Z28 - Bản án tử hình - Chương 02

Z28 - Bản án tử hình - Chương 02

SÓNG GIÓ TRONG SỞ MẬT VỤ

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 9/10 với 11573 lượt xem

Lê Tùng nắn lại cái cà vạt màu đen, và dựa lưng vào ghế bành cho đỡ mỏi. Từ sáng đến giờ, chàng đã nắn lại cái nút cà vạt không biết mấy chục lần, và thay đổi kiểu ngồi không biết mấy chục lần.
Phi cơ đến Biên hòa, chàng tất tả ra xe, tài xế phóng thẳng về Sài gòn, đưa chàng đến trụ sở bí mật của ông Hoàng, trong một bin-đinh đồ sộ ở đại lộ Nguyễn Huệ, bề ngoài là một công ty thương mại.
Lê Tùng đã tạt qua nhà để thay quần áo. Nhà chàng là một căn phòng ở lầu năm, trang trí diêm dúa, đồ đạc bừa bộn, chứng tỏ không có bàn tay đàn bà. Vừa đi vắng hai ngày mà chàng có cảm tưởng như xa nhà cả năm, vì ở đâu chàng cũng ngửi thấy mùi mốc meo, ở đâu chàng cũng thấy quần áo vứt bừa bãi, nồng nặc mùi mồ hôi và mùi rượu mạnh.
Chàng mở va-li chọn cái sơ mi trắng nhất. Ngần ngừ một lát, chàng lấy cái cà vạt đen để tạo ra một vẻ đứng đắn. Lê Tùng biết trước cái yếu nhân ở Sở sẽ không tiếc lời khiển trách chàng. Thất bại trong công việc thì khiển trách là thường, song lần này sự khiển trách sẽ lên tới độ cao nhất vì chàng đã cẩu thả để mất ba nhân viên ưu tú.
Đúng 9 giờ, Lê Tùng bước vào phòng đợi. Một nữ thư ký chàng không quen, mời chàng ngồi, và đưa tập báo tranh ảnh cho chàng đọc. Cầm tờ tạp chí, chàng chẳng thấy gì hết, thần trí chàng phiêu dạt tận nơi đâu. Cô thư ký cho chàng biết ông Hoàng mới về còn bận, chưa thể tiếp chàng, người thay mặt ông Hoàng là Văn Bình. Nghĩ đến khuôn mặt khắc khổ của Văn Bình, chàng rợn người, sửa lại nơ cà vạt.
Trong khi đó Văn Bình khoan thai rót uýt-ky trong phòng ông tổng giám đốc.
Xô tập hồ sơ sang một bên, ông Hoàng nói:
- Anh đọc hết hồ sơ chưa?
- Thưa rồi.
Văn Bình đứng dậy, ông Hoàng căn dặn:
- Anh phải dàn cảnh cho khéo. Tai mắt của họ ở đây không tầm thường đâu.
Văn Bình trầm mặc trở về văn phòng. Là người quen hoạt động, sát kề những nguy hiểm từng giây, từng phút, chàng cảm thấy tù túng khi bị gọi về tổng hành doanh sau chuyến công tác mỹ mãn ở Hà Nội, đối phó với Phan Mỹ và Kamốp (1). Song ông Hoàng muốn giữ chàng ở lại Sài Gòn một thời gian, với chức vụ tổng thanh tra của Sở. Phòng giấy tổng thanh tra là một căn phòng rộng bát ngát, tường quét vôi xanh lợt, bàn ghế và sa lông đều bằng sắt tròn và lợp nỉ. Một tấm thảm cói đắt tiền làm giảm tiếng giày lộp cộp trên nền xi măng. Trên tường, sau bàn buya-rô, chàng chỉ treo một tấm ảnh. Không phải ảnh của thủ tướng, ảnh ông bộ trưởng, hoặc ảnh ông Hoàng như ở trong những phòng khác, mà là ảnh thiếu nữ khỏa thân tuyệt đẹp, cắt trong tạp chí Playboy của Mỹ. Đứng trên tường, nàng ưỡn ngực nhìn chàng, đôi mắt xanh biếc, mái tóc dài xõa xuống bụng, cố tình phô bày bộ ngực tròn trịa, hồng hồng như thoa son. Nhân viên trong tổng hành doanh đều trợn mắt khi nhìn thấy tấm hình quái gở. Một viên chánh Sở đã báo cáo lên ông Hoàng, song ông tổng giám đốc chỉ mĩm cười:
- Tưởng gì, chứ chỉ có thế thì mặc Văn Bình. Đàn bà đẹp là thuốc trường sinh đối với những người quen sống nguy hiểm. Tôi không muốn nhân viên của tôi là ông thầy tu. Lịch sử cổ kim đã chứng nhận đàn bà là lẽ sống của muôn loài. Anh hùng như Nã Phá Luân và Hạng Võ cũng mê đàn bà...
Viên chánh sở phản đối:
- Thưa ông, Nã Phá Luân và Hạng Võ đều mất ngai vì đàn bà.
Chú thích:
(1) đã thuật trong Đêm cuối cùng của tử tội - sắp xuất bản
Ông Hoàng cười to:
- Ồ, anh muốn những người như Văn Bình phải ăn mừng thượng thọ hẳn? Anh lầm rồi... Anh làm việc trong văn phòng không thể hiểu được đời sống của anh em trong lòng địch. Những điệp viên tài ba chỉ sống quá 40 là cùng.
- Tại sao ông vẫn sống quá 60?
- Đó là vấn đề may rủi. Vả lại, thời tôi hoạt động, tình hình chưa nguy hiểm bằng bây giờ. Văn Bình làm việc với tôi, và tôi dùng Văn Bình được ngày nào hay ngày ấy, tôi không biết anh ta sẽ mất mạng khi nào, cho nên tôi không can thiệp vào đời tư của điệp viên dưới quyền. Vả lại, treo anh đàn bàn khỏa thân trong phòng giấy có gì là xấu? Tôi thử hỏi anh, anh tôi đẹp hay ảnh của đàn bà khỏa thân đẹp?
- Thưa...
- Nếu ảnh của đàn bà khỏa thân đẹp thì treo ảnh của ông già lụ khụ làm gì cho bẩn mắt. Từ nay, anh đừng nói đến chuyện này nữa. Tôi chỉ cần nhân viên của tôi can đảm, linh lợi, sẵn sàng chết cho đại cuộc, sẵn sàng ngậm miệng không khai khi bị bắt. Còn trong đời tư của họ, họ có một vợ hay nhiều vợ, họ mê gái hay đánh bạc, tùy họ.
Từ đấy, tấm hình chân dung người đẹp tóc vàng được treo chễm chệ trên đầu Văn Bình. Mỗi lần ngứa tay chân, chàng buông bút, quay lại chiêm ngưỡng mỹ nhân để nhớ lại cuộc đời tung hoành tạm thời bị gián đoạn.
Quỳnh Bích, nữ thư ký của chàng, cũng đẹp không thua người trong tranh. Có thể nàng còn đẹp hơn, với cặp mắt sâu như không có đáy, với cái áo quanh năm hở cổ như muốn lôi bộ ngực nguyên tử ra ngoài, với làn da trắng hồng, mát rượi trong mùa hạ, và ấm áp trong mùa đông.
Quỳnh Bích ngừng đánh máy khi Văn Bình mở cửa vào. Thấy vẻ mặt nghiêm nghị của chàng, nàng không dám nói đùa như thường lệ nữa. Buổi tối, Văn Bình hẹn đưa nàng vào Chợ Lớn ăn cơm, sau đó hai người sẽ đi nhảy tới sáng. Từ ngày về văn phòng, Văn Bình trở nên vui giận thất thường. Nhiều lúc chàng gắt như mắm, bất luận nàng làm gì cũng gắt, thậm chí chàng gắt vì nàng mặc áo màu trắng mà chàng cho là không đẹp bằng áo màu xanh. Nhưng khi chàng vui thì Quỳnh Bích không được đánh máy, hoặc đọc hồ sơ nữa. Chàng bắt nàng ngồi yên như tượng cẩm thạch cho chàng ngắm, rồi hôn lung tung vào trán, vào tóc, vào tay nàng. Anh em trong tổng hành doanh cho rằng Văn Bình chớm bệnh điên sau nhiều năm vật lộn với tử thần.
Riêng ông Hoàng biết chàng không điên. Chàng được đưa về chức vụ tổng thanh tra với một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Sứ mệnh này được ghi rõ trong tập hồ sơ tối mật mang số MA-15, cất trong tủ sắt đặc biệt của ông Hoàng. Két sắt này chỉ có một mình ông Hoàng biết cách mở, người lạ đụng vào sẽ chết vì những viên đạn xi-a-nuya bí mật, hoặc nếu cánh cửa dày 20 phân được mở ra thì toàn thể giấy tờ trong két sẽ tan thành cám trong khoảnh khắc.
Nhìn bộ ngực của Quỳnh Bích lồ lộ sau làn vải mỏng, Văn Bình mất hẳn nét mặt nghiêm nghị. Chàng cười với nàng:
- Gớm, em Bích đẹp quá!
Chàng ngồi xuống ghế, châm điếu Salem. Bỗng chàng hỏi:
- Có việc gì quan trọng không, cô Bích?
Nàng ngẩng đầu lên:
- Thưa anh, Lê Tùng đợi ở ngoài từ 9 giờ sáng.
- Bây giờ mấy giờ rồi?
- Thưa anh, 2 giờ trưa.
- Kệ hắn, cho hắn đợi tới chiều. Anh mời em đi ăn trưa, em bằng lòng không?
- Bằng lòng. Tối nay, anh cũng đưa em đi ăn. Em muốn về sớm, ra đường Tự Do làm lại cái đầu cho đẹp.
- Thế à? Nếu chiều nay em về sớm, anh sẽ giải quyết vụ Lê Tùng ngay bây giờ.
Quỳnh Bích đứng dậy, mở cửa sang phòng bên. Văn Bình nhìn theo nàng, trên môi nở nụ cười khó hiểu. Lê Tùng khép nép tiến vào. Văn Bình không thèm ngước đầu lên. Lê Tùng chào:
- Kính anh.
Văn Bình mở một tập hồ sơ màu vàng, giọng gay gắt:
- À, anh Lê Tùng. 307 bị giết rồi phải không?
Lê Tùng khựng người:
- Thưa anh, vâng. Ai báo tin anh biết nhanh thế?
- Hừ, đợi tin anh thì Sở tan nát. Tại sao 307 sa vào tay địch?
- Thưa anh, đúng chỉ thị, tôi chờ 307 ở địa điểm AQ-19 đã chỉ định. 307 đến chậm, và bị bắt ngay trước khi xuống sông, xuống bờ nam gặp tôi.
- Nghĩa là 307 chưa giao tài liệu cho anh?
- Thưa chưa.
- Tại sao anh không tìm cách giải vây cho 307?
