Kẻ phụng sự thầm lặng - Chương 47
Phố Downing
Ngày đăng 09-01-2016
Tổng cộng 64 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 63107 lượt xem
Bốn giờ 15 phút chiều thứ sáu.
Chiếc xe của Graham Seymour rẽ vào Whitehall, dừng vài giây chỗ mấy cái cổng an ninh trên phố Downing. Ông hạ kính xe xuống, chìa giấy chứng minh ra cho viên sĩ quan cảnh sát thành phố đang đứng quan sát bên ngoài hàng rào. Tay sĩ quan kiểm tra xong ra hiệu cho đồng nghiệp mở cổng. Chiếc Limousine lướt đi vừa được chừng bốn mươi lăm mét thì phải dừng lại lần nữa. Lần này, xe dừng trước cánh cửa nổi tiếng nhất thế giới.
Gabriel bước xuống sau cùng, đi theo mấy người kia vào trong sảnh. Bên trái họ là một lò sưởi nhỏ, cạnh đó là cái ghế bọc da kiểu Si-pê-đan cũ rích dành cho người khuân vác và tay bảo vệ. Phía trái là một chiếc hòm gỗ, loại dành cho du lịch. Cái này hình như được công tước của Wellington mang theo trong trận đánh Waterloo nổi tiếng vào năm 1815. Kia là cái đồng hồ to sụ của Tử tước xứ Whitehaven. Cái đồng hồ này quá ồn ào trong khi ngài Churchill muốn nó báo giờ trong im lặng. Và đây, chính giữa sảnh là một người đàn ông điển trai với làn da tai tái và mái tóc đen điểm vài sợi hoa râm trước trán. Ông tiến về phía Gabriel, thận trọng chìa tay ra bắt. Tay ông ta lạnh ngắt.
“Chào mừng các vị đến phố Downing”, vị Thủ tướng Anh cất lời. “Cảm ơn vì đã đến cho dù chúng tôi báo tin gấp”.
“Xin thứ lỗi thưa ngài Thủ tướng. Mấy ngày qua quả là quá dài”.
“Chúng tôi có nghe về vụ tai nạn bất ngờ của anh tại Đan Mạch. Sự thật cho thấy anh đã bị lừa. Tất cả chúng ta điều bị lừa”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Chúng tôi đối xử với các anh thật không phải sau vụ ở công viên Hyde Park, nhưng chính sự xuất hiện của anh trên báo đài đã thuyết phục chúng tôi rằng các anh có thể cứu mạng Elizabeth Halton. Chúng tôi cần đến sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh, anh Allon ạ. Vậy các anh sẵn sàng nghe tôi nói rồi chứ?”.
“Sẵn sàng, thưa ngài”.
Thủ tướng mỉm cười. Một nụ cười máy móc, hệt như đã được lập trình từ trước, Gabriel nghĩ. Nụ cười ấm áp như chiều đông.
Họ đi dọc cầu thang chính, bên trên có treo chân dung của các đời Thủ tướng.
“Hình như đây là lần đầu tiên anh tới phố Downing phải không, anh Allon. Hay biết đâu anh từng có dịp nào vào đây rồi mà không theo con đường chính thức không?”.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, thưa ngài Thủ tướng”.
“Tôi đoán là ở đây trông khác với văn phòng thủ tướng trong suy nghĩ của các anh”.
“Quả thật rất trang nhã, thưa ngài. Văn phòng của chúng tôi trông chẳng khác gì mấy cái lán tạm cư”.
“Ta sẽ bàn bạc trong Phòng Trắng”, Thủ tướng nói. “Từ sau cái chết của Henry Campell – Bannerman ở đó vào năm 1908, đến nay chưa ai chọn phòng ấy là nơi từ trần nữa cả”.
Họ bước qua một cái cửa rất cao để vào trong. Mấy cái rèm màu đỏ sậm mang lại cảm giác ấm áp trong khi chùm đèn Waterford treo trên lại toả ra một thứ ánh sáng dìu dịu. Robert Halton ngồi trên cái ghế bành có sọc cạnh phu nhân Eleanor McKenzie. Tổng giám đốc MI5. Đồng sự của bà từ MI6 vẫn đi quanh phòng trong khi đại diện của cảnh sát Trung tâm đứng ở góc phòng, chỉ nghe tiếng thì thào qua điện thoại. Sau màn giới thiệu vội vả, Gabriel được mời ngồi lên cái ghế thứ hai, chỗ này nằm dưới tầm mắt dài dại của bức tượng Chim sơn ca Florence. Một tia lửa bùng lên trong lò sưởi. Ông quản gia mang trà vào. Tuy nhiên không ai ghé môi nhấp thử..
