Ông cố vấn - Chương 47

Ông cố vấn - Chương 47

LINH MỤC GIẢI PHÓNG

Ngày đăng
Tổng cộng 49 hồi
Đánh giá 10/10 với 78144 lượt xem

Viên phó quản đốc khám Chí Hòa tiếp Hai Long và Trọng một cách niềm nở.
- Được điện từ ngoài đảo báo hai ông sẽ về chuyến này, ban quản đốc khám bân bố trí hai ông ở khu AB là nơi dành riêng cho ngoại kiều, các tướng tá và những nhà chính trị quốc gia. Thiếu tá Đỗ Cao Đẳng, cháu ruột của trung tướng Đỗ Cao Trí xin được đón hai ông về phòng mình. Phòng của thiếu tá Đẳng có tiện nghi đầy đủ nhất khám Chí Hòa... Các ổng bên đó đang chờ đón hai ông.
Thiếu tá Đẳng bị bắt về tội buôn dollar. Đẳng thuộc loại ăn chơi cự phách ở Sài Gòn. Đẳng tới ban quản đốc đón và dẫn hai người về phòng mình.
Mặc dù đã được báo trước, nhưng Hai Long và Trọng vẫn ngạc nhiên khi nhìn những tiện nghi trong căn phòng. Ngoài giường nệm, bàn làm việc, bàn tiếp khách, bàn đọc sách, còn có quạt máy, tủ lạnh, TV, cát-xét và máy chiếu phim cỡ nhỏ. Đẳng đã tự mua sắm tất cả những thứ này. Một vài thứ, luật nhà lao cấm dùng. Nhưng khu AB là đất cấm. Khi nào có các phái đoàn tới thăm thì bọn tay chân của Đẳng cất giấu những thứ đó sang một chỗ khác, lát sau lại đưa về. Đẳng thường tiếp các cô tình nhân ở đây. Cứ đến tối thứ bảy, hai cô vợ của Đẳng lại luân phiên nhau đem ô tô tới rước Đẳng về nhà, gần sáng mới đem trả lại khám.
Hai người vừa uống cạn ly bia lạnh thì khách tấp nập kéo tới. Đó là những tướng tá, bộ trưởng, dân biểu bị án tù. Có chuẩn tướng Vũ Văn Giai, bị kết tội phản chiến, đào ngũ tại mặt trận Quảng Trị hồi 1972, trung tá Marcel Nguyễn Văn Minh, con trai cựu thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, can tội hành hung cố vấn Mỹ, Nguyễn Anh Tuấn, nguyên bộ trưởng Tài chính, luật sư Nguyễn Long, nhóm Tín Nghĩa ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, đại tá hải quân Thăng, trung tá Vọng, nguyên tỉnh trưởng tỉnh Bình Định...
Người tù ở khu AB gọi nhau theo chức vụ cũ, đối xử với nhau theo tôn ti đàng hoàng. Hai Long được gọi là “ông Cố vấn”, Trọng là “ông Phụ tá” hoặc “ông Bộ”, vì chức vụ phụ tá tổng thống của Trọng ngang hàng với chức bộ trưởng.
Đẳng và Marcel Minh bàn nhau tổ chức ngay một cuộc liên hoan mừng hai người trở về, có sự tham gia của chánh, phó quản đốc khám Chí Hòa, chuẩn tướng Giai, đại tá Thăng, trung tá Minh, nhà tư bản kếch sù Nguyễn Tấn Đời và dân biểu X.
Marcel Minh nói:
- Mọi người đều cho rằng ông Cố vấn và ông Phụ tá được chuyển về Sài Gòn là một biến cố rất quan trọng có liên quan tới chính phủ ba thành phần nay mai. Chúng tôi nhận thấy ông Cố vấn đang ở vào một thế mạnh hiếm có hiện nay, mong nhờ cậy ông sẽ cứu giúp chúng tôi trong tư thế mới của mình.
Tướng Giai trong đà hưng phấn đứng dậy:
- Nhân danh chuẩn tướng sư trưởng sư đoàn 3, tôi trao nhiệm vụ cho thiếu tá Đẳng làm sĩ quan giao tế, trung tá Minh làm sĩ quan cận vệ cho ông Cố vấn đặc biệt của tổng thống.
Đẳng và Marcel Minh cùng đứng phắt dậy:
- Tuân lệnh!
Một tràng vỗ tay vui vẻ.
Tướng Giai hỏi:
- Xin ông cố vấn cho biết: nếu được trao trả tự do thì ông cố vấn sẽ về đâu?
- Lộc Ninh, Paris hoặc Roma chứ không phải Sài Gòn.
Mọi người đều có vẻ ngơ ngác
Đại tá Thăng nói:
- Ông cố vấn dù có ở đâu thì chúng tôi cũng thiết tha đề nghị nhớ tới những em út ở đây, tìm cách móc chúng tôi ra để cùng góp công sức hoạt động cho lực lượng thứ ba...
Hai Long và Trọng tranh thủ báo tin cho gia đình tới thăm, để công khai hóa việc họ đã trở về Sài Gòn, đồng thời báo tin cho cha Hoàng và các cha Chân Tín, Nhuận, Lãm... ngăn chặn âm mưu địch đưa họ sang CIA, hoặc chuyển qua một trại giam khác. Hai Long cũng bàn với Đẳng và Minh kế hoạch thông báo kịp thời cho các cha trước khi địch kịp làm thủ tục chuyển họ tới bất cứ một nơi nào. Hai người sẽ đấu tranh kiên quyết đòi được ở lại khám Chí Hòa trước khi trao trả.
Ngày 6-5, vợ con Hai Long và vợ con Trọng vào thăm chồng.
Chị Hai vui vẻ kể chuyện:
- Từ hôm anh về, bọn công an bố trí gác mật các ngả đường. Em và con Liên ra chợ, tới trường, đi bất cứ đâu cũng có người bám theo. Bé Liên thấy chúng theo quá quen mặt, nói với chúng: “Các chú ngồi Hon-đa cả ngày làm chi cho mệt xác!”. Chúng cười, tăng tốc vọt lên, rồi chờ ở ngã tư, hai mẹ con đi qua lại tiếp tục bám theo. Bé Liên nói đùa: “Tôi có bồ rồi, mấy anh theo tôi hoài, bồ của tôi biết thì buồn tôi lắm đó!”. Vừa rồi, chúng theo em và con tới khám dường, nói nhỏ với người ở trong này chắc là để bảo theo dõi tiếp.
Marcel Minh nói:
- Tôi sẽ chỉ mấy thằng chó đẻ đó cho ông cố vấn biết hết mặt.
Lời của tướng Giai bữa trước tưởng như nói vui, không ngờ thành sự thật. Marcel Minh luôn luôn bám theo Hai Long với ý thức và trách nhiệm của một sĩ quan cận vệ. Anh có cảm giác nếu kẻ nào đe dọa an ninh của mình thì viên trung tá sẽ xả thân bảo vệ. Với thân hình cao to như Minh Lớn, có mặt ở nhà tù vị tội hành hung có vấn Mỹ, Marcel Minh ở bên Hai Long đã làm cho bọn mật vụ phải nể sợ. Thiếu tá Đẳng đã làm nhiệm vụ sĩ quan giao tế một cách cực kỳ chu đáo. Người tới thăm Hai Long rất đông. Đẳng phải bố trí lịch cho anh tiếp khách. Lần lượt cha Hoàng, cha Nhuận, cha Lãm, cha Phan Thu, cha Trần Ngọc Thảo, cha Trần Ngọc Thụ, bí thư của Tòa Khâm sứ hàng ngày tới khám đường gặp Hai Long. Có lúc xe hơi của những người tới thăm anh để thành hàng bốn, năm chiếc trước cổng khám. Những cán bộ cao cấp ở nhà tù, khi có bạn đồng liêu, đồng cấp tới thăm, cũng mời Hai Long tới nói chuyện như một lãnh tụ Thiên chúa giáo hoặc một người cầm đầu lực lượng thứ ba.
