Hỏa ngục - Chương 084
Hỏa ngục
Chương 084
Ngày đăng 04-01-2016
Tổng cộng 105 hồi
Đánh giá 9.3/10 với 88805 lượt xem
Đêm đã buông xuống cố đô Byzantine.
Suốt dọc bờ biển Marmara, những ngọn đèn pha nhấp nháy chiếu sáng, soi tỏ đường chân trời với những giáo đường sáng đèn và những ngọn tháp mảnh mai. Lúc này là giờ aksam – giờ hành lễ tối, và những chiếc loa phóng thanh bố trí khắp thành phố đang ngân vang lên tiếng adhãn, lời mời gọi đến cầu nguyện.
La-ilaha-illa-Allah.
Không có thần thánh nào ngoài Đức Thánh.
Trong khi các tín đồ hối hả tới các giáo đường thì bộ phận còn lại của thành phố vẫn tiếp tục mọi việc mà chẳng hề bận tâm: Đám sinh viên đại học tiếp tục uống bia, giới doanh nhân chốt lại những thỏa thuận làm ăn, những nhà buôn rao bán gia vị và thảm, còn khách du lịch thì ngỡ ngàng nhìn ngắm tất cả.
Đây là một thế giới bị chia rẽ, một thành phố của những đối nghịch – tôn giáo và thế tục, cổ xưa và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Với biên giới địa lý trải ra giữa châu Âu và châu Á, thành phố không chịu ảnh hưởng của thời gian này đúng là cây cầu từ Cựu Thế giới, nổi sang một thế giới thậm chí còn xưa cũ hơn nữa.
Istanbul.
Mặc dù không còn là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trong nhiều thế kỷ, nơi đây là tâm điểm của ba đế chế tách biệt – Byzantine, La Mã và Ottoman. Vì lý do này, Istanbul vẫn được xem là một trong những địa điểm có lịch sử phong phú nhất trên trái đất. Từ cung điện Topkapi cho đến Giáo đường Xanh hay lâu đài Bảy ngọn tháp, thành phố này có vô số câu chuyện dân gian về các trận đánh, niềm vinh quang và cả thất bại.
Tối nay, tít cao trên bầu trời đêm phía trên những đám đông náo nhiệt của thành phố, một chiếc máy bay vận tải C-130 đang hạ thấp dần qua một vùng biên bão đang hình thành, tiếp cận sân bay Atatürk. Trong khoang lái, Robert Langdon ngồi chắc chắn trong chiếc ghế phụ lật phía sau phi công, nhìn qua kính chắn gió, cảm thấy nhẹ nhõm vì anh được dành một ghế ngồi có thể nhìn ra ngoài.
Sau khi được ăn một chút và ngủ gà gật ở phía cuối máy bay trong gần một tiếng nghỉ ngơi quý giá, Langdon đã phần nào tỉnh táo trở lại.
Lúc này, ở phía bên phải, Langdon nhìn rõ những ánh đèn của Istanbul, một bán đảo lấp lánh ánh sáng hình chiếc sừng nhô ra vùng đen thẫm của biển Marmara. Đây là phần phía châu Âu, tách biệt với phần châu Á bằng một dải tối chạy ngoằn nghoèo.
Thủy lộ Bosporus.
Mới nhìn qua, Bosporus có vẻ chỉ là một dòng nước rộng chia tách Istanbul làm đôi. Nhưng thực tế, Langdon biết con kênh này chính là huyết mạch thương mại của Istanbul. Bên cạnh việc cung cấp cho thành phố hai đường bờ biển thay vì chỉ có một, kênh Bosporus còn giúp tàu bè đi từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải, cho phép Istanbul trở thành một trạm dừng giữa hai thế giới.
Khi máy bay hạ thấp qua một lớp sương mờ, Langdon dõi mắt nhìn về thành phố phía xa, cố xác định vị trí tòa nhà đồ sộ mà họ đang tìm kiếm.
Vị trí phần mộ của Enrico Dandolo.
