Ông cố vấn - Chương 28

Ông cố vấn - Chương 28

PHỦ ĐẦU RỒNG

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9/10 với 78022 lượt xem

Trong năm 1967, cường độ chiến tranh đã tăng lên một cách ghê gớm. Lực lượng quân địch vào thời gian này là 109 vạn người, trong đó có một nửa là quân Mỹ và quân chư hầu. Mỹ đã đưa sang Việt Nam 40% số sư đoàn chiến đấu, một nửa lực lượng không quân chiến thuật, một phần ba lực lượng hải quân Mỹ. Số phi xuất máy bay chiến lược B.52 tăng lên 800 lần mỗi tháng. Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với 8 công ty, mua 60 triệu dollar chất độc hóa học để rải xuống Nam Việt Nam. Tuy vậy, những cuộc hành quân “lùng và diệt” của Mỹ, nhìn chung đều thất bại.
Hai Long đã nhanh chóng thực hiện việc đưa người vào bộ máy chính quyền.
Thiệu không quên lời hứa với Trọng trước đây. Một bữa Trọng nói với anh, Hướng chuyển ý kiến của Thiệu muốn mời Trọng vào làm phụ tá cho mình ở phủ tổng thống, đặc trách về chính trị ngoại giao. Trọng nhận thấy Hướng có thái độ không vui. Trọng đã trở thành ân nhân của Thiệu trong cuộc bầy cử vừa qua. Trọng đang có một thế mạnh đối với Thiệu, vì anh đã làm sợi dây, giao nối giữa phủ tổng thống với Tòa đại sứ Mỹ. Thiệu rất cần có anh ở khâu quan trọng này. Nhưng anh cũng trở nên một mối đe dọa đối với địa vị của Hướng. Hướng là người thân cận với Thiệu, đã bỏ nhiều công sức phò trợ Thiệu, đã từng được Thiệu đưa vào đứng chung liên danh tranh cử tổng thống, nhưng khi Thiệu toại nguyện thì Hướng không được gì. Nếu Hướng đã ngồi vào ghế thủ tướng, chắc Hướng sẽ vui vẻ khi Trọng được cử làm phụ tá của tổng thống. Nhưng ở cương vị hiện nay, sự xuất hiện của Trọng bên cạnh tổng thống trở thành mối lo lớn cho Hướng... Hai Long bàn với Trong nói là mình rất cảm ơn Thiệu, xin cho mình đứng ngoài tiếp tục giúp Thtiệu như trước đây, không nhất thiết hải vào là phụ tá trong Phủ tổng thống. Hướng trở nên rất vui vẻ. Không hiểu Hướng nói lại với Thiệu thế nào, sau đó chuyện này được lờ đi.
Hai Long nói với Trọng, trong khi chờ đợi, cứ sử dụng danh nghĩa cũ, giữ quan hệ chặt chẽ với Tòa đại sứ Mỹ.
Hòe được bổ nhiệm làm công cán ủy viên Phòng tổng thư ký Phủ tổng thống. Nhưng tình hình tại đây cũng khiến anh phải cân nhắc. Từ lâu, Hướng đã có một người giúp việc là Mai Quốc Đống, với chức vụ đổng lý văn phòng. Đống là sĩ quan biệt phái, đã được huấn luyện tại trường chống chiến tranh du kích ở Mã Lai, là đảng viên Việt Quốc, có trình độ nghiên cứu, viết lách khá, được Hướng rất tin dùng. Đống quản lý hồ sơ mật, phụ trách việc liên lạc hằng ngày giữa Hướng và Thiệu, thao túng cả văn phòng. Đống có thể hiểu lầm Hòe vào đó là muốn nhòm ngó cái ghế của mình. Hai Long bàn với Hòe, nên cứ đứng chân trorng chân ngoài. Hòe nhận việc ở Phủ tổng thống, nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại Tổng đoàn Công kỹ nghệ, và còn là chủ nhiệm tập san kinh tế Vừng Đông, mới ra những số đầu đã có tiếng vang. Cách làm việc nửa trong nửa ngoài như vậy khiến cho Đống yên tâm. Đống chỉ coi Hòe là người của Thiên chúa giáo, được Thiệu tin cậy, vào đây kết hợp công việc giúp đỡ thêm cho Hướng.
Với chức vụ mới, Hòe khai thác cái thế là người thân tín của Phủ tổng thống để mở rộng quan hệ với các cơ quan, các bộ quan trọng và quốc hội, những nhân vật tai mắt trong Phủ tổng thống và trong lưỡng viện. Hòe cũng nhanh chóng gây được cảm tình và sự tin cậy của Đống. Anh gợi ý Đống, để nắm được bao quát tình hình hằng ngày giúp cho tổng thống, nên lập một phòng bản đồ, liên lạc thường xuyên với Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Anh ninh quân đội, cập nhật trên bản đồ những nét chính về tình hình quân sự, an ninh trong nước, đặc biệt là tại biệt khu thủ đô. Đống thấy hay, làm theo ngay. Đống trao đổi với Hòe một cách cởi mở những việc xảy ra ở dinh Độc Lập, thu thập những bản tin mật có giá trị cao, đưa Hòe đọc để cùng nhận định, đánh giá tình hình. Ngoài những tài liệu về kinh tế, tài chính trước đây Hòe vẫn thu thập với tư cách là chánh sự vụ của một hiệp hội Công kỹ nghệ gia miền Nam, Hòe bắt đầu có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu về quân sự, chính trị, ngoại giao của chế độ.
