Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 20

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 20

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 20

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9/10 với 55316 lượt xem

Một giờ đêm 1-10-1961.
Văn phòng Tổng nha an ninh quân đội Sài Gòn nhận điện báo của Ty An ninh quân đội tỉnh Bình Dương: Đại tá Hoàng Thụy Năm trưởng đoàn Việt Nam trong ủy hội kiểm soát đình chiến quốc tế, bị bắt tại nhà riêng ở Thủ Đức. Sáu giờ sáng điện báo tiếp theo:
Đã tìm thấy thi hài đại tá Năm trong khu vườn trái cây Lái Thiêu cạnh sông Sài Gòn.
Bảy giờ sáng, bộ trưởng quốc phòng chính phủ Sài Gòn nhận lệnh trực tiếp của tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập tức khắc ban điều tra vụ mưu sát viên sĩ quan cao cấp này, đồng thời có nhiệm vụ tổ chức tang lễ theo quân cách "Hy sinh cho Tổ quốc".
Thông thường Bộ quốc phòng chuyển giao cho Tổng nha An ninh quân đội thi hành lệnh trên, nhưng vụ sát hại này được coi là nghiêm trọng, Bộ quốc phòng đặc cử thiếu tướng Mai Hữu Xuân thanh tra của Bộ phối hợp với Tổng giám đốc tổng Nha An ninh quân đội cùng chỉ huy ban điều tra cũng là ban tang lễ đặc biệt. Lệnh trên đưa xuống, đúng vào thời điểm đại tá Đỗ Mậu còn đang tham gia Đoàn cao cấp quân lực Việt Nam Cộng hòa hướng dẫn phái đoàn Bộ quốc phòng liên hợp với Tư lệnh hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ đi nghiên cứu vịnh Cam Ranh, bán đảo Sơn Trà Đà Nẫng. Đại tá Đỗ Mậu điện về văn phòng Tổng Nha An ninh, cử phụ tá Lê Nguyên Vũ thay thế cùng tướng Mai Hữu Xuân chỉ huy. Ban chuyên án gồm có Nha An ninh quân khu Thủ đô, Sớ Sưu tra Tổng Nha, do thiếu tá Trần Văn Thăng, đại úy Nguyễn Đình Hải tuyển lựa hơn mười sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, tức khắc theo lệnh tướng Xuân đã đến hiện trường trước.
Miền đông Nam bộ còn âm u trong mùa mưa. Mưa từng cơn ngắn rồi tạnh, cây cối không kịp rũ mình chờ ráo. Con đường lên Bến Cát nước đọng từng vũng, ngập vài đoạn trũng thấp, nắng trưa phản sáng như mặt gương. Tướng Xuân mời Vũ đi chung xe của ông, đã gặp nhau ba bốn lần họp nhóm tướng tá ly khai, ông ta tin Vũ như tin tưởng Đỗ Mậu, nói thằng không e dè:
- Bộ trưởng Thuần nói với tôi, đại tá Hoàng Thụy Năm bị Việt cộng bắt cóc, sát hại, thi hài được tìm thấy ở bờ sông Lái Thiêu. Cách nói bình thản đáng sợ, không một chút cảm xúc trước cái chết bi thảm của một sĩ quan cao cấp đầu tiên bị Việt cộng giết - Xuân cười mỉa mai - giết ngay tại Thủ Đức, Lái Thiêu, chỉ cách Sài Gòn mười lăm cây số, một vùng an ninh tối đa. Rõ ràng ông Thuần chỉ quan tâm đến tang lễ thôi, giao tôi làm chủ lễ, dặn chi tiết: Phải có xe kéo pháo đặt quan tài quân kỳ quân nhạc, các đơn vị đủ binh chủng diễu hành đưa tiễn, phải có điếu văn, báo chí, lên án Việt cộng dã man tàn bạo, toàn quân dân đau buồn, hứa hẹn quyết trả thù rửa hận. Ông ta nhấn mạnh: "Lệnh tổng thống, phải thật long trọng!"
