Đêm chủ nhật dài - Chương 01

Đêm chủ nhật dài - Chương 01

Đêm chủ nhật dài
Chương 01

Ngày đăng
Tổng cộng 12 hồi
Đánh giá 8.7/10 với 12961 lượt xem

Một tay trung lưu an phận bỗng dưng bị cuốn vào một án mạng nghiêm trọng mà chính mình cũng không hiểu vì sao. Bỗng dưng trở thành nghi can chính và mọi chứng cứ đều chống lại mình. Anh ta đành bỏ trốn và thuê thám tử để tự phá án trong khi vợ phản bội, bạn bè hại ngầm. Truyện vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn với nhiều tình tiết li kỳ, hết sức bất ngờ.
Mọi việc bắt đầu từ ngày 5 tháng giêng. Buổi sáng hôm đó tôi đi săn và chỉ xuất hiện tại văn phòng môi giới mua bán bất động sản của mình trên đường Cleburn vào lúc - giờ chiều.
Văn phòng của tôi giống với bất kỳ văn phòng nào trong thành phố này: cũng mặt tiền dán đầy quảng cáo, cũng mấy chậu cây ủ dột, một vài chiếc ghế bành rẻ tiền, bàn giấy chất đầy giấy má và, cũng như bất kỳ một cơ sở làm ăn nào khác, văn phòng của tôi có một đầu mối thần kinh chủ chốt - một căn phòng đặt điện thoại, máy chữ với một cô gái cỡ 30 tuổi có biệt tài là luôn luôn biết rõ phải tìm ở đâu những giấy tờ gì, cho dù nó có vớ vẩn đến mức nào đi nữa. Cô thư ký tên là Barbara Ryan. Cô ta có một mái tóc hung hung màu đồng, lúc nào cũng hơi rối, cái miệng xinh xắn, cặp mắt màu trời bình tĩnh, luôn luôn nhìn đời một cách lạnh lùng và tỉnh táo.
Cô ta đang nói chuyện với ai đó qua điện thoại và lúc thấy tôi bước vào cô lập tức rút lui.
- Xin chờ cho một chút. Ông Warren đã về tới. I Rồi cô hạ giọng nói với tôi: - Điện thoại liến tỉnh.
Có lẽ France muốn báo cho tôi biết rằng cô ấy sắp về. Chiều hôm qua đã hai lần tôi thử gọi điện nhưng rõ ràng cô vợ của tôi vẫn chưa về khách sạn.
- Cám ơn - Tôi khép cánh cửa thông ra phòng thư ký và nhấc ống nói của điện thoại đồng bộ đặt trong phòng làm việc của mình.
- Alo?
Đúng là France.
- John! - Giọng cô ấy có vẻ bực tức, chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành. - Kiểu gì mà anh cứ hét vào ống nói thế? Lẽ nào cô thư ký không báo cho anh biết là ai gọi sao?
- Xin lỗi, ngọc của anh! Chiều hôm qua anh đã gọi cho em mấy lần.
- À, biết rồi. - France sốt ruột ngắt lời. - Nhưng sau buổi hòa nhạc ở nhà Dikinson, bọn em nảy ra ý định la cà các quán rượu, mãi đến 3 giờ sáng người ta mới đưa em về khách sạn. Lúc đó mà gọi cho anh thì hơi trễ, hay là hơi sớm quá, phải vậy không? Ngọc của anh vừa mới thức giấc và vẫn còn nằm trên giường. Đến café cũng chưa kịp nhấp.
Tôi hình dung thấy những lọn tóc đen nhánh của cô ấy xõa dài trên tấm gối đăng ten, đôi mắt màu xám sẫm trên khuôn mặt tuyệt đẹp, cặp giò mạnh mẽ...
- Mấy giờ sẽ lên đường đấy, cưng? Có lẽ đồ đạc thu xếp không lâu lắm chứ? - Tôi cứ ao ước được thấy cô ấy bên mình.
- Anh yêu, em muốn ở lại đây tới chủ nhật kia, vì vậy em mới phone cho anh đây.
- Sao?! - Tôi thốt lên ngạc nhiên.
- Anh biết không, nhà Dikinson mời em hôm nay tới dự bữa tối với họ. Còn ngày mai thì họ mời cocktail.
- Nhưng như vậy sao được, ngọc của anh. Em đi suốt một tuần lễ nay rồi còn gì!
