Arsène Lupin và những hồi ức bí mật - Chương 04

Arsène Lupin và những hồi ức bí mật - Chương 04

Bà Edith Cao Cổ

Ngày đăng
Tổng cộng 10 hồi
Đánh giá 9.4/10 với 11330 lượt xem

Arsèsène Lupin, thực tình anh nghĩ về Thanh tra Ganimard thế nào?”
“Có nhiều cảm tình, bạn thân mến ạ.”
“Nhiều cảm tình à? Thế tại sao lúc nào có cơ hội là anh xoay ông ta làm trò cười?”
“Do một thói quen xấu thôi, và tôi thường hối hận về việc đó. Nhưng anh hiểu không, hình như đó là một quy luật. Ông ấy là một chiến sĩ an ninh dũng cảm, cùng nhiều người dũng cảm nữa đảm bảo trật tự xã hội, bảo vệ chúng ta những người lương thiện, chống lại bọn vô lại mà ngược lại, chúng ta miệt thị, châm chọc họ. Thật ngốc!”
“Lupin, hay đấy, anh nói như một người công dân tốt.”
“Thế tôi là người thế nào? Nếu đối với tài sản người khác tôi có ý nghĩ hơi đặc biệt, thề với anh là nó thay đổi hoàn toàn nếu đó là tài sản của tôi. Đừng hòng sờ vào cái gì của tôi, tôi trở nên hung dữ ngay. Tiền, ví, đồng hồ của tôi… gãy tay ngay! Bạn thân mến, tôi có tâm hồn của một người bảo thủ, bản năng của một người có ít tiền lãi hàng năm, có lòng kính trọng tục lệ và quyền lực. Vì vậy đối với Ganimard tôi rất kính trọng và biết ơn.”
“Nhưng không khen ngợi chứ?”
“Cũng rất khen ngợi. Ngoài lòng dũng cảm bất khuất là đặc tính của nhân viên an ninh, Ganimard còn có nhiều phẩm chất nghiêm túc: quyết đoán suy luận sáng suốt. Tôi đã chứng kiến ông ấy trong công việc, thật là một người đáng gờm. Anh có biết lịch sử của Edith cao cổ không?”
“Như mọi người thôi.”
“Nghĩa là không biết gì. Đó là một việc tôi bố trí phức tạp nhất, rất cẩn thận, dự phòng cao độ, chồng chất bí mật, mờ ám, cần tuyệt đối tự chủ mới thực hiện được. Thế mà Ganimard gỡ rối được đấy. Nhờ ông mà người ta biết được sự thật về bến tàu Orfevres, một sự thật không tồi!”
“Tôi có thể biết được không?”
“Được một ngày nào đó… Khi tôi có thì giờ. Còn tối nay có cô Brunelli múa ở vũ trường, nếu không thấy tôi ngồi trên ghế!…”
Tôi ít gặp Lupin, anh cũng không để lộ những câu chuyện bí mật, trừ khi thích. Do góp nhặt dần từng ít một, qua mỗi lần tâm sự tôi ghi lại từng đoạn và hệ thống hóa toàn bộ chi tiết. Người ta đã biết nguồn gốc, tôi chỉ kể lên những sự việc:
Cách đây ba năm, trong chuyến tàu từ Brest đến ga Rennes, người ta thấy cánh cửa một toa chở hàng bị phá, toa của một người Brésilien giàu có thuê đại tá Sparmiento, đi trên chuyến tàu đó cùng với vợ.
Toa bị phá chở một lô thảm; hộp đựng một chiếc thảm bị đập gãy và tấm thảm bị mất. Đại tá Sparmiento phát đơn kiện Công ty hỏa xa, đòi bồi thường thiệt hại đáng kể vì tấm thảm bị trộm làm giảm giá trị bộ sưu tập thảm.
Cảnh sát truy tìm, Công ty hỏa xa hứa món tiền thưởng lớn. Hai tuần sau có một bức thư cho biết vụ trộm do Arsène Lupin chỉ đạo và ngày hôm sau sẽ có một bưu kiện gửi đi Bắc Mỹ. Tối hôm đó người ta tìm thấy tấm thảm để trong một cái hòm ở kho hành lý ga Thánh Lazare.
Như vậy là phi vụ thất bại. Lupin thất vọng tỏ thái độ bực dọc trong bức thư gửi cho đại tá Sparmiento, nói rõ:
Tôi đã tế nhị chỉ lấy một tấm thảm. Lần sau tôi sẽ lấy cả mười hai tấm. Xin ông hiểu cho.
Đại tá mấy tháng nay ở trong một ngôi nhà cuối vườn ở góc hai con đường giao nhau. Ông là người khá mạnh khỏe, vai rộng, tóc đen, da ngăm ngăm, ăn mặc giản dị, lịch sự. Ông lấy một cô gái trẻ người Anh rất đẹp nhưng sức yếu và việc rắc rối về những tấm thảm tác động mạnh đến bà. Từ đầu bà yêu cầu chồng bán đi bất cứ giá nào. Ông đại tá vốn tính cương quyết không chiều theo cái ông gọi là tính khí thất thường của đàn bà. Ông không bán nhưng tăng cường đề phòng, sử dụng mọi biện pháp để không kẻ nào lấy trộm được.
Trước hết để chỉ canh chừng mặt nhà trông ra vườn, ông bịt mọi cửa sổ tầng trệt và tầng một phía ngoài đường, sau đó nhờ một cơ sở đặc biệt bảo vệ tài sản. Ở mỗi cửa sổ phòng trưng bày những tấm thảm, người ta bố trí máy móc chỉ riêng ông biết chỗ, khi chỉ bấm nhẹ đã bật sáng mọi ngọn đèn trong nhà và làm rung hệ thống chuông điện. Ngoài ra, để đảm bảo nghiêm túc, Công ty bảo hiểm đòi bố trí ba người của họ trực ban đêm do ông trả tiền. Họ chọn ba viên thanh tra cảnh sát cũ, chắc chắn, đã qua thử thách và rất căm thù Arsène Lupin. Về người hầu trong nhà, đại tá bảo đảm vì ông biết họ đã lâu năm.
