Ông cố vấn - Chương 36

Ông cố vấn - Chương 36

ĐÒN PHỦ ĐẦU

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9.3/10 với 78117 lượt xem

Số nhân viên CIA của Mỹ ở miền Nam đã lên tới 10.000 tên. Nhân dịp Tthiệu củng cố bộ máy chính quyền, chúng đã xâm nhập vào hầu hết những cơ quan quân đội, chính quyền. Chúng lũng đoạn khắp nơi. Chúng tung tiền, khuyến khích những chính khách con buôn lập thật nhiều tổ chức chính trị, đảng phái. Thiệu, Kỳ đều hoang mang vì những tổ chức chính trị mọc lên như nấm mà chính quyền không sao kiểm soát được. Một bữa, Hai Long hỏi O’Connor.
- Khắp Sài Gòn, chỗ nào cũng có những tổ chức chính trị nhận tiền trợ cấp của CIA. Rất nhiều tổ chức ma, chỉ có tên mà không có người. Làm như vậy nhằm mục đích gì?
Ông linh mục lắc đầu rồi giải thích:
- Đây là chính sách dùng ngựa bầy của ông già Bunker. Ông già áp dụng cái gọi là “majorité des minorités”[1]. Ông ta muốn có nhiều lực lượng, nhiều lá bài dự trữ để chi phối tình hình theo ý muốn và không cho ai bắt bí mình.
Điều đáng lo ngại là theo nhiều nguồn tin của Cụm, CIA bắt đầu nắm chắc bộ máy an ninh mật vụ của Thiệu. Chúng đang dùng lại những tên mật vụ của Nhu, Cẩn đã bị bắt hoặc thất sủng sau ngày đảo chính Diệm. Bọn này hầu hết là những tên đầu hàng, đầu thú, rất nguy hiểm đối với các cơ sở cách mạng trong nội đô. Thắng cho anh biết tin, có người đã gặp Dương Văn Hiếu và Tá Đen ở Sài Gòn. Hai Long, Hòe, Thắng, Ruật đều qua tay thẩm vấn của Hiếu và Tá ở trại Tòa Khâm. Chúng không kết tội được họ, nhưng trong đầu óc chúng chắc còn nhiều nghi vấn. Đáng chú ý nữa, có tin Trần Kim Tuyến đã trở thành một chuyên viên tin cậy của CIA. Tuyến am hiểu tình hình chính trị miền Nam, thâm hiểm và có đầu óc tổ chức. Trước đây, khi còn phụ trách sở Nghiên cứu chính trị thời Diệm, Tuyến đã xây dựng một mạng lưới mật vụ dầy đặc trong toàn thể bộ máy chính quyền, kiểm soát tới từng người, và nắm khá chắc những biến động chính trị. Trong thời gian đó, Tuyến đồng thời nắm cơ quan Trung ương tình báo và chỉ đạo những hoạt động của tổ chức này. Nhu gạt Tuyến vì nghe lời vợ; Lệ Xuân biết Tuyến đã khuyên Nhu nên cho mình xuất ngoại. Không dùng Tuyến, chế độ Diệm đã làm tan vỡ cả một mạng lưới mật vụ đắc lực. Tuyến vốn gắn bó với tình báo Anh, nên một thời gian dài sau khi thất sủng với chế độ Diệm, vẫn không được Mỹ tin dùng. CIA phải sử dụng Tuyến là chúng đã nắm được vai trò lợi hại của Tuyến.
Lại có thêm một chuyện khiến Hai Long phân vân. De Jaegher đã viết thư báo tin, trong tháng 9 sẽ đi công du châu Á, thế nào cũng có dịp ghé qua Sài Gòn để gặp anh. De Jaegher lúc này là chủ tịch Hội Thái Bình Dương tự do và cố vấn chỉ dạo của tổ chức Liên minh Á châu chóng Cộng. Khi tới Jakarta[2], De Jaegher lại báo tin cho Hai Long mình sắp tới Sài Gòn, và thế nào cũng nhờ anh đưa gặp Thiệu. Từ trước tới nay, những thư từ, sách báo của De Jaegher gửi cho mình, Hai Long thường đưa cho Thiệu xem. Chính anh đã giới thiệu Thiệu với De Jaegher, anh cũng báo tin này cho Thiệu hay. Cuối tháng 9, vẫn không thấy De Jaegher xuất hiện. Anh không hiểu tại sao lại có sự chậm trễ này. Khi hỏi O’Connor, anh mới biết De Jaegher đã ghé qua Sài Gòn từ trung tuần tháng 9, chỉ ở lại ít hôm rồi về Mỹ. Ông linh mục cho rằng De Jaegher quá ít thời giờ nên không kịp tới thăm anh.
