Ông cố vấn - Chương 16

Ông cố vấn - Chương 16

BRAVO II

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9/10 với 82258 lượt xem

Sáng sớm ngày 1 tháng 11, Hai Long phóng xe về phía Phú Lâm. Anh phải đi tìm liên lạc để báo cáo kịp thời với Trung tâm về cuộc đảo chính sắp bùng nổ.
Trong công tác, Hai Long có những người bạn rất gắn bó, rất thân thiết mà anh chưa hề biết mặt. Như người làm nhiệm vụ “hộp thư chết” này. Không biết là một chàng trai hay một cô gái. Hai Long nhận thấy đó là một con người cẩn thận và thông minh. Lần nào người đó cũng tạo cho anh sự bất ngờ. Có những lần đến khu vực đặt hòm thư, anh chưa xem ký hiệu chỉ dẫn, thử tìm xem nó nằm ở đâu. Anh đều bị lầm. Hộp thư bao giờ cũng đặt tại một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất. Người đặt hộp thư không chỉ ngụy trang thật cẩn thận hộp thư của mình, mà lại còn tạo nên những vật giả hấp dẫn những cặp mắt tò mò, một cách rất tự nhiên. Nhiều lúc người đó còn gửi gắm vào đây một chút tình cảm của mình, thường là một hình chữ V bằng những vật luôn luôn thay đổi mà chỉ anh mới nhận ra. Đó là lời nhắc nhở của Tổ quốc Việt Nam, lời chào chiến thắng. Đôi lúc Hai Long đã đáp lại.
Anh dừng xe trước một cột mốc cây số ven con đường nằm giữa cánh đồng vắng. Anh xuống xe, cởi áo treo lên ghi-đông. Anh bỏ bộ đồ phụ tùng xuống mặt đường, rồi tháo chiếc bu-gi ra xem. Đôi mắt anh không nhìn chiếc bu-gi, mà chăm chú nhìn mặt đất phía sau cột mốc. Nó kia rồi! Một hòn đá có hình thù giống như mũi tên (lại một chữ V quen thuộc) trỏ vào một hòn đá dẹp, nằm gắn trên mặt đất, chỉ cách anh ba bước chân.
Hai Long tới ngồi xuống cạnh hòn đá, nhìn trước nhìn sau, một tay vẫn cầm chiếc bu-gi, một tay bẩy nhẹ hòn đá. Hộp thư lần này là một chiếc vỏ đựng thuốc đánh răng. Anh nhẹ nhàng cạy đáy hộp thuốc, rút ra một mảnh giấy nhỏ, thay vào đó thư báo cáo của mình, rồi lại trả hộp thuốc về chỗ cũ, và đặt hòn đá lên trên.
Công việc thế là xong. Một giờ nữa, sẽ có người tới lấy thư. Chiều nay, thư sẽ tới căn cứ, và tối nay, Trung tâm sẽ nhận được tin của anh. Anh trở lại bên xe, lắp chiếc bu-gi vào, rồi đạp cần khởi động thử máy. Tiếng động cơ nổ giòn. Anh nhấc chiếc áo khoác trên ghi-đông, mặc vào người, rồi lên xe quay về.
Trở lại nội thành, Hai Long phóng xe về phía dinh Gia Long. Anh cảm thấy mình đang làm một việc vô ích và có thể tự chuốc lấy nguy hiểm. Nếu chế độ Diệm qua được cơn nguy hiểm này, thì cuộc viếng thăm của anh sáng nay sẽ đáng giá ngàn vàng. Nhưng khả năng đó đã trở nên hết sức mỏng manh.
Sự canh phòng chung quanh dinh dã khác hẳn chiều hôm trước. Những ngả đường vào dinh đều bị chặn bằng hàng rào sắt cơ động, có lính đứng gác. Những khẩu liên thanh được lắp những băng đạn vàng óng, hướng nòng kiểm soát mọi ngõ ngách dẫn tới Phủ tổng thống. Tuy vậy trong dinh các nhân viên vẫn tới làm việc bình thường. Buổi chiều họ mới được nghỉ việc, vì sáng nay có cuộc gặp giữa tổng thống Diệm với Felt, tổng tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Một chiếc xe du lịch cắm cờ Mỹ đỗ trước dinh. Nhân viên tòa đại sứ Mỹ tới để chuẩn bị cho cuộc tiếp kiến giữa đô đốc Felt và tổng thống Việt Nam cộng hòa. Một tên Mỹ vừa đi vừa đảo mắt nhìn quanh.
Hai Long cảm thấy yên tâm vì tiếng súng chỉ có thể nổ sau cuộc viếng thăm của viên đô đốc.
Hai Long tới thẳng phòng làm việc của Nhu. Đầu tóc y bơ phờ, mắt sâu trũng, có quầng thâm. Chắc y lại vừa qua thêm một đêm thức trắng. Đôi mắt y bừng sáng, lộ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Hai Long. Anh nói ngay:
- Đảo chính sẽ nổ vào buổi trưa. Anh chỉ còn thêm vài giờ để chuẩn bị đối phó.
Nhu nắm chặt tay Hai Long. Bàn tay y nóng như đang lên cơn sốt.
- Cảm ơn anh. Phút giây chân lý thật ra là bắt đầu từ cuộc gặp nhau ở Phú Cam cách đây 2 năm. Anh đã nói với tôi, người Mỹ chỉ vì quyền lợi của Mỹ, chứ không vì chế độ Việt Nam cộng hòa hay vì tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngày đó tôi còn hoài nghi. Tôi đã sai lầm vì không nghĩ là chủ nghĩa thực dụng của Mỹ lại thiển cận đến thế!... Anh em tôi phải chết vì người Mỹ thì cái giá của sai lầm này quá đắt! Tôi hiểu chân lý quá chậm... Tôi xin ghi ơn anh-.