Hóa ra Enrico Dandolo – vị tổng trấn bội bạc của Venice – lại không được an táng ở Venice, thay vào đó, hài cốt của ông ta được chôn ngay chính giữa pháo đài mà ông ta chinh phục được năm 1202 – thành phố trải dài bên dưới họ. Rất thích hợp là Dandolo lại yên nghỉ trong ngôi đền kỳ vĩ nhất ở thành phố này – một công trình cho đến ngày hôm nay vẫn là báu vật của cả vùng.
Hagia Sophia.
Được xây dựng vào năm 360 sau Công nguyên, Hagia Sophia từng là một thánh đường Chính thống giáo phương Đông cho tới tận năm 1204. Khi Enrico Dandolo chiếm được thành phố và biến nó thành một nhà thờ Thiên Chúa giáo vào cuộc Thập tự chinh lần thứ tư. Sau đó, vào thế kỷ XV, sau khi Fatih Sultan Mehmed chiếm được Constantinople, nó trở thành một giáo đường Hồi giáo, và vẫn là nơi thờ nguyện của đạo Hồi cho tới năm 1935, khi tòa nhà được thế tục hóa và trở thành một bảo tàng.
Tòa bảo quán mạ vàng của tri thức thánh thiêng, Langdon thầm nghĩ.
Hagia Sophia không chỉ được trang hoàng bằng số gạch lát vàng nhiều hơn cả thánh đường St. Mark mà tên gọi của nó – Hagia Sophia – theo đúng nghĩa đen cũng là “Tri thức thánh thiêng”.
Langdon hình dung ra tòa nhà đồ sộ, cố gắng nghĩ về thực tế rằng đâu đó bên dưới nó, có cái đầm tối tăm chứa một chiếc túi đang dập dờn trong nước, từ từ tan dần và chuẩn bị giải phóng những gì đựng bên trong.
Langdon cầu mong họ không đến quá muộn.
“Những tầng dưới của tòa nhà đã bị ngập”, Sinskey đã nói trước đó trong lúc bay, phấn chấn ra hiệu cho Langdon theo bà trở lại khu vực làm việc. “Anh sẽ không thể tin nổi những gì chúng tôi phát hiện ra đâu. Anh đã bao giờ nghe nói về một đạo diễn phim tài liệu tên là Goksel Gülensoy chưa?”
Langdon lắc đầu.
“Trong lúc nghiên cứu về Hagia Sophia”, Sinskey giải thích, “tôi phát hiện ra rằng đã có một bộ phim được làm về địa điểm này. Một phim tài liệu do Gülensoy thực hiện vài năm trước”.
“Có hàng chục bộ phim đã được làm về Hagia Sophia.”
“Đúng”, bà nói lúc đến khu vực làm việc của mình, “nhưng không có bộ phim nào như thế này”. Bà xoay máy tính của mình để anh có thể nhìn rõ. “Hãy đọc nội dung này đi.”
Langdon ngồi xuống và xem bài viết – một bài tổng hợp từ vài nguồn tin thời sự khác nhau, trong đó có tờ Hürriyet Daily News, nói về bộ phim mới nhất của Gülensoy: Dưới những tầng sâu của Hagia Sophia.
Lúc bắt đầu đọc, Langdon lập tức nhận ra tại sao Sinskey lại phấn khích đến vậy. Chỉ mấy từ đầu tiên đã làm cho Langdon phải ngước lên nhìn bà đầy ngạc nhiên. Lặn bằng bình khí?
“Tôi biết”, bà ấy nói. “Cứ đọc đi.”
“LẶN BẰNG BÌNH KHÍ BÊN DƯỚI HAGIA SOPHIA: Nhà làm phim tài liệu Goksel Gülensoy và đội thám hiểm lặn bình khí của ông đã xác định được vị trí những bồn trũng ngập nước nằm sâu hàng trăm sải bên dưới công trình tôn giáo thu hút nhiều du khách của Istanbul.
Trong quá trình ấy, họ đã phát hiện ra nhiều kỳ quan kiến trúc, trong đó có những mộ phần chìm dưới nước có tuổi đời đã tám trăm năm của các trẻ em tử đạo, cũng như những đường hầm chìm nổi Hagia Sophia với Cung điện Topkapi, Cung điện Tekfur, và những không gian mở rộng dưới lòng đất của nhà ngục Anemas người ta vẫn đồn đại bấy lâu nay.