Hai Long tìm hiểu, biết rằng khi De Jaegher tới Sài Gòn, Thiệu đã cử Kiểu ra đón tại sân bay và đưa về dinh quốc khách gặp mình ngay. Chuyện này Thiệu không hề nói cho Hai Long biết. Và tại sao De Jaegher không thực hiện đúng hẹn với anh, mà không hề có một lời giải thích? Phải chăng đây là lối xấu chơi của hai nhân vật chống Cộng? Thiệu muốn hớt tay trên của anh, để giữ độc quyền quan hệ với một nhân vật cầm đầu chống Cộng. Cũng có thể là, De Jaegher sau khi tiếp xúc với Thiệu, cảm thấy đã đạt yêu cầu tìm hiểu tình hình, nên thấy không cần gặp Hai Long nữa. Nhưng anh cũng không thể không nghĩ tới trường hợp CIA đã thông báo cho Thiệu hoặc De Jaegher những nghi vấn đối với anh nên De Jaegher bỏ ý định gặp anh...?
Hai Long nghiêng về giả thuyết đầu tiên. Đây là tính lắt léo cố hữu của Thiệu. Thiệu muốn hạ thấp vai trò của anh trước mắt De Jaegher. Thiệu muốn giữ riêng những tin tức De Jaegher cung cấp cho mình lúc này, và cả trong tương lai. Anh ít tin vào giả thuyết thứ hai. Vì Thiệu vẫn tỏ ra hoàn toàn tin cậy, dựa vào anh trong những việc lớn. Và nếu De Jaegher biết đang có nghi vấn về anh, thì ông ta chẳng dại gì né tránh để anh cảm thấy nguy hiểm mà đối phó. Vào trường hợp này, ông ta phải giữ thái độ bình thường, để CIA tiếp tục dùng những thủ đoạn phản tình báo với anh. Nhưng nếu đây lại là một hớ hênh của CIA, vì chúng không phải lúc nào cũng tài giỏi...?
Hai Long viết cho De Jaegher mấy lá thư truy kích tới cùng vì sao De Jaegher đã thất hẹn, tới Sài Gòn mà không ghé tới gặp mình. Anh cần tìm cho ra nguyên nhân. Và đó cũng là cách chứng tỏ sự chân thành, thẳng thắn của anh. Nhưng cả mấy bức thư đều chưa được trả lời.
Hàng tuần, từ Washington, Trọng gửi báo cáo về đều đặn. Phái đoàn của Trọng được các giới chức Mỹ sốt sắng đón tiếp. Anh đã thu thập được những thông tin quan trọng. Theo quy ước, những tin tức của Trọng gửi về, qua những đường khác nhau, đều tới chỗ Hai Long. Báo cáo của Trọng viết thành hai loại. Một loại Hai Long sẽ chuyển cho Thiệu. Còn một loại, anh giữ lại. Toàn bộ những tin tức này đều được chuyển về Trung tâm. Hai Long đem tới cho Thiệu những bản báo cáo chứng tỏ khả năng hoạt động hữu hiệu và cần thiết của phái đoàn tại Washington, cùng với những tin tức theo chiều hướng Mỹ buộc phải kết thúc chiến tranh Việt Nam, rút quân về nước, Việt Nam cộng hòa cần có đại diện của mình tại cuộc hòa đàm Paris, vì nó vẫn được tiến hành dù không có sự tham dự của Thiệu.
