Ông cố vấn - Chương 43

Ông cố vấn - Chương 43

THƯƠNG LƯỢNG

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 78021 lượt xem

Trong phòng thẩm vấn có đủ mặt những tên Hai Long đã gặp ở đây từ buổi đầu. Cung - chủ nhiệm, Cò Nhi - trưởng ban thẩm vấn, Tư Thiên - đặc trách thẩm vấn Hai Long.
Những dụng cụ tra tấn đã được dọn đi. Trên chiếc bàn vuông, có thêm bộ đồ nước và bao thuốc lá.
Cung vẫn giữ thái độ lễ phép:
- Xin mời ông ngồi.
Y giấu kín vẻ hài lòng vì đã chứng minh được mình hơn bọn đàn em một cái đầu. Với loại đối tượng đặc biệt này đâu có phải cứ dùng biện pháp mạnh là đạt kết quả. Phải dùng đầu óc kia!
Hai khuỷu tay Hai Long cuốn đầy băng trắng. Dây treo đã nghiến nát khuỷu tay anh từ lâu. Chúng phải băng thật dầy để lấy chỗ treo. Khắp người anh đau nhừ và đang lên cơn sốt. Nhưng đầu óc anh hoàn toàn tỉnh táo. Anh bước vào một cuộc chơi mới. Những ngày qua, anh đã nhận thấy sự háu ăn của kẻ thù. Chúng vội vã lật ngửa hết mọi lá bài mong giành một kết quả chóng vánh. Chúng đã bối rối khi không đạt được ý muốn. Đó là cái yếu của chúng mà anh cần khai thác. Anh không dược phép sơ hở. Anh phải giành chủ động ngay từ khi vào cuộc.
Hai Long nhận chén trà nóng và điếu thuốc từ tay Cung. Không cần nhìn, anh cũng biết tất cả những cặp mắt của bọn chúng đang hau háu hướng về mình như những con thú đang rình mồi. Anh chậm rãi nhấp ngụm nước trà, hút vài hơi thuốc, rồi ôn tồn cất tiếng:
- Từ lâu, tôi biết sẽ có ngày gặp các ông, và tôi không hề có ý định né tránh. Để các ông không hiểu lầm là tôi phách lối, tôi cần nói rõ không phải chỉ vì CIA và nhân viên của các ông đã hoạt động quá lộ liễu, mà tôi còn được người Mỹ, các cha vô Phủ tổng thống nhiều lần trực tiếp cho tôi biết tin. Tôi đã biết người của mình bị chú ý khi liên hệ với phái viên từ mật khu vào. Tôi biết rõ những ai cung cấp cho CIA danh sách những người có quan hệ với mình. Các ông đã thấy họ đều bị ông Thiệu bắt lại hồi tháng 8 năm trước...
Hai Long ngừng lời chờ phản ứng của chúng. Nhưng cả bọn ngồi lặng thinh. Chúng không thể phủ nhận điều anh vừa nói.
Anh hút một hơi thuốc lá, rồi ung dung nói tiếp:
- Nhiều tháng nay, các ông đã cho người bám riết chúng tôi. Cách đây 4 tháng, phái viên của mật khu đã trở về căn cứ vì biết an toàn của mình bị đe dọa. Vài ba tháng nay, dự kiến của các ông định chộp bắt chúng tôi không còn bí mật gì! Ở Tòa đại sứ Mỹ, ở Phủ tổng thống, ở Bộ Tổng tham mưu... người ta đều đã nói: một tổ chức điệp báo của Bắc Việt đang nằm vùng trong Phủ tổng thống, và tôi là kẻ cầm đầu. Các cha còn đưa cả cho tôi một cuốn băng ghi âm, mà các ông đã đặt máy nghe trộm ở nhà người cộng tác với tôi. Nhân viên CIA đã trực tiếp lái xe theo tôi khi tôi vào nhà thờ Bình An. Tôi biết rất rõ là các ông sắp sập bẫy, và tôi sẵn sàng chờ đợi nếu các ông quyết định làm như vậy...
Cả bọn ngồi ngây người lắng nghe từng lời cửa anh. Chúng có vẻ hoang mang. Cung hỏi:
- Vì sao ông biết đã lộ rồi mà lại không chạy trốn?
- Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo đã sẵn sàng tử vì đạo cũng như vì lý tưởng đánh đuổi ngoại xâm, hòa bình thống nhất Tổ quốc. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách của Chúa không né tránh cũng không một tiếng kêu rên. Bữa nay, tôi trình bày mọi chuyện với các ông không phải vì e sợ những hành động bạo lực, cũng không phải vì nhưng lời khuyến dụ của các ông, mà vì tôi nhận thấy mình đã đi trọn 14 chặng đường Thánh giá của Chúa từ dinh Phi-la-tô đến đồi Gôn-gô-ta[1] là nơi Chúa bị đóng đinh trên giá Thập tự. Tôi không oán thán gì các ông, vì các ông chỉ là những công cụ của Chúa dùng để thử thách tôi. Tôi sẽ nói rõ với các ông tôi là ai, và tôi đã làm những việc gì để thực hiện lý tưởng thiêng liêng của mình.
Hai Long bắt đầu kể, anh xuất thân từ một gia đình đạo gốc, quê cha ở Thái Bình, quê mẹ ở Phát Diệm, đã biết giám mục Lê từ ngày còn nhỏ, thời thiếu niên học ở tu viện tại Hà Nội, gặp kháng chiến toàn quốc tại đây, anh tham gia chiến đấu rồi gia nhập quân đội cách mạng. Được giác ngộ lý tưởng chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm, anh trở thành đảng viên Cộng sản. Sau ngày ký Hiệp định Genève, anh được cử đi theo quân đội Pháp, theo dõi việc thi hành hiệp định. Quân Pháp rút về nước, anh sang Pháp một thời gian, mất liên lạc với miền Bắc, gia đình anh bơ vơ ở Sài Gòn, anh bỏ nước Pháp trở về. Phẫn nộ trước sự bất công của chính quyền Diệm đối với đồng bào Công giáo di cư, anh tới làm việc với giám mục Lê và cha Hoàng để phục hồi lực lượng tự vệ Phát Diệm, đối phó với sự đàn áp của chính quyền. Một cán bộ Bắc Việt hồi chánh tình cờ gặp anh, phát hiện anh trước đây là cán bộ Vệ quốc đoàn, nên anh bị bắt ra trại Tòa Khâm, Huế. Trong thời gian này, anh đã làm cho Ngô Đình Cẩn hiểu mình và trở thành người thân tín của Cẩn, rồi của Nhu, của Diệm. Anh thúc đẩy ba anh em Diệm nối lại hòa hiếu với cha Lê, cha Hoàng, đồng thời phò trợ chế độ Diệm đối phó với âm mưu xâm nhập và lật đổ của Mỹ. Sau ngày đảo chính, anh trở về với cha Hoàng chăm lo việc của giáo hội. Anh bắt đầu tiếp nhận được đường lối vận động cho hòa bình của Giáo hoàng Paul VI và hiểu sâu sắc thêm về giáo lý Ki-tô giáo. Anh nguyện dấn thân cho đường lối của Vatican II. Giữa lúc đó, Trung tâm tình báo Bắc Việt cử người tới bắt liên lạc với anh. Anh ra vùng tự do gặp anh Mười Hương và được trao nhiệm vụ. Đường lối đánh đuổi ngoại xâm, hòa bình thống nhất Tổ quốc rất phù hợp với lý tưởng của anh và của Vatican. Anh nhận lời làm việc cho Trung tâm. Anh có nhiệm vụ cung cấp những chủ trương chiến lược của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Tư (Năm Sang). Do nhiệm vụ phát triển, anh phải mở rộng các quan hệ. Anh đã móc nối với Thắng, với Ruật, là những người hợp với lý tưởng của mình mà anh quen biết từ ngày bị bắt ở trại Tòa Khâm. Phái viên từ mật khu vào gặp Thắng trực tiếp trao nhiệm vụ. Anh sử dụng danh nghĩa một lãnh tụ của Thiên chúa giáo, một cố vấn đặc biệt của tổng thống để vừa giúp đỡ Hòe và Trọng, vừa yêu cầu hai người làm một số việc mà mình cần. Họ chỉ biết anh là người của giáo hội và của tổng thống Thiệu. Giáo hoàng Paul VI, Đức Hồng y Pignedoli, Đức Khâm sứ Palmas luôn luôn chỉ đạo anh vận động cho đường lối hòa bình của Vatican đối với cuộc chiến ở Việt Nam...
