Ông cố vấn - Chương 19

Ông cố vấn - Chương 19

NGƯỜI LỮ HÀNH KHÔNG MỎI

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 8.3/10 với 78043 lượt xem

Anh cảm thấy mình như trắng tay.
Mọi việc phải làm lại từ đầu.
Từ một thầy Bốn ở một xứ đạo nghèo heo hút, một tù nhân trong đám người tử tội, anh đã vượt qua bao chặng đường gian nan, trở thành cận thần sủng ái của những kẻ cầm đầu chế độ. Anh đã lọt được vào thâm cung của triều đình họ Ngô, nắm hàng ngày trong tay những vấn đề cơ mật nhất của chế độ, giành được một vị trí lý tưởng đối với người cán bộ tình báo mà trước đây anh không dám mơ ước. Ván cờ đang chơi với rất nhiều lợi thế bỗng chốc bị xóa sạch. Giờ đây, mỗi lần đi ngang dinh Gia Long, anh lại trở thành khách qua đường.
Anh trở về nhà thờ Bình An trong lúc phong trào Công giáo ở khắp miền Nam đang lâm vào một tình thế bi đát chưa từng có suốt mấy chục năm qua. Cái chết của những người cầm đầu chế độ là những con chiên ngoan đạo cùng với sự ra đi không kèn không trống của một tổng giám mục, một giám mục nổi tiếng là lá cờ đầu chống Cộng, là những đòn nặng nề giáng vào Thiên chúa giáo. Nhiều xứ đạo tại miền Nam, như Phước Tuy ở Bà Rịa, Thanh Bồ, Đức Lợi ở Đà Nẵng, Phú Cam ở Huế... bị tiến công trả thù. Những xứ đạo khác ở Sài Gòn và vùng chung quanh đều lo sắp tới lượt mình. Giáo dân người mặc cảm tội lỗi, người e liên lụy, ai nấy như cò gặp mưa. Nhiều cha cố bơ phờ. Các linh mục tuyên úy trong quân đội không dám làm lễ misa cho con chiên. Khâm sứ tòa thánh và Tổng giám mục Sài Gòn đều buồn bã.
Rất đông giáo dân trước đây đã đi theo gia đình Diệm, tham gia đảng Cần lao - Nhân vị hoặc những tổ chức mật vụ, chính trị của Nhu, Cẩn sợ bị bắt bớ, trả thù. Cha cố đứng đầu những xứ đạo đã được Diệm nâng đỡ, lo giáo dân bị khủng bố, hoặc tài sản của xứ đạo bị chính quyền mới tịch thu. Họ kéo nhau chạy tới Tòa Tổng giám mục, Tòa Khâm sứ cầu cứu. Nhưng cả Tổng giám mục và Khâm sứ vừa không biết giải quyết ra sao, vừa lo dính líu vào chuyện chính trị mà Vatican đã nghiêm cấm. Nhưng dù sao các đấng bề trên cũng không thể bỏ rơi con chiên khi hoạn nạn. Khâm sứ và Tổng giám mục nghĩ ngay tới cha Hoàng và Hai Long, khuyên họ nên tới tìm sự khuyến cáo ở nhà thờ Bình An.
Xứ đạo Bình An sau một thời gian trở lại yên tĩnh, vắng vẻ như xưa, lại tấp nập người lui tới. Không riêng con chiên mà nhiều cha xứ cũng đến tha thiết đề nghị được gặp cha Hoàng. Khách thăm viếng lần này không làm cho ông vui. Trái lại, vì họ mà ông thêm buồn bực và suy nghĩ. Trong tình thế khó khăn của từng xứ đạo, từng người, ông cũng không biết nên khuyến cáo thế nào. Ông tránh họ bằng cách lặp lại lời của Khâm sứ tòa thánh cấm các linh mục không được dính líu vào chính trị, rồi bảo họ nên gặp Hai Long.