Cùng với sự hối thúc của Tòa đại sứ Mỹ, Hai Long đã tạo nên một sức ép nữa với Thiệu từ những tin tức của Trọng. Thiệu tỏ ra khá lì lợm. Thiệu rất lo lắng trong tình hình này Mỹ có thể bất thần xuống tay với mình. Nhưng y vẫn cho rằng, tới cuộc hòa đàm Paris trong lúc Johnson cần có hòa bình bằng mọi giá trước ngày rời Nhà Trắng, là một hành động tự sát. Hai Long không thể vội vã. Nếu không tạo được cớ xác đáng mà cứ thúc đẩy Thiệu thì y sẽ sinh nghi.
2.
Máy điện thoại réo.
Hai Long cầm ống nghe. Đầu dây phía bên kia là giọng nói miền Trung của một phụ nữ:
- Tôi đề nghị được gặp giáo sư Vũ Ngọc Nhạ.
- Dạ, tôi đây.
- Xin chào giáo sư. Tôi là thư ký của luật sư Trịnh Ngọc Tường. Luật sư nói, đã lâu ngày không được gặp giáo sư, muốn mời giáo sư ghé qua nhà chơi vào chiều nay hoặc sớm ngày mai.
Anh đã nhận ra giọng Tú Uyên. Vì sao chị lại mạo nhận mình là thư ký của chồng? Nếu Tường muốn gặp tại sao không tự mình gọi điện cho anh mà lại phải qua Tú Uyên. Từ bữa gặp Tường tới nay, đã ba tuần, nhưng anh vẫn nấn ná chưa tới thăm gia đình chị.
- Nhờ bà nói với luật sư mấy tuần qua tôi quá bận, nhất định chiều nay tôi sẽ ghé lại thăm luật sư.
- Dạ. Tôi đã nghe rõ. Kính chào giáo sư.
Đã nhiều năm anh mới có những giây phút bồi hồi như sắp tới một nơi hò hẹn.
Tú Uyên từ trong ngôi biệt thự đi ra khi anh dắt xe vào. Bữa nay, không có chiếc áo len khoác ngoài, với chiếc áo lụa dài màu xanh ôm sát người, và một chút phấn son trên mặt, trông chị còn tươi trẻ hơn lần anh gặp chị tại Đà Lạt.
- Em tưởng anh đã quên cả đường và số nhà. Bữa đó, em không thấy anh ghi.
Lời chị bao hàm một sự trách móc.
- Nhờ trời, tôi vẫn còn trí nhớ khá tốt.
- Vậy mà đã có đôi lần em nhìn thấy anh đi ngang, nhưng anh không ghé vô. Em vẫn tưởng anh vô tâm, nghe rồi quên ngay. Em ở tận lầu ba, ngó thấy anh phóng xe qua, muốn gọi cũng không kịp.
Anh nhận thấy mình vừa trả lời một câu dại dột.
- Quả thật từ bữa gặp anh Tường, tôi rất muốn lại thăm anh chị. Sáng nay nghe tiếng chị, tôi nhận ra ngay.
- Em cũng nghĩ là anh phải nhận ra. Mời anh lên nhà.
Chi đi nép về một bên cầu thang, nhường lối cho anh. Nhìn vóc dáng mảnh mai của chị, anh lại nhớ tới cái cổ tay to xương đeo chiếc đồng hồ vàng của Tường. Từ bữa đó, anh không tin là chị có cuộc sống hạnh phúc với người chồng mình đã gặp.
Khu cư xá này khá vắng vẻ. Họ chỉ gặp mấy đứa nhỏ chơi bi ở khoảng trống khá rộng giữa hai đoạn cầu thang. Những căn hộ họ đi ngang cửa đều khép kín vì bên trong dùng máy diều hòa nhiệt độ.
Tú Uyên đưa anh vào phòng khách, rồi gọi người hầu gái pha trà.
- Anh Tường và các cháu đâu? - Hai Long hỏi.
- Cháu lớn theo ba nó đi Vũng Tàu. Cháu nhỏ đang ngủ trong phòng.
Hai Long cảm thấy lúng túng. Chị đã chủ động mời anh tới trong khi chồng đi vắng.
Anh làm ra vẻ tự nhiên:
- Tôi rất muốn gặp anh Tường, bàn xem anh có thể cộng tác với chúng tôi trong công việc gì. Ông Thiệu đang củng cố bộ máy chính phủ, công việc không thiếu. Chỉ muốn hỏi xem anh ưng việc chi.