Y sẽ chẳng bao giờ biết người cuối cùng đến gặp y trong giờ phút này, là một chiến sĩ cộng sản!
Hai Long nói:
- Tôi mong rằng ngày mai còn gặp lại anh. Cầu Chúa phù hộ cho tổng thống, cầu Chúa phù hộ cho anh...
Ra khỏi dinh Gia Long, Hai Long phóng xe xuống nhà thờ Bình An.
Cha Hoàng đã thảo xong bản tuyên ngôn của các tôn giáo ủng hộ Hội đồng các tướng lãnh cách mạng, như mọi lần, đang chờ Hai Long xuống để góp ý kiến.
Ngước mắt lên, nhìn thấy Hai Long, cha mừng rỡ:
- Mình đang mong. Bữa nay không nên ở Sài Gòn.
Hai Long thấy không nên giấu việc vừa vào dinh Gia Long:
- Thưa cha, con vừa ở Phủ tổng thống ra.
Cha Hoàng giương to mắt:
- Thầy đã làm một việc mạo hiểm.
- Cha Lê bảo con phải trước sau như nhất... – Anh cảm thấy cha Hoàng không bằng lòng, bèn nói tiếp - Cha Lê nói: Có vào hang cọp mới bắt được cọp con...
Hai Long thuật lại cuộc gặp Nhu tối qua và sáng nay. Anh nói Nhu đã tiến hành kế hoạch phản đảo chính Bravo I, làm ra vẻ như cung cấp cho cha một tin quan trọng, nhưng không kể nội dung.
Cha Hoàng mỉm cười như đã biết tất cả:
- Có Bravo I thì sẽ có Bravo II! Vài giờ nữa thì cả nước sẽ biết. Phen này sẽ hết đời cả tổng thống và cố vấn! Đúng như lời ông De Jaegher nói: Table rase! Đại tá Conien đứng sau Minh Lớn, Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim...
2.
Sáng ngày 1 tháng 11, tất cả những tướng, tá chỉ huy các đơn vị quân sự, an ninh ở Sài Gòn đều nhận được giấy mời của quyền tổng tham mưu trưởng Trần Văn Đôn, sau buổi họp hàng tuần, sẽ ở lại dự bữa cơm thân mật tại Câu lạc bộ sĩ quan Bộ Tổng tham mưu. Bữa ăn tổ chức ngày thứ sáu là không bình thường với những người theo đạo Thiên chúa.
Lúc 11 giờ trưa, sau khi tiếp đô đốc Felt, Diệm được Nhu báo tin nhiều khả năng đảo chính sắp nổ. Diệm đã nhiều lần nghe những tin như thế này. Nhưng hôm nay, Diệm cảm thấy có những triệu chứng khác thường. Y gọi dây nói cho Nguyễn Văn Lã, thiếu tướng tư lệnh khu Sài Gòn. Sĩ quan trực nhật báo cáo Lã không có mặt tại nhiệm sở. Y gọi tiếp cho quyền tổng tham mưu trưởng Trần Văn Đôn. Bộ Tổng tham mưu báo cáo Đôn ra sân bay Tân Sơn Nhất tiễn đô đốc Felt chưa về.
Lúc 12 giờ trưa, Trần Văn Đôn gọi điện thoại cho Diệm.
- Trình tổng thống, thiếu tướng Nguyễn Văn Lã được mời tới câu lạc bộ sĩ quan Bộ Tổng tham mưu dự cơm trưa, nhưng hiện thời vẫn chưa thấy tới.
- Rứa thì ông ta đi đâu?
- Có lẽ đang trên đường tới đây.
- Tôi cần gặp ông Lã, cần gấp! - Diệm nhấn mạnh.
- Dạ. Khi thiếu tướng Lã tới, tôi sẽ nói tới dinh ngay để gặp tổng thống.
- Tôi chờ.
- Dạ...
Thật ra, trong lúc này Nguyễn Văn Lã cũng như Dương Văn Minh (Minh lớn), Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Kim, Nguyễn Giác Ngộ, Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Văn Minh (Minh con), Trần Tử Oai, Đỗ Mậu... đã tề tựu đông đủ tại câu lạc bộ.
Xe thiết giáp đã thiết lập một hàng rào thép chung quanh cơ quan Bộ Tổng tham mưu, biến thành một nơi nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Lúc 13 giờ, Trần Văn Đôn mời tất cả những người chỉ huy để lại tùy tùng và vũ khí ở bên ngoài, tới phòng họp riêng của mình.
Trần Văn Đôn là con một gia đình đại địa chủ, trước Cách mạng học ở Pháp, trong kháng chiến chống Pháp, Đôn theo đội quân viễn chinh, được Pháp tin dùng, cho đi đào tạo về quân sự ở Pháp. Dưới chế độ Diệm, Đôn được cử làm tư lệnh quân đoàn I ở miền Trung. Cũng như những tướng lĩnh đã gắn bó nhiều với Pháp trước đây, Đôn không được Diệm, Nhu thật tin. Sau cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11, nhiều tướng tá bị nghi ngờ, Đôn bị đình chỉ công tác một thời gian. Lê Văn Kim, giám đốc Học viện quân sự Đà Lạt, một người bạn rất thân và cũng là anh rể của Đôn, bị bắt. Từ đó, Đôn đã nuôi ý định lật đổ Diệm – Nhu. Sau khi tiến hành điều tra, thấy Đôn và Kim đều không trực tiếp dính líu đến âm mưu đảo chính, Diệm, Nhu tha cho hai người, nhưng vẫn chưa hẳn tin. Kim trở về Học viện quân sự ở Đà Lạt, nhưng Đôn không được trở lại nắm quân đoàn. Đôn khôn ngoan biết cư xử mềm mỏng, khéo léo, không bao giờ để lộ thái độ bất bình, chống đối nên gần đây được Diệm, Nhu bổ nhiệm làm quyền tổng tham mưu trưởng, một chức vụ quan trọng nhưng không trực tiếp nắm quân trong tay. Diệm, Nhu không biết với cương vị mới, Đôn đã có những điều kiện rất thuận lợi để liên lạc tập hợp tất cả những tướng tá đang có sự bất bình với chế độ và dựa vào Mỹ tổ chức một cuộc đảo chính.
