Tên trộm của cảnh sát trưởng Maigret - Chương 02

Tên trộm của cảnh sát trưởng Maigret - Chương 02

Tên trộm của cảnh sát trưởng Maigret
Chương 02

Ngày đăng
Tổng cộng 9 hồi
Đánh giá 8.6/10 với 9768 lượt xem

Anh có điện thoại không?
Đó là một câu hỏi buồn cười mà Maigret thốt lên một cách máy móc, bởi vì ông nhìn thấy máy điện thoại nằm dưới đất giữa phòng, cách xác chết khoảng một mét.
- Tôi van ông... - Gã thầm thì trong khi tựa người vào khung cửa.
Người ta cảm thấy gã kiệt sức. Về phần mình, viên cảnh sát trưởng không thấy hối tiếc khi rời khỏi căn phòng nơi mùi xác chết bốc lên không chịu nổi.
Ông đẩy gã trẻ tuổi ra ngoài, đóng cửa lại, mất một lúc để ý thức lại thế giới thực tại.
Những đứa trẻ đi học về, đu đưa chiếc cặp của chúng và tản về các căn hộ khác nhau. Hầu hết cửa sổ của tòa nhà rộng lớn này để mở. Cùng một lúc phát ra các giọng nói, tiếng nhạc; đàn bà ơi ới gọi chồng, con. Ở tầng một, một con chim hoàng yến nhảy nhót trong lồng.
- Anh muốn nôn à?
Gã lắc đầu và chưa dám mở miệng. Gã đặt hai bàn tay áp ngực, tái mét, chực lên cơn động kinh, thấy được qua cử động gần như co giật của các ngón tay, qua sự run rẩy không kiểm soát nổi của cặp môi.
- Hãy thong thả... Đừng cố nói... Anh có muốn chúng ta đi uống chút gì ở quán rượu góc đường không?
Dấu hiệu phủ nhận.
- Đó là vợ anh, phải không?
Cặp mắt gã trả lời là phải. Cuối cùng gã mở miệng để nuốt một ngụm không khí, chỉ làm được như vậy sau một lúc lâu, như thể những sợi đây thần kinh của gã teo thắt lại.
- Anh ở đó khi chuyện xảy ra à?
- Không...
Cuối cùng gã cũng đã thì thầm được tiếng đó.
- Anh đã nhìn thấy cô ấy lần cuối cùng lúc nào?
- Hôm kia... thứ Tư...
- Buổi sáng hả?... Hay buổi tối?...
- Lúc khuya rồi...
Họ máy móc bước đi trong cái sân rộng tràn ngập ánh nắng, cả trong mọi hốc kẹt của khu nhà, nơi hằng ngày người ta sinh sống. Phần đông đã ngồi vào bàn ăn hoặc chuẩn bị ăn. Loáng thoáng những câu nói :
- Mày đã rửa tay chưa...
- Coi chừng... Nóng lắm đó...
Thoảng trong không khí đã mùa xuân là mùi vị của bếp núc, đặc biệt là tỏi tây.
- Anh biết cô ấy chết ra sao không?
Gã trẻ tuổi ra dấu bảo là có, gã lại ngộp thở.
- Khi tôi trở về...
- Khoan đã... Anh đã rời nhà vào thứ Tư, muộn trong buổi tối... Vào lúc mấy giờ?
- Mười một giờ...
- Vợ anh còn sống chứ? Anh đã để cô ấy lại trong bộ dở mặc trong nhà à?
- Cô ấy đã không thay quần áo...
- Anh đi làm à?
- Không... Tôi đi kiếm tiền. Chúng tôi cần nó gắt lắm...
Cả hai bước đi, thờ ơ nhìn những cánh cửa sổ mở. Chắc hẳn sẽ có người nhìn lại họ từ cửa sổ và tự hỏi tại sao họ lại đi dạo kiểu như vậy.
- Anh đi đâu để kiếm tiền?
- Đến những người bạn... ở mọi nơi...
- Anh tìm được không?
- Không...
- Anh đã gặp một vài người bạn chứ?
- Ở Vieux-Pressoir. Tôi còn khoảng ba chục francs trong túi. Tôi đã đi nhiều nơi khác nhau để có cơ may gặp bạn bè mình...
- Đi bộ à?
- Bằng xe của tôi. Tôi đã vứt nó ở góc đường François-Ier và đường Marbeuf lúc xe tôi hết xăng...
- Rồi sau đó anh làm gì?
- Tôi đã đi bộ...
Đó là một gã trai kiệt sức, quá nhạy cảm, một thứ hình người lột da còn sống mà Maigret đang có trước mặt mình.
- Từ lúc nào anh đã không ăn?
- Hôm qua, tôi ăn hai quả trứng luộc trong một quán rượu...
- Hãy đến đây...
- Tôi không thấy đói... Nếu ông có ý định dẫn tôi đi ăn, tôi báo cho ông ngay là...
Maigret không nghe gã, ông đi về hướng đại lộ Grenelle và bước vào một nhà hàng nhỏ, ở đó nhiều bàn còn trống.
- Hai bifteck và khoai tây chiên... - Ông gọi.
Ông cũng không đói, nhưng gã cần ăn.
- Anh tên là gì?
- Ricain... François Ricain... Một số người gọi tôi là Francis. Chính vợ tôi đã...
- Nghe này Ricain, tôi buộc lòng phải gọi hai hoặc ba cú điện thoại...
- Để kêu những người đồng sự của ông à?
- Trước hết tôi cần phải báo cho cảnh sát trưởng khu phố, rồi thông báo cho Viện công tố. Anh hãy hứa với tôi là không rời khỏi nơi đây?
- Để đi đâu? - Gã đáp lại với vẻ cay đắng - Dù ông có bắt tôi và bỏ tù đi nữa... Tôi không chịu đựng nổi... Tôi còn muốn...
Gã không nói hết, nhưng người ta hiểu được ý nghĩ của gã.
- Bồi, nửa chai bordeaux đỏ!
