Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 16

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 16

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 16

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9.2/10 với 55303 lượt xem

Vòm trời trong xanh, mỗi một góc phương đông rực đỏ, vừng thái dương lộ dân sau rặng xanh kéo dài trong làn sương mỏng, báo hiệu một ngày đẹp.
Trần Đình cho xe chạy tốc độ trung bình cố ý dành cho mọi người thưởng thức vẻ đẹp bình minh, hít thở thoải mái không khí trong lành sáng sớm. Anh sẵn sàng nhường đường cho xe sau từng lúc vượt qua. Chiếc Bel-air kiểu mới của anh, màu xanh nước biển, lòng xe quá rộng, chắc thoải mái đối với dân Mỹ cao lớn, nhưng với người Việt lại thừa thãi, cũng có chỗ bất tiện. Vũ ngồi cạnh Trần Đình ở băng trước không nghe rõ tiếng chuyện trò của Bạch Hường, Ninh Đa ngồi sát ghế sau. Đã một năm nay Vũ thường xuyên theo vợ chồng Đình đi nghỉ cuối tuần tại Long Hải hoặc Vũng Tàu, mỗi tháng hay tháng rưỡi một lần theo định kỳ tàu viễn dương sau mỗi chuyến đi Hương Cảng trở về, mà Đình là thuyền trưởng. Cũng khoảng thời gian này, Bạch Hường đã hết mặc cảm với cô "me tây" - cái tên nàng gán cho Phù Ninh Đa, mỗi khi nói chuyện với chồng. Nàng đã kín đáo dò xét quan hệ giữa Vũ và cô gái, xác nhận cả hai không hề vi phạm đạo đức sinh hoạt, đối xử bằng tình anh em kết nghĩa rất minh bạch.
Từ chỗ nghi ngờ, lạnh nhạt, đến nay Bạch Hường lại thương mến Ninh Đa hơn ai hết, quan tâm săn sóc cô gái có một quá khứ khốn khổ chẳng khác em ruột của mình. Nàng buộc Vũ phải đưa Ninh Đa cùng đi nghỉ mát cuối tuần, để nàng có bạn. Với họ thật là vô tư, hạnh phúc. Nhưng với Vũ, anh rất ít có được ngày nghỉ trọn vẹn. Vũ dựa đầu vào thành ghế nhắm mắt chìm trong suy tư, khi đầu óc không ngừng hoạt động, từng lúc phải tính toán công việc chi ly, xếp lại một cách hệ thống những biến động quan trọng nhất ở miền Nam trong hai năm qua, lo phục vụ cho tốt yêu cầu cấp thiết của Trung tâm mà anh có nhiệm vụ phải báo cáo gấp...
Kể từ khi đại sứ Mỹ Dierbrow và đại tá CIA Colby có trung tá Conein phụ tá trở lại Sài Gòn nhận chức thay thế những tên cầm đầu cũ, miền Nam với hai năm biến động không ngừng, Vũ phải hết sức vất vả đẩ bám sát mọi diễn biến của tình hình. Nhà Trắng đánh giá đường lối cũ đã lỗi thời, không đạt hiệu quả mong muốn, ăn cướp thời gian tranh thủ làm thay đổi tương quan lực lượng với cộng sản bằng sách lược mới. Với sách lược này, Tổng thống Mỹ có thể không chủ quan, tin ở tướng Lansdale đã sử dụng anh em Nhu-Diệm loại được thực lực của ông bạn đồng minh Pháp ra khỏi vòng chiến, và cuối cùng, thu gọn số trí thức nhân sĩ còn vọng Pháp và mảnh lưới mang màu sắc "khối dân chủ" để sử dụng hoặc vô hiệu hóa khi cần. Như vậy, CIA đã hoàn thành kế hoạch mở đường cho Mỹ xâm nhập miền Nam Việt Nam trực tiếp, biến mảnh đất này thành căn cứ quân sự, đúng với danh nghĩa "Tiền đồn tại vùng biên cương của Mỹ ở Đông Nam Á".
Bản thân Diệm ngay từ chuyến qua Mỹ đã nhận thức được ý đồ của Nhà Trắng. Mỹ không thể vì một người chịu để vuột khỏi tay cái mắt xích miền Nam Việt Nam trong hệ thống mắt xích vùng Đông Nam Á. Diệm không còn chủ quan để mãi mơ hồ tín vào quyền uy của ông, khi tổng thống Einsenhower trưng đủ bằng cớ chứng minh ông đang bị đa số dân chúng chống đối. Đấy là nguyên nhân buộc Diệm phải chấp nhận những điều kiện, trong đó có điều kiện mở rộng cửa đón hàng vạn cố vấn quân sự "nhập nội" trực tiếp nhận trách nhiệm cứu vãn tình hình. Đổi lại, chính phủ Hoa Kỳ vẫn giữ lời cam kết, bảo vệ sự nghiệp của ông và cả gia đình ông! Một cuộc mặc cả hoàn toàn dành cho tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tự cân nhắc, ông Diệm đã thức thời chọn lấy chỉ một lá phiếu của Mỹ có sức nặng bằng cả mấy triệu cử tri, mà bốn năm trước ông đã có để chiến thắng Bảo Đại. Ông Diệm không giận về lời trách cứ của ông Nhu, nhưng ông buồn về lối suy luận chủ quan của em ông, cho rằng Hoa Kỳ trước sau vẫn buộc phải trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa đủ mạnh làm lực lượng xung kích cho Mỹ chiến đấu chống cộng sản, bảo vệ quân lợi cho chính họ ở khu vực Thái Bình Dương.
Riêng ông, chưa quên vụ Mỹ trắng trợn trở mặt hất chân người bạn đồng minh Pháp đã phải đổ máu ở Việt Nam cho quyền lợi của Mỹ! Tùy vậy ông vẫn cần đến khả năng chính tri của người em nhằm bù đắp nhược điểm vốn có của mình, nhưng ông Diệm không còn đặt hết tin tưởng vào Nhu như trước. Qua sự kiện này ông đã thấy rõ em ông chưa đủ sâu sắc.
Tổng thống Diệm quả rất lo buồn khi buộc phải dành quyền chủ động cho tập đoàn cố vấn Mỹ đang chuyển từ giai đoạn đấu tranh chính trị qua bạo lực quân sự. CIA, với đại tá Colby đã phân bố thuộc viên, trực tiếp chỉ đạo hoặc gián tiếp từng bước nắm chắc nhiều tay sai trở nên trung thành và đắc dụng, thay vì trước đây chỉ nắm một mình Diệm. Nhưng Trần Kim Tuyến tin cậy bậc nhất của Nhu, đã bí mật gắn bó với Colby, đại tá Đỗ Mậu từng là tay chân sống chết của tổng thống Diệm, đã thức thời hợp tác với Conein, Dương Văn Hiếu, trưởng đoàn công tác mật vụ của Cẩn mới phái vào Sài Gòn trọn lực cho Nhu, đã phục vụ cho CIA sau lưng chủ. Từng loạt sĩ quan các cấp trong quân đội Sài Gòn được CIA tuyển chọn đưa sang Đài Loan, Phi Luật Tân và cả Hoa Kỳ huấn luyện nghiệp vụ nhưng thực chất đã được đào tạo thành những cộng sự trung thành với chủ Mỹ.
Anh em ông Diệm không thấy được hết, nhưng cũng đã ý thức được dần dần, biết mình không còn độc quyền liên hệ với Hoa Kỳ và cũng không thể nắm chắc được lòng trung thành của số tay chân cộng sự. Đó là mối nguy hiểm đối đầu buộc Nhu phải cấp tốc lập riêng một lực lượng đặc biệt, giao cho Lê Quang Tung bí mật chỉ huy, cùng một hệ thống đàn áp quy mô, khoa học, đồng bộ nhằm thực hiện quốc sách "tố cộng, diệt cộng".
Đồng bào miền Nam rùng mình ghê sợ mỗi khi nhắc đến các địa điểm: P.42, bót Ngô Quyền, Hàng Keo, Trại Cây Mai, bến Vân Đồn, Lê Văn Duyệt... cả chục lò tra tấn giết người ngay trong Sài Gòn Chứ Lớn, chưa kể nhưng "mồ chôn người' bí mật mọc lên nhan nhản ở các tỉnh và thành phố khác..
Chính sách bạo lực đã bôi đen học thuyết nhân vị của chế độ Diệm. Cả Mỹ lẫn Diệm đều thấy rõ triệu chứng đổ vỡ, dân chúng mất lòng tin, nghi ngờ tự do nhân quyền. Người ta phát hiện những bàn tay sắt của CIA, của Nhu mặc dù đã được bọc nhung khá kỹ.
Để cứu vãn tình thế, các cố vấn Hoa Kỳ đưa một đoàn chuyên gia Đài Loan vào Sài Gòn, trưởng đoàn là cháu đời 72 của Khổng Phu Tử, nhằm giúp chính phủ Diệm phục hồi học thuyết Khổng-Mạnh. Số giáo sư tâm lý xã hội của phân viện đại học Michigan đã xác định chín mươi phần trăm người Việt Nam thấm nhuần đạo lý Khổng-Mạnh và coi đây là nền tảng chân chính, là ý thức hệ chống Cộng!
Tổng thống Diệm giao cho số đảng viên Cần Lao lão thành tin cậy như Nguyễn Trác, Hà Huy Liêm, Võ Văn Trưng... cấp tốc thành lập ngay Hội Khổng học Việt nam. Ông ta đích thân đến tham dự lễ ra mắt của Hội và ban lời huấn từ: "truyền bá học thuyết Khổng Mạnh để giáo dục dân chúng là điều tâm đắc đối với tôi! Đối với nhóm "Tâm huyết", đại tá Đỗ Mậu cho đó là triệu chứng của sự thành công của nhóm, ông ta đề nghị đưa hết lực lượng lồng vào Hội Khổng học, dựa vào tổ chức hợp pháp này để dễ dàng hoạt động.
Nằm sâu trong hậu trường sân khấu chính trị Sài Gòn, Vũ có điều kiện khai thác khá sâu những âm mưu thủ đoạn của Mỹ-Diệm, hiểu rõ những mâu thuẫn nội tại của chúng. Qua tài liệu của Sở mật vụ, anh còn biết được những tổn thất và sự hy sinh to lớn của chiến sĩ và đồng bào ta trong giai đoạn khốc liệt này. Ngay trong ngành tình báo nội thành, số điện đài liên tục bị địch phát hiện, phương tiện bị mất, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Đã một năm nay, Trung tâm chỉ thị cho Vũ hủy bỏ hệ thống "hộp thư" trong phạm vi Sài Gòn, xây dựng hệ thống "hộp thư" mới ở Vũng Tàu, Long Hải. Đối với Vũ, phải đi xa Sài Gòn để liên hệ với hộp thư quả không ít nguy hiểm: Lực lượng CIA phối hợp với tổ chức mật vụ ngụy quyền rải khắp các đầu mối giao thông. Chúng soi mói, rình mò từ cách sinh hoạt đến sự di chuyển của bất kỳ người nào có ít nhiều hiện tượng nghi ngờ. Bọn chúng không tin ai một cách mù quáng dù người đó ở vị trí tin cậy hay ở chức vụ cao. Hơn ai hết, Vũ hiểu tầm quan trọng của khâu giao liên tình báo nhưng đây cũng là điểm yếu của ta đồng thời là mục tiêu chủ yếu mà kẻ địch rất quan tâm để tìm ra đầu mối. Song Vũ đã chấp nhận chia xẻ phần nguy khó cho mình.
Anh đã tìm được một "vỏ bọc" có thể che mắt những kẻ tò mò nhất: Dựa vào những đợt nghỉ cuối tuần với vợ chồng Trần Đình, có Phù Ninh Đa cùng đi để liên hệ với "hộp thư".
Không một ai nghi ngờ những người ngồi trong chiếc Belair lộng lẫy kia: một cặp vợ chồng, một đôi tình nhân đang háo hức đi "đổi gió", sau một thời gian làm việc căng thẳng. Và ngay ba người bạn thân của anh cùng ngồi trong xe lúc này cũng không một ai biết rằng, bên cạnh họ là một cán bộ tình báo cách mạng mà đầu óc chỉ bận bịu đến nguồn tin mà anh ta sắp chuyển về cơ quan Trung tâm. Nguồn tài liệu anh vừa thu lượm được hết sức quý giá, nhưng nó sẽ trở thành vô dụng nếu không chuyển kịp đến cấp trên khi nó còn giá trị thời gian...
Chiếc xe Belair không tăng tốc độ, chạy êm như ru trên con đường nhựa phẳng lý. Phía băng sau, Bạch Hường và Ninh Đa vẫn đang chuyện trò sôi nổi về mốt thời trang mà họ quan tâm.. Trần Đình chăm chú vào tay lái, thỉnh thoảng đưa mắt sang phía Vũ, miệng khẽ mỉm cười khi thấy bạn đang lim dim mất dưỡng thần.
Tình cảm ngày càng thân thiết giữa anh và Trần Đình, những chuyến tàu viễn dương mà Trần Đình thường xuyên sang Hồng Kông, nơi Linh Phương đang cùng chồng sinh sống... bỗng lóe lên trong anh một dự tính táo bạo. Anh sẽ xây dựng một đường dây liên lạc mới với Hà Nội qua Trần Đình và Linh Phương, điều này có thể giúp anh khắc phục được tình trạng giao thông liên lạc khó khăn với trung tâm, mà anh tin tưởng rằng sẽ được lãnh đạo chấp nhận.
