Ông cố vấn - Chương 32

Ông cố vấn - Chương 32

JOHNSON TÌM KIẾM HÒA BÌNH

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 77407 lượt xem

Lầu Năm Góc phương Đông đã nói mình không hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc tiến công ngày 31 tháng Giêng năm 1968.
Từ đầu hạ tuần tháng Chạp 1967, Westmoreland điện cho Washington: “Cộng sản đã có quyết định tối quan trọng liên quan tới cách tiến hành cuộc chiến tranh (...) tức là quyết định thực hiện một cố gắng lớn trong phạm vi toàn quốc, có lẽ là một cố gắng tối đa, trong một thời gian tương đối ngắn”. Đây là lời tiên đoán tài tình về đòn tiến công chiến lược của ta. Chỉ có một điều khó hiểu là cùng lúc báo cáo với chính phủ mình như vậy, Westmoreland lại tung phần lớn những tiểu đoàn chiến đấu ở chung quanh Sài Gòn về phía biên giới Camphuchia, tiến hành cuộc hành quân “Hòn đá vàng”. Nó không nhằm cản trở cuộc tiến công của ta mà trái lại, còn tạo điều kiện cho quân ra tiến về Sài Gòn khi vành đai bảo vệ của quân Mỹ không còn dày đặc.
Về thời điểm nổ ra cuôc tiến công, người Mỹ cũng đã tiên đoán khá sít sao. Ngày 15-1, tại Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, trong cuộc họp báo cáo với một phái đoàn từ Mỹ sang, cả Westmoreland và phó tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo, Phillip E. Davidson đều dự đoán cuộc tiến công sẽ nổ ra vào dịp Tết Mậu Thân. Giữa hai người chỉ có một sự khác nhau nhỏ. Theo Westmoreland, nó sẽ nổ ra trước Tết, còn Davidson thì cho là sau Tết. Cũng vì vậy nên trước Tết, Westmoreland đã quyết đinh rút 27 trong số 49 tiểu đoàn cơ động Mỹ đang hành quân ở biên giới Campuchia về chung quanh Sài Gòn. Y cũng ra lệnh cấm trại 100% quân Mỹ trong dịp Tết và đặt chúng trong trạng thái báo động. Tài tình hơn nữa là Frederich Weyand, tư lệnh các lực lượng dã chiến Mỹ ở vùng III chiến thuật còn ra lệnh cho viên đại tá sĩ quan tác chiến Fuller để chuông báo thức đúng 3 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, không sai một phút so với giờ G của ta!
Hồi chuông báo thức đã trở thành không cần thiết. Đúng vào giây phút đó, đạn rocket của ta nã dồn dập vào sở chỉ huy trung tâm hành quân chiến thuật của Weyand, thuốc nổ của ta thổi bay bốn kho đạn, đều ở trong khu Long Bình. Weyand mặc áo giáp, đội mũ sắt đi từ tấm bản đồ này sang tấm bản đồ khác, được soi sáng bằng ánh đèn măng-sông run rẩy trong sở chỉ huy, ra những mệnh lệnh ngắn gọn đối phó với cuộc tiến công. Mọi cố gắng của y chỉ còn tập trung bảo vệ ba mục tiêu mà y cho là quan trọng: căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa.
Westmoreland đóng đại bản doanh ở Sài Gòn thì lại nhận thấy “ưu tiên số 1” phải dành cho việc đánh bật Việt Cộng ra khỏi Tòa đại sứ Mỹ. Tiểu đoàn quân cảnh Mỹ số 716 không làm được nhiệm vụ này. Weyand phải điều toàn bộ sư dù 101 tới đổ quân xuống nóc Tòa đại sứ Mỹ. Chiếc trực thăng đưa toán quân này tới buộc phải quay về vì đạn ở phía dưới bắn lên quá mạnh. Weyand đành cho lệnh hủy bỏ cuộc thả quân liều lĩnh ban đêm, không tính đến chuyện cứu nguy Tòa đại sứ Mỹ trước khi trời sáng.
Vì sao đã tiên đoán được cuộc tiến công một cách ‘chính xác” đến như vậy, nhưng khi lâm trận, những người chỉ huy Mỹ đã tỏ ra hết sức bối rối?
Cuôc tiến công chiến lược của ta đã không hoàn toàn giữ được bí mật. Trong quá trình chuẩn bị, một vài chiến sĩ đã lọt vào tay quân địch. Gần ngày nổ súng, địch lại phát hiện những cuộc chuyển quân của ta ở vùng chung quanh Sài Gòn. Vì vậy chúng đã đề phòng. Nhưng các tướng lĩnh Mỹ hoàn toàn không ngờ trước sự bùng nổ cùng một lúc, những cuộc tiến công của ta tại hơn một trăm thành phố, thị trấn, quận lỵ ở khắp miền Nam! Lo lắng chủ yếu của Lầu Năm Góc, kể cả Nhà Trắng, trong mùa xuân này là tiền đồn Khe Sanh, nơi một số đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đang bị những đơn vị chủ lực của ta bao vây. Bóng ma của một trận Điện Biên Phủ mới đe dọa họ.