Tướng Xuân dừng lại, lấy gói xì gà loại nhỏ có cán sản xuất từ Cuba, thuốc La Habana rất hiếm ở Sài Gòn ít người có được. Ông mời Vũ, cả hai mồi thuốc, ông tiếp:
- Khi tìm được xác ông Năm, được lệnh của ông Thuần, tôi điện thoại ngay cho thiếu tá Thăng dặn lên gấp Thủ Đức, rồi Lái Thiêu, nắm bắt tình hình, tranh thủ báo cho tôi tin tức sơ khởi. Trước khi chúng ta tới, Thăng đã kéo theo bác sĩ quân pháp, sĩ quan chuyên án, chỉ sau một tiếng nhận lệnh, đã có mặt tại hiện trường. Thăng về trình tôi cùng một tờ giấy ghi bản án tử hình của Việt cộng được gài trên ngực áo xác chết. Mẫu giấy Thăng đã từng phát hiện vài chục lần, nhận ra ngay đó là hành động quen thuộc của bọn Lê Quang Tung, Dương Văn Hiếu, chẳng cần mất công sức điều tra thêm.
Vũ với vẻ kinh ngạc:
- Thì ra thiếu tướng đã biết trước bọn sát nhân là ai rồi, còn cần gì phải đi điều tra hiện trường?
- Ông coi chừng phạm phải điều cấm kỵ đấy. Chúng ta vẫn phải điều tra, nhưng không phải tìm bọn sát nhân, mà là tìm nguyên nhân gì đưa đại tá Hoàng Thụy Năm, bạn tôi, vào cửa tử? Đại tá Đỗ Mậu càng biết rõ ông Năm, một sĩ quan trí thức, được Pháp đào tạo, nhưng trung thành với chế độ quốc gia, không thuần phục người Pháp. Đã có lúc phòng nhì Pháp nghi ngờ đại tá Năm thân Cộng sản, tôi phải phân giải, ông Năm có lòng nhân đạo không chịu sát hại người dân vô tội nên không thi hành triệt để lệnh trên, không hề có dụng ý nới tay với Việt cộng. Đại tá Năm tỏ ra khâm phục quá đáng tổng thống Diệm ở chỗ đồng quan điểm chống Cộng sản, chống Pháp, đưa Việt Nam vào cộng đồng Thế giới tự do của Hoa Kỳ. Vậy nguyên nhân nào đã khiến anh em ông Diệm phải giết ông Năm? Đại tá Mậu và ông nữa, chắc có kinh nghiệm qua số vụ mưu sát tương tự rồi, chúng ta cần nghiên cứu để tìm rõ lý do chính xác đề phòng an nguy cho cả chúng ta, không dại gì đi tìm sự thực để thanh minh cho Việt cộng?
Tướng Xuân dùng bàn tay đập nhẹ lên gối Vũ, cười giả lả:
- Các ông bên An ninh biết rõ, biết kỹ hơn ai kiểu cách của bọn Tung, Hiếu... riêng trong vụ này khó hiểu đấy! Hoàng Thụy Năm không liên can vụ đảo chánh, không dính líu chính trị đảng phái, nhất mực trung thành với tổng thống Diệm, không hề có thù nghịch với ông Nhu, tại sao phải chết? Thiếu tá Thăng kể, mỗi chiều thứ bảy ông Năm thường về trại vườn cây nghỉ cuối tuần. Chỉ có một ông chú họ đã lớn tuổi, coi sóc trang trại này. Hôm qua, tài xế và một lính cận vệ đưa ông ta về xong, cả hai xin phép ra chợ Búng thăm nhà, khuya mới trở lại. Cũng tối đó, ông chú của ông Năm lại có hẹn đi ăn giỗ nhà ông bạn ở Bến Cát. Bọn sát nhân đột nhập đúng lúc ông Năm chỉ có một mình. Cách trại vài trăm thước mới có nhà dân. Người ta cho biết khoảng mười giờ đêm, có nghe tiếng ô tô ra vào phía trang trại. Cuộc bắt cóc diễn tiến có tính toán kỹ, nắm tình hình thời gian chính xác, cách thực hiện gọn gàng. Mưa đêm xóa đi nhiều dấu vết, lối xe vào ra trên quãng đường vô trại in vết lẫn lộn xe nhà, xe khách. Trong nhà không có dấu hiệu chống cự, đồ đạc nguyên trạng, cửa mở tự nhiên. Dễ hiểu thôi, những kẻ sát nhân và nạn nhân đã biết nhau, trước những họng súng ông Năm phải phục tùng đi theo chúng. Tay trung úy trưởng Ty An ninh quân đội Bình Dương nói rằng, vài nhà dân ở bờ sông cạnh hiện trường độ hai trăm thước, lúc đó có nghe tiếng xuồng máy nổ, thấy ánh đèn le lói, ngay chỗ sau này tìm thấy xác ông Năm. Thiếu tá Thăng xác nhận là đúng vì còn dấu vết xuồng máy cặp bờ, dầu mối con đường mòn từ lộ lớn xe hơi chạy vào được. Sắp xếp số tin thu thập trên, tôi dự đoán, họ định bắt đại tá Năm đưa bằng xe hơi ra bờ sông, khoảng cách hơn 2 cây số, vườn cây rất vắng, cho nạn nhân xuống xuồng máy chở đi. Rõ ràng họ cần bắt sống đưa đến một nơi nào đó. Có thể đến bờ sông đại tá Năm tưởng có cơ hội thoát thân, đã chống cự, buộc họ phải giết thôi. Chỉ để giết, chúng đã giết ngay tại nhà chẳng khó khăn gì. Hiện trường bị mưa lớn, rồi lực lượng quân địa phương dẫm, lội, xóa hết dấu vết, lộn xộn khó phân tích chính xác.