- Tôi chỉ mang súng lục theo, quên mang tiểu liên. Vả lại, trời mưa lớn, tôi không nhìn thấy gì hết. Khi 307 bắn hỏa châu cấp cứu, tôi định sang sông thì muộn rồi. Địch còn bắn xối xả vào xe tôi, may thay tôi không trúng đạn.
- Tại sao 307 bị bắt?
- Thưa anh, tôi không biết.
- Hừ, anh là cấp chỉ huy của 307 mà không biết? Ba nhân viên giỏi bị sa lưới trong vòng một tháng, anh phải chịu hết trách nhiệm.
- Thưa anh...
- Đừng bào chữa vô ích. Anh đã biết hình phạt của Sở dành cho nhân viên bị lỗi nặng. Anh sẽ bị đưa ra Tòa.
- Tôi xin xung phong ra ngoài ấy để mở cuộc điều tra.
- Họ sẽ tóm anh sau khi anh vượt vĩ tuyến 17. Anh là người nghiện rượu nặng, thích đánh bạc lớn, mê gái đẹp, anh chưa có bản lãnh chống lại kỹ thuật cám dỗ của địch.
- Xin anh tin tôi. Xin anh cho tôi một cơ hội chót.
Văn Bình đập tay xuống bàn:
- Nếu không có sự can thiệp của tôi, ông Hoàng đã tống giam anh rồi. Dầu sao, tôi còn chút lòng thương anh nên đã đề nghị với ông Hoàng xin cho anh thoát khỏi ra Tòa, giữ anh làm việc trong tổng hành doanh. Tuy nhiên, tôi không thể giữ anh trong ban Hành động được nữa, anh sẽ được thuyên chuyển tới ban Tài chính.
Văn Bình quay lại cô thư ký:
- Phiền cô dẫn Lê Tùng tới ban Tài chính. Về công việc giao cho Lê Tùng, tôi sẽ ký văn thư sau.
Lê Tùng lắp bắp một lời cảm ơn:
- Thưa anh...
Văn Bình xua tay:
- Anh làm mất nhiều thời giờ quá. Tôi mong anh sửa lại nếp sống, đừng để bê tha, đừng cẩu thả như trước nữa. Thôi, chào anh.
Lê Tùng ra rồi, Văn Bình bấm nút điện thoại riêng gọi cho ông Hoàng. Tổng giám đốc hỏi:
- Xong chưa?
Văn Bình đáp:
- Thưa, xong rồi.
- Kết quả sao? Được 100% không?
- Có thể được.
Văn Bình nghe tiếng ông tổng giám đốc cười nhè nhẹ trong máy điện thoại. Ít khi ông Hoàng tự do bộc lộ tình cảm trước mặt nhân viên. Sở dĩ ông không cần giữ gìn vì Văn Bình được ông coi như con ruột, mặt khác cũng vì đường dây điện thoại được gắn dụng cụ an toàn, người ngoài không thể nghe trộm.
Ông Hoàng lại nói:
- Lên phòng tôi ngay.
Văn Bình đáp <<vâng>>, rồi gác ống nói xuống giá. Quỳnh Bích mở cửa vào, mĩm miệng cười âu yếm với chàng. Sau bao năm hoạt động, Văn Bình vẫn không già. Chàng vẫn giữ phong độ khoan thai của người đàn ông ba mươi, tuổi nảy nở của tình yêu, tuổi mà đàn bà yêu thích nhất.
Nàng nói:
- Anh hứa đưa em đi ăn cơm trưa và tối. Đừng quên đấy. Anh bỏ em đi với cô khác thì chết với em.
Văn Bình hôn vào tóc cô thư ký đa tình:
- Em đẹp như tiên nga giáng thế, họa là điên cuồng, anh mới bỏ rơi em.
Bảo là Quỳnh Bích đẹp như tiên nga giáng thế có vẻ hơi ngoa, song trên thực tế, tiên nga của thế kỷ 20 cũng đẹp đến thế là cùng. Sắc đẹp của nàng là sự pha trộn của cái ẻo lả Á Đông cổ kính và cái sỗ sàng Tây phương tân tiến.
Trông nàng, ai cũng tưởng tượng tới cây liễu. Thật vậy, thân hình nàng mảnh dẻ như cây liễu. Nàng ưa mặc áo màu trắng, tóc nàng lại đen nhánh phủ xuống quá vai, tạo cho nàng một vẻ đẹp buồn buồn sâu xa. Cổ nàng gầy và cao, mặt nàng trắng hồng, tuy hơi dài. Mắt, mũi, trán, lông mày đều phảng phất vẻ đẹp mỹ nữ của thế kỹ trước.
Dường như tạo hóa đã có định kiến rõ ràng, khi nặn cho nàng một tấm thân mảnh mai. Vì những thớ thịt ở tay, chân và bụng đã được tạo hóa mang ra chỗ khác, đắp thành cái mông tròn và bộ ngực tròn. Người nàng gầy nên bộ ngực 90 phân trở thành vĩ đại, một sự vĩ đại đầy thèm muốn và ghen tị. Khi nàng bước qua, người đàn ông nào cũng ngoảnh mặt trầm trồ. Tuy nhiên, những lời ca tụng đều bị tắt nghẹn ở cổ họng. Nhan sắc khêu gợi của Quỳnh Bích làm đàn ông khản tiếng và quáng mắt.
Nghe Văn Bình khen, nàng nhún vai - đôi vai nhỏ nhưng tròn tròn, xinh xắn:
- Thôi, anh đừng nịnh đầm nữa. Anh đã hẹn đi ăn với em một lần rồi lại quên bẵng. Lần này, em không dễ dãi với anh nữa đâu. Em ra phố làm tóc, sửa móng tay, rồi lấy cái áo bằng kim tuyến mới ở tiệm may. Em sẽ đau khổ suốt đời nếu đêm nay anh còn quên nữa.
Văn Bình lắc đầu:
- Anh không quên nữa đâu.
Văn Bình hôn gửi nàng rồi ra thang máy trở lên phòng ông Hoàng. Qua phòng đợi, chàng đưa tay vẫy ba thiếu nữ đẹp như hằng nga ngồi sau quầy. Cả ba đều chào chàng, vẻ mặt thân mến. Văn Bình đã chiếm được cảm tình của các nữ nhân viên Biệt vụ, một ban hoạt động vừa được thành lập, gồm toàn phụ nữ trẻ tuổi, học thức rộng, được huấn luyện đầy đủ về chuyên môn tình báo và nhu đạo tự vệ.
Nguyên Hương không ngẩng đầu lên khi chàng bước vào phòng nàng. Cô thư ký khả ái của ông tổng giám đốc, và cũng là người yêu không hy vọng cưới của Văn Bình, đang cắm cúi trên bàn máy chữ IBM, tiếng kêu sành sạch. Nàng vẫn có thói quen hờn giận đối với chàng. Mọi lần, khi qua phòng nàng, chàng thường dừng lại vài ba phút, tặng nàng một cái hôn đắm đuối lên môi, cho nàng nguôi cơn ghen bóng gió. Nhưng lần này, chàng đi thẳng.
Xuống nước Nguyên Hương gọi chàng:
- Văn Bình.
Chàng quay lại:
- Em.
- Anh mắc bệnh cận thị từ bao giờ?
- Đâu. Mắt anh vẫn sáng như đèn pha xe hơi.
- Tại sao anh không nhìn thấy em?
- Có. Song thấy em bận, anh không dám quấy rầy.
- Anh có thấy cái áo màu hồ thủy em mới may không?
- Có.
- Đẹp không anh?
- Đẹp.
- Còn mái tóc của em, em mới sấy xong ngoài tiệm. Đẹp không anh?
- Đẹp.
Mặt Nguyên Hương đang tươi cười, bỗng cau lại. Bỗng nàng đứng vụt dậy, nắm lấy sấp giấy trên máy, xé toạc làm nhiều mảnh, rồi vứt xuống đất, bưng mặt khóc rưng rức.
Khi ấy, Văn Bình sực nhớ chàng đã quá tàn nhẫn với nàng. Nàng may áo mới vì chàng, sấy tóc mới vì chàng. Đàn ông vô tình không nhận ra những cử chỉ ý nhị của đàn bà.
Chàng vuốt tóc nàng:
- Anh xin lỗi em.
Nàng đấm thùm thụp vào vai chàng, giọng ướt nhè nước mắt:
- Thôi, anh đừng xạo nữa. Em đã biết anh quá rồi. Anh còn nhớ đêm nằm tù trong xà lim quận 3 không? (1) Tối nay, anh còn đi ăn với Quỳnh Bích thì tan xác với em.
Văn Bình tái mặt:
- Em thừa biết là anh không yêu Quỳnh Bích. Anh gần nàng với một mục đích khác.
- Hừ, anh định nói rằng anh yêu nàng là theo mệnh lệnh của ông Hoàng phải không?
- Đúng thế.
- Ông Hoàng ra lệnh, nhưng em cấm đoán.
- Em không phải là tổng giám đốc.
- Nhưng em lại có quyền hơn cả bộ trưởng, thủ tướng. Đàn bà muốn là Trời muốn, anh không biết ư?
- Biết. Anh sợ em rồi.
- Được. Em cho phép anh vào văn phòng ông Hoàng. Lát nữa, anh phải bãi bỏ vụ đi ăn tối nay với Quỳnh Bích.
Ông tổng giám đốc nhìn chàng bằng cặp mắt đầy ý nghĩa khi chàng lặng lẽ bước vào phòng.
Chưa ngồi yên vị, Văn Bình đã nói:
- Thưa, ông đã nghe câu chuyện giữa cô Nguyên Hương và tôi?
- Phải. Tôi được nghe hết.
- Tại sao ông không ra lệnh đóng ống kính vô tuyến truyền hình trong phòng tôi lại? Việc gì xảy ra trong phòng cũng được thu hình, cô Nguyên Hương đều biết.
- Ồ, đó là một phần của kế hoạch.
- Nguyên Hương không biết nội dung việc làm của tôi ư?
- Không.
- Nghĩa là ông muốn nàng nghe trộm những chuyện xảy ra trong văn phòng tôi rồi ghen tuông?
- Phải, đó là một phần của kế hoạch.
- Trời ơi, ông tàn nhẫn quá! Ông không biết Nguyên Hương có thể ghen đến chết được sao?
- Trên đời, chưa ai ghen mà chết được cả. Vả lại, trong nghề tình báo, đàn bà đã ghen là vô dụng. Nhưng thôi, tôi chỉ cần vở kịch kéo dài vài ba ngày thôi.
- Thưa, ông kêu tôi lên có chuyện gì?
Ông Hoàng lẳng lặng đứng dậy, tiến lại tủ sắt. Két này là một thành công phi thường của kỹ nghệ kim khí Tây Đức. Ông Hoàng bấm một cái nút bí mật, tường bê tông nứt ra, để lộ một tấm cửa bằng thép dày hai mươi phân, sơn xanh lá cây.
Ông Hoàng tra chìa khóa vào ổ. Cánh cửa được mở bằng điện, từ từ dạt sang một phía. Ông Hoàng phải mở cánh cửa thứ nhì bằng chìa khóa khác.