Tổng thống Mỹ đã cho đắp một sa bàn Khe Sanh ngay tại tòa Nhà Trắng. Binh lính Mỹ ở Khe Sanh được động viên, Johnson và Rostow luôn ở bên chiến hào với họ! Người Mỹ chỉ ước đoán trong dịp Tết này sẽ có một cuộc tiến công mạnh mẽ và rộng lớn nhằm vào họ, nó sẽ diễn ra ở Khe Sanh và một số nơi nào đó mà họ còn chưa biết, nên mọi biện pháp đề phòng của họ đều là lo cho thân mình. Họ không mảy may quan tâm tới đồng minh là quân ngụy. Giữa lúc đó, cuộc tiến công đã nổ ra với hàng trăm trận đánh nhỏ, nhưng nhằm trúng vào những yếu huyệt của ngụy quyền và ngụy quân ở miền Nam, kéo dài suốt 800 dặm ở Nam Việt Nam. Điều này đã vượt quá xa sự tính toán của họ. Sau này, một chuyên gia phân tích của tình báo Mỹ đã nói: “Nếu như lấy được toàn bộ kế hoạch của trận đánh thì cũng không ai tin vào kế hoạch đó”! Chính Westmoreland cũng đã thú nhận: “Chúng tôi không hề nghĩ rằng quân địch lại có thể dám tiến hành những trận tiến công có tính chất tự sát như vậy trước sức mạnh của chúng tôi”.
Choáng váng trước những đòn đánh quá bất ngờ của ta, trong nhiều giờ đầu, Mỹ không kịp phản ứng và cũng chưa dám phản ứng. Weyand không thể cứu nguy cho Sài Gòn trong khi ba sư đoàn quân chủ lực của Quân giải phóng vẫn còn đứng ngoài cuộc chiến đấu, trực tiếp đe dọa sở chỉ huy của y ở Long Bình và sân bay Biên Hòa, một sân bay có số phi xuất cao nhất thế giới năm vừa qua. Ở vùng I chiến thuật, Walt, tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ cũng chưa dám tính chuyện cứu nguy cho Huế đã bị Quân giải phóng tràn ngập, vì một số sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt còn nằm quanh Khe Sanh. Quân Mỹ chỉ phản ứng khi thấy rõ bị lừa, trước mắt, chưa có cuộc tiến công lớn nào nhằm vào Mỹ!
Sau bảy ngày đêm chiến đấu, các lực lượng của ta lần lượt rút ra khỏi nội thành Sài Gòn. Ở nhiều nơi, đã diễn ra cuộc chiến đấu sống còn của từng tổ ba người, từng chiến sĩ bị mất liên lạc, không nhận được lệnh rút lui. Họ đã bắn tới viên đạn cuối cùng trước khi chịu bị bắt hoặc dành lại một viên đạn để tự kết liễu đời mình. Trận đánh ở cố đô Huế kéo dài lâu hơn. Bộ đội ta chỉ rút khỏi đây sau 25 ngày đêm chiến đấu ác liệt.
Theo lời những nhà bình luận nước ngoài, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã mang lại cho Mỹ sự kinh hoàng giống như vụ Trân Châu Cảng trước đây.
Từ ngày 5-2, Thiệu mở chiến dịch Trần Hưng Đạo để giải tỏa nội đô Sài Gòn. Nhịp sống của những người dân thành phố đã trở lại bình thường, với tiếng ồn ào không ngớt từ sớm tới khuya của những dòng xe hơi, xe vận tải, xe lam, xe hon-da vừa nhả khỏi vừa nổ ầm ĩ phóng như bay trên đường phố. Thiệu đã ra lệnh tổng động viên. Trên nóc nhà cao tầng của những công sở và tư nhân xuất hiện những ụ súng chiến đấu, thường xuyên đặt trong tình trạng báo động, đề phòng những cuộc tiến công bất ngờ.
Hai Long tìm gặp O’Connor yêu cầu ông đánh giá cuộc tiến công Tết Mậu Thân và những hệ quả của nó.
