Hỏa ngục - Chương 052

Hỏa ngục - Chương 052

Hỏa ngục
Chương 052

Ngày đăng
Tổng cộng 105 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 88946 lượt xem

Vẫn được xem như Nhà thờ Dante, thánh đường Santa Margherita dei Cerchi giống một nhà nguyện hơn là một nhà thờ. Căn nhà thờ cúng nhỏ xíu chỉ có một gian này là địa điểm quen thuộc với những người hâm mộ Dante, họ thành kính coi đó như một thánh địa, nơi diễn ra hai thời khắc then chốt trong cuộc đời của đại thi hào.
Theo lời kể, chính tại nhà thờ này, năm lên chín tuổi, lần đầu tiên Dante để mắt đến Beatrice Portinari – người phụ nữ mà ông phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên, và là người ông đau đáu dành trọn trái tim suốt cả đời. Trước nỗi đau khổ tột cùng của Dante, Beatrice kết hôn với một người đàn ông khác, và sau đó qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ hai mươi tư.
Cũng chính tại nhà thờ này, vài năm sau, Dante kết hôn với Gemma Donati – một phụ nữ theo mô tả của đại văn hào và cũng là thi sĩ Boccaccio, là người vợ mà Dante đã chọn lầm. Mặc dù có con chung nhưng hai vợ chồng họ không có nhiều tình cảm dành cho nhau, và sau khi Dante bị trục xuất, cũng chẳng ai trong số họ sốt sắng muốn gặp lại nhau.
Tình yêu trọn đời của Dante đã và sẽ luôn là nàng Beatrice Portinari đã đi xa. Dante biết rất ít về Beatrice, nhưng ký ức về nàng trong ông lại mãnh liệt đến mức bóng ma của nàng đã trở thành cảm hứng cho những tác phẩm vĩ đại nhất của ông.
La Vita Nuova, tập thờ được ca tụng của Dante, tràn ngập những dòng thơ tôn vinh “nàng Beatrice thần thánh”. Còn sùng kính hơn thế nữa, Thần khúc xem Beatrice, chứ không phải ai khác, chính là vị cứu tinh đã chỉ dẫn Dante đi qua thiên đường. Trong cả hai tác phẩm, Dante đều ao ước được gặp người phụ nữ mình không thể với tới ấy.
Ngày nay, Nhà thờ Dante trở thành địa điểm linh thiêng cho những trái tim tan vỡ, đau khổ vì tình yêu của họ không được đền đáp. Phần mộ của nàng Beatrice nằm ngay bên trong nhà thờ, và ngôi mộ giản dị đó trở thành một địa điểm hành hương cho cả những người hâm mộ Dante cũng như những kẻ thất tình.
Sáng hôm nay, Langdon và Sienna tìm đường vượt qua Florence cổ kính để tới nhà thờ. Đường phố tiếp tục thu hẹp lại cho tới khi chỉ còn toàn những lối đi cho khách bộ hành. Một chiếc xe hơi biển đia phương hiếm hoi xuất hiện, nhích từng phân qua mê cung và buộc khách bộ hành phải nép sát vào những tòa nhà khi nó đi qua.
“Nhà thờ ngay góc phố kia thôi”, Langdon bảo Sienna, hy vọng rằng du khách bên trong sẽ có thể giúp đỡ họ. Anh biết cơ hội tìm ra một hội viên Hội Bác ái tốt bụng lúc này cao hơn. Sienna lấy lại mái tóc giả của cô và trả Langdon chiếc áo khoác, và cả hai trở lại như bình thường, từ một tay mê nhạc rock và cô ả đầu trọc biến thành vị giáo sư đại học và một phụ nữ trẻ đầu tóc gọn gàng.
Langdon thấy nhẹ nhõm hẳn khi lại được là chính mình.
Khi họ rảo bước vào một ngõ phố còn chật chội hơn nữa – Via del Presto – Langdon đưa mắt nhìn các khuôn cửa. Lối vào nhà thờ lúc nào cũng khó xác định vì bản thân căn nhà quá nhỏ, không được trang hoàng gì, và bị ép chặt giữa hai tòa nhà khác. Người ta có thể đi qua nó mà không hề chú ý. Có điều lạ là tìm ra nhà thờ này không phải bằng mắt mà bằng tai thường lại dễ dàng hơn.
Một trong những đặc điểm riêng của Nhà thờ Santa Margherita dei Cerchi là nơi này thường xuyên diễn ra các buổi hòa nhạc. Những khi không có lịch hòa nhạc, nhà thờ thường chơi lại bản thu các buổi hòa nhạc trước đó để khách tham quan có thể thưởng thức âm nhạc bất kỳ lúc nào.