Anh kể minh đã dựa vào đặc phái viên của tổng thống Johnson và Hồng y giáo chủ Spellman như thế nào để đưa Thiệu lên cầm quyền. Anh đã dùng cách nào nắm được những chủ trương chiến lược của Mỹ để báo cho Thiệu và giúp Thiệu củng cố địa vị của mình. Anh đã khai thác sự mâu thuẫn giữa ý đồ xâm lược của Mỹ với chủ trương vận động cho hòa bình của Vatican, những mâu thuẫn trong chính giới Mỹ để vận động cho hòa bình ở Việt Nam. Anh đã tổ chức cho Huỳnh Văn Trọng đi Mỹ để nắm tình hình chính trị ở Mỹ, tìm hiểu những ý đồ chiến lược mà quyết định những hành động. Khi thấy sự an toàn bị đe dọa, anh không chủ trương thủ tiêu những kẻ đã tố giác, vì một tín đồ Thiên chúa giáo không được phép nhúng tay vào máu, anh đã dùng chính bàn tay Thiệu đưa bọn này vào nhà giam, triệt tiêu một nguy cơ. Anh kể lại những cuộc chuyện trò riêng với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Huyền[2], và mình đã đề cử người giữ những chức vụ thủ tướng, bộ trưởng cầm đầu chính quyền, quân đội như thế nào, và hiện anh đang chuẩn bị ra làm lãnh tụ một đảng Công giáo lớn để đấu tranh cho đường lối vận động hòa bình của Giáo hoàng Paul VI...
Bọn chúng ngồi nghe anh say sưa, quên cả hận thù lúc tra tấn anh chết lên chết xuống.
Cò Nhi toét miệng cười:
- Một chuyện ly kỳ, hấp dẫn chưa từng có!
Tư Thiên lẩm bẩm:
- Nghe ông mà phát ớn xương sống!
Rồi hắn sầm mặt nói tiếp:
- Chỉ có mấy ông cũng đã phá nát cả chánh phủ Việt Nam cộng hòa chúng tôi, các ông chia nhau chi phối tổng thống, tội các ông phải xử thế nào cho đáng!
Hai Long nói:
- Làm chính trị thì đi ngược về xuôi, đi xuôi về ngược có gì là lạ!
Anh đã chắp nối tất cả những việc mà địch đã theo dõi có hệ thống, những chứng cớ chúng đã nắm được, vào một câu chuyện có mạch lạc với những dẫn chứng mà chúng không thể hoài nghi, đồng thời với những mẩu chuyện đánh vào sự tò mò của chúng.
Chúng ngồi im một lát chưa biết hỏi gì thêm. Rồi Cung băn khoăn:
- Tôi vẫn chưa hiểu vì sao các ông thấy lộ rồi mà không tìm cách rút lui?
- Tôi tin chắc là không phải chỉ có một số người hận thù mình mà lại không có những người yêu thương, bảo vệ! Ông Thiệu không dễ quên những gì tôi đã giúp đỡ ổng. Ổng cũng thừa biết tình hình chính trị đang biến chuyển, ổng rất cần tới tôi! Tôi đã cung cấp những tin tức chiến lược cho Mặt trận, nhưng tôi cống hiến cho giáo hội có ít đâu? Tổng thống Mỹ còn phải tìm mọi con đường để gặp được Hà Nội, Việt Nam cộng hòa cuối cùng đã phải ngồi nói chuyện với Việt Cộng ở Paris! Tôi vững tin vào đường lối mà tôi theo đuổi. Đường lối hòa bình thống nhất Tổ quốc Việt Nam đâu phải chỉ có Mặt trận Giải phóng chủ trương. Tòa thánh Vatican và Mỹ đều tán thành đường lối đó. Đa số giáo dân và nhân dân Việt Nam cũng vậy. Sẽ không ít người bào vệ tôi! Tòa thánh, Giáo hoàng, hàng triệu giáo dân và đồng bào, những nhà linh mục Mỹ chân chính, những bạn bè Mỹ sẽ đứng bên tôi. Tôi không nghĩ rằng cứ bị các ông bắt là mọi chuyện đã kết thúc.
- Ông thì như vậy, nhưng còn những ông kia?
- Họ ít nghĩ đến mối đe dọa hơn tôi. Bởi vì họ chỉ làm từng việc do tôi giao, và nhiều khi không biết đó là những công việc nguy hiểm. Các ông thử đặt vào địa vị của họ mà xem... Nếu giúp một việc gì đó cho cố vấn của tổng thống, một người được Hồng y Spellman tin
cậy, một tín đồ Thiên chúa giáo đã được Tòa thánh Vatican ban phép chết lành thì còn có điều chi phải lo ngại?
Tư Thiên nói:
- Ông cực kỳ nguy hiểm!
Cò Nhi hỏi:
- Thắng, Hòe, Ruật giữ những chức vụ gì?
