Sáu ngày của Condor - Chương 07

Sáu ngày của Condor - Chương 07

CHỦ NHẬT

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 10/10 với 15115 lượt xem

- Kevin ạ, tôi nghĩ: thế là ta tiến thêm được ít nhiều rồi đấy chứ!
Câu nói của sếp tuy đầy vẻ phấn chấn và lạc quan nhưng cái cảm giác mụ mẫm đầu óc đã đánh đai lấy tâm trí Powell suốt hai hôm nay vẫn không sao vơi bớt đi được. Chân tay ông rã rời vì mệt mỏi. Nhưng không phải cái mệt mỏi về thể chất đó khiến ông bồn chồn, lo lắng. Ông vốn quen chịu đựng với những tình thế còn nghiệt ngã, còn căng thẳng hơn nhiều, đến mức gần như không còn thời gian giờ để nghỉ ngơi nữa kia. Nói của đáng tội, suốt ba tháng vừa qua, ông chẳng phải làm gì khác hơn là nằm khàn cho sức lực chóng hồi phục. Chính vì lẽ đó nên ông mới đổ lười và chủ nhật nào cũng quen nằm rốn thêm trên giường cho đến tận chín, mười giờ sáng. Tuy nhiên, lý do chính khiến ông bị kích động là sự mù mờ của nhiệm vụ đang phải cáng đáng hiện nay. Từ trước tới giờ, Powell chỉ tham gia điều tra những vụ mà ngôn ngữ nhà nghề vẫn gọi là “post factum” (việc đã rồi). Hai năm học hành và vốn kinh nghiệm tích lũy được suốt mười năm lăn lộn trong nghề bây giờ chỉ được đem dùng vào giải quyết một công việc phụ là thu nhập những thông tin cũ mèm và vô bổ. Phàm là cảnh sát, anh nào mà chẳng làm nổi thứ công việc ấy. Và chán vạn gì anh đã làm được rất giỏi giang đấy thôi. Vì thế, Powell không thấy lạc quan như sếp của ông.
- Nhưng đã tiến thêm được gì đâu ạ, thưa ngài? - Powell hỏi bằng một giọng cung kính tuy trong thâm tâm ông đang cáu đến cùng cực. – Đã dò ra được dấu vết gì của Thần Ưng và cô bạn của anh ta đâu mà ngài mừng vội thế?
- Khoản ấy thì chưa. – Người cao tuổi mặt mày vẫn rạng rỡ vì mãn nguyện mặc dù đêm qua, mãi tận khuya ông mới được chợp mắt. – Nhưng không loại trừ khả năng là chính cô gái đã tậu chiếc Dodge đó. Tuy vậy, cho đến bây giờ, vẫn chưa ai dò được tăm hơi chiếc xe ấy, mà cũng chẳng ai nhìn thấy mặt mũi nó nữa. Không, ta tiến thêm được ở hướng khác kia: ta đã dò được tung tích cái gã “đưa thư” bị giết hôm nọ.
Đầu óc Powell tức thì sáng hẳn ra. Người cao tuổi tiếp:
- Tên hắn là Calvin Lloyd. Trước là trung sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Năm 1959, đang làm cố vấn cho một đại đội thủy quân lục chiến Nam Triều Tiên thì bỗng dưng biến mất. Có tin đồn – mà chắc là đúng thôi – hắn đã nhúng tay vào vụ giết mẹ con một bà nội trợ rất nhẫn nhục ở Seoul. Bộ chỉ huy hải quân có cho điều tra vụ này nhưng không tìm được bằng cứ trực tiếp để buộc tội hắn. Tuy nhiên, có dư luận cho rằng hắn và mụ nội trợ kia thường xuyên làm cái việc bỉ ổi là dắt gái cho đám lính tráng đóng tại căn cứ hải quân nọ. Được ít lâu thì hai bên trục trặc với nhau về chuyện giá cả, lời lãi gì đó. Rốt cục, người ta tìm thấy xác của hai mẹ con ở sau nhà; còn Lloyd thì trốn biệt. Bộ chỉ huy thủy quân lục chiến có cho truy tìm nhưng không tỏ ra hứng thú gì lắm. Đến năm 1961, thì Cục tình báo hải quân được tin hắn chết bất đắc kỳ tử tại Tokyo. Nhưng hai năm sau, người ta lại được tin: Lloyd đang buôn vũ khí ở Lào. Anh hình dung xem: trong vụ này, hắn chỉ đảm đương phận sự của một cố vẫn kỹ thuật thôi chứ không phải là đứa đầu trò đâu nhé. Chính vào thời gian ấy, hắn móc nối với một anh chàng mang tên là Vincent Dale Maroule. Về nhân vật này, lát nữa tôi sẽ kể tỉ mỉ sau. Tiếp đó, đến năm 1965, Lloyd lại biệt tăm biệt tích lần nữa. Và cho mãi đến hôm qua, người ta vẫn đinh ninh rằng hắn đã chết rấp ở đâu đó từ lâu lắm rồi.
Người cao tuổi ngừng lời. Powell hắng giọng như muốn tỏ cho sếp biết ông định hỏi gì đó. Người cao tuổi lễ độ gật đầu tỏ ý bằng lòng. Powell lên tiếng:
- Kể cũng mừng đấy. Ít ra bây giờ ta đã biết gã “đưa thư” nọ là ai. Nhưng tin ấy có thể giúp ích gì cho việc điều tra chúng tôi?
Người cao tuổi giơ ngón tay trỏ bên trái lên với nhiều ngụ ý.
- Kiên nhẫn một tí chứ, anh bạn. Ta vội mà làm gì, phải đi tuần tự từng bước một. Lát nữa, ta sẽ xem những nẻo đường nào đã giao nhau và chúng gặp nhau ở đâu.
Kết quả khám nghiệm tử thi của Wazerby đã nêu ra một giả thuyết hay hay. Nếu tính đến những biến cố nào được dùng là chỗ dựa cho giả thuyết ấy, tôi thiên về hướng cho rằng đây là một giả thuyết đầy hứa hẹn. Người ta giả định rằng Wazerby chết vì trong máu lão ta xuất hiện những bọt khí. Tuy nhiên, các nhà giải phẫu bệnh lý từ chối khẳng định dứt khoát điều giả định trên đây. Các bác sĩ điều trị thì khăng khăng với ý kiến cho rằng: nguyên nhân của cái chết đó mang tính chất thuần túy ngoại lai; vì thế họ tuyên bố không chịu trách nhiệm về tai biến. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đó. Rất tiếc là Wazerby đã chết nên chúng ta không thể hỏi cung lão. Nhưng theo tôi nghĩ, đối với ai đó, cái chết của lão ta là một lối thoát đắc địa nhất trong tình cảnh hiện thời của hắn. Tôi muốn nói là không còn lối thoát nào hay hơn nếu anh định gặng hỏi tôi.
Tôi tin chắc rằng Wazerby là một nhân viên “hai mặt” tuy tôi không thể trả lời dứt khoát hắn ta làm việc cho ai. Hồ sơ của “Hội” liên tục biến mất hết tập này sang tập khác; một kẻ lạ mặt mang theo giấy chứng minh nhân dân do các cơ quan nhà nước cấp hẳn hoi đã sục sạo khắp thành phố, tiến hành điều tra riêng và bao giờ cũng đi trước chúng ta đến vài ba bước chân; rồi tính chất và phương pháp tiến hành chiến dịch thanh toán các nhân viên của “Hội”… Tất cả những bằng cớ đó đã chứng tỏ rằng thông tin nội bộ của chúng ta đã bị rò rỉ. Bây giờ, khi Wazerby đã bị khử rồi, ta có thể giả định hắn chính là thủ phạm của sự rò rỉ đó, nhưng đồng thời chính hắn là mối đe dọa đầy nguy hiểm đối với ai đó còn nguy hiểm hơn hắn nhiều. Ngoài ra, còn vụ bắn nhau đầy khó hiểu trong con hẻm sau dãy rạp chiếu bóng ấy nữa. Vấn đề này, của đáng tội chúng ta đã từng thảo luận đến rồi. Tuy nhiên, trong óc tôi ngay từ lúc đó đã nảy ra một ý mới.
