Sherlock Holmes mất tích - Chương 16

Sherlock Holmes mất tích - Chương 16

Bữa tiệc trà tại Châu Viên

Ngày đăng
Tổng cộng 24 hồi
Đánh giá 10/10 với 16693 lượt xem

Tôi giật nảy mình khi nghe thấy bí mật của Holmes bị phơi trần một cách bất ngờ như vậy, nên hầu như không nghe thấy lời chào mừng của Lạt Ma dành cho tôi.
"Ngài đã quá ưu ái tôi, thưa Đạt Lai Lạt Ma," Sherlocl Holmes đáp lại với vẻ nhã nhặn rất mực, "…Ở rất nhiều phương diện chứ không chỉ là một".
"Ông vui lòng tha thứ cho bần tăng. Tôi là Lạt Ma Yonten, thư ký thứ nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Xin vui lòng mời ngồi". Ông đưa tay ra hiệu mời khách ngồi vào những chiếc ghế bành bọc gấm thêu kim tuyến và ra lệnh cho mấy người phục vụ rót trà từ một bộ đồ trà Crown Derby. Sau khi những người hầu rời khỏi phòng, Lạt Ma bắt đầu vào chuyện.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, hằn ông sẽ lấy làm lạ tại sao chúng tôi biết được tên thật của ông," Lạt Ma tiếp tục. "Lời giải thích rất đơn giản, mặc dù có thể nó không thuyết phục được người khác tin vào sự thành tâm của chúng tôi. Chắc ông cũng đã tận mắt thấy những bằng chứng về sự ngu dốt và mê tín trên mảnh đất này ông Holmes ạ, nhưng trên thực tế, vẫn có những người có sức mạnh của Con mắt thứ ba. Nhà Tiên tri vĩ đại của Taklung, "Tiên tri Hổ" là một người như vậy. Nhãn quang bên trong của ngài đã chọc thủng lớp sương mù của thời gian để tìm ra ông.
"Tôi nhận thấy rằng danh tiếng gần đây của mình đã được tăng lên phần nào nhờ những bản tường thuật sống động của ông bạn Watson về công việc của tôi, chỉ có điều việc nó đã vượt quá những giới hạn của quy luật tự nhiên thì quả là hơi lạ - mặc dù cũng khiến tôi lấy làm hãnh diện. Tuy nhiên, ở đây có câu lập luận nổi tiếng của Tertullian, certum est quia impossibile est”(1). Sherlock Holmes nhún vai nói.
Lạt Ma Yonten mỉm cười, gương mặt nhăn nhúm như miếng da thuộc cũ kỹ:
"Ông Holmes, tôi xin đoan chắc với ông rằng không ai ở Tây Tạng này biết đến sự hiện diện của ông trước khi Nhà tiên tri vĩ đại phát hiện ra ông trong nhận thức của ông áy. Quả thật tôi hết sức kinh ngạc khi ông ấy lại chọn một chilingpa - một người da trắng".
"Chọn ư? Để làm gì?”
"Để bảo vệ tính mạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thưa ông Holmes," Lạt Ma nói một cách giản dị.
Ông đi đến một cửa sổ có buông rèm ở cuối phòng, nhẹ nhàng vén tấm màn sang một bên rồi gật đầu ra hiệu với khách.
Chúng tôi tiến đến gần và cùng ông ngắm nhìn bầy thú đẹp đẽ ngoài vườn. Hai con linh dương gazen tuyệt đẹp đang thoả thích ăn cỏ cạnh một con cừu aga sừng xoắn và một vài con hươu xạ. Một con lạc đà lông bờm xờm trầm ngâm nhìn lên những hàng cây có đủ các loài chim, nào vẹt, chim chích màu xanh thẫm vùng Severtzoff xinh như một nắm bông, chim sẽ ngô đủ màu, và một loài chim chìa vôi đầu đỏ mà tôi không biết xuất xứ từ đâu Một bầy khỉ, loại không đuôi gồm nhiều con lớn nhỏ khác nhau, có lẽ đến từ Bhootan đang ngồi vắt vẻo vô tư trên các cành cây lớn mà chải lông cho nhau. Ở cuối vườn gần với bức tường bao có khá nhiều chiếc cũi với những thanh chắn có phần hơi mỏng manh, nhốt những thành viên hung dữ hơn trong cái sở thú thu nhỏ này: hai con báo đang ngủ, một con gấu trúc đỏ một con lửng và một con cọp Bengal to lớn đang đi đi lại lại trong cái cũi. Con cọp có vẻ như đã về già, nó gầm gừ như thể đang bực bội vì cảnh giam cầm(2).