Thực ra, uy thế của hai nhà thờ Bình An và Phát Diệm không hề bị sứt mẻ qua cuộc đảo chính. Mọi người đều biết giáo dân hai xứ đạo này là nạn nhân của chế độ Diệm, cha Lê và cha Hoàng trước sau vẫn là người chống Diệm, Nhu. Riêng Bình An, tiếng tăm còn được nâng lên hơn trước, nhiều người đã biết, sau ngày đảo chính thành công, các ủy viên của Hội đồng tướng lĩnh đã kéo tới cảm ơn cha Hoàng. Cha Hoàng không đứng ngoài cuộc đảo chính. Vì vậy, có những cha xứ, giáo dân không qua Tòa Khâm sứ, Tòa tổng giám mục mà chạy thẳng tới đây.
Hai Long ân cần tiếp tất cả mọi người. Họ thấy trong những giờ phút khó khăn, anh luôn luôn ở bên họ. Với những cha xứ lo xứ đạo bị tiến công, anh nói mình sẽ trực tiếp can thiệp với Hội đồng quân nhân cách mạng, yêu cầu không để chuyện đó xảy ra. Một số cha cố lo tài sản của nhà thờ bị tịch thu, ngỏ ý muốn nhượng lại một phần, hoặc một nửa số cổ phần những công việc mà họ đang kinh doanh có lãi cho Hai Long. Anh kiên quyết từ chối, tỏ ra mình không bao giờ lợi đụng ai lúc gặp khó khăn. Nhưng anh hứa sẽ hết sức đấu tranh với Hội đồng quân nhân cách mạng, đòi không được đụng tới tài sản của giáo hội và nhà thờ Thiên chúa giáo. Trong khi trao đổi với một số tướng lãnh, anh đã biết giới quân sự cầm quyền chưa dám làm chuyện này. Với những người lo bị bắt bớ, vì đã tham gia vào những tổ chức chính trị của chế độ Diệm, anh khuyên họ hãy yên lòng vì chính anh cũng đã có thời gian dài cộng tác cả với Diệm, Nhu, Cẩn... Anh lựa lời an ủi những gia đình có người vừa bị bắt, và nói Chúa và các đấng bề trên sẽ không bao giờ quên họ.
Nhiều cha xứ thấy sau một thời gian, xứ đạo không bị tiến công, tài sản của nhà thờ không bị tịch thu, gặp Hai Long đã ngỏ lời hết sức cảm ơn. Thực ra, trong việc này, Hai Long chỉ góp được một phần qua những cuộc trao đổi với một số ủy viên trong Hội đồng quân nhân cách mạng. Cha cố ở nhiều xứ đạo đã chủ động lo lót với những quan chức ở địa phương, nên được họ để yên.
Nhiệm vụ của anh vẫn như cũ. Anh cần nhanh chóng khôi phục lại vị trí trước đây trong chính quyền mới. Nhưng tình hình chính trị ở Sài Gòn đang rối bời. Việc chấp chính từ sau ngày đảo chính vẫn do Hội đồng quân nhân cách mạng tạm thời nắm giữ, với mấy nhân vật trụ cột là Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân, Đính. Sự phân hóa, nghi kỵ trong Hội đồng ngày càng bộc lộ. Nhiều đơn vị tham gia đảo chính bị điều khỏi đô thành. Nhiều sĩ quan đã có công trạng trong đảo chính, và đã được thăng thưởng, nhưng lại bị theo dõi chặt chẽ. Một số ngôi sao mới nổi lên bầu trời chính trị ở Sài Gòn là Minh Lớn, Đôn và Kim. Nhiều tin đồn Minh Lớn sẽ trở thành quốc trưởng, Kim sẽ làm thủ tướng, Đôn là tổng trưởng Quốc phòng. Ghế tổng tham mưu trưởng sẽ vào tay Trần Thiện Khiêm; ghế bộ trưởng Nội vụ sẽ thuộc về Tôn Thất Đính. Những người lãnh đạo Phật giáo sẽ được trả công xứng đáng. Ai cũng biết các tướng lãnh không dễ gì lật đổ Diệm, Nhu nếu không có cuộc đấu tranh của phong trào Phật giáo diễn ra suốt mấy tháng qua. Cabot Lodge vốn có cảm tình với Phật giáo. Thích Trí Quang, chỉ rời khỏi Tòa đại sứ Mỹ sau khi cuộc đảo chính kết thúc thắng lợi. Cũng vẫn có tin đồn Trần Văn Chương, đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Mỹ, bố vợ của Nhu, nhưng từ âàu đã tỏ rõ sự bất bình với chế độ Diệm, sẽ được đưa về làm thủ tướng.