Tôi có yêu cầu một chuyên gia về đạn đạo dưới quyền khám nghiệm một lần nữa vết thương trên xác Chim Sẻ và trên người Wazerby. Ông ta cho rằng: phát đạn làm bị thương Wazerby rõ ràng làm của súng ngắn cỡ 35, đầu đạn làm bằng một thỏi chì mềm. Trong khi đó thì phát đạn trên cổ họng Chim Sẻ gây nên một vết thương khác hẳn: nhỏ và tròn. Theo ý kiến của ông ta, đó là hai vết thương do hai loại vũ khí khác nhau gây ra. Sự kiện đó và cả sự kiện Wazerby không bị hạ sát ngay tại chỗ khiến cho câu chuyện bắn nhau trở nên hết sức khả nghi. Tôi nghĩ: chắc vì một lí do nào đó Malcolm đã nổ súng, nhưng làm Wazerby bị thương xong thì anh ta tẩu thoát ngay. Wazerby tuy bị què nhưng chưa nặng lắm nên hẵn vẫn thanh toán Chim Sẻ, kẻ đã chứng kiến cuộc đọ súng từ đầu chí cuối. Nhưng đó chưa phải là cái tin thú vị nhất đâu anh bạn ạ.
Từ 1958 đến hết năm 1969, Wazerby đã có mặt ở Châu Á. Trụ sở chính của hắn đặt tại Hồng Kông nhưng địa bàn hoạt động thì rộng hơn nhiều: Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Thái lan, Cam-pu-chia và cả Việt Nam nữa. Bước đường hoạn lộ của hắn cứ lên vùn vụt – từ một điệp viên quèn, chẳng mấy chốc hắn đã leo lên chức giám đốc một trung tâm tình báo khu vực. Chắc anh đã để ý là tại khu vực đó, vào thời gian trên, chính gã “đưa thư” vừa chết của ta cũng đang có mặt. Bây giờ, cho phép tôi đi lạc đề một tí nhé. Những điều tôi sắp nói lý thú vô cùng. Anh có biết người mang tên Maronic là ai không, Kevin?
Powell chau mày, cố dỏng tai lên nghe.
- Chắc hắn là một thứ điệp viên đặc biệt, chuyên cáng đáng những nhiệm vụ tối mật phải không ạ? Một “nghệ sĩ tự do” như thiên hạ quen gọi, tôi đoán thế…
Người cao tuổi mìm cười, đắc ý ra mặt:
- Đúng thế đấy. Chỉ có điều tôi không dám đoán chắc là mình đã hiểu đúng nhũng gì anh muốn ngụ ý khi dùng từ “đặc biệt” thôi. Nếu anh muốn ngụ ý là “cực kỳ tài giỏi, kín đáo, thận trọng và hết sức hữu hiệu” thì anh hoàn toàn đúng. Còn nếu anh muốn ám chỉ là “trung thành và đáng tin cậy về một phương diện nào đó” thì anh nhầm to, Kevin ạ. Vincent Maronic từng là – và nếu tôi không lầm, thì đến giờ vẫn là một điệp viên xuất sắc nhất, như anh nói, một “nghệ sĩ tự do” ưu tú nhất hiện nay và chắc hẳn là điệp viên tài ba nhất của thế kỷ XX này vì những khả năng và biệt tài của hắn. Về khoản tổ chức và tiến hành các chiến dịch khẩn cấp hay như vẫn nói, “tức thời” đòi hỏi phải khôn ngoan, khéo léo và thận trọng thì không nghi ngờ gì nữa, hắn là thánh sống giáng trần. Tay nghề của hắn thì khỏi nói - ít ai sánh kịp. Chúng ta vẫn chưa biết hắn tu nghiệp ở đâu. Có điều không ai chối cãi, hắn là dân Mỹ chính cống, Kevin ạ. Nhưng tư chất và khả năng, xét riêng từng thứ một, thì dĩ nhiên không phải là xuất sắc và siêu phàm, độc nhất vô nhị rồi. Trước kia, mà cả bây giờ cũng thế thôi, từng có những chuyên gia cao tay hơn trong việc hoạch định các kế hoạch điều tra và tác chiến, có những xạ thủ bắn giỏi hơn, có những phi công, lính dù, v.v… láy máy bay, điều khiển dù,… tài hơn Maronic. Nhưng không một ai bền chí và kiên tâm hơn hắn trong việc đạt đến những mục tiêu đã định, và không một ai sắt đá, tàn nhẫn hơn hắn trong hành động. Những tính cách đó đã giúp hắn rất nhiều trong công việc phát triển những khả năng to tát vốn có, biến chúng thành những trợ thủ hữu hiệu lạ thường mà những địch thủ của Maronic tuy cũng có khả năng không kém nhưng không sao phát huy được. Hắn là một tên rất cáo già, là một trong những địch thủ vốn, không nhiều lắm, mà tôi không muốn chạm trán tí nào, và thậm chí có thể làm tôi khiếp sợ.
Vào đầu những năm 60, hắn lại xuất đầu lộ diện. Lần này, hắn làm việc cho Pháp, hoạt động chủ yếu tại Alger. Anh nên lưu ý là cùng với những hoạt động đó, hắn còn đảm đương thêm một số việc có liên quan đến một vài quyền lợi mà người Pháp còn duy trì được tại Đông Nam Á. Từ đầu năm 1963, người của ta bắt đầu để ý đến hắn. Vào những thời gian khác nhau, hắn đã từng làm việc cho người Anh, người Ý, cho bọn Nam Phi, Cônggô, Canađa và thậm chí đã giúp chúng ta tiến hành hai điệp vụ theo yêu cầu của Cục. Ngoài ra, hắn còn đóng vai cố vấn trong một tổ chức của ta, và như thế là hắn đã nghiễm nhiên chống lại chủ cũ, tức người Pháp. Việc gì hắn cũng làm trót lọt không sai phạm, hoàn toàn làm hài lòng những ông chủ đứng ra thuê. Không hề có một chứng cứ nào chứng tỏ hắn không hoàn thành công việc được giao. Công xá, bao giờ hắn cũng được trả rất hậu. Người ta đồn rằng tuy thế, hắn chỉ thích những vụ làm ăn lớn. Nói chung, vẫn chẳng hiểu tại sao hắn lại thích thế mặc dù cả những vụ nhỏ hắn cũng được thù lao rất sộp. Tôi cho rằng sở dĩ như thế chung qui vì các vụ làm ăn lớn đã cho phép hắn thi thố trọn vẹn những tài năng của chính mình, và đáp lại, công lao phải được đền bù xứng đáng – tuy theo con đường bán hợp pháp. Bây giờ, tôi mới kể đến cái chuyện lý thú đã hứa mới rồi.
Năm 1964, Maronic chuyển sang làm ăn tại Đài Loan. Vì một số lí do nào đó không rõ, ta bắt đầu lo ngại. Hắn chả là một chuyên gia cao tay mà! Hơn nữa, hắn hám lợi quá quắt, ai thuê cũng làm ngay miễn là vớ được thật bẫm. Nói của đáng tội, lâu nay hắn chưa hề làm gì phương hại đến ta. Nhưng đó chỉ là chưa có cơ hội thôi. Vì thế, Cục chúng ta quyết định: phải khử gấp Maronic. Nhưng đây mới là điểm chính, Kevin ạ. Anh biết ai đang cầm đầu cơ quan tình báo ta ở Đài Loan khi cái lệnh khử Maronic được gửi đến đó không?
