có ý kiến và quyết định sau khi có những bằng chứng xác đáng về những hành vi đáng chê trách của cô Maureen. Vậy mà chúng ta chưa có trong tay một điều gì rõ rệt cả.
- Như thế thật khó khăn cho tôi, vì tôi định nhờ vào uy thế của ngài để khỏi bị Brandon làm khó dễ.
- Tình thế phải xử sự như vậy và nghề nghiệp của ông cũng đòi hỏi cho cuộc điều tra. Còn nếu ông gặp khó khăn ở tòa án, tôi sẽ đảm nhiệm công việc của ông mà không lấy tiền thù lao.
Ông ta nói một cách dứt khoát để cho tôi hiểu, không thể yêu cầu ông giúp đỡ thêm một điều gì nữa.
- Thôi được, tôi đồng ý nhận việc này. Nhưng tôi muốn hỏi ngài thêm một ít điều: ngài đã gặp cô Maureen lần cuối cùng vào lúc nào?
- Trong đám tang Janet. Từ ngày đó, tôi không gặp cô ta nữa mà chỉ tiếp xúc với cô ta qua thư từ.
- Ngài có biết gì về bệnh trạng hiện nay của cô ấy không?
Ông ta lắc đầu.
- Ngài có tin chắc chắn rằng ông Crosby bị chết vì tai nạn rủi ro không?
Ông ta ngạc nhiên, đưa mắt nhìn tôi:
- Ý ông định nói gì? Hiển nhiên đó là một tai nạn rồi.
- Có thể là một vụ tự sát lắm chứ?
- Ông ta cần gì phải hành động như vậy? Vả lại, người ta không tự tử bằng súng trường nếu có một khẩu súng lục.
- Nếu ông Crosby tự tử, chắc chắn món tiền bảo hiểm sinh mạng của ông ta sẽ bị cắt.
- Trời! Vậy mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Món tiền bảo hiểm ấy lên tới một triệu rưỡi đô la đấy.
- Ai được hưởng món tiền đó?
Mafrend Willet đứng lên, rồi lại ngồi xuống, nói:
- Tôi không biết ông định dẫn tôi tới đâu? Ông hãy nói ý nghĩ của ông như thế nào về việc này đi.
- Việc ông Salzer không phải là bác sĩ y khoa lại ký tên chứng nhận trong tờ giấy khai tử của ông Crosby với sự đồng tình của Brandon và người lập biên bản, khiến tôi nảy ra một giả thiết. Nếu ông Crosby vì lý do nào đó mà tự tử, thì việc giấu kín chuyện này sẽ có lợi cho người thừa kế một món tiền rất lớn: một triệu rưỡi đô la. Người đó là Janet. Khi Janet chết, người được hưởng lợi chính là Maureen.
- Đúng vậy, trước đây tôi có khuyên cô Janet dùng số tiền đó mua các cổ phiếu. Nhưng cô không nghe và vẫn gửi ở ngân hàng.
- Bây giờ món tiền đó còn ở ngân hàng không?
- Đấy là món tiền riêng của cô Maureen nên tôi không quản lí.
- Tôi nghĩ rằng, nếu cô Maureen phải đút lót cho ông Brandon và Franklin Lessways, người lập biên bản về cái chết của ông Crosby thì số tiền đó đã vơi đi đáng kể.
- Được, tôi có thể xem xét vấn đề này.
- Ngài có biết rõ về cô Janet không?
- Tôi chỉ gặp cô ta hai, ba lần.
- Ồ, tiếc quá. Tôi chưa gặp cô ta bao giờ, nhưng tôi cho rằng cô ta không thể chết vì bệnh tim được.
Willet rướn lông mày, nhìn tôi như nhìn một vật lạ.
- Ông lại có ý kiến gì nữa đấy?
- Bây giờ thì tôi chưa thể nói ra. Nhưng một người yếu tim không thể thường xuyên chơi quần vợt và đi khiêu vũ. Đó là điều chắc chắn: Còn cô Maureen, theo cô y tá Gurney thì có lẽ cô ta không có mặt trong căn nhà ở Grestways. Vậy cô ta ở đâu?
- Đúng thế. Cô ta ở đâu nhỉ?
- Có thể cô ta bị giữ chân trong viện an dưỡng Salzer chăng?
- Việc này thì ông tưởng tượng quá đáng đấy. Tôi vừa gửi cho cô ta một số giấy tờ để cô ta ký. Vừa tuần trước, tôi đã nhận đầy đủ số giấy tờ trên, có dấu bưu điện Crestways.
- Như vậy cũng không chứng minh được là cô ta có tự do hay không. - Willet suy nghĩ một lát, rồi bảo tôi:
- Được rồi, tôi sẽ nghĩ ra một công việc để mời cô ta đến văn phòng của tôi.
- Thật là một ý kiến hay, xin ngài báo cho tôi, khi nào cô ta đến. Tôi sẽ theo dõi, để coi cô ấy đi đâu. Bây giờ, tôi xin phép tạm biệt ngài để đi tìm cô Gurney. Tôi rất mong cô ấy còn sống, vì tôi rất mến cô ấy.
Khi tôi bắt tay từ biệt, Mafrend Willet không giữ được vẻ bình tĩnh lạnh lùng như trước nữa. Nét mặt của ông biểu hiện sự lo âu. Tôi hiểu, ông là một người cứng rắn nhưng vẫn còn nhiều tình người.
II
Viên trung sĩ ngồi sau bàn giấy báo cho tôi biết Mifflin đang đợi tôi. Tôi tới gần cầu thang lên lầu trên. Macgrau, gã cảnh sát có bộ tóc đỏ gặp tôi tới, lầm bầm:
- Vẫn cái của nợ này! Có việc gì vậy? Liệu hồn đấy, biết không?
- Biết nhiều thứ lắm chứ!
Tôi đi qua bộ mặt ngơ ngác đầy ác cảm của hắn để tới phòng Mifflin:
- Lại anh! Anh không hiểu rằng Brandon không ưa anh lai vãng tới đây hay sao?
- Mặc xác Brandon. Tôi chính thức tới đây có việc.
Mifflin đẩy lui ghế lại phía sau, đặt hai tay lông lá lên trên bàn:
- Chính thức?
- Đúng. Để báo tin về một cô y tá săn sóc cho Maureen Crosby bị mất tích. Chắc Brandon sẽ chú ý tới việc này vì đây là một y tá của Salzer.
- Mất tích à? - Mifflin hỏi lại.
Tôi kể cho Mifflin chuyện Gurney đang ngồi với tôi, nghe thấy tiếng chuông, ra mở cửa, rồi không trở vào nữa, mụ đàn bà béo phị ăn mận luôn mồm, cái thang cấp cứu ở sát cửa sổ phòng tắm của Gurney và sự suy đoán của tôi về việc Gurney có thể bị mang xuống đường bằng cái cầu thang ấy.
- Thế thì lạ thật đấy. Cách đây ít lâu, cũng có một cô y tá của Salzer bị mất tích rồi.
- Người ta có tìm thấy cô ta không?
- Không. Nhưng Salzer cho biết là cô ta có thể đã đi nơi khác cùng với người yêu. Vì người này không hợp với cô ta.
- Salzer đã báo cho anh biết về cô Gurney chưa? Mifflin lắc đầu, bảo:
- Cô ta có việc đi đâu thì sao?
- Đi đâu? Cô ta chỉ mặc cái áo choàng trong nhà, chân để trần đi đất.
- Được rồi, cậu đừng làm gì thêm nữa. Tôi sẽ tới người thường trực và báo Brandon là ông ta báo tin cho tôi.
Tôi nhún vai bảo:
- Tùy anh thôi. Này, cô y tá lần trước tên là gì?
- Anona Freedlander. - Mifflin rút một tập hồ sơ để lên bàn. - Bố là Geoges Freedlander, ở 257 California Street tại San Francisco. Mất tích ngày 15 tháng 5 năm ngoái. Khi ở viện an dưỡng của Salzer về, Brandon xác nhận là cô ta đã đi cùng một tay lính thủy đào ngũ tên là Jack Brett và khuyên chúng tôi xếp việc này lại.
- Các anh có tìm được tung tích của Brett không?
- Không.
- Vậy liệu anh có cho tiến hành việc tìm cô Gurney không?
- Việc này còn tùy ở Brandon và lời khai của Salzer.
- Trời ơi! Hình như mọi việc ở cái thành phố này đều phải tùy thuộc vào Salzer cả!
- Đừng vội nổi giận như thế, Vic!