Đúng như dự tính, khi cả hai dọc theo ngõ phố, Langdon bắt đầu nghe thấy giai điệu nhẹ nhàng của các bản thu âm, càng lúc càng rõ hơn, cho tới khi anh và Sienna đứng trước lối vào kín đáo. Dấu hiệu duy nhất cho thấy đây là địa điểm cần tìm chỉ là một tấm biển nhỏ - một thứ hoàn toàn tương phản với lá cờ đỏ rực ở Museo Casa di Dante – cho biết đây là nhà thờ của Dante và Beatrice.
Khi Langdon và Sienna rời khỏi phố để bước vào khoảng tối của nhà thờ, không khí mát dịu hẳn và tiếng nhạc nghe rõ hơn. Không gian bên trong mộc mạc và giản dị, nhỏ hơn những gì Langdon còn nhớ. Chỉ có một vài khách du lịch, hòa vào nhau, người ghi sổ tay, người ngồi lặng lẽ trên những dãy ghế dài thưởng thức âm nhạc, hoặc chiêm ngưỡng bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật.
Ngoại trừ phần bàn thờ do Neri di Bicci vẽ mang đề tài Đức mẹ Maria, gần như tất cả các tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc trong nhà thờ này đều được thay thế bằng những tác phẩm đương đại nói về hai nhân vật nổi tiếng – Dante và Beatrice – vốn là lý do để đa phần du khách tìm tới nhà thờ nhỏ bé này. Hầu hết các tranh vẽ đều mô tả ánh mắt khát khao của Dante trong lần hội ngộ đầu tiên với Beatrice, mà theo chính lời kể của thi hào, ngay lập tức ông đã phải lòng nàng. Chất lượng các bức vẽ rất khác biệt và đa phần, theo cảm nhận của Langdon, có vẻ hào nhoáng và đặt không đúng chỗ. Trong cách bài trí như thế, chiếc mũ đỏ với hai vạt che tai nổi tiếng của Dante trông như thứ gì đó đánh cắp của ông già Noel. Tuy nhiên, chủ đề lặp đi lặp lại nhiều là ánh mắt khao khát của thi hào dành cho nàng thơ của ông, Beatrice, cho thấy rõ ràng đây là một nhà thờ của tình yêu đau khổ - không được viên mãn, không được đền đáp, và không thể với tới.
Theo bản năng, Langdon ngó sang bên trái, chăm chú nhìn ngôi mộ khiêm nhường của Beatrice Portinari. Đây là lý do chính để người ta tới thăm nhà thờ này, mặc dù chẳng có gì nhiều để xem ngoài ngôi mộ và món đồ nổi tiếng đặt bên cạnh nó.
Một chiếc giỏ bằng liễu gai.
Sáng nay, như mọi khi, chiếc giỏ liễu gai giản dị được đặt cạnh mộ Beatrice. Và sáng nay, như mọi khi, nó đựng đầy những mảnh giấy gấp lại, mỗi mảnh là một lá thư viết tay của một vị khách gửi cho nàng Beatrice.
Beatrice Portinari tựa hồ đã trở thành vị thánh bảo trợ của những người tình không may mắn, và theo truyền thống đã có từ lâu, người ta có thể đặt những lời nguyện cầu viết tay gửi cho Beatrice vào trong giỏ với hy vọng rằng nàng sẽ can thiệp nhân danh người viết. Có lẽ nàng sẽ run rủi cho ai đó yêu họ hơn nữa, hoặc giúp họ tìm thấy tình yêu đích thực của mình, hoặc thậm chí cho họ sức mạnh quên đi mối tình đã mất.
Từ nhiều năm trước, khi khổ sở lùng tìm một cuốn sách về lịch sử nghệ thuật, Langdon đã dừng lại nhà thờ này để đặt một mảnh giấy vào giỏ, khẩn cầu nàng thơ của Dante đừng ban cho anh tình yêu đích thực, mà tặng cho anh một phần cảm hứng đã giúp Dante viết ra cuốn sách đồ sộ của ông.
Hãy cất tiếng hát trong ta, hỡi Nàng thơ, và qua ta kể lại câu chuyện…
Dòng mở đầu trong trường ca Odyssey của Homer dường như chính là lời khẩn cầu rất thích hợp, và Langdon thầm tin bức thư của anh đã đánh thức nguồn cảm hứng thiêng liêng của Beatrice, vì ngay khi trở về nhà, anh đã bất ngờ viết ra cuốn sách một cách dễ dàng.