Powell gần như tin chắc một trăm phần trăm vào lời giải đoán của chính mình nên đánh liều đáp ngay câu hỏi đó bằng một câu hỏi:
- Wazerby?
- Hoàn toàn đúng. Chính Wazerby đã đứng ra nhận trách nhiệm thi hành chiến dịch ấy. Sau đó, hắn thông báo về trung tâm là chiến dịch hoàn tất mỹ mãn trừ một thiệt hại nhỏ. Hắn cho gài bom vào phòng ngủ của Maronic. Khi bom nổ, cả tên nhân viên gài bom lẫn Maronic đều bị “giết chết”. Hai cái xác dĩ nhiên là bị biến dạng hoàn toàn vì sức nổ của quả bom. Wazerby “đã đến thị sát tại chỗ” và xác nhận kết quả của chiến dịch.
Bây giờ, ta quay lại chuyện cũ một tí nhé. Anh có viết Maronic đã dùng ai làm tay chân để tiến hành ít nhất là năm vụ gần đây không?
Chuyện này chẳng có gì phải đoán cả nên Powell đáp ngay, giọng đầy tự tin:
- Gã “đưa thư” vừa bị giết, trung sĩ Calvin Lloyd.
- Anh lại đúng. Tôi nêu thêm ra đây một bằng cứ quan trọng nữa chứng tỏ là ta đã suy nghĩ đúng. Chúng ta không bao giờ có trong tay đầy đủ mọi thông tin về Maronic. Nói của đáng tội, cũng có vài tấm ảnh hắn ta đấy nhưng chất lượng rất tồi. Cả nhân dạng và nhiều thứ nữa cũng có nhưng đều chung chung, đại khái. Anh đoán xem, hồ sơ cá nhân của ai đã mất tích nào? – Người cao tuổi lần này không để cho Powell có cơ hội đoán định nữa mà trả lời luôn câu hỏi của chính mình – Của Maronic, dĩ nhiên. Ngoài ra, cả hồ sơ của trung sĩ Lloyd chúng ta cũng không sao tìm thấy. Họ làm ăn khá đấy chứ?
- Vâng, khá thật. – Powell vẫn chưa tài nào thấu hiểu hết những gì bí ẩn trong vụ này. Ông đành cất tiếng hỏi thẳng, giọng không giấu giếm vẻ ngờ vực: - Nhưng vì lẽ gì ngài lại tin chắc chính Maronic đã nhúng tay vào vụ án mạng tại trụ sở “Hội Văn-Sử”.
Người cao tuổi mỉm cười:
- Tôi thử tìm cách chứng minh cho cách giải đoán của chính mình bằng con đường suy luận lô-gích. Tôi cố lục tìm trong trí nhớ và cố ngẫm nghĩ xem ai là kẻ trù tính và tiến hành cái chiến dịch tàn khốc nhằm sát hại các nhân viên “Hội Văn-Sử”. Đến lúc phát hiện thấy hò sơ của Maronic bị mất – hắn là một trong số mười kẻ bị tình nghi là hung thủ - tôi lại càng nghi ngờ tợn. Tiếp đó, Cục tình báo hải quân gửi đến hồ sơ của Lloyd. Tập hồ sơ đã giúp tôi nhận diện được lai lịch kẻ bị giết và cũng giúp tôi phát hiện được rằng trước kia, hắn đã có thời làm việc cùng Maronic. Óc tôi sáng dần ra. Đến khi biết thêm cả hai đều có dính dáng đến đại tá Wazerby thì bức tranh bắt đầu hiện lên rõ nét hơn. Suốt từ sáng đến giờ, tôi đã bắt cái đầu già nua của tôi phải động não cật lực, mặc dù lẽ ra tôi chỉ nên đi cho bồ câu ăn hoặc ngồi thưởng thức vẻ đẹp cùng mùi hương của anh đào đang độ rộ hoa…
Gian phòng bất thần chìm vào yên lặng: người cao tuổi nghỉ cho đỡ mệt còn Powell thì lặng thinh để suy nghĩ. Đoạn, ông lên tiếng như thể tiếp tục nghĩ to lên những điều đang dằn vặt đầu óc mình:
- Vậy, theo ngài, Maronic đang tiến hành một chiến dịch bí mật chống lại chúng ta, còn Wazerby trong một thời gian dài đã việc cho hắn như một nhân viên “hai mặt” phải không ạ?
- Không, tôi đâu nghĩ thế. – Người cao tuổi nhỏ nhẹ phản đối.
Câu trả lời đó khiến Powell sửng sốt. Ông chẳng biết làm gì hơn là ngồi im, mở to mắt, chờ cho sếp lại tiếp tục câu chuyện.
- Câu hỏi chánh yếu và hiển nhiên nhất về vụ này là câu hỏi “tại sao”. Nếu đem toàn bộ những gì đã xảy ra và cách thức diễn biến của chúng ra mà phân tích thì tôi nghĩ rằng không thể giải đáp nổi câu hỏi kia bằng con đường suy đoán lô-gích, điều đó có nghĩa là ta đã bắt tay vào việc điều tra từ một giả thuyết sai: ta đã giả định rằng đối tượng chủ yếu của chiến dịch này là cơ quan CIA. Câu hỏi thứ hai mà ta cần trả lời là “ai chủ mưu”. Ai là kẻ sẵn sàng chi tiền và, như tôi giả định, chi khá hậu cho Maronic, cho Wazerby, và cả cho Lloyd nữa, vì công lao, vì hoạt động “hai mặt”, vì sự năng nổ của bọn họ trong vụ tấn công “Hội Văn-Sử”? Thậm chí dù có để ý đến bức thư giả, dựng một mớ vỏ đạn, tôi cũng không thể vạch mặt chỉ tên cái kẻ đó – hoàn toàn không thể. Bởi thế, ta lại quay lại điểm xuất phát của ta: ai? Và chúng ta lại đi vòng quanh vô ích, trên thực tế là giẫm chân tại chỗ. Không, tôi cho rằng tốt hơn hết là ta nên tránh những câu hỏi đó và tránh cả câu trả lời nữa. Thay vào đó, ta cần đặt câu hỏi “cái gì?” hay đại để như vậy. Cái gì đã xảy ra trong thực tế? Nếu trả lời được câu hỏi ấy thì mọi câu hỏi khác sẽ tự khắc được đặt đúng chỗ và cả câu trả lời cho chúng nữa. Lúc nãy, tại thời điểm này, chỉ có một chiếc chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề - “cái gì đã xảy ra?”. Và chiếc chìa khóa đó là anh bạn Thần Ưng của chúng ta.
Powell ngao ngán thở dài:
- Như thể là ta lại trở về với điểm xuất phát và ta buộc lòng phải truy tìm dấu vết Thần Ưng đã biến mất tăm mất tích.
- Hoàn toàn không phải thế. Tôi đã giao cho mấy nhân viên tìm hiểu thật tỉ mỉ những tại liệu liên quan đến thời kỳ Maronic, Wazerby và Lloyd cùng có mặt tại châu Á. – Để xem cái gì đã gắn bó họ với nhau. Dĩ nhiên, ta không loại trừ khả năng mấy nhân viên kia chẳng phát hiện được gì. Chẳng ai dám nói trước điều đó cả. Ngoài ra, tôi còn phái thêm mấy nhân viên nữa đi dò tìm Maronic.