Hai Long làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Tôi đã nói rồi. Anh Tư là cụm trưởng. Tôi là lưới trưởng trực tiếp với anh Tư. Những người khác là do tôi móc nối vì tôi thấy họ có những cương vị trong chính quyền, hoặc là tôi có thể sắp xếp họ vào một chức vụ trong chính quyền để đáp ứng những yêu cầu của tôi. Tôi không phải trả lương cho họ. Cùng lắm, họ chỉ có ý nghĩ tôi là một người có quan hệ với Mặt trận đang được tổng thống Thiệu sử dụng. Các ông còn chưa biết, chính ông Nhu và bà Xuân trước đây đã từng nói với tôi: “Bây giờ mà có sẵn người quan hệ với Mật trận thì rất hay?”. Hồi đó tiếc rằng tôi lại chưa có liên lạc với Mặt trận.
Y hỏi tiếp:
- Điện đài ông đặt ở đâu?
- Tôi không hề cần tới điện đài. Trung tâm có căn cứ ngay ở ngoại thành Sài Gòn. Mọi tin tức chuyển theo hộp thư có thể tới nơi trong vòng vài giờ. Dùng điện đài trong thành phố sẽ bị phát hiện ngay lập tức.
- Đường dây liên lạc của ông ra sao?
- Rất chặt chẽ. Thay đổi từng chuyến. Chúng tôi chỉ gặp nhau giữa đường và nhận ra nhau bằng tín hiệu. Tôi và người nhận thư đều không biết nhau là ai.
- Còn hộp thư cố định thì sao?
- Cũng vậy. Khi tới hộp thư nhận thư, tôi được báo hộp thư lần sau nằm ở đâu. Nếu có gì trắc trở ở đó, tôi sẽ nhận được tín hiệu báo động, và sẽ có hộp thư cố định dự bị thay thế.
Chúng không còn gì để hỏi thêm anh sau một ngày và một buổi tối nghe anh kể chuyện. Anh hiểu rằng các bạn đồng đội của mình cũng đã phải thực hiện phương án xấu nhất. Anh tưởng rằng mình đã đi trọn những chặng đường Thánh giá...
2.
Nhưng chỉ hai ngày sau, Hai Long lại bị gọi lên phòng thẩm vấn.
Lần này, ngồi ở vị trí hỏi cung, ngoài Cò Nhi, Tư Thiên, còn có một tên cố vấn người Mỹ với bộ ria vểnh lên và cặp mắt nhìn tinh quái.
- Chào ông Vũ Ngọc Nhạ, nhà tình báo lỗi lạc của Bắc Việt.
- Chào ông.
- Chúng tôi cảm ơn về những điều ông đã khai. Ông đang giúp chúng tôi kết thúc sớm vụ án. Tuy nhiên, còn một số vấn đề chúng tôi phải hỏi lại cho rõ.
Hai Long hiểu bữa nay tên Mỹ sẽ trực tiếp thẩm vấn mình.
- Tôi đã quyết định nói sự thật rồi thì tôi có thể trả lời ông những điều tôi biết.
Hắn mỉm cười có vẻ chế nhạo:
- Ông khôn ngoan lắm! Ông trình bày mọi việc với một logic chặt chẽ, không để lộ chút gì sơ hở. Nhưng trong nghề, chúng tôi cũng có những kinh nghiệm để hiểu con người và sự việc ông làm. Tôi lưu ý đòn ông đã phao tin đảo chính và xúi tổng thống Thiệu bắt tất cả những người uy hiếp an toàn của các ông. Những người đó đều là nhân viên của chúng tôi. Một đòn rất khéo. Nhưng ông đã phạm sai lầm kỹ thuật là đưa ông Thúy tới để bày mưu cho Đặc ủy trung ương tình báo bắt người của chúng tôi. Ông không biết là ông Thúy đã bị chúng tôi theo dõi từ lâu!
Hắn nói với vẻ cay cú.
- Ông hãy tự hào về thắng lợi của ông! - Hai Long trả lời lạnh lùng.
- Bây giờ còn vài điểm chưa rõ. Ông liên lạc với ông Mười Hương, đặc phái viên của Trung tâm như thế nào?
- Tôi chỉ gặp ông Hương một lần. Sau đó tôi làm việc với ông Tư.
- Những việc của một điệp viên chiến lược như ông không thể do một người như ông Tư chỉ đạo. Ông phải báo cáo trực tiếp và nhận chỉ thị trực tiếp của Trung tâm. Không thể tin rằng ông không có quan hệ thường xuyên và trực tiếp với Trung tâm hoặc ông Mười Hương.
