Arsène Lupin và những hồi ức bí mật - Chương 05

Arsène Lupin và những hồi ức bí mật - Chương 05

Giải Lụa Đỏ

Ngày đăng
Tổng cộng 10 hồi
Đánh giá 9.5/10 với 11334 lượt xem

Sáng g hôm đó ra khỏi nhà đến cơ quan theo giờ thường ngày, Chánh thanh tra Ganimard để ý thấy một người đi trước ông trên đường có dáng vẻ hơi khác thường. Người đó ăn mặc sơ sài, tuy đã tháng mười một vẫn đội chiếc mũ rơm, cứ đi năm mươi hay sáu mươi bước lại cúi xuống, khi thì buộc dây giày, khi nhặt chiếc gậy hoặc làm một việc gì đó. Và mỗi lần như thế ông ta rút trong túi ra lén lút để trên bờ đường một miếng vỏ cam nhỏ.

Một việc làm đơn giản, trò giải trí trẻ con không ai chú ý. Nhưng Ganimard là một trong những nhà quan sát tinh tế không bỏ qua việc gì và chỉ thoả mãn khi đã biết lý do kín đáo của sự việc. Ông bắt đầu đi theo người đó.
Khi người này bước sang đường bên phải, viên thanh tra bắt gặp ông ta đang ra hiệu với một đứa bé khoảng mười hai tuổi đi dọc dãy nhà bên trái.
Đi quá hai mươi mét người đó cúi xuống xắn ống quần và bỏ một miếng vỏ cam đánh dấu đường đi. Đúng lúc đó, đứa bé dừng lại dùng phấn vẽ lên tường nhà nó đi qua một vòng tròn trong có dấu chữ thập trắng.
Hai người tiếp tục đi. Một phút sau dừng lại, người lạ mặt nhặt chiếc kim băng, để rơi một vỏ cam và đứa bé lập tức vẽ lên tường vòng tròn thứ hai có chữ thập.
Viên Chánh thanh tra suy nghĩ, lẩm bẩm: “Mẹ kiếp, có vấn đề đây. Hai tay này định âm mưu quỷ quái gì thế này?”
Hai “tay này” đi theo đường lớn, qua phố nhưng không làm việc gì đáng phải bắt giữ. Theo khoảng cách gần như đều đặn, động tác đôi lại bắt đầu hầu như máy móc. Nhưng cũng thấy được là người có vỏ cam chỉ làm động tác khi đã chọn nhà để đánh dấu và đứa bé chỉ đánh dấu khi thấy người kia ra hiệu. Chắc chắn là có sự phối hợp và công việc lạ lùng đó làm viên thanh tra quan tâm.
Đến một quảng trường người kia ngập ngừng rồi hình như đã quyết định, vén lên bỏ xuống hai lần phần ống quần phía trước. Đứa bé liền ngồi trên bờ hè trước mặt người lính gác Bộ Nội Vụ, vạch vào đá hai vòng tròn và hai chữ thập. Phía trên đường Élysée cũng vậy, có đến ba dấu chứ không phải hai, tuy trên bờ hè người gác Phủ Tổng Thống đang đi đi lại lại.
Ganimard tái người suy tính: “Như vậy nghĩa là thế nào?” Và dù không muốn, ông nghĩ ngay đến Lupin, kẻ thù vĩnh viễn của ông, như mỗi lần ông gặp trường hợp bí ẩn.
Suýt chút nữa ông đã bắt hỏi “hai tay” kia nhưng ông khá khôn ngoan không để phạm sai sót như thế. Hơn nữa, người kia châm điếu thuốc và đứa bé cũng cầm một mẩu thuốc tiến đến như xin lửa. Họ trao đổi với nhau vài lời; đứa bé trao nhanh cho người đàn ông một vật mà viên thanh tra tưởng như dạng khẩu súng ngắn trong bao. Họ cùng cúi xuống vật đó, người đàn ông ngoảnh về phía tường cho tay vào túi rút ra như lắp đạn sáu lần.
Sau đó, họ trở lại đi theo một con đường khác; Ganimard theo sát họ đến mức làm họ chú ý, thấy họ đi vào cổng một ngôi nhà cũ cửa đóng hết trừ cửa tầng ba và tầng cuối cùng. Ông bước theo họ, vào cửa thấy cuối chiếc sân lớn có bảng hiệu hội họa phía bên trái là cầu thang.
Ông bước lên và đến tầng một càng vội vã vì nghe phía trên có tiếng ồn như đập cửa. Đến đầu cầu thang, thấy cửa mở, ông bước vào nghe ngóng một giây, chạy đến căn phòng có tiếng như đánh lộn nhau, mệt và ngạc nhiên từ bậc cửa nhìn vào thấy người có vỏ cam và đứa bé đang dùng ghế đập trên sàn nhà. Lúc đó, một người thứ ba ở phòng bên cạnh bước sang: Một chàng trai khoảng hai mươi tám, ba mươi tuổi, râu ria cắt ngắn, đeo kính, bận áo lót lông cừu, có vẻ người nước ngoài, một người Nga.
Anh ta nói:
“Xin chào ông Ganimard.”
Rồi ngoảnh lại phía hai người kia:
“Cảm ơn các bạn và xin khen ngợi về kết quả công việc. Tiền thưởng đã hứa đây.”
Anh đưa cho họ tờ giấy một trăm francs, đẩy họ ra và đóng cửa lại. Anh nói với Ganimard:
“Tôi xin lỗi ông, ông bạn. Tôi cần nói chuyện với ông, việc gấp lắm.”
