Tây Ban Nha - 200 tấn vàng đẫm máu - Chương 05

Tây Ban Nha - 200 tấn vàng đẫm máu - Chương 05

Bí mật chợ trời

Ngày đăng
Tổng cộng 11 hồi
Đánh giá 9.8/10 với 13867 lượt xem

Mỗi thị trấn trên thế giới đều khoác một bản sắc riêng. Bản sắc đầy thi vị của Mađờrít là chợ trời lộ thiên Rát tờ rô (1).
Nó nằm chềnh ềnh trong khu thành cổ, gần công trường Thị sảnh, nghĩa là giữa trung tâm thành phố, bất chấp xã hội văn minh với những bin đinh tân tiến cao ngất, những căn phòng điều hòa khí hậu, những đại lộ rộng thẳng xe cộ chạy nườm nượp. Nó choán gần trọn những hẻm ngang dọc, gập ghềnh chung quanh đường Ribero. Đông nhất là ngày chủ nhật, từ sáng sớm tinh sương các lều vải mọc lên như nấm sau cơn mưa rào, hàng hóa được bầy la liệt, lưu thông kẹt cứng. Thượng vàng hạ cám, tất cả những gì có mặt đều hiện diện, đặc biệt là đồ xưa, xưa thật cũng như xưa giả, hàng năm số thương vụ trong chợ được ước lượng khoảng 300 triệu peseta.
Bận đến mấy Văn Bình cũng không quên tạt qua chợ trời nếu công vụ hoặc việc tư cho phép chàng ghé thủ đô Tây ban nha.
Lý do thứ nhất : ông Hoàng yêu cầu. Một bạn thân của ông thừa hưởng một tủ đồ sứ Tàu giá trị, và giữ gìn cẩn thận làm gia bảo, nhất định không bán tuy nhiều nhà sưu tập quốc tế trả giá rất cao. Không dè một thằng con phá gia chi tử được sự súi giục của bọn con buôn gian manh lén lút đã khuân những món đẹp nhất đem bán tống bán táng. Đến khi người cha đau khổ phăng ra thì thằng con đã điên loạn vì ma túy, các đồ mất cắp chuồn ra khỏi biên giới từ lâu. Người cha than thở với ông Hoàng, cậy ông tìm kiếm để mua lại. Do đó nơi nào có chợ trời đều in dấu chân lãng tử của điệp viên Z.28.
Lý do thứ hai ; chàng không ham lợi, không cần tiền song chàng không cưỡng lại được cơn ghiền … đồ cổ. Chợ trời Rát tờ rô được chàng chiếu cố đặc biệt vì nó là nơi có nhiều món hời. Một nhiếp ảnh viên xỉa 175 peseta –nghĩa là trên 2 mỹ kim- mua chơi một bức tranh lem luốc với hai thiếu phụ già ăn củ cải. Khi về nhà, rửa ráy lại sạch sẽ thì trời đất ơi, bên dưới là một họa phẩm của Rubens. Mà danh họa nước Bỉ này có rẻ cho cam ! Xêm xêm từ 5 đến 10 triệu peseta một bức.
Của đáng tội, trong số ba chục ngàn du khách mỗi ngày chủ nhật thả bộ vào chợ trời thì kẻ mua được món hời rất ít, người bị bịp luôn luôn rất nhiều. Và Văn Bình từng bị dân bán đồ xưa Rát tờ rô bịp một vố đau hơn hoạn. Chàng ưa quay lại đó hệt như hung thủ ưa quay lại phạm trường. Thật ra chàng muốn gặp lại tên bịp láu liến hồi nọ để tặng một chầu … húp cháo loãng. Số là chàng mua tặng Quỳnh Loan -người vợ có con với chàng mặc dầu chàng không bao giờ cưới- một đôi bông tai nói là của một nữ hoàng Tây thuộc hậu bán thế kỷ 15. Bông tai này bằng bạc, trạm trổ tinh vi. Nó quý ở chỗ nó là vật sở hữu của một giai nhân lịch sử. Văn Bình trả gần 3.000 mỹ kim. Đó là chàng mặc cả ráo riết, đi đi lại lại nhiều lần. Nếu chàng hấp tấp, chàng phải trả gấp đôi, hoặc gấp ba vì người bán nói thách một tấc đến trời. Chàng hí hửng mang về Sàigòn, chắc mẩm Quỳnh Loan sẽ mừng rỡ và sẵn sàng bỏ quên những xì căn đan ái tình của chàng từng làm nàng buồn bực từ năm này qua tháng khác.
Nàng mừng rỡ, đúng. Chỉ phiền là nàng mừng rỡ không lâu. Một chủ tiệm kim hoàn cho biết đôi bông tai lịch sử này là đồ giả trăm phần trăm. Thực giá của nó chưa đến 10 đô. Úi chao, 10 đô mà điệp viên hào hoa của chúng ta trả những 3.000 đô… Tức muốn thổ huyết như đô đốc Châu Du. Chàng thót lên phi cơ, ăn dầm ở dề cả tuần ở Mađờrít, ngày nào cũng đóng đô ở chợ trời từ sáng đến tối mà tên bịp có lối chào hàng giẻo như kẹo kéo tuyệt vô âm tín.
Văn Bình đến khu chợ trời quá nhiều lần, riết thành quen các cửa hàng, quen luôn các đường nhỏ nhằng nhịt. Tuy nhiên, chàng vẫn bối rối khi được yêu cầu tới gặp Luliô trong khi chợ trời. Thiếu gì nơi gặp an toàn lại léo hánh đến đó ?
Bị rơi vào ổ phục kích là hết đường sống. Địch có thể núp rình ở bất cứ chỗ nào. Phương chi nơi hẹn lại là một lữ quán hạng nhì, vô danh và khả nghi không kém.
Lữ quán này mang tên “Lưỡi Dao “. Một cái tên tiền định. Vì năm 1655, năm khu Rát tờ rô được ghi vào bản đồ thành phố thì nó là nơi giết heo bò. Một lò sát sinh bình dân. Lò sát sinh tất có nhiều lưỡi dao (2).