“Tôi tin những gì bên dưới Hagia Sophia còn thú vị hơn cả những gì nổi trên bề mặt”, Gülensoy giải thích, mô tả rõ anh lấy cảm hứng để làm bộ phim sau khi nhìn thấy một bức ảnh cũ chụp các nhà nghiên cứu đang khảo sát phần móng của Hagia Sophia bằng thuyền, bơi qua một đại sảnh bị ngập một phần dưới nước”.
“Rõ ràng anh đã tìm đúng tòa nhà rồi!”, Sinskey kêu lên. “Và có vẻ như những không gian lớn bơi thuyền được ở bên dưới tòa nhà đó, nhiều chỗ có thể tiếp cận được mà không cần thiết bị lặn bình… Điều đó có thể giải thích cho những gì chúng ta thấy trong đoạn video của Zobrist”.
Đặc vụ Brüder đứng phía sau họ, nghiên cứu màn hình máy tính, “Cũng có vẻ như bên dưới tòa nhà có những thủy lộ tỏa ra ngoài tới mọi khu vực khác. Nếu túi Solublon đó bị tan trước khi chúng ta đến thì sẽ không có cách gì ngăn được những thứ chứa bên trong loang rộng ra.”
“Thứ bên trong…”, Langdon đánh bạo, “Các vị có ý kiến gì về nó không? Ý tôi là đích xác ấy? Tôi biết chúng ta đang phải giải quyết một thứ bệnh dịch, nhưng…”
“Chúng tôi đang phân tích đoạn phim”, Brüder nói, “gợi ý rằng thực tế thứ đó là sinh học chứ không phải hóa học… nói thế tức là một thứ gì đó sống. nếu xét số lượng ít ỏi trong cái túi thì chúng tôi cho rằng nó có khả năng lây nhiễm rất cao và có khả năng sinh sôi nảy nở. Chúng tôi chưa dám chắc đó là một loại dịch bệnh dựa vào nước giống như một loại vi khuẩn, hay nó có khả năng lan truyền trong không khí như một loại vi rút khi được giải phóng, nhưng khả năng nào cũng có thể xảy ra”.
Sinskey nói, “Giờ chúng ta đang thu thập dữ liệu về nhiệt độ nước ngầm trong khu vực, cố gắng đánh giá xem những loại chất truyền nhiễm nào có thể phát triển mạnh trong các khu vực dưới lòng đất đó, nhưng Zobrist là người vô cùng tài năng và có thể dễ dàng tạo ra thứ gì đó có những khả năng độc nhất vô nhị. Và tôi dám chắc rằng Zobrist chọn địa điểm này là có lý do”.
Brüder gật đầu rồi nhanh nhẹn trình bày tiếp đánh giá của anh ta về cơ chế phát tán khác thường của cái túi Solublon chìm dưới nước. Và tất cả bọn họ chỉ mới bắt đầu nhận ra sự tài tình đơn giản của nó mà thôi. Bằng cách để cho cái túi ở dưới nước và ngầm trong lòng đất, Zobrist đã tạo ra một môi trường ủ bệnh cực kỳ ổn định: Nơi có nhiệt độ nước không đổi, không có bức xạ mặt trời, có lớp đệm động lực học, và hoàn toàn kín đáo. Bằng cách chọn một cái túi có độ bền đúng mức, Zobrist có thể để mặc thứ bệnh dịch ấy sinh trưởng trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần trông coi trước khi nó tự giải thoát đúng hạn định.
Kể cả khi Zobrist không bao giờ quay trở lại nơi đó nữa.
Cú xóc bất ngờ khi máy bay tiếp đất làm Langdon chúi trở lại ghế phụ của mình trong khoang lái. Phi công đạp mạnh phanh và sau đó cho máy bay dừng hẳn lại một nhà chứa khá cách biệt.