Lúc ấy, Vũ cũng đang nóng lòng, chỉ muốn kết thúc sớm ngày nghỉ để trở về Sài Gòn. Tối mai anh có cuộc gặp mặt với Hoàng Hồ, thư ký tòa soạn báo Thời Luận, ủy viên thư ký thường trực khối Dân Chủ của Phan Quang Đán. Ít lâu nay, Vũ đã sử dụng báo Sinh Lực của nhóm Tâm Huyết viết bài hưởng ứng, kín đáo nhưng mạnh dần, quan điểm chống đối của tuần báo Thời Luận là cơ quan ngôn luận của Phan Quang Đán, cố ý đẩy tập đoàn Võ Văn Trưng, Đỗ Mậu, chuyển thành thế ly khai Nhu Diệm. Nhờ vậy, Vũ đã tạo được cảm tình của Hoàng Hồ. Với ý đồ riêng, Colby đã cử số thuộc viên loại tầm cỡ đi sát Phan Quang Đán, Đỗ Mậu, ra mặt đỡ đầu, khiến Ngô Đình Nhu không thể mạnh tay dẹp hai tờ báo đang mỗi lúc một tăng đần luận điệu chống đối. Tuy vậy, thấy chủ trương đối đầu chế độ của báo Thời Luận không thu hút được nhiều cây viết, không tạo được sự đồng tình của các nhật báo xuất bản ở Sài Gòn vì họ sợ nguy hiểm, Vũ đã gợi ý khuyên Hoàng Hồ đứng tên xin ra tờ tuần báo Trinh Thám, phù hợp với anh ta nguyên là giáo sư trường cảnh sát Pháp tại Ba Lê, để quy tụ nhà văn, ký giả, tạo thành lực lượng hỗ trợ cho Thời Luận. Hoàng Hồ hân hoan đón nhận ý kiến, nhờ Vũ gặp bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành vận động. Chỉ sau vài tháng, tờ báo nghiệp vụ duy nhất ở miền Nam ra đời, có ngay số đọc giả kỷ lục. Từ đó Hoàng Hồ gắn bó thiết thân với Vũ, yêu cầu được kết nghĩa anh em, dù hơn Vũ cả 15 tuổi đời, anh ta đặt cho Vũ phụ trách bộ phận biên tập cho Trinh Thám.
Biết rõ Hoàng Hồ với Phan Quang Đán vốn là bạn học, sau này trở thành bạn tâm giao, Vũ quyết tâm dùng anh làm gạch nối, từng bước vận dụng cho hai nhóm Cần Lao ly khai của Võ Văn Trưng và nhóm Dân Chủ của bác sĩ Phan Quang Đán, tập họp thành lực lượng tương đối có bề thế, có sức mạnh khả dĩ đối đầu với chế độ Nhu-Diệm. Vũ đã thực hiện đúng lời hứa với Đỗ Mậu, thuyết phục được Trần Kim Tuyến bí mật ủng hộ nhóm Cần Lao ly khai, lôi kéo khối Dân Chủ đồng tâm hợp lực, khiến Mậu đã hết lời biểu dương Vũ, dành cho anh sự tin cậy, trọng nể đặc biệt. Ảnh hưởng của Vũ không chi gia tăng trong nhóm Cần Lao Võ Văn Trưng, mà còn phát triển trong khối Dân Chủ của Phan Quang Đán. Con đường công tác thật nhiều khó khăn nguy hiểm. Vũ đã đầu tư trí tuệ suốt thời gian, vượt được một chặng đường khá dài, anh vững tin vào đoạn cuối cùng tới đích đang có nhiều thuận lợi. Chưa lúc nào phấn khởi như lúc này, anh sẽ đến đặt bản báo cáo kết quả công tác trong thời gian qua vào hộp thư chuyển về Trung tâm...
Trần Đình ngừng xe bên vệ đường, quay lại bắt gặp nụ cười trên môi Vũ, chực hỏi:
- Có điều gì thích thú? Cười trong lúc ngủ phải là mộng đẹp?
Vũ mở mắt nhìn ánh nắng ban mai một vừng hồng rực rỡ, nhận điếu thuốc của Đình, anh vẫn mơ màng trả lời bạn, cũng là nói với chính mình:
- Đúng vậy anh Đình ạ. Tôi mơ thấy mình biến thành một nghệ nhân, ngắm nghía tác phẩm của mình sắp hoàn thành, lý thú thật.
Xe đã đến ngã ba đường, rẽ trái đi Long Hải, chạy thẳng tới Vũng Tàu, Đình rời xe đến trạm thuế nộp tiền tắm biển. Băng sau, Bạch Hường, Ninh Đa hình như còn hăng hái tiếp tục câu chuyện chưa chịu bỏ dở, chẳng quan tâm gì đến ngoại cảnh. Đình đã trở về lại, cho xe rẽ trái.
2.
Phái viên đặc biệt của ứng cử viên Tổng thống Kennedy thuộc đảng Dân chủ Hoa Kỳ đến Sài Gòn trước vài ngày nhân dịp lễ Quốc Khánh 26-10 (năm 1960). Không phải là khách mời, cũng chưa phải có chức quyền gì trong Tòa Bạch ốc, vậy mà đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam cùng đại tá chỉ huy cơ quan CIA Colby tỏ ra rất trân trọng đón tiếp. Chẳng có gì lạ khi Kennedy chắn chắn sẽ ngồi trên chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trong vài tháng tới.
Phái đoàn gồm sáu người được bố trí ăn ở tại tòa nhà số 6 đường Ngô Thời Nhiệm. Trước khi đến Việt Nam, trung tâm CIA tại Langley (Virginia) đã thông báo cho đại tá Colby biết có ba nhân vật chủ yếu trong phái đoàn: George Ball, Michel Forrestal và Hilsman sẽ là những viên chức cầm đầu cơ quan đối ngoại của tổng thống Kennedy trong tương lai. Họ đặc trách về các vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á. Phái đoàn bí mật qua Sài Gòn, đội lốt du khách, tất nhiên, không để dự lễ Quốc Khánh của Việt Nam Cộng Hòa, nhiệm vụ chính của họ là tiếp xúc với các nhân vật cầm đầu các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ đang hoạt động tại Sài Gòn, để nghiên cứu tình hình Nam Việt Nam tại chỗ. Tòa Đại sứ, cơ quan CIA và các tướng tá chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại đây, hiểu ngầm rằng, phái đoàn đặc nhiệm của Kennedy có quyền quyết đinh về địa vị chức quyền tương lai của họ, nên hầu hết những viên chức được mời đến tiếp xúc đều có thái độ thận trọng, đúng mực, không khác gì gặp gỡ các nhân vật đương quyền.
Hôm nay, theo chương trình đã sắp đặt, phái đoàn làm việc với tiến sĩ Grore và Huss Colquyver. Trong căn phòng lớn, cửa yểm kính mờ, có máy điều hòa, đủ tiện nghi cho một văn phòng làm việc, máy ghi âm, điện thoại, máy chữ, giấy tờ... dù lối trang trí là phòng khách sang trọng của khách sạn.
Trưởng đoàn George Ball; có tin sẽ là Cố vấn đối ngoại của Tổng thống kế nhiệm, chỉ mới ngoài bốn mươi, với chức vụ quan trọng như vậy quả là rất trẻ, cũng như Kennedy sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ trẻ tuổi nhất từ trước tới nay. Ông ta có chủ trương lựa chọn những người cộng sự đồng lứa. Năm người ngồi chung bàn dài phủ nỉ xanh lót mặt kính. Tiến sĩ Grore và Huss Colquyver ngồi một bên đối diện phái đoàn, trước mắt Huss là tập hồ sơ kẹp bìa cứng. Rõ ràng đây là buổi họp báo cáo, không phải là cuộc tiếp xúc thông thường.
George Ball nhìn xuống cuốn sổ đặt trước mặt như để kiểm tra những điểm đã được ghi nhớ, giây lát hắn ngước mắt nhìn tiến sĩ Grore, rồi Huss, cặp mắt thật xanh, thông minh, giọng nói dịu dàng:
- Thưa hai ngài, theo yêu cầu của Thượng nghị sĩ Kennedy, mà chúng ta đều biết, không lâu nữa ông sẽ là Tổng thống kế nhiệm, chúng tôi được cử đến gặp các ngài để tìm hiểu sâu hơn các nhân vật đang có chức quyền trong Chính phủ của tổng thống Diệm, các tướng lãnh chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trong phạm vi trách nhiệm của RAND Corporation do hai ngài phụ trách. Vấn đề Việt Nam, mà thượng nghị sĩ Kenedy đưa lên hàng bậc nhất trong nhiệm kỳ năm năm của Tổng thống kế nhiệm, chính vì nó gắn bó với quyền lợi, trách nhiệm và danh dự của đất nước chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải có một chính sách đúng, một đường lối hữu hiệu, để đạt được thắng lọi nhanh chóng hơn, mà điều trước nhất đòi hỏi chúng ta phải hiểu sâu sát, cụ thể về nhân vật, địa bàn, về tình hình chung các mặt. Phần các ngài xin cho chúng tôi được hiểu về các phần tử chủ chốt, kể từ hai anh em ông Diệm trở xuống.
Grore gật đầu, quay sang người phụ tá. Huss trịnh trọng giở tập hồ sơ, bắt đầu đọc chậm rãi:
- Trước hết về tổng thống Ngô Đình Diệm. Sinh ngày 3 tháng giêng năm 1901, tại tỉnh Quảng Bình, Trung phần. Tốt nghiệp trường Hậu bổ Huế được cử làm tri phủ, rồi Thượng Thư Bộ Lại trong triều đình Bảo Đại từ 1932. Sau đó dưới áp lực của Pháp, Bảo Đại đã cách chức Diệm và cho về nghỉ....
George Ball nghe có vẻ chăm chú, mặc dù lai lịch của Diệm từ thuở hàn vi đến khi trở thành tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 26-10-1960, ông ta và cả phái đoàn đã nghiên cứu tỉ mỉ qua hồ sơ của cơ quan Langley chuyển sang. Huss cũng thừa biết điều đó, nhưng y vẫn không hề bỏ qua một chi tiết quan trọng nào về lai lịch của Diệm. Cuối cùng, y nói:
- Ít nét sơ lược về quá khứ chỉ xin tóm tắt nhắc lại, còn diễn tiến từ đó cho đến bây giờ các ngài đã biết chi tiết trong hồ sơ chúng tôi đã chuyển đến. Nhưng khi đề cập cá nhân tổng thống Diệm, chúng tôi thiết nghĩ không thể tách khỏi vai trò bí ẩn của người em ông ta, Ngô Đình Nhu. Một lẽ khá dễ hiểu, hiện nay ở Sài Gòn, người ta chú ý đến nhân vật thứ hai nấp sau hậu trường này hơn hẳn tổng thống đương quyền, họ cho ông Nhu chính là bộ óc, là linh hồn của Diệm. Nhu sinh năm 1908, em kế của ông Diệm trong số năm anh em trai gia đình họ Ngô, một gia đình theo đạo Thiên chúa quan lại, vọng tộc. Thời thanh niên, Nhu du học ở Pháp, tốt nghiệp đại học, về Hà Nội là trưởng thủ thư viện Đông Dương từ năm 1940 đến 1944, cưới vợ năm 1943, là con gái của ông Trần Văn Chương hiện đang làm đại sứ Việt. Nam tại Hoa Kỳ.
Từ sau ngày Diệm làm tổng thống, Nhu không giữ một chức vụ chính thức nào trong chính phủ, tự nhận mình là cố vấn Tổng thống, đựng sau chính quyền nhưng nắm hết quyền hành trong tay. Ở Sài Gòn người ta coi quyền hành mạnh hơn pháp lý. Mọi việc lớn nhỏ quan trọng hay không quan trọng đều qua ông Nhu, công văn giấy tờ đều có chữ phê của ông ta trước khi có chữ ký chính thức của tổng thống Diệm. Hầu hết các bộ trưởng trong chính phủ, các tướng lĩnh cao cấp chỉ huy quân đội đều phải đến họp mỗi tuần do chính Nhu triệu tập và điều khiển, mặc nhiên biến thành Hội đồng quốc gia chính thức. Hội đồng quốc gia này ban hành mọi quyết định cụ thể, quy mô, sau đó tổng thống Diệm mới họp nội các công bố. Riêng phần Nhu, nắm việc cắt đặt nhân sự trong mọi cấp thuộc chính phủ và trong quân đội, tổng thống Diệm biến thành người thực hiện với chữ ký của ông ta.
Quan niệm của Nhu cho rằng Hoa Kỳ buộc phải bảo trợ cho Nam Việt Nam, viện trợ tiền và vũ khí, để cho Nam Việt Nam có đủ sức mạnh bảo vệ quyền lợi cho Hoa Kỳ trước hiểm họa cộng sản. Và chỉ có Diệm, một lãnh tụ chống cộng mới có đủ uy tín, đủ tầm cỡ đối đầu với Việt cộng miền Bắc. Chính phủ Mỹ không thể có một đối tượng nào khác khả dĩ thay thế được. Tổng thống Einsenhower và tổng thống kế nhiệm phải hiểu điều đó, và cần nhận rõ điều này: quyền lợi của Mỹ gắn chặt với sự sống còn của mảnh đất này. Với suy nghĩ đó Nhu nuôi tham vọng bảo vệ mối quan hệ độc quyền giữa tổng thống Mỹ với Diệm, không cho phép bất cứ cá nhân, tập đoàn nào bắt tay với Hoa Kỳ sau lưng ông Diệm. Nhu đã không ngần ngại giết ngay tướng Trình Minh Thế, tướng Ba Cụt khi biết họ qua mặt Nhu liên hệ riêng với người Mỹ. Nhu khuyến cáo ông Diệm không chấp nhận bác sĩ Phan Quang Đán, Đặng Văn Sung và một số nhân vật khác tham gia chính quyền, lý do những người này có liên lạc với các viên chức Mỹ cầm đầu tổ chức CIA tại Sài Gòn, và được ủng hộ cách riêng. Mặt khác, Nhu ban ân huệ, cho địa vị, đôi khi cả quyền lợi để tập họp một hệ thống cộng sự viên trung thành. Cùng với vợ, Trần Lệ Xuân, Nhu tổ chức riêng các lực lượng hậu thuẫn cho mình: Thanh niên Cộng hòa, Phụ nữ Liên đới, lực lượng vũ trang đặc biệt, Phụ nữ bán quân sự... Không chỉ có vậy, vợ chồng Nhu, rồi Ngô Đình Cẩn, bà cả Lễ, em trai và chị gái Nhu ở miên Trung, ngoài việc lộng quyền, còn tổ chức buôn lậu có hệ thống. Họ tậu đất đai, nhà cửa ở Pháp, gửi châu báu, đô-la qua ngân hàng Thụy Sĩ, không chỉ là tiền do buôn lậu. Trong đó có phần viện trợ của Hoa Kỳ chạy vào túi riêng, tổng số còn chờ kết quả điều tra, nhưng quả là quá lớn. Chính những hoạt động mờ ám của vợ chồng Nhu đã phát sinh mâu thuẫn, dân chúng mất lòng tin trầm trọng.