Ông linh mục Mỹ không giấu vẻ buồn rầu:
- Tôi có thể đưa thầy coi bản tường trình mà tôi sắp gửi về cho tổng thống Johnson. Tôi phải nói toàn bộ sự thật vì tổng thống bị lừa dối quá nhiều. Tôi cũng có thể đưa thầy xem một lá thư mà tôi sẽ gửi cho một người bạn đồng đạo, cũng quan tâm nhiều tới vấn đề Việt Nam như tôi. Bức thư không đầy đủ bằng bản tường trình nhưng trong đó chứa đựng những điều thực chất một cách ngắn gọn. Thầy có thể tìm thấy trong hai tài liệu đó những nhận định tóm tắt như thế này: “Việt Cộng đã bị thiệt hại khá nặng qua cuộc Tổng tiến công vừa rồi, nhưng họ đã tính trước cái giá phải trả cho mục đích của họ. Đây là một trận tiến công chiến lược bất ngờ đối với Mỹ, làm đảo lộn kế hoạch quân sự của Mỹ, có lẽ sẽ buộc Mỹ phả thay đổi chiến lược. Từ sau thất bại của cuộc hành quân Junction City, tôi đã đánh giá với tổng thống Mỹ là quân Mỹ sẽ bị một đòn nặng về quân sự và nhất là về chính trí, sẽ khó lấy lại khí thế, trách nhiệm đó thuộc về Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam. Kết quả cuộc Tổng tiến công này sẽ là sự ra đi dứt khoát của McNamara và Westmoreland, có thể thêm cả Sharp. Trong thư gửi cho ông bạn, tôi đã viết: “Đường hẩm rồi sẽ có lối thoát và theo tôi thì ta sẽ thoát ra theo kiểu quân đội Anh ở Dunkerque trong Thế chiến thứ II. Việt Cộng đã đạt được mục đích của họ trong cuộc tiến công, là làm cho người Mỹ không còn tin vào khả năng chiến thắng”.
Cuối buổi nói chuyện, O’Connor để lại cho Hai Long hai tài liệu như ông đã hứa, và hẹn anh trao trả vào sáng hôm sau. Anh đưa Thiệu xem bức thư trước khi trả lại cho O’Connor. Anh cần gieo rắc vào đầu Thiệu sự hoài nghi đối với triển vọng của cuộc chiến.
Thiệu hỏi Hai Long:
- Những nhận định của ông linh mục tuyên úy này có quá bi quan không?
- Tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi đó. Lần đầu, ông ta có những nhận xét như vậy. Ta còn phải tiếp tục nghe thêm ý kiến của những nhân vật Mỹ khác.
2.
Hai Long cảm thấy lưới của mình chưa bị uy hiếp sau biến cố Tết Mậu Thân và những cuộc lùng ráp giải tỏa của địch trong nội thành. Nhưng một dấu hiệu đáng lo lắng đã xuất hiện ở lưới Thắng. Một bác hàng xóm của Thắng kể lại với vợ anh, gần đây có một người lạ mặt mà chị ngờ là mật vụ tới hỏi chị rất nhiều về lai lịch của vợ chồng Thắng.
Hai Long bàn với Thắng, phán đoán thời gian qua, Thắng được trao nhiệm vụ tổ chức một số tổ chiến đấu ở nội thành, anh xuất hiện nhiều tại những vùng có chiến sự, có thể bọn mật vụ đã nhìn thấy, nên chúng đánh dấu hỏi. Họ cần theo dõi chặt chẽ, nếu có người trong những tổ chiến đấu do Thắng phụ trách bị bắt, an toàn của Thắng sẽ bị đe dọa trực tiếp. Nếu chưa có ai bị bắt, thì Thắng vẫn không ngại sự có mặt của mình ở những nơi có chiến sự, vì anh là một ký giả. Để hợp thức hóa những hoạt động của mình, Thắng viết một số bài về cuộc tiến công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, đăng trên mấy tờ báo.
Hai Long nghĩ tới chuyện sắp xếp công việc cho Huỳnh Văn Trọng. Trọng vẫn tiếp tục đi lại Tòa đại sứ Mỹ. trong mối quan hệ với những nhân viên Tòa đại sứ, anh đã có một tư thế mới. Nhưng để chuẩn bị vào Phủ tổng thống, mấy tháng qua, anh tạm gác việc qua lại với Thắng. Trọng và các con mất một chỗ dựa trong sinh hoạt hàng ngày. Anh phải đưa hai con nhỏ gửi đi nơi khác. Anh vẫn chưa có cuộc sống ổn định. Nay ở với người bạn này, mai ở với người bạn khác. Trọng rất thiết tha đón vợ từ Đà Nẵng vô để củng cố lại cuộc sống gia đình.
Hai Long bàn với Thiệu:
- Mối quan hệ của ta với Tòa đại sứ Mỹ từ trước tới nay, vẫn dựa vào chỗ Bernard Trọng, nhưng vì ông Trọng không làm việc ở Phủ tổng thống nên vẫn là người của Tòa đại sứ hơn là người của ta!
- Tôi đã mấy lần bảo ông Hướng mời ông Trọng vô làm phụ tá cho tôi, đặc trách về chính trị và ngoại giao nhưng ông Trọng không nhận lời. Bernard Trọng thuộc lớp người trước, đã từng làm bộ trưởng Nội vụ, chắc ông muốn một địa vị cao hơn, mình chưa thể xếp ngay được.