Tôi đứng dậy, bảo:
- Anh phải tìm bằng được cô ấy, nếu không tôi sẽ làm ầm lên cho anh coi.
- Cứ yên tâm đi. Nếu thật là cô ấy bị mất tích thì người ta sẽ cho tìm thôi. Này, theo cậu thì lần này có nên đặt tiền vào ngựa Apple không?
- Vứt chuyện ngựa nghẽo của anh đi chừng nào chưa tìm thấy cô Gurney tôi sẽ không nói chuyện với anh nữa đâu.
Tôi đứng dậy, ra khỏi sở cảnh sát, lên xe về văn phòng công ty. Paula đang ngồi đợi tôi. Tôi ngồi xuống ghế bảo:
- Tiếp tục công việc! Anh đã gặp Willet. Ông ta sẽ trả tiền cho mọi phí tổn nhưng không được phô tên ông ta trong mọi công việc.
Paula tỏ vẻ khinh thường:
- Ông ta sợ rồi. Như vậy, mọi nguy hiểm sẽ đổ lên đầu anh.
- Ông ta sẽ phải chi cho việc đó - tôi cười và kể lại cuộc gặp gỡ với Mifflin - Hình như Salzer có một đội ngũ nữ y tá chuyên cho việc bị mất tích. Em hãy lưu ý điểm này: ngày 15 tháng 5, ngày cô y tá mất tích, cũng là ngày Janet chết. Đừng có hòng ai thuyết phục anh rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Paula nhìn tôi, hỏi:
- Anh cho rằng Janet bị ám sát hay sao?
Tôi châm điếu thuốc, tắt lửa rồi trả lời:
- Có khả năng lắm chứ. Lý do: tiền! Janet không thể chết vì bệnh tim được trừ phi cô ta bị thuốc độc, như thạch tín chẳng hạn. Ông bác sĩ già Bewley chẳng qua chỉ là một nhân vật ngốc nghếch, dễ bị sỏ mũi.
- Đấy mới là sự dự đoán thôi, chưa có bằng chứng. Dễ anh cho rằng chính Maureen ám sát cô chị, chưa biết chừng.
- Tìm ra nguyên nhân sự việc rất quan trọng. Ngoài khoản gia tài trị giá hai triệu đô la, lại còn khoản tiền bảo hiểm nữa. Ai làm việc đó thì anh chưa biết, nhưng nghi ngờ là chuyện cần thiết. Từ chuyện ông Crosby trở đi. Nếu chỉ là một tai nạn tại sao Salzer lại phải kén một ông bác sĩ lẩn thẩn như Bewley đến để làm chứng? Tại sao hắn cũng vội ký tên vào biên bản? Rõ ràng là Brandon và viên thư lại lập biên bản đều đã được đút lót. Ông Crosby tự tử hay bị ám sát? Anh cũng chưa xác định được, nhưng anh tin rằng không phải là một tai nạn. Willet có nhận xét rằng, nếu người ta có sẵn một khẩu súng lục thì không ai lại đi tự tử bằng súng trường. Vậy nếu không phải là một vụ tự sát thì chỉ có thể là một vụ án mạng.
Paula nhìn tôi nửa đồng tình, nửa trách móc:
- Anh thường có nhược điểm là vội đi tới kết luận sớm quá!
Tôi nháy mắt, bảo:
- Vì anh tin có em bên cạnh để sửa sai cho anh đấy mà.
III
Tôi thường chơi trò ghép hình để giải trí. Có khi tôi phải mất cả tháng trời mới ghép được hoàn chỉnh một cái hình nguyên trước đây là một áp phích quảng cáo. Kinh nghiệm của trò chơi cho tôi thấy những mảnh ghép rất nhỏ, nhiều khi lại rất quan trọng để tìm thấy cách dựng lại toàn bộ tấm hình đã được cắt ra thành bao nhiêu mảnh. Bởi vậy, khi nghiên cứu công việc gì, tôi thường chú ý tới những chi tiết thoạt đầu tưởng như không đáng chú ý tới.
Tôi ngồi trước bàn làm việc đã hơn một giờ. Văn phòng đóng cửa, mọi người đã ra về. Tôi đọc đi đọc lại danh sách những người có liên quan tới các sự việc xảy ra ở gia đình Crosby. Cái tên Sherill chợt làm tôi chú ý. Tôi tự hỏi: "Tại sao Janet cắt đứt quan hệ yêu đương với Sherill, một tuần trước khi ông Crosby chết?". Việc này hình như chẳng có gì quan trọng, nhưng biết đâu lại chẳng có liên quan tới toàn bộ các sự việc xảy ra? Để biết rõ, cần phải tìm nguyên nhân của sự tan vỡ. Ai có thể giúp tôi trong việc này trong khi chưa biết Sherill là ai. Tôi lại nhìn vào danh sách: John Stevens người quản gia của gia đình Crosby. Bà giám đốc cơ quan tìm việc làm Martha Bendix có cho tôi biết Stevens bây giờ làm cho gia đình Wainwright. Tôi dở cuốn danh bạ điện thoại, tìm được dễ dàng số điện. Chỉ vài giây sau đã có tiếng nói ở bên kia đầu dây.
- Tư gia ngài Wainwright.
- Tôi xin gặp ông John Stevens.
Vài giây sau, một giọng nói khác qua máy:
- Tôi là Stevens. Xin cho biết ai cần gặp tôi.
- Tôi là Malloy. Tôi mong được gặp ông để hỏi về một chuyện cần thiết liên quan tới gia đình Crosby.
Im lặng. Một lát sau, lại có tiếng nói:
- Tôi không hiểu có cần thiết hay không. Vả lại, tôi chưa hề quen ông và việc bình luận hay cung cấp tin tức về người chủ của mình có lẽ là không nên.
- Tôi là giám đốc công ty Universal Services. Tôi muốn trình bày với ông những lí do thật đúng đắn về việc này, sau đó nói hay không là tùy ông quyết định.
Lần này, sự im lặng kéo dài hơn.
- Thôi được, tôi sẽ gặp ông nhưng không hứa trước với ông điều gì đâu.
- Thế là tốt rồi, thưa ông. Tôi sẽ đợi ông hồi chín giờ ở góc đường Jefferson và Felman. Tôi đội mũ và đọc tờ "Herald buổi chiều".
Tôi đặt ống nói xuống bàn, đứng dậy đi đóng các cửa và tâm trí lại nghĩ tới cô y tá Gurney. Còn hai tiếng nữa mới tới giờ hẹn nên tôi có ý định tạt qua tiệm cà phê Finnegan. Tôi khóa cửa đi theo hành lang tới phòng thang máy. Một người thấp, to ngang, đứng tựa lưng vào tường đang chăm chú đọc báo. Gã có màu da hơi sẫm, mặc bộ đồ màu xanh nước biển. Chiếc áo vét tông đã nhẵn ở khuỷu tay còn chiếc sơ mi thì không còn giữ được màu trắng sạch nữa. Tôi nghĩ thầm có lẽ hắn là dân gốc Ý.
Hắn bước vào phòng thang máy sau tôi. Tới lầu ba, phòng thang máy ngưng lại đón Willet. Ông ta phớt lờ tôi như chưa từng gặp mặt mà giơ một tờ báo lên chăm chú đọc. Tôi cười thầm nghĩ rằng, ông ta quá nhút nhát. Thôi cũng được, chủ yếu là ông ta chịu mọi tiền chi phí. Tới dưới nhà, tôi mở cửa đi ra, dừng lại ở quầy báo mua một tờ Harald Evening, cốt để Willet ra ngoài đường một mình không có tôi đi bên cạnh. Ông ta bước lên một chiếc xe hơi lớn, chắc chắn như xe bọc thép. Gã người Ý ngồi xuống một chiếc ghế đặt ở hành lang, trong khi đó tôi bước ra ngoài bằng lối cửa sau và đi tới tiệm Finnegan.
Tôi vào tiệm trong không khí ồn ào. Mới đi được hai bước thì Olaf Kruger người điều khiển lò quyền Anh ở Prince Street đã tới bắt tay tôi:
- Hê! Vic! Lâu quá không gặp nhau, hay anh giận gì tôi đấy. Ra quầy làm một chầu đi.
Tôi nháy mắt chào Finnegan trong khi Olaf đu người lên ngồi trên một chiếc ghế cao. Tôi nói với anh chàng huấn luyện viên đấm bốc:
- Tớ vừa coi mấy trận đấu mà không gặp cậu. Tay đấm Ohara có vẻ sung sức nhỉ?