Một thiếu niên trạc mười bốn tuổi, tóc cắt ngắn đang chậm rãi đi xuống lối đi nhỏ dẫn đến những chiếc cũi. Thiếu niên mặc áo choàng thầy tu màu đỏ sẫm, trông cậu không có vẻ khỏe khoắn lắm, nước đã tai tái trái ngược hằn với màu da hồng hào, tươi mưởi của phần lớn dân miền núi ở Tây Tạng. Đôi mắt sáng cực kỳ thông minh của cậu vụt trở nên long lanh đảy hứng khởi khi cậu bắt đầu trò chuyện với các loài thú. Về phần mình, những con vật tưởng chừng vô tri vô giác cũng trở nên vui vẻ trước sự xuất hiện của vị khách trẻ tuổi, đến cả con hố đang bồn chồn nóng nảy trong chuồng cũng dịu lại, ngừng bước và nằm xuống một cách ngoan hiền như mèo con.
"Đó chính là Đức Đạt Lai Lạt Ma…" Lạt Ma Yonten nói, nhẹ nhàng khép màn cửa lại, “… hiện thân của Đức Phật Từ Bi, Biển Trí huệ(3) ngọn nguồn của tất cả niềm vui và phồn vinh trong Xứ sở Tuyết vĩ đại này. Nhưng trong tình cảnh hiện nay chính độ thơ dại kia trở thành nguyên nhân xui khiến những kẻ xấu xa âm mưu làm hại Ngài".
"Xin Lạt Ma làm ơn nói một cách chi tiết hơn," Sherlock Holmes nói.
“Tất nhiên rồi, thưa ông Holmes. Xin ông miễn thứ nếu bần tăng đã diễn đạt quá vụng về, bởi đây là cả một câu chuyện lông vòng rất phức tạp và hơn nữa cũng không phải là chuyện vui vẻ gì. Tây Tạng là một nước nhỏ bé yêu hoà bình tất cả những gì mà người dân chúng tôi mong mỏi là được sống một cuộc đời thanh bình noi theo những lời dạy cao quý của Đức Phật. Nhưng bao quanh đất nước tôi là những quốc gia hiếu chiến, đầy sức mạnh và không bao giờ ngơi khuấy động cảnh binh đao như những kẻ khổng lồ nuôi mộng bá vương. Phía Nam là đế quốc của những sahib người Anh hiện đang cai trị vùng đất Shakyayumi, về phía Bắc là Sa hoàng, tuy nhiên cũng còn may mắn là ông ta ở xa. Nhưng phía Đông mối là hiểm hoạ và nguy cơ lớn nhất đối với chúng tôi, nước Trung quốc Đen, xảo quyệt và luôn nhòm ngó một cách thèm thuồng đất đai các nước láng giềng. Tuy vậy ngay trong sự tham lam của mình nó cũng tỏ ra khôn ngoan và kiên nhẫn. Nó biết rằng nếu đem quân công khai xâm lược Tây Tạng sẽ chỉ làm dấy lên nỗi căm giận chính đáng và dữ dội của nhiều bọ lạc Tarta vốn trung thành với Đạt Lai Lạt Ma và bao giờ cũng là một mối đe doạ cho an ninh của Trung quốc. Ngoài ra, hoàng đế Trung Hoa là tín đồ Phật giáo, cũng như phần lớn những người Mãn Thanh khác, vì vậy ông ta - ít nhất vì mối bang giao với các nước láng giềng - cũng phải duy trì mối quan hệ hữu hảo với Đạt Lai Lạt Ma.
"Nhưng những gì không thể giành được công khai thì Hoàng đế Trung Hoa cố thực hiện qua những âm mưu đen tối, ngấm ngầm. Nhiều năm qua, với việc đút lót, hăm doạ và giết người - được thực hiện bởi người đại diện của mình tại Lhassa là Amban - Hoàng dế Trung Hoa đã từng bước tiến đến gần mục tiêu cuối cùng. Amban đương nhiệm ở Lhassa, Đề đốc O-erh-t ai, thật không may cho chúng tôi, không chỉ là kẻ thông minh, đảm lược và nguy hiểm nhất hạng mà còn có cái miệng rất trơn tru và tài ăn nói rất có sức thuyết phục. Ông ta đã thành công trong việc đầu độc tâm trí quan nhiếp chính Tây Tạng, cũng là vị Lạt Ma đứng đầu Đại Tu viện Tengyeling, bằng những quan điểm báng bổ và phản phúc…"
"Nhờ mối quan hệ này quan nhiếp chính sẽ tiếp tục duy trì được quyền lực, kể cả khi vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi đủ tuổi trưởng thành để ngồi lên ngôi vị điều hành đất nước," Sherlock Holmes ngắt lời ông.