- Tôi không nghĩ là Bernard Trọng chê chức vụ phụ tá tổng thống, chức vụ này đâu có kém so với chức bộ trưởng! Theo tôi biết, anh là người khí khái, thoái thác không nhận lời mời vào Phủ tổng thống vì sợ mọi người hiểu lầm anh giúp tổng thống để mong được trả công.
- Đâu phải chỉ có chuyện đền ơn trả nghĩa, mình đưa ảnh vô đây là còn vì công việc. Tôi đã nhắm trao cho ảnh nhiệm vụ đặc trách quan hệ giữa Phủ tổng thống và Tòa đại sứ Mỹ. Việc này ai có thể làm hơn ảnh.
- Trời! Ý kiến đó quá hay. Sao anh không trao đổi với tôi để ta bàn cách giải quyết sớm? Giáo hội đã trao nhiệm vụ cho ảnh giúp anh trong cuộc vận động tranh cử thì cũng có thể yêu cầu tiếp tục giúp đỡ khi anh đã chấp chính.
- Tôi chưa nói điều đó với anh vì tôi nghĩ Bernard Trọng không muốn nhận chức vụ này.
- Tôi đề nghị một cách giải quyết nhanh chóng. Anh cứ ra sắc lệnh bổ nhiệm Bernard Trọng như đã dự kiến. Nếu có chi trục trặc, tôi sẽ có cách thuyết phục. Sắc lệnh này sẽ do giáo hội chuyển cho anh Trọng. Như vậy được cả đôi đàng. Giáo hội càng thấy tổng thống là người thủy chung, trọng tín nghĩa.
Đầu tháng 3, Nguyễn Văn Hướng đưa Hai Long bản sắc lệnh do Thiệu ký, quyết định bổ nhiệm Huỳnh Văn Trọng làm phụ tá tổng thống, chức vụ tương đương bộ trưởng.
Hai Long tìm gặp Trọng. Anh đưa Trọng tờ sắc lệnh:
- Đây là sứ mạng trao cho anh, mong anh cố gắng hoàn thành.
Trọng cầm tờ giấy, đọc xong, ngỡ ngàng như người trong mơ.
- Tôi nghĩ đã tới lúc anh ra Đà Nẵng rước chị vô với các cháu.
Trọng nói bằng một giọng có phần nghẹn ngào:
- Tôi xin lãnh sứ mạng này, và cam kết với anh, sẽ hoàn tất những công việc anh trao...
Trọng ngập ngừng rồi nói tiếp:
- Tôi xin cam kết làm tròn nhiệm vụ mà dân tộc trao phó.
Trọng được cấp phát ngay một ngôi nhà và một chiếc xe du lịch theo tiêu chuẩn bộ trưởng.
Lần đầu khi tới nhà Trọng, Hai Long cảm thấy vui với không khí ấm cúng trong gia đình. Vợ Trọng, một thiếu phụ còn trẻ, có nhan sắc, rất mừng rỡ khi gặp ân nhân. Nhìn nét mặt chị tươi cười, đứng giữa hai đứa con nhỏ khôi ngô, rất giống Trọng, anh chợt nảy ra ý nghĩ không biết mình là người mang hạnh phúc hay tai họa tới cho gia đình này.
3.
Trọng mang liên tiếp từ Tòa đại sứ Mỹ về những tin thay đổi nhân sự có liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Westmoreland rồi Sharp bị cách chức. Tiếp đó là tin Johnson đã quyết định đưa McNamara ra khỏi Lầu Năm Góc. Ông bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ còn chờ người tới bàn giao. Những tin tức khiến Thiệu rất lo âu. Thiệu luôn bị ám ảnh bơi ý nghĩ: Mỹ đang mật đàm với miền Bắc và có thể bỏ rơi Việt Nam cộng hòa
Thái độ O’Connor bắt đầu chuyển biến rõ rệt sau cuộc Tổng tiến công. Hai Long cảm thấy ông linh mục trước đây là người đứng giữa hai phe Bồ câu và Diều hâu, nay đã ngả hẳn sang phía Bồ câu. Có thể nhìn thấy rõ điều đó qua những nhân vật mới từ Mỹ sang mà O’Connor giới thiệu tiếp xúc với Hai Long. Trước kia, anh thường gặp những người thuộc cả hai phe này. Nhưng gần đây, O’Connor chỉ đưa tới những nhân vật có xu hướng chống chiến tranh Việt Nam. Có những lần, ông linh mục còn giới thiệu với khách, Hai Long là một đệ tử thương yêu của Paul VI.
Hai Long kể lại với O’Connor những lo lắng của Thiệu, và bày tỏ sự băn khoăn đối với hiện tình đất nước.
