Ào thuật văn chương - Chương 13

Ào thuật văn chương - Chương 13

Ào thuật văn chương
Chương 13

Ngày đăng
Tổng cộng 18 hồi
Đánh giá 8.4/10 với 14803 lượt xem

Sở Cảnh sát Moxcva không định ngửa bài với Nhà xuất bản “Serkhan”. Thoạt đầu Giám đốc Expiov được mời đến Cơ quan công an để hỏi về Xoloviov. Cuộc “trò chuyện” này nhằm một lúc hai mục tiêu: thu thập thông tin về Xoloviov và về nhà xuất bản.
Naxtia được căn dặn là chỉ ngồi trong phòng làm việc của chị, tuyệt đối không lảng vảng ra hành lang. Expiov đã gặp chị hôm sinh nhật Xoloviov, và không nên để anh ta nghi ngờ về chức vụ công tác của chị.
Vấn đề thứ hai được đặt ra là ai sẽ “nói chuyện” với Expiov. Giám đốc nhà xuất bản đâu thuộc loại tội phạm để có thể dồn vào chân tường và dùng sức ép thô bạo. Căn cứ vào tài liệu Naxtia phát hiện, thì đây chỉ là sự vi phạm tài chính, sự trốn thuế, lĩnh vực này các cơ quan công an Nga chưa quen phát hiện và chứng minh. Vì vậy, giọng điệu dùng trong cuộc tiếp xúc và chiến thuật áp dụng phải khác với loại tội phạm hình sự. Đại tá Gordeev quyết định đích thân đảm nhiệm việc tiếp Expiov.
- Theo tôi hiểu, - Đại tá mở đầu câu chuyện - thì trong mấy năm gần đây, ông cộng tác chặt chẽ với Xoloviov. Xét cách sống âm thầm của ông ta, tôi xin mạnh dạn dự đoán ông ta hầu như chỉ tiếp xúc với các ông ở nhà xuất bản. Tôi đoán thế có sai không?
- Hoàn toàn không sai, thưa đại tá - Expiov gật đầu - Về một mặt nào đó thì đúng là như thế. Dù sao thì ít nhất trong hai năm vừa qua, Xoloviov chỉ tiếp xúc với chúng tôi. Sau khi ra viện, ông ta chúi đầu vào công việc, hoàn toàn chỉ làm việc.
- À, nhân tiện xin hỏi, Xoloviov mắc bệnh gì? - Đại tá Gordeev làm ra vẻ tình cờ hỏi.
- Ông ta không muốn nói đến chuyện đó. Theo tôi thì nguyên nhân là sau cái chết bi thảm của bà vợ, và sau khi bị đứa con trai xa lánh bố, đi theo đám thiếu niên hư hỏng, Xoloviov rất buồn. Bệnh của ông ta có nguyên nhân trong hệ thần kinh. Một thứ suy nhược cấp tính. Nhưng ông ta là người tự ái cao độ, nên không muốn nói đến bệnh tật của mình và cũng không muốn nghe người khác nhắc đến.
- Ông ta nằm ở bệnh viện nào?
Expiov nhún vai.
- Đáng tiếc là tôi không rõ.
Đại tá Gordeev ngạc nhiên :
- Nhưng ông ta nằm ở đấy khá lâu thì phải. Chẳng lẽ ông không đến thăm lần nào?
- Thời gian đó mối quan hệ giữa Xoloviov và nhà xuất bản chưa chặt chẽ mấy - Expiov cười - Chúng tôi in sách của nhiều dịch giả chứ không phải chỉ riêng ông ta. Và giữa tôi với Xoloviov chưa có mối quan hệ bè bạn như bây giờ. Hồi ấy ông ta chỉ liên hệ bằng điện thoại với Tổng biên tập của chúng tôi, Xemion Voronxov báo tin ông ấy nằm bệnh viện, và đề nghị lui thời hạn nộp bản thảo lại ít lâu. Quả thật chỉ có thế.
- Nhưng ngày kỷ niệm sinh nhật Xoloviov, các ông có đến chúc mừng ông ta. Tôi tưởng như thế có nghĩa mối quan hệ giữa nhà xuất bản với Xoloviov rất thân tình?
- Không phải thế đâu! - Expiov kêu lên - Hoàn toàn không phải như thế. Chúng tôi đối xử như vậy với mọi tác giả và dịch giả. Ngày kỷ niệm sinh nhật của bất cứ cộng tác viên nào, chúng tôi cũng đến chúc mừng, không chỉ riêng sinh nhật Xoloviov.
- Một sự quan tâm rất đáng khen. - Đại tá Gordeev gật đầu tán thưởng - Xin ông kể chúng tôi nghe tất cả những gì ông biết về Xoloviov. Tôi muốn biết kẻ đột nhập vào nhà ông ta, rồi bắn chết người giúp việc và nhân tình của ông ta có thể là ai. Ông có nghi ai không?
- Hoàn toàn không! - Expiov sôi nổi nói - Tôi hoàn toàn không nghi ai, không có một phỏng đoán nào. Bản thân tôi cũng rất lạ, kẻ nào lại muốn giết cậu Andrei? Và cô Marina nữa? Hay người yêu cô ta ghen? Y theo dõi cô ta, rồi đêm khuya đột nhập vào nhà, tưởng Andrei là chủ nhà, bèn giết luôn cả hai.
- Phỏng đoán của ông nghe cũng hợp lý đấy. Chuyện này đáng để ta trao đổi kỹ. Nhân tiện xin hỏi, có khi nào ông cho rằng kẻ ghen ấy chính là Xoloviov không? Xoloviov thấy Marina dan díu với Andrei, bèn rình đến lúc bắt quả tang hai người kia lén lút gặp nhau đêm khuya, chờ họ xuống thang gác liền bắn luôn. Có thể như thế được không?
- Đại tá nói lạ! - Trên gương mặt Expiov thoáng hiện lên một nỗi hoảng sợ khiến đại tá Gordeev suýt bật cười. - Đại tá hãy bỏ hẳn cái ý nghĩ ấy đi. Không thể có chuyện Andrei dan díu với nhân tình của chủ đâu.