Langdon hy vọng sẽ được đón chào bởi cả một đội quân nhân viên WHO trong trang phục phòng dịch. Nhưng lạ thay, người duy nhất đợi họ đến lại là tài xế một chiếc xe thùng màu trắng lớn, mang biểu trưng là một chữ thập cân đối màu đỏ tươi.
Chữ thập đỏ ở đây sao? Langdon nhìn lại, nhận ra còn một chủ thể nữa cũng sử dụng chữ thập đỏ. Đại sứ quán Thụy Sĩ.
Anh tháo khóa ghế ngồi và tìm kiếm Sinskey khi mọi người chuẩn bị rời máy bay. “Mọi người đâu cả rồi?”, Langdon hỏi, “Nhóm WHO ấy? Rồi cả cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ nữa? Không nhẽ tất cả đều đã đến Hagia Sophia rồi sao?”.
Sinskey nhìn anh lo lắng. “Thực ra”, bà giải thích, “chúng tôi quyết định không đánh động giới chức địa phương. Chúng ta đã có nhóm SRS cừ nhất của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đi cùng rồi, và có vẻ giữ kín nhiệm vụ này một thời gian thì tốt hơn là tạo ra một cơn hoảng loạn có khả năng lan rộng”.
Gần đó, Langdon nhìn thấy Brüder cùng nhóm của anh ta đang kéo khóa những chiếc túi đen có chứa đầy đủ các dụng cụ đối phó với độc chất – quần áo chống khuẩn, mặt nạ phòng độc, và cả thiết bị dò tìm điện tử.
Brüder xốc túi của mình lên vai và bước lại. “Chúng tôi sẽ thử. Chúng tôi sẽ vào trong tòa nhà, tìm mộ của Dandolo, nghe tiếng nước như bài thơ gợi ý, sau đó sẽ đánh giá lại và quyết định xem liệu có nên gọi những đơn vị chức năng khác đến hỗ trợ không.”
Langdon nhìn ra kế hoạch có vấn đề. “Hagia Sophia sẽ đóng cửa vào buổi chiều, cho nên nếu không có giới chức địa phương, chúng ta không thể vào trong được.”
“Không sao đâu”, Sinskey nói. “Tôi có một đầu mối liên lạc trong sứ quán Thụy Sĩ. Người đó dã liên lạc với người phụ trách Bảo tàng Hagia Sophia và đề nghị một cuộc tham quan riêng hạng VIP ngay khi chúng ta đến nơi. Người phụ trách đã đồng ý rồi.”
Langdon gần như cười phá lên. “Một chuyến tham quan hạng VIP cho giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới sao? Và cả một đội quân mang theo đồ nghề ứng phó với độc chất nữa à? Các vị không nghĩ điều đó có thể khiến một vài người thắc mắc sao?”
“Đội SRS và đồ nghề sẽ ở nguyên trong xe trong khi Brüder, anh và tôi đánh giá tình hình”, Sinskey nói. “Thêm nữa, để cho thật chính xác, tôi không phải là VIP. Chính anh đấy.”
“Bà nói sao cơ?”
“Chúng tôi đã nói với bảo tàng rằng có một vị giáo sư Mỹ nổi tiếng bay tới cùng một nhóm nghiên cứu để viết bài về những biểu tượng của Hagia Sophia, nhưng máy bay của họ bị trễ năm tiếng và anh ta lỡ mất giờ tới tham quan tòa nhà. Vì anh ta cùng nhóm của mình sẽ đi ngay vào sáng mai nên chúng tôi hy vọng…”
“Được rồi”, Langdon nói. “Tôi hiểu ý rồi.”
“Bảo tàng đang cử một nhân viên tới đó để gặp riêng chúng ta. Quả nhiên, anh ta là người rất hâm mộ những bài viết của anh về nghệ thuật Hồi giáo”. Sinskey mỉm cười mỏi mệt với anh, rõ ràng đang cố tỏ ra lạc quan. “Chúng ta được đảm bảo rằng anh có thể tiếp cận tất cả ngóc ngách của tòa nhà.”
“Và quan trọng hơn”, Brüder nói, “sẽ chỉ có chúng ta làm chủ toàn bộ không gian đó”.