Olaf huơ tay cho Finnegan nhìn thấy và gọi, giọng the thé:
- Ê, hai uýtki nhé!
- Rồi quay lại, nói tiếp - Ohara hả? Ừ, nó hăng lắm, nhưng không biết giữ sức. Thế nào cũng có ngày gặp một tay biết phòng thủ, thế là hết đời! Tớ đã bảo nó nhiều rồi mà nó không chịu nghe.
Chúng tôi đã ăn xong hai cái bánh mì kẹp thịt thì Hughson, phóng viên tờ Herald lại ngồi cùng chúng tôi và gạ uống thêm một chầu nữa. Anh chàng này người cao, mảnh, tóc hói và đôi mắt lúc nào cũng như mệt mỏi. Vạt áo trước của anh lỗ chỗ vết cháy của tàn thuốc và nặng mùi những mẩu xì gà "bắt được" ở những nơi công cộng. Anh đã góp cùng chúng tôi dăm ba câu chuyện về đấm bốc thì Olaf chợt hỏi:
- Này, anh có biết cái vụ Dixie Kid không? Hắn đánh nhau hả?
Hughson nheo mũi, bảo:
- Tôi cũng chưa rõ, vì hỏi hắn không chịu nói. Chỉ biết qua một tay tài xế đậu ở cảng Kid đã bơi từ ngoài xa vào bờ và tới hôm nay, một mắt hắn thâm quầng vì cú đấm.
- Nếu hắn bị ném từ trên tầu "Mộng Mơ" xuống, thì cũng là một bài học cho hắn thôi - Olaf tỏ ra không có cảm tình với Kid.
Hughson thọc mấy ngón tay vàng vì khói thuốc vào túi, bảo:
- Hôm qua Kid đã lớn tiếng với Sherill trên tàu "Mộng Mơ". Sau đó bị bốn người quăng xuống nước. Nghe nói rằng, nếu phen này Sherill thúc bách thì Kid đến tiêu mất vì anh ta nợ nần quá rồi.
Olaf gật đầu tán thành và nói thêm:
- Tôi nghĩ rằng, Sherill có thể dùng vũ lực nữa đấy.
Hughson không tán thành, lắc đầu nói:
- Tôi đã bảo Kid, không việc gì phải sợ. Tay Sherill không dám gây chuyện to ra đâu.
Tôi ra hiệu cho Finnegan mang thêm rượu lại và hỏi Hughson:
- Sherill là ai vậy?
- Không phải chỉ có anh mới hỏi, mà rất nhiều người muốn biết rõ về hắn. Nghe đâu trước kia hắn cộng tác kinh doanh với hãng Selby, bòn rút được một món tiền để tậu một cái nhà hàng nhỏ ở đường Rossmore. Sau đó, không biết làm sao đã hứa hôn được với con nhà triệu phú Crosby, rồi tự nhiên mất tăm. Gần đây, hắn trở thành chủ nhân của con tàu "Mộng Mơ", loại tàu ba trăm tấn, bỏ neo ngoài khơi, nơi giáp ranh thành phố này với địa phương bên cạnh. Quanh chiếc tàu của hắn là cả một đội tàu tắc xi nhỏ, đưa đón khách, toàn là loại sộp cả.
Olaf góp ý thêm:
- Trên tàu không chỉ là trò đỏ đen đâu nhé. Có cả một tá con gái phục vụ nữa. Ở ngoài khơi, hắn tránh được sự kiểm soát của địa phương và thả sức thu tiền.
Tôi cố giữ nét mặt không thay đổi, nhưng trong lòng thì thật vui, vì chẳng tốn công sức gì mà lại vớ được nguồn tin đang khao khát. Tôi làm bộ ước ao:
- Khoái nhỉ. Ước gì mình có cơ hội để lên tàu.
Hughson cười mũi:
- Khó lắm, đừng hòng, Sherill tổ chức tàu của hắn theo kiểu một câu lạc bộ. Mỗi hội viên phải đóng hai trăm rưởi đô la tiền nhập hội, năm trăm đô la mỗi năm tiền sinh hoạt và chọn lựa rất kĩ. Đây là tổ chức chỉ dành cho bọn giàu sụ thôi.
- Vậy tay Sherill này xuất hiện ở tầng lớp nào?
- Một tay ma cô có mẽ, điển trai, tinh ranh và độc ác. Loại mắt xanh tóc quăn, cơ bắp được đàn bà mê.
- Tại sao Janet Crosby lại cắt đứt với một tay như thế nhỉ?
- Cô ta như vậy là khôn đấy. Tôi chắc cô ta đã thấy rõ con người của hắn, hắn chỉ yêu món tiền của cô ta thôi, và cô ta đã kịp rút lui.
Olaf lại nói xen vào câu chuyện, trở lại tình hình đánh đấm ở các võ đài. Tôi giơ ly rượu, uống cạn và tạm biệt mọi người.
- Tớ phải đi có việc. Hẹn gặp lại các cậu, một chầu sau này nhé. Vừa quay người lại tôi thấy ngay gã người Ý mặc bộ đồ màu tím than đang ngồi đọc báo ở bàn kế cửa ra vào. Khi tôi đẩy cửa bước ra ngoài, hắn thong thả gấp tờ báo lại bỏ vào túi và đứng dậy.
Tôi leo nhanh lên chiếc Buick mở máy cho xe ra đường. Một chiếc xe khác cũng khởi động, chiếu ánh sáng đèn pha vào chiếc kính hậu của xe tôi.
Tôi cho xe rẽ vào Prince Street. Chiếc xe bám theo tôi là một chiếc Lincoln. Không nhìn rõ người lái, nhưng tôi cũng đoán được hắn là ai. Khi vào đường Felman, lượng xe thưa thớt hơn nên tôi chạy nhanh. Nhưng chiếc Lincoln vẫn bám đuôi xe tôi, không khó khăn gì. Gần tới tiệm cà phê, nơi tôi hẹn Stevens, tôi bất chợt lái xe đi sát vỉa hè và đỗ lại. Chiếc Lincoln bị bất ngờ, đi thẳng nhưng hãm tốc độ và dừng cách xe tôi chừng năm chục mét.
Tôi vội vã rời khỏi xe, núp vào bóng tối một hiên nhà. Phía xa tên người Ý từ từ xuống xe, nhìn quanh một lát rồi đi về phía xe tôi.
Hắn đi đàng hoàng, hai tay thọc túi, cúi người ngó vào trong chiếc Buick tỏ ra không ngạc nhiên vì không thấy tôi và đi về phía cuối phố.
Tôi nhìn theo hắn một lát rồi xuống đường xe điện ngầm để đi qua hè bên kia vào tiệm cà phê. Cái đồng hồ treo trên tường chỉ chín giờ kém năm. Trong tiệm chỉ có vài khách uống: một cặp trai gái còn trẻ, hai người đứng tuổi bên một bàn cờ, hai người phụ nữ đi chợ về, để giỏ thức ăn bên chân và một cô gái ngồi một mình ở góc phòng uống sữa.
Tôi ngồi xuống ghế ở xa cửa ra vào, mở tờ Evening Herald để trên bàn, châm thuốc hút và suy nghĩ. Tên người Ý đó có ý đồ gì? Phải chăng hắn là tay chân của Salzer? Hắn theo dõi tôi gần như công khai, tôi cũng đã ghi được số biển xe của hắn để Mifflin có việc làm thêm. Tuần vừa rồi, con ngựa Apple về nhất, không biết Mifflin có ăn thua gì không. Đồng hồ chỉ đúng chín giờ. Một ông già dáng cao cao, mở cửa bước vào, nhìn quanh một lát rồi trịnh trọng tiến lại bàn tôi, dáng như đi rửa tội cho con chiên vậy. Tôi đứng dậy chào:
- Ông là Stevens? - Ông ta gật đầu.
- Tôi là Malloy. Mời ông ngồi, ông dùng cà phê nhé.
Ông đặt cái mũ kiểu quả dưa xuống một chiếc ghế, gật đầu và ngồi xuống.
Để khỏi mất thời gian, tôi ra quầy lấy hai ly cà phê rồi tự mang lại bàn. Đôi trai gái nhìn ông già rồi lại nhìn nhau cười. Họ đang chứng kiến hình ảnh một con người của thế hệ trước. Tôi mời ông hút thuốc và nói:
- Tôi rất cảm động vì ông đã nhận lời gặp tôi.