- Em biết anh Tường rất hám một ghế tổng trưởng, bộ trưởng gì đó, nhưng em cần nói riêng với anh, ảnh có nhờ chi, anh đừng có giúp. Nếu anh làm theo ý của ảnh, em sẽ giận anh.
- Sao lại như vậy?
- Em rất ngán cái quan trường Việt Nam cộng hòa này. Tổng thống thì bị bắn chết. Quốc trưởng thì bị lưu đày. Bữa trước là thủ tưởng, bữa sau đã bị trói tay dẫn vô Bộ Tổng tham mưu! Ảnh cứ làm luật sư thì lúc nào ảnh vẫn là ảnh. Em với ảnh luôn bất đồng về chuyện này. Em đã lỡ để ảnh vô cái dân biểu. Nhưng nếu anh còn lo chức tước khác thì em sẽ phá tới cùng.
- Chắc là chị muốn nhân chuyện của anh Tường góp luôn ý kiến với tôi chăng?
Hai Long nhìn Tú Uyên mỉm cười. Chị nghiêm nét mặt, nói:
- Trường hợp của anh thì hoàn toàn khác.
Hai Long hơi chột dạ. Anh thản nhiên nói tiếp:
- Chắc chị đã biết tôi vô dinh là do giáo hội cử vô giúp ông Thiệu một thời gian?
- Dạ...
Người hầu gái mang trà ra. Tú Uyên kéo cô gái ra góc nhà nói nhỏ mấy câu, rồi quay lại xa-lông dặn với:
- Lấy xe đạp, đi cho lẹ mà về kẻo em thức, mợ đang bận khách.
Khi người hầu gái đi khỏi, Tú Uyên ra hành lang ngó lui ngó tới, rồi quay vào chốt cửa.
Hai Long không bỏ qua một cử chỉ nào của chị.
Chị ngồi vào bàn, mời anh dùng trà, rồi nói như để giải thích việc mình vừa làm:
- Em biểu nó đi mua kem và ít trái cây về mời anh. Trong tủ lạnh trống trơn.
Lẽ nào chị mời khách tới nhà lại không chuẩn bị trước? Hai Long hiểu là chị có chuyện cần nói riêng với anh.
- Em đã coi bài cải chính trên báo Tự Do về chuyện của anh!... Anh đã đọc chưa?
- Tôi đã có coi.
- Một chuyện như vậy mà có thể xuyên tạc như vậy! Ở nhà này, các anh ấy bàn tán về anh luôn.
- Ở nhà này... - anh nhắc lại lời chị - Ngoài anh chị, còn có người quan tâm đến tôi nữa ư?
Tú Uyên thản nhiên nói:
- Anh có biết anh Tá không? Anh Tá làm phụ tá cho ông Dương Văn Hiếu ngày trước đó! Cũng có viết đôi ba bài báo.
- Tôi biết ông Hiếu và anh Tá Đen. Chị cho rằng anh Tá viết bài báo đó ư?
- Dạ không. Ảnh nói bài báo là do người ở Bình An viết. Ảnh biết đó là chuyện không thiệt.
- Nhưng tôi vẫn tưởng ông Hiếu và anh Tá còn bị giữ?
- Được tha cả rồi. Khi ra, anh Tá tới đây ngay. Ảnh là người Đà Nẵng, cùng đi kháng chiến với anh Tường. Nhà em không chịu được gian khổ, về thành trước, còn ảnh sau 1954 mới vô. Ảnh nói biết anh từ hồi ở miền Bắc.
- Vì vậy mà ông Hiếu và anh ấy đã làm tôi phải mất 3 năm ở trại Tòa Khâm. Những người làm việc cho ông Nhu vẫn bị chính quyền mới giam giữ, không hiểu tại sao anh ấy lại ra được?
- Em nghe nói ông Trần Kim Tuyến xin cho ảnh. Hình như anh lại tiếp tục làm việc...
- Cho ai?