Ông linh mục nói:
- Tổng thống Johnson không còn thời gian đạt tới mục tiêu đề ra lúc đầu cho cuộc chiến đấu chống Cộng ở Việt Nam. Tháng Sáu tới, cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu. Trong tình hình chính trị ở Mỹ hiện nay, không có ứng cử viên khôn ngoan nào lại hy vọng thắng cử với một đề án tiếp tục chiến tranh trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông Johnson buộc phải thay đổi chiến lược, là tìm một giải pháp chính trị để chấm dứt chiến tranh.
- Nhưng tổng thống Mỹ vừa quyết định tăng quân Mỹ ở Việt Nam lên 55 vạn, và động viên lực lượng dự bị?
- Đó là để khỏi thua chớ không phải để thắng! Trước cuộc tiến công Tết Mậu Thân, CIA báo cáo với tổng thống, Việt Cộng chỉ có ở Nam Việt Nam 30 vạn quân, gần đây, họ lại báo cáo là 60 vạn.
- Với một triệu rưỡi quân Việt Nam cộng hòa, và quân đồng minh, tôi nghĩ là chúng ta cũng phải thử vận may của mình để giành một chiến thắng lớn về quân sự?
- Sẽ có những thay đổi về chiến thuật hữu hiệu hơn chứ không phải là những cuộc hành quân lớn. Không thể tìm một giải pháp chính trị nếu Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh! Chiến lược của Mỹ trước đây là tiến công, nay đã chuyển qua phòng ngự.
- Ta sẽ khoanh tay đầu hàng Việt Cộng ư?
- Không phải như vậy, quân Mỹ sẽ ở lại Việt Nam cộng hòa cùng chiến đấu cho tới khi nào quân đội Việt Nam cộng hòa dủ sức tự mình đảm nhận mọi trách nhiệm đối với cuộc chiến. Quân Mỹ chỉ rút nếu Bắc Việt cũng đồng ý rút lực lượng chính quy của họ khỏi miền Nam Việt Nam. Những vấn đề còn lại sẽ do người Việt Nam giải quyết với nhau... Tôi nghĩ là Giáo hoàng Paul VI đã sớm nhìn thấy vấn đề này.
Cuối tháng 3, O’Connor đưa tới giới thiệu với Hai Long một linh mục mới sang. Ông này là tiến sĩ, giám đốc một viện thần học, bạn thân của O’Connor. Hai Long đã được xem bức thư của O’Connor gửi cho ông linh mục này bữa trước. Qua buổi nói chuyện, anh nảy ra ý nghĩ nên đưa ông linh mục này tiếp xúc với Thiệu.
Thiệu đang nóng lòng tìm hiểu tình hình ở Mỹ, yêu cầu Hai Long thu xếp cho mình gặp ngay vị linh mục mới được Johnson phái sang Việt Nam. Thiệu như chỉ chờ cơ hội này để dốc mọi băn khoăn, và đón đợi những lời giải đáp cho yên lòng.
Ông linh mục tính tình bộc trực, chưa quen tiếp xúc với nhiều người Việt Nam, nói thẳng thừng:
- Mỹ không bao giờ bỏ rơi Việt Nam cộng hòa, nhưng chiến thắng quân sự có được là phải trông vào quân lực Việt Nam cộng hòa, chứ không thể trông chờ ở quân đội Mỹ! Muốn có chiến thắng, Việt Nam cộng hòa phải có một chính quyền mạnh và trong sạch để lãnh đạo hữu hiệu cuộc chiến tranh.
Thiệu sửng sốt, cầm chén rượu định đưa lên môi lại đặt xuống bàn.
Ông linh mục giải thích thêm:
- Tôi xin nêu một ví dụ, Việt Nam cộng hòa lúc này giống như người đang sa xuống giếng sâu, Mỹ là người đứng trên bờ giếng, đưa tay ra cứu người bị nạn. Người dưới giếng phải cố vươn mình lên, nắm cho được bàn tay người định cứu mình, chứ không thể bắt người tới cứu cúi xuống quá thấp! Mỹ không thể nhào xuống để cùng chết chìm dưới đáy giếng!
Sau cuộc gặp ông linh mục, Thiệu càng bi quan. Để tự an ủi, Thiệu nói với Hai Long, có lẽ đây là quan điểm cá nhân của ông linh mục chứ không phải của tổng thống và giáo hội Mỹ. Hai Long chỉ nói: “Những người tôi đưa tới gặp tổng thống đều là người tin cậy của ông Johnson và giáo hội Mỹ”.
