Z28 - Đêm cuối cùng của tử tội - Chương 06

Z28 - Đêm cuối cùng của tử tội - Chương 06

Nguy hiểm chết người

Ngày đăng
Tổng cộng 11 hồi
Đánh giá 8.2/10 với 14386 lượt xem

Suốt chuyến bay ra Hà nội, Văn Bình ngồi thu hình trong một góc, không nhìn ngang nhìn ngửa theo thói quen, cũng không thốt một lời. Mùi tóc thơm thơm của Quỳnh Ngọc vẫn quạt vào mũi chàng. Chàng ngồi im, thưởng thức mùi hương kỳ diệu ngấm dần qua thớ thịt, tâm thần ngây ngất.
Phía trước, Phạm Bài trò chuyện như bắp rang với Quỳnh Ngọc. Thỉnh thoảng nàng lại ré lên cười như bị đàn ông cù nách. Máu ghen trong lòng Văn Bình sôi lên. Nếu y không phải trưởng đoàn, và chàng không phải là giáo sư Tăng Minh giả hiệu, chàng đã vùng dậy tống vào giữa mặt y một quả đấm.
Có ba người đàn bà ngồi ở hàng ghế phía sau chàng. Lúc lên máy bay, chàng chỉ liếc sơ qua đủ chụp được hình ảnh họ vào trong óc. Cả ba đều ăn mặc soàng sĩnh theo kiểu Thái, trên người không đeo nữ trang. Về nhan sắc, họ ở mực trung bình, tuy nhiên về thân thể cân đối và chắc nịch, họ không đến nỗi thua kém những ả mỹ miều đã vào chung kết giải hoa hậu.
Người trẻ nhất có cái tên dịu dàng và thơ mộng, Thiên Nga, cũng là người có bộ ngực nở nhất và cái eo lép nhất. Nàng trạc hăm mốt tuổi, mớ tóc dài rủ xuống nửa vai, mặt dài không có nét nào đặc biệt ngoại trừ cái miệng hay cười và đôi môi dày luôn luôn ướt, dường như vừa hôn đàn ông xong.
Thiên Nga là một cán bộ tuyên truyền từ miền đông bắc Thái lan, được ban chỉ huy cử về Vọng các để qua Hà nội. Cũng như Văn Bình, nàng không nói chuyện với ai hết, nhưng hễ cất tiếng là sặc mùi cán bộ chính trị.
Mấy người đàn ông ngồi sau không có điểm nào đặc sắc. Họ đều mặc com lê, đeo kiếng cận thị, và hút thuốc lá luôn miệng.
Văn Bình ngả lưng vào ghế, chúi mắt vào tờ tạp chí bằng hình trước mặt. Chàng đọc đi đọc lại không biết mấy chục lần, đến nỗi nhớ cả tên chủ nhiệm và phóng viên nhiếp ảnh. Phạm Bài soắn suýt lấy người đẹp, quên hết phái đoàn. Văn Bình hy vọng y cứ quên mãi như thế để chàng được rảnh tay hoạt động ở Hà nội.
Phi cơ tắt máy từ nãy. Chàng biết hoa tiêu sửa soạn đáp xuống.
Nhìn ra ngoài chàng không thấy gì hết. Trời vẫn tối om. Bên dưới, loáng thoáng những chấm sáng của phi trường.
Ngọn đèn «No Smoking. Fasten Your Belt» lại bật sáng. Phạm Bài đứng lên, tì tay vào vai Quỳnh Ngọc để lấy thăng bằng, giọng oang oang :
-Đến nơi rồi. Tôi cần dặn các đồng chí một lần nữa. Trong thời gian tham quan ở Hà nội, các đồng chí cần gì hãy liên lạc với tôi, trưởng đoàn. Từ ăn uống đến đi ra đường, các đồng chí phải sinh hoạt tập thể. Ai muốn làm việc riêng phải xin phép tôi, hoặc đồng chí phó trưởng đoàn.
Vừa nói Phạm Bài vừa liếc Quỳnh Ngọc, vẻ mặt kiêu hãnh. Trông thái độ câng câng, Văn Bình muốn giựt cặp kiếng cận thị ra khỏi mắt y rồi ném xuống đất dẫm nát để trêu tức. Chàng bỗng xấu hổ thầm khi thấy nàng đứng sát Phạm Bài, dáng điệu lạnh lùng, dường như không nghe tiếng y nói.
Chiếc máy bay đảo một vòng rồi xà xuống phi trường Gia lâm. Lén vào miền Bắc nhiều lần, lần nào cũng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, Văn Bình không còn xúc động nữa khi đặt chân xuống đất địch. Tuy nhiên, lần này chàng cảm thấy nao nao.
Trong quá khứ, chàng ra Bắc bằng tàu ngầm ghé Sầm sơn, những đêm tối om hoặc nhảy dù từ những phi cơ không mang số hiệu, sơn màu xám, giữa trời trăng sáng. Tới nơi là có người đón đưa về chỗ an toàn, trong mình chàng lại mang võ khí đầy đủ từ lưỡi dao lò so, khẩu súng 9 ly, tới những cái bút máy đựng chất nổ cực mạnh và lát tích, lựu đạn đặc biệt giúp chàng đối phó và thoát thân nếu va chạm đối phương.
Lần này, chàng đến Hà nội bằng cửa trước trên máy bay của địch, giữa đoàn người thân tín của địch, đặt chân lên phi trường Gia lâm của địch, lính gác bốn bề, một con chim không lọt.
Nếu địch biết, chàng phải chết. Chàng không sợ chết, song sợ Quỳnh Ngọc vì chàng mà chết. Cặp mắt bâng khuâng, chàng nhìn nàng thoăn thoắt xuống thang.
Trường bay Gia lâm tối thui, không một ánh đèn. Mãi tới khi bước vào nhà ga, chàng mới thấy những ngọn đèn, chao sơn đen, và những riềm cửa bằng vải dày cộm. Chàng chợt nhớ ra Bắc Việt đang phải phòng thủ thụ động ban đêm trước chiến dịch oanh tạc dữ dội của không lực Hoa Kỳ.
Nếu người ta không báo trước Gia lâm thì chàng không bao giờ dám nhận dãy nhà buồn tẻ, vắng tanh ấy là phi trường Gia lâm, mạch máu của Hà nội băm sáu phố phường. Trong phòng đợi, trước kia dông đúc và ồn ào, giờ đây chỉ là mấy bức tường quét vôi vàng trơ trẽn và hiu quạnh.
Mùi ét xăng, mùi khí ép, mùi quen thuộc của các phi trường cũng không có nữa. Văn Bình đâm ra nhơ nhớ. Lâu rồi, chàng được một cô bạn đưa ra trường bay Gia lâm. Lần đó, chàng bắt đầu cuộc đời phiêu bạt trong hàng ngũ gián điệp OSS. Nàng kéo chàng vào góc phi cảng, ôm hôn lung tung, hai má đẫm lệ. Chung quanh chàng, nhiều cặp trái gái khác cũng tình tự với nhau trước giờ từ biệt. Từ bấy đến nay, lao thân vào gió bụi, miền Bắc đổi chủ, chàng không gặp lại cô bạn đa tình này nữa. Một nỗi buồn mông mênh dâng lên trong lòng chàng.
Chàng nhìn sang bên. Phạm Bài sánh vai Quỳnh Ngọc, tấm thân gày guộc xiêu vẹo dưới sức nặng của chiếc va li. Phái đoàn rời Gia lâm không kèn không trống. Theo yêu sách của bộ Ngoại giao Thái, cuộc tham quan của phái đoàn phải được giữ kín, không có đón rước rầm rộ, thiếu nhi không được quàng hoa vào cổ, cán bộ không được đọc diễn văn dài dằng dặc.
Một viên chức bắt tay Phạm Bài ở phi đạo, ngay khi máy bay đáp xuống. Song không có ai xách giùm va li cho Phạm Bài. Kể ra, nếu không có đồ đoàn của Quỳnh Ngọc, va li của hắn cũng không đến nỗi nặng chĩu. Văn Bình nhìn hắn khệ nệ, vừa đi vừa vấp mà thương.
Dưới ánh đèn tù mù, một chiếc xe ca chạy tới bên cửa đậu lại. Cả bọn trèo lên, không ai nói với ai một lời. Văn Bình ngồi đối diện Quỳnh Ngọc. Trong bóng tối câm đặc, chàng vẫn nhận ra luồng mắt linh lợi và âu yếm của nàng. Mùi thơm da thịt nàng thoảng vào mũi, chàng có cảm tưởng như chỉ có chàng ngửi được mùi hương kỳ diệu ấy.