- Ồ, John, anh đừng có hư thế. Em chỉ nán lại có hai ngày nữa chứ đâu có lâu la gì. Em thề đấy! Với lại anh yêu của em định đi săn vịt kia mà, đúng không!?
- Anh đã đi săn sáng nay rồi. Với lại...
Nhưng nói nữa cũng vô ích. Dù tôi có thuyết phục được nữa thì lúc cô ấy về chắc chắn sẽ có một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi. Thôi đành vậy.
- Được rồi, niềm vui của anh, anh đồng ý. Nhưng chỉ đến chủ nhật thôi đấy, chịu không?
- Dĩ nhiên rồi, anh yêu.
Sau một lúc im lặng France nói thêm:
- À mà anh có thể gửi cho em ít tiền theo đường bưu điện được không nhỉ?
- Sao lại không! Em cần bao nhiêu?
- Hình như anh vừa mới nói 500 đôla, hay em nghe nhầm? - Cô ta cười cợt hỏi. - Em đã nhắm sẵn vài thứ trong các cửa hàng ở đây rồi. Hơn nữa như vậy cho nó chẵn, được không anh?
- Ôi lạy chúa tôi!
- Anh lại gào lên rồi đấy, anh yêu ạ!
- Không, anh đang rên rỉ đấy! Nghe này, cưng, em đã cầm theo tất cả các tín phiếu của mình rồi. Hơn nữa, người ta có thể bán chịu cho em kia mà. - Suýt nữa thì tôi buột mồm nói thêm rằng cô ấy đã lấy từ nhà đi 600 đôla tiền mặt nữa, nhưng may ngừng lại kịp.
- Không đâu anh yêu. - France thỏ thẻ - Các cửa hàng ở đây họ không cho chịu đâu, mà em thì vừa nhắm được một bộ đồ đẹp ơi là đẹp! Em mặc nổi lắm.
- Thân hình mỹ miều của em thì mặc gì chẳng đẹp! Mà quần áo của em có ít đâu... Còn anh thì suốt cả tuần nay không được chiêm ngưỡng thân hình em và đang sốt ruột muốn phát điên lên đây. Vậy anh có thể hy vọng rằng một khi bộ đồ đẹp đã được choàng lên tấm thân kiều diễm thì cả hai - cả em, cả bộ quần áo - sẽ trở về với anh chồng bị lãng quên chứ?
Cô ta cười lảnh lót.
- Anh nói yêu quá đi. Cứ y như là trong phim vậy.
Trong ống nghe có tiếng gì xen vào, nghe như tiếng ốc hay tiếng kèn gì đó.
- Em lại mua máy ghi âm đấy à? - Tôi thấy cơn bực lại dâng lên cổ. Những cái hộp gào rống như vậy ở nhà đã có đến cả một tá.
- Đó là radio nói đấy. - Vợ tôi trả lời. - Để em tắt đi nhé.
Thêm mấy phút nữa France bỏ máy. Tôi cảm thấy thật chán chường, có thể bởi vì thời tiết: nóng quá, không một ngọn gió, cứ như trước cơn giông vậy. Tôi với France suýt nữa cãi nhau nhưng may quá, thánh thần đã phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Tuy vậy tôi cứ tự hỏi không biết có phải mình đã quá dễ dãi không? Bạn bè ở New Orleans dư một vé coi trận chung kết bóng chày. Có thể tôi sẽ kiếm được một chỗ nữa trong sân bóng nhưng công việc bù đầu không cho phép tôi đi đâu được một bước và thế là cô vợ tôi đi một mình. Lúc đầu chỉ định đi nhiều nhất là 3 ngày, sau đó kéo ra một tuần, còn bây giờ thì 9 ngày. Điều đó làm tôi chẳng thích thú gì. Cô ta xem tôi như con rối, muốn làm gì thì làm. Rồi ở Carfaghen này, những người xưa nay vẫn coi tôi là thằng ngang ngược bặm trợn sẽ tha hồ mà bàn tán.