Anh đưa tay ra nhưng thấy viên thanh tra ngơ ngác, vẻ mặt giận dữ, anh nói:
“Ông có vẻ không hiểu ra, tuy đã rõ ràng. Tôi rất cần gặp ông gấp. Do đó, phải như vậy… “
Và như trả lời một sự phản ứng:
“Nhưng ông bạn, ông lầm! Nếu tôi viết thư hoặc điện cho ông, ông sẽ không đến, hoặc đến với cả một liên đội, mà tôi muốn gặp ông một mình nên cho hai anh vừa rồi đi gặp ông, bỏ vỏ cam và vẽ dấu chữ thập, vòng tròn nghĩa là chỉ ra con đường tới đây. Này, sao? Ông có vẻ sửng sốt. Có việc gì vậy? Có lẽ ông không nhận ra tôi? Lupin, Arsène Lupin. Ông nhớ lại đi… Cái tên đó không nhắc ông nhớ lại gì sao?”
“Đồ súc vật,” Ganimard nghiến răng mắng.
Lupin có vẻ có lỗi, nói với giọng êm dịu:
“Ông bực mình à? Tôi thấy điều đó trong mắt ông. Về sự việc Dugrival, đúng không? Đáng lẽ tôi phải chờ ông đến bắt chứ. Tôi không nghĩ ra điều đó. Tôi thề với ông lần khác…”
“Súc sinh!” Ganimard lầm bầm.
“Thế mà tôi cứ tưởng làm ông vui lòng đấy. Tôi tự nhủ: Ông Ganimard tốt bụng ấy, đã lâu không gặp nhau, chắc ông ấy sẽ nhảy lên ôm cổ mình!”
Ganimard vẫn chưa động đậy như có vẻ chưa hết sững sờ. Ông nhìn quanh mình, nhìn Lupin, tự hỏi xem có nên nhảy lên cổ anh ta không, rồi tự chủ lại ông nắm một chiếc ghế ngồi xuống như để nghe đối thủ nói.
Ông nói:
“Nói đi! Đừng nhảm nhí nữa, tôi đang vội.”
“Đúng đấy, ta nói chuyện đi. Không thể mơ ước một chỗ nào yên tĩnh hơn ở đây. Đây là ngôi nhà cũ của một ông quận công không bao giờ ở. Tôi thuê tầng này và góp cổ phần với một xí nghiệp hội họa. Tôi có vài chỗ ở tương tự, rất tiện lợi. Ở đây, bề ngoài là một quý tộc Nga, ông Jean Dubreuil, cựu bộ trưởng. Ông hiểu cho chứ, tôi chọn một nghề hơi bê bối để ít gây sự chú ý.”
“Anh muốn tôi để ý đến cái đó làm gì?” Ganimard ngắt lời.
“Đúng thế, tôi ba hoa mà ông thì vội” Xin ông tha lỗi. Không lâu đâu. Năm phút thôi. Tôi xin bắt đầu… Ông hút điếu thuốc? Không à? Tốt quá, tôi cũng chẳng hút.
Anh cũng ngồi xuống, vừa suy nghĩ vừa nói như sau:
“Ngày l7 tháng 10 năm 1599, một buổi sáng nóng ấm và vui vẻ… Ông nghe tôi đấy chứ?… Như vậy là ngày 17 tháng 10 năm 1599… nhưng có cần thiết ngược lên đến triều đại Henri IV và nói về lịch sử chiếc cầu Pont-Neuf? Không, không nên để ông mất thì giờ về lịch sử nước Pháp và có thể làm ông rối trí. Chỉ cần ông biết rằng, đêm đó lúc một giờ sáng, một người chèo thuyền đi qua vòm cầu Pont-Neuf phía tả ngạn, nghe phía trước có một vật được quăng từ trên cầu cho chìm xuống đáy sông Seine. Con chó của ông chạy lại sủa và khi người chèo thuyền đến đầu mũi thì thấy con chó đang ngoạm một mẩu báo gói vật gì đó. Ông vớt những vật chưa chìm vào khoang xem xét. Thấy việc này có vẻ quan trọng và vì có quan hệ bạn bè, ông đến báo tin cho tôi. Sáng nay ông ấy đánh thức tôi dậy kể lại câu chuyện và đưa cho tôi những vật nhặt được. Đây…”
Anh đưa ra một tập trên bàn. Trước hết có những mẩu báo, sau đó một lọ mực pha lê lớn nắp buộc một đoạn dây dài, một mảnh nhỏ thủy tinh vỡ rồi một loại các tông mềm vò lại như giẻ rách, sau cùng là một miếng lụa đỏ thắm, đầu cuối có tua cùng vải đồng màu.
Anh nói tiếp:
“Ông bạn, ông thấy những vật chứng đó. Vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn nếu chúng ta có những vật khác nữa mà con chó đã làm văng đi mất. Nhưng tôi cho rằng với một ít suy nghĩ và thông minh, người ta cũng có thể thấy được điều gì đó, mà cái đó thì ông quá đủ. Ông nghĩ sao?”
Ganimard không hé răng. Ông chịu nghe những lời ba hoa của Lupin nhưng tư cách ông không cho phép trả lời một tiếng, thậm chí không một gật đầu biểu lộ đồng tình hay phản bác…
Lupin tiếp tục như không để ý đến sự im lặng của viên Chánh thanh tra:
“Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn thống nhất nhận định, và dựa vào những vật chứng tôi tóm tắt một câu thế này: Đêm qua, khoảng chín đến mười hai giờ, một cô gái phong cách khác thường bị đâm một nhát dao rồi bị thắt cổ đến chết do một ông ăn mặc sang trọng, đeo kính một mắt, thuộc lớp dân đua ngựa mà cô gái vừa cùng đi ăn ba chiếc bánh ngọt và một bánh kem cà phê.”
Lupin châm một điếu thuốc rồi nắm lấy tay áo Ganimard:
“Ông Chánh thanh tra, việc này làm ông chưng hửng hả? Ông cho rằng trong lĩnh vực phân tích của cơ quan an ninh, cấm người ngoài đụng chạm đến những việc như thế à? Vậy là sai thưa ông! Lupin phân tích như một thám tử trong tiểu thuyết; bằng chứng thì mơ hồ và trẻ con thôi.”