“Xin lỗi!”, giọng Sienna đột ngột vang lên. “Mọi người vui lòng cho tôi hỏi chút được không?” Tất cả mọi người sao?
Langdon xoay lại nhìn Sienna đang lớn tiếng nói với số du khách tản mát, khiến tất cả đều nhìn về phía cô, có vẻ gì đó cảnh giác…
Sienna mỉm cười thân thiện với mọi người và hỏi bằng tiếng Ý xem có ai tình cờ có bản Thần khúc của Dante không. Sau vài ánh mắt lạ lùng và những cái lắc đầu, cô cố gắng hỏi lại bằng tiếng Anh, nhưng cũng chẳng hơn gì.
Một phụ nữ đứng tuổi hơn đang quét bàn thờ suỵt rất to với Sienna và giơ một ngón tay lên môi ra hiệu im lặng.
Sienna quay lại phía Langdon và cau mày, như thể muốn nói “Giờ thì làm sao?”
Lời hỏi han của Sienna hoàn toàn không phải là điều Langdon hình dung trong đầu, nhưng anh phải thừa nhận rằng anh dự liệu cô nhận được phản ứng tốt đẹp hơn so với những gì vừa rồi. Trong những lần tới thăm trước, Langdon thấy không ít du khách đang đọc Thần khúc trong không gian thiêng liêng này, rõ ràng vì muốn hoàn toàn chìm trong trải nghiệm của Dante.
Hôm nay thì không hề như vậy.
Langdon đưa mắt nhìn một cặp vợ chồng già đang ngồi gần phía trước nhà thờ. Cái đầu hói của ông cụ cúi gập về phía trước, cằm chạm hẳn vào ngực, rõ ràng ông đang ngủ gật. Bà cụ ngồi bên cạnh ông, với hai sợi cáp tai nghe màu trắng lủng lẳng bên dưới mái đầu bạc, dường như rất tỉnh táo.
Có chút hy vọng đây, Langdon nghĩ bụng, len theo lối đi cho tới khi ở vị trí song song với cặp vợ chồng già. Đúng như Langdon hy vọng, đôi tai nghe màu trắng của bà cụ chạy xuống một chiếc iPhone đặt trên đùi. Cảm giác đang bị người khác nhìn, bà ngước lên và rút tai nghe ra.
Langdon không rõ bà cụ nói ngôn ngữ gì, nhưng thành công toàn cầu của iPhone, iPad và iPod khiến những tên gọi này trở thành những từ vựng hiểu được trên khắp thế giới giống như biểu tượng nam/nữ ở các nhà vệ sinh trên toàn cầu.
“iPhone?”, Langdon hỏi, mắt nhìn chiếc máy của bà.
Bà cụ lập tức tươi nét mặt, gật đầu đầy tự hào. “Một thứ đồ chơi thông minh”, bà thì thào bằng giọng Anh. “Con trai tôi tặng cho tôi đấy. Tôi đang nghe email của mình. Anh có tin không – nghe email của tôi nhé! Báu vật nhỏ xinh này đọc thư cho tôi nghe. Với đôi mắt kèm nhèm của tôi thì điều đó đúng là tuyệt vời.”
“Cháu cũng có một cái”, Langdon mỉm cười nói trong lúc ngồi xuống cạnh bà, cẩn thận không làm ông chồng đang say ngủ của bà tỉnh giấc. Nhưng chẳng hiểu sao cháu lại để mất nó tối qua.”
“Ôi, tệ quá! Cậu đã thử tính năng ‘tìm kiếm iPhone” chưa? Con trai tôi nói…”
“Cháu dốt quá, cháu chưa kích hoạt tính năng ấy.” Langdon nhìn bà bẽn lẽn và ngập ngừng đánh bạo, “Nếu không quá phiền, bác làm ơn cho cháu mượn máy của bác chỉ một lát thôi được không? Cháu cần tra cứu một thứ trên mạng. Việc đó giúp cháu rất nhiều.”
“Được thôi!” Bà cụ tháo tai nghe và nhét điện thoại vào tay anh. “Không có gì đâu! Tội nghiệp cậu.”
Langdon cảm ơn bà và cầm lấy điện thoại. Trong khi bà cụ bên cạnh anh kể lể về việc bà sẽ cảm thấy kinh khủng như thế nào nếu đánh mất chiếc iPhone, Langdon mở cửa sổ tìm kiếm của Google và nhấn nút microphone. Khi điện thoại phát ra một tiếng kêu, Langdon đọc thật rõ ràng chuỗi tìm kiếm của mình.