Tôi với France lấy nhau đã gần hai năm. Không hiểu cái gì đã hấp dẫn cô ấy - thành phố chúng tôi hay bản thân tôi như một gã đàn ông? Cô ta lớn lên ở Florida vui nhộn và phồn vinh thuộc Miami. Còn Carfaghen của tôi, than ôi, chẳng phải bồng lai tiên cảnh gì. Nói trắng ra là chốn quê mùa khỉ ho cò gáy. Còn tôi, John War-ren, tôi là cái gì? Vâng, vâng, tất nhiên tôi cũng là một người có nghị lực, vui vẻ và thành đạt... Nhưng bây giờ tôi đã có vẻ như một bác đang trở về già, một tay thị dân tỉnh lẻ. Một thứ tầm tầm, hạng như tôi thì phải lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong, tên tuổi chẳng bao giờ được đem đặt cho một thành phố, một cây cầu, một chứng bệnh hay một con vật nào hết.
Cả cuộc đời tôi trôi qua ở đây, ở Carfaghen này. Bà già mất đi lúc tôi mới lên tám. Tôi được thừa hưởng một gia tài gồm có ba ngôi nhà ở đường Cleburn. Một cái tôi đã bán, còn hai ngôi nhà kia đem lại cho tôi một khoản thu nhập không đến nỗi tồi. Một trong số đó là nơi tôi đặt văn phòng, còn trong ngôi nhà kia, một ngôi nhà cũ kỹ và trang trọng ở góc đường Cleburn và quảng trường Montrows, có cửa hàng kính mắt của Lackner, cửa hàng thể thao và cửa hiệu đồ dùng văn phòng của Ai len, trên lầu cũng còn một văn phòng nữa.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy France là ở văn phòng của mình. Một buổi sáng nọ cô ta ghé vào đây - tuần này nữa là đúng hai năm kể từ ngày ấy - và nói rằng cô ta muốn thuê của tôi một gian phòng trong trong ngôi nhà ở góc đường. France muốn mở một cửa hàng bán quần áo thời trang. Tôi còn nhớ lúc đó tôi đã tự nhủ: "Không biết người đẹp mới hai mươi xuân này biết gì về chuyện làm ăn?". Té ra tôi đã nhầm. Cô ta làm ăn bạo lắm. Vả lại ở Miami, cùng với người chồng cũ mà cô ta li dị cách đây một năm, France đã từng có một cửa hiệu tương tự và họ xoay xở cũng không đến nỗi nào.
Sau khi ly hôn, France quyết định rời bỏ Miami và lái chiếc xe hơi của mình đi dọc theo bờ biển. Cô ta dừng lại nghỉ đêm ở Carfaghen và không biết bằng cách nào đã kịp tìm hiểu các triển vọng làm ăn rồi ở lại luôn... Mọi cái kết thúc ở chỗ tôi đã cho cô ấy thuê nhà và sau đó nửa năm tôi lại mất người khách trọ sau khi đã cầu khẩn cô ta trở thành vợ mình.
Nhưng bây giờ không phải là lúc lần giở ký ức ra mà xem nữa, công việc đang chờ. Tôi bắt đầu đào bới đống giấy tờ còn ứ lại trên bàn. Sau đó thì Evans, anh chàng nhân viên của tôi đến và chúng tôi thảo luận một số vấn đề về công chuyện. Ba giờ chiều, tôi sang tiệm Fuller bên cạnh đó uống một ly café.
Một giờ sau, đợt không khí lạnh đầu tiên tràn vào thành phố. Các chủ xe vội vã quay cánh cửa những chiếc xe để ngoài sân lên cho kín. Khách bộ hành bước rảo chân, mắt nhìn trời lo lắng.
Tôi nhấn chuông gọi Barbara vào - phải đánh máy mấy bức thư. Cô bước vào và, theo một thói quen không hiểu vì sao cô thích, ngồi lên mép bàn một cách rất tự nhiên. Một phút sau tôi chợt nhận thấy ý nghĩ của mình đang hướng về Barbara chứ không phải vào mấy bức thư. Thật ngu xuẩn nếu như cho rằng trong suốt một năm trời cô ta làm việc ở đây, tôi không hề nhận thấy vẻ hấp dẫn của Barbara. Tất nhiên tôi nhận thấy quá đi chứ! Nhưng, thú thật, hôm nay là lần đầu tiên người phụ nữ này bỗng dưng làm tôi thực sự chú ý.
Barbara cúi xuống sổ tay, lọn tóc màu đồng của cô xõa xuống má trái càng tôn thêm nước da trắng mịn trên mặt cô. Chiếc áo sơ mi ống tay bồng dài rất hợp với cô. Còn đôi tay người phụ nữ ấy, đôi tay duyên dáng với những ngón tay thon dài quả là tuyệt vời. Bỗng nhiên tôi quên bẵng đi mất.