Hơn 3 thế kỷ sau, do một trớ trêu của định mạng, nó trở thành lò sát sinh của điệp vụ tìm vàng.
Với Lulio là nạn nhân.
-----
Tuổi thật của Lulio là 52. Song nhìn bề ngoài đố ai dám đoán trên 45 tuổi. Nếu ông không pha phí một phần tuổi trẻ trong các cuộc đấu tranh đẫm máu do phe tả điều khiển, để rồi ông phải trốn qua Pháp, sống lưu vog, cô đơn, phiền muộn, Lulio còn trẻ hơn nhiều.
Lulio theo phe thân cộng dưới thời nội chiến kể cũng lạ. Vì ông xuất thân từ một gia đình quyền quý, giàu có ở miền nam, trong một tỉnh có khí hậu quanh năm ấm áp, cây cỏ xanh tươi, sát bờ biển. Có lẽ đó là sự động cỡn thông thường của tuổi thanh niên. Lớn lên Lulio cần sự đổi mới và ông vô tình rơi vào sự tuyên truyền hấp dẫn của phe tả. Lulio bỏ nhà, bỏ trường, bỏ nếp sống vật chất thừa thãi, cầm súng theo họ, lăn lộn từ đồng quê ra thành thị dưới chiêu bài « làm cách mạng ».
Trong những năm lưu vong ở Pháp, giấc mộng canh tân của Lulio không còn đỏ rực hy vọng như xưa nữa. Lulio chín chắn hơn, khôn ngoan hơn. Nhưng chỉ là con muỗi bé nhỏ bị lọt giữa lưới nhện khổng lồ. Phe tả tiếp tục giữ liên lạc với ông. Dần dà, đến những cán bộ từ Liên sô vèo qua đất Pháp như trận gió không lưu lại dấu vết.
Những cán bộ kín tiếng này là nhân viên tổ chức quốc ngoại của mật vụ NKVD sô viết, sau này đổi tên thành KGB.
Lulio hoạt động cho KGB. Ông vẫn được gia đình gửi tiền đều đặn nên vấn đề tài chính không đến nỗi eo hẹp. Còn dư dả là khác. Mật vụ sô viết núp sau chiêu bài lực lượng cộng hòa yêu nước Tây ban nha buộc Lulio lãnh lương hàng tháng, và hàng tháng ký tên vào phiếu phát tiền.
Lulio chẳng phải làm gì, ngoại trừ cung cấp một số tin tức không quan hệ về những người đồng hương lưu vong. Tình trạng rỗi rãi gần như không có công việc này kéo dài đúng 10 năm.
Đột ngột một ngày kia Lulio được lệnh trở về nước. Lulio không muốn hồi hương. Phần vì tiêm nhiễm mối thù đối với chính quyền Franco. Phần vì sợ bị bắt mặc dầu đã có sự tổng ân xá. Lulio ngỏ ý với KGB thì được bảo đảm dứt khoát như sau :
-Anh cứ về, đừng thắc mắc hoặc ngại ngần. Hồ sơ của anh đã được bạch hóa.
-Tôi không tin, vì …
-Chúng tôi có tai mắt khắp nơi. Anh cứ về, không ai biết hoặc nhớ tới trưởng toán ám sát Luliô từng bắn chết gần một trăm viên chức hữu khuynh đâu.
-Hồ sơ cũ đã bị thiêu hủy ?
-Ừ. Vì vậy tôi mới cho anh hồi hương để tiếp tục phục vụ cho tổ quốc và dân tộc Tây. Rất nhiều người khác cũng hồi hương mà không được chọn lựa vì lẽ hồ sơ của họ chưa được bạch hóa. Chính quyền Franco chỉ cam kết không bỏ tù họ. Nhưng chắc chắn công an sẽ bí mật theo dõi họ và khi muốn sẽ phịa ra tội trạng để bắt nhốt. Về phần anh, anh có thể yên tâm một trăm phần trăm.
-Tôi sẽ làm gì ở xứ sở ?
-Như tôi đã nói, phục vụ cho tổ quốc và dân tộc.
-Từ ngữ này rộng rãi, tôi cần có sự thảo luận và phân định rõ rệt. Biết đâu công việc sắp giao cho tôi vượt quá khả năng của tôi. Hoặc giả tôi không mấy đồng ý.
-Anh lầm. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Anh sẽ làm được. Và anh sẽ đồng ý. Tuy nhiên, anh là phần tử trung kiên của đoàn thể, đoàn thể bảo gì, anh phải làm nấy, không có sự đồng ý hay không đồng ý.
Thế là Lulio đáp máy bay về Mađờrít.
Quả như cấp trên trù liệu, Lulio không hề bị làm khó dễ. Ông được tự do đi lại khắp nơi. Mọi giấy tờ hộ tịch ông xin đều được cấp phát nhanh chóng, không câu hỏi nào được an ninh nêu ra. Ông về nơi chôn rau cắt rốn dọc bờ biển miền nam một thời gian rồi cưới vợ. Vợ ông là cựu hoa hậu, trước kia kết hôn với một bá tước, sinh được một con gái sau đó ly dị. Hai vợ chồng mở một cửa hàng ở Mađờrít chuyên xuất cảng rượu xérès. Công việc kinh doanh khá phát đạt. Luliô chẳng hề lo lắng về tiền nong.
Khi ấy đặc phái viên KGB sô viết mới xuất hiện với một chỉ thị của điện Cẩm linh : Lulio được chỉ định tham dự toán 33, một tổ chức đặc nhiệm KGB. Dựa vào những tin tức sẵn có, toán 33 phải chiếm hữu và chở về địa điểm an toàn số vàng 200 tấn mà tướng mật vụ Ótlốp chưa chuyển kịp xuống tàu thủy tháng 10 năm 1936.