Trong lúc ông châm thuốc, tôi nhìn kỹ ông để nhận xét, quả đúng, đây là một lão bộc có lương tâm, cần mẫn và trung thành, tôi tiếp:
- Xin thú thật với ông điều này: Tôi có nhiệm vụ điều tra về cái chết của cô Janet Crosby. Có một số người không tin rằng cô ta chết vì bệnh tim.
Ông già nhỏm người dậy hỏi:
- Ai vậy? Bây giờ mới điều tra liệu có quá trễ hay không?
- Tôi chưa được công bố tên những người đó. Tuy cuộc điều tra hơi trễ nhưng chúng tôi đã thu thập được một số chứng cớ. Vậy ông có tin là Janet bị chết vì bệnh ăng-đô-các-đít không?
Ông già do dự trước khi trả lời:
- Việc đó tuy không liên quan tới tôi cũng xin nói thật. Cái chết của cô Janet làm tôi hết sức bàng hoàng vì Janet là một cô gái tràn trề sức khỏe. Chỉ có bác sĩ Salzer là cho rằng người như cô ta vẫn có thể bị đứt mạch máu bất ngờ.
- Ông có biết nguyên nhân tại sao cô ta cắt đứt quan hệ với Sherill không?
- Tôi chưa rõ ai giao cho ông điều tra vụ này. Dù tôi đã nghe tiếng về công ty Universal Services của ông là một tổ chức đứng đắn, nhưng tôi vẫn không muốn tiết lộ những điều riêng tư của những người tôi đã phục vụ, nếu chưa biết rõ về trách nhiệm của mình.
Tôi chưa biết làm cách nào để hỏi thêm ông già, thì không khí trong tiệm bỗng im lặng khác thường, cánh cửa ra vào bật mở. Bốn tên có màu da và dáng điệu là dân gốc Ý bước vào phòng, hai tên cầm súng tiểu liên trên tay và hai tên cầm súng ngắn, trong đó có tên mặc bộ đồ tím than đã theo dõi tôi. Những tên cầm tiểu liên trấn giữ ở hai góc phòng còn hai tên cầm súng ngắn đi lại phía bàn tôi ngồi. Ông già Stevens kêu ú ớ vì sợ hãi, định đứng dậy. Tôi nắm tay ông, thầm thì:
- Ông nên bình tĩnh, ngồi yên.
Một tay cầm súng tiểu liên quát:
- Không được ai nói! Nếu không ta sẽ bắn hết!
Mọi người sợ hãi, ai cũng cững đờ người như tượng. Người chủ tiệm đứng ở quầy rượu, tay nắm chặt cái ly, mắt mở to. Ông khách đánh cờ đang chỉ tay vào con tướng. Cô gái trẻ mặt tái mét, hai tay bưng mặt, mắt nhắm nghiền, miệng rên rỉ. Tên cướp lại gần dùng báng súng đánh vào mặt cô làm cô ta ngã sấp xuống.
Tôi biết, trong tình thế này, bọn chúng chỉ chờ có cơ hội để nổ súng. Nếu tôi có mang khẩu súng ngắn theo người, có lẽ cũng đành bó tay vì dùng súng ngắn để đối đầu với liên thanh có khác gì mang bàn chải đánh răng đi đấu kiếm.
Hai gã người Ý lầm lì đi về phía bàn tôi. Một đứa lên tiếng nạt nộ:
- Không được động đậy!
Một đứa nắm cánh tay ông già Stevens xốc dậy, bảo:
- Nào, cùng nhau đi dạo một lát, đi!
- Hãy để ông ta lại...
Tôi vừa lên tiếng thì bị một tên dùng báng súng đánh vào cằm và quát:
- Câm miệng lại!
Ông già Stevens đáng thương năn nỉ bọn chúng đừng bắt mình đi, liền bị một tên hành hung rồi kéo ra khỏi tiệm. Hai tay cướp chĩa tiểu liên vào mọi người, đi giật lùi ra ngoài đường. Bọn chúng đẩy ông già lên xe, nổ máy.
Khi chiếc xe vừa chồm lên phía trước, tôi vội nằm xoài ra sàn, vừa lúc một tràng đạn nổ về phía tôi ngồi làm vỡ tan cửa kính. Viên đạn cuối cùng làm băng mất của tôi một cái đế giày!
IV
Tiếng nói từ cái máy thu thanh vọng tới tai tôi như những tiếng vang trong một đường hầm. Ánh đèn trên bàn hắt ánh sáng xuống tấm thảm thành một mảng màu vàng. Tôi ngồi gần chai rượu mạnh. Sau một buổi tối như tôi đã qua, thì uống nhiều hay uống ít không thành vấn đề. Cái chính là làm sao cho quên đi, cho thần kinh trở lại bình thường.
Vì sự thật, chẳng có ai thích thú gì khi thấy một tràng đạn đi lướt qua đầu mình, cả tôi cũng vậy. Trí nhớ của tôi còn bị ám ảnh bởi hình ảnh bọn cướp kéo lết ông già Stevens từ trong tiệm lên xe và sự hối hận rằng chính vì tôi mà ông đã bị tai họa, mà tôi chẳng làm được gì để cứu ông. Tiếng nói từ chiếc loa vẫn cứ như rót vào tai tôi:
"Vào chín giờ tối nay, một bọn sáu tên có vẻ là người gốc Ý đã vào tiệm cà phê "Chim xanh", dùng súng đe dọa mọi người và bắt cóc ông John Stevens đi theo bọn chúng.
Ông già Stevens hiện đang làm quản gia cho nhà doanh nghiệp Gregory Wainwright, vua sắt thép mà mọi người đều biết tiếng ở Orchid City. Bị hành hung khi tuổi đã cao nên ông bị chết vì quá sợ hãi. Bọn cướp thấy vậy, đã ném ông ra khỏi xe.
Sở cảnh sát cũng đang tìm kiếm người cùng ngồi với ông Stevens trong tiệm cà phê. Người này cao, vạm vỡ, da sạm nắng, có vết xước ở mặt vì bọn cướp đánh. Ai gặp hay biết người này ở đâu, phải báo ngay về ngài chỉ huy cảnh sát Brandon, quận Graham -ba-bốn-bốn-bốn..."
Tôi đứng dậy tắt đài, khi quay người lại đã thấy hai gã trung sĩ cảnh sát Mac và Hartsell đứng ở cửa ra vào. Tôi nhảy bổ tới định đóng cửa lại nhưng không kịp. Tôi hỏi họ:
- Ai mời các anh vào đây?
Graw bảo Hartsell:
- Hắn hỏi ai mời chúng mình tới đây, kìa. Có cần phải nói cho hắn rõ không?
- Nói đi - Hartsell bảo đồng nghiệp - Mac Graw nhìn tôi rồi đi đóng cửa sổ lại. Xong, hắn cười đểu giả:
- Con chim xanh nó mời tụi này đấy. Có phải đằng ấy vừa ngồi nói chuyện với Stevens không, hả?
Tôi thấy mồ hôi toát ra. Có thể vì tối nay trời nóng mà cũng có thể vì đoán được ý định của cả hai đứa này. Brandon đã dọa sẽ cho người sửa tôi một trận. Tôi gật đầu nhận:
- Đúng, tôi vừa gặp Stevens.
- Ồ, thật là khớp! - Mac Graw cười thích thú và chỉ vào tôi, giọng châm chọc - Lần đầu tiên, cái "đồ bỏ" này nói thật. Vậy tại sao "đồ bỏ" không tới cảnh sát để tụi này đỡ tốn công đi tìm?
- Tôi nghĩ rằng cũng không làm hơn được điều gì. Tôi đã gọi điện đến báo cho viên sĩ quan trực mô tả hình dạng của bọn cướp và cái xe của chúng. Tôi đã làm hết phận sự. Bản thân tôi cũng vừa thoát chết nên tôi muốn về nhà để cho cơn hoảng hốt dịu đi.
Mac Graw ngồi sâu trong ghế bành, dạng hai chân rộng, rút một điếu xì gà trong túi, cắn đầu bọc nhổ vào tường rồi châm thuốc, phả một luồng khói lên cao. Hắn nói với bạn để giễu tôi:
- Nghe không, hắn muốn quên đi nỗi hoảng sợ! Khổ thân chưa! Này "đồ bỏ", tất cả chuyện vừa rồi mới chỉ là sự bắt đầu thôi đấy. - Tôi giữ im lặng. Hartsell bảo đồng bọn:
- Thôi, làm mau lên. Còn một giờ nữa là tới phiên tao trực rồi.
