Những vụ án nổi tiếng thế giới - Chương 21 (hết)

Những vụ án nổi tiếng thế giới - Chương 21 (hết)

Chó Ngao nhân viên FBI

Ngày đăng
Tổng cộng 21 hồi
Đánh giá 9/10 với 32531 lượt xem

Vào khoảng 0 giờ 30 đêm 6 tháng Tư 1960, phát thanh viên đài radio thành phố Saint Louis ngồi sau bàn phòng bá âm đọc trước micro bản thông báo: “Mới đây, một người đàn ông vừa chạy vào quán ăn nhanh trên đại lộ Nam thì ngã gục vì mất quá nhiều máu từ hai vết dao trên mình. Tung tích hung thủ cho tới lúc này vẫn rất mơ hồ: hình như đó là một người cao lớn khoảng ba mươi tuổi, ria mép rậm và đen”.
Saint Louis, một thành phố lớn bên Mỹ, là thành phố ảm đạm với những dãy nhà gạch, những nhà máy gạch, xưởng thợ chen chúc hỗn độn tạo thành những con đường chật hẹp, dơ bẩn, xấu xí, những mặt tiền phản mỹ thuật, những cầu thang thoát hiểm bằng sắt thô kệch. Gạch và sắt, sắt và gạch xô bồ, nham nhở... Đôi khi các phát thanh viên ca đêm thường có cảm tưởng mình nói vào chỗ không người. Thực ra tiếng nói trên làn sóng điện không khi nào rơi vào chỗ trống không, dù ban ngày hay ban đêm. Bao giờ cũng có người nào đó, ở đâu đó lắng nghe. Mà đêm khuya tĩnh mịch, người nghe càng chăm chú lắng nghe hơn. Cho dù đêm nay chỉ có hai thính giả, bức thông điệp của phát thanh viên vẫn không đến nỗi vô ích.
Thực vậy, trong mấy thính giả đó có cả tên hung thủ. Nó vừa trở về căn phòng nhỏ ở Monmouth, thị trấn cách Saint Louis 150km về phía Bắc. Nó rứt bộ ria giả, mở radio nghe xem công trình của mình đã được nói đến chưa? Thính giả thứ hai là nhân viên thanh tra cảnh sát vừa bị cú phone dựng dậy, lôi khỏi nhà. Lúc 0 giờ 20 đang ngồi coi tivi, hai chân đã rút khỏi giầy sắp sửa lên giường ngủ. Vậy mà lại phải nhảy lên xe, bật radio nghe thử vụ việc đã lên đài chưa, không chừng giới báo chí lại biết tường tận hơn cảnh sát. Nhưng chẳng có tin gì hơn. Ở hai nơi khác nhau, hung thủ và cảnh sát lại cùng nghĩ như nhau: "Lơ mơ quá! Người cao lớn trạc ba mươi tuổi thì ở bang Missouri này có cả chục ngàn". Hung thủ nghĩ bụng: "Thằng khốn kiếp chưa chịu ngoẻo. Mong sao nó chết hẳn, chết thật lẹ, cho mình nhờ". Thanh tra cảnh sát thì nghĩ: "Chắc trăm phần trăm bộ ria là của giả". Hung thủ tự trấn an: "Mình cóc để lại dấu tay. Bọn cớm thả sức tìm... Mình đếch quen thằng bị đâm, nó thì tối qua mới thấy mặt mình lần đầu... ”
Viên cảnh sát vửa dừng xe, chợt nghe có tin mới: "Nạn nhân tên là Jack Philip Ross, hai mươi sáu tuổi, tái phạm hình sự, đã ở nhiều năm trong trại cải huấn. Bị bắt sau vụ lừa đảo, mới được tự do có điều kiện thì sắp bị đưa ra toà về tội trộm cắp vỏ xe trong một gara". Cảnh sát và hung thủ đều vừa nghe đoạn thông báo trên, nhưng lập luận khác hẳn nhau. Hung thủ cho rằng: "Chẳng ma nào chịu mất công tìm kiếm kẻ đầm chết tên bất lương vô danh tiểu tốt nọ. Bọn cớm sẽ bỏ ra một tuần, giỏi lắm thì nửa tháng để điều tra rồi xếp xó”. Còn thanh tra Eugene Robert O’Donnell hai mươi tám tuổi của đội Hình sự thì nghĩ: "Món của ta đây rồi... Không ai có thể giành của ta vụ này, nó sẽ giúp ta khẳng định tài ba..". Nhân viên đội Cảnh sát hình sự thành phố Saint Louis đều gọi O’Donnell bằng biệt hiệu Bulldog, Chó Ngao. Họ đặt cho anh biệt hiệu này trước hết vì hàm răng dưới nhô dài hơn hàm trên, trông xấu trai. Sau nữa, giống hệt loài chó Bulldog khi đã ngoạm vào mồi là không chịu nhả, O’Donnell cũng không bao giờ chịu bỏ mồi. Khi chẳng may bị xấu trai thì bù lại phải xây dựng cho mình một tính cách độc đáo khác người, và O’Donnell đã chọn thứ tính cách phù hợp với hình dạng anh ta.
Anh dừng xe lúc 0h30 trước tiệm ăn trên đại lộ Nam, nơi chủ nhân vừa báo có người bị đâm vừa chạy vào gục trong cửa hàng. Trên đường vào nhà, Chó Ngao chạm trán ngay với nạn nhân Jack Ross đang được chở đi trên cáng, máu túa đầy ngực, hơi thở chỉ còn thoi thóp... Chó Ngao tạm gác ý định vào thẩm vấn chủ tiệm Hamburger Heaven, chạy theo mấy người y tá lên xe cứu thương. Trong khi xe hụ còi chạy như điên qua thành phố, anh hỏi người sắp chết:
- Tên gì? Đứa nào đâm? Người bị hại khó nhọc thều thào nhát gừng:
- Không.. biết... không quen... chỉ kịp... nhảy... nhảy ra... xe.
- Xe nào? Giờ ở đâu?
Ross cấm khẩu không nói được nữa, vừa tới bệnh viện thì tắt thở. Chó Ngao quay lại tiệm Humberger Heaven vẫn mở cửa tới ba giờ sáng theo lệ xưa nay.
Chủ quán tên Paul Monica, gốc Ý, bụng phệ, mũi cà chua, đầu nhẵn thín trong vẻ tử tế và đang tỏ ra buồn phiền. Ông thở dài.
- Rắc rối quá!
- Ông biết nạn nhân chứ?
- Không gặp anh chàng đáng thương đó bao giờ.
- Không lần nào?
- Vâng, không một lần.
- Kể tôi nghe...
Ông Monica tới đứng sau quầy theo thói quen khi sắp nói những điều quan trọng, đi tới đây ông thấy chắc dạ vì nó làm ông nhận rõ mình đảm đương một chức năng xã hội. Vả lại, đi như vậy mới có thì giờ suy nghĩ trước khi đối đáp. Ông nói:
- Vâng, để tôi kể. Lúc anh ta mới chạy vào tôi ngỡ anh ta xỉn. Sau mới nhìn thấy máu, đúng lúc anh ta hét: “Kêu cảnh sát... gọi cấp cứu... Nó đâm chết tôi”. Tiệm nhốn nháo. Anh ta ngã gục cách quầy rượu vài mét. Một ông khác chạy tới gọi điện, tôi cố tìm cách cứu anh ta. Nhưng máu tuôn ồng ộc, tôi đâu biết làm cách nào cầm lại. Giá như bị ở tay ở đùi thì còn garô được, ở ngực thế này thì làm gì? Bây giờ anh ta ra sao rồi, ông thanh tra?
Chó Ngao cho chủ tiệm biết nạn nhân vừa chết. Ông Monica sa sầm nét mặt:
- Tệ hại quá!
- Khi ông cúi xuống anh ta, ông có nghe được gì không?
- Ôi, lúc đó đã mê sảng rồi còn gì, chỉ ú ớ vài tiếng khó nghe. Hai lần tôi bảo tả hình dạng hung thủ, anh ta gắng gượng hêt sức mới nói "cao lớn" ... "ria rậm"... "khoảng ba mươi"...
Tin quá đỗi sơ sài. Chó Ngao cảm ơn, gọi điện về bệnh viện. Một đồng nghiệp chuyên lo về căn cước vừa tới đó.
- Cậu thu được giấy tờ chưa?
- Rồi… Một giấy phép lái xe, mấy bì thư đề tên anh ta.
- Nhà ở đâu?
- Cùng vợ kinh doanh một tiệm may nhỏ ở số 20 đường Bắc. Có ba con.
Chó Ngao quyết định tới báo tin dữ cho vợ nạn nhân. Xe dừng trước tiệm may tiều tuỵ, tủ kính dơ bẩn, nằm dưới tầng trệt ngôi nhà nhỏ xây gạch đỏ có hai tầng lầu. Không thấy chuông, Chó Ngao đập cửa. Một lúc lâu mới có ánh đèn phía sâu trong tiệm: Một thiếu phụ trẻ khoác áo ngủ, tóc nâu, người hơi đẫy đà, ra bằng cổng sau, đi vòng bên cạnh nhà tới gặp thanh tra. Chó Ngao thận trọng lựa từng lời báo tin về người chồng. Thiếu phụ choáng váng phải dựa người vào tường một lúc lâu mới thốt nên lời giữa hai tiếng nấc:
- Tại sao... tại sao tôi lại để anh ấy về một mình?
Chị ta giải thích: hai vợ chồng đi coi phim ở bãi drive-in, tức là bãi chiếu phim ngoài trời, người xem cứ ngồi nguyên trong xe. Lúc hai mươi ba giờ thì ra về. Nhưng về tới nhà, chỉ một mình chị ta xuống xe. Chồng chị lại nổ máy có chút việc cần đi. Chị nói tiếp, khuôn mặt đầm đìa nước mắt.
- Tất nhiên tôi biết đó là việc gì. Đêm nào anh ấy cũng chơi bài, chơi poke hoặc thứ gì khác... bữa đó có hai trăm đô trong túi.
- Bỏ trong bóp?
- Vâng, trong bóp.
Theo lệ, Chó Ngao hỏi chị vợ Ross: trong những người thân quen hoặc bạn cờ bạc của chồng chị có người nào cao lớn, trạc ba mươi để ria rậm. Vợ Ross không thấy có ai như vậy, Chó Ngao cáo từ về ngủ một giấc: đã năm giờ sáng rồi.
Anh trở lại tiệm may lúc chín giờ, rùng mình ớn lạnh vì ngủ chưa đẫy giấc. Đẩy mạnh cánh cửa gắn kính, bước vào, anh thấy ngay trước mặt một anh chàng rất đẹp trai, còn trẻ măng, có đôi mắt của siêu sao điện ảnh, đôi môi đỏ tươi, tóc hớt ngắn.
- Ông cần gì?
- Cảnh sát đây! Anh là nhân viên bán hàng?
- Dạ phải.
- Tên gì?
- Arthur Feru.
- Bao nhiêu tuổi?
- Mười tám.
- Làm ở đây được bao lâu?
- Tôi làm cho ông bà Ross tám tháng nay. Hai ông bà coi tôi như người nhà. Tối qua họ đi coi drive-in, tôi trông ba đứa nhỏ.
- Tôi cần gặp bà Ross ngay bây giờ, được chứ?
- Không được, thưa ông thanh tra. Bà Ross đang nằm nghỉ. Vụ này quá kinh khủng, bà chủ nhà tôi chịu hết nổi.
Lẽ dĩ nhiên, Chó Ngao tranh thủ hỏi chàng trai có tin gì cung cấp cho nhà chức trách không... Chẳng hạn, có thấy gì khác lạ, lúc đó nếu có người cao lớn để ria, chắc chắn cậu ta đã phát hiện ra. Và khi Jack Ross quay xe đi tiếp, đường phố vắng ngắt không một bóng người.
Trở về cơ quan ngồi chưa ấm chỗ, Chó Ngao được báo cáo: vừa tìm thấy xe của Jack Ross, đỗ trái luật trên đại lộ Mississippi. Anh tới nơi, đi một vòng quanh chiếc xe: cửa xe bên trái, phía người lái, vẫn mở hé, trên sàn và phía trong cánh cửa đọng nhiều vệt máu khô. Chứng tở Jack bị đâm khi còn ngồi sau tay lái. Trên mặt đường cũng có vài vệt máu cho thấy nạn nhân thoát khỏi xe ở chỗ này, hung thủ không đuổi theo mà bỏ đi ngay sau khi gây án. Jack bị đâm chí mạng mà vẫn chạy được gần một cây số theo các con đường vắng vẻ để cầu cứu, quả là kỳ diệu. Chắc anh ta phải gắng gượng hết mình. Các chuyên viên lấy dấu tay vừa tới kiểm tra chiếc xe.
Các vết vân tay đều của hai vợ chồng Ross. Chó Ngao lại về cơ quan. Các đồng nghiệp sửng sốt nghe anh tuyên bố: cuộc điều tra đã thu được vài kết quả bước đầu. Vì anh đã thấy vụ này không do một bàn tay chuyên nghiệp thực thi. Tên sát nhân già đời sẽ không để người bị hại ra khỏi xe chạy đi cầu cứu. Nó không bao giờ quên kiểm tra xem nạn nhân đã chết hẳn chưa. Vậy thì hung thủ có thể là một tên ăn sương non tay nghề, động cơ gây án là cướp của. Nhưng viên cảnh sát khám Ross trong bệnh viện đã bác ngay suy luận này: trong túi nạn nhân có hai mươi lăm đô la. Theo vợ nạn nhân đã cho biết, Ross có bỏ hết tiền trong bóp, tổng cộng là hai trăm đô la. Không lẽ tên cướp chỉ lấy đi một trăm bảy lăm đô, bỏ lại trong bóp hai mươi lăm đô? Vậy thì.. phải đưa ra giả thuyết khác: tối đó Ross thua bạc một trăm bảy lăm đô. Nhưng thua về trò cờ bạc gì? Chơi với ai? Ở đâu? Chó Ngao thấy cần phải kiểm tra bằng chứng ngoại phạm của chị vợ và anh chàng Arthur... Đứa con đầu của hai vợ chồng mắc chứng khó ngủ, khai đêm đó lúc đã rất khuya nó có nghe tiếng mẹ nó trong nhà. Và lại, bàn tay đàn bà khó có thể làm chuyện này. Còn chàng Arthur do lây nhiễm tật xấu của ông chủ thân thương, tối đó đi chơi bài poke từ hai mươi ba giờ đến hai giờ sáng hôm sau.

Chương trước