Vũ nghĩ đến tướng Mai Hữu Xuân từng làm sở Liêm phóng cho người Pháp. Pháp trở lại lần thứ hai ông ta lại được quân đội Pháp tuyển dụng đào tạo thành sĩ quan, cả chục năm chỉ huy ngành tình báo, an ninh, giỏi nghiệp vụ. Nghe ông phân tích Vũ cũng nhận thấy khá sát đúng thực tế diễn tiến. Anh tán dương:
- Thiếu tướng suy diễn quá nhanh, chính xác thật, xin khâm phục. Theo tôi, có đủ hiện tượng chứng tỏ bọn Lê Quang Tung, Dương Văn Hiếu ý định bắt đại tá Năm đưa đi chỗ nào đó khai thác trước, chúng cần tìm điều chúng cần biết, để sau đó sát hại dìm sông khi xuồng máy đưa đến nơi thuận lợi. Có thể chúng cũng bị bất ngờ, khi ra đến bờ sông đại tá Nạm biết là nguy hiểm đã chống cự cầu thoát, buộc chúng phải ra tay giết chết. Như vậy trong bọn họ đã có mặt hoặc Tung, hoặc Hiếu, chúng đủ thẩm quyền mới hạ thủ liền tay.
- Có thể, như thế đấy - Tướng Xuân như tự nói với minh - Phải có vấn đề nghiêm trọng gì đó buộc họ phải giết người, lại là một đại tá, phải tính đến hậu quả chứ? Loại trừ dành quyền lực, tiền bạc, rõ ràng không phải tư thù, vậy là vì nguyên nhân gì nhỉ?
Tướng Xuân quay sang nhìn Vũ, chợt hỏi:
- Ông nghĩ sao về vụ này?
Vũ lắc đầu:
- Khó hiểu thật! Tôi đang nghĩ tới, ngoài các yếu tố thường tình buộc người ta phải giết người, đại tá Năm còn có vấn đề nhiệm vụ...
Tướng Xuân như reo lên:
- Ông có lý. Chúng ta phải xem xét phía ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến, nơi ông Năm được cử giữ chức vụ Trưởng phái đoàn Việt Nam. Cái ủy hội có danh không thực, cả Mỹ, cả ông Diệm đã phá bỏ hiệp định Genève nhưng vẫn công nhận nó tồn tại. Phải tìm qua hướng này may ra phát hiện được nguyên nhân đây. Phải rồi, đại úy Ngô Kim Long liên tục bốn năm thông dịch cho đại tá Năm, hắn là đệ tử cũ của tôi. Hy vọng rồi, chờ tôi nghe ông Vũ.
Xe vừa đến hiện trường. Thiếu tá Thăng, đại úy Hải cùng các sĩ quan binh sĩ túc trực sẵn sàng đón thiếu tướng Xuân và Vũ. Toàn khu vườn măng cụt kéo dài một đoạn bờ sông được cô lập, canh gác cẩn thận. Thi hài nạn nhân đã được đặt trên băng ca phủ vải trắng. Thiếu tá Thăng báo trình đã hoàn thành mọi việc chụp hình, khám nghiệm tử thi, lập biên bản đúng thủ tục pháp y. Cả họ lẫn thiếu tướng Thanh tra quốc phòng không quan tâm gì thêm, khi chính bộ trưởng quốc phòng đã xác định trước: "Đại tá Hoàng Thụy Năm bị Việt cộng bắt cóc, ám sát". Báo, đài cũng đồng loạt đưa tin như vậy. Sau đó ban tang lễ chỉ bắt tay vào việc tẩn liệm. Người ta đã đặt bàn thờ khói nhang đèn cầy cạnh thi hài ngay từ sáng sớm, việc nhập quan mau lẹ trước sự hiện diện chỉ một thân nhân của đại tá Năm - ông chú già buồn nhưng không khóc thành tiếng. Đoàn xe, lính chở quan tài về Sài Gòn. Người ta sẽ làm lễ rất long trọng vào sáng hôm sau, ngay tại hội trường Tổng tham mưu, truy điệu rồi tiễn đưa cố đại tá về nơi cực lạc.
