Sáu ngày của Condor - Chương 05

Sáu ngày của Condor - Chương 05

THỨ NĂM (Tối)

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 8.6/10 với 15091 lượt xem

- Tôi không tin. - Cô gái ngồi trên đi-văng, mắt nhìn Malcolm chằm chằm. Cô không còn sợ hãi như lúc đến, mặc dù tim vẫn đập mạnh, như thể muốn vượt ra khỏi lồng ngực.
Malcolm thở dài, ngao ngán. Anh ngồi đối diện với cô gái như thế là đã gần cả tiếng đồng hồ. Qua giấy tờ tìm thấy trong túi sách của cô, anh biết họ tên cô là Wandy Ross, 27 tuổi, sinh ở thành phố Carbondale bung Illinois, nặng 61 kg, cao 1,65m ( mặc dù anh tin chắc rằng con số này đã bị tăng thêm), thường xuyên hiến máu cho Hội Hồng thập tự địa phương, có thể đọc sách tại thư viện công cộng Alexandrie, là hội viên của đội cựu sinh viên đại học Nam Illinois và đang làm việc tại một văn phòng pháp luật. Nhìn vẻ mặt, Malcolm hiểu ngay rằng cô vẫn sợ hãi vì hoàn toàn không tin anh. Anh chẳng trách cứ gì cô gái về khoản ấy vì chính anh, anh cũng không sao tin nổi câu chuyện của chính bản thân mình. Anh biết mười mươi rằng tất cả những khoản đó đều là sự thật một trăm phần trăm.
- Nghe tôi bảo đây – anh nói – nếu tất cả những gì tôi vừa kể với cô là bịa đặt, thì việc quái gì tôi lại phải mất công thuyết phục cô.
- Điều đó tôi không được biết.
- Trời? – Malcolm tức tối đi tới đi lui trong phòng. Dĩ nhiên, anh có thể cứ việc trói cổ cô gái lại, chiếm lấy căn phòng. Nhưng làm thế thi mạo hiểm quá. Ngoài ra, cô gái còn có thể sẽ là trợ thủ rất đắc lực cho anh từ nay trở đi. Ý nghĩ đó chợt lóe lên trong trí anh, khi anh hắt hơi một lần nữa. Anh đưa tay quệt vội môi trên, rồi nói tiếp:
- Chờ một lát, lần này tôi có thể chứng minh cho cô thấy tôi đích thực là nhân viên CIA. Bấy giờ, cô sẽ tin hết thẩy những gì tôi nói đều là chuyện thật.
- Lúc ấy, chắc tôi sẽ tin. – Khuôn mặt cô gái lộ rõ vẻ quan tâm.
- Được, thế cô nhìn đây.
Malcolm ngồi xuống bên cô gái trên đi-văng. Anh cảm thấy cô gái phải gồng người lên để cố nén nỗi sợ hãi, nhưng vẫn cầm mảnh bìa nhỏ anh chìa ra.
- Giấy gì thế?
- Giấy chứng nhận do CIA cấp cho tôi. Thấy chưa, đây là ảnh tôi, chỉ khác một điểm: tóc vẫn để dài.
- Nhưng ở đây ghi là công ty “Tantrex”, chứ đâu phải là CIA. Anh tưởng tôi không biết đọc chắc? – Giọng cô gái đầy vẻ ghẻ lạnh và mỉa mai. Malcolm cảm thấy ngay là cô ta rất lấy làm tiếc về câu nói không đúng chỗ ấy, mặc dù cô vẫn không lên tiếng xin lỗi.
- Tôi biết trong ấy ghi gì rồi. – Malcolm cáu kỉnh và vì thế càng tỏ ra nóng nảy hơn. Anh bắt đầu mường tượng ra cảnh dự định của mình không đem lại kết quả như anh mong mỏi. – Cô có danh bạ điện thoại đấy chứ?
Cô gái gật đầu, rồi liếc nhìn chiếc bàn con dùng để tạp chí và báo hàng ngày. Malcolm cầm ngay quyển danh bạ dày cộm lên và vất cho cô gái. Cô phản ứng nhanh đến mức chẳng cần cố gắng vẫn bắt được quyển sách đang bay trên không.
- Cứ thử tìm cái công ty có lên là “Tantrex” trong ấy xem! Cô có thể dò ở bất cứ phần nào, tùy thích. Trong giấy chứng nhận có ghi rõ rành rành cả số điện thoại lẫn địa chỉ đấy. Bởi thế, tất nhiên nó phải được đăng ký vào danh bạ, đúng không nào? Đấy, cứ việc tìm đi! – Malcolm quát to.
Cô gái tìm, hết lật tới lại lật lui quyển danh bạ. Cuối cùng, cô gấp sách lại, nhìn Malcolm chằm chằm.
- Thôi được. Ông có một giấy chứng nhận chứng tỏ ông là người của một tổ chức không hề tồn tại trong thực tế. Nhưng cái đó thì chứng minh được gì nào?
- Đúng! – Malcolm đã sốt ruột đến mức không còn kiên tâm được nữa. Anh tiến đến bên cô gái, tay cầm chiếc máy điện thoại, hệt như cầm một thứ đồ chơi sắp vứt đi. – Bây giờ - anh tiếp, vẻ mặt trông như thể một tên đang mưu mô làm loạn, - cô quay số dãy nói của CIA ở Washington đi. Số điện ấy cũng chính là số điện của công ty Tantrex này.
Cô gái lại mở danh bạ ra, tra số điện thoại của CIA. Cô nín lặng hồi lâu, rõ ràng là bị sửng sốt. Rồi vẻ mặt đổi khác hẳn, cô thốt lên một câu, nhưng là gặn hỏi:
- Khéo anh biết trước cả rồi, trước cả lúc anh thuê làm mảnh giấy chứng nhận này, để chuyên dùng vào những việc tương tự.
- “Quỷ sứ chứ chẳng phải đàn bà” – Malcolm nghĩ bụng. Anh thở hắt ra một tiếng rõ to, đoạn hít một hơi thật dài, và bắt đầu lại từ đầu.
- Thôi được, cú cho là tôi đã làm đúng như cô vừa nói. Nhưng kiểm tra chuyện ấy dễ thôi. Cô cầm máy lên, quay số đi.
- Nhưng đã sáu giờ rồi. - cô gái đáp – Muộn thế này, còn ai ở đó mà trả lời tôi nữa? Nghĩa là tôi cứ phải tạm thời tin vào lời ông từ giờ cho đến sáng mai?
Malcolm lại nhẫn nhục cắt nghĩa cho cô gái bằng giọng thật bình thản:
- Cô nói đúng. Nếu công ty Tantrex là một tổ chức có thực, thì giờ làm việc của họ đã hết lâu rồi. Nhưng CIA thì làm việc suốt ngày suốt đêm, cô lạ gì. Cứ quay số đi, rồi hỏi công ty Tantrex thử xem.
Anh trao máy, đoạn dặn thêm:
- Nhưng hãy nhớ là tôi luôn luôn đứng bên cạnh để nghe câu chuyện của cô với người ở đầu máy đằng kia đấy nhé. Vì thế, đừng có làm điều gì ngu ngốc, và hãy đặt máy xuống khi tôi ra lệnh.
Cô gái gật đầu ưng thuận, rồi quay số. Ba hồi chuông réo dài.
- 934 – 3926 đây, - một giọng nói vang lên trong máy.
- Cho tôi nói chuyện với nhân viên công ty Tantrex, được chứ ạ? – Cô gái hỏi, giọng khô khan.
- Rất tiếc, - người ở đầu dây đằng kia dịu dàng đáp. Ngay lúc đó, trong ống nghe vang lên, một tiếng “tách” khẽ rất quen thuộc, - nhân viên của Tantrex chúng tôi đã về cả rồi. Sáng mai họ mới trở lại. Xin được phép hỏi: ai ở đầu dây thế ạ?...