Trong phòng họp, ngồi bên cạnh Đôn là Minh Lớn và Lê Văn Kim. Minh Lớn nổi bật lên với thân hình đồ sộ và vẻ mặt kiên nghị. Minh Lớn cũng giống như Đôn, gia đình theo đạo Phật, đã ở trong đội quân viễn chinh Pháp suốt quá trình chiến tranh xâm lược Việt Nam, và còn vượt xa Đôn về mặt ít được Diệm, Nhu tin dùng. Ở trong quân đội viễn chinh Pháp, Minh Lớn là người thăng quan tiến chức rất nhanh. Sau ngày Diệm - Nhu lên cầm quyền, Minh Lớn có công với chế độ mới trong cuộc đấu tranh loại bỏ Nguyễn Văn Hinh, người gắn liền với Bảo Đại và được thăng cấp trung tướng ngay hồi đó. Minh Lớn trở thành một nhân vật nổi bật nên bị Diệm, Nhu e ngại, tước dần những nhiệm vụ quan trọng, và cuối cùng chỉ trao cho một chức vụ có tính danh nghĩa là tư lệnh bộ chỉ huy dã chiến. Minh Lớn đã bất bình với Diệm - Nhu từ lâu, chỉ chờ cơ hội này câu kết với Đôn tiến hành âm mưu đảo chính.
Viên đại tá tình báo Mỹ Lucien Conien không được giới thiệu vì sao cũng có mặt trong phòng họp. Bữa nay y bận quân phục Mỹ đàng hoàng, đeo bên sườn một khẩu Colt quay báng ngà. Y xách theo một chiếc túi lớn, bên trong có 3 triệu dollar để khi cần có thể chi ngay. Ngay tại phòng họp, đã được đặt riêng hai máy điện thoại của Conien, một đường dây chạy thẳng về tòa đại sứ Mỹ, một đường dây chạy tới nhà riêng. Trên chiếc xe Jeep chở y tới còn có nhiều máy bộ đàm..
Lê Quang Tung cũng về họp. Y ngơ ngác nhìn quang cảnh, biết là mình đã sa lưới.
Dương Văn Minh đứng dậy nhân danh chủ tịch Hội đồng các tướng lãnh cách mạng, kêu gọi mọi người gác bỏ mọi tình cảm riêng tư, cùng nhau đoàn kết lật đổ chế độ gia đình trị thối nát của Ngô Đình Diệm. Mặt Minh tái đi trước giờ phút nghiêm trọng. Y dọa nếu người nào chống lại nghị quyết của Hội đồng sẽ bị tạm thời cô lập ngay.
Số đông ngơ ngác, lúc này mới biết mình đang tham dự vào một âm mưu đảo chính.
Lê Quang Tung phản đối. Y tuyên bố kiên quyết chống lại mọi mưu toan phản nghịch đối với chính quyền dân cử hợp hiến. Minh gõ tay xuống bàn. Đại úy Nhung, viên sĩ quan cận vệ của Minh, lập tức cùng hai nhân viên an ninh tiến lại trước mặt Tung, nói:
- Theo lệnh của Hội đồng các tướng lãnh, mời đại tá đi theo tôi.
Hai ba người nữa tiếp tục phát biểu không tán thành đảo chính, trong đó có Cao Văn Viên, tư lệnh lữ đoàn dù, và Trần Văn Tư, giám đốc nha cảnh sát đô thành, đều bị lần lượt đưa ra khỏi phòng họp.
Những người còn lại vỗ tay để biểu lộ sự tán thành nghị quyết của Hội đồng tướng lãnh cách mạng.
Trần Văn Đôn bắt đầu điều khiển tiến trình đảo chính.
Ngay chiều hôm đó, Lê Quang Tung và em của y là thiếu tá Lê Quang Triệu bị còng tay trên một chiếc xe Jeep, do đại úy Nhung áp giải, chạy ra khỏi Bộ Tổng tham mưu. Tung luôn mồm chửi bới những tướng lãnh đảo chính là đồ phản chủ, vong ân bội nghĩa. Tiếng nói của Tung chỉ tắt đi khi những phát súng ngắn của Nhung vang lên kết liễu đời y.
3.
Lúc 13 giờ 30, quân lính từ trung tâm huấn luyện Quang Trung do Mai Hữu Xuân phụ trách, tiến ra chiếm sở chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất và Đài phát thanh Sài Gòn.
Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, chỉ huy sư đoàn 5, một đơn vị được Diệm tin cậy, từ Biên Hòa tiến về Sài Gòn, và một lực lượng xung kích hỗn hợp từ Vũng Tàu về, tiến hành bao vây khu vực dinh Gia Long và trại lính Cộng hòa.
Pháo binh bắt đầu nã dạn đại bác 105 ly vào thành Cộng hòa. Tiếng súng nhỏ nổ ran ở nhiều nơi trong thành phố.
