Sherlock Holmes mất tích - Chương 20

Sherlock Holmes mất tích - Chương 20

Đến vùng Trans Himalaya

Ngày đăng
Tổng cộng 24 hồi
Đánh giá 8.8/10 với 16790 lượt xem

Một bữa ăn nóng sốt gồm xúp yak-tail và momos(1) đang đợi sẵn khi chúng tôi trở lại Châu Viên. Tôi lập tức ăn ngấu nghiến. Thức ăn bao giờ cũng là nguồn an ủi lớn đối với tôi sau những giây phút cam go và căng thẳng, nhưng với Sherlock Holmes thì khác, ông vây tay ra hiệu dọn những đĩa thức ăn bốc hơi nghi ngút ra chỗ khác. Một trong những điều khác thường ở Holmes là khi cần phải tập trung suy nghĩ rốt ráo một vấn đề gì, ông sẽ không ăn - đôi khi ông còn nhịn đói nhiêu ngày trong một cuộc điều tra(2).
“Hiện tôi không có dư năng lượng và nơron thần kinh cho việc tiêu hoá," ông nói với Lạt Ma Yonten, người dường như có khả năng hiểu và cũng tán thành với quyết định của Holmes, vì ngay lập tức, ông ra lệnh cho những người phục vụ lui ra ngoài, không làm phiền khách nữa. Có một điều chắc chắn, cả giáo lý nhà Phật lẫn Ấn Độ giáo đều xem tục ăn kiêng là một biện pháp công hiệu đối với trí năng. Mặc dầu vậy Sherlock Holmes là người phương Tây đầu tiên mà tôi gặp, thực hành phương pháp này”.
Thay cho một bữa ăn ngon lành, ông rút một điếu thuốc ra khỏi hộp và mồi lửa, sau đó thuật lại cuộc phiêu lưu của chúng tôi cho vị Lạt Ma đang lo lắng nghe. Lạt Ma Yonten, như có thể dự đoán trước, tỏ ra hoảng sợ khi thấy mọi chuyện diễn ra một cách sai lầm như thế, nhất là cái việc chúng tôi may mắn thoát khối đôi tay ghê tởm của Tên ác ma trong đường tơ kẻ tóc như vậy.
"Nam mô Quan Thế âm Bồ tát. Thật khủng khiếp! Tôi không thể nào tha thứ cho mình, vì đã đẩy các ông vào một chốn nguy hiểm như thế”
“Ngài không nên bấn loạn vì chuyện đó mới phải, thưa Đức Lạt Ma đáng kính," Holmes an ủi. “Dù sao thì chúng tôi cũng đã thoát khỏi chốn đó mà chẳng hề hấn gì".
“Không hoàn toàn thế đâu, thưa ông Holmes. Tôi chỉ mới nhận được tin từ Tsering, nói có hai người đã bị thương vì hoả lực từ toà công sứ Trung quốc - mặc dù không nghiêm trọng lắm, đội ơn Đức Bổn sư. Nhưng nguy hiểm hơn cả là việc ông đã phơi mình ra trước Tên ác ma, hay là Moriarty như ông đã từng biết. Amban chắc chắn sẽ đưa ra những lời xúc xiểm nghiêm trọng với quan Nhiếp chính về những người ngoại quốc cư trú trái phép trong thành phố".
“Thân phận của chúng tôi trên đất nước này đang nhanh chóng trở thành điều gây nghi vấn," Holmes nói, “Điều quan trọng là chúng ta phải hành động thật nhanh”.
“Quan Nhiếp chính cũng sẽ chẳng mất nhiều thời gian để khép tôi vào tôi phản quốc đâu”, Lạt Ma Yonten ủ rũ nói. Sự phiền muộn của Lạt Ma rất dễ lây lan và thậm chí còn làm nguội bớt niềm vui sướng lớn lao mà tôi vừa trải qua từ việc sống sót trở về sau vụ chạm trán khủng khiếp với Moriarty. Nỗi thất vọng và lo lắng của Lạt Ma cũng nhắc tôi nhớ tới mục đích quan trọng của việc đột nhập vừa qua - và sự thất bại hiển nhiên của nó.
"Ôi! Mẹ kiếp!” tôi kêu lên, phẫn nộ với chính mình. “Trời đất ạ, sau bao nhiêu lo lắng, phiền toái và nguy hiểm, vậy mà tôi cũng chẳng nghĩ ra việc phải chộp lấy cuộn giấy da chết tiệt ấy trước khi chạy trốn khỏi chỗ đó nữa".
“Đừng quá nghiêm khắc với bản thân như thế, ông bạn già," Holmes nói, tôi cũng suýt quên bẵng đi mất trong lúc kích động".
"Ông đã có nó ư?” - Tôi thốt lên sung sướng.
Sherlock Holmes lôi cuộn giấy ra khỏi túi chiếc áo choàng dày.
“Phải. Cho tới nay chúng ta vẫn chưa có trận Waterloo của riêng mình, Hurree ạ - nếu tôi có thể tiếp tục nói về những điểm tương đồng giữa Moriarty và Napoleon - còn đây là Marengo(3) của chúng ta, vì đã tưởng như cầm chắc thất bại vậy mà giờ ta lại có khúc khải hoàn".
Ông đẩy những đĩa thức ăn mà tôi vừa vét sạch qua một bên, rồi cẩn thận mở cuộn giấy ra, trải nó phẳng phiu trên mặt bàn. Sau đó ông thận trọng nghiên cứu bức vẽ bằng chiếc kính lúp, một vật bất ly thân của ông.
