Hỏa ngục - Chương 074
Hỏa ngục
Chương 074
Ngày đăng 04-01-2016
Tổng cộng 105 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 88819 lượt xem
Không khí như được tạo tác bằng vàng vậy.
Trong đời mình, Robert Langdon đã tới tham quan nhiều vương cung Thánh đường lộng lẫy nhưng không khí của Chiesa d’Oro (Nhà thờ Vàng) ở St. Mark luôn đem đến cho anh ấn tượng có một không hai. Trong nhiều thế kỷ, người ta nói rằng chỉ cần ngửi không khí ở St. Mark cũng sẽ làm cho bạn giàu có hơn. Câu nói này cần được hiểu không chỉ theo nghĩa ẩn dụ, mà còn cả nghĩa đen.
Với bề mặt nội thất bao gồm vài triệu viên gạch lát bằng vàng cổ, người ta nói nhiều phân tử bụi đang lững lờ trong không khí thực tế chính là những mạt vàng. Thứ bụi vàng lơ lửng này, kết hợp vớí ánh nắng rực rỡ tràn vào qua ô cửa sổ lớn mé tây, tạo ra bầu không khí rực rỡ giúp những tín đồ sùng đạo có được sự giàu có về mặt tinh thần và, nếu hít thật sâu, họ còn nhận được sự sung túc thực tiễn hơn dưới hình thức mạ vàng hai lá phổi.
Vào giờ này, vầng mặt trời xuống thấp rọi qua cửa sổ mé tây, tỏa ra những tia nắng trên đầu Langdon như chiếc quạt lớn sáng rực, hay một mái hiên bằng lụa tỏa sáng. Langdon không thể không hít một hơi thật mạnh, và anh cảm thấy Sienna cùng Ferris cũng làm y như vậy bên cạnh mình.
“Đường nào đây?”, Sienna thì thào.
Langdon ra hiệu về phía một lối cầu thang đi lên. Khu bảo tàng của nhà thờ nằm ở tầng trên và có một khu trưng bày đồ sộ dành cho Ðàn ngựa St. Mark, nơi mà Langdon tin rằng sẽ nhanh chóng hé lộ nhân dạng của vị tổng trấn bí ẩn đã cắt rời đầu của mấy con vật ấy.
Khi họ leo lên cầu thang, anh nhận ra Farris đang phải cố gắng thở, và Sienna bắt được ánh mắt Langdon, điều cô đang cố gắng thực hiện suốt mấy phút qua. Nét mặt có hiện vẻ cảnh báo khi cô kín đáo hất đầu về phía Ferris và miệng nói gì đó mà Langdon không thể hiểu. Anh chưa kịp bảo cô nói rõ thì Ferris đã liếc nhìn lại, chỉ trễ một phần mấy giây, vì Sienna đã đảo mắt và nhìn thẳng vào Farris.
“Anh ổn chứ, bác sĩ?”, Cô hỏi vẻ ngây thơ.
Ferris gật đầu và leo nhanh hơn.
Nữ diễn viên tài năng, Langdon nghĩ, nhưng cô ấy đang cố nói gì với mình nhỉ?
Khi lên đến tầng hai, họ có thể nhìn thấy toàn bộ thánh đường trải ra bên dưới. Ðiện thờ được kiến tạo dưới dạng một thập giá Hy Lạp, nhìn vuông vức hơn những hình chữ nhật kéo dài của nhà thờ St. Peter hay Notre-Dame. Với khoảng cách từ lối vào chính tới bản thờ ngắn hơn hẳn, nhà thờ St. Mark toát ra khi chất đường bệ, vững vàng, cũng như tạo cảm giác dễ tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là quá dễ tiếp cận, bàn thờ của công trình này lại được bố trí phía sau một bình phong có cột chống, trên đỉnh có cây thành giá và chúa Jesus chịu khổ hình. Che chở phía trước là một ô đựng mình thánh Chúa mỹ lệ và tự hào là một trong những bệ thờ giá trị nhất trên thế giới - được mệnh danh là Pala d’Oro (Tán vàng). Phần phông nền lớn bằng bạc mạ vàng được xem là “tấm vải vàng”, nhưng “vải” chỉ có nghĩa “tấm tranh thảm” gồm những tác phẩm xưa hơn – cơ bản là tranh vẽ trên men kiểu Byzantine – tất cả được đan kết trong một cái khung Gothic duy nhất. Được trang điểm với khoảng một nghìn ba trăm viên ngọc trai, bốn trăm viên hồng lựu ngọc, ba trăm viên ngọc bích, cũng như ngọc lục bảo, thạch anh tím, và hồng ngọc. Pala d’Oro cùng với Đàn ngựa St. Mark, được coi là một trong những bảo vật đẹp nhất ở Venice.