- Tôi tin rằng chưa bao giờ điệp viên của ông báo cáo sự xuất hiện của ông Mười Hương ở Sài Gòn.
- Không nhất định là ông ta phải xuất hiện... Điện đài ông đặt tại đâu trong thành phố?
- Tôi đã nói rõ vì sao tôi không dùng điện đài. Vì không cần có nó, liên lạc của tôi với Trung tâm vẫn nhanh chóng. Ông lưu ý là chúng tôi đang hoạt động ngay trên đất nước của mình, giữa đồng bào của mình.
- Ông đừng coi tôi như một đứa trẻ ngây thơ. Không thể nào một tình báo viên chiến lược mà lại không có điện đài ở ngay bên cạnh! Tôi sẽ làm cho ông phải chỉ ra nó hiện ở đâu...
Con đường khổ nạn của Hai Long không phải chỉ có 14 chặng. Tên cố vấn Mỹ vì tự ái nghề nghiệp và căm anh đã xúi Thiệu bắt những nhân viên của nó, đã trực tiếp chỉ đạo Cò Nhi và Tư Thiên tiếp tục hành hạ, hủy hoại thân xác anh một cách cực kỳ dã man. Hai Long không còn gì để nói thêm. Ở phương án xấu nhất này, anh đã đi tới giới hạn. Anh cần phải bảo vệ bằng mọi giá những gì ít ỏi còn lại, để nếu không phải chính anh thì những đồng chí khác sẽ đi những bước tiếp.
Buổi tra tấn nhẹ đi rất nhiều nếu tên cố vấn Mỹ không trực tiếp có mặt.
Anh đã nhận được sự động viên ở ngay trong hàng ngũ những nhân viên của Tổng nha Cảnh sát.
Một nhân viên nói với anh:
- Ở ngoài, các cha khen phục ông lắm! Nhưng chúng tôi không hiểu sao ông lại bỏ Chúa đi theo Cộng sản vô thần?
- Tôi không bao giờ bỏ Chúa, nhưng tôi vẫn theo Cộng sản vì lý tưởng đấu tranh cho hòa bình, hòa hợp dân tộc của Cộng sản hiện nay phù hợp với lý tưởng của Chúa. Giáo hoàng Pôn VI đang nói những lời về Việt Nam như Việt Cộng nói.
Một nhân viên khác dẫn anh đi tắm, nói nhỏ vào tai:
- Các cha cho rằng ông đã bị CIA giết. Các cha đang cầu nguyện cho ông và làm rùm beng về việc ông bị Mỹ thủ tiêu.
Hai Long hiểu rằng cuộc đấu tranh để bảo vệ anh ở bên ngoài đã bắt đầu. Chúng sẽ không thể nào tra tấn anh đến chết.
Trận đòn thứ 32 với sự trực tiếp chứng kiến của tên cố vấn Mỹ là trận đòn tàn khốc nhất. Hai Long không hé răng nói một lời cho tới khi ngất lịm phải khiêng về nhà giam. Nhưng sau trận này, tên cố vấn Mỹ hết kiên nhẫn. Hắn bỏ cuộc.
Một buổi, Hai Long lên gặp Cò Nhi để hoàn chỉnh bản cung. Trước khi anh ra về, y tươi cười nhìn anh nói:
- Làm cái vụ này tôi cũng sởn tóc gáy! Ông hiểu cho, vì miếng cơm manh áo mà phải có hành động vô nhân đạo với ông. Nếu không vì mấy ông “xịa” o ép, chúng tôi chỉ làm chiếu lệ rồi kết thúc cho xong. Tôi rất sợ cái uy thế của ông! Báo chí làm dữ quá! Ông có muốn coi báo chí nói chi không?
- Khi tôi ở ngoài, báo chí là thức ăn hàng ngày. Thiếu cơm thì chịu chớ thiếu báo thì không chịu được!
- Vậy thì để tôi chuẩn bị. Khi nào phòng này không làm việc, sẽ mời ông lên coi.
Cò Nhi giữ lời hứa. Ngày hôm sau, hắn đã gọi anh lên.
Hắn bố trí anh ngồi ở một chiếc bàn khuất cửa ra vào. Trên mặt bàn đã đặt sẵn một tập các loại báo. Hắn đưa anh một tờ khai với những câu hỏi đã viết sẵn, rồi nói:
- Tôi phải tạm khóa chân ông vào chân bàn, lỡ ai gọi thì ông không phải ra mở cửa. Chân bị xiềng thì ra thế quái nào được!
Hắn nhoẻn miệng cười. Khi cười hắn cũng hiền lành như mọi con người.