Bản hiến ước tạm thời số 1 công bố khiến nhiều người ngỡ ngàng. Minh Lớn được cử làm quốc trưởng. Nhưng Minh Lớn lại chỉ định Nguyễn Ngọc Thơ, phó tổng thống của Diệm, làm thủ tướng, chịu trách nhiệm đứng ra thành lập chính phủ mới. Chính phủ do Thơ thành lập gồm 14 tổng trưởng, bộ trưởng, trong đó có vài ba tướng lãnh thân cận với Minh Lớn, số còn lại đa phần đã ở trong bộ máy chính quyền cũ, trước đây được Diệm tin dùng. Thơ chỉ loại trừ những người đã mật thiết gắn bó với Nhu. Có người gọi đây là “chế độ Diệm không Diệm”. Nhưng thực ra không phải như vậy. Trong chính phủ Thơ tuy phần lớn là những người cũ, nhưng nó đã mất đi cái linh hồn cùng với sức mạnh chủ yếu của nó, là Nhu với bộ máy mật vụ của y.
Nguyễn Ngọc Thơ là người cùng thế hệ với Diệm, xuất thân từ một đại địa chủ, thời Pháp thuộc đã làm đốc phủ sử Nam Kỳ, rồi làm bí thư cho toàn quyền Pháp Decoux. Thơ là một trong số những người hiếm hoi được Diệm trọng nể và tin dùng. Nhưng trong chế độ Diệm, Thơ chỉ đóng một vai trò rất mờ nhạt, một viên thư lại yên phận. Thơ không bao giờ tự coi mình là người thay mặt Diệm, kể cả khi Diệm đi vắng. Nhu đặc biệt coi thường Thơ. Thơ không hề có quan hệ đặc biệt nào với Mỹ, kể cả với tòa đại sứ Mỹ. Vậy tại sao Thơ lại được lựa chọn đứng ra thành lập chính phủ mới...? Hai Long hiểu đây chỉ là một giải pháp tạm thời của Cabot Lodge. Nhà Trắng muốn trước mắt làm nhẹ áp lực của dư luận đang lên án Mỹ, không những đã tàn sát Diệm, Nhu, mà còn đập nát cả chính quyền hợp hiến Việt Nam cộng hòa. Với Thơ và thành phần chính phủ do Thơ chọn, chính quyền cũ có vẻ như ít nhiều vẫn tồn tại. Và Thơ là một kẻ mà Cabot Lodge có thể cất đi bất cứ lúc nào.
Minh Lớn đã đưa những người cộng tác với mình nắm một số vị trí quan trọng: bộ Quốc phòng, bộ Nội vụ, Tổng nha Cảnh sát, đô trưởng Sài Gòn. Nhưng cánh Minh Lớn vẫn chưa củng cố được thực lực. Sự phân chia quả thực gây nên bất bình trong một số tướng lãnh còn nắm lực lượng trong tay. Bọn này sẽ không chịu ngồi yên. Mỹ vốn không mấy tin cậy những con người như Minh Lớn, Đôn, Kim đã có một quá khứ lâu dài gắn bó với Pháp. Cabot Lodge đang tiếp tục lựa chọn, chính quyền miền Nam chắc sẽ còn một thời gian không ổn định.
Hai Long đã tự cứu nguy bằng cách khéo léo trút bỏ những mối dây gắn chặt mình với chế độ Diệm, nhưng anh lại trở về vị trí xuất phát ban đầu. Anh chưa biết mình nên bước tiếp thế nào trong lúc tình hình còn đang nhiễu nhương.
2.
Một buổi, cha Hoàng đi gặp khâm sứ Tòa thánh về, cho người ra trường, mời Hai Long vào ngay. Ông ngồi đợi anh ở văn phòng với vẻ mặt đăm chiêu.
Cha Hoàng nói:
- Có việc khó giải quyết, phải cho mời thầy vô để cùng bàn.
- Thưa cha có chuyện chi?