- Tại sao? Ông đã biết rõ con người cậu ta đâu mà dám quả quyết như vậy?
- Tôi biết cậu ta rất rõ - Expiov quả quyết nói - Andrei không đời nào dám làm một việc như thế.
- Nhân đây xin ông nói rõ hơn về người giúp việc của Xoloviov - Đại tá Gordeev có vẻ chăm chú nghe - Andrei là loại người thế nào? Ông quen cậu ta lâu chưa?
- Trước kia Andrei làm lái xe kiêm giao dịch cho Nhà xuất bản. Cậu ta tỏ ra là con người hết sức có kỷ luật, có trình độ, có hiểu biết, mọi công việc đều hoàn thành rất tốt. Tôi chỉ cần dẫn ra một thí dụ đủ để đại tá thấy: Trước Andrei, chúng tôi có một lái xe khác, nhưng chỉ chưa đầy hai tuần lễ, chúng tôi đã phải đến cơ quan cảnh sát giao thông liên hệ xin chuộc lại bằng lái xe họ thu của y. Y liên tục vi phạm luật giao thông. Kể ra thì bây giờ ai không vi phạm? Theo tôi thì không ai. Vì vậy cảnh sát giao thông đã tiến hành một cuộc kiểm soát chặt chẽ, chặn lại mọi xe vi phạm một luật lệ dù nhỏ nhất, thậm chí cả xe có đèn hiệu trên nóc, kể cả lái xe mặc đồng phục cảnh sát. Nhưng khi Andrei ngồi lái thì chúng tôi yên tâm hoàn toàn. Chúng tôi quên là có cảnh sát giao thông nữa kia. Trong khi đó, cậu lái xe trước chuyên làm chúng tôi bị họ huýt còi, bắt dừng lại kiểm tra giấy tờ và phạt này phạt nọ. Andrei là loại thanh niên biết rất rõ những gì cậu ta không được phép làm. Khi đó dù ham muốn đến mấy, cậu ta cũng nhất định không làm.
- Vậy tại sao một nhân viên đáng quý như vậy mà các ông cho đi?
- Vấn đề là... - Expiov lúng túng - Đấy là sự bắt buộc. Cậu giúp việc cũ do chúng tôi giới thiệu đến làm cho Xoloviov quá tồi tệ, khiến ông ta không tin tưởng và đuổi đi. Thằng cha đó ăn cắp, lừa chủ, và đêm đêm dẫn gái về nhà ông ta. Để chuộc lại lỗi lầm này, chúng tôi đành phải cử một người hoàn toàn đáng tin cậy đến thay chân thằng cha kia. Thưa đại tá, theo tôi biết thì Xoloviov rất bằng lòng với Andrei. Cho nên tôi xin cam đoan với đại tá là không bao giờ cậu ta dám làm cái việc dan díu với cô gái nào trong nhà ông chủ, nhất đấy lại là nhân tình của ông chủ.
- Cậu Andrei ấy quả là con người hiếm hoi - Đại tá Gordeev gật gù công nhận - Thời buổi ngày nay đúng là khó kiếm ra một người như thế. Nhân tiện xin hỏi, đã lâu ông có gặp cậu ta không?
- Cách đây chừng mười ngày, cậu ta có đem đến tôi bản thảo mới của Xoloviov.
- Còn trước đó?
- Trước đó ạ? - Expiov cố nhớ lại - Có lẽ chỉ trong buổi sinh nhật Xoloviov. Đúng rồi, hôm mồng bốn tháng Tư, ba người chúng tôi: tôi, Phó giám đốc Avtaev, và Tổng biên tập Xemion Voronsov cùng kéo đến nhà Xoloviov chúc mừng ông ta và gặp Andrei ở đó.
- Anh ta vẫn liên lạc bằng điện thoại với các ông chứ?
- Tất nhiên rồi, thí dụ trước khi mang tập bản thảo của Xoloviov đến, cậu ta gọi điện hỏi xem Tổng biên tập Xemion có nhà không để cậu ta đem đến.
- Ngoài ông Xemion Voronsov, có ai khác được quyền nhận bản thảo không?
- Không. Đấy là nguyên tắc của chúng tôi. Chỉ Tổng biên tập mới được quyền nhận bản thảo của các tác giả và dịch giả. Thêm nữa, Xemion Voronsov lại là người trực tiếp chỉ đạo bộ sách “Kiệt tác Phương Đông”, cho nên bản thảo của Xoloviov chỉ anh ta mới được quyền nhận. Ngay cả trường hợp anh ta đi vắng, người nào mang bản thảo đến cũng phải chờ anh ta về để nhận và ký giấy biên nhận. Bởi trong giấy này còn phải ghi cả số trang, sau đó giao đĩa mềm cho bộ phận ấn loát kiểm tra lại số trang trên máy vi tính. Nếu thời hạn trao bản thảo phù hợp với thời hạn ghi trong hợp đồng thì Xemion Voronsov phải làm thủ tục ký hợp đồng chính thức và trả tiền tác giả. Muốn bộ phận tài vụ chi tiền, cần có xác nhận của Tổng biên tập là bản thảo đúng quy cách và giao nộp đúng thời hạn. Nếu quá thời hạn thì Nhà xuất bản trừ đi tiền phạt, cứ mỗi ngày là bao nhiêu phần trăm đấy. Việc này cũng lại do Tổng biên tập khấu trừ. Tóm lại, khi nộp bản thảo không thể
không gặp Tổng biên tập Xemion Voronsov.
- Chỗ này tôi muốn biết rõ thêm. Các ông gặp Andrei ngày 5 tháng Tư, để chúc mừng sinh nhật. Lần sau các ông liên lạc bằng điện thoại, để ấn định thời gian ông Xemion nhận bản thảo. Đúng vậy không?
- Đúng vậy.
- Andrei gọi điện cho ai hôm đó? Cho ông hay cho ông Xemion?
- Nói chung cho Xemion, nhưng hôm đó Xemion đi vắng, cho nên tôi đã nghe điện thay.
- Rồi sau đó?