Và anh lần lượt chỉ những vật chứng mà nói:
“Như vậy là đêm qua sau chín giờ (mẫu báo này ra ngày hôm qua và có ghi là báo buổi chiều; và ông thấy một mẩu băng dán vào báo để chuyển đến tận nhà mà chỉ theo chuyến chín giờ). Sau chín giờ, một ông ăn mặc sang trọng (mong ông lưu ý mảnh vỡ thủy tinh này ở một góc có lỗ tròn của chiếc kính một mắt, kính một mắt là vật dụng đài các), một ông ăn mặc sang trọng vào hiệu bánh kem người ta đã xếp vào hộp. Cầm chiếc hộp ông này đi theo cô gái (mà miếng giải lụa đỏ thắm đủ nói lên phong cách khác thường). Gặp nhau rồi theo những mục đích chưa rõ, ông ta đâm mấy nhát dao sau đó thắt cổ cô bằng giải lụa (ông lấy kính lúp xem, ông chánh thanh tra, ông sẽ thấy trên vải lụa những dấu đỏ đậm hơn mà đây là dấu chùi lưỡi dao và kia là dấu chùi tay vấy máu). Phạm tội rồi, để xóa dấu vết, hắn lấy trong túi ra tờ báo đặt hàng năm (mẩu báo đây), một tờ báo chuyên về các cuộc đua ngựa (ông thấy tên báo và một sợi dây từ dây roi ngựa). Sau đó hắn nhặt những mảnh vỡ của chiếc kính một mắt vì dây đeo bị đứt khi giằng co, cắt đoạn lụa vấy bẩn bằng kéo (ông xem những lát kéo cắt), phần còn lại có lẽ đang trong bàn tay nắm lại của nạn nhân, cuộn lại một cục với chiếc hộp các tông ở hiệu bánh, một số đồ vật gây án như con dao mà bây giờ đã chìm xuống sông Seine, gói toàn bộ vào tờ báo, buộc thêm lọ mực bằng pha lê làm sức nặng. Hắn đem vứt gói đó xuống sông, rơi trước chiếc thuyền và chuồn thẳng. Như vậy đấy! Chà, nóng quá! Ông nghĩ sao về việc này?”
Anh nhìn Ganimard để xem tác động của câu chuyện. Ganimard vẫn câm lặng. Lupin bật cười. Trong thâm tâm ông kinh ngạc đấy nhưng ông đề phòng. Tại sao tay quỷ Lupin này lại nói với mình việc này mà đáng lẽ phải giữ kín, chạy tìm tên sát nhân và nếu là vụ trấn lột thì lột lại nó? Tất nhiên như vậy hợp lý hơn. Nhưng, có một cái nhưng: Tôi không có thì giờ. Hiện tại tôi ngập đầu vì công việc. Một vụ trộm ở Luân Đôn, một vụ ở Lausanne; vụ bắt cóc trẻ con ở Marseille, việc cứu một cô gái mà cái chết đang đe dọa, tất cả dồn vào cho tôi một lần. Vì thế tôi tự nhủ: Hay là chuyển vụ này cho ông Ganimard tốt bụng? Bây giờ đã khám phá ra một nửa rồi, ông ấy sẽ thành công. Như vậy mình giúp ông ấy được việc, ông ấy sẽ nổi danh đấy! Nói là làm, tám giờ sáng nay tôi cử người có vỏ cam đi gặp ông, ông cắn câu và chín giờ ông mò mẫm đến đây rồi.
Lupin đứng dậy, cúi về phía viên thanh tra nhìn vào mắt ông nói:
“Chấm hết, câu chuyện kể xong. Sắp tới chắc ông sẽ biết rõ nạn nhân… một vũ nữ ba lê, một nữ ca sĩ ở tiệm cà phê nào đó. Mặt khác có khả năng, thủ phạm ở trong vùng cầu Pont-Neuf, có thể bên tả ngạn. Đây, mọi vật chứng xin để lại cho ông và bắt tay vào việc đi. Tôi chỉ giữ mẩu giải lụa này. Nếu ông cần nối lại toàn bộ giải lụa thì đem đoạn kia lại đây, đoạn giải lụa cơ quan pháp luật sẽ lấy ở cổ nạn nhân ấy. Một tháng sau, theo ngày này nghĩa là ngày 28 tháng 12, vào lúc 10 giờ ông đem lại, chắc chắn ông sẽ gặp tôi. Những việc đó nghiêm chỉnh đấy, ông bạn đừng ngại; tôi thề với ông, không có sự lừa gạt gì đâu. Ông có thể đi ra trước. À, có một chi tiết quan trọng: khi bắt tay đeo kính một mắt ấy thì cẩn thận, hắn thuận tay trái. Xin chào ông bạn và chúc may mắn.”
Lupin quay người bước lại mở cửa và đi mất, ngay cả trước khi Ganimard quyết định nên thế nào. Viên thanh tra nhảy ra một bước nhưng nhận thấy nắm đấm cửa không xoay được do máy móc gì đó không rõ. Phải mất mười phút để tháo khóa đó, mười phút nữa để tháo khóa tiền sảnh và khi chạy xuống hết ba cầu thang gác thì Ganimard không còn hy vọng đuổi kịp Lupin nữa.
Vả lại ông cũng không nghĩ đến điều đó. Lupin gởi cho ông một cảm giác lạ lùng, phức tạp mà ông tức giận, sợ hãi, khen ngợi dù không muốn và cả trực giác thẹn thùng là dù hết sức nỗ lực, kiên trì tìm kiếm ông cũng không bao giờ đi đến đích như một đối thủ cỡ ấy. Ông theo dõi anh theo phận sự và tự trọng nhưng luôn luôn sợ bị hố vì tay lừa phỉnh đáng ngại đó và thường bị dân chúng chế nhạo những rủi ro của mình.