Sự thật số vàng được phe tả tẩu tán sang Liên sô chỉ gồm 725 tấn, và số vàng này đã được Ótlốp di tản toàn bộ. Số 200 tấn không nằm trong kế hoạch tẩu tán. Vì lẽ giản dị các yếu nhân tả khuynh hồi ấy không biết đến nó. Họ đinh ninh tổng số vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc gia Tây ban nha là 725 tấn. Trên thực tế tổng số là gần một ngàn tấn. Sự sai biệt này là hậu quả của tình thế rối ren hồi ấy. Một tình thế bi thảm khởi đầu từ sau thế chiến thứ nhất …
Năm 1923, Tây bị cai trị bởi một nhà độc tài. Năm 1931 nền cộng hòa được thành lập, quốc gia bị xâu xé trầm trọng giữa nhiều khuynh hướng đối nghịch, điển hình là phe quốc gia và phe thân cộng. Sự chia rẽ của phe quốc gia dẫn đến Mặt trận Bình dân quy tụ các phần tử xã hội, cộng sản, cộng hòa và vô chính phủ.
Ngày 18-7 năm 1936, giới quân nhân phát động cuộc khởi nghĩa dưới quyền lãnh đạo của tướng Franco. Phe Franco, tiêu biểu cho lực lượng quốc gia, lập chính phủ lâm thời, rồi tiến quân như chẻ tre về thủ đô Mađờrít, nơi phe thân cộng kiểm soát và có chính phủ hẳn hòi.
Tháng 9-1936, phe quốc gia bao vây thủ đô. Phe thân cộng ở thủ đôi xúc tiến công cuộc di tản vàng. Ngày 13 cùng tháng, một sắc lệnh tối mật được tổng thống và bộ trưởng Tài chính của phe thân cộng ký. Theo sắc lệnh này, công cuộc di tản dự tính phải được Nghị viện phê chuẩn.
Nhưng không một nghị viên nào được hỏi ý kiến, vấn đề được giữ kín giữa tổng thống và bộ trưởng Tài chính. Bộ trưởng Tài chính Negrin liên lạc với “tùy viên thương mãi sô viết”, và nhà độc tài Síttalin giao cho tướng mật vụ Ótlốp điều khiển chiến dịch di tản.
Một viên chức cao cấp của Ngân hàng Quốc gia trung thành với phe quốc gia tìm cách bôi sửa sổ sách khiến tổng số vàng từ một ngàn tấn bị rút xuống còn 725 tấn. Viên chức này lại bố trí để 200 tấn vàng còn lại được giấu nhẹm, cả phe Negrin lẫn mật vụ sô viết đều không hay biết. Viên chức này là phó trưởng đoàn Thanh tra của Ngân hàng Quốc gia. Tên ông ta là Cabêra. Dường như Cabêra đã ghi lại rõ ràng bằng một bản phúc trình viết tay về các chi tiết liên quan đến sự hiện hữu của 200 tấn vàng. “Dường như “ là vì sau đó Cabêra bị thiệt mạng trong một trận giao tranh gần thủ đô.
Trong số 4 viên chức Ngân hàng Quốc gia cùng tháp tùng chuyến tàu vàng qua Liên sô, có một bằng hữu thân tín của Cabêra tên Zimoro. Zimoro vốn đồng hương và học cùng trường với Cabera, nên mặc dầu lập trường chính trị của họ không hoàn toàn giống nhau –Zimoro có thiện cảm với phe tả nhiều hơn – họ vẫn gắn bó với nhau chặt chẽ và không giấu diếm nhau điều gì. Bởi vậy, Zimoro được Cabêra tiết lộ về vụ 200 tấn vàng.
Rượu vào lời ra, trong một bữa ăn quá chén tại Mạc tư khoa, kỷ niệm Cách mạng tháng 10 sô viết, Zimoro vô tình “bật mí “. Tướng Ótlốp nâng ly mừng tình hữu nghị Sô-Tây hoàn toàn bền vững và nói :
-Sở dĩ 725 tấn vàng đến được Liên sô an toàn là do tinh thần yêu nước và trung thành với Quốc tế Vô sản của các companero (3).
Mặt đỏ như phẩm hường, khoa chân múa tay, Zimoro cười sằng sặc rồi buột miệng :
-Đồng chí ơi, đồng chí còn quên 200 tấn kia nữa !
Khi ấy ai cũng ngà ngà say, không tửu khách nào quan tâm đến câu nói của Zimoro. Tướng Ótlốp nghe rất rõ, ông nhìn Zimoro bằng vẻ sửng sốt nhưng ông không hỏi gì, ông cũng không trình báo sự tiết lộ kỳ lạ này lên tổng giám đốc mật vụ Yezhov, có lẽ khi ấy ông đã chớm có tư tưởng rời bỏ chế độ sô viết, ông không muốn mang thêm gánh nặng vào thân.
Ngoài Ótlốp ra, còn một sĩ quan cao cấp khác nghe được câu nói “bật mí “.Đại tá hải quân Kudơnétzốp (4), bạn cố tri của Ótlốp nhưng là thành phần cộng sản trung kiên, giữ chức tùy viên hải quân tại hải cảng miền đông Cartagena, nơi các thùng đựng vàng được khuân xuống tàu biển.
Kudơnétzốp có một trí nhớ phi thường. Mấy năm sau trở thành bộ trưởng, ông yêu cầu mật vụ sô viết phối kiểm câu nói của Zimoro. Tây ban nha đứng ngoài đại chiến thứ hai, thủ đô Mađờrít trở thành trạm nghỉ ngơi và hò hẹn của các điệp viên đồng minh và phe Trục nên cuộc điều tra của mật vụ sô viết không bị cản trở bao nhiêu. Zimoro còn sống song ông ta ngậm miệng, và chỉ giải thích là trong cơn chếnh choáng, ông phát ngôn ẩu. Số vàng 200 tấn kia chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng sặc sụa rượu vốt ka của ông. Zimoro không chối quanh được lâu vì vợ ông cũng được nghe ông tâm sự nhiều lần như vậy.