Malcolm ấn mạnh cái giá đỡ ống nghe trên máy, để cắt đứt câu chuyện, trước khi nhân viên ở đó kịp dò ra số máy của ngươi gọi đến. Cô gái từ từ hạ ống nghe xuống. Lần đầu tiên kể từ lúc gặp Malcolm đến giờ, cô ta mới dám nhìn thẳng vào mắt chàng trai.
- Không biết tôi có nên tin tất cả những gì ông đã nói không đây, nhưng hình như tôi bắt đầu cảm thấy ông nói thật. – cô nói, giọng đầy vẻ tư lự.
- Bây giờ còn một bằng chứng nữa, bằng chứng cuối cùng. – Malcolm rút khẩu súng giật trong thắt lưng ra và thận trọng đặt lên đùi cô gái. Anh đi lại đầu tường đối diện, gieo người xuống chiếc ghế mây. Hai tay anh ướt nhoét mồ hôi vì căng thẳng, nhưng anh vẫn nhất quyết: thà mạo hiểm lúc này, còn hơn để mang họa về sau.
- Đấy, súng đang trong tay cô đấy. Cô có thể bắn vào tôi, ít ra cũng được một phát đấy, trước khi tôi kịp xông lại. Cả điện thoại nữa. Tôi tin cô và tôi nghĩ cô cũng tin tôi. Cô gọi đi đâu tùy thích. Cho cảnh sát, cho CIA, cho FBI, tôi cũng mặc. Bảo với họ là tôi đang ở đây. Nhưng tôi phải báo trước để cô biết những gì có thể xảy ra, nếu cô làm thế. Hồi chuông cô gọi, có thể bị những kẻ không đáng biết là tôi đang ở đây chớp được. Thế là, họ sẽ xông đến trước tiên. Họ mà nhanh chân hơn những kẻ khác, thì cả hai ta sẽ coi như đi đứt!
Cô gái ngồi yên một hồi lâu không nhúc nhích, trầm ngâm ngắm khẩu súng nặng trịch đặt trên đùi. Mãi một lúc lâu sau mới lên tiếng, nhưng khẽ đến nỗi Malcolm phải căng tai hết cỡ mới nghe thấy gì cô nói:
- Tôi tin ông.
Bỗng dưng cô trở nên hoạt bát hẳn lên. Cô đứng dậy, đặt khẩu súng ngắn lên bàn và đi đi lại lại trong phòng.
- Tôi… tôi không biết có thể giúp được gì cho ông đây, nhưng tôi sẽ cố. Ông có thể cứ lưu lại ít hôm, vì tôi có đến hai phòng ngủ. Còn bây giờ - cô thêm, ra cách như xin lỗi, mắt liếc nhanh về phía căn bếp bé tí, - tôi sẽ làm qua vài món gì đó, để có cái mà ăn tối đây.
Malcolm nhoẻn miệng cười, cái cười nhân hậu, thực lòng, mà anh có cảm tưởng như mình đã đánh mất lâu rồi.
- Thế thì còn gì tuyệt bằng. Nhưng trước hết xin cô giúp cho việc này đã.
- Cần gì ông cứ bảo, tôi xin làm tất. – Giờ đây, khi Wandy hiểu chẳng có gì đe dọa mình nữa, cô đã tươi tỉnh hẳn lên, thần kinh không bị căng thẳng như trước.
- Tôi muốn phiền cô cho tôi dùng nhờ phòng tắm trong chốc lát. Được chứ? Kẻo không, lưng với cổ tôi cứ ngứa ngáy như điên vì tóc con suốt từ chiều đến giờ.
Cô gái nhoẻn miệng cười. Rồi cả hai tức thì cùng cười phá lên thích thú. Cô đưa chàng trai lên phòng tắm trên gác, trao cả xà phòng, đá kỳ và hai chiếc khăn lông mới. Cô chẳng nói gì, khi thấy Malcolm mang súng theo. Cô gái vừa quay xuống, Malcolm đã rón rén ra khỏi nhà tắm ngay, nhón gót đi xuống cầu thang. Anh không nghe thấy cả tiếng mở cửa, lẫn tiếng quay điện thoại. Khi dưới bếp bắt đầu vọng lên tiếng mở tủ lạnh và tiếng xoong chỏa khua loảng xoảng khe khẽ, thì anh lại quay lên buồng tắm, cởi quần áo ra rồi đứng vào dưỡi vòi nước.
Anh tắm mất chừng nửa tiếng. Tận hưởng sự khoan khoái được dầm mình dưới dòng nước ấm, anh thấy người khỏe lại. Hơi nước nóng nghi ngút trong phòng khiến mũi anh không còn cảm giác nghẹt thở như từ sáng đến giờ. Khóa vòi nước lại, chàng trai thấy mình như vừa được tái sinh. Khi đã mặc sơ-mi và săng-đay xong, anh bất giác nhìn vào gương để chải tóc. Nhưng tóc tai lúc này ngắn đến mức chỉ cần đưa tay vuốt qua mấy cái là đã tươm tất.
Anh xuống dưới nhà, thì đã nghe văng vẳng một điệu nhạc phát ra từ chiếc máy quay đĩa stereo. Anh nhận ra ngay cái giai điệu quen thuộc trích trong bản “Chàng Orpheus” Đen do Vina Guaraldi phối bè, mang tên là “Hãy trao số phận mình cho gió…”. Anh cũng có cái đĩa hát ấy ở nhà. Anh nói với Wandy điều đó, khi hai người ngồi vào bàn ăn.
Lúc hai người thưởng thức đĩa rau sống trộn dầu giấm, Wandy bắt đầu kể cho người bạn mới quãng đời của cô tại cái thành phố nhỏ ở Illinois quê nhà. Lúc dùng sang đĩa đậu tươi xào thịt ướp lạnh, cô gái chuyển sang những ngày đèn sách ở trường đại học tổng hợp Nam Illinois. Malcolm húp sang bát súp khoai tây nấu nhừ thì Wandy kể đến chuyện một chàng trai suýt nữa thì đã đính hôn cùng cô. Vừa nhồm nhoàm nhai miếng bít-tết, Malcolm vừa ái ngại ngẫm nghĩ đến những công việc tẻ nhạt và đơn điệu của cô nữ thư ký tại một văn phòng pháp luật ảm đạm ở Washington. Họ tráng miệng đĩa bánh ga-tô nhân anh đào của hãng Sara Lee trong cảnh im lặng. Cô gái vừa rót cà-phê ra tách, vừa tóm tắt câu chuyện đời mình bằng một câu đầy ngụ ý:
- Nói thật chứ em đã sống những ngày rất chi là tẻ nhạt. Cho mãi đến hôm nay đây, dĩ nhiên.
Khi hai người rửa dọn mâm bát, chàng trai lấy giọng đùa cợt kể cho cô bạn mới rằng vì lẽ gì anh rất căm ghét cái tên mình. Cô gái cũng đáp lại bằng giọng tương tự, và hứa sẽ không bao giờ gọi anh bằng cái tên ấy. Đúng lúc đó, cô sơ ý làm bắt một ít bọt xà phòng lên cánh tay chàng trai. Cô vội vàng chùi đi, như thể đó là một cái gì rất đáng ghê tởm.
Rửa dọn xong, Malcolm chúc cô bạn ngủ ngon rồi lên buồng tắm. Anh tháo cái mắt kính cận thị lắp trong mắt ra, cất vào một chiếc hộp riêng rồi đánh răng. Xong xuôi, anh băng qua dãy hành lang, vào phòng ngủ, và thấy khăn trải giường trắng tinh đã trải ngay ngắn. Anh nhét vội chiếc khăn tay dưới gối, đề phòng khi hắt hơi, đặt khẩu súng lên mặt táp-đờ-nuy kê cạnh đầu giường, rồi ngả người xuống đệm, kéo chăn lên đến tận cổ. Gần nửa đêm, Wandy nhẹ nhàng bước lên phòng anh, nằm ghé xuống bên cạnh.