Nếu tính kích thước bức vẽ bằng khổ vải thì nó dài khoảng từ 50 cm đến 100 cm, nhưng nếu tính cả đường diềm - bằng một loại gấm thêu kim tuyến đắt tiền - thì kích thước của nó bằng những gì mà ông Holmes đã nhắc đến trước đây. Hoạ tiết trong mandala này cũng giống như những mandala khác về Thần chú Kalachakra(4) mà tôi từng được thấy trước đó, mặc dù bản vẽ này có màu sẫm hơn, vì một lý do gần như chắc chắn là nó quá lâu đời.
"Rõ ràng nó đã được treo trên tường trong một khoảng thời gian dài,” Holmes nói mà không hề ngẩng mặt lên khỏi chiếc kính lúp.
“Phải, nó đã nằm ở đó trên bức tường gian điện thờ," Lạt Ma nói với giọng tư lự, “Từ lúc tôi có thể nhớ được. Mà tôi thì đã vào phục vụ cho Đạt Lai Lạt Ma đời trước từ khi còn bé".
“Những đường thêu trên gấm," Holmes nhận xét, “đã bị biến dạng do sự co giãn của những thớ dọc trên vải - tác động tích lũy của thời gian và trọng lực. Giờ hãy xem chúng ta có những gì ở mặt bên kia nào”.
Ông lật bức vẻ một cách cẩn thận. Ở mặt sau là mấy dòng chữ viết theo mẫu tự của người Tây Tạng. Dòng chữ nêu ra những thông tin ngắn gọn như vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi đã nói cho chúng tôi biết, rằng bức mandala này được uỷ thác cho vị Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất sau cuộc gặp của ngài với "Sứ giả" trong cuộc hành trình đến Shambala; sau đó là dòng chữ ghi rõ ngày tháng và có cả ấn của Đạt Lai Lạt Ma. Phía dưới cùng là mười bảy câu thơ. Bẩy câu đầu tiên là một loại kinh tạ ơn, trong khi những câu còn lại làm thành một bài thơ hoàn chỉnh có vẻ như là một bản miêu tả những phần khác nhau trong cấu trúc của mandala, nhưng xen lẫn với nhiều chỉ dẫn kỳ lạ khác. Một câu chuyện dông dài không đầu không cuối, có một cái gì đó phảng phất âm hưởng của một bài hát ru. Mười bảy dòng thơ được viết theo lối chữ thảo rất khoáng đạt của người Tây Tạng, nét viết rõ ràng bằng một ngòi bút tre vót nhọn mà những người chuyên về thư pháp Tây Tạng quen dùng. Như tôi đã nhắc tới lúc đầu, Sherlock Holmes không quen kiểu chữ này nên ông yêu cầu Lạt Ma Yonten đọc to lên cho mình nghe. Lạt Ma sửa cặp kính trên mũi và hơi cúi người về phía trước để nhìn rõ những dòng trên bàn rồi đọc rõ với chất giọng cao hơi ngân nga như đang hát:
Om Svasti!
Xin dâng lòng tôn kính lên Người, Chư Phật ba đời và là Người bảo vệ tất cả chúng sinh.
Ôi, các Đại sư và Chiến binh Shambala.
Lòng đại từ đại bi của Người đã soi sáng chúng ta về với Bát chánh.
Trong khi lang thang qua ảo tưởng của các nẻo luân hồi đã dẫn dắt chúng con đi trên đường Trung đạo.
***
Hãy hướng mặt về hướng linh thiêng
Bao giờ cũng quay về con đường của Pháp luân
Xoay ba lần quanh ngọn Hoả Sơn
Hai lần núi Kim Cương Tường Thành
Tiếp tụcđi xung quanh mot lần qua Tám Nghĩa trang
Và mot lần nơi Toà Sen,
Đứng trước bức tường của thành phố Thiên đường.
Rồi từ Cổng Nam quay về Đông
Vào cung điện sâu kín nhất từ cổng Bắc
Va ngồi khải hoàn trên ngai Vajra. EE- TI!
“Văn vẻ gì mà câu ý khó hiểu,” tôi nói khi Lạt Ma đã đọc xong.
"Không, không hằn thế đâu, Babuji ạ” Lạt Ma phản đối. Khoa học thần bí bao giờ cũng sử dụng ngôn ngữ biểu tượng và bí ẩn để báo mật những kiến thức bí truyền và ngăn không cho những kẻ ngoại đạo hiểu được".
"Vậy ngài nghĩ những câu thơ có ẩn chứa ý nghĩa nào đó sao?” tôi hỏi.
“Đúng vậy, mặc dù tôi cũng không hiểu".
“Và cả những người khác nữa, tôi nghĩ thế!” tôi nói, gãi gãi đầu hoang mang.
Sherlock Holmes lơ đãng nhấp một ngụm trà Trung quốc - thức uống duy nhất mà ông dùng ngày hôm đó - và lại đốt cái tẩu có mùi khó chịu, một vật luôn đồng hành với ông trong những lúc ưu tư nhất.
“Tôi lấy làm lạ…" ông ngả người vào lưng ghế, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà, “Có lẽ có nhiều điểm nằm ngoài khả năng hiểu biết của một người theo học thuyết Spencer như ông. Chúng ta hãy xem xét vấn đề dưới ánh sáng của lý trí thuần tuý. Những mẫu thức thông thường trong những mảnh ghép khác nhau của câu đố bao gồm: kế hoạch nhập thất của Đạt Lai Lạt Ma, Ngôi đền Băng, bức vẽ mandala và bài thơ khó hiểu này - tất cả đều có mối liên hệ nào đó với Shambala. Đó là điểm khởi đầu của chúng ta”.
“Nó có phần quá rộng, thưa ngài," tôi nói với vẻ nghi hoặc.
"Tốt lắm, để xem nào, vậy thì chúng ta cần thu hẹp vấn đề lại. Khi tôi tập trung tâm trí vào bài thơ, dường như nó có phần bớt rối rắm đi một chút. Bất chấp những lời lẽ bí ẩn cầu kỳ của nó, kể cũng không khó khăn lắm để nhận ra rằng những gì chúng ta có trong ta là nhưng lời chỉ dẫn”.