Những người sốt sắng đón tiếp anh từ khi mới đặt chân trở về khám đường, không khỏi tự hào mình đã không lầm.
Hai Long thường nói với mọi người:
- Tôi không hề mưu tính danh lợi mà đã từ bỏ chức vị cao sang, quên thân xác mình để phục vụ cho giáo hội, chịu tù đày tra tấn vì giáo hội, là kẻ đi bước trước theo ý Chúa và tuân theo lời phán dạy của Giáo hoàng Pôn VI, ai ủng hộ tôi tức là cùng tôi thực hiện đường lối của tòa thánh Va-ti-căng.
Nguyễn Tấn Đời, Nguyễn Anh Tuấn gọi khu AB là trụ sở của lực lượng thứ ba. Tướng Giai, đại tá Thăng gọi khu AB là Chiến khu bất khả xâm phạm của lực lượng thứ ba.
Đầu tháng 7-1973, Tổng giám mục Hussler, phụ trách CARITAS[1] ở Tây Đức vào thăm Hai Long. Sau khi chuyện trò, ông cho biết mình sắp tới gặp Thiệu, sẽ can thiệp với Thiệu để Hai Long ở lại Sài Gòn. Anh từ chối, nói nếu như vậy không thuận lợi cho việc thực hiện đường lối của Giáo hoàng Paul VI, hẹn sẽ gặp lại Tổng giám mục ở Paris hoặc Born.
Hai Long lại viết thư cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, nhắc nhở ông mạch dạn ủng hộ lực lượng thứ ba, và tích cực hành động cho đường lối hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng cách đưa giáo hội tách khỏi vòng lệ thuộc vào đường lối chính trị của Mỹ - Thiệu. Anh kịch liệt phê phán Thiệu là một tín đồ không nghe lời giáo hội thực hiện đường lối hòa hợp dân tộc, cứ tiếp tục chống đối lực lượng thứ ba, cứ hẹp hòi, thiển cận, tự cô lập mình, gây ảnh hưởng không tốt đẹp cho giáo hội vào giai đoạn sau Hiệp định Paris...
Cha Hoàng đọc lá thư này trước khi anh gửi đi, tỏ vẻ rất tâm đắc. Ông nói:
- Giáo hội sắp tới lúc buộc phải gạt bỏ con bài Nguyễn Văn Thiệu đã lỗi thời, nếu không muốn chìm tàu cùng với Thiệu!
Ông tiếp tục khuyên Hai Long nên ở lại Sài Gòn, và nói đó cũng là ý muốn của Tòa Khâm sứ và Tòa Tổng giám mục. Ông tin rằng sẽ giải quyết dễ dàng với Thiệu và Khiêm chuyện này. Hai Long viết thư cho cha Nguyễn Văn Bình và Hồng y Pignedoli trình bày những lý lẽ là nếu mình ở Roma, Paris hay Lộc Ninh thì sẽ hoạt động có hiệu quả hơn cho lực lượng thứ ba. Cha Hoàng đều đọc những thư này. Và cuối cùng, ông cũng đồng ý
với anh.
Suốt 2 tháng ở khám Chí Hòa, Hai Long thấy địch chưa có hành động gì đặc biệt đối với mình ngoài việc cho mật vụ bám riết anh và những người trong gia đình. Dường như thực tế tình hình không cho phép chúng có những hành động thô bạo đối với anh. Nhưng chúng không thể để kéo dài tình trạng này. Khám đường Chí Hòa đã trở thành một ổ chống đối nguy hiểm đối với chính quyền Thiệu. Vậy chúng có thể đưa anh đi đâu? Những người tình báo chiến lược như anh không dễ gì được chúng trao trả. Nhưng chúng cũng có thể phải trao trả anh cùng với những người đầu tiên, vì chúng cần đẩy anh xa Sài Gòn. Anh đang khao khát ngày đó. Ngày được thở hít bầu không khí tự do sau 4 năm bị giam cầm, sau 19 năm nằm sâu trong lòng địch. Anh muốn được nhìn thấy dải đất yên lành, bầu trời xanh trong của vùng giải phóng trong những ngày hòa bình dầu tiên. Và cần hơn cả, anh muốn gặp lại tổ chức. Việc đó ở đây lúc này, hầu như không thể làm được. Bọn mật vụ theo dõi anh và gia đình quá sít sao. Anh không muốn lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Tú Uyên không hề xuất hiện lại sau buổi gặp anh trước ngày xử án. Anh đã chú ý thử tìm chị trong suốt phiên tòa. Anh cũng có ý chờ chị trong những ngày về đây. Có thể chị cảm thấy nguy hiểm. Sự im lặng của chị làm tăng lên trong anh ý nghĩ có thể chị đã trở thành một cơ sở của ta?... Anh rất cần nhận những chỉ thị mới của tổ chức. Anh tin rằng mình đã chuẩn bị khá chu đáo cho một chặng đường chiến đấu mới.
Mặc dù anh đã chuẩn bị tư tưởng cho ngày đó, nhưng nó vẫn tới rất bất ngờ.
Một buổi sáng hạ tuần tháng 7, mấy tên cảnh sát từ bộ Nội vụ tới, đưa giấy tờ nói anh nằm trong danh sách tù chính trị được trao trả về Lộc Ninh đợt này. Chúng hối thúc anh hoàn tất nhanh chóng mọi thủ tục ở khám đường rồi ra xe. Cũng như khi rời Côn Đảo, anh không có cả thời giờ để bắt tay từ biệt mọi người.
2.
Chiều 23-7, máy bay hạ cánh xuống Lộc Ninh. Xe ô tô Ban đón tiếp của Miền đưa những người được trao trả về trụ sở ở Lộc Tấn.
Sau bữa cơm chiều, buổi tối, các đồng chí trong ban tổ chức Trung ương Cục, đại diện chính quyền và Mặt trận Miền gặp mặt những người mới trở về.
Người anh lâng lâng. Hai chục năm rồi anh mới lại được ngồi trong một cuộc họp giữa những người đồng chí đông đúc. Một cuộc họp trong gian phòng chan hòa ánh điện, không sợ tiếng máy bay, không lo bị tập kích bất ngờ. Nếu trong những năm qua anh chỉ mơ ước được sống một ngày hoàn toàn tự do thì ngày đó đã tới.
Sau lời chào mừng những người đi chiến đấu mới trở về của đại diện chính quyền và Mặt trận, một đồng chí trong Ban Liên hiệp bốn bên hỏi:
- Trong danh sách trao trả của Sài Gòn hôm nay, có một vị linh mục Giải phóng, xin cho biết là vị nào?
Mọi người nhìn nhau. Hai Long hơi ngỡ ngàng giây lát. Chúng đã không dám gọi anh bằng cái tội chúng đã quy kết cho anh tại phiên tòa! Anh đứng dậy, đáp:
- Thưa, tôi ạ.