°
Linh mục Bửu Dưỡng về Sài Gòn hai ngày rồi. Hôm nay cha Luận mới gọi điện thoại cho Vũ, nói cha cần gặp. Vũ vội vàng lái xe đến Tu viện đường Nguyễn Thông. Thấy vẻ khẩn trương trên nét mặt hai vị linh mục, Vũ đoán chắc có vấn đề quan trọng. Sau vài câu thăm hỏi, cha Dưỡng vào đề ngay:
- Ông Nhu cho mời tôi về gặp, ông ấy nhờ tôi đi cùng đại sứ Pháp Roger Lalouette qua Paris tiếp xúc với Phạm Ngọc Thuần. Thầy biết người này chứ?
Vũ đáp ngay:
- Thưa cha tôi chỉ nghe tiếng ông ta là thành viên của Mặt trận Giải phóng miền Nam...
- Đúng vậy. Họ là người của Cộng sản Hà Nội. Ông Thuần làm đại diện cho chính phủ miền Bắc ở Pháp. Qua đại sứ Lalouette, giữa ông Nhu và ông Thuần đã có hai lần trao đổi với nhau, ông Thuần đồng ý tiếp đại diện của ông Nhu tại Paris. Người đại diện đó là tôi, ông Nhu cử tôi qua đó sáng mai đây.
Vũ tỏ vẻ sửng sốt:
- Cha sẽ thay ông Nhu "trao đổi" trực tiếp với Phạm Ngọc Thuần, có nghĩa là với Cộng sản Hà Nội?
Linh mục Dưỡng lắc đầu:
- Chưa phải là trao đổi trực tiếp với nhà nước Cộng sản đâu. Ông Thuần đồng ý tiếp đại diện của cố vấn chính phủ Sài Gòn, nghe rõ ý kiến của ông Nhu, sau đó mới báo về Hà Nội. Phần tôi chỉ có nhiệm vụ thông báo với Phạm Ngọc Thuần rằng, tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ Sài Gòn thống nhất quan điểm lập trường với chính phủ Hà Nội chống Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Chính phủ Pháp đóng vai trò trung gian thực hiện hiệp định Genève, hai chính phủ Nam Bắc trực tiếp đối thoại về tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Điều kiện tiên quyết cho cả hai miễn là phía cộng sản ngừng chiến tranh, phía Sài Gòn sẽ công khai tuyên bố chống Mỹ can thiệp cùng đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam. Phần Lalouette thông báo, chính phủ Pháp chấp thuận tôn trọng nền độc lập dân tộc của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp. Việc tôi đi Paris là bí mật, tuyệt đối bí mật, nhưng việc quan hệ đến sự sống còn của nửa nước Việt Nam này trong đó lại có chúng ta, cả giáo hội nữa, nên tôi không thể giữ bí mật với thầy và ông Trọng...
Cha Cao Văn Luận lên tiếng:
- Tôi và Cha Bề trên đã có trao đổi, nhất trí phải cho hai ông biết. Quan trọng là hành động của ông Nhu nguy hiểm quá. Cụ tổng thống có biết và có đồng quan điểm với ông Nhu không? Rồi còn những người Mỹ ở đây, họ biết được, phản ứng ra sao? Rõ ràng ông Nhu đã phản bội họ. Tôi nhớ tháng Năm vừa rồi tổng thống Kennedy sang thăm Pháp, De Gaulle đã phát biểu: "...Nên tranh thủ chủ động giải quyết vấn đề hòa bình cho Việt Nam độc lập, thống nhất, dựa vào những điều cơ bản hiệp định Genève", ông ta thấp giọng nói nhỏ với tổng thống Kennedy: "Nước Mỹ không nên để thất bại ở Việt Nam...", ý nói là Mỹ không thể thắng được. De Gaulle đã làm cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Hoa Kỳ bất bình, chạm vào tính hiếu thắng của Kennedy. Bây giờ lại thêm Lalouette đụng tay quân phiệt McNamara, chỉ có điều, "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" thôi.