- Hội đồng Giám mục toàn thế giới sắp họp ở Roma. Bộ truyền giáo Vatican chỉ thị phải tổ chức một cuộc triển lãm về Cộng đồng Vatican II tại Sài Gòn. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cho rằng không tổ chức được, vì khó bảo đảm an toàn. Nhưng Khâm sứ vẫn thấy nên cố gắng thực hiện chỉ thị của Bộ Truyền giáo. Người muốn tổ chức triển lãm càng sớm càng tốt để trấn an giáo dân, và làm giảm bớt không khí căng thẳng giữa Công giáo với Phật giáo. Mình không biết trả lời sao! Khám sứ hõi có thể tổ chức triển lãm ngay tại xứ đạo Bình An không? Xứ đạo nằm sát Chợ Lớn, thời gian qua lại không có điều tiếng chi. Như vậy là ý Đức Khâm sứ rất muốn làm, nếu tổ chức ở Sài Gòn khó, thì tổ chức ở đây. Mình phân vân quá. Thầy có ý kiến sao?
- Nếu là chỉ thị của Tòa thánh và Đức Khâm sứ nhiều lần nhắc nhở như vậy, thì dù khó khăn, xứ đạo ta cũng phải gắng làm.
- Nhưng bày ra rồi, liệu có êm thấm không? Lỡ xảy ra chuyện chi thì biết ăn nói ra sao?
- Thưa cha, nếu ta đã tổ chức thì phải cố gắng bảo đảm không để xảy ra chuyện gì.
- Nhưng làm cách nào? Vệ sĩ xứ đạo ta chỉ có tay không. Nếu hắn lại cho người tới liệng vô một vài trái lựu đạn như ở Huế thì tính sao?
- Thưa cha, mình đã làm thì phải buộc chính quyền vô lãnh chung trách nhiệm. Chuyện này khó, nhưng con sẽ lo.
Cha Hoàng tươi nét mặt:
- Mình biết việc dù khó tới đâu, nhưng cứ bàn với thầy là êm xuôi.
- Từ bữa nói chuyện với cha, và những ngày gần đây, con suy nghĩ rất nhiều. Ông Diệm, ông Nhu tuy là giáo dân, nhưng đã không nghe lời khuyến cáo của Tòa thánh, làm nhiều điều ngược với đường lối của giáo hội. Các ông đâu phải là con chiên lành của Chúa! Người đấu tranh mạnh đưa các ông để trở lại đường ngay, đâu phải là các tướng lãnh, mà chính là người của giáo hội Công giáo như cha Lê, cha Tổng... Nếu không có cha Tổng ngày đêm suy nghĩ, bàn bạc với các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức chính trị, các tướng lãnh, kể cả Tòa đại sứ Mỹ, thì đâu có ngày mồng 1 tháng 11 vừa rồi? Như vậy tại sao chính quyền mới lại dung túng việc đàn áp giáo dân? Họ có biết trước ngày đảo chính thì các thượng tọa, đại đức nằm ở nhà thờ Bình An này chứ ở đâu! Chẳng lẽ đấu tranh xóa bỏ một bất công này, rồi lại nhận một bất công khác còn tệ hại hơn? Con đã có ý định lui về sống ẩn dật, nhưng những điều cha nói bữa trước đã làm con suy nghĩ lại. Những ngày qua, con đã gặp nhiều cha, nhiều giáo dân, thấy trong tình hình này, người còn có trách nhiệm với giáo dân, với giáo hội, chẳng thể thoái thác nhiệm vụ, ngồi khoanh tay cho kẻ ác làm bậy... Chẳng qua chỉ vì người Mỹ tàn ác quá, vô chính trị quá, đang tay giết hại cả đồng minh, nên mới tạo nên tình hình rối loạn. Cha Lê và cha Tổng với uy tín lớn của mình, đã tạo nên một cục diện chính trị mới ở miền Nam, chả lẽ vì một sai lầm của Mỹ mà để buông trôi! Người Mỹ thời gian qua đã sử dụng Phật giáo thành một lá bài quan trọng lật đổ chế độ Diệm. Vì ông Diệm là một giáo dân, nên trong khi đánh đổ ông Diệm, họ đã đánh luôn một đòn rất nặng vào Công giáo. Phải làm cho họ sớm nhận thấy sai lầm. Không thể để cho một số nhân viên CIA tùy tiện dựa vào Phật giáo, gây rối loạn tình hình chính trị miền Nam! Vì vậy theo con, Bình An ta cần tổ chức tốt cuộc triển lãm mà Tòa Khâm sứ đã trao. Sau đó, ta còn phải làm thêm nhiều việc khôi phục lại địa vị và uy tín giáo hội Thiên chúa giáo trên chính trường miền Nam, không thể để tổn hại vì những hoạt động vô ý thức của CIA.