"Nó là kim chỉ nam dẫn đường đến Shambala". Tôi thốt lên giọng hân hoan chiến thắng.
"Kim chỉ nam ư?”
“ Ý tôi là một bản miêu tả lộ trình đến nơi đó. Chúng ta từng nghe huyền thoại kể rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên có thể đã đến xứ đó. Vậy thì rất có thể Ngài kể lại lộ trình của chuyến đi đó chăng?”
“Hừm. Còn có lý do nào khác để nghĩ theo hướng đó không”.
“À, trong bài thơ có một số từ có thể là dấu hiệu cho thấy đây là một kiểu nhật ký đi đường nào đó. Chúng ta có từ… Hừm “tiếp tục đi!” ở dòng thứ 12, rồi… để tôi xem nào… a… “hướng”… ở dòng 8 và 9. Nó cũng nhắc đến nhiều lần những từ như “núi” “Tường” và “thành phố”.
"Giỏi lắm, Hurree, giỏi lắm. Nhưng chưa đủ, tôi có thể nói như vậy. Có nhiều vấn đề chưa thoả đáng trong giả thuyết của ông. Hay xem dòng thứ 10 và 11. “Ba lần đi quanh Hoả Sơn, Hai lần nơi Kim cương Tường Thành"… và nhiều câu khác như thế. Dù có đặt giả thuyết rằng những nơi như vậy có thực đi nữa thì việc đi xung quanh chúng cũng chẳng dẫn chúng ta tới đâu cả".
"Phải, chúng ta sẽ chỉ đi vòng thúng mà chẳng được việc gì," tôi thú nhận, hơi thất vọng”.
“Chính xác. Có quá nhiều từ nhắc đến vòng tròn trong bài thơ này khiến ta khó có thể giả định rằng nó là một bản miêu tả theo nghĩa đen về lộ trình đến một địa chỉ có thật nào đó".
"Ông nói đúng, ông Holmes ạ,” Lạt Ma Yonten tán thành. "Cả bài kệ này chứa đựng một thông điệp được mã hoá bằng ký hiệu. Vòng tròn, hay bánh xe là biểu tượng toàn trí về những nguyên lý then chốt trong tín ngưỡng của chúng tôi; đó là thuyết nhân duyên, nhân quả, về sinh và tử, trong thực tế là về toàn bộ vòng luân hồi của bản thân hiện hữu. Có lẽ thông điệp của nó không nằm ngoài những điều đó - chỉ là một bài thuyết pháp được nguỵ trang bằng những thuật ngữ siêu hình khó hiểu mà thôi".
"Rất có thể sự thật không phải như thế, thưa đức Lạt Ma,” Holmes lắc đầu. “Tôi không thấy có lý do gì thúc đẩy một kẻ về bản chất thối nát đến mức không thể cải tạo được như Moriarty lại chịu mất công đến vậy chỉ để ăn trộm một văn bản tôn giáo ngắn ngủi. Không. Chắc chắn là bài kệ này chứa dựng một điều gì đó vô cùng hữu ích cho mưu đồ trục lợi của giáo sư Moriarty. Lời lẽ của hắn dường như đã tiết lộ rằng hắn đang tìm kiếm nguồn sức mạnh vô biên nào đó".
“Nhưng chính xác là gì chứ, ông Holmes?" tôi hỏi.
"Có một sự thẳng thắn đáng sợ trong những câu hỏi của ông, Hurree ạ,” Holmes lắc lắc tẩu thuốc. “Chúng lao đến tôi như những viên đạn vậy”
“Tôi rất tiếc thưa ngài, tôi không có ý.…”.
Holmes khoát tay:
"Câu trả lời cho câu hỏi của ông nằm ở Ngôi đền băng. Thật sự tôi không cho rằng chúng ta có thể đạt tới một kết luận nào nếu không đến đó một chuyến".
“Tốt lắm ông Holmes?" Lạt Ma đáp “Chúng ta sẽ ở đó trong một tuần khi giáo chủ đến đó nhập thất. Tất nhiên, chỉ với một điều kiện, quan Nhiếp chính không bắt tôi trước và tìm cách huỷ bỏ chuyến đi".
“Vậy thì chúng ta hay đến ngôi đền kia càng sớm càng tốt," Holmes cả quyết. “Có thể nào dẩy nhanh kế hoạch nhập thất của Đạt Lai Lạt Ma được không”.
“Đó là việc đi ngược lại truyền thống” Lạt Ma phản đối. "Ngày giờ lên đường của Đức Ngài đã được chọn lựa một cách đặc biệt bởi Nhà chiêm tinh".
“Được thôi, thưa ngài," Holmes trả lời, có phần hơi tàn nhẫn, "Ngài sẽ phải chọn lựa giữa việc đi ngược lại với quy định truyền thống hay ngồi đấy mà chứng kiến tất cả những gì mà ngài dày công xây đắp đổ ụp xuống, mà quan trọng nhất là tính mạng vị Thầy của ngài”
Lạt Ma Yonten im lặng một lúc, cái đầu cạo trọc cúi thấp, hai tay liên tục lần tràng hạt với những tiếng lách cách khe khe, đều dặn. Cuối cùng, ông ngẩng mặt lên nói với Sherlock Holmes, giọng nhẫn nhục:
"Tát nhiên là ông có lý, ông Holmes ạ. Khi nào chúng ta sẽ đi?”
"Càng sớm càng tốt. Chúng ta không được phép quên rằng Moriarty có thể cũng tự mình tìm đến ngôi đền, nếu như hắn ta không bị tác động quá mạnh vì tai nạn tối nay. Ngài Đấng Tôn chủ có thể khởi hành vào ngày mai được không?”
"Ngày mai ư?” Lạt Ma Yonten rền rĩ. "Không thể được”.