Trong hơn một năm trở lại đây, tổng thống Einsenhower đã thay đổi chính sách đối với chính phủ Diệm và chung cả Nam Việt Nam. Với mục đích, Hoa Kỳ phải trực tiếp nắm giữ căn cứ chiến lược này, một mắt xích trọng yếu trong hệ mắt xích của khu vực Đông Nam Á, không thể duy trì lâu hơn một đường lối chính trị dựa vào một chính quyền độc tài, không được đa số dân chúng ủng hộ. Ngài tổng thống đương nhiệm của chúng ta cho rằng xây dựng chỉ một Ngô Đình Diệm là tiếp tục vấp sai lầm của chính phủ Magsaysay ở Philippine, cần phải chấm dứt. Chúng ta phải quy tụ xây dựng một thực lực có đầy đủ khả năng, có lòng trung thành, với đường lối chung của Hoa Kỳ. Một sách lược mới tạo cho Nam Việt Nam đứng vững, để đối đầu với cộng sản miền Bắc.
Trong khi đó, mới đây Ngô Đình Nhu đã công bố giữa buổi họp Hội đồng chính phủ, do chính ông ta triệu tập, như sau: "Khi mà Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp vào nội bộ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa quá sâu, khi mâu thuẫn giữa các cố vấn Mỹ với các cấp chỉ huy quân chính thêm phát triển và càng gia tăng cùng với số lượng cố vấn quân sự gia tăng một cách sốt sắng, chính phủ Hoa Thịnh Đốn cần phải biết sớm hơn rằng, lực lượng quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam đã tạo ra cái ấn tượng thực dân trong dân chúng. Dân chúng sẽ mất lòng tin vào chính nghĩa quốc gia, sẽ quay về với Cộng sản". Nhu yêu cầu tổng thống Diệm công khai khuyến cáo với Tòa Đại sứ của chúng ta, nhằm chống lại chính sách mới đang phân hóa quyền hạn của chính ông ta. Trước thái độ nghịch lý đó, ngài tổng thống Einsenhower sau khi tham khảo ý kiến của Ngũ Giác Đài và Trung tâm Langley, đã quyết định cảnh cáo tổng thống Diệm, không cho phép ông ta dung dưỡng Nhu nữa.
Georege Ball chăm chú theo dõi báo trình của Huss, đôi lúc ghi chép vào sổ tay. Khỉ Huss vừa dứt lời, hắn chợt hỏi:
- Cho đến bây giờ tổng thống Einsenhower mới đặt vấn đề cảnh cáo Diệm, như vậy có quá muộn không thưa ngài Huss Colquyver?
- Thưa không phải đến bây giờ, mà đã lâu rồi và nhiều lần, đại sứ Dierbrow, cả đại tá Colby đặt vấn đề vợ chồng Nhu với tổng thống Diệm. Lúc đầu ông ta thanh minh, cho rằng số người xấu cố ý xuyên tạc, về sau ngài đại sứ trưng ra bằng cớ, ông ta phải thừa nhận, hứa hẹn sẽ ngăn chặn kịp thời. Nhưng Diệm tỏ ra quyết liệt chối từ không chấp nhận để Nhu xuất ngoại, theo gợi ý của ngài đại sứ. Diệm thú nhận, rất cần có Nhu ở bên cạnh giúp đỡ, đó là điều cần thiết đối với ông ta.
- Vậy thì, các ngài sẽ dùng biện pháp gì để cảnh cáo ông Diệm lần này đạt được hiệu quả?
Huss quay đầu về phía tiến sĩ Grore có ý dành quyền trả lời cho cấp trên mình. Grore sửa lại thế ngồi, đáp thay viên phụ tá:
- Thưa các ngài, trong hai năm qua dưới sự chỉ đạo của ngài đại sứ Dierbrow và đại tá Colby, chúng tôi đã thực hiện đúng theo kế hoạch trong sách lược mới của Tổng thống đương nhiệm của chúng ta và đạt kết quả đáng khích lệ theo như sự đánh giá của Ngũ Giác Đài. Vì vậy ngài Eisenhower quyết định thực hiện biện pháp mạnh, chủ yếu là đòn chính trị mang nội dung tâm lý, cảnh cáo anh em ông Diệm nhằm ba yêu cầu: Thứ nhất, buộc Nhu xuất ngoại, hoặc thuần hóa cái đầu ngoan cố của ông ta, khi chúng ta còn cần phải giữ Diệm trên ghế tổng thống. Thứ hai, thử thách lòng trung thành của các tướng lãnh, các cấp chỉ huy quân đội, các viên chức dân chính chủ chốt, mà trong hai năm qua chúng ta đã xây dựng được. Cuối cùng, tạo ra đủ bằng cớ qua vụ này thanh toán dứt khoát lực lượng chính trị thân Pháp, vẫn còn là chướng ngại đáng kể. Đạt được các yêu cầu chủ yếu nêu trên, chúng ta đã tạo cho chế độ Cộng hòa Việt Nam một đường lối chính trị thuần nhất, một lực lượng quân đội tập trung, từ đó phát huy được sức mạnh.
Tiến sĩ Grore nhích môi không phải mỉm cười vào lúc này nhưng có thể do thói quen ông ta thấp giọng:
- Các ngài có mặt tại Sài Gòn vào đúng dịp này, rõ ràng từ bên nước nhà, các ngài đã được thông báo về kế hoạch mà Tổng thống đương nhiệm đã chỉ thị cho ngài đại sứ Dierbrow?
George Ball gật đầu:
- Vâng, đúng vậy, thưa tiến sĩ Grore! Thượng nghị sĩ đã trực tiếp trao đổi với tổng thống Einsenhower và đề nghị được duy trì tình hình Nam Việt Nam trong nguyên trạng, nhất là giữa giai đoạn giao thời này. Tổng thống Einsenhower đã giải thích về kế hoạch cảnh cáo Diệm hoàn toàn ở thế chủ động, sẽ giúp cho tình hình tốt hơn, đoán quyết không để cho một xáo trộn lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Kennedy vẫn chưa yên tâm, đó là lý do chúng tôi có mặt hôm nay để tiếp xúc với các ngài. Thay lời thượng nghị sĩ, chúng tôi chỉ xin đề đạt một yêu cầu duy nhất, tổng thống Diệm cần phải tồn tại, nếu trường hợp ông ta không chịu rời bỏ ông Nhu, tạm thời chúng ta vẫn phải bảo vệ sự an toàn của tổng thống Cộng hòa Nam Việt Nam vì quyền lợi của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Yêu cầu cấp thiết này chúng tôi đã truyền đạt đến đại sứ Dierbrow và đại tá Colby, bây giờ cả với ngài.
Ngừng lại giây lát, Ball tiếp:
- Xin ngài Huss cho chúng tôi được nghe về các nhân vật tiếp theo.
Họ tiếp tục làm việc. Tuy chưa phải là thành phần được nắm quyền quyết định, nhưng cả năm nhân vật hiện diện ở trong căn phòng này đều giữ những chức quyền quan trọng của chính phủ Hoa Thịnh Đốn, của Trung tâm tình báo Mỹ, ý kiến của họ vẫn có trọng lượng quyết định số phận của nhưng nhân vật chủ chốt trong chế độ Ngô Đình Diệm, kể cả số phận của anh em tổng thống Cộng hòa Nam Việt Nam.
3.
Trong căn phòng ngủ có rèm xanh đậm che kín các cửa sổ và cửa ra vào, ánh đèn bàn để sáng suốt đêm, từ chín giờ tối qua. Bây giờ là ba giờ sáng, Vũ mới hoàn thành bản tin gửi về Trung tâm. Từ khi ngồi vào bàn, anh tưởng chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ sẽ làm xong mọi việc như đã trù tính, nhưng anh đã lầm, nội dung sự kiện khá phức tạp, buộc anh phải động óc, suy nghĩ rất căng, để tìm ra đáp số. Anh hiểu rất rõ báo cáo của người chiến sĩ tình báo là một nghệ thuật. Cần soạn nhưng bản tin cực ngắn nhưng tuyệt đối rõ ràng. Nội dung của báo cáo có giá trị đối với cơ quan sử dụng nó, khi được chứa đựng chất lượng nhiều hơn mà chỉ cần một số câu tối thiểu... Và, để có được bản tin chẳng những phải đổi bằng sự lao động dũng cảm, lâu dài bền bỉ, có thể mất nhiều năm, mà có khi còn bằng cuộc đời của người chiến sĩ tình báo. Về phần Vũ, anh càng thấm thia hơn, khi biết có nhiều đồng chí phải lao vào nguy hiểm, từ lúc nhận bản tin, di chuyển bản tin, đến mở máy truyền đi, bảo vệ an toàn chiếc máy trong khu vực dày đặc kẻ thù, mọi người đã phải lao động bằng máu tiếp tay cho bản tin của anh đến được tận nơi nhận nó, Hàng chục đồng chí đã trân trọng giữ gìn sản phẩm do chính anh sản xuất. Vũ không được phép thiếu sự khắt khe đúng mức với bản thân khi đặt bút soạn bản tin, để giá trị của nó xứng đáng với sức lao động, đôi khi bằng sinh mạng của nhiều đồng chí mình phải đóng góp. Suốt sáu giờ trôi qua, Vũ không cảm thấy chút nào mệt mỏi, ngược lại anh thấy phấn chấn hơn lúc nào hết, khi anh tự tin đang bước vào thời điểm cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ.... Vũ vươn vai đứng dậy, đi lấy bình nước sôi pha thêm ly cà phê, đây là ly thứ ba khi biết không còn thời gian chợp mắt trước giờ đi làm. Anh cần phải mã hóa ngay bản tin mới thảo.
Vũ chậm rãi đong hai muỗng cà phê cho vào phin lọc đúng kiểu anh Trọng hướng dẫn, cho chút nước sôi chờ thấm, rồi mới châm lần thứ hai, đậy nắp. Anh bằng lòng với mình, ngồi ngắm từng giọt đậm đặc đen sánh, bướng bỉnh, xun xuê cố bám lại không chịu buông mình rơi xuống đáy ly. Chỉ được giây lát, đầu óc Vũ cũng không kém bướng bỉnh, không chiu rời khỏi bản tin đã thảo, trước mặt:
° Nhóm Cần Lao ly khai Đỗ Mậu liên kết khối Dân Chủ Phan Quang Đán chặt chẽ hơn.
Cả hai bên cần có nhau, hợp lực đối đầu Nhu-Diệm vốn đã hiểm lại đang mạnh. Vấn đề sống chết, không còn đường lui, phải sát cánh bảo vệ nhau, xóa hằn cự ly.
° Trần Kim Tuyến bí mật phục vụ CIA sau lưng Nhu, ở thế trên lưng cọp, ngầm ủng hộ Mậu-Đán trong âm mưu diệt Nhu. Hoạt động của Mậu che được mắt Nhu, không che được CIA, Tuyến không phản ứng, triệu chứng CIA không can thiệp, đã cho phép?
° Hàng ngàn cố vấn quân sự Mỹ đến Nam Việt Nam từ sau chuyến Diệm sang Hoa Kỳ về, can thiệp sâu vào mọi hoạt động của nội bộ chính quyền Diệm. Bọn chúng trực tiếp nắm từng tên cầm đầu chủ chốt các cơ cấu quân chính Việt Nam, tách khỏi sự chi phối của Nhu-Diệm. Mất thế độc quyền đại diện chế độ giao tiếp với Mỹ, mâu thuẫn Mỹ-Diệm, mâu thuẫn nội bộ tập đoàn tay sai, đã đến giai đoạn phân hóa trầm trọng.
° Nhu vẫn với nhận định chủ quan về ý đồ của Mỹ, công khai phê phán chính sách mới đối với Nam Việt Nam của Hoa Thịnh Đốn. Nhiều hiện tượng, Dierbrow và Colby không chấp nhận được Nhu, khả năng đưa tới việc loại Nhu.
° Thời cơ đủ chín muồi. Mậu, Đán ráo riết hành động. Làm binh biến diệt Nhu, giữ Diệm, trong điều kiện mở rộng chính phủ, để phe đối lập tham gia. Tiến sĩ Grore và Huss vẫn thường xuyên gặp Đán. Đỗ Mậu đã tạo được thuận lợi nhất định. Phần nửa số tướng tá quân đội đã tiếp xúc thân mật với Mậu. Bọn này chia ba nhóm, có thái độ khác nhau: số rất ít nhận tham gia, số ngầm ủng hộ không can thiệp, và còn lại không chống đối, không ủng hộ.
° Trong cuộc họp của nhóm Cần Lao ly khai, Mậu tuyên bố đã chuẩn bị lực lượng đủ sức giải quyết sớm nhất, tránh đổ máu, chờ thăm dò thái độ tòa đại sứ Mỹ, tranh thủ sự đồng tình. Hai nhóm sẽ quyết ngày giờ hành động".
° Nhận định: Binh biến chắc chắn xảy ra, có khả năng sớm hơn. Mỹ mập mờ, biểu lộ ưng thuận, vô trách nhiệm. Giờ G báo sau.
A9
Mã hóa xong báo cáo, đốt bản thảo, đồng hồ đã điểm sáu giờ, Vũ lao vào nhà tắm, ngâm trong bồn nước lạnh, cơn buồn ngủ bị đẩy lùi. Vừa bận xong quần áo, Trọng đã tới. Họ quen đến với nhau không kể giờ giấc.