Cha Hoàng lắng nghe từng lời của Hai Long, mỗi lúc càng nhìn anh với cặp mắt tán thưởng.
- Mình cũng đã nghĩ không thể để mãi tình hình này, rồi sẽ bàn kỹ với thầy. Riêng về vấn đề tổ chức triển lãm, nếu đã quyết định như vậy, thầy nên tới ngay Tòa Khâm sứ, trực tiếp trả lời cho Đức Khâm sứ...
Buổi chiều, trên đường từ Bình An về, Hai Long tới Tòa khâm sứ. Được tin, Khâm sứ cho người ra mời vào ngay.
Biết cha Hoàng và tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã nói nhiều về khó khăn nếu tổ chức cuộc triển lãm, Hai Long chỉ trình bày những dự kiến của anh về kế hoạch và chương trình tổ chức một cuộc triển lãm thật trọng thể, có mặt đại diện Hội đồng tướng lãnh, đại diện các tôn giáo, đảng phái và nhiều nhân sĩ Sài Gòn cùng với đông đảo giáo dân; cuộc triển lãm sẽ được những lực lượng an ninh của chính quyền bảo vệ chặt chẽ.
Khâm sứ ngồi nghe, miệng luôn luôn mỉm cười.
Sau khi trình bày xong những dự kiến, Hai Long nói:
- Con đã hiểu rõ ý của Đức Thánh cha, muốn phục vụ tốt cho giáo hội, để cho giáo hội trường tồn, thì các linh mục và giám mục phải đứng ngoài, không dính líu vào chính trị, ngõ hầu tránh một cuộc chiến tranh tôn giáo mà Công giáo vừa là thiểu số, lại vừa mất uy tín sau khi tổng thống Diệm bị sát hại. Đức Thánh cha và Đức Khâm sứ đã dốc hết tâm sức cũng không ngăn được bàn tay của kẻ dữ đối với những con chiên của mình. Nhưng với tư cách là một con chiên dốc lòng phục vụ Chúa, con xin tự nguyện dấn thân theo gương thánh Pierre, thánh bổn mạng của con, xin làm một tảng đá để góp phần xây nền móng vững bền cho giáo hội.
Khâm sứ tỏ vẻ hài lòng. Ông nói:
- Giáo hội đang ở trong những giờ phút khó khăn, con hãy vì Chúa mà hết lòng chống đỡ. Hiện nay, không có gì tốt hơn là hòa giải với Phật giáo và giao hảo với Hội đồng quân nhân cách mạng, hướng họ làm theo Chúa. Mặt khác, Tòa thánh muốn nhờ con gắng dùng ảnh hưởng của mình đối với Hội đồng, yêu cầu họ không đụng tới tài sản của giáo hội, trừ tài sản của anh em Diệm, và can thiệp với Hội đồng khoan hồng cho một số nhân vật Công giáo bị cách mạng bắt giữ, vì trước đây đã cộng tác với chế độ Diệm.
Hai Long nhận lời.
Ngày 22-11-1963, tức là đứng 20 ngày sau khi Diệm đổ, cuộc triển lãm về Cộng đồng Vatican II được tổ chức trọng thể tại trường trung học Đồng Tâm của giáo xứ Bình An. Hai Long đã nhờ người tới tòa đô trưởng gặp Mai Hữu Xuân, đang là Tổng giám đốc Tổng nha Cảnh sát, kiêm đô trưởng Sài Gòn, để đề nghị giúp đỡ về an ninh. Xuân sốt sẵng cử hai trung đội cảnh sát tới để bảo vệ trật tự trong thời gian triển lãm.