Những biện pháp đó thu xếp xong, ngôi nhà được bảo vệ như một dinh lũy. Ông đại tá tổ chức một bữa tiệc khánh thành như kiểu khai mạc triển lãm. Khách mời là hội viên hai câu lạc bộ ông tham gia cùng một số bà, các nhà báo, những nghệ sĩ nghiệp dư và phê bình nghệ thuật.
Vào khỏi cổng sắt ở vườn là như đi vào một nhà tù. Ba viên thanh tra đứng trước bậc thang xem giấy mời và nghi ngờ nhận mặt khách. Người ta có cảm tưởng họ sẽ khám xét và lấy vân tay của khách.
Đại tá tiếp khách ở tầng một, tươi cười xin lỗi mọi người và hân hoan giải thích việc ông bố trí bảo vệ những tấm thảm. Bà vợ đứng cạnh ông, lộng lẫy vì trẻ đẹp, tóc vàng, người hơi xanh, mềm mỏng, có vẻ hơi buồn và dịu dàng, dáng nhẫn nhục của những người bị đe dọa.
Khi khách vào đầy đủ, người ta đóng cổng vườn và cửa tiền sảnh rồi mời khách qua phòng chính, căn phòng được tăng cường hai cửa bọc thép, cửa sổ cánh dày có song sắt. Ở đây trưng bày mười hai tấm thảm.
Thật là những tác phẩm nghệ thuật không gì so sánh nổi do một hãng đặt nổi tiếng hiến dâng hoàng hậu, bộ sưu tập thảm tượng trưng lịch sử chiến thắng của nước Anh. Những tấm thảm này do con cháu một tướng lĩnh tháp tùng vua Guillaume - người chiến thắng, đặt làm vào thế kỷ XVI và bốn trăm năm sau được tìm thấy trong một trang viên ở Bretagne. Để phòng xa, đại tá đánh giá bộ sưu tập năm mươi nghìn francs, đáng ra giá trị cao hơn hai mươi lần.
Tấm thảm đẹp nhất, chính gốc nhất đúng là tấm Arsène Lupin lấy trộm và người ta đã thu hồi được. Tấm thảm trình bày bà Edith cao cổ đang tìm xác người yêu - Harold, ông vua Saxon cuối cùng, trong đám tử thi Hastings. Ngắm nhìn tấm thảm, trước vẻ đẹp vô tư của bức họa, màu sắc u tối và đoàn người có hồn, trước cảnh tang tóc đau đớn, khách không ngớt trầm trồ. Edith cao cổ, bà hoàng bất hạnh trĩu xuống như một bông huệ nặng nề. Chiếc áo dài trắng in rõ thân hình tiều tụy của bà, đôi tay dài thanh mảnh vươn ra một cử chỉ hãi hùng cầu khẩn. Và không gì có vẻ đau đớn hơn nét mặt trông nghiêng với nụ cười buồn bã, thất vọng.
Một nhà phê bình nói và được mọi người tán thưởng:
“Nụ cười thương tâm. Một nụ cười rất đẹp, làm tôi nghĩ tới nụ cười của bà Sparmiento, thưa đại tá.”
Nhận xét có vẻ đúng làm ông này nhấn mạnh:
“Có những nét khác nữa thật giống làm tôi chú ý như đường cong duyên dáng ở cổ, bàn tay thanh mảnh, và cũng có cái gì đó trong dáng người, trong phong thái hàng ngày…” Ông nói thêm. “Đúng thế và sự giống nhau đó làm tôi quyết định mua những tấm thảm in. Một lý do nữa là có sự trùng hợp lạ kỳ: vợ tôi cũng tên là Edith. Từ đó tôi cứ gọi cô là Edith cao cổ.”
Ông cười:
“Tôi mong những sự giống nhau chỉ đến vậy thôi và Edith thân yêu của tôi không phải đi tìm tử thi người mình yêu như người được yêu trong lịch sử. Ơn chúa, tôi mạnh khỏe lắm và không muốn chết. Chỉ gặp trường hợp những tấm thảm bị mất… thì thực tình tôi không khẳng định là không.”
Ông cười nói như vậy nhưng giọng cười không vang và những hôm sau, lúc nhắc lại đề tài đó người ta vẫn có cảm giác gò bó, nặng nề. Những người tham dự lúc đó cũng không biết nói gì hơn. Một người nói đùa:
“Đại tá, ông không gọi là Harold chứ?”
“Theo tôi thì không, ông vui vẻ tuyên bố. Tôi không gọi như vậy và tôi cũng không giống ông vua Saxon chút nào.”
Khi ông đại tá dứt câu, mọi người đều xác nhận là bên cạnh những cửa sổ (cửa sổ bên phải hoặc ở giữa, họ không thống nhất với nhau) có một tiếng chuông gọn, sắc, không có tiếng rền. Tiếp theo tiếng chuông, bà Sparmiento nắm lấy tay chồng sợ hãi kêu lên. Ông hỏi:
“Cái gì vậy? Như vậy là thế nào?”
Khách mời im lặng nhìn vào những cửa sổ. Ông đại tá hỏi lại:
“Như vậy là thế nào, tôi không hiểu được. Ngoài tôi ra không có ai biết được chỗ đặt chuông đó…”
Cùng lúc đó - mọi người đều chứng kiến - đột nhiên nhà tối sầm và ngay lập tức từ trên xuống dưới, trong phòng khách, phòng ở, trên các cửa sổ tiếng chuông điện vang rộ lên.