Nhưng tất nhiên, mọi chuyện vẫn diễn ra như Holmes mong muốn.
Ngày hôm sau, vào lúc nhá nhem tối, một tốp nhỏ kỵ sĩ bí mật rời khỏi cổng hậu của Châu Viên, gần bờ sông Kyichu vắng ver. Chỉ có vài con gà nước Tây Tạng là nhìn rõ hình dáng đoàn người và ngựa. Tôi cưỡi ngựa đi cạnh Sherlock Holmes, ngay sau Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi và Lạt Ma Yonten. Tsering, Kintup và mười lính Tây Tạng khác cưỡi ngựa đi phía trước. Chúng tôi làm thành một tốp nhỏ theo sự chỉ đạo cương quyết của Holmes, ông đã có dự cảm chính xác rằng nếu đông người hơn thì sẽ di chuyển chậm hơn và nhất là rất nguy hiểm vì dễ gây chú ý và dễ bị lộ. Vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi không hề phản đối quyết định cứng rắn của Holmes, trái lại còn nhiệt tình ủng hộ và không chú ý đến thái độ do dự của Thư ký thứ nhất của mình. Lạt Ma Yonten, công bằng mà nói, chẳng mấy chốc lại tươi tỉnh và phấn chấn sau những lo lắng ban đầu và nhanh chóng bắt tay chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết cho chuyến đi - sự đóng góp của ông vốn dĩ rất đáng kể. Chúng tôi không thể sống cảnh "ăn xổi ở thì" khi có Đạt Lai Lạt Ma cùng đi, nên lều chõng, lương thực và đồ đạc cần phải được chuẩn bị ở mức độ chu đáo nhất. Nhưng rồi, tất cả cũng đã được hoàn tất trước giờ khởi hành.
Ngôi đền băng Shambala nằm cách Lhassa khoảng 100 dặm về hướng Bắc - mất khoảng ba ngày đường cưỡi ngựa nhọc nhằn. Nó toạ lạc - theo cách có một không hai - dưới một tảng băng khổng lồ rắn như đá nằm giữa một khe nứt sâu trong vùng Trans-Himalaya(5). Người Tây Tạng gọi dãy núi này là Nyenchen-thang-lha sau khi vị thần núi cổ xưa (trước thời Phật giáo) tổ chức thiết triều ở đó. Thông thường, ngôi đền này bị chôn sâu dưới dòng sông băng, thậm chí lối vào cũng bị che khuất hoàn toàn bởi một bức tường băng khổng lồ. Nhưng vì một lý do cho tới nay vẫn chưa được khám phá, phần vách băng phía trước này cứ khoảng năm mươi năm một lần lại tan và mở ra cho phép người ta đi vào ngôi đền. Dân Tây Tạng thì tin rằng bức tường đá mở ra, vào đúng thời điểm các thần thánh của Tây Tạng cho rằng đã đến lúc thích hợp để một Đạt Lai Lạt Ma đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước, và trên thực tế, nó bao giờ cũng mở ra (mặc dù không có những bằng chứng khoa học về hiện tượng này cho mỗi hoá thân của Đạt Lai Lạt Ma, tuy ba đời Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm đã bị ngăn cản không đến được ngôi đền trong thời gian ấn định. Cũng vì thế mà các vị đều yếu mệnh một cách bi thảm, còn đất nước rơi vào những thời kỳ điêu đứng vì cái ác.
Tuy vậy người ta cũng chỉ vào được Ngôi đền băng trong một khoảng thời gian nhất định. Khoảng từ ba đến bốn tuần lễ sau khi bức tường đá mở ra sông băng bắt đầu dịch chuyển một lần nữa và dần dần lấp kín lối đi vào Đền, biến nó trở thành nơi bất khả xâm phạm cho tới lúc một hoá thân khác của Đạt Lai Lạt Ma lại sẵn sàng ngồi vào Ngai sư tử của Tây Tạng”.
Không có những căn cứ khoa học mang tính thuyết phục đưa ra giải thích cho trò chơi của thiên nhiên(6) này, mặc dù sự tồn tại của nó đã được thừa nhận bởi một số nhà thám hiểm người Nga. Tôi tin rằng quan điểm của mình về đề tài này là khá độc đáo - xin bạn đọc rộng lòng tha thứ cho cách nói đó - mặc dù tôi không khăng khăng khẳng định, đó là quan điểm duy nhất “Đúng" Độc giả có thể coi nó hoàn toàn là một giá thuyết, nhưng là một giả thuyết được trình bày bằng một người quan sát thông minh và có kinh nghiệm.
Ở đây có hai điểm nổi bật cần được chú ý thích đáng.
1. Dòng sông băng buộc phầi di chuyển vào một hẻm núi sâu.
2. Mặt đá phía trước hẻm núi - dọc theo bức tường băng - được tạo thành từ loại đá granit có kết cấu rất cứng, trong khi những bức vách của hẻm núi lại được tạo thành bởi loại đá vôi mềm hơn. Vì vậy cứ sau một chu kỳ nhất định, mặt trong hẻm núi lại bị bào mòn nhiều hơn so với ngoài miệng hẻm núi, tạo ra một điểm cực mỏng và có sức nén khủng khiếp ở đằng trước sông băng. Giả thuyết của tôi là, áp lực lớn do toàn bộ khối băng dồn lên khe hở nhỏ này đã làm giầm đáng kể nhiệt độ của băng tại điểm này khiến cho băng rắn hẳn lại (một hiện tượng tự nhiên có thể quan sát được khá rõ khi tuyết được nén lại tạo thành những cục tuyết) Cứ như vậy một bức tường băng lạnh và cứng bất thường đã được tạo ra ở phía trước, có khả năng ngăn chặn hữu hiệu sự tan chảy và dịch chuyển dần dần của toàn bộ khối băng, một điều vẫn xảy ra trong tất cả hoạt động sông băng khác.