Sau cùng Zimoro đành thú thật là do Cabêra dặn lại. Cabêra đã chết, không còn ai để xác định sự thật này nữa. Bằng hứa hẹn tiền bạc và bằng hăm dọa khủng bố, điệp viên sô viết áp đảo tinh thần, Zimoro trong nhiều tuần, nhiều tháng liên tiếp. Zimoro vẫn một mực đáp không biết. Cuộc điều tra bị khựng lại vì đến lượt Zimoro chết.
Mật vụ sô viết (5) KGB lái cuộc điều tra theo một hướng khác ngay sau khi đại chiến chấm dứt. Đó là năm 1946. Cuộc điều tra mới này nhằm liệt kê và truy nguyên tông tích những người gần xa liên hệ đến vụ chở vàng và còn sống.
Đầu năm 1947, một bản đúc kết của trung gương KGB được đệ trình lên Síttalin. Theo bản đúc kết này, về phía Tây ban nha, số người liên hệ là 84 người, không kể các yếu nhân như tổng thống cộng hòa Azana, thủ tướng Caballero, bộ trưởng Tài chính ( sau là thủ tướng ) bác sỉ Negrin và bộ trưởng Hải và Không lực Prieto vì họ chỉ dựa vào con số 725 tấn vàng do Ngân hàng Quốc gia kiểm kê để tổ chức cuộc di tản.
Phó trưởng đoàn Thanh tra Cabera được coi là thành phần chủ mưu. Zimoro được Cabera báo tin chứ không biết chi tiết. Tham dự cuộc khuân chuyển mười ngàn thùng vàng, tổng cộng 725 tấn xuống tàu ở Cartagena có 60 thủy thủ Tây, 20 tài xế Tây lái 20 chiếc cam nhông trọng tải 5 tấn từ Cartagena đến một kho đạn cũ của hải quân cách cảng này 8 cây số về một phía trên một ngọn đồi, và sau hết là 4 viên chức Ngân hàng Tây trong đó có Zimoro đi theo công voa vàng sang Liên sô.
Nghĩa là 84 người cả thảy.
Phân nửa con số 84 người này đã thiệt mạng. Còn lại gần 40 người thì phân nửa của số 40 người bị thất lạc ở nước ngoài hoặc nếu sống trong xứ thì đã thay họ đổi tên để tránh sự theo dõi khủng bố của chính quyền Franco.
Nhân viên KGB thu thập đầy đủ tin tức về số 18 người còn sống. Họ nhận thấy chỉ có một người có thể nắm được những dữ kiện chính xác.
Người này là Luliô.
Đêm 22-10-1936, tướng Ótlốp cầm đầu đoàn cam nhông gồm 20 chiếc đến kho đạn Cartagena thì Cabêra cũng có mặt tại chỗ. Ông ta đôn đốc các thủy thủ liên tiếp trong ba đêm. Công việc bốc xuống tàu xong xuôi, ông mới lên xe quay về thủ đô. Cabêra luôn luôn đi kèm với một thanh niên khôi ngô, vạm vỡ, miệng hay cười, dáng dấp học thức, thượng lưu. Thanh niên này là Lulio. Lulio, tuy mới 20, đã lập được nhiều thành tích vẻ vang cho phe cộng hòa. Lulio gia nhập quân đội cộng hòa với tư cách trung sĩ tiểu đội trưởng. Gan dạ, bắn gíỏi trung liên, Lulio được tuyển chọn vào ban ám sát. Do sự tình cờ cấp trên cử Lulio đến cảng Cartagena giữa lúc có vụ chở vàng.
Lulio gặp Cabêra. Cũng do sư tình cờ, Cabêra là chú ruột của Lulio.
Một trong các nhược điểm của dân tộc Tây ban nha là sự trung thành với huyết thống, sự trung thành hầu như vô điều kiện, nhiều khi vượt qua mọi trở ngại chính trị và tôn giáo. Cabêra không mấy thiết tha của phe cộng hòa tả khuynh như cháu trai Lulio, nhưng đó không phải là lý do để hai chú cháu nghi ngờ nhau. Cabêra kéo Lulio vào vụ chở vàng. Cabêra đã nói với Lulio những gì, phải chờ tiếp xúc với Lulio mới biết được.
Giữa năm 1947, cuộc tiếp xúc được diễn ra trên đất Pháp giữa Lulio và một điệp viên KGB đội lốt cán bộ cao cấp của phe lưu vong Tây ban nha. Từ đó, Lulio bị xô vào lưới nhện do thám sô viết. Năm 1956, Lulio được KGB sắp xếp cho hồi hương. Lý do khién KGB có hành động này được gói ghém trong phiếu trình tối mật mang mã FR-230 cất trong “hồ sơ theo dõi“ của tổng giám đốc sở KGB. Phiếu trình FR-230 tóm lược lại những điều KGB và Lulio biết về vụ 200 tấn vàng.
Phiếu trình có đoạn như sau :
“Việc kết nạp Lulio vào tổ chức và sử dụng y trong tương lai cần chiếu cố tới yếu tố căn bản :
1/ Lulio không phải là đảng viên cộng sản, y có quá nhiều cá tính, không ưa bất cứ sự gò bó nào, cho dẫu mai đây y được tuyên thệ gia nhập thì sự trung thành với Đảng cũng khó thể vô điều kiện.
2/ Theo lời Lulio, y chỉ biết lờ mờ về vụ 200 tấn vàng. Số vàng này được đóng thùng gỗ tương tự như những thùng chở về Liên sô, nghĩa là kích thước 30cm, 20cm và 48cm. Mỗi thùng đựng 65 kí vàng. Tất cả số vàng được di tản bằng đường bộ về miền đông nam, quê hương của Lulio cũng như của chú y là Cabêra và của Zimoro.
Cabêra phụ trách việc vào sổ và kiểm hàng nên vấn đề gian lận không mấy khó khăn, nhất là tình hình hồi ấy rất khẩn trương.