“Chính xác, thưa ông Holmes, vì lúc này Đạt Lai Lạt Ma đã đến tuổi thành niên…”
"Xin thứ lỗi vì đã cắt ngang, thưa đức Lạt Ma đáng kính,” tôi nói một cách lễ phép, "nhưng chẳng phải Đức Đạt Lai Lạt Ma mới chỉ 14 tuổi thôi sao?”
“Phải, thưa Babuji. Tất cả các Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm gần như đều lên ngôi vào tuổi 18 hay 19. Việc này thực sự không trở thành vấn đề đối với tuổi trưởng thành của các Ngài ấy. Theo truyền thống, sự kiện trọng đại khi một Đức Đạt Lai Lạt Ma lên ngôi thường được báo trước bằng một dấu hiệu: Ngôi đền băng Shambala - bình thường vốn được chôn vùi dưới một con sông băng ở phía Bắc - lộ ra dưới một tảng băng lớn. Trong quá khứ điều này bao giờ cũng xảy ra khi các Đạt Lai Lạt Ma tròn mười tám tuổi. Nhưng chỉ cách đây một tháng, những người canh giữ Ngôi đền băng đã báo cáo lại rằng ngôi đền lại một lần nữa xuất hiện từ tảng băng lớn. Quan Nhiếp chính - với sự thông đồng đen tối của viên Amban đồng minh - đã không để mất thời gian trong việc ra tay chống lại mối de doạ không dự tính này đối với kế hoạch xấu xa của chúng. Bọn chúng đã bắt giữ hai ngài bộ trưởng trong nội các. Bốn thành viên trong Quốc hội đã bị trục xuất một cách nhục nhã, hai trong số họ là các ngài tu viện trưởng ở Drepung và Sera. Tất cả những người này đã từng phê bình công khai thói quan liêu chuyên quyền của quan Nhiếp chính và tuyên bố rằng Đạt Lai Lạt Ma, mặc cho tuổi còn quá trẻ, sẽ lên ngôi mà không đợi đến tuổi như dấu hiệu mà Đấng Bề trên đã hiển thị".
“Các vị chẳng thể làm gì đề cứu họ ra khỏi tù ư?”, tôi lịch sự hỏi.
“Tất cả những gì chúng tôi có thể làm chỉ là để ngăn chặn việc họ bị hành quyết," Lạt Ma trả lời với một cái rùng mình. "Amban đã mất rất nhiều công sức và tiền bạc trong việc tạo ra các bằng chứng và nhân chứng giả để buộc tội họ. Quan Nhiếp chính thì đã dùng sức mạnh quyền lực để làm trầm trọng thêm những lời buộc tội giả dối này và khép họ vào tội phản quốc. Bè lũ đó cũng chỉ vừa mới tạm ngồi yên, chưa tiến hành những biện pháp bắt giữ tôi và một vị bộ trưởng già quan trọng; nhưng chúng tôi không bao giờ biết rõ khi nào chúng sẽ làm điều đó. Điều quan trọng hơn cả là tính mạng vị Phật sống mà lúc này đây chúng tôi sợ rằng đang bị đe doạ một lần nữa”.
"Một lần nữa ư?"
