Thảm kịch ở Styles - Chương 01

Thảm kịch ở Styles - Chương 01

TÔI ĐẾN STYLES

Ngày đăng
Tổng cộng 13 hồi
Đánh giá 8.9/10 với 11326 lượt xem

Trong 56 năm theo đuổi nghề viết, nữ văn sĩ Agatha Christie đã cho ra đời 66 cuốn tiểu thuyết và 147 truyện ngắn trinh thám, hai tập thơ, hơn ba chục kịch bản sân khấu cùng với hai cuốn tự truyện. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn một trăm ngôn ngữ khác nhau, với trên hai tỷ bản in, phát hành rộng rãi trên toàn thế giới...
Theo Sách kỷ lục Guinness, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại về thể loại trinh thám, và đứng thứ hai nếu tính cả các thể loại khác (sau William Shakespeare). Với việc "thực hiện" khoảng hai trăm "vụ án mạng" và đưa ra ánh sáng cũng ngần ấy vụ giết người, Agatha Christie đã đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác...
Trong số ba tác gia của thể loại tiểu thuyết trinh thám: Arthur Conan Doyle, George Simenon và Agatha Christie, chỉ có mình bà là nữ. Ở Việt Nam, tên tuổi của bà gắn liền với hai thám tử tài ba Hercul Poirot và Bà Marple, trong những thiên tiểu thuyết li kỳ, hấp dẫn: "Đêm bi thảm", "Người thiếu phụ tuyệt vọng", "Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông", "Mười người da đen bé nhỏ", "Ngòi bút tẩm độc", "Người tình của Shalott", "Những chiếc đồng hồ kỳ lạ"… do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành trong mấy thập niên vừa qua.
Agatha Christie là nữ văn sĩ Anh, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1890, tại Torquay Devon. Cha của bà làm nghề giao dịch chứng khoán, còn mẹ là một người đàn bà thuộc dòng dõi quý tộc, có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của "Nữ hoàng trinh thám" sau này.
Bắt đầu nghiệp viết với thể loại tiểu thuyết trinh thám, Agatha Christie đã thực sự trở thành một "hiện tượng" trong văn đàn thế giới. Đến với nghề văn mà không hề trải qua bất cứ một trường lớp đào tạo nào, những gì Agatha Christie cống hiến cho văn học thực sự là tài năng, là "duyên" trời định. Cũng giống như một số tác gia thế giới, Agatha Christie cầm bút viết văn, ban đầu chỉ là để giết thời gian nhàn rỗi. Rồi sau đó mới là để thỏa mãn yêu cầu của độc giả và tự thỏa mãn sở thích của mình, để sống và tạo dựng chỗ đứng trong xã hội.
Người đời từng nói, tình yêu là món quà quý giá nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Trong suốt cuộc đời "Nữ hoàng truyện trinh thám" Agatha Christie, tình yêu luôn hiện hữu, là cội nguồn của mọi thăng hoa và sáng tạo. Trong tự truyện của mình, Agatha Christie cho biết, chính tình yêu đã đưa bà đến với nghề viết, và chính tình yêu đã vinh danh tên tuổi của bà.
Mười sáu tuổi được mẹ cho sang Paris học hát và piano, nhưng chỉ một năm sau đó Agatha Christie quay trở lại London, gia nhập thế giới thượng lưu. Đang độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với một nhan sắc rực lửa, tính cách lãng mạn, Agatha Christie như một ngôi sao chói sáng, thu hút sự chú ý của các chàng trai con nhà danh giá, trong đó có Archibald Christie - một phi công thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh.
Cuộc tình của đôi trai tài gái sắc như lửa đang nồng thì Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Archibald Christie được điều động sang Pháp chiến đấu. Không giấy mực nào có thể chép hết nỗi nhớ mong trong lòng cô gái trẻ. Ngày lại ngày, Agatha Christie chỉ còn biết viết thư gửi cho người yêu nơi trận mạc và chờ đợi thư hồi âm… Rồi trong một kỳ phép ngắn ngủi, đôi uyên ương đã làm đám cưới. Khi chàng phi công trở lại chiến trường, Agatha Christie sống lẻ loi, âm thầm, cô độc như một người góa bụa. Trong sự xa cách chờ đợi và nhớ nhung ấy, Agatha Christie bắt đầu tập viết tiểu thuyết. Nhưng cô chưa biết nên bắt đầu bằng thơ, tiểu thuyết tình cảm hay truyện trinh thám…
Mấy cô em họ của Agatha Christie thì bảo rằng, tiểu thuyết trinh thám rất chán, vì chỉ cần xem một vài trang là độc giả đã biết ngay ai là thủ phạm rồi. Họ còn nói thêm rằng, cô không thể viết tiểu thuyết trinh thám được vì đó là lĩnh vực của đàn ông. Nghe thấy thế, Agatha Christie bảo rằng: "Chẳng có ai cấm phụ nữ viết truyện trinh thám cả, và chị sẽ viết giỏi hơn cả đàn ông cho các em xem". Nói thế và làm thế, Agatha lao vào viết truyện trinh thám, và viết với một "tốc độ" mà ngay cả cánh đàn ông cũng phải nể.
Cuốn sách đầu tay "Vụ Styles bí mật" được viết khi Archibald Christie đang ở chiến trường, còn Agatha Christie là một trợ lý dược ở một trạm cứu thương. Agatha Christie đã đánh máy tác phẩm của mình cẩn thận, đính kèm một lá thư nhỏ rồi gửi tới một số nhà xuất bản danh tiếng ở London. Sự ra đời của tác phẩm trinh thám đầu tay đã mang lại nhiều hứng khởi, cũng là sự khẳng định tính đúng đắn cho sự lựa chọn ban đầu của một cây bút trẻ.
Chiến tranh kết thúc, chàng phi công của Agatha Christie trở về lành lặn, nhưng tâm tính trở nên thất thường. Việc chăm sóc Archibald Christie đã lấy đi của Agatha Christie rất nhiều thời gian, nhưng bù lại, khi cùng chồng thực thi những chuyến công vụ vòng quanh các nước thuộc địa của Anh, Agatha Christie đã thu lượm được đầy ắp một vali tư liệu để sau này "dựng" thành các tác phẩm trinh thám li kỳ và hấp dẫn. Sự xuất hiện liên tiếp các tiểu thuyết: "Vụ giết ông Roger Ackroyd", "Vụ án mạng ở Me'sopotamic", "Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông"… khiến tên tuổi của nữ nhà văn trẻ nổi như cồn. Nhưng hình như đối với cuộc đời của rất nhiều người đàn bà, sự nổi tiếng và danh vọng không đồng hành cùng hạnh phúc. Một mối tình đã từng được thử thách trong lửa đạn tưởng như sẽ trở thành bất tử, đã "cáo chung" bởi một người đàn bà nhan sắc khác.