Mọi người dựa lưng vào thành xe để khỏi mệt sau mấy tiếng đồng hồ trên phi cơ bị sóc. Văn Bình vẫn khỏe khoắn như thường. Chàng ngó ra ngoài : tứ phía đồng không mông quạnh. Gió mát tạt vào mặt chàng.
Xe ca phóng nhanh, hai lùm đèn pha yếu ớt lập lòe như ma trơi trên đường nhựa. Nghe ình ình phía dưới, chàng biết là qua cầu Long biên. Hồi chàng đi học, tối tối chàng đạp xe qua cầu với bạn gái, hò hẹn vu vơ dưới trời trăng sáng. Lớn lên, chàng cũng đạp xe qua cầu buổi tối, nhưng không phải đi chơi với bạn gái ngây thơ, mà là kiếm thú tiêu khiển bên Gia quất, bên cạnh những chai rượu uống cháy ruột, và những thân hình nảy nở, dường như được thần Sắc đẹp tạo ra để ôm ấp đàn ông chưa vợ.
Kỷ niệm ấy mờ rồi, giờ đây Văn Bình qua cầu Long biên để dấn vào một cuộc vật lộn hiểm nghèo.
Tài xế ngừng lại ở Bến Nứa. Từ phi trường tới đó, xe ca đã dừng bốn lần để trình giấy. Được lệnh trước, công an không hề mở cửa đòi xét căn cước hành khách trong xe. Dưới ánh sáng màu vàng từ trong vọng gác hắt ra, Văn Bình nhận ra nét mặt người cán bộ Bắc Việt, cùng đi với đoàn từ Gia lâm, đang ngồi bên tài xế. Trông mặt y, chàng ngờ ngợ.
Có lẽ chàng đã gặp y một lần. Gặp ở đâu, chàng không nhớ nữa.
Chàng đau nhói ở tim. Các kế hoạch tinh vi của sở Mật vụ có thể tan thành mây khói nếu người lạ mặt ngồi ở băng trước biết chàng. Hoạt động nhiều lần ở cố đô, chàng đã chạm trán với công an và phản gián. Họ đã giữ hồ sơ về chàng. Họ đã tóm được chàng song chàng đã trốn thoát. Nhờ may mắn, nhờ tài giỏi …
Nhưng còn lần này …
Văn Bình đã được sửa lại khuôn mặt trong một chuyến công tác năm ngoái. Song người quan sát giỏi vẫn có thể nhận ra. Vả lại, dấu tay chàng không thay đổi. Dáng đi ngang tàng, cái cười đĩ thõa, tia mắt sáng ngời chất thép pha trộn với lẳng lơ, cũng không thay đổi.
Người lạ đột nhiên quay về phía sau, nhìn chàng chăm chú. Y có đôi mắt lươn ti hí, song giữa hai mí mắt nhỏ tóe ra một lằn sáng soi mói, tưởng như chọc thủng màn tối, đâm vào da thịt chàng.
Nhìn chàng hồi lâu, người lạ không nói gì hết. Y nhận ra chàng rồi chăng? Văn Bình cố giữ thái độ thật bình tĩnh. Tài xế rồ máy, cho xe chạy về phía tây thành phố. Tuy không sinh trưởng ở Hà nội, Văn Bình đã là người Hà nội một trăm phần trăm. Ban đêm, bịt mắt lại, ném chàng xuống đâu, chàng cũng tìm ra tên phố tức khắc.
Đối với chàng, mỗi thị trấn, mỗi đường phố, đều có mùi vị riêng. Mùi bồ hôi đàn bà, mùi nước hoa, mùi phấn son, mùi rượu mạnh, mùi thuốc lá trộn lẫn với nhau thành một mùi đặc biệt báo hiệu khu ăn chơi. Lê gót qua những xóm thanh lâu trên thế giới, chàng có nhiều dịp ngửi lại cái mùi nửa thanh nửa tục này. Qua khu ẩm thực, trừ phi tịt mũi, còn ai cũng ngửi thấy mùi mỡ béo ngậy, mùi thức ăn ngào ngạt. Nếu là quán ăn tàu thì có thêm mùi lạp xưởng gây gây, mùi hôi nách của mấy chú phổ ky cởi trần trùng trục, nhất là của các ả múi mặc áo cánh củn cởn, mỗi lần đếm tiền là phô bày lông nách đen ngòm và một hương vị khó tả. Còn nếu là quán ăn Tây phương sang trọng thì bao giờ cũng phảng phất mùi rượu huýt ky, sâm banh, mùi nước hoa Ba lê, mùi sáp môi Át đen, mùi quần áo mới giặt, cổ hồ cứng đét của bồi, mùi thuốc lá Mỹ, mùi da thịt thèm muốn của cô gái ngồi két và của những người đàn bà mỗi tối đều tắm gội nước thơm để quàng vai đàn ông, say sưa đến ba, bốn giờ sáng.
Văn Bình nhắm mắt lại.
Chàng giựt mình. Hà nội ban đêm đã mất hẳn những mùi quen thuộc. Mùi cốm vòng Hàng Than, mùi gà vịt và trái cây ven chợ Đồng xuân, mùi thuốc đánh đồng ở khu Hàng Sắt, không còn nữa. Chàng chỉ ngửi thấy một mùi ẩm mốc, chặn lấy cuống họng, hệt cái mùi từ dưới mộ dâng lên trong bãi tha ma rùng rợn.
Chàng liếc nhìn tài xế.
Loáng thoáng dưới ánh đèn táp lô, chàng nhận thấy cái cổ tròn bạnh, vành tai xệ xuống của kẻ quen nghề đấm đá. Cặp mắt tóe lửa của y in vào kiếng chiếu hậu, làm chàng rợn người.
Trong bóng tối chàng biết Quỳnh Ngọc đang âm thầm nhìn chàng và cũng có ý nghĩ như chàng. Như cái máy, chàng quay mặt sang bên. Chàng lại bắt gặp tia mắt của tên cán bộ. Dường như y nhìn trộm chàng đã lâu. Văn Bình ngạc nhiên không hiểu sao con người mắt lươn hấp háy kia lại có được vừng trán rộng của giai cấp trí thức, đôi lông mày sắc như nét mác, và cái cằm vuông bộc lộ tính tình quả cảm và cương nghị.
Y dựa cánh tay vào ghế, giọng lạnh lùng:
-Mời đồng chí hút thuốc.
Hừ, y giả vờ mời thuốc để bật lửa, nhận diện mình đây. Chàng nghĩ thầm. Thoạt tiên, chàng định từ chối, và rút Salem ra hút. Giáo sư Tăng Minh là tay ghiền Salem nổi tiếng kia mà. Song chàng nhận lời. Nhận lời cho y biết là chàng không sợ. Muốn bắt chàng, y phải huy động ít ra một tiểu đội võ trang tận răng. Trong chớp mắt, chàng có thể ăn gỏi cả bọn trong xe.
Cử chỉ thản nhiên, pha lẫn ngạo nghễ, chàng đưa điếu thuốc vào miệng. Bằng mắt, chàng muốn cho y biết:
-Phải, tôi là là Văn Bình, tức Z.28 đây. Anh nhận được tôi rồi phải không ? Có giỏi cứ ra tay đi. Coi chừng, Z.28 sẽ làm anh mất mạng.
Dáng điệu khệnh khạng, y cho tay vào túi áo trên rút ra cái quẹt máy Trung cộng. Y bật lên, một bàn tay che gió, ngọn lửa bốc lên cao làm khuôn mặt Văn Bình hiện ra rõ ràng từng nét. Chàng ngồi nghiêng, ghé miệng lấy lửa, luôn luôn thủ thế. Bàn tay che gió của y có thể vung ra, quạt vào họng chàng. Trúng đòn, chàng sẽ nghẹt thở. Song le, người lạ không có cử chỉ gây hấn nào hết. Chờ Văn Bình hít một hơi dài, y mới nói giọng đều đều:
-Thuốc lá Tam đảo đấy. Dĩ nhiên không ngon bằng Salem, nhưng nó đậm đà hơn.
Văn Bình ngồi dán xuống ghế. Hừ, y biết chàng hút Salem, nghĩa là y đã nhận được chàng.
Xe ca dừng trước một tòa nhà bốn từng mới cất ở Hàng Mành. Trời còn tối. Thành phố Hà nội đã trở dậy. Những đoàn người dài lê thê mặc áo thun, quần cộc, chạy thình thịch ngoài đường. Xe bò chở nặng gõ lóc cóc. Máy phóng thanh ồn ào từ trong nhà vọng ra, một, hai, tiếng hô tập thể dục buổi sáng.