Mac Graw cau mày, phản đối:
- Việc gì phải vội. Thế này không phải là đang làm việc sao? - Quay sang tôi, hắn hỏi: - Đằng ấy nói những gì với Stevens mặt mẹt?
- Tôi hỏi ông ta về cái chết không bình thường của Janet Crosby.
- Thấy chưa, thấy chưa... - Mac Graw reo lên. - Đại úy đúng không phải là thằng đần, ông ấy đã nói với tao như thế này: "Tôi dám cá rằng cái tên vô lại đó muốn truy Stevens, để lấy tin tức về gia đình Crosby". Đúng cái toách!
Hartsell lừ lừ mắt nhìn tôi, bảo bạn.
- Ừ, đúng thật.
- Còn gì nữa không? - Mac Graw lại hỏi tôi.
- Tôi cũng chỉ cần biết có thế thôi. Stevens cũng nhận là cái chết vô lí.
- Đại úy đã bảo rằng "đằng ấy" hãy để cho gia đình Crosby yên. Nhớ không?
- Tôi nhớ mang máng.
- Vậy đằng ấy tưởng đại úy nói chơi đấy à? Đồ bỏ!
Tôi nhìn hai đứa và trả lời:
- Tôi không biết. Các anh hãy hỏi ngài Brandon ấy.
- Này, đừng ú ớ. Chúng tao không ưa thế đâu.
Hartsell có vẻ sốt ruột:
- Thôi, làm đi.
Mac Graw nhổ vào tường, vứt điếu thuốc xuống sàn, bảo tôi:
- Này, đồ bỏ, đại úy có vẻ không bằng lòng đằng ấy đấy. Mà mỗi lần như thế là ông ta lại trút giận dữ xuống đầu tụi này. Bởi vậy chúng tớ cần phải làm cho ông ấy tươi lên một chút bằng cách cho đằng ấy một bài học tỷ như: xin đằng ấy đôi tai và phá phách bớt đồ đạc ở đây đi. Nghe được không?
Hartsell liếm môi, mắt sáng lên như thèm muốn điều gì. Hắn rút trong túi áo ra một cái gậy bằng cao su, và nói:
- Phải đấy.
- Các anh có nghĩ tới hậu quả của những việc làm như thế rồi sẽ ra sao không? Tôi có thể đưa các anh ra tòa vì tội tấn công công dân bằng vũ khí. Luật sư Mafrend Willet sẽ không để các anh yên thân đâu.
Mac Graw nghiêng người, dụi điếu xì gà vào mặt bàn vécni rồi ngước mắt lên nhìn tôi, cười xỏ:
- Đằng ấy cũng chưa phải là đứa cuối cùng được cho một bài học đâu. Chúng tao cũng chẳng sợ gì Willet cả. Chúng tao đến đây để điều tra về vụ Stevens, thế rồi gặp một thằng bướng bỉnh, không biết điều, chống cự lại pháp luật, thành ra chúng tao phải ra tay bảo vệ pháp luật. Vì mày chống trả hăng quá nên cuộc xô xát ngoài ý muốn của chúng tao có ảnh hưởng chút ít tới môi trường. Để rồi coi ở ngoài tòa. Willet sẽ cân nhắc nên chọn lời khai của hai sĩ quan đáng kính như bọn tao hơn, hay lời kia của một thằng đồ bỏ như mày hơn. Hơn nữa, sau đây, chúng tao sẽ điệu mày về sở. Vì mày nguy hiểm, nên phải nhốt vào xà lim và các bạn tao sẽ lấy cái mặt mày làm chỗ chùi giày để mày hiểu, sự thật pháp luật là cái gì. Hiểu không? Đồ bỏ!
Tôi cảm thấy trong lòng thót lại. Có lẽ đây là cảm tưởng của sự thất vọng, của một buổi chiều không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh bảo chúng:
- Xem chừng các ngài đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi nhỉ.
Mac Graw cười đểu giả:
- Phải thế chứ! Xã hội này còn nhiều đứa ngang bướng như mày, nhà tù đã chật nên thỉnh thoảng tụi tao lại phải đi biểu diễn chuyên môn ở ngoài công sở. Như vậy, đỡ tốn kém cho nhà nước.
Tôi mải nghe những lời khiêu khích của Mac Graw mà không chú ý tới Hartsell. Hắn lùi lại phía sau tôi một chút. Khi tôi nhận ra sự sơ suất của mình thì đã quá muộn: cái gậy cao su đã giáng xuống đỉnh đầu tôi. Tôi khuỵu hai đầu gối, ngã về phía trước. Như chỉ chờ có thế, Mac Graw nhè cổ họng tôi, đá ngược lên. Tôi há miệng cố đớp đớp ít không khí và lăn lộn trên sàn nhà, những cú đánh và đá từ trên cao rơi xuống khuỷu tay, gáy, đầu gối, và hai bên sườn làm cho cảm giác đau đớn từ mọi nơi trên cơ thể dồn về óc rồi lại lan tỏa khắp mọi nơi. Vừa chống tay nhổm người dậy tôi đã phải né một cú đá. Nhưng cái dùi cao su lại bổ trúng đầu. Tôi gục xuống. Mac Graw tóm áo xốc tôi đứng dậy. Mọi vật quanh tôi như bị bao phủ bởi một lớp sương màu đỏ. Hình dáng của kẻ đang hành hung tôi bỗng to lớn khác thường. Mac Graw buông áo tôi ra. Người tôi đổ về phía trước để nhận một cú đấm hất mặt tôi về phía sau. Tôi ngã ngửa và nằm im không động đậy. Cái trần nhà sáp lại gần tôi, lùi ra xa rồi lại sáp gần lại. Tôi nửa mê nửa tỉnh nhưng còn nhận định được rằng hai tên hung bạo này chưa mệt và tôi còn phải trải qua tình trạng này một vài giờ nữa. Tới lúc đó, có lẽ tay thám tử tư Vic Malloy này cũng chẳng còn là cái quái gì nữa!
Tôi chợt nghĩ thầm: "Tại sao chúng ngừng tay lâu thế?".
Tôi cố nằm bất động vì cảm thấy nếu quay người mạnh, đầu tôi sẽ lìa khỏi cổ. Mọi cử động đều làm tôi đau đớn. Bỗng có tiếng nói như từ một cõi xa xôi:
- Hừ, các anh giải trí kiểu này đó hả?
Một tiếng nói của phụ nữ! Tôi mê chăng?
- Thưa bà, tên này rất nguy hiểm!
- Đừng quanh co! Tôi đã nhìn thấy hết qua cửa kính rồi!
Không thể nén được sự tò mò, tôi ngẩng đầu lên. Hình như tất cả các mạch máu, thớ thịt, đường gân trong đầu tôi đều bị sưng phồng, rát bỏng đến độ sắp bị đứt rời. Những tia sáng lao vào mắt tôi như những mũi tên. Tôi vội giơ tay ôm lấy mặt và hé mắt nhìn qua những kẽ tay. Mac Graw và Hartsell có vẻ như đang đứng trên than hồng. Graw cố gượng cười, cái miệng sệch ra như người mếu, còn Hartsell thì luôn vặn vẹo người cứ như có con chuột nhắt đang bò trong ống quần. Một cô gái đứng giữa hai tấm màn che cửa sổ. Bộ đồ mặc buổi chiều màu trắng bắt đầu từ dưới đôi vai trần để lộ rõ một đường hẻm nhỏ nơi giữa ngực. Mái tóc đen xõa xuống bờ vai màu sữa khiến cô có vẻ một thiếu nữ trong độ tuổi ngây thơ. Mắt tôi chưa nhìn được rõ nên những nét của cô gái cứ hiện ra từ từ như những hình được chiếu trên màn ảnh qua một cái máy chiếu loại tồi. Cô có khuôn mặt trái xoan với những đường nét thanh tú, đôi môi mọng đỏ, đôi mắt to đen có những ánh sắc và lạnh của kim cương.
Mạch máu hai thái dương tôi rần rật, cổ đau nhừ, toàn thân như vừa ra khỏi cái máy nghiền. Vậy mà khi nhận thức được đầy đủ sắc đẹp của cô gái, tôi bỗng cảm thấy tắc thở, hệt như lúc nhận được cú đá vừa rồi vào cuống họng. Cô không chỉ đẹp, mà còn có một sức thu hút lạ lùng như những dòng chữ màu chạy trên tấm hình quảng cáo khiến cho mọi người không thể bỏ qua cơ hội ngắm nhìn, mong tìm thấy một cái gì đó khác thường trong đôi mắt, mái tóc, dáng điệu, đường cong của một thân hình rực lửa.