Trong khoảnh khắc, có sự lộn xộn tệ hại, khiếp sợ điên cuồng. Đàn bà kêu lên, đàn ông đấm mạnh vào những cánh cửa đóng. Người ta xô đẩy nhau, có những người ngã xuống bị dẫm chân lên. Có thể nói như mối lo sợ của đám người hốt hoảng do cháy nhà hoặc đạn trái phá nổ.
Khống chế tiếng ồn ào, đại tá thét lên:
“Im lặng… Đừng lộn xộn. Tôi bảo đảm mọi trường hợp… Cầu dao điện ở kia… trong góc, ở đây…”
Nói rồi rẽ một đường qua khách mời, ông đến góc phòng và điện lại sáng lên ngay, hệ thống chuông rung im lặng.
Thế rồi dưới ánh sáng đột ngột, một cảnh tượng lạ lùng hiện ra: hai bà bất tỉnh, bà Sparmiento bám tay chồng, quỳ xuống đất, mặt tái xanh như chết. Đàn ông nhăn nhó, cà vạt xộc xệch, có dạng những người đang chiến đấu.
Một người nào đó kêu lên:
“Những tấm thảm còn kia!”
Người ta rất ngạc nhiên vì cho rằng diễn biến vừa rồi đưa lại hậu quả tất nhiên là những tấm thảm bị mất và chỉ như thế mới giải thích được, nhưng không có gì di dịch. Một số tấm thảm có giá trị treo trên tường vẫn còn đó. Và tuy khắp nhà ồn ào, chìm trong bóng tối, bộ phận bảo vệ không thấy ai vào hay định lọt vào.
Đại tá nói:
“Mặc dù chỉ những cửa sổ phòng trưng bày gắn máy báo động và những máy đó chỉ có tôi biết mà tôi không đụng đến, lạ thật!”
Người ta ồn ào cười nói về cuộc báo động nhưng không thoải mái và hơi thẹn vì mỗi người đều thấy hành động của mình vừa rồi vô lý. Người ta vội rời khỏi ngôi nhà này mà dù sao người ta vẫn thấy một không khí lo lắng, không yên ổn.
Có hai nhà báo ở lại; đại tá sau khi chăm sóc Edith, bảo các bà hầu phòng ra rồi trở vào gặp họ. Cùng với các thám tử, ba người tiến hành một cuộc điều tra nhưng không tìm được chi tiết quan trọng nào. Rồi đại tá mở một chai sâm banh. Đến quá nửa đêm, chính xác là hai giờ bốn mươi lăm phút, hai nhà báo ra về, đại tá vào phòng mình, các thám tử xuống tầng trệt dành cho họ, thay phiên nhau canh gác, lúc đầu thức trông chừng rồi làm một vòng quanh vườn và lên phòng trưng bày.
Nhiệm vụ đó được thực hiện đúng mức trừ khoảng từ năm giờ đến bảy giờ sáng, quá buồn ngủ họ không đi tuần. Nhưng lúc đó bên ngoài trời đã sáng rõ và nếu có chuông báo động thì họ đã thức dậy ngay rồi.
Tuy thế, lúc bảy giờ hai mươi phút, một trong bọn họ mở cửa phòng trưng bày, đẩy cửa sổ thì mười hai tấm thảm đã mất!
Sau đó người ta trách anh này loay hoay điều tra xem xét mà không kịp thời báo với đại tá và điện cho cảnh sát. Chậm trễ đó có làm trở ngại gì cho cảnh sát không?
Đến tám giờ ba mươi phút đại tá mới được báo tin. Ông đã bận xong quần áo, sắp sửa đi ra. Tin đó không làm ông xúc động chút nào hay ít nhất là ông tự kìm chế được. Nhưng cố gắng đó có thể là quá sức vì đột nhiên ông ngã xuống chiếc ghế dài, tỏ ra quá thất vọng hồi lâu, khó tưởng tượng được ở một con người bề ngoài kiên quyết như vậy.
Bình tĩnh lại, tự chủ bản thân, ông vào phòng trưng bày xem xét những bức tường, trần nhà rồi ngồi vào bàn viết nhanh bức thư cho vào phong bì đóng dấu. Ông nói với mấy viên thanh tra:
“Cầm lấy, tôi vội.. một cuộc họp gấp… Đây là thư tôi gửi ông Cảnh sát trưởng.”
Thấy họ nhìn kỹ ông, ông nói thêm:
“Đây là ý kiến tôi gợi lên với ông Cảnh sát trưởng… tôi có một nghi ngờ để ông ấy biết. Riêng tôi, tôi sẽ bắt tay vào việc.”
Ông vừa đi vừa chạy với những cử chỉ như bị kích động. Mấy phút sau, Cảnh sát trưởng đến, họ đưa thư, chỉ có những chữ sau:
Mong vợ yêu quý của tôi tha thứ cho về những nỗi buồn tôi gây ra cho em. Cho đến phút chót, tên em vẫn trên môi tôi.
Như vậy là sau đêm thần kinh bị kích thích mạnh, trong chốc lát điên cuồng đại tá Sparmiento chạy đi tự vẫn. Ông ấy có can đảm làm việc đó không, hay đến phút chót lý trí giữ ông lại?
Người ta báo tin cho bà vợ. Trong lúc thám tử đi tìm kiếm, cố gắng dò ra dấu vết đại tá thì bà chờ đợi, phấp phỏng kinh hoàng. Đến chiều có điện thoại của thành phố. Trên một đoạn đường vừa ra khỏi đường hầm sau khi tàu chạy, nhân viên hỏa xa thấy xác một người bị nghiền nát, mặt không còn hình dạng, trong túi không có giấy tờ gì nhưng dáng người giống ông đại tá. Bảy giờ tối bà Sparmiento đi xe tới, người ta dẫn bà vào một phòng trong nhà ga. Mở tấm vải trùm ra thì Edith, Edith cao cổ nhận ra là xác chồng bà.