- Hễ nghe có người gõ cửa thì ông đẩy những tờ báo về phía bàn tôi, và làm như đang ngồi viết cung.
Hắn để một mình Hai Long ở lại trong phòng. Tới bữa ăn, hắn quay lại mở cửa cho anh trở về nhà giam.
Sau hơn một tháng bị giam giữ, Hai Long lại có dịp biết về thế giới bên ngoài. Vụ bắt giam bọn anh đã làm chấn động dư luận báo chí, đặc biệt là những tờ báo chịu ảnh hưởng của Thiên chúa giáo, như tờ Hòa Bình của linh mục Trần Du, tờ Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, tờ Chính Luận của Đặng Văn Sung. Mọi người đều như bàng hoàng, ngơ ngác khi cùng một lúc cả cố vấn và phụ tá của tổng thống đều bị bắt vì tình nghi gián điệp.
Xã luận của tờ Xây Dựng ngày 31-7-1969 viết: “Có hai dư luận chính được đưa ra. Một dư luận đã được Pháp tấn xã phổ biến thành tin tức, nói rằng “vụ Huỳnh Văn Trọng chỉ là một “mission impossible”[3] theo kiểu đài truyền hình của quân đội Mỹ, nghĩa là một vụ tổng thống Thiệu trao sứ mệnh cho phụ tá của ông liên lạc mật với giặc để “thăm dò hòa bình”, nay lại tự tay ông phá vỡ để cảnh cáo những kẻ muốn đi quá xa... Một dư luận khác chỉ nêu lên khía cạnh khó hiểu của vấn đề. Thật là khó hiểu nếu nghĩ rằng việc bổ nhiệm người vào một chức vụ quan trọng như chức vụ phụ tá tổng thống (theo dư luận là đặc trách về chính trị, về tình báo, về chính trị đối ngoại) mà lại không có sự điều tra chu đáo?... Chót hết, đây là sự khó hiểu nhất: “Chính phú vừa tuyên bố là kiểm soát được 90% dân số”, vậy đây là một vụ kiểm soát lớn nhất hay đây chỉ là một điểm nhỏ bị bỏ sót?... Thành thử chưa thể nói chắc rằng dư luận nào đúng, đây quả là một chuyện dụng ý hay đây chỉ là một chuyện lỡ làng...”.
Báo Hòa Bình ngày 20-8 cũng đưa tin vụ Vũ Ngọc Nhạ là một “mission impoosible”.
Nhiều báo chí nêu lên những tin tức giật gân. Báo Xây Dựng đưa tin “Nhạ là phụ tá của giám mục Lê Hữu Từ, đã từng ra vào Bắc Bộ Phủ, đã từng vượt biển từ Kim Sơn, Ninh Bình ra Hải Phòng chở súng đạn về Phát Diệm cho cha Lê Hữu Từ và cha Hoàng Quỳnh chống Cộng. Báo Hòa Bình viết: “Vũ Ngọc Nhạ là một nhân vật ly kỳ, bí mật, Nhạ đã bị hành quyết, sẽ đăng chi tiết trong số báo ngày mai”. Có báo viết: “Nhạ cùng nhảy dù với đại tá Lưu Kim Cương, chỉ huy biệt kích tung ra miền Bắc”. v.v...
Qua báo chí, anh cũng hiểu vì sao lại có tin đồn mình đã bị “hành quyết”? Từ sau khi anh bị bắt, rất nhiều cha cố đến Tổng nha Cảnh sát đòi gặp anh. Trong lúc dư luận xôn xao, thì cuối tháng7, tờ Washington Post đưa tin đại tá Robert B. Rhesult, chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ mũ nồi xanh, bị cất chức vì liên quan đến vụ sát hại một nhân viên tình báo Việt Nam ở Nha Trang. Gần một tháng sau, báo chí Mỹ lại xôn xao về việc Bộ tư lệnh Mỹ loan tin bắt đại tá Rhesult cùng 2 thiếu tá, 2 đại úy, 2 sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt có liên quan tới vụ sát hại Thái Khắc Chuyên, một nhân viên tình báo Mỹ... Do sự trùng khớp về thời gian, nên nhiều người tưởng rằng Thái Khắc Chuyên chính là Vũ Ngọc Nhạ...
Một bữa Hai Long đang ngồi đọc báo say sưa thì Tư Thiên mở khóa bước vào. Y biết Cò Nhi đi vắng nên không gõ cửa. Y vào quá nhanh, Hai Long không kịp đẩy tập báo về phía bàn Cò Nhi.