Nói về mặt kiến trúc, từ basilica dùng cho bất kỳ nhà thờ phương đông theo phong cách Byzantine nào ở châu Âu hay phương Tây. Là một bản sao của thánh đường Các thánh Tông đồ do Justinian xây ở Constantinople, nhà thờ St. Mark mang phong cách Đông phương đến mức các sách hướng dẫn du lịch thường gợi ý nơi này như một lựa chọn thay thế cho việc tham quan các giáo đường Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đa phần trong số đó chính là những thánh đường Byzantine được cải biến thành các cơ sở thờ phụng Hồi giáo.
Langdon chưa bao giờ coi nhà thờ St. Mark như một lựa chọn thay thế cho các giáo đường Hồi giáo ngoạn mục ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng anh phải thừa nhận rằng niềm đam mê của một người dành cho nghệ thuật Byzantine có thể được thỏa mãn nhờ một chuyến tham quan dãy phòng bí mật ngay cung thờ bên phải trong nhà thờ này, trong đó có cất giữ thứ được gọi là Kho báu của Thánh Mark – một bộ sưu tập gồm hai trăm tám mươi ba thánh tượng, đồ trang sức và cốc rượu lễ quý giá thu thập được trong quá trình cướp phá Constantinople.
Langdon hài lòng khi thấy thánh đường khá yên tĩnh trong buổi chiều nay. Vẫn có người nhưng ít nhất có đủ chỗ để di chuyển. Len lách qua những nhóm du khách, Langdon hướng dẫn Ferris và Sienna đi tới ô cửa sổ phía tây, nơi khách tham quan có thể bước ra ngoài để xem những chú ngựa trên ban công. Mặc dù tự tin vào khả năng nhận diện vị tổng trấn cần tìm, nhưng Langdon vẫn thấy lo lắng về bước đi họ phải thực hiện sau đó – tìm ra vị trí của vị tổng trấn. Mộ của ông ta chăng? Hay tượng? Việc này có lẽ cần đến một hình thức hỗ trợ nào đó, bởi lẽ có hàng trăm bức tượng trong nhà thờ, hầm mộ ở bên dưới và cả những mộ vòm dọc nhánh phía đông của nhà thờ.
Langdon chú ý đến một nữ thuyết trình viên trẻ đang dẫn một đoàn khách, và anh lịch thiệp ngắt lời cô, “Xin lỗi”, anh nói. “Ettore Vio có ở đây chiều nay không cô?”
“Ettore Vio à?” Người phụ nữ ngơ ngác nhìn Langdon. “Có, tất nhiên rồi, nhưng…” Cô ấy đột ngột im bặt, mắt sáng lên. “Ông là Robert Langdon có phải không?”
Langdon mỉm cười nhẫn nại. “Vâng, tôi đây. Tôi có thể nói chuyện với Ettore được không?”
“Được, được!” Người phụ nữ ra hiệu cho nhóm tham quan của mình đợi một lúc và chạy vội đi.
Langdon và người phụ trách bảo tàng, Ettore Vio, đã từng cùng xuất hiện trong một phim tài liệu ngắn về thánh đường này, và họ vẫn giữ liên lạc với nhau kể từ đó. “Ettore viết sách về thánh đường này”, Langdon giải thích với Sienna. “Thực tế là có vài quyển kia”.
Sienna vẫn có cảm giác bất an kỳ lạ về Ferris, người vẫn đang theo sát Langdon trong lúc anh dẫn cả nhóm đi tới cửa sổ phía tây để quan sát đàn ngựa. Qua cửa sổ, họ thấy phần thân sau rắn chắc của đàn ngựa thật nổi bật trên nền trời chiều. Trên ban công bên ngoài là những du khách đi bách bộ để tận hưởng cơ hội tiếp xúc thật gần với đàn ngựa cũng như toàn cảnh Quảng trường St. Mark ngoạn mục.
“Chúng đó!”, Sienna kêu lên, chạy về phía cánh cửa mở ra ban công.
“Không hẳn”, Langdon nói. “Đàn ngựa chúng ta nhìn thấy trên ban công thực tế chỉ là bản sao thôi. Đàn ngựa nhà thờ St. Mark thật được cất giữ bên trong vì lý do an toàn và bảo quản.”
Langdon hướng dẫn Senna và Ferris đi dọc hành lang về phía một hốc phòng sáng đèn, nơi có một nhóm bốn chú ngựa giống hệt như đang chạy nước kiệu về phía họ từ lối đi có mái vòm bằng gạch làm nền phía sau.