Về trường hợp này, cũng như thường lệ, Lupin bị báo chí chỉ trích. Một phóng viên ngạo mạn viết tóm tắt dư luận chung:
Anh ta cần thận trọng. Không cần có thêm những chuyện như thế này mới làm mất hết cảm tình của chúng ta đối với anh ta. Lupin còn có thể tha thứ được nếu những phi vụ chỉ nhằm vào những chủ ngân hàng xấu, những tài phiệt Đức, những tay giang hồ tương tự, những công ty tài chính.v.v… nhất là không giết người! Trộm cắp còn được nhưng giết người thì không. Đằng này nếu không phải anh ta giết thì ít ra cũng chịu trách nhiệm về cái chết này. Anh ta vấy máu. Vũ khí trên huy hiệu anh ta thấm đỏ rồi!…
Nét mặt xanh xao của Edith gợi lên lòng thương cảm và lòng căm giận, sự phản ứng của dân chúng càng mạnh. Những khách mời hôm trước trao đổi tình hình người ta biết được những chi tiết cảm động của tối hôm đó và dựng nên một truyền thuyết về người đàn bà Anh tóc vàng, truyền thuyết đưa vào kịch tính của câu chuyện dân gian về bà hoàng cao cổ.
Tuy vậy người ta không khỏi không ca ngợi kỳ tài lạ lùng của vụ trộm. Cảnh sát giải thích việc đó như sau:
Những thám tử để ý thấy một trong ba cửa sổ gian phòng trưng bày mở rộng chắc là Lupin và đồng bọn qua đó vào trong nhà. Giả thuyết có thể chấp nhận được. Nhưng làm sao họ có thể: Một, ra cổng sắt trong vườn mà không ai thấy? Hai, đi qua vườn và dựng một chiếc thang chỗ đất bằng không để lại dấu vết gì? Ba, mở những cánh cửa lớn cửa sổ, không đụng đến hệ thống chuông báo động và đèn trong nhà?
Dân chúng quy tội cho ba nhà thám tử. Ông dự thẩm thẩm vấn họ rất lâu, điều tra tỉ mỉ về đời tư của họ và tuyên bố một cách chắc chắn là không thể nghi ngờ họ. Còn những tấm thảm thì không có dấu hiệu nào cho thấy có thể tìm lại được
Trong lúc đó Chánh thanh tra Ganimard từ Ấn Độ trở về, ở đó qua vụ chiếc vương miện và Sonia Krichnoff mất tích và căn cứ vào một loạt bằng chứng chắc chắn do đồng bọn cũ của Lupin cung cấp, ông theo dõi sát Lupin. Lại bị đòn một lần nữa vì tay địch thủ suốt đời này, ông nghĩ rằng tay này lừa ông sang Viễn Đông để rảnh tay trong vụ những tấm thảm. Ông xin phép nghỉ mười lăm ngày đến gặp bà Sparmiento và hứa trả thù cho chồng bà.
Edith đang trong tình trạng mà ý nghĩ trả thù không giảm nhẹ được nỗi đau lòng vẫn dày vò bà. Ngay tối hôm đưa ma chồng xong, bà trả ba viên thanh tra về, thay thế bằng một người hầu và một bà già giúp việc nhà. Bỏ mặc mọi việc, ở tịt trong phòng, bà để mặc Ganimard tùy thích hoạt động.
Ông này ở ngay tầng trệt và bắt tay vào khám xét tỉ mỉ, điều tra, hỏi thăm trong vùng, nghiên cứu vị trí ngôi nhà, tác động vào hệ thống chuông điện rung lên hai mươi lần, ba mươi lần.
Suốt mười lăm ngày ông xin kéo dài thời hạn nghỉ phép. Trưởng ban an ninh lúc đó là ông Dudouis đến gặp ông, thấy ông đang trèo lên chiếc thang trong phòng trưng bày. Hôm đó Ganimard thú nhận sự tìm tòi của ông không có kết quả.
Hôm sau ông Dudouis lại đến, thấy ông có vẻ lo lắng, một tập báo chí trải trên bàn trước mặt. Bị dồn hỏi, chánh thanh tra thì thầm:
“Thưa thủ trưởng, tôi chưa nắm được gì cả, tuyệt đối không có gì, nhưng một ý nghĩ kỳ quặc làm tôi phân vân. Nhưng nếu thế thì thật điên!… Và cũng không giải thích được gì, mà càng làm sự việc rối thêm.”
“Thì sao?”
“Thưa thủ trưởng, xin ông kiên nhẫn cho một chút… và để tôi làm. Nếu một ngày nào đó tôi gọi điện thoại thì phải nhảy ngay lên xe không chậm một phút. Như thế là đã khám phá ra tổ ong vò vẽ.”
Ông ở lại đó bốn mươi tám tiếng nữa. Và một buổi sáng ông Dudouis nhận được bức điện ngắn:
Tôi đi Lille. Ký tên: Ganimard.
Trưởng ban an ninh tự nhủ: “Ông ta làm quái quỷ gì ở đấy?”
Qua một ngày không tin tức, rồi một ngày nữa. Nhưng ông Dudouis vẫn tin tưởng. Ông hiểu rõ Ganimard, biết rằng ông cảnh sát già này không phải là người hấp tấp không có lý do. Nếu ông ấy “hành động” nghĩa là có những lý do nghiêm chỉnh để hành động.
Thật vậy, chiều ngày thứ hai đó ông Dudouis có điện thoại gọi.
“Thủ trưởng phải không ạ?”
“Ganimard đấy à?”
Cả hai đều là những người thận trọng, họ xác định chắc chắn để khỏi bị nhầm người và yên tâm.
Ganimard vội vã nói:
“Thủ trưởng cho ngay mười người. Đề nghị thủ trưởng cùng đến.”
“Anh ở đâu?”
“Trong nhà, ở tầng trệt. Nhưng tôi sẽ đón sau cổng sắt ở vườn.”