- Tôi nghỉ dạy học một tuần nhân dịp Quốc Khánh. Mấy mẹ con đòi tôi đưa lên Đà Lạt, vừa mới trở về hôm qua. Tôi đến câu lạc bộ Ngô Thời Nhiệm thăm lớp học của nhóm CIA, được nghe phái đoàn đặc biệt của Kennedy qua từ trước lễ, còn nằm đó và đang tiếp xúc với số cố vấn cầm đầu các tổ chức hoạt động ở Việt Nam. Bọn Mỹ ở Sài Gòn xem ra kính trọng tên trưởng phái đoàn, hình như là loại cố vấn tầm cỡ của Kennedy thì phải. Chú có nghe được gì về bọn này chưa?
- Chưa hay biết gì anh ạ. Trong dịp Quốc khánh, có thể là phái đoàn được mời.
Trọng lắc đầu:
- Không đâu, bọn này không dự lễ, vì không phải là phái đoàn chính thức, chỉ là phái viên của ứng cử viên tổng thống. Có điều qua thái độ của nhóm cố vấn Mỹ ở đây, người ta tin chắc Kennedy sẽ đắc cử.
- Có thể lắm, viện Gallup đã làm cuộc điều tra thăm dò, tuyên bố quá bán cử tri ủng hộ Kennedy, còn với đảng Dân Chủ thì hắn ta thắng với đa số tuyệt đối.
Trọng có vẻ nghĩ ngợi:
- Liệu Kennedy lên nắm quyền tổng thống, Ngô Đình Diệm có còn được ủng hộ không nhỉ? Coi mòi bác sĩ Đán đang hy vọng đảng Dân Chủ lên cầm quyền, có sự thay đổi, phần lợi sẽ về phía ông ta.
Vũ cười mỉa mai:
- Cộng Hòa hay Dân Chủ cầm quyền ở Mỹ chẳng có gì khác nhau. Quyền quyết định vẫn nằm trong tay tập đoàn tư bản. Tổng thống nào đi nữa, cũng phải thực hiện đúng chủ trương đường lối do chính tập đoàn đó định đoạt. Ông Diệm lo hoặc ông Đán mừng chỉ vì sự thay đổi vị trí của hai đảng cầm quyền, càng chứng tỏ các ông ấy không hiểu gì về bản chất của nước Mỹ. Chính sách đối với Nam Việt Nam, hay riêng đối với chính phủ Việt Nam Cộng hòa tất nhiên có thể thay đổi đúng lúc này hoặc vào dịp nào đó, khi họ thấy cần có hiệu quả hơn để nhanh chóng đạt được ý đồ của họ. Việc thay thế nhân vật cầm quyền cũng nằm trong quy luật đó.
- Bây giờ tôi mới thấm thía tình trạng bị lệ thuộc là thế nào. Qua cái thời Bảo Đại, bây giờ lại đến Diệm, rồi đây là Đán, tất cả chỉ trông vào một tổng thống Mỹ. Ông ta định đoạt số phận cho mỗi người, cần giữ thì có tất, bỏ rơi là mất sạch, mất luôn cả mạng sống như Magsaysay. Vậy mà hễ mở miệng là rêu rao quyền tự chủ, quyền độc lập dân tộc. Nhục thật?
Vũ thiết tha ngắm vẻ mặt hiền hậu của người anh nuôi giây lát, trong lòng Vũ rộn lên một hy vọng, thôi thúc anh mạnh dạn:
- Anh ạ, nhờ chúng ta "nằm trong chăn mới biết chăn có rận", còn bao nhiêu người vẫn nuôi ảo tưởng, vẫn tin bọn họ. Ông cha ta, trải bao thế hệ đổ xương máu chỉ quyết giành cho được chủ quyền dân tộc, đã từng tự hào để lớn tiếng như Lý Thường Kiệt "nước Nam là của người Nam", như Lê Lợi, Nguyễn Trãi dạy giặc phương Bắc bằng kiệt tác Bình Ngô. Cho đến đời chúng ta, "Cộng sản" "Quốc gia" hãy gạt sang một bên đã, chúng ta nhìn ra thế giới, trong đó có Pháp hầu hết đã phải nghiêng mình trước chiến thắng Điện Biên. Một cuộc chiến thắng được đánh giá là thần thánh, là vĩ đại. Thế giới đã gắn liền Việt Nam với Điện Biên Phủ, không chỉ nhằm đề cao địa danh có trận chiến thần kỳ, mà chính là để cắm một cái mốc lịch sử, ghi một thắng lợi quyết định buộc đế quốc Pháp phải đầu hàng ký hiệp ước bãi binh, công nhận chủ quyền độc lập thống nhất dân tộc của Việt Nam. Từ cái ranh giới đó, nghiên cứu sang giai đoạn chúng ta đang sống, đang làm chứng nhân, vấn đề từ nó sáng ra như anh vừa nói. Để chúng ta không bị ngạc nhiên trước mối lo lắng của Diệm, hay sự vui mừng của Đán, cả hai đang thấp thỏm trông chờ quyết định của một Kennedy. Bản thân còn không làm chủ được, các ông ấy còn gì để tính đến quyền dân tộc tự chủ của nửa phần đất nước chúng ta lọt trong vòng quỹ đạo của Mỹ?
Trọng dụi mạnh mẩu thuốc vào gạt tàn, một cử chỉ ít có với bản tính trầm mặc của anh. Vũ hiểu trong lòng người anh nuôi đang có trận chiến, không đơn giản giữa cái đúng với cái sai, mà phức tạp hơn nhiều đối với người trí thức, đó là giữa tình cảm và lý trí. Vũ cố ý cắt đứt câu chuyện, anh đứng dậy:
- Đến giờ rồi, tôi phải đi thôi, sáng nay làm việc với đại tá Mậu. Anh em mình sẽ gặp lại.
Trọng châm điếu thuốc mới, vẫn ngồi trên ghế:
- Chú Vũ này, giác quan thứ sáu chú có tin không? Tôi linh cảm thấy có gì đó quan trọng qua thái độ của mấy cố vấn Mỹ mà tôi vừa gặp chiều hôm qua. Tôi nghĩ... chú nên quan tâm.
Vũ quay lại nhìn sững Trọng. Anh suy nghĩ rất nhanh sau khi quan sát người anh nuôi, vẫn vẻ trung thực lộ trong đôi mắt, qua giọng nói, anh yên tâm.
- "Cái gì đó quan trọng" ư? Nhưng về vấn đề gì nhỉ?
Trọng chậm chạp đứng lên:
- Biết nói sao đây?.... Có thể có sự thay đổi chẳng hạn. Kennedy đắc cứ tổng thống, ông ta sẽ bỏ Diệm, đưa một người khác lên thay.
Ngừng giây lát, Trọng cao giọng:
- Chú thử thăm dò coi, tôi thấy phái đoàn của Kennedy qua đây, chắc có vấn đề gì đó.
- Vâng, tôi sẽ gặp Tuyến. Nhưng theo tôi, chính anh đến gặp đệ nhất tham vụ Tòa đại sứ Mỹ Conlon, người học trò có nhiều cảm tình với anh, hy vọng hơn phía Tuyến. Hắn ta dám nói thật với anh đấy.
- Được thôi, nội nhật hôm nay tôi đến hắn. Tôi về đây, có gì mới tôi cho chú biết ngay.
Vũ không kịp ra tiễn Trọng, anh tranh thủ tắt đèn, khóa cửa, ra nhà xe.
Hôm nay các cơ quan, công sở mở cửa làm việc sau ba ngày nghỉ lễ Quốc Khánh. Trong một tuần dành cho dân chúng Sài Gòn vui chơi, khiêu vũ, đánh bạc tự do, không khí vẫn tẻ nhạt, bản chất ngày lễ không mang tính chất lịch sử, không gây được ấn tượng nào trong lòng người, tất cả qua mau và chìm trong quên lãng.
Vũ cho xe chạy chầm chậm, anh mải bận tâm về câu nói của Trọng. Phái đoàn của Kennedy "có cái gì đó quan trọng..." Nếu bọn Mỹ ở đây biết chắc Kennedy đắc cử, thì cái phái đoàn này tự nó có uy quyền. Có thể chứ? Chúng thay Diệm chăng? Vũ nghĩ, Diệm còn số lực lượng rất trung thành, kể cả Đỗ Mậu. Mạnh tay với Diệm có thể đổ máu, xáo trộn mạnh đấy. Chắc Kennedy không muốn lộn xộn lúc này trong thời gian chỉ còn những bước cuối cùng đi vào Nhà Tưởng. Vũ đột nhiên hoảng hốt. Có thể Kennedy đánh hơi được Mậu, Đán làm binh biến loại Nhu chăng? Cũng là lộn xộn, điều ông ta không chịu để xảy ra vào lúc này, nên cử tay chân sang đây ngăn chặn. Cơn mệt bất thần kéo đến với Vũ sau một đêm thức trắng. Bản tin vừa thảo có còn giá trị hay chỉ là đồ bỏ đi? Nhiệm vụ có hoàn thành được không, khi Mậu, Đán bị CIA khóa tay lại? An toàn của anh sẽ ra sao? Từng loạt câu hỏi dồn đến, Vũ phải giải đáp. Anh choáng váng đến mất bình tĩnh, vội vàng dừng xe dưới tán cây cạnh đường, tắt máy. Vũ ngồi lặng đi, mồ hôi rịn trên vừng trán. Anh rút một điếu thuốc châm hút, cố lấy lại sự thư thái trong lòng.
Năm phút trôi qua, Vũ quyết định đến với Đỗ Mậu trước khi lại gặp Trần Kim Tuyến, anh cho xe phóng nhanh lại Tổng nha an ninh quân đội. Thấy Vũ vào, tên trung úy sĩ quan trực đứng nghiêm chào, anh chỉ gật đầu bước qua, hắn trịnh trọng:
- Thưa ông phụ tá.
Vũ dừng lại chờ hắn.
- Đại tá dặn tôi mời ông phụ tá vào phòng đại tá có công vụ cần gấp.
- Cám ơn trung úy.
Vũ quay sang trái đi thẳng vào phòng khách. Phía trong cùng, cửa phòng tổng giám đốc an ninh có đèn đỏ, báo bận việc. Tên trung sĩ ngồi gác cạnh bàn đã đứng nghiêm chào Vũ và vội quay lại mở cửa báo vào:
- Thưa đại tá, ông phụ tá đã tới.
Từ phía trong vọng ra, tiếng của Đỗ Mậu:
- Mời vào.
Vũ gật đầu. Cánh cửa đã mở rộng nhường anh bước qua, tên trung sĩ tự động khép lại.
Đỗ Mậu ngồi sau bàn làm việc, bận comple màu xanh nhạt, ông ta rất ít khi bận quân phục với cặp lon đại tá, đáng lý phải là cập lon tướng đã có từ lâu. Nhu đã ba lần gạch tên ông ta trong các kỳ bộ Quốc phòng đề nghị xét duyệt thăng cấp. Tổng thống Diệm can thiệp, Nhu vẫn cố chấp. Mậu chỉ cười gằn khi nghe được tin xì xầm trong nội bộ. Từ đó, Mậu chỉ mặc quân phục khi cần thiết.
Thấy Vũ vào, Mậu cười khá vui, chồm người lên bắt tay, ra hiệu mời anh ngồi phía ngoài chiếc ghế dành cho khách. Thái độ của Mậu, Vũ cảm thấy yên tâm. Mậu cắm điếu thuốc Mélia vào chiếc đót ngà voi theo thói quen, đẩy hộp thuốc lá ngoại mời Vũ, cả hai cùng châm hút.
- Cụ hội trưởng Khổng học Nguyễn Trác vừa gọi điện thoại cho tôi báo tin ông có trong danh sách của họ đi dự đại hội Khổng học tại Đài Loan, cụ khoe có cả đại biểu hội Khổng học Thụy Si tham dự. Đại hội kéo dài mười lăm ngày vì có mười ngày tham quan Văn miếu và di tích, ngày mồng 5 lên đường. Các cụ rất phấn khởi, có dịp nghỉ ngơi dài ngày.
Vũ không tránh khỏi ngạc nhiên, anh phải che giấu bầng nụ cười hân hoan giả tạo:
- Đại tá quả là rộng rãi, dành cho tôi một dịp xả hơi hậu hĩnh quá. Rất cảm ơn đại tá!
Đỗ Mậu đứng lên bước ra khỏi bàn làm việc cả hai đi lại bộ sa lông phía đối diện. Vừa ngồi xuống ghế, ông ta lắc đầu cười:
- Chà chà! Tôi đành xin lỗi thôi. Không ngờ ông lại cần xuất ngoại để xả hơi đúng lúc này nhỉ? Tôi đã thay lời ông từ chối mất rồi.
Ông ta ấn nút diện thoại đặt trên bàn tròn cạnh ghế ngói:
- Trung sĩ Quý, cho hai chai la-de lạnh - quay lại với Vũ - ông không "chia lửa" với tôi sao?
Vũ hiểu và gật đầu mừng thầm. Tên trung sĩ mang đồ uống vào, thận trọng mở nút chai, rót ra ly đặt trước mặt hai người. Chờ cho tên trung sĩ ra khỏi phòng khép cửa, Mậu mời Vũ nâng ly. Vũ đã nghĩ đến bản báo cáo chưa chuyển, giá tri của nó vẫn trọn vẹn, hai tiếng "chia lửa" vừa rồi báo hiệu Mậu đã hạ quyết tâm. Mậu đặt ly xuống bàn, thấp giọng:
- Tối qua, hơn chín giờ trung tá Conein mới đến trả lời tôi. Nói đúng thì ông ta chuyển lời của đại sứ Dierbrow, nguyên văn như sau: "Tòa đại sứ Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào nội bộ chính phủ, cả quân đội Việt Nam Cộng hòa". Chúng ta đều biết, Mỹ bỏ tiền, nhận trách nhiệm lo chung cho toàn cuộc trong đó có cái riêng Việt Nam. Cái chung, cái riêng không tách rời ra được. Hành động của chúng ta phải được họ chấp nhận, làm trái ý họ bị cắt viện trợ, thất bại còn nặng hơn nhiều. Vì vậy, chính tôi phải gợi ý Conein, một người bạn Mỹ rất tốt của tôi. Ông ta thừa nhận không đủ thẩm quyền trước vấn đề đại sự, chỉ hứa thăm dò ý kiến cấp trên. Câu trả lời của đại sứ Dierbrow hàm ý đồng tình, kiểu nhầm chấp thuận không để lại dấu vết không có trách nhiệm. Thế đấy!