Khi nghe Archibald Christie tuyên bố đã trót yêu người đàn bà khác, Agatha Christie héo rũ như tàu lá và bỏ đi biệt tích trong mười ngày liền. Cảnh sát đã tìm thấy chiếc xe của cô bỏ ở vệ đường, ở một nơi cách nhà vài chục cây số và sau đó tìm thấy Agatha Christie tại một khách sạn, trong tình trạng mất trí nhớ. Cô đã quên tất cả, trừ tên cái người đàn bà đã cướp đi chàng phi công dũng cảm của cô…
Sau một thời gian điều trị, Agatha Christie gửi con vào trường nội trú và lao vào những chuyến viễn du bất tận. Những chuyến đi ấy đã đưa cô đến với một tình yêu mới. Max Mallowan - một nhà khảo cổ học, kém Agatha Christie tới 14 tuổi đã thay chàng phi công Hoàng gia đem lại niềm vui và nghị lực để nữ văn sĩ tiếp tục sự nghiệp còn dang dở. Agatha Christie lại cùng Max Mallowan vượt đại dương sang Trung Đông, đến với những di chỉ khảo cổ đang ngủ sâu dưới lòng đất. Ngoài việc chăm sóc và trợ giúp công việc cho chồng, Agatha Christie đã tìm kiếm thêm rất nhiều tư liệu để hoàn thành những tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản sân khấu sau này… Cuộc hôn nhân với Max Mallowan thực sự bền vững trước mọi thử thách của số phận. Agatha Christie đã không ít lần khẳng định, đằng sau những thành công của bà trên văn đàn là bờ vai vững chắc của chồng, rằng "Những nhà khảo cổ học là những người chồng lý tưởng - vợ của họ càng già thì họ càng thích thú"...
Có một điểm tương đồng giữa các chuyên gia về tiểu thuyết trinh thám: Những thám tử tài danh thường được tác giả "nuôi dưỡng" trong một thời gian rất dài, xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm. Arthur Conan Doyle "nuôi" thanh tra Sherlock Holmes, George Simenon nâng niu, chiều chuộng thanh tra Maigret, còn Agatha Christie lại "đeo mang" tới những bảy thám tử. Trong đó nam thám tử Hercule Poirot và nữ thám tử Marple được Agatha Christie cho tham gia nhiều điệp vụ hơn cả và cũng được nhà văn cho "sống" lâu nhất.
Nam thám tử Hercule Poirot xuất hiện ngay từ tiểu thuyết đầu tay của Agatha Christie và chỉ "chết" trước tác giả có một năm. Hình tượng Hercule Poirot được giới thiệu với độc giả có khuôn mặt rất đàn ông, để râu con kiến, đầu đội mũ phớt, ăn mặc kiểu cách, thông minh, kiêu hãnh.Vị thám tử điển trai này luôn coi thường hiểm nguy, ít biết đến thất bại, nhưng bị đối phương đánh giá là một kẻ "gàn dở", bởi anh ta luôn mồm nói đến những giá trị đạo đức. Hercule Poirot liên tiếp xuất hiện trong 30 tiểu thuyết và 50 truyện ngắn của Agatha Christie. Trong thời gian đầu, Agatha Christie rất yêu mến chàng thám tử của mình. Nhưng đến khi "nuôi" Hercule Poirot được mười năm, Agatha Christie đã nảy ra ý định “khai tử" cho nhân vật này. Do công chúng quá yêu thích chàng thám tử đẹp trai, tài ba Hercule Poirot nên bà đành để cho thám tử tiếp tục sống và phá án, mặc dù đã nhiều lần bà kêu rằng đã chán Hercule Poirot đến tận cổ.
Trái ngược với Hercule Poirot, nữ thám tử Marple xuất hiện muộn và ít hơn rất nhiều, nhưng lại được Agatha Christie hết mực cưng chiều. Tuy nhiên, khi ở độ tuổi 85, cái chết đã cận kề, Agatha Christie không nỡ lòng nào để cho hai thám tử huyền thoại của mình bơ vơ nơi trần thế, nên đã cho cả hai cùng lần lượt "được" chết trong hai tác phẩm cuối cùng của mình. Hercule Poirot chết năm 1975, trong "Curtain: Vụ án cuối cùng của Hercule Poirot". Bà Marple "tạ thế" sau Hercule Poirot một năm, trong cuốn "Sleeping Muder: Vụ án cuối cùng của bà Marple"…
Là phụ nữ dấn thân vào lĩnh vực xưa nay được coi là lãnh địa của giới mày râu, nghệ thuật tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie đã đạt tới trình độ điêu luyện. Phần lớn các các tiểu thuyết của bà đều được xây dựng trên những nghi vấn một cách đầy đủ và vận hành như một cuộc chơi đầy kỳ thú, trong đó độc giả chạy đua với thám tử vì cả hai đều nắm được đầy đủ các tình tiết của vụ án và đều có khả năng ngang nhau trong việc lật mặt nạ thủ phạm trong một không gian luôn mở.
Agatha Christie mất ngày 12 tháng 1 năm 1976 ở tuổi 86, tại Wallingford, Oxfordshire. Toàn bộ bản quyền tác phẩm của Agatha Christie hiện được cháu trai của bà, Mathew Prichard lưu giữ.
LỜI GIỚI THIỆU
Tên tuổi của Agatha Christie không lạ gì trong số những nhà văn nổi tiếng trên thế giới chuyên viết truyện trinh thám.
Tính chất hấp dẫn của thể loại truyện này không còn phải bàn cãi, sách thường được in với số lượng lớn, được nhiều tầng lớp độc giả hâm mộ bởi cốt truyện gay cấn, bố cục chặt chẽ, tiến triển nhanh, gọn, bất ngờ, cách xử lý thông minh, chính xác… Đó là ưu điểm của thể loại truyện trinh thám, nhưng ở không ít nhà văn lại cũng là nhược điểm bởi sự thiếu vắng của tâm lý nhân vật, tính cách, chiều sâu của nội tâm, bối cảnh xã hội, lý tưởng đạo đức… Nhưng ở Agatha Christie hầu như những nhược điểm đó đã được khắc phục, những truyện của bà bao giờ cũng giản dị, tránh những tình huống một cách bất ngờ vô lý, các nhân vật đều có tính cách, bối cảnh xã hội rõ nét, nhất là lòng nhân hậu, lý tưởng đạo đức bao giờ cũng thắm đượm trong hầu hết các trang sách. Bên cạnh đó, chất “trinh thám” trong truyện lại không thiếu, truyện đọc vào là lôi cuốn ngay, các sự kiện dồn dập, mới lạ nhưng hợp lý, các tình huống đan chéo vào nhau được xử lý một cách thông minh, bất ngờ không thể đoán ra được, cuối cùng đi đến kết cuộc nhiều người đọc thấy ngỡ ngàng đồng thời lại thấy không có gì hợp lý hơn.
“Thảm kịch bí ẩn ở Styles” chúng tôi giới thiệu với bạn đọc sau đây nằm trong số những truyện như vậy.
Cốt truyện thật giản dị, hầu như là thông thường. Một gia đình gồm một người mẹ kế, hai người con trai và một tài sản lớn của người cha để lại. Trong gia đình đang có chuyện phải quan tâm là vấn đề thừa kế gia sản thì xảy ra chuyện người mẹ kế lúc đó đã sáu mươi lăm tuổi, đâm say mê một người đàn ông nhỏ hơn mình đến hai mươi tuổi. Người đàn ông vào nhà mang theo mình đầy những sự nghi ngờ thì sau đó người mẹ kế bị đầu độc chết. Mọi lời buộc tội rõ ràng là chĩa vào người đàn ông và ngay bản thân anh ta cũng cố tình để lộ những cử chỉ, hành động cho mọi người nghi ngờ mình. Trong lúc đó cuộc điều tra của cảnh sát lại bắt gặp những dấu vết buộc tội ở người con trai lớn. Anh bị bắt. Phiên tòa diễn ra, sự nghi ngờ của mọi người lại hướng về người em kế. Ai là thủ phạm? Tình thế thật rối ren, nhưng đã có một viên thám tử người Bỉ, một người nhỏ nhắn, sống khiêm tốn, ẩn dật đã theo dõi suốt quá trình diễn ra vụ án. Ông không bỏ sót một sự kiện nào, nối kết chúng lại với nhau thành một chuỗi mắc xích hợp lý, bằng tài nhận xét thông minh và cách xử lý khôn khéo, nhanh nhạy ông đã vạch mặt được thủ phạm, minh oan cho những người vô tội và hơn nữa, giữ gìn được tình yêu của họ. Đó là ý nghĩa lớn nhất của cuộc điều tra và cũng là tính nhân bản trong cuốn truyện của Agatha Christie.
Xuất bản cuốn “Thảm kịch bí ẩn ở Styles” của Agatha Christie, chúng tôi mong muốn giới thiệu với bạn đọc một tác phẩm gần như là mẫu mực cho thể loại truyện trinh thám với hình thức và nội dung đích thực của nó, trái với nhiều loại sách “vụ án” khác chỉ nhằm lôi cuốn người đọc bằng những tình tiết giật gân rẻ tiền, những cảnh sa đọa để thỏa mãn những thị hiếu thấp. Bởi thông qua trình bày những tội ác và bọn tội phạm, một cuốn sách thật sự có ý nghĩa khi nó hướng con người tới cuộc sống lương thiện hơn.

Tiếng vang to lớn gây nên trong quần chúng bởi cái được mệnh danh là “Vụ án ở Styles” đến nay đã giảm bớt đôi chút. Tuy vậy, do tiếng tăm có tầm cỡ quốc tế gắn liền với sự việc đó, tôi được ông bạn Poirot cũng như gia đình ấy đề nghị viết lại tóm lược vụ việc. Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ chấm dứt được những lời đồn đại giựt gân vẫn còn đang lan truyền.
Do đó tôi sẽ ghi lại một cách ngắn gọn những tình huống qua đó tôi có dính líu đến vụ án này.
Hồi đó, tôi được đưa về từ mặt trận do bị thương, và sau khi nằm điều trị vài tháng trong một quân y viện, tôi được nghỉ phép một tháng để dưỡng sức. Vì không có một người họ hàng gần nào, và cũng chẳng có một người bạn thân nào cả, tôi đang suy nghĩ đến cách tận hưởng tốt nhất kỳ nghỉ này thì, thật tình cờ, tôi gặp John Cavendish. Tôi gần như mất liên lạc với anh ta từ vài năm nay rồi. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ chơi thân với anh ta lắm. Anh lớn hơn tôi ít ra là mười lăm tuổi, mặc dầu trông anh chưa đến cái tuổi bốn mươi lăm của mình. Nhưng, lúc còn nhỏ, tôi thường đến chơi ở Styles, khu đất của mẹ anh, trong vùng Essex.
Chúng tôi hàn huyên với nhau khá lâu về thuở xa xưa ấy và, cuối cùng anh rủ tôi đến nghỉ phép ở Styles.
- Mẹ tôi sẽ vui mừng khi gặp được cậu sau bấy nhiêu năm - anh nói.
- Bà ấy vẫn khỏe mạnh chứ? Tôi hỏi.
- Ồ, vâng. Cậu có biết rằng mẹ tôi đã tái giá không?
Tôi e rằng đã để lộ sự ngạc nhiên của mình quá rõ. Tôi nhớ đến bà Cavendish (người đã kết hôn với cha của John lúc ông này đã góa vợ và có hai người con trai) như một người phụ nữ đẹp ở tuổi trung niên. Hiện nay bà ta chắc chắn không thể dưới sáu mươi lăm tuổi. Tôi nhớ lại tính cách cương nghị, độc tài của bà, với lòng ham mê được nổi danh vì những việc làm từ thiện của giới thượng lưu, với ý thích về những ngày khai mạc các buổi lễ từ thiện và khuynh hướng muốn đóng vai trò nhà hảo tâm. Vô cùng rộng lượng, bà có một gia sản riêng kếch xù.
Khu đất của họ ở vùng quê, Styles Court, do ông Cavendish mua vào thời gian đầu của cuộc sống chung của họ. Ông này hoàn toàn chịu sự chi phối của vợ đến độ, khi qua đời, ông đã dành cho bà toàn quyền sử dụng khu đất và phần lớn thu nhập của mình. Sự sắp xếp đó khiến cho hai cậu con trai của ông bị thiệt thòi. Nhưng bà mẹ kế luôn luôn tỏ ra vô cùng rộng lượng đối với họ, và do họ còn nhỏ khi hai người lấy nhau nên lúc nào họ cũng xem bà như mẹ đẻ của mình.
Laurence, người em út, đã có một thuở nên thiếu đầy những khó khăn. Anh đã tốt nghiệp y khoa, nhưng lại từ bỏ sự nghiệp bác sĩ và chỉ muốn sống ở Styles Court để theo đuổi ảo tưởng về thơ văn, mặc dù những vần thơ của anh cho đến nay vẫn chưa đạt được một sự thành công vang dội nào cả.
John đã có một thời gian hành nghề luật sư, rồi quyết định sống cuộc đời an nhàn của một người thượng lưu ở vùng thôn quê. Cách đây hai năm, anh đã lập gia đình và đem người vợ trẻ đến Styles. Tôi có cảm tưởng anh muốn bà mẹ kế tăng thêm trợ cấp cho mình để có thể ra ở riêng. Nhưng bà Cavendish thích tự mình lên kế hoạch và muốn người khác phải tuân theo. Trong tình huống đó, bà chắc chắn có ưu thế hơn đối với anh, bởi vì bà là người nắm giữ túi tiền.
John nhận thấy sự ngạc nhiên do cái tin mẹ anh tái giá gây nên cho tôi, và anh mỉm cười hơi chua xót.
- Đó là một người đàn ông bất tài - anh bực bội nói - Tôi không giấu cậu, Hasting ạ, điều đó làm cho cuộc sống của chúng tôi thật khó chịu. Còn về phần Evie… Cậu nhớ Evie chứ?
- Không.
- Ồ, có lẽ cậu chưa quen biết cô ấy thì phải. Đó là người mẹ tôi mướn để bầu bạn với bà ta. Cô ấy lo toan mọi việc… một phụ nữ tốt, cái cô Evie ấy… Không trẻ, cũng chẳng đẹp, nhưng tốt bụng.
- Anh định nói gì thế?
- Về tên đàn ông đó, hắn đúng là rơi từ trên trời xuống, tự xưng là một người bà con xa của Evie gì đó, cô này, nói giữa chúng ta thôi, không có vẻ gì vui mừng về mối liên hệ họ hàng này cả. Bất cứ ai cũng có thể thấy đó là một con người cơ hội và thô kệch. Hắn có bộ râu dài màu đen và mang giày đánh véc-ni bóng loáng bất kỳ lúc nào. Nhưng mẹ tôi thích hắn ta ngay và bà thâu nhận hắn vào làm thư ký. Anh biết rằng bà phụ trách một lô các hội từ thiện khác nhau chứ?
Tôi gật đầu.
- Chiến tranh đã nhân chúng lên gấp bội. Có lẽ hắn rất có ích cho bà. Nhưng chúng tôi muốn té ngửa khi, cách đây ba tháng, bà bất ngờ tuyên bố với chúng tôi rằng bà đã đính hôn với Alfred. Dễ hắn phải trẻ hơn bà đến hai mươi tuổi. Đối với hắn, rõ ràng đó là một cuộc săn tiền. Nhưng thế đấy, mẹ tôi hoàn toàn tự do làm theo ý mình, và bà đã lấy hắn.
- Có lẽ đó là một tình huống khó khăn đối với tất cả các anh.
- Khó khăn ư? Hãy nói là không thể chịu nổi!
Và thế là, ba ngày sau, tôi đáp xe lửa đến Styles Saint-Mary, một nhà ga nhỏ không có lý do gì để tồn tại cả, nằm giữa những cánh đồng xanh và những con đường làng. John Cavendish đón tôi trên sân ga và đưa tôi ra xe hơi.
- Cậu thấy đấy, chúng tôi cũng còn chút ít xăng - anh nhận xét - chủ yếu là nhờ vào các hội từ thiện của mẹ tôi.
Làng Styles Saint-Mary nằm cách nhà ga khoảng hai dặm, còn Styles Court thì xa hơn một dặm. Ngày hôm đó ấm áp và yên tĩnh, một ngày của tháng bảy. Và cứ nhìn phong cảnh bằng phẳng của miền Essex trải dài xanh tươi và yên bình dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa thì gần như không thể nào tin rằng ở đằng kia, không xa lắm, dù gì đi nữa thì cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Dường như tôi bất ngờ bước vào một thế giới khác.
Khi chúng tôi vượt qua cửa rào của khuôn viên, John bảo:
- Tôi e rằng cậu sẽ thấy cuộc sống ở đây thật yên tĩnh, Hasting ạ.
- Anh bạn thân mến ơi, đó chính là điều tôi mong muốn.
- Ồ! Sẽ khá dễ chịu nếu như người ta muốn có một cuộc sống an nhàn. Mỗi tuần hai lần, tôi cùng những người tình nguyện đi lao động và đến phụ giúp các nông dân. Vợ tôi thường xuyên làm việc đồng áng. Cô ấy dậy từ năm giờ mỗi sáng để vắt sữa bò và không ngừng tay cho đến giờ ăn trưa. Nhưng, suy cho cùng, sẽ dễ sống hơn nếu như không có tên khốn khiếp ấy, Alfred Inglethorp.
Anh thắng xe bất thình lình và liếc nhìn đồng hồ.
- Tôi tự hỏi không biết chúng ta có kịp ghé qua đón Cynthia không đây? Chắc là không rồi. Cô ta có lẽ đã rời bệnh viện.
- Cynthia ư? Không phải là vợ anh sao?
- Không. Cynthia là người được mẹ tôi nhận đỡ đầu. Cô ta là con gái một người bạn học nội trú xưa của bà, người đã kết hôn với một luật sư không mấy lương thiện. Ông này bị phá sản và con gái họ trở thành mồ côi không có một xu dính túi. Mẹ tôi đã giúp cô ta và cô ấy đến sống với chúng tôi đã gần hai năm nay rồi. Cô ta làm việc ở bệnh viện của hội chữ thập đỏ ở Tadminster, cách đây khỏang mười cây số.
Trong khi anh nói những lời này, chúng tôi ngừng xe trước một ngôi nhà cũ kỹ nhưng rất đẹp. Nghe thấy tiếng xe của chúng tôi, một người phụ nữ mặc bộ đồ bằng vải tuýt đang cúi trên một luống hoa ngẩng đầu lên.
- Chào Evie, đây là người hùng bị thương của chúng ta. Ông Hasting, cô Howard.
Cái bắt tay cô Howard dành cho tôi thật mạnh, gần như đau đớn. Tôi cảm kích bởi đôi mắt thật xanh trên gương mặt rám nắng. Đó là một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, vẻ khả ái. Cô ta có giọng nói trầm, với những âm sắc vang to, gần như của phái nam, một vóc dáng vuông vức với đôi chân to lớn xỏ trong đôi giày thô cũ kỹ. Chẳng mấy chốc, tôi phát hiện ra rằng cô ta phát âm bằng giọng văn điện tín.
- Cỏ dại mọc nhiều như cỏ gà. Không làm sao ngăn chúng được. Quý vị sẽ giúp tôi. Hãy cẩn thận.
- Tôi cam đoan rằng tôi sẽ rất vui được giúp ích cho cô - tôi đáp.
- Đừng nói thế. Không thận trọng. Sau này ông sẽ hối hận.
- Sao cô bi quan thế, Evie? - John mỉm cười nói - Hôm nay chúng ta sẽ dùng trà ở đâu? Trong nhà hay ngoài vườn?
- Ngoài vườn. Trời quá đẹp để phải giam mình trong nhà.
- Thế thì hãy đi thôi. Hôm nay cô làm vườn như thế là đủ rồi. Người làm ruộng rất xứng đáng được hưởng thù lao. Hãy nghỉ giải lao đi.
- Thế đấy - cô Howard vừa tháo găng tay làm vườn ra vừa nói - tôi gần như hoan nghênh ý kiến đó của anh.
Cô dẫn đường cho chúng tôi và, đi vòng qua ngôi nhà, chúng tôi đến chỗ bữa trà được dọn lên, dưới bóng mát của một cây sung lớn.
Thấy chúng tôi đến gần, một phụ nữ trẻ đang ngồi trong chiếc ghế bành mây đứng lên và bước đến trước mặt chúng tôi.
- Nhà tôi, Hasting ạ - John bảo.
Tôi không bao giờ quên giây phút đầu tiên gặp mặt Mary Cavendish. Dáng vóc cao và mảnh mai của bà hiện lên tương phản với ánh nắng gay gắt; ánh sáng dịu của ngọn lửa âm ỉ dưới đống tro rạng lên trong đôi mắt đẹp màu hung, ở bà toát ra một sự yên bình vô bờ, nhưng lại làm cho người ta nghĩ đến một tâm hồn hoang dã và khó khuất phục trong một cơ thể văn minh tuyệt diệu.
Bà đón tôi bằng vài lời chào hỏi với chất giọng trầm nhưng rất rõ, và rồi tôi gieo mình xuống ghế, rất hài lòng vì đã nhận lời mời của John. Mary Cavendish rót cho tôi một tách trà và vài lời nhận xét nghiêm túc mà bà đưa ra đã củng cố thêm trong suy nghĩ của tôi rằng bà là một phụ nữ hoàn toàn khả ái. Thật luôn luôn đáng khích lệ khi được một người chăm chú nghe mình, và tôi tự hào tả lại một vài biến cố trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà an dưỡng với sự cao hứng đầy tính khôi hài khiến cho bà rất thích thú. Bởi vì John, mặc dù là một người đàn ông tuyệt vời, vẫn không thể tự hào là một người nói chuyện có duyên.
Vừa lúc đó, một giọng nói mà tôi nhớ rất rõ, vọng qua tai chúng tôi qua khung cửa để mở gần nhất.
- Thế nào, Alfred, anh sẽ viết cho bà công chúa sau bữa trà chứ? Em sẽ đích thân viết cho phu nhân Tadminster để yêu cầu bà ta chủ tọa ngày bán thứ hai. Hay tốt hơn nên đợi bà công chúa trả lời đã? Nếu bà này từ chối, phu nhận Tadminster có thể chủ tọa ngày thứ nhất, và bà Crosbie ngày thứ hai. Và cũng phải viết cho bà công tước về vấn đề buổi lễ của nhà trường nữa.
Chúng tôi nghe thấy tiếng thì thầm của một người đàn ông và giọng bà Inglethorp đáp lại:
- Vâng, tất nhiên rồi. Sẽ rất tiện, sau bữa trà. Anh đã nghĩ đến mọi việc, Alfred thân yêu ạ.
Cánh cửa mở ra thêm một chút và một phụ nữ luống tuổi, rất quý phái và còn khá đẹp, với những nét độc đoán, bước ra tiến về phía bãi cỏ. Một người đàn ông theo sau, hơi khúm núm.
Bà Inglethorp đón tiếp tôi một cách nồng nhiệt.
- Ồ, ông Hasting! Tôi rất vui mừng được gặp lại ông sau bao nhiêu năm. Alfred thân yêu, đây là ông Hasting. Còn đây là chồng tôi.
Tôi nhìn “Alfred thân yêu” với một chút tò mò. Anh ta quả là một nhân tố khá lạc lõng trong môi trường này. Tôi không lấy làm lạ là tại sao John lại ghét bộ râu của anh ta. Đó là một bộ râu dài nhất và đen nhất mà tôi từng thấy. Anh ta đeo một chiếc kính kẹp mũi bằng vàng và nét mặt anh ta trông thản nhiên một cách lạ lùng. Tôi tự nhủ có lẽ anh ta rất tự nhiên trên sân khấu, nhưng lại không thích hợp một cách kỳ lạ đối với cuộc sống hàng ngày. Giọng anh ta khá trầm và cảm động. Anh ta đặt một bàn tay bất động trong tay tôi và nói:
- Rất hân hạnh được biết ông, ông Hasting.
Rồi quay sang vợ:
- Em Emily thân yêu, anh e rằng chiếc gối này hơi ẩm ướt đấy.
Bà nhìn chồng tình tứ trong khi anh ta thay chiếc gối dựa khác với tất cả sự ân cần và âu yếm. Quả là một sự hài lòng kỳ quặc ở một phụ nữ biết điều về biết bao mặt khác.
Cùng với sự hiện diện của Alfred Inglethorp, một cảm giác gượng ép và đầy ác cảm kín đáo dường như xâm chiếm mọi người. Nhất là cô Howard, cô không hề tìm cách giấu diếm tình cảm của mình. Tuy vậy bà Inglethorp dường như chả nhận thấy điều gì bất thường cả. Bà vẫn giữ được vẻ liếng thoắng mà tôi nhớ mãi mặc dù đã bao năm qua, và bà tuôn ra hàng tràng lời lẽ về buổi hội chợ do bà tổ chức sắp tới đây. Thỉnh thoảng bà lại hỏi chồng về một ngày tháng nào đó. Thái độ chăm chú và chu đáo của anh này vẫn không thay đổi. Ngay từ đầu, tôi đã có ác cảm lớn đối với anh ta, và tôi tự hào rắng những cảm tưởng ban đầu của mình thường khá sáng suốt.
Chẳng mấy chốc, bà Inglethorp quay sang Evie để căn dặn về các bức thư và chồng bà lại nói với tôi bằng giọng chăm chút:
- Ông Hasting, ông có phải là nhà binh chuyên nghiệp không?
- Không. Trước chiến tranh tôi làm việc ở Lloyds.
- Ông sẽ quay lại đó khi chiến tranh kết thúc chứ?
- Có lẽ như vậy. Hoặc có thể tôi sẽ bắt đầu ở một lĩnh vực khác.
Mary Cavendish chồm ra phía trước:
- Ông sẽ chọn nghề gì nếu ông được tự do làm theo ý thích của mình?
- Điều đó cũng còn tùy.
- Ông không có những ý muốn thầm kín sao? - Bà nói thêm.
- Bà sẽ cười tôi cho mà xem.
Bà mỉm cười:
- Có thể lắm.
- Thế này nhé, tôi vẫn luôn có ước mơ thầm kín được làm thám tử đấy.
- Thế ư? Scotland Yard phải không? Hay Sherlock Holmes?
- Ồ, tất nhiên là Sherlock Holmes rồi. Nhưng, nghiêm túc mà nói, thì tôi bị cuốn hút ghê gớm bởi lãnh vực đó. Một hôm ở Bỉ, tôi đã gặp một nhà thám tử rất nổi tiếng mà tôi rất thích. Đó là một người đàn ông nhỏ nhắn nhưng rất đáng kính ngạc. Ông ta cho rằng, để trở thành một thám tử giỏi, chỉ đơn giản cần phải có phương pháp thôi. Cách thức của tôi cũng dựa trên cách của ông ta, mặc dù tất nhiên là tôi có đi xa hơn. Đó là một người đàn ông kỳ quặc, rất trau chuốt, nhưng lại giỏi một cách tuyệt vời.
- Tôi cũng rất thích một câu chuyện trinh thám hay - cô Howard nói - nhưng người ta chỉ viết toàn những điều bậy bạ. Thủ phạm chỉ được phát hiện vào chương cuối cùng mà thôi. Mọi người đều kinh ngạc. Còn trong một vụ án thật sự, người ta đoán được ngay ai là thủ phạm.
- Tuy nhiên đã có khá nhiều vụ án không bao giờ được đưa ra ánh sáng - tôi nhấn mạnh.
- Bởi cảnh sát thì tôi không nói làm gì… Nhưng còn những người có liên can trong vụ án… Những người bà con…Tôi cho rằng không thể nào bịp được họ.
- Thế nghĩa là - tôi nói, khá thích thú - cô cho rằng nếu như cô dính líu vào một vụ án, một vụ giết người chẳng hạn, cô sẽ biết được ngay ai là thủ phạm chứ gì?
- Tất nhiên rồi! Có thể tôi không thể chứng minh được điều đó với các luật sư, nhưng tôi tin chắc rằng tôi sẽ biết được. Tôi sẽ cảm nhận được điều đó ngay, nếu như hắn đến gần tôi.
- Có thể thủ phạm là một phụ nữ chứ.
- Vâng. Nhưng giết người là một hành vi thô bạo. Đó thường là hành động của một người đàn ông hơn.
- Nhưng trong trường hợp một vụ đầu độc thì lại khác - Giọng nói trong trẻo của Mary Cavendish khiến tôi giật mình - Bác sĩ Bauerstein hôm qua đã bảo với tôi rằng, nhờ vào sự hiểu biết của các bác sĩ về các loại độc dược tinh vi, rất có thể có nhiều trường hợp đầu độc mà không hề bị nghi ngờ gì cả.
- Ồ! Mary, quả là những lời nói gở! - Bà Inglethorp kêu lên - Tôi tưởng chừng như nghe thấy tiếng ai đó đang đi trên nấm mồ của mình. À, Cynthia đây rồi.
Một thiếu nữ trong bộ đồng phục của đội phụ tá tình nguyện băng ngang qua bãi cỏ.
- Cynthia này, hôm nay cô về trễ đấy. Đây là ông Hasting. Cô Murdoch.
Cynthia Murdoch là một thiếu nữ rất tươi, đầy sức sống và sinh lực. Cô cởi bỏ chiếc nón và tôi có thể ngắm nhìn những lọn tóc hung, bàn tay nhỏ nhắn và trắng muốt mà cô chìa ra để xin một tách trà. Với đôi mắt và cặp lông mày sẫm màu, có lẽ cô là hiện thân của sắc đẹp. Cô gieo mình xuống đất, gần John và tươi cười với tôi khi tôi trao cho cô đĩa bánh săng-uých.
- Ông hãy ngồi xuống thảm cỏ đây này. Sẽ thoải mái hơn.
Nghe theo lời cô, tôi ngồi xuống bên cạnh.
- Cô làm việc ở Tadminster phải không, cô Murdoch?
Cô gật đầu.
- Vâng, vì những tội lỗi của mình.
- Bộ người ta làm khổ cô lắm sao? - Tôi hỏi thế để trêu ghẹo cô.
- Đừng hòng! - Cynthia kiêu hãnh kêu lên.
- Tôi có một người em họ làm y tá - tôi nhận xét - Cô ta bị bà y tá trưởng làm cho khiếp vía.
- Tôi không lấy làm lạ đâu. Nếu ông được biết họ ra sao, ông Hasting ạ. Ông không thể nào tưởng tượng được đâu. Nhưng, lạy Chúa, tôi không phải là y tá; tôi làm việc trong bịnh xá.
- Và cô đã đầu độc bao nhiêu người rồi? - Tôi tươi cười hỏi.
- Ồ! Hàng trăm…
- Cynthia! - Bà Inglethorp gọi - Cô có thể viết hộ tôi mấy bức thư không?
- Rất sẵn sàng, dì Emily ạ.
Cô vụt đứng dậy, và điều gì đó trong cách cư xử của cô nhắc tôi nhớ rằng cô có một vị trí thấp trong nhà bà Inglethorp, và bà này, dù có tốt đến đâu đi nữa thì cuối cùng cũng không cho phép cô quên điều đó.
Bà chủ nhà quay sang tôi:
- John sẽ chỉ phòng cho ông. Chúng ta ăn tối lúc mười chín giờ ba mươi. Cách đây ít lâu, chúng ta đã bỏ việc ăn tối trễ hơn thế. Phu nhân Tadminster, vợ của vị đại diện của chúng ta tại Hạ viện (bà này là con gái của ngài cố nghị viện Abootsbury) cũng làm như vậy. Bà ấy cũng đồng quan điểm với tôi, chúng ta cần làm gương trong việc tiết kiệm. Quả là chúng ta đang sống trong thời chiến. Ở đây không có gì bị bỏ phí cả: mỗi mẩu giấy đều được cẩn thận nhặt lại và sử dụng.
Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước một cách tổ chức hoàn hảo đến như vậy. John dẫn tôi đến tận nhà, ở đó chúng tôi leo lên một cầu thang lớn, giữa chừng chia làm hai nhánh đưa đến hai cánh khác nhau bên trái và bên phải của ngôi nhà. Căn phòng của tôi nằm bên cánh trái và trông ra khu vườn.
John rời tôi đi và, ít phút sau, tôi trông thấy anh ta chậm rãi băng ngang thảm cỏ, vai sánh vai cùng với Cynthia Murdoch. Tôi nghe bà Inglethorp nóng nảy gọi “Cynthia!” và thấy cô thiếu nữ giật mình chạy vào nhà. Cùng lúc đó, một người đàn ông xuất hiện từ bóng mát của một cái cây và cũng từ từ tiến về ngôi nhà. Trông anh ta khoảng bốn mươi tuổi, khuôn mặt đăm đăm và nhẵn nhụi đượm đầy vẻ u sầu. Khi đi ngang qua chỗ tôi, anh liếc nhìn lên cửa sổ phòng tôi và tôi liền nhận ra anh, mặc dù anh đã thay đổi nhiều trong vòng mười lăm năm nay, kể từ buổi gặp trước đó của chúng tôi. Đó là cậu em kế của John, Laurence Cavendish. Tôi tự hỏi điều gì đã có thể tạo nên sắc mặt đỏ của anh.
Rồi tôi không nghĩ đến chuyện đó nữa và trở lại với những suy nghĩ của riêng mình.
Buổi tối trôi qua khá dễ chịu và đêm hôm đó tôi mơ thấy người đàn bà lạ lùng đó - Mary Cavendish.
Buổi sáng hôm sau, trời trong và nắng, tôi tự nhủ rằng sẽ được hưởng những ngày nghỉ thật tuyệt vời. Tôi chỉ gặp bà Cavendish vào giờ ăn trưa. Sau đó bà rủ tôi đi dạo và chúng tôi lang thang trong rừng suốt buổi chiều. Chúng tôi quay về vào khoảng lúc mười bảy giờ. Bước vào tiền sảnh, John ra dấu cho chúng tôi đi theo anh vào phòng hút thuốc. Tôi thấy ngay qua nét mặt của anh đã có một biến cố không hay gì đó xảy ra. Chúng tôi bước theo anh vào phòng và anh đóng cửa lại sau lưng chúng tôi.
- Mary này, quả là một chuyện không hay. Evie vừa cãi nhau với Alfred Inglethorp xong, và cô ta định bỏ đi.
- Evie?
John gật đầu buồn rầu.
- Phải. Cô ta đến gặp mẹ và… đích thân Evie đây rồi.
Cô Howard bước vào, tay cầm chiếc va-li. Trông cô ta xúc động nhưng rất cương quyết và hơi thủ thế.
- Dù sao đi nữa - cô kêu lên - tôi cũng đã nói với bà ấy cách nghĩ của mình.
- Evie thân mến - bà Cavendish nói - không thể như thế được. Cô không thể bỏ chúng tôi đi đâu cả.
Cô Howard gật đầu.
- Hoàn toàn thật đấy. Tôi e rằng mình đã nói với Emily vài điều mà bà ấy không thể nào quên hoặc tha thứ được trong một khoảng thời gian dài. Sẽ càng tốt nếu như điều đó khiến bà ta phải suy nghĩ lại. Nhưng có lẽ sẽ chỉ như nước đổ đầu vịt đối với bà ấy thôi. Tôi đã bảo thẳng thừng với bà ta: “Emily ạ, bà là một phụ nữ luống tuổi, và không có gì ngu ngốc hơn là một bà già ngốc nghếch. Người đàn ông đó thua bà đến hai mươi tuổi. Đừng tìm hiểu tại sao hắn đã cưới bà. Vì tiền của bà đấy. Ông nông dân Raikes có một bà vợ khá xinh đẹp. Hãy hỏi chàng Alfred của bà xem anh ta đã ở chỗ họ trong bao lâu?” Bà ta đã tức điên lên. Tự nhiên thôi. Tôi lại bảo: “Tôi cần phải lưu ý bà, dù cho bà có thích hay không đi nữa. Người đàn ông đó thích giết bà ngay trên giường hơn là nhìn thấy bà nằm ở đó. Hắn là một tên vô lại. Bà có thể nói gì với tôi cũng được hết. Nhưng đừng quên rằng tôi đã báo trước cho bà rồi đấy. Hắn là một tên vô lại”.
- Thế bà ấy bảo sao?
Cô Howard nhăn mặt một cách đầy ý nghĩa:
- Rằng “Alfred yêu quý ấy… và Alfred cưng ấy… những lời vu khống bỉ ổi… những lời bịa đặt khủng khiếp… quả là một người vợ xấu mới buộc tội chồng yêu quý của mình như vậy…” Tôi càng rời căn nhà sớm chừng nào thì càng tốt cho tôi chừng ấy. Do đó, tôi đi đây.
- Nhưng không phải ngay lập tức chứ?
- Ngay bây giờ.
Chúng tôi đứng đó nhìn cô ta chăm bẵm một lúc. Cuối cùng, thấy những lý lẽ của mình không làm được gì cả, John Cavendish đi xem bảng chỉ dẫn về các tuyến đường xe lửa. Vợ anh bước theo sau, vừa bảo nhỏ rằng bà sẽ thử tìm cách làm cho bà Inglethorp đổi ý. Khi bà bước ra khỏi phòng, gương mặt cô Howard thay đổi ngay. Cô nghiêng người về phía tôi.
- Ông Hasting, trông ông lương thiện. Tôi có thể tin ở ông không?
Tôi hơi ngơ ngác. Cô đặt bàn tay mình lên cánh tay tôi và giọng nói của cô chỉ còn là tiếng thì thầm:
- Hãy trông chừng bà ấy, ông Hasting ạ. Cái bà Emily đáng thương của tôi. Tất cả bọn họ đều là cá mập cả. Ồ, tôi biết mình đang nói gì chứ? Không có một người nào trong bọn họ mà lại không túng thiếu và không tìm cách moi tiền của bà ấy cả. Tôi đã che chở cho bà ấy bằng tất cả sức mình. Nhưng bây giờ, khi tôi không còn ở đây nữa, họ sẽ bòn rút tiền của bà ấy cho mà xem.
- Tất nhiên, cô Howard ạ - tôi nói - cô có thể trông cậy ở tôi để làm hết sức mình. Nhưng tôi cho rằng cô hơi mệt và cô hơi quan trọng hóa vấn đề này.
Cô lúc lắc ngón tay trỏ để ngắt lời tôi.
- Hãy tin ở lời tôi đi, ông bạn trẻ ạ. Tôi đã sống trong thế giới này lâu hơn ông một chút. Tất cả những gì tôi đòi hỏi ở ông là hãy mở to mắt ra. Ông sẽ hiểu tôi muốn nói gì.
Tiếng máy xe hơi nổ vọng lên qua khung cửa sổ để mở. Cô Howard đứng lên và tiến về phía cửa. Giọng của John vang lên bên ngoài. Tay đặt trên nắm cửa, cô ta quay sang ra dấu cho tôi.
- Và nhất là, ông Hasting ạ, hãy canh chừng con quỷ ấy, chồng bà ấy.
Cô ta không có thì giờ để nói gì thêm nữa.
Cô Howard bị chìm ngập trong những tiếng chúc tụng và lời từ biệt. Ông bà Inglethorp không ló mặt ra.
Trong khi chiếc xe rời xa, bà Cavendish bỗng tách khỏi nhóm và băng qua thảm cỏ để ra đón một người đàn ông cao lớn để râu, đang tiến về phía căn nhà. Bà hơi đỏ mặt khi đưa tay cho ông ta bắt.
- Ai đấy? - Tôi bỗng hỏi, vì bất giác tôi đâm ra nghi ngờ người đàn ông đó.
- Đó là bác sĩ Bauerstein! - John trả lời cộc lốc.
- Ông ta là ai thế?
- Ông ta đang nghỉ an dưỡng trong làng sau một cơn suy nhược thần kinh nặng. Đó là một bác sĩ chuyện khoa ở London, một trong những nhà chuyên môn về độc dược học của thời đại chúng ta.
- Và là một người bạn thân của Mary - Cynthia mạnh dạn nói thêm.
John Cavendish nhíu mày và vội đổi đề tài.
- Hãy đi dạo một vòng, Hastings ạ. Thật là rắc rối. Evelyn Howard đã luôn luôn tỏ ra rất nóng tính nhưng không có người bạn nào đáng tin hơn cô ấy.
Chúng tôi xuống đến làng bằng cách băng qua những khu rừng bao quanh một phía của khu đất.
Lúc quay về, khi vượt qua một trong những cửa rào, chúng tôi gặp một phụ nữ rất đẹp thuộc tuýp di-gan, đến từ phía đối diện chúng tôi và tươi cười chào chúng tôi.
- Một phụ nữ đẹp! - Tôi nhận xét.
Khuôn mặt John đanh lại.
- Đó là bà Raikes.
- Người mà cô Howard…?
- Đúng vậy! - John đáp cộc lốc.
Tôi nghĩ đến người phụ nữ luống tuổi, tóc bạc trắng, trong căn nhà rộng lớn, đến khuôn mặt nhỏ nhắn và sáng sủa tươi cười với chúng tôi, và một cái rùng mình khiến tôi ớn lạnh bất ngờ, như một linh tính mà tôi vội gạt ngay đi.
- Styles quả là một nơi tuyệt vời - Tôi nói với John.
Anh gật đầu với vẻ u buồn.
- Phải, đó là một lãnh địa đẹp. Một ngày nào đó nó sẽ thuộc về tôi, lẽ ra ngay bây giờ nó phải thuộc về tôi, nếu như cha tôi đã để lại một tờ di chúc hợp lý. Và như thế tôi sẽ không bị túng quẫn đến như vậy.
- Anh túng lắm ư?
- Hasting thân mến ạ, tôi có thể thú nhận với cậu, tôi không biết xoay sở ra sao để có tiền nữa.
- Cậu em của anh không giúp được gì cho anh sao?
- Laurence ư? Nó ngốn hết những gì nó có để cho xuất bản những bài thơ đáng thương của mình ở những nhà xuất bản thuộc loại có tiếng. Không, chúng tôi đều sạch túi. Nhưng tôi phải thừa nhận, mẹ tôi đã luôn luôn tỏ ra rộng lượng đối với chúng tôi, ít nhất là cho đến bây giờ… Tất nhiên, sau đám cưới của bà…
Anh ngưng bặt và nhíu mày.
Lần đầu tiên, tôi có cảm giác rằng sự ra đi của Evelyn Howard đã làm thay đổi bầu không khí. Sự có mặt của cô ta đồng nghĩa với sự an toàn. Bây giờ, sự an toàn đó đã mất đi và không khí bị nhuốm đầy ngờ vực. Tôi nghĩ đến khuôn mặt nham hiểm của bác sĩ Bauerstein và, bất giác, tôi linh cảm một tai họa sắp giáng xuống.

Chương sau