- Ảnh không nói, nhưng ảnh có khá nhiều tiền. Bữa nay, chính ảnh rủ nhà em đi Vũng Tàu. Mọi lần, em cản. Nhưng lần này, em để nhà em đi với ảnh. Chỉ một lần thôi! Ông luật sư nhà em khá ngây thơ. Em đã bảo cho ổng biết đừng có quan hệ với những người chó săn, chim mồi! Có lúc họ sẽ bán cả mình. Tụi em không cho ảnh hay có quen biết anh. Từ bữa ở Đà Lạt về, em rất mong anh tới. Nhưng bây giờ thì em không muốn anh chạm mặt ảnh ở nhà em. Em phải đánh liều gọi điện thoại mời anh tới đây. Chuyện anh Tường muốn nhờ vả anh, anh nên nói chừng chừng, đừng làm ảnh thất vọng ngay. Nhưng em kiên quyết không để ảnh dính vô chính quyền.
Chị đã nói quá đầy đủ. Hai Long cảm thấy gần chị hơn rất nhiều so với lúc chị buông những lời xa xôi trách móc anh. Chị đã xử sự mọi việc khá chín chắn. Những tình cảm còn lại của một muối tình đầu đã thúc đẩy chị có những hành động này, hay còn cái gì khác? Chị đã cho anh biết một số điều có quan hệ tới an toàn của anh. Anh cần chị tiếp tục giúp đỡ. Nhưng anh không được phép thú nhận mình là ai.
- Bây giờ thì tôi hoàn toàn đồng ý với chị. Chính trường miền Nam đầy rẫy chông gai, cạm bẫy. Và nay mai sẽ còn biến động rất nhiều. Tôi đã lãnh được nhiều bài học trong thời gian qua. Lúc này anh Tường chưa nên dính vô.
Tú Uyên không tỏ ra chú ý tới câu nói của anh. Chị nhìn thẳng vào mắt anh:
- Khi cần, em có thể nhắn tin cho anh ở đâu? Gọi điện thoại nhiều cho anh ở Phủ tổng thống e không tiện.
Hai Long suy nghĩ rồi đáp:
- Tôi có một người bạn cùng làm việc trong Phủ tổng thống mà anh Tường đã biết, chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Chị có thể nhắn tin cho tôi ở đấy...
Hai Long cho chị địa chỉ nhà riêng của Hòe. Chị lẩm nhẩm nhắc lại mà không hỏi thêm. Cặp mắt thông minh và chăm chú của chị nói rằng chị sẽ không bao giờ quên.
Từ sau hai đợt Tổng tiến công, Trung tâm đã chỉ thị cho cụm trưởng duy trì những nguyên tắc bí mật thật chặt chẽ, bỏ những cuộc họp lưới trưởng kiểm điểm hàng tuần, cắt đứt quan hệ giữa những người không có lý do công khai tiếp xúc với nhau. Cụm trưởng chỉ gặp trưởng lưới trong trường hợp thật cần thiết. Cuối tháng 9, Năm Sang phổ biến chỉ thị mới của Trung tâm: “An toàn của những lưới có người đã bị địch bắt giữ ở trại Tòa Khâm, đang bị đe dọa với việc CIA sử dụng lại những tên mật vụ của Nhu, Cẩn. Cần phải có kế hoạch đối phó kịp thời”. Trung tâm cũng chỉ thị riêng cho Hai Long, phải tìm cách có hiệu quả hối thúc Thiệu cử người tham dự cuộc hòa đàm sắp bắt đầu ở Paris. Hai Long nhận thấy không riêng Thắng bị chú ý sau hai đợt Tổng tiến công, mà qua những lời của Tú Uyên, chính anh cũng đã bị chú ý. Họ không thể khoanh tay ngồi chờ mà phải tiến hành ngay một kế hoạch đối phó.
3.
Tin đồn từ những xứ đạo nhanh chóng lan truyền khắp Sài Gòn, sắp có một cuộc đảo chính lật đổ chế độ Thiệu. Tin này được bình luận ở nhiều nơi như một chuyện đương nhiên, vô cùng hợp lý, vì Thiệu là người kiên quyết chống lại cuộc hòa đàm Paris, Johnson cố vớt vát chút vốn liếng chính trị, trở thành một “tổng thống hòa bình” trước khi rời Nhà Trắng, buộc phải hất bỏ tảng đá cản đường là Thiệu.
Dinh Độc Lập vốn rất nhạy cảm với những nguồn tin loại này. Nhiều người tìm gặp Hai Long hỏi tình hình.