Nhưng tối hôm ấy, có nhiều người đã không kịp ngả lưng. Bầu không khí căng thẳng ngự trị tại Langlep càng trở nên gay gắt khi họ nhận được tin về cuộc đọ súng và chuyện Wazerby bị thương. Mấy chiếc ô tô của tổ tác chiến gồm toàn thanh niên trai tráng đầy khí thế, vượt lên trước chiếc xe cứu thương chạy đầu và đến hiện trường trước nhất. Về sau, cảnh sát Washington có phàn nàn với thượng cấp của họ rằng: một nhóm người lạ mặt tự xưng là nhân viên của liên bang đã gạt họ ra, bắt tay ngay vào việc lấy lời khai các nhân chứng. Cuộc đụng độ của đại diện hai cơ quan chính phủ càng thêm khó dàn xếp vì một tốp nhân viên thứ ba ập đến. Mấy chiếc xe công xịch đỗ bên hiện trường càng làm cho con hẻm chật thêm. Hai nhân vật, dáng điệu rất đường bệ, diện áo sơ-mi trắng, là láng coóng, và com-lê đen, lách người qua đám đông bước vào, tuyên bố với hai viên chỉ huy của hai nhóm đến trước rằng: từ giờ trở đi, FBI sẽ chính thức đứng ra đảm nhiệm việc điều tra nội vụ. “Nhóm lạ mặt” và cảnh sát Washington trình lên cấp trên chuyện đó và họ được chỉ thị là tuyệt đối đừng nhúng mũi vào nữa.
Sở dĩ nhân viên của FBI đã kéo đến nơi xảy ra cuộc đọ súng là vì các cơ quan có thẩm quyền đã giả định rằng đây là một hoạt động mang tính chất gián điệp, do bọn điệp viên nước ngoài đột nhập vào Mỹ tiến hành.
Đạo luật về an ninh quốc gia năm 1947 ghi rõ: “Cơ quan CIA không có thẩm quyền trong việc duy trì trật tự, trị an công cộng, truy tố trước pháp luật, ngăn chặn tệ phạm pháp, cũng như không có thẩm quyền đảm bảo nền an ninh trong nước”. Sự kiện xảy ra ngày hôm đó rõ ràng là đe dọa đến an ninh trong nước bằng hoạt động có vũ trang, mà việc ngăn chặn nó là nhiệm vụ chủ yếu của FBI. Mitchell cố lừng khừng trong việc cung cấp tin tức về các sự kiện trong ngày cho những nhân vật cầm đầu của tổ chức nói trên, nhưng cuối cùng, do sức ép của họ, viên phó giám đốc CIA đành phải ra lệnh cho Mitchell nhượng bộ…
Tuy nhiên, CIA vẫn giữ lại cho mình quyền tiến hành điều tra những nguyên nhân của các hoạt động thù địch nhằm chống lại nhân viên của Cục, cũng như nguyên nhân của cuộc tiến công trực tiếp vào “Hội”, bất chấp những hoạt động đó xảy ra ở đâu. Bởi thế, Cục vẫn có trong tay một lối thoát dự phòng để các nhân vật có thế lực sử dụng khi tiến hành nhiều chiến dịch hết sức đáng ngờ vực. Lối thoát đó là phần thứ năm của đạo luật 1947. Nó cho phép CIA thi hành những chức trách và nghĩa vụ có liên quan đến công tác hoạt động tình báo và có ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia của Hợp chủng quốc, vốn đòi hỏi phải được Hội đồng an ninh quốc gia chuẩn y. Ngoài ra, đạo luật 1947 cũng dành cho Cục quyền hỏi cung và lấy lời khai bất kỳ ai trong lãnh thổ của Hợp chủng quốc. Chính vì lẽ đó, ban lãnh đạo CIA đã quyết định: phải trực tiếp ra tay điều tra để làm sáng tỏ những nguyên nhân cực kỳ nghiêm trọng của vụ này. Những hoạt động đó có thể và cứ tiếp tục tiến hành cho đến khi nào CIA nhận chỉ thị trực tiếp của Hội đồng an ninh quốc gia ra lệnh đình chỉ. Do tình hình đó, CIA đã thông báo về vụ đó cho FBI dưới một hình thức hết sức lịch thiệp nhưng cực kỳ quyết liệt và ít ỏi, và dĩ nhiên cũng bày tỏ lòng biết ơn về sự cộng tác cũng như sự cám ơn về mọi sự giúp đỡ và phối hợp hành động có thể có được từ rày về sau từ phía cơ quan FBI…
Rốt cục, cảnh sát Washington đã bị “ra rìa”, chỉ còn nhận được một xác chết và một người bị thương. Hơn nữa, người bị thương thì chỉ trong chốc lát đã bị đưa đi mất và nghe đồn đã được chở về một quân y viện nào đó tại Virginia vì “tình trạng sức khỏe nguy ngập, triển vọng sống sót không thể xác định rõ”. Cảnh sát đã bất mãn càng bất mãn thêm, vì những lời cam đoan và giải thích mơ hồ của nhiều cơ quan liên bang khác nhau, nhưng rốt cục đành phải đình chỉ điều tra tiếp vụ án mạng vốn “thuộc thẩm quyền của chính mình”.
Những trò bắt bẻ nhau về chuyện luật pháp và sự thiếu tin cậy lẫn nhau cũng thể hiện ở mức độ ít hơn trong thực tế của hoạt động điều tra, khi mà sự kình địch hết sức nhỏ nhen và tiểu khí giữa các cơ quan cấp cục ngang quyền nhau thật không đáng kể vào đâu nếu so với mạng sống của con người. Đám chỉ huy của các nhóm điều tra do hai cơ quan cử đến thỏa thuận là sẽ phối hợp hành động. Ngay chiều hôm đó, người ta đã ra một thông báo cho dân Washington là sẽ tiến hành một cuộc “điều tra chung” lớn nhất trong lịch sử thủ đô, mà đối tượng là Malcolm. Sáng hôm sau, nhiều chi tiết va nguyên nhân của các sự kiện vừa xảy ra đã được làm sáng tỏ, nhưng việc Malcolm hiện lẩn trốn ở đâu vẫn không ai phát hiện được…
°
° °
… Tất cả những chuyện đó càng làm xấu thêm tâm trạng vốn đã ủ dột của những người có mặt tại cuộc họp tổ chức vào sáng hôm sau, một buổi sáng ảm đạm của thủ đô, tại một cơ quan nằm ngay ở trung tâm Washington. Nhiều vị đã phải ở lại nhiệm sở để làm việc suốt đêm qua nên chẳng có lý do đặc biệt nào để vui mừng. Thành phần dự họp hôm ấy là các vị ủy viên của nhóm điều phối và thông tin – gồm tất cả các phó giám đốc của cơ quan CIA và đại diện của tất cả các cơ quan tình báo và mật vụ liên bang. Chủ trì phiên họp là vị phó giám đốc chịu trách nhiệm theo dõi công việc của Cục Mật vụ. Vì vụ án mạng xảy ra trong đơn vị do chính ông đỡ đầu nên ông cũng được trao luôn cho quyền điều hành việc điều tra nội vụ. Quay về phía các đại biểu mặt mày ủ dột đang ngồi trước mặt, ông vắn tắt thuật lại những biến cố đã thu nhập được của ngày hôm trước rồi kết luận:
- Như thế là có cả thảy tám nhân viên bị giết, một bị thương và một nữa – chắc hắn là “kẻ hai mặt” – tẩu thoát. Đến hôm nay, ta chỉ mới có một lời giải đáp hết sức đại khái, - vâng, tôi phải thừa nhận là rất đáng ngờ vực – cho câu hỏi: tại sao lại xảy ra chuyện đó?
Một đại biểu mặc quân phục sĩ quan hải quân đứng dậy hỏi lớn:
- Căn cứ vào đâu mà ngài giả định rằng bức thư bọn sát nhân vứt lại tại đó là thư giả, và nguyên nhân viết trong đó là bịa đặt?
