Nhân chứng câm - Chương 09

Nhân chứng câm - Chương 09

Dựng lại sự cố về quả bóng

Ngày đăng
Tổng cộng 29 hồi
Đánh giá 9/10 với 33706 lượt xem

Tôi hy vọng anh đã thỏa mãn rồi đấy. - Tôi nói với Poirot, khi cánh cổng của Littlegreen đóng lại sau lưng chúng tôi.
- Vâng tôi đã hài lòng anh bạn ạ.
- Ơn trời phù hộ! Huyền thoại về cô tùy nữ độc ác và về lão bà giàu sang đã kết thúc rồi. Bí mật về bức thư đến muộn và sự cố động trời về quả bóng của con chó đang diễn ra dưới màu sắc tự nhiên của nó. Rốt cuộc mọi chuyện được sắp đặt một cách vừa ý!
Poirot phát ra một tiếng ho ngắn, nhẹ và nói :
- Tôi sẽ không dùng câu kết ấy, Hastings.
- Anh vừa mới dùng nó. Trước đây một phút.
- Xin lỗi anh bạn. Tôi không nói rằng mọi chuyện được sắp đặt một cách vui vẻ cả. Tôi chỉ bảo rằng tính tò mò cá nhân của tôi đã thỏa mãn. Tôi đã biết sự thật về sự cố và về quả bóng của con chó.
- Sự thật đó rất đơn giản.
- Cũng không phải đơn giản như anh tưởng đâu!
Anh lắc đầu và nói thêm :
- Anh biết không, tôi biết một chi tiết mà anh còn chưa biết.
- Chi tiết gì? - Tôi hỏi anh giọng hồ nghi.
- Tôi biết rằng có một cái đinh đóng vào ván chân tường trên đỉnh cầu thang.
Tôi nhìn anh ta. Anh nói rất nghiêm chỉnh.
- Thế thì sao nào? - Tôi nói sau một lát - Tại sao lại có một cái đinh ở chỗ đó?
- Theo tôi câu hỏi phải đặt khác cơ: tại sao lại có một cái đinh ở ván chân tường trên đỉnh cầu thang? Hãy trả lời tôi đi, Hastings?
- Anh muốn tôi biết điều đó lắm sao! Cái đinh ở đó đương nhiên vì những lý do thuộc loại vật gia dụng. Mà điều đó quan trọng gì cơ chứ?
- Rất quan trọng đấy anh bạn. Tôi chẳng thấy gì vì lý do thuộc vật gia dụng nào cả mà phải đóng một cái đinh ở chỗ ấy trên đỉnh cầu thang. Hơn nữa cái đinh lại đã được sơn theo màu của gỗ để cho người ta không chú ý đến nó.
- Anh định tìm kiếm cái gì ở đấy, Poirot? Chắc hẳn anh đã biết vì sao cái đinh lại được đặt ở đấy?
- Tôi dễ dàng nghĩ ra điều ấy. Nếu người ta muốn căng ngang cầu thang một sợi dây vững chắc cách mặt đất hai mươi hoặc ba mươi phân thì người ta có thể cố định một đầu dây vào một thanh chấn song nhưng ở phía tường phải có cái gì như một cái đinh để buộc đầu dây kia vào đó.
- Ô Poirot! - Tôi kêu lên - Anh muốn đi đến cái quái gì thế?
- Bạn thân mến ơi, tôi đang dựng lại sự cố về quả bóng của con chó đây. Anh có muốn nghe tôi nói đến cùng không?
- Xin mời.
- Này nhé. Ai đó đã để ý đến thói quen mà Bob có là bỏ lại quả bóng của nó trên đỉnh cầu thang. Một tập quán nguy hiểm, khả dĩ có thể gây ra một tai nạn.
Poirot ngừng nói, rồi đổi giọng hỏi tôi :
- Giả dụ anh định giết chết ai đó, Hastings, thì anh phải hành động thế nào?
- Thực ra tôi không biết làm gì cả. Có lẽ phải bịa ra một cớ ngoại phạm.
- Một phương pháp khá nguy hiểm và phức tạp, tôi cam đoan với anh như vậy. Vả lại anh không có kiểu kẻ giết người biết tính toán và thận trọng. Anh không biết rằng cách dễ nhất để loại bỏ một người nào đó làm mình khó chịu là giả vờ làm như một tai nạn. Có những tai nạn xảy ra hàng ngày. Đôi khi người ta có thể gây nên.
Poirot ngừng một lát.
- Tôi cho rằng, - Anh nói tiếp - quả bóng của con chó bỏ lại một cách ngẫu nhiên ở đỉnh cầu thang đã gợi ra cho kẻ giết người của chúng ta một ý kiến. Tiểu thư Arundell ban đêm đi xuống gác, mắt bà không tốt lắm, bà có thể vấp phải quả bóng ấy và ngã xuống dưới cầu thang. Nhưng một kẻ sát nhân khôn ngoan sẽ không bỏ qua những điều ngẫu nhiên. Một sợi dây căng ngang ở đầu trên cầu thang là bảo đảm nhất để quăng bà già xuống bên dưới đầu xuống trước. Khi cả nhà chạy vội đến, thì nguyên nhân tai nạn đập ngay vào mắt mọi người: đó là quả bóng của con chó!
- Ồ kinh khủng quá!
- Vâng - Poirot nói bằng một giọng rất trầm - Thật khủng khiếp... nhưng mà đòn đánh không trúng đích. Tiểu thư Arundell chỉ bị chấn thương nhẹ, lẽ ra bà có thể bị giết chết. Kẻ sát nhân giấu mặt của chúng ta đã rất uất ức về nỗi thất vọng lớn đó. Nhưng tiểu thư Arundell là một bà già rất thông minh. Mọi người đều nói với bà rằng bà đã bị trượt trên quả bóng và quả bóng rõ ràng là nằm ở đó. Thế nhưng bà càng nhớ lại các sự kiện thì bà càng tin chắc rằng tai nạn đã xảy ra theo cách khác. Bà đã không trượt trên quả bóng. Ngoài ra bà còn nhớ đến chuyện khác. Bà nhớ là đã nghe thấy tiếng Bob sủa để đòi vào nhà lúc năm giờ sáng hôm sau. Đương nhiên là việc này giống như một trò chơi đánh đố, nhưng tôi tin là tôi không lầm. Tiểu thư Arundell, chính tay bà đã nhặt quả bóng của con chó chiều hôm trước và đã đặt nó vào trong ngăn kéo của bà. Sau đó Bob ra ngoài và không trở về nhà đêm hôm đó. Trong trường hợp này không phải là Bob đã để bóng ở trên bậc thứ nhất của cầu thang.
- Đó là một câu chuyện hoang tưởng cao độ, Poirot!
- Không hoàn toàn thế đâu, anh bạn. Hãy nhớ lại những lời đã phát biểu bởi tiểu thư Arundell trong khi bà mê sảng điều gì đó về quả bóng của Bob và về một bức tranh “rộng” [1]. Đến lúc này anh hiểu chưa, Hastings?
- Không hiểu gì hơn.
- Thật kỳ lạ. Này Hastings, người ta không nói một bức tranh “rộng”. Một cánh đồng có thể rộng, mà một bức tranh thì không!
- Một bức tranh có thể ngang phè.
- Tùy anh! Còn tôi thì tôi đoán ngay rằng Ellen đã hiểu sai ý bà chủ. Không phải “rộng” mà “cái bình” nên phải nghe hiểu là: “bức tranh ở cái bình” [2]. Ở trong phòng khách tôi đã chú ý đến một cái bình sứ có trang trí một bức vẽ trong tranh có một con chó. Đầu óc luôn bận tâm về những câu nói của bệnh nhân trong cơn mê sảng, tôi quay vào phòng khách và nghiên cứu thật gần bức tranh và tôi nhận thấy đó là một con chó ở bên ngoài suốt đêm. Anh có nắm được ý của những câu nói của tiểu thư Arundell không? Bob như con chó ở bức tranh của bình sứ, đã ở bên ngoài suốt đêm, vậy thì không phải là nó đã bỏ lại quả bóng trên cầu thang.
- Anh là một con quái thành tinh! - Tôi kêu lên, bất đắc dĩ thán phục điều lý giải của Poirot - Làm sao mà anh khám phá ra mọi chuyện đó?
- Tôi không khám phá ra nó. Nó ở ngay trước mắt mọi người. Chỉ cần chú ý sẽ thấy. Ngay sau đó ta hiểu ra tình hình. Tiểu thư Arundell phải nằm lại giường sau cú ngã, nghĩ tới những mối ngờ vực. Những ngờ vực đó có lẽ mơ hồ, nhưng “từ khi xảy ra sự cố quả bóng của con chó tôi sống trong hoài nghi và lo sợ”, bà viết cho tôi. Nhưng bất hạnh như muốn cho bức thư của bà chỉ đến với tôi sau hai tháng. Hãy nói cho tôi đi anh bạn, những lời lẽ trong bức thư của bà không phù hợp với các sự kiện ư?
Tôi dễ dàng chấp nhận.
- Vẫn còn một điểm khác nữa đáng quan tâm - Poirot nói tiếp - Bà Lawson bằng mọi giá không muốn để chuyện vắng mặt trong đêm của Bob đến tai bà chủ.
- Anh nghĩ rằng bà ấy...
- Tôi nói rằng sự kiện cần phải ghi nhận cẩn thận.
Tôi suy nghĩ về điều đó trong một vài phút cuối cùng thở dài nói với bạn tôi :
- Toàn bộ câu chuyện này đối với tôi là vô cùng lý thú, ít ra cũng là một bài tập động não. Poirot tôi kính chào anh sát đất. Anh vừa thực hiện một kiệt tác về dựng lại các sự kiện. Ôi tai hại thay! Bà già đã chết rồi!
- Vâng, tai hại quá! Bà ta viết cho tôi rằng có người định giết bà ấy (tóm lại, đúng là thư bà muốn nói thế) rồi ít lâu sau bà ấy chết.
- Và anh đã quá thất vọng vì thấy bà ấy đã chết trong một cái chết tự nhiên. Anh công nhận thế chứ, Poirot?
Anh nhún vai.
- Có lẽ anh tin là bà ta bị đầu độc ư? - Tôi ranh mãnh phát biểu liều.
Bộ chán chường Poirot lắc đầu.
- Cũng có thể tiểu thư Arundell đã chết một cái chết tự nhiên. - Anh lẩm bẩm.
- Chúng ta không còn gì hơn là cúp tai quay về Luân Đôn thôi.
- Xin lỗi, anh bạn, chúng ta không quay về Luân Đôn.
- Anh bảo sao, Poirot. - Tôi kêu lên.
- Nếu ta đặt một con chó trên vết đường đi của thỏ, thì con chó có quay về Luân Đôn không? Không, nó chạy vào hang của thỏ.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Con chó săn lũ thỏ. Hercule Poirot săn bọn tội phạm. Ở đây chúng ta có một tên giết người, một kẻ giết người mà tội ác chưa tạo thành. Tuy nhiên vẫn là một kẻ giết người. Còn tôi, tôi sẽ truy lùng y đến tận hang ổ.
Anh mở một cái cổng.
- Anh đi đâu đấy, Poirot?
- Vào hang ổ, anh bạn ạ. Đây là nhà của bác sĩ Grainger người đã săn sóc tiểu thư Arundell tới phút chót của bệnh.
Bác sĩ Grainger là một người đàn ông độ lục tuần. Khuôn mặt ông mỏng mảnh và xương xẩu tận cùng bởi một cái cằm hiếu chiến, lông mày rậm rạp che rợp cả đôi mắt màu tro thông thái, ông nhìn chúng tôi một lúc lâu hết người này sang người khác rồi hỏi bằng một giọng cục cằn :
- Tôi có thể làm gì cho các ông đây?
Poirot nói thao thao một trong các bài diễn văn mượt mà của anh :
- Tôi xin bày tỏ cùng ông tất cả những lời xin lỗi của mình. Tôi phải thú nhận với ông ngay lập tức rằng tôi không đến để xin ý kiến của ông về mặt y tế, thưa bác sĩ Grainger.
Ông thầy thuốc đáp lại cụt lủn :
- Hân hạnh được nghe ông nói đây. Ông trông có vẻ khá mạnh khỏe đấy!
- Tôi sẽ giải thích với ông về mục đích của cuộc thăm viếng của tôi - Poirot nói tiếp - Sự thật là tôi đang viết một cuốn sách... về cố tướng quân Arundell, ngài đã sống ở Market Basing nhiều năm trước khi ngài từ trần.
Thầy thuốc tỏ vẻ kinh ngạc.
- Quả là tướng Arundell đã sống ở đây cho tới lúc chết. Ông sống ở Littlegreen, một tài sản ở vị trí phía trên thành phố ngay cạnh nhà băng. Chắc ông đã đến đó rồi? (Poirot gật đầu) Nhưng đó là thời gian trước khi tôi đến đây rất lâu. Tôi chỉ đến Market Basing từ 1919.
- Ông có quen biết con gái của ông ta, tiểu thư Arundell không?
- Có tôi biết rất rõ về tiểu thư Emily.
- Hãy tưởng tượng xem nỗi thất vọng của tôi khi nghe được tin bà ấy vì mới mất.
- Cuối tháng Tư.
- Ông hiểu cho... Tôi tin cậy vào bà ấy để được cung cấp các chi tiết về mọi mặt liên quan tới thân phụ của bà.
- Vậy thì tôi không biết phải làm gì để giúp được ông?
Poirot hỏi :
- Tướng quân Arundell không còn một người con nào còn sống ư?
- Không còn ai. Tất cả đều đã chết.
- Họ gồm có mấy người?
- Năm. Bốn con gái và một con trai.
- Và thế hệ sau họ gồm có những ai?
- Charles Arundell và em gái là Theresa. Có lẽ ông nên tìm hỏi họ. Nhưng tôi không tin là họ có thể cho ông biết tình hình, bọn trẻ không quan tâm gì tới ông bà chúng. Cũng còn một bà Tanios nào đó, nhưng ở đây ông cũng không hòng khám phá được điều gì quan trọng đâu.
- Có thể là họ có các tài liệu, các giấy tờ về gia đình?
- Có thể! Sau khi tiểu thư Emily mất, tôi biết rằng người ta đã chấn chỉnh lại trong đống giấy tờ và người ta đã đốt đi khá nhiều.
Poirot buông một tiếng thở dài. Bác sĩ Grainger tò mò quan sát anh.
- Cuộc đời của cụ cố Arundell có gì làm công chúng quan tâm đến thế? Tôi chưa hề nghe nói người này đã làm được điều gì đó đặc biệt.
- Thưa quý ông - Poirot nói - Tia chớp của sự cuồng tín chiếu sáng cách nhìn của nó, lịch sử quên đi tất cả các vĩ nhân của nó. Mới đây người ta đã phát hiện ra những tài liệu dọi một tia sáng hoàn toàn mới mẻ vào cuộc nổi loạn của Ấn Độ. Theo các tài liệu về câu chuyện bí mật này thì John Arundell đã đóng vai trò đáng tự hào. Vấn đề về Ấn Độ ấy sẽ cống hiến cho công chúng một niềm thích thú đến thót tim. Rõ ràng đó là chính sách thuộc địa của nước Anh, đề tài nóng bỏng thời nay.
- Chà! - Bác sĩ nói - Người ta bảo tôi rằng viên tướng già này luôn luôn kể về cuộc nổi loạn này. Có lẽ vì thế ông trở thành nỗi khó chịu cho mọi người.
- Ai nói với ông như thế?
- Tiểu thư Peabody. Ông nên đến gặp bà ấy. Đó là một người cao tuổi am hiểu địa phương. Bà biết rất rõ gia đình Arundell. Bà thích ba hoa đủ chuyện nên ông sẽ không phải mất thì giờ bởi vì bà rất đáng đến gặp.
- Cảm ơn. Đó là một ý kiến tuyệt vời. Ông làm ơn cho tôi địa chỉ của cậu Arundell, cháu nội của tướng quân có được không ạ?
- Charles phải không? Được, nếu ông muốn. Nhưng tôi bảo trước, đây là gã trẻ ranh của thế hệ mới không có một chút tôn kính nào đối với truyền thống gia đình.
- Cậu ấy còn rất trẻ?
- Đối với một lão già cổ hủ như tôi thì đó là một gã rất trẻ - Bác sĩ Grainger nói với một cái nháy mắt tinh ranh - Hắn độ ba mươi tuổi thôi. Hắn thuộc loại người gây nên một nỗi lo, một trách nhiệm cho gia đình mình. Hắn có một hình dáng tuyệt đẹp ngoài ra thì rỗng tuếch. Người ta đã thử làm mọi cách nhưng không thấy ở hắn có gì tốt lên cả.
- Bà cô của anh ta có nhiệm vụ phải yêu thương anh - Poirot khêu gợi - Thường thường thì điều ấy vẫn xảy ra.
- Chà! Tôi không tin. Emily Arundell đâu có ngu ngốc. Trong mọi trường hợp, tôi cam đoan với ông rằng anh ta không moi nổi tiền bạc của bà. Bà cô già tỏ ra dữ tợn như con ngoáo ộp đối với cậu cháu quý hóa ấy. Nhưng bà chính là một tính cách cao thượng: bà đã gây cho tôi một niềm tôn kính sâu sắc và một tình cảm rộng lớn.
- Bà chết đột ngột phải không ạ?
- Cái chết của bà cũng khá là bất ngờ. Đành rằng sức khỏe của bà từ nhiều năm nay không được tốt, nhưng rốt cuộc bà luôn luôn hồi phục lại khá nhanh.
- Người ta đã kể cho tôi... Tôi xin lỗi vì phải nhắc lại những chuyện bép xép này... Người ta đã kể cho tôi rằng bà đã có những cuộc tranh cãi với các thành viên trong gia đình bà. Có đúng như thế không?
- Ta phải hiểu nhau đã! Trong chừng mực mà tôi biết, họ không cãi nhau công khai. - Ông thầy thuốc nói bằng một giọng từ tốn.
- Không đâu. Nhiều người đã biết những chuyện vặt vãnh ấy.
- Hình như bà đã để lại tài sản cho một người không thuộc về gia đình mình?
- Vâng. Cho một tùy nữ nhát gan tội nghiệp! Không thể hiểu ra làm sao nữa. Điều đó không giống chút nào với tính cách của tiểu thư Emily!
Vẻ suy tư, Poirot lẩm bẩm nói :
- Thực tế tôi cũng giải thích được vấn đề này. Một bà tùy nữ trời phú cho một nhân cách nào đó, có thể là cần thiết cho một bà già ốm yếu, hoàn toàn phụ thuộc vào người săn sóc bà. Bà ta có thể lạm dụng uy thế của mình.
Từ uy thế dường như tác động đến viên thầy thuốc như một mảnh vải đỏ trước mặt một con bò tót. Ông giật nảy mình lớn tiếng nói :
- Ôi uy thế! Uy thế! Không có cái thứ ấy! Tiểu thư Arundell không coi u Lawson ra gì cả. Các quý bà thế hệ Emily đều tỏ ra khắc nghiệt đối với kẻ dưới quyền. Theo ý kiến tôi, những người đàn bà đem đầu vào làm kẻ hầu cận thường là loại người ngu ngốc đáng thương. Nếu họ có được một chút xíu thông minh thì họ sẽ kiếm sống bằng cách khác. Emily Arundell ít chịu đựng nổi những cô hầu đần độn như thế nên đã thay đổi họ hàng năm. Uy thế gì chứ? Ồ, không! U Lawson đã không gây được anh hưởng chút nào đối với tiểu thư Arundell.
Poirot vội vàng rời bỏ lãnh vực nguy hiểm này.
- Cái bà Lawson ấy có thể có trong tài sản thừa kế một vài bức thư... hoặc tài liệu về gia đình Arundell? - Anh khêu gợi.
- Có thể! - Bác sĩ Grainger đáp - Các bà cô già thường giữ gìn cả một đống giấy tờ táp nham! Có thể là bà Lawson đã có đủ thời gian để kiểm tra lại đến một nửa số giấy tờ đó rồi.
Poirot đứng lên.
- Tôi vô cùng cám ơn ông, bác sĩ Grainger quả thực tôi đã lạm dụng lòng tốt của ông.
- Đừng cám ơn tôi. Tôi tiếc là chưa cung cấp được một tin tức gì có ích cho ông. Nếu ông đến gặp tiểu thư Peabody thì ông có thể có nhiều may mắn hơn. Bà ta trú ở Morton Manor, cách thành phố chừng một cây số rưỡi.
Poirot ngửi thấy mùi thơm của một bó hoa hồng tuyệt đẹp đặt trên bàn của thầy thuốc.
- Thơm quá! - Anh cất tiếng khen.
- Tất nhiên - Ông thầy thuốc nói - Nhưng tôi không ngửi thấy gì cả. Tôi không còn giác quan ngửi đã bốn năm rồi từ sau trận cúm. Lời thừa nhận đau buồn đối với một ông thầy thuốc phải không ạ? “Bác sĩ hãy bắt đầu bằng tự chữa cho mình đã”. Chán quá! Thuốc lá không còn nói năng được gì với tôi nữa!
- A nhân thể, thưa bác sĩ, xin ông cho tôi địa chỉ của cậu Arundell. - Poirot nhắc.
- Vâng tôi sẽ cho ngay bây giờ đây!
Ông tiễn chúng tôi đến gian tiền sảnh rồi gọi:
“Donaldson!”.
- Cộng tác viên của tôi - Ông giải thích - Cậu ta có thể biết địa chỉ ấy. Cậu ta chính là chồng chưa cưới của Theresa, em gái của Charles.
Ông lại gọi: “Donaldson!” Từ một trong các gian phía sau một thanh niên đi ra, vóc tầm thước, dáng hơi lờ đờ và cử chỉ dứt khoát. Không thể hình dung nổi tính tương phản lạ lùng của anh ta với bác sĩ Grainger. Ông này giải thích nguyện vọng của Poirot. Đôi mắt của bác sĩ Donaldson, đôi mắt xanh nhạt, hơi lồi, nhìn vào mặt chúng tôi một lúc lâu. Cuối cùng anh nói bằng một giọng rõ ràng và chính xác :
- Tôi không biết chính xác nơi có thể tìm gặp Charles. Tôi sẽ cho các ông địa chỉ của cô Theresa Arundell. Rất có thể cô ấy nói cho các ông biết nơi các ông có thể gặp cô ta.
Poirot tỏ vẻ rất hài lòng. Bác sĩ Donaldson viết một cái địa chỉ lên một tờ giấy của cuốn sổ tay, xé ra và đưa cho Poirot. Poirot cám ơn anh ta. Chúng tôi chào từ biệt hai thầy thuốc. Khi chúng tôi ra đến cổng, tôi có cảm giác rằng bác sĩ Donaldson đứng trong tiền sảnh đang nhìn theo chúng tôi bằng con mất khinh khỉnh.
[1] “Rộng” tiếng Pháp “Vaste”, mà vaste thì cận âm với “vase” (“cái bình”) (N.D.).
[2] Nguyên tiếng Pháp “le dessin sur la vase” (N.D.).

Chương trước Chương sau