Hai Long nhận thấy Thiệu phờ phạc, gầy hẳn đi. Một tối anh ở lại trong dinh, Thiệu mời anh sang phòng làm việc trao đổi.
Thiệu kêu nhân viên đưa cà phê lên, rót rượu cùng uống với anh, vẻ mặt lầm lỳ.
Hai Long băn khoăn:
- Coi anh dạo này xuồng sắc quá!
Thiệu cạn hết ly rượu, đặt ly xuống bàn.
- Tôi lo lắm anh à! Các thầy đều nói, đất trong dinh này rất dữ. Kỳ râu kẽm thánh thần không ngán, mà ngán đất này, cứ lủi trong phi trường Tân Sơn Nhứt, như vậy mà khôn. Từ ngày tôi vô dinh, chuyện này chưa qua, chuyện khác đã tới, tâm thần không lúc nào yên! Các thầy nói, đất này không vua chúa nào bền. Ai lâu lắm không quá 10 năm, thường thì chỉ 1 năm như tướng Minh, tướng Khánh, có người chỉ mấy tháng... Minh Lớn lại trở về Sài Gòn! Không biết Mỹ định tính chuyện chi với mình? Anh có nghe ngoài đường họ đồn đại sắp có đảo chính đó không?
- Chả cứ ngoài đường phố, ngay trong dinh cũng có tin đó.
- Chẳng lẽ Johnson định loại tôi thực sao? Báo chí Mỹ cũng bàn chuyện này nhiều. Bọn nhà báo ranh ma lắm! Không có lửa sao cỏ khói?
- Tôi chưa nhận thấy dấu hiệu gì đặc biệt nguy hiểm. Nhưng ta cứ phải lượng định tình hình một cách thật khách quan, nếu có dấu hiệu nguy cơ xuất hiện thì ta phải có ngay biện pháp cứu nguỵ.
- Tôi cho rằng họ bắt đầu chuẩn bị dư luận để lật mình. Johnson cần làm nhanh vì ông ta không còn thời gian.
- Cứ cho là như vậy. Nhưng muốn tiến hành đảo chính, Johnson không thể dùng quân Mỹ, mà phải dùng lực lượng chính trị và quân sự tại chỗ. Vậy, đó là lực lượng nào...? Lực lượng Phật giáo đông nhưng thiếu lãnh tụ, chia rẽ, qua nhiều lần thất bại không còn khả năng kích động quần chúng. Lực lượng Thiên chúa giáo thì các cha và tôi đã nắm vững. Đối với các đảng phái quốc gia thì cũng đã được mình ban phát cho nhiều, chưa thấy có tổ chức nào tỏ ra dám đối đầu với ta... Chỉ còn ngại số sĩ quan Đại Việt trong quân đội, và cánh Cần lao cũ của Nhu ẩn náu trong Thiên chúa giáo, nghe nói CIA đã nắm nhiều tên loại này. Những dư luận thất thiệt đều từ trong đám này mà ra. Dẹp được bọn đó thì sẽ yên!
- Anh tính dùng cách nào dẹp bọn chúng?
- Chuyện loại này cứ giao cho công an, tình báo điều tra, nếu thấy nghi vấn, ta tạm thời bắt giữ theo luật pháp thời chiến.
Thiệu băn khoăn:
- Bọn sĩ quan Đại Việt trong quân đội thì không khó, nhưng chỗ khó là bọn Cần lao gộc, tóm được chúng không dễ, vì chúng chui rúc sau lưng các cha.
- Nếu đã là việc an nguy của quốc gia, thì ta nhờ hẳn các cha giúp cho là xong.
Thiệu uống rượu nhiều và đàm đạo với Hai Long tới khuya. Cuối cùng, y vẫn phân vân không quyết điều gì.
Vài ngày sau, lại một tin đồn bay tới tai Thiệu: “Cần lao đã phục hồi sức mạnh từ sau vụ lật đổ Nguyễn Khánh năm 1965, thời cơ đã tới với Cần lao!”.
Thiệu vội vã mời Hai Long tới:
- Phải làm gấp thôi anh à!