Những ngả đường tiến vào dinh Gia Long có những đơn vị của lữ đoàn Liên binh phòng vệ đóng quân, nên tình hình trong dinh vẫn yên tĩnh. Các sĩ quan cận vệ phải mời nhiều lần, Diệm mới chịu xuống hầm.
Hầm ở dinh Gia Long vừa được xây xong hồi cuối tháng 10, có thể chịu đựng được đại bác 105 ly. Hầm có đường ăn thông với phòng của Diệm và phòng của vợ chồng Nhu. Trong hầm có cả buồng ngủ, buồng tiếp khách và nhà tắm.
Giờ đầu, Diệm và Nhu đều tỏ ra bình tĩnh. Diệm gọi điện thoại cho Nguyễn Ngọc Thơ, phó tổng thống, khuyên tìm nơi ẩn náu. Nhu cũng lần lượt gọi điện thoại cho các bộ trưởng, nhắc cố gắng đừng để lọt vào tay quân đảo chính. Một số bộ trưởng, kể cả bộ trưởng phụ tá Quốc phòng đã nhanh chân trốn biến. Nhưng cũng có một số nhân vật thân cận nghe tiếng súng nổ, đã chạy vào dinh, như Cao Xuân Vỹ, Võ Văn Hải... Lát sau, Diệm cho Hải về, Nhu giữ Cao Xuân Vỹ lại.
Nhu cho bắt liên lạc với các nơi. Biệt khu thủ đô không có người trả lời. Quân đoàn 3, bộ tư lệnh Hải quân, không quân, Quân đoàn 4... đều không có người trả lời.
Nhu cảm thấy tình hình phẳng lảnh. Chỉ còn bắt liên lạc được với Quân đoàn 2 ở Nha Trang. Tướng Nguyễn Khánh tỏ ra sốt sắng: “Ông cố vấn cho lính ráng giữ. Mấy thằng hắn làm càn. Tôi sẽ cho Quân đoàn 2 phản công”. Nhưng Khánh ở quá xa. Những lực lượng ở gần như Thủy quân lục chiến, lữ đoàn Dù, sư đoàn 5, sư đoàn 7 đều mất liên lạc. Lực lượng đặc biệt điều ra Long Thành đêm qua cũng mất tăm. Nhu bắt đầu bối rối.
Đại bác của quân đảo chính tiếp tục nã dữ dội vào thành Cộng hòa. Thiếu tá Duệ, tư lệnh lữ đoàn Liên binh phòng vệ báo cáo có nhiều người thương vong. Từ đài phát thanh Sài Gòn vang lên những khúc nhạc quân hành. Hội đồng tướng lãnh cách mạng và những người đã theo phe đảo chính lần lượt xưng đanh. Có tới trên 20 người. Nhu bảo viên sĩ quan cận vệ:
- Đưa ra-đi-ô xuống hầm và nối dây ăng ten cho ông Cụ nghe, để cụ nắm biết tình hình.
Nhu tiếp tục đi đi lại lại trên hành lang, đầu cúi gằm, mặt xạm đen. Lát sau, Nhu xuống hầm gặp Diệm.
Trong hầm, từ chiếc dài thu thanh bán dẫn nhỏ vẫn vang lên những tiếng nhạc quân hành. Diệm cho tắt máy, hỏi:
- Có tin Đính chưa?
- Vẫn không liên lạc được với Ba Đính? Em đã trao đổi kỹ kế hoạch với Đính từ tối qua.
- Hay lại có chuyện chi?
Nhu lặng thinh. Diệm nói tiếp:
- Các tướng lãnh bị chúng bắt làm con tin thôi, chứ đâu lại như rứa! Có liên lạc được với Huỳnh Văn Cao không?
- Vẫn không thấy Quân đoàn 4 trả lời. E dưới đó có biến...
Diệm sầm mặt, rồi hỏi:
- Chừ chú định tính răng?
- Em đã làm hết mọi việc em có thể làm. - Lần đầu, trước mặt anh, Nhu bộc lộ sự bất lực của mình. - Bây giờ mọi quyết định ở nơi anh, với trách nhiệm là tổng thống.
Diệm ngẩn mặt nhìn Nhu. Nhu ngồi ủ rũ, sẵn sàng đón đợi cơn thịnh nộ.
Diệm rời mắt khỏi Nhu, lặng lẽ đứng dậy, chắp tay sau lưng, đi di lại lại hồi lâu trong căn hầm.
Diệm quay lại nói với Nhu:
- Muốn thay đổi tình hình, phải chiếm ngay lại cái Đài. Cứ để hắn nói mãi, các nơi mắc lừa sẽ theo bọn hắn ráo.
Diệm bảo viên sĩ quan cận vệ:
- Lắp ngay một cuốn băng vô cát-xét để thu hiệu triệu.
Diệm cầm chiếc mi-crô nói mấy lời đại ý: “Một số phần tử quá khích đã có những hành động gây rối, chính phủ đang tiến hành vãn hồi trật tự. Đồng bào cần giữ bình tĩnh, quân đội hết sức tránh đổ máu. Các đơn vị quân đội ở đâu cứ ở đó, tuyệt đối dồn mọi nỗ lực đề phòng Cộng sản, chống sự xâm nhập của Cộng quân. Tất cả phải bình tĩnh đợi lệnh của thượng cấp”.
Diệm nghe lại một lần, cho gỡ băng, trao cho một sĩ quan và ra lệnh:
- Mi cầm ngay vô thành Cộng hòa, trao tận tay ông thiếu tá Duệ, nói lệnh của tổng thống phải chiếm lại Đài phát thanh với bất cứ giá nào, và cho phát thanh liên tục lời hiệu triệu ni. Làm được là có công lớn lắm đó!
4.