- Căn cứ vào khả năng có thể thay đổi cách bài trí của ngôi nhà. - Barbara đọc lại câu cuối cùng. - Chúng tôi cho rằng, phẩy, trong tương tai gần kề, - và như đọc được nguyên nhân khiến tôi dừng lại, cô cười rất duyên và đưa ra một nhận xét để giúp tôi tỉnh trí. - "tương lai gần kề", nghe chán quá phải không?
- Vâng, vâng, cô cứ viết đơn giản là trong tương lai. Cô không phản đối chứ?
Chúng tôi lại tiếp tục viết chính tả, nhưng những ý nghĩ vẫn cứ tản mạn không làm sao tập trung lại được.
Bỗng có chuông điện thoại réo lên.
Barbara cầm ống nói.
- Đó là Cảnh sát trưởng - Cô ngạc nhiên thốt lên.
- Cảnh sát trưởng? - Tôi cũng ngạc nhiên không kém cô thư ký. Không biết anh bạn Scanlon cần gì ở nơi tôi?
- Tôi nghe đây, Cảnh sát trưởng!
- Warren đấy à? Sáng nay ông có đi săn vịt ngoài đầm lầy không?
- Có, tôi đáp - Có chuyện gì vậy?
- Vào lúc mấy giờ?
- Tôi tới đó trước khi mặt trời mọc và ra về... đâu như lúc 10 giờ kém 15.
- Ông có gặp Dan Roberts ngoài đó không?
- Không. Nhưng tôi thấy xe của anh ta ở gần đó. Có chuyện gì vậy?
- Ông ấy tự sát rồi. Chúng tôi đang cố xác minh chính xác thời gian xảy ra sự cố.
- Tự sát à?
- Vâng, bác sĩ Martin và Jimmy McBright tìm thấy ông ta cách đây nửa giờ và gọi điện thoại cho cảnh sát. Bác sĩ nói rằng ông ta đã bắn băng mất một mảng sọ của mình. Việc đó có lẽ xảy ra lúc sáng sớm. Roberts ngồi trong cái lều bên phải, về phía cuối con đường mòn ấy, hình như hội thợ săn các ông gọi là điểm đón số 2 hay sao đó, có phải không? Vậy còn ông ngồi đâu?
- Ở điểm đón số 3 ở ngay cạnh đó, phía cuối con đường, nhưng về phía bên kia. Lạy chúa, tôi không hiểu làm sao anh ta lại nghĩ tới trò ấy.
- Tôi không biết. Malholand đã tới đó với xe cấp cứu. Bác sĩ khẳng định: khi súng nổ, nòng súng kề vào gần sát mặt. Có thể cho rằng không hiểu vì sao đó Roberts muốn cầm nòng súng mà nhấc lên. Ông ta có bắn sau khi ông rời khỏi điểm đón của mình không?
- Không, tôi nghĩ là không... Vì một lẽ giản đơn là không biết bắn vào đâu. Suốt cả buổi sáng tôi ngồi đó mà không hề thấy một con vịt nào. Còn những tiếng nổ thì tôi đã nghe thấy ngay từ rạng sáng, lúc mặt trời chưa mọc kia.
- Nói cách khác là trước giờ cho phép săn chứ gì?
- Đúng, đúng, điều đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã nghĩ ngay, không biết cha nội nào mà... è... è... vô kỷ luật vậy? Về khoản này chúng tôi rất kỹ.
- Thế thì đó là Roberts... Ngoài hai ông, không còn ai ngoài đầm lầy nữa. Tôi đã hỏi tất cả các thợ săn quanh vùng rồi. Vậy thì ông nói ông nghe thấy không phải một tiếng nổ?
- Đúng vậy, có hai tiếng nổ!
- Cách nhau bao lâu?
Tôi nghĩ ngợi.
- Khó nói chắc được... Đâu như một phút gì đó.
- Ông có nghĩ rằng đó là một thợ săn đã bắn bồi bằng súng hai nòng vào đàn vịt chẳng hạn, phải không?
- Ô không, khoảng cách giữa hai tiếng nổ quá lâu, đàn vịt đã dư sức bay mất rồi. Tôi cho rằng anh bạn săn của tôi bắn bị thương một con chim và khi con vật định cất cánh bay thì anh ta đã bồi thêm cho nó một phát nữa.