Những cặp mắt đều dồn về phía anh. Có những người hơi mỉm cười. Nhưng không một ai cười thành tiếng. Những người mà Sài Gòn trao trả không phải đều là cán bộ của ta, mà có cả những vị linh mục, những nhà sư thật sự, bị coi là lực lượng thứ ba.
Đồng chí trong Ban liên hiệp nói tiếp:
- Lát nữa mời “vị” về nghỉ với chúng tôi trong khu nhà xứ.
Phòng làm việc của Ban liên hiệp được bố trí ngay tại khu nhà xứ nhà thờ Lộc Tấn. Về tới nơi, qua thái độ của Hai Long, đồng chí trong Ban liên hiệp chuyển cách xưng hô:
- Chúng tôi đã thông báo với nhà thờ bữa nay có anh trở về... Cha xứ ở đây mới đi Sài Gòn. Các dì phước đã nhận lời đón anh về nghỉ bên đó.
Hai Long nói:
- Mỗi nhà thờ đều có một cha sở quản lý, nay cha sở đi vắng thì phải chờ ông về.
- Nếu vậy thì anh nghỉ tại căn phòng cạnh nơi làm việc của chúng tôi.
Hai Long đang ngồi uống nước thì mấy dì phước tới. Một dì nói:
- Trình ông đại diện, chúng tôi tới đón cha về. Nhà thờ đã chuẩn bị sẵn sàng để đón cha.
Đồng chí đại diện Ban liên hiệp hướng về Hai Long:
- Cha về đây rồi.
Mấy dì phước cung kính chắp tay:
- Lạy cha ạ! Mời cha về với chúng con.
Hai Long nói:
- Tôi được biết cha sở hiện thời đi vắng.
Một dì phước đứng tuổi nói:
- Con được cha sở trao cho quản lý nhà thờ. Mời cha sang ở phòng cha xứ cho chúng con được chăm sóc, vì chúng con biết cha mới từ Côn Đảo trở về, cha bị tù đầy ngoài đó đã lâu ngày. Nếu không đón được cha, khi cha xứ về, chúng con sẽ bị quở trách.
Hai Long nói:
- Các con cứ yên tâm, sức khỏe của cha không đến nỗi nào. Chờ khi cha sở về, cha sẽ sang cũng chưa muộn. Cha không muốn các con vì cha mà vi phạm luật lệ của nhà thờ, vì phải cha sở mới có quyền quyết định.
Các dì phước đành phải ra về.
Anh đã đứng trên miền đất tự do của Tổ quốc. Những đe dọa đối với an toàn của anh đã lùi xa. Lúc này không còn phải lo những tên mật vụ của Thiệu, của CIA. Nhưng anh vẫn chưa hoàn toàn tự do. Không hiểu sao chế độ Sài Gòn khi trao trả đã khoác cho anh bộ áo linh mục? Và có lẽ anh cứ phải tạm giữ chiếc áo này cho tới khi gặp lại tổ chức. Anh chợt hiểu rằng chừng nào cuộc đấu tranh này chưa kết thúc thì anh chưa thể trở về với cuộc sống của một người dân bình thường.
Sáng hôm sau, cánh cửa phòng ngủ của Hai Long ở nhà xứ chợt mở. Một người lao vào ôm chầm lấy anh. Đồng chí Ba Vân!
Họ buông nhau ra, rồi lại tiếp tục nhìn ngắm nhau hồi lâu. Cả hai đều cả cảm thấy có cái gì cay cay nơi khóe mắt. Đã gần 6 năm qua. Một khoảng thời gian dài khủng khiếp. Vừng trán rộng của anh Ba cao gấp rưỡi. Anh đã hói nhiều. Chỉ còn riêng nụ cười là vẫn trẻ.
- Mình vẫn tín sẽ gặp lại cậu - Ba Vân nói – nhưng không nghĩ là ngày hôm nay... Hồi đó mình không hiểu tại sao các cậu lại đề nghị cho tiếp tục ở lại? Tin cậu bị bắt tới giữa lúc mình nằm điều trị ở Viện, hôm sau mình chảy máu dạ dày.
- Chúng tôi không muốn bỏ dở công tác nửa chừng, và tin rằng sẽ được giáo hội và giáo dân bảo vệ. Không ngờ mấy tên CIA ở Sài Gòn làm quá! Khi chúng muốn sửa thì mọi chuyện đã lỡ rồi.
- Liệu anh em ta có được chúng trao trả hết không?
- Tôi nghĩ là không. Chúng định đưa tôi và anh Trọng về Sài Gòn để trao cho CIA. Nhưng hằng ngày các cha và những nhân vật thuộc lực lượng thứ ba kéo tới thăm quá đông, chúng đành đẩy vội tôi về đây.
- Từ ngày về Sài Gòn đã gặp lại chị và các cháu chưa?
- Nhà tôi và các cháu đã vô khám thăm ngay sau khi tôi về.
- Cuộc sống của chị và các cháu ra sao?
- Nhờ bà con đùm bọc cũng không đến nỗi nào.
- Tôi nghĩ đã tới lúc báo tin với gia đình cậu ở ngoài Bắc... Việc này để bọn mình lo.
Họ tiếp tục chuyện trò với nhau suốt một ngày. Ba Vân rất mừng rỡ khi thấy anh vẫn còn đầy đủ những điều kiện để tiếp tục công tác. Anh phải làm ngay một báo cáo gửi gấp về Trung tâm. Trong khi chờ đợi quyết định về công tác mới, anh hãy tiếp tục vai trò “linh mục Giải phóng” để tuyên truyền, giải thích chính sách tín ngưỡng của Mặt trận và đường lối đấu tranh cho hòa bình, hòa hợp và hòa giải dân tộc của Vatican với giáo dân quanh vùng Lộc Tấn.
Hai Long tìm hiểu biết cha xứ ở Lộc Tấn là một linh mục người Pháp, tên là Witt, giáo dân trong vùng thường gọi là cha Uých. Ông đang xin phép chính quyền và Mặt trận cho trở về Pháp vì đã ở Việt Nam đã lâu ngày. Mấy bữa nay ông đi Sài Gòn để làm các thủ tục.
Tối thứ bảy, cha Uých từ Sài Gòn trở về Lộc Tấn. Ngay sáng hôm sau, ông cho dì phước tới mời Hai Long sang nhà thờ. Ông linh mục tiếp Hai Long ở phòng áo, tỏ vẻ mừng rỡ. Sau đôi lời hàn huyên, ông nói:
- Sắp tới giờ làm lễ, cha là cha khách, xin mời cha mặc áo ra làm lễ sáng nay cho giáo dân gặp mặt. Các dì phước nói ai cũng muốn được biết mặt và nghe cha Giải phóng giảng đạo Chúa.
Cha Uých có nhã ý muốn cho Hai Long được hưởng món tiền “xin lễ” của bển đạo để chi dùng sau khi ở nhà tù ra.
Hai Long nhận lời. Nhưng tới khi mặc áo thì thấy áo quá dài và quá rộng. Anh đành trao lại áo cho cha Uých và nhận làm phụ lễ, đọc kinh giảng trước bàn thờ.