Riêng câu chuyện giải lụa đỏ này ông thấy có vẻ không chính xác. Hay đấy nhưng không thật tí nào. Lời giải thích của Lupin thoạt nghe thì hợp lý nhưng nếu nghiêm túc phân tích sẽ không đứng vững. Ông tự bảo:
“Không… việc bá láp… một mớ lượm lặt ước đoán và giả thuyết không dựa trên cơ sở nào cả. Mình chẳng lao vào làm gì.”
Khi về đến cơ quan thì ông đã hoàn toàn quyết định xem việc đó như không có. Ông vào Sở an ninh, một người bạn hỏi ông:
“Anh có gặp thủ trưởng không?”
“Không.”
“Lúc nãy thủ trưởng hỏi anh.”
“Thế à?”
“Vâng, đi gặp ông ấy đi.”
“Ở đâu?”
“Đường bờ sông, khi đêm vừa có vụ án mạng.”
“Chà, nạn nhân là ai?”
“Tôi không biết rõ, hình như một nữ ca sĩ tiệm cà phê.”
Ganimard chỉ lẩm bẩm: “Quái thật!” Hai mươi phút sau ông đi tàu điện lại đường bờ sông.
Nạn nhân, mọi người trong giới sân khấu đều biết, tên là Jenny Saphir ở một căn hộ khiêm tốn tầng hai. Một nhân viên cảnh sát dẫn vào, viên Chánh thanh tra đi qua hai vòng vào trong căn phòng đã có nhân viên tư pháp điều tra, ông Trưởng ban an ninh Dudouis và một bác sĩ pháp y.
Thoạt nhìn, Ganimard giật mình. Trên đi văng một người đàn bà nằm tay còn nắm chặt một mảnh lụa đỏ! Ở chỗ vải hở qua cổ áo ngắn có hai vết thương máu đã đông lại. Gương mặt nhăn nhó gần như đen lại vẫn giữ một cảm giác sợ hãi điên cuồng.
Bác sĩ pháp y vừa khám xong công bố:
“Những kết luận đầu tiên của tôi rất rõ. Nạn nhân lúc đầu bị hai nhát dao đâm rồi bị chẹt cổ, hiển nhiên là chết do ngạt thở.”
“Quái thật!” Ganimard lại nghĩ đến những lời Lupin gợi ra về vụ án mạng.
Ông dự thẩm bác lại:
“Nhưng cổ không có vết bầm.”
“Cổ có thể bị thắt bằng giải lụa nạn nhân đang quàng, còn lại một mẩu bà ta túm chặt trong hai tay để chống lại.”
“Nhưng tại sao chỉ còn mẩu này, đoạn kia ra sao?” Dự thẩm hỏi.
“Đoạn kia chắc bị thấm máu và do sát nhân mang đi. Ta thấy rõ vết cắt kéo vội vàng đây.”
Ganimard lặp lại lần thứ ba: “Quái thật, tên súc sinh Lupin tuy không ở đấy mà thấy hết cả!”.
Dự thẩm hỏi:
“Thế mục đích giết người là gì? Phá khóa, lục tủ có thấy gì không thưa ông Dudouis?”
“Tôi có thể đưa ra một giả thuyết theo lời khai của người bên cạnh,” ông trưởng ban an ninh trả lời. “Nạn nhân hát không hay lắm nhưng người ta biết đến nhiều vì đẹp. Hai năm trước đây đi du lịch sang Nga, khi trở về có một viên ngọc lam rất đẹp, hình như do một người trong triều tặng. Từ đó người ta gọi cô gái là Jenny Saphir. Cô rất hãnh diện về món quà này. Có thể dự đoán vụ giết người là để lấy viên ngọc lam chăng?”
“Người hầu phòng có biết chỗ để viên ngọc không?”
“Không ai biết, và việc xáo trộn trong phòng chứng tỏ sát nhân cũng không biết.”
“Ta đi hỏi bà hầu phòng vậy.” Ông dự thẩm tuyên bố.
Ông Dudouis gọi riêng viên Chánh thanh tra hỏi:
“Ganimard, anh có vẻ là lạ. Có gì thế? Hay anh nghi ngờ điều gì?”
“Thưa thủ trưởng không.”
“Mặc kệ! Ngành an ninh chúng ta cần vạch rõ được việc này. Đã nhiều vụ án tương tự không tìm ra thủ phạm. Lần này phải tìm được sát nhân, và nhanh vào.”
“Khó đấy thưa thủ trưởng.”
“Phải tìm cho được. Ganimard này, theo lời bà hầu phòng, Jenny Saphir vốn sống điều độ; đã một tháng nay khi ở nhà hát về, khoảng mười giờ rưỡi, cô thường tiếp một người ở lại đến nửa đêm. Saphir hy vọng: “Đấy là một người của thời đại. Ông ấy muốn cưới tôi”. Con người thời đại đó cẩn thận để không ai nhận ra: bật cổ áo, hạ vành mũ khi đi qua phòng người gác cổng. Còn Jenny Saphir thì bao giờ cũng bảo bà hầu phòng đi trước khi anh ta đến. Phải tìm ra con người đó.”
“Anh ta có để lại dấu vết gì không?”
“Không có gì. Hiển nhiên chúng ta đụng đầu với một tay đáo để, đã chuẩn bị vụ án mạng và thực hiện với ý đồ không bị phát hiện. Bắt được hắn là một vinh dự lớn cho chúng ta. Tôi tin tưởng vào anh đấy, Ganimard.”
“Ông tin tưởng vào tôi! Sẽ xem… Tôi không chối từ… nhưng… Ông có vẻ phấn khích. Điều đó làm ông Dudouis chú ý. Ganimard nói tiếp: Nhưng, tôi cam đoan với ông, thưa thủ trưởng, tôi cam đoan…”
“Anh cam đoan điều gì?”
