Lưới điện tử thần - Chương 86
Lưới điện tử thần
Chương 86
Ngày đăng 13-11-2017
Tổng cộng 87 hồi
Đánh giá 8.4/10 với 90390 lượt xem
"Hầu hết các hoạt động thể dục của tôi là đứng và đi đi lại lại cả ngày từ bàn thí nghiệm này sang bàn thí nghiệm khác. Tôi tìm thấy lợi ích cùng niềm vui ở những hoạt động đó nhiều hơn lợi ích cùng niềm vui mà một số bạn bè hay đối thủ cạnh tranh của tôi tìm thấy ở những môn như golf chẳng hạn.”
THOMAS ALVA EDISON
Amelia Sachs và Thom Reston vội vã đi qua cửa bệnh viện. Chẳng ai mở miệng nói gì.
Sảnh bệnh viện và các dãy hành lang yên tĩnh chính là điều kỳ lạ đối với những nơi như thế này vào một buổi tối thứ Bảy ở thành phố New York. Thông thường, khung cảnh hỗn loạn sẽ thống trị các cơ sở y tế, tai nạn, ngộ độc rượu, chơi ma túy quá liều và, tất nhiên, đôi lúc là thương tích do đâm chém, bắn giết nhau.
Tuy nhiên, ở đây, bầu không khí tĩnh lặng một cách lạ lùng, đáng sợ.
Mặt mũi nghiêm trang, Sachs dừng lại đọc biển báo. Cô chỉ tay và họ bắt đầu đi xuôi một dãy hành lang thậm chí ánh sáng còn lờ mờ hơn lúc nãy, dưới tầng hầm của bệnh viện.
Họ dừng lại lần nữa.
“Lối kia à?” Sachs thì thào hỏi.
“Họ không ghi chỉ dẫn rõ ràng. Đáng lẽ họ phải ghi chỉ dẫn rõ ràng hơn.”
Sachs nghe thấy sự bực bội trong giọng Thom, tuy nhiên cô biết cái giọng bực bội ấy chủ yếu xuất phát từ nỗi hoang mang.
“Kia.”
Họ tiếp tục đi, ngang qua khu vực có các y tá ngồi nhàn tản chuyện gẫu đằng sau chiếc bàn quầy cao. Đầy ra nào là quần áo đồng phục, giấy tờ, hồ sơ, nhưng cũng đầy ra các cốc cà phê, đồ trang điểm, một cuốn câu đố. Sachs để thấy rất nhiều ô số Sudoku, và băn khoăn không biết tại sao trò này lại được ưa thích thế. Cô không có đủ kiên nhẫn để chơi nó.
Cô đồ rằng ở dưới này, tại khoa này, nhân viên không thường xuyên phải xử lý gấp các tình huống, thể hiện qua cung cách làm việc như trong phim truyền hình của các bác sĩ phòng cấp cứu.
Tại bàn quầy thứ hai, Sachs đến gần người y tá, một phụ nữ trung tuổi. Bà ta ngồi mỗi một mình. Và cô nói vỏn vẹn, “Rhyme.”
“À, vâng.” Người y tá ngẩng nhìn, đáp. Chẳng cần xem bảng hay xem giấy tờ hồ sơ gì. “Hai người là?”
“Đối tác của ông ấy.” Sachs nói. Cô từng dùng cách gọi này nhiều lần, theo cả nghĩa công việc lẫn quan hệ cá nhân, nhưng cho tới lúc ấy cô mới nhận ra rằng nó hoàn toàn không đầy đủ. Cô không thích nó. Có cảm giác ghét bỏ nó.
Thom tự giới thiệu mình là ‘người chăm sóc’.
Cái danh từ này nghe cũng không kêu.
“Tôi e là mình không biết gì cụ thể cả.” Người y tá nói, thể hiện đúng điều Sachs có lẽ sẽ hỏi. “Đi theo tôi.”
Người phụ nữ dáng chắc nịch dẫn họ đi xuôi theo một hành lang nữa, thậm chí còn ảm đạm hơn hành lang lúc đầu. Sạch sẽ như lau như li, có thiết kế dễ chịu, trật tự. Và đáng ghét.
Dẫu sao, cũng còn từ nào phù hợp hơn để mô tả các bệnh viện?
Khi họ đến gần một căn phòng có cửa mở, người y tá nói khô khan, “Xin chờ ở kia. Sẽ có người tới đây ngay.”
Người phụ nữ rời khỏi đấy tức thì, y như sợ bọn họ có thể đẩy bà ta vào một chiếc ghế để thẩm vấn vậy. Việc mà Sachs suýt nữa cũng muốn làm.