Trước giờ làm lễ, cha Uých nói nhỏ với anh:
- Tôi phải rất khôn lanh, tỏ ra giác ngộ cách mạng, phục tùng pháp luật của chính quyền Giải phóng. Mình cứ lịch sự, lễ phép và tỏ ra biết điều với cán bộ giải phóng là được mọi sự dễ dàng thôi. Cộng sản nhất định thắng, Thiệu và Mỹ không thể trở lại vùng này. Tôi đã xin họ cho quay lại Sài Gòn để chuẩn bị trở về Pháp. Cha nên thuận chiều với họ mà ở lại làm lễ cho mấy nhà thờ quanh vùng này. Tín đồ ở đây khá đông và không nghèo lắm, cha sẽ đủ sống qua ngày mà làm nhiệm vụ linh mục.
Sau buổi lễ, cha Uých mời Hai Long cùng dùng bữa trưa. Mấy dì phước làm cơm rất ngon để mừng hai cha. Ông Uých chuyện trò cởi mở. Ông khen cán bộ giải phóng tới tiếp xúc với mình đều là những người trí thức, lịch thiệp, nói tiếng Pháp thạo. Chính quyền mới tỏ ra khoan dung, biết tôn trọng tín ngưỡng. Những cán bộ nói với ông nếu cần gì thì cử thành thật trình bày. Họ thường giúp đỡ phương tiện xe cộ, xăng dầu cho ông đi làm lễ những khi trời mưa gió. Ông khuyên anh nên ở lại đây, còn mình nhất định phải về Pháp để sống với một bà chị góa chồng từ lâu đã mong đợi ông. Ông cho Hai Long địa chỉ, dặn khi có đi qua Pháp thế nào cũng tới thăm mình.
Cha Uých trở về ngay Sài Gòn. Hai Long bắt đầu chính thức thay ông làm lễ, làm các phép thánh cho tín đồ. Anh tiếp xúc với giáo dân và các dì phước quanh vùng Lộc Tấn, giáo dục, động viên họ yên tâm làm ăn sinh sống trong vùng giải phóng.
Nhưng chỉ một tuần sau, Hai Long đã được đón về trại 7 dành riêng cho những người thuộc lực lượng thứ ba. Bản báo cáo của anh đã được chuyển tới Miền. Trong trại có dãy nhà của sinh viên, trí thức, có cả Niệm Phật đường dành cho các nhà sư. Mỗi sáng chủ nhật, lại có xe tới đón Hai Long đi làm lễ tại nhà thờ.
Tháng 7, Thắng được trao trả về Lộc Ninh. Anh được biết tin Hòe vẫn bị giam cấm cố ở Côn Đảo, Trọng bị đưa khỏi khám Chí Hòa về cầm giữ tại tiểu khu Hậu Nghĩa.
3.
Những tháng cuối năm 1973, Hai Long trở về làm việc tại Phòng 2 của Miền. Anh hiểu rằng mọi thủ tục kiểm tra của tổ chức đối với một cán bộ tình báo chiến lược hoạt động sâu trong lòng địch, bị bắt suốt 4 năm, do địch trao trả, đã được hoàn tất một cách nhanh chóng nhất.
Anh nhận được rất nhiều yêu cầu báo cáo của Trung tâm cũng như những cơ quan lãnh đạo của Đảng về tình hình ngụy quân, ngụy quyền, tình hình chính trị ở Sài Gòn, tình hình các tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo. Thời gian viết báo cáo, những cuộc gặp gỡ báo cáo trực tiếp với những đồng chí lãnh đạo đã chiếm gần hết quý I năm 1974. Nhiệm vụ mới của anh vẫn chưa rõ ràng. Lúc đầu, trên dự định để anh đứng trong lực lượng thứ ba và sẽ tham gia chính phủ ba thành phần. Nhưng khả năng thành lập một chính phủ liên hiệp ở miền Nam ngày càng ít. Nixon lại được tái cử một nhiệm kỳ nữa. Với sự tiếp tục có mặt của Nixon ở Nhà Trắng, Thiệu công khai phá hoại Hiệp định Paris, chống lại đường lối hòa giải và hòa hợp dân tộc. Y thúc đẩy quân ngụy liên tiếp mở những cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Tiếng súng lại tiếp tục nổ trên khắp miền Nam. Hòa bình lâu dài của nhân dân ta chỉ có thể có được với quyết tâm chiến đấu xóa bỏ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn đất nước.
Đầu tháng 4-1974, nhiệm vụ của Hai Long được xác định với việc thành lập một cụm tình báo chiến lược. mới do anh làm cụm trưởng kiêm bí thư chi bộ. Trung tâm quyết định cho Hai Long trở lại hoạt động hợp pháp, dựa vào cương vị đã có trong Thiên chúa giáo, xây dựng lực lượng thứ ba, đưa người vào nội bộ địch, chuyển biến lực lượng chính trị của địch thành lực lượng chính trị của ta, góp phần tạo thời cơ cho cách mạng giành toàn thắng. Trung tâm chỉ thị cho anh phải xây dựng lực lượng thật mạnh, xây dựng căn cứ thật vững, chuẩn bị nơi ăn ở bí mật tại Sài Gòn, có nhà, có phương tiện đi lại thích hợp với công tác bí mật, và xây dựng căn cứ ở ngoại thành, có lực lượng bảo vệ để đưa cán bộ, sinh viên từ nội thành ra huấn luyện rồi tung về Sài Gòn hoạt động.
Hai Long trở lại Củ Chi với niềm vui phơi phới. Anh đã khá quen thuộc vùng đất này. Vùng đất thép ven Sài Gòn tiếp tục đứng vững suốt bao năm chiến tranh trước những trận đánh hủy diệt của cả quân Mỹ và quân ngụy. Căn cứ bàn đạp của cơ quan tình báo của ta vẫn tồn tại ở đây.
Việc đầu tiên là phải nối lại đường dây giao thông với nội thành. Anh tới Phú Mỹ Hưng triển khai công tác, bàn với cơ sở ta ở địa phương xây dựng vùng này thành một lõm chính trị.
Điều khiến Hai Long băn khoăn là sau khi anh được trao trả về Lộc Ninh, qua 8 tháng trời đứt liên lạc, không hiểu những cha cố dã từng gắn bó mật thiết với anh hiện nay nghĩ về mình như thế nào. Liệu khi đã trở về vùng giải phóng rồi, anh còn có được sự tin cậy như xưa hay không? Lẽ ra anh không nên để gián đoạn quan hệ trong một thời gian dài.
Chỉ sau một tuần, chuyến giao thông đầu tiên vào Sài Gòn đã diễn ra êm đẹp. Ba tuần sau đó, anh lần lượt và nhanh chóng nhận được hồi âm cửa cha Hoàng, cha Nhuận, cha Lãm và một số linh mục khác. Anh đã nối lại được hầu hết những mối quan hệ cũ. Hình như trong tình hình chính trị mới rất rối ren ở Sài Gòn, mọi người đều mong ngóng trông chờ anh. Bé Liên đã trở thành một cô gái 18 tuổi, giúp anh khá đắc lực trong việc nối lại quan hệ với cha Hoàng. Anh biết bọn mật vụ chắc chắn không ngừng theo dõi gia đình mình từ khi anh ra vùng tự do. Nhưng anh tin vào sự khôn lớn của con. Liên đã trở thành một chiến sĩ giao liên hợp pháp.
Cuối tháng 6, cha Hoàng gửi quà mừng ra và báo tin nhà thờ Bình An đã làm lễ cầu nguyện cho anh nhân ngày lễ thánh bổn mạng. Mối tình cảm của ông linh mục chống Cộng đối với anh vẫn chưa phai nhạt. Anh vẫn còn là con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo.