- Với bộ máy nhận sự ngài đang có trong tay, nhất định ta có thể nhanh chóng phát hiện được ít nhất là một trong hai đối tượng – hoặc là Malcolm, hoặc là Maronic. Hai cái tên đó đặt bên nhau cứ như là hai nhân vật đối đầu trong một vở kịch vui vậy, phải không thưa ngài?
- Nhưng chúng ta sẽ không dùng bộ máy đó, Kevin ạ. Ta chỉ sử dụng những nhân viên trong tiểu ban của ta với một vài thám tử mà tôi đã may mắn tìm được ở Cục Cảnh sát Washington thôi.
Powell thậm chí dám tỏ vẻ bất bình:
- Chết chửa! Ngài chỉ có vỏn vẹn đâu năm chục nhân mạng chứ nào có nhiều nhặn gì! Hơn nữa, chắc gì bên cảnh sát họ đã đồng ý cấp thêm người. Trong khi đó thì CIA đã tung ra đến hàng trăm con người để điều tra. Ấy là chưa kể đến đám nhân viên bên FBI và cơ quan An ninh quốc gia. Nếu ngài giao cho họ những thông tin gốc mà ngài vừa thông báo với tôi thì chắc chắn họ sẽ có thể dễ dàng…
Người cao tuổi bình tĩnh nhưng hết sức dứt khoát, cắt đứt giữa chừng chuỗi suy luận đó của Powell:
- Kevin ơi, anh hãy ngẫm nghĩ kỹ một lát đi đã nào. Đây nhé: Wazerby là ket “hai mặt” hoạt động trong Cục chúng ta đúng không nào? Rất có khả năng là một số nhân viên nào đó tuy có chân trong nhóm điều tra nhưng lại làm tay sai cho hắn. Ta cứ giả định rằng chính hắn đã cấp giấy tờ giả cho họ, chuyển giao các thông tin cần thiết cho họ, và thậm chí còn đích thân tham gia vào các chiến dịch điều tra nữa. Nhưng nếu hắn đã là nhân viên “hai mặt” thì bây giờ ai sẽ là người đứng ra tổ chức việc thanh toán hắn, ai sẽ là người dò ra được cái bí mật được giấu giếm rất kỹ về lai lịch của hắn cũng như cung cấp cho tên giết người (mà rất có thể vẫn chính là Maronic thôi) những thông tin cần thiết về hệ thống bảo vệ an ninh trong quân y viện?
“Ông già hiền hậu” ngừng lời, và chờ cho đến khi bắt gặp trên nét mặt Powell cái dấu hiệu chứng tỏ ông ta dù đã hiểu rõ những điều mình định nói mới tiếp tục câu chuyện. – Vâng, đúng thế, còn một kẻ “hai mặt” nữa đang giữ một chức vụ rất cao trong Cục chúng ta. Ta không thể cứ tiếp tục mạo hiểm, bỏ qua cái chuyện tin tức nội bộ bị rò rỉ… Bởi thế, chừng nào chưa thể tin cậy được ai khác thì chừng đó phải tự mình đứng ra mà cáng đáng lấy công việc điều tra thôi Kevin ơi.
Powell nhíu trán, phân vân một tí rồi cất tiếng hỏi:
- Tôi có thể phát biểu vài điều được chứ ạ?
Người cao tuổi tỏ vẻ ngạc nhiên thành thực một cách rất mực khéo léo:
- Dĩ nhiên. Sao lại không nhỉ, anh bạn? Tôi đang động não thực sự đây, thậm chí chờ anh không dè dặt gì trong việc chọc tức thượng cấp bằng những suy ngẫm của cá nhân nữa kia mà.
Powell nhếch mép cười mỉm:
- Chúng ta biết, hay ít ra là giả định, rằng tin tức vẫn tiếp tục rò rỉ mà lỗ rò là một nhân vật khá cao cấp. Thế tại sao ta không vừa tiếp tục truy tìm Malcolm, đồng thời vừa dốc sức vào việc bịt lỗ rò ấy lại? Chúng ta có thể xác định một nhóm nhân viên khả nghi nào đó rồi tập trung lại để xác định chính xác xem ai trong số họ là thủ phạm. Các chuyên gia theo dõi nội bộ của chúng ta nhất định phải tìm ra những kẻ “hai mặt” ấy cho dù hiện nay bọn hắn không để lại bất cứ một dấu vết nào. Nhân tố áp lực buộc chúng, cái bọn “hai mặt” ấy, phải có những hành động này nọ. Ít ra, chúng phải duy trì việc tiếp xúc với Maronic chứ.
- Kevin này, - người cao tuổi nói khẽ - lập luận của anh vững vàng đấy, nhưng những xuất phát điểm mà anh dùng làm chỗ dựa cho giả thuyết này sẽ khiến kế hoạch của anh thành không tưởng. Anh cho rằng ta có thể xác định được những ai là kẻ khả nghi trong việc để rò rỉ tin tức chứ gì? Khốn thay bộ máy tình báo của chúng ta có một nhược điểm – và chính nhược điểm đó đã buộc ta phải lập thêm cái tiểu ban tôi đang phụ trách đây – là nó đồ sộ và phức tạp quá. Vì thế, cái nhóm nhân viên khả nghi anh nói đó có thể là 50 người nhưng cũng có thể là 100, thậm chí 200 nữa kia. Và dĩ nhiên, chính nhược điểm đó đã tạo điêu kiện cho sự rò rỉ tin tức đấy. Ngoài ra, việc rò rỉ tin tức có thể không đi theo con đường thẳng mà đã thông qua một nữ thư ký hoặc một chuyên gia thông tin liên lạc nào đó vốn là kẻ “hai mặt”.
Mà cho dù việc rò rỉ tin tức không đi theo con đường “vòng” chăng nữa – nghĩa là không qua các cô thư ký hoặc các nhân viên thông tin liên lạc – thì theo thõi một số lượng nhân viên đông đảo như thế, trên thực tế, chẳng khác nào theo dõi toàn bộ biên chế nhân sự của bộ máy chúng ta, một chuyện vị tất đã ai làm nổi. Anh có nhắc tôi là người của ta ít quá. Bởi thế, muốn thực hiện đề nghị của anh, ta phải “xoáy” được một mệnh lệnh đặc biệt; hơn nữa lại phải huy động cả những nhân viên có thể nằm trong nhóm bị chúng ta tình nghi vào công việc. Làm thế, dĩ nhiên ta sẽ chẳng thu được một kết quả nào.
Ngoài ra, ta lại phải đối đầu với một vấn đề quá ư quen thuộc đối với cái nhóm nhân viên mà ta có nhiệm vụ thẩm tra. Tất cả các nhân viên đó người nào cũng là dân tình báo chuyên nghiệp. Gì chứ sự phát giác sự theo dõi của ta, họ sẽ làm được một cách rất dễ dàng. Cho dù họ không cảm thấy được sự theo dõi ấy thì hệ thống bảo đảm an ninh riêng mà đơn vị nào trong bộ máy chúng ta cũng đều có, cũng sẽ mách cho họ biết thôi. Ta tránh né sao nổi những “cặp mắt không bao giờ ngủ” đó cơ chứ? Chẳng hạn, các sĩ quan bên Cục tình báo không quân, đến nay vẫn phải thường xuyên “kinh qua” những cuộc thẩm tra định kỳ có lựa chọn rất cổ lỗ, để xem họ có bị kẻ nào theo dõi không, cũng như những cuộc trò chuyện điện thoại của họ có bị nghe trộm không. Người ra làm thế, phần thì để kiểm tra sự trung thành của đám sĩ quan kia nhưng cái chính là để nắm chắc tình hình xem có ai bị theo dõi không. Cho nên trong quá trình khám phá vụ này, nhất thiết ta phải tránh cả những “cặp mắt không ngủ” của các bộ phận đảm bảo an ninh ấy lẫn sự cảnh giác của chính những điệp viên dày dạn kinh nghiệm và cực kỳ thận trọng bị chúng ta tình nghi nữa.