- Tôi bảo Andrei rằng, ngày mai Xemion sẽ có mặt từ mười một giờ đến mười tám giờ, trong khoảng thời giạn đó Andrei đến lúc nào cũng được.
- Sau đó, anh ta có gọi điện cho ông Xemion không?
- Điều này tôi không rõ - Expiov trả lời không có vẻ quả quyết lắm - Hình như không. Nhưng tôi không dám nói chính xác, bởi Xemion không nói gì với tôi về chuyện đó.
- Thôi được. Vậy là hôm sau Andrei đem bản thảo đến?
- Đúng thế, vào khoảng năm giờ chiều.
- Anh ta có ghé vào gặp ông không?
- Không. Chỉ Xemion vào lấy chữ ký của tôi để tài vụ chi tiền. Tôi biết Andrei đến, vì thế tôi sang phòng giấy của Xemion để gặp cậu ta. Tôi muốn hỏi thăm tình hình ông Xoloviov.
- Tại sao ông không hỏi ngay ông Xemion? - Đại tá ngạc nhiên. - Và ông không trực tiếp hỏi Xoloviov được sao?
- Tôi đã kể với đại tá rồi. Xoloviov không bao giờ than phiền về bệnh tật, ông ta cho rằng làm như thế không xứng đáng với một người đàn ông. Còn về công việc thì chúng tôi đã có kế hoạch hẳn hoi, ông ta cứ thế mà làm. Nếu cần biết thì chỉ là hỏi xem ông ta liệu có hoàn thành được bản dịch đúng như thời hạn đã thống nhất không. Riêng về sức khỏe của Xoloviov thì chúng tôi nghĩ, không phải cứ năm phút ông ta có thể ốm đau được một lần. Chỉ có tình trạng tàn tật của ông ta thì chúng tôi hơi lo, bởi rất có thể làm ông ta phải nghỉ một thời gian, không dịch được cho chúng tôi. Chắc đại tá đã hiểu rồi chứ? Cho nên hễ có dịp gặp Andrei là tôi hỏi thăm cậu ta về sức khỏe của Xoloviov.
- Hôm đó Andrei trả lời ông thế nào?
- Cậu ta bảo sức khỏe ông chủ cậu ta bình thường, và ông Xoloviov đã bắt đầu dịch sang cuốn khác. Nghe thấy thế, Tổng biên tập Xemion của chúng tôi lập tức thảo hợp đồng xuất bản, rồi gọi điện cho Xoloviov thống nhất về số trang, nhuận bút. Sau đó, anh ta đưa tôi ký rồi trao cho Andrei để chuyển về cho Xoloviov, lấy chữ ký của ông ta vào bản hợp đồng, rồi đem trả lại nhà xuất bản một bản.
- Ông đưa Andrei một bản?
- Hai. Một bản Xemion giữ lại, còn một bản trả về cho Nhà xuất bản.
- Hai bản bằng photocopy?
- Vâng. Đấy là chuyện bình thường. Không ai làm hai bản gốc. Đại tá thấy làm như vậy là không được sao? - Expiov lo lắng hỏi.
- Tôi nghĩ các ông vẫn làm như thế mà không có trở ngại gì thì được thôi. - Đại tá Gordeev trấn an anh ta - Xin ông nhớ kỹ lại cho, ông đã trao đổi những gì với Andrei lúc nói chuyện điện thoại và lúc gặp cậu ta ở Nhà xuất bản?
- Khi nói trên máy điện thoại thì chỉ về thời gian nào cậu ta có thể đến gặp Tổng biên tập Xemion. Còn lúc gặp ở Nhà xuất bản thì về công việc của Xoloviov, ông ta vẫn làm việc đều đặn. Đó là chuyện bình thường khi con người sống đơn độc.
- Ai nói rằng Xoloviov sống đơn độc? Andrei hay ông?
- Andrei.
- Ông trả lời anh ta ra sao? Ông không bác lại chứ?
- Không. Nhưng sao tôi phải bác lại? Vì đúng là như thế.
- Nhưng Xoloviov có nhân tình, đâu phải đơn độc?
- Làm sao tôi biết được? Chuyện ấy bây giờ tôi mới biết, sau khi cô ta bị giết.
- Nghĩa là trong khi nói chuyện với Andrei, ông chưa hề biết về mối quan hệ giữa Xoloviov với Marina?
- Hoàn toàn không.
- Ngoài ra, ông biết Xoloviov còn có ai là bè bạn và người quen biết không?
- Tôi biết ông ta có cậu con trai. Nhưng ông ta hầu như không quan hệ với cậu ta bao giờ. Đó là một đứa hết sức hư đốn.
- Cụ thể là thế nào?
- Kể ra cũng không có gì đặc biệt lắm. Hư đốn, có vậy thôi. Táo tợn, gian dối, lười biếng, bê tha. Như tôi đã nói lúc nãy, Xoloviov có tính không muốn nói đến những bất hạnh của ông ta. Và đứa con ấy, ông ta coi nó là một trong những bất hạnh của mình.
- Còn ai nữa không?
- Hôm sinh nhật ông ta, còn một phụ nữ đến chúc mừng ông ta. Xoloviov bảo đó là một người quen từ rất lâu, từ thời ông ta còn là nghiên cứu sinh,
- Hôm đó lần đầu tiên ông gặp chị ta?
- Lần đầu tiên. Theo tôi hiểu thì hai người đã lâu lắm không gặp lại nhau.
- Chị ta là người thế nào? Làm nghề gì? Tên là gì?
- Tôi thấy Xoloviov gọi cô ta là “Naxtia”, còn họ thì tôi không biết. Hình như làm cô vấn pháp lý cho một công ty nào. Xoloviov không nói rõ hơn, và tôi cũng không hỏi.
Đại tá Gordeev tháo gọng kính ra, đưa một đầu gọng vào miệng gặm, dáng trầm ngâm. Rồi ông đặt kính xuống bàn, thở dài.