Hệ thống tuyên úy Công giáo trorng quân đội đã được phục hồi từ năm 1965, với nhiều linh mục được đào tạo từ Hamilton đang làm nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần hơn 20 vạn binh lính Công giáo. Với danh nghĩa cố vấn của cha Hoàng, người của Spellman, Hai Long nắm khá chắc Nha Tuyên úy Công giáo. Cũng nhân dịp này, anh bố trí một loạt những sĩ quan Công giáo vào giúp việc tại nhiều cơ quan của Bộ Tổng tham mưu, ở Nha giám đốc tuyên úy Công giáo. Họ có nhiệm vụ liên lạc với Phủ tổng thống, báo cáo kịp thời với cha Hoàng và anh về tình hình quân đội, mâu thuẫn giữa các tướng lãnh, tinh thần binh lính Mỹ sau mỗi cuộc hành quân...
Trần Thiện, nguyên phó tổng chỉ huy lực lượng tự vệ Phát Diệm, vẫn cảm thấy khó sống gần cha Hoàng, nhờ Hai Long kiếm cho một việc làm ở nơi khác lấy kế sinh nhai. Hai Long bàn với O’Connor, xin cho Thiện mở bar, quán ăn, nhà tắm hơi và thầu giặt quân trang ngay trong căn cứ Lai Khê, nơi sư đoàn bộ binh 25 Mỹ đóng quân. Thiện rất cảm ơn Hai Long vì vừa có tiền vừa được sống xa cha Hoàng, hứa sẽ cung cấp mọi tình hình của quân Mỹ mà Ủy ban trung ương Công giáo cũng như Tòa khâm sứ cần biết.
Khu “tam giác vàng” của Hai Long ngày càng được củng cố và mở rộng. Anh vẫn tiếp tục đi về với xứ đạo Bình An khuất nẻo, nghèo nàn.
2.
Hai Long đang ngồi đọc báo ở nhà thì có người đi vào. Ngoảnh đầu ra nhìn, anh giật mình khi thấy đó là Năm Sang, đồng chí Cụm trưởng. Năm Sang mang kính mát, mặc sơ-mi trắng, đi giầy ba-ta, giống như một người dân trung lưu ở Sài Gòn. Nhưng mọi thứ trên người anh đều mới từ đầu tới chân, cộng thêm nước da mai mái của người sống lâu ngày ở rừng, khiến Hai Long lo lắng. Anh không bao giờ tiếp những đồng chí của mình ở gia đình. Cụm trưởng chắc mới ở ngoài vào, đã tới nhà anh một cách khinh xuất.
Năm Sang biết anh bị bất ngờ, vui vẻ nói:
- Sẵn đi ngang, tạt vô thăm anh Hai chút xíu!
- Trời, mấy tuần rồi mới gặp lại anh Năm. Chị và các cháu có mạnh giỏi không?
- Cám ơn anh Hai, bả và các cháu vẫn bình thường...
Hai Long lấy thêm một chiếc ghế, đặt cạnh chiếc bàn làm việc nhỏ, mời Năm Sang ngồi.
Cụm trưởng đưa mắt nhìn quanh, hơi ngỡ ngàng trước cảnh nhà nghèo nàn của Hai Long. Anh định tới đây trú chân tạm một đêm, trong khi chờ Hai Long tìm cho mình một cơ sở ở nội thành, nhưng anh đã nhận thấy không ổn. Nhà Hai Long chỉ có một phòng, liền bên ngoài lại là chỗ bán hàng của một gia đình khác ở chung.
Hai Long ra cửa hàng bác Kỳ mua hai chai bia. Trong lúc chờ bác lấy ly, đập đá, anh phóng cặp mắt quan sát xem có kẻ nào đã theo chân Năm Sang tới nhà mình không. Không thấy dấu hiệu khả nghi, anh yên tâm quay vào. Năm Sang nói nhỏ mình cần một nơi ở tạm rồi sẽ trao đổi công việc sau.
Mấy ly bia đã mang lại màu đỏ trên bộ mặt Năm Sang. Anh quyết định dùng xe máy đèo đồng chí Cụm trưởng tới một quán cà phê vắng vẻ, để anh ngồi chờ đó, rồi đi tìm Thắng. Một giờ sau, hai người đã kiếm cho Năm Sang chỗ ở tại tầng trệt nhà một luật sư người Pháp. Ông này đã về nước nhưng vẫn giữ lại ngôi biệt thự ở Sài Gòn, trao cho một người làm công cũ của mình trông nom.
Năm Sang cho biết anh được Trung tâm phái vào nội thành trực tiếp chỉ đạo lưới, chuẩn bị cho nhiệm vụ sắp tới. Cụm trưởng quy định cách liên lạc và nền nếp kiểm điểm công tác. Anh mang tới cho Hai Long niềm hy vọng mới, ngày thắng lợi đang tới gần.
Đầu tháng 10, Hai Long tới gặp Cụm trưởng báo cáo công việc hàng tuần. Năm Sang bỗng hỏi:
- Khả năng đồng chí hiện nay vào công tác trực tiếp với Thiệu ở trong dinh Độc Lập ra sao?
- Gần đây, Thiệu vẫn nhờ cha Nhuận đánh tiếng xin cha Hoàng cử thêm người vào Phủ tổng thống trực tiếp giúp đỡ y.
- Hắn có nhắm ai cụ thể không?
- Tôi nghĩ có thể hắn muốn xin tôi.
- Nếu vậy thì quá tốt! – Năm Sang tỏ vẻ mừng rỡ - Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, trên quyết định trao thêm cho chúng ta một số nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ như hiện nay, cụm ta còn phải làm thêm hai nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, và trực tiếp chiến đấu. Như vậy, có nghĩa là phải làm những công tác cụ thể như: chuẩn bị chiến trường, trinh sát mục tiêu, theo dõi diễn biến trong nội đô, kể cả việc bắt cóc, tiêu diệt bọn đầu sỏ cao cấp của Mỹ - ngụy... Để làm cùng một lúc cả ba nhiệm vụ, lưới phải mở rộng, vừa phục vụ, vừa tin tức, vừa hoạt động chiến đấu. Tổ chức giao thông cũng trở nên rất cồng kềnh. Có thể chúng ta sẽ phải trực tiếp là công việc vận chuyển vũ khí, đạn dược từ ngoài vào nội đô...