Qua thư từ của các quan hệ, anh đã nắm được tình hình mới ở Sài Gòn. Linh mục Trần Hữu Thanh đang kích động trên hầu khắp các thành phố ở miền Nam một phong trào Công giáo chống chế độ Thiệu tham nhũng, đòi Thiệu cải tổ guồng máy hành chính. Sài Gòn sôi động vì những cuộc hội thảo, xuống đường của những đoàn thể, những hội, những phong trào đòi quyền sống, đòi tự do báo chí, bảo vệ quyền lợi... của Phật giáo, Công giáo, thương phế binh, sinh viên, học sinh, ký giả, nhân văn, lực lượng thứ ba, nhân dân lao động.
Phong trào càng trở nên sâu rộng, sôi động hơn sau khi Thiệu bày trò tu chỉnh hiến pháp, ép quốc hội thông qua. Với hiến pháp đã tu chỉnh, tổng thống có quyền tái cử ba nhiệm kỳ, tăng thời gian nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 5 năm. Thiệu nắm quyền chỉ định đô trưởng, thị trưởng và bổ nhiệm thẩm phán tại tối cao pháp viện. Bốn mươi nghị sĩ, dân biểu đã phản đối sự tu chỉnh này, làm rối loạn cả cuộc họp quốc hội Sài Gòn.
Riêng với Thiên chúa giáo, Thiệu đang tính gạt Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch thượng viện, cất chức bộ trưởng cựu chiến binh của Phạm Văn Đổng (người của Phát Diệm), cho khám xét tòa báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, đàn áp biểu tình của tín đồ Thiên chúa giáo, kịch liệt công kích các cha cố nhân những buổi rao giảng đạo Chúa chống Thiệu, thúc đẩy tín đồ xuống đường đấu tranh. Hai tờ báo của Thiên chúa giáo là Xây Dựng và Hòa Bình đã tự động đóng cửa để phản đối luật 007 của Thiệu nhằm bóp nghẹt tự do báo chí. Thiệu đã đi vào vết xe đổ của Diệm, Nhu trước đây, và có phần còn hung hăng hơn.
Nhưng có một số cha có quan hệ với Hai Long vẫn chưa trực tiếp tham gia vào những phong trào này. Theo chỉ thị của trên, Hai Long viết thư cho các quan hệ thúc đẩy cuộc đấu tranh chống Thiệu. Anh bàn với cha Hoàng yểm trợ ngầm cha Trần Hữu Thanh trong phong trào đấu tranh chống chế độ Thiệu tham nhũng, đòi cải tổ guồng máy hành chính. Anh gợi ý linh mục Nguyễn Quang Lãm kết hợp với linh mục Thanh Lãng, chủ tịch hội Văn bút Việt Nam, cùng hội Ký giả đòi tự do báo chí, linh mục Lãm cần giữ vai trò tiên phong. Anh bàn với cha Nhuận tập hợp giáo dân thật hùng hậu, nắm vững thanh niên, sinh viên Công giáo, phối hợp với thương phế binh sẵn sàng xuống đường khi cần. Anh trao đổi với nhóm linh mục Chân Tín dấn mình vào lực lượng thứ ba, liên kết với Phật giáo và nhân sĩ hình thành và phát triển lực lượng thứ ba... Anh nhắc lại với các cha dư luận nhiều lần tố cáo Thiệu, coi Thiệu là Tam điểm, là Đại Việt, Thiệu đã phản Công giáo, Thiệu lừa thầy phản bạn, bàn tay Thiệu cũng dính máu Diệm, Nhu, cả một đời làm tổng thống chỉ lo củng cố địa vị cá nhân, vơ vét vàng bạc, châu báu, ham mê sắc dục. Đặc biệt, anh nhấn vào điều Thiệu đã bất hiếu cưỡng lại lời khuyên dạy của Giáo hoàng, cần phải chối bỏ Thiệu như cắt bỏ một nhành nho sâu để bảo vệ cây nho xanh tốt.
Hai Long nhận thấy không thể chỉ thúc đẩy phong trào qua thư từ mà phải trực tiếp gặp những nhân vật chủ chốt để cùng bàn bạc. Anh cần gặp cha Hoàng, cha Lãm và cha Thụy là những người hăng hái có thể tác động tốt vào cuộc đấu tranh. Lúc này, địch đang tập trung đối phó với phong trào nội đô, kiểm soát gắt gao nội thành và vùng ven đô. Cha Hoàng nhận lời đi gặp anh, nhưng đã mấy lần tới nửa đường lại phải quay về vì địch kiểm soát quá ngặt. Ông đã trả lời đồng ý với những ý kiến anh đề xuất. Ông đang tiếp xúc với các tướng lãnh trong đó có Khiêm, Minh, Kỳ, bàn tính cách lật đổ Thiệu. Ông cũng đã thỏa thuận với cha Thanh huy động toàn lực lượng Công giáo Sài Gòn biểu tình lớn vào ngày 30-10 đòi lật đổ Thiệu...
4.
Cha Hoàng hứa sẽ ra thăm Hai Long trước ngày Công giáo tổ chức cuộc biểu tình lớn đòi lật đổ Thiệu. Nhưng bé Liên không thực hiện được kế hoạch. Thiệu đã phát hiện được dự định của ông. Bọn mật vụ bám riết ông mỗi lần rời nhà thờ Bình An.
Hai Long nóng lòng muốn gặp cha Hoàng. Anh bàn với con gái một kế hoạch tỉ mỉ. Trên đường từ Sài Gòn ra căn cứ phải qua bốt Trung Hòa cách quận lỵ Củ Chi 8 km, Liên cần đóng vai một nữ học sinh đi dạy thêm để kiếm tiền, qua lại đây nhiều lần cho bọn lính gác quen mặt. Liên đã làm được việc đó. Đôi lần Liên đã gặp những chàng sĩ quan hào hoa mời lên xe Jeep chở đi giúp một quãng. Nếu lọt được qua mắt bọn mật vụ theo dõi ở nhà thờ Bình An, bé Liên sẽ dẫn cha Hoàng qua bốt Trung Hòa với lý do đi thăm một giáo dân ốm bại liệt ở ấp chiến lược gần đó. Cha Hoàng vốn có dáng vẻ của một vị linh mục lão mạo không để cho bọn lính gác nghi ngờ. Nếu gặp kẻ nào quen mặt ông, biết rõ quá khứ của ông, hắn lại càng không dám nghi. Và ông thừa cách đối phó khi bị chúng xét hỏi. Liên sẽ dẫn ông đi qua một vài ấp chiến lược tới một ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng. Tại đây ông sẽ cởi bỏ áo thầy tu, cải trang thành một bác nông dân, lên xe trâu và được giao thông viên của ta đưa về nơi gặp Hai Long, cũng là một chiếc lều nằm không xa đó trên cánh đồng. Lực lượng vũ trang của ta sẽ cảnh giới sát những bốt gác của địch và trên dọc đường đề phòng bất trắc. Giao thông viên của ta là bác Hai Bạn, nông dân ở Củ Chi lâu năm, chiếc xe trâu của bác thường qua lại trên cánh đồng. Kế hoạch đã được bố trí khá chu đáo. Liên sẽ báo trước một ngày trước khi đưa khách ra.