Lúc 15 giờ, Diệm gọi điện thoại cho Trần Văn Đôn ở Bộ Tổng tham mưu.
Diệm nói:
- Cần chấm dứt ngay cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn nầy! Các tướng lĩnh muốn cái chi?
Đôn trả lời mềm mỏng:
- Thưa tổng thống, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tổng thống sửa đổi chính sách cho phù hợp với nguyện vọng của dân chúng, vẫn không được tổng thống chấp nhận... Nay đã tới lúc quân đội phải đáp ứng lại nguyện vọng của dân chúng. Xin tổng thống hiểu cho.
- Tại sao không ngồi lại với nhau? Các ông và tôi có thể cùng bàn cãi về những sự bất đồng, về những điểm mạnh, điểm yếu của chế độ, và tìm cách cải tiến.
- Lúc này đã quá trễ!
- Không bao giờ lại quá trễ. Tôi xin mời tất cả các ông tới dinh cùng thảo luận, và tìm một giải pháp đôi bên đều có thể chấp nhận.
- Việc này không tùy thuộc ở mình tôi. Tôi cần xin ý kiến các tướng lĩnh.
Nghe Đôn nhắc lại ý kiến của Diệm, nhiều người có mặt nhao nhao. Họ đều nói đây là mẹo Diệm đã quen dùng, nhằm kéo dài thời gian chờ quân cứu viện.
Minh Lớn giật ống nói từ trong tay Đôn:
- Dương Văn Minh đây! Nghe cho thiệt kỹ nghen! Quân lực Việt Nam cộng hòa đổ máu chiến đấu không phải để đưa ông lên làm trời, thu tóm mọi quyền hành vô tay anh em ông, họ hàng nhà ông, rồi thi nhau tàn phá đất nước, giết hại đồng bào. Anh chị em nhà ông tậu cửa hàng, xây nhà lầu, biệt thự, đưa vàng, “đôn”[1] ra gởi ngân hàng nước ngoài, là lấy tiền ở đâu, ông có biết không? Đó là tiền công quỹ do dân đen góp vô, tiền viện trợ của đồng minh cho những binh sĩ đang đổ máu trên chiến trường! Đồng bào Phật giáo treo cờ ngày Phật đản, tội tình chi mà anh em ông bắn giết? Người đấu tranh đòi mở rộng dân chủ, tội tình chi mà bị đày vô tù, bị nhục hình? Quân lực Việt Nam cộng hòa đang bị anh em nhà ông đẩy tới bên bờ vực thẳm. Chính quyền này đã quá mục ruỗng, quá thối nát, không thể tồn tại thêm một ngày, một giờ...
Minh Lớn đổ xuống đầu Diệm tất cả những căm hờn chất chứa trong lòng từ bao lâu nay.
Cuối cùng, Minh Lớn hét vào ống nói:
- Chỉ có đầu hàng! Đầu hàng vô điều kiện. Không có bàn bạc thảo luận gì hết trơn. Quân đảo chánh bao vây chặt dinh Gia Long và thành Cộng hòa rồi.
Diệm dằn giọng hỏi lại:
- Quân mô? Vây mô...?
Đúng là tới giờ phút này, chung quanh dinh Gia Long chưa xuất hiện bóng dáng của quân đảo chính.
Kế hoạch đảo chính lần này do chính quyền tổng tham mưu trưởng Trần Văn Đôn dự thảo, với sự tham gia của một số tướng dày dạn kinh nghiệm, nên đã được hoạch định chu đáo đến từng chi tiết nhỏ. Ngay từ giờ đầu, những lực lượng trung thành với Diệm, Nhu đều bị vô hiệu hóa. Lê Quang Tung, người cầm đầu lực lượng đặc biệt bị giết. Tôn Thất Đính, viên tướng trẻ đẹp trai kiêu hùng, người đã được Nhu đặt tất cả niềm hy vọng sẽ lật ngược thế cờ khi cần thiết bằng kế hoạch phản đảo chính Bravo I, đã ngả theo Đôn từ đầu tháng 10 mà Nhu không biết. Đính đã ngầm thông báo cho Đôn kế hoạch phản đảo chính của Nhu, để Đôn vạch ra kế hoạch đảo chính của mình một cách tỉ mỉ, lấy tên là Bravo II và trao cho Đính thực hiện. Người chỉ huy đánh chiếm dinh Gia Long và trại lính Cộng hòa lúc này lại chính là Đính. Huỳnh Văn Cao, tư lệnh Quân đoàn 4 được cả Diệm và Nhu rất tin, nghe tin đảo chính, trở về sư 7 của mình, thì sư này vừa chuyển sang tay tướng Nguyễn Hữu Có, người của phe đảo chính. Một số người được tin cậy khác như Cao Văn Viên, tư lệnh lữ đoàn Dù, bị bắt giữ ngay từ đầu, Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải quân, chỉ huy thủy quân lục chiến, trước khi đảo chính một giờ, đã bị một người bạn, theo phe đảo chính, hạ sát bằng một phát súng lục.
Tuy nhiên, phía đảo chính cũng không phải không còn những khó khăn.
Lực lượng Liên binh phòng vệ Phủ tổng thống tuy chỉ còn một số đại đội ở thành Cộng hòa và dinh Gia Long, nhưng đều là những lực lượng thiện chiến và trung thành với Diệm, mặc dù đã bị tổn thất vì đạn đại bác, vẫn không để cho quân đảo chính vượt qua vị trí của họ tiến vào dinh Gia Long. Lúc 4 giờ chiều hôm đó, lực lượng chính của quân đảo chính, là sư đoàn 5 của Nguyễn Văn Thiệu, vẫn chưa vượt được qua cầu Thị Nghè và cầu Phan Thanh Giản để tiến vào nội đô. Tôn Thất Đính phải gọi điện cho Trần Văn Đôn, yêu cầu dùng không quân chi viện cho quân đảo chính.
Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, mới ngả theo phe đảo chính, cho hai máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất, phóng tên lửa và quét trọng liên vào trại Cộng hòa. Nhưng những binh lính trong trại vẫn không chịu rời vị trí.
Vì phần lớn lực lượng của Nguyễn Văn Thiệu là sư đoàn 5 chưa vào nội đô, Đính phải trao cho Lâm Văn Phát chỉ huy lực lượng hỗn hợp từ Vũng Tàu về, thay Thiệu tiếp tục tiến công.
Hội đồng tướng lãnh bắt đầu dao động, lo Diệm, Nhu có thể lật lại thế cờ. Vợ con một số tướng lãnh vội vàng xách va-li tới tập trung tại sân golf gần sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyễn Cao Kỳ đã chuẩn bị sẵn mấy chiếc Dakota của Liên đoàn vận tải, đưa các tướng tá và gia đình di tản sang Thái Lan trong trường hợp đảo chính thất bại.
5.
Lúc 16 giờ 30, tại đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.
Cabot Lodge ngồi trước máy điện thoại, vẻ mặt đăm chiêu. Ông ta đã ngồi như vậy từ cách đây 3 tiếng đồng hồ, khi những tín hiệu với một loạt con số 9 được Conien từ Bộ Tổng tham mưu đánh đi báo hiệu cuộc đảo chính bắt đầu.
Từ tháng 6 năm nay, vấn đề Diệm - Nhu đã trở thành một nguy cơ chia rẽ trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ. Sự bất lực của Diệm trong việc ngăn cản cuộc đấu tranh cách mạng của Cộng sản ở Nam Việt Nam, đã rõ ràng. Diệm trở nên cực kỳ khó bảo. Chỉ cần một trong hai điểm này là đủ để xét lại tư cách một “đồng minh” của Mỹ. Ở Diệm, lại có cả hai. Kennedy đã dần dần đi tới ý định phải loại bỏ Diệm. Tổng thống được sự đồng tình của nhiều người lãnh đạo chính quyền. Nhưng lại vấp phải sự chống đối của một số phụ tá, phần đông những người này từ lâu đã có liên quan với chế độ Diệm. Kennedy cần có một người mới, để nhìn vấn đề bằng cặp mắt mới. Đúng hơn, tổng thống muốn có một người không dính líu đến những việc cũ, để thực thi ý định của ông ta. Kennedy đã nghĩ tới Cabot Lodge.
Hạ tuần tháng 8, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là Nolting, người đã bảo vệ Diệm đến cùng, bị triệu hồi. Cabot Lodge sang thay. Tới Sài Gòn, y hiểu sứ mệnh của mình không dễ dàng. Cuộc tiếp xúc đầu tiên với Diệm, đã cho y thấy Diệm là một con người lỳ lợm, có gan chống lại quan thầy, và không dễ gì hòa giải. Em Diệm là Nhu, còn nguy hiểm hơn anh. Nhu có nhiều thủ đoạn khó lường, và đã công khai thách thức Mỹ. Sau vụ tiến công các chùa chiền, Nhu tiếp tục những cuộc bắt bớ, ngầm bảo những cơ quan chính quyền tẩy chay cố vấn Mỹ, và chính mình cũng lên tiếng bài xích Mỹ. Những người bất bình, chống đối chính quyền khá đông, nhưng ai cũng sợ bộ máy mật vụ của Nhu. Ngay cả Conien, một nhân viên CIA kỳ cựu, liều lĩnh, cũng lo Nhu có thể cho người hạ sát mình bất cứ lúc nào, rồi vu cho Việt Cộng. Trong khi đó, những người muốn duy trì Diệm, ở Sài Gòn cũng như ở Nhà Trắng, luôn luôn chơi trò thọc gậy bánh xe.
Trận đánh được chuẩn bị một cách chậm chạp và gặp hết khó khăn này qua khó khăn khác. CIA không tìm được những đối thủ xứng đáng với Diệm, Nhu. Những người đang định lật đổ chế độ, kém cả về tinh thần kiên định và trình độ tổ chức. Cách duy nhất để động viên, thúc đẩy họ, là nói cho họ rõ nhà cầm quyền Mỹ đã quyết tâm gạt bỏ Diệm, Nhu. Nhưng Lodge lại bị một số người Mỹ phá ngang. Nguy hiểm nhất là Harkin. Vào những ngày đảo chính sắp nổ ra, Harkin đã trực tiếp nói với những người đang âm mưu là đừng có làm việc này. Ác nhất là Harkin đã qua Taylor, nói với chính Kennedy: việc loại Diệm có thể phá hỏng những nỗ lực chiến tranh chống Cộng, và cuộc đảo chính có nhiều nguy cơ thất bại vì những địch thủ của Diệm quá yếu, không đủ sức đương đầu với lực lượng của Nhu. Tới những ngày cuối cùng, tổng thống Mỹ tỏ ra hết sức phân vân. Ông ta đã chỉ thị cho Lodge: nếu đảo chính không có khả năng thành công thì nên ngừng lại cho tới khi nào có cơ hội tốt hơn; nếu đảo chính đã khởi sự thì căn cứ theo quyền lợi của chính phủ Hoa Kỳ, nó phải thành công. Lodge biết rõ sự ranh ma của những người làm chính trị, họ muốn có thắng lợi nhưng lại muốn giũ bỏ trách nhiệm cho người khác khi bị thất bại!