Tất cả kỹ thuật tân tiến của Đức quốc cũng được thu gói vào cánh cửa thứ ba cũng bằng thép riêng.
Trên cửa có một ống kính lớn bằng hộp thuốc lá 79. Đó là ống chụp hình điện tử, người nào mở được hai tấm cửa đầu tiên sẽ được thu hình và hình này được truyền vào bộ óc điện tử có một trí nhớ siêu phàm.
Bộ óc này có thể nhớ mặt toàn thể nhân viên bí mật và công khai của Sở Mật vụ do ông Hoàng điều khiển. Nếu là người lạ thì những viên đạn xi-a-nuya sẽ bay ra, giết chết trong chớp mắt. Còn nếu là nhân viên của Sở thì tủ sắt sẽ rú lên một hồi còi thảm thiết, nghe muốn đứng tim, và ngã ngửa.
Hồi còi này đánh thức hệ thống báo động tin vi trong tổng hành doanh. Nhân viên an ninh dưới hầm sẽ ấn nút điện, đóng hết cửa ra vào bằng những tấm thép nặng ba tấn. Sau đó, một làn khói thơm thơm từ trên trần tỏa xuống, trong ba chục giây, tràn ngập văn phòng ông tổng giám đốc.
Làn khói này làm người ngửi bị hoàn toàn tê liệt, tuy không thiệt mạng. Nhân viên an ninh chỉ cần đeo mặt nạ phòng hơi ngạt vào phòng mang kẻ lạ đi.
Cánh cửa thứ ba chỉ chịu mở ra nếu bộ óc điện tử nhận đúng người mở là ông Hoàng. Ngoài ông Hoàng ra còn có ba người khác được mở: bác sĩ Triệu Dung - người được chọn để kế vị ông Hoàng nếu ông mệnh một, cô thư ký thân tín Nguyên Hương và Văn Bình tức Z-28. Tuy nhiên, ba người này chỉ có thể mở tủ két nếu ông Hoàng cho phép, nghĩa là nếu ông Hoàng mở một cái khóa riêng, giấu trong ngăn kéo bàn giấy của ông.
Chìa khóa vừa tra vào ổ, bộ óc điện tử đã nhận diện được chủ nhân. Cánh cửa nặng chình chịch mở vào bên trong.
Bên trong là một căn phòng lớn tương tự như nhà hầm cất vàng và báu vật của các ngân hàng lớn. Một máy điều hòa không khí hút hơi nóng và hơi ẩm ra ngoài, khiến căn phòng mát rượi.
Ông Hoàng lại ngăn MA-15, mở nút khóa chữ. Kê sát tường, và chôn sâu xuống sàn bê tông là 500 cái ngăn như thế, ngăn nào cũng mang số ở ngoài. Ngăn MA-15, đựng hồ sơ tối mật, liên quan đến công việc Văn Bình đang làm.
Ông Hoàng đem hồ sơ lại bàn, bật đèn lên, nói với Văn Bình:
- Anh mới đọc được một nửa. Còn nửa khác, anh cần đọc nốt. Anh chỉ đọc 5 phút là xong.
Văn Bình châm điếu Salem, khoan thai giở tập tài liệu đánh máy.
Trên đầu trang có chữ MA-15 bằng mực đỏ, bên cạnh có cái dấu <<Tối mật>>, và dòng chữ lớn: chỉ được nghiên cứu trong văn phòng tổng giám đốc, không được mang ra ngoài.
Văn Bình để ý đến một bức ảnh quen thuộc, và nhẩm đọc bản tướng mạo căn cước như sau:
<<Tên thật : Lữ Thị Mộng Hoài>>
<<Ngày và nơi sinh : ngày 5-8-19... tại thị xã Thanh hóa, Trung phần Việt nam, hiện do cộng sản kiểm soát.
<<Cha mẹ : Tên cha là Lữ minh Mẫn (mất), mẹ là Đặng thị Phúc, còn sống, và ở tại thị xã Thanh hóa.
<<Học lực : Tú tài toàn phần. Sinh viên Văn khoa năm thứ 2. Cao 1th57, thường đi giày cao gót 11 phân nên cao tới 1th68, chưa kể tóc.
<<Nặng 44 kilô, vòng ngực 95 phân, vòng mông 95 phân, vòng bụng 54 phân.
<<Giọng hát rất hay, từng đoạt phần thưởng trong nhiều cuộc thi hát ở Sài gòn.
<<Chơi được nhiều loại đàn, đặc biệt là dương cầm
<<Dấu tích đặc biệt : một nốt ruồi son, đường kính 2 li ở vú bên trái, ngay gần núm.
<<Ngoài ra còn một cái thẹo hình thoi, nhỏ bằng đầu ngón tay út, ở sau lưng, gần đốt xương sống thứ 16. Vết thẹo này do hồi nhỏ trèo cây bị té ngã mà ra.
<<Đặc tính : sống cuộc đời tình cảm, thích yêu mây gió, ham phiêu lưu nên gia nhập nhóm Biệt vụ. Dễ bị lung lạc bởi người đàn ông nào đẹp trai, có tài, ăn nói duyên dáng, <<và giàu kinh nghiệm trên tình trường.
<<Phụ chú : Sau hiệp định Giơ-neo, gia đình chuẩn bị di cư vào Nam, nàng còn nhỏ nên được giao cho một người chú, tiện phi cơ vào Sài gòn trước, còn gia đình xuống tàu <<thủy sau. Việc di cư hoãn lại vì cha nàng đột nhiên đau nặng rồi từ trần.
<<Vào phút chót, gia đình nàng đành phải ở lại thị xã Thanh hóa vì các đường ra Bắc, liên lạc với Ủy hội Quốc tế đều bị chặn lại.
<<Vào trong Nam, nàng ở với gia đình người chú. Đứa con trai lớn của người chú nhăng nhích với nàng, nàng cự tuyệt. Sau đó, nàng phải ra khỏi nhà, kiếm ăn một mình.
<<Nhờ sắc đẹp, nàng xin vào làm thư ký cho hãng buôn Cao vân, số..., đại lộ Trần hưng Đạo. Được ít lâu, viên chủ hãng đưa nàng lên làm việc trong văn phòng. Rồi viên chủ <<hãng tỏ tình với nàng. Nàng cự tuyệt rồi bỏ sở làm.
<<Do sự giới thiệu của Thu Thu, nàng được tuyển nạp vào sở Mật vụ, và tham dự khóa huấn luyện điệp viên Biệt vụ. Tốt nghiệp hạng trung bình.
<<Lời phê quan trọng của Ban nghiên cứu: Gián điệp Bắc việt đã phăng ra nàng, và lập kế hoạch đưa nàng vào tổ chức. Nàng phản đối kịch liệt, và dự <<định báo tin cho thượng cấp, song địch đe dọa thủ tiêu mẹ nàng ở Thanh hóa. Hiện mẹ nàng đang nuôi một đàn con 8 đứa trong vùng cộng sản, nàng là <<con cả. Vì thương mẹ, thương các em, nàng đã sa vào cạm bẫy của địch.
<<Vụ này đã được báo cáo bằng văn thư lên ông tổng giám đốc, nhưng ông tổng giám đốc đã ra lệnh riêng xếp lại.
<<Căn cứ vào tin tức thu lượm được, nàng vẫn tiếp tục liên lạc với gián điệp địch ơ Sài gòn.
<<Cuộc tiếp xúc mới nhất giữa nàng với gián điệp địch diễn ra ngày 3-5 vừa qua.
Văn Bình ngẩn nhìn ông Hoàng:
- Thưa, nghĩa là nàng mới gặp gián điệp địch cách đây một tháng.
Ông Hoàng gật đầu:
- Phải, một tháng. Lệ thường, họ gặp nhau mỗi tháng một lần. Tôi đã cho Lê Diệp nghiên cứu kỹ : ngày gặp là tối thứ bảy đầu tháng.
- Hôm nay là thứ bảy đầu tháng.
- Nghĩa là tối nay nàng sẽ gặp lại nhân viên địch. Từ trước đến nay, anh quen làm những việc cần đến khí giới, và bộ óc đa mưu túc kế. Lần này, tôi giao anh một công việc vô cùng nhàn hạ. Tuy nhiên, chỉ có anh mới làm nổi. Vì anh có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với đàn bà. Tôi tin anh thành công. Nếu anh thất bại, cơ sở lớn lao của ta ngoài đó sẽ sụp đổ trong một thời gian ngắn.
Văn Bình đứng dậy, sửa soạn cáo từ. Ông Hoàng giữ chàng lại:
- À, còn quên cái này nữa.
Ông Hoàng đưa tận tay chàng một cái gói lớn.
- Hai trăm ngàn. Nghe nói anh không còn đồng nào từ hai hôm nay, tôi phải lo đầy đủ cho anh.
Nhận gói tiền, chàng run lên vì cảm động. Quả từ hai hôm nay, chàng không còn một xu dính túi. Bộ âu phục mới may còn gởi ở đường Tự do chưa có tiền lấy. Số lương hàng tháng Sở Mật vụ trả cho chàng, trên căn bản lương đại tá, thêm phụ cấp chức vụ và công tác nguy hiểm, không đủ cho chàng tiêu pha một đêm bên cạnh đống vỏ chai sâm banh thượng hạng và một tá mỹ nhân thượng lưu. Song chàng vẫn có tiền hoang phí. Tiền này không nằm trong ngân sách quốc gia, vì hàng năm Sở chỉ được cấp vài ba chục triệu. Mỗi khi thiếu tiền, ông Hoàng đều nhờ Văn Bình.
Cách đây không lâu, chàng ra Hà nội bắt cóc nhà bác học nguyên tử xô viết Bilatốp. Sau đó, ông Hoàng đem trả Bilatốp cho chính phủ Nga xô, lấy hai chục triệu mỹ kim. Hai chục triệu đô la tính ra bạc Việt nam là hơn hai ngàn triệu đồng... Và đó mới là một trong nhiều vụ.
Dầu kiếm được nhiều tiền, Văn Bình không bao giờ tơ hào một xu. Ông Hoàng cho bao nhiêu, chàng nhận bấy nhiêu, không xin thêm, tuy nhiên ông Hoàng luôn quan đến sự tiêu pha của chàng điệp viên tài ba và ham chơi.
Chàng nói:
- Thưa ông, tôi nghe nói, mật quỹ sắp hết tiền rồi.
Ông Hoàng nhấc đôi kính cận thị dày cộp:
- Ai cho anh biết?
- Triệu Dung.
- Đúng. Tôi chỉ còn 5 triệu đồng nữa thôi. Hết món tiền này, không biết lấy đâu ra để cấp dưỡng cho mấy trăm cơ sở trên toàn thế giới. Ngân sách của Sở năm nay, bộ Quốc phòng và bộ Nội vụ chỉ dành cho ba chục triệu. Với ba chục triệu, tôi chưa đủ trả lương một ngày cho nhân viên.
- Sao ông không thúc giục Thủ tướng chính thức hóa Sở Mật vụ?