“Dante, Thần khúc, Thiên đường, Khổ XXV.”
Bà cụ tỏ ra kinh ngạc, rõ ràng vẫn chưa hề biết về tính năng này. Khi các kết quả tìm kiếm bắt đầu xuất hiện trên màn hình bé xíu, Langdon liếc nhanh về phía Sienna, lúc này đang lật giở một tài liệu in gì đó gần cái giỏ thư gửi cho Beatrice.
Không xa chỗ Sienna đứng, một người đàn ông đeo cà vạt đang quỳ trong bóng tối, thành tâm cầu nguyện, đầu cúi thấp. Langdon không thể nhìn rõ mặt ông ta, nhưng anh cảm thấy buồn thay cho người đàn ông cô độc có lẽ vừa đánh mất người mình yêu thương và đến đây để tìm chút an ủi.
Langdon tập trung trở lại chiếc Iphone, và chỉ sau vài giây đã có thể chọn đường dẫn tới một địa chỉ cung cấp bản Thần khúc số hóa truy cập miễn phí, vì tác phẩm thuộc sở hữu công cộng rồi. Khi trang màn hình mở ra đúng Khổ XXV, anh phải thừa nhận rằng công nghệ anh vừa sử dụng rất ấn tượng. Mình đến phải chấm dứt việc làm một gã khờ quá coi trọng những cuốn sách bọc da, anh tự nhủ. Sách điện tử thực sự có ưu thế riêng.
Trong khi bà cụ nhìn lên, mặt có phần lo lắng và nói gì đó về chuyện giá cước dữ liệu cao khi lướt mạng Internet ở nước ngoài, Langdon cảm thấy cánh cửa cơ hội của mình rất hẹp, và anh chăm chú tập trung vào trong web trước mặt.
Văn bản rất nhỏ, nhưng ánh sáng lờ mờ trong nhà nguyện khiến cho màn hình được chiếu sáng dễ nhìn hơn. Langdon rất hài lòng khi tình cờ vào đúng bản dịch của Mandelbaum – một bản dịch hiện đại rất thịnh hành do giáo sư quá cố người Mỹ Allen Mandelbaum thực hiện. Vì bản dịch xuất sắc này, Mandelbaum đã nhận được vinh dự cao nhất của nước Ý, Huân chương Ngôi sao Đoàn kết Italia. Mặc dù phải thừa nhận bản dịch của ông ít tính thi ca hơn bản của Longfellow nhưng nó lại có vẻ dễ lĩnh hội hơn.
Hôm nay mình cần ý nghĩa sáng sủa hơn là thi pháp, Langdon nghĩ thầm, hy vọng nhanh chóng tìm ra trong nội dung văn bản chi tiết ám chỉ đến một địa điểm cụ thể ở Florence – nơi Ignazio giấu chiếc mặt nạ người chết của Dante.
Màn hình bé xíu của chiếc iPhone chỉ hiển thị được sáu dòng văn tự một lúc, và khi bắt đầu đọc, Langdon nhớ lại cả đoạn. Trong phần mở đầu của Khổ XXV, Dante nhắc đến chính Thần khúc, nỗi mất mát vật chất mà ông phải chấp nhận khi viết tác phẩm, và niềm hy vọng trong đau đớn rằng có lẽ trường ca tuyệt vời của ông có thể chiến thắng được bản án trục xuất nghiệt ngã đến tàn bạo, đẩy ông rời xa khỏi Florence yêu thương.
KHỔ XXV
“Nếu điều đó xảy ra… nếu bài thơ thiêng liêng này –
tác phẩm được cả thiên đường và mặt đất chia sẻ
làm cho ta hao gầy qua những năm tháng đằng đẵng –
có thể vượt qua sự bạo tàn
đã ngăn cản ta với quê hương yêu dấu nơi ta nằm ngủ,
một chú cừu chống lại cả đàn sói hằm hè…”
Dù đoạn thơ này là chi tiết gợi nhớ rằng Florence chính là quê hương mà Dante nhung nhớ khi viết Thần khúc, nhưng Langdon chẳng thấy chỗ nào nói đến một địa điểm cụ thể trong thành phố.
“Cậu biết gì về mức cước phí dữ liệu không?”, bà cụ xen vào, mắt nhìn chiếc iPhone của mình với vẻ sốt ruột thấy rõ. “Tôi vừa nhớ ra con trai tôi dặn hãy cẩn thận khi lướt web ở nước ngoài.”