"Thưa ông Holmes, ba dời Đạt Lai Lạt Ma trước, những người đã khởi hành đến cánh đồng trên thiên giới hay nói một cách thông tục hơn là đã tạ thế trước khi đến tuổi trưởng thành; tất cả đều xảy ra trong những hoàn cảnh hết sức đáng ngờ. Ít nhất thì chúng tôi có biết một vụ, rõ ràng là do người Trung quốc chủ mưu, mặc dù, như thường lệ, không có những bằng chứng xác thực chứng minh sự can thiệp của họ. Trong bất cứ trường hợp nào thì hiện trạng rối ren và bất ổn về chính trị, hậu quả của những sự kiện bất hạnh này, đều có lợi cho người Trung quốc vốn đang từng bước gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng lên Tây Tạng. Bây giờ thì họ mạnh đến nỗi chúng tôi có linh cảm rằng họ đang âm mưu thực hiện những nỗ lực cuối cùng để thâu tóm quyền cai trị hoàn toàn đất nước Tây Tạng và chấm dứt sự lãnh đạo huy hoàng của các Đạt Lai Lạt Ma, mãi mãi. Những lời dự đoán sai lầm và dối trá - không còn nghi ngờ gì về việc nó bắt nguồn từ toà công sứ Trung quốc - đang râm ran khắp nơi rằng Đạt Lai Lạt Ma hiện tại sẽ không trụ nổi đến tuổi trưởng thành và Ngài sẽ là người cuối cùng. Không may những lời dối trá báng bổ này đã lừa mị được một bộ phận dân chúng nào đó bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một cậu bé ốm yếu và chỉ vừa hồi phục sau một cơn sốt hiểm nghèo. Người Trung Quốc cũng không hề chậm chân khi tung ra một lời đồn dốt nát và sặc mùi mê tín rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là người thứ mười ba và cũng là người cuối cùng trong vòng hoá thân".
“Và ngài cho rằng họ đang làm mọi cách để tiêu diệt Đức Đạt Lai Lạt Ma?”
“Tôi tin chắc thế. Nghe đâu chính Amban đã khoác lác rằng cuộc sống của Đạt Lai Lạt Ma cũng an toàn như cuộc sống của Con rận ẩn trong móng tay ông ta. Người của tôi ở toà công sứ Trung Quốc đã cung cấp thông tin về những chuyện đang diễn ra ở đó. Vì vậy tôi phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa bằng cách nếm thức ăn của Ngài hai lần: một lần trong nhà bếp và thêm lần nữa ngay trước khi ăn. Lực lượng cảnh vệ được tăng cường gấp đôi. Thậm chí tôi còn phải tăng thêm một đội binh sư để bảo vệ các bức tường phía bên trong”.
"Và ông nghĩ các biện pháp như thế vẫn chưa đủ phải không?”
“Chưa đủ, thưa ngài,” Lạt Ma trả lời giọng mệt mỏi, trong giây phút đó dường như các nếp nhăn trên mặt ông càng khắc sâu hơn. Đôi tay ông liên tục lần chuỗi tràng hạt bằng ngọc bích một cách bồn chồn. “Phần lớn cuộc đời bần tăng là dành cho việc nghiên cứu Phật học và tu thiền, còn vị bộ trưởng quan trọng mà tôi vừa nhắc tới lại là một ông già. Cả hai chúng tôi đều không thích hợp để có thể đối phó với âm mưu xảo trá, bất chấp đạo lý của Amban và quan nhiếp chính. Nhưng chúng tôi nhất định phải làm gì đó. Tính mạng của Ngài đang gặp nguy hiểm. Đó là lý do tại sao chúng tôi bí mật tìm kiếm sự hướng dẫn của Nhà tiên tri Taklung. Ông ấy không phải là một thầy bói nơi phố chợ, ông Holmes ạ, mà là một bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật thần bí, người mà trí tuệ siêu việt phát sinh không phải từ sự phụ thuộc vào những vị thân hữu tử mà từ sự khuất phục những ảo ảnh về nhị nguyên, và sự đồn ngộ về bản chất thuần khiết của cái cõi vô thuỷ vô chung này. Khả năng thấu thị của ngài ấy thì không ai sánh được”.
“Và ông ta đã giới thiệu tôi với các ngài?” Sherlock Holmes hỏi, hơi lấy làm kinh ngạc.
“Phải, thưa ông Holmes, và cứ nghĩ đến là tôi lại rùng mình về những gì quan Nhiếp chính sẽ làm khi ông ta phát hiện việc tôi đã cho phép một người Anh đặt chân lên đất nước này. Nhưng nếu Thầy của tôi được cứu, có nghĩa là lời truyền dạy của Nhà tiên tri thành hiện thực thì cho dù có thịt nát xương tan tôi cũng cam lòng".
Dù vóc người nhó bé và đang trong tâm trạng căng thẳng bất an, rõ ràng đối với chúng tôi, Lạt Ma Yonten vẫn là một bậc trưởng lão can đảm và cao thượng. Tôi hy vọng Sherlock Holmes có thể làm điều gì đó để giúp ông ta.