Tư Thiên liếc nhìn, hiểu ra ngay Cò Nhi đã bày trò này. Nhưng y vui vẻ nói:
- Ông anh thấy báo chí làm vụ này có ghê không? Không riêng báo chí mà Phủ tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, ngay ở Tổng nha này, đâu đâu cũng rùm beng vì chuyện của ông anh. Tổng giám đốc của chúng tôi, và cả tổng thống nữa, cũng đang rất đau đầu. Chưa biết rồi nay mai ra tòa án, vụ này sẽ ra sao...
3.
Hồ sơ của Hai Long đã hoàn tất. Bọn thẩm vấn cho anh biết anh sẽ chuyển sang nhà lao chờ ngày xét xử.
Một hôm, tên gác nhà giam mở cửa, gọi anh ra cắt tóc.
Cắt tóc cho anh lần này là một người trung niên lạ mặt.
- Anh mới tới đây ư? - Hai Long hỏi.
- Tôi từ khám Chí Hòa chuyển sang.
- Sao đã vô Chí Hòa rồi lại còn phải qua đây.
- Vì tham gia vụ để tang Bác vừa rồi.
Hai Long sửng sốt:
- Để tang ai?
- Anh chưa hay tin ư...? Bác Hồ mất ngày 3 tháng 9 rồi!
Nước mắt anh ứa ra, rồi chảy ròng ròng. Người cắt tóc đang kể chuyện tù chính trị khám Chí Hòa tổ chức để tang Bác, thấy Hai Long khóc, cũng ngừng tay, dùng ống tay áo quệt nước mắt.
Những người con xa ở miền Nam không còn ngày gặp lại Bác nữa rồi! Anh bỗng cảm thấy mình có lỗi.
Bữa chiều hôm đó, anh không thể nào nuốt nổi chén cơm và miếng cá khô đắng ngắt của nhà tù. Đêm, anh nằm kiểm lại quá trình đấu tranh hơn một tháng từ ngày bị bắt. Chúng đã không lấy được một lời khai nào của anh về tổ chức của Trung tâm, về tổ chức tình báo ở miền Nam. Anh còn bảo vệ được một số hộp thư ở nội thành Sài Gòn. Chúng vẫn còn chưa biết gì về vợ anh Đà ở Bà Chiểu, hai chị em cô Hương bán hàng tạp hóa trước ty bưu điện Gia Định, chị Tám ở cầu Ba Càng, Chợ Lớn, chị Tư ở vựa củi Phú Nhuận, vợ chồng chị Lý ở khu Canh Nông Thị Nghè, cơ sở bình phong của anh Tư và chị Mười Thu. Anh vẫn còn vốn liếng. Cơ sở của anh chưa hoàn toàn tan vỡ hết...
Từng lúc nước mắt anh lại ứa ra. Mình sẽ phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm này? Mình phải làm gì xứng đáng để chịu tang Bác đây? Những căm thù lại trỗi lên nung nấu lòng anh.
4.
Hai Long không hiểu tại sao chúng vẫn chưa chuyển mình về nhà lao.
Ngày 6 tháng 9, một nhân viên Tổng nha xuống xà lim nói một cách lễ phép:
- Thưa ông, ông James, cố vấn của Tổng nha Cảnh sát đề nghị ông tới văn phòng gặp ổng. Ổng muốn thương lượng riêng với ông.
Vì sao tên cố vấn Mỹ lại phải cho báo trước nội dung cuộc gặp? Nó cần mình hiểu đây không phải là một lần thẩm vấn, tra tấn nữa ư? Nhưng thương lượng về chuyện gì? Mình có gì để buộc chúng phải thương lượng...? Hai Long tiếp tục tự hỏi trên đường đi gặp tên cố vấn.
James ngồi chờ ở văn phòng Tổng nha Cảnh sát. Hắn lịch sự mời anh ngồi, rồi nói:
- Toàn bộ lưới tình báo của ông đã bị phá vỡ. Nội vụ sẽ được đưa ra xét xử một ngày gần đây. Ông đã biết rõ luật pháp của nước Việt Nam cộng hòa trong trường hợp này?
- Tất nhiên. Tôi còn biết hơn thế, những người như chúng tôi đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
- Tôi đã đọc bản cung của ông. Tôi rất cảm phục tinh thần thẳng thắn của ông. Ông đã nhận mọi tội lỗi về phần mình.
- Vì thực tế là như vậy.
- Tôi biết ông có ý thức về mọi việc mình làm. Ông đã lượng định trước mọi hậu quả. Nhưng bữa nay tôi không có ý định mời ông tới để nói về tội trạng của ông, mà muốn cùng ông thương lượng.