Langdon ra hiệu về phía những bức tượng, tỏ vẻ ngưỡng mộ. “Đây mới là bản gốc.”
Mỗi lần nhìn thấy những chú ngựa ở khoảng cách gần như vậy, Langdon đều không thể kìm được nỗi kinh ngạc trước kết cấu và chi tiết hệ thống cơ bắp của chúng. Diện mạo ấn tượng của phần da ngựa càng nổi bật nhờ lớp gỉ đồng màu xanh vàng lộng lẫy bao phủ toàn bộ bề mặt. Với Langdon, việc nhìn thấy bốn chú ngựa này được giữ gìn nguyên vẹn bất chấp quá khứ đầy sóng gió của chúng luôn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của bảo tồn nghệ thuật.
“Vòng cổ của chúng”, Sienna nói, tay chỉ những chiếc vòng trang trí quanh cổ ngựa. “anh nói chúng được cho thêm vào phải không? Để che đi mối nối à?”
Langdon đã kể cho Sienna và Ferris về chi tiết “đầu bị chặt” lạ lùng mà anh đọc được trên trang web Hiệp hội ARCA.
“Hiển nhiên rồi”, Langdon nói và tiến về tấm biển thông tin dựng dần đó.
“Roberto!”, một giọng nói thân thiện vang lên phía sau họ. “Anh xem thường tôi quá!”
Langdon quay lại thấy Ettore Vio, một người đàn ông tóc bạc trắng, tươi tỉnh, mặc bộ cánh màu xanh lam và đeo cặp kính có một sợi xích vòng quanh cổ, đang lách qua đám đông. “Anh dám đến Venice mà không thèm gọi cho tôi à?”
Langdon mỉm cười và bắt tay người đàn ông. “tôi thích làm cho anh ngạc nhiên, Ettore. Trông anh khỏe lắm. Đây là các bạn tôi, bác sĩ Brooks và bác sĩ Ferris.”
Ettore chào họ sau đó đứng lùi lại, đánh giá Langdon. “Đi du lịch với các bác sĩ à? Anh bị ốm sao? Còn quần áo anh nữa? Anh đang biến thành dân Ý à?”
“Không”, Langdon nói, phì cười. “Tôi đến để lấy một số thông tin về đàn ngựa.”
Ettore có vẻ tò mò. “Còn điều gì mà giáo sư nổi tiếng lại chưa biết nào?”
Langdon cười to. “Tôi cần biết về vụ chặt đầu những chú ngựa này để vận chuyển vào thời Thập tự chinh.”
Ettore Vio nhìn cứ như thể Langdon vừa hỏi về bệnh trĩ của nữ hoàng vậy. “Chúa ơi, Robert”, ông ấy thì thào, “chúng tôi không nói về chuyện đó. Nếu anh muốn xem những cái đầu bị chặt thì tôi có thể cho anh xem tượng thủ cấp Carmagnola[48] nổi tiếng hoặc…”
“Ettore, làm ơn giúp tôi đi”, Langdon nói. “Theo giai thoại thì là vị tổng trấn nào?”
Ettore đeo kính lên và nhìn Langdon. “Chậc, theo giai thoại, những chú ngựa yêu dấu của chúng tôi được chở đến Venice bởi vị tổng trấn dối trá và quỷ quyệt nhất.”
“Dối trá à?”
“Phải, vị tổng trấn lừa tất cả mọi người tham gia Thập tự chinh.” Ông ấy nhìn Langdon chờ đợi. “Vị tổng trấn lấy tiền công quỹ để dong buồm tới Ai Cập… nhưng lại chuyển hướng quân lính và cướp phá Constantinople.”
Nghe giống như hành động bội bạc, Langdon đăm chiêu. “Và tên ông ta là gì?”
Ettore cau mày. “Robert, tôi nghĩ anh là một sinh viên về lịch sử thế giới mà.”
“Phải, nhưng thế giới rộng lớn, và lịch sử rất dài. Tôi có thể phải cần đến sự trợ giúp.”
“Tốt thôi, một manh mối cuối cùng.”
Langdon định phản đối, nhưng lại cảm thấy mình đang lãng phí công sức.
“Vị tổng trấn của anh sống thọ gần một thế kỷ”, Ettore nói. “Một phép màu ở thời đại của ông ta. Những người mê tín gán tuổi thọ của ông ta cho những hành động táo bạo trong việc lấy hài cốt của Thánh Lucia từ Constantinople và đưa trở về Venice. Thánh Lucia bị mù mắt do…”
“Ông ta moi xương kẻ mù lòa!”, Sienna buột miệng, mắt nhìn Langdon, cũng vừa có ý nghĩ tương tự.