Hai Long cảm thấy người bạn của O’Connor sang Việt Nam có liên quan tới một chủ trương mới của Johnson, một bước ngoặt đối với chiến tranh Việt Nam. Nhưng anh cẩn thận trong việc khai thác, để không tạo nên sự nghi ngờ. Từ trước tới nay, dưới con mắt của các linh mục Mỹ, anh vừa là người cộng tác thân thiết của cha Hoàng, một linh mục triệt để chống Cộng, bảo thủ, vừa là một tín đồ sung kính Paul VI, vị Giáo hoàng đang triển khai cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam. Là người thân thiết của cha Hoàng, anh đã khai thác được ở O’Connor những chủ trương, kế hoạch dùng sức mạnh quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Bây giờ phải có một thời gian chuyển tiếp. Anh cần giữ thái độ phù hợp với tâm trạng của nhân vật mà mình đang thủ vai. Rõ ràng O’Connor đang chuẩn bị tư tưởng cho anh, và cũng là cho Thiệu, để đi vào bước ngoặt mới. Ông linh mục không vội vàng. Anh cần có sớm những tin tức để báo cáo với Trung tâm. Nhưng trước khi tỏ ra mình là một kẻ thức thời, không bảo thủ, để có thể bàn bạc thoải mái về chủ trương chấm dứt chiến tranh, anh đã giữ một vẻ ưu tư, lặng lẽ giống như người đang tìm cách tự kiềm chế trước một biến cố bất ngờ, trái với sự mong muốn của mình.
Qua cuộc nói chuyện giữa ông linh mục với Thiệu, anh càng tin chắc Johnson đã quyết định chuyển sang tìm cách thương lượng. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra trước khi vận đông tuyển cử ở Mỹ, đã làm tiêu tan hy vọng giành chiến thắng quân sự của ông ta.
4.
Ngày 31-3-1968, chỉ ba ngày sau khi ông linh mục gặp Thiệu, phát ngôn viên của Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ sẽ xuất hiện trên vô tuyến truyền hình và công bố những quyết định mới quan trọng.
Vợ chồng Thiệu cùng với cha Nhuận và Hai Long ngồi trong phòng làm việc của Thiệu, chờ nghe buổi phát tin của đài BBC, Thiệu không giấu được vẻ lo lắng, bồn chồn.
Johnson tuyên bố ngừng oanh tạc miền Bắc Việt Nam vô điều kiện ngoại trừ khu vực gần vùng phi quân sự từ vĩ tuyến 19 trở vào, và sẽ ngừng hẳn ném bom miền Bắc nếu Hà Nội tỏ ra có thiện chí muốn tìm một giải pháp chính trị. Đồng thời, Johnson tuyên bố không nhận sự đề cử của đảng Dân chủ, không ra ứng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, và sẵn sàng cử hai đại sứ Harriman và Thompson tham gia cuộc thương thuyết cho một giải pháp chính trị đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.
Thiệu ngồi bang hoàng hồi lâu. Không khí căn phòng lặng đi như có đám tang.
Thiệu quay về phía Hai Long:
- Tại sao ông Johnson quyết định ngừng ném bom miền Bắc mà không trao đổi với mình? Mình là tổng thống nước đồng minh đang trực tiếp chiến đấu với Cộng sản mà không được tham khảo ý kiến, cũng không được thông báo trước, ngồi đây chờ nghe tin như tất cả mọi người! Bắc Việt không phải đối phó với máy bay và pháo hạm, rảnh rang kéo tuốt vô đây thì ta tính sao?
- Quyết định ngừng ném bom gắn liền với quyết định không ra tranh cử, chắc là chỉ ngã ngũ vào phút chót. Nhưng tinh thần của những quyết định mới này thì chính vị phái viên của ông ta đã nói với anh bữa trước. Johnson muốn Việt Nam cộng hòa phải tự mình đảm đương lấy cuộc chiến cho quân Mỹ rút lui dần.
- Bây giờ tính sao đây?
- Mình không thể để cho một ông tổng thống săp hết nhiệm kỳ dễ dàng phủi tay! Mặt khác, mình cũng phải lo liệu trước công việc của mình.
Thiệu thở dài não ruột.
Vợ Thiệu hết ngó Hai Long, lại nhìn cha Nhuận:
- Con không muốn làm góa phụ như bà Trần Lệ Xuân, chồng con không muốn như ông Diệm, ông Nhu... Ảnh có mệnh hệ như thế nào thì ông giáo phải chịu trách nhiệm đó!
Cha Nhuận lo âu:
- Người Mỹ thật khó hiểu!
Hai Long nói:
- Xin chị cứ bình tâm. Đức Hồng y Spellman cũng như phái viên của tổng thống Johnson đã cam kết với tôi, không bao giờ để tái diễn cảnh ông Diệm, ông Nhu. Trước mắt, anh Thiệu chưa nên công khai tỏ thái độ bất bình với Johnson, vì chừng nào còn ngồi ở Nhà Trắng, thì ông ta vẫn còn đầy đủ quyền hành.
Hai Long mang thắc mắc của Thiệu nói với hai ông linh mục. Anh không bình luận gì thêm, tỏ ra mình phần nào chia sẻ những băn khoăn của Thiệu trước tình hình.