“Không có gì. Ta sẽ xem, thủ trưởng ạ… Ta sẽ xem…”
Chỉ khi ra ngoài một mình ông mới nói hết câu. Ông nói to, dậm chân và giọng nói giận dữ cực độ:
“Nhưng tôi thề trước Chúa việc bắt giữ sẽ do chính tay tôi mà không sử dụng một tin nào do tay khốn nạn cung cấp. Chà, không…”
Quát tháo Lupin, giận dữ vì dính dáng đến việc này nhưng cũng quyết xoay sở cho ra. Ông tản bộ may rủi dọc đường, đầu óc lộn xộn, tìm cách sắp xếp ý nghĩ có hệ thống, cố khám phá trong những hiện tượng phân tán một chi tiết mà Lupin không ngờ đến và có thể dẫn ông đến thành công.
Ông ăn trưa ở một quán rượu và lại đi nhưng bỗng nhiên bối rối ngừng lại. Ông đi vào cổng chính ngôi nhà trước đây mấy tiếng Lupin dụ ông đến. Một sức mạnh lấn át ý muốn đã dẫn ông lại đến đây. Giải đáp vấn đề là ở đây. Ở đây có những yếu tố về sự thật. Dù sao, những lời nói của Lupin đúng đến thế, những tính toán sát như vậy đã tác động vào thâm tâm ông; sự đoán trước diệu kỳ mà ông chỉ có thể bắt tay vào việc đối thủ của ông để lại.
Không chần chừ nữa, ông lên ba thang gác. Căn phòng vẫn mở, không ai đụng đến những vật chứng. Ông bỏ hết vào túi.
Từ đó ông suy luận và hành động có thể nói một cách máy móc theo tác động của người ông không thể không nghe theo.
Cho là người lạ mặt ở quanh vùng cầu Pont-Neuf, phải tìm trên con đường từ cầu ấy ra đường lớn hiệu bánh quan trọng mở cửa ban đêm mà họ đã mua bánh ngọt. Cũng không phải tìm lâu, gần nhà ga có một hiệu bánh trình bày những hộp các tông nhỏ chất liệu và hình dáng như hộp Ganimard có. Hơn nữa một cô bán hàng nhớ là đêm qua đã bán cho một ông trùm khăn quàng lút cổ, nhưng cô cũng thấy mang chiếc kính một mắt.
Viên thanh tra nghĩ như thế là dấu hiệu đầu tiên được thẩm tra; con người này mang kính một mắt. Ông chắp nối những mảnh báo về đua ngựa lại đưa hỏi một người bán báo thì người này nhận ra ngay tên tờ báo. Ông lại toà soạn hỏi danh sách những người đặt mua, ghi tên, địa chỉ những người ở quanh vùng cầu Pont-Neuf chủ yếu phía tả ngạn sông như Lupin nói.
Ông đến gặp ông Dudouis:
“Mọi việc đã sẵn sàng thưa thủ trưởng. Thủ trưởng cho một lệnh bắt.”
“Cái gì?”
“Tôi nói đã sẵn sàng bắt thủ phạm, thưa thủ trưởng.”
“Anh biết kẻ giết cô Jenny Saphir rồi à?”
“Vâng.”
“Nhưng ra sao, giải thích đi.”
Ganimard cảm thấy ngần ngại, hơi đỏ mặt trả lời:
“Thưa thủ trưởng, tình cờ thôi. Kẻ sát nhân vứt xuống sông Seine mọi thứ có thể tố giác hắn. Người ta lượm được một phần và giao lại cho tôi.”
“Ai trao?”
“Một người chèo thuyền không muốn xưng tên vì sợ bị trả thù. Tôi có những chứng cứ cần thiết nên công việc dễ dàng thôi.”
Và viên thanh tra kể lại những việc đã làm. Ông Dudouis nói to lên:
“Anh gọi như thế là một sự tình cờ, là công việc dễ dàng à? Đây là một trong những trận đánh đẹp nhất của anh. Anh hãy tự mình đảm nhiệm cho đến cuối cùng, Ganimard thân mến, và nên cẩn thận.”
Ganimard vội hoàn thành công việc. Ông đến chỗ bờ sông cùng một số nhân viên bố trí quanh nhà. Hỏi người gác cổng được trả lời là ông ta ăn ở ngoài và thường trở về sau bữa tối.
Sau đó trước chín giờ một ít, người gác cổng cúi xuống cửa sổ báo với Ganimard, ông thổi ngay một tiếng còi nhẹ. Một ông đội mũ, bó người trong chiếc áo tơi lông thú đang đi trên hè đường bờ sông Seine, bước qua hè đi vào nhà. Ganimard tiến lên:
“Ông có phải là ông Prévailles?”
“Đúng, nhưng ông là ai?”
“Tôi được giao nhiệm vụ…”
Ông chưa kịp nói xong câu, Prévailles thấy nhiều người trong bóng tối bèn lùi ngay lại sát bức tường và đối mặt với địch thủ. Hắn đứng tựa lưng vào cổng một cái quán ở tầng trệt đã đóng hết cửa, kêu lên:
“Lùi lại, tôi không quen các ông.”
Tay phải hắn múa chiếc gậy nặng trong lúc tay trái luồn ra sau làm như mở cổng. Ganimard có cảm giác hắn có thể trốn vào đó và đi ra qua một lối bí mật. Ông lại gần nói:
“Này, đừng nhảm nhí nữa, anh bị bắt… hàng đi.”
Nhưng lúc nắm lấy chiếc gậy của Prévailles, ông nhớ đến lời báo trước của Lupin: Prévailles thuận tay trái, và chính tay trái đang rút súng. Thấy động tác nhanh của hắn, ông cúi xuống ngay. Hai tiếng nổ nhưng không trúng ai.
Vài giây sau Prévailles nhận một cú móc hàm ngã xuống. Đến chín giờ người ta tống hắn vào nhà tạm giam.