Hiện giờ, ta đang phải đối đầu với một vấn đề, - người cao tuổi tiếp, hai tay đan vào nhau, - thuộc loại cổ điển của bộ máy hoạt động tình báo, Kevin ạ. Nước ta hiện có một tổ chức, có lẽ là lớn nhất thế giới, để đảm bảo an ninh quốc gia và thu thập tin tức tình báo. Nghĩa là một bộ máy mà mục đích của nó – thật mỉa mai cho số phận – là chặn đứng việc thất thoát tin tức trong nước, đồng thời thu thập thêm nhiều thông tin từ bên ngoài vào. Chúng ta có thể trong nháy mắt tung ra hàng trăm điệp viên và nhân viên được đào tạo rất công phu và rất giỏi tay nghề để xác minh một việc con con: tại sao cái cuống tờ biên lai tính cước hành lý lại bị dán không đúng chỗ quy đinh. Chúng ta cũng có thể tung “đạo quân” đó ra để chống lại một đám người nào đó và vài ngày sau sẽ biết hết tất cả những gì bọn họ đã làm và bon họ là ai. Chúng ta cũng có thể gây một áp lực lớn không sao lường nổi với bất kỳ “điểm yếu” nào ta phát hiện được. Nhưng vấn đề của chúng ta thực chất rút lại thế này: chúng ta không thể nào tìm ra cái “điểm yếu” đó trong công việc của chính mình. Ta biết bộ máy chúng ta hiện đang bị rò ở đâu đó. Nhưng mãi đến giờ, ta vẫn chưa cô lập được cái khu vực trong đó có chỗ rò, mà lại không thể cho dừng máy hoặc tháo rời từng bộ phận ra để xác định chính xác lỗ rò đó hiện nằm ở đâu. Những việc làm kiểu đó sẽ hầu như vô ích và không chừng còn nguy hại nữa. Ấy là chưa kể đến chuyện chúng ta sẽ tạo nên một tình thế hết sức khó xử. Ngoài ra, hễ ta bắt tay dò tìm gốc gác của sự thất thoát tin tức, địch thủ của chúng ta sẽ lập tức biết ngay rằng ta đã đánh hơi thấy sự hiện diện của cái “lỗ rò” ấy.
Chìa khóa để giải quyết toàn bộ vấn đề này – đó là Malcolm. Chàng trai ấy chắc sẽ chỉ được ngay cho chúng ta cái lỗ rò kia, hay ít ra cũng chỉ được cho chúng ta cái hướng để tìm kiếm. Nếu Thần Ưng làm được việc ấy hoặc nếu chúng ta phát hiện được một mối liên quan nào đó giữa cái chiến dịch của Maronic và một nhân viên nào đó trong cơ quan tình báo chúng ta, thì dứt khoát ta sẽ chỉ ra ngay ai là thủ phạm của việc thất thoát tin tức. Nhưng lúc này, ta vẫn chưa biết chắc mối liên quan đó có tồn tại hay không, những hành động của chúng ta chưa có hướng đi dứt khoát và chưa đưa lại một kết quả nào. Cách làm ăn đó, tôi không thích chút nào. Nó chẳng hữu hiệu và hiệu suất rất thấp.
Powel cố giấu vẻ ngượng ngập và bối rối, rồi lấy giọng một nhân viên nói với sếp, nhỏ nhẹ thưa:
- Thưa ngài, tôi có lỗi. Hình như tôi đã ăn nói mà chưa suy nghĩ chín chắn.
Người cao tuổi lắc đầu, kêu lên:
- Trái lại đấy, anh bạn ạ. Anh đã có ngẫm nghĩ đấy chứ, điều đó rất đáng khen. Điều mà hiện giờ ta không tài nào rèn luyện được cho nhân viên chúng ta – đó là suy nghĩ. Thực ra, đấy chính là điều mà những tổ chức to tát như bộ máy chúng ta đang cần phải có. Thà cứ suy nghĩ, cứ đề đạt các phương án riêng do chính các anh lập ra trong khi ngồi đây, ngay tại phòng làm việc này, bất chấp những gì tôi đã nói một cách hơi hấp tấp và chưa suy nghĩ chín chắn lắm, còn hơn cứ hành động như một robot trong tiến trình điều tra và phản ứng một cách mù quáng trước những tình huống mới. Cái trò đó chẳng mang lại cho ta một cái gì khác ngoài những chuyện bực mình. Mà không khéo còn tệ hơn thế nhiều – sẽ gây tổn thất về sinh mạng cho ta nữa. Kevin ạ, hãy ngẫm nghĩ tiếp đi; có điều nên nhớ là phải thật cẩn trọng và tinh tường trong cách tiếp cận vấn đề này.
- Nghĩa là chúng tôi vẫn cứ hành động theo kế hoạch cũ, phải không ạ: tìm Thần Ưng, đưa anh ta lành lặn và an toàn về “nhà”?
Người cao tuổi mỉm cười:
- Không hẳn thế thôi đâu, Kevin ơi! Tôi đã nghĩ rất nhiều về anh bạn Malcolm của chúng ta. Chàng trai đó chính là “chia khóa” của toàn bộ vấn đề. “Bọn họ”, dù chúng là ai đi nữa cũng mặc, chỉ muốn thủ tiêu anh ta và đang dốc hết sức lực ra làm việc đó. Nếu bảo toàn được tính mạng cho Thần Ưng và nếu biến được chàng trai ấy thành mối đe dọa thật sự cho “bọn họ” khiến “bọn họ” phải dồn hết sức lực vào việc thanh toán anh ta thì lúc bấy giờ, ta mới thực sự biến được Thần Ưng thành cái “chìa khóa” đích thực. Cũng chính lúc đó, Maronic và đồng bọn của hắn sẽ cố sống cố chết để thủ tiêu Malcolm, và bởi thế, chúng sẽ trở thành “ổ khóa” của cái chìa kia. Nếu ta thật thận trọng và nếu ta gặp may, dù chỉ tí đỉnh thôi, ta sẽ sử dụng được cái “chìa” đó để mở chiếc “khóa” kia. Dĩ nhiên, việc trước tiên của ta là phải tìm cho được Thần Ưng đã, mà phải tìm khẩn trương lên, trước một ai đó không phải người của ta làm được chuyện này. Tôi đang cho thi hành nhiều biện pháp bổ sung, khả dĩ giúp ích thêm cho công việc tìm kiếm đấy. Bao giờ tìm được Thần Ưng ta sẽ đưa ngay anh ta vào những hoạt động sắp triển khai, để dò tìm chỗ rò rỉ tin tức.
Bây giờ, anh về nghỉ đi một lát, rồi tôi sẽ cho viên trợ lý của tôi đến gặp, truyền đạt lại những chỉ thị mới và giới thiệu thêm cùng anh những tin tức sốt dẻo bọn tôi vừa nhận được.
Powell đứng dậy và cất tiếng hỏi thêm những câu cuối cùng trước lúc ra về:
- Ngài có thể cho tôi xem một vài thứ hồ sơ cá nhân nào đó của Maronic ngay bây giờ được không ạ?
Người cao tuổi đáp:
- Tôi có yêu cầu một cậu bạn bên Paris gởi gấp bằng máy bay bản sao những hồ sơ cá nhân của Maronic về đây. Mai, máy bay mới cất cánh được. Cũng có thể bảo cậu ấy gởi sớm hơn đấy nhưng tôi sợ đánh động các đối thủ của ta. Hiện giờ, tôi chỉ có thể bổ sung thêm những gì tôi đã nói với anh về Maronic thế này thôi: hắn là người mà vẻ ngoài rất dễ gây ấn tượng, Kevin ạ.