Văn Bình không sửng sốt khi thấy tòa nhà không phải là một lữ quán. Sự kiện này chứng tỏ nhà đương cuộc Hà nội giữ kín chuyến đi của phái đoàn.
Người cán bộ xuống trước, bấm chuông.
Cánh cửa được mở hé. Từng người bước vào trong. Đó là một căn phòng rộng, trần thiết giản dị, giản dị đến nỗi tạo ra cảm nghĩ trần truồng. Tường quét vôi trắng, không treo chân dung các lãnh tụ như thường lệ. Những đồ cần thiết như tấm lịch hoặc đồng hồ quả lắc cũng không có.
Kê sát tường, Văn Bình thấy một dãy ghế gỗ dài, đánh si bóng loáng. Giữa nhà là cái bàn mộc, phía sau một người đàn ông, vẻ mặt lì lợm, ngồi đọc sách. Y vụt đứng dậy, nói lí nhí với gã cán bộ. Văn Bình nghe không rõ.
Gã cán bộ đóng chặt cửa, mời mọi người ngồi xuống ghế, rồi nói, giọng nghiêm trọng:
-Hân hạnh được đón tiếp các đồng chí ở đây. Vì điều kiện đặc biệt, như các đồng chí đã biết, việc đón tiếp không thể mang tính chất công khai và rầm rộ. Căn nhà này dành riêng cho thượng khách, trên lầu có đầy đủ tiện nghi, không kém ở Vọng các, tuy bên dưới sơ sài và nghèo nàn. Sở dĩ chúng tôi phải thận trọng vì sợ con mắt dòm ngó của địch.
Tay sai của địch hoạt động ở đây rất nhiều, tôi xin nhắc với các đồng chí lần nữa. Bây giờ xin mời các đồng chí lên gác nghỉ lưng. Sáng nay, sau khi điểm tâm, sẽ chưa làm gì hết vì các đồng chí còn mệt. Lát nữa, tôi sẽ mang chương trình tới.
Y lặng lẽ bắt tay từng người. Phạm Bài ôm hôn vào má theo lối cộng sản. Y khẽ nghiêng đầu chào Quỳnh Ngọc, dáng điệu lễ phép. Nàng mỉm cười đáp lại.
Văn Bình đứng sau chót. Đến trước mặt chàng, y cứ nhìn thẳng vào làn nhỡn tuyến sáng quắc, miệng nói từ từ:
-Tôi là Vũ Kính. Nghe tiếng bạn đã lâu giờ mới được gặp mặt. Tôi có nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn đi các nơi. Phòng tôi mang số 16, tôi cũng ở đây với các bạn.
Văn Bình cảm thấy lành lạnh ở xương sống. Hừ, y không gọi chàng là đồng chí mà là bạn, tiếng bạn cộc lốc, trắng trợn, hăm dọa. Y nghe tiếng Z.28 đã lâu, tại sao chưa bắt? Phải rồi, y định áp dụng thủ đoạn «giây thừng dài», mặc cho chàng hoạt động, chờ chàng tiếp xúc với nhân viên của ông Hoàng rồi mới tóm trọn ổ.
Suýt nữa chàng nói toạc với y chàng là Văn Bình song chàng nén lại, giọng điềm tĩnh:
-Chào đồng chí, tôi là Tăng Minh, giáo sư trường đại học Chulalongkoru.
Vũ Kính nheo một con mắt:
-Tôi biết. Tôi biết bạn nhiều lắm. Biết cả quá khứ và thành tích của bạn nữa. Thôi, tôi phải đi, nội ngày nay, mình sẽ gặp nhau.
Nói xong, y quày quả ra ngoài. Văn Bình lặng lẽ trèo lên lầu. Cầu thang bằng xi măng, bẩn thỉu tương phản với bức tường sạch sẽ không một vết bụi. Sự tương phản hiện ra rõ rệt khi chàng đặt chân lên tấm thảm cói ở lầu nhất.
Bên dưới tồi tàn bao nhiêu thì bên trên sang trọng bấy nhiêu. Hai dãy phòng, cửa bọc da đỏ. Những cây đèn nê ông sáng xanh, mơn man da thịt. Một cái độc bình Giang tây đắt tiền đứng nghênh ngang trên cái bàn lợp phót mi ca xanh gần cửa sổ, chứa những bông lê dơn mới nở chúm chím màu hồng, màu vàng và màu ngọc thạch.
Một thiếu nữ mặc đồng phục xanh, may chẽn, cúi đầu chào chàng và đỡ lấy chiếc va li. Nàng trạc hai mươi, lông mày nhổ gần hết, áo may rộng song người ngoài cũng thấy bộ ngực đồ sộ.
Một đoàn ba thiếu nữ mặc đồng phục tương tự túa ra. Văn Bình may mắn -biết là may hay rủi - được cặp kè với cô gái có duyên nhất đám.
Nàng nói:
-Thưa đồng chí, em là Lệ Mai. Đồng chí cần gì, xin bấm chuông kêu em. Giờ nào em cũng có mặt.
Chàng nhún vai:
-Cả ban đêm nữa chứ?
Không hiểu câu hỏi ví von của chàng, Lê Mai tủm tỉm gật đầu. Phòng Văn Bình mang số 25 được bày biện diêm dúa đến nỗi chàng không ngăn được sửng sốt. Bàn ghế, giường tủ đều bằng gỗ trắng. Cái giường kiểu Tây phương thấp lè tè, choán một góc. Chàng để ý tới cái «ga» trắng muốt, vừa được ủi xong, nhất là cái gối màu hồng, dua đăng ten, bên trên thêu hình hồ Hoàn kiếm bằng chỉ ngũ sắc.
Lệ Mai ấn nút trong tường, cái tủ lạnh nhỏ xíu bật ra. Nàng mở tủ, giọng ngọt ngào:
-Em đã để sẵn nước ngọt và rượu cho đồng chí. Đồng chí muốn gì cũng có.
Chàng tiến lại gần thiếu nữ, ngó chăm chăm vào ngực nàng:
-Tôi muốn cái này được không?
Thiếu nữ ngơ ngác:
-Thưa đồng chí, cái gì ạ?
Chàng quàng tay ngang lưng nàng:
-Cô.
Chàng đinh ninh cô gái tát cho chàng một cái, hoặc ít nhất cũng gỡ ra, thái độ vùng vằng, khó chịu. Nhưng không, nàng vẫn ngọt ngào:
-Nếu đồng chí muốn, em xin vâng.
Văn Bình nóng bừng mặt. Chàng không ngờ cô gái lại dễ tính đến thế. Chắc nàng đã được chỉ thị đặc biệt của phản gián. Trước khi tặng cho chàng một viên đạn vào gáy, họ dùng mỹ nhân kế moi móc bí mật của chàng.
Chàng hôn nhẹ vào mũi nàng:
-Bây giờ được không?
Nàng cười duyên dáng;
-Đồng chí mới xuống phi cơ còn mệt. Sau bữa cơm trưa, em xin tới.
Nàng vén tấm rèm màu hồ thủy sang bên:
-Đây là buồng tắm, có cả nước nóng và lạnh. Chai nước hoa Cologne để sẵn trên tủ, với bánh xà bông Côty, mời đồng chí dùng tự nhiên. Đồng chí dùng món gì điểm tâm?
Chàng lại đùa:
-Xăng uých caviar, dồi Francfort, sâm banh Mum.
Ba món caviar, dồi Đức Francfort và Mum là thực đơn tư bản, tay triệu phú ở Vọng các vị tất tìm ra trong các đại lữ điếm, huống hồ chàng ở Hà nội, một thành phố ăn khoai luộc và xôi đậu buổi sáng.
Song cô gái không tỏ vẻ sửng sốt. Hình như trước chàng, nhiều thực khách đã đòi những món đắt tiền, và khó kiếm hơn nữa. Nàng gật đầu lễ phép:
-Thưa vâng. Lát nữa,em sẽ mang lên cho đồng chí.
Văn Bình sướng rơn. Trong thời gian ở Hà nội, chàng tha hồ ăn caviar, và nốc sâm banh khỏi phải trả tiền. Nếu biết được ăn uống như tiên, các đồng nghiệp của chàng ở Sở đã xếp hàng, tranh nhau ra Hà nội. Thiếu nữ bỗng hạ thấp giọng :
-Em được lệnh khoản đãi đồng chí. Thứ nào ở đây không có, em sẽ liên lạc với câu lạc bộ sứ quán Liên sô để lấy. Bây giờ, em xin chào đồng chí.