Chúng tôi đã hỏi Lulio nhiều lần, lần nào y cũng tỏ ra không mấy thiết tha tới vụ vàng. Chúng tôi có cảm tưởng Lulio biết khá nhiều mà cố tình giấu diếm. Có thể Cabêra đã chỉ cho Lulio biết nơi cất vàng. Hoặc cho biết nơi Cabêra giữ bản đồ kho vàng. Thái độ của Lulio không có gì khó hiểu : y không trung thành với chúng ta, hoặc giả y cũng trung thành song số vàng khổng lồ làm y tối mắt, y đóng kịch ngu si để rồi thời gian qua, mọi người sẽ quên đi, y sẽ một mình chiếm hữu 200 tấn vàng.
Vì vậy chúng tôi trân trọng đề nghị thượng cấp bố trí cho Lulio hồi hương rồi kín đáo theo dõi y. Khi có hoàn cảnh thuận tiện, ta sẽ giao cho Lulio nhiệm vụ tìm kiếm kho vàng. Tùy theo thái độ của y, sau này ta sẽ quyết định.”
Năm 1964, Lulio trở về Tây ban nha.
Cuối năm 1965, một phiếu trình mới được đặt trên bàn giấy của tổng giám đốc mật vụ KGB sô viết. Nội dung của phiếu trình liên quan đến những chuyến đi chơi dọc bờ biển của Lulio :
“Chỉ trong vòng 3 tháng, Lulio về quê 4 lần. Chuyến nào y cũng lang thang nhiều ngày trên những mỏm núi nhìn xuống biển. Lắm đêm y không về nhà ngủ.
Điều đáng nói nhất trong 4 chuyến về quê này là Lulio đến thăm bà vợ của Zimoro. Như đã trình Zimoro là viên chức Ngân hàng Quốc gia thân cận với Cabêra.
Với sự cho phép của trú sứ, chúng tôi phái một điệp viên kinh nghiệm đột nhập nhà riêng của vợ Zimoro. Y thị đã già, tai điếc, mắt gần lòa, phải ngồi xe đẩy mặc dầu thân thể còn tráng kiện. Điệp viên này lục soát khắp các phòng và không tìm thấy một giấy tờ gì đáng lưu ý. Một tháng sau ngày Lulio ghé thì bà vợ già của Zimoro tạ thế về bệnh tim. Lulio không có mặt trong đám táng.”
Tháng 1-1966, một tin tức làm dư luận năm châu chấn động : hai phi cơ Mỹ, một pháo đài bay B-52 và một phản lực cơ khổng lồ KC-135 chở xăng, đụng nhau vỡ tan tành trên không phận Tây ban nha.
Tai nạn bất thường này thu hút một số đông điệp viên quốc tế đến Tây ban nha. Điệp viên sô viết gửi về Mạc tư khoa gần 50 bức điện liên quan đến nội vụ.
Đây là tai nạn bất thường vì trong vòng 15 năm qua, pháo đài bay chiến lược B52 được tiếp tế nhiên liệu trong khi bay, và trong tổng số một triệu lần tiếp tế như vậy chỉ xảy ra 10 tai nạn. Năm 1965, cứ mỗi 6 phút rưỡi là có một vụ tiếp tế xăng trên trời thế mà không có một tai nạn.
7 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, 3 sống sót, 200 tấn kim khí vỡ vụn hoặc thiêu cháy : đó là kết quả của tai nạn. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân khiến Quốc phòng Mỹ phải báo động đỏ cùng với các trú sứ CIA trong vùng Địa trung hải. Nguyên nhân này là chiếc B-52 lâm nạn chở bom nguyên tử, và những trái bom kinh khủng kia bị thất lạc ở miền nam Tây ban nha dọc bờ biển Anđaluzi, gần cảng Cartagena nơi bốc dỡ vàng 30 năm về trước.
Ông tổng giám đốc CIA thức trắng nhiều đêm liên tiếp để nghiên cứu hồ sơ “Mũi tên gẫy “ . Mũi tên gẫy (6) là mật ngữ ám chỉ “tai nạn nguyên tử “.
Ông tổng giám đốc KGB sô viết cũng thức trắng nhiều đêm liên tiếp. Vụ rớt bom nguyên tử không dính dấp nhiều đến ông vì loại bom này được trang bị một số bộ phận an toàn trăm phần trăm. Nó không thể nổ bất tử, nó cũng không gây ra nạn nhiễm xạ nguy hiểm đến sinh mạng. Theo thông lệ, ông chỉ ra lệnh cho thuộc viên thu thập tin tức.
Sở dĩ ông tổng giám đốc KGB mất ngủ vì trú sứ của ông ở Mađờrít gửi về một phiếu trình giật gân :
“Theo một nguồn tin xác đáng, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tìm thấy 3 trái bom trên đất liền. Trái thứ tư, trái cuối cùng, nghe đâu bị chìm dưới biển.
“Chúng tôi nghi ngờ CIA lợi dụng cuộc tìm bom để tiến hành cuộc tìm vàng với ý định phỗng tay trên của ta. Họ mở rộng hoạt động trên một vùng biển Địa trung hải rộng 120 dặm vuông, ngay phía nam cảng Cartagena, với 4 diệt lôi hạm, 130 người nhái, gần 3.000 binh sĩ hải không quân Mỹ, họp thành biệt đoàn 65 dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Gét (7).
Biệt đoàn 65 gồm một số tàu gián điệp. Đơn cử :
-tàu Miza có máy chụp hình màu dưới đáy biển sâu, và máy an bài điện tử tối tân, tàu ngầm bỏ túi, tàu ngầm thí nghiệm Alvin và Aluminaut.
Người nhái lặn sâu đến 25m. Từ độ sâu này xuống đến 40m là nhiệm vụ của diệt lôi hạm. Đến 60m là nhiệm vụ của tàu ngầm bỏ túi Sealab II.