Lúc Powell bước ra khỏi phòng làm việc của sếp cũng chính là lúc Malcolm vừa tỉnh giấc. Anh nằm yên mấy phút, nhớ lại những gì đã xảy ra trong mấy ngày vừa qua. Bất thần, một giọng nói dịu dàng thỏ thẻ bên tai anh:
- Anh không ngủ nữa ư?
Malcolm quay lại: Wandy đang nằm bên anh, tay chống má, nhìn vẻ rụt rè. Cảm giác đau trong cổ họng đã hết hẳn, giọng chàng trai nghe gần như bình thường lúc anh thốt lên câu nói đầu tiên trong ngày:
- Chào em.
Wandy sôi nổi hẳn lên:
- Em… xin anh bỏ qua cho em về cách cư xử hồi tối hôm qua. Em muốn nói em đã xử sự chẳng ra sao cả. Em… chẳng qua chỉ vì chưa bao giờ nhìn thấy và làm những điều như thế, em bị choáng váng…
Malcolm bịt miệng cô bạn bằng một cái hôn.
- Chẳng có gì đáng lo đâu. Cảnh tượng ấy quá khủng khiếp thực.
- Thế bây giờ ta làm gì hả anh? – Cô gái hỏi.
- Anh cũng chưa biết rõ ta sẽ phải làm gì nữa.
Anh nghĩ chắc phải chờ ở đây ít nhất là một, hai ngày. – Chàng trai đưa mắt nhìn quanh gian phòng trần thiết rất mực đơn sơ – Thế này chắc sẽ buồn lắm đấy, Wandy ạ.
Cô gái nhìn anh và cười khanh khách:
- Không đâu, thế này mà còn buồn gì nữa.
Rồi cô hôn Malcolm, môi chỉ chạm nhẹ vào má anh. Nhưng ngay sau đó lại hôn lần nữa, đoạn ôm ghì lấy đầu anh, siết chặt vào ngực.
Nửa tiếng đã qua đi, nhưng họ vẫn chưa biết làm gì.
- Không lẽ ta cứ nằm bên nhau, âu yếm nhau mãi thế này sao? – Cuối cùng Malcolm cũng lên tiếng.
Wandy xịu mặt, hỏi lại, vẻ thách thức:
- Sao lại không nhỉ? – Nhưng ngay sau khi thốt ra khỏi cửa miệng câu đó, cô đã thở dài tiếc rẻ, dường như muốn thừa nhận Malcolm đã đúng. Em biết ta nên làm gì rồi! – Và cô ngoài người ra mép giường, lần tìm cái gì đó ở dưới sàn. Malcolm phải giữ chặt lấy cánh tay kia của cô bạn cho cô khỏi ngã.
- Gì thế em? Em làm gì dưới ấy? – Anh hỏi.
- Em tìm cái túi xách; em có mang theo vài quyển sách. Em muốn ta cùng đọc với nhau cho vui. Anh bảo anh rất mê thơ của Yeats( ). – Wandy lại thò tay xuống gậm giường, lần tìm. – Malcolm, chắc em quên mang theo, chứ sao tìm mãi không thấy thế này? Mọi thứ đều vẫn y nguyên chỉ riêng mấy quyển sách là biến mất. Không khéo… Ái!
Wandy nhồm dậy và chật vật lắm vẫn không sao rút được tay ra ra khỏi bàn tay của Malcolm bất thần nắm siết lại như hai cái mỏ kìm.
- Malcolm, anh làm gì thế? Đau chết đi được…
- Sách! Những quyển sách mất! – Malcolm quay ngoắt lại, nhìn chằm chằm vào mặt cô bạn. – Trong chuyện này, hẳn phải có gì đó rất hệ trọng đối với những quyển sách bị mất! Không chừng đó chính là nguyên do của tất cả các biến cố đấy!
Wandy chẳng hiểu gì, cứ trố mắt ra nhìn:
- Nhưng đây chỉ là một tập thơ thôi mà! Những thứ sách ấy thì mua đâu mà chẳng được. Rõ ràng là em chỉ để quên lại ở nhà, không mang theo, thế thôi.
- Ồ không, anh có nói đến những quyển sách ấy đâu! Sách anh đang nói là sách ở đằng “Hội” kia, sách mà Heidegger cho là đã thất lạc ấy!
Rồi Malcolm kể lại cho cô bạn nghe câu chuyện giữa anh và Heidegger vê số sách của “Hội” bị mất.
Chàng trai càng kể, càng bị kích động.
- Nếu thuật lại với họ chuyện mất sách, chắc họ sẽ có một đầu mối để truy tìm nguyên nhân vụ án mạng đấy. Chắc hẳn chính quyển sách ấy là ngọn nguồn dẫn đến việc tiểu ban anh bị tiến công. Bọn hung thủ có lẽ đã đánh hơi được việc Heidegger sục sạo vào đống hồ sơ tài vụ ngày trước của “Hội” và cố truy tìm vì lẽ gì những quyển sách ấy lại bị mất. Thành ra chúng đã phải thủ tiêu toàn bộ những ai làm việc tại “Hội”. Để ngộ nhỡ có ai đó đã biết chuyện thì cũng không còn dịp nào mà nói lộ ra. Nếu anh chuyển được cái tin này về Cục, dù không đầy đủ, dù thiếu đầu thiếu đuôi chăng nữa, chắc Cục sẽ sắp xếp lại các chi tiết vụn vặt của bài toán đầu tiên này và dò ra căn nguyên thực thụ, Wandy ạ. Bây giờ, ít ra anh cũng đã có được một điều gì đó để báo tin về chứ không phải chỉ có chuyện riêng anh là hễ anh mà ló mặt ra ở đâu, là ở đó y như rằng sẽ có người bị giết. Nếu không, họ vẫn còn bực mình với chuyện này và sẽ cư xử với anh y hệt như một con chiêu ghẻ vậy.
- Nhưng anh làm thế nào để chuyển cái tin đó về Cục? Anh không nhớ chuyện gì đã xảy ra trong lần gọi điện mới rồi ư?
Malcolm cau mày:
- Anh biết em muốn ám chỉ đến chuyện gì rồi. Nhưng cuộc gặp mặt đó là do chính họ dàn xếp đấy chứ. Thậm chí nếu kẻ thù của chúng ta có lọt được vào hàng ngũ các nhân viên ở Cục, và cho dù chúng có nắm được những tin tức chuyển về cho bộ phận chỉ huy “Báo động” chăng nữa, anh vẫn cho rằng hiện giờ, anh đang tạm thời được an toàn. Giờ đây, khi tình thế đã xoay chuyển đến mức loạn xạ thế này thì số nhân viên được huy động để điều tra vụ án mạng hẳn phải lên đến dăm, bảy chục. Trong số đó, không lẽ hết thảy đều gian manh cả hay sao. Một vài người trung thực nhất định sẽ chuyển được những tin tức anh báo về qua dây nói cho những ai cần đến chúng. Anh tin chắc như thế. Và nhất định sẽ có người đứng ra cáng đáng lấy công việc, suy nghĩ thật nghiêm túc vấn đề này. – Chàng trai nín lặng trong giây lát rồi đường đột bảo cô bạn: - Nào, ta thu xếp đi em. Phải về ngay Washington thôi.
- Khoan đã! – Wandy cố tóm lấy cánh tay Malcolm, giữ anh lại nhưng hụt vì chàng trai đã lẹ làng chồm dậy, biến vào buồng tắm. – Nhưng ta đưa nhau về trên ấy để làm gì mới được kia chứ?