“Tôi sẽ đến, thống nhất là bằng ô tô đấy.”
“Vâng. Thủ trưởng dừng xe cách một trăm bước. Một tiếng còi nhẹ và tôi sẽ mở cổng.”
Mọi việc tiến hành như Ganimard dặn. Quá nửa đêm, khi đèn các tầng trên tắt, ông luồn ra đường đón ông Dudouis. Một cuộc họp chớp nhoáng. Cảnh sát viên bố trí theo lệnh Ganimard rồi thủ trưởng và chánh thanh tra cùng đi với nhau im lặng qua khu vườn, cẩn thận vào trong nhà.
Ông Dudouis hỏi:
“Thế nào? Những việc đó có nghĩa là gì? Thật ra chúng ta như những người đồng mưu.”
Ganimard không cười. Chưa bao giờ thủ trưởng thấy ông trong trạng thái kích động như vậy và nghe ông nói với giọng hoảng hốt đến thế.
“Có tin gì mới đấy Ganimard?”
“Vâng, thưa thủ trưởng, và lần này… Tôi khó có thể ngờ như vậy. Nhưng tôi không lầm… Tôi nắm được mọi sự thật. Cô ta, dù có vẻ không phải, cũng là sự thật hoàn toàn. Không ai khác… Đúng vậy, không việc gì khác được.”
Ông lau mồ hôi trán và khi ông Dudouis gặng hỏi. Ông trấn tĩnh uống một cốc nước rồi bắt đầu:
“Lupin thường chơi xỏ tôi…”
“Ganimard,” ông Dudouis ngắt lời, “nói thẳng vào việc đi. Hai tiếng thôi, có gì vậy?”
“Không được, thưa thủ trưởng, ông phải nắm được những giai đoạn khác nhau tôi đã trải qua. Ông tha lỗi cho tôi, nhưng tôi nghĩ cần thiết như vậy.”
Và ông lặp lại:
“Thưa thủ trưởng, tôi đã nói là Lupin thường chơi xỏ tôi, làm mắt tôi nổ đom đóm. Trong cuộc vật lộn với anh ta mà bao giờ tôi cũng thất bại… Ít nhất tôi cũng có lợi, biết được kinh nghiệm, cung cách của anh ta. Về vấn đề những tấm thảm, tôi đặt ngay hai câu hỏi: Một là Lupin không bao giờ làm việc gì mà không biết công việc sẽ đi đến đâu tất nhiên phải hình dung được là nếu mất những tấm thảm, ông Sparmiento có thể sẽ tự tử. Vậy mà Lupin vốn sợ vấy máu vẫn lấy trộm những tấm thảm.”
“Cái giá năm hay sáu trăm nghìn francs hấp dẫn đấy,” ông Dudouis nhận xét.
“Không, thưa thủ trưởng, tôi xin nhắc lại, dù trường hợp nào, giá có đến hàng triệu, Lupin vẫn không giết người, cũng không muốn việc làm của mình là nguyên nhân cái chết. Đó là điểm thứ nhất. Hai là, tại sao có sự náo động trong đêm khánh thành? Để đe dọa, tạo ra một không khí không yên tâm, sợ hãi và đánh lạc hướng nghi ngờ sự thật mà người ta có thể nghĩ đến nếu không có việc đó. Thủ trưởng có hiểu không?”
“Theo tôi thì không.”
“Đúng vậy! Không rõ. Bản thân tôi khi đặt vấn đề như vậy tôi cũng không hiểu rõ lắm. Nhưng tôi có cảm giác đi đúng hướng. Lupin muốn chuyển sự nghi ngờ vào anh ta, để bản thân người điều khiển phi vụ không có ai biết.”
“Một đồng phạm à?” Ông Dudouis khẽ nói. “Một đồng phạm lẫn trong khách mời làm náo động hệ thống chuông, và sau khi đi ra đã lẻn vào nhà?”
“Đấy… đấy… Thủ trưởng nôn nóng rồi. Những tấm thảm chắc chắn không thể do một người lẻn vào nhà lấy trộm mà do một người ở ngay trong nhà, càng không thể vì khi xem xét danh sách khách mời và điều tra từng người, người ta sẽ nghi ngờ.”
“Sao?”
“Có một người nhưng… Danh sách khách mời do ba thám tử cầm trong tay sáu mươi ba người đến và sáu mươi ba người ra về. Vì vậy…”
“Thế thì một người hầu à?”
“Không phải.”
“Những thám tử?”
“Không.”
“Nhưng mà…” Trưởng ban an ninh nóng ruột nói. “Nhưng… vụ trộm do chính người trong nhà thực hiện…”
“Điều đó không thể bàn cãi, không nghi ngờ gì nữa,” viên chánh thanh tra nhấn mạnh. “Mọi điều tra của tôi đều xác định chắc chắn điều đó. Dần dần tôi càng tin như vậy và đến một hôm tôi định hình một định lý bất ngờ này: Về lý thuyết và thực tiễn, vụ trộm chỉ có thể thực hiện với sự cộng tác của một đồng phạm trong nhà. Nhưng lại không có đồng phạm.”
“Vô lý,” ông Dudouis nói.
“Đúng là vô lý, nhưng ngay trong lúc tôi nói câu vô lý đó thì sự thật hé ra trong đầu tôi.”
“Như thế nào?”
“Ồ, một sự thật tối tăm, không hoàn chỉnh nhưng cũng đủ. Theo ý nghĩ chỉ đạo này tôi phải đi đến đích, thủ trưởng có hiểu không?”
Ông Dudouis trầm ngâm. Hiện tượng phát sinh ở Ganimard cũng hiện ra ở ông. Ông lẩm bẩm:
“Nếu không là một khách mời, không phải người hầu, không phải các thám tử thì chẳng còn người nào…”
“Có đấy thưa thủ trưởng, còn một người nào đó.”