Vũ nâng ly la-de đòi cụng ly với Mậu:
- Tôi xin uống mừng đại tá.
- Mừng cho nhóm "Tâm huyết" chúng ta!
Vũ báo tin với chủ ý thăm dò:
- Có một phái đoàn của ứng cử viên Kenneay đến Sài Gòn cả tuần nay, chắc đại tá đã biết?
- Vâng, tôi biết. Cũng chính trung tá Conein đã cho tôi biết nhiều điều rất bổ ích. Thứ nhất, Kennedy chắc chắn đắc cử. Thứ hai, tổng thống Einsenhower và Kennedy nhất trí tiếp tục ủng hộ tổng thống Diệm. Thứ ba, Kennedy tán thành đường lối quân sự của Einsenhower, nhưng với ông ta, sẽ còn mạnh hơn. Ông ta cho rằng Mỹ có ưu thế về sức mạnh vũ lực, không sử dụng đúng tầm cớ, hết hiệu suất, là sai lầm. Vấn đề cuối cùng, ông Kennedy cũng như tổng thống Einsenhower rõ ràng không chịu ông Nhu, cả hai thỏa thuận cần thiết phải đưa ông ta xuất ngoại, có thể giao phụ trách một sứ quán nào đó.
- Một sự trùng hợp quả là lý tưởng, thưa đại tá?
- Đúng vậy, thời cơ đã dành cho chúng ta, người Mỹ cũng như chúng ta, nhất trí giữ uy tín cho tổng thống Diệm, cải tổ chính phủ, thu hút những người có tài tham gia, có vậy mới được dân tin, dân ủng hộ. Theo tôi, phái đoàn của Kennedy qua Sài Gòn nghiên cứu tình hình tại chỗ, tỏ vẻ đồng tình tuy họ chưa có quyền nhúng tay vào công việc của chính phủ đương nhiệm. Trung tá Conein chỉ tiết lộ, phái đoàn có yêu cầu không nên để tình trạng Sài Gòn xáo trộn trong ngày bầu cử tại Mỹ. Tôi chớp ngay cơ hội, bắn tin sẽ hành động trước dịp bầu cử và chỉ giải quyết êm thấm trong phạm vi một ngày. Conein hiểu nhưng im lặng không có ý kiến gì thêm.
- Đại tá đã quyết định ngày khởi sự?
- Nếu từ nay đến đó, Conein không có phản ứng tức là họ chấp thuận. Tôi đã nhờ các cụ của chúng ta vốn uyên bác về kinh dịch, thái ất tử vi, tìm một ngày tốt nhất. Cụ Trưng đã trả lời rồi, giờ Tý, ngày Hoàng Đạo, 11 tháng 11 (1960). Chính vì vậy, tôi đẩy hết các cụ đi Đài Loan để tránh sự nhòm ngó của Nhu. Còn ông? Có ý kiến gì nào?
Vũ trầm ngâm giây lát:
- Đại tá đã bố trí lực lượng, đủ khả năng giải quyết nhanh nhất trong một ngày như đã hứa với trung tá Conein, có quá chủ quan không? Có tính đến những diễn biến bất ngờ chưa?
- Tất nhiên rồi, tôi đã cùng với tướng Nghiêm bàn bạc rất chu đáo, lực lượng đã sắp xếp kín gọn, có thể đối phó trong những tình huống cực xấu. Ông yên tâm đi.
- Cả đường tiến và khi cần có đường lui an toàn?
Đỗ Mậu cười tự tin:
- Ông đã biết đấy, chúng ta bảo vệ tổng thống Diệm, hành động của chúng ta vì ông ta, vì quyền lợi của chính phủ Hoa Kỳ. Càng không phải là đảo chính cướp chính quyền, càng không có gì nguy hiểm, đúng không nào? Chỉ có điều chúng ta phải dùng biện pháp mạnh buộc tổng thống Diệm giải quyết dứt khoát đuổi vợ chồng Nhu, vấn đề mà ông ta bị tình cảm gia đình quá nặng đến mức cố chấp, đã coi nhẹ sự nghiệp cách mạng quốc gia. Hành động vì chính nghĩa của chúng ta được đa số những người quốc gia chân chính ủng hộ, được Nhà Trắng đồng tình, rồi cả tổng thống Diệm sẽ hiểu, chúng ta có công chứ không có tội. Như vậy chẳng phải là đường lui an toàn sao?
Vũ kiểm lại niềm vui chợt đến. Quả tình anh chỉ nghĩ đến nhiệm vụ sắp hoàn thành, chưa hề quan tâm đến sự an nguy của bản thân đang ràng buộc chung với mối an nguy đối đầu của Đỗ Mậu. Với Ngô Đình Nhu, có thể Mậu chưa đánh giá hết về ông ta. Chống lại một Ngô Đình Nhu có tài, thông minh, mưu lược, sâu hiểm, tàn bạo, biết cách dùng người, mà chủ quan khinh suất là tự giao mạng sống cho tử thần. Nhưng với Vũ lúc này, điều chủ yếu là phải có binh biến, tạo cho tập đoàn tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ xâu xé nhau làm cho chế độ ngụy quyền suy yếu từ gốc, đồng bào ta bớt bị tàn sát, cách mạng miền Nam sẽ lớn mạnh hơn, đó là tất cả. Vũ tỏ vẻ hân hoan, tán đồng:
- Vâng, tôi hiểu ý đại tá.
Đỗ Mậu cắm điếu thuốc Melia mới vào đót, châm lửa, hơi ngước mặt nhìn Vũ bầng cặp mắt nheo lại sau làn kính trắng:
- Thế là ông đã nhất trí với tôi. Tôi sẽ không tiết lộ với ông những đơn vị, số sĩ quan thực hiện kế hoạch đã định, chúng ta cần phải tuyệt đối giữ bí mật. Chỉ có tôi và ông - Mậu cầm chiếc đót thuốc lá chỉ vào ngực mình, rồi chỉ sang Vũ, và tiếp - hai ta biết ngày giờ hành động. Nếu không có gì thay đổi thì đó là giờ quyết định. Nhưng với mọi người có trách nhiệm, chỉ được biết vào giờ chót. Bây giờ thì phần ông, bắt đầu từ ngày hôm nay, cho đến ngày khởi sự, cần thường xuyên đi sát bác sĩ Tuyến, qua ông ta nắm động tĩnh về phía Nhu, cũng là để kềm ông ta đừng phản trắc. Thú thật với ông, ông Tuyến vẫn là mối lo của tôi đấy!
Vũ nhìn xói vào mắt Mậu, chặn lời:
- Thưa đại tá, tôi xin bảo đảm về Tuyến. Lúc này đại tá cần được yên tâm dứt khoát một bên, để đủ sáng suốt lo cho toàn cuộc.
Đỗ Mậu ngồi thẳng dậy đặt bàn tay lên đầu gối Vũ:
- Rất cảm ơn ông Vũ, tôi đã tin cậy ở ông. Từ giờ phút này tôi mới được thực sự yên tâm, mong ông thông cảm cho.
Vẫn cố ý với vẻ bất bình, giọng Vũ đanh lại:
- Đại tá đã có lúc nào nghĩ rằng, mối lo đại tá vừa nói đến lại là mạng sống của tôi đã đặt trong tay Tuyến từ lúc công khai thuyết phục ông ta?
Mậu bị lúng túng giây lát, liền xuống giọng phân trần:
- Ngay từ buổi đầu gặp nhau cho đến lúc này, giữa tôi và ông không còn cự ly, mọi điều chúng ta đều thẳng thắn bàn bạc trao đổi, không hề giấu giếm. Chắc ông rõ, tôi đặt lòng tin vào ông trọn vẹn. Nhưng với Tuyến, vâng, tuy là bạn ông, nhưng đã có nhiều năm tỏ ra trung thành rất mực với ông Nhu. Mỗi khi chợt nghĩ tới tôi không tránh được nghĩ ngợi, mong ông hiểu cho.
- Thưa vâng, tôi thông cảm với đại tá.
Đỗ Mậu vui vẻ mời Vũ cụng ly uống hết ly bia còn dở.
- Tôi phải đi, đã đến giờ hẹn cần gặp vài người bạn. Có gì cần chúng ta liên lạc điện thoại, sẽ gặp lại.
Đỗ Mậu tiễn Vũ ra cửa, bất tay anh khá chặt.
°
Bốn giờ sáng Vũ đã thức dậy sau một đêm chập chờn khó ngủ. Anh ra sân tập thể dục sớm hơn thường lệ. Vũ nghĩ đến buổi gặp Mậu sáng thứ Bảy tuần trước, rồi qua gặp bác si Tuyến tại vãn phòng Sở nghiên cứu, tối đó anh sửa lại bản báo cáo đã mã hóa, thông qua số tin thu thập được trực tiếp ở đại tá Mậu rồi ở Tuyến, giúp Vũ xác định lại nội dung bổ sung số tin cơ bản: "Hoa Thịnh Đốn chấp thuận phương án của Dierbrow và Colby, chủ động ngầm chỉ đạo số tướng tá Việt Nam cùng nhóm thân Pháp làm binh biến có mức độ, có thời gian quy định trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, dựa theo nguyện vọng của Mậu và ý đồ chia quyền của Đán, mục đích chung vẫn giữ Diệm, đuổi Nhu. Về phía Mỹ, lợi dụng sự kiện biến thành đòn uy hiếp buộc Diệm phải ngoan ngoãn phục tùng chính sách quân sự mới. Mậu tiết lộ giờ G là 0 giờ ngày 11 tháng 11, giải quyết nhanh gọn trong 24 tiếng".
Sáng chủ nhật, Vũ chuyển ngay bản tin qua hộp thư đặt tại Long Hải. Năm ngày trôi mau, anh không nhận được tin gì của Trung tâm, mãi cho tới đêm qua, Vũ không khỏi sửng sốt khi mã hóa bản tin thông báo qua dài bán dẫn: "Đồng chí Thành Minh gặp đồng chí tại nhà, sáng mai, thứ Bảy, chờ đón chỉ thị trực tiếp!" Không có gì có thể so sánh nổi sự vui mừng đột xuất bừng lên trong lòng Vũ, khiến anh mất ngủ nằm lắng đợi thời gian, chậm ơi là chậm! Từng giọt, từng giọt như rớt xuống tim anh làm dịu bớt ngọn lửa đang đốt nóng trong lòng.
Vũ cố ý kéo dài buổi tập sáng rồi tắm lâu hơn ít phút, thong thả mặc quần áo, buộc dây giầy, chậm chạp đến thận trọng sắp sẵn bữa điểm tâm cho hai người. Chiếc đồng hồ treo tường điểm bảy tiếng, và chuông cổng cùng lúc reo vang, tiếng reo khác thường thật hạnh phúc đối với anh. Vũ lao ra, không kịp mở cổng, anh đứng sát vào song sắt ngó trân trân đồng chí Thành Minh bằng xương bằng thịt, vẫn vừng trán cao quá cỡ, mái tóc tự nhiên, đôi mắt tinh nghịch long lanh sau cặp kính trắng, vẫn nụ cười đôn hậu của nhà giáo từ năm ấy, chưa một thay đổi lớn nào.
- Chà chà? Thận trọng quá rồi đấy thưa ngài sĩ quan an ninh. Khách quen mà dò xét kỹ thế, có phải vì méo mó nghề nghiệp chăng? Hề... hề...
Nghe giọng nói quen thuộc, Vũ như chợt tỉnh sau cơn xúc động quá mạnh. Anh hấp tấp mở cổng, Thành Minh chủ động khoác tay Vũ sóng bước vào nhà. Cả hai lúc đó mới kịp ôm nhau, áp mặt khá lâu, Vũ thì thầm:
- Anh ở trên trời nhảy xuống hay dưới đất chui lên? Tôi không thể hình dung nổi sự có mặt của anh giữa Sài Gòn này.
Thành Minh vỗ vào lưng Vũ, vẻ âu yếm:
- Có gì ghê gớm vậy? Mình không khoái huyền thoại kiểu xuất quỷ nhập thần của mật vụ hay CIA. Chỉ là vấn đề thực tế nơi nào có đồng bào ta, nơi đó có sự hiện diện của Đảng, có thể có cả chiến sĩ tình báo của ta. Đúng vậy không?
Được gần, được nghe đồng chí Thành Minh, Vũ luôn cảm nhận mình vẫn còn nông nổi, non yếu trong nghiệp vụ, cả về kiến thức chính trị. Rất đúng! Vì rõ ràng anh đang có mặt ở đây. Thành Minh đẩy Vũ ra xa hơn ngắm nghía giây lát rồi cười rất sảng khoái:
- Vẫn khỏe, vẫn đẹp. Tốt lắm.
Cả hai kéo nhau vào bàn ăn điểm tâm. Thành Minh vừa ăn vừa chậm rãi:
- Các đồng chí lãnh đạo của Trung tâm thương cậu kinh khủng, lo cho vụ lộn xộn sắp xảy ra. Cậu quá hăng, liều mạng cốt sao cho được việc thì chỉ có nước đưa đầu vào máy chém. Phần mình vẫn tin cậu còn khôn ngoan chán, đâu đến nỗi sa chân. Thế là nhận được lệnh, từ nay cho đến bao giờ nhỉ? Mình chẳng biết nữa, hai đứa mình sẽ đi sát bên nhau, chắc là lâu đấy.
Vũ reo lên:
- Thật sao? Tại Sài Gòn này?
Thành Minh ngừng nhai ngước mắt nhìn Vũ:
- Không lẽ mình nói đùa?
Vũ lúng túng giây lát rồi cười thật vui:
- Khi nhận một tin mừng đột ngột không tưởng nổi, anh thấy đấy, tự nhiên muốn đòi được xác minh lại cho chắc thôi.
- Đúng. Bỏ qua cho cậu không bắt bẻ nữa.