Malcolm mở vòi búp sen:
- Phải thế thôi em ạ. Điện thoại nội thành nhấc máy lên là có thể gọi được ngay. Còn điện thoại liên tỉnh thì phải chờ đợi, lích kích lắm, tốn mất khối thời giờ…
Tiếng những tia nước bắn vào thành bồn tắm nghe rào rào, mỗi lúc một mạnh.
- Nhưng ta có thể bị giết ngay tức khắc!
- Em bảo gì?
Wandy phải hét to cho át tiếng nước chảy, mặc dù cô vẫn cố giữ cho giọng nói thật bình tĩnh.
- Em bảo là họ có thể giết chúng mình!
- Việc đó thì cả ở đây nữa, họ vẫn có thể làm. Kỳ hộ lưng anh tí rồi anh sẽ kỳ trả…
- Tôi ngán ngẩm lắm rồi, Maronic ạ.
Câu nói nghe rất chối tai và không có cái giọng chối tai đó, khung cảnh trò chuyện giữa hai người cũng đã căng thẳng lắm rồi. Người có vẻ người đường bệ hiểu ngay rằng mình đã phạm sai lầm khi nói câu ấy, vì ông ta nhìn thấy ánh mắt đổi khác của người cùng trò chuyện.
- Tôi tên là Levin kia. Tôi yêu cầu ngài đừng quên điều đó. Tôi muốn dặn trước ngài: từ nay trở đi, đừng có nhịu miệng như thế nữa.
Câu nói đầy vẻ gay gắt mà người có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng vừa thốt ra khiến người kia hơi mất tự tin. Nhưng ông ta vẫn cố giấu đi nỗi xúc động. Ông nói:
- Nhầm lẫn của tôi có đáng kể gì so với những sai lầm mà có người đã phạm liên tiếp trong mấy ngày qua.
Người ngoài cuộc hẳn đã nghĩ rằng kẻ đã khăng khăng đòi phải gọi mình bằng cái tên Levin không hề để lộ một tí xúc cảm nào khi nghe lời tuyên bố đó. Nhưng những ai biết rõ hắn hơn, thế nào họ cũng sẽ nhận thấy ngay một sự bực tức pha lẫn căm ghét và ngỡ ngàng thoáng hiện rất nhanh trên nét mặt hắn nếu họ chịu khó ngắm kỹ hơn.
- Nhưng chiến dịch này đã kết thúc đâu. Của đáng tội, ta đã phạm một vài sơ xuất nhỏ và đã để lỡ một dịp may. Nhưng tình thế hiện thời đâu đã hoàn toàn tuyệt vọng. Vì nếu ta mà sai lầm nghiêm trọng thì cả tôi lẫn ngài lúc này đâu còn được đứng đây nữa? – Nói đến đấy, Levin khoát rộng tay, chỉ về phía đám đông đang dạo chơi quanh chỗ họ đứng: chủ nhật nào trước tòa nhà Quốc Hội trên Đồi Capitol cũng đông nghịt khác thập phương về tham quan.
Người có vẻ ngoài đường bệ đã lấy lại được dáng dấp tự tin. Ông nói khẽ, gần như nói thầm nhưng đầy vẻ cương quyết:
- Tuy thế, những thất bại nhỏ đó cũng có ý nghĩa của nó đấy. Đúng như anh vừa nhận xét một cách hết sức tinh tường, chiến dịch vẫn chưa kết thúc. Nhưng chắc hẳn tôi khỏi phải nhắc lại với anh là lẽ ra nó đã phải kết thúc cách đây ba hôm rồi. Ba hôm kia nhé! Trong thời gian đó, bao nhiêu chuyện có thể xảy ra. Tuy nhiên, mặc dù phạm phải nhiều sai lầm, nhưng phải nói là chúng ta cũng đã gặp may ghê gớm. Có điều chiến dịch mà càng kéo dài thì nguy cơ càng tăng thêm và điều đó càng khiến cho mặt này mặt nọ của chiến dịch có nguy cơ bại lộ và bị phát hiện. Cả anh lẫn tôi, hai ta đều biết rõ điều đó có thể dẫn đến những tai họa khủng khiếp đến mức nào.
- Những gì có thể làm được, ta đã làm cả rồi, bây giờ phải chờ một dịp may mắn hơn thôi.
- Nhưng nếu dịp may đó không xuất hiện thì sao? Lúc đó sẽ xoay xở thế nào đây anh bạn? Tình cảnh ta lúc đó sẽ thế nào hả?
Người có tên là Levin quay lại, nhìn chằm chằm vào mặt kẻ đang trò chuyện cùng mình. Ông ta lại tỏ ra nóng nảy, Levin thấy thế liền nói một câu nhiều ngụ ý:
- Thế thì ta phải tạo ra thôi, cái cơ hội may mắn đó.
- Ồ thế thì còn gì tuyệt bằng. Có điều tôi chỉ muốn hy vọng rằng từ nay trở đi ta sẽ cố tránh… mọi sơ xuất, nhầm lẫn.
- Tôi không thấy gì đáng phải lo cả.
- Tuyệt. Tôi sẽ thông báo cho anh mọi tin tức và tình hình ở Cục. Tôi mong rằng về phía mình, anh cũng sẽ hành động hệt như tôi. Xem ra hôm nay ta đã bàn hết mọi chuyện rồi đấy nhỉ? Anh thấy cần bàn thêm gì nữa không?
- Tôi chỉ thêm một nhận xét nữa, - Levin bình tĩnh nói. – Trong quá trình tiến hành những chiến dịch kiểu này, lắm khi hay xảy ra những “thất bại nhỏ trong nội bộ” mang tính chất khá đặc sắc. Những “thất bại nhỏ”… loại đó vẫn thường rơi vào đầu một loại nhân viên nhất định. Chúng đã được những nhân vật chỉ huy chiến dịch, như ngài chẳng hạn, dự tính sẵn trước, và xin lưu ý ngài, chúng thường mang tính chất cố hữu, thường xuyên. Tên gọi quen dùng nhất của loại “thất bại” đó là “trò chơi hai mặt” hoặc “phản bội”. Giá ở địa vị ngài, thế nào tôi cũng hết sức tránh, không để cho những thất bại ấy có cơ xuất hiện. Ngài tán thành với nhận định đó chứ, thưa ngài?