Ông Dudouis giật nảy mình như bị choáng, nói giọng trái với cảm xúc của mình:
“Nhưng không, không thể chấp nhận được…”
“Vì sao?”
“Anh cứ nghĩ…”
“Thủ trưởng nói đi.”
“Sao? Không đúng à?”
“Nói đi thủ trưởng.”
“Không thể được! Sparmiento lại là đồng lõa với Lupin.”
Ganimard xẵn giọng:
“Tốt quá… đồng lõa của Arsène Lupin. Như vậy mọi việc mới rõ ràng. Ban đêm, trong lúc ba thám tử canh phòng bên dưới, đúng hơn là họ ngủ vì đại tá Sparmiento cho uống quá nhiều rượu, người gọi là đại tá tháo những tấm thảm và đưa qua cửa sổ phòng ông ở tầng hai về phía khác không canh phòng, vì cửa sổ tầng dưới đã bịt kín.”
Ông Dudouis suy nghĩ rồi nhún vai:
“Không chấp nhận được?”
“Vì sao vậy?”
“Vì sao à? Nếu đại tá là đồng lõa của Lupin thì sau khi thực hiện có kết quả vụ trộm, ông ấy đã không bị giết.”
“Ai bảo ông là ông ấy bị giết?”
“Thế nào? Người ta tìm thấy ông ấy chết.”
“Tôi đã khẳng định là với Lupin thì không có người chết.”
“Nhưng đây là thực tế. Hơn nữa bà Sparmiento đã nhận là xác chồng.”
“Tôi đợi thủ trưởng nghĩ đến việc đó. Bản thân tôi lập luận này cũng làm cho lúng túng. Như vậy đáng lẽ một người thì trước mắt tôi có ba người: 1. Arsène Lupin, tay trộm. 2. Đồng loã của anh ta, đại tá Sparmiento. 3. Một người chết.”
Ganimard lấy cuộn báo, tháo dây đưa cho ông Dudouis một tờ.
“Thủ trưởng nhớ là… Khi ông đến tôi đang đọc báo. Tôi tìm xem thời gian đó có một tai nạn nào liên quan đến sự việc của chúng ta và xác nhận giả thuyết của tôi. Đề nghị ông đọc cột báo này.”
Ông Dudouis cầm tờ báo, đọc to lên:
Một việc lạ lùng do thông tín viên của chúng tôi ở Lille thông báo: ở một vùng của tỉnh này sáng hôm qua người ta thấy mất một xác chết, xác một người lạ mặt trước đó đâm đầu vào bánh tàu điện… Người ta không hiểu sự mất tích đó do đâu…
Ông Dudouis suy nghĩ rồi hỏi:
“Như vậy… anh nghĩ là…”
“Tôi ở Lille về và việc điều tra của tôi khẳng định trường hợp này. Xác chết bị lấy đi ngay đêm đại tá Sparmiento tổ chức khánh thành, chở bằng ô tô đến Ville d’Avray, bên đường sắt rồi ở lại đó đến tối.”
“Tất nhiên,” ông Dudouis tiếp lời, “gần chỗ đường hầm.”
“Bên cạnh đó thủ trưởng ạ.”
“Như vậy là xác chết người ta tìm được là xác bị mất đó bận quần áo của đại tá Sparmiento.”
“Đúng vậy, thưa thủ trưởng.”
“Thế đại tá Sparmiento còn sống?”
“Như ông và tôi vậy.”
“Nhưng tại sao lại có những chuyện như thế? Tại sao có vụ trộm một tấm thảm, trả lại rồi vụ trộm mười hai tấm? Tại sao có cuộc tổ chức khánh thành và sự náo động đó? Tóm lại tại sao có nhiều chuyện như vậy? Câu chuyện của anh khó đứng vững Ganimard ạ?”
“Câu chuyện khó đứng vững vì ông và tôi cũng dừng lại nửa chừng. Chuyện đã kỳ lạ thì phải đi xa hơn, thật xa đến mức hình như không thực và làm sửng sốt lòng người. Nói cho cùng, sao lại không thể thế được? Đây là Arsène Lupin và đối với anh ta chúng ta phải hình dung đến việc hình như không có thật và làm sửng sốt lòng người. Chúng ta phải hướng đến một giả thuyết điên rồ nhất. Tôi nói điên rồ nhất thật ra không đúng chữ mà ngược lại, tất cả những việc đó bố trí theo một logíc đáng ca ngợi và rất đơn giản. Đồng lõa thì có thể bị phản bội, không cần thiết có đồng loã khi mà tự bản thân, với bàn tay mình, theo cách riêng của mình hành động thuận tiện và tự nhiên được như vậy.”
“Anh nói gì vậy? Anh nói gì vậy?” Ông Dudouis càng hoảng hốt dằn từng tiếng.
“Việc đó làm ông kinh ngạc quá phải không thủ trưởng?” Ganimard cười nhẹ. “Hôm ông đến gặp tôi ở đây thì ý nghĩ đó cũng đang làm tôi sửng sốt. Tuy vậy tôi vẫn lần theo hướng đó. Tôi biết đối tượng của tôi có thể làm được đến mức nào. Nhưng cô ta, cô ta cứng cỏi quá!”
“Không thể!” Ông Dudouis nhỏ giọng lặp lại “Không thể!”
“Ngược lại rất có thể thưa thủ trưởng rất logíc, rất bình thường, cũng trong sáng như bí mật thánh ba ngôi. Ba lần thể hiện cùng một người. Bằng cách loại trừ dần, một đứa trẻ cũng giải quyết được việc đó. Chúng ta loại trừ cái chết thì còn lại Sparmiento và Lupin; loại trừ Sparmiento…”
“Còn lại Lupin,” Trưởng ban an ninh nói tiếp.