Tuy rằng theo lẽ thường, một quá trình như vậy có thể bị ngăn trở, nhưng nó không bao giờ có thể ngừng lại hoàn toàn. Năm này qua năm khác, áp lực được tích tú lại phía sau bức tường băng, cho tới khi đạt đến một điểm tới hạn ở mặt trước, khi nhiệt độ không thể giảm thêm được nửa hoặc băng cứng lại. Áp lực được tích luỹ một cách tiệm tiến như thế có thế diễn ra trong năm mươi năm, vì vậy mà trùng hợp với sự xuất hiện của một Đạt Lai Lạt Ma mới. Một khi thời điểm quan trọng này đến gần, toàn bộ mặt trước của bức tường băng hẹp sẽ vỡ ra để lộ lối vào ngôi đền được che giấu bên trong. Sự sụt giảm đột ngột của áp lực và nhiệt độ ở mặt ngoài khiến toàn bộ hiện tượng này khởi động lại một chu kỳ mới cũng từ từ như vậy sau khoảng vài tuần, lối đi vào đền một lần nữa lại bị đóng kín bởi một bức tường băng vững chắc.
Ngày thứ hai, vào lúc sâm sẩm tối, chúng tôi hạ trại tại chân ngọn đèo dẫn đến một dãy núi cao sừng sững. Đâm thẳng lên bầu trời u ám đày mây trên đầu đoàn lữ hành là những đỉnh núi hình răng cưa phủ trắng tuyết của một dãy núi dài chạy mãi đến tận chân trời. Ngay liền dưới những chỏm núi phủ tuyết, các dốc núi khoác một màu xám xịt bởi các tảng đá trơ trụi, chỉ thỉnh thoảng mới mọc lên một cây thòng còi cọc xác xơ và những bụi kim tước bất khuất đơn độc mà sự xuất hiện của chúng làm dịu đi cái khung cảnh dữ dội có phần nghiệt ngã này. Vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi dường như không hề bị tác động bởi cuộc hành trình gian khổ hay khung cảnh tiêu điều xung quanh. Thật ra cậu còn tỏ vẻ hào hứng nữa là khác. Xét cho cùng cậu cũng chỉ là một đứa trẻ, mà lại là một đứa trẻ bị thiệt thòi khi suốt cả đời bị đóng khung một cách phi tự nhiên trong mối quan hệ buồn tẻ chán ngắt với những ông thầy mô phạm, bọn tùy tùng lớn tuổi và những tên lính gác, không có cơ hội thưởng thức sự tự do của một chuyến đi như thế này – dẫu nó có nhọc nhằn đi chăng nữa. Cậu chạy nhảy tung tăng quanh khu vực cắm trại, dùng những hòn đá nhỏ chơi trò ném thia lia vào các bụi cây như một chú bé nông thôn hoặc chạy đến chỗ Holmes đặt ra vô số câu hỏi về cuộc đời ông, về nước Anh và thế giới. Tôi thật kinh ngạc khi thấy Sherlock Holmes chăm chú lắng nghe và trả lời một cách kiên nhẫn tất cả những thắc mắc của cậu bé. Như tôi đã có lần lưu ý, mặc dù luôn phô ra ngoài về mặt khô khan lý trí và tự cao tự đại khiến nhiều người mới gặp cảm thấy khó chịu, ông lại đặc biệt dịu dàng, nhẫn nại và lịch sự khi tiếp xúc với phụ nữ và trẻ con.
Ngày hôm sau chúng tôi tìm đường vượt qua nhưng ngọn núi cao chông chênh và nhọc nhằn kinh khủng. Con đường mòn toàn nhưng đá và băng tuyết, lên cao hơn nữa thì chỉ có tuyết mà thôi. Những con ngựa lùn nặng nhọc và cần mẫn cất bước suốt buổi sáng, len lỏi tìm đường đi qua nhưng mê lộ hoang vu trên các chỏm núi dòng băng, trong khi chúng tôi ra sức bám lấy lên ngựa cố chống chọi với cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Tôi có mưu toan che chở mình trước những cơn mưa đá bất ngờ bằng chiếc dù đáng tin cậy, nhưng nó đã bị cuốn đi ngay sau khi tôi có ý định, trước những lặng gió lạnh cóng thổi rất rát trên một địa hình vừa cao vừa trống trải. Sau một cuộc vật lộn dữ dội, cuối cùng tôi đành bỏ cuộc, cố gắng xếp dù lại cất đi.
Tsering và đám lính Tây Tạng đều để tóc dài, vì vậy họ gặp rắc rối với những ngọn gió tai quái, họ phải tìm cách "giải quyết” những lọn tóc rủ trước mặt nếu không tuyết sẽ bám vào tóc, che mất tầm nhìn. Những người còn lại trong chúng tôi thì giải quyết rắc rối này bằng những mảnh sa nhiều màu. Vào thoảng hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi đi qua một thung lũng gió thổi rất rát, nằm giữa hai quả núi lớn, sau khi vượt qua đoạn đường này, cuối cùng chúng tôi lần đầu tiên có thể nhìn thấy mục tiêu ở trước mắt.