- Thế vịt có bay qua chỗ ông không?
- Than ôi... Như tôi đã nói, suốt cả buổi sáng tôi không hề thấy một con vịt nào, dù là ghẻ lở xấu xí nhất đi nữa. Vậy mà điểm đón của tôi nằm ở chỗ rất thuận lợi, giữa hai dải đầm lầy, chúng không thể nào không bay qua đầu tôi được. Thậm chí nếu đàn vịt bay từ phía sau tôi vẫn nghe thấy tiếng đập cánh nữa.
- Tôi hiểu rồi. À, còn một câu hỏi nữa: Roberts có người thân nào không?
- Về điểm này tôi hoàn toàn chẳng biết gì. - Cuộc thẩm vấn bằng điện thoại này đã bắt đầu làm tôi phát cáu - Tôi chỉ nghe nói anh ta từ Texas đến đây, nhưng từ đâu thì tôi không rõ.
- Thôi được, chúng tôi sẽ cố tìm trong cửa hàng hay lục lọi trong đồ đạc của anh ta vậy. Cảm ơn!
Khi tôi kể lại nội dung câu chuyện cho Barbara nghe, cô ta kinh hãi mãi không trấn tĩnh được.
Dan Roberts có lẽ chưa đến 30. Theo chỗ tôi biết thì anh ta chẳng có vợ con gì hết, bởi vậy không biết phải báo tin bất hạnh này cho ai. Anh ta là một trong số những người thuê nhà của tôi, nhưng ngoài một điều anh ta là một tay săn máu me và có một chiếc xe hơi thể thao máy rất khỏe, tôi không còn biết gì hơn về anh ta cả.
Dan xuất hiện ở Carfaghen này đâu khoảng mười tháng trước và mở một cửa hàng bán đồ dùng thể thao ngay trong ngôi nhà mà trước đây France đặt cửa hiệu của mình. Ngay trước mùa săn, anh ta đã gia nhập câu lạc bộ những người săn vịt của chúng tôi sau khi mua lại với giá phải chăng của thẻ hội viên của Art Russel vừa chuyển đi Florida, - chả là chúng tôi luôn luôn giới hạn số hội viên của câu lạc bộ mà. Tất cả chỉ có tám hội viên. Không biết cái gì đã thúc đẩy anh ta tính sổ với cuộc đời mình?
Chưa bao giờ tôi đi săn cùng đôi với anh ta, tuy vậy cũng đã hai ba lần gì đó luyện súng với nhau trong trường bắn. Và phải công nhận đó là một tay súng bẩm sinh anh ta sử dụng súng rất nghề, như một người có kinh nghiệm nhiều năm.
Đến 5 giờ chiều thì cơn giông ập đến. Tôi bước tđi cửa sổ và ngó ra ngoài. Mưa xối xả quất vào những dây xích bằng kim loại chăng trên quảng trường suốt từ dạo năm mới tới giờ. Barbara đậy nắp máy chữ và lấy túi xách của mình từ ngăn kéo ra. Buồn ơi là buồn.
- Tôi đưa cô về nhà nhé. - Hôm nay tôi muốn được gần cô ấy lâu hơn.
Cô ta lắc đầu.
- Cám ơn. Tôi đã gọi taxi rồi.
Vào đúng cái lúc Barbara ra tới ngưỡng cửa, chuông điện thoại lại reo lên. Trong ống nghe lại là giọng Scanlon.
- Ông Warren đấy à? Ông có thể đến ngay sở Cảnh sát được không?
- Dĩ nhiên. Có chuyện gì nữa vậy?
- Vẫn về chuyện ông Roberts thôi.
- Chắc là các ông đã xác định được sự cố xảy ra trong hoàn cảnh nào?
- Chưa có gì chắc chắn lắm... Thôi, chúng ta sẽ nói thêm khi nào ông đến đây, được chứ?
Tôi khóa cửa và chui vào trong xe. Từ đây tới Sở Cảnh sát chẳng xa xôi gì, đâu khoảng nửa dặm thôi. Vài phút sau xe tôi đã đến nơi.