Nhưng Sherlock Holmes lắc đầu buồn bã:
"Thưa ngài, tôi đại diện cho công lý, trong chừng mực mà sức mạnh mỏng manh của tôi có thể thực hiện được, nhưng tôi thật sự không biết mình có thể giúp được gì trong vấn đề này. Ngài đã thực hiện tất cả nhưng biện pháp cần thiết để bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma: thức ăn đã được kiểm tra độc chất với hai lần, bảo vệ được tăng cường gấp đôi và ngài cũng đã tăng thêm một đội… hừm… binh sư để bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma cơ mà?”
“Nhưng Amban đã biết tất cả những chuyện này,” Lạt Ma Yonten phản đối. “Chắc chắn ông ta sẽ đối phó với chúng tôi bằng một âm mưu nào đó không lường trước được. Không phải ngẫu nhiên mà ông ta được người dân ở đây đặt cho biệt danh là "Cha đẻ của sự lừa gạt”, họ căm ghét ông ta, đám lâu la vênh váo của ông ta chưa bao giờ để lỡ cơ hội làm nhục người Tây Tạng.
“Có bao nhiêu người… lính Trung quốc, mà ông ta bố trí để bảo vệ mình?”
"Không nhiều lắm. Không quá 200 người. Thật ra đối với chúng tôi việc tấn công toà công sứ Trung quốc và quét sạch bọn người trong đó không phải là khó. Nhưng làm như vậy sẽ tạo cho Hoàng đế Trung Hoa một lý do hoàn hảo để đưa đội quân xâm lược hùng hậu đến đè bẹp chúng tôi ngay lập tức và mãi mãi. Một điều tương tự gần như đã xảy ra khi những vị bộ trưởng trung thành, yêu nước bị bắt giữ; một đám đông dân chúng tụ tập bên ngoài toà công sứ, phản đối sự can thiệp của Trung quốc vào công việc nội bộ của Tây Tạng. Tôi lập tức cử ngay lực lượng bảo vệ cung điện đến giải tán đám đông, để đảm bảo không gây ra tổn thương nào cho Amban hay người Trung quốc. Đó là một nhiệm vụ thật khó chịu, và mặc dù bần tăng kể từ khi được ánh sáng của Đức Phật soi sáng đã tuyên thệ không bao giờ làm hại bất cứ sinh vật nào, nhưng thật không phải là một quyết định dễ dàng gì khi phải đứng ra bảo vệ những kẻ độc ác đang có kế hoạch làm hại Đức Đạt Lai Lạt Ma”.
“Nhưng ngài mong đợi tôi làm được việc gì, thưa đức Lạt Ma đáng kính”, Sherlock Holmes trả lời, “Khi mà thậm chí tay của ngài cũng đã bị trói chặt? “Nếu chỉ có đủ thời gian cho tôi…"
“Ít nhất thì đó là không gì mà chúng tôi có,” Lạt Ma ngắt lời, "nếu người của tôi ở toà công sứ Trung quốc nói đúng. Cách đây hai tuần, một chiếc kiệu đóng kín mít đã đến đây vào lúc nửa đêm. Người ngồi trong kiệu được đích thân Amban đón tiếp và dẫn ông ta đến một dãy phòng sau nhà. Người của tôi không nhìn thấy vị khách bí mật này, vì đám người phục vụ đã được lệnh phải tránh xa cổng lúc vị khách bí mật kia đến. Họ cũng được cảnh báo rằng kẻ nào dám lai vãng đến gần phòng ông ta sẽ bị xử tử. Vị khách bí ẩn có mang theo một số tuỳ tùng, những kẻ một mực câm lặng, mặc chế phục đen, tuyệt đối không nhếch mép nói cười gì cả, người ta thuật lại với tôi như thế. Chúng tôi không biết đó là ai, nhưng xem ra thì lành ít dữ nhiều".
“Ngài có nghĩ đến khả năng nhân vật bí hiểm này là một tên sát thủ được thuê để ra tay không?” tôi hỏi.
“Rất có thể. Người của tôi đã loáng thoáng nghe được dăm ba câu độc thoại của Amban khi ông ta ra khỏi phòng vị khách bí mật này. Gương mặt ông ta đỏ bừng vì kích động và khi ra khỏi phòng, ông ta đấm hai tay vào nhau mà rít lên: “Chỉ vài ngày nửa nó sẽ là của chúng ta".