Hai ông linh mục ra sức giải thích. O’Connor thuật lại những phản ứng của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đối với nhóm tướng lĩnh thuộc phe Diều hâu, về sự phân hóa chưa từng có trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hai người đều nói tổng thống Mỹ sẽ buộc phải xuống thang chiến tranh, trong thời gian sắp tới quân Mỹ không mở những cuộc hành quân lớn mà chỉ tiến hành những hoạt động chống chiến tranh du kích để tạo điều kiện thuận lợi tìm một giải pháp chính trị. Họ khuyên anh cần trấn an Thiệu, giải thích cho Thiệu hiểu những khó khăn ở Mỹ, và đồng tình với chiến lược mới của Johnson.
Thiệu ngồi ngẩn ngơ một lúc sau khi nghe Hai Long thuật lại cuộc trao đổi với hai vị linh mục, rồi hỏi:
- Ông Johnson tuyên bố tìm kiếm “hòa bình trong danh dự” có nghĩa là sao?
- Tôi hiểu tinh thần của nó là, Mỹ muốn rút quân ra khỏi chiến tranh mà không mất mặt, không phải là vì Mỹ thua trận, và cũng không bị mang tiếng là bán đứng đồng minh. Chỉ có cụ thể hóa điều này mới khó. Ta còn chưa biết cái giá phải trả mà Mỹ sẽ chấp nhận trong cuộc tìm kiếm này!
- McNamara đã nói cụ thể hơn: “Sự cam kết của Mỹ chỉ bảo đảm cho dân Việt Nam có thể định đoạt tương lai của họ, không phải là bảo đảm cho việc nắm quyền của một cá nhân hay một nhóm người”! Định quay về với hiệp định Genève năm 1954 hay sao? Đâu phải ổng nói với Việt Cộng mà nói với chính mình! Không phải là bán đứng đồng minh đó sao?
- Ta không cần quan tâm nhiều đến lời McNamara, coi như ổng đã ra đi.
- Nhưng người còn ngồi ở Nhà Trắng cũng không nói điều gì tốt lành hơn! Herman Kann, cố vấn của Johnson, cũng vừa tuyên bố: “Người Việt Nam cần phải làm cái phần của họ trong khế ước song phương Mỹ - Việt, nếu họ không làm thì chúng ta có thể nói chúng ta không có nghĩa vụ gì với họ”. Còn ông khách quý tới đây bữa trước thì nói, Mỹ không vì cứu ta mà phải cùng chết chìm với ta! Cả cố vấn và phái viên của tổng thống đều nói giống nhau!
Hai Long hiểu là Thiệu dành thời giờ nghiên cứu kỹ những lời tuyên bố của các nhân vật Nhà Trắng thời gian gần đây.
- Những điều anh vừa nhắc, đều đáng phải lưu tâm. Ta đã biết Mỹ cần Việt Nam cộng hòa sớm muộn phải tự đảm đương lấy cuộc chiến để Mỹ rút quân ra.
- Nhưng họ chỉ đòi hỏi ở ta mà không nhắc nhở gì tới những cam kết của chính phủ Mỹ với Việt Nam cộng hòa trước đây! Họ đang muốn cái chi? Và theo anh, mình có khả năng làm những chi?
- Đòi hỏi trước mắt của họ, như chính ông linh mục bữa trước nói rõ, Việt Nam cộng hòa phải có một chính phủ mạnh. Điều này tôi nghĩ ta có thể làm được, mà chính đó cũng là việc anh đang dự định tiếp tục làm.
Thiệu ngồi lặng thinh. Thấy Thiệu chịu chuyện, Hai Long nói tiếp:
- Đòi hỏi thứ hai của họ, các ông phái viên đều nhắc tôi về trình lại với tổng thống, là anh cần ủng hộ công cuộc tìm kiếm hòa bình của Johnson.
- Nếu tôi không ủng hộ thì chắc người ta sẽ đối xử với tôi như với ông Diệm, ông Nhu?
- Chúng ta đều hiểu người Mỹ. Như tôi đã nói nhiều lần với anh, mình phải đấu tranh, và cũng phải khôn khéo không để cho những khả năng xấu xảy ra.
- Ủng hộ Johnson tìm kiếm hòa bình, có nghĩa là bây giờ ta tán thành Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 19 trở ra, vài ngày nữa, tán thành tiếp Mỹ ngừng ném bom toàn miền Bắc. Chưa hết, nay mai họ còn yêu cầu ta ngồi đàm phán với Mặt trận giải phóng để tìm một giải pháp chính trị, trong khi đó họ rút quân về nước. Thế là xong đời Việt Nam cộng hòa! Chỉ cần Mỹ ném bom hạn chế ở miền Bắc là quân chính quy Bắc Việt sẽ kéo vô như nước vỡ bờ với cả pháo 130 ly và xe tăng T.34 cho coi!
- Đó là những vấn đề thực tế mà chúng ta sẽ phải bàn, phải đối phó từng bước, không để cho Mỹ bán đứng Việt Nam cộng hòa.