Hai Long cảm thấy rạo rực với ý nghĩ mình sắp được trở về cùng đồng đội, sôi nổi lao vào những trận đánh hào hùng, mặt đối mặt với kẻ thù, nhưng anh lại có một băn khoăn:
- Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ chung của cả lưới, nhưng cũng có người phải làm những nhiệm vụ thật riêng biệt?
Năm Sang lúc lắc đầu:
- Tôi hiểu là chúng ta đều phải làm cả ba nhiệm vụ đó đồng thời. Tôi biết đồng chí không thiếu tinh thần dũng cảm, chỉ lo những việc này sẽ ảnh hưởng tới nhiệm vụ lâu dài của đồng chí. Nhưng có điều cả tôi và đồng chí bây giờ mới biết: Trận đánh sắp tới là trận đánh quyết định! Chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả vì trận đánh này! Đây chính là yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn sắp tới
Năm Sang chăm chú nhìn anh, Hai Long nói:
- Vấn đề đã rõ.
Năm Sang nói tiếp:
- Dựa vào nhiệm vụ của trên đã trao, riêng lưới đồng chí sẽ đặc trách hai công việc quan trọng. Thứ nhất là nắm tình hình ba mục tiêu: dinh Độc Lập, Tòa đại sứ Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, vẽ sơ đồ từng vị trí, điều tra tình hình công sự và lực lượng bố phòng. Thứ hai là bám sát hai tên đầu sỏ là Thiệu và Bunker... Đồng chí thấy sao?
- Nhiệm vụ điều tra 3 mục tiêu, tôi sẽ cố gắng hoàn thành. Còn nhiệm vụ bám sát cùng một lúc cả hai tên đầu sỏ, tôi xin nghiên cứu xem khả năng của lưới có thể làm tới đâu.
- Tôi thấy đồng chí cần ở sát Thiệu trong thời gian sắp tới. Đồng chí nên nhận vô làm việc trực tiếp với Thiệu. Tôi sẽ báo cáo ngay vấn đề này với trên. Trước nhiệm vụ mới, chắc trên sẽ đồng ý.
Hai Long có những tình cảm lẫn lộn khi ra về. Trong lòng anh rộn lên một niềm vui khó tả khi nghĩ tới mình sắp được tham gia vào trận đánh quyết định. Nếu phải hy sinh cho trận đánh này thì cũng là một vinh dự lớn lao. Nhưng anh lại bâng khuâng với một câu hỏi: Nếu trận đánh này chẳng may không giành được thắng lợi như dự tính? Tất nhiên lại phải tiếp tục công cuộc chiến đấu lâu dài. Cụm trưởng không hề đề cập tới trường hợp đó. Có thể vì là cách suy nghĩ đơn giản của anh... Nhưng mình là một người lính! Khi đã nhận lệnh, mình phải hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bằng mọi giá...
3.
Hai Long xuống xe trước của nhà thờ, ông gác chạy ra nói:
- Cha chánh xứ dặn, nếu ông giáo tới, mời ông giáo vô ngay văn phòng.
Thấy anh đi vào, cha Hoàng bỏ chiếc điếu cày xuống:
- Thầy sắp có khách, mình phải trao đổi trước, không rồi lại trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!
- Thưa cha, khách nào đấy ạ?
- Chiều qua, Thiệu vừa lại bảo Kiểu, anh ruột của nó vào đây, ngồi lằng nhằng mãi về cái chuyện cha Nhuận đã nói bữa trước.
- Thưa cha, chuyện xin người vô Phủ tổng thống?
Cha Hoàng rít vội hơi thuốc lào, nhả khói mù căn phòng, rồi thủng thỉnh:
- Mình bảo, Công giáo đã cử bao nhiêu người vô Phủ tổng thống, lớn bé đủ loại, cũng còn phải làm việc khác cho giáo hội nữa chớ, người đâu mà xin! Kiểu nói, lần này không dám xin phụ tá nữa, phụ trá như vậy là tạm đủ rồi, Thiệu muốn xin một người có trọng lượng hơn, công khai chính thức phò giúp tổng thống. Cụ thể là nó muốn xin một người vô làm cố vấn cho tổng thống.
Hai Long chỉ nhếch mép cười lặng thinh
Cha Hoàng lại nói tiếp:
- Mình biết tận ruột Thiệu. Nó đã ngồi vào ghế nhưng vẫn thấy chưa yên. Nó rất ngán Kỳ râu kẽm. Ghế thủ tướng lại do người của Kỳ nắm. Nó bị ép cả hai bên. Nó cần có người Công giáo vô, mà lại muốn là người gốc Bắc di cư ngồi bên, là để có cái thế nạt lại Kỳ. Mình thấy chưa tới lúc phải “xuất tướng” cho nó!
- Thưa cha, mình cứ trả lời như với cha Nhuận bữa trước: Công giáo hết lòng ủng hộ tổng thống, nhưng chưa tìm được người như yêu cầu của tổng thống, chờ một thời gian nữa, khi có người ta sẽ giải quyết.
- Mình đã trả lời vậy rồi, nhưng Kiểu nói, tổng thống đề nghị cụ thể là “muốn xin ông giáo”. Mình từ chối, nó cứ năn nỉ, cuối cùng mình phải bảo: “Muốn xin thầy Nhã, thì phải hỏi chính thầy Nhã!” Nó nói: “Trình thiệt với cha, tình hình Phủ tổng thống nhiều khó khăn lắm, con e chú Thiệu không có người phò trợ vững, chưa chắc trụ nổi. Nếu con mời được ông giáo, mong cha cho ông giáo vô”. Vì vậy, bữa nay, phải bàn trước với thầy.