Lodge buộc phải tính toán lại, vì người chơi trò đó lúc này lại chính là tổng thống. Lodge hiểu sứ mệnh của mình vẫn không thay đổi. Đây là việc trước sau mình vẫn phải làm. Nếu lùi vào lúc này, sẽ làm những kẻ nổi loạn vốn yếu kém về mặt tinh thần, càng nhụt chí, rất khó vực họ lên một lần nữa. Và, trong khi họ lùi lại, Diệm - Nhu sẽ không chịu ngồi yên. Đối thủ của họ sẽ tiến lên với những đòn thường là hiểm độc và bất ngờ... Canh bạc này có thể rủi ro. Nhưng cuối cùng, Lodge thấy mình cứ phải chơi, và tất nhiên, phải chịu trách nhiệm.
Từ khi nổ súng, Conien thường xuyên báo cáo bằng điện thoại mọi diễn biến của cuộc đảo chính. Những tin tức này được truyền ngay về Washington bằng sóng ngắn vô tuyến. Sự việc tiến triển theo chiều hướng khả quan. Nhưng Lodge vẫn cảm thấy lo. Cả cuộc đời chính trị của y đặt vào canh bạc này...
Chuông điện thoại réo. Lodge cầm máy. Đầu dây đằng kia là tiếng nói của Ngô Đình Diệm:
- Một số đơn vị đã nổi loạn, tôi muốn biết thái độ của Mỹ.
Lodge lảng tránh:
- Tôi cảm thấy chưa có đủ tin tức để thông báo cho ngài. Tôi đã nghe thấy tiếng súng nhưng chưa hiểu rõ tất cả sự thật. Cũng lúc này ở Washington là 4 giờ 30 sáng, chính phủ Mỹ không thể có một nhận xét nào.
- Nhưng ngài phải có một khái niệm chung. Xét cho cùng, tôi là quốc trưởng của một nước. Tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ của tôi. Bây giờ tôi muốn làm bất cứ nhiệm vụ gì và bất cứ điều gì để tỏ thiện chí. Tôi tin rằng nhiệm vụ là trên hết.
Diệm đã tự hạ mình, tỏ ra sẵn sàng nhân nhượng, hy vọng Lodge mở cho mình một lối thoát khỏi tình thế khó khăn. Nhưng viên đại sứ Mỹ tiếp tục đánh trống lảng.
- Tất nhiên ngài đã làm nhiệm vụ của ngài... Như tôi đã nói với ngài sáng nay, tôi khâm phục lòng dũng cảm của ngài và những cống hiến to lớn của ngài cho đất nước. Không ai có thể cướp những công trạng mà ngài đã đạt được.. Bây giờ tôi lo lắng cho tính mạng của ngài. Tôi nhận được báo cáo là những người cầm đầu những hoạt động hiện hành sẽ cho phép anh em ngài ra nước ngoài an toàn nếu ngài từ chức. Ngài đã nghe thấy điều này chưa?
- Không. - Diện im lặng một lát sau khi buông ra lời phủ định, rồi lại nói tiếp - Ngài có số điện thoại của tôi chứ?
- Có. Nếu có thể làm gì để bảo đảm tính mạng cho ngài, xin ngài cứ gọi tôi.
Diệm hiểu rằng cả đến lời gợi ý Cabot Lodge có thể nghĩ lại và sẽ gọi điện thoại cho mình cũng đã bị khước từ...
- Tôi đang cố lập lại trật tự.
Diệm nói câu cuối cùng và bỏ máy.
6.
Việc chiếm lại Đài phát thanh Sài Gòn gặp khó khăn. Một chi đội thiết giáp với một đại đội bộ binh, do một trung úy chỉ huy, được phái đi làm nhiệm vụ. Gần tới mục tiêu, viên trung úy gặp một viên trung tá của binh chủng thiết giáp, rối rít vẫy tay gọi mình. Viên trung tá vừa là cấp trên, lại vừa là bí thư đảng Cần lao tại binh chủng thiết giáp thuộc quân ủy. Tưởng cấp trên cũng tới cứu nguy cho Phủ tổng thống, viên trung úy vội vàng chạy lại.Viên trung tá nói đảo chính đang kết thúc, bộ tư lệnh binh chủng thiết giáp đã đi với Hội đồng tướng lãnh, và yêu cầu viên trung úy theo mình. Hai đại đội đi chiếm lại Đài phát thanh phút chốc trở thành lực lượng tăng cường cho phía đảo chính. Tuy nhiên, có 2 xe thiết giáp tách ra khỏi hàng ngũ, quay đầu chạy về dinh Gia Long.
Diệm coi việc chiếm lại Đài phát thanh là quan trọng bậc nhất lúc này. Nhưng khi nghe báo cáo nếu muốn lấy lại vị trí này phải có đổ máu lớn, và Đài phát thanh có nguy cơ bị phá hủy, Diệm thôi không thúc giục nữa. Coi như lệnh đã được hủy.
Một sĩ quan tùy viên hớn hở bước vào hầm, tới báo cáo với Diệm:
- Bẩm cụ, thiếu tá Duệ dưới trại Cộng hòa vừa báo cáo lên: Ở Bộ Tổng tham mưu có người gọi điện về, nói mấy trự trên đó đang sợ xanh xám, tại dó lúc nầy chỉ có mấy thằng tân binh trại Quang Trung và mấy tay văn phòng, chỉ cần đưa một đại đội lên là xong. Anh em dưới trại đã bàn. Thiếu tá Duệ đề nghị cụ cho đưa một chi đội thiết giáp và một đại đội bộ binh, theo đường Công Lý lên, đột thẳng vô sào huyệt, hốt về đây trọn ổ. Chớ cứ thủ mãi như thế nầy thì có cơ nguy.