- Vậy là, thưa ông Giám đốc, chúng ta vấp phải một mâu thuẫn. Xoloviov quả quyết đêm hôm đó không biết là Marina có mặt trong nhà ông ta. Sao có thể thế được? Nhân tình đến ngủ ở nhà mình mà lại không biết? Vô lý. Chỉ có thể như thế, nếu Marina đến nhà ông ta theo cách lén lút. Nhưng cô ta đến đó làm gì? Chỉ có một cách trả lời duy nhất, là để gặp riêng Andrei. Có nghĩa ở đây có chuyện ghen tuông. Và Andrei không phải người hoàn toàn tốt như ông khẳng định với tôi.
- Không thể như thế được! Tôi không tin Andrei dám có quan hệ bất chính với nhân tình của ông chủ cậu ta. Tôi biết rất rõ cậu ta. Không đời nào cậu ta làm như thế. Không đời nào!
- Nếu vậy thì chỉ có một khả năng cuối cùng: Xoloviov đã nói dối, thật ra ông ta biết Marina đang ở trong nhà ông ta. Và nếu ông ta nói dối, có nghĩa ông ta có tham gia vào vụ án mạng.
- Khả năng ấy cũng không thể có.
- Nhưng thưa ông Giám đốc thân mến, không thể có khả năng thứ ba - Đại tá Gordeev dang rộng hai tay, cười vẻ như nhận lỗi - Hay là tôi thiếu óc tưởng tượng? Hoặc có điều gì đó tôi chưa hiểu, chưa biết? Ông hãy đưa ra một gợi ý cho tôi nghe thử, bởi theo sự phán đoán của tôi, thì lý luận theo kiểu nào, Xoloviov vẫn là người dính vào vụ án mạng. Ông xem còn có cách giải thích sự việc thế nào nữa không?
Nhưng Expiov không đưa ra được cảch giải thích nào khác.
Đợi Expiov đi khỏi mười lăm phút, đại tá Gordeev sang phòng làm việc của Naxtia.
Viên đại tá reo lên thán phục :
- Chà! Expiov quả là một tay không vừa. Anh ta bảo vệ đến cùng dịch giả Xoloviov của anh ta. Một mực khăng khăng rằng Xoloviov không thể là hung thủ.
- Nhưng quả Xoloviov không thể là hung thủ được thật. - Naxtia nói.
- Cô bé thân mến, cô quen anh ta trong bao lâu?
- Hồi đó ấy ạ? Trong khoảng năm rưỡi.
- Rất thân?
Naxtia đỏ mặt, nhưng quyết định không giấu cấp trên :
- Rất thân.
- Từ đó đến nay Xoloviov có thay đổi nhiều không?
- Hầu như không thay đổi.
- Ra thế. Vậy cô có quyền khẳng định Xoloviov không phải là hung thủ. Nảy sinh một vấn đề khác: liệu cô nhận định có đúng không, và tôi có tin lời cô không? Còn Expiov thì sao? Anh ta khẳng định với tôi là anh ta không thân với Xoloviov, không có quan hệ cá nhân với Xoloviov. Vậy sao anh ta dám quả quyết Xoloviov không phải hung thủ?
- Có thể Expiov đóng kịch. Anh ta biết Xoloviov có khả năng là hung thủ, nhưng làm ra bộ cố bảo vệ Xoloviov. Có thể như thế được chăng? - Naxtia đưa ra ý kiến.
- Không phải thế đâu, Naxtia! Tại đây có vấn đề khác. Tôi chỉ linh cảm thấy như thế thôi. Duy có một điều đã rõ ràng: Expiov rất sợ Xoloviov bị kết vào tội giết người. Tôi thấy anh ta tái mặt và chân tay co cứng. Anh ta còn non nớt, chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với giới cảnh sát. Tôi nghiệm thấy thông thường là như vậy khi người ta bị hỏi về trọng tội những người thân của họ. Expiov tìm mọi cách chứng minh rằng Xoloviov không dính vào vụ này. Nhưng do anh ta không thân thiết với Xoloviov, nếu có thể có khả năng thứ hai: bọn họ sẽ đưa ra một nhân vật nào đó để chúng ta dồn sự nghi ngờ vào nhân vật đó. Cô nghĩ sao?
- Còn một khả năng thứ ba - Naxtia trầm ngâm nói - Tôi xin phép hút điếu thuốc, được không?
- Cứ tự nhiên. Khả năng thứ ba là gì?
- Tất nhiên Xoloviov không thân thiết gì nhiều với mấy người lãnh đạo Nhà xuất bản, nhưng ông ta lại là một cộng tác viên không thể thay thế: biết thông thạo hai ngoại ngữ hiếm, dịch nhanh và có chất lượng cao. Họ rất không muốn thay ai vào vị trí của Xoloviov. Vậy tại sao họ lại có âm mưu đối phó với ông ta như vậy - cử người đến dò la Xoloviov, thoạt đầu là Andrei, sau đến Marina...
- Cách đặt vấn đề của cô tốt đấy. Và ta chưa tìm được lời giải đáp.
- Tôi tìm ra được rồi. Nhà xuất bản “Serkhan” đã chơi trò đánh lừa Xoloviov để quỵt tiền nhuận bút. Hợp đồng với dịch giả chỉ là xuất bản sách một lần, nhưng họ đã in nhiều lần và ra ngoài con số quy định trong hợp đồng, không cho dịch giả biết và ăn không 80% tiền nhuận bút lẽ ra Xoloviov được hưởng trong những lần in sau. Xoloviov tàn tật nên hầu như không đi đâu, chỉ ru rú ở nhà. Nếu có việc, ông ta cũng đi rất nhanh rồi về ngay, cho nên không biết sách của ông ta bán trên các quầy sách là bao nhiêu, vẫn đinh ninh những cuốn sách ấy đã bán hết từ lâu. Nhà xuất bản ngăn chặn, không cho cho ông ta biết sự thật. Nhưng do một sự tình cờ, một bản kế hoạch in ấn lọt vào tay Xoloviov. May mà ông ta chưa biết, nếu biết ông ta có thể kiện ra tòa.