Rặng núi đột ngột mở ra trước mặt đoàn lữ hành một cánh đồng tuyết trắng lấp lánh, kéo dài khoảng một dặm và kết thúc cũng đột ngột như vậy trong một hẻm núi rộng từ bên phải cắt ngang qua một cách đầy kịch tính như ở vùng Grand Canyon ở Bắc Mỹ. Một chiếc cầu băng thiên nhiên bắc qua hẻm núi này, dường như đó là con đường duy nhất để vượt qua nó. Ở phía bên kia cầu, cánh đồng tuyết trắng tinh khôi lại tiếp tục trải dài (nằm vương vãi khắp cánh đồng là những tảng băng lớn) rồi từ từ bị quây lại giữa những vách đá thẳng đứng, xòe ra ngoài theo hình giẻ quạt từ bức tường băng cao và hẹp phía trước. Bức tường băng này cao ít nhất cũng 100 mét, rộng khoảng 30 mét, trơn bóng và thẳng đứng như một tấm kính khổng lồ. Ngay dưới chân bức tường là một lỗ hổng cân đối, tối om và tôi nhận ra, đó là lối vào Ngôi đền băng Shambala. Khu vực phía trước bức tường lổn nhổn hàng nghìn tảng băng vỡ, gây ra ấn tượng về một mặt biển nổi sóng cồn dữ dội thình lình bị đóng băng ngay lập tức.
Đứng run rẩy phía sau mấy con ngựa, chúng tôi quan sát khung cảnh uy linh đáng sợ này. Tôi cũng thận trọng kiểm tra những chi tiết khác nhau của vùng địa hình xung quanh bằng chiếc ống nhòm nhỏ.
"Tốt lắm, ông Holmes," tôi vui vẻ nói sau khi bỏ ống nhòm xuống "dường như chủ trương kiên quyết của ông, bằng mọi giá phải đảm bảo tốc độ cao nhất, đã được đền đáp. Chắc chắn chúng ta đã đến trước giáo sư Moriarty và những người bạn Trung quốc của hắn ta. Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của con người xung quanh đây cả”.
"Nhưng điều đó không thể xảy ra” Lạt Ma Yonten lo lắng, nói.
"Ý ngài là gì, thưa ngài?” Sherlock Holmes hỏi.
“Có hai cao tăng làm nhiệm vụ canh giữ Ngôi đền băng, họ sống ở đây, tại một hang động ở bên hông ngọn núi kia". Lạt Ma chỉ về phía ngọn núi bên phải. “Ngoài nhiệm vụ chính là theo dõi thường trực lối đi vào đền, họ còn có trách nhiệm ngăn không cho các du khách vượt qua cây cầu băng mà vô tình làm ô uế vùng đất thánh. Nhưng sao không thấy họ nhỉ?”
“Có lẽ họ ở trong hang động nên không nghe thấy tiếng chúng ta đang đến chăng?”
"Không thể có chuyện đó. Địa hình khu vực này có cấu tạo hình phễu nên mọi âm thanh đều được truyền đến hang động. Đó là lý do tại sao nó được chọn. Đáng lẽ họ phải nghe được tiếng vó ngựa của chúng ta cách đây ít nhất một giờ đồng hồ và chuẩn bị nghênh đón chúng ta mới phải".
"Hừm. Chúng ta cẩn thận đề phòng thì tốt hơn," Holmes nói giọng nghiêm nghị, đôi lông mày chau lại với vẻ quan tâm “Vui lòng cho tôi mượn cái kính thiên văn nhỏ của ông một phút Hurree".
"Sẵn sàng, thưa ngài".
Sherlock Holmes đưa ống nhòm lên mắt và tiến hành một trong những cuộc điều tra có phương pháp quanh khu vực lân cận. Tất cả chúng tôi im lặng chờ đợi. Một cảm giác ớn lạnh đầy sợ hãi lướt trên đã khi tôi nhận ra có lẽ mình đã quá vội nói ra những nhận định lạc quan.
"Cánh cửa gỗ nhỏ trong hang động nơi các cao tăng trân giữ ngôi đền đang mở toang, bị ngọn gió núi quạt qua quật lại," Sherlock Holmes nói, giọng lo âu. “Trên đỉnh núi đối diện, một đàn bồ câu tuyết đang lượn những vòng tròn gấp gáp, đầy bồn chồn ngay phía trên tổ của chúng. Dù họ ở đâu đi nữa, họ cũng đã ẩn mình khá kỹ đấy.
“Chúng ta phải đi giữa hai ngọn núi này để đến chiếc cầu băng thôi” Tsering cương quyết. "Tôi nghĩ chắc họ đang nấp đợi bên kia cầu”.
“Anh nghĩ khi nào họ sẽ tấn công?”
"Chắc là khi chúng ta đến gần chiếc cầu băng và xuống ngựa đế qua cầu. Đó sẽ là thời khắc nguy hiểm nhất. Chúng ta sẽ bị lọt vào bẫy giống như lũ rệp giữa cái càng bò cạp vậy”.
"Thôi được, chúng ta hay nghiên cứu xem sao," Holmes điềm nhiên nói. Quay sang chung tôi, ông nói bằng một giọng cương quyết, thận trọng. “Chúng ta sẽ cưỡi ngựa đi hàng một, Đạt Lai Lạt Ma và Lạt Ma Yonten đi giữa. Tsering và tôi sẽ đi trước cùng với năm người lính. Kintup và năm người còn lại sẽ đi ngay sau các Lạt Ma. Ông Hurree thì đi tập hậu. Khi có dấu hiệu đầu tiên của cuộc tấn công chúng ta sẽ chạy thẳng tới chiếc cầu và cưỡi ngựa vượt qua cầu. Có vẻ như đó là một việc làm khá liều lĩnh, nhưng lại là cơ hội duy nhất mà chúng ta có trước một đối thủ mạnh hơn về quân số và lợi thế. Chúng ta đang ở một địa hình quá bằng phẳng và trống trải. Một khi chúng ta băng qua cầu, anh - Tsering ạ - hãy cắt cử lính trấn giữ phía sau những tảng đá kia và cầm chân những kẻ đuổi theo đoàn. Cũng không phải là việc quá khó, vì chúng chỉ có thể băng qua cầu theo hàng một. Lạt Ma Yonten và tôi sẽ đưa Đạt Lai Lạt Ma vào trong đền. Nào, hãy nhớ rằng tuyệt đối không được lưỡng lự ở khu vực cây cầu. Hãy phóng ngựa vượt qua. Bọn chúng sẽ không ngờ là chúng ta làm vậy, vì thế chính yếu tố bất ngờ gây sốc với đối phương lại là cái cần thiết cho một kế hoạch thành công. Chúc may mắn”.