Thành Minh lại cúi xuống ăn xong miếng bánh, uống hết ly cà phê, rồi cẩn thận nắm điếu thuốc châm hút:
- Sau lần ở với cậu vài ngày ở Rạch Bần, mình qua Nam Vang, ra Hà Nội, rồi ít tháng được lệnh trở vào Huế phụ trách số công tác Trung tâm giao. Bốn năm rồi đấy, có nghĩa là liên tục ở trong vùng địch. Hiện nay mình đá có chỗ đứng chân, đây đủ điều kiện hợp pháp. Vẫn là thầy giáo Trần Trung Ban, tu sĩ, thư ký văn phòng Đức Khâm mạng Tòa thánh tại Sài Gòn. Nếu không có cái "vỏ thép" đó chắc chắn Trung tâm không cho rớ tới con cưng của ngành. Tuy nhiên, cảnh giác vẫn là nguyên tắc chủ yếu, nhớ không? "Giữ được tuyệt đối bí mật bạn thân coi như đã hoàn thành phần nửa nhiệm vụ." Chúng ta quen nhau như bạn xã giao, không lưu lại dấu vết của nhau, chỉ gặp gỡ theo nhu cầu công tác. Bắt đầu từ nay, mình sẽ trực tiếp nhận báo cáo miệng của cậu, bỏ hết hộp thư liên lạc, xóa hết bút tích của cậu liên hệ với tổ chức. Với mật vụ, kể cả cơ quan phản gián Mỹ, cậu phải hoàn toàn trong trắng.
Ngừng giây lát, Thành Minh hất hàm hỏi Vũ:
- Hôm nay cậu có cần phải đi làm không?
- Không anh. Chỉ với Đỗ Mậu, có gì ông ta liên lạc bằng điện thoại..
- Vậy thì, mình sẵn sàng nghe cậu, cho mình biết hết công việc của cậu đã làm được.
Vũ tuần tự báo cáo tỉ mỉ công tác đã thực hiện được từ khi nhận nhiệm vụ mới của Trung tâm. Suốt ba tiếng đồng hồ, Thành Minh tập trung tinh thần lắng nghe không hề ngắt lời Vũ cho tới lúc chấm dứt, anh còn im lặng khá lâu chìm trong suy tư, cuối cùng lên tiếng:
- Đồng chí thủ trưởng Trung tâm chỉ thị mình phải đến với cậu, chuyển lời biểu dương về hiệu quả công tác tốt, giữ gìn cậu không được lộ diện trong vụ binh biến này. Qua báo cáo của cậu, mình yên tâm, chỉ cần "cứu" Đỗ Mậu cậu vẫn được an toàn kể cả trường hợp Nhu vô sự nắm lại quyền hành. Cậu biết đấy, Mỹ còn cần Diệm nên không cho phép giết Nhu, chúng biết anh em họ Ngô sẵn sàng chết vì nhau. Phải công nhận, bọn Mỹ rất tinh tế, bí mật chỉ đạo làm binh biến để đạt hai yêu cầu: uy hiếp Diệm, đuổi Nhu, tiến tới lập chính phủ quân phiệt phục vụ đường lối quân sự của Mỹ. Có khả năng trong dịp này, Mỹ cho dẹp hết bọn tay sai của Pháp, rất hợp lý vì có bằng cớ âm mưu đảo chính, để dập tắt ý đồ của DeGaule vận động trung lập hóa Nam Việt Nam. Còn phía ta, phân hóa nội bộ địch, có binh biến là đạt yêu cầu. Nhưng Mỹ thành công trong vụ này, nhất là gạt được Nhu, chúng sẽ ổn định được tình hình mau chóng. Vì vậy, Trung tâm chỉ thị cho cậu, chẳng những phải "cứu" Đỗ Mậu để giữ an toàn cho cậu mà còn phải "cứu" Nhu để phá kế hoạch của Mỹ. Sau binh biến, Nhu tồn tại, hắn sẽ thẳng tay trừng trị số tướng tá chạy theo Mỹ phản Diệm, chế độ Sài Gòn sẽ còn tiếp diễn vài ba cuộc đảo chính, đó mới là đòn hiểm...
Cả hai say mê bàn kế hoạch thực hiện đến quên cả thời gian. Quá mười hai giờ họ mới chợt nhớ đến ăn trưa, nhờ có đồ ăn do Ninh Đa mua giùm dự trữ, Thành Minh tiếp tay với Vũ tự nấu bữa cơm đơn giản tại nhà. Chiều, Thành Minh mới ra đi, anh tự tim taxi mà không chịu để Vũ lái xe đưa tiễn.
Mười tám giờ ngày 10 tháng 11, đại tá Đỗ Mậu điện thoại cho Vũ, gửi lời thiếu tướng Lê Văn Nghiêm mời tới ăn giỗ cụ thân sinh của ông ta. Nghiêm hiện là chỉ huy trưởng quân trường sĩ quan Thủ Đức, gia đình ở biệt thự lầu trong khuôn viên nhà trường, khu dành riêng cho bạn chỉ huy. Tất nhiên là Vũ tìm cớ bận công tác để từ chối. Mậu đành lấy làm tiếc căn dặn Vũ báo cho sĩ quan trực, có việc gì cần, liên lạc qua điện thoại của tướng Nghiêm trong thời gian ông dự tiệc ở đây. Mậu dặn thêm, có thể ông ta ở lại muộn.
Với quy ước, coi như đại tá Mậu báo cho Vũ biết giờ G được quyết định trước, sẽ thực hiện đúng và từ lúc này Vũ sẽ liên lạc với Mậu qua tướng Nghiêm tại quân trường. Cả hai sẽ tập họp lực lượng khung và sinh viên sĩ quan, như Mậu đã nói với Vũ, chừng hai nghìn tay súng.
Sau khi liên lạc với đồng chí Thành Minh, báo tin quan trọng này, Vũ tranh thủ tắt đèn khóa cửa, lấy xe phóng đến nhà Trọng. Chị Trọng đã hẹn ăn cơm tối tại nhà. Một bữa cơm gia đình thật ngon, như chưa lần nào ngon hơn, dù mỗi tuần chị Trọng buộc Vũ phải đến ăn chung ít nhất một lần. Anh đang cảm thấy phấn chấn hơn bao giờ, đây là thời điểm bước vào giai đoạn kết thúc nhiệm vụ với lòng tự tin. Anh không còn đơn độc, sát bên có đồng chí chỉ huy trực tiếp, rồi anh chị Trọng, vợ chồng Trần Đình, Ninh Đa, những người bạn thân thiết. Hoạt động giữa lòng địch, đối đầu với mọi hiểm nguy, anh đã có Đảng, có quần chúng tốt, rõ ràng đấy là yếu tố quyết định của thành công, là sức mạnh của chiến sĩ tình báo.
Gần chín giờ mới xong bữa, Trọng kéo Vũ qua phòng khách uống trà. Đốt xong điếu thuốc, Trọng thấp giọng:
- Cuối giờ dạy chiều nay bọn cố vấn Mỹ báo cho tôi hay buổi học tối của nhóm CIA không có, chúng bận họp hành gì đó. Tôi nghe loáng thoáng hình như chúng báo cho nhau, có lệnh trên cấm không được ra khỏi nhà ban đêm. Bên an ninh quân đội có lệnh cấm trại không?
Vì sự an toàn của bản thân, và cả với Trọng, Vũ suy nghĩ giây lát rồi dứt khoát:
- Bên quân đội Việt Nam không có lệnh cấm trại. Có thể là phía Mỹ họ có tin gì đó.
Nhưng cẩn tắc vô ưu, chúng ta cũng đừng đi khuya, phải không anh?
Trọng lờ lững gật đầu, rồi tiếp:
- Đức cha Thục bị tai tiếng trong vụ làm cây làm gỗ gì đó, ông Diệm gợi ý đưa ngài về Huế, làm tổng giám mục, giải tán luôn trường Cần Lao Nhân Vị tại Vĩnh Long. Lớp công chức khỏi phải đi học, quá mừng. Cha Dưỡng từ ngày lên hẳn trên Đà Lạt lo mở rộng trường đại học rất ít về. Còn cha Cao Văn Luận ra làm Viện trưởng Viện đại học Huế. Chú có nhận được thư gì của các Cha không?
- Các vị chắc bận công việc, quên cả chúng ta. Có dịp anh em mình sẽ lên thăm Cha Dưỡng.
Đồng hồ điểm chín giờ, Vũ đứng dậy đến bàn để điện thoại, anh quay số nhà riêng của Tuyến:
- Vũ đây anh, tôi có thể đến gặp anh được không? Vâng, cũng cần đấy! ... Khoảng 20 phút tôi sẽ có mặt.
Anh quay lại Trọng:
- Tôi phải đến Tuyến có phút việc.
Trọng đưa Vũ ra xe, đến lúc này anh mới chú ý đến bộ pajama màu mỡ gà của anh, Vũ yên tâm về người anh nuôi chắc không đi đâu nữa:
- Anh cho tôi gửi lời chào chị, vội vàng quên cả, và cám ơn chị cho tôi ăn ngon quá.
Chúc anh ngủ ngon.
Vũ phóng xe dọc đường Trần Hưng Đạo hướng về trung tâm thành phố. Sài Gòn vẫn rực rỡ ánh đèn, âm nhạc đó đây và xe cộ qua lại ồn ào. Dân Sài Gòn vẫn vô tư, có thể người ta đã quá quen với cảnh chết chóc và súng đạn năm nào, ai nghĩ đến, chỉ mấy giờ tới đây, tiếng súng rồi máu đổ, lại diễn ra giữa người Việt với nhau do ý đồ của đế quốc. Tên bảo vệ mở cổng cho Vũ đưa xe vào thẳng trong sân. Căn biệt thự trệt khiêm nhường, kín đáo nằm sâu ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu gần sát đường Trương Minh Giảng có tường vây kiên cố. Tuyến đã chờ Vũ trong phòng nhỏ, bên phòng khách, văn phòng làm việc riêng ở nhà. - Mời anh ngồi.
Tất nhiên Tuyến đã dự kiến được tình hình nghiêm trọng sẽ xảy ra - Vũ nghĩ - Có thể Conein đã thông báo trước, nên thái độ viên trùm mật vụ rất bình thản. Nhưng cho đến giờ phút này, Nhu không hề hay biết, rõ ràng Tuyến chưa có sự thay đổi nào.
- Họ sẽ làm binh biến đêm nay.
- Tôi biết.
- Thông thường, khi có binh biến xảy ra, anh sẽ là mục tiêu trong số những mục tiêu họ cần tấn công trước hết. Nếu không có sự kiện đó xảy ra, người ta sẽ nghĩ về anh thế nào nhỉ?
Bây giờ Tuyến giật mình, với vẻ lo ngại:
- Có nghĩa là đại tá Mậu...
- Không, ông ta không thể làm vậy được, nên cho tôi lại trao đổi với anh. Đại tá Mậu với ý tốt quyết bảo vệ anh tới cùng.
Tuyến yên tâm:
- Bằng cách nào?
- Anh biết đấy, họ bảo vệ uy tín của Tổng thống nhầm tước quyền của ông Cố vấn. Không ai dám động đến sợi tóc của ông Nhu khi Tổng thống vẫn đủ quyền trong tay. Tình hình rồi sẽ ổn định, ông Nhu và cả tổng thống Diệm sẽ nghĩ gì về thái độ của anh và cả đại tá Mậu trong vụ này?
Tuyến xao xuyến:
- Đúng!
- Vụ này chỉ làm có giới hạn, buộc Tổng thống cam kết cải tổ nội các, đưa ông Nhu đi làm đại sứ là xong. Phải vậy không anh? Tôi và đại tá Mậu thỏa thuận với nhau như thế này: Khoảng hơn mười hai giờ đêm nay, tôi và anh vào gặp ông Nhu trong dinh. Là phụ tá của Tổng giám đốc an ninh tôi được lệnh đại tá Mậu phái đến báo với ông Nhu có hiện tượng binh biến, nhưng chưa có chứng cớ rõ ràng. Đại tá Mậu đã đích thân đi tìm hiểu tình hình, và sẽ liên hệ với thiếu tướng Nghiêm tập hợp lực lượng quân trường Thủ Đức kéo về trợ lực cho liên binh phòng vệ. Phần anh gợi ý đưa ông Nhu ra khỏi dinh đến văn phòng mật của Sở ở 88 Bùi Thị Xuân, cạnh đó có đại đội lực lượng đặc biệt của đại tá Lê Quang Tung sẽ bảo vệ. Nếu thực có biến động, ở bên ngoài ông cố vấn sẽ dễ bề xoay sở hơn. Tôi tin là ông Nhu sẽ nghe lời anh. Đến lúc đó ông Nhu dù được báo cũng không làm gì kịp, trong khi anh, cả đại tá Mậu, đều chứng tỏ được lòng trung thành của mình với ông cố vấn.
Tuyến gật đầu nhanh, gọn:
- Hay, ông Nhu và cả tổng thống sẽ không đặt vấn đề tại sao đại tá Mậu và tôi không bi loạn binh tấn công?
- Quả có thể.
- Nhưng, nếu ông Nhu báo động ngay trong quân đội thì anh tính sao?
Vũ cười tin tưởng:
- Ông Nhu không có quyền ra lệnh cho quân đội. Chỉ có khả năng báo ngay với Tổng thống, mà với Tổng thống thì lại là nguyên tắc, nắm quyền Tổng tư lệnh quân đội chắc chắn không thể hồ đồ, với một nguồn tin chưa phối kiểm. Rồi thời gian hạn hẹp.
- Vâng, anh có lý.
Tuyến đứng lên, ra mở cửa phòng sai. tên bảo vệ:
- Pha cho hai ly cà phê.
Quay vào ghế ngồi, Tuyến nói với Vũ:
- Trung tá Conein vừa ở đây về được nửa tiếng thì anh đến. Ông ta cho biết sẽ không có gì nguy hiểm cho gia đình tổng thống Diệm.
Vũ thích thú, Tuyến đã giải đáp giúp anh, chứng tỏ những suy luận của anh là đúng. Cả hai ngồi nhấp cà phê, hút thuốc. Họ trao đổi với nhau, thỉnh thoảng một vài câu không còn gì quan trọng, để chờ thời gian chuyển dịch.