Thời gian qua, Hai Long phải xuất đầu lộ diện nhiều hơn trước, nhưng với cương vị một thầy Bốn, một giáo viên trung học ở một xứ đạo nghèo, anh chưa trở thành đối tượng chú ý, ghen tỵ của nhiều người. Nhiệm vụ chiến đấu mà Cụm trưởng nói phổ biến đang buộc anh phải tạm rời khỏi Bình An. Trước mắt anh là một cơ hội tốt. Nhưng anh chưa nắm được ý nghĩ thực của cha Hoàng. Cha muốn giữ anh kề cận bên mình? Hay cha muốn người của Bình An vào làm cố vấn của tổng thống để tăng thêm danh giá, nhưng cha đang thử thách con quỷ cám dỗ địa vị, tiền tài trong người anh, và cả lòng chung thủy đối với cha?...
- Cha là bề trên, chỉ cần trả lời Kiểu như vậy. Khi con gặp Kiểu, con sẽ tìm được cách khước từ mà không làm cho Thiệu tự ái.
Cha Hoàng đứng dậy, ra tủ cầm chai rượu lễ, đem lại rót đầy hai ly. Lời nói của anh chắc đã làm đẹp lòng cha.
Cạn ly với ông xong, anh xin phép ra trường. Anh vừa bước đi thì cha giữ lại:
- Bàn thêm chút nữa. Thầy vô chân cố vấn của tổng thống thì chắc là Tòa thánh rất hài lòng, mà Phát Diệm ta cũng được thêm cái tiếng. Mình vẫn không ưa Thiệu là anh “đạo theo”, Đại Việt, tính tình lại xảo quyệt. Hay bây giờ ta thử tính hai công thức này: Lập một Polit Bureau cho Thiệu, gồm ba người Thiệu – Kiểu – Nhã. Và lập một Polit Bureau chung, có tính bán chính thức gồm: Nhã – Hướng – Kiểu, hình thức bề ngoài là cố vấn đặc biệt của tổng thống. Như vậy chắc Thiệu cũng hài lòng, mà ta thì vẫn chân trong chân ngoài... Thầy thấy sao?
- Thực ra thì từ trước tới nay, ta chưa cử người làm cố vấn cho Thiệu, nhưng khi Thiệu cần nhờ cậy bất cứ việc chi, ta đều hết lòng, Thiệu cần người vô trực tiếp trong đó, đúng như cha nói, là cần có cái danh nghĩa chính thức của Phát Diệm!... Con thấy giải quyết như ý cha là thỏa đáng.
Cha Hoàng tươi cười:
- Thầy đã nhất trí như vậy thì cứ theo đó mà làm.
- Con sẽ nói với Kiểu đó là ý kiến của cha, con chỉ là người thừa hành.
4.
Giữa buổi sáng, Kiểu tới.
Hai Long đã biết Kiểu từ ngày Kiểu thay mặt Thiệu tới Bình An cảm ơn.
Kiểu nói:
- Tổng thống và mấy anh em chúng tôi quý trọng ông giáo từ lâu, không phải tới bây giờ mới có ý định này, nhưng qua nhiều lần nhờ cha Nhuận, cha Lãm, thấy cha Tổng chưa ưng, nên tổng thống biểu tôi xuống trực tiếp thỉnh cầu. Chiều qua, ngồi rất lâu với cha Tổng, cuối cùng cha đã xuôi, nhưng cha nói phải xin ý kiến trực tiếp ông giáo. Trước khi đi, tổng thống nhờ tôi nói là tổng thống không thể thiếu sự giúp đỡ trực tiếp hàng ngày của ông giáo. Ông giáo hiểu rất rõ nội tình, khó khăn của đất nước, lại còn nhiều khó khăn ở ngay trong Phủ tổng thống. Mong ông giáo vui lòng tiếp tay cho. Anh em chúng tôi đều hết sức tri ơn.
Hai Long nhắc lại những ý kiến của cha Hoàng.
Kiểu rất mừng rỡ:
- Lý ra sáng nay tôi xuống sớm hơn, nhưng tổng thống chọn đúng giờ tốt mới cho xuất hành. Linh nghiệm thiệt! Rõ ràng là đi gặp may. Cha Tổng đã có quyết định, xin mời ông giáo vô sớm để bàn bạc công việc cho tổng thống yên lòng.
Kiểu ngần ngừ rồi nói thêm:
- Còn về ý cha Tổng muốn lập hai Polit Bureau... Thôi thì trước mắt, ta cứ lãnh ý cha, nhưng tôi nghĩ khi vô thực tế công việc rồi thì vẫn chỉ có một mình ông giáo với tổng thống. Nhiều việc quân cơ không thể đem ra bàn bạc đông người. Việc chi có thể bàn chung, tổng thống đã đưa ra nội các, ra quân ủy hội. Còn những việc cần bàn riêng, tổng thống tin ai sẽ hỏi người đó. Nếu tổng thống không hỏi thì biết việc gì mà bàn, và bàn với ai! Đây là tôi nói riêng với ông giáo, mong ông chớ nói lại với cha. Đối với cha Tổng, cứ coi như là ta chấp hành tất cả những ý kiến của cha.
- Tôi nghĩ cha Tổng có ý kiến như vậy, là cha đánh giá rất cao ông và ông tổng thư ký.
- Cá nhân tôi rất đội ơn cha, nhưng rồi thực tế sẽ diễn ra như tôi vừa nói. Chú Thiệu là em tôi, tôi biết rõ tánh nết chú Thiệu. Riêng tôi, chắc trong thời gian tới, cũng sẽ không có mặt thường xuyên ở Phủ tổng thống...