Thời gian đó Ganimard nổi tiếng đặc biệt. Việc bắt tội phạm nhanh chóng như vậy với những phương pháp đơn giản mà ngành cảnh sát tiết lộ ra càng làm cho ông đột nhiên thật quan trọng. Người ta quy cho Prévailles tất cả những vụ án chưa trừng phạt và báo chí tâng bốc những chiến công của Ganimard.
Sự việc lúc đầu tiến hành nhanh chóng. Người ta nhận thấy Prévailles chính tên là Thomas Derocq trước đây đã có chuyện lôi thôi với pháp luật. Việc kiểm soát nhà hắn ta tuy không có những bằng chứng mới nhưng cũng tìm ra được cuộn dây giống như dây buộc cái gói và con dao sát thương giống vết thương ở nạn nhân.
Đến ngày thứ tám mọi việc có thay đổi. Cho đến lúc đó Prévailles vẫn từ chối không khai báo và được một luật sư can thiệp, hắn ta chống đối lại với một chứng cứ rõ ràng: buổi tối hôm xảy ra án mạng hắn đi xem kịch. Thực tế người ta tìm thấy trong túi áo lễ phục của hắn một vé xem và một chương trình biểu diễn, cả hai ghi đúng tối hôm đó.
Ông dự thẩm nhận xét:
“Đây là chứng cứ chuẩn bị sẵn.”
“Nếu vậy thì các ông chứng minh đi,” Prévailles đáp lại.
“Có những cuộc nhận diện. Cô bán hàng ở hiệu bánh xác nhận hình như đúng là ông đeo kính một mắt; người gác cổng cũng nhận ra hình như ông hay đến thăm Jenny Saphir, nhưng không ai dám nói chắc chắn. Vì vậy toà án không có chỗ dựa vững chắc để luận tội nghiêm chỉnh.”
Ông dự thẩm mời Ganimard đến kể lại sự lúng túng:
“Tôi không thể kết tội rõ ràng hơn vì thiếu bằng chứng phạm pháp.”
“Tuy vậy thưa ông dự thẩm, ông cũng công nhận tội phạm. Nếu không phải thủ phạm thì Prévailles không để bị bắt và không chống cự.”
“Hắn ta cho là tưởng bị tấn công. Hắn cũng nói chưa bao giờ gặp Jenny Saphir và thực ra không có ai vạch mặt hắn được. Hơn nữa cho rằng để trấn lột viên ngọc lam thì trong nhà hắn không tìm thấy.”
“Bên ngoài cũng có thấy đâu,” Ganimard gặng lại.
“Đúng, nhưng điều ấy không phải là một bằng chứng buộc tội. Ông Ganimard, ông biết chúng ta cần ngay cái gì không? Đoạn kia của giải lụa đỏ.”
“Đoạn kia à?”
“Vâng, vì nếu kẻ sát nhân lấy đi thì tất nhiên dấu tay thấm máu của hắn ở trên mảnh lụa đó.”
Ganimard không trả lời. Đã mấy ngày nay ông cảm thấy sự việc sẽ diễn biến đến kết cục đó, không có bằng chứng nào khác được. Với mảnh lụa, và chỉ với mảnh đó thì sự phạm tội của Prévailles mới cụ thể. Trong trường hợp này, Ganimard buộc phải chứng minh rõ sự phạm tội đó. Chịu trách nhiệm bắt giữ, nổi tiếng vì việc đó, được tán dương là đối thủ đáng sợ nhất của những kẻ bất lương, nếu Prévailles được tha thì ông trở nên hoàn toàn lố bịch. Không may là chứng cứ độc nhất và cần thiết đó lại nằm trong tay Lupin. Làm thế nào để lấy lại nó?
Ông tìm tòi, lại tiến hành dò xét, điều tra lại, trải qua nhiều đêm thức trắng khám phá bí mật trên con đường và nhà ở của Prévailles, huy động hàng chục người truy tìm viên ngọc lam nhưng đều vô ích.
Ngày 27 tháng 12, ông dự thẩm gặp ông ở hành lang, hỏi:
“Nào, ông Ganimard, có gì mới không?”
“Thưa ông dự thẩm, không.”
“Nếu vậy tôi gác sự việc lại.”
“Ông hãy chờ cho một ngày nữa.”
“Sao vậy? Chúng tôi cần mảnh giải lụa kia, ông có được không?”
“Đến mai tôi sẽ có.”
“Ngày mai à?”
“Vâng, nhưng ông đưa cho tôi mảnh ông đang giữ.”
“Để làm gì?”
“Tôi hứa với ông sẽ nối lại toàn bộ giải lụa.”
“Đồng ý.”
Ganimard vào phòng dự thẩm, cầm mảnh giải lụa đi ra. Ông càu nhàu.
“Thú vị thật, mình đi tìm bằng chứng. Sẽ có thôi, nếu Lupin dám đến buổi hẹn.”
Thâm tâm ông tin là Lupin dám đến và ông bực mình vì chính điều đó. Vì sao Lupin muốn có cuộc gặp đó? Anh ta có mục đích gì nhân cơ hội đó?
Lo lắng, tức tối, ông quyết định mọi biện pháp đề phòng cần thiết, không chỉ để khỏi bị rơi vào bẫy mà nhân dịp sẽ tóm lấy kẻ thù của ông. Và hôm sau, ngày 28 tháng 12, ngày Lupin đã định, sau khi nghiên cứu suốt đêm ngôi nhà, chắc chắn không có lối ra nào ngoài chiếc cửa lớn, ông báo trước nhân viên của ông là sẽ có một cuộc chinh phạt nguy hiểm và ông sẽ đi với họ đến nơi chiến đấu. Ông bố trí họ trong một quán cà phê. Mệnh lệnh nghiêm: nếu ông xuất hiện trước một trong những cửa sổ tầng ba hoặc sau một tiếng đồng hồ mà ông không trở lại thì nhân viên phải xông vào ngôi nhà, bắt giữ bất cứ người nào định ra ngoài. Viên chánh thanh tra thử lại khẩu súng ngắn để bắn cho nhạy và dễ dàng rút trong túi ra rồi đi lên cầu thang.