- Chà, chuyện này lạ đấy, xưa nay chưa có như thế bao giờ. Nhưng cô không bịa đấy chứ, Naxtia? - Đại tá Gordeev nghi ngờ hỏi lại.
- Ngày trước tình hình khác. Hoạt động xuất bản nằm trong tay nhà nước độc quyền. In bao nhiều bản đều có văn bản rõ ràng, công khai, cho nên không thể có chuyện nhà xuất bản tư nhân và tráo trở như hiện nay. Mà ngày trước, số lượng in lên đến hàng triệu kia chứ, nhưng không bao giờ nhà xuất bản giấu tác giả hay dịch giả.
Tôi đã thấy tập thơ của Evtuxenco in vào đầu thập niên bảy mươi tới một trăm ngàn bản, vậy mà trong ba ngày bán hết sạch. Do đấy, thưa đại tá, khi nắm được quy luật thị trường và nhu cầu mua của khách hàng, đồng thời tổ chức tốt việc sản xuất thì có thể kiếm tiền vô vàn. Các nhân vật lãnh đạo Nhà xuất bản “Serkhan” rất không muốn dịch giả Xoloviov biết lợi nhuận của họ, cho nên họ dùng cách bịp ông ta thô bạo như vậy, lợi dụng Xoloviov tàn tật, chỉ ru rú ở nhà, không đi được đến đâu.
- Thôi được, tạm cho là cô đã thuyết phục được tôi. Vậy là tờ giấy kia đã vô tình lọt vào tay Xoloviov. Nhà xuất bản “Serkhan” bèn phái Marina đến đó. Cô này với sự hỗ trợ của gã giúp việc Andrei, chiếm được lòng tin của Xoloviov, ra vào tự do, cố tìm ra tờ giấy tai hại kia trước khi ông ta phát hiện ra nó. Nhưng kẻ nào đã giết cô ta và gã giúp việc Andrei? Nếu không vì ghen tuông thì vì gì? Cô nghĩ sao?
- Hiện tôi chưa nghĩ ra được khả năng nào - Naxtia thú nhận - Tôi chưa thấy ló ra tia sáng nhỏ nào trong óc. Ý tôi định nói là việc cần làm hiện nay là phải tìm hiểu đến mức tối đa về Andrei và Marina. Đặc biệt là Marina, xem xét cả các tiều án, tiền sự của ả. Theo tôi đoán thì hung thủ chỉ định giết một trong hai nạn nhân kia, nhưng hắn đã phải giết cả tên thứ hai để bịt đầu mối. Cửa phòng khách thông với phòng làm việc và phòng ngủ của Xoloviov, hai phòng này sát liền nhau. Cầu thang từ tầng hai xuống không có bậc như loại cầu thang bình thường, mà là một đường phẳng, dốc để tiện cho xe đẩy, khi nào Xoloviov muốn lên tầng hai. Châu cầu thang cũng lại liền ngay cửa phòng khách. Công tắc đèn phòng khách ở ngoài, cho nên khi Andrei xuống đến chân cầu thang, y kịp bật đèn trong phòng khách. Trước đó hung thủ nấp trong đó không bật đèn, và khi đèn bật sáng, y lúng túng. Andrei nhìn ngay thấy hắn, chắc đã kêu lên. Nghe tiếng kêu, Marina trong phòng làm việc vội chạy ra, và bị hung thủ bắn luôn. Vì thế, xác Andrei ở ngay chân cầu thang, còn xác Marina trên ngưỡng cửa phòng làm việc. Vấn đề ta cần giải đáp, là hung thủ vào đây định giết ai? Andrei, Marina hay Xoloviov? Một khả năng: hung thủ đột nhập vào định ăn trộm trong khu vực giàu có này. Hắn phát hiện cửa nhà Xoloviov không khóa nên đã vào. Và do vấp phải trở ngại đã buộc phải thủ tiêu trở ngại đó.
- Tuyệt vời - Đại tá Gordeev cười giễu - Bốn khả năng, nhưng mỗi khả năng đều chưa thấy điểm xuất phát.
Naxtia phản đối :
- Anh em đang tiến hành công việc, thưa đại tá.
- Vậy ư? Thôi được, sáng mai cô triệu tập tổ điều tra, tôi muốn biết họ tiến hành đến đâu. À, nhân tiện, nhà cô có bể cá không?
- Không ạ. Chưa bao giờ tôi nuôi cá cảnh.
- Đáng tiếc. Nhưng cô có biết gì về các động vật dưới biển không?
- Không. Nhưng sao đại tá hỏi như vậy?
- Bà vợ tôi được học trò tặng hai con rùa biển nhỏ cùng với một cái bể cá. Cô biết không, chúng ăn thịt sống nhé. Theo cô thì đấy là bình thường hay không bình thường? Rùa biển mà ăn được thịt! Quái đản chưa?
Naxtia bật cười :
- Thì cá mập chẳng ăn thịt sống là gì? Chúng ăn quá đi ấy chứ!
- Nhưng cá mập to tướng, còn rùa biển nhỏ xíu, chỉ to bằng bàn tay, vậy mà cũng ăn thịt sống mới lạ. Thật khủng khiếp! Mà mắt chúng xanh lè!
- Đại tá loạn óc rồi! Rùa biển sao mắt xanh lè được? Nhất là chúng chỉ to bằng bàn tay.
- Vậy mà mắt chúng xanh lè đấy - Đại tá Gordeev nổi cáu - Mặt mũi cũng khác nhau nữa.
- Đại tá phân biệt được chúng?
- Tất nhiên rồi!
- Nếu vậy thì quả là đại tá mắc bệnh tâm thần rồi. Đại tá đặt tên cho hai con rùa biển ấy chứ?
- Có. Tôi đặt tên chúng là Donatelli và Michelangelo.
Chưa bao giờ tòa nhà năm tầng, trụ Sở Cảnh sát Moxcva nghe thấy một tràng cười lớn đến như thế, ít nhất thì cũng đã lâu không nghe thấy.
Đại tá trách, mặc dù có vẻ ông phải cố gắng lắm mới nén được tiếng cười :
- Naxtia, cô cười là sai đấy. Mấy cậu học trò của vợ tôi còn hứa cho tôi một con vật ở Mexico, kiểu như con thằn lằn, có đôi tai rất to, bảo ăn thịt nó khỏi bệnh béo phì đấy.