Cô gái ra rồi, Văn Bình bàng hoàng như vừa tỉnh mộng. Đúng rồi, trước khi bị hành quyết, tử tội thường được ăn một bữa phủ phê, đủ nem công chả phượng.
Chàng tặc lưỡi :
-Mình cứ ăn cho khoái khẩu đã, đến đó hẵng hay.
Chàng vứt vét tông xuống giường, vào buồng tắm rửa mặt. Chắc hẳn Quỳnh Ngọc đang ngồi bó gối trong phòng riêng, tơ tưởng đến chàng. Lau mặt xong, chàng trèo lên giường, tắt đèn. Chàng ngủ lúc nào không biết.
Trong giấc ngủ xáo trộn, chàng mơ thấy khuôn mặt lạ lùng của cán bộ Vũ Kính. Thọc hai tay vào túi quần, y trừng mắt nhìn chàng. Chàng không còn được nằm trong căn phòng sang trọng, giường lò so, máy nước nóng và lạnh nữa. Giang sơn của chàng được thu hẹp vào cái xà lim nhỏ xíu, tường bê tông cốt sắt lạnh lẽo, sàn xi măng ướt át, tù nhân cuộn tròn trong bao bố rách nát, rận rệp bò lổm ngổm. Xà lim thông hơi bằng một hàng rào song sắt to tướng, đen sì, phía ngoài lắp một ống khóa lớn gấp rưỡi cuốn tự điển. Toàn thân chàng ê ẩm, mắt hoa lên, chàng không thấy gì hết ngoài bộ mặt tiều tụy của Quỳnh Ngọc trong xà lim đối diện.
Dưới ánh đèn nhợt nhạt, chàng nhận rõ những quầng thâm trên đôi mắt rất đẹp của nàng. Móng tay dài, rũa tròn, bôi màu hồng thật quyến rũ đã bị nhổ hết. Chàng đã chứng kiến lúc nàng bị nhổ móng, Vũ Kính cười nhạt, ra lệnh cho đàn em. Quỳnh Ngọc nghiến răng chịu đau, nước mắt trào xuống má, nhất định không rên la. Cái kìm trắng toát cắn lấy móng tay, tên cán bộ giựt mạnh, một mảng thịt văng theo, máu tuôn như xối. Nàng ngoẹo đầu ngất đi.
Nàng cứ tỉnh lên ngất xuống nhiều lần như thế. Văn Bình muốn bẻ gãy song sắt, chạy sang với nàng nhưng sức lực kiệt rồi. Bỗng Vũ Kính mở cửa. Y bảo chàng :
-Mày chịu khai đi, tao sẽ tha con bé. Nếu không tao nhổ nốt mười móng chân, trước khi khoét vú, cắt tai, chọc mũi.
Đau đớn, chàng đáp :
-Anh tha nàng ra, tôi bằng lòng khai. Tha nàng ngay bây giờ. Anh muốn biết những bí mật nào, tôi cũng khai hết.
Từ xà lim đối diện, nàng thét lên, yếu ớt :
-Đừng anh. Đừng quá yêu em mà khai.
Nàng chưa hiểu mưu kế của chàng. Nàng được trả tự do, chàng sẽ không khai gì hết. Thu hết tàn lực, chàng sẽ hạ sát bọn thẩm cung rồi tự vận.
Quỳnh Ngọc vẫn hét :
-Đừng, em van anh. Chào anh, vĩnh biệt anh.
Nàng giãy đành đạch rồi nằm im, một giòng máu ri rỉ trên mép. Nàng đã cắn lưỡi quyên sinh.
Văn Bình đập mạnh vào chấn song :
-Ngọc, Ngọc. Trời ơi, vĩnh biệt em.
Một cái phát thật mạnh vào má làm chàng tỉnh dậy. Chàng ngơ ngác nhìn tứ phía. Quỳnh Ngọc đứng bên giường, vẻ mặt bí mật. Giấc mộng hãi hùng làm chàng toát bồ hôi. Chàng định nói :
-Em không hề gì, may quá. Anh vừa mơ thấy em bị bắt.
Song chàng im ngay. Nàng đưa ngón tay lên môi. Nàng mở cửa buồng tắm. Hiểu ý, chàng vào theo. Nàng mở hết các vòi nước. Nước tuôn ra ồ ồ. Nàng ôm ghì lấy chàng :
-Trời ơi, nhớ anh quá.
Văn Bình vuốt tóc nàng :
-Anh vừa mơ thấy em bị bắt.
-Em nghe anh gọi tên em. Em phải đánh thức anh dậy. Phòng ngoài có mấy cái loa ghi âm, anh biết chưa ?
-Biết rồi. Trong buồng tắm, mình cho nước chảy, có tài thánh cũng không thu thanh nổi. Em ở phòng nào ?
-17. Ở đầu hành lang, cạnh phòng Phạm Bài. Hắn đang ngủ như chết.
-Em tốt với hắn quá.
-Bậy nào. Cũng như anh, hắn ngáy o o vì bị đánh thuốc mê. Toàn thể đoàn đều bị đánh thuốc mê. Mấy cô chiêu đãi vào các phòng, lục lọi từng li từng tí.
-Chắc họ đã vào phòng anh ?
-Cố nhiên. Hai sợi tóc nhỏ xíu anh dán vào khóa va li đã rơi xuống đất. Họ lục giói lắm, quần áo còn nguyên, không bị lộn xộn.
Văn Bình hừ một tiếng.
Quỳnh Ngọc nói tiếp :
-May cho em, em bị mệt nên không uống cà phê. Vả lại, nếu khỏe, em cũng từ chối. Đàn bà chúng em có cái mũi bén nhậy lắm. Em ngửi thấy mùi là lạ. Em muốn báo anh biết nhưng không có cơ hội. Em về phòng, giả vờ chui vào mền ngủ. Họ cũng vào phòng em. Cả thảy hai người. Chỉ huy là cô gái lông mày nhổ gần hết xách va li cho anh hồi nãy.
-Tên cô ta là Lệ Mai.
-Hừ, anh có cái tài là tên cô gái nào cũng biết. Nếu em không lầm, anh đã tán tỉnh rồi. Anh coi chừng đấy, Lệ Mai không phải là bồi phòng tầm thường đâu. Em nghe cô bé cùng đi với nàng vào phòng em kính cẩn gọi nàng là «thưa đồng chí đại úy ».
-Đại uý?
-Phải, đại úy mật vụ.
-Tại sao em sang phòng anh lúc này ? Nhỡ họ biết thì nguy.
-Anh đừng ngại. Họ đinh ninh anh và em còn ngủ lâu mới dậy. Em nghe Lệ Mai nói với cô bé là đến 10 giờ hãy bưng điểm tâm lên.
Chàng nhìn đồng hồ tay. 9g30.
-Theo em, họ có nghi mình không ?
Nàng đáp :
-Em thì không. Nhưng còn anh, em chưa rõ.
-Em nghĩ thế nào về Vũ Kính ?
-Dường như y phăng ra anh. Trên xe, y nói nhiều câu úp mở, làm em lo quá.
Văn Bình cười :
-Anh chỉ lo cho em thôi. Em còn trẻ quá. Còn anh, anh quen với cái chết từ lâu rồi.
-Anh đừng khinh em. Em không sợ chết đâu.
Nàng ngừng bặt.
Có tiếng chân người ngoài hành lang. Đó là tiếng giày đế kếp, tuy dẫm kên thảm cói rất nhẹ, Văn Bình cũng đoán ra đàn ông. Quỳnh Ngọc vừa tắt vòi nước, sửa soạn bước ra. Chàng giữ tay nàng lại.
Người lạ đến trước cửa phòng 25 dừng lại. Rồi bước lui. Hai phút sau, y quay lại. Văn Bình trèo lên giường, kéo chăn trùm kín mít. Quỳnh Ngọc khép cửa buồng tắm, và kéo cái riềm màu hồ thủy. Nằm trong mền, Văn Bình nghe rõ tiếng hơi thở rồn rập của người lạ.
Cánh cửa nhè nhẹ mở ra. Văn Bình đã rút chìa khóa, để trên bàn đêm. Quỳnh Ngọc mở được cửa nhờ nàng theo lớp huấn luyện kỹ thuật của sở gián điệp. Còn người lạ? Y phải là gián điệp, nếu không là nhân viên của lữ quán. Qua lỗ mền, Văn Bình thấy rõ nét mặt người lạ. Chàng hơi giựt mình. Y là gã đàn ông lì lợm, lạnh lùng, ngồi đọc sách dưới nhà khi xe ca chở phái đoàn tới.