Từ sáng mồng 9 tháng 11, Hai Long đã bố trí xong xuôi việc đón khách. Giao thông viên hợp pháp của ta thường xuyên nắm tình hình địch ở đồn Trung Hòa, đồn Lào Táo và các ấp chiến lược, thông báo kịp thời cho bộ dội đóng ở Mũi Ràng. Một số chiến sĩ bám sát dọc đường từ ấp chiến lược Trung Hòa ra. Anh đặt ngay tại nơi mình ở một trạm viễn tiêu.
Lúc 10 giờ sáng, đồng chí trung đội trưởng phụ trách bàn đạp báo cáo xe trâu đã tới Mũi Ràng, đang tiến về căn cứ. Hai Long cảm thấy trong người rạo rực. Từ sáng tới giờ, mặc dù con gái anh đã báo tin hôm nay cha Hoàng sẽ ra, nhưng anh vẫn chưa thật tin. Một ông linh mục ngoài 70 đầu, liệu có thể vượt qua một chặng đường ngặt nghèo, vất vả ra tới vùng tranh chấp để gặp mình, với biết bao nguy hiểm từ cả nhiều phía sẵn sàng đón chờ trên dọc đường? Tình cảm của ông dành cho anh qua bao biến cố vừa rồi liệu còn tới mức đó không... ?
Nghe tiếng xe trâu lọc cọc lăn bánh trên bờ ruộng, Hai Long từ trong lều nhìn ra qua hàng dậu thưa, thấy rõ cha Hoàng đang ngồi hai tay ôm đầu gối, lưng dựa vào thành xe, chăm chú theo dõi từng bước trâu đi.
Xe dừng trước ngõ. Bác Hai xuống xe dắt mũi trâu. Hai Long vội chạy ra đỡ ông xuống xe. Chặng đường dài 8 km trên đường ruộng gập ghềnh với chiếc xe không êm ái này, hẳn làm cho xương cốt của ông đau nhừ và người rất mệt mỏi. Nhưng vừa nhìn thấy anh, sắc mặt ông bỗng trở nên tươi rói. Ông ôm chặt anh, áp má mình vào má anh ba bốn lần. Ông vẫn mừng rỡ và hồn nhiên như ngày vào khám Chí Hòa đón anh mới từ Côn Đảo trở về.
Cha Hoàng nói ngay:
- Con bé Liên khôn lanh thật! Chúa dẫn đàng chỉ lối cho nó. Mình cứ nhắm mắt mà đi theo. Nó bảo sửa soạn đi thì mình đi, bảo quay trở lại thì mình quay trở lại. Chả là hôm ấy vừa họp bàn với cha Thanh tuần sau đưa lực lượng ta xuống đường, đòi Thiệu phải từ chức thì Thiệu nó biết, nó cách chức luôn tướng Thuần, làm vỡ cả kế hoạch. Nó bắt đầu cho công an chìm đeo mình miết. Bữa nay, bé Liên bảo đi, không ngờ mà đi thoát! Chẳng biết con bé dẫn đi lối nào để gặp bố nó? Nó bảo lên ô tô, rồi lại xuống ô tô, đi bộ, đi qua bốt, qua chợ. Nó bảo cởi áo chùng thâm ra, trùm khăn, đội nón lá, nó dìu mình lên xe bò, ngồi một lát mới biết là xe trâu! Rồi xe cứ lắc la lắc lư bò trên bờ ruộng, lắm lúc nghiêng như đổ tới nơi, người lật sấp lật ngửa. Cụ đánh xe ngồi đàng trước quay lại hỏi: “Cha có sao không? Cha cứ cố bám vào thành xe không sao đâu, hằng ngày tôi vẫn đánh xe đi trên con đàng này”. Chốc chốc con Liên lại hỏi: “Cha có mệt lắm không? Mệt thì cho xe dừng lại”. Mình bảo cứ đi, chỉ mong cho chóng tới nơi, gặp nhau một tí, sao lại dừng? 4 giờ chiều nay phải về để kịp gặp tướng Thuần bàn tiếp công chuyện. Mình ngủ gà ngủ vịt, đói cả bụng mà mãi chưa tới nơi. Hỏi đây là đâu? Con Liên bảo đây là xã Trung Lập. Tên đúng như vậy hay mình mới đặt ra?
- Thưa cha đây là xã Trung Lập Thượng, còn chỗ cha lên xe là xã Trung Lập Hạ, tên đặt đã từ lâu dời.
- Cái tên hay nhỉ! - ông cười tươi rồi nói tiếp - Đây là đất Cối Kê của chúng mình... Xe cứ bò giữa đồng không mông quạnh, mặc con bé muốn đưa đi đâu thì đi, cứ gặp bố nó là được rồi. Chúa còn phó mặc cho người ta dẫn đi nữa là!
Nắm chặt hai tay cha Hoàng, Hai Long cũng ngỡ ngàng vì những ý nghĩ đơn giản của ông. Ông không hề nghĩ là từ lúc trút bỏ chiếc áo thầy tu, ngồi lên xe trâu, ông đã phó thác sinh mệnh chính trị và cả mạng sống của mình vào tay bố con anh!
5.
Hai Long quàng tay vào lưng cha Hoàng đưa ông vào trong lán, mời ông ngồi trên tấm phản mộc mới được trang bị thêm cho cuộc “hội kiến”.
Căn lều của bác Hai cùng mấy người bạn điền được dựng lên bằng những chiếc cột cháy dở và những tấm tôn lỗ chỗ vết đạn, không đủ che nắng mưa cho họ trú những buổi làm đồng. Quanh lều lèo tèo mấy bụi chuối xơ xác. Đây là vành đai trắng hoang vắng mà bom đạn của cả đôi bên có thể giội lửa bất cứ lúc nào.
Cha Hoàng hoàn toàn không để ý đến khung cảnh, mắt không rời Hai Long, vui vẻ hỏi:
- Có gì ăn không? Mình thấy đói bụng rồi!
Liên bày ra phản bánh mì, bơ, phó mát, cam, táo, những thức ăn thích hợp với khẩu vị của cha Hoàng.
Hai Long mời ông đọc kinh, rồi cùng làm dấu Thánh giá trước khi ăn. Đã hơn 4 năm, anh lại mới có dịp cùng ngồi ăn với ông. Bữa ăn gợi nhớ tới những ngày anh sống ở nhà thờ Bình An.
Vẫn là thói quen ngày xưa, mỗi lần bắt đầu trao đổi, ông thường nói một thôi dài:
- Ngày 23 tháng 10, mình không ra được thật là đáng tiếc! Theo ý thầy, mình tạm đi với cha Thanh trong phong trào chống tham nhũng. Mình đã huy động lực lượng Công giáo di cư ở vùng Hố Nai, Biên Hòa. Cha Thanh và phong trào lấy nhà thờ Tân Sa Châu làm điểm xuất phát cho các vụ xuống đường và truyền lệnh cho giáo dân, y như phong trào Phật giáo năm 1963 lấy chùa Ấn Quang và Viện Hóa đạo làm trung tâm điểèm. Kế hoạch định làm một đợt từ 30 tới 31 tháng 10 trùng với ngày đảo chính Diệm năm 1963, chọn ngày 31 là cao điểm lật đổ Thiệu. 30 tháng 10 bắt đầu biểu tình. 31 tháng 10, người biểu tình nêu khẩu hiệu đòi Thiệu từ chức, xô xát dữ dội giữa giáo dân với cảnh sát, hàng trăm người của cả đôi bên bị thương. Mình bàn với cha Thanh phát động tuần lễ đấu tranh bất bạo động, đồng thời bắt tay với Phật giáo, liên minh hành động với thượng tọa Thích Giác Đức. Dương Văn Minh vẫn dựa vào Phát Diệm như hồi 1963. Minh, Khiêm, Kỳ cho Phạm Quốc Thuần, tư lệnh vùng 3 chiến thuật liên hệ với mình tính kế hoạch đảo chính Thiệu, nhưng mình chưa hiểu ý đồ nhóm này ra sao nên do dự. Thiệu được CIA báo tin, biết âm mưu, lập tức cách chức Thuần. Thuần tuy bị cách chức vẫn tiếp tục liên lạc với mình. 4 giờ chiều nay, mời mình gặp ở nhà riêng. Mình phải ráng gặp thầy trước khi gặp Thuần...