“Vâng, ngắn gọn lại là Lupin. Lupin bóc chiếc vỏ bọc và người Brésilien đến, Lupin còn sống, đã sáu tháng nay biến thành đại tá Sparmiento, biết được việc mười hai tấm thảm, mua lấy, tổ chức vụ trộm tuyệt vời để kéo sự chú ý về mình là Lupin mà không ai nghi ngờ gì mình là Sparmiento. Anh ta đã làm ầm ĩ trước mắt công chúng về cuộc đấu giữa Lupin và Sparmiento, tổ chức buổi lễ khánh thành làm kinh hãi khách mời. Khi mọi việc đã chuẩn bị, anh đã quyết định vụ trộm do Lupin thực hiện, nạn nhân Sparmiento chết không ai nghi ngờ gì, được bạn bè, công chúng thương xót, để lại của sự việc…”
Đến đây Ganimard ngừng lời, nhìn trưởng ban an ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói:
“Để lại một bà vợ góa thương xót không nguôi.”
“Bà Sparmiento! Thực sự anh tin là….Trời,” viên Chánh thanh tra nói, “người ta không dựng cả một câu chuyện như vậy mà cuối cùng không được những món lợi quan trọng.”
“Những món lợi, theo tôi hình như ở chỗ Lupin bán những tấm thảm ở Mỹ hay ở nước nào khác.”
“Đồng ý, việc bán những tấm thảm đại tá Sparmiento có thể làm, và có thể tốt hơn. Nhưng có một việc khác.”
“Việc khác?”
“Thủ trưởng, ông quên rằng đại tá Sparmiento là nạn nhân một vụ trộm quan trọng. Nếu ông ấy chết thì bà vợ góa còn đó và bà sẽ nhận được.”
“Nhận được gì?”
“Gì thế nào? Nhận được khoản người ta phải trả cho ông ấy… tiền bảo hiểm.”
Ông Dudouis sửng sốt. Toàn bộ sự biến hiện ra rõ rệt trước mắt ông với ý nghĩa thực sự của nó. Ông lẩm bẩm:
“Đúng thật… đúng. Ông đại tá có bảo hiểm là những tấm thảm.”
“Và không phải ít?”
“Bao nhiêu?”
“Tám trăm nghìn francs.”
“Tám trăm nghìn francs!”
“Như tôi nói với ông. Bảo hiểm ở năm công ty khác nhau.”
“Và bà Sparmiento đã nhận rồi à?”
“Hôm qua bà nhận một trăm năm mươi nghìn, hôm nay hai trăm nghìn, lúc tôi đi vắng. Những đợt trả khác sẽ lần lượt trong tuần này.”
“Thật đáng sợ! Đáng ra phải…”
“Thế nào thủ trưởng? Họ lợi dụng lúc tôi đi vắng để tổ chức thanh toán. Khi tôi về bất ngờ gặp một giám đốc công ty bảo hiểm tôi quen, hỏi chuyện anh ta nên biết được sự việc.”
Trưởng ban an ninh im lặng khá lâu rồi lẩm bẩm:
“Dù sao thì cũng là một con người đáo để!”
Ganimard gật đầu:
“Thưa thủ trưởng, đúng, một tay vô lại nhưng phải công nhận là một người khó chơi. Để đạt mục đích, phải đạo diễn kế hoạch thế nào cho trong bốn hay năm tuần lễ không ai có một tí nghi ngờ gì về đại tá Sparmiento. Làm sao để mọi người căm tức, tìm kiếm dồn vào một mình Lupin. Và cuối cùng người ta chỉ thấy một người đàn bà góa đau khổ, đáng thương” bà Edith cao cổ, hình tượng của sắc đẹp và truyền thuyết, con người gợi cảm đến nỗi những Công ty bảo hiểm hầu như sung sướng được đưa tận tay bà một cái gì đó để giảm bớt sầu muộn cho bà. Sự việc là thế đấy.
Hai người đứng gần nhau, mắt không rời nhau.
Trưởng ban an ninh hỏi:
“Người đàn bà đó là ai vậy?”
“Sonia Kritchnoff.”
“Sonia Kritchnoff!”
“Vâng, cô gái này năm ngoái tôi đã bắt giữ trong sự việc chiếc vương miện và Lupin đã đánh tháo cho.”
“Anh chắc chắn chứ?”
“Hoàn toàn chắc. Bị mưu mô của Lupin đánh lạc hướng như mọi người, tôi không chú ý đến cô ta. Nhưng khi biết vai trò của cô thì tôi nhớ lại đúng là cô gái Nga Sonia biến dạng thành cô gái người Anh. Sonia vì yêu Lupin không ngần ngại hy sinh bản thân mình.”
“Kết quả tốt đấy, Ganimard.” Ông Dudouis công nhận.
“Tôi còn báo cáo hơn nữa cho thủ trưởng.”
“À, gì thế?”
“Bà vú già của Lupin.”
“Bà Victoire à?”
“Bà ấy ở đây từ khi bà Sparmiento chơi trò bà vợ góa: đó là bà nấu bếp.”
“Ồ… ồ! Xin khen ngợi anh, Ganimard.”
Dudouis giật mình; tay viên thanh tra run lên nắm lấy tay ông.
“Anh muốn nói gì, Ganimard?”
“Thưa thủ trưởng, ông nghĩ nếu không có con mồi đó thì tôi dám làm phiền ông trong giờ này à?”
“Sonia và Victoire thì để đó đã!”
“Thế nào?” Cuối cùng hiểu được lòng xúc động của viên thanh tra, ông Dudouis thì thầm.
“Thủ trưởng đoán được rồi đó!”
“Anh ta ở đây à?”
“Vâng.”
“Đang trốn à?”
“Không, chỉ ngụy trang thôi: người hầu ấy!”
Lần này ông Dudouis không một lời nói, không một cử chỉ. Ông bối rối về sự táo tợn của Arsène Lupin. Ganimard cười ngạo mạn:
“Thánh ba ngôi kéo theo một người thứ tư. Edith cao cổ có thể có những sơ suất nên ông chủ phải có mặt. Vì thế anh ta dám trở lại và đã ba tuần nay chứng kiến việc điều tra của tôi, vẫn bí mật theo dõi sự tiến triển.”