Kiểu bỏ qua chuyện đó, lại hỏi Hai Long:
- Chừng nào thì ông giáo có thể vô dinh để tôi về nói lại với chú Thiệu cho chú khỏi mong. Cũng phải chuẩn bị nơi làm việc cho ông giáo. Dinh Độc Lập mới làm lại, khang trang, rộng rãi, không lúi xùi như dinh Gia Long. Phòng lớn, phòng nhỏ không thiếu, nhưng cái khó là phải có nơi êm tịnh cho ông giáo, đặc biệt là một nơi kề cận với tổng thống để tiện trao đổi công việc hàng ngày.
- Tôi sẽ cố gắng thu xếp vô sớm để tổng thống khỏi trông. Ngày nào vô được, tôi sẽ nhờ cha Nhuận báo lại với tổng thống...
Cơ hội tới quá nhanh. Anh còn phải báo cáo lại với Năm Sang và chờ quyết định của Trung tâm.
5.
Hai Long dùng xe của cha Hoàng tới dinh Độc Lập. Anh không muốn ai chú ý tới mình, nhưng dù sao cũng phải giữ thế trong buổi đầu tiếp xúc với Thiệu.
Đã 3 năm, anh mới trở lại chốn này. Lần đầu, anh tới đây với tư cách là phụ tá của Đức cha Lê. Ngày đó, anh chưa được gặp Diệm, và còn băn khoăn về thái độ Nhu sẽ tiếp đón mình ra sao. Lần này, anh trở lại là do lời khẩn cầu tha thiết của chính tổng thống. Chỉ cần một thái độ không thỏa đáng của Thiệu, anh sẽ không tới đây nữa, và Thiệu sẽ lại mất công sức chào mời anh trở lại. Lúc này, người cần là Thiệu, chứ không phải là anh.
Nhiều năm nay, anh đã mơ ước được chứng kiến giờ phút Sài Gòn giải phóng, thở hít bầu không khí tự do. Chỉ cần sống một ngày như vậy là anh đã mãn nguyện. Lúc nào anh cũng cảm thấy ngày đó còn rất xa, có thể nó chỉ nằm trong mơ ước của anh thôi, vì anh không tin mình sẽ đi tới đích. Vậy mà bây giờ nó đang tới gần. Chưa bao giờ anh có một cái thế vững chãi như lúc này. Số phận đã quá nuông chiều mình. Bao nhiều đồng bào, đồng đội của mình đã không kịp nhìn thấy ngày đó. Cái ngày vô cùng tươi đẹp đang tới.
Ngồi trong xe, Hai Long có cảm giác mình đang đi tới cái đích cuối cùng. Mình sẽ cố bám trụ ở đây cho tới lúc lá cờ của Tổ quốc kéo cao trên nóc dinh Độc Lập trong sự hân hoan của hàng ngàn triệu người đang nhìn về dải đất Đông Nan châu Á này với cặp mắt lo âu. Anh tạm xua đi sự hoài nghi vốn là nếp nghĩ quen thuộc ở những người chiến sỹ tình báo, để giữ cho mình những phút vui trọn vẹn.
Kiểu và Hướng đã ngồi chờ anh tại ngôi nhà hai tầng quét vôi màu xanh nằm bên trái khuôn viên, một kiến trúc duy nhất của dinh toàn quyền Pháp cũ còn sót lại sau ngày dinh Độc Lập được xây dựng mới hoàn toàn. Anh đã làm việc với Nhu nhiều lần ở đây. Hai Long nói với Kiểu, anh muốn vào dinh một cách thật im lặng. Nhưng nhiều nhân viên đã bỏ dở công việc, chăm chú nhìn anh. Không mấy khi cả tổng thư ký và anh ruột của tổng thống cùng ngồi chờ đợi đón khách. Một số người đã nhận ra anh. Họ là những nhân viên đã làm việc từ thời còn Diệm, Nhu.
Hướng vồn vã bắt tay Hai Long, nói những lời chào mừng, chúc tụng rồi rút lui để Kiểu đưa anh lên gặp Thiệu.
Sau ngày dinh Độc Lập bị ném bom, Diệm, Nhu đã quyết định xây lại trên nền đất cũ, một phủ tổng thống mới to lớn tráng lệ bậc nhất ở Đông Nam Á. Dinh Độc Lập mới với bồn tầng lầu, đồ sộ không kém Nhà Trắng ở thủ đô Mỹ. Hiểu ý của những người chủ, nhà kiến trúc đã thiết kế một công trình theo kiểu hiện đại mà vẫn mang một số vẻ Á Đông. Phía ngoài là những hàng cột trắng hình gióng trúc, biểu tượng của người quân tử. Trên cao có một lầu đón gió, được gọi là Tĩnh Tâm Lâu, với một sân bay lên thẳng nằm kề cận. Những gian phòng lớn nhỏ bên trong đều được ngăn cách bằng những phiến kính trắng, dày trong suốt, có những rèm vải màu, để dùng điều hòa nhiệt độ. Diệm, Nhu đã không kịp thấy công trình cự kỳ tốn kém này hoàn thành.
Kiểu không dùng thang máy, đưa Hai Long vào cửa chính, lên gác theo đường cầu thang bằng đá, rải thảm đỏ. Hai Long đi ngang những căn phòng kính choáng lộn, đồ đạc bên trong sang trọng, mỗi phòng, bài trí theo một kiểu với màu sắc khác nhau. Kiểu như ngầm nói với anh: “Ông coi tòa nhà này khác với cái nhà thờ mái tôn, ván vách ở Bình An ra sao, vậy mà ông cứ để anh em chúng tôi phải chào mời miết!”. Đáp lại, Hai Long làm như không chú ý đến xung quanh, thản nhiên đi theo Kiểu.