Hai Long chưa vội lên tiếng, vì biết những điều cha Hoàng định trao đổi với anh không phải chỉ có như vậy.
Ông lại thao thao:
- Cha Thanh vừa rồi gặp mình, hỏi nên chọn ai thay Thiệu? Thanh nói đã liên lạc với Nguyễn Văn Huyền, nhưng Huyền né tránh vì sợ Thiệu, hỏi Trần Minh Tiết, Tiết cũng chưa nhận lời. Nhưng Tiết lại tìm mình, nói nếu được mình ủng hộ thì hắn sẽ nhận lời cha Thanh. Mọi khi có thầy cùng bàn, bây giờ vắng thầy, mình rất khó quyết. Một anh tướng Công giáo Mỹ, tên là Stennis, khuyên mình đừng có đứng vào phe linh mục Thanh, cứ để Thanh làm một mình, vào giai đoạn chót hãy tính! Sau vụ biểu tình ngày 1 tháng 11, Thiệu nói với mình sẽ ra đi trong danh dự, yêu cầu mình giúp và bảo đảm. Thiệu cũng nói như vậy với cha Nhuận. Có lẽ Thiệu không muốn mất mạng vì lo bị Mỹ giết. Mình nên trả lời hắn thế nào?
Hai Long định trả lời thì ông lại nói tiếp luôn:
- Cha Thanh chỉ quen tố cáo suông! Chống tham nhũng phải kết hợp với hành động cách mạng. Đáng lẽ tố vụ kho gạo ở Bình Thuận của chị gái Thiệu thì phải đấu tranh đòi đem gạo ấy chia cho dân nghèo, như ngày xưa mình chiếm kho gạo của Nhật ở Kim Sơn năm 1945, lấy được gạo đem phân phát luôn cho dân cứu đói. Mình cũng muốn cho Thiệu ra đi, nhưng chớ nên bạo động mà mắc mưu Mỹ! Ta đi với Mỹ nhưng không thể là tôi tớ của Mỹ! Thiệu định từ nay đến cuối tháng 11 sẽ thẳng tay đàn áp các vụ biểu tình xuống đường. Mình có cha Bình và giáo dân ủng hộ, không sợ Thiệu đàn áp. Mình định tập hợp giáo dân 11 hạt thuộc giáo khu Sài Gòn, yêu cầu Thiệu rút lui, đồng thời ra kiến nghị đòi thầy về Sài Gòn, thầy tính sao?
Ý kiến của ông nhiều chỗ mâu thuẫn nhau, chứng tỏ ông đang bối rối trước tình hình chính trị phức tạp ở Sài Gòn. Hai Long chậm rãi đáp:
- Con không chủ trương sang Pháp hoặc Ý chính là để sớm có dịp trở về Sài Gòn, vì tình hình thay đổi tới nơi rồi, cần phải có mặt ở đó để kịp thời hành động. Tòa thánh Vatican đã lên án Thiệu, Mỹ đang tiến hành kế hoạch thay Thiệu, vậy Công giáo phải chớp lấy thời cơ lật Thiệu cho bằng được, hoặc biểu tình, bạo động đòi Thiệu phải từ chức, hoặc đảo chính, hoặc thuyết phục Thiệu êm ả ra đi, bằng bất cứ cách nào có hiệu quả một cách sớm nhất. Sở dĩ giáo hội phải giành lấy việc lật đổ Thiệu, chính là để cứu Thiệu khỏi phải chết thảm như Diệm, để thành lập một chính quyền Công giáo, hoặc thân Công giáo, sẵn sàng đi theo đường lối của Vatican là hòa bình, trung lập, canh tân, hòa giải. Nếu bây giờ cha đứng ra lãnh đạo phong trào Công giáo lật đổ Thiệu như ý cha vừa nói, thì con thấy hơn ai hết, cha hội tụ đủ yếu tố thành công. Tỉ dụ như Vatican không tán thành Thiệu vì e Thiệu hiếu chiến, độc tài, sẽ gieo tai họa cho Công giáo Việt Nam, Vatican sẽ ủng hộ cha. Cha cần có cha Thanh để đạt mục đích của giáo hội, thì Mỹ cũng đang cần có sự hợp tác giữa cha với cha Thanh vì mục đích của họ. Pháp và lực lượng thân Pháp cũng sẽ kết hợp với cha, vì Thiệu từ xưa tới nay vẫn chống đối chính sách của Pháp đối với chiến tranh Việt Nam. Những người thuộc lực lượng thứ ba sẽ tập hợp ngay chung quanh cha vì họ đang là đối tượng đàn áp của Thiệu chỉ sau có Việt Cộng. Thế lực Phật giáo hiện thời còn chia rẽ, chưa đủ sức chống Thiệu, thấy cha phất ngọn cờ, chắc sẽ không ngần ngại liên kết với cha, vì nhiều thượng tọa, đại đức đã đứng vào lực lượng thứ ba chứ không thể đi đôi với Thiệu. Những phong trào của Phật giáo như lực lượng hòa giải dân tộc của Vũ Văn Mẫu, phong trào thanh niên Phật tử chống tham nhũng rất phù hợp với đường lối vận động cho hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc của Giáo hoàng Paul VI. Các đoàn thể đòi quyền sống, các hội đoàn thương phế binh đang chống Thiệu nhất định sẽ dựa vào thế của cha để dẩy mạnh đấu tranh. Cộng sản Bắc Việt, Việt Cộng trong chiến lược, sách lược của họ hiện nay, nếu không lên tiếng ủng hộ cha, thì cũng đứng ngoài mặc cho Công giáo hành động lật Thiệu, vì họ đang giao hảo với Vatican và Giáo hoàng Paul VI.
Nét mặt cha Hoàng dãn ra. Ông ngồi yên một lát sau khi Hai Long nói, giọng của ông không sôi nổi như lúc đầu:
- Thời cơ thuận lợi lắm đấy! Mình phải bàn đi tính lại với nhau hàng ngày, hàng giờ như hồi trước hoặc ngồi trao đổi với nhau như hôm nay thì mới đủ khôn ngoan mà hành động. Thời buổi nay nói sai, làm sai là mắc tội với giáo hội, với lịch sử. Mấy hôm nay Thiệu bối rối lắm, mình cũng bối rối, chưa biết Mỹ nó lật Thiệu để làm gì? Rồi nó đưa ai lên?