Diệm suy nghĩ rồi nói:
- Làm rứa không được. Biểu anh em cứ ở tại chỗ, tránh gây đổ máu, chỉ nổ súng khi bị tấn công.
Viên sĩ quan cụt hứng quay lên. Lát sau, y lại quay trở xuống.
- Trình với cụ, anh em thành Cộng hòa xin đề nghị cụ lần nữa, cụ cho anh em lên đó, anh em hết sức tránh đổ máu. Anh em sẽ nói là chỉ lên mời các tướng lãnh về dinh họp mà thôi.
Diệm nói ngay:
- Không thể được! Các tướng đang bị bắt làm con tin, chừ kéo thiết giáp lên rầm rộ, bọn hắn sẽ giết hết các tướng!
Như ngồi bó gối im lặng. Y không hiểu quyết định của anh mình như vậy trong giờ phút này, đúng hay sai. Tổng thống chỉ nghĩ: bọn cầm đầu đảo chính sẽ giết những tướng lãnh bị bắt làm con tin! Nhưng y lại nghĩ tới một chuyện khác. Việc lấy lại đài phát thanh đã mất không hai đại đội. Liệu việc đi “đón các tướng về” có làm mất tiếp hai đại đội nữa không...? Vào giờ phút này rất cần một người như Lệ Xuân!
Dưới chế độ gia đình trị của họ Ngô, mọi việc lớn của đất nước, lúc thường cũng như lúc biến, đều do anh em Diệm tự quyết định. Được hỏi ý kiến, chỉ là những người tâm phúc. Bộ máy dân cử, kể cả những bộ trưởng, đều thấy mình là người thừa. Từ khi có tiếng súng đảo chính, bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Nội vụ đã lặn mất tăm. Diệm và Như đều không cảm thấy thiếu họ. Với một số bộ trưởng khác, chính Diệm và Nhu còn bảo họ nên tạm tìm nơi ẩn náu. Trong hai anh em y, cả Diệm và Nhu, đều thiếu khả năng ứng biến trước những khó khăn đột xuất. Diệm bị chi phối bởi ý nghĩ muốn làm một “minh quân”, nên những quyết định thường bị câu thúc vì những nguyên tắc đạo lý cổ hủ. Nhu có hiểu biết, có đầu óc thực tiễn, nhưng lại chỉ quen với những suy nghĩ tính toán chiến lược, đường dài. Vào trường hợp này, người quyền biến lại là Lệ Xuân. Trong cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11, vào giờ phút nguy ngập, hai anh em cùng lúng túng, chính Lệ Xuân đã đưa ra những ý kiến kịp thời, được Diệm chấp thuận, và nhờ đó giải quyết được khó khăn.
Lúc này bà ấy lại không có mặt...! Nhu đau xót với ý nghĩ không biết có còn gặp lại vợ mình nữa không.
Căn hầm sực nức mùi khói thuốc lá. Hai anh em Diệm đốt thuốc liên tục. Diệm trước đây, chỉ cầm điếu thuốc lá hút vài hơi, rồi dụi đi. Ít ngày gần đây, đã hút thực sự và hút khá nhiều.
Ông bõ già mang xuống hai tô cháo gà. Ông lão biết rõ trong hoàn cảnh này, tổng thống và ông cố vấn không thể nào nuốt trọn miếng cơm.
Diệm nhìn bát cháo với vẻ thờ ơ, rồi bỗng nói:
- Mang thêm ra đây cho tất cả mọi người cùng ăn.
Nhu liếc mắt nhìn Diệm. Lần đầu, y bỗng thấy thương anh. Lúc này, người anh đầy uy quyền, khó tính khó nết của y, chỉ còn là một ông già tội nghiệp.
Bên ngoài, tiếng súng xen lẫn với tiếng đại bác vẫn tiếp tục nổ. Bầu trời đã ngả sang màu xám, đang nhanh chóng chuyển thành màu đen. Dinh Gia Long với những hàng cột có hình mặt người bất động và những rèm cửa sắt buông kín, đã thực sự trở thành nấm nhà mồ đang chìm vào bóng hoàng hôn của một ngày tận thế.
Bộ máy truyền tin của Phủ tổng thống vẫn tiếp tục những công việc tuyệt vọng, liên lạc với các quân khu, sư đoàn, các tỉnh, các đoàn thể, yêu cầu cứu viện.
- Bẩm cụ, đã liên lạc được với ông Đính.
Diệm vội vã đón chiếc ống nghe từ tay viên sĩ quan truyền tin, giọng mừng rỡ:
- Đính đó ư?
- Đính đây.
Diệm vẫn không nhận ra giọng nói đã hoàn toàn khác lạ của viên tướng trẻ thân tín.
- Gấp rồi. Làm gì đi chớ!
- Làm gì...? Tôi cứu các ông mấy hồi rồi, bây chừ thì khỏi! Các ông hết thời rồi. Đầu hàng đi thôi!
Ngồi ở trại Lê Văn Duyệt, Đính đang điên đầu vì sư đoàn 5 tiến vào nội đô quá chậm. Đính biết những người cầm đầu đảo chính chưa thực tin mình. Cái chết của Hồ Tấn Quyền trưa nay, làm cho y luôn luôn cảm thấy có những họng súng vô hình đang rình rập chung quanh mình. Nhân lúc này, y cần tỏ thái độ dứt khoát để giải quyết sự nghi kỵ.
Diệm vẫn cầm chắc ống nói trong tay, mặt thẫn thờ, miệng lẩm bẩm:
- Thằng Đính hỏng ròi...!
---
[1] “dollar”, tiếng lóng.

Chương trước Chương sau