- Đại tá sẽ ăn chứ ạ?
- Không. Tôi sẽ thả nó vào bể cá rồi đem bể cá xuống bếp. Cậu học trò hứa tặng tôi con thằn lằn ấy, đã gầy đi được tám ki lô. Cậu ta ngồi ăn, trong khi con thằn lằn kia bơi đến thành bể cá, giương hai tai, phình đôi mắt nhìn cậu ta ăn. Thế là cậu ta không nuốt nổi. Thoạt đầu cậu ta gầy tọp đi. Bây giờ mỗi khi ngồi ăn, một tay cậu ta cầm nĩa, tay kia cầm tờ báo che, để khỏi nhìn thấy con vật khủng khiếp ấy.
Naxtia lau nước mắt trào ra do cười nhiều quá.
- Vậy là đại tá loạn óc rồi, tôi cam đoan là như thế. Đại tá cần gầy đi làm gì? Cứ nguyên như thế này là chúng tôi yêu quý đại tá rồi.
- Không. Không! - Viên đại tá giận dữ nói - Tôi phải làm sao bớt đi chừng chục ki lô mới được. Tôi sắp không cài được khuy áo choàng sĩ quan này rồi. Nhưng thôi, cô cười sảng khoái đủ rồi chứ? Bây giờ ta bàn tiếp công việc. Tôi đang muốn nói với cô một điều Naxtia ạ. Tôi chưa hỏi gì về quan hệ giữa Expiov và Marina, bởi tôi muốn anh ta đinh ninh chúng ta mới chỉ biết cô ta về chuyện cô ta bị giết trong nhà Xoloviov. Expiov vẫn chưa biết gì về “Nai con”. Trong khi đó, tôi lại hỏi anh ta rất kỹ về việc thời gian gần đây anh ta tiếp xúc thế nào với Xoloviov và gã giúp việc Andrei. Anh ta quả quyết anh ta mới chỉ biết mối quan hệ thân tình giữa Xoloviov và Marina sau khi cô ả bị giết. Cách Expiov nói về cô ả là nói về một người anh ta rất quen biết. Vì vậy, Naxtia, cô căn dặn anh em, khi hỏi Expiov điều gì, đừng nhắc đến Marina. Phải để anh ta tin rằng chúng ta chưa biết gì về mối quan hệ giữa anh ta với cô ả. Sự hiểu lầm của anh ta sẽ kết tinh dần, và đến lúc nào cần, chúng ta mới ném sự thật về Marina vào mặt anh ta như ném cà chua thối ấy!
- Vâng, tôi sẽ nhắc anh em.
Ra khỏi phòng lùm việc của Naxtia, đại tá Gordeev chạm trán với Colia. Nhìn nét mặt và mái tóc rối bù của anh ta, đại tá thấy ngay Colia vừa chạy hộc tốc lên thang gác.
- Naxtia! - Anh ta vừa thở hồng hộc, vừa nói - Chà, tôi không biết... Biệt danh của cô bây giờ là Vanga.
Nghe thấy câu đó, đại tá Gordeev vội quay lại.
- Yêu cầu báo cáo đi. - Đại tá yêu cầu.
- Đấy là về chuyện chất xi-măng kia. Tôi đã lấy được danh sách những công trường sử dụng loại xi-măng ấy. Đúng là nhà máy sản xuất thứ xi-măng đó cho tôi danh sách những đơn vị mua sản phẩm của họ, trong danh sách có tên “khu biệt thự Mộng Mơ”. Tòa biệt thự cuối cùng được xây ở đó là vào tháng Mười Hai vừa rồi. Có nghĩa chất đất bẩn trong nhà gã Trercaxov là do một người, hoặc cư trú hoặc có đi lại trong “Mộng Mơ”, đem tới vô tình để dính vào đế giày y. Tôi đã thông báo tin này cho ông dự thẩm, ngày hôm nay ông ấy sẽ đem chất đất lấy ở khu biệt thự Mộng Mơ đi xét nghiệm, để so sánh với chất đất chúng ta tìm thấy dưới thảm nhà Trercaxov. Nếu hai chất đất trùng nhau, thì gã đừng hòng thoát khỏi tay chúng ta. Bởi cho đến nay gã vẫn khăng khăng là gã chưa hề đến khu “Mộng Mơ”, thậm chí không biết khu biệt thự ấy ở chỗ nào.
- Khoan, Colia, anh nói chầm chậm thôi - Naxtia yêu cầu - Có khả năng người đến khu “Mộng Mơ” là Oleg Butenco, và chính thằng bé đã đem chất đất dính ở đế giày đến nhà Trercaxov.
- Thì chính cô đã nói rằng, tên điên loạn sát nhân kia có liên quan đến khu “Mộng Mơ”! - Colia giận giữ nói.
- Thiếu gì điều tôi đã nói. Lúc trước, đấy là đầu mối duy nhất, nhưng đến nay thì tôi đã thấy rõ rằng mình đoán sai.
- Tôi không còn hiểu ra sao nữa! - Colia uất ức nói - Tôi chạy ngược chạy xuôi, vất vả đổ mồ hôi phục vụ cô, vậy mà đùng một cái, bây giờ cô lại xoay chuyển hẳn hướng điều tra!
- Thôi đừng than vãn nữa, Colia - Đại tá Gordeev chen vào - Anh tìm ra được như thế vẫn cứ là tốt, bởi công trường là nơi luôn xảy ra đủ thứ tội phạm. Anh hiểu ý tôi chứ, Colia?
- Chưa. - Colia vẫn giận hờn.
- Nếu vậy, anh hãy đưa bản danh sách ấy cho Corotcov để anh ta sử dụng trong cuộc gặp gỡ Trercaxov sắp tới. Bảo Corotcov làm dữ vào, bắt gã phải trả lời, gã đến khu “Mộng Mơ” ấy để làm gì?