Cha Dưỡng đăm chiêu gật đầu:
- Đúng vậy, chúng tôi muốn ông Trọng và thầy phải tìm hiểu vụ này, thăm dò ý cụ Diệm, người mà chúng ta hết lòng phù trợ, ra sao? Tôi không nhận lời ông Nhu qua Pháp cũng không được ông Nhu căn dặn không được tiết lộ với ai chuyện này, kể cả khâm mạng Tòa Thánh ở đây. Tôi càng không dám hỏi ý cụ Diệm. Mới đem bàn với thầy và ông Trọng thử lo phía người Mỹ, coi họ có biết vụ này không? Phải tìm cách ngăn họ nếu họ nghe được gì liên can đến chuyện đi đêm này.
Đúng lúc này anh Huỳnh Văn Trọng vừa đến. Vũ tóm lược nội vụ cho anh nghe. Trầm ngâm giây lát anh Trọng gật gù chậm rãi:
- Vụ ông Nhu "ve vãn" Hà Nội có khả năng bọn CIA đã biết. Cũng chính là vấn đề này đã đưa đại tá Hoàng Thụy Năm đến cái chết.
Thật bất ngờ, anh Trọng đã làm cho cả hai linh mục kinh ngạc, Vũ cũng phải sửng sốt. Trọng tiếp ngay:
- Như chúng ta đã biết, Nhu rất căm bọn Mỹ nhất là nhóm CIA ở đây. Nhu có đủ chứng cớ Colby, Conein mua chuộc số tướng tá làm binh biến diệt Nhu, Cẩn. Dù đã mạnh tay trả thù những tên, gọi là phản bội, đâm sau lưng ông ta, Nhu vẫn chưa hả giận. Nhu đi xa hơn, đối đầu với Mỹ. Ông ta giải thích với đại tá Hoàng Thụy Năm: "Tôi cần để Kennedy hiểu Mỹ muốn đứng được ở Việt Nam phải có Ngô Đình Nhu, không ai khác được?" Đã ra lệnh cho đại tá Năm móc ngoặc với Maneli, trưởng phái đoàn Ba Lan trong ủy hội Quốc tế đình chiến, đề nghị Maneli chuyển lời, Nhu muốn trao đổi với "les hommes de Điện Biên Phủ" kế hoạch hợp tác chống Mỹ tiến tới hòa bình. Chân cho đại tá Năm yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, Nhu giảng giải: "Mỹ đã thành lập Bộ tư lệnh riêng tại Sài Gòn, tăng cường lực lượng cố vấn quân sự cài nắm toàn bộ quân lực Việt Nam. Chưa hết, đưa qua mấy chục ngàn cố vấn hành chính chính trị xâm nhập hết hệ thống chính quyền các cấp. Quyết gạt tôi ra, đưa thêm tay sai trung thành vào nội các chính phủ. Biến ông cụ thành bù nhìn, đã lộ rõ bộ mặt thực dân. Nói như Cộng sản, "Thực dân kiểu mới, chẳng sai." Nhu nói thẳng ý đồ của ông ta, "ve vãn hà Nội" chỉ nhằm trả đòn Mỹ. Theo Nhu, Hà Nội đã biết và đang rất quan tâm việc Mỹ chuẩn bị can thiệp bằng quân sự vào miền Nam. Tất nhiên Hà nội phải lo một cuộc đối đầu sống còn phải đến. Đúng lúc, Nhu gợi ý sẵn sàng thương lượng để chống can thiệp Mỹ. Nhu tin rằng Hà Nội không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng. Với Hà Nội, trước mắt cần phải ngăn chặn không để Mỹ tung quân vào miền Nam. Khi Sài Gòn lên tiếng chống Mỹ can thiệp, họ đã đạt yêu cầu, Hà Nội sẽ ngưng chiến. Thời gian của tiến trình thương lượng sẽ dành cho Nhu thế chủ động: Cầm chân Mỹ lại ở miền Nam ở mức yêu cầu, Mỹ phải chấp nhận sách lược của anh em ông Diệm tiếp tục viện trợ bảo vệ tiền đồn. Cơ hội dành cho Nhu hoàn chