Nổi đau của đom đóm - Chương 19
Nổi đau của đom đóm
Chương 19
Ngày đăng 14-12-2015
Tổng cộng 66 hồi
Đánh giá 9.6/10 với 51612 lượt xem
Chỉ lát sau, nhà trưng bày đã được bố trí thành một phòng thí nghiệm lớn.
Kikuchi Yuji nói với Quan Kiện một câu, cô Yasuzaki Satiko dịch lại: “Chúng ta bắt đầu”.
- Bắt đầu? Bắt đầu cái gì?
Kikuchi Yuji nói: “Chúng tôi bố trí một số thiết bị để đo phản ứng sinh lý của anh và kiểm tra vài thông số khác ví dụ nhịp thở, điện tâm đồ, điện não đồ; cũng có thiết bị thường dùng để nghiên cứu khả năng đặc biệt và các hiện tượng phi tự nhiên ví dụ máy kiểm tra điện từ trường và máy ảnh chụp tia hồng ngoại. Anh sẽ lại bước vào trong khoang này, chúng tôi sẽ đeo cho anh máy điện tâm đồ và điện não đồ…”.
Toyokawa Takesi bỗng chêm vào: “Chúng tôi sẽ tức tốc thuê ngay một máy phân tích cảm giác đau, máy này giá thành quá cao, cả thế giới chỉ sản xuất có tám chiếc, đều đặt trong các nhà máy dược phẩm cỡ lớn ở Âu Mỹ. Nó có thể phân tích anh bị đau do đâu, có nói quá lên hay không hoặc là… căn bản không hề đau…”.
Cô Yasuzaki Satiko dịch xong, đưa mắt nhìn Toyokawa Takesi và khẽ gật đầu.
Quan Kiện không ngạc nhiên cũng không bận tâm về những lời nói đầy châm chọc của Toyokawa Takesi. Anh đang thấy rất bí.
- Em có cảm giác rằng bày vẽ quá quy mô, e sẽ chẳng có thu hoạch gì. – Quan Kiện nói với giáo sư Nhiệm. Vị giáo sư đã thí nghiệm anh rải rác suốt hai chục năm qua, cơ hồ vẫn chưa có bất cứ một bước đột phá nào.
Toyokawa Takesi vẫn chưa có ý dừng lại, anh ta cười nói: “Thì ít ra anh cũng có thể xem các nhà khoa học chúng tôi bị tẽn tò đến đâu”.
Tối không nhìn rõ, nhưng có thể đoán ra vẻ mặt của ông Yamaa và nữ tiến sĩ Chiba Inchinose là thế nào.
Quan Kiện thừa hiểu “ý tại ngôn ngoại” của Toyokawa Takesi: các nhà khoa học sẽ mắc lừa Quan Kiện ra sao.
Bị bẽ mặt, cũng không khó. Giáo sư Nhiệm và Toyokawa Takesi gắn các thiết bị lên người Quan Kiện, trông anh rất ra dáng. Đeo thiết bị vào người cũng chẳng sao, nhưng ngán nhất là có một mảnh bảng nhựa buộc sau gáy lòi ra mấy sợi dây điện kéo lê đến tận cỗ máy đặt ở góc nhà, chẳng rõ có tác dụng gì.
Chiba Ichinose và Toyokawa Takesi ra trước cỗ máy ấy chăm chú nhìn vào màn hình hiển thị.
Trước mắt Quan Kiện chỉ có bóng tối.
Các khoang phun sơn phản quang lúc này cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Sau một lát im lặng, Chiba Ichinose lên tiếng, Yasuzaki Satiko dịch lại: “Mong anh Quan Kiện đừng đinh ninh rằng sẽ không có phản ứng gì. Anh hãy tập trung tinh thần”.
Quan Kiện nghĩ bụng: “Sao các vị biết tôi không tập trung tinh thần?”.
Anh chăm chú nhìn vào cái khoang phun sơn phản quang, ánh sáng quái dị của nó khiến cho xung quanh càng tối và nặng nề hơn.
Đó là tất cả những gì anh nhìn thấy. Anh cố gắng tập trung quan sát bóng tối vây quanh và hai khu vực đã từng có ba thi thể.
Không có một thu hoạch gì.
Có lẽ mình căn bản không mong có thu hoạch gì. Tất cả chỉ là thứ khoa học giả tạo. Rốt cuộc mình chỉ là anh sinh viên bình thường, cái gọi là khả năng “trời phú” chỉ là một hiện tượng tâm lý kỳ cục, hoặc là một sự rồ dại mà thôi.
Anh lại gắng quan sát, vẫn không thấy gì hết. Ý thức của anh tỉnh táo, đầu anh trống trơn nhưng hình như cũng đầy ắp.
Vô số nỗi nhớ và hồi ức. Bóng tối và sự yên tĩnh rất khó khiến tâm tư con người được ngơi nghỉ.
Các vị nhìn thấy những gì trên màn hình? Có nhìn thấy từng nhịp sóng điện trong não tôi đều đang nhớ Thi Di không? Chẳng thể trách tôi, vì sự kiện ấy mới xảy ra cách đây hai mươi lăm ngày.
Hai mươi lăm ngày. Trong bóng tối, Quan Kiện bỗng rùng mình.
Trời đất ạ, chẳng lẽ mình đã đếm từng ngày sau khi Thi Di qua đời? Mình chưa nhẩm tính, tại sao con số này bỗng nhảy ra? Mình cũng hay chơi tú lơ khơ nhưng xưa này không hề nhạy cảm với các con số; dù sao cũng phải nhẩm tính lại chứ, ví dụ kể từ hôm nay tính ngược đến hôm Thi Di bị hại…
Chỉ có thể giải thích là, vì ngày nào mình cũng đếm, nó nằm sâu trong cõi vô thức mà mình không biết đó thôi.
Vô thức! Liệu có phải vô thức đã khiến cho mình dùng danh nghĩa Gia Cát Thắng Nam hẹn với chính mình đúng vào lúc mà Thi Di bị hại? Liệu có phải vô thức trỗi dậy, khiến cho ý thức bình thường tiêu tán, rồi mình bị ngất xỉu một lúc, và chính trong lúc đó Thi Di bị hành xác đến chết?
Không phải là tôi. Cái chết của Thi Di và cái chết của người cha có liên quan đến nhau. Tôi nghi ngờ chính mình chỉ vì tôi bị cắn rứt, tự trách mình đã không bảo vệ được Thi Di.
Đôi mắt anh nhòa lệ. Những đêm gần đây, anh như có thể nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của Thi Di lúc bị sát hại.
Tiếng kêu thét rất rõ ràng, như ở ngay bên tai anh.
Toàn thân anh run rẩy. Đúng. Những âm thanh này rất rõ, rất thật và rất quen. Tiếng kêu thảm thiết của Thi Di từ xa vọng đến.
Anh thử bóp các ngón tay và khẳng định mình vẫn đang tỉnh táo.
Tiếng kêu không ngớt vang bên tai anh, yếu ớt, có vẻ như rất xa.
Thi Di bị hại ở khu nhà giải phẫu Đại học Y Giang Kinh, tại sao đứng ở đây lại nghe thấy tiếng?
Một ý nghĩ đáng sợ bỗng lóe lên: Hay là Thi Di chưa chết, n àng đang bị hành hạ? Bị một nhà khoa học mắc bệnh tâm thần hoặc một sát thủ điên rồ hành hạ?
Không thể chờ đợi gì nữa. Quan Kiện đứng thẳng lên, chạy như bay ra khỏi nhà trưng bày.
Ra đến hành lang anh dừng lại. Quái lạ. Tiếng kêu thê thảm của Thi Di ở hướng nào? Hình như từ phía tầng dưới vọng lên.
Viện mỹ thuật về đêm chỉ thấp thoáng vài ánh đèn rải rác ở tầng dưới, ra khỏi nhà trưng bày số 4, hành lang và các phòng khác đều sáng mờ mờ. Quan Kiện không cần dò dẫm lâu, anh lần xuống cầu thang tối om.
Rồi anh đi vào phòng công tơ điện và hành lang. Tiếng kêu của Thi Di nghe càng rõ hơn.
Cửa vào hành lang đang mở.
Mình còn nhớ đến cơn đau dữ dội không?
Nhưng tiếng kêu của Thi Di đang vọng ra từ cái cửa ấy. Anh không còn lựa chọn nào khác.
Anh bỗng co chân chạy như bay vào cái cửa ấy.