Nhận thấy người cùng trò chuyện đột nhiên tái mặt đi. Levin rút ra kết luận: ông ta chia xẻ ý kiến với mình. Hắn lịch duyệt mỉm cười, gật đầu chào rồi bỏ đi ngay. Người có vẻ ngoài đường bệ nhìn theo bóng Levin bước vội dọc dãy hành lang bằng đá hoa cương cho đến lúc hắn đi khuất hẳn. Ông ta bỗng thấy người run lên bần bật và hơi choáng váng. Rồi ông trở gót ra về để cùng vợ, cậu con trai và cô vợ chưa cưới trử trung, bắng nhắng của cậu ta hưởng nốt cảnh nhàn tản, tẻ nhạt của nửa ngày chủ nhật còn lại…
… Trong lúc Malcolm và Wandy thay quần áo chuẩn bị lên đường và hai người kia sau khi trò chuyện với nhau, đã rời khỏi tòa nhà Quốc Hội trên Đồi Capitol ra đi thì một chiếc micrô-buýt chở theo một tốp nhân viên điện thoại từ từ lăn bánh đến bên cánh cổng sắt đồ sộ của Tổng hành dinh cơ quan CIA tại Langley. Chờ cho bộ phận kiểm tra giấy tờ và xác minh mục đích của chuyến công tác đột xuất xong, tốp nhân viên nọ liền cho xe tiến thẳng vào toàn nhà của Trung tâm liên lạc. Cùng đi với hai nhân viên bảo trì đường dây điện thoại còn có một sĩ quan an ninh đặc phái do một cơ quan quan trọng khác cử đến thi hành nhiệm vụ này, vì các nhân viên của Cục phần đông đều đã bị tung vào cuộc truy tìm Thần Ưng. Tên họ ghi trong giấy chứng nhận của viên sĩ quan an ninh nọ là thiếu tá David Burros. Nhưng kỳ thực đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là Kevin Powell của chúng ta. Còn hai người nhân viên điện thoại kia, tiếng là được phái đến để kiểm tra xem đường dây có đặt máy nghe trộm không, nhưng thực ra họ là những chuyên gia điện tử tuyệt vời vừa mới được một chuyên cơ đưa từ Colorado về Washington cách đây đúng bốn tiếng đồng hồ. Làm xong nhiệm vụ được giao, họ phải được cô lập hoàn toàn: sống trong phòng cách ly ba tuần lễ. Ngoài việc kiểm tra các thiết bị nghe trộm, họ phải lắp vào đường dây một số chi tiết máy và máy móc chuyên biệt, cũng như sửa đổi lại một số mạch liên lạc hiện hành theo một phương thức cực kỳ phức tạp. Cả hai cố giữ vẻ than nhiên trong khi làm việc. Chốc chốc, họ lại mở bản sơ đồ hệ thống liên lạc của Cục, trên góc có đóng một dấu son đỏ chói: “Tuyệt mật” ra để đối chiếu. Mười lăm phút sau, họ đã có thể gửi tín hiệu gọi về một trạm điện thoại nằm cách đây bốn dặm. Đến lượt mình, trạm nọ đã thử quay số rồi chờ mấy giây. Nhận được tín hiệu đáp lại, người đó rất hài lòng, gác ngay máy, bỏ đi chỗ khác. Một trong hai người chuyên gia điện tử liền gật đầu với Kevin, ra cách bảo: “Mọi chuyện đã đâu vào đấy”. Cả ba liền thu xếp dụng cụ, đồ nghề, rồi lặng lẽ ra về, cũng kín đáo như khi họ đến.
Một tiếng sau, Powell đã ngồi trong một phòng làm việc nhỏ ngay giữa trung tâm Washington. Trước cửa phòng có hai cảnh sát mặc thường phục đứng canh. Ba nhân viên trong nhóm Powell, mỗi người chia nhau một góc phòng, rồi ngã người xuống sa-lông chờ. Cạnh chiếc bàn chỗ Powell đang ngồi, còn đặt hai chiếc ghế dựa. Powell nói vào một trong hai chiếc máy điện thoại đặt trên bàn:
- Chúng tôi đã chỉnh lý xong đường dây và sẵn sàng tiếp nhận tín hiệu gọi rồi đấy ạ. Chúng tôi có thử lại hai lần độ tin cậy của toàn bộ thiết bị lắp thêm. Tất cả đều làm việc tốt. Người của ta trong phòng chỉ huy “Báo động” xác nhận rằng ở đó mọi thứ cũng đều đã chu tất. Từ giờ phút này, mọi tín hiệu gọi của Thần Ưng về bộ phận “Báo động”, ta đều thu được hết. Nếu chàng trai quay số tới, chúng tôi sẽ trò chuyện được với anh ta ngay. Còn nếu như anh ta không gọi điện về nữa, thì chúng ta chỉ còn nước hy vọng… là sẽ gỡ máy nghe trộm vừa lắp cho thật êm thấm nữa thôi. Dĩ nhiên là vào bất cứ lúc nào, ta cũng có thể thủ tiêu ngay sự “can thiệp” đó và đường dây liên lạc sẽ thông suốt với phòng “Báo động” chứ không rẽ về đây nữa, thưa ngài.
Giọng sếp trong ống nghe lộ rõ vẻ mãn nguyện khi ông ta đáp:
- Tuyệt. Anh bạn thật là cừ khôi. Nhưng việc khác đã đến đâu rồi?
- Thưa, Marianna cho biết trong vòng một tiếng nữa sẽ thỏa thuận được với báo Washington Post. Hy vọng rằng ngài đã hiểu rõ ta đang ngồi trên thùng thuốc súng. Một ngày đẹp trời nào đó, ta buộc phải tường trình lại cho Cục chuyện ta đã nghe trộm điện thoại trên đường dây “Báo động”. Chuyện đó vị tất làm họ thích…
Người cao tuổi cười phá lên:
- Đừng lo, Kevin ơi. Ta ngồi trên thùng thuốc súng lần này đâu phải là lần đầu. Hơn nữa, ở Langley họ cũng có được ngồi yên đâu. Tôi nghĩ họ sẽ không nặng lời với bọn ta lắm đâu, nếu ta thực hiện trót lọt chiến dịch này để phụng sự cho chính họ. Có tin gì về các nhóm điều tra không?
- Không ạ. Không một ai thấy mặt cả Malcolm lẫn cô bạn anh ta. Thần Ưng mà đã ẩn mình là ẩn mình kín đáo lắm.
- Đúng thế. Riêng tôi, tôi cũng đã nghĩ nát óc về chuyện đó. Tôi không cho rằng địch thủ của ta sẽ tìm được Thần Ưng. Thời gian biểu của tôi anh nắm được rồi đấy chứ?
- Rồi ạ, thưa ngài. Chúng tôi sẽ báo cho ngài ngay nếu có động tĩnh.
Người cao tuổi đặt máy xuống. Powell lập tức ngả người cho thoải mái hơn trong chiếc xa-lông, hy vọng rằng mình sẽ không phải ngóng đợi quá lâu…
… Wandy và Malcolm về đến Washington lúc trời ngả về chiều. Anh cho xe tiến thẳng về trung tâm rồi đỗ lại bên đài kỷ niêm Lincoin. Lấy hết hành lý ra, anh khóa cửa xe thật cẩn thận – để phòng xa. Lần này, họ về lại Washington qua ngả Betesda, từ hướng Maryland tới. Trên đường, họ dừng lại một lúc để mua sắm vài thứ vật dụng, một ít áo quần, bộ tóc giả màu vàng nhạt và cặp “vú cao su” cỡ đại, để giúp Wandy cải thang “ thay hình đổi dạng cho quyến rũ hơn”. Ngoài ra, Malcolm cũng mua thêm một cuộn dây điện, một thứ đồ nghề và một hộp đạn “chì” cho khẩu súng ngắn cỡ 24 nữa.
Chàng trai quyết định mạo hiểm chuyến nữa nên chuẩn bị hết sức chu đáo trước lúc vào cuộc. Theo nguyên tắc mà Edgar Poe đã dùng trong truyện Bức thư bị đánh cắp, cho rằng nơi nương náu lộ liễu nhất đối với cặp mắt của người ngoài cuộc thường lại là nơi nương náu an toàn nhất, họ nhất định nhảy lên một chiếc xe buýt chạy về hướng Đồi Capitol. Họ thuê một phòng trọ dành cho du khách trên đường Capitol Đông, cách trụ sở của “Hội Văn-Sử” chừng một phần tư dặm. Bà chủ ngôi khách sạn nhỏ nhắn và vắng khách này nồng nhiệt đón mời “đôi vợ chồng trẻ người Ohio về tham quan thủ đô”. Khách trọ của bà phần nhiều đã ra về sau hai ngày thăm thú các danh thẳng ở Washington. Bà hoàn toàn dửng dưng với việc “đôi vợ chồng mới” không có nhẫn cưới và vết thâm khá lớn dưới mắt cô gái trẻ. Để bà chủ tin hơn họ là đôi vợ chồng vừa kết hôn, Malcolm đã kịp rỉ tai bà ta rằng: tối nay, họ xin phép được đi nghỉ sớm…

Chương trước Chương sau