- Tại sao các anh dám cả gan đánh người này? Brandon ra lệnh hả? - Hình như giọng cô có sức mạnh của cái ống phun lửa.
Mac Graw khúm núm:
- Trình cô Crosby... chính tên này đã thọc vào công việc của cô. Đại úy Brandon nghĩ rằng làm như thế cho nó ngán. Thực sự là như vậy, thưa cô.
Cô gái quay lại nhìn tôi. Chắc chắn là mặt mũi tôi lúc này chẳng có gì là xinh đẹp vì toàn khối u và vết rách. Vết thương do tên cướp người Ý để lại trên má tôi nay chảy máu lại. Dù vậy, tôi cũng cố mỉm cười.
Không biết có giống cười không nhưng thực sự là tôi đã hết sức cố gắng.
Cô ta nhìn tôi như nhìn một con ruồi trong đĩa súp và ra lệnh:
- Đứng dậy! Đã có gì đâu nào!
Chắc cô chưa hề có dịp thống kê tổng số những cú đánh tôi đã nhận được trên đầu trên cổ, trên cằm và cả hai bên sườn nữa. Nên cô chẳng có gì đáng trách. Phần tôi, tôi đã đứng dậy được. Không thể hiểu do sức mạnh nào, có lẽ đấy là do sắc đẹp của cô cộng với lòng tự ái của dòng giống Malloy: không thể để cho phụ nữ coi thường. Tôi phải nắm lấy chỗ tựa của chiếc ghế để không khỏi ngã và ngất xỉu.
Tuy khắp người còn đau nhừ, nhưng sức lực tôi dần dần trở lại.
Mac Graw và Hartsell nhìn tôi trìu mến, kiểu con thú dữ bị cướp mất mồi. Chúng giật thót người khi bị mắng:
- Những loại người như các anh thật đáng tởm! Rồi tôi sẽ cho các anh biết tay. Nếu bọn Brandon cứ tiếp tục điều khiển các anh như thế thì cho ông ta về vườn càng sớm càng tốt!
Trong khi Mac Graw lúng búng xin lỗi, tôi loạng choạng tới gần chai uýtki để trên bàn. Hơi ngã người ra phía trước cũng làm tôi đau, nhưng rồi tôi cũng đưa được chai rượu lên miệng, tu một ngụm. Hai viên cảnh sát vừa định xin phép ra ngoài thì cô gái chặn lại:
- Khoan! Có vay thì phải có trả, đợi đấy!
Cô đi lại phía tôi, đưa cho tôi cái gậy cao su của Hartsell và bảo:
- Đập cho chúng một trận! Trả thù đi, có tôi đây, chúng không dám chống cự đâu.
Mac Graw và Hartsell nhìn tôi như hai con heo sữa nhìn đồ tể. Tôi vứt cái gậy xuống đi văng, nói:
- Cám ơn cô, tôi không muốn làm thế.
Giọng tôi rè rè như tiếng loa gỉ. Cô gái nổi giận, quát:
- Sao vậy? Anh sợ à? Chúng sẽ không dám đụng đến người anh đâu. Đập vỡ mặt chúng ra, đi!
- Rất tiếc là tôi không thích làm việc đó. Cô cho bọn chúng đi đi, để không khí nơi đây đỡ nặng mùi.
Cô gái quay lại, vớ cái gậy cao su, đi lại gần hai viên cảnh sát. Mặt Mac Graw tái nhợt. Hắn đứng im nhận cái gậy giáng xuống giữa mặt thành một vết lằn đỏ và khẽ rên lên thành tiếng.
Cô vừa giơ cái gậy lên lần nữa thì tôi nắm cổ tay cô. Hành động này làm các đường gân ở cổ tay tôi đau nhói, lại thêm một cái tát nảy đom đóm mắt. Tôi vẫn nắm tay cô gái, dù cô có lồng lên. Tôi hét to:
- Cút đi, đồ khốn nạn. Nếu không cô ta đập vỡ đầu bây giờ.
Mac Graw và Hartsell vội chạy bổ ra ngoài, thiếu chút nữa thì đập mặt vào cái cầu thang. Khi nghe thấy xe chúng nổ máy ngoài đường, tôi buông tay cô gái, vừa thở hổn hển, vừa can:
- Thôi, thôi mà... chúng đi rồi.
Miệng cô còn hé mở, mặt đỏ bừng, đôi mắt long lên. Nhìn cô trong cơn tức giận lại càng đẹp. Rồi ngọn lửa trong đôi mắt cô tắt ngấm. Cô ngửa ra phía sau cất tiếng cười, nằm vật ra chiếc đi văng, bảo tôi:
- Mình đã làm cho chúng sợ hết hồn, thật là đồ rác rưởi. Lấy cho tôi uống cái gì đi.
Tôi với tay lại chai rượu, và hỏi:
- Cô là Maureen Crosby, phải không?
- Đúng. - Cô xoa cổ tay và nhăn nhó. - Anh làm tôi đau đây này.
- Tôi rất lấy làm tiếc. Xin lỗi cô.
- Cũng may mà tôi tới đúng lúc. Nếu không, anh đã hết đời rồi.
- Đúng vậy. - Tôi rót uýtki vào ly. Bàn tay tôi vẫn còn run nên để rượu đổ cả xuống sàn. Tôi hỏi cô:
- Cô muốn pha thêm nước khoáng hay nước thường?
Cô đỡ lấy ly rượu trong tay tôi và bảo:
- Khỏi pha gì hết. Không nên pha trộn sự vui thú vào công việc cũng như không nên cho lẫn rượu vào nước. Đúng không?
- Cũng tùy công việc gì và loại rượu nào, thưa cô.
Tôi vịn vào thành ghế để ngồi xuống. Hai chân tôi lúc này như được chế tạo bằng bông. Tôi nói:
- Ra cô là Maureen Crosby. Thế đấy, cô là nhân vật cuối cùng tôi mong được gặp mặt tại đây.
- Sự xuất hiện của tôi làm anh sửng sốt lắm phải không?
Đôi mắt, nụ cười của cô vẫn có ý giễu cợt. Tôi hỏi bất chợt và chú ý theo dõi nét mặt Maureen:
- Cô đã cai nghiện xong chưa? Tôi nghe nói những người nghiện không nên uống rượu mà.
Cô vẫn tiếp tục cười, nhưng đôi mắt đen có vẻ nghiêm nghị:
- Không nên tin vào những lời đồn! Tôi nhấp một tí rượu. Chất lỏng trôi qua họng tôi nóng bỏng, khiến tôi phải rùng mình và đặt ly xuống bàn. Tôi bảo:
- Đúng thế!
Chúng tôi nhìn vào mắt nhau, cùng chờ một lát, xem ai nói trước. Đôi mắt cô lúc này thật là lạnh lùng. Cô lên tiếng:
- Không nên làm mọi việc thêm rắc rối! Tôi đến đây để nói với anh rằng, đi chỗ khác mà bới móc chuyện cũ, đừng có sục vào gia đình tôi.
Tôi làm ra vẻ suy nghĩ, rồi hỏi:
- Cô nói thế cho vui hay đây là một lời đề nghị?
Cô mím môi lại làm cho nụ cười biến mất và hỏi:
- Liệu có mua được anh không? Người ta nói với tôi rằng anh là loại người sạch sẽ, không mua được bằng tiền.
Tôi rút hai điếu thuốc, một cho tôi và một cho cô.
- Tôi cũng nghĩ như cô, không nên quá tin vào những lời đồn.
Tôi đưa thuốc cho cô. Khi ngả người châm lửa, gáy tôi buốt như bị kim châm, nên tôi không cười nữa.
- Thì cứ cho là tôi đang trả giá với anh đi. Bao nhiêu?
- Bao nhiêu gì?
Cô nhìn chăm chú vào điếu thuốc như chưa nhìn thấy bao giờ và bảo:
- Tôi không muốn gặp thêm rắc rối nên sẵn sàng trả tiền để được yên. Anh làm tôi thất vọng. Có lẽ anh cũng giống như bao nhiêu đứa tống tiền khác thôi.
- Cô hiểu bọn chúng quá rồi, còn gì.
- Đúng vậy. Cho nên khi tôi hỏi, anh muốn bao nhiêu tiền để khỏi quấy rầy tôi nữa, tôi biết là anh sẽ cười và càng bắt bí tôi hơn. Vậy anh cứ nói thẳng ra đi. Bao nhiêu tiền nào? Để đến lượt tôi cười.
Tôi chợt thấy ngán ngẩm chẳng muốn kéo dài thêm cái trò chơi này nữa. Có lẽ tôi đã mải vui chuyện với một cô gái đẹp nhưng lại để cô ta đánh giá mình là một thằng tồi. Tôi bảo cô:
- Thôi đủ rồi, không đùa nữa. Cô không thể mua được tôi đâu. Nhưng, xin đừng lo. Tôi không phải là người sinh ra để quấy rầy người khác. Hãy cho tôi biết về cô đi. Nếu cô là người đàng hoàng, tôi sẽ bỏ hết mọi chuyện và để cho cô yên.
Cô nhìn tôi chăm chú, vẻ suy nghĩ đắn đo:
- Đừng khoác lác, và đừng để tôi coi thường anh hơn nữa.
- Xin cám ơn lời khuyên của cô. Nhưng cô nói thật thà hay muốn kéo dài thời gian đấy?
- Người ta đã cho tôi biết tính nết anh rất khó chịu nhưng lại có khiếu nói chuyện với đàn bà. Kể cũng đúng đấy.
- Có thể là như vậy, về cái phần cuối ấy, thưa cô.
Bỗng chuông điện thoại reo làm cả tôi và Maureen giật mình. Tôi vừa giơ tay định nhấc ống nghe lên - vì máy ở gần tôi hơn thì Maureen đã rút trong chiếc túi xách tay của cô ra một khẩu 25, ấn nòng vào gáy tôi, lạnh lùng bảo:
- Đứng im, không được nhấc máy!
Cô nàng bắt tôi đứng thế cho tới khi chuông điện thoại ngừng reo. Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Im, đi ra khỏi đây ngay, nếu không tôi sẽ cho anh một phát vào đùi đấy.
Tôi tuân lệnh cô không phải vì sợ, mà vì tò mò.
Tại sao Maureen bỗng hốt hoảng như vậy? Tôi nhìn thấy sự sợ hãi thể hiện rõ trong ánh mắt cô. Khi chúng tôi bước xuống cầu thang, ra đường đi vào chỗ đậu xe, thì tiếng chuông điện thoại lại reo vang.
V
Chiếc Rolls màu đen, có bộ nhún thủy động, máy khỏe chạy nhanh không chê vào đâu được. Trong lúc xe chạy, trong xe không hề thấy xóc, rung hoặc xô trước, xô sau. Tôi chỉ biết tốc độ của xe đang ở một trăm hai mươi cây số/giờ do liếc nhìn đồng hồ báo tốc độ ở bảng xe và nghe tiếng gió rít ngoài cửa kính hai bên. Tôi ngồi bên cạnh Maureen, trên chiếc ghế lông mềm, nhìn ánh đèn chiếu của các ngọn đèn pha lướt trên mặt đường đang trôi vun vút về phía sau như có ma đuổi.
Maureen nhấn còi xin đường cho xe chạy qua đám đông vừa tan buổi biểu diễn văn nghệ ở đường Orchid Boulevard. Chiếc Rolls chạy sát cái xe đi ngược chiều trên đường phố Mount Verde rồi quẹo qua xa lộ San Diego rộng rãi, đủ chỗ cho sáu xe chạy song song. Xe chạy với tốc độ tối đa, vượt tất cả các loại xe cộ đằng trước, làm một đám chạy mô tô xanh mắt. Không biết xe chạy về đâu, tôi hỏi thì Maureen gắt:
- Im đi nào, để tôi còn suy nghĩ!
Bởi vậy tôi đành trao số phận cho khả năng lái xe như điên của cô gái trong đêm tối, thầm mong chiếc xe không gặp trở ngại gì.
Xa lộ San Diego men theo những dải cát đầy gai để tới một vùng bờ biển. Maureen cho xe giảm tốc độ, rời xa lộ, men theo đỉnh một ngọn đồi có tấm biển đề: Đất của tư nhân. Cấm vào! Chiếc Rolls chạy qua mặt tấm biển vào sâu bên trong đi theo những đường nhỏ ngoằn ngoèo, lắt léo, một lát thì tới trước một cánh cửa sắt cao chừng bốn mét mang trên mình đầy dây thép gai. Maureen nhấn ba tiếng còi ngắn. Tấm cửa từ từ mở rộng để xe đi vào bên trong. Tôi cười, bảo:
- Kỹ thuật quá!
Cô không nhìn tôi cũng không đáp lại. Đằng sau xe, cánh cửa lại từ từ đóng lại. Tôi bỗng cảm tưởng mình đang bị bắt cóc, giống như trường hợp cô y tá Gurney. Tuy nghĩ vậy nhưng tôi chẳng hề sợ hãi: một phần vì men rượu bốc trong đầu tôi, phần nữa là tôi buồn ngủ quá. Đồng hồ trên bảng xe đã chỉ mười hai giờ kém hai phút mà tôi lại có thói quen thật xấu là chỉ thức được muộn nhất là tới nửa đêm.
Con đường nhỏ rộng dần, đưa xe tới một cái cổng cao và rộng như cổng trước. Lại còi, cổng lại mở và đóng lại tự động. Dưới ánh sáng chói của đèn xe, tôi thấy mình dừng lại trước một biệt thự xinh xắn giữa một vườn hoa và cây cảnh. Những chiếc đèn điện treo bên trong các cửa sổ căn nhà tầng dưới, tỏa ánh sáng êm dịu lên các bậc thềm bằng đá hoa cương. Maureen mở cửa xe bước ra ngoài. Tôi đứng bên cạnh nàng ngắm khu vườn trải dài ra tận sườn đồi dưới ánh trăng khuya. Gần đấy, sóng nước trên mặt cái bể bơi rộng lớn lấp lánh như hàng ngàn con rắn bạc hòa nhập với phong cảnh và hương hoa của khu vườn tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Tôi khẽ lên tiếng hỏi:
- Căn nhà này của cô?
- Vâng.
Maureen im lặng một lát rồi nói tiếp:
- Tôi rất tiếc phải hành động như vừa rồi, nhưng tôi phải đưa anh về ngay đây bằng mọi giá.
- Nếu thấy cần thiết, tôi sẽ tự mình đi theo cô cơ mà.
- Đúng vậy, nhưng anh có thể trả lời điện thoại. Như vậy sẽ hết sức nguy hiểm.
- Cô nghe đây: tôi bị đau đầu và còn rất mệt vì trận đòn vừa qua. Bởi vậy tôi mong cô đừng mập mờ nữa. Tại sao tôi không được trả lời điện thoại? Cô muốn bắt tôi giữ vai trò gì thế này?
- Tôi sẽ nói để anh rõ. Nhưng vào nhà đã, tôi pha cho anh một ly cốc tay nhé. Chúng ta sẽ uống ở ngoài trời.
Chúng tôi bước lên thềm qua hành lang tới một phòng khách rộng và dài theo hết kích thước của tòa nhà. Tường sơn màu kem, đồ đạc và thiết bị trong nhà không cầu kì nhưng sang trọng và được chọn lọc xứng đáng với căn phòng của một nhà triệu phú.
- Cô ở đây một mình ư?
- Còn một người hầu gái.
Tôi đi qua một cửa lớn bước ra cái sân rộng có lan can chung quanh, nhìn ra biển. Dưới mái che sát tường nhà, có một cái ghế dài, rộng và nhiều chiếc gối nệm bằng da. Tôi buông người xuống một tấm nệm và ngắm nhìn mặt biển.
Một lát sau, Maureen đẩy một chiếc bàn nhỏ có bánh xe, trên để các loại rượu và một xô nước đá. Cô ngồi xuống ghế cách tôi chừng hai mét. Thế là tôi lại quên hết mệt nhọc: quả nhiên cô gái đang ngồi gần tôi là một người rất đẹp mà tôi chưa từng được thấy. Cử chỉ của cô thật duyên dáng qua những động tác cô pha rượu để mời tôi.
Chúng tôi im lặng nhấm nháp. Cô mời tôi hút thuốc, tôi châm thuốc cho cô. Cả hai người đều sẵn sàng vào cuộc giải đáp, nhưng hình như cô còn có điều gì do dự cho nên chúng tôi cứ ngồi thế ngắm vườn, ngắm trăng và ngắm biển. Đã mấy phút trôi qua. Sau cùng thì cô cũng lên tiếng:
- Tôi rất ân hận vì đã cư xử vụng về với anh như vừa rồi... nghĩa là định mang tiền ra để thương lượng với anh. Thật đáng chê trách, nhưng quả thật tôi chưa biết anh là người thế nào, mà lại rất cần anh giúp đỡ để thoát khỏi tình thế hiện nay. Hơn nữa, tôi rất sợ... - Cô tiếp tục, như nói với chính mình:
- Không biết "hắn" có biết căn nhà này không, chắc chắn là có. Nhất định hắn sẽ đến.