Ông ngạc nhiên thấy mọi vật vẫn nguyên như lúc ông để vậy, nghĩa là cửa mở và khóa bị phá. Xác định những cửa sổ của gian phòng chính hướng ra đường, ông đi quan sát ba căn phòng khác. Không có ai cả.
Ông lẩm bẩm, có phần thỏa mãn: “Lupin sợ rồi!”
Một tiếng nói phía sau:
“Ông tồi lắm.”
Ngoảnh lại ông thấy một người thợ già mặc áo choàng thợ vẽ đứng trên bậc cửa. Người đó nói:
“Đừng tìm nữa, tôi Lupin đây. Sáng nay tôi làm việc ở xưởng hội họa, bây giờ là giờ ăn nên tôi lên nhà.”
Anh ngắm Ganimard với một nụ cười vui vẻ và nói:
“Thật là giây phút tệ hại tôi gây ra cho ông, ông bạn, tuy tôi rất kính mến ông! Ông nghĩ sao, nhà nghệ sĩ? Có đúng là phức tạp như đã dự kiến không, mà dự kiến từ A đến Z! Tôi đã làm ông thấy rõ sự việc và đi sâu vào bí mật của giải lụa chứ? Tôi không nói rằng không có những lỗ hổng trong lập luận của tôi, còn thiếu những mắt xích trong sợi dây. Nhưng đúng là một kiệt tác của trí thông minh cả một sự hệ thống hóa lại vấn đề đấy ông ạ. Hình dung được những gì đã xảy ra, sẽ xảy ra từ khi khám phá án mạng cho đến khi ông đến đây tìm tôi lấy chứng cứ! Một sự đoán trước tuyệt vời! Ông có mảnh lụa không?”
“Có một nửa, anh có nửa kia chứ?”
“Nó đây, ta so với nhau.”
Họ trải hai mảnh lụa ra bàn, những lát kéo cắt khớp với nhau, cũng cùng màu.
Lupin nói:
“Nhưng tôi cho rằng ông đến đây không chỉ có thế, vấn đề ông quan tâm là những vết máu. Ở đây thiếu ánh sáng, ông đi theo tôi.”
Họ sang phòng bên cạnh, đúng là sáng hơn và Lupin áp mảnh vải của anh lên tấm kính. Anh nhường chỗ cho Ganimard rồi bảo:
“Ông ngó xem.”
Viên thanh tra run lên vì mừng. Những đường vân năm ngón tay và vết lòng bàn tay thấy rất rõ. Chứng cứ không chối cãi được: Kẻ sát nhân dùng tay đã đâm Jenny Saphir nắm lấy giải lụa buộc vào cổ cô.
Lupin nhận xét:
“Và đấy là dấu vết tay trái. Tôi báo trước được cho ông là do chỗ ấy, không có gì kỳ diệu cả. Nói thế để nếu ông cho tôi có trí óc cao siêu, ông bạn, thì đừng xem tôi là phù thuỷ.”
Ganimard bỏ ngay mảnh lụa vào túi áo. Lupin chấp nhận:
“Ông ơi, dành cho ông đấy. Tôi rất sung sướng được làm ông vui lòng. Và ông thấy đấy, không có cạm bẫy gì trong việc đó cả, chỉ là một sự hỗ trợ… chỗ bạn bè với nhau. Thú thật, tôi cũng tò mò một tí. Vâng, tôi muốn xem mảnh lụa kia, mảnh lụa trong tay cơ quan an ninh… Ông đừng ngại. Tôi sẽ trả lại cho ông. Một giây thôi.”
Trong lúc Ganimard ngồi nghe mặc dù không muốn, Lupin uể oải mân mê túm nơ phía cuối giải lụa. Anh nói:
“Những công việc tỉ mỉ này của đàn bà thật khéo. Trong khi khám xét ông có để ý đến chi tiết này không? Jenny Saphir khéo tay lắm và tự may lấy mũ áo. Chiếc giải lụa này chắc cũng do cô làm. Tôi nhận thấy điều đó ngay từ đầu. Bản tính vốn tò mò, tôi để ý nghiên cứu mảnh lụa ông vừa bỏ túi và tôi thấy trong túm nơ có một tượng thánh nhỏ cô bỏ vào đấy như tấm bùa cầu phúc. Cảm động đấy chứ ông Ganimard, một tượng Thánh hộ mệnh!”
Viên thanh tra không ngớt nhìn anh, vẻ cáu giận. Anh vẫn tiếp tục:
“Và thế là tôi tự nhủ: được xem xét mảnh lụa kia, mảnh lụa ở cổ nạn nhân mà cơ quan an ninh đang giữ, cũng thú vị vì sẽ biết có chỗ giấu như thế này không và giấu cái gì. Này ông bạn, trông này, làm mới khéo làm sao! Cũng chẳng phức tạp gì! Chỉ cần lấy một cuộn dây đỏ tết xung quanh một hộp gỗ rỗng khoét lỗ ở giữa, hẹp thôi nhưng đủ để bỏ vào một tượng thánh hay một vật gì khác, đồ trang sức chẳng hạn… một viên ngọc lam…”
Trong lúc đó anh tháo xong sợi dây cuộn và từ giữa hột rỗng anh dùng ngón cái và ngón trỏ lấy ra một viên đá xanh trong sáng và gọt dũa tuyệt đẹp.
“Thấy không ông bạn? Tôi nói thế nào?”
Anh ngẩng đầu lên. Viên thanh tra mắt ngơ ngác, mặt xanh nhợt, sửng sốt, hình như choáng váng về viên ngọc lóng lánh trước mắt. Cuối cùng ông hiểu ra toàn bộ âm mưu. Ông lẩm bẩm lặp lại lời rủa lúc gặp ban đầu: “Đồ súc sinh”.