Ettore nhìn Sienna với ánh mắt kỳ lạ. “Nói như vậy cũng được, tôi cho là thế.”
Ferris bỗng chợt tái nhợt, như thể ông ta vẫn chưa lấy lại nhịp thở sau cuộc cuốc bộ dài qua quảng trường và trèo lên cầu thang.
“Tôi cần nói thêm”, Ettore nói, “vị tổng trấn này rất yêu kính Thánh Lucia bởi vì chính ông ta cũng mù lòa. Ở tuổi chín mươi, ông ta đứng giữa quảng trường này, không nhìn thấy gì cả, và thuyết giáo về Thập tự chinh”
“Tôi biết ông ta là ai rồi”, Langdon nói.
“Chà, tôi cũng hy vọng như vậy!”, Ettore mỉm cười đáp lời.
Vì trí nhớ thị giác của Langdon làm việc tốt với các hình ảnh hơn là những ý tưởng không có bối cảnh, nên trong đầu anh hiện ra một tác phẩm nghệ thuật – một minh họa nổi tiếng của Gustave Doré mô tả vị tổng trấn mù lòa, nhăn nheo, hai tay giơ lên cao trên đầu khi ông ta khích lệ một đám đông gia nhập Thập tự chinh. Tên bức minh họa của Doré còn rất rõ ràng trong tâm trí anh: Dandolo thuyết giáo Thập tự chinh.
“Enrico Dandolo”, Langdon tuyên bố. “Vị tổng trấn sống mãi.”
“Có thế chứ!”, Ettore nói. “Tôi sợ đầu óc anh già cỗi mất rồi, bạn của tôi.”
“Cũng như cơ thể tôi thôi. Ông ấy được chôn ở đây à?”
“Dandolo hả?”, Ettore lắc đầu. “Không, không phải ở đây.”
“Thế ở đâu?”, Sienna hỏi. “Ở Dinh Tổng trấn à?”
Ettore tháo kính, nghĩ một lúc. “Để tôi nghĩ một lát. Có rất nhiều tổng trấn, tôi không thể nhớ ra…”
Ettore chưa kịp kết thúc thì một thuyết trình viên hốt hoảng chạy đến và kéo ông sang bên, thì thào vào tai. Ettore sững người, trông đầy cảnh giác, rồi lập tức chạy tới lan can nhìn xuống điện thờ phía dưới. Một lúc sau, ông ấy quay lại phía Langdon.
“Tôi sẽ trở lại ngay”, Ettore hét to, rồi vội vã chạy đi mà không nói thêm lời nào khác.
Ngơ ngác, Langdon chạy ra lan can và nhìn xuống. Có chuyện gì dưới kia nhỉ?
Ban đầu, anh chẳng nhìn thấy gì hết, chỉ có những du khách đi lại xung quanh. Nhưng một lúc sau, anh nhận ra nhiều khách tham quan đang chăm chú nhìn về một hướng, phía lối vào chính, qua đó có thể thấy một nhóm binh sĩ mặc áo đen vừa bước vào nhà thờ và tỏa ra khắp lối vào chính, chặn tất cả đường ra.
Đám lính áo đen. Langdon cảm thấy tay mình bám chặt lấy lan can.
“Robert!”, Sienna gọi to phía sau anh.
Langdon vẫn không rời mắt khỏi đám lính. Làm thế nào họ tìm ra bọn mình?
“Robert”, cô gọi khẩn cấp hơn. “Có chuyện không hay! Giúp em!”
Langdon quay đi khỏi lan can, ngơ ngác vì những tiếng kêu cứu của cô.
Cô ấy đi đâu rồi?
Một lát sau, anh nhìn thấy cả Sienna và Ferris. Trên sàn ngay phía dưới Đàn ngựa nhà thờ St. Mark, Sienna và Ferris đang quỳ bên cạnh bác sĩ Ferris, người vừa ngã sụp xuống trong cơn co giật, tay ôm chặt lấy ngực.
Ghi chú
[48] Francesco Busone (1382-1432), thường được gọi là bá tước Carmagnola, là một nhà lãnh đạo người Ý. Ông sinh tại Carmagnola trong một gia đình nông dân nghèo. Ông bắt đầu sự nghiệp quân sự khi mới mười hai tuổi và nhanh chóng trở thành một chiến tướng xuất sắc. Ông bị chính Gian Galeazzo Viscontí, quận công Milan, người mà ông phục vụ, nghi ngờ và bỏ tù rồi kết án xử tử ngày 5/5/1432.