Buổi khai mạc có đại diện Hội đồng quân nhân cách mạng, đại diện các tôn giáo, đảng phái và khá đông nhân sĩ tới dự. Phái đoàn Phật giáo do các thượng tọa Thích Giác Đức, Thích Đức Nghiệp dẫn đầu. Đại diện khâm sứ Tòa thánh và phụ tá của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng có mặt. Sau lễ khai mạc, quan khách khoảng 500 người, cùng dự tiệc trà thân mật với sự góp vui của ba dàn nhạc Công giáo.
Ngay sau khi kết thúc cuộc triển lãm, cả cha Hoàng và Hai Long cùng được mời tới Tòa Khâm sứ. Khâm không tiếc lời khen cuộc triển lãm đã thành công vượt sức tưởng tượng.
Cha Hoàng thực thà nói:
- Được như vậy là do tài tháo vát cũng như uy tín và mối giao hảo của thầy Hoàng Đức Nhã đối với các tướng lãnh và Phật giáo, chứ còn con có làm gì được cái chi! Con mới ngỏ lời xin phép tổ chức, mà họ đã vội lấy cớ an ninh gạt đi. Kết quả này chính con cũng không ngờ.
Khâm sứ nói tiếp luôn:
- Thầy Nhã là người có công lớn đối với giáo hội Việt Nam, và còn là ân nhân của nhiều gia đình có liên quan tới chế độ Diệm.
Khâm sức “chúc lành” trước khi hai người ra về, vì biết có nhiều khó khăn, nguy hiểm đang chờ họ.
3.
Cuộc triển lãm thành công tốt đẹp cùng với lời khen của khâm sứ dường như tiếp cho cha Hoàng một luồng sinh khí mới. Trên đường trà về Bình An, cha chánh xứ vui vẻ, sôi nổi hẳn lên:
- Vào lúc này mình đứng lên tập hợp lực lượng giáo dân Bùi Chu - Phát Diệm có lợi không?
- Thưa cha, trước đây khó khăn hơn nhiều, ta vẫn làm được; bây giờ có khó khăn bao nhiêu! Bọn cảnh sát đặc biệt, mật vụ vẫn thường o ép ta đã trốn chạy tan tác, chỉ còn lo thoát thân, những tên cầm đầu như Dương Văn Hiếu, Tá Đen... đều nằm trong khám chờ ngày xét xử, còn có điều chi đáng ngại?
- Mình muốn nói tới cái thế kẹt của Công giáo nói chung sau khi ông Diệm bị sát hại.
- Nhìn chung thì như vậy, nhưng riêng Phát Diệm ta không mất mát gì. Trái lại, uy tín ta càng tăng lên. Phát Diệm ta chống chế độ gia đình trị của ông Diệm ngay từ đầu, ta chính là người có công đầu trong việc lật đổ nền đệ nhất cộng hòa. Các tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chính hầu hết đều chạy đến ta. Người Mỹ muốn xuyên tạc lịch sử, định phất lá cờ Phật giáo hòng làm lu mờ ta. Nhưng họ dễ chi làm được, vì sự thật trước sau vẫn là sự thật!
- Thằng Mỹ quá ngu! Mình phải tính chuyện mở mắt cho nó! Chỉ tiếc đức cha Lê còn ở Roma...
- Đức cha đi vắng, thì còn cha. Dư luận trên chính trường miền Nam xưa nay đều nói: Đức cha Lê đạo cao đức trọng, hiểu biết. uyên thâm, nhưng chỉ là người cha tinh thần, người thực sự bài binh bố trận là cha Tổng. Vì vậy nên ai muốn nhờ cậy vào uy tín thì tới Đức cha Lê, ai muốn tính chuyện làm ăn đều phải tìm tới cha Tổng. Trong những biến cố vừa qua, mọi người càng thấy rõ điều đó...
Cha Hoàng ngồi im cho tới khi chiếc xe chạy qua cầu Nhị Thiên Đường, đi dọc con kênh Kinh Đôi về nhà thờ Bình An. Hai Long biết cha có điều chi suy nghĩ rất lung.
Cha bảo Hai Long vào văn phòng dùng bữa trưa để tiếp tục câu chuyện.