Văn phòng của Cảnh sát trưởng nằm ngay ở tầng dưới, trong một căn phòng rộng và âm u, vì một lý do gì đó mà ngăn ra làm đôi bằng các song gỗ. Phía sau song gỗ có bốn chiếc bàn, bàn nào cũng có đèn với những chụp đèn màu xanh, có lẽ phải từ thời nội chiến. Trên tường trước mặt có treo một tấm bản đồ tỉ lệ lớn. Bên cạnh là tủ kính, thấy rõ nòng những khẩu carabin và súng bắn hơi cay ở bên trong. Bên phải cửa ra vào kê những ngăn đựng các tấm phiếu.
Malholand, phụ tá của Cảnh sát trưởng, ngồi sau bàn và đang chăm chú xem xét cái gì đó dưới một cây đèn đã tháo chụp. Bên cạnh anh ta là khẩu súng hai nòng kiểu Browning. Cạnh đó tôi còn nhận thấy một vỏ đạn, một phong bì và mấy tấm hình.
Khi tôi vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì từ một cánh cửa khác, khó mà nhận ra ngay, xuất hiện Scanlon.
Cao lớn, xương xẩu và, mặc dù có tuổi, vẫn nhanh nhẹn, Cảnh sát trưởng lặng lẽ chìa cho tôi bức ảnh. Những gì được ghi nhận trên tấm hình đó có thể làm đứng tim bất kỳ ai. Phải nói rằng tôi chẳng hề xấu hổ là chỉ chút xíu nữa tôi té xỉu. Roberts nằm ngửa trong chiếc xuồng săn nhỏ, toàn bộ thái dương bên phải nát bét, tròng mắt vọt ra, mặt đầm đìa máu. Tôi run rẩy đặt tấm hình xuống bàn và khi ngước lên, tôi gặp ngay cái nhìn chăm chú của Scanlon đang hướng về tôi.
- Có phải ông bắn ông ta không?
Ỷ nghĩa trong câu nói của Scanlon tôi chưa hiểu ngay.
- Gì cơ?
- Ông bắn ông ta? - Cảnh sát trưởng nhắc lại.
- Ông điên đấy à? Mắc gì tôi phải...
Scanlon ngắt lời:
- Ông hãy nghe đây, Warren! Những tay cứng cỏi hơn nhiều cũng còn phát hoảng khi vô tình bắn chết ai đó. Nếu có chuyện như vậy xảy ra với ông thì ông đừng nên quanh co, cứ nói thẳng ra khi còn chưa muộn. Chúng tôi sẽ coi như ông đã đến tự thú...
- Tôi đã nói với ông rồi! - Giọng tôi run lên vì tức giận. - Tôi không hề trông thấy anh ta. Còn những câu đùa ngu ngốc của ông...
Scanlon rút một điếu xì gà, cắn đuôi rồi nhổ ra.
- Chớ làm ồn lên, Warren. Tôi hỏi ông cũng là việc đương nhiên trong những trường hợp tương tự thôi.
- Còn chính ông mới lúc nãy đã nói với tôi rằng Roberts tự sát.
- Phải vậy mới được - Malholand nói chen vào và nhếch mép cười ngạo mạn - để đánh lạc hướng đề phòng của ông mà thôi.
Tay phụ tá của Cảnh sát trưởng, một kẻ tự mãn và màu mè, trước nay vẫn làm tôi khó chịu mặc dù tôi với hắn chẳng có gì chung đụng với nhau.
- Ông nói như vậy là thế nào? - Tôi hỏi.
- Roberts bị giết không phải bằng khẩu súng của mình.
- Làm sao các ông biết được?
Hắn nhún vai và liếc nhìn Scanlon như để xin phép.
Cảnh sát trưởng rít một hơi thuốc và gật đầu. Malholand cầm khẩu hai nòng lên.
- Số là hai nòng đều đã nạp đạn. Mà chỉ mới bắn một nòng thôi. Đây vỏ đạn đây.
Hắn đặt cây súng xuống, cầm cái vỏ đạn và đưa lên trước mặt tôi, chỉ vào mác đạn.
- Ông thấy không? Ở đây ghi rõ - cỡ 6.
- Thấy rồi. Vậy thì sao?
Malholand cầm cái phong bì trắng lên, dốc từ trong đó ra mấy hòn chì.
- Đây là những viên chì lấy từ sọ của Roberts ra. Bác sĩ đã phải một phen vất vả. Tất cả đều là cỡ 4.

Chương sau