Thủ tướng thả người xuống ghế bành đối diện lò sưởi và chỉnh lại tư thế. Ông nói chậm rãi, như thể đang giải trình về sự bất cập của chính sách kinh tế quan trọng mới được áp dụng. Ông nói là lúc chiều (theo giờ Luân Đôn), ngài đại sứ Halton đã đệ đơn từ chức lên Nhà Trắng và đề nghị hai mươi triệu đô la để giao cho bọn khủng bố đổi lấy sự tự do của con gái ông. Sau đó hai giờ, bọn khủng bố liên lạc với chuyên gia đàm phán các vụ bắt cóc của FBI ở văn phòng đại sứ quán Hoa Kỳ để ngã giá sau khi đưa ra các chứng cứ cho thấy đúng là chúng đang giam giữ cô ấy. Chúng muốn ba mươi triệu thay vì hai mươi triệu như đã báo trước đó. Nếu tiền đến đúng kế hoạch – có nghĩa là không ai giăng bẫy chúng, không ai bị bắt giam – Elizabeth sẽ được phóng thích trong vòng hai mươi bốn giờ.
“Vậy tôi đến đây làm gì?”, Gabriel hỏi dù đã thừa biết câu trả lời.
“Anh là người thông minh, Allon ạ. Tôi mới là người phải hỏi anh chứ?”.
“Tôi đến đây vì họ muốn tôi đi giao tiền”.
“Tôi e rằng đúng như vậy đấy”, Thủ tướng đáp. “Chúng sẽ gọi lại lúc 5 giờ 59 phút để gặp tay chuyên gia thương lượng ở Đại sứ quán. Chúng muốn nghe câu trả lời dứt khoát, có hay không. Nếu câu trả lời là không, Elizabeth sẽ bị giết ngay tức khắc. Còn nếu có, tức là ta đồng ý với mọi yêu cầu của bọn chúng – và cô ấy sẽ được thả trong vòng bốn mươi tám tiếng tính từ lúc này, cộng trừ vài giờ”.
Căn phòng chìm trong sự im lặng đến ngạt thở cho đến khi Adrian Carter cất lời. Adrian là người thay mặt Gabriel trả lời. “Câu trả lời là không”, ông nói. “Đây rõ ràng là một cái bẫy. Tôi có thể nghĩ đến ba trường hợp, chẳng có cái nào dễ nghe cả”
“Chúng tôi đều biết rằng đằng nào cũng có bẫy, ông Carter à”, giám đốc MI6 nói. “Không cần phải xem lại làm gì”.
“Ông đùa với tôi chắc”, Carter nói. “Không phải là một người Mỹ khờ khạo. Cảnh tượng thứ nhất: Gabriel bị giết ngay sau khi trao tiền. Thứ hai: chúng sẽ túm Gabriel mang về, tra tấn dã man sau một thời gian rồi giết. Thứ ba: có vẻ đây là điều có khả năng xảy ra nhiều nhất”.
“Cái gì?”, Thủ tướng nôn nóng.
“Gabriel sẽ thế vào chỗ của Elizabeth. Tổ chức Thanh kiếm Allah sau dó sẽ uy hiếp chính phủ Israel thay vì uy hiếp chính phủ chúng ta, và ta lại quay về bước ban đầu”.
“Có một điều quan trọng”, Graham Seymour tiếp lời. “Đa phần mọi người trên thế giới đều muốn mượn tay Thanh kiếm Allah để giết con người này. Anh ta vừa là dân Israel theo Do Thái giáo, vừa là kẻ chiếm cứ, vừa là kẻ áp bức; trong mắt của không ít người dân châu Âu và thế giới Hồi giáo, cái chết của anh ta rất đáng giá. Vụ giết người này được xem như chiến thắng lớn của bọn khủng bố trong công tác tuyên truyền”.
“Sự hợp tác của anh ấy trong giai đoạn này cũng là quá đủ rồi”, Eleanor McKenzai nói. “Kể cả nếu anh ấy trả lời là có, ta vẫn có thêm hai mươi bốn tiếng để lo cho sự an nguy của cô Halton”.