Thiệu đang ngồi tại phòng riêng trên lầu ba, với bộ quân phục đeo lon trung tướng. Cả Thiệu và Kỳ, tuy đã trở thành nguyên thủ quốc gia, vẫn thường mặc quân phục như không muốn người ta quên mình là quân nhân. Nhác thấy Hai Long, Thiệu đứng bật dậy, rời ghế xa-lông, ra cửa đón anh.
Thiệu có bộ mặt tròn căng, trán rộng và dô, cái miệng nhỏ với cặp môi ướt át như môi con gái. Nếu không có đám tóc sớm bạc phía sau gáy và cái bụng bắt đầu to, thì y trẻ hơn tuổi 46. Mới gặp lần đầu, chắc ít người nghĩ y thâm hiểm, thủ đoạn. Y mang nhiều dáng vẻ của một sỹ quan tùy viên linh lợi hơn là một tổng thống ngụy quyền.
Thiệu tươi cười siết tay Hai Long, rồi thân mật khoác lưng anh đưa vào phòng.
Thiệu vào chuyện cởi mở bằng giọng nói cực Nam Trung Bộ hơi nặng:
- Từ bữa anh Kiểu về nói ông giáo nhận lời vô giúp, tôi rất mừng. Tôi vô chấp chính kỳ này, công ông giáo rất lớn. Bữa nay, một lần nữa xin trực tiếp có lời cảm ơn ông giáo. Về việc quốc gia bây giờ, anh em mình phải chia nhau gánh vác chớ còn trao cho ai! Cha Hoàng đã cử nhiều người vô giúp, nhưng thực ra vấn đề lớn thì vẫn chưa có người bàn. Ông giáo vô là để giúp cho những việc trọng đại. Có những việc mà ngay người ruột thịt trong nhà cũng không thể nói ra, vì có nói họ đâu biết chi mà tham gia vô. Về danh nghĩa, để tiện cho công việc đối nội và đối ngoại, ông giáo là cố vấn đặc biệt của tổng thống. Nhưng về thực chất, ông giáo với tôi là anh em trong nhà. Mọi việc lớn có quan hệ tới vận mạng quốc gia, tôi sẽ cùng bàn với ông giáo. Chúng ta coi nhau như ruột thịt, chị ngã em nâng, phải không ông giáo? Đó là về phía ông giáo giúp tôi. Còn về phần tôi, ông giáo cần bất cứ thứ chi về tinh thần, vật chất, tôi có trách nhiệm chu toàn. Ông giáo cần chi, xin ông giáo cứ cho biết. Đã là anh em trong nhà, không có điều chi phải ngại.
- Tổng thống đã lấy sự chân tình đối xử, lẽ nào tôi không lấy chân tình đáp lại. Từ trước tới nay, tôi đã ráng làm được đôi việc do tổng thống ủy thác, đó không phải là cá nhân tôi tài giỏi mà còn do uy tín của tổng thống và hồng phúc của gia đình ta. Về tinh thần, tổng thống trao cho làm cố vấn trực tiếp, đối với tôi, đã là một phần thưởng lớn, còn về vật chất, tôi đã quen cuộc sống thanh đạm, không có đòi hỏi chi. Tôi xin ghi nhận sự quan tâm của tổng thống, nếu khi nào thực sự có yêu cầu, đã là người trong nhà, lẽ nào lại không nói! Bữa nay gặp tổng thống, tôi muốn bàn ngay vô conng việc, có những vấn đề chi đang làm tổng thống bận tâm, xin tổng thống cứ cho biết để tôi suy tính định liệu dần.
Thiệu chăm chú nhìn Hai Long rồi nói:
- Ông cố vấn đã lãnh trách nhiệm trong Phủ tổng thống, tôi phải tạo đủ điều kiện để ông cố vấn hoàn thành công vụ. Về chỗ làm việc, ông Hướng đã bố trí cho ông cố vấn một căn phòng kế bên phòng làm việc của tôi, để ta tiện thường xuyên bàn bạc. Còn tiền phụ cấp hàng tháng cho công việc, phương tiện đi lại, chỗ ở của gia đình, chúng tôi sẽ chu tất.
- Những lời tôi vừa nói là hết sức chân thành. Hiện nay, tôi chỉ cần một nơi làm việc ở đây là đủ. Còn mọi thứ khác, khi cần tôi sẽ đề nghị không ngần ngại. Cũng nói để tổng thống biết thêm cha Hoàng muốn tôi trong khi giúp việc cho tổng thống, vẫn không xao lãng công việc của Bình An, của giáo hội. Tôi đã lĩnh ý cha. Vì cũng chỉ có như vậy, mới giúp tổng thống được hữu hiệu. Tôi tuy đã vào Phủ tổng thống nhưng về bề ngoài, vẫn muốn lặng lẽ giúp tổng thống như trước đây, Như vậy có lợi cho công việc hơn. Nếu bây giờ lại nhận phụ cấp, nhận xe, nhận nhà e không tiện mà cũng trái với ý kiến của cha Tổng. Những việc nhỏ đó, ta sẽ tính sau. Giờ xin tổng thống nói cho rõ công việc lớn của quốc gia.
Một thiếu phụ mặc áo dài xanh, tóc vấn trần, cổ đeo dây chuyền vàng đính những hạt kim cương óng ánh, bưng một chiếc khay lớn bước vào nhoẻn miệng cười.
Hai Long đứng dậy vì biết đó là vợ Thiệu.
Thiệu cũng đứng lên nói:
- Đây là bà Sáu nhà tôi. Bà hay bữa nay ông giáo tới nên muốn tự mình xẹc-via.[1]
Vợ Thiệu đặt chiếc khay đựng đầy rượu, cà phê, bánh trái xuống bàn rồi chắp tay cúi đầu chào Hai Long một cách nền nã.
- Cha Nhuận và ông Thiệu nhà tôi nói bữa nay đón ông giáo vô. Ở nhà này nhắc tới ông giáo từ lâu, không biết ông giáo có nóng ruột không?