Trong bữa ăn, cha Hoàng nói vừa nẩy ra ý định tổ chức một lễ truy điệu thật lớn các chiến sĩ Bùi Chu - Phát Diệm trận vong, nhằm công khai tập hợp lực lượng, làm hậu thuẫn cho mình trong cuộc đấu tranh đang sôi nổi trên chính trường Sài Gòn. Cha muốn lễ này được tổ chức thật sớm để chuẩn bị cho những bước đi tiếp về sau mà cha đã có dự kiến.
Hai Long nhiệt liệt tán đồng.
Trước đây, dựa vào cha Lê, anh đã tạo được cho mình một vị trí trong gia đình họ Ngô cầm quyền. Cha Hoàng ngày nay chưa có được cương vị trên chính trường miền Nam như cha Lê, uy tín của Thiên chúa giáo lại đang ở vào thời kỳ giảm sút. Hơn thế, những nhân vật đứng đầu chính quyền hiện hữu, đều là những người theo đạo Phật. Họ cần tới cha Hoàng trong lúc lật đổ Diệm, là một tín đồ Thiên chúa giáo. Bây giờ công việc đã xong, Bình An không còn gì để thu hút họ. Nhưng anh không thể ngồi im ẩn náu đợi thời. Anh cần chủ động tạo cho mình một thế mới. Cha Hoàng phải có một vị trí như cha Lê trước đây, Bình An phải trở thành một trung tâm chính trị của khối giáo dân Thiên chúa giáo, nơi tập hợp những tôn giáo lớn, thường xuyên tạo một áp lực mạnh đối với Mỹ và chính quyền ngụy, buộc chúng không thể bỏ qua mỗi khi có một mưu đồ chính trị.
Hai Long nói với cha Hoàng:
- Đã có kinh nghiệm cuộc triển lãm vừa rồi, lần này ta sẽ tổ chức tốt hơn nữa.
Xứ đạo Bình An nhộn nhịp hẳn lên. Giáo dân tấp nập chạy tới nhà thờ nhận phân công. Người lo in giấy mời, đi móc nối với tất cả những giáo xứ có giáo dân Bùi Chu, Phát Diệm. Người lo tu bổ nhà thờ, trang trí hội trường, chuẩn bị vật chất cho một tiệc trà dự kiến đông tới ngàn người. Hai Long đặc trách việc mời các quan khách.
Một chuyện trục trặc nhỏ xảy ra. Cha Hoàng muốn trong buổi lễ trọng thể này, đứng sau cha, phải là Hai Long. Cha yêu cầu anh làm trưởng ban tổ chức. Hai Long sẽ góp phần bảo đảm cho buổi lễ thành công tốt đẹp, và cũng sẽ làm đẹp mặt thêm cho cha trước các quan khách. Trong thực tế, nếu không có Hai Long đứng ra lo liệu với chính quyền thì với tình hình này, buổi lễ rất khó được tổ chức. Nhưng Hai Long đề nghị trao nhiệm vụ trưởng ban tổ chức cho cựu phó tổng chỉ huy tự vệ Bùi Chu - Phát Diệm trước đây, là thiếu tá Trần Thiện. Không hiểu vì sao cha Hoàng không ưa Trần Thiện. Hai người sống với nhau như mặt trăng, mặt trời. Hai Long đã nhiều lần góp phần vào việc hòa giải giữa cha chánh xứ và người cộng tác kỳ cựu của mình. Hai Long chỉ mới hoạt động cho Tổng bộ tự vệ những năm gần đây. Với cương vị cựu phó tổng chỉ huy, Thiện làm trưởng ban tổ chức buổi lễ là đúng. Nhưng cha Hoàng không chịu chọn Thiện, lấy cớ Thiện ít quan hệ với các quan khách. Thiện biết ý cha Hoàng muốn gạt mình, nên ngay từ đầu đã tỏ vẻ bất bình. Hai Long nói mình chỉ là “quan văn”, việc này cần trao cho “quan võ” để giải quyết vấn đề cha Hoàng đã nêu, anh nhận làm nhiệm vụ tiếp tân với tư cách là trưởng ban đối ngoại của Tổng bộ tự vệ. Cuối cùng, cha Hoàng đành phải chịu. Trần Thiện rất hả, đánh giá Hai Long là người không màng danh lợi, thầm cảm ơn anh đã cố gắng vun vén cho mình.