Langdon trấn an bà rằng anh sẽ chỉ dùng một phút nữa và đề nghị thanh toán tiền cho bà, nhưng cho dù như vậy, anh vẫn cảm thấy bà cụ sẽ chẳng bao giờ để anh đọc hết cả một trăm dòng của Khổ XXV.
Anh nhanh chóng chuyển xuống sáu dòng tiếp theo và tiếp tục đọc.
“Khi đó cùng với giọng nói khác, mái tóc khác,
Ta sẽ trở về như một thi sĩ và đội lên,
ngay bồn nước rửa tội của ta, chiếc vương miện nguyệt quế;
vì ở đó lần đầu tiên ta thấy lối vào đức tin
thứ giúp cho các linh hồn được Chúa đón chào, và khi đó,
với đức tin ấy, thánh Peter đặt vòng hoa lên trán ta.”
Langdon cũng chỉ nhớ láng máng đoạn này – một cách ám chỉ vòng vo đến thỏa thuận chính trị mà các kẻ thù của Dante đưa ra cho ông. Theo lịch sử, “đàn sói” xua đuổi Dante khỏi Florence đã tuyên bố ông có thể quay về thành phố chỉ khi nào ông đồng ý chập nhận sỉ nhục công khai - tức là đứng trước toàn thể giáo đoàn, một mình chỗ bồn nước rửa tội và chỉ được khoác áo vải bố, như một cách thừa nhận lỗi lầm của mình.
Trong đoạn thơ Langdon vừa đọc, Dante, sau khi khước từ thỏa thuận ấy, đã tuyên bố rằng nếu ông trở về bồn nước rửa tội của mình, ông sẽ không mặc áo vải bố của một kẻ có tội mà là vương miện nguyệt quế của một thi sĩ.
Langdon đưa ngón dướidướitay trỏ kéo xuống tiếp, nhưng bà cụ bất ngờ phản đối, chìa tay về phía chiếc iPhone, rõ ràng đã nghĩ lại việc cho mượn máy.
Langdon không nghe thấy gì. Trong tích tắc trước khi anh chạm được vào màn hình, mắt anh lướt qua một dòng văn bản mà anh đã nhìn thấy lần thứ hai.
“Ta sẽ trở về như một thi sĩ và đội lên,
ngay bồn nước rửa tội của ta, chiếc vương miện nguyệt quế…”
Langdon đăm đăm nhìn những con chữ, thấy rõ trong tâm trạng nôn nóng tìm kiếm chi tiết nhắc đến một địa điểm cụ thể, anh gần như đã bỏ qua một khả năng ngay trong những dòng mở đầu.
“ngay bồn nước rửa tội”
Florence là quê hương của những bồn nước rửa tội được tôn vinh nhiều nhất trên thế giới, nơi đã được sử dụng trong suốt hơn bảy trăm năm để thanh tẩy và rửa tội cho những công dân Florence trẻ tuổi – trong số đó có cả Dante Alighieri.
Langdon lập tức nhớ tới hình ảnh công trình có bồn nước đó. Đó là một dinh thự bát giác rất đẹp, còn tuyệt vời hơn cả Duomo ở nhiều khía cạnh. Giờ anh tự hỏi có phải mình đã đọc được tất cả những gì cần đọc hay không.
Phải chăng tòa nhà ấy là địa điểm Ignazio nói đến?
Một tia sáng lóe lên trong tâm trí Langdon khi một hình ảnh diễm lệ hiện ra – dãy cánh cửa đồng ấn tượng – lấp lánh tỏa sáng trong ánh mặt trời buổi sớm.
Mình biết Ignazio đang cố gắng nói gì với mình rồi!
Mọi ngờ vực còn sót lại đều tan biến ngay sau đó khi anh nhớ ra rằng Ignazio Busoni là một trong những người hiếm hoi ở Florence có thể mở được những cánh cửa đó.
Robert, cổng đã mở cho anh, nhưng anh phải nhanh lên.
Langdon trao chiếc iPhone lại cho bà cụ và hết lời cảm ơn bà.
Anh chạy lại chỗ Sienna và nói nhỏ đầy phấn khởi, “Anh biết Ignazio nói về cánh cổng nào rồi! Cổng Thiên đường!”
Sienna tỏ vẻ hồ nghi. “Cổng Thiên đường à? Chúng không nằm… trên thiên đường chứ?”
“Thực ra”, Langdon nói, cười chế nhạo và tiến thẳng ra cửa, “nếu em biết nơi nào cần thăm thì Florence chính là thiên đường”.

Chương trước Chương sau