- Về vấn đề gì?
- An ninh của cá nhân ông.
- Chắc rằng với một số điều kiện...
- Điều kiện rất đơn giản. Chúng tôi sẵn sàng trả tự do cho ông và tất cả những người có liên quan nếu ông chịu tuyên bố trong một cuộc họp báo, rằng ông là nhân viên của chúng tôi, nói cụ thể hơn, nhân viên của CIA, vì quyền lợi của phe nhóm mà có âm mưu lật đổ chính quyền, bị phát hiện, bị bắt giữ để điều tra... Tất nhiên là tại cuộc họp báo sẽ có đông đủ ký giả trong nước, nước ngoài và có nhiều hãng vô tuyến truyền hình. Họ có thể hỏi một số điều và ông sẽ sẵn sàng trả lời.
Hai Long ngồi lặng thinh chờ nghe hắn còn nói gì thêm.
James thấy anh chưa đáp lại, bèn giải thích:
- Ông đã biết vụ này gây nên dư luận quá ầm ĩ, chúng tôi muốn xếp lại thì cũng phải có một lý do nào thỏa đáng. Chúng tôi đã nhận trách nhiệm về phía mình. Làm như vậy không mất lòng phe phái nào. Còn một âm mưu đảo chính mới chỉ nằm trong ý định thì với nước Việt Nam cộng hòa này không có gì lớn. Chính quyền đã tha bổng cho nhiều người đã mưu toan chuyện đó. Tôi bảo đảm là sau cuộc họp báo, ông và các bạn sẽ được trả lại tự do.
Hai Long hỏi lại:
- Ông nói làm như vậy không mất lòng phe phái nào, vậy đối với Thiên chúa giáo thì sao?
- Ông sẽ không cần nêu phe nhóm nào cụ thể, kể cả khi trả lời câu hỏi của các nhà báo. Tôi hiểu rằng ngoài Thiên chúa giáo, ông còn có rất nhiều quan hệ khác, với Mặt trận Giải phóng chẳng hạn... và với cả chúng tôi. Tôi nghĩ một lởi tuyên bố như vậy sẽ không mất lòng ai.
Những ý nghĩ lướt nhanh trong óc Hai Long. Chúng muốn dẹp vụ này vì việc đưa ra xét xử công khai sẽ gây phiền toái cho nhiều thế lực chính trị ở miền Nam, trước tiên là cho Mỹ và cho Thiệu. CIA sẽ đề cao danh tiếng của mình nếu anh tự nhận là nhân viên của chúng. Thiệu cũng sẽ đẹp mặt vì đã phát hiện ra một âm mưu lật đổ. Cũng bằng việc này, chúng sẽ vô hiệu hóa anh, anh không còn vị trí gì trong Thiên chúa giáo. Đối với cách mạng, anh cũng sẽ trở thành một kẻ phản bội! Và khi đã thả anh ra rồi, chúng vẫn có thể thủ tiêu anh, hoặc chí ít, chúng sẽ bắt lại anh khi anh không còn ai bảo vệ...
Hai Long nói:
- Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo, tôi trung thành với tôn giáo của mình, trung thành với đường lối của giáo hội La Mã. Tôi nhận lời cộng tác với phía bên kia vì đường lối của họ phù hợp với đường lối của Vatican, của Giáo hoàng Paul VI mà tôi hằng ngưỡng mộ. Tôi không thể có một lời tuyên bố phản lại lý tưởng của mình. Tôi đã bị các ông bắt, tôi yêu cầu được đưa ra xét xử công khai.
James vẫn cố chèo kéo:
- Tôi mong ông nhận thấy đây là một giải pháp rất tốt trong tình thế cực kỳ khó khăn của ông. Tôi không có ý định yêu cầu ông phải trả lời ngay bây giờ. Tôi xin dành cho ông một vài ngày suy nghĩ. Ông sẽ trả lời tôi sau. Khi đó chúng ta sẽ bàn kế hoạch cụ thể. Ông có thể nhận được lời cam kết của chúng tôi trước khi hành động nếu ông xét thấy chưa đủ tin.
- Tôi không có câu trả lời nào khác. Mong các ông đưa chúng tôi ra xét xử sớm.
Trước khi Hai Long ra về, James còn níu thêm:
- Tôi vẫn giữ lời đề nghị này nếu ông nghĩ lại và chấp thuận.
---
[1] Golgotha
[2] Chủ tịch Hạ viện
[3] sứ mạng bất khả thi

Chương trước Chương sau