Gã Trercaxov dần dần quen với căn hộ “đặc biệt” và gã đã khôn khéo chiếm được cảm tình của các nhân viên canh gác gã. Việc canh gác đâm thành lơi lỏng. Sáu nhân viên cảnh sát ở đây chủ quan, suốt ngày nhậu nhẹt và sát phạt nhau bằng lá bài, cho cả gã tham gia. Gã Trercaxov thuộc loại đánh bài có hạng, nên luôn thắng và bao giờ cũng có tiền rủng rỉnh trong túi. Còn sáu cảnh sát viên kia thì tranh thủ thời gian canh gác buồn tẻ này để học nghề cờ bạc ở tay “đàn anh” kia. Và hễ thấy Corotcov xuất hiện là đám bạc vội tản ra ngay.
Hôm nay Corotcov đến vào lúc chiều tà, khi cả đám kia đang chuẩn bị ăn tối.
Gã Trercaxov vui vẻ mời :
- Mời ông ăn với chúng tôi!
Anh chàng Corotcov, vốn thường xuyên đói ăn, chỉ chực nhỏ dãi khi mùi gà rán kèm gia vị xộc vào mũi, nhưng anh kiên quyết từ chối.
- Trercaxov, anh thường làm vệ sinh căn hộ theo lịch thế nào?
- Tôi chưa hiểu ông định hỏi gì? - Trercaxov ngơ ngác.
- Mấy ngày anh lau cửa sổ một lần? Mấy ngày lau sàn nhà một lần?
- Tôi chưa hiểu ông hỏi thế để làm gì?
- Yêu cầu trả lời câu tôi hỏi!
- Lau kính cửa sổ thì mỗi năm hai lần. Còn sàn thì tôi có máy hút bụi, thông thường mỗi tuần tôi hút một lần.
- Bao lâu anh lật thảm lên, lau sàn một lần?
- Thường mỗi năm tôi chỉ lật lên một lần, vì như thế phải chuyển dịch đồ đạc, rất phiền phức.
- Lần gần đây nhất là bao giờ?
- Bao giờ ạ? - Trercaxov suy nghĩ - Hình như vào đầu tháng Mười Hai. Lúc đó Oleg còn sống. Đúng là lúc đó. Cậu ta giúp tôi dịch chuyển đồ đạc rồi cuộn thảm lên.
- Anh nhớ chính xác là hôm nào không?
- Nếu muốn biết chính xác, tôi phải xem lại lịch. Vì việc đó tôi chỉ có thể làm vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật.
- Thôi được, Trercaxov. Hãy tạm biết như thế. Anh có hay đến công trường xây dựng không?
- Công trường xây dựng? - Trercaxov ngạc nhiên.
- Không. Tôi không có việc gì mà đến các công trường xây dựng.
- Nghĩa là anh không đến công trường nào bao giờ?
- Không.
- Hoặc có đi ngang qua?
- Đi ngang qua thì có thể - Gã nhún vai - Tôi không chú ý. Tôi ít khi để ý gần chỗ tôi đi có công trường xây dựng nào không.
Corotcov giở tấm bản đồ của Colia, trải lên bàn, rồi yêu cầu gã kể về những cuộc đi lại của gã trong mấy tháng gần đây. Trong số những công trường Corotcov quan tâm, cụ thể là bốn công trường sử dụng thứ xi măng kia, có khu biệt thự “Mộng Mơ”. Trercaxov trả lời là gã không đến và cũng không đi ngang qua cả bốn công trường đó.
Nếu Trercaxov nói dối, Corotcov đành phải thăm dò tỉ mỉ khu vực xung quanh cả bốn công trường để tìm ra nơi những đứa trẻ con vị thành niên kia bị giam giữ. Còn nếu gã nói thật, thì sẽ phải điều tra xem tại sao vụn đất lẫn xi măng của công trường kia lại có trong căn hộ của gã.
Cho nên việc đầu tiên là phải quyết định xem có nên tin lời gã hay không.
Việc thẩm định đáng quý ở chỗ giải đáp được rất nhiều câu hỏi, nhưng lại đáng ghét ở chỗ phải đợi rất lâu mới có kết quả. Muốn nhanh chỉ có cách dùng quan hệ cá nhân thúc đẩy lên, hoặc có lệnh của cấp trên dội xuống.
Mẫu đất lấy trong khu vực “Mộng Mơ” đã nằm trên bàn của thẩm định viên, nhưng chưa biết đến bao giờ họ mới cho kết quả thẩm định. Tuy nhiên vụ án “những đứa trẻ con” nay đã được Bộ Nội vụ quan tâm, cho nên tổ điều tra của Naxtia có thể hy vọng sẽ nhận được kết quả trong vòng mươi ngày. Nhưng cái mươi ngày ấy đâu phải đơn giản!
Không ngày nào trên Bộ không gọi điện xuống quát tháo, thúc giục, phê phán đủ thứ, và những người tiến hành công việc điều tra vụ này lúc nào cũng cảm thấy như có thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu. Cha của cậu Valeri Liskin, đứa trẻ trai có cuốn sổ tay được cảnh sát tìm thấy trong căn hộ của Trercaxov, lộ rõ là con người hiểm độc. Liskin liên hệ ngay với nhà báo Lipartia tung ta những bài báo lớn tiếng chửi rủa ngành cảnh sát thành phố Moxcva, lên án họ là thờ ơ, lười biếng, trình độ nghiệp vụ kém cỏi, và nhất là mang nặng đầu óc bài Do Thái! Và ông Liskin ấy đưa đơn phản kháng lên tận Bộ Nội vụ Nga.
Toàn bộ những thứ đó, đại tá Gordeev hứng chịu hết. Một mặt ông kiên trì giải thích thuyết phục các vị tướng trên Bộ, một mặt cố gắng không để ảnh hưởng đến việc tiến hành điều tra của cấp dưới. Đại tá rất hiểu và thông cảm những khó khăn của các nhân viên điều tra, biết rằng họ không chờ kết quả thẩm định, mà vẫn tích cực lục soát từng bụi cây, từng ngóc ngách trong bốn cái công trường xây dựng kia, dò hỏi những người quen biết gã Trercaxov để xem có ai thấy gã đến công trường nào không. Rồi họ kiểm tra theo những đường dây riêng, xem có thật Oleg Butenco đã biển thủ một khối lượng lớn ma túy của đám buôn bán chất độc này hay không. Tóm lại mỗi lời khai của gã Trercaxov đều được anh em kiểm tra lại hết sức tỉ mỉ.