Vị phó giám đốc thở dài: ôi dào, lão sĩ quan này suốt đời chỉ toàn bắt người ta phải nhắc lại những điều đã giải thích!
- Chúng tôi chưa kết luận dứt khoát. Chúng tôi chỉ cho rằng có nhiều khả năng như thế. Theo chúng tôi, đó chỉ là một cái bẫy, một mưu toan trút trách nhiệm về hành động giết người lên đầu những kẻ thù ngấm ngầm của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta biết là chúng hành động rất kiên quyết và có thể đi tới những hành động cực đoan. Tuy nhiên, sự trả thù có vẻ phường tuồng thế kia không phải là phương pháp quen dùng của bọn chúng, và những bức thư giải thích chi tiết những câu hỏi đang làm chúng ta nát óc cũng như vậy nốt.
- Tôi có thể nêu ra với ngài một vài câu hỏi được chứ, thưa ngài phó giám đốc?
Ông phó giám đốc nghiêng người vê phía trước, tỏ đầy vẻ quan tâm:
- Dĩ nhiên, thưa ngài.
- Cám ơn. – Người hỏi câu đó là một đại biểu vóc người nhỏ nhắn, tuổi đã khá cao. Ai chưa quen biết ông ta vẫn tưởng đó chỉ là một ông già hiền hậu, mặt lúc nào cũng ẩn hiện vẻ giễu cợt. – Tôi chỉ muốn nhắc ra đây những điều chỉ còn nhớ mang máng. Mong ngài chữa giúp nếu tôi trót lẫn lộn. Cái người bị giết trong phòng riêng, tên là Heidegger ấy mà, trong máu anh ta đã phát hiện thấy pentonal natri, đúng không ạ?
- Đúng thế, thưa ngài, - viên phó giám đốc đáp, vẻ mặt căng thẳng, cố thử nhớ lại mình có nhỡ bỏ sót một chi tiết quan trọng nào hay không khi trình bày nội vụ, lúc mới mở đầu phiên họp.
- Tuy nhiên, trong số những nạn nhân còn lại rõ ràng không một ai bị tra khảo gì như chúng ta đã biết cả đấy. Kể cũng lạ đấy chứ. Bọn chúng đến nhà anh ta từ khuya, sau đó mới đến sát hại những nhân viên khác, thế mà mãi gần sáng anh ta mới chết. Ấy thế nhưng kết quả điều tra lại cho thấy chàng trai nọ, anh chàng Malcolm của chúng ta, mãi đến tận chiều, sau khi bắn bị thương Wazerby xong, mới ghé tới nhà Heidegger. Ngài nói rằng không có dữ kiện gì xác nhận Heidegger là điệp viên “hai mặt”, đúng không nào? Anh ta cũng không có những khoản chi tiêu tiền bạc mờ ám vượt ra ngoài khuôn khổ đồng lương, không có nguồn thu nhập thêm nào, không có điều tiếng hoặc chuyện khuất tất nào nguy hại để đến nỗi phải bị tống tiền, chứ gì?
- Không có, thưa ngài.
- Thế còn những dấu hiệu về sự mất thăng bằng tâm lý? ( )
- Hoàn toàn không, thưa ngài. Ngoài tật nghiện rượu đã được chữa khỏi, anh ta, như hồ sơ cho thấy, là một người hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh, nếu không kể đến sở thích ưa ẩn dật và tình trạng sống độc thân.
- Vâng, tôi đã đọc thấy trong báo cáo. Thế việc kiểm tra những nhân viên còn lại cho thấy gì? Không có gì khác thường cả chứ?
- Không, thưa ngài, không có gì.
- Vậy xin ngài làm ơn đọc giúp lại những điều Wazerby nói với bác sĩ sau lúc tỉnh. Nhân tiện cho biết luôn sức khỏe ông ta hiện thời ra sao?
- Rất tốt, thưa ngài. Các bác sĩ điều trị cho biết ông ta sẽ sống, có điều sáng hôm nay, họ sẽ phải cưa đi cái chân bị thương. – Viên phó giám đốc lật lật bản báo cáo cho đến khi tìm thấy đoạn mình cần. – À đây rồi, chỉ lưu ý các vị là phần lớn thời gian ông ta đều ở trong trạng thái hôn mê. Đến lúc tỉnh, ông ta nhìn các bác sĩ điều trị rồi kêu to: “Malcolm đã bắn tôi bị thương. Nó bắn vào hai chúng tôi. Hãy bắt lấy hắn đem giết đi”.
Từ góc bàn xa nhất có tiếng dịch ghế. Đó là viên sĩ quan hải quân chồm người về phía trước. Ông ta nói lắp bắp, nuốt mất cả chữ:
- Tôi cho rằng chúng ta phải tìm bằng được cái thằng chó đẻ ấy, lôi hắn ra khỏi hang chuột mà hắn đang chui rúc mới hả giận.
Người cao tuổi phì cười rồi lên tiếng:
- Đúng, tôi tán thành, ta phải tìm cho ra anh chàng Thần Ưng vừa đào tẩu của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng sẽ rất đáng tiếc nếu chúng ta lại trừng trị anh ấy trước khi được nghe anh ấy kể lại chuyện: “Tại sao anh ấy đã nổ súng vào Wazerby làm ông ấy bị thương”. Nghĩa là tại sao ai lại bắn ai. Ngài còn gì để thông báo với chúng tôi nữa không, thưa ngài phó giám đốc?
- Không ạ, thưa ngài. – Viên phó giám đôc đáp, tay cất giấy tờ vào cặp. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm sáng tỏ mọi vấn đề. Bây giờ, các ngài đã có đầy đủ mọi thông tin mà chúng tôi hiện nắm được. Tôi xin cảm ơn tất cả các ngài đã chiếu cố đến dự cuộc họp của chúng ta.
Khi các đại biểu đã đứng cả dậy để chuẩn bị ra về, người cao tuổi lại quay sang vị ngồi cạnh, nói khẽ, giọng đầy tư lự:
- Ước gì tôi biết được tại sao Thần Ưng lại nổ súng. – Rồi ông ta mỉm cười, lắc đầu mấy lần liền và ung dung bước ra khỏi phòng…
… Malcolm tỉnh giấc khi Wandy sờ trán anh và lo lắng hỏi:
- Malcolm, anh ốm đấy ư?
Chàng trai không định làm ra vẻ ta đây yêng hùng. Anh gật đầu và cố mãi mới cất được cái giọng khản đặc nói ra tiếng “vâng” dứt khoát. Vì cố như thế, anh cảm thấy cổ đau nhói như bị một mũi kìm nung đỏ cặp chặt. Hôm nay, không khéo anh sẽ không tài nào nói năng bình thường được nữa.
- Chết, anh ốm thật mất rồi. Há miệng em xem nào, - Wandy ra lệnh và cầm lấy cằm người bạn mới, ấn mạnh, bắt anh há to miệng. – Ôi thôi, chết rồi, họng đỏ rực lên thế kia mà không chịu nói. Em đi gọi bác sĩ ngay đây.
Wandy buông Malcolm ra, toan bước xuống đất thì bị anh bạn níu chặt lấy tay. Cô gái hoảng hốt quay lại, bảo:
- Đừng sợ anh ạ. Rồi đâu sẽ vào đấy thôi mà. Em quen một cô bạn có chồng là bác sĩ. Ngày nào ông ta cũng đi ngang qua đây để đến bệnh viện dưới Washington. Nếu ông ta chưa đi làm, em sẽ mời ông ấy về đây cho anh ngay, bảo là chữa giúp một cậu bạn bị ốm. – Wandy mỉm cười. – Có gì đâu mà anh sợ nhỉ? Ông ấy sẽ không làm lộ chuyện của anh đâu, đừng lo. Vì nói ra với bất kỳ ai là làm lộ bí mật của chính em cơ mà. Được chứ?