Đúng 12 giờ, Tuyến đi với Vũ ra xe, anh tự lái, Tuyến ngồi bên cạnh, họ mặc nhiên hiểu ngầm không dùng xe và tài xế của Tuyến để giữ tuyệt đối bí mật. Mười hai giờ 15 phút, xe vào cổng dinh, chạy thẳng đến tòa nhà lầu của văn phòng Nhu bên cánh trái dinh Độc Lập. Năm phút sau, cả hai được Nhu tiếp trong phòng khách. Nhu vận quần áo chỉnh tề, ông ta vẫn còn thức làm việc.
- Có khi rứa anh Tuyến? Chào anh Vũ, lâu rồi mới gặp.
Nhu thân mật bắt tay hai người. Tuyến lên tiếng trước khi cả ba cùng ngồi ở bộ sa lông nệm, lưng ghế bọc vải màu hồng, căn phòng được trang trí màu sắc do tay đàn bà ưa trưng diện. Tuyến trân trọng:
- Thưa anh, đại tá Đỗ Mậu phái anh Vũ lại tìm tôi nhờ đưa vào báo cáo tin quan trọng với anh.
- Vâng, tôi xin nghe.
Vũ tiếp lời:
- Thưa ông cố vấn, bên an ninh được tin có hiện tượng vài đơn vị trong thành phố muốn làm binh biến.
- Binh biến? Đơn vị nào? Khi nào khởi sự?
- Thưa chưa có gì cụ thể, nên đại tá Mậu đang cấp tốc kiểm tra lại tình hình, sẽ báo cáo đến ông cố vấn ngay khi có chứng cớ.
Tuyến không thể chậm trễ hơn:
- Thưa anh, chúng ta phải hành động ngay, không thể ngồi chờ chứng cớ. Tôi đề nghị anh nên rời khỏi dinh đến văn phòng mật ở Bùi Thị Xuân, tại đó anh trực tiếp chỉ đạo anh Tung cùng chúng tôi tiến hành ngay việc điều tra. Có binh biến, dinh vẫn là mục tiêu của chúng, rời khỏi đây từ bên ngoài anh sẽ dễ dà n g đối p hò.
Thái độ khẩn trương của Tuyến làm cho Nhu mất bình tĩnh hạn chế sự sáng suốt gần như không chủ động được mình, ông ta thoáng nghĩ và chấp nhận ngay:
- Đúng! Tôi sẽ đi cùng các anh ra đó.
Ông ta ấn hộp điện thoại cạnh chỗ ngồi:
- Có thể xảy ra lộn xộn, tôi đi cùng Tuyến đến chỗ Lê Quang Tung. Tôi liên lạc với anh bằng vô tuyến điện.
Giọng của Diệm từ hộp máy phát ra:
- Lộn xộn? Chi rứa hỉ?
- Chưa rõ lắm, có khả năng mấy tên ngu xuẩn làm binh biến. Tôi sẽ báo cho anh khi có tin chắc chắn. Tôi sẽ tự cho chúng trắng mắt ra. Anh yên tâm.
- Chú có cần phải rời dinh lúc này không?
- Nên vậy, bên ngoài tôi đối phó hay hơn.
- Anh thận trọng hí.
- Được Chú cứ đi, bảo vệ tốt nhé.
Nhu ấn nút khác:
- Thiếu tá Cương?
- Có tôi thưa ông cố vấn.
- Anh lấy ba tên cùng đi với tôi ra ngoài ngay bây giờ, bằng chiếc Mercedes hỉ.
- Tuân lệnh ông cố vấn.
Nhu tắt máy:
- Nào chúng ta đi thôi.
Tuyến và Vũ theo Nhu ra hành lang. Ngoài trời tối không trăng, về đêm mọi vật như yên ngủ, chiếc xe đen bật đèn pha từ phía ga-ra êm ái tiến lại. Vũ và Tuyến vào xe mình, nổ máy. Nhu đã lên xe, tiếng cửa đóng nghe rõ trong cảnh im lặng. Cả hai xe nối đuôi nhau vượt cổng ra đường Nguyễn Du. Vũ liếc nhìn đồng hồ trên tay, mười hai giờ bốn mươi lăm phút. Anh thở phào nhẹ nhõm. Xe chạy với tốc độ cao, chỉ tám phút sau đã vào đến sân trong căn biệt thự lầu 88 Bùi Thi Xuân. Từng góc cửa, từng gốc cây, những bóng người vũ trang ẩn hiện, một vị trí được bảo vệ tuyệt mật và an toàn. Vũ theo Tuyến, Nhu vào phòng, qua cầu thang lên lầu. Tầng trên có mấy phòng lớn, hai phòng nhỏ phía trong, mỗi phòng đều có tủ sắt bàn làm việc. Riêng phòng lớn có bộ sa lông kê một góc. Chiếc bàn làm việc khá lớn, có bảng điện thoại màu khác nhau và chiếc máy vô tuyến điện thoại hiện đại đặt sát bên tường. Nhu ngồi xuống ghế xoay phía trong, vẫy tay ra hiệu cho Tuyến và Vũ:
- Mời ngồi.
Ông ta nhắt điện thoại quay số:
- Tôi đã đến... Vâng? Anh đã báo động cho tiểu đoàn bảo vệ dinh? Được thôi... Vâng, chưa có chi... Vâng, chưa nên, vì chưa có gì rõ ràng cả. Vâng, anh nghỉ đi.
Nhu cắt máy, quay lại phía Tuyến:
- Tổng thống chỉ báo cho tiểu đoàn trong dinh canh gác kỹ, chưa có gì cụ thể nên Tổng thống không thể báo động toàn quân được, làm rứa e náo loạn không có lợi.
Nhu lại nhấc điện thoại quay số:
- Tung hỉ? Đến 88 gặp tôi, đến ngay.
Nhu đặt ống điện thoại, quay lại với Vũ:
- Bên đại tá Mậu được tin gì mà nghi chúng làm binh biến?
Vũ định lựa cách trả lời, nhưng một tiếng nổ rung chuyển cả cửa kính đã trả lời giúp anh. Tiếp đó là tiếng súng nổ ran rất gần, vang vọng từ nhiều điểm. Nhu hoảng hốt, nỗi lo lắng lộ trên nét mặt đã nhiều vết nhăn. ông ta nhấc ống điện thoại định quay số, ghé sát tai rồi giận dữ đặt mạnh xuống.
- Điện thoại bị cắt.
Tuyến chồm người qua bàn, cầm ống điện thoại thử lại:
- Chúng cắt rồi, từ tổng đài.
Nhu bật nút máy điện thoại vô tuyến, đặt sát ống nghe vào tai:
- Alô, Alô, nghe rõ không?... Tôi Nhu đây... Anh hí?... Chúng tấn công dinh Độc Lập? Đơn vị nào? Thực lực? ... Vâng tôi chờ.
Nhu quay lại, nhưng vẫn giữ ống nghe bên má:
- Tổng thống đã bắt được liên lạc với chúng ta! - Giọng Nhu lại líu ríu lặp lại - Chúng tấn công dinh.... Vâng Nhu đây. Quân dù?... Vâng, rõ.... phía thành Cộng hòa hên binh phòng vệ... Anh liên lạc trực tiếp với Trần Thiện Khiêm, sư 7 và Huỳnh Văn Cao, sư 21 gọi họ về Sài Gòn ngay là đủ giải quyết chúng. Vâng, vâng, tạm cắt.
Nhu cài ống nghe, nhưng máy vẫn để thường trực. Sau cơn hoảng hốt, mặt Nhu đã đanh lại, vẻ lạnh lùng đáng sợ, giọng ông ta rít lên, kể cho Tuyến, Vũ nghe tin tức do chính Diệm báo qua đài:
- Lữ đoàn dù của Nguyễn Chánh Thi bao vây dinh tổng thống, bọn chúng ra lệnh tiểu đoàn cận vệ hạ súng, nhưng không có vẻ tấn công quyết liệt chỉ bắn cầm chừng trước sự phòng vệ chắc chắn của quân đội ta trong vòng dinh. Một trung đoàn dù có lực lượng biệt động phối hợp, có súng lớn yểm trợ, tấn công lữ đoàn phòng vệ tại thành Cộng Hòa, mũi này chúng nam ưu thế vì có nội tuyến. Trung tá chỉ huy phó lữ đoàn trực chiến bị nội tuyến giết ngay khi nổ súng. Đại tá Khôi, lữ đoàn trưởng nghỉ phép vắng mặt, đó là thế yếu của ta.
Lê Quang Tung trong bộ đồ quân phục lao vào phòng, thấy Vũ liền khựng lại. Nhu ngoắc lại gần giới thiệu:
- Đại úy Vũ, phụ tá của Đỗ Mậu an ninh.
Vũ gật đầu chào. Tung chủ động đưa tay cho Vũ bắt rồi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Nhu:
- Nghe xong điện, tôi lo đến ngay đây, bất ngờ vừa bước ra ngoài thì cậu thiếu úy trinh sát phóng xe tới báo có lực lượng dù hành quân từ phía Trần Quốc Toản vào phía dinh tổng thống có vẻ khác lạ. Tôi giật mình lo ngại, chưa biết tính sao thì vừa lúc chúng bắn cối 81 vào thành Cộng Hòa. Tôi trở vào định liên lạc với anh bằng điện thoại, nhưng chúng cắt từ tổng đài. Tôi ra lệnh cho hai trung đội trinh sát tung nhiều tổ đi nắm tình hình, rồi mới đến đây được
Vừa lúc đó có tiếng gõ cửa, Tung ra lệnh:
- Cho vào.
Một tên thiếu úy dè dặt đi vào, hắn dập chân nghiêm chào:
- Thiếu úy Phả, xin báo cáo đại tá..
Tung quay lại Nhu:
- Thưa anh, cậu này có nhiệm vụ tập trung tin các tổ trinh sát báo về - Hắn hất hàm ra hiệu cho tên sĩ quan thuộc viên - Anh báo cáo đi!
- Lực lượng binh biến gồm có lữ đoàn dù, lữ đoàn biệt động Quân khu thủ đô và vài nhóm lẻ tẻ gom lại. Chúng bao vây dinh Độc Lập chỉ có một trung đoàn dù, cánh quân này bị chặn đứng trước sự kháng cự của tiểu đoàn bảo vệ dinh. Một trung đoàn dù và hai tiểu đoàn biệt động tấn công lữ đoàn phòng vệ Tổng thống tại thành Cộng Hoà. Có tin, vì có nội chiến chúng giết trung tá chỉ huy phó lữ đoàn phòng vệ trước khi nổ súng. Đại tá Khôi, chỉ huy trưởng nghỉ phép vắng mặt, chúng gây được tâm lý hoang mang bất ngờ, nên đã đột nhập mau chóng chiếm được căn cứ, số ít bị chết, số còn lại đã đầu hàng hết. Một trung đoàn dù chiếm đài phát thanh, bưu điện, phá tổng đài điện thoại. Bên tiểu đoàn biệt động đóng tại rừng cao su đường Nguyễn Văn Thoại bất ngờ đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, uy hiếp Bộ chỉ huy không quân các nơi khác yên tĩnh. Báo cáo hết.
Nhu nhếch môi, không phải để cười mà biểu lộ sự căm giận cao độ. Ông ta hất mặt hỏi viên thiếu úy trinh sát:
- Những đứa nào cầm đầu bọn chúng?
- Báo cáo ông cố vấn, có tin đại tá Nguyễn Chánh Thi, lữ đoàn trưởng lữ đoàn dù, trung tá Vương Văn Đông, phục vụ tại trường đại học quân sự, chỉ huy các cuộc tấn công.
Nhu cúi đầu dùng bàn tay trái bóp vừng trán đã lộ rõ nhiều vết nhăn. Tung ra lệnh cho viên thiếu úy:
- Chú mày về ngay vị trí, tiếp tục nhận tin, báo cho đại úy Hổ, lệnh cho đại đội 3 sẵn sàng trực chiến.
- Tuân lệnh?
Viên sĩ quan trẻ tuổi ra khỏi phòng. Nhu ngước cặp mắt lạnh lùng nhìn đại tá Tung, ông ta đã bình tĩnh trở lại, giọng nói rất đanh:
- Anh có nghĩ rằng, chỉ với hai lữ đoàn, một lực lượng không đáng kể mà bọn chúng dám làm loạn thì bọn chúng phải dựa vào cái thế "đáng kể" mới hành động được. Lực thì rõ rồi, còn thế ở đâu?
Tung im lặng. Vũ ngồi quan sát Ngô Đình Nhu rất kỹ, từ khi ông ta hoang mang lo lắng trong thời gian đầu, dần dần ổn định và rất nhanh giữ được thái độ bình thường. Vẫn sâu sắc vẫn khá nhậy, Nhu thực là nguy hiểm, qua cách nhận định tình thế của ông ta vào lúc này. Thấy Lê Quang Tung không có ý kiến, Nhu cười gằn:
- Cũng dễ hiểu thôi, khi lữ đoàn phòng vệ bị tấn công, rất gần đó, bên cạnh Thảo Cầm Viên, tiểu đoàn thủy quân lục chiến án binh bất động, còn tham mưu liên quân không động tĩnh vì sao?
Nhu nhắc ống điện thoại và cầm ống nghe:
- Alô... vâng Nhu đây. Bên đó răng rồi anh?... Đúng vậy, anh yên tâm không có gì đáng ngại. Với lực lượng đó chúng sẽ không uy hiếp nổi tiểu đoàn cận vệ trong dinh... vâng...
Nhu lắng nghe khá lâu, bên kia tổng thống Diệm, với hệ thống truyền tin đã bắt liên lạc được với các vùng chiến thuật, các tư lệnh sư đoàn, và Bộ Tổng tham mưu, các nơi vẫn làm việc khẩn trương, Diệm đang cho Nhu biết khá nhiều tình hình diễn biến.
Sau hơn một giờ súng nổ rộ, đến giờ chỉ còn nghe lẻ tẻ vài nơi, tình hình bớt căng thẳng.