Y đóng cửa lại. Chàng nhận thấy y đeo găng tay, một điều khác thường. Trời không lạnh lắm để đeo bao tay bằng da. Trừ phi y không muốn để dấu tay lại trong phòng. Y ngó chàng trong một phút. Dường như chưa biết chắc chàng ngủ hay thức, y tiến lại mở chăn ra. Văn Bình vẫn ngáy đều đều. Người lạ nhoẻn nụ cười bí mật. Nụ cười tắt ngúm khi y nhìn bộ âu phục sang trọng của chàng vắt trên ghế. Y cầm áo vét tông lên xem, rồi bật ra một tiếng nhỏ:
-Lạ nhỉ?
Mặt biến sắc, y mở va li của chàng. Lục lọi một lát, không tìm thấy vật định kiếm, y cúi xuống gầm giường, mở hộc tủ ra xem xét. Y lại thốt lên:
-Quái, hắn cất bộ ấy ở đâu?
«Bộ ấy»? Văn Bình biết y đến tìm một bộ quần áo, chắc là bộ âu phục cũ kỹ Tăng Minh mặc trong người.
Người lạ mân mê chùm chìa khóa dẹt kỳ quặc của Tăng Minh trong tay rồi từ từ bỏ vào túi quần Văn Bình đoạn y bước về phía buồng tắm. Văn Bình có cảm giác đau nhói ở tim. Chàng không coi người lạ ra gì, chỉ một phát atémi đủ quật y ngã gục xuống sàn gác. Song chàng không muốn bị lộ trước khi bắt tay vào việc.
Trong buồng tắm, Quỳnh Ngọc khựng người. Nếu kẻ lạ khám phá ra nàng, nàng phải đánh bài liều. Võ thuật của nàng có thể hạ ba, bốn người đàn ông một lúc trong nháy mắt. Giả sử y giỏi hơn, nàng còn có Văn Bình giúp sức. Và nàng tin tưởng kẻ lạ không phải là đối thủ của Văn Bình, một tay chọc trời khuấy nước lừng lẫy.
Nàng nín thở, ngồi hụp xuống bồn tắm ướt át. Người lạ cón cách nàng nửa thước. Y chưa thấy nàng vì còn tấm màn hồ thủy. Y đặt tay vào giây thép, sửa soạn kéo ra. Quỳnh Ngọc vận sức vào mười ngón tay, móng dài, sắc. Nàng có thể đâm y mù mắt, và nếu chẳng may y chạm vào người nàng …
Bỗng người lạ lẩm bẩm:
-Hay là …
Tiếng đàn bà kêu nheo nhéo ở cầu thang vọng lên. Giựt mình, y rảo ra phòng ngoài. Văn Bình vẫn ngủ. Người lạ nhún vai mở cửa.
Hú vía.
Cửa vừa khóa, Văn Bình tung mền ngồi dậy. Quỳnh Ngọc mỉm cười với chàng:
-Em cũng phải về phòng đây.
Văn Bình thò đầu ra ngoài. Một cô gái mặc đồng phục xanh xô cửa phòng 17, phòng của Quỳnh Ngọc, và mất hút. Quỳnh Ngọc nhanh nhẹn dẫm lên thảm cói. Giờ ăn sáng đã tới. Đồng hồ chỉ đúng mười giờ kém năm.
Văn Bình ấn nút, mở tủ lạnh gắn trong tường. Chàng vớ huýt ky tu một hơi ồng ộc như uống nước lạnh.
Tiếng gõ cửa vang lên. Chàng cất tiếng:
-Ai đó, cứ vào.
Một giọng đàn bà dịu dàng đáp lại:
-Em Lệ Mai đây.
Lệ Mai bưng một cái khay Nhật bằng ni lông, đựng thức ăn sang trọng làm chàng chóa mắt. Đủ hết, không thiếu thứ gì. Nàng đặt xuống bàn, ngoan ngoãn chờ lệnh. Chàng mải ngắm chai sâm banh đặc biệt dầm trong xô nước đá vụn, và đĩa xăng uých caviar nên quên bẵng người đẹp.
Nàng ỏn ẻn:
-Xin mời đồng chí.
Sau bộ áo xanh, nàng khêu gợi lạ lùng. Dường như để chàng mê mệt thêm, nàng đã dùng sáp môi có mùi rượu do Mỹ chế tạo. Gò má được thoa phấn hồng nhiều hơn hồi sáng, nét chì xanh trên lông mày cũng đậm hơn, đĩ hơn.
Văn Bình bước lại. Lệ Mai cúi xuống khui rượu, cổ áo trễ ra, và không hiểu vô tình hay cố ý, nàng không gài nút ngực. Nàng lại quên mặc đồ lót làm chàng thấy hết. Tuy nhiên, vẫn chưa thỏa mãn, chàng banh cổ áo thêm rộng, đẩy nàng ngồi xuống giường và cho một tay vào trong nắm lấy trái lê căng nhựa và mát rợi. Nàng ngồi yên, không kháng cự, hai mắt nhắm nghiền.
Chàng hôn vào cổ nàng, giọng êm ái:
-Em có bộ ngực đẹp quá.
Nàng vẫn nín thinh. Bất ngờ, chàng hô to:
-Nghiêm.
Lệ Mai vụt tung ra, đứng dậy, thẳng tắp. Chợt biết mình bị lỡm, nàng thẹn chín cả người, nhìn chàng trân trân giống như cô gái nhà lành lần đầu cởi trần truồng trước một đám sinh viên Mỹ thuật. Hô “nghiêm” là một trong các mánh khóe thường dùng trong thế chiến thứ hai để khám phá quân nhân của địch cải trang làm thường dân.
Chàng cười nghịch ngợm:
-Ồ, em là quân nhân mà anh không biết.
Lệ Mai chỉ biến sắc thoáng qua, rồi trấn tĩnh được ngay. Nàng nói :
-Anh đáo để ghê. Ở đây, phụ nữ được quân sự hóa nên em có thói quen đứng dậy khi ai hô nghiêm.
Quyết vào hang hùm bắt cọp, chàng không e dè nữa. Chàng rót sâm banh vào ly pha lê, bưng tận miệng Lệ Mai :
-Em uống chung cho vui.
Nàng lắc đầu :
-Sâm banh dành riêng cho khách, bọn em không được uống.
Chàng cười nửa miệng :
-Đừng sợ, anh không lén bỏ thuốc mê vào đâu.
Mặt nàng lại tái xanh. Sự kiện này chứng tỏ nàng không phải là gián điệp chuyên nghiệp. Như cái máy, nàng mặc cho chàng xô xuống giường và cởi áo. Văn Bình biết nàng quá sợ chứ không đóng kịch mơn trớn như trước nữa. Tấm thân đều đặn và chắc nịch của nàng phơi bày lồ lộ dưới ánh sáng vàng chói bên ngoài lọt vào. Nàng không đẹp lắm song cũng đủ sức làm vừa ý những người đàn ông khó tính.
Chàng liên tưởng tới Quỳnh Ngọc. Nàng tốt nghiệp lớp mỹ nhân kế của ban Biệt vụ, trong đời chắc phải có nhiều lần nàng thản nhiên cho người đàn ông lạ cởi bỏ quần áo. Chắc Lệ Mai đã học khóa ân ái của sở tình báo Hà nội, nàng biết cách thoát y khêu gợi, làm thế nào chỉ vuốt ve vài ba cái mà đàn ông phát động dục tình, làm thế nào đánh lừa đàn ông trong khi ân ái, làm thế nào không bị có mang.
Trước chàng, có lẽ nhân viên của ông Hoàng đã sa vào cạm bẫy Lệ Mai. Và nàng đang diễn lại tấn trò yêu đương chết người ấy. Văn Bình đặt tay vào lưng quần nàng, đột nhiên nàng nhỏm dậy, giọng van vỉ :
-Anh chưa ăn sáng.
Văn Bình lắc đầu :
-Anh no rồi.
-Song anh còn mệt.
-Em không chịu thì thôi, đừng viện cớ nữa.
Nàng thở dài ai oán :
-Vâng, em xin chiều anh. Nhưng xin anh cho em 5 phút.
-Làm gì ?
–Em về phòng sửa soạn lại cho đẹp.
Chàng không đáp, nhìn nàng mặc áo, xỏ đôi chân thon nhỏ vào giép cao su Thái lan màu vàng. Nàng hôn vào trán chàng, thỏ thẻ :
-Anh chờ em đúng 5 phút.
Chàng rộ lên cười, cái cười mai mỉa và kinh dị. Cô gái giựt nảy mình trước tiếng cười lạ thường.
Văn Bình nắm lấy vai cô gái, xoay nửa vòng. Nàng kêu ái, tỏ vẻ đau đớn. Chàng tát vào má nàng một cái đau điếng. Nàng loạng choạng, suýt ngã vào chai rượu sâm banh.