Malcolm nhìn chằm chằm vào mặt cô bạn, đoạn buông ta cô ra, gật đầu tỏ ý ưng thuận. Lúc này, anh chỉ muốn được yên tĩnh mà nghỉ ngơi thôi, nên dửng dưng với hết thảy: cho dù lão bác sĩ nọ có lôi về đây thằng cha đi cùng với gã Chim Sẻ hôm qua cũng mặc!
Ông bác sĩ là một người béo tốt, tuổi đã ngoài bốn mươi. Nhìn qua dáng người, nét mặt có thể đoán ngay ông không phải hạng người thích nói nhiều. Ông thăm mạch, vần ngược vần xuôi chàng trai một hồi rồi đo nhiệt độ, nhìn kỹ cổ họng anh đến nỗi thiếu chút nữa anh đã nôn thốc nôn tháo hết thảy ruột gan ra ngoài. Xong xuôi, ông lên tiếng, mắt nhìn thẳng vào mặt con bệnh:
- Anh bị viêm họng nhẹ, anh bạn ạ. – Rồi quay sang nhìn Wandy đang đứng bên ông, mặt đang dài đuỗn ra vì lo, bảo thêm: - Đừng lo, chả có gì ghê gớm lắm đâu. Chúng ta sẽ vực anh ấy dậy được ngay thôi mà
Malcolm theo dõi ông bác sĩ đang lục tìm gì đó trong cái túi sách nhỏ. Rồi ông ta quay lại phía anh, tay cầm mộ cái xê-ranh.
- Nằm nghiêng lại.
Trong óc Malcolm chợt hiện lại bức tranh ở nhà Heidegger: cánh tay lạnh ngắt, không còn chút sinh khí, và một đốt đỏ bầm do mũi kim để lại. Anh cứng người lại vị sợ hãi.
- Trời ơi, có đau đớn gì đâu cho cam mà sợ! Một mũi Penicillin thôi anh bạn trẻ ạ.
Tiêm cho Malcolm xong, ông bác sĩ quay sang Wandy trao cho cô một mảnh giấy nhỏ, nói:
- Cô cầm lấy cái đơn thuốc này. Mua thuốc về nhớ trông chừng để anh ấy đừng ném đi. Anh bạn trẻ ấy cần được nằm trên giường nghỉ ngơi một vài hôm. – Ông mỉm cười, ghé sát tai Wandy thì thào: - Wandy, tôi muốn nói phải để anh ấy được yên tĩnh hoàn toàn…
Ông cười xòa trong lúc bước ra cửa. Đến phòng ngoài, ông ngoảnh lại, ấp úng hỏi nhỏ:
- Tính tiền công cho ai đây?
Đến lượt mình, Wandy cũng mỉm cười e thẹn và trao cho ông bác sĩ hai mươi đô-la. Ông toan phản đối nhưng Wandy đã ngăn ngay:
- Anh ấy sẽ bực mình nếu bác sĩ từ chối. Anh ấy… chúng tôi… rất cảm ơn bác sĩ về sự giúp đỡ này.
Ông bác sĩ vừa cười hề hề vừa nói, giọng châm chọc:
- Chính anh ấy mới là người đáng được cô cám ơn. Ồ, tôi trễ mất tách cà phê sáng rồi. – Rồi nhìn cô gái, ông từ tốn thêm: - Wandy này, tôi cảm thấy chàng trai ấy là phương thuốc công hiệu nhất mà lâu nay cô cần đấy. – Đoạn, ông phẩy tay từ biệt rồi đi thẳng.
Khi Wandy trở lại buồng ngủ thì Malcolm đã ngáy khì khì. Cô gái lặng lẽ thu dọn đồ đạc rồi đi mua sắm. Suốt sáng hôm ấy, Wandy đã lùng mua những thứ ghi trong cái danh sách mà họ cùng lập ra lúc chờ ông bác sĩ đến. Đầu tiên, cô đi mua thuốc cho Malcolm theo cái đơn của ông bác sĩ kê cho. Kế đó cô mua cho anh vài bộ quần áo lót, dăm đôi tất, mấy chiếc sơmi và quần dài, một áo vét-tông và bốn quyển sách của bốn tác giả vì không biết anh thích nhà văn nào. Khi mang những thứ mới sắm được về nhà thì đã đến giờ làm bữa. Suốt chiều và tối hôm ấy, cô thản nhiên lo liệu việc nhà, chỉ thỉnh thoảng mới chạy lên gác xem bệnh nhân trên ấy xử sự ra sao. Suốt ngày, nụ cười mãn nguyện đã không rời đôi môi cô gái…
°
° °
… Việc điều hành và giám sát chung toàn bộ hoạt động của cái bộ máy tình báo, đặc vụ đồ sộ - và vì thế nên hết sức cồng kềnh – của Hợp chủng quốc là một minh họa kibnh điển cho vấn đề “Kẻ điều hành bị điều hành”. Theo đạo luật về an ninh quốc gia năm 1947, Hội đồng an ninh quốc gia đã được thành lập. Đây là một cơ quan mà nhân sự cứ luôn luôn thay đổi mỗi khi một vị tổng thống mới và bộ máy hành pháp của ông ta bước vào Nhà Trắng. Tổng thống và phó tổng thống là những nhân vật nhất thiết phải có chân trong Hội đồng. Ngoài ra, tham gia vào Hội đồng còn có những vị bộ trưởng chủ chốt của chính phủ. Nhiệm vụ chính của Hội đồng là nắm việc điều hành và giám sát chung toàn bộ hoạt động của tất cả các cơ quan tình báo và điều tra của chính phủ, cũng như thông qua những chính sách ấn định hoạt động của các cơ quan đó.
Nhưng các ủy viên của Hội đồng an ninh quốc gia thì không có việc đó cũng đã đủ bận rộn lắm rồi, nên chẳng còn đâu thì giờ mà dành cho các vấn đề về tình báo và đặc vụ. Bởi thế, phần lớn các quyết định có liên quan đến mặt này, trên thực tế, chỉ được thông qua bởi một ủy ban thành phần hẹp hơn, vẫn quen gọi là “Nhóm đặc trách”. Nhiều nhân vật trong chính giới vẫn gọi tắt họ là “Nhóm 54/12” nhóm được thành lập theo một sắc lệnh mật mang số No 54/12, ban hành trong thời kỳ tổng thống Eisenhower lên cầm quyền.
Thành phần “Nhóm 54/12” cũng biến động luôn mỗi lần có sự thay đổi bộ máy hành pháp, nhưng thường bao giờ cũng gồm giám đốc cơ quan CIA, thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính sách hoặc trợ lý của ông ta, và bộ trưởng cùng thứ trưởng Quốc phòng.
Nắm quyền điều hành thực tế bộ máy tình báo đặc vụ nước Mỹ là giải quyết cả một loạt vấn đề khá rối rắm mà ngay cả những chuyên gia có trình độ cao cũng thấy đau đầu. Một trong những vấn đề loại đó là các ủy viên “Nhóm 54/12” lại bị lệ thuộc vào những người mà họ phải điều hành và giám sát, cũng như tầm quan trọng của việc thu nhận những thông tin nội bộ cần thiết để thông qua các quyết định tương ứng. Tình hình đó đương nhiên sẽ đưa đến những chuyện mơ hồ đủ kiểu.
Ngoài ra, còn phải kể đến vấn đề phân chia phạm vi quyền hạn giữa các cơ quan tình báo, đặc vụ riêng biệt. Nếu tính đến khả năng thực tế là sự kình địch thuần túy hình thức giữa các bộ máy nặng đầu óc quan liêu của các cơ quan có thể biến thành sự thù địch lộ liễu thì đấy cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ.