Tôi ngắt lời cô:
- Chúng ta không còn nhiều thời gian nên xin cô hãy trả lời cho tôi câu hỏi thứ nhất: tại sao tôi không được trả lời điện thoại?
- Vì như vậy hắn sẽ biết anh đang ở đâu và mò tới.
- Tôi không biết cô muốn ám chỉ ai. Sherrill chăng?
- Đúng hắn.
- Sherrill tìm tôi làm gì?
- Vì anh chen ngang vào công chuyện của hắn. Tôi nghe tiếng hắn ra lệnh cho tên Francini khử anh.
- Francini là tên người Ý hay mặc bộ đồ tím phải không?
- Đúng.
- Có lẽ Sherrill cũng nhúng tay vào việc bắt cóc quản gia Stevens?
- Đúng vậy. Khi hay tin ông già chết, tôi vội đi tìm anh ngay.
- Sherrill có biết căn nhà này không?
- Tôi chưa bao giờ nói với hắn và hắn cũng chưa tới đây bao giờ. Nhưng có thể tôi đã nghĩ lầm rằng như thế là giấu được hắn.
- Thôi, bây giờ cô kể lại mọi sự việc từ đầu đi.
- Nhưng trước tiên tôi cũng muốn hỏi anh vài điều: tại sao anh tới Crestways để tìm tôi? Tại sao anh đi gặp bác sĩ Bewley? Có người nhờ anh rình mò tôi chăng?
- Có đấy.
- Ai?
- Chị cô, cô Janet.
Giả thử tôi có đánh cô một cái vào mặt, có lẽ cũng không làm cô sửng sốt như vậy. Cô giật mình, bật ngửa lại đằng sau cứ như vừa dẫm phải con rắn. Tiếng cô thốt ra nghe như một tiếng rên:
- Janet? Nhưng Janet chết rồi cơ mà?
Tôi mở ví lấy lá thư của Janet gửi cho tôi và nói:
- Cô đọc lá thư này đi.
- Thế này là thế nào? (hình như cô sợ không dám mó vào lá thư).
- Cô hãy nhìn ngày cô Janet viết cho tôi thì sẽ rõ. Lá thư này bị thất lạc mười bốn tháng rồi. Tôi mới biết tới nó được có hai ngày. - Maureen cầm lá thư, nét mặt trầm hẳn lại. Đọc xong, cô im lặng, có vẻ lo ngại. Cô hỏi tôi:
- Chính lá thư này đã khiến anh mở cuộc điều tra sao?
- Chị cô đã gửi cho tôi năm trăm đô la. Bởi vậy tôi có nhiệm vụ phải tiến hành công việc cho xứng với món tiền đó. Tôi định tới tìm cô ở Crestways để hỏi cô về chuyện này. Nếu thấy mọi việc êm xuôi thì tôi đã bỏ qua, nhưng cô không có mặt ở đấy và bao nhiêu sự việc cứ dồn dập xảy ra với tôi buộc tôi phải nghi ngờ và tiếp tục cuộc điều tra.
Maureen im lặng nghe tôi nói, nét mặt không vui. Tôi hỏi:
- Cô bị phao tin xấu phải không?
- Không. Janet đặt chuyện ra để làm tôi rắc rối. Chị ấy thù ghét tôi.
- Sao vậy?
Cô ta thẫn thờ ngắm nhìn khu vườn. Tôi nhấm một chút rượu và châm điếu thuốc để cô có thời gian suy nghĩ trước khi thổ lộ hết mọi điều tâm sự.
- Tôi không biết làm thế nào bây giờ. Nếu để anh biết câu chuyện xảy ra giữa hai chị em chúng tôi, có nghĩa là để anh nắm số phận của tôi trong tay. Anh có thể làm cho tôi thành kẻ đi ăn xin cũng được... (Cô nắm hai bàn tay lại, tỏ vẻ bối rối bất lực). Nhưng không nói ra, thì không thoát khỏi tình trạng bế tắc này.
- Cô không có ai giúp để điều hành công việc hay sao?
- Có nhưng lại như không. Đó là luật sư theo dõi việc thực hiện chúc thư của cha tôi. Nếu tôi bị dính dáng vào một vụ xì căng đan nào, tôi sẽ bị mất hết quyền lợi. Câu chuyện giữa Janet và tôi cũng đủ làm tôi bị chìm tới cổ rồi. Vậy mà còn... (Cô ngập ngừng và thôi không nói tiếp nữa).
Tôi tiếp lời cô:
- Còn chuyện với Sherrill phải không? Có phải cô đã bỏ vốn ra mua chiếc tàu "Mộng Mơ"?
Cô đớ người, quay về phía tôi hỏi:
- Anh biết việc đó sao?
- Không, nhưng tôi đoán vậy. Nếu mọi người biết việc này, chắc cô sẽ rầy rà đấy.
Cô ngồi gần lại phía tôi, nói khẽ:
- Đúng thế... Trước kia Janet đã yêu Sherrill và cả tôi cũng vậy. Nhưng mặc dù tới sau, tôi lại thành công hơn, nên Sherrill đi với tôi. Bởi vậy, Janet đã không ngần ngại định giết tôi. Cha tôi chạy lại định can ngăn hai người, không ngờ bị trúng đạn.
Nói tới đây, cô giơ hai tay che mặt.
Đến lượt tôi sửng sốt. Tôi không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy. Sau một hồi im lặng, Maureen kể tiếp:
- Chúng tôi cố giấu mọi người, nhưng Janet luôn bị lương tâm giày vò đến mức đã uống thuốc độc tự tử. Chúng tôi lại phải giấu kín chuyện này nữa. Cũng may, viên bác sĩ già khụ chứng nhận nên dễ tin ngay là Janet chết vì bệnh tim. Sau khi đã qua được mọi chuyện rồi, Sherrill mới lộ bộ mặt thật của hắn ra. Hắn dọa, nếu tôi không cung cấp tiền để hắn mua chiếc tàu "Mộng Mơ" thì hắn sẽ loan tin cho mọi người biết việc Janet cùng tôi đều mê hắn, cha tôi chết vì viên đạn do Janet bắn tôi rồi tự tử bằng thuốc độc. Tất cả đều do tôi gây ra. Anh hãy tưởng tượng báo chí sẽ làm rùm beng lên thế nào và ông luật sư sẽ hành động ra sao. Dĩ nhiên là tôi sẽ mất hết.
- Sau khi chịu cung cấp tiền, hắn có để cho cô yên không?
- Không. Càng ngày hắn càng đòi hỏi nhiều hơn. Khi biết tin anh tới Crestways điều tra sự việc, hắn liền cho người theo dõi bịt đầu mối. Vì vậy Stevens đã bị bắt cóc, sau đó sẽ là anh và cả tôi nữa. Anh có thể làm thế nào để che chở được cho tôi không? Ngược lại, tôi sẽ giúp anh hết sức mình. Hay là chúng ta tạm lánh mặt?
Có tiếng động phía sau chiếc đi văng làm chúng tôi quay đầu lại. Một người to khỏe, cao lớn, đôi mắt màu tro, tóc uốn kiểu sóng lượn mặc áo ngắn, màu sặc sỡ với cái quần màu tím chỉ đứng cách tôi chừng hai bước. Hắn mỉm cười tự đắc và thỏa mãn, như vừa được chứng kiến một màn văn nghệ đặc sắc.
- Câu chuyện vừa kể nghe hay đấy! Vậy là cô muốn tìm chỗ trốn, hả? Được thôi. Tôi sẽ cung cấp cho cô một chỗ thật kín đáo, không ai biết cả. Cả anh nữa, anh chàng tò mò ạ!
Tôi nhẩm tính khoảng cách giữa tôi và hắn. Có thể bất chợt rút dây lưng, quật vào tay hắn để cướp lấy khẩu súng hay không? Chưa kịp hành động, tôi đã nghe thấy tiếng "vút" trong không khí rất quen thuộc với tôi: tiếng của chiếc gậy cao su.
Tôi cảm thấy sọ mình bị bửa đôi ra trước khi ngất, còn nghe thấy tiếng Maureen la thét.

Chương trước Chương sau