- Thưa bà, vô sớm hay vô muộn là do ý bề trên, nhưng tấm lòng khi nào cũng ở bên tổng thống.
Hai vợ chồng Thiệu cười vui vẻ.
- Ông giáo vô đây làm việc rồi, tôi còn có dịp gặp luôn.
Vợ Thiệu ý tứ lui ra.
Thiệu rót rượu Cognac đầy hai ly rồi cùng anh cụng ly. Thiệu làm một hơi cạn ly. Hai Long chỉ uống được một phần đã thấy hơi men bốc lên mặt.
Thiệu nhìn anh:
- Ủa, sao ông giáo không cạn ly?
- Tôi ở nhà thờ quanh năm với các cha, chỉ thỉnh thoảng mới cùng cha nhấp chút rượu lễ. Thứ này quá ngon, trước sau xin sẽ cố gắng uống hết để mừng ngày hạnh ngộ.
- Một ly nhỏ có chi phải cố gắng. Tôi nghĩ là cạn chai này, ta sẽ lấy thêm chai nữa. Nếu sợ say, ông giáo có thể dùng thêm bánh trái.
Hồi lâu, Thiệu mới vào việc:
- Hiện thời có hai vấn đề, nhờ ông giáo lo giùm. Một là nhờ ông giáo nắm chắc cho phía người Mỹ, tôi cần phải làm gì để được Mỹ tính nhiệm hơn. Đó là điều quan tâm thứ nhất của tôi. Thứ hai, ông giáo lo giùm tôi vấn đề nội bộ Phủ tổng thống. Tướng Kỳ là người ngoại đạo và đang trở thành mối lo lớn cho chính quyền hợp hiến. Các cha chưa biết điều này nên vẫn ủng hộ cả tướng Kỳ. Chắc các cha tưởng lầm, làm như vậy cũng là để ủng hộ tôi! Nhờ ông giáo nói cho các cha hiểu. Còn về phía tôi, bao giờ cũng sẵn sàng nghe theo lời khuyến cáo của các cha.
Hai Long chờ xem Thiệu còn nói gì tiếp, nhưng Thiệu đã dừng lại ở đó. Giúp được y hai vấn đề đó cũng không phải là nhỏ. Y sẽ còn cần gì ở mình nữa không? Chẳng lẽ một tổng thống ngụy, vào lúc này, chỉ quan tâm đến chừng ấy vấn đề thôi ư?... Cũng chưa nên đánh giá vội vàng. Hai Long thử gợi chuyện:
- Vậy tại sao ông lại đưa ông Lộc làm thủ tướng? Tôi đã nghĩ chiếc ghế đó nên dành cho ông Hướng.
- Tôi buộc phải tạm nhân nhượng với tướng Kỳ... Ông giáo có hiểu tại sao, một lần mời tướng Kỳ ra ở tư dinh của thủ tướng, một lần mời vô đây, dinh Độc Lập có chỗ dành cho gia đình phó tổng thống, nhưng ổng đều không chịu đi?
- Tướng Kỳ thích ở sân bay Tân Sơn Nhất! – Hai Long nói một câu lửng lơ.
Thiệu nhìn xéo anh rồi nói tiếp:
- Ai cũng biết ông Kỳ rất chiều bà vợ trẻ chỉ đáng tuổi con ông, mà bà Kỳ thì muốn rời sân bay Tân Sơn Nhất cho thiên hạ quên dần bả xuất thân từ một cô chiêu đãi viên trên máy bay. Nhưng riêng điều này, ông Kỳ không chiều bà... Ông Kỳ phải ở lại đó, nắm mấy cái máy bay để hù dọa chính phủ và các tướng! Khi có dịp ông lại làm đảo chính. Tôi ớn ổng vì cái tính khí thất thường và hay làm ẩu!
- Ta đã có nhiều bài học về đảo chính và phản đảo chính, nên cần hết sức cảnh giác. Trước mắt, theo tôi chưa có chi đáng lo. Tổng thống biết rõ nếu không có cây gậy chỉ huy của Bunker thì tướng Kỳ không đời nào chịu đứng lên liên danh với ông. Tướng Kỳ chưa dám dùng máy bay làm áp lực với chính quyền trong lúc còn máy bay Mỹ nằm kè ở bên.
- Đó, chính vì vậy tôi mới nói việc quan trọng nhất hiện thời là phải nhờ ông giáo tiếp tục siết chặt mối quan hệ giữa tôi với Mỹ.
- Việc này tổng thống không nói, chúng tôi vẫn phải lo. Ta có chỗ dựa khá vững chắc là giáo hội Mỹ và ông đặc phải viên của tổng thống Johnson.
Thiệu cầm chai Cognac rót tiếp vào ly rượu mới vơi chút ít của Hai Long, và rót đầy ly cho mình, vui vẻ:
- Bữa nay, mời ông giáo dùng cơm trưa với chúng tôi. Bà Sáu đang chuẩn bị rồi. Về công khai, ông giáo muốn giữ kín đáo để tiện công việc, nhưng trong nhà, ông Kiểu và vợ chồng tôi cũng phải có chén rượu mừng nhân dịp ông giáo vô nhậm chức.
Hai Long mỉm cười đáp lại lời mời của Thiệu.
Thiệu làm một hơi ly rượu màu vàng óng ánh như hổ phách rồi nói:
- Có mấy việc cụ thể nhờ ông giáo lo dần. Tôi còn hai ông anh là ông Nguyễn Văn Hiếu và ông Nguyễn Văn Kiểu, cũng phải sẵn dịp này lo cho các ổng. Ta nhất thiết phải có người làm tai mắt ở Roma. Tôi muốn đưa ông Hiếu làm đại sứ tại Italia. Nhờ ông giáo nói cho một tiếng với bên Vatican. Cũng tiện đây, xin có lời mừng ông giáo và gia đình vừa nhận đặc ơn lớn của Giáo hoàng Paul VI.