Sâu dưới 100m, họ sử dụng hai tàu ngầm thí nghiệm Alvin và Aluminaut với đầy đủ máy móc hải học.
Chúng tôi cho một “tàu đánh cá “ trang bị dụng cụ nghe lén đến gần vùng lặn của tàu Alvin, họ bèn đưa hai diệt lôi hạm ra chặn.
Được tin gì thêm, chúng tôi xin trình tiếp theo thể thức hỏa tốc.”
Ngày 7-4-1966, cuộc tìm bom chấm dứt. Trái bom thứ tư được tàu Alvin câu lên. Đúng 79 ngày, 22 giờ, 23 phút sau khi tai nạn xảy ra.
Cùng ngày 12-8, lại một mật điện khác : hai chiếc tàu đáng ngại này dường như được mang đến một vùng ở phía bắc Cartagena, cách nơi giấu vàng năm 1936 có một dặm.
Hoản hồn, ông tổng giám đốc KGB kêu điện thoại cho phụ tá chuyên môn. Nửa giờ sau một kỹ sư hải quân đến trình diện ông với hình ảnh và chi tiết về tàu Alvin và Aluminaut.
Alvin dài hơn 6m, là một kỳ công cơ khí (8). Nó có thể nhìn rõ mọi vật ở độ sâu 2.100m. Tàu Aluminaut còn có thành tích kinh hoàng hơn (9),nó nặng 75 tấn, dài 15m, có thể xuống sâu 4.500m.

Tàu USS Alvin của Mỹ

Tàu USS Aluminaut, tàu ngầm đầu tiên của Mỹ bằng nhôm.
Theo họa đồ dưới biển thì khu vực chung quanh Cartagena được coi là sâu nhất Địa trung hải, từ 2.000 đến 3.500m. Hai con tàu lặn sâu kỷ lục này được giữ lại vùng này làm gì ? Nếu không để lục lọi đáy sâu tìm những thùng vàng được Cabera và đồng bọn lén lút ném xuống ?
Ông tổng giám đốc KGB nghĩ nát óc suốt đêm. Sáng hôm sau, tóc ông bạc phơ. Ông chỉ cất được tiếng cười thoải mái khi trú sứ KGB ở Mađờrít gửi về một phiếu trình ngắn ngủi mà súc tích :
“Hai tàu do thám Alvin và Aluminaut cùng các phương tiện cơ khí, điện tử do thám khác đã được đưa khỏi nam bộ Tây ban nha ngày hôm nay.”
Ông tổng giám đốc KGB thở phào. Ông vừa báo động hoảng. Phe địch đang còn gà mờ về vụ kho vàng.
Ông bấm chuông gọi đại tá Navarô. Navarô là người Nga, lai Tây ban nha.
Navarô được ông sai đi Mađờrít.
Vòng vây gián điệp sô viết xiết chặt quanh cổ Lulio.
----
Trong danh sách gián điệp sô viết, Navarô là thành phần ưu tú. Chả thế mà y đeo lon đại tá từ hồi chưa đến 30 tuổi. Đại tá KGB, hơn xa đại tá quân lực, ngay cả những binh chủng cừ khôi như không quân và dù cũng thua kém rõ rệt. Muốn được cấp bậc đại tá KGB, như Navarô, phải chết hụt chừng chục lần. Mỗi lần thoát chết trong điệp vụ hành động đương nhiên được thăng một cấp.
Navarô gia nhập quân đội năm 17 tuổi với cấp bậc trung sĩ. Ra trường được năm rưỡi, y vọt ngay lên thiếu úy, rồi được xung vào KGB. Y tham dự một khóa huấn luyện đặc biệt 24 tháng. Năm 21 tuổi, thiếu úy Navarô được cử ra nước ngoài. Y thành công đều đều. Y được ban khen đều đều. Y lên cấp đều đều. Y là một trong những đại tá mật vụ nhiệm chức trẻ tuổi nhất.
Giữa năm 1966, Navarô qua Mađờrít làm phụ tá giám đốc trú sứ. Phụ tá vì y quen hành động, quen đấm đá, bắn súng, giết chóc. Y không quen suy nghĩ như các điệp viên văn phòng. Y đinh ninh đến nơi là có những cuộc rượt đuổi tóe khói, những xen đấu nhu đạo toát bồ hôi lạnh.
Té ra chẳng có gì hết.
Phẳng lặng như tờ.
Việc của y là việc bàn giấy buồn tẻ. Y ngứa ngáy tay chân xin được thuyên chuyển thì được ông tổng giám đốc bảo đảm bằng một chỉ thị rõ rệt “đừng nôn nóng, rồi sẽ có chuyện”.
N 1966 nặng nề trôi qua.
N 1967 cũng nặng nề trôi qua.
Vẫn chẳng có gì hết.
Vẫn phẳng lặng như tờ.
Rầu thối ruột, Navarô năn nỉ ông tổng giám đốc cho về Liên sô nghỉ xả hơi một thời gian. Y xin hoài xin hủy Mạc tư khoa vẫn không cho phép. Đột nhiên y được triệu hồi. Không phải để nghỉ xả hơi. Mà để giáp mặt ông tổng giám đốc KGB tại trụ sở trung ương. Cùng hiện diện trong phòng ông tổng có một sĩ quan cấp tướng lạ mặt : một chánh sở của cơ quan gián điệp hải ngoại GRU.
Ông tổng giám đốc nói, vẻ mặt nghiêm trọng :
-Như anh đã biết, sở KGB ta chỉ phụ trách tình hình trong nước và ở một số nước bạn Đông Âu, các quốc gia thuộc phe tư bản và phi liên kết thì giao cho các đồng chí bên GRU. Riêng tại Tây ban nha, ta đặt cả hai hệ thống KGB và GRU, đề phòng bị địch phá vỡ cái này thì còn cái khác vì địch ở đó cực kỳ đông đảo, mạnh mẽ và hữu hiệu.