Chàng quát lên :
-Đồ nói dối.
Ôm má, nàng sụt sùi :
-Tại sao đồng chí đánh em ?
-Cô là con nói dối.
-Thưa anh thật đấy, em về phòng để thay đổi đồ lót cho sạch sẽ.
Văn Bình tát thêm cái nữa -lần này, nhẹ hơn, cốt cho nàng sợ - dằn giọng:
-Hừ, cô không lừa nổi Tăng Minh này đâu. Giả vờ thay đồ lót để báo cho mấy đứa khác đặt máy chụp hình hả? Trong khi cô nằm tênh hênh giở trò ân ái với tôi thì bên ngoài người ta thu hình vào phim nhựa. Cô là đại úy mật vụ, đửng chối nữa.
Mặt Lệ Mai tái mét, không còn giọt máu. Chàng nói tiếp, giọng đay nghiến:
-Cô bỏ thuốc mê vào cà phê rồi lẻn vào phòng tôi lục soát hành lý. Tại sao cô làm thế? Không tin tôi phải không ? Tôi sẽ mang chuyện này nói với báo chí Vọng các.
Nàng nức nở:
-Em xin lỗi anh. Dầu sao anh cũng là đồng chí trong … Đảng. Em chỉ tuân lệnh của thượng cấp.
-Ai cho gắn loa thu thanh trong phòng này ?
-Ở đây phòng nào cũng có loa. Sở Công an gắn sẵn từ trước.
-Có ai ngồi nghe băng nhựa trong lúc này không ?
-Không. Mỗi tối em sẽ gỡ ra, mang về sở.
-Mấy giờ em về.
-Thưa, tối nay chừng 10 giờ.
-Cuộn băng ghi trong phòng này, em phải hủy đi.
-Thưa …
-Tôi cho cô biết, nếu cô không nghe lời tôi sẽ báo cáo với bộ Nội vụ là cô lẻn vào phòng tôi lục soát. Nếu tôi không lầm, việc lục soát phải được giữ kín và bộ Nội vụ sẽ thanh minh là không ra lệnh. Cô sẽ bị hy sinh. Mất việc. Trục xuất. Thà người ta hy sinh cá nhân Lệ Mai còn hơn làm mất lòng hàng vạn Việt kiều ở Thái.
-Vâng, em xin nghe lệnh anh.
-Được. Bây giờ cô hãy nghe tôi. Tôi không cưỡng ép cô, nếu cô bằng lòng, cứ việc đến với tôi, và xin nhớ không được dặn người núp ở ngoài chụp hình lén.
-Em không dám nữa đâu.
-Tại sao hành lý của phái đoàn lại bị lục soát ?
-Thưa, đó là thủ tục thông thường ở đây. Hành lý của các quan khách đều bị khám xét, không chừa một ai.
-Vũ Kính là cấp trên của em phải không ?
-Không. Kính là thiếu tá công an. Em là nhân viên của cục Tình báo. Các chiêu đãi viên đều thuộc quyền em.
-Còn đồng chí gác cửa dưới nhà?
-À, đó là Sáu Ngọt, phụ trách an ninh của trạm.
-Trạm gì?
-Nhà này gọi là Trạm 4. Trạm chiêu đãi số 4.
Thấy nàng rơm rớm nước mắt, chàng động lòng ôm hôn. Nàng rúc đầu vào vai chàng:
-Một lần nữa, xin anh tha cho em. Thật ra, mới gặp anh, em đã có thiện cảm đặc biệt. Thú thật, từ ngày ở Mạc tư khoa về, em chưa gặp người đàn ông nào đẹp trai bằng anh. Đêm nay, em sẽ đến với anh. Anh cứ khóa cửa, em có chìa khóa riêng.
-Mỗi phòng có mấy chìa khóa ?
-Chỉ có hai mà thôi, một cái do khách giữ, cái thứ hai trong văn phòng em.
-Em là chỉ huy tại sao lại phụ trách riêng anh ?
-Thật ra, em không phải chiêu đãi. Nhiệm vụ của em là điều khiển chị em chiêu đãi trong trạm. Không hiểu sao gặp anh, em thấy là lạ thế nào ấy … Cho nên em đã xung phong xách va li cho anh. Anh còn nhớ chứ ?
-Nhớ.
Lệ Mai định ra cửa song vội quay lại :
-À, còn cái này nữa. Để em tắt máy ghi âm giùm anh.
Nàng nhấc cây đèn đêm lên, bấm vào cái nút nhỏ xíu dưới đế. Nàng nói tiếp :
-Nút này ăn thông với máy. Băng nhựa sẽ ngưng chạy. Căn nhà này được kiến trúc theo họa đồ riêng của KGB Sô viết. Trong buồng tắm cũng có loa ghi âm. Cách đây nửa năm, hai ký giả Pháp ngụ ở đây, tưởng vào buồng tắm vặn nước chảy ào ào là tha hồ trò chuyện, ngờ đâu loại máy ghi âm này được chế tạo riêng, có thể phân biệt được tiếng người nói và tiếng nước chảy.
-Nghĩa là các cuộc nói chuyện mật của họ đều bị thu băng hết ?
-Vâng. Kết quả là ngày hôm sau họ bị mời ra phi trường.
Văn Bình giựt mình đánh thót. Chàng hôn nàng lần nữa rồi hỏi :
-Máy ghi âm đặt ở đâu ?
-Trong văn phòng em, ở tầng trên.
-Anh lên được không ?
Nàng cau mày nghĩ ngợi. Một phút sau, nàng đáp :
-Kể ra người lạ không được lên. Em còn bận tới thăm các phòng khác. Đây, chìa khóa phòng em. Anh nhớ nhé, lầu ba, bên trái, ngoài cửa dán một miếng giấy đỏ trên đề chữ O bằng mực xanh. Các nữ chiêu đãi còn tíu tít dưới bếp, không có ai trên đó đâu. Cái máy ghi âm kê ở góc, những cuộn băng đều mang số, từ 1 đến 30. Phòng anh 25, tức là cuộn băng 25. Anh tháo ra, xóa hết đi. Bây giờ là 10g15. Đúng 10g25, anh phải xuống vì 10g30, thiếu tá Vũ Kính tới.
Nàng mở cửa phòng, cùng đi ra với Văn Bình đến cầu thang. Nàng chờ chàng lên khuất mới quay lại. Chàng mừng như bắt được của. Nếu không gặp may, chàng và Quỳnh Ngọc đã bại lộ thảm thương. Chàng dè đâu vòi nước chảy không át được máy ghi âm tối tân của KGB.
Lầu ba được trần thiết một cách giản dị và lạnh lùng. Chàng tìm ra phòng O ngay. Căn phòng rất rộng, được chia làm hai phần. Phần đầu ở ngoài vào là văn phòng, phía sau là buồng ngủ. Văn phòng chật ních bàn ghế và máy móc. Tủ đựng máy ghi âm đứng sừng sững ở góc. Chàng quan sát một lúc : trên tấm thép hình vuông, 30 cuộn băng ghi âm được đặt ngay ngắn, toàn thể đang quay, trừ số 25, số phòng chàng. Cuộn băng nhỏ như sợi tóc màu hung hung, có thể ghi âm một ngày một đêm mới hết.
Chàng nhấc cuộn băng ra, lắp vào máy bên cạnh. Cái máy ghi âm đồ sộ này do Nga sô chế tạo song chàng biết cách xử dụng nên không vấp váp. Tiếng người nói phát ra. Đó là cuộc trò chuyện giữa chàng và Lệ Mai khi chàng mới vào phòng hồi rạng đông. Chàng vặn cuộn băng quay thật nhanh, cho ngừng rồi quay từ từ. Chàng nghe tiếng nước chảy nho nhỏ, trước khi nghe tiếng người, tiếng nói của chính chàng. Chàng vội vặn thật nhỏ, chỉ mình chàng nghe được.
Băng nhựa thu lại không sót chi tiết nào. Chàng vội quay lộn lại rồi bấm nút cho xóa hết. Xóa xong, chàng nghe lần nữa, cuộn băng chỉ còn phát ra âm thanh rè rè mà thôi.
Chàng trả cuộn băng vào số 25. Đồng hồ đã chỉ 10g24. Chàng lục ngăn kéo bàn làm việc của Lệ Mai nhưng không tìm thấy tài liệu nào quan trọng. Tắc lưỡi, chàng ra ngoài, thản nhiên xuống lầu. Chàng gặp Quỳnh Ngọc ở đầu hành lang, sánh đôi với Phạm Bài. Y nói với chàng :
-Đồng chí đi đâu, tìm không thấy. Bây giờ chúng ta qua phòng họp.