"Thú vị thật đấy,” Sherlock Holmes nhận xét, "giọng lưỡi người này xem ra đấy sát khí. Chuyện này diễn ra khi nào vậy?”
“Chỉ mới cách đây hai ngày".
“Như vậy cái chuyện mà Amban và vị khách đi đêm với ông ta đã bày mưu tính kế, ông nghĩ nó có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào… Thế ông đã hỏi ý kiến… Nhà tiên tri Talkung về chuyện này chưa?”
"Không có đủ thời gian, ông Holmes ạ. Phải mất năm ngày để đến ngọn núi Pha lê xanh nơi Nhà tiên tri sống, mà tôi thì không thể bỏ mặc Ngài một mình trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này. Dù sao đi nữa, điều đó cũng không cần thiết. Nhà tiên tri đã khẳng định Sherlock Holmes chắc chắn sẽ chiến thắng kẻ thù ghê gớm nhất của chúng tôi. Theo những gì tôi biết thì Nhà tiên tri chưa bao giờ dự báo sai lầm cả"
“Bao giờ cũng có lần đầu tiên lầm lẫn,” Holmes thở dài ngao ngán rồi chìm vào im lặng trầm tư một lúc lâu. Cuối cùng ông hơi nghiêng người về phía Lạt Ma và nói với ông ta bằng giọng khoan hoà, lịch lãm.
“Xin lỗi, thưa Lạt Ma đáng kính. Thật tình tôi không muốn phụ lòng tin cậy của ngài, nhưng toàn bộ sự nghiệp của tôi, hay đúng hơn cuộc đởi tôi là dựa vào lô-gíc và phương pháp suy luận. Vì vậy vào lúc này tôi không thấy có cơ sở đảm bảo với ngài rằng tôi không thể phạm sai lầm. Công việc mà ngài muốn tôi đảm nhiệm quá lớn, quá phức tạp và không có liên quan gì đến phạm vi kinh nghiệm của tôi, để tôi có thể chấp nhận với một hy vọng nhỏ nhoi rằng có thể thành công. Quả thực vấn đề vượt ra ngoài khả năng của tôi. Ngài cần đến sự tận trung của một đội quân, chứ không phải sự cố vấn của một thám tử. Tôi rất tiếc phải từ chối nhiệm vụ này”
Lạt Ma Yoten có vẻ quá sững sờ trước lời từ chối lịch thiệp của Sherlock Holmes. Tôi cũng phải thừa nhận mình có phần thất vọng với bạn mình. Tôi đã quen với việc chứng kiến tài năng trác tuyệt của ông và sức mạnh tinh thần phi thường trong quan sát và tập trung giải quyết vấn đề, nên đã tưởng đâu khối óc vĩ đại của ông sẽ có giải pháp thản kỳ cho bất cứ vấn đề nào mà quên rằng ông cũng chỉ là người trần mắt thịt, cũng không thể vượt qua những giới hạn nhất định. Suy cho cùng, dẫu bạn có là thám tử vĩ đại nhất thế giới thì cũng khó lòng đơn thương độc mã chống lại tham vọng bành trướng của Đế quốc Trung Hoa hùng mạnh.
Lạt Ma đứng lên, cả người lảo đảo, hai tay giơ lên với một cử chỉ cam chịu. Đôi mắt ông, qua cặp kính dày cộp, buồn bã và mệt mỏi, mặc dù ông cố không để lộ ra nỗi thất vọng não nề hắn đang tràn ngập trong lòng ông.
"Thôi được, ông Holmes. Tôi có thể thấy rằng sự từ chối của ông là không gì thay đổi được. Tôi biết ông là người dũng cảm, đáng kính trọng và óng sẽ không từ chối giúp chúng tôi nếu ông nghĩ mình có thể làm gì đó. Vì vậy tôi sẽ không làm một việc quá khiếm nhã như đề nghị một món tiền để đổi lấy sự phục vụ của ông hai làm lãng phí thời gian của ông với những lời cầu xin của một ông già bất lực. Tạm biệt cả hai vị. Cầu xin Tam Bảo bảo vệ các ông trên đường về nhà. Bây giờ xin các ông thứ lỗi, tôi còn có những trách nhiệm phải thực hiện”. Ông rung một cái chuông nhỏ. “Tsering sẽ đưa các ông về chỗ nghỉ".