Hai người đứng trước mặt nhau. Ganimard bảo:
“Đưa trả lại cho tôi.”
Lupin đưa mảnh lụa. Viên thanh tra ra lệnh:
“Viên ngọc lam.”
“Ông tồi lắm.”
“Đưa đây, nếu không…”
“Nếu không thì sao, đồ ngốc? Chà! Ông tưởng tôi nhường công việc cho ông để ăn cám à?”
“Đưa trả lại đây.”
“Ông không thấy à? Đã bốn tuần nay tôi chỉ cho ông đi như một công tử bột mà ông lại muốn… Thế nào, Ganimard… Ông phải hiểu rằng trong bốn tuần vừa rồi ông chỉ là một người thừa hành… Làm oai đi…”
Cố nén giận đang sôi lên trong người, Ganimard chỉ nghĩ đến việc gọi người của ông. Vì gian phòng họ đứng trông ra sân, ông dần dần quay người đến cánh cửa thông phòng và một bước ông nhảy lại cửa sổ đập vỡ một tấm kính.
Lupin tiếp tục:
“Ông và những người khác đúng thật ngây thơ! Từ khi giữ mảnh lụa, không một người nào có ý nghĩ nắn xem, không một ai tự hỏi vì sao cô gái túm chặt lấy giải lụa. Không ai cả? Các ông làm việc theo may rủi, không suy nghĩ, không dự đoán!”
Viên thanh tra thực hiện được ý muốn: thừa lúc Lupin bước ra xa ông một giây, ông quay lại nắm lấy đấm cửa. Nhưng ông thốt một tiếng rủa; nắm đấm không xoay được.
Lupin cười ầm lên:
“Đến việc đó cũng thế, ông cũng không dự đoán được! Ông giăng bẫy tôi và không nghĩ tôi đã đánh hơi thấy trước rồi. Và ông để tôi dẫn vào phòng này mà không ngờ tôi đã cố ý và không nhớ là những ổ khóa có máy móc đặc biệt! Nào, nói thật đi, ông nghĩ thế nào về việc đó?”
“Tôi nghĩ thế nào về việc đó?” Ganimard vô tình buột miệng.
Ông rút nhanh khẩu súng ngắn chĩa thẳng vào mặt địch thủ kêu lên:
“Giơ tay lên.”
Lupin đứng ngay trước mặt ông nhún vai:
“Lại chuyện nhảm nhí! Súng không bắn được đâu?”
“Sao?”
“Bà giúp việc nhà ông là người của tôi. Sáng nay lúc ông uống cà phê sữa thì bà nhúng ướt thuốc súng rồi.”
Ganimard có một cử chỉ căm tức, cho súng vào túi và nhảy lại phía Lupin. Anh đạp mạnh vào chân ông nói:
“Làm gì nữa đấy?”
Quần áo họ gần như chạm nhau, mắt nhìn vào nhau thách thức như hai đối thủ sắp đánh nhau.
Tuy vậy không có đánh nhau. Nhớ lại những trận đánh trước đây. Ganimard thấy là vô ích. Ông nghĩ đến những thất bại đã qua, những đòn tấn công vô vọng, những giáng trả sấm sét của Lupin nên không động đậy gì. Ông cảm thấy là không làm gì được; Lupin với sự bố trí lực lượng sẽ bẻ gãy sức mạnh đơn độc. Vì vậy, ích gì?
Lupin giọng thân mật, nói:
“Đúng không? Nên thế thôi. Vả lại ông bạn, ông nên nghĩ đến vụ việc này đem lại những gì cho ông: vinh quang, một bước thăng chức chắc chắn, triển vọng một cuộc sống thoải mái về già. Không nên thêm vào đó việc khám phá ra viên ngọc lam và cái đầu của Lupin tội nghiệp. Như vậy không công bằng. Chưa kể Lupin đã cứu mạng sống cho ông. Đúng vậy, ai đã báo trước cho ông Prévailles thuận tay trái? Và ông cảm ơn tôi như vậy à? Không tốt đâu, Ganimard. Đúng là ông làm tôi phiền lòng đấy?”
Vừa nói Lupin vừa quay người lại gần cánh cửa. Ganimard hiểu rằng kẻ thù sẽ thoát khỏi tay ông. Quên hết khôn ngoan, ông muốn chặn anh lại nhưng nhận một cú húc đầu rất mạnh vào dạ dày làm ông lăn ra tận tường.
Bằng ba động tác, Lupin vặn lò xo, xoáy nắm đấm, mở cánh cửa đi ra và phá lên cười.
Hai mươi phút sau, khi Ganimard xuống được với người của ông thì một trong bọn họ nói:
“Có một người thợ sơn ra khỏi nhà đi ăn như các bạn, đưa cho tôi một bức thư, nói: “Anh đưa giúp cho ông chủ anh”. Tôi hỏi: “Chủ nào?”. Nhưng anh ta đã đi xa rồi. Tôi đoán là đưa cho ông.”
“Đưa đây.” Ganimard xé thư. Thư viết bằng bút chì, chữ nguệch ngoạc, có những dòng sau:
Ông bạn quý, có điều muốn nhắc ông nên cẩn thận về lòng cả tin. Khi  có người nào đó nói với ông rằng đạn trong súng ông bị ướt, thì dù tin tưởng vào người đó đến mấy, dù người đó là Lupin cũng đừng để bị lừa. Cứ bắn đã và người đó quay ra chết thì ông có bằng chứng: đạn không bị ướt và bà giúp việc nhà của ông là một người trung thực.
Trong lúc chờ đợi có vinh dự được quen biết bà ta, xin ông nhận những tình cảm thân mến của người đã phục vụ ông trung thành.
Arsène Lupin.

Chương trước Chương sau