- Trước khi bán đứng Việt Nam cộng hòa, họ sẽ bán rẻ mình trước!
Mặt Thiệu tím lại, đôi mắt đỏ ngầu.
Thiệu gọi sĩ quan hầu cận lấy rượu.
Hai Long nhận thấy chưa thể nói gì thêm với Thiệu lúc này.
5.
Thiệu bàn với Kỳ dựa vào điều 4 của hiến pháp Việt Nam cộng hòa, biểu lộ sự phản ứng của ngụy quyền đối với hội nghị sắp được tổ chức giữa Mỹ và Việt Nam dân chủ cộng hòa để bàn về chiến tranh Việt Nam. Thiệu vừa phản ứng vừa lo. Y nói với Hai Long: “Anh theo dõi Mỹ thật sát, không khéo mình lại bị Mỹ đập chết chớ không phải chết vì tay Cộng sản!”
Tuy vậy, ngày 3-5, ta và Mỹ đều công bố đã thỏa thuận, chọn Paris, thủ đô nước Pháp làm nơi gặp gỡ.
Lần này, Thiệu chưa kịp phản ứng. Ngày hôm sau, đêm mồng 4-5, một đợt tiến công mới của ta lại vùng nổ trên toàn miền Nam.
Cuộc tiến công diễn ra tại 30 thành phố, thị xã, 76 thị trấn, quận lỵ, chi khu, hàng chục căn cứ quân sự địch và rất nhiều sân bay, kho tàng.
Tại Sài Gòn, bộ đội ta mở cuộc tiến công đồng loạt vào Tổng nha cảnh sát, Tòa thị chính, Nha cảnh sát đô thành, Dinh thủ tướng, Đài phát thanh và Đài vô tuyến truyền hình. Dân chúng Sài Gòn lại náo động. Chiến sự nổ ra ngay tại khu vực Thị Nghè, Hai Long phải chuyển gia đình vào nhà Hòe ở nội thành rồi vào dinh Độc Lập.
Thiệu tới Bộ Tổng tham mưu để đối phó với cuộc tiến công. Vợ Thiệu ở dưới tầng hầm dinh Độc Lập, mặt tái mét vì thức đêm và lo lắng. Hai Long và Hòe ở trong dinh thu thập tin tức. Thỉnh thoảng anh lại kiếm cớ chạy về nhà, giúi cho bé Liên một mẩu giấy nhỏ để chuyển tới hộp thư. Anh đã quyết định đưa con vào công việc. Bé Liên linh lợi, gan góc, và còn nhỏ nên đi lại các nơi ít bị nghi ngờ.
Sau ba ngày, cuộc tiến công của ta chỉ còn diễn ra ở cầu chữ Y. Theo nguồn tin của Phủ tổng thống, có khoảng một tiểu đoàn quân chính quy của ta tại đây, bất chấp mọi áp lực của bom đạn, không chịu rút lui.
Đợt tiến công thứ hai này đã trả lời những luận điệu tuyên truyền của địch suốt thời gian qua, là Việt Cộng không thể gượng lại sau thất bại nặng nề của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Nó tạo ra một cái thế cho phải đoàn ta trước khi ngồi vào bàn bạc với Mỹ ở Paris.
Sau đợt tiến công, sự nghi ngờ của Thiệu đối với Mỹ càng tăng. Thiệu than thở với Hai Long:
- Không phải tôi đa nghi, nhưng anh coi, Việt Cộng làm sao dám làm tiếp vụ này nếu không có mật ước với Mỹ? Rõ ràng là Mỹ đồng ý cho Việt Cộng tiến công Sài Gòn lần nữa, làm áp lực buộc ta phải chạy theo họ trong cuộc tọa đàm. Họ làm quá trắng trợn! Vừa công bố sẽ gặp Bắc Việt ở Paris hôm trước, công bố cả người đại diện, thì tối sau Việt Cộng đánh luôn!
Lại có thêm những dấu hiệu đáng lo ngại về phía Thắng. Thắng được giao nhiệm vụ tiếp tục tham gia chiến đấu trong đợt hai. Một lần anh đi cùng với Năm Sang thì nhận thấy có một cái đuôi bám theo. Họ phải rất khéo léo mới cắt được cái đuôi này. Một lần khác, Thắng bị công an giữ ở Thị Nghè là nơi đang có chiến sự. Người xét hỏi Thắng lại chính là tên Tôn Thất Viễn, trước đây đã bắt giữ Thắng ở trại Tòa Khâm. Thắng xuất trình chứng minh thư là tham chánh văn phòng bộ Chiêu hồi và thẻ ký giả. Tên Viễn vẫn giữ Thắng suốt hai tiếng đồng hồ cùng một số đồng bào khác, rồi mới chịu thả anh ra.
Những dấu hiệu đe dọa an toàn lần này khiến Hai Long bận tâm hơn nhiều.

Chương trước Chương sau