Một nhân viên trung cấp GRU vừa đào ngũ trốn theo CIA. Một trung tá. Hắn làm việc tại trung ương Mạc tư khoa. Hắn biết rất nhiều về Tây ban nha. Nói rõ hơn, tất cả những gì dính dấp đến GRU ở đó đều bị hắn biết tường tận. Hắn có thể biết một phần tổ chức của ta, KGB nữa. Chắc chắn hắn bán những tin tức này cho địch và địch sẽ khai thác triệt để. Vấn đề đặt ra chỉ là vấn đề thời gian.
Một số hoạt động của Sở ta về vàng đã được thông báo cho bên GRU. Tên nhân viên phản bội khốn nạn này không thể mù tịt về chuyện ấy. Thế tất CIA biết ta theo dõi vụ vàng. Địch cũng biết Lulio là người của ta.
-Thưa ông tổng, địch biết được sự hiện diện của tôi không ?
-Lẽ nào địch không biết. Địch có thể biết tên anh nhưng không thể biết nội bộ của ta ở đó. Về GRU thì hoàn toàn nát bấy. Các đồng chí bên đó rút phần lớn bộ phận ra khỏi Tây. Về phần ta, ta cứ ở lì. Địch biết tên anh càng tốt. Họ phải cử điệp viên hạng nhất tới.
Chỉ tập hồ sơ đề chữ “33” ngoài bìa đặt ở góc bàn, ông tổng giám đốc KGB nói :
-Từ ngày toán 33 được thành lập để theo dõi vụ vàng đến giờ, ta chưa tiến được bao nhiêu. Ta mới nắm vững được hai điều : thứ nhất, chắc chắn số vàng là 200 tấn vàng hiện nằm tại một nơi an toàn nào đó trên lãnh thổ Tây. Thứ hai, ngoài ta ra ít nhất một cơ quan khác xía vào, đó là CIA Hoa Kỳ, như vậy nghĩa là ta sẽ đụng đầu với nhiều đối thủ hóc búa. Thứ ba, Lulio chưa hề thật tình với ta, hắn cố ý giấu ta nhiều điều quan trọng. Tôi đã đọc kỹ những báo cáo về hắn từ hơn 20 năm nay. Hắn có trí nhớ bền bỉ, những lời hắn nói năm 1947 tại Pháp hắn đã lặp lại gần giống mươi mười lăm năm sau đó tại Tây ban nha. Tuy nhiên, trên một số chi tiết vẫn có sự tiền hậu bất nhất. Các cuộn băng ghi âm đều cho thấy giọng hắn rụt rè, sặc mùi giả dối, xảo quyệt, mỗi khi vụ vàng được nhắc tới.
Dầu muốn dầu không, Lulio là con bài tẩy định đoạt cho điệp vụ của ta. Ta chuẩn bị 20 năm nay với bao tâm cơ, ta không thể để nó vuột vào tay người khác.
Ông tổng giám đốc lấy từ hộc bàn ra cái chai bằng pha lê trắng muốt đựng một chất nước cũng trắng muốt, từ tốn rót đầy ly cho Navarô :
-Tôi mến anh vì anh giống tôi ở điểm, nhất là điểm uống nước suối, quanh năm uống nước suối, không màng đến rượu. Bót zom (10) anh uống hôm nay được đóng chai riêng cho đồng chí thủ tướng. Tôi trình báo về vụ vàng, đồng chí thủ tướng truyền tặng anh một két với lời cầu chúc thành công.
Về phần tôi, tôi nghĩ rằng con người sắt thép, thông minh, tài ba tuyệt vời như anh, rượu không thèm uống, thuốc lá không thèm hút, tất cả sinh lực đều dồn vào nhiệm vụ, con người ấy luôn luôn thành công. Nào, ta cùng uống bót zom để mừng sự thành công sắp tới của đại tá Navarô.
Tối chủ nhật ấy, cái đinh của tấn tuồng tranh chấp điệp báo giữa Nga và Mỹ, Lulio ngồi uống nước suối một mình trong tiệm cà phê trong khu chợ trời.
Chẳng hiểu sao Lulio sinh trưởng ở vùng sản xuất rượu nho thượng hạng, và hiện kiếm sống bằng nghề bán rượu nho ra ngoại quốc lại kị hơi men. Kị ở đây không có nghĩa là uống rượu thì mặt đỏ như gấc chín hoặc say bí tỉ. Ngược lại, càng uống thì mặt Lulio càng xanh. Xanh đến độ trắng bệch như tờ giấy. Ông không hề say. Ông không uống rượu vì ông không thích, chỉ có thế thôi.
Lulio thờ thẫn hồi lâu trước ly insalút (11).
.
Tuy mê nước suối, ông chỉ uống mỗi hiệu này. Không phải vì nước suối insalút có lợi cho sự tiêu hóa, hoặc phát xuất từ một rặng núi gần quê ông. Mà vì bản tính ông mơ mộng, ly nước trắng xóa, nổi bọt lăn tăn, nhìn xuyên qua pha lê ông luôn luôn có cảm tưởng đó là trái cầu được nhà chiêm tinh sử dụng để nhìn số mạng con người.
Tuy con nhà giòng dõi, ông lại long đong từ thuở hoa niên. Long đong vì ông muốn làm một cái gì cho đất nước. Bị thua thiệt, phỉnh phờ, ông muốn thoát khỏi vòng lưới nhưng nó cứ quấn lấy ông, ngày này qua tháng khác. Gần 20 năm trời, ông ôm trong lòng một bí mật ghê gớm. Nhiều lần, ông tưởng có thể nói ra được hết. Rốt cuộc ông phải ngậm miệng.
Lần này, liệu ông có nói ra được không ?
Lulio rời mắt khỏi ly nước suối và quan sát chung quanh. Mađờrít là nơi làm ăn lý tưởng của các quán cóc. Dân chúng địa phương dường như mắc một bệnh bất trị, bệnh khát. Họ khát cả ngày. Họ uống từ sáng đến tối, từ tối đến sáng. Quán uống được mở nhan nhản, những khu phố càng cổ xưa, càng quanh co, càng thiếu ánh sáng, càng có nhiều tiệm giải khát.