Ngày 30-9 vừa qua, đúng một năm sau ngày Hai Long gặp Hồng y Pignedoli, Giáo hoàng Paul VI đã “ban phép lành Tòa thánh và bảo đảm muôn ơn trên Trời cho ông bà Phê-rô An-na Vũ Ngọc Nhạ và các con”. Đây là một đặc ơn lớn của Vatican ban cho những gia đình hoàn hảo và toàn thiện. Chắc cha Nhuận đã báo tin này với Thiệu.
Hai Long hỏi:
- Còn ông Kiểu, tổng thống định bố trí vô đâu?
- Tôi muốn đưa ổng làm đại sứ lưu động, chủ yếu là giữ quan hệ với Mỹ, việc này lại phải nhờ ông giáo nói giùm với đặc phái viên của Tổng thống Johnson.
- Cả hai trường hợp này đêu không khó, tôi xin nhận lời với tổng thống. Còn một vài vị trí quan trọng mà tôi muốn lưu tâm tổng thống, là chức tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh sát, và chức đặc ủy trưởng Trung ương tình báo, những vị trí này đều phải trao cho những người ruột thịt, không để người xa lạ xía vô. Ông Nhu và ông Khánh đều bị khó khăn vì những khâu này.
Thiệu gật gù:
- Ông giáo nói rất đúng. Tôi sẽ phải tính.
Thiệu không đả động gì tới tình hình quân sự. Những chuyện cần gấp đối với Thiệu hiện nay là củng cố địa vị cho mình và những người trong gia đình. Hai Long thấy trong cuộc gặp đầu tiên, mình cũng chỉ nên dừng lại ở đó.
6.
Việc Hai Long vào làm cố vấn đặc biệt trong Phủ tổng thống tuy được tiến hành kín đáo nhưng vẫn nhanh chóng có tiếng vang mạnh mẽ trong giới Công giáo.
Người được nhắc tới nhiều là cha Hoàng. Nhiều giáo dân, đặc biệt là giáo dân di cư, ca ngợi ông là người khôn ngoan, sáng suốt, đã nhanh chóng phục hồi uy tín Thiên chúa giáo bị sứt mẻ sau vụ Diệm Nhu, với việc đưa một tín đồ Công giáo vào kề cận giúp đỡ đương kim tổng thống.
O’Connor rất mừng rỡ khi gặp Hai Long, vì đã có sự kết hợp hài hòa giữa Thiên chúa giáo với chính quyền Việt Nam cộng hòa, có sự cộng tác chặt chẽ giữa một nhân vật Thiên chúa giáo thân Mỹ với một tổng thống do Mỹ dựng nên.
Ngoài những cha cố di cư, giám mục Nguyễn Văn Thuận, bà con với Diệm, tỏ vẻ rất hoan hỉ. Ông ngỏ lời cám ơn cha Hoàng, cha Nhuận đã rửa mặt cho mình. Ông tin là những phần tử “Cần lao” thân tín với Diệm, Nhu lại sẽ có dịp ngẩng cao đầu. Dưới mắt giám mục Thuận, Hai Long là một “Cần lao gộc lọt lưới”.
Phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Trung đã lắng xuống với việc Nguyễn Chánh Thi bị bắt, Thích Trí Quang bị đưa về Sài Gòn cầm giữ trong một nhà thương. Trong lúc những Phật tử xuống thế thì những giáo dân Thiên chúa giáo thấy mình lại được nước như xưa.
Nhưng hài lòng hơn cả, có lẽ là Khâm sứ Palmas và Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, những người lâu nay vẫn âm thầm rầu rĩ, lo lắng vì con thuyền Công giáo nghiêng ngửa giữa cơn phong ba sau ngày Diệm đổ, bỗng nhiên thấy biển lặng, sóng êm. Cả Khâm sứ và Tổng giám mục đều bàn với Hai Long phải có trong dinh Độc Lập một nhà nguyện riêng cho Thiệu và gia đình, cùng với sự khuyến cáo Thiệu về chính trị, anh sẽ phải giáo huấn Thiệu về đức tin Công giáo. Các cha ở trong dinh cần nhắc nhở Thiệu và vợ con hàng ngày đọc kinh lễ, mỗi tuần dự Thánh lễ ít ra là hai lần. Riêng Thiệu phải sốt sắng dọn mình, đọc kinh, lần hạt mỗi mùa, mỗi tuần thánh để trở thành con chiên ngoan đạo, sống gần Chúa hơn. Hễ có dịp ngồi riêng, Khâm sứ đều nhắc nhở Hai Long phải khéo lèo lái, thuyết phục Thiệu và Kỳ đi theo đường lối vận động cho hòa bình của Giáo hoàng Paul VI. Hai Long đã báo cáo với Khâm sứ, giáo hội Mỹ thông qua O’Connor, lại muốn mình nắm vững Thiệu để đạt những ý đồ của Mỹ đối với chiến tranh ở Việt Nam. Khâm sứ động viên:
- Thực hiện được công cuộc vận động hòa bình của Giáo hoàng Paul VI ở Việt Nam, công lớn là ở nơi thầy.
Trong những lời đồn đại, người ta nói là Hai Long có những thế lực thần bí. Nhiều người xin gặp nói chuyện, hoặc viết thư cho anh, mở đầu bằng những câu tâng bốc, và sau đó là lời cầu xin anh đề cử với Thiệu cất nhắc họ vào những chức vụ then chốt như thủ tưởng, tổng trưởng, tư lệnh vùng, tỉnh trưởng, đại sứ...
Anh cảm thấy lo nhiều hơn vui.
---
[1] servir: phục vụ

Chương trước Chương sau