Lễ truy điệu chiến sĩ tự vệ Bùi Chu - Phát Diệm trận vong được tổ chức vào ngày 4-1-1964. Hàng vạn giáo dân di cư công khai nô nức kéo về nhà thờ Bình An. Con đường nhỏ chạy dọc dòng Kinh Đôi từ Chợ Lớn về Bình An, nườm nượp người và xe cộ. Trong lúc uy thế của giáo hội sa sút, nhiều người phải chui lủi, trốn tránh để khỏi bị bắt bớ, trả thù, nhiều người phải tìm cách thanh minh là trước đây không có tội lỗi; những giáo dân kéo về Bình An trong dịp này đều cảm thấy tự hào. Họ hết lời ca ngợi cha Tổng đã làm cho mình lại được ngẩng cao đầu. Những giáo dân không phải là người Bùi Chu - Phát Diệm cũng thấy vinh dự lây.
Đại diện quân đội, chính quyền trung ương và đô thành Sài Gòn, đại diện các đoàn thể tôn giáo, đảng phái đều có mặt đông đủ.
Hàng ngàn tự vệ mặc đồng phục, đội ngũ chỉnh tề, tập họp trước nhà thờ với lá quân kỳ mới tinh. Quân nhạc tấu lên bài quân ca của vệ sĩ Phát Diệm.
Lễ Đồng tế do giám mục Trần Thanh Khâm đứng chủ lễ. Cha Hoàng mái tóc cắt ngắn điểm sương, cặp mắt quắc thước, mặt mày rạng rỡ, cao lớn và đường bệ trong chiếc áo choàng đen, cùng mấy vị linh mục khác đứng làm phó lễ. Có lẽ chưa bao giờ cha cảm thấy tự hào như trong buổi lễ lần này. Cha đã nhận thấy hàng ngàn những cặp mắt sùng kính của con chiên đang hướng về mình như hướng về một vị cứu tinh của giáo hội.
Sau buổi lễ, gần 1.000 người dự tiệc trà đứng do xứ đạo Bình An chiêu đãi. Nhiều người vây quanh cha chánh xứ. Một số khá đông chạy đi tìm Hai Long. Mọi người đều như choáng ngợp trước lực lượng hùng hậu của Tổng bộ tự vệ. Uy danh của cha Tổng rõ ràng là lên rất cao. Không riêng tướng lãnh mà cả những thượng tọa, đại đức cũng gọi cha Hoàng là “cha Tổng”.
Khác với cuộc triển lãm lần trước, lễ truy điệu lần này do Tổng bộ tự vệ mời nên tướng tá kéo tới khá đông. Các tướng gốc Phát Diệm như Phạm Xuân Chiểu, Linh Quang Viên, Phạm Văn Đổng... đều có mặt. Tiếp xúc với đội ngũ tướng tá này, Hai Long nhận thấy một sự phân biệt rõ ràng. Nhóm tướng tá của Phát Diệm đang nghe ngóng, liệu gió phất cờ. Nhóm thân cận của Đôn, Kim, Xuân đi với nhau, tách với nhóm của Khiêm, Thiệu. Họ kéo tới gặp Hai Long riêng từng nhóm, và lớn tiếng dèm pha nhau, không nể nang. Nhóm Đôn, Kim, Xuân nhờ Hai Long giúp họ truy quét hết những phần tử Cần lao, mật vụ của Nhu đang còn lẩn trốn. Với anh, mọi người đều tỏ ra ý hợp tâm đầu. Nhóm nào cũng hẹn sẽ gặp lại để bàn tiếp công việc. Riêng nhóm Phật giáo tỏ ý không bằng lòng Hội đồng quân nhân cách mạng. Họ coi các ủy viên trong Hội đồng đều là nhũng người võ biền, không am hiểu chính trị, không đánh giá đúng công lao của Phật giáo và Công giáo trong việc lật đổ chính quyền Diệm.
Những lực lượng chính trị của các tôn giáo đã bị lãng quên sau cuộc chính biến lật đổ chế độ Diệm. Buổi lễ đã làm sống lại tiếng tăm của nhà thờ Bình An và đặc biệt của cha Tổng. Cha vui vẻ hẳn lên. Nhưng Hai Long thấy đây chỉ mới là bước khởi đầu.

Chương trước Chương sau