Maigret đi đến quầy để lấy thẻ. Như ông nghĩ, viên cảnh sát trưởng khu phố đã đi ăn trưa.
- Ông có muốn tôi báo cho ông ấy ngay lập tức không?
- Khoảng mấy giờ ông ấy trở lại?
- Hai giờ...
- Hãy nói với ông ấy là tôi chờ ông ta lúc hai giờ mười lăm ở đường Saint-Charles, trước cánh cổng của khu nhà ở góc đại lộ Grenelle.
Ở viện công tố, ông chỉ gặp một viên chức cấp dưới.
- Hình như đã xảy ra một vụ ám sát ở đường Saint-Charles... Hãy ghi địa chỉ... Chừng nào một trong những ông phó biện lý trở lại, hãy nói với ông ấy là tôi có mặt vào lúc hai giờ mười lăm trước cánh cổng...
Cuối cùng là Cảnh sát Tư pháp, Lapointe trả lời.
- Một giờ nữa cậu vui lòng đến đường Saint-Charles được không? Hãy báo Ban Căn cước Tư pháp... Họ cứ đến địa chỉ đó vào lúc hai giờ. Bảo họ mang theo cái gì đó để tẩy uế một căn phòng nặng mùi xác chết thối rữa đến độ không thể bước vào nổi... Cũng báo luôn cho bác sĩ pháp y... Tôi không biết ai trực ban ngày hôm nay... Chốc nữa nhé...
Ông bước lại ngồi trước mặt Ricain lúc này không động đậy và đang ngó nhìn chung quanh mình như thể gã không tài nào tin nổi sự thực của cảnh tượng thường ngày này.
Quán ăn khiêm nhường. Phần đông thực khách làm việc trong khu phố. Họ vừa ăn một mình vừa lướt qua tờ nhật báo. Bifteck đã được dọn ra, khoai tây chiên khá giòn.
- Chuyện gì sẽ xảy ra? - Gã trẻ tuổi máy móc cầm lên chiếc nĩa hỏi. - Ông đã báo động cho tất cả mọi người à? Một vụ tai tiếng lớn sắp khởi sự?
- Không thể trước hai giờ... Từ bây giờ đến lúc đó, ta có đủ thời giờ để trò chuyện...
- Tôi không biết gì cả...
- Người ta luôn luôn cho là mình không biết gì cả...
Ông không phải thúc giục gã. Sau một lúc, Maigret đưa một miếng thịt vào miệng, François Ricain bất giác bắt đầu cắt miếng bifteck của mình.
Gã đã tuyên bố là gã không thể ăn nổi. Không chỉ ăn, mà gã còn uống nữa, và vài phút sau, viên cảnh sát trưởng phải gọi một nửa chai thứ hai.
- Dù sao ông cũng không thể hiểu được...
- Qua những câu mà người ta nói ra, đây là câu mà tôi thường nghe nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi... Vậy mà ít ra là chín trên mười lần, tôi đã hiểu...
- Tôi biết... Ông sắp giăng bẫy để dò hỏi tôi...
- Vậy có bẫy à?
- Ông đừng đùa nữa... Ông đã thấy, như tôi...
- Với sự khác biệt là anh, anh đã thấy cảnh tượng đó một lần rồi. Có đúng không?
- Đúng.
- Hồi nào?
- Hôm qua, vào lúc bốn giờ sáng.
- Khoan nào, để tôi sắp xếp ý tưởng có thứ tự. Ngày hôm kia, tức là ngày thứ Tư, anh đã rời khỏi chỗ ở của mình lúc mười một giờ đêm và anh đã để cho vợ anh ở lại đó...
- Sophie nằng nặc đòi theo tôi. Tôi đã buộc cô ấy ở lại, bởi vì tôi không muốn xin xỏ tiền bạc trước mặt cô ấy.
- Được! Anh đã ra đi bằng xe hơi. Xe đó loại gì?
- Mốt Triumph mui trần.
- Nếu anh đã có một nhu cầu về tiền bạc cấp thiết như vậy, sao không bán nó đi.
- Bởi vì người ta không trả cho tôi được một trăm francs. Một chiếc xe tồi tàn cũ kỹ, tôi đã mua nó đợt bán hạ giá và nó đã qua tay không biết bao nhiêu người. Nó hầu như không đứng vững trên bốn bánh...
- Anh đã đi tìm những người bạn có thể cho anh mượn tiền và anh đã không gặp họ?
- Những người tôi đã gặp cũng gần như cạn túi giống tôi...
- Anh đã đi bộ trở về vào lúc bốn giờ sáng Anh đã gõ cửa?
- Không. Tôi mở cửa bằng chìa khóa của tôi...
- Anh đã có uống rượu?
- Một vài ly, đúng vậy. Ban đêm, phần đông những người tôi giao du có mặt ở các quán rượu hoặc tiệm hát...
- Anh đã say chứ?
- Không đến mức đó...
- Nản chí à?
- Tôi thật vô kế khả thi...
- Vợ anh có tiền không?
- Cũng cạn túi như tôi... Chắc chỉ còn chừng hai hoặc ba chục francs trong túi cô ấy...
- Hãy tiếp tục... Bồi! Cho thêm khoai tây chiên.
- Tôi nhìn thấy cô ấy nằm soài dưới đất... Khi tôi đến gần, tôi nhận ra một nửa khuôn mặt cô ấy như bị mất đi... Tôi nghĩ là mình đã nhìn thấy óc...
Gã gạt đĩa của mình ra, nốc ừng ực ly rượu thứ tư.
- Xin lỗi... Tôi muốn tốt hơn là không nói đến chuyện đó...
- Có khẩu súng nào trong phòng không?
Ricain ngồi bất động đăm đăm nhìn Maigret, như thể thời điểm quyết định đã đến.
- Một khẩu súng ngắn. Một khẩu tự động?
- Có.
- Một khẩu tự động hả?
- Của tôi... Một khẩu browning 6,35 chế tạo ở Herstal...
- Làm sao anh sở hữu khẩu súng đó?
- Tôi đã đợi câu hỏi này... Và chắc chắn, ông sẽ không tin tôi...
- Anh không mua nó ở tiệm bán súng sao?
- Không. Tôi không có lý do nào cả để mua một khẩu súng tự động... Có một đêm, vài bạn bè chúng tôi vào một nhà hàng nhỏ La Villette... Chúng tôi uống nhiều lắm... Chúng tôi đã ra vẻ những chàng trai xấu xa...
Gã đỏ mặt.
- Nhất là tôi... Người ta sẽ nói với ông điều đó... Đó là một cơn rồ dại... Khi tôi uống vào, tôi tự cho mình là một con người ghê gớm... Những người chúng tôi không quen biết nhập bọn cùng chúng tôi... Ông biết là chuyện đó sẽ ra sao vào lúc sáng tinh mơ? Đó là mùa đông cách đây hai năm... Tôi mặc một chiếc áo lót kép bằng da cừu... Sophie ở bên cạnh tôi. Cô ấy cũng uống, nhưng cô ấy không bao giờ mất phương hướng...
Ngày hôm sau lúc giữa trưa, khi tôi muốn khoác chiếc áo lót da cừu của mình, tôi đã tìm thấy khẩu tự động trong túi... Vợ tôi cho biết là tôi đã mua nó đêm trước, bất chấp những lời phản đối của cô ấy... Dường như tôi khẳng định rằng tôi nhất thiết phải hạ một kẻ nào đó oán ghét tôi... Tôi đã nhắc lại.
Hoặc hắn hoặc là tôi, em hiểu đấy, bồ ạ...
Maigret đã châm tẩu thuốc và nhìn gã nhưng gã không thể đoán nổi ông đang nghĩ gì.
- Ông hiểu chứ, thưa ông?
- Tiếp tục đi... Chúng ta đang ở ngày thứ năm, bốn giờ sáng. Tôi cho rằng không ai trong thấy anh trồ về nhà mình phải không?
- Dĩ nhiên.
- Và không ai trong thấy anh trở ra?
- Không ai cả...
- Anh đã làm gì với khẩu súng?
- Sao ông biết là tôi đã vứt bỏ nó? - Viên cảnh sát nhún vai.
- Tôi không biết tại sao lại làm như vậy... Tôi biết rằng người ta sẽ buộc tội tôi..
- Tại sao? - Ricain sững người nhìn kẻ đối thoại.
- Tự nhiên phải vậy, không phải sao? Chỉ một mình tôi có chìa khóa... Người ta đã sử dụng khẩu súng của tôi. Tôi đã cất giữ nó trong ngăn kéo chiếc tủ com-mốt... Đã xảy ra sự cãi cọ giữa Sophie với tôi. Cô ấy mong tôi có một chỗ làm ổn định...
- Nghề nghiệp của anh là gì?
- Trong mức độ mà người ta có thể gọi đó là một nghề... Tôi là một nhà báo, nhưng không gắn bó với một tờ báo riêng nào... Nói cách khác, tôi tìm đề tài ở bất cứ chỗ nào tôi có thể tìm, nhất là phê bình phim ảnh... Tôi cũng làm phụ tá đạo diễn và nếu gặp dịp, tôi còn là nhà viết đối thoại phim...
- Anh đã ném khẩu súng browning xuống sông Seine à?
- Ở chỗ hơi thấp hơn cầu Bir-Hakeim... Rồi tôi đi...
- Anh tiếp tục đi tìm bạn bè mình?
- Tôi không dám nữa... Người nào đó có thể đã nghe tiếng súng nổ và điện thoại cho cảnh sát... Tôi không biết ra sao... Người ta đâu nhất thiết phải hợp lý trong những thời điểm tương tự...
Tôi sắp bị tầm nã. Tôi sẽ bị buộc tội và tất cả đều chống lại tôi, ngay cả sự việc tôi lang thang một thời gian trong đêm... Tôi đã uống... Tôi lại tìm kiếm quán rượu đầu tiên còn mở cửa. Khi tìm được một quán ở hướng Vaugirard, tôi đã nốc cạn một hơi lần lượt ba ly rhum...
Nếu người ta hỏi tôi, tôi không có khả năng trả lời nổi... Tôi chắc chắn đã rối loạn... Người ta sẽ nhốt tôi trong một xà lim... Thế mà tôi khổ sở vì chứng sợ chỗ bít bùng, đến độ tôi không thể đi chuyển bằng xe điện ngầm. Ý nghĩ về nhà tù, những then cài to tướng ở cánh cửa...
- Chính vì chứng sợ chỗ bít bùng khiến anh có ý tưởng trốn ra nước ngoài chớ gì?
- Tôi biết là ông không tin tưởng tôi mà!
- Có thể đúng.
- Phải ở trong cảnh ngộ như tôi mới hiểu những gì nảy sinh trong đầu... Người ta không suy nghĩ một cách hợp lý đâu... Tôi không thể nói cho ông biết những khu phố nào tôi đã đi qua... Tôi cần phải đi, phải xa cách Grenelle, chỗ mà tôi tưởng tượng người ta hiện đang tìm kiếm tôi... Tôi nhớ là đã thấy nhà ga Montparnasse, đã từng uống rượu vang trắng ở đại lộ Sain-Michel... Đó có thể là ga Montparnasse...
Ý tưởng của tôi không chỉ có chạy trốn... Đó là giành giật thời gian, là không bị hỏi han trong tình trạng tôi đang gặp phải... Ở Bỉ, hay ở chỗ nào khác, tôi sẽ có thể chờ đợi... Tôi sẽ đọc trên báo chí những bước tiến của cuộc điều tra... Tôi sẽ hiểu những tình tiết mà tôi không biết và chúng sẽ cho phép tôi tự bảo vệ...
Maigret không thể không mỉm cười trước một kiểu pha trộn giữa ngón nhà nghề và sự ngây thơ như thế.
- Anh làm gì ở quảng trường Cộng hòa?
- Không làm gì cả... Tôi đã đến đó như tôi đến những nơi khác... Tôi còn một tờ mười francs trong túi... Tôi đã bỏ qua ba chiếc xe buýt...
- Bởi vì đó là những chiếc xe hoàn toàn đóng kín?
- Tôi không biết nữa... Tôi thề với ông, ông cảnh sát trưởng à, là tôi không biết. Tôi cần tiền để đi xe lửa... Tôi đã leo lên khoang đứng... Có nhiều người và người ta chen sát vào nhau... Tôi nhìn thấy lưng của ông...
Tới lúc nào đó, ông đã thụt lùi và ông suýt mất thăng bằng... Tôi nhìn thấy chiếc bóp của ông thòi ra khỏi túi... Tôi đã chụp lấy nó mà không kịp suy nghĩ, và vừa ngẩng đầu lên, tôi đã bắt gặp tia mắt của một người phụ nữ đăm đăm nhìn tôi...
Tôi tự hỏi tại sao cô ta không lập tức báo động... Tôi nhảy ra bước đi... Thật sung sướng khi thấy mình trên một đường phố đông người qua lại, với những con đường nhỏ hẹp, chằng chịt ở xung quanh... Tôi chạy..Tôi đi....
- Bồi, hai bánh kem...
Đã một giờ rưỡi. Trong bốn mươi lăm phút nữa, cơ quan tư pháp sẽ mang bộ mặt quen thuộc của nó và căn phòng ở đường Saint-Charles sẽ bị tràn ngập bởi các viên chức công quyền trong khi cảnh sát chặn giữ những kẻ tò mò từ xa.
- Ông sẽ làm gì tôi?
Maigret không trả lời ngay, vì lý do chính xác là ông chưa đi đến quyết định.
- Ông bắt tôi? Tôi biết là ông không thể làm khác đi được, nhưng dù sao tôi cũng thề một lần nữa là...
- Hãy ăn đi... Anh uống cà phê chứ?
- Tại sao ông làm như vậy?
- Tôi làm chuyện khác thường sao?
- Ông ép tôi ăn, ép tôi uống... Ông không hối thúc tôi mà ngược lại, ông kiên nhẫn nghe tôi nói... Đó không phải ông biến một cuộc hỏi cung thành một bài hát đẩy đưa hay sao?
Maigret mỉm cười.
- Không hoàn toàn như vậy, không đâu... Tôi chỉ cố gắng đưa chút ít thứ tự vào các sự kiện.
- Và để khiến tôi nói...
- Tôi không khăng khăng lắm đâu...
- Lúc này, tôi cảm thấy hơi khá hơn...
Gã đã ăn phần bánh kem nhưng có vẻ như không trong thấy nó và hút một điếu thuốc. Khuôn mặt gã đã hơi lấy lại sắc điện.
- Chỉ có điều, tôi không thể quay lại chỗ đó, để nhìn lại, để ngửi thấy...
- Còn tôi?
- Ông hả, đó là nghề nghiệp của ông mà... Và cũng không liến quan đến vợ ông...
Gã bước thẳng từ sự phi lý đến biết lý lẽ, từ sự hốt hoảng mù quáng đến suy luận tỉnh táo hơn.
- Anh là sinh vật kỳ lạ...
- Bởi vì tôi chân thành chắc?
- Tôi cũng vậy, tôi không muốn anh làm quẩn chân tôi khi diễn ra cuộc khám xét của Viện công tố và tôi lại càng không muốn đám nhà báo làm mệt anh vì những câu hỏi...
Khi các thanh tra của tôi đến đường Saint-Charles, thực ra họ đã đến đó rồi để đợi ta..
- Tôi sẽ cho dẫn anh về Quai des Orfevres...
- Nhốt vào một xà lim?
- Trong văn phòng của tôi, ở đó anh hãy tử tế ngồi đợi tôi...
- Rồi sau đó thì sao? Việc gì sẽ xảy ra sau đó?
- Cái đó sẽ còn tùy...
- Phải chăng ông hy vọng khám phá ra?
- Tôi không biết gì cả... Tôi còn biết ít hơn anh, bởi vì tôi đã không nhìn gần xác chết và tôi không nhìn thấy khẩu súng...
Suốt cuộc nói chuyện này được kèm theo những tiếng động của ly tách, của muỗng nĩa, của những giọng nói thì thầm, của sự đi đi lại lại của bồi bàn và âm sắc lanh lảnh của quầy thu ngân.
Hè phố bên kia đón nhận ánh nắng mặt trời, và bóng người đi đường ngắn và loang rộng. Những xe hơi, taxi, xe buýt nối tiếp nhau, các cửa xe vang lên lách cách.
Hai người đàn ông khi ra khỏi quán ăn, có cái gì đó như ngập ngừng. Ở trong góc của quán rượu, họ vừa trải qua một khoảng thời gian dài chia cách với thiên hạ, với cuộc sống đang trôi chảy, với những tiếng động, những giọng nói, những hình ảnh quen thuộc.
- Ông tin tôi chứ?
- Chưa đến lúc để tin hay không tin. Này! Người của tôi ở đằng kia...
Ông nhận ra trên đường Saint-Charles một trong những chiếc xe màu đen của Cảnh sát Tư pháp và chiếc xe tải nhỏ của Ban Căn cước Tư pháp, nhận ra Lapointe trong một nhóm nhỏ đang trò chuyện trên vỉa hè. Anh chàng to con Torrence cũng có mặt ở đó và chính anh ta là người mà viên cảnh sát trưởng giao phó người đồng hành của mình.
- Dẫn anh ta về Quai. Để anh ta ở phòng của tôi, ở lại với gã và đừng ngạc nhiên nếu anh ta ngủ quên. Đã hai đêm nay anh ta chưa được chợp mắt.
Sau hai giờ một lúc, người ta thấy một chiếc xe tải nhỏ của sở vệ sinh y tế chạy đến, bởi vì Moers và người của mình không có sẵn những thiết bị cần thiết.
Lúc đó trong sân, trước cửa các phòng cho thuê, những nhóm người đang chờ đợi và những kẻ tò mò, bị các viên cảnh sát mặc đồng phục ngăn giữ từ xa, đang quan sát chăm chú.
Ở ngay bên cạnh, viên phó biện lý Dréville và viên dự thẩm Camus đang trò chuyện với cảnh sát trưởng quận XV Piget. Tất cả vừa rời khỏi bàn ăn, chắc là một bữa trưa thịnh soạn. Công việc tẩy uế kéo dài thời gian, khiến họ sốt ruột xem đồng hồ đeo tay.
Bác sĩ pháp y Delaplanque, tương đối còn mới mẻ trong nghề, nhưng Maigret rất quý mến và ông đã đặt vài câu hỏi với ông ta. Delaplanque bất chấp mùi hôi và ruồi nhặng bước vào căn phòng tiến hành khám nghiệm.
- Chốc nữa tôi có thể nói với ông nhiều hơn chút đỉnh. Ông đã đề cập với tôi một khẩu súng ngắn 6,35 và điều này lạ lùng, vì rằng tôi có thể đánh cuộc là vết thương bị phạm phải bởi một khẩu súng lớn nòng.
- Khoảng cách ra sao?
- Thoạt nhìn, không có vết quầng, không có lớp cặn thuốc súng. Cái chết đến tức thì hoặc gần như vậy, vì người phụ nữ mất máu rất ít. Thực ra cô ta là ai?
- Vợ của một nhà báo trẻ tuổi...
Đối với tất cả mọi người, giống như đối với Moers và các chuyên viên sở Căn cước Tư pháp, đó là công việc thường ngày phải thực hiện mà không hề có một cảm xúc nào cả. Người ta đã không nghe thấy một nhân viên của Sở Vệ sinh thành phố la toáng lên khi bước vào phòng :
- Cô ta thối hoăng lên, mẹ kiếp!
Những người đàn bà bế con nhỏ trên tay, những người khác chọn chỗ thuận lợi dễ nhìn cho rõ mà không phải tốn công, cứ chống khuỷu tay lên cửa sổ và cứ thế trao đổi những ý nghĩ cho nhau từ căn hộ này sang căn hộ kia.
- Bà chắc không phải ông to lớn nhất à?
- Không, to lớn nhất, tôi không biết ông ta...
Chuyện về Lourtie. Chính Maigret là người mà hai người đàn bà đưa mắt tìm kiếm.
- Này! Chính là người hút tẩu đó...
- Có hai người hút tẩu...
- Không phải người còn trẻ đâu, chắc chắn... Người kia, ông ta đến gần những người ở tòa án...
Viện phó biện lý Dréville hỏi ông cảnh sát trưởng :
- Ông có ý kiến về chuyện này ra sao không?
- Người chết là một thiếu phụ hai mươi hai tuổi, Sophie Ricain, sinh ở Le Gal, nguyên quán Concarneau, nơi đó cha cô ta là thợ đồng hồ...
- Đã báo cho họ biết chưa?
- Chưa... Chốc nữa tôi sẽ lo.
- Đã lập gia đình?
- Từ ba năm nay, với François Ricain, một nhà báo trẻ ít nhiều dính líu với điện ảnh, muốn tìm cơ hội ở Paris...
- Anh ta ở đâu?
- Trong văn phòng của tôi.
- Ông tình nghi anh ta à?
- Tới bây giờ thì chưa. Anh ta không thể có mặt trong cuộc khám xét của Viện công tố và chỉ làm chúng ta rối thêm mà thôi.
- Anh ta ở đâu lúc xảy ra vụ giết người?
- Không ai biết được thời điểm giết người cả.
- Còn ông, bác sĩ, ông không thể phỏng chừng thời điểm đó được sao?
- Không được. Có lẽ phải qua mổ xác chết, nếu người ta cho tôi biết nạn nhân đã ăn bữa cuối cùng vào lúc nào và bao gồm những gì.
- Còn những người hàng xóm?
- Ông hãy nhìn những người đang quan sát chúng ta. Tôi chưa hỏi han họ, nhưng tôi cho rằng họ chẳng có chuyện gì đáng chú ý để chúng ta tìm hiểu được. Ông nên lưu ý rằng người ta có thể đi vào các căn phòng cho thuê mà không cần đi ngang qua chỗ người gác cổng, nó nằm ở lối ra vào đại lộ Grenelle.
Công việc gay go. Người ta chờ đợi. Người ta kêu lên vài câu không ăn nhập vào đâu cả và Lapointe làm theo ông sếp của mình, không nói một lời, với ánh mắt và cử chỉ của một con chó trung thành.
Những người tẩy uế đưa ra khỏi căn phòng một cái ống to tướng mềm mềm, sơn màu nâu mà họ mang vào mười lăm phút trước đó. Người trưởng toán mặc áo blouse trắng ra dấu bảo mọi người có thể lại gần được rồi.
Không nên ở lại quá lâu trong phòng, ông ta dặn dò Maigret vì không khí vẫn còn nặng mùi formol.
Bác sĩ Delaplanque quỳ gối gần xác chết xem xét kỹ hơn lần đầu tiên.
- Có thể người ta đã làm mất đi những gì thuộc về phần vụ của tôi.
- Còn ông thì sao, Maigret?
Maigret đã thấy tất cả những gì ông phải thấy, một cái xác co rúm, mặc chiếc áo dài ở nhà bằng lụa in hoa. Một chiếc giày đi trong nhà màu đỏ vẫn còn máng vào một bàn chân. Ông không thể nói, do vị trí của cô ta trong phòng, là người phụ nữ đó đã làm gì, và cả nơi cô ta đã đứng một cách chính xác, khi cô bị bắn.
Trong chừng mực mà người ta có thể nhận xét, khuôn mặt cô ta khá bình thường, hơi xinh. Móng chân sơn màu đỏ nhưng không được chăm sóc, lớp sơn đã bong và không được sạch sẽ lắm.
Đứng gần bên sếp của mình, viên lục sự ghi chép, giống như viên thư ký của cảnh sát trưởng đứng bên cạnh.
- Cho cáng vào...
Người ta dẫm lên xác ruồi chết. Người này tiếp đến người kia, những viên chức không có chỗ trong phòng lần lượt rút khăn tay ra và đưa lên chậm mắt vì hơi formol.
Xác chết được mang đi. Một sự im lặng nặng nề bao trùm khoảng sân trong chốc lát. Các quý ông của Viện công tố rút lui đầu tiên, rồi đến Delaplanque, trong khi Moers và các chuyên viên chờ đợi để bắt đầu công việc của họ.
- Người ta lục tung tất cả hả thưa sếp?
- Càng tốt thôi. Người ta chưa từng được biết.
Có thể người ta đứng trước một điều bí ẩn, có thể ngược lại, tất cả rồi sẽ bộc lộ hết sức rõ ràng. Bắt đầu mỗi cuộc điều tra đều như thế, hoặc gần như thế.
Maigret mí mắt cay xè, mở một ngăn kéo của chiếc tủ ngăn đựng toàn những đồ vật hết sức hổ lốn: cặp ống nhòm cũ, nút áo, bút máy gãy, viết chì, những bức ảnh chụp trong lúc quay một cuốn phim, kính mát, hóa đơn...
Ông trở lại khi cái mùi đó đủ thời giờ để tan đi, và ông cũng đủ ghi nhận sự trang trí kỳ dị của căn phòng. Sàn nhà đánh vec-ni đen và tường sơn màu đỏ chói giống như trần nhà. Ngược lại đồ đạc có màu trắng phấn tạo cho tổng thể một cái gì đó phi thực. Người ta có thể nói đến một phối cảnh. Không có gì tỏ ra vững chắc.
- Cậu nghĩ về nó thế nào, Lapointe? Cậu có thích ở trong một gian phòng như thế này không?
- Tôi sẽ có nguy cơ gặp những ác mộng ở đó.
Họ bước ra. Lúc nào cũng có những kẻ hiếu kỳ bám theo họ trong sân và cảnh sát đã để cho bọn họ đến gần hơn chút ít.
- Tôi đã nói chính là cái ông đó... Tôi tự hỏi ông ta có trở lại hay không. Có vẻ như tự ông ấy làm tất cả và có cơ hội để ông ấy lần lượt phỏng vấn chúng ta đấy...
Đó là một bà tóc hoe nhạt bồng đứa trẻ trên tay nhìn Maigret với một nụ cười phỏng theo một ngôi sao điện ảnh.
- “Tôi sẽ để Lourtie lại cho cậu. Đây là chìa khóa phòng trọ... Khi người của Moers xong việc, cậu hãy đóng lại cửa và tiến hành dò hỏi những người lân cận... Tội ác không thực hiện đêm qua đâu, nếu thực sự đó là tội ác, sẽ là đêm từ thứ Tư sang thứ Năm...
Hãy cố tìm hiểu xem hàng xóm có nghe tiếng ai qua lại không. Lourtie và cậu hãy chia nhau hỏi những người thuê nhà. Sau đó dò hỏi những người buôn bán. Đầy hóa dơn trong ngăn kéo đây... Cậu hãy tìm trong đó địa chỉ những nhà cung cấp hàng cho họ...
Tôi suýt quên, cậu vui lòng xem thử điện thoại có còn hoạt động không? Theo tôi thấy thì lúc mười hai giờ trưa, nó trong tình trạng được nhấc ra...”
Điện thoại vẫn hoạt động.
- Cả hai cậu đừng trở về Quai mà quên báo qua cho tôi một cú điện thoại. Cố gắng làm tốt, bé con ạ.
Maigret đi ra hướng về đại lộ Grenelle và bước xuống xe điện ngầm. Nửa tiếng sau, ông gặp lại không khí thoải mái và ánh mặt trời, rồi chẳng mấy chốc là văn phòng của ông, nơi đó François Ricain ngoan ngoãn chờ đợi trong khi Torrence đang đọc một tờ báo.
- Anh không khát sao? - Ông hỏi Ricain khi cởi mũ và đến mở cánh cửa sổ khá lớn - Không có gì mới hả, Torrence?
- Một nhà báo vừa điện thoại đến...
- Tôi ngạc nhiên là không thấy họ đến đằng đó. Phải cho rằng trong quận XV, việc lấy tin của họ tổ chức kém. Lapointe rồi sẽ bị họ ám cho mà coi...
Cái nhìn của ông hướng về Ricain, nhìn đôi bàn tay gã và nói với viên thanh tra :
- Để phòng xa, hãy dẫn anh ta đến phòng thí nghiệm... Để người ta xét nghiệm paraffine anh ta. Trường hợp này không chứng minh được gì cả vì đã gần hai ngày kể từ khi việc giết người được thực hiện, nhưng sẽ tránh được những câu hỏi quấy rầy...
Người ta sẽ biết được, trong mười lăm phút nữa, Ricain có cặn thuốc súng trên các ngón tay hay không. Dù không có cũng không tuyệt đối xác minh rằng gã không phải là người đã bắn, nhưng đó là một điểm tốt cho gã.
- Allô! Em đấy à?... Cho anh xin lỗi... Tất nhiên. Nếu đó không phải là vấn đề công tác, anh đã trở về nhà dùng bữa... Mà rồi, anh đã ăn, một bifteck với khoai tây chiên, cùng ăn với một thanh niên cực kỳ kích động. Anh đã định gọi điện thoại cho em khi bước vào nhà hàng nhưng rồi câu chuyện cứ không ngớt phát sinh, và anh thú nhận là ý định đó đã bay biến khỏi đầu anh. Em không giận anh chứ?.. Không, anh không biết nữa... Ta sẽ gặp lại...
Buổi chiều hôm đó, ông có trở về để ăn tối ở nhà mình hay không, ông cũng thể dự đoán được. Nhất là với một gã thanh niên như François Ricain, hay thay đổi thái độ chỉ trong vài giây đồng hồ.
Maigret rất khó hình thành một ý niệm về gã. Thông minh, chắc chắn anh ta có, thậm chí một sự thông minh sắc sảo nữa, bộc lộ qua một số những lời đối đáp của gã. Bên cạnh điều đó, trong gã cũng có một khía cạnh ngây thơ hoặc trẻ con.
Làm thế nào phán xét gã trong lúc này? Gã đang ở trong một trạng thái thể chất và tinh thần thảm hại, kiệt quệ thần kinh, bị vò xé bởi những cảm tính mâu thuẫn nhau.
Nếu gã không giết vợ mình và nếu gã thực sự ấp ủ kế hoạch trốn qua Bỉ hay chỗ nào khác, điều đó cho thấy ở gã có một sự rối loạn toàn bộ, mà không đủ để giải thích chứng sợ chỗ bít bùng tồn tại trong gã.
Có lẽ chính gã đã tưởng tượng và thực hiện việc trang trí căn phòng, cái sàn màu đen đó, những bức tường và trần nhà màu đỏ đó, những đồ đạc màu sắc nhợt nhạt đó nổi rõ lên như thể chúng bềnh bồng trong không gian.
Điều đó gây cảm giác là mặt đất mà người ta bước đi không được vững chắc, là các bức tường đi tới hay thụt lùi như trong một trường quay phim, là chiếc tủ ngăn, chiếc đi-văng, bàn, ghế đều không tự nhiên, chúng giả tạo.
Chính gã không hiện ra như một sinh vật giả tạo đó sao? Maigret tưởng tượng đầu óc của viên phó biện lý, hoặc của quan tòa Camus khi họ đọc được từ câu này sang câu khác những gì gã trẻ tuổi đã thốt ra, trước tiên là trong quán cà phê La Motte-Picquet, rồi sau đó trong nhà hàng nhỏ của những người khách quen thuộc.
Ông tò mò muốn biết ý kiến của bác sĩ Pardon về gã. Ricain trở vào, có Torrence đi theo.
- Thế nào?
- Thử nghiệm âm tính.
- Tôi chưa bao giờ bắn một phát súng nào cả trong cuộc đời mình, không kể ở hội chợ... súng.
- Anh hãy ngồi xuống!
- Ông đã gặp quan tòa chưa?
- Đã gặp viên dự thẩm và ông phó biện lý...
- Họ quyết định thế nào? Họ sẽ bắt tôi chăng?
- Ít nhất cũng cả chục lần tôi nghe anh thốt lên tiếng đó. Cho tới bây giờ, tôi chỉ có một lý do duy nhất để bắt bớ: việc lấy trộm chiếc bóp của tôi, và tôi đã không phàn nàn.
- Tôi đã gửi trả nó cho ông mà...
- Cái đó đúng. Chúng ta hãy cố gắng sắp xếp một số sự việc mà anh đã nói với tôi và những sự việc khác tôi chưa biết. Cậu có thể đi, Torrence. Bảo Janvier đến đây!
Một lúc sau, Janvier đến ngồi ở cuối bàn và rút cây viết chì từ trong túi ra.
- Anh tên là François Ricain. Anh hai mươi lăm tuổi. Anh sinh ở đâu?
- Ở Paris, đường Caulaincourt.
Một phố trung lưu, thị dân, phía sau nhà thờ Thánh Tâm.
- Cha mẹ anh vẫn còn sống chứ?
- Cha tôi... Ông là chuyên viên máy móc của Hiệp hội đường sắt quốc gia Pháp (SNCF).
- Anh lập gia đình cách đây bao lâu?
- Hơn ba năm rưỡi một chút. Sẽ đúng bốn năm vào tháng sáu ngày 17...
- Vậy lúc đó anh hai mươi mốt tuổi và vợ anh...
- Mười tám...
- Cha anh đã góa vợ?
- Mẹ tôi mất lúc tôi mười bốn.
- Anh tiếp tục sống với cha anh à?
- Trong vài năm. Đến mười bảy tuổi, tôi rời ông...
- Tại sao vậy?
- Bởi vì chúng tôi không hợp ý nhau.
- Về chuyện đó có một lý do đặc biệt hả?
- Không. Tôi chán nản... Ông ấy muốn tôi, cũng như ông, vào ngành đường sắt, và tôi không đồng ý. Ông ấy nghĩ rằng tôi đã mất thì giờ để đọc và học hành...
- Anh có tú tài chứ?
- Tôi đã rời trường hai năm trước khi...
- Sao anh làm thế? Anh sống ở đâu? Bằng cách gì?
- Ông bức ép tôi. - Ricain than phiền.
- Tôi không bức ép anh. Tôi chỉ đặt với anh những câu hỏi sơ đẳng.
- Có nhiều giai đoạn khác nhau, tôi đã bán báo trên đường phố... Rồi tôi là người phụ việc vận hành máy trong một xưởng in ở đường Montmartre. Trong một thời gian, tôi ở cùng phòng với một người bạn...
- Tên anh ta, địa chỉ?
- Bernard Fléchier. Anh ta có một phòng ở đường Coquilliere... Tôi không còn gặp anh ta nữa...
- Anh ta làm gì?
- Anh ta lái xe ba gác.
- Rồi sau đó?
- Tôi làm việc sáu tháng trong một nhà máy giấy... Tôi viết mấy truyện ngắn mang đến các tòa báo. Người ta đã nhận một trong số đó và tôi được nhuận bút một trăm francs. Người tiếp nhận tôi đã ngạc nhiên khi thấy tôi còn quá trẻ...
- Ông ta không tiếp tục đăng những truyện ngắn của anh sao?
- Không. Những truyện tiếp theo bị từ chối...
- Anh làm gì lúc anh gặp vợ anh, tôi muốn nói là người sẽ trở thành vợ anh, cô Sophie Le Gal, đúng thế không?
- Tôi là trợ lý thứ ba của một phim đã bị cấm bởi kiểm duyệt, một phim chiến tranh thực hiện bởi những người trẻ tuổi...
- Sophie cũng tham gia?
- Không thường xuyên... Cô ấy đóng vai phụ... Cô ấy được đưa ra như người mẫu...
- Cô ấy sống độc thân à?
- Trong một phòng của khách sạn, ở Saint-Germain- des-Prés...
- Tiếng sét ái tình chăng?
- Không. Chúng tôi ngủ chung, bởi vì sau một buổi khiêu vũ chúng tôi thấy chỉ còn riêng mình trên đường phố vào lúc ba giờ sáng. Cô ấy cho phép tôi đi theo... Chúng tôi ở với nhau trong nhiều tháng và đến một ngày, chúng tôi có ý nghĩ lấy nhau...
- Cha mẹ cô ấy đồng ý chứ?
- Không có gì quan trọng để nói. Cô ấy đã đi Concarneau và trở về với một lá thư của cha cô cho phép làm đám cưới...
- Còn phía anh?
- Tôi thấy cha tôi cũng thế.
- Ông ấy đã nói gì?
- Ông đã nhún vai...
- Ông ấy có dự lễ cưới không?
- Không. Chỉ có bạn bè, ba bốn người gì đó... Buổi tối, tất cả cùng đi ăn ở Chợ thực phẩm...
- Trước khi gặp anh, Sophie không có mối quan hệ nào sao?
- Tôi không phải là người đầu tiên, nếu đó là điều ông muốn nói.
- Cô ấy không ít nhiều đã sống chung lâu dài với một người đàn ông có thể đủ yêu thương để muốn tìm gặp lại cô ấy hay sao?
Có vẻ gã lục lọi trong ký ức.
- Không... Chúng tôi đã gặp bạn bè cũ của cô ấy, nhưng không phải là mối tình lớn gì đâu. Ông nên biết, trong bốn năm trời, chúng tôi có thời gian để giao du với những nhóm bạn khác nhau. Những người đã là bạn bè của chúng tôi trong sáu tháng rồi biến mất. Những người khác có chỗ đứng mà thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại... Ông đặt những câu hỏi như thể điều đó rất đơn giản. Người ta ghi câu trả lời của tôi... Tôi cứ lầm lẫn, tôi cứ rối trí, tôi cứ bỏ sót một chi tiết, và người ta sẽ rút ra những kết luận mà tôi chả hiểu ra sao. Ông hãy thừa nhận là cái đó không được công bằng đi..
- Anh muốn tôi hỏi anh trước mặt một luật sư chăng?
- Tôi có quyền đó à?
- Nếu chính anh tự cho mình là người bị tình nghi...
- Còn ông? Ông nghĩ tôi như thế nào?
- Như người chồng của một phụ nữ đã chết một cái chết bất đắc kỳ tử. Như một đứa con trai hoảng loạn đã đánh cắp chiếc bóp của tôi để rồi gửi trả lại với đầy đủ những gì đựng trong đó... Như một con người rất thông minh nhưng cũng rất không vững vàng...
- Nếu ông đã trải qua hai đêm mà tôi đã trải qua...
- Chúng ta sẽ đi đến chỗ đó... Vậy thì, anh đã làm nhiều việc khác nhau mà mỗi việc chỉ kéo dài không bao lâu...
- Đó chỉ là kiếm sống trong khi chờ đợi...
- Chờ đợi cái gì?
- Bắt đầu sự nghiệp của tôi...
- Sự nghiệp nào?
Gã vừa quan sát Maigret vừa nhíu lông mày, như để tin chắc là không có gì giễu cợt trong giọng nói của ông.
- Tôi còn do dự... Có thể tôi sẽ làm cả hai. Dù sao, tôi cũng muốn viết, nhưng tôi không biết sẽ viết kịch bản hay tiểu thuyết. Việc dựng thành phim hấp dẫn tôi, miễn sao tôi hoàn toàn là tác giả của phim.
- Anh thường lui tới giới điện ảnh chứ?
- Ở Vieux-Pressoir, vâng... Người ta gặp ở đó những người mới chập chững vào nghề như tôi, nhưng một nhà sản xuất phim như ông Carus không chê bai ăn tối với chúng tôi ở đó..
- Ông Carus là ai?
- Một nhà sản xuất phim, tôi đã nói với ông. Ông ta ở khách sạn Raphael và có văn phòng ở 18 bis đường Bassano, gần Champs-Elysées...
- Ông ta đã bỏ tiền làm phim?
- Đã ba hay bốn phim gì đó. Đồng sản xuất với những người Đức và người Ý. Ông ấy đi du lịch nhiều.
- Ông ta bao nhiêu tuổi?
- Khoảng bốn chục.
- Đã có gia đình chứ?
- Ông ấy sống với một phụ nữ trẻ, Nora, đã từng là người mẫu.
- Ông ta có biết vợ anh không?
- Dĩ nhiên. Đó là một môi trường ở đó người ta sống thân tình...
- Ông Carus có nhiều tiền chứ?
- Ông ta kiếm được từ các phim của mình.
- Nhưng ông ấy không có tài sản cá nhân sao?
- Tôi đã nói với ông, ông ta sống ở Raphael, nơi đó có một căn hộ. Giá cả đắt lắm... Buổi tối, người ta gặp ông ấy trong các câu lạc bộ sang trọng nhất.
- Có phải ông ta là người anh đã đi tìm đêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm không?
Ricain đỏ mặt.
- Phải, ông ấy hoặc một người khác. Ông ấy gần như luôn luôn có những bó giấy bạc trong túi.
- Anh có nợ tiền ông ta à?
- Vâng.
- Nhiều chứ?
- Trong khoảng hai ngàn...
- Ông ta không đòi sao?
- Không.
Một thay đổi thoáng qua, khó xác định, vừa xuất hiện nơi gã trẻ tuổi và Maigret quan sát sát gã chăm chú hơn.
Nhưng ông vẫn phải thận trọng hơn, bởi người đối thoại lúc nào cũng sẵn sàng thu mình vào vỏ kén của mình.

Chương trước Chương sau