Nhu vẫn chăm chú nghe điện thoại, đột nhiên ông ta cao giọng:
- Đặt điều kiện? Có nghĩa là tối hậu thư?.... Vâng, tôi luôn mở máy, khi nhận được đòi hỏi của chúng, anh cho tôi biết.
Nhu gác ống nghe, nói lại với mọi người:
- Các vùng chiến thuật và Huế yên tĩnh. Quân đội đã nhận được lệnh của Tổng thống sẵn sàng chiến đấu. Sư 7 ở miền Đông và sư 21 ở Định Tường đã nhận lệnh lên đường tiến về Sài Gòn. Tổng thống đã liên lạc được với Bộ tham mưu liên quân, đại tá Nguyễn Khánh, tham mưu trưởng được đại tướng tổng tham mưu trưởng phái đến tiếp xúc với bọn cảm đầu loạn binh. Tin đầu tiên, hai tên Thi, Đông đã tiếp đại tá Khánh. Chúng đưa ra một số điều kiện, đại tá Khánh sẽ vào dinh trao đổi các điều kiện này với Tổng thống. Để coi chúng đòi hỏi điều gì đây? Tổng thống ra lời kêu gọi các đơn vị quân đội không nên giết nhau, chỉ có lợi cho cộng sản. Theo Tổng thống, phía ta không cần phải kéo nhiều lực lượng về, các nơi có trách nhiệm bảo vệ an ninh tại chỗ. Như vậy không còn gì nguy hiểm nữa.
Nhu vui vẻ quay lại phía Tuyến:
- Anh Tuyến, bảo bọn nhỏ làm cà phê, đúng vậy, lúc này cà phê đậm cần cho chúng ta hơn súng đạn.
Lòng tin đã chuyển màu xám xanh trên khuôn mặt khắc khổ của Nhu rạng lên phần nào. Vũ cảm thấy có nét cười trong ánh mắt trắng đục của ông ta. Nhu đứng lên ra hiệu cho ba người qua bộ sa-lông, họ cùng nhấp cà phê và thay những điếu thuốc mới. Trong phòng trở nên im ắng kỳ lạ, khi tất cả không trao đổi với nhau lời nào. Họ cùng lắng nghe lẻ tẻ vài tràng súng tiểu liên, thỉnh thoảng tiếng lựu đạn nổ, nhưng rõ ràng không còn vẻ rôm rả như lúc đầu. Tiếng gõ cửa làm họ cùng quay đầu về một phía, tên thiếu úy trinh sát bước vào tư thế đứng nghiêm chào, hai tay cầm cuốn sổ trực ghi tin báo về, đọc lớn:
- Thiếu úy Phả xin báo cáo. Thành Cộng Hòa quân dù đã làm chủ, chỉ còn để lại một tiểu đoàn trấn đóng, ba tiểu đoàn sử dụng tăng, thiết giáp và các loại súng lớn tiến ra giữ các mối đường vào thành phố. Lực lượng biệt động quân kéo đến tăng cường với trung đoàn dù vây dinh Độc Lập. Trung đoàn dù chiếm khu vực đài phát thành, bưu điện, rút bớt hai tiểu đoàn phân bố vào trung tâm thành phố chiếm ngân hàng, ngân khố quốc gia, rải từ chợ Bến Thành vào Chợ Lớn. Nha cảnh sát Đô thành bi địch trấn giữ. Riêng tổng nha cảnh sát tại đường Võ Tánh đẩy lùi một đại đội địch và bảo vệ vững chắc khu vực rộng cả bên ngoài trường Pétrus Ký. Tất cả các quận tự bảo vệ tại chỗ, sẵn sàng chống lại khi bị tấn công. Bộ tổng tham mưu vô sự. Biệt động quân vẫn kiểm soát phần sân bay quân sự tại Tân Sơn Nhất. Đại tá Khánh tham mưu trưởng liên quân đã đến tiếp xúc với loạn quân sau hơn hai giờ trao đồi, vừa mới vào dinh gặp Tổng thống. Đại tá Khánh đã yêu cầu đại tá Nguyễn Chánh Thi tạm thời ngừng bắn, chờ quyết định của Tổng thống. Trung tá Vương Văn Đông cùng họp với khối Dân Chủ của bác sĩ Phan Quang Đán tại văn phòng tòa báo Thời Luận. Tại đây có khoảng hai mươi người. Họ thành lập Hội Đồng Cách Mạng, ghi âm bài tuyên bố của Hội đồng, đúng sáu giờ họ sẽ cho phát thanh... Thưa bây giờ là năm giờ bốn lăm, chỉ còn mười lăm phút nữa đài bắt đầu hoạt động. Báo cáo hết.
Nhu gật đầu, ngoắc tuy ra hiệu cho viên thiếu úy:
- Cho chú ra.
Đài điện thoại báo chuông, Nhu gần như lao về phía bàn làm việc:
- Thưa anh, Nhu đây.... Vâng, vâng. Anh đọc từng điều một, vâng... Xuống hàng.
Nhu ghi thật nhanh vào cuốn sổ đặt sẵn trên bàn. Đại tá Tung, Tuyến, rồi Vũ vẫn ngồi tại chỗ, hồi hộp chờ đợi. Thời gian trôi qua thật nặng nề. Không còn trong tình trạng bất ngờ, hoảng hốt, bị động. Nhu tỏ ra tỉnh táo, ông ta bỗng cười gằn, rồi dằn giọng:
- Em hiểu! Thưa anh. Theo em, anh mạnh dạn chấp nhận hết hai điều kiện của chúng, chỉ có chuyển đổi nội dung cho hợp lý thôi. Thứ nhất, đồng ý giải tán chính phủ đương nhiệm, thay vì giao cho Hội đồng cách mạng lập nội các mới thì giao cho đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ cùng các tướng lãnh họp bàn chọn người có tài đức lập chính phủ mới. Anh hiểu ý em chứ? Anh giải thích với chúng, quân đội đòi thì giao cho quân đội toàn quyền chọn lựa thành phần nội các và chịu trách nhiệm. Điều thứ hai, đuổi em ra khỏi chính quyền, tước hết quyền hành, anh cười vào mũi chúng và gật đầu ngay đi. Anh giải thích rằng Ngô Đình Nhu không giữ chức vụ gì trong nội các chính phủ đã không có chức thì làm sao có quyền, điều kiện này anh chấp thuận hay không chấp thuận có giá trị gì nhỉ? Còn buộc xuất ngoại....
Nhu cất tiếng cười vang cả phòng, giây lát mới tiếp:
- Anh trả lời họ Ngô Đình Nhu là dân biểu quốc hội, do dân bầu, theo hiến pháp nếu không phạm tội quả tang thì được hưởng quyền bất khả xâm phạm. Vậy thì trục xuất Nhu ra khỏi Việt Nam phải thông qua quốc hội, khi có đủ yếu tố phạm tội, tòa án sẽ tước quyền công dân, rồi đẩy đi như thời thực dân Pháp, Tổng thống không thể làm trái luật được, anh đồng ý chứ?... Vâng anh chấp thuận cho họ ghi âm phát lên đài. Nhưng anh đừng trả lời ngay... Vâng anh hứa sáu tiếng sau mới trả lời, hay quá . Em sẽ cho đại tá Tung lo việc này, anh ngưng gọi các sư đoàn về, để chúng thấy ta thiện chí giải quyết. Vâng...
Nhu gác máy, vui vẻ trở lại bàn sa lông:
- Các anh nghe chắc hiểu rồi chứ? Chỉ có hai thằng Thi, Đông không hơn. Tôi thì thấy rõ đằng sau bọn chúng là gì rồi, khi tất cả các lực lượng bình chân như vại ngồi ngó dinh Độc Lập bi tấn công, Tổng thống bị uy hiếp bằng các điều kiện vớ vẩn. Như vậy tình huống không còn gì đáng ngại. Anh Tung phải trực tiếp đi gặp Trần Thiện Khiêm, bảo anh ta đưa sư 7 về gấp, dù sao thì chúng ta cũng phải ổn định tình hình trong thời gian ngắn nhất. - Quay sang Vũ, Nhu tiếp - Anh Vũ cũng lên Thủ Đức bàn với tướng Nghiêm và đại tá Mậu, tập hợp các sĩ quan học viên đưa vào Sài Gòn lo công tác trật tự thủ đô. Anh Tuyến viết thư theo lệnh của Tổng thống triệu tập giao cho anh Vũ để tướng Nghiêm không làm lỡ việc của ta.
Ngừng lại đốt điếu thuốc, Nhu lại tiếp:
- Các anh yên tâm thôi, đừng lo gì cho Tổng thống, cho cả tôi cũng vậy. Chúng ta chỉ chú ý đến số tên cầm đầu các đơn vị làm binh biến, bọn chính trị đảng phái lăng nhăng chủi bới trên đài cũng đừng thèm lý tới. Anh Tuyến cùng với tướng Là bên cảnh sát lo bọn chúng cho tôi.
Nhu đứng dậy khoanh tay trước ngực, cả ba người cùng đứng lên theo. Giọng Nhu tha thiết:
- Tổng thống ghi công ba anh có mặt ở đây và đại tá Mậu. Riêng tôi, chân thành biết ơn anh Tuyến, anh Vũ. Nào, bây giờ là thời gian dành cho chúng ta, hai anh đi được rối.
Nhu bắt tay Vũ, rồi đại tá Lê Quang Tung, hai người ra khỏi phòng.
°
Vũ phóng xe khá nhanh sau khi ra khỏi cầu Bình Lợi. Thành phố Sài Gòn vẫn sinh hoạt bình thường, tiếng súng tạm ngừng từ sáu giờ sáng. Lực lượng binh biến vẫn bao vây dinh Tổng thống và trấn giữ các vị trí đánh chiếm được. Đài phát thanh đã phát bản tuyên bố của Phan Quang Đán đại diện Hội đồng cách mạng. Trong khi đó vài ba tên lính ở bên ngoài vòng rào dinh Độc Lập gào lớn nói chuyện với lính ở phía trong rào, chúng vốn là bà con. Trong vườn cỏ dọc đường Thống Nhất, bọn lính dù có số tên nằm ngủ rất say, nhóm khác tán gẫu với dân đang vây quanh coi đánh nhau, họ cười đùa vui vẻ.
Vũ xác nhận, Nhu quả là sâu sắc, và thật là nguy hiểm đối với ai không biết ông ta từ bên trong. Hơn ai hết, Vũ được làm chứng nhân trước một biến cố của chế độ thực dân mới cũng là hậu quả đòn tấn công của tinh báo chiến lược Việt Nam đánh ngay trong nội tạng của Mỹ - ngụy. Thoáng thấy từ phía trước ai đó đang ra dấu dừng xe, Vũ giảm ga, nhận ra đồng chí Thành Minh, anh cho xe lượn sát bờ đường và thắng gấp. Thành Minh cười:
- Mình chờ cậu mười lăm phút rồi, tưởng phải chờ lâu, ai ngờ tới sớm, hay quá. Này, chắc chắn chưa ăn điểm tâm phải không? Mình đã chuẩn bị sẵn sàng, phía trong này, cậu cho xe vào khoảng sân trong kia, mình vào trước nhé.
Vũ nhìn thấy mái quán ăn đặc sản ẩn hiện sau rặng cây điều xum xê những chùm quả chín vàng tươi rói lay động ánh nắng ban mai rực rỡ. Khóa xe, Vũ đi xuyên qua hàng cây. Thành Minh đã ngồi chờ bên chiếc bàn gỗ vuông phía góc hiên ngoài quán "Đồng quê".
- Sao anh biết tôi lên Thủ Đức vào giờ này mà đón đường?
Thành Minh cưới hề hề, chỉ ghế đối diện cho Vũ ngồi xuống. Trên bàn đã sẵn hai tách cà phê bốc khói.
- Mình sẽ đãi cậu cháo lươn hột gà. Một đêm căng thẳng, thức trắng phải bồi dưỡng. Mặc xác chúng vội, bọn mình chằng cần gì phải gấp gáp. Nào kể lại tỉ mỉ mình nghe đây. Cậu lên Thủ Đức là tất nhiên, sớm muộn cũng phải đến.
Vũ đưa bức thư của Tuyến viết theo lệnh Nhu, triệu tập Nghiêm, Mậu về trợ lực. Thành Minh chăm chú nghe Vũ tường thuật mọi diễn biến trong đêm qua, vừa liếc mắt đọc bức thư, anh gật gù thích thú. Vũ vừa chấm dứt, Thành Minh chậm rãi:
- Hai nhà "đạo diễn" Dierbrow và Colby đã thành công trong buổi diễn. Lúc này họ sẽ bật đèn xanh cho phép đại tá Khiêm sư đoàn 7 và đại tá Cao sư đoàn 21 đi bách bộ về Sài Gòn cứu nguy cho Diệm. Họ đã trắc nghiệm xong lòng trung thành của số tướng tá cầm đầu quân đội quốc gia nghiêng hẳn về phía Mỹ. Dĩ nhiên họ không quên mở đường rồi hù dọa bọn Thi-Đông trốn chạy để xóa dấu tay, bảo vệ số diễn viên như Mậu, Tuyến, Khánh.... đóng trọn vai trò. Chỉ riêng nhóm Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, lực lượng trí thức thân Pháp, CIA biếu Diệm cho phép tự do rửa nhục. Rõ ràng các tướng tá cầm đầu quân đội được coi là sức mạnh quyết định sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng hòa không còn là của riêng gia đình họ Ngô, mà đã trở thành công cụ của đế quốc Mỹ, đang cúc cung tận tụy phục vụ âm mưu của Ngũ Giác Đài. Phần chúng ta, cậu là "cứu tinh" của Mậu, Tuyến, kể cả Ngô Đình Nhu, cả ba sẽ là lá chắn của cậu, chỉ cần tạo thế đánh tiếp những đòn mạnh, sâu hiểm hơn. Thời cơ sẽ tới khi Nhu quyết liệt trả thù bọn phản trắc. Các tướng lãnh ngụy buộc phải đối đầu sống mái, tình thế hứa hẹn những pha nảy lửa, thúc đẩy chế độ tay sai thực dân mới đến bên bờ vực thẳm....

Chương trước Chương sau