Cô và Thom vòng qua góc hành lang, bước vào phòng chờ. Căn phòng không có ai. Lon Sellitto, Arthur anh họ Rhyme và Judy, vợ anh ta, đang đến. Cả mẹ Sachs, bà Rose. Bà đang đến bằng tàu điện ngầm, mặc dù Sachs đã nài bà đi ô tô.
Họ ngồi lặng lẽ. Sachs cầm lên một cuốn Sudoku nữa, xem sơ sơ. Thom đưa mắt nhìn sang cô. Anh ta siết lấy cánh tay cô, người rũ xuống. Thật lạ lùng thấy anh ta chẳng còn tác phong hoàn hảo mọi ngày.
Anh ta bảo với Sachs, “Anh ấy không nói gì. Không một lời.”
“Điều ấy khiến anh ngạc nhiên ư?”
Thom đã há miệng định trả lời vâng. Nhưng rồi anh ta thậm chí còn rũ xuống hơn. “Không.”
Một người đàn ông mặc com lê công sở, cà vạt xộc xệch, bước vào, nhìn gương mặt hai người đã ở trong phòng và quyết định ra chỗ khác đợi. Sachs hầu như không thể trách móc gì anh ta.
Vào những lúc như thế này, người ta không muốn chia sẻ không gian công cộng với người lạ.
Sachs ngả đầu sang Thom, anh ta ôm siết lấy cô. Cô không nhớ anh ta vốn vẫn mạnh mẽ đến nhường nào.
Buổi tối hôm nay là đỉnh điểm của mười hai tiếng đồng hồ có lẽ lạ lùng nhất, căng thẳng nhất, trong suốt những năm cô biết Rhyme. Khi Sachs đến vào buổi sáng sau đêm hôm trước ở bên Brooklyn, cô thấy Thom đang ngóng mắt ra cửa. Rồi anh chàng phụ tá liếc nhìn phía sau cô, cau mày.
“Gì vậy?” Cô hỏi, và cũng liếc nhìn đằng sau.
“Anh ấy không đi với chị?”
“Ai?”
“Lincoln.”
“Không.”
“Mẹ kiếp. Anh ấy biến mất rồi.”
Nhờ chiếc xe lăn Mũi tên Dông bão tốc độ và đáng tin cậy, Rhyme vốn vẫn di chuyển chẳng kém gì một chiếc xe cảnh sát, người ta không phải là không biết có những lúc anh tự lái sang Công viên Trung tâm. Tuy nhiên, thực sự thì các hoạt động ngoài trời cũng không khiến anh thích thú mấy, Rhyme ưa ở trong phòng thí nghiệm hơn, giữa đám máy móc thiết bị, đấu trí với các vụ án.
Anh chàng phụ tá hôm nay đã để anh dậy sớm, theo yêu cầu của anh, thay quần áo, rồi đặt anh vào xe lăn. Nhà hình sự học nói, “Tôi sẽ đi gặp một người để ăn sáng.”
“Chúng ta sẽ đi đâu?” Thom hỏi.
“Thom, tôi là đại từ ngôi thứ nhất số ít. Chúng ta là số nhiều. Cũng là đại từ ngôi thứ nhất, nhưng ngoài ra chúng hầu như không có điểm gì chung. Cậu đâu được mời, và đó là vì lợi ích của bản thân cậu. Cậu sẽ phát chán mất.”
“Ở bên cạnh anh thì không bao giờ phát chán cả, Lincoln.”
“Ha. Tôi sẽ trở về sớm.”
Tâm trạng nhà hình sự học rất vui vẻ nên Thom đã đồng ý.
Nhưng rồi Rhyme hoàn toàn không trở về.
Thêm một tiếng đồng hồ kể từ lúc Sachs đến. Sự thắc mắc chuyển thành nỗi lo lắng. Nhưng đúng khoảnh khắc ấy, cả hai nhận được email, hai máy tính và hai điện thoại BlackBerry kêu tính tính thông báo. Lời lẽ rõ ràng, thiết thực, phong cách đặc trưng Lincoln Rhyme.
Thom, Sachs,
Sau nhiều lần băn khoăn cân nhắc, tôi đã đi tới kết luận rằng tôi không muốn tiếp tục sống trong tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.
“Không.” Thom há hốc miệng nói.
“Tiếp tục đọc đi đã.”
Những sự việc gần đây cho thấy rõ ràng rằng tình trạng khuyết tật đôi với tôi là không thể chấp nhận được nữa. Tôi đã có hai động cơ thúc đẩy hành động. Thứ nhất là chuyến viếng thăm của Kopeski, nó nói với tôi rằng mặc dù tôi sẽ không bao giờ tự kết liễu cuộc đời mình, vẫn có những thời điểm mà nguy cơ mất mạng cũng không nên cản bước người ta đi đến một quyết định.
Thứ hai là cuộc gặp gỡ Susan Stringer. Cô ấy nói rằng trên đời này không có sự trùng hợp ngẫu nhiên và cô ây cảm thấy số phận đã định đoạt để cô ấy nói với tôi về Trung tâm Tủy sống Pembroke. (Hai người biết tôi tin tưởng vào điều đó tới mức nào - và nếu đến đoạn này hai người nghĩ tôi sẽ gõ ký hiệu LOL, thì tôi sẽ không gõ đâu.)
Tôi đã chính thức thảo luận với trung tâm và đã đặt bốn cuộc hẹn để thực hiện các bước phẫu thuật trong tám tháng tới. Cuộc hẹn đầu tiên chuẩn bị bắt đầu rồi.
Tất nhiên, có khả năng tôi sẽ không thể thực hiện ba cuộc hẹn kia được, nhưng người ta chỉ có thể chờ đợi và xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu mọi chuyện diễn ra như mong đợi, tôi sẽ mô tả toàn bộ quang cảnh đẫm máu của cuộc phẫu thuật cho quý vị nghe sau một hay hai ngày. Nếu không, Thom, cậu biết chỗ cất tất cả các giấy tờ tài liệu. Ồ, và còn một việc tôi quên di chúc lại, tôi tặng tất cả số rượu scotch cho Arthur, anh họ tôi. Anh ấy sẽ lấy làm cảm kích dấy.
Sachs, còn một bức thư khác cho em. Thom sẽ đưa cho em nhé.
Xin lỗi vì tôi đã chọn xử lý theo cách này, nhưng cả hai người đều có những việc hay ho để làm trong một ngày đẹp trời như hôm nay, hơn là lãng phí thời gian đi áp tải một bệnh nhân bệnh nặng như tôi vào bệnh viện. Hơn nữa, hai người biết tính tôi rồi đấy. Một số việc tôi thích làm một mình hơn. Mấy năm qua, tôi ít có cơ hội được thực hiện điều ấy.
Cuối buổi chiều hoặc đầu buổi tối, sẽ có người gọi điện thông báo tình hình.
Về vụ án cuối cùng của chúng ta, Sachs, anh hy vọng được trực tiếp làm chứng trong phiên tòa xét xử Thợ Đồng Hồ. Nhưng nếu mọi việc diễn ra không suôn sẻ lắm, anh đã nộp văn bản làm chứng cho ông chưởng lý. Em, Mel và Ron sẽ thay anh. Hãy bảo đảm rằng Ngài Logan phải vào tù cho đến hết phần đời còn lại.
Ý nghĩ này của con người tôi đã có lúc ở gần, mô tả chính xác cảm xúc trong tôi bây giờ: “Thời đại đổi thay. Chúng ta cũng phải thay đổi. Dù rủi ro thế nào. Dù chúng ta có phải bỏ lại gì đằng sau.”
LR
Và giờ đây, trong bệnh viện đáng ghét này, họ chờ đợi.
Rốt cuộc, một bác sĩ. Một người đàn ông cao, mảnh khảnh, mặc bộ đồ màu xanh lá cây và tóc lốm đốm bạc, bước vào.
“Đây là Amelia Sachs.”
“Vâng.”
“Còn đây là Thom?”
Một cái gật dầu.
Người đàn ông hóa ra là phẫu thuật viên trưởng Trung tâm Tủy sống Pembroke. Ông ta nói, “Anh ấy đã vượt qua ca mổ, nhưng vẫn còn hôn mê.”
Ông ta tiếp tục, giải thích những vấn đề kỹ thuật cho họ. Sachs gật đầu, tiếp thu thông tin. Một số có vẻ tốt. Một số có vẻ không tốt lắm. Nhưng chủ yếu cô chỉ nhận ra rằng ông ta đã không trả lời câu hỏi quan trọng - không phải câu hỏi về sự thành công của ca mổ, trên phương diện kỹ thuật, mà là khi nào, hoặc liệu rằng, Lincoln Rhyme có thể tỉnh lại hay không?
Khi Sachs thẳng thừng đưa ra câu hỏi, ông bác sĩ chẳng nói được gì hơn ngoài, “Chúng tôi hoàn toàn không biết. Chúng ta sẽ phải đợi.”