Bàn nào cũng đầy người. Thiên hạ ngồi sát nhau như cá mòi đóng hộp. Lề đường bị choán phân nửa. Đối diện cũng là một quán cóc chuyên bán hótsata, sữa hạnh nhân ướp lạnh, khách còn đông đúc và hỗn độn hơn. Lòng đường chỉ còn vừa đủ cho một tắc xi nhỏ chạy qua. Khốn nỗi các yêng hùng xe hai bánh lại ưa tụ họp trên quãng đường này nên tuy là đường hai chiều, nó đã biến thành ngõ cụt.
Cuối ngõ cụt, cách nơi Lulio uống nước suối 20 mét là khách sạn Lưỡi Dao. Cái tên sắc bén này không do ngẫu nhiên mà có. Xưa kia khu chợ trời còn là nơi hạ thịt thì khách sạn Lưỡi Dao được giới anh chị dùng làm sào huyệt. Các cuộc thanh toán bằng dao thường diễn ra, lâu dần danh từ “lưỡi dao “được đi vào lịch sử.
Gọi nó là khách sạn có vẻ lạm dụng. Hệ thống khách sạn ở Mađờrít được định lượng bằng sao. Sang trọng bậc nhất mang 5 sao như Ritz, từ 2 sao trở xuống là hạng tồi. Lữ quán Lưỡi Dao này còn tồi hơn hạng tồi nhiều nấc. Nó chỉ được cái đồ sộ vì nó là tòa nhà bốn tầng duy nhất trong hẻm, mặt tiền bề thế không kém bề cao. Từ thời ông bành tổ còn sống đến giờ có lẽ người ta quên quét vôi thành thử màu vàng của tường và cửa biến ra một lô màu khác nhau. Phòng ốc và đồ đạc bên trong ít xập xệ hơn vì nghe đâu chủ nhân mới cho sửa chữa và thay thế một phần. Nhưng tóm lại, nó chỉ có thể được gọi là “nhà ngủ “. Loại nhà ngủ thường thấy tại các thị trấn lớn, giá phòng rẻ mạt, chuyên cho gái giang hồ thuê.
Nó chỉ có một cửa ra vào ọp ẹp. Sau cửa là giẫy bàn của nhân viên lữ quán. Họ không cần hỏi tên khách. Họ chỉ cần khách trả tiền, rồi họ quăng cho chiếc chìa khóa có miếng bìa cứng ghi số phòng buộc tòng teng bằng sợi giây kẽm. Một gã bồi cười toe toét dẫn khách lên phòng.
Lầu nhất và nhì cho thuê buổi, thuê giờ. Hai phòng còn lại giành cho khách thuê thường trực. Khách thuê đều là những ông hoặc bà muốn giấu “phòng nhì “. Thỉnh thoảng họ lén tới, xong xuôi, ai về nhà nấy. Bởi vậy, tiếng là có người thuê mà trên thực tế nhiều phòng ở lầu ba và lầu tư trống trơn.
Lulio có phòng ở lầu tư. Có phòng ở đó mặc dầu ông không lập “phòng nhì “. Ông đang chơi trò đi dây cực kỳ nguy hiểm. Hớ hênh, vụng về một phần trăm tích tắc đồng hồ là rớt. Tài tử đi dây trong rạp xiếc có thể rớt xuống lưới bên dưới. Trong nghề này thì không. Bên dưới là vực thẳm. Là nghĩa địa. Là tử thần.
Lulio sắp có hẹn với một nhân viên cao cấp CIA. Hẹn đúng 8 giờ. Lát nữa. Trong nhà ngủ Lưỡi Dao.
Lulio xỉa tiền trên mặt bàn. Ông sửa soạn đứng dậy. Còn 30 phút nữa đến giờ hẹn.
Đột nhiên toàn thân ông ớn lạnh. Vực thẳm không đáy. Nghĩa địa âm u. Tử thần tàn bạo … Từ nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày đi dây với mật vụ sô viết, lần đầu Lulio cảm thấy gần cận cái chết hơn bao giờ hết.
Cái chết đang nhìn ông bằng cặp mắt ốc lồi đầy tia máu đỏ ngang dọc.

Bản đồ Tây ban nha và vị trí của thủ đô Mađờrít.(Madrid)
Chú thích:
(1) El Rastro, đường Robino de Curtidores.
(2) từ năm 1740, chợ trời Rastro mới được thành lập. Hiện nay, khu chợ này có thể bị san bằng trong khuôn khổ của kế hoạch chỉnh trang đô thị.
(3) companero nghĩa là “đồng chí”.
(4) Nicolai Kuznetsov, sau lên tướng, và là bộ trưởng hải quân Liên sô trong thế chiến thứ hai.
(5) mật vụ sô viết NKVD, sau đổi thành MVD, rồi KGB, tác giả xin gọi chung là KGB cho tiện.
(6) tức Broken Arrows. Hoa Kỳ từng báo động Broken Arrow 11 lần cho đến 1966, lần rớt bom ở nam bộ Tây là lần Broken Arrow đầu tiên ở hải ngoại.
(7) tức William S. Guest, tư lệnh hải quân Mỹ, nam bộ châu Âu hồi ấy.
(8) tàu Alvin là vật sở hữu của viện Hải học Mỹ ( Oceanographic Institute ) ở Woods Hole, tiểu bang Massachusetts. Gọi Alvin để nhắc nhở tiến sĩ Allyn Vine, người đã nghĩ ra nó.
(9) tàu Aluminaut của công ty Reynolds Tnternational, Mỹ.
(10) borzhom, một thứ nước suối nổi tiếng ở Nga.
(11) insalus, một thứ nước suối Tây ban nha, có đặc tính sủi bọt nhưn Perrier của Pháp

Chương trước Chương sau