- Việc này được bàn luận nhiều lần, song chưa đi đến đâu. Vả lại, dầu được chính thức hóa cũng không đào đâu ra tiền. Mình là xứ chậm tiến, đến tiền mua gạo, tiền may quần áo, còn chưa đủ, thì làm gì có tiền làm tình báo. Theo ý tôi, cứ bí mật như thế này mà hơn: trên thế giới, Sở tình báo Anh quốc đạt được thành tích phi thường nhờ được bí mật. Là người ở trong nghề, anh vẫn chưa biết Sở tình báo Anh quốc hàng năm tiêu bao nhiêu tiền, nhân viên gồm bao nhiêu người và gồm những ai. Bí mật có cái lợi là ai muốn hiểu ra sao tùy ý: Sở của ta có thể được gọi là Sở Mật vụ, Tổng Nha Tình báo, Cục Phản gián, ta chẳng cần quan tâm đến.
- Thưa ông, lại có cái phiền....
- Dĩ nhiên, trời có mưa tất có nắng, có lợi tất phải có hại. Cái hại ta thường gặp là nhân viên chẳng may bị bắt, ta không thể chính thức can thiệp được. Âu cũng là may rủi nghề nghiệp. Và có lẽ cũng vì sự phiền toái này mà tôi thích dùng những người như anh.
- Cám ơn ông tổng giám đốc.
- Ồ, từ hơn mười năm nay, lần đầu tôi được anh gọi là tổng giám đốc.
Văn Bình cả cười. Ông Hoàng cũng cười.
Mặc xong cái áo dài kim tuyến óng ánh, Quỳnh Bích lại cởi ra ném xuống ghế, dáng điệu hằn học. Nàng đã dặn thợ may làm cổ cao để thích hợp với cái cổ trắng toát của nàng, hắn lại quên làm cổ thấp cho đúng thời trang.
Nhìn trong gương - cái gương cao bằng đầu người, mua từ bên Pháp gởi sang - nàng bỗng ghét cái áo kim tuyến thậm tệ. Đành rằng áo may rất khít, nâng cao bộ ngực vĩ đại của nàng trên cái eo mỏng dính, nàng không thích những sợi kim tuyến óng ánh, tạo cho nàng một vẻ đẹp diêm dúa, giả dối, giống như nữ diễn viên trên sân khấu cải lương.
Đi với Văn Bình, nàng muốn phô bày một vẻ đẹp giản dị và thành thật. Nghĩ vậy, nàng bèn lục tủ lấy ra bộ áo đầm màu xanh nhạt. Có lần nàng mặt áo trắng đi làm, chàng đã nhăn mặt, trách nàng sao không mặt màu xanh.
Bộ xiêm y này, nàng may theo một trong những kiểu mới nhất ở Ba lê. Bề ngoài trông tầm thường, song hàng may rất đắt tiền. Riêng công may, nàng phải trả tới ba ngàn.
Trù trừ một lát, nàng dốc lên tóc nửa lọ nước hoa Vent-Vert. Mùi thơm của Vent-Vert không làm ngạt mũi đàn ông, trái lại hòa với da thịt biến thành một mùi lạ lùng.
Tô lại môi son, Quỳnh Bích ẻo lả ra cửa, xuống thang máy. Nàng thuê một căn phòng sang trọng trong bin-đinh Mạc đỉnh Chi, phía sau bệnh viện Đồn Đất.
Ra đến thang máy, nàng gặp một người ngoại kiều cao lớn, mặc vét-tông trịnh trọng, đứng đợi. Thang máy lên, người ấy nghiêng mình, mời nàng vào. Nhận ra người ấy cũng ở trong bin-đinh, Quỳnh Bích mĩm cười cảm ơn. Người ấy khen ngợi:
- Cô đẹp quá.
Nàng đứng vào góc, trống ngực đập thình thịch. Không phải lần đầu trong đời, nàng được đàn ông tán tụng, song lần này nàng có cảm tưởng như có sự đổi mới khác thường. Phục sức giản dị, nàng đẹp hơn là ăn mặc sang trọng. Chắc hẳn Văn Bình sẽ hài lòng.
Gã đàn ông hỏi nàng:
- Xin lỗi, cô đi đâu?
Nàng đáp:
- Tôi có việc trong Chợ lớn.
- Mời cô đi cùng xe với tôi, tôi cũng vào trong đó.
- Cảm ơn ông. Bạn tôi đang chờ ở dưới.
Gã ngoại kiều mở cửa, nhường nàng ra trước. Văn Bình đúng hẹn thật. Chàng đến vừa vặn, không nhanh cũng không chậm một phút. Gã ngoại kiều đã cao, đã đẹp, chàng còn cao, còn đẹp hơn. Nhìn cách ăn mặc của chàng, ai cũng lầm là tài tử màn bạc. Bộ âu phục bằng lục Ý đại lợi may chật, làm nổi đôi vai tròn và thân hình lực lưỡng. Sơ mi của chàng bằng lục Ý. Đôi giày mũi nhọn cũng bằng da Ý. Màu xanh của cà vạt hòa hợp với màu trắng của sơ mi, và màu xám của vét-tông.
Gặp chàng, gã ngoại kiều đon đả:
- Chào ông. Ông tốt số quá.
Quỳnh Bích vội giới thiệu:
- Giới thiệu anh, đây là ông bạn cùng tầng với em ở bin-đinh. Ông này làm việc trong tòa Tổng Lãnh sự Pháp. Và thưa ông, đây là...
Văn Bình đỡ lời:
- Tôi là Văn Bình. Nhân viên Sở Mật vụ.
Gã ngoại kiều giật mình:
- À, ra ông là Văn Bình. Đứng trước núi Thái sơn mà tôi không biết. Xin ông tha lỗi.
Văn Bình cười:
- Ông cứ dậy.
Quỳnh Bích khoát tay chàng, và hai người ra xe hơi. Nhìn chiếc Corvette dài ngoằn, sơn trắng, bóng không chút gợn. Quỳnh Bích ngây người ra ngắm:
- Trời, anh có cái xe đẹp quá. Anh sắm bao giờ thế?
Chàng nhún vai:
- Ông Hoàng vừa biếu anh sau chuyến công tác Hà nội về. Này em, thằng cha nào theo em xuống thang máy thế?
- Em không biết tên. Hắn ở cách em ba phòng. Em ở Sở về, hắn cũng ra nhìn, em đi hắn cũng nhìn theo. Thậm chí em ra thang máy, hắn cũng đưa em xuống một cách chu đáo, và trung thành như sợ cọp ăn thịt mất em.
- Anh là cọp dữ, em không biết sao?
- Em hy vọng sẽ được anh ăn thịt. Chỉ sợ anh vờn chơi rồi vứt em một xó thôi.
Chiếc Corvette rú lên nhè nhẹ, rồi loáng một cái biến vào bóng tối sau tòa đại sứ Anh. Ngồi sát chàng, Quỳnh Bích liên miên nghĩ tới những người đàn ông háo sắc chạy theo nàng như bóng với hình mà nàng đều cự tuyệt. Gã ngoại kiều kia cũng là một trong hàng chục người đàn ông dại gái bị nàng bỏ rơi một cách tàn nhẫn.
Thật ra, Quỳnh Bích đã lầm.
Gã ngoại kiều mặc áo quần trịnh trọng đợi nàng ngoài thang máy không phải là kẻ dại gái ngu xuẩn.
Hắn theo nàng, chờ nàng vì được lệnh làm như vậy. Sở dĩ hắn xuống nhà dưới, bắt tay Văn Bình vì muốn biết rõ người bạn đi với nàng đêm nay là ai. Và chiếc máy ảnh nhỏ xíu, mà ống kính là cây kim cà-vạt tí hon, chụp không cần đèn, đã thu được hình Văn Bình.
Chờ hai người đi khuất, hắn mĩm cười bí mật, trèo cầu thang đáng ganitô vàng lên phòng.
Hắn khóa cửa, cài then lại cẩn thận, rồi vào buồng tắm. Cửa buồng tắm cũng được hắn khóa chặt. Hắn mở một cái hộp đựng dụng cụ rửa phim và in hình, đoạn tắt đèn nê-ông, mở ngọn đèn đỏ, lúi húi tháo cuộn phim tí hon ra khỏi máy.
10 phút sau, miếng phim có hình Văn Bình được rửa xong. Hắn sấy khô, đoạn gói phim vào tờ giấy bạc, cuộn tròn, bỏ vào cái hộp thiếc nhỏ.
Xong xuôi, hắn huýt sáo miệng, nhảy ba bực một xuống gác. Xe của hắn là một chiếc Cortina sơn đen xinh xắn. Hắn phóng như bay vào Chợ lớn.
Dọc đường Hồng thập tự, hắn luôn luôn nhìn vào kính chiếu hậu.
Không thấy ai hắn quẹo vào đại lộ Trần hưng đạo, rồi dừng xe trước một quán giải khát. Vào quán, hắn uống một chai la ve 33 pha với đường.
5 phút sau, hắn lại ra xe, chậm rãi lái về Sài gòn. Đến trước rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi, hắn đậu xe, ngồi trước vô-lăng một lát. Nhìn đồng hồ đúng 8g35', hắn xuống xe, mua vé vào rạp chiếu bóng.
Hắn chọn hàng ghế cuối cùng không có khán giả, ngồi xuống. Liền khi đó một người đàn ông mặc sơ mi ngắn tay, bỏ ngoài quần, để râu mép, đạo mạo vén màn cửa vào rạp.
Người này ngồi xuống bên cạnh gả ngoại kiều. Giả vờ hút thuốc, gả ngoại kiều quay sang bên, mượn bao diêm. Dưới ánh lửa, hắn nhận ra nét mặt của người lạ.
Lúc trả bao diêm, hắn kèm luôn cái hộp dèn dẹt đựng miếng phim tí hon.
Người lạ ngồi thêm 5 phút rồi lẳng lặng ra ngoài. Gả ngoại kiều nhìn đồng hồ. 15 phút sau, đến lượt hắn đứng dậy. Ra tới ngoài cửa, hắn nán lại mua gói thuốc Camel. Tuy bao thuốc trong túi hắn còn đầy, hắn vẫn mua thêm, để lợi dụng cơ hội quan sát chung quanh.
Đến khi biết chắc không bị theo, gã ngoại kiều mới rảo lại nhà hàng Quốc tế, trèo lên lầu.
Thần khẩu đang thúc giục. Hắn cần gọi một bữa ăn thịnh soạn kèm thêm chai sâm banh để tạm quên những giây phút căng thẳng đã qua. Máy lạnh trong tiệm ăn sang trọng làm hắn dễ chịu. Ngồi cắn hạt dưa, nghe cô ca sĩ có mái tóc dài đen nhánh, lòa xòa trên bộ ngực khêu gợi - hắn chỉ nghe âm thanh khích động của bộ ngực nhảy múa mà không nghe giọng hát trầm trầm - hắn lẩm bẩm một mình:
- Hừ, lão Hoàng! Lão Hoàng ngu thật. Lão Hoàng có mắt cũng như mù. Mình hoạt động công khai trên đại lộ Lê lợi mà lão chẳng biết gì hết.
Chai rum dầm đá vụn được mang đến trên cái khay bạc. Trên môi gã ngoại kiều nở một nụ cười kiêu hãnh.
***
Thật ra, ông Hoàng không ngu, không mù như gã ngoại kiều kiêu hãnh tưởng lầm.
Trước khi gã ngoại kiều vào rạp xi-nê Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi, ông Hoàng đã ngồi bên đống hồ sơ dày cộm và cái máy liên lạc siêu tần số tối tân trong văn phòng. Từ trưa đến giờ, ông chưa ăn cơm. Ông thường quên ăn mỗi khi có công việc quan trọng.
Tiếng báo cáo trong máy vẳng ra:
- A lô, Thanh long xin báo cáo với Bạch xà... Hắn đã trao tài liệu cho nhân viên của địch. Hắn vẫn đinh ninh ta không biết gì hết. Nhân viên liên lạc vừa rời rạp chiếu bóng. Xin Bạch xà cho biết chỉ thị. Có cần cho người theo dõi hắn nữa không?
Ông Hoàng đáp:
- Không cần. Nhiệm vụ của hắn tạm hết rồi, theo hắn vô ích. Yêu cầu anh đích thân theo sau én liên lạc.
Lê Diệp - phải, người báo cáo với ông Hoàng và tự xưng là Thanh long là Lê Diệp, nói tiếp:
- Thưa, tôi đã chụp hình tên liên lạc bằng máy ảnh hồng ngoại tuyến. Bây giờ, tôi đi đây. Hắn lái xe hơi Mỹ, kiểu Chevrolet đời 1954, sơn vàng nhạt, bảng số ngoại giao đoàn NT... có lẽ là số giả, cọc radio giữa thùng xe phía sau, bánh hông trắng, bánh trước bên trái không có mâm.
- Được, tôi đã ghi âm lời anh báo cáo. Lát nữa, anh về Sở gặp tôi. Văn Bình cần bàn chuyện với anh, trước khi tiến hành công tác.
Tắt máy, ông Hoàng đứng dậy. Nguyên Hương đã túc trực một bên với phích cà phê đặc sệt như hắc ín. Ông tổng giám đốc nhắp tách cà phê và cắt điếu xì-gà Havana.
***
Trong khi ấy, Văn Bình đã uống hết ly uýt-ky thứ 6 tại nhà hàng Mỹ Cảnh.
Càng uống rượu, chàng càng tỉnh ra, mặt hồng hào, nụ cười thêm duyên dáng, và cặp mắt thêm quyến rũ. Quỳnh Bích ngồi đối diện, mỗi khi thêm nàng cúi xuống, cái cổ áo chữ V là trễ ra, bắt mọi người phải nhìn vào.
Gió sông thổi mạnh vào nhà hàng nổi trên sông Sài gòn. Tuy vậy, Văn Bình vẫn ngửi thấy mùi nước hoa Vent-Vert từ ngực nàng tỏa ra, pha lẫn mùi da thịt thanh tân kỳ thú. Chàng ngồi yên ngắm nàng. Đã lâu, chàng chưa có dịp nghĩ ngơi, khoát tay một cô gái tuyệt đẹp, vào Mỹ Cảnh để hưởng gió mát và ngắm cảnh sông nước ban đêm dưới bầu trời láng mượt như nhung.
Nhất là đêm nay, một đêm đầy trăng.
Vừa ăn, Văn Bình vừa kể cho nàng nghe cuộc đời phiêu bạc của chàng, từ ngày gia nhập hàng ngũ quân báo O.S.S của Mỹ, tới những chuyến tung hoành sau bức màn sắt.
Quỳnh Bích ngắt lời:
- Em xấu số quá nên bây giờ mới gặp anh, và được anh để ý. Từ trước đến nay, anh có bao nhiêu người yêu rồi.
- Người yêu ấy à? Anh cũng không biết nữa. Vì thật ra, anh có một quan niệm hơi đặc biệt về tình yêu. Theo em, tình yêu là thế nào?
- Em không hiểu. Em quan niệm có hai thứ: tình yêu chân chính và tình yêu bậy bạ. Yêu một người, lấy người đó là tình yêu chân chính.
Văn Bình cười lớn:
- Còn yêu lung tung, yêu rồi quên đi là bậy bạ, phải không em?
Quỳnh Bích lặng thinh, mân mê tấm khăn trải bàn bằng vải trắng. Văn Bình tiếp:
- Em nói đúng. Yêu lung tung, yêu rồi quên đi là bậy bạ. Anh cũng biết thế, và nhiều lần anh định bỏ nghề để quay về cuộc đời bình thường, làm người công chức sáng vác ô đi tối vác về, và lấy một người đàn bà ngoan ngoãn, biết nấu cơm dẻo canh ngọt, biết nuôi con, làm vợ. Nhưng...
- Anh làm công chức sao được?
- Em lầm rồi. Anh có thể thành một công chức tốt.
- Dầu anh muốn làm nghề cạo giấy, ông Hoàng cũng không cho, và riêng em, em cũng không cho.
- Vì sao?
- Vì đất nước đang đau khổ, cuộc chiến tranh trong bóng tối đang tới giai đoạn khốc liệt, tổ quốc còn cần những người tài ba xuất chúng như anh.
Văn Bình thở dài:
- Em thấy chưa. Tự em đã mâu thuẫn với em rồi. Chỉ có những người sống bình lặng, sống căn cơ mới yêu chân chính được như em nói. Giả sử, em làm vợ anh, một vài tuần sau em sẽ chán liền. Nhiều người vợ bác sĩ đã buồn bã khi thấy nửa đêm đang hú hí với chồng, bị điện thoại gọi gấp, chồng phải mặc quần áo ra bệnh viện đỡ đẻ, hoặc mổ xẻ cấp cứu. Cái phiền phức của nghề thầy thuốc chỉ là phần nhỏ nếu so sánh với nghề tình báo hành động.
Ban đêm bị lôi dậy là thường. Ông thầy thuốc bị đánh thức để ra bệnh viện đến sáng sẽ được về. Còn người sĩ quan gián điệp ra đi, không biết bao giờ về, và có về hay không. Trong thế chiến thứ hai, đã có một số điệp viên bị tống lên phi cơ giữa đêm tân hôn, chưa kịp vào phòng hợp cẩn, và một số phụ nữ đã trở thành vợ góa mặc dầu chưa thành thân với chồng.
Em đã nghe chuyện Abel và Lonsdale (1) chưa? Hai người phải xa vợ trong 10 năm trời, 10 năm đằng đẵng.
Bổn phận người đàn ông có vợ là phải chăm sóc cho vợ con. Nếu không săn sóc được thì đừng lập gia đình. Anh đã chọn nghề tình báo hành động, anh phải sống độc thân, không dám yêu ai hết.
- Tại sao anh còn hứa hẹn?
- Dầu sao anh vẫn là con người, con người với tất cả những sự kém cỏi của nó trước sự cám dỗ. Trong phút mềm yếu, anh thấy tình yêu là cần, nên đã hứa hẹn này nọ. Nhưng rồi bổn phận lại mạnh hơn... Do đó, anh trở nên tàn nhẫn và vội vàng. Gặp người đàn bà nào hợp tính tình, anh nói thẳng là anh yêu họ, song chỉ yêu mà không lấy được làm vợ. Và chỉ yêu nhau trong một giờ đồng hồ, hoặc trong một đêm mà thôi, rồi hôm sau mỗi người đi một ngả.
- Chắc anh cũng coi em như những người đàn bà ấy.
- Em đừng kết luận vội. Anh chưa hề nói là anh yêu em, mặc dầu trong thâm tâm anh cảm thấy em mang lại hạnh phúc cho đời anh. Anh không dám cam kết nữa, vì em ơi, anh sắp phải lên đường rồi.
Chú thích:
(1) Tức là Đại tá Abel và Thiếu tá Lonsdale (tức Conon Molody của Sở Do thám RU Xô viết. Abel hoạt động tại Mỹ, bị bắt, kết án 30 năm tù, và sau đó được đổi lấy phi công U-2 Gary Powers. Lonsdale bị bắt ở Anh và được đổi lấy thương gia Greville Wynne bị giam ở Nga xô.
Quỳnh Bích trố mắt:
- Anh đi đâu?
- Không biết. Ông Hoàng gọi anh lên bàn giấy hồi chiều, cho biết là anh sắp được nghỉ phép ít hôm trước ngày lên đường, chắc là ra Bắc.
- Ngoài ấy, mạng lưới an ninh chặt chẽ lắm, nhân viên của ta bị bắt, bị chết mỗi ngày một nhiều, sao anh không xin đi nơi khác?
- Em lại xử trí như người vợ yêu chồng, không muốn chồng lao vào công tác nguy hiểm vậy. Ông Hoàng là cấp trên, anh đã ký vào tờ giấy cam đoan cấp trên sai đi đâu thì đi liền, không bàn cãi. Vả lại, anh là đàn ông, không được quyền trốn tránh nhiệm vụ, dẫu đó là nhiệm vụ đi tìm cái chết.
Mắt Quỳnh Bích trở nên ươn ướt.
Văn Bình rót thêm rượu uýt-ky rồi nói:
- Anh cũng công nhận hoạt động ngoài ấy khó khăn hơn trước nhiều. Riêng trong vòng ba tuần lễ, Lê Tùng đã mất ba cộng sự viên tài giỏi ở phía bắc vĩ tuyến 17. Chắc là có nội phản. Có lẽ ông Hoàng phái anh ra Liên khu IV để điều tra về vụ nội phản này.
- Anh có biết bao giờ khởi hành không?
- Không. Tuy nhiên, thường lệ anh được nghỉ xả hơi một vài tuần trước ngày lên đường. Lần này, ông Hoàng cho anh nghỉ nửa tháng. Nghĩa là độ ba tuần nữa anh sẽ ra Bắc.
- Em xin phép đi theo anh được không?
- Đời nào ông Hoàng cho. Vả lại, ngoài ấy đang có nhiều nhân viên của ta.
Phổ ky đi qua, Văn Bình ngoắt tay:
- Một chai uýt-ky nữa.
Quỳnh Bích sửng sốt:
- Trời, một mình anh một chai. Anh chưa say sao?
Chàng cười:
- Ngồi nhìn em, anh dễ say hơn là uống uýt-ky. Ba chai uýt-ky thượng hạng không chứa nhiều men say bằng một cái nhìn giục giã của em.
- Cám ơn anh. Anh cứ nhìn em tha hồ.
- Và em cũng cho anh hôn em tha hồ chứ?
- Lát nữa, anh muốn ăn thịt em cũng được. Nhưng bây giờ thì van anh. Thiên hạ đang nhìn chúng ta chằm chằm.
Văn Bình nhún vai:
- Họ nhìn vì em đẹp quá. Thôi, để lát nữa cũng được. Bây giờ, để anh nói tiếp. Hiện nay ở phía bắc vĩ tuyến 17, đặc biệt là trong vùng từ Đồng hới đến Thanh hóa - mà ta gọi lóng là Cựu kim sơn - ta có 20 nhân viên trung cấp.
- Hai mươi?
- Phải, đúng hai mươi. Ba nhân viên vừa bị địch thủ tiêu chỉ là nhân viên sơ cấp. Nhân viên của ta đã thâm nhập từ lâu vào các cơ quan quan trọng của địch. Có người đã làm khu ủy của đảng Cộng sản từ hồi bí mật kháng Pháp. Có người giữ chức vụ quan trọng trong guồng máy hành chính. Có người là sĩ quan cấp tá trong quân đội.
Chắc em đã biết từ Đồng hới ra đến Thanh hóa, ngoài ấy gọi là Liên khu IV. Liên khu IV gồm các tỉnh Thanh hóa, Nghệ an, Hà tỉnh, Quảng bình và khu Vĩnh linh giáp tuyến. Phần lớn các cơ sở hậu cần cho lực lượng quân sự cộng sản xâm nhập phía nam vĩ tuyến 17 đều tọa lạc trong Liên khu IV. Vì lý do này, ta phải đặt nhiều nhân viên tại đó. Khu vực Thanh hóa, ta đặt tên trong mật mã là Ba lê, Nghệ an là Hán thành, Hà tỉnh là Đông kinh, Quảng bình là Tân gia ba, và Vĩnh linh là Vạn tượng. Tại <<Ba lê>> ta có 4 nhân viên, <<Hán thành>> có 4, <<Đông kinh>> có 3, <<Tân gia ba>> có 2, <<Vạn tượng>> cũng 2.
- Cộng lại mới 15 người.
- 5 người còn lại giữ nhiệm vụ điều chỉnh và liên lạc. Có lẽ anh sẽ gặp họ. Còn...
Sực nhớ ra, chàng ngưng bặt. Đoạn chàng nói, giọng lo ngại:
- Khổ quá, anh quên mất. Ông Hoàng đã dặn anh không được tiết lộ bí mật này cho ai.
Quỳnh Bích làm mặt giận:
- Anh nghi em làm gián điệp cho địch ư?
- Nói bậy nào. Họa là điên, anh mới ngờ vực em. Anh đã đọc hồ sơ của em trong phòng của ông Hoàng. Em được tin cậy nên mới được thuyên chuyển tới phòng anh. Tuy nhiên, những điều anh vừa nói với em, chỉ riêng ông Hoàng và mấy người nữa được biết.
- Theo em, những điều ấy chẳng có gì là bí mật. Chẳng qua làm nghề tình báo lâu năm, bị thiên lệch nghề nghiệp, mắc phải bệnh trông gà hóa cuốc đó thôi.
- Em biết một mà không biết hai. Thật ra, đó là những bí mật tối hệ. Nhân viên của ta ở phía bắc vĩ tuyến 17 liên lạc về Sài gòn bằng điện đài và mật mã. Địch đã có những cơ quan riêng để thu thanh các bức điện đánh vào trong này. Tuy nhiên, địch không hiểu được nghĩa vì không có <<chìa khóa>> mật mã. Hoặc giả chỉ hiểu lõm bõm phần nào. Giờ đây, nếu địch khám phá ra Thanh hóa ta gọi là Ba lê, Nghệ an là Hán thành, vân vân... họ sẽ tiến thêm một bước trong việc chọc thủng mật mã của ta.
Mặt khác, nếu địch biết ở Thanh hóa ta có 4 nhân viên trung cấp, ở Nghệ an có 4, vân vân... địch sẽ tổ chức theo dõi, bao vây và khám phá dễ hơn.
Mặt Quỳnh Bích hơi tái:
- Trời ơi, anh không giải thích thì em không biết gì hết.
Văn Bình nâng ly uýt-ky lên ngang mày:
- Nào, chúng mình cùng uống cho sự toàn thắng của tình yêu.
Nàng tiếp theo:
- Và của ông Hoàng.
Gió sông quạt phần phật vào mớ tóc lòa xòa của nàng. Dưới đèn nê-ông, chàng thấy nàng đẹp dội lên như nữ thần nhan sắc. Môi nàng hồng hồng như vừa được tô son. Thân thể nàng bỗng lả lướt như sắp tan ra thành khói. Trong cơn say mê, Văn Bình nắm lấy bàn tay trắng muốt của nàng.
Run rẩy, nàng nói:
- Hai đứa mình về đi.
Văn Bình gọi bồi tính tiền, chợt nàng đứng dậy.
- Anh chờ một lát, em vào phòng tắm.
Vào phòng tắm để trang điểm lại trước khi rời tiệm ăn là thói quen bất dịch của đàn bà đẹp. Chàng nhìn theo cái mông tròn trĩnh của nàng. Không riêng gì chàng, toàn thể thực khách đều buông đũa nhìn theo bằng cặp mắt thèm khát. Một ý nghĩ ham muốn rạo rực nhú lên trong lòng Văn Bình, song chàng nén được ngay.
Đêm nay, chàng có nhiều việc phải làm. Chàng trả ba ngàn bạc một bữa ăn, không phải để ngắm cái mông khêu gợi của cô thư ký dễ dãi. Mặc dầu người trả tiền là ông Hoàng, là Sở Mật vụ.
Vào phòng tắm, Quỳnh Bích chỉ thoa son sơ sài, và không cần sửa lại mái tóc bị rối. Nàng còn phải làm một việc quan trọng hơn là việc tô môi và chải đầu để làm vừa lòng Văn Bình.
Nàng mở cái hộp đựng giấy vệ sinh ra, lấy cả cuộn đặt lên mép lavabô. Loại giấy này được chia ra từng khoảng, mỗi khoảng dài một tấc, châm bằng mũi kim, giật nhẹ là văng ra.
Quỳnh Bích đếm đúng 5 miếng, nàng giật nhẹ miếng thứ 6, đưa lên ánh đèn xem. Trên tờ giấy, nàng đọc thấy một con số 8. Phía dưới là số 21.
Nàng vo tròn miếng giấy vứt vào cầu tiêu, giật nước ồ ồ. Trong chớp mắt, miếng giấy không còn nữa. Nàng đặt cuộn giấy vệ sinh vào hộp như cũ, liếc vào gương để xem xét lại nét mặt, đoạn khoan thai ra cửa.
Thấy nàng, Lê Bình nhoẻn miệng cười âu yếm. Gió sông vẫn thổi lên mát rượi. Chàng dìu nàng qua cầu thang bắc từ đường cái lên tiệm ăn. Nàng đi nép bên chàng, thân mật như vợ với chồng.
Lê Bình lái chiếc Corvette sơn trắng ra đại lộ Nguyễn Huệ. Chàng hỏi nàng:
- Chúng mình đi chơi một vòng rồi ra Mỹ Phụng nhé?
Nàng lắc đầu:
- Nhảy chán chết.
- Vậy em về với anh.
- Thôi, em sợ chị Nguyên Hương lắm. Chị ấy ăn thịt em đi.
- Nguyên Hương không phải là vợ anh.
- Song chị ấy không cho phép ai léo hánh đến anh.
Văn Bình thở dài:
- Chẳng qua em kiếm cớ không đến với anh đó thôi.
Nàng hôn nhẹ vào má chàng:
- Nếu anh muốn, đêm nay về phòng em.
Quỳnh Bích mở xắc tay đưa cho chàng một cái chìa khóa:
- Em có hai cái chìa, biếu anh một. Anh nên cẩn thận, người khác thấy thì chết. Em không muốn mang tiếng là rước trai về phòng ban đêm.
- Bây giờ, anh đưa em về Mạc đỉnh Chi nhé?
- Không. Em phải vào nhà chị bạn gần chợ Bến Thành. 12 giờ đêm, em sẽ chờ anh ở nhà.
Nàng xuống xe, đi thoăn thoắt trên lề đường đông đúc. Tối thứ bảy đầu tháng, đường phố Sài Gòn đông như hội, nhất là đường Tự Do, và Lê Lợi quanh chợ Bến Thành.
Mùi nước hoa Vent-Vert thoang thoảng trong xe. Văn Bình thở dài lẩm bẩm một mình:
- Đáng thương cho nàng.
Chàng sang số lái chiếc Corvette tối tân ra bờ sông. Chàng muốn hít đầy phổi bầu không khí trong lành của sông Sài Gòn. Chàng đã biết nàng đi đâu. Chàng thương hại nàng vì nàng đang được dùng làm con vật hy sinh trong sự đấu trí ghê gớm giữa hai lực lượng điệp báo không đội trời chung: Sở Mật vụ của ông Hoàng, và tổ chức tình báo Bắc Việt.
***
Quỳnh Bích tạt vào một tiệm tạp hóa xế cửa rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi, giả vờ hỏi mua một thỏi son, thứ son đắt tiền của Pháp mà nàng biết là không có. Nàng cần ở trong ra để xem xe hơi của Văn Bình đã đi chưa. Đến khi chiếc Corvette khuất sau bùng binh, nàng mới bước ra ngoài.
Bữa ăn với Văn Bình tại nhà hàng Mỹ Cảnh vừa mang một tia nắng ấm cho cuộc đời rét lạnh của nàng. Thật vậy, mặc dầu nàng có sắc đẹp phi thường, được hàng trăm người đàn ông thầm thương trộm nhớ, sẵn sàng làm nhà bằng vàng để cưới nàng làm vợ, nàng vẫn phòng không lẻ bóng.
Lắm mối, tối nằm không. Câu phương ngôn bình dân này hoàn toàn đúng với cuộc sống của nàng. Lòng nàng chưa rung động vì ai, tuy đã nhiều lần nàng lưu lại suốt đêm trong phòng người đàn ông lạ. Nàng coi các cuộc đi lại với nam giới là nhu cầu cần thiết để cơ thể và tinh thần được quân bình, ngoài ra nàng chưa tìm thấy trong đó một chút thi vị nào hết.
Bỗng nàng gặp Văn Bình.
Không hiểu vì nguyên nhân nào, nàng được chuyển lên làm thư ký riêng cho Văn Bình. Dĩ nhiên, nàng không thể biết được đó là ý muốn của ông Hoàng.
Vừa giáp mặt, nàng yêu chàng ngay. Yêu đến mức độ có thể điên cuồng vì chàng. Nếu chàng bắt nàng làm nô lệ trọn đời, nàng cũng không từ chối. Nàng đã vô cùng đau khổ khi được biết Văn Bình có nhiều người yêu, người nào cũng có nhan sắc tuyệt trần không thua kém nàng, mà còn có thể vượt hơn nàng nữa. Nàng tin Văn Bình sẽ dành cho nàng những tình cảm đặc biệt.
Song một chướng ngại vật đã chắn ngang mối tình đẹp đẽ của họ. <<Họ>> muốn nàng yêu chàng. Nhưng yêu để lợi dụng chàng, không phải yêu một cách chân thật và tha thiết. Nàng cố cưỡng lại, nhưng từ nhiều tuần nay nàng đã vô tình trở thành chiếc xe xuống dốc bị đứt thắng, phó mặt cho định mạng.