“Anh nhận ra anh ta à?”
“Người ta không nhận ra Lupin vì anh ta có khoa cải trang, biến dạng không ai nhận biết được. Nhưng tối nay lúc tôi quan sát Sonia trong bóng tối ở thang gác, tôi nghe bà Victoire nói chuyện với người hầu và gọi là “con tôi”. Tôi biết rõ bà vẫn gọi anh ta là “con tôi” và tôi xác định được.”
Ông Dudouis lại hình như bối rối vì sự có mặt của kẻ thù thường vẫn bị theo sát nhưng không bao giờ tóm được. Ông nói khẽ:
“Lần này chúng ta tóm được anh ta. Sẽ tóm, không thoát được!”
“Anh ta không thoát được đâu, thủ trưởng ạ! Cả hai người đàn bà…”
“Họ ở đâu?”
“Sonia và Victoire ở tầng hai, Lupin tầng ba.”
“Nhưng,” ông Dudouis bỗng lo lắng nhận xét, “phải chăng hôm bị mất, những tấm thảm được chuyển qua cửa sổ những phòng đó?”
“Vâng.”
“Nếu vậy Lupin cũng có thể trốn qua đó vì cửa sổ mở ra phía đường kia.”
“Đúng thế, nhưng tôi đã dự phòng. Lúc ông đến tôi cử bốn người phục dưới những cửa sổ phía đó. Mệnh lệnh nghiêm khắc: nếu có người nào ra chỗ cửa sổ và có vẻ muốn tụt xuống thì cứ bắn phát đầu, phát thứ hai có đạn.”
“Như vậy, anh đã nghe về mọi việc và khi bắt đầu trời sáng.”
“Không chờ thủ trưởng ạ. Nhẹ tay với bọn vô lại đó, giữ gìn luật lệ, theo giờ hợp pháp với những việc tồi tệ ấy làm gì. Nếu trong thời gian đó chúng lại không kể đến phép tắc gì thì sao? Nếu lại một mưu mẹo kiểu Lupin nữa thì sao? Chà, không lơ mơ được. Chúng ta nhảy vào bắt ngay. Và Ganimard căm tức, sốt ruột run lên, đi ra vườn gọi vào nửa tá người.”
“Thưa thủ trưởng xong rồi. Tôi đã ra lệnh phía đường kia đưa súng nhắm vào cửa sổ. Chúng ta đi thôi.”
Những việc đi lại đó hẳn phải gây tiếng động chắc chắn không lọt khỏi mắt những người ở trong nhà. Ông Dudouis cảm thấy phải làm ngay và quyết định tiến hành.
“Đi thôi.”
Việc làm nhanh chóng. Tám người trang bị súng ngắn bước lên thang gác với ý định làm Lupin bất ngờ không có thời gian chuẩn bị chống cự.
Ganimard chạy đến cửa phòng bà Sparmiento gầm lên:
“Mở ra!”
Một người tống vai phá cửa. Trong phòng không có người. Phòng bà Victoire cũng không có người. Ganimard nói:
“Tầng trên, họ lên với Lupin ở tầng thượng rồi. Cẩn thận đấy.”
Cả tám người vội lên tầng ba. Ganimard rất ngạc nhiên thấy cửa tầng thượng mở, trống không những phòng khác cũng trống. Ông buộc lời chửi rủa:
“Mẹ kiếp, chúng nó ở đâu cả rồi?”
Nghe tiếng thủ trưởng gọi. Ông Dudouis vừa trở xuống tầng hai, nhận thấy một cửa sổ không chốt mà chỉ khép lại thôi. Ông nói với Ganimard.
“Anh thấy không, chúng đi đường này, con đường chuyển những tấm thảm. Tôi đã nói với anh… phía con đường kia.”
“Như vậy thì người ta bắn rồi,” Ganimard nghiến răng nói lại. “Con đường được canh chừng.”
“Chúng nó đi khi đường chưa được bố trí canh chừng.”
“Cả ba đứa đều ở trong phòng khi tôi gọi điện cho thủ trưởng mà.”
“Chúng đi khi anh ra đón tôi ở góc vườn.”
“Nhưng tại sao? Tại sao? Chúng không có lý do nào đi hôm nay, chứ không để ngày mai hay tuần sau khi đã nhận đủ tiền bảo hiểm…”
Có một lý do và Ganimard biết khi nhìn trên bàn thấy một bức thư gởi tên ông bèn mở ra đọc. Bức thư viết với giọng giấy chứng nhận cấp cho những người hầu hạ mà người ta hài lòng:
Tôi tên là Arsène Lupin, kẻ trộm hào hoa, nguyên đại tá, nguyên là xác chết, nguyên người hầu, chứng nhận người có tên là Ganimard trong thời gian ở trong nhà này đã tỏ ra có những đức tính đáng quý. Với tính nết gương mẫu, tận tâm, cẩn thận, tuy không dựa vào một dấu hiệu nào, đã làm hỏng một phần kế hoạch của tôi và cứu được bốn trăm năm mươi nghìn francs cho các Công ty bảo hiểm. Tôi khen ngợi ông và sẵn sàng xin lỗi vì đã không báo trước là điện thoại dưới nhà thông với điện thoại đặt trong phòng Sonia Kritchnoff nên khi ông điện cho Trưởng ban an ninh cũng đồng thời là điện cho tôi biết để nhanh chóng bỏ đi. Lỗi nhẹ không thể làm mờ nhạt việc làm của ông và giảm lời khen chiến công của ông.
Do vậy tôi đề nghị ông nhận lời khen ngợi và tình cảm sâu sắc của tôi.
Arsène Lupin.

Chương trước Chương sau