Ngay sau khi thi hành được ít lâu, “Nhóm 54/12” đã thử giải quyết vấn đề thu nhận thông tin nội bộ và phân chia phạm vi quyền hạn. Để làm việc này, Nhóm đã lập ra một tiểu ban an ninh đặc trách và sự hiện diện của nó chỉ có những ủy viên trong Nhóm mới được biết.
Nhiệm vụ của tiểu ban đặc trách là điều phối các hoạt động và đảm bảo mối liên hệ giữa các bộ phận. Ngoài ra, tiểu ban cũng có trách nhiệm giám sát một cách khách quan và độc lập toàn bộ các thông tin truyền cho “Nhóm 54/12” từ tất cả các cơ quan tình báo, đặc vụ. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất mà tiểu ban được trao cho là có toàn quyền thông qua những quyết định khẩn cấp để bảo đảm an ninh quốc gia.
Để giúp đỡ cho tiểu ban làm việc, trên thực thế “Nhóm 54/12” đã giao cho người đứng đầu tiểu ban đặc quyền là được sử dụng một nhóm chuyên viên cố định không đông lắm; và ngoài ra, nếu thấy thật cần thiết, có thể luẩn phiên rút thêm những chuyên viên của các cơ quan an ninh và tình báo khác về làm việc dưới quyền mình.
Các ủy viên của “Nhóm 54/12” biết rõ rằng làm như vậy là đã tự tạo cho chính mình một vấn đề tiềm tàng mới. Tiểu ban đặc trách cho xu hướng vốn có của tất cả các tổ chức thuộc chính phủ, có thể biến thành một bộ máy cồng kềnh và xét cho cùng, thì chuyện đó sẽ làm rắc rối thêm những vấn đề mà để giải quyết chúng họ đã phải lập ra một tiểu ban. Tiểu ban đặc trách trên thực tế đã có trong tay những quyền hạn vô tận và những tiềm lực to tát. Vì thế, ngay cả những lầm lỗi nhỏ nhặt nhất mà họ phạm phải cũng có thể đưa đến những hậu quả vô cùng nguy hại. “Nhóm 54/12” chăm chú theo dõi đứa con do mình đẻ ra, chặn đứng mọi biểu hiện của thói quan liêu, phản định nghiêm khắc hoạt động của nó, cố hạn chế công tác điều tra của nó ở mức tối thiểu. Và dĩ nhiên, chỉ cử vào cương vị cầm đầu tiểu ban những người xuất sắc nhất…
… Trong khi Malcolm và Wandy ngồi chờ bác sĩ đến thì tại phòng khách của một công sở lớn, nằm trên đại lộ Pennsylvania, một người cao lớn, cư xử rất dè dặt, cũng đang ngồi chờ một nhân vật quan trọng mời vào tiếp chuyện. Tên người ấy là Kevin Powell. Ruột gan Powell như lửa đốt; toàn bộ tâm trí ông ta đang hướng về cuộc gặp mặt sắp đến: những buổi tiếp chuyện như thế đâu phải ngày nào ông cũng được mời đến? Cuối cùng, cô thư ký cũng đã gật đầu. Powell bước vội vào phòng làm việc của nhân vật mà diện mạo trông như một ông già hiền hậu. Nhân vật ấy ra hiệu mời Powell ngồi.
- A, Kevin, anh đã đến đấy à? Tuyệt!
- Rất sung sướng được gặp ngài. Sắc mặt ngài trông tươi quá đi mất.
- Anh cũng vậy, Kevin thân mến ạ, trông cứ như một trang nam nhi vậy. Này, cầm lấy, - ông ta vất cho Powell một chiếc cặp đựng hồ sơ, - và nghiền ngẫm thật kỹ vào nhé.
Trong khi Powell đọc, “ông già hiền hậu” chăm chú nhìn ông ta. Một nhà phẫu thuật đã tỏ ra khéo léo phi thường nên rốt cục cuộc giải phẫu chỉnh hình trên mép tai đã đưa lại những kết quả vượt quá sức mong đợi của bất kỳ ai… Cặp mắt tinh tường của “ông già hiền hậu” lướt qua cái gờ khó nhận thấy trên chiếc vét-tông ở phía ngực bên trái… Khi Powell ngước mắt lên, “ông già hiền hậu” liền cất tiếng hỏi:
- Sao, anh nghĩ thế nào về chuyện đó, anh bạn?
Powell đáp, cân nhắc từng chữ một:
- Kỳ lạ thực, thưa ngài. Tôi không dám đoan chắc là đã hiểu hết, tuy rằng những gì tôi vừa xem có vẻ rất nghiêm túc.
- Anh dường như đã đọc những ý nghĩ của tội, anh bạn ạ. Đúng là đã đọc những ý nghĩ của riêng tôi. Cả CIA lẫn FBI đã tung ra đến hàng dăm chục con người, lùng sục khắp thành phố, theo dõi không biết bao nhiêu là sân bay, xe buýt và tàu hỏa như họ vẫn thường làm trong những trường hợp tương tự. Và tôi phải thừa nhận là họ hoạt động khá hữu hiệu. Nếu nói chính xác hơn, thì họ đã hoạt động như thế cho đến tận lúc này.
Ông ta ngừng một lát để lấy hơi và chờ sự tán thưởng cùng sự thích thú trong ánh mắt Powell.
- Họ đã tìm được ông thợ cạo. Ông ta nhớ là đã cắt tóc cho anh bạn đào tẩu của chúng ta đó. Hành động của chàng trai tuy bị người ta đoán trước nhưng phải thừa nhận là rất đáng khen ngợi. Chuyện đó diễn ra sau lúc Wazerby bị thương. Nói thêm cho anh biết là lão đại tá sức khỏe đã khá rõ rệt. Người ta hy vọng rằng tối nay đã có thể lấy cung được lão ta đấy. Tôi vừa dừng lại ở đoạn nào ấy nhỉ? … À nhớ rồi. Họ đã lùng sục toàn bộ khu vực đó và đã tìm thấy cái cửa hàng mà Malcolm ghé vào mua sắm quần áo. Nhưng sau đó thì mất hút dấu vết. Và bây giờ, họ không thể hình dung nổi phải tìm anh ta ở xó xỉnh nào. Về điểm này, tôi có vài ý nghĩ, nhưng chốc nữa tôi sẽ trở lại. Tôi muốn anh nghe những suy luận của tôi và đặc biệt chú ý đến một số điểm. Nào, để xem anh ta trả lời ra sao những câu tôi sắp hỏi đây. À, chắc anh cũng đang có những điều muốn hỏi lại tôi.
- Vâng ạ. Tại sao lại thế? Vì lẽ gì đã xảy ra tất cả những chuyện ấy? Tại sao bọn chúng lại chọn chính cái tiểu bạn nọ gồm toàn những nhân viên phân tích vô hại và chẳng cần thiết cho ai cả? Vì lẽ gì thưa ngài? Đó, tôi chỉ xin hỏi có vậy.
- Anh hãy chú ý bọn chúng đã hành động ra sao nhé! Tại sao lại ồn ào và lộ liễu như thế? Tại sao lại quảng cáo ầm ĩ lên thế? Tại sao anh chàng Heidegger ấy lại bị giết ngay từ đêm hôm trước? Anh ta biết được những gì? Những nhân viên khác có biết điều đó không? Nếu chỉ anh ta mới biết những điều khiến bọn chúng quan tâm thì chúng sát hại những nhân viên khác để làm gì? Nếu Malcolm quả thực đã làm việc cho bọn chúng thì vị tất chúng đã phải tra khảo Heidegger? Vì không có anh ta, Malcolm vẫn có thể kể hết với chúng mọi chuyện kia mà… Đúng không?