- Mỹ chẳng muốn lật Diệm, lật Thiệu làm gì! Song Mỹ phải gạt những trở ngại để thực hiện đường lối, chiến lược mới của họ. Nixon không thể deo đuổi mãi cuộc chiến tranh này. Mỹ ngụy trang rất khéo việc thực hiện ý đồ của họ. Cha đã thấy Mỹ bày ra vụ Phật giáo hạ Diệm, Nhu, kỳ thật là nhằm đưa quân Mỹ vào Việt Nam. Mỹ bày ra vụ Công giáo nằm vạ ở dinh Gia Long, đòi hạ bệ Phan Huy Quát vì quy chế tôn giáo của Quát, nhưng thực ra là để gạt chính quyền dân sự, lập nên một chính quyền quân sự mạnh để ào ạt đưa quân vào!
- Mỹ lắm mưu nhiều kế, ta không khéo thì mắc bẫy nó như chơi!
Như chợt nhớ ra, ông hỏi:
- Ngày nó trao trả thầy về Lộc Ninh, thái độ của Mặt trận đối với thầy thế nào?
Lần đầu, anh thấy ông nhắc tới những tiếng “Mặt trận”, trước đây ông chỉ gọi là “Việt Minh”.
Hai Long mỉm cười:
- Sài Gòn ghi trong danh sách trao trả, con là linh mục Giải phóng. Tới nơi, con được đưa ngay về nhà thờ Lộc Tấn. Cha sở ở đây là ông Uých đang xin trở về Pháp, trao lại nhà thờ cho con.
- Mình biết ông Uých.
- Con phải làm lễ ở nhà thờ Lộc Tấn và những nhà thờ trong vùng. Con nghĩ rằng họ đã trọng vọng con một cách đặc biệt sau khi tìm hiểu, biết con là người của Vatican và có ảnh hưởng lớn với lực lượng thứ ba. Họ xa xôi thúc đẩy con tham gia hoạt động cho lực lượng thứ ba để thực hiện đường lối của Vatican. Tại nhà khách của họ có hẳn một khu dành riêng cho những người thuộc lực lượng thứ ba bị Sài Gòn trao trả. Họ tin rằng sớm muộn sẽ ngồi chung với con trong chính phủ liên hiệp ba thành phần.
- Khôn lanh lắm, có thể mới sống nổi tới ngày nay!... Nhưng theo ý thầy, trong tình hình này, Mỹ sẽ chọn ai thay Thiệu?
- Con gần đây không tiếp xúc với các cha Mỹ nên không thật sát tình hình... Cha chỉ cần điều tra qua cha Thanh là biết ý đồ của Mỹ. Cha Thanh kích dộng giáo dân chống Thiệu, đòi thay thế Thiệu, lại gặp luật sư Huyền, luật sư Tiết, thăm dò việc ra thay Thiệu, thì thấy rõ cha gắn liền với Mỹ. Nhưng dó là chuyện của Mỹ! Còn ta phải tính chuyện của ta. Giáo hội Việt Nam luôn luôn phải tuân theo thánh ý của Đức Giáo hoàng là thúc đẩy Mỹ loại trừ Thiệu càng sớm càng tốt, đòi Mỹ, Thiệu phải công nhận lực lượng thứ ba theo tinh thần Hiệp định Paris. Cha Tổng dựa theo Hiệp định Paris mà làm, là đúng ý của Giáo hoàng, mà lại có cơ sở pháp lý để chống lại sự đàn áp của Thiệu. Phong trào chống Thiệu đang lên rất mạnh, lực lượng nhiều, nhưng có nhược điểm lớn là phân tán, rất cần một ngọn cờ tập hợp lại thì mới có đủ sức mạnh lật nhào Thiệu. Con muốn cha Tổng sẽ là ngọn cờ. Cha Tổng sẽ xứng đáng là một lãnh tụ tài ba, một môn đệ trung tín của Chúa, cha Tổng sẽ đi vào lịch sử của đất nước là một chiến sĩ hòa bình, đi vào lịch sử của giáo hội là đem bình an của Chúa cứu thế ban bố cho mọi người.
Bộ mặt cha Hoàng bừng sáng:
- Mình nên đưa nhân vật Công giáo nào ra lập chính phủ, hoặc thay thế Thiệu, hoặc tham gia chính phủ cải tổ?
- Cụ thể thì con xin nghiên cứu và trả lời cha sau. Nhưng về nguyên tắc thì đã rõ, người thay thế Thiệu phải tán thành hòa bình, hòa hợp và hòa giải dân tộc, nên lựa chọn trong lực lượng thứ ba. Công giáo ta phải nắm lực lượng thứ ba và xây dựng thành lực lượng mạnh nhất trong chính phủ ba thành phần. Cha Tổng cần điều tra ý đồ của Mỹ trong cuộc gặp tướng Thuần chiều nay. Tướng Dương Văn Minh đã được Vatican nhắc tới trên báo chí của Tòa thánh, cũng là một nhân vật có thể cộng tác trong chính phủ tương lai. Theo ý con, muốn lật Thiệu thì cần phải loại bỏ ngay mấy mưu sĩ của y là Ngô Khắc Tỉnh, Đặng Văn Quang, nhất là Hoàng Đức Nhã, cháu của Thiệu. Nhã gần đây điên cuồng chống Hiệp định tới mức Mỹ cũng phải ghét.
Cha Hoàng hơi mỉm cười:
- Nó dùng cháu nó là Hoàng Đức Nhã làm cho một số người ở xa lầm là thầy vẫn tiếp tục cộng tác với nó!
Hơn hai giờ vừa ăn uống, trò chuyện, bàn luận công việc cởi mở khiến cha Hoàng rất thoải mái.
- Đường sá gập ghềnh quá xấu, cha Tổng tuổi già sức yếu lại phải đi bằng xe trâu, qua nhiều đồn bốt, qua vành đai trắng, cha có ngại không?
- Mình rất nhớ thầy, muốn gặp gỡ luôn, dù xa xôi nguy hiểm vất vả mấy cũng không ngại. Chỉ cầu nguyện cho thầy bình an, mạnh khỏe và mau chóng trở về Sài Gòn để thường xuyên bàn bạc kẻo lỡ thời cơ. Mình đã chuẩn bị sẵn một số chỗ để thầy có thể về ngay. Cha Lý ở Bùi Môn, cha Sự ở Gò Vấp, cha Chính ở Xuân Lộc, cha Tân ở Long Thành, đều là những nơi có thể bảo đảm an toàn cho thầy. Thầy thấy đâu thuận tiện thì ở. Mình sẽ dẫn con Liên đi một vòng giới thiệu cho nó nhận các cha, nhận nơi ở, rồi đón bố nó về. Lần này về, mình sẽ bàn với các cha và giáo dân làm kiến nghị đòi Thiệu, Khiêm xóa bản án năm 1969 của thầy. Cả giáo hội đòi thì Thiệu cưỡng lại thế nào được! Về ngay Sài Gòn mà xem Mỹ nó tính cái gì?...
Dìu cha Hoàng lên xe trâu, Hai Long nhận thấy rõ sự lưu luyến trên nét mặt ông, trong cái bắt tay của vị linh mục già ngoại 70 tuổi có bệnh hen suyễn mãn tính. Ông quả thật nặng tình với mình!
Anh đứng nhìn theo chiếc xe trâu mờ dần với làn bụi trắng của gió cát trên cánh đồng Củ Chi.
---
[1] Tổ chức Viện trợ Công giáo quốc tế

Chương trước Chương sau