- Anh chỉ cần gọi phụ trách đặc ủy Trung ương tình báo và giám đốc Tổng nha Cảnh sát tới, ra lệnh điều tra gấp những đối tượng đó, anh nào có nghi vấn là bắt giữ. Còn bọn ẩn nấp sau các cha, anh nên trực tiếp trao đổi với cha Nhuận, đề nghị các cha bàn với nhau, chỉ ra giúp đó là những tên nào...
Cha Nhuận hấp tấp tìm Hai Long
- Tổng thống nghi có những phần tử Đại Việt và Cần lao đang âm mưu làm đảo chính. Tổng thống đã trao cho Nguyễn Khắc Bình, phụ trách phủ đặc ủy Trung ương tình báo làm việc này. Tổng thống nói với mình, nhờ các cha tiếp tay cho, chỉ ra họ là những ai, để cứu nguy cho chế độ. Mình báo cáo với cha Hoàng. Cha bảo cứ trao đổi với thầy. Ta phải làm gì bây giờ?
Hai Long nghĩ xem vì sao Thiệu không trao việc này cho Trần Văn Hai ở Tổng nha Cảnh sát mà lại chỉ trao cho Nguyễn Khắc Bình. Anh cho rằng Thiệu sợ Hai làm hỏng việc, vì cả Hai và bọn Cần lao đều đã bị CIA nắm.
Anh trả lời cha Nhuận.
- Các cha Mỹ đã hứa với giáo hội Việt Nam là không để tái diễn cảnh ông Diệm trước đây với tổng thống. Việc này phải nhờ các cha Mỹ giúp. Vì chỉ CIA mới biết rõ những người đó là ai.
- Thầy ráng giúp tôi việc này.
Hai ngày sau, Hai Long dẫn Thắng tới gặp cha Nhuận.
- Đây là nhà ký giả Nhị Hà, người đã hoạt động từ lâu trong phong trào các tôn giáo ở Nam Việt Nam, đã từng làm bí thư cho ông Đỗ Mậu, các cha Mỹ giới thiệu tới để trả lời cha việc tổng thống nhờ bữa trước.
Cha Nhuận mừng rỡ vì đã biết Thắng từ lâu. Thắng có quan hệ với giáo dân Phát Diệm từ những năm đầu di cư vào Nam. Cha Lê, cha Hoàng, cha Nhuận đều biết anh. Cha Nhuận vội vàng đưa Thắng tới gặp Nguyễn Khắc Bình.
Thắng trình bày rõ ràng lai lịch từng đảng viên Cần lao đắc lực của Nhu, Cẩn, đã được CIA móc nối, tìm cách đưa ra khỏi nơi giam giữ, và đang dùng để kích động, gây rối loạn có hại cho chế độ Thiệu. Anh đề nghị nên bắt một số tên nguy hiểm nhất, trong đó có Dương Văn Hiếu và Tá Đen. Bình trao đổi với anh một hồi, rồi nói:
- Muốn bắt giữ những người này, chúng tôi cần được ngài cung cấp cho chứng cứ đầy đủ về hoạt động chống phá hiện hành của họ, đặc biệt là những bằng chứng cụ thể họ đang có âm mưu lật đổ chế độ.
- Để ngăn chặn một âm mưu, phải diệt từ khi còn trứng nước, làm sao có thể lấy ngay được đầy đủ bằng chứng cụ thể?
- Nhưng chánh quyền phải làm theo luật pháp, không thể vô cớ bắt người.
- Tôi được giáo hội trao nhiệm vụ tới cung cấp một số tình hình theo yêu cầu của tổng thống, còn giải quyết cách nào là tùy thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các ngài.
Thắng kiếu từ ra về.
Tin đảo chính ngày càng lan truyền mạnh mẽ, dồn dập bay tới tai Thiệu. Thiệu lại cầu cứu Hai Long.