“Ta đã tìm cô ấy những hai tuần, và bây giờ cho dù có ai khác mon men nhảy vào vụ này thì cũng chẳng đủ để thay đổi gì nhiều”.
Gabriel nhìn sang Robert Halton. Chỉ mới hơn một tuần không gặp mà mặt vị đại sứ đã hằn thêm vài nếp nhăn. Nhìn ông già đi mấy tuổi. Ông Thủ tướng đủ thông minh để không ngồi nói chuyện mà vắng mặt Halton, vì nếu lúc này mà Gabriel nói “không”, thì hành động đó cũng tương ứng với một tội ác dù không nói ra bằng lời. Có thể đó cũng chính là lí do để Thủ tướng mời ông ta tới đây. Bởi nếu nhìn ông ta, Gabriel sẽ không thể từ chối.
“Chúng sẽ còn yêu cầu thêm”, Gabriel nói. “Chúng sẽ yêu cầu tôi đi một mình. Nếu tôi mà có ai đó bám theo, thoả thuận coi như bị huỷ hết và Elizabeth sẽ chết. Ta sẽ phải tôn trọng yêu cầu của bọn này”. Anh nhìn Seymour và Carter. “Không được theo dõi, Hoa kỳ hay Anh cũng thế”.
“Anh không thể dấn vào mà không có ai sau lưng”, vị sếp sở cảnh sát nói.
“Tôi có định làm vậy đâu”, Gabriel đáp. “MI5 và đội chống khủng bố của lực lượng ở Anh sẽ hỗ trợ chúng ta mọi mặt ta cần, tuy nhiên sẽ phải có một đội của Israel có mặt từ đầu đến cuối. Tôi sẽ mang theo bất kỳ ai và bất cứ cái gì vào đó để làm vụ này. Sau này không được kiểm tra, không đòi hỏi gì hết. Nếu ai đó chết hay bị thương trong vụ giải cứu Elizabeth, không được thẩm vấn hay tống giam bất kỳ ai trong đội của tôi”.
“Lạc đề rồi”, Eleanor McKenzai nói.
“Cứ làm như vậy đi”, Thủ tướng tiếp lời.
“Ông mất bao lâu để lo đủ tiền?”.
“Các ngân hàng lớn đều được vào cuộc”, Thủ tướng đáp. “Chiều tối mai là xong. Dĩ nhiên, lần này lượng tiền nhiều quá nên lúc vận chuyển hơi nguy hiểm. Họ nói đó là hai túi đầy ấp”.
Gabriel nhìn từng gương mặt. “Đừng nghĩ đến chuyện đặt thiết bị theo dõi trong mớ tiền đó đấy”.
“Hiểu rồi”, Thủ tướng đáp. “Mai là Giáng sing. Đây chắc chắn không phải là chuyện trùng hợp”.
“Không đâu thưa ngài. Bọn chúng đã chuẩn bị vụ này từ lâu rồi”, Gabriel nhìn vào đồng hồ đeo tay. “Ai đó cho tôi đi nhờ đến Đại sứ quán Hoa Kỳ với? Vài phút nữa sẽ có một cuộc điện thoại. Tôi muốn nghe”.
“Graham sẽ chở anh”, Thủ tướng ra lệnh. “Tôi sẽ phái thêm một đội cảnh sát hộ tống. Giờ này xe cộ ở trung tâm Luân Đôn khiếp lắm”.
Trên tường chỗ văn phòng John O’Donnel treo cái đồng hồ điện tử có mấy con số màu đỏ nhấp nháy trên nền đen. Nhưng Gabriel không quan tâm mà chỉ nhìn chăm chăm vào cái máy điện thoại. Hiện đại thật. Nó có đến hai mươi cổng kết nối kể cả máy phụ 7512 đang nằm đâu đó trong toà nhà. Cái máy con ấy là vật dự phòng của riêng O’Donnel. Giờ đây chúng thuộc về Gabriel cùng với cái ghế và miếng lót nhăn nhúm.
Đồng hồ chỉ đến số 17 giờ 59 phút. Kim giây bắt đầu vòng quay quen thuộc từ số 00 đến số 59. Gabriel không rời mắt khỏi cái máy 7512 có gắn đèn màu xanh lá cây. Chỗ ống nghe có một vết nứt do O’Donnel gây ra lúc nện nó xuống trong một lần nổi nóng. Một phút sau, đồng hồ nhảy sang số 18.00.00. Ai đó thở dài đánh thượt. Rồi đến 18 giờ 1 phút 25 giây, Gabriel nghe rõ ràng ai đó trong đội của O’Donnel bắt đầu sụt sịt. Anh không để lộ sự bi quan của mình cho những người đó thấy. Anh chẳng lạ gì với mấy tên khủng bố tàn bạo thích lấy cái hạn chót chết người ấy ra làm trò tiêu khiển để bỡn cợt đối phương Hoa Kỳ hay Israel của chúng.
Đúng 18 giờ 2 phút 17 giây, chuông reo. Gabriel nhắc máy ngay sau tiếng chuông đầu tiên, cốt không để tiếng chuông gây ra áp lực tâm lý cho những người kia. Anh trả lời bằng thứ tiếng Anh pha giọng Do Thái nhằm mục đích cho bọn kia biết rằng chúng không nhầm.
“Câu trả lời là có”.
“Vậy thì lúc mười giờ tối nay. Tụi tao sẽ hướng dẫn mày sau”.
Trong những tình huống thông thường, một chuyên gia đàm phán như O’Donnel có thể áp dụng kế hoãn binh: rắc rối chỗ gom tiền, khó khăn chỗ xin ý kiến địa phương về việc giao tiền, bất kỳ điều gì nhằm giữ con tin sống sót và làm cho bọn bắt cóc chịu nói chuyện. Nhưng lần này thì không phải là tình huống thông thường nữa – bọn khủng bố muốn Gabriel – và không thể nào trì hoãn thêm nữa. Bắt đầu càng sớm chừng nào thì kết thúc càng sớm chừng ấy.
“Mày sẽ gọi vào số này chứ?”, Gabriel hỏi.
“Đúng”.
“Tao đợi”.
Cụp.
Gabriel đứng dậy, mặc lên người chiếc áo khoác da, đi xuống cầu thang.
“Anh nghĩ là anh đi đâu?”, Carter hỏi.
“Đi khỏi đây”.
“Anh không thể đi”.
“Tôi không ở đây được, Adrian. Tôi có việc”.
“Để chúng tôi chở anh đi. Chúng tôi không thể để anh đi loanh quanh Luân Đôn mà không có ai bảo vệ”.
“Tôi tự lo được mà, Adrian”.
“Ít ra cũng để tôi trang bị cho anh một cây súng chứ”.
“Vậy lính của ông dùng cái gì?”.
“Browning siêu hoả lực. Nó không mềm mại và đẹp mã như khẩu Beretta của anh đâu. Nó khá mạnh đấy. Anh cần mấy băng đạn? Một hay hai?”.
Gabriel nhăn mặt.
“Hai đi nhé”, Carter tiếp. “Và một hộp dự phòng”.
Năm phút sau, vai đeo cái túi mà Carter đưa, cái túi đè mạnh lên phần xương sống bên dưới, Gabriel lẻn ra ngoài qua cổng phía bắc, rẽ vào phố Bayswater. Lề đường dọc theo hàng rào Đại sứ quán đã cấm khách bộ hành và được khoanh vùng bởi mấy viên sĩ quan Sở cảnh sát mặc áo xanh màu vỏ chanh. Gabriel băng qua đường tiến về phía công viên Hyde Park. Anh nhận ra người lái xe máy sau hai phút khi anh rẽ qua góc đường hướng vào công viên. Chiếc môtô hiệu BMW với động cơ cực mạnh được điều khiển bởi một người có đôi chân khá dài đội nón bảo hiểm kín mít. Gabriel chú ý đến chỗ phình ra bên dưới cái áo da – bên trái, người này thuận tay phải. Anh tiếp tục tiến về phía Cổng Đá ở phía bắc rồi lại rẽ sang hướng tây tiến về phố Bayswater. Lúc anh gần tới chỗ cổng Albion, thình lình anh nghe tiếng chiếc môtô BMW rú lên sau lưng. Nó sát bên anh và phanh gấp. Gabriel ngồi lên sau xe, quàng tay qua eo người lái xe. Lúc chiếc xe lao đến, anh nghe thấy giọng một phụ nữ hát. Chiara luôn hát như thế khi lái môtô.