Đó là cách tính toán đo lường trong khi vạch kế hoạch của một nhân cách lớn, kết hợp với sự tự tin minh triết và một sức mạnh điềm tĩnh nên không ai trong chúng tôi nảy ra ý phản đối hai đặt câu hỏi mà chỉ răm rắp làm theo mệnh lệnh của ông.
Chúng tôi đi thành hàng một băng qua thung lũng. Tôi cưỡi ngựa đi cuối, chẳng vui vẻ gì với vị trí này nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần chấp nhận điều tồi tệ nhất. Tôi rút từ bên trong áo choàng ra một khẩu súng lục nhận được từ kho vũ khí ở Châu Viên, và sau khi mở chốt an toàn, tôi giắt nó vào thắt lưng ngay gần bụng. Khi đi ngang qua giữa khúc quanh cuối cùng giữa hai chỏm núi, tôi trông thấy một đám bồ câu tuyết dáo dác bay lượn phía trên tổ, đúng như Sherlock Holmes đã miêu tả; nhưng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào của kẻ thù. Có lẽ chỉ là một con báo tuyết vừa khuấy động không gian yên bình của bầy chim, tôi nghĩ vậy. Cũng có thể rốt cuộc chẳng có kẻ tấn công nào cả. Ý nghĩ bất chợt khá vui vẻ này làm cho tinh thần tôi phấn chấn lên một chút, bởi vì tôi đã không nhìn về phía trước trong lúc phóng ngựa vượt qua cây cầu băng, rộng lắm cũng chỉ khoảng hai mét và chắc chắn là trơn như bôi mỡ. Vừa khi cảm thảy có thể thở phào được thì tôi nghe Holmes hét lên một tiếng báo động.
“Chúng đang đến đấy! Chạy đi nào".
Tôi không dám nhìn quanh mà vung roi quất lên mình ngựa, buộc nó chuyển sang phi nước kiệu thật nhanh. Tôi chỉ vừa phóng đi được khoảng 30 mét, thì thấy một toán lính kẻ nào kẻ nấy đen thui từ đầu đến chân đang phóng ngựa lao nhanh về phía chúng tôi, từ phía sau chỏm núi nơi những con bồ câu tuyết vừa bay dáo dác. Tôi ngẩng đầu nhìn lên chỏm núi đối diện, lòng khấp khởi hy vọng sẽ không thấy cái cảnh mà tôi vừa nhìn thấy. Nhưng ngược lại với mong muốn của tôi, một toán kỵ sĩ khác lao ra từ phía sau sườn núi, phi thẳng về phía chúng tôi.
Trong một giây, cả hai nhóm tản công ghìm cương ngựa và nhìn quanh bối rối. Rõ ràng chúng rất sốc vì cách hành sự của chúng tôi, không hề lưỡng lự cứ thế phi thẳng lên cầu. Nhưng bọn chúng lập tức trấn tĩnh lại, đồng thanh hò lên những tiếng thét xung trận khát máu bằng tiếng Trung quốc: "Sát! Sát!”(7).
Đoàn người ngựa chúng tôi bùng lên, phóng hết tốc lực về phía trước, nhưng đám người đằng đằng sát khí kia cũng phi nhanh không kém và mỗi lúc một thu hẹp khoảng cách. Tệ hơn nữa chúng đuổi sát theo chúng tôi, mà người cuối cùng lại là tôi. Tôi thúc mạnh vào hông ngựa buộc nó phi tăng tốc hơn nữa.
Trong khi con vật phi nhanh hơn về phía trước, tôi quay lại trông chừng những kẻ truy đuổi. Cái đám đông ấy ít nhất có sáu mươi người. Chúng đều mặc trang phục màu đen và đội kiểu khăn của người Trung Quốc: băng đạn quấn quanh ngực, trên lưng lủng lẳng những khẩu súng tự động hiện đại và những thanh gươm đao phủ lớn - hay đại đao như người Trung quốc thường gọi - cũng những đặc điểm nổi bật của đám người thiếu chút nữa đã chặn đầu tôi ở Shigatse, trong cái lần tôi đến Tây Tạng trước đây. Trời đất ơi. Rõ ràng, bọn này là những tên lính thiện chiến của quân đội Mãn Thanh, chứ không phải bọn vệ sĩ của Amban.
Phóng tầm mắt về phía trước, tôi thấy Tsering đã đến cây cầu đá. Anh ta không hề do dự - thật là một chàng trai dũng cảm - thúc ngựa phóng qua. Cây cầu băng cong cong như hình chiếc cầu vồng, vì thế tôi có thể thấy rõ kỵ sĩ cùng con ngựa lao qua cầu. Con ngựa cào móng điên cuồng để bám lên mặt băng cho khỏi trượt, bằng cách nào đó nó cố gắng trụ vững và nhanh chóng vượt qua được bờ bên kia. Năm người lính trong đoàn đi theo sau mà không gặp vấn đề gì, sau đó là Sherlock Holmes, Đạt Lai Lạt Ma và Lạt Ma Yonten. Những người còn lại cũng đi qua trót lọt cho tới khi người lính Tây Tạng cuối cùng phóng đến cây cầu.