Phòng họp là hai căn phòng khít vách, tường ngăn đôi được phá bỏ. Thiếu tá Vũ Kính đợi phái đoàn quanh một cái bàn bán nguyệt đánh vẹt ni bóng loáng.
Vũ Kính nhìn đảo một vòng rồi nói, giọng trịnh trọng :
-Từ giờ đến chiều, các đồng chí sẽ nghỉ lại đây cho khỏe. 5 giờ chiều sẽ có cuộc tiếp xúc tại bộ Ngoại giao với đồng chí bộ trưởng. Đêm nay, ca vũ nhạc tại rạp Hồng hà. Sáng mai, tới thăm các kiều bào hồi cư hiện tham gia xây dựng thủ đô. Chiều mai, tiếp tân. Tối mai, chớp bóng thành tích của nước nhà tại rạp Hòa bình.
Về ăn ở, có đồng chí nào thắc mắc không ? Chúng tôi sẽ hết sức phục vụ, xin các đồng chí đừng e ngại.
Vũ Kính đứng dậy. Mắt lươn ti hí của y chiếu vào mặt Văn Bình. Dáng điệu thản nhiên, chàng nhìn lại. Chàng biết giờ đụng độ sắp tới. Bỗng y bước lại phía chàng. Chàng thọc tay vào túi, miệng phì phèo thuốc lá. Y nói, giọng khô khan:
-Tôi có chuyện cần nói với đồng chí.
Văn Bình nói :
-Tôi xin nghe.
Y lắc đầu :
-Về phòng tiện hơn.
Quỳnh Ngọc biến sắc khi thấy chàng ra ngoài với Vũ Kính. Dọc đường, hai người đều lầm lì. Văn Bình hít một hơi dài cho không khí tràn đầy lồng ngực. Chàng cảm thấy sức lực toàn vẹn đủ chống trả những đòn mãnh liệt của địch.
Y nhường cho chàng vào phòng trước. Y khoan thai quay lưng về phía chàng đóng cửa. Chàng ngắm cái gáy sâu trũng của đối phương. Một phát atémi bất thần có thể giết y trong chớp mắt, không gây tiếng động.
Túi quần bên trái của y hơi cồm cộm, dĩ nhiên y có súng và đạn được lên nòng sẵn. Chàng không lo ngại vì tay không chàng dư sức đoạt súng của đối phương. Nếu Vũ Kính có cử chỉ khả nghi, chàng sẽ hạ thủ rồi đưa Quỳnh Ngọc đi trốn.
Thái độ rềnh rang, Vũ Kính mở tủ lạnh lấy rượu. Y rót huýt ky ra hai cốc, mời chàng uống. Chàng nhìn kỹ, không thấy y bỏ thuốc độc, bèn cầm lên.
Vũ Kính cho tay vào túi.
Tròng mắt tóe lửa, Văn Bình khựng người. Bàn tay của đối thủ vừa rút ra, chàng nghiêng mình sang bên sửa soạn phản công.
Bỗng tiếng đập cửa nổi lên. Giọng nói oang oang của Sáu Ngọt, gã lì lợm đã vào lục soát trong phòng Văn Bình :
-Thiếu tá Vũ Kính, có điện thoại gấp của Sở.
Vũ Kính rút ra bàn tay không. Có lẽ vì quá tự đắc, y không để ý tới sự thủ thế của Văn Bình.
Y nhìn thẳng vào mắt chàng, nói rõ từng tiếng :
-Chào anh. Lát nữa, tôi lại.
Hú hồn, chàng nhếch mép chào y. Cửa mở, chàng thoáng thấy Quỳnh Ngọc đi vụt qua. Nàng đã bố trí sẵn để tiếp cứu chàng.
Trở vào phòng, nhìn khay điểm tâm còn nguyên, chàng thấy đói cồn cào. Chàng uống hết một góc chai huýt ky và nhai ngấu nghiến đĩa xăng uých đầy ắp.
Để luôn quần áo, chàng trèo lên giường. Chàng cần ngủ một giấc để lấy sức đối phó với thần Chết.
***
Sau nhà pha Hỏa lò, đường Hàng Bông Thợ Nhuộm, đứng sừng sững một biệt thự lầu ba tầng, quét vôi trắng. Đứng ngoài trông vào, người ta không thấy gì hết. Tường cao gần ba thước, bên trên còn có một hàng rào kẽm gai truyền điện 220 vôn suốt ngày đêm. Cổng ra vào bằng sắt, bịt kín bằng những tấm tôn dày sơn trắng. Mọi cánh cửa trên lầu đều đóng chặt. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng chủ nhân đi vắng. Thật ra, đó là một trong những cơ sở hoạt động mạnh nhất ở Hànội. Trong văn phòng gắn máy điều hòa khí hậu tối tân từ Nga sô chở tới, lúc nào cũng có người.
Đó là tổng hành doanh của Smerch ở Bắc Việt, cơ quan ám sát kinh khủng của điệp báo Sô viết.
Lúc Văn Bình trèo lên giường ở Trạm chiêu đãi số 4 đường Hàng Mành, đại tá Kamốp, trưởng đoàn Smerch vừa từ Mạc tư khoa đến mấy ngày trước, vặn đèn văn phòng lên, trầm ngâm ngồi trước đống hồ sơ cao ngất.
Kamốp trạc 45, người cao gầy, mặt choắt lại, hàm răng bám đầy chất nicôtin vàng ệch, bàn tay sần sùi của kẻ quen dùng khí giới giết người. Mỗi khi Kamốp ngước mắt, người ta phải rùng mình vì luồng nhỡn tuyến lạnh như nước đá, sắc như dao cạo.
Kamốp cúi gằm xuống một tập hồ sơ dày cộm, mang ngoài bìa nhiều giòng chữ Nga bí mật và chữ “Bôrin”. Trán y răn lại, tỏ ra y suy nghĩ nhiều lắm. Kamốp bận suy nghĩ đến nỗi cái tẩu thuốc lá đã tắt ngúm, và tàn thuốc bắn tung tóe vào bộ quân phục vàng mà y không biết.
Vâng lệnh chỉ huy trưởng Smerch, tướng G., đại tá Kamốp đáp phi cơ riêng từ Mạc tư khoa tới Hànội cùng thiếu tá Anáttát Bôrin và một phái đoàn chuyên viên Smerch. Ngay sau khi tới Hànội, Bôrin đã được mổ óc, kết quả mỹ mãn.
Bôrin được nghỉ dưỡng sức một tuần lễ, sau đó đã khai với chuyên viên những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian bị thẩm vấn và giam giữ trên đất Mỹ. Tất cả những lời khai của Bôrin, nội dung của cuộn băng nhựa giấu trong óc y, và bản đúc kết của các chuyên viên đã hợp thành đống hồ sơ vĩ đại trên bàn giấy của dại tá Kamốp.
Tiếng chim hót lanh lảnh trong phòng.
Kamốp cầm lấy điện thoại. Y ghét nghe tiếng reng reng điếc tai của chuông điện thoại thông thường nên đã thay vào bằng tiếng chim hót. Tiếng hót êm tai đã một hãng đồng hồ Đông Đức cử người vào rừng rậm Phi châu thu thanh các giống chim muông và chọn khúc hay nhất chế thành tiếng chuông điện thoại cho Kamốp. Đi tới đâu, Kamốp cũng mang cuộn băng ghi tiếng chim hót đi theo.
Y nói nhỏ nhẹ như sợ bên ngoài nghe được :
-Mời đồng chí ấy lên.
Năm phút sau, cửa phòng mở ra. Cánh cửa bằng thép mở ra êm ái như là cửa gỗ. Kamốp đứng dậy, chìa tay ra :
-Chào đại tướng.
Người được Kamốp gọi là đại tướng trạc năm mươi, lùn mập, mặt tròn xoe, mặc thường phục theo kiểu Trung cộng, áo bốn túi gài kín cổ màu vàng, miệng phì phèo thuốc lá Mỹ. Đó là Võ nguyên Giáp, đại tướng tổng tư lệnh kiêm tổng trưởng Quốc phòng. Bận thường phục, Giáp không khác cái hồi làm giáo sư Sử Địa ở Hà nội hơn hai chục năm trước là mấy, vẫn nét mặt lì lợm, phẳng lì, chỉ khác là thân hình béo lẳn chứng tỏ một cuộc sống sung túc. Bụng Giáp vượt ra đằng trước, không còn nhỏ như ngày ở chiến khu năm 1945.
Giáp ngồi xuống ghế, châm điếu thuốc lá mới :
-Lâu lắm mới gặp đại tá. Sợ đại tá chờ, tôi phải đến ngay. Tôi phải đi xe riêng, và mặc thường phục như đại tá dặn.
Kamốp gật gù :
-Cám ơn đại tướng. Tôi mời đại tướng tới đây để bàn về vụ Bôrin. Các chuyên viên Smerch đã nghiên cứu xong những cuộn băng ghi âm đặt giấu trong óc Bôrin. Đến phút này, tôi có thể đoan chắc một điều quan trọng, đó là sự phạm tội của Phan Mỹ.
Giáp giựt mình như chạm giây điện :
-Có bằng chứng cụ thể nào không ?
Giọng Kamốp đều đều :
-Nếu có bằng chứng cụ thể thì tôi đã bắt Phan Mỹ, không cần phải triệu đại tướng tới đây. Kế hoạch của tôi là cho người bám sát Phan Mỹ từng bước kể từ hôm nay.
-Có thể là địch dùng mưu ly gián không ?
Kamốp nghiêm sắc mặt :
-Đại tướng không hiểu được kỹ thuật điệp báo bằng tôi. Smerch bố trí đưa Bôrin sang Mỹ, địch chẳng biết gì hết. Smerch có những chuyên viên nổi tiếng khắp thế giới, chúng tôi không thể và không bao giờ lầm được.
Giáp đấu dịu :
-Tôi chỉ hỏi đồng chí thế thôi, chứ trong thâm tâm không hề coi nhẹ Smerch.
Kamốp cười ha hả :
-Đại tướng coi nhẹ sao được, vì Smerch là thầy học của đại tướng. Nếu không có Smerch, đại tướng vẫn chỉ là đảng viên thường, khó trèo lên tớiTrung ương, chứ đừng nói là tổng tư lệnh kiêm bộ trưởng Quốc phòng nữa.
Giáp nuốt nước bọt, ngồi im như phỗng đá. Kamốp nói tiếp, dáng điệu kẻ cả :
-Tôi đã biết vì sao đại tướng lo ngại vì Phan Mỹ là tay chân thân tín của đại sứ Trung quốc. Song đại tướng thừa rõ chúng tôi không chịu lép vế ai hết, và quyết ở lại đây. Tôi càng có thêm lý do để ngờ vực Phan Mỹ vì các tài liệu bị mất cắp đều liên quan tới hoạt động ngoại giao của Liên bang Sô viết nhằm thương thuyết với Hoa Kỳ. Tòa đại sứ Trung quốc và phe Phan Mỹ đang tìm cách hất cẳng chúng tôi ra hỏi Bắc Việt. Tôi vời đại tướng đến đây để hỏi dứt khoát : đại tướng đứng về phe nào ?
Giáp đưa một tay lên trời :
-Cố nhiên là đứng về phe các đồng chí.
Kamốp đóng tập hồ sơ trước mặt :
-Nếu thế thì cuộc nói chuyện có thể kết thúc được rồi. Cám ơn đại tướng. Tôi chỉ cho người theo dõi, nhưng chưa bắt. Khi nào nắm được đầu mối cụ thể, tôi sẽ báo tin cho đại tướng.
Kamốp nhìn Võ nguyên Giáp bước ra ngoài thang máy, không chìa tay ra bắt. Đoạn nhắc điện thoại, quay số tòa đại sứ Sô viết.
***
Về đến phòng, Văn Bình mệt nhoài song không dám đi ngủ. Sự việc xảy ra từ tối đến giờ đã làm mắt chàng mở rộng, không sao nhắm lại được nữa.
Đã nửa đêm.
Nửa đêm đối với các thị trấn quốc tế là giờ thần tiên, xe cộ nối đuôi nhau trên những đại lộ sáng trưng như ban ngày, những người đẹp bắt đầu xuất hiện trên sàn nhảy, trong phòng riêng khách sạn. Nhưng nửa đêm ở Hà nội lại im lặng và vắng vẻ khác thường. Văn Bình tưởng như dân chúng đã rút hết về quê, đường xá quạnh hiu, đèn phố lập lòe, tiếng người rao phở cũng không có nữa.
Hồi chiếu, một cái xe ca lớn chở phái đoàn Việt kiều tới bộ Ngoại giao. Cuộc tiếp tân không có gì đặc sắc. Chàng hối hả trở về lữ quán. Phái đoàn được nghỉ xả hơi một lát trước giờ đi dự ca vũ kịch nên chàng lợi dụng ra ngoài đường.
Theo lệnh ông Hoàng, chàng sẽ tiếp xúc với một nhân viên của Z.62 tại bờ hồ Hoàn kiếm. Chàng không quen Z.62, chàng cũng không biết nhân viên của Z.62 là ai.
Bách bộ khỏi Hàng Mành, đến khi vào phố Hàng Bông chàng giựt mình đánh thót. Chàng nhớ rõ mồn một lời tuyên bố của Phạm Bài và thiếu tá Vũ Kính. Trong thời gian ở Hànội, nhân viên phái đoàn phải sinh hoạt tập thể, nghĩa là ăn chung, đi chung. Tại sao Sáu Ngọt, phụ trách an ninh của Trạm, không ngăn lại khi chàng xuống cầu thang ? Phải rồi. Họ đã giăng bẫy bắt chàng. Họ chờ chàng tiếp xúc với tổ chức của ông Hoàng rồi mới ập tới.
Đi được một quãng, chàng dừng lại dưới một cây lớn. Chưa đến giờ gặp. Đèn quanh hồ lù mù khiến chàng kiểm soát phía sau được dễ dàng. Quả chàng đoán đúng, một gã đàn ông nhỏ thó hút thuốc lá phì phèo đang lẽo đẽo theo chàng.
Chàng quẹo ra đường Hàng Khay, y cũng rượt theo. Chàng nhảy lên tàu điện, chỉ một phút sau chàng thấy y co chân vọt vào toa. Chàng gọi xe kéo lên chợ Đồng xuân. Tới phố Hàng Chiếu, chàng bước xuống lũng thững quay xuống Hàng Đường. Qua cửa kiếng, chàng nhận rõ khuôn mặt của kẻ đi theo. Y trạc 25, ăn mặc tầm thường, răng khấp khểnh, mũi cà chua, cổ nhẳng, tay chân khẳng khiu.
Chàng có thể cho y ăn bụi hoặc tặng y một bài học nhu đạo, song sợ lộ chuyện. Sau một phút suy nghĩ, chàng lẳng lặng về Hàng Mành. Sáu Ngọt ngồi đọc sách dưới nhà, không thèm ngẩng lên, và không thèm hỏi chàng một tiếng.
15 phút sau, phái đoàn lên xe ca đi xem ca vũ nhạc. Trong hơn ba tiếng đồng hồ, bó gối trong rạp hát đông nghẹt, Văn Bình nhìn lên sân khấu song không thấy gì hết. Chàng bận nghĩ tới kế hoạch phải thực hiện đêm nay để thoát khỏi nanh vuốt mật vụ. Cuộc tiếp xúc có thể hoãn lại 24 giờ, đêm mai chàng sẽ gặp lại nhân viên của Z.62. Đêm nay, chàng phải rời lữ điếm. Chàng băn khoăn không biết nên mang Quỳnh Ngọc đi theo hay không.
Tiếng vỗ tay làm chàng điếc tai. Chàng cảm thấy nóng bức, muốn cởi bỏ quần áo nhảy xuống sông dầm một lúc cho khỏe. Sự nóng bức này một phần do rạp hát đông người mà ra, nhưng phần nào cũng vì luồng nhỡn tuyến của Vũ Kính thỉnh thoảng lại hắt vào mặt chàng. Chàng không tránh tia mắt thách thức của y, đôi khi chàng nhìn trả lại, điệu bộ bướng bỉnh.
Đã nửa đêm.
Theo thói quen, những ngày hoạt động trong lòng địch, chàng không thay quần áo ngủ. Chàng hút thuốc lá và uống rượu liên miên. Các phòng dọc hành lang đã tắt đèn từ lâu. Chàng cũng tắt đèn, ngồi thu mình trong bóng tối, tin tưởng một việc bất tường phải xảy ra trong đêm nay.
Một giờ sáng.
Chàng nghe tiếng chân người sau cánh cửa. Điếu Salem cuối cùng đã tắt ngúm. Nhếch nụ cười bí mật, chàng chui vào chăn.
Cửa mở nhè nhẹ. Kẻ lạ mặt bước vào, trên tay lăm lăm một lưỡi dao sáng loáng.

Chương trước Chương sau