Lát nữa, nàng sẽ gặp <<họ>>, và nàng quyết nói thẳng cho <<họ>> biết. Nàng không thể kéo dài cuộc sống đau khổ này mãi. Nàng phải tiến tới một quyết định dứt khoát, rồi <<họ>> muốn đối phó với nàng ra sao tùy ý.
Đang vui, mặt nàng sa sầm. Quang cảnh náo nhiệt đêm cuối tuần càng làm nàng hiu quạnh và buồn bã thêm.
Quỳnh Bích dạo một vòng quanh chợ. Đến quán trái cây, nàgn dừng lại mua một ký lô nho đỏ.
lấm lét nhìn tứ phía. Nàng có cảm tưởng như hàng trăm cặp mắt vô hình đang theo dõi nàng để bắt nàng quả tang liên lạc với «họ».
Tim nàng đập thình thịch. Nàng dừng lại lần thgứ ba, quay về phía sau.
Tịnh không một bóng nào khả nghi. Thiên hạ đang mua sắm vui vẻ, không ai để ý đến một thiếu phụ lang thang quanh chợ Bến thành với một tâm trạng nát bét như tương. Tới khi biết chắc không bị theo, nàng mới vẫy taxi, ngồi gọn vào góc, dặn lái lên Đakao. Được nửa đường, nàng xuống xe, vẫy xích lô đi lộn lại. 5 phút sau, nàng lại trèo lên taxi đến rạp hát Kim chung ở cuối đường Hồng thập tự.
Các quán nhậu gần cổng xe lửa đông nghẹt người, xe đạp, xe vespa xếp đầy vỉa hè, lan ra ngoài đường. Trước rạp hát, một đám đông nói chuyện ồn ào. Quang cảnh này rất thuận tiện cho một cuộc gặp gỡ gián điệp.
Quỳnh Bích đã thuộc lòng hai chữ số viết trên miếng giấy vệ sinh của nhà hàng Mỹ cảnh: 8 và 21. 8 nghĩa là buổi gặp sẽ diễn ra đúng 9 giờ rưỡi. Giờ gặp chậm hơn giờ ghi trên giấy 1 tiếng rưỡi. Chẳng hạn lấn trước, họ viết lên giấy con số 10, nàng phải có mặt tại địa điểm đúng 11 giờ rưỡi đêm.
Con số 21 là ám hiệu địa điểm. Mội tháng gặp một lần, vào tối thứ bẩy đầu tháng, theo lịch tiếo xúc đã được định trước. Hết 3 tháng «họ» lại thay địa điểm. Con số 21 có nghĩa là nàng phải tới trước rạp cải lương Kim chung.
9 giờ rưỡi tối, trước cửa rạp Olympic.
Nàng nhìn đồng hồ. Còn một phút nữa đến 9 rưỡi. Theo thủ tục nghề nghiệp, nàng không được đến sớm, cũng như không được đến chậm và chỉ đợi lâu nhất là 5 phút. Buổi sáng của ngày hẹn, nàng phải lấy lại đồng hồ, theo đài bá âm BBC, hồi 6g45.
Mỗi lần đến gặp «họ» Quỳnh Bích đều lo sợ. Đúng ra, nàng đã được huấn luyện kỹ càng về nguyên tắc tình báo, song nàng được học để thi hành mạng lệnh của ôg Hoàng, không phải để phản bội ông Hoàng, phản bội chế độ SaiGòn.
Nàng đứng lại, hai chân run run. Nàng vứt tờ bạc 10 đồng vào tủ gương của bà bán thuốc lá để lấy một gói kẹo cao su bạc hà. Nàng muốn nhai kẹo cao su cho hàm răng khỏi đập vào nhau lập cập, và mùi bạc hà thơm nóng sẽ làm thân thể nàng bớt lạnh.
9 g30
Giờ hẹn đã đến.
Nàng bước ra sát lề. Một chiếc Citroën cũ kỹ sơn đen chạy qua từ từ, đến chỗ nàng đứng, lái vào. Nhanh nhẹn, nàng mở cửa trước trèo lên. Tài xế xả ga, quẹo sang trái, vào đường Trần Quí Cáp.
Quỳnh Bích liếc nhìn tài xế. Hắn trạc 40 tuổi, gương mặt lầm lì dường như từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ cười một tiếng. Cặp mắt hắn sang một cách lạ lung, nàng có cảm giác mắt hắn phun ra những tia thép lạnh lẽo, chứa đầy chết chóc.
Bất giác, nàng nhìn hai bàn tay đặt trên vô lăng. Đó là bàn tay đặc biệt của kẻ chuyên nghề giết người. Bàn tay to lớn, long lá rậm rì, ngón vuông và ngắn, nếu bóp vào cổ nàng chỉ một giây đồng hồ là dập xương sống.
Nàng rung mình, ớn lạnh. Trong xe chỉ có nàng và tài xế. X era đến đường Cao thắng, hai người vẫn không nhìn tận mặt nhau và nói với nhau một lời.
Tài xế rẽ vào đường Phan đình phùng, đôi mắt cú vọ dán vào tấm kính chiếu hậu to tướng. Nàng nhận thấy kính xe Citroën này lớn gấp hai kính thường. Chủ nhân của nó phải là người sợ bị công an theo sau.
Xe vòng ra Lý thái Tổ rồi đến đại lộ Trần quốc Toản. Một lát sau, tài xế lại trở về đường Cao thắng, lộn lên Phan đình Phùng. Qua khỏi trạm xăng Phan đình Phùng, tài xế đậu xe sát lề, dắt Quỳnh Bích đi bộ một quãng, rồi tạt vào ngõ hẻm gần Vườn Chuối.
Hắn dừng trước một căn nhà lầu nhỏ bằng gỗ, bên ngoài có lan can sơn trắng. Ánh đèn của một quán giải khát kế cận chiếu hắt vào mặt Quỳnh Bích. Như cái máy, nàng theo người lạ vào trong nhà.
Đó là một ngôi nhà trống không, có người ở. Hắn mở đèn, mời nàng lên lầu, cầu thang gỗ kêu ọp ẹp. Nàng bám lấy tay hắn cho khỏi trượt chân vì đế giày nàng bằng sắt, vừa cao, vừa nhọn hoắt.
Cửa trên gác đều đóng kín. Hai ngọn đèn nê ông sang rực phô bày những đồ gỗ cũ kỹ, trơ trẽn. Mùi ẩm mốc xông lên, nàng muốn lộn mửa.
Gã đàn ông lại bàn vặn máy thu thanh, lựa một bản nhạc mạnh. Hắn là kẻ ghét cay, ghét đắng âm nhạc. Hắn phải mở nhạc để át tiếng nói chuyện của hai người.
Bây giờ, Quỳnh Bích mới có dịp nhìn kỹ người lạ. Mặc dầu nàng gặp hắn nhiều lần, nàng vẫn coi hắn là người lạ. Trán hắn nhô ra một cách bướng bỉnh, mũi và tai đều dẹp bí, tố cáo hắn là kẻ quen với cuộc sống trên võ đài quyền Anh. Đặc biệt là tay hắn dài như tay vượn, hai vai tròn đầy thịt rắn chắc, bắp thịt nổi cuồn cuộn sau chiếc sơ mi ngắn bằng vải NylFrance màu xám.
Đợi máy thu thanh chạy đều, hắn quay về phía nàng, giọng khô khan và cộc lốc:
- Cô có gì không, đưa cho tôi.
Nàng lắc đầu:
- Lần này, tôi không lấy được gì hết.
- Còn cuộc nói chuyện tại nhà hang Mỹ cảnh với Văn Bình?
- Chúng tôi chỉ nói chuyện tâm tình với n hau, không có gì lien quan đến công việc.
- Cô vẫn có tính lạ lung như thế. Cô say mê hắn rồi phải không? Nó đã khét tiếng là chim gái vô địch. Biết bao cô gái nhẹ dạ đã sa vào lòng nó. Cô có biết chúng tôi mất bao tâm cơ mới chuyển được cô tới phòng làm việc của nó không? Chúng tôi đặt cô làm thư ký riêng cho nó, là để lấy tin, lấy tin nghe chưa, không phải để cô biến thành tình nhân của nó.
Quỳnh Bích dằn cái xắc xuống bàn:
- Ông không có quyền đi vào đời tư của tôi. Mặt khác, tôi yêu cầu ông đối xử với tôi một cách nhã nhặn hơn nữa.
Phản ứng bất ngờ của Quỳnh Bích làm người lạ sửng sốt. Trong thâm tâm, hắn cho nàng là hòn bột, muốn nặn thành hình nào cũng được. Hắn không ngờ nàng dám cãi lại. hắn nghiến răng ken két:
- Cô Quỳnh Bích, đã làm nghề này không có đời tư hay đời công nữa. Chỉ có một cuộc đời thôi. Đời lấy tin cho Tổ chức. Cô có bổn phận phải hy sinh tất cả những thú vui để làm tròn công việc do Tổ chức giao phó. Tôi là người sống quen với lưỡi dao, mũi súng từ lâu rồi nên quên mất cách vuốt ve đàn bà trưởng giả như cô. Tôi nhắc cho cô biết: tôi không có thời giờ mơn trớn cô, dỗ dành cô. Việc đó để dành cho tình nhân của cô. Còn tôi là thượng cấp, tôi bắt cô tuyệt đối tuân theo mạng lệnh.
Quỳnh Bích cầm cái xắc da, khoác giây đeo vai:
- Chào ông. Bắt đầu từ phút này, tôi rút ra khỏi Tổ chức. Ông muốn làm gì tôi thì làm.
Gã đàn ông phá lên cười. Tiếng cười rùng rợn như ma hiện lên hăm dọa người yếu bong vía át cả tiếng nhạc từ máy thu thanh phát ra. Nghe hắn cười, Quỳnh Bích xây xẩm mặt mày, phải vịn lấy ghế để khỏi té ngã.
Lần thứ nhất, nàng nghe hắn cười. Có lẽ từ nhiều tháng nay, hắn mới cười lần thứ nhất. Cái cười ngạo nghễ và hiểm ác của hắn soắn vào da thịt nàng, như hàng trăm mũi kim. Nàng có cảm giác kỳ lạ như tiếng cười của hắn là con dao bén sắc vung lên quanh người nàng, làm quần áo nàng rách nát và tuột xuống, để lộ thân thể trần truồng, rồi những điếu thuốc lá cháy đỏ được dí vào ngực nàng, vào đùi nàng, mùi mỡ khét lẹt dâng ngập gian phòng …
Đang cười hô hố, đột nhiên hắn mím miệng lại, mắt long lên song sọc. Hắn nhìn thẳng vào giữa mắt nàng, giọng như dao chém đá:
- Cô Bích, cô đã lớn rồi, không còn con nít nữa, cô muốn trung thành hay phản bội, tùy ý. Tôi cho phép cô về nhà nghĩ ngợi đên may, mai mốt ta sẽ gặp lại. Nếu cô quyết tâm rút lui, tôi cũng không ngăn cản.