Con ngựa xấu số của người này chạy đến giữa cầu mà không có chuyện gì, nhưng đúng lúc nó bắt đầu phi xuống phía bên kia cầu vó sau của nó trượt dài trên băng và cả thân hình nó nặng nề đổ xuống một bên. Bốn vó của nó ngửa lên quơ quơ dữ dội trong cố gắng tuyệt vọng đề đứng thẳng lên, nhưng nỗ lực điên cuồng đó chỉ làm con vật trượt dài rời mép cầu. Rồi với một tiếng hí thảm thiết, nó rơi xuống vực thẳm bên dưới. Người kỵ sĩ cố gắng giải thoát mình khỏi con ngựa bị ngã, nhưng bàn chân lại mắc vào bàn đạp, thế là anh cũng bị kéo theo. Anh lính thét lên không kém phần ai oán so với con vật trong khi bị hút vào cái hẻm núi băng không đáy và tiếng kêu đồng thanh khủng khiếp của cả người lẫn ngựa dội ngược qua nhưng ngọn núi như một lời phán quyết của định mệnh.
Tôi liều lĩnh thúc ngựa tiến lên, nhưng chỉ vừa mới đến được đầu cầu đã nghe những tiếng thét điên cuồng phía sau nên bèn quay đầu lại. Sát ngay sau tôi là đội quân áo đen của Hoàng đế Mãn Thanh đang vung vẩy nhưng thanh đại đao dễ sợ với một thái độ cực kỳ hung hăng, khát máu. Một tên lính mặt rỗ, da vàng ệch đã ở sát ngay sau lưng tôi. Hắn giơ thanh đại đao lên. Tôi thì ngây người nao núng. Bỗng “đoàng, đoàng, đoành". Một vệt màu đỏ giống như một bông cẩm chướng xòe cánh mỗi lúc một to xuất hiện ngay giới trán hắn; và với một vẻ đờ đẫn như được dán lên mặt, hắn ngã vật về phía sau.
Người của chúng tôi đã chiếm cứ các vị trí phòng thú phía sau những lối băng, đang nã súng về phía kẻ thù và dù với số lượng áp đảo bọn chúng rơi vào một tình huống bất lợi hơn. Tôi vội vã băng qua cầu trong lúc kẻ địch còn đang bối rối chưa kịp crở tay. Vượt qua cây cầu tôi thúc ngựa chảy đến bức tường băng và nhanh chóng nhảy xuống ngựa, tìm một chỗ nấp phía sau những tảng băng lớn nằm rải rác khắp thung lũng. Tsering. Kintup và những người lính thiện chiến đã trấn giữ vị trí của họ một cách an toàn, hiểu qua và rõ ràng không cần tới sự giúp dỡ kém cỏi của tôi, vì vậy tôi tìm cách vượt qua những ụ băng theo Sherlock Holmes và các Lạt Ma vào ngôi đền.
Tại chân bức tường băng khổng lồ là một lối vào, hơi giống miệng của một cái động lớn, nhưng được cắt xẻ một cách cân đối tạo thành hình chữ nhật vuông vức và cao ít nhất là mười ba mét.
Ở bên kia lối vào, bên trên những chiếc cột đá bazan khổng lồ sẫm màu là các bức tượng hùng vĩ của những con sư tứ có cánh đang ở tư thế nằm, khoảng cách từ chân cột tính đến vương miện trên đầu chúng vào khoảng tám mét. Không hề giống một bức tượng sư tử nào mà tôi từng thấy trước đó. Chắc chắn, đó không phải là cách tái hiện sư tử của người Ấn Độ.
Thấp thoáng có dấu vết ảnh hưởng của người Babilon trên đôi cánh sư tưe, ngoài ra tất cả các chi tiết khác: cái đầu, nét mặt vóc dáng và tư thế rõ ràng không phải của người vùng Lưỡng Hà, thậm chí cũng chẳng có nguồn gốc châu Á hay Trung quốc.
Có thể nào, đó là tác phẩm của một nền văn minh đã biến mất sau khi đã tồn tại hàng nghìn năm trước khi những người Tây Tạng hiện đại cư ngụ trên vùng đất này? Những bức tượng gần như còn mới nguyên, hầu như không có một vết xước hay dấu vết hư hại nào, hiện tượng này cũng không có gì là phức tạp có thể được giải thích bởi thực tế chúng hầu như được chôn vùi dưới băng đá và chỉ phơi ra trong không khí hai lần trong vòng một thế kỷ, mà cũng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Có lẽ cũng giống như Herr Schelieman, người đã phát hiện ra tàn tích của thành Troy cách đây vài năm, tôi đã khám phá ra một nền văn minh cổ xưa chưa được bất kỳ ai trên thế giới biết tới. Tôi quyết định gọi nó là nền văn minh Tethys bởi vì vùng biển tiền sử của Tethys - mà từ đó cao nguyên Tây Tạng và dãy Himalaya mọc lên - đã xuất hiện cách đây hàng triệu năm.
Tiếng rít của một viên đạn bay sượt qua đầu tôi chấm dứt những suy tư khoa học và sau khi chộp vội lấy cây dù, tôi nhanh chóng chạm qua cánh cửa ngôi đền rộng mênh mông.

Chú thích:
(1) xúp yak-tail: món xúp của người Tây Tạng nấu với đuôi bò yak là loại động vật "biểu tượng" của Tây Tạng. Momos: bánh bao nhân thịt được hấp chín bằng hơi nước.
(2) Watson cũng đã nhắc tới thói quen này của Holmes. Xin đọc Hòn đá Mazarin.
(3) Trận Marengo diễn ra gần thành phế Alessandria vùng Tây Bắc nước Italia vào ngày 14 tháng 7 năm 1800, thắng lợi thuộc về quân Pháp dưới sự lãnh đạo của Napoleon Bonaparte, cho dù lúc đầu thế trận nghiêng hẳn về phía quân Áo
(4) Kalachakra: Bánh xe thời gian
(5) Trans-Hymalaya: tên gọi khu vực nằm xa hơn về phía bắc của dãy Himalayay nói cụ thể hơn về mặt địa chất là khối đá lớn Ladakh.
(6) Nguyên văn: Iusus naturae
(7) Nguyên văn: Sha. (sát) có nghĩa là giết, giết!

Chương trước Chương sau