Chúng tôi chào tạm biệt Lạt Ma. Khi cái dáng người nhỏ bé, thất vọng tràn trề, lúp xúp bước sang căn phòng bên cạnh, tôi không sao ngăn được cảm giác chán nản và bực bội với người bạn quyết định bỏ cuộc dù chưa cố thử lấy một lần. Hẳn Holmes cũng hiểu được cảm nhận của tôi, vì trong lúc chúng tôi bước xuống những bậc thềm trước toà nhà ông quay sang tôi mà nhận xét:
"Ông thất vọng vì cho rằng tôi đã không mặn mà trong vấn đề này, đúng không nào?”
“Ồ không ông Holmes ạ," tôi chống chế. "tôi biết rằng ex facto(4), quyết định của ông luôn đúng tới một trăm phần trăm. Tôi chỉ nghĩ rằng với tài năng phi thường của ông… và cái tên vô lại Amban và còn nữa, việc thiếu chút nữa chúng đã cắt béng cái đầu tôi…"
Đúng lúc đó Tsering chạy xuống bậc thềm nhập hội cùng chúng tôi. anh ta vừa mới gặp Lạt Ma Yonten, ngài đã chỉ thị anh ta thông báo cho chúng tôi biết công việc chuẩn bị cho cuộc khởi hành quay về Ấn Độ của chúng tôi đang được thực hiện và phải mất vài ngày để hoàn thành. Trong những ngày ấy, chúng tôi sẽ lưu lại trong nhà nghỉ và tránh đi ra ngoài.
Chuyến quay về thành phố thật là buồn thảm. Holmes cưỡi ngựa vượt lên trước một chút, vừa đi vừa rít tẩu, hoàn toàn đắm mình trong những suy nghĩ riêng tư. Tôi cưỡi ngựa đi bên cạnh Tsering, cố tỏ ra vui vẻ, nhưng hoặc là chàng trai cũng cảm thấy có gì không ổn, hoặc là Yonten đã nói cho anh ta biết lời từ chối của Holmes, vì thế anh ta cũng không có lòng nào chuyện phiếm với ai.
Bữa ăn tối cũng vậy, không thể là một sự kiện vui vẻ. Thịt thăn bò yak Tây Tạng và cải bắp Trung quốc rưới nước xốt phó mát rất ngon, nhưng Sherlock Holmes hầu như không động đũa. Ông nói còn ít hơn nữa. Sau bữa ăn, tôi rút lui vào phòng riêng và để ra một giờ đồng hồ thảo bản báo cáo về tình hình chính trị tại Lhassa cho Đại tá Creighton, sau đó tôi sẽ tìm cách chuyển cho một thương nhân Newari tại chợ Barkhor nằm ở trung tâm thành phố. Ông ta sẽ mang thư đến Darjeeling và giao cho nhân viên của Bộ chốt ở đó. Trong báo cáo tôi không nhắc gì đến cuộc gặp Lạt Ma Yonten.
Xong việc, tôi chui vào giường cố dỗ giấc ngủ. Tôi nghe tiếng chân Sherlock Holmes đi đi lại lại trong phòng bên cạnh.
Ông đi đúng sáu bước, ngừng lại, xoay vòng (ta nghe tiếng một bước chân lê nhẹ), rồi đi tiếp đúng sáu bước, xoay vòng (ta nghe bước chân lê nhẹ lần nữa) và lại bắt đầu chu kỳ đó. Hình như đến vòng thứ mười một thì tôi rơi vào giấc ngủ.

Chú thích:
(1) certum est quia impossibile est: (tiếng Latinh, của nhà ngữ pháp học vĩ đại La Mã Tertullỉan): Điều đó chắc chắn bởi vì nó là không thể.
(2) Là tín đồ đạo Phật, tất nhiên Đạt Lai Lạt Ma không nuôi giữ thú với mục đích tiên khiển. Những con thú trong vườn là những con vậy bị thương hay bị lạc khỏi môi trường sinh sống tự nhiên, được những du khách dũng cảm cứu thoát và tặng cho Đạt Lai Lạt Ma để chúng được bảo vệ an toàn. Khi số lượng thú vượt quá sức chứa của khu vườn, Đạt Lai Lạt Ma sẽ tặng thú cho các cơ sở của nhà nước, với điều kiện họ phải tạo cho chúng một môi trường sống tốt.
(3) Biển Trí huệ: là nghĩa đen của chữ Đạt Lai.
(4) ex facto (tiếng Latinh): trên thực tế

Chương trước Chương sau