Bây giờ ta sang chuyện Malcolm. Nếu anh chàng đó là nhân viên “hai mặt” thì tại sao anh ta lại gọi điện về phòng chỉ huy “Báo động”? Lại nữa: nếu anh ta là đứa “hai mặt” thì vì lẽ gì anh ta lại bằng lòng đến chỗ hẹn và lại giết Chim Sẻ? Còn nếu không phải là gã “hai mặt” thì tại sao anh chàng lại nổ súng vào cả hai người mà chính anh ta yêu cầu đến đón mình, để đưa mình về nơi an toàn? Tại sao sau cuộc bắn nhau đó, anh ta lại tìm đến nhà Heidegger? Và cuối cùng là câu hỏi không thể không đặt ra này: hiện giờ anh ta đang nương náu ở đâu?
Còn cả một loạt câu hỏi nữa nảy sinh từ những câu hỏi tôi vừa nêu nhưng tôi cho rằng đấy là những câu hỏi then chốt nhất. Ý anh thế nào? Tán thành chứ?
Powell gật đầu rồi lên tiếng, vẻ tư lự:
- Vâng, đúng thế ạ. Nhưng tôi phải làm cách nào để có thể nhúng tay vào vụ này?
“Ông già hiền hậu” mỉm cười:
- Kevin thân mến ơi, anh đang có cái may là được tạm điều về làm việc ở tiểu ban đặc trách của tôi. Như anh biết đấy, người ta lập ra cái tiểu ban này với dụng ý là để chấm dứt cái tệ quan liêu tai hại trong bộ máy làm việc của chúng ta. Tôi tin chắc là bọn cạo giấy có từ tâm muốn đem lại sung sướng cho cái linh hồn tội nghiệp của tôi vì trong bụng chúng, chúng vẫn đinh ninh rằng tôi sẽ cứ ngồi yên ở đây cho đến lúc về hưu hoặc sẽ chết ngập trong đống giấy mà này nếu được giao phụ trách tiểu ban đó. Nhưng chuyện đó tôi chẳng bận tâm mấy. Vì thế, tôi đã thu xếp công việc sao cho mình được dự phần nhiều nhất vào các hoạt động điều tra. Nhưng tôi sẽ không dại gì lại đem “tung” cả một nhóm nhân viên điều tra tài giỏi vào cuộc theo con đường hoàn toàn “hợp pháp”, và cũng không mở một “văn phòng giao dịch” y như trong những thời buổi tốt đẹp xa xưa đâu, Powell ạ. Từ trong cái mớ bòng bong đang ngự trị trong hệ thống hoạt động tình báo hiện thời, tôi chắt gạn ra cho mình cái phần béo bở nhất. Một nhà viết kịch tôi quen biết trước đây thích nói rằng phương thức tốt nhất để tạo ra sự hỗn loạn là cứ đưa lên sân khấu thật nhiều diễn viên. Tuy nhiên tôi không ưa cái lối đục nước béo cò tí nào.
Rồi ông ta nhún nhường nói thêm:
- Tôi cho rằng những nỗ lực này nọ của tôi, dù chẳng lấy gì làm to tát cho lắm cũng đã đem lại cho đất nước những lợi ích nhất định.
Còn bây giờ ta trở lại với cái việc nhỏ bé của chúng ta thôi. Việc đó tuy không trực tiếp liên quan đến tôi nhưng nó cũng kích thích trí tưởng tượng của tôi rất dữ. Ngoài ra, tôi còn lo là cả CIA lẫn FBI đều đã nhìn nhận và xử lý việc này không thật thỏa đáng. Một là họ vẫn dùng những phương pháp mòn cũ để ứng phó với cái tình huống cực kỳ lạ đời mới xuất hiện. Hai là họ hành động quá hấp tấp và đúng là giẫm đạp lên nhau, cốt giành cho được cái vinh quang: “chộp” lấy bọn tội phạm trước tiên. Hơn nữa, ở đây còn có một nhân tố tôi cảm nhận được rất rõ, nhưng vẫn chưa thể diễn đạt chính xác bằng lời. Trong vụ này, có một điểm khiến tôi rất lo. Một vụ án mạng phải nói là hoàn toàn không giống như những vụ án mạng thường gặp. Các sự kiện trông có vẻ… kỳ dị đến mức những cặp mắt phàm trần không sao hình dung nổi. Và tôi cho rằng chúng đã vượt ra ngoài những nếp nghĩ quen thuộc của đám nhân viên thuộc hai cơ quan điều tra chủ trốt ấy. Tôi không hề nghĩ là họ bất tài – mặc dù tôi đã nhận thấy một số biểu hiện như thế - mà thực ra, chung quy chỉ vì họ đã nhìn vụ án không phải từ góc độ như tôi vừa nói. Anh hiểu tôi chứ, anh bạn?
Powell gật đầu tỏ ý tán thành:
- Ngài đang nhìn nhận từ góc độ đáng ra phải có, đúng không ạ?
“Ông già hiền hậu” mỉm cười:
- Nói cho đúng ra, tôi đã vén được phần nào tấm màn bí mật lên rồi. Bây giờ, tôi muốn anh phanh phui nội vụ, đi tiếp những bước tôi đã đi. Anh có để ý đến mẩu giấy ghi tình trạng sức khỏe của Thần Ưng không? Đừng tìm làm gì cho mệt, tôi nói ngay cho mà nghe đây. Anh ta thường hay bị cảm lạnh và viêm họng hoặc viêm phế quản; bởi thế, dù muốn dù không cũng cần phải tìm thầy thuốc để chữa chạy. Kevin này, chắc anh còn nhớ, trong buổi trò chuyện thứ hai với Mitchell, anh ta cũng đã hắt hơi và có nói là đang bị cảm xoàng? Tôi cảm thấy lần này phải gội mưa tắm gió thế kia, bệnh tình anh ta nhất định thế nào cũng nặng thêm, dù trốn ở đâu, anh ta cũng mò ra hang ổ để tìm bác sĩ. Dĩ nhiên, đấy là phát đạn ta bắn từ xa nhưng tôi tin thế nào cũng trúng đích, Kevin ạ.
Powell chỉ nhún vai.
- Phương án truy tìm này có lẽ phải tính kỹ lại thêm, nhưng chắc sẽ thành công đấy ạ.
“Ông già hiền hậu” tuy nghe nói nước đôi ấy nhưng mặt mày cũng rạng rỡ hẳn lên:
- Tôi cũng cho là như thế. Lúc này chưa ai nghĩ đến nó cả. Vì thế, ta có thể hoàn toàn rảnh tay hành động, chẳng sợ bị ai quấy rầy. Tôi đã thỏa thuận để anh được chỉ huy một nhóm điều tra đặc biệt – tôi xoay được bằng cách nào, điều đó không quan trọng, nhưng quả là tôi đã làm được chuyện đó. Mở màn, anh hãy đảo một vòng, thăm các bác sĩ nội khoa trong thành phố Washington này. Cố dò xem có ai trong số họ đã chạy chữa cho một người giống như anh bạn đào tẩu của chúng ta không. Nếu họ quên, anh cố tìm cách gợi chuyện để giúp họ nhớ lại. Anh phải bịa ra một chuyện gì đó cho thật mùi tai vào để họ có thể cư xử cởi mở với anh. À, còn chuyện này nữa. Cố mà che mắt những ai hay tò mò, ưa dòm ngó vào công việc của chúng ta đấy nhé.
Powell đứng dậy để từ biệt:
-Thưa ngài, tôi xin làm tất cả những gì khả năng mình cho phép.
- Tuyệt. Tôi biết ngay là có thể gửi gắm niềm hy vọng của mình vào ai. Anh biết đấy, vụ nay cứ ám ảnh tôi mãi. Nghĩ thêm được gì hay tôi sẽ thông báo cho anh ngay. Chúc anh may mắn.
Powell bước ra khỏi phòng làm việc. Khi cửa đã khép lại sau lưng ông ta, “ông già hiền hậu” lại mỉm cười, vẻ mãn nguyện.
Khi Kevin Powell bắt đầu công việc tẻ nhạt đến cùng cực là đi dò hỏi các vị bác sĩ nội khoa ở Washington thì người có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng bước ra khỏi chiếc tắc-xi, đỗ lại trước cổng cửa hàng quân trang Sunny. Sáng hôm ấy, hắn ta cũng đã nghiền ngẫm tập hồ sơ gồm những bản sao in theo lối xê-rốc, toàn bộ những văn bản mà Powell vừa nhận được lúc nãy. Hắn nhận được chiếc cặp hồ sơ nọ từ tay người đàn ông có vẻ ngoài đường bệ. Và một kế hoạch lùng tìm Malcolm của riêng hắn đã hình thành ngay trong đầu, khi hắn vừa gấp cặp hồ sơ lại. Trước đấy một giờ, hắn đã lượn tắc-xi qua khắp các đường ngang ngõ tắt trong khu vực này. Bây giờ, hắn chuyển sang đi bộ. Hắn đảo qua khắp các tiệm rượu, các sạp báo, các công sở và nhà tư, nghĩa là bất cứ nơi nào mà hắn nghĩ là Malcolm có thể dừng chân trong phút chốc. Đến đâu, hắn cũng chìa bức vẽ của kẻ trốn tránh ra dò hỏi. Nếu ai đó tỏ vẻ bực mình hoặc nói chung không muốn trò chuyện cùng hắn thì hắn lập tức rút ra một trong năm tấm giấy chứng nhận mà người đàn ông có vẻ ngoài đường bệ đã xoay cho để bắt người ấy trả lời. Đến 15 giờ 30 chiều thì hắn đã mệt nhoài nhưng vẫn cố không để lộ sự mệt mỏi đó ra trên nét mặt dễ gây ấn tượng. Rõ ràng chưa bao giờ hắn tỏ ra nhất quyết như bây giờ. Hắn ghé vào một tiệm Hotshop để uống một tách cà phê. Lát sau, trước khi bước ra, hệt như một chiếc máy bay, hắn chìa cho cô thu ngân bức vẽ và mảnh giấy chứng nhận là nhân viên FBI. Bất cứ ai ở vào địa vị hắn chắc cũng đều sửng sốt y hệt như hắn, khi nghe cô gái tuyên bố là cô ta nhận diện được người vẽ trong ảnh.
- Đúng thế, chính mắt tôi nhìn thấy thằng chó đẻ ấy. Hắn ta vội vã đến mức chỉ kịp vứt tiền lên quầy rồi chuồn thẳng. Tôi đã bị rách mất đôi tất dài vì phải chui xuống tận dưới gầm quầy hàng tìm đồng xu hắn ném đấy.
- Hắn đi có một mình à?
- Đúng thế. Một mình. Ngừ ấy thì ai còn dám đánh bạn?
- Cô có nhận thấy hắn chuồn về ngả nào khi rời khỏi đây không?
- Dĩ nhiên là có. Giá có súng trong tay, thế nào tôi cũng đã cho hắn một phát để tiệt nọc cái giống chó đẻ ấy đi. Hắn chuồn về hướng kia kìa.
Ông khách tò mò lấy tiền ra trả rất mực tử tế và không quên gửi thêm nguyên cả một đô-la để trả công, rồi đi về phía cô ả bán hàng vừa mách. Hắn chẳng nhận thấy một điều gì có vẻ khác thường hoặc đáng chú ý ở đây cả… Vừa nghĩ thế, hắn vừa tạt vào một bãi giữ xe. Và chỉ trong chớp mắt, hắn đã biến thành một cảnh sát Washington. Hắn đến bên ông già giữ xe béo ị, đầu đội mũ phớt, hỏi dò.
- Người này ư? Có đấy, tôi có nhìn thấy anh ta. Nhưng anh ta đã lên xe với cô “bồ” của anh ta chuồn mất rồi.
Người có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng nheo mắt:
- Trời, “bồ bịch” nào nữa vậy?
- Với một cô ả chuyên đóm điếu cho mấy ngài trạng sư. Văn phòng của họ vẫn thuê tháng cho xe cộ của đám nhân viên giúp việc ở tại bãi này. Cô ả thì của đáng tội, chẳng phải loại nghiêng nước nghiêng thành. Nhưng trông cũng hay hay. Chắc ông hiểu tôi muốn nói gì chứ ạ?
- Vâng, tôi hiểu chứ. – nhà “thám tử” đáp – gì chứ khoản ấy thì tôi hiểu. Thế cô ấy làm gì? Tên họ ả thế nào, bác nhớ chứ?
- Ông chờ cho tí nhé. – chiếc mũ phớt lập tức biến ngay vào cái chòi gỗ cạnh đó. Và chỉ trong nháy mắt, trước mặt viên “cảnh sát” tò mò đã bày ra quyển sổ đăng ký. – Để tôi xem tí nhé. Đây rồi, số phiếu 63… Số 63… À, tên họ đây: Ross, Wandy Ross. Còn đây là địa chỉ nhà riêng: đường Alexandrie, số nhà… - Đôi mắt nheo nheo của gã “cảnh sát” lướt trên dòng chữ, và trí nhớ hắn ghi nhớ ngay những gì vừa nhìn thấy. Rồi đôi mắt đó lại ngước lên nhìn thẳng vào mặt người giữ xe đội mũ phớt.
- Cảm ơn bác. – người có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng nói thế rồi trở gót đi ngay.
- Không dám. Này, thế anh chàng ấy đã giở những trò gì vậy?
Hắn dừng bước, quay mặt lại, đáp vội:
- Chẳng có gì đặc biệt. Thật đấy, chẳng có gì. Chúng tôi tìm anh ta vì anh ta đang lâm vào… một thế nguy, thế thôi. Nhưng chuyện đó chẳng việc gì đến bác đâu, đừng sợ. Chúng tôi chỉ muốn biết chắc là anh ta chưa mất mạng, thế thôi…
Mười phút sau, người có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng đã đứng trong một chòi điện thoại công cộng. Ở đâu đó, đầu dây đằng kia của thành phố, người có vẻ ngoài đường bệ đã lập tức nhấc máy lên – chiếc máy chỉ năm thì mười họa mới đổ chuông, vì số máy đó không đăng ký trong bất cứ quyển danh bạ nào.
- Vâng, tôi nghe đây, - ông ta đáp sau khi nhận ra giọng nói của người quen trong máy.
- Tôi vừa lần ra một dấu vết còn mới tinh khôi.
- Tôi biết ngay là thế nào anh cũng dò ra. Cắt người theo dõi ngay đi. Nhưng anh hãy dặn trước hắn là khoan hẵng ra tay, chờ đến khi tình thế buộn hắn chẳng thể dùng được nữa đã, nhé. Lần này, tôi muốn chính anh thanh toán, để tránh mọi sơ xuất. Nhưng khoản đó, sau ta hãy tính. Bây giờ, tôi có nhiệm vụ khẩn cấp cho anh đây.
- Về ông bạn “ốm” của cánh ta chứ gì?
- Đúng, chính hắn. Sức khỏe của hắn tôi e là “nguy ngập” đấy. Ta gặp nhau tại địa điểm số “bốn”, nhớ đến gấp gấp lên nhé. – Rồi ông ta đặt máy xuống.
Người có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng còn ở lại trong chòi điện thoại một lát để gọi thêm một cú dây nói nữa. Xong xuôi, hắn vẫy một chiếc tắc-xi chạy qua, rồi biến mất trong bóng hoàng hôn đang thong thả buông xuống thủ đô…
Một chiếc xe tải nhỏ, có mui, hãm phanh, đỗ lại ở phía bên kia đường, đối diện với căn nhà Wandy, đúng vào lúc cô gái bưng lên cho Malcolm một đĩa bít-tết nóng sốt. Người lái xe có thể nhìn rõ một cành cửa ra vào của gian phòng Wandy đang ở, tuy rằng hắn ta phải chịu khó cúi gập cái thân hình khẳng khiu, cao lênh khênh trong một tư thế rất gò bó. Hắn chăm chú quan sát căn phòng của Wandy, vẻ sốt ruột…

Chương trước Chương sau