Trong khi đó, đại tá làm tấm bình phong che chở cho họ. Đại tá bị các vị tướng gọi lên mắng mỏ, thúc ép này nọ, nhưng ông cũng cãi lại, thậm chí quát tháo lại, đôi khi còn đe dọa, vì ông nắm được thóp cấp trên rất sợ mang tiếng.
Một vị tướng quát :
- Sao ông vẫn chưa bắt được thằng cha Trercaxov thú nhận?
- Chúng tôi đang tìm chứng cứ để có thể khẳng định gã là thủ phạm.
- Báo chí kêu ầm lên, chứng tỏ ông đã đủ chứng cứ để kết tội gã, sao ông chưa làm?
- Chúng tôi đang tìm chứng cứ...
Và mấy vị tướng kia đành chịu thua.
Mãi gần mười giờ tối, Naxtia mới về đến nhà. Alecxei hỏi vợ một câu bất ngờ :
- Đã lâu em không mở thùng thư, đúng vậy không?
- Vâng, bởi em tin không có ai gửi gì cho chúng mình. Thế sao?
- Thùng thư bị phá khóa. Hôm nay anh sực nhớ, ra ngó thì thấy kẻ nào đã bẻ khóa. Nhưng không sao, anh chữa lại rồi. Mai em đưa anh chìa khóa để anh thường xuyên mở cho.
Naxtia rất ân hận là mấy tuần lễ gần đây, chị hầu như quên hẳn mọi công việc gia đình.
- Mà em không quên là sắp đến ngày kỷ niệm ngày cưới của chúng mình đấy chứ?
- Ôi, anh yêu! Em quên làm sao được?
- Hai vợ chồng cậu Xasa gọi điện hỏi về chuyện đó đấy. Ngày cưới của cậu ấy cũng là ngày cưới của vợ chồng mình. Cậu ấy đúng là dân kinh doanh, đưa ra ý kiến là ta sẽ tổ chức chung tại một nhà hàng thật sang. Cô Đasa thì nêu tên ba nhà hàng, toàn loại cực kỳ đắt tiền cả.
- Không đi nhà hàng không được à? - Naxtia rụt rè hỏi - Hôm ấy thứ hai em vẫn phải đến cơ quan. Nếu đi nhà hàng thì hết giờ làm việc phải đi thẳng đến đó. Chẳng lẽ suốt ngày diện áo dài, giầy cao gót, và mặt mày trang điểm à? Em không thể làm như thế được!
- Cậu em trai của em dự tính ta sẽ tổ chức tại một nhà hàng mở cửa ban đêm, cho nên hết giờ làm việc em có thể về nhà chuẩn bị. Khoảng mười, mười một giờ tối ta mới phải đến đó. Họ mở cửa cho đến sáng.
- Anh điên rồi à? - Naxtia kịch liệt phản đối - Ngồi ăn đến sáu giờ sáng chăng? Vậy hôm sau em làm việc thế nào? Cả ngày ngủ gà ngủ gật hay sao?
Alecxei dang rộng hai tay, vẻ bất lực :
- Biết làm thế nào được, Naxtia? Ngày cưới là ngày mười ba, chúng ta không thể làm sớm hơn hoặc muộn hơn. Đâu phải bữa tiệc ăn mừng bảo vệ luận án mà bảo có thể lui lại vài ngày, thậm chí cả tuần lễ?
- Nhưng vẫn có thể có sự chọn lựa. - Naxtia kiên quyết nói.
- Chọn lựa sao?
- Hoàn toàn có thể không đi nhà hàng. Hai vợ chồng mình uống một ly rượu, ngồi trò chuyện thanh thản với nhau trong gian bếp, rồi đi ngủ như thường lệ. Hôm đó, anh có thể mua một bó hoa tặng em, và em mua một thứ quà lý thú tặng anh. Ta chỉ làm thế thôi.
- Không được, Naxtia! - Chồng chị dịu dàng nói - Em quên mất vợ chồng Xasa. Đối với họ, ngày kỷ niệm này quan trọng hơn đối với em nhiều. Đấy là chưa kể cậu ấy và cô Đasa vẫn coi hạnh phúc của họ hiện nay là do công của em. Họ rất muốn nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn đối với bà chị, họ hoàn toàn không muốn tổ chức kỷ niệm ngày cưới riêng rẽ, nhất là lại không có em dự.
Naxtia phẩy tay :
- Thôi được. Nhưng em rất không muốn ngồi ở nhà hàng... Mới nghĩ đến em đã thấy nghẹn lại rồi. Hay ta mời vợ chồng cậu ấy đến nhà mình cùng tổ chức ăn ở đây? Đơn giản hơn nhiều, không phải trang điểm công phu, trưng diện áo quần, và không mất thời giờ đi lại...
- Không được! Đây là ngày vui của cả bốn, không thể để ba người ngồi ăn mừng, còn một người túi bụi bếp núc. Mà người túi bụi ấy là ai thì em đã đoán ra rồi.
- Anh nói đúng, em quên không nghĩ ra.
- Vậy sao nào?
- Ta đi ăn khách sạn vậy, và để cậu Xasa chọn nơi nào tùy cậu ấy.
- Cậu ấy bảo để em chọn.
Alecxei chìa ra ba tấm thiếp quảng cáo của ba khách sạn. Naxtia liếc nhanh thấy một cái là “Lada”, chính là bên cạnh nơi cách đây năm rưỡi đã xảy ra một vụ án mạng vô cùng ranh ma. Chị liền chọn một trong hai nơi kia, không cần suy nghĩ nhiều. Và xem kỹ thì đó là một nhà hàng người Hoa với những món ăn Trung Hoa.

Chương trước Chương sau