Anh nói:
- Việc này giao cho công an, tình báo từ lâu mà họ vẫn chưa có hành động gì, hay là lại đồng lõa với bọn phá rối, cứ lơ đi để tổng thống ngồi mà lo! Cha Nhuận đã đưa người tới, chỉ rõ từng phần tử nghi vấn mà Nguyễn Khắc Bình không chịu bắt! Không bắt bọn đó thì làm sao tìm ra bọn chủ mưu đảo chính? Từ ngày thấy anh lo ngại nhiều, tôi đã lưu ý Bernard Trọng ở Washington, đồng thời tìm hiểu kỹ ở Tòa đại sứ Mỹ, với nhiều nguồn tin kết hợp lại, thấy hiện Mỹ chưa có chủ trương muốn thay thế tổng thống. Chỉ có bọn Đại Việt, Cần lao liên kết với nhau gây rối loạn, chẳng qua vì mưu tính quyền lợi cá nhân, toan đục nước béo cò. Có bắt bọn này thì cũng chỉ nhằm giữ an ninh xã hội, phòng ngừa trước những điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra cho tổng thống và chế độ. Đó là việc ông Nhu thường làm, mới duy trì được chế độ Diệm suốt 10 năm. Bắt rồi thả, thả nhưng khi cần lại bắt lại, thời chiến nước nào không phải làm như vậy. Giờ mình rụt rụt, rè rè, khác nào khuyến khích kẻ làm bậy. Nay họ còn tung tin, mai họ làm thật thì sao? Nước tới chân, nhảy làm sao kịp!
Thiệu đỏ mặt:
- Ta sẽ cho quét một mẻ lưới như Nhu làm đêm 28-8-63. Ngoài bọn Cần lao, Đại Việt, ta chộp thêm một vài tên đầu sỏ chính trị đối lập, là dẹp tan mọi mưu toan, mọi tin đồn đảo chánh ngay. Ông cố vấn soạn thảo giúp tôi một bài nói trên vô tuyến truyền hình sau cuộc vây quét, vừa trấn an dư luận, vừa cảnh cáo uy hiếp bọn mưu toan đảo chánh.
Hai Long điềm đạm nói:
- Làm lớn như vậy, tôi thấy chưa nên. Mỹ đang tập trung vào hai vấn đề lớn, là bầu cử tổng thống và hòa đàm ở Paris. Ta làm ồn ào, to chuyện, sẽ bất lợi cho tổng thống trước mắt người Mỹ. Chỉ cần bố phòng cẩn mật các nơi, bắt cho gọn, cho êm bọn mưu phản là đủ rồi.
Sau khi Hai Long ra khỏi, Thiệu cho gọi ngay Nguyễn Khắc Bình tới khiển trách, thét mắng một hồi.
4.
Ngày 18-10-1968, quân đội được đặt trong tình trạng báo động. Nhiều biện pháp tăng cường phòng thủ áp dụng tại Sài Gòn. Những đội pháo phòng không được bố trí trên nóc và chung quanh dinh Độc Lập. Nhiều người nhốn nháo tưởng lại sắp có một đợt Tổng tiến công lần thứ ba vào Sài Gòn.
Thiệu mời tướng Dương Văn Minh mới từ Thái Lan trở về, vào dinh hội kiến. Sau đó, Thiệu tiếp một số cựu tướng lĩnh và chính khách ở Sài Gòn. Giữa lúc đó, Thiệu cho bắt một số người theo danh sách của Đặc ủy tình báo.
Ngày hôm sau, Thiệu lên vô tuyến truyền hình phát biểu trấn an dư luận, kêu gọi mọi người bình tĩnh, chấm dứt những tin đồn nhảm về đảo chính, và tuyên bố, giải thích về trường hợp một số người bị bắt giữ vì lý do an ninh đang dược xét xử.
O’Connor tìm gặp Hai Long, hỏi:
- Có chuyện gì mà Thiệu động binh động tướng ầm ầm như vậy.
- Nhiều tin đồn sắp có đảo chính, Thiệu áp dụng những biện pháp phòng ngừa.
Ông linh mục lắc đầu:
- Lại ông già Bunker ở tòa Nhà Trắng đường Thống Nhất bày trò phù thủy! Bảo Thiệu cứ yên tâm, có gì đâu mà sợ cuồng quít lên như thế!
- Bunker bày trò đó làm gì?
- Johnson muốn Thiệu phải ngồi vào bàn thương thuyết với Mặt trận Giải phóng Miền Nam trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Ông già cho tung tin để dọa Thiệu.
---
[1] đa số của những thiểu số
[2] thủ đô Indonésia

Chương trước Chương sau