Hắn cũng đứng dậy. Dáng điệu chậm chạp, hắn đánh diêm châm điếu Lucky. Mùi thuốc lá thơm thơm lôi Quỳnh Bích trở về thực tại. Mắt nàng đỏ hoe như người mất ngủ hang tuần lễ. Nàng uể oải theo người lạ xuống cầu thang gỗ sộc sệch.
Đột nhiên, người lạ nói:
- À, suýt nữa tôi quên mất. Số tiền cô gởi về đã đến tận nơi. Mẹ cô nhờ chúng tôi tôi chuyển bức thư này choc ô.
Tay nàng run run, chân khụy lại, đứng không vững. Nàng nói:
- Thư của mẹ tôi, xin ông cho tôi coi.
Đút tay vào túi định lấy, chợt người lạ lắc đầu:
- Thôi, tôi không đưa choc ô nữa. Cô nên cắt đứt liên lạc với gia đình ngoài ấy là hơn:
Nàng nắm tay hắn, giọng van vỉ:
- Như thường lệ, ông cho tôi đọc ở đây, tôi không dám mang về đâu. Xin ông cho tôi đọc lần chót.
Gã đàn ông nhún vai:
- Thượng cấp của tôi ra lệnh chỉ đưa thư cho cô đọc nếu cô không có thái độ tráo trở. Bây giờ cô đã đặt tình yêu xác thịt lên trên nhiệm vụ … Cô thích được ngủ đêm với một gã đàn ông đẹp trai sở khanh hơn là nghĩ đến gia đình và 8 đứa em ở quê nhà … Lẽ ra, tôi xé nát, không đưa cho cô nữa … vì cô không xứng đáng. Như g vì tình nhân đạo, tôi chiều cô lần chót, lần chót, cô nhớ chưa?
Quỳnh Bích ngồi phịch xuống ghế, cầm tờ giấy trắng chi chít chữ viết tay ngòng ngỏeo, giơ lên ánh đèn. Bức thư do Mộng Huyền, em gái thứ hai của nàng viết giùm cho Mẹ. Nét chữ quen thuộc của đứa em thân yêu trải ra trước mặt nàng. Bức thư như sau:
«Thị xã Thanh hóa, ngày … tháng … năm …
Chị Mộng Hoài yêu dấu,
Nhận được thư và 10 lạng vàng của chị, cả nhà như chết rồi vừa được sống lại. Chị nói rằng trong đó 10 lạng vàng chưa đầy một trăm ngàn đồng, chị kiếm dễ như chơi, nhưng chị ơi ở ngoài này, 10 lạng vàng là món tiền to ngoài sức tưởng tượng, và trong chớp mắt, nhà ta trở thành giàu sụ.
“Chị ơi, nhờ chị làm việc với chính phủ ta mà gia đình được hoàn toàn hạnh phúc. Tuần qua, ông chủ tịch ủy ban ban tỉnh về tận nơi thăm mẹ, mang thuốc tây cho mẹ, và hứa cấp cho một cái trại ở làng Vệ yên. Làng Vệ, cách thị xã 5 cây số, hồi nhỏ chị thường xuống ấy chơi mà …
“Cả nhà vừa dọn xuống trại cách đây hai hôm. Trại ở ven sông, có nhiều cây trái xum xuê, và một ngôi nhà khang trang. Ông chủ tịch ủy ban cho biết chính phủ và nhân dân ta biết ơn chị đã hy sinh cho chính nghĩa, hoạt động hiểm nguy trong vùng địch, nên từ nay trở đi các em sẽ không phải đi dân công, phiếu mua thực phẩm và vải sẽ được tăng gia tới mức vô tận. Muốn mua gì ủy ban sẽ cấp phiếu, nếu không có tiền, ủy ban sẽ biếu không.
“Mẹ mắc bệnh lao phổi từ ba năm nay. Thuốc trụ sinh ngoài này rất đắt, có tiền cũng không mua được, phương chi gia đình ta khánh kiệt từ ngày thầy thất lộc, tiền bạc dành dụm đã tiêu pha hết, thậm chí nữ trang của mẹ, của em và đồ đạc trong nhà phải đem bán cũng không đủ ăn.
“Nhờ thuốc trụ sinh quý giá Hung ga ri và thuốc bổ Trung quốc do ông chủ tịch mang tới tặng mẹ; mẹ đã ăn được cơm, và trở nên hồng hào. Cứ đà này, chỉ một vài tháng nữa, mẹ sẽ khoẻ mạnh như cũ.
“Chị Mộng Hoài ơi! Mẹ ngồi bên em đọc thư này cho em viết hầu chị. Lệ thường, mẹ chỉ ngồi 5, 10 phút là đau lưng, hoa mắt, nhưng lần này mẹ ngồi hơn một giờ vẫn không mệt, trái lại còn khỏe ra nữa. Mẹ có sức lực là nhờ chị, nhờ sự hy sinh vô bờ bến của chị. Chúng em có cơm ăn, có áo mặc, được cắp sách đến trường, cũng là nhờ sự hy sinh vô bờ bến của chị.
“Chị Mộng Hoài ơi, ông chủ tịch dặn mẹ em phải giữ kín số vàng chị gởi về, và giữ kín sự biệt đãi của ủy ban tỉnh đồi với gia đình ta, vì nếu bại lộ, gián điệp đế quốc sẽ phăng ra và có hại cho chị. Ông chủ tịch nói rằng nếu địch biết chị gởi thư và nhất là gởi vàng về Bắc, chị sẽ bị đem bắn tức khắc, không cần xét xử. Vì bậy, chuyện tiền nong và thư từ, chỉ có mẹ và em biết thôi.
“Hồi chị ở nhà, con Mộng Hương nhỏ tí xíu, bây giờ lớn nhanh như thổi. Nó giống chị như đúc, ai nhìn cũng mê. Nó đã hứa hôn rồi đấy, chị sợ chưa? Chồng chưa cưới của nó sắp tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Kể ra, em còn hằng trăm, hằng ngàn chuyện muốn nói với chị, song ông chủ tịch dặn em là thư viết cho chị chuyển vào Nam bằng đường riêng, nên em viết càng ngắn, càng tốt.
“Bây giờ nếu chị về quê, chị sẽ không tài nào nhận ra em nữa. Em cũng cao như chị và trắng như chị. Dĩ nhiên là không đẹp bằng. Nhưng chị ơi, trên trái đất này tìm được một người đẹp hoàn toàn như chị của em đâu phải dễ.
“À, ông chủ tịch còn cho biết niên học sắp tới thằng Ngọc, Bôi và Châu sẽ được sang Trung quốc học. Buồn cười lắm chị ạ, ba đứa mỗi đứa học một ngành khác nhau, thằng Ngọc mê chăn nuôi nên ghi học Nông lâm súc, thằng Bội lại theo ngành điện, còn thằng Châu, ngành y khoa. Nhờ chị, ba em trai của chúng ta sắp sửa thành người.”
“Ông chủ tịch lại nói với mẹ và em rằng đời sống của gia đình ta còn được cải thiện hơn nữa, nếu ở trong Nam chị cố gắng thêm. Em biết là chị sẵn sàng hy sinh cho mẹ và cho chúng em, nên đêm nào trước khi lên giường ngủ, em cũng chắp tay cầu nguyện cho chị được thêm sức khoẻ, nhất là được thêm sáng suốt tinh thần để phục vụ cho tổ quốc.
“Theo lời ông chủ tịch, bọ đế quốc đã tung ra nhiều tiền bạc, nhiều xa xỉ phẩm, làm con người mềm yếu, thiếu lý tưởng dễ bị lung lạc.
“Chúng em tin ở chị, chính phủ ta cũng tin ở chị.
Chị Mộg Hoài yêu quý của chúng em ơi, em còn thua chị 4 tuổi, em lại ít học, thiếu kinh nghiệm của trường đời, em đâu dám khuyên chị, huống hồ em lại hàm ơn chị đến ngàn năm sau, cũng chưa trả hết. Em nói vậy để chị hiểu rằng lời sau đây là của mẹ dặn em viết cho chị.
“Mẹ ân cần dặn chị nên cẩn thận, lưu lại ở nơi đồng đất nước người, đừng bao giờ quên lãng quê hương. Nếu chị gặp chuyện gì, ở đây mẹ phải chết, gia đình ta sẽ đau khổ, nhục nhằn.
Thư ngắn, tình dài, chị đọc kỹ và suy ngẫm tất sẽ hiểu rõ ý mẹ.
“Gia đình xin chúc chị một mùa Xuân trẻ đẹp và tin tưởng.”
“Em của chị
Mộng Huyền.”
Những giòng chữ bằng mực bút máy múa nhảy trước mắt Quỳnh Bích. Nàng không thể lầm được, nét chữ nhỏ nhắn, càng viết càng nghiêng sang bên phải, chữ g và chữ h ngoèo như con dun, là của Mộng Huyền, đứa em gái gần hai mươi, có đôi mắt to và đen, khuôn mặt dài, cái miệng chúm chím như nàng. Nàng cũng không thể lầm được: nét chữ uyển chuyển này là của cái ngòi bằng vàng 18 cara, lắp trong bút máy Parker màu xanh lá mạ mà nàng nhờ “họ” gởi về Bắc tặng em tháng trước. Chiếc Parker, nàng mua tại Hồng kông trong một chuyến du lịch cuối năm, và đã dùng để viết nhật ký. Gởi cho em gái, nàng đã chuyển về quê nhà xa xôi một phần tâm tư khắc khoải của nàng.
Nàng buông thư xuống bàn, nhìn gã đàn ông. Hắn thản nhiên nhìn nàng bằng cặp mắt ráo hoảnh.
Bỗng nàng ôm mặt khóc, rưng rức. Gã đàn ông đánh diêm hút thuốc, vẻ mặt hả hê. Lá thư quê hương đã hoàn toàn thay đổi ý định của nàng.
Trước khi lên xe Citroën đến chỗ hẹn, Quỳnh Bích quyết định dứt bỏ cuộc sống pản bội. Song nàng không thể bỏ mẹ chết vì bệnh lao phổi trong túp lều tranh xiêu vẹo ở ngoại ô Thanh hóa. Nàng không thể mặc đàn em dại đi chăn trâu, gặt lúa và dệt vải cho hợp tác xã để kiếm tiền đong gạo hàng ngày. Nàng yêu Văn Bình, song nàng không thể vì một người đàn ông mà xô đẩy gia đình vào vòng đói khổ. Cuối thư, em gái nàng đã bảo ngầm cho nàng biết: Nếu nàng bỏ “họ”, gia đình ở Bắc sẽ bị khủng bố.
Gã đàn ông lặng lẽ rút mù soa cho nàng lau nước mắt. Quỳnh Bích ngồi yên một lúc.
Đoạn, nàng nói, giọng sắc như đao:
- Vâng, tôi xin nghe theo lời ông.
Chú thích:
(1) chuyện này đã được tường thuật trong bộ truyện <<Đêm cuối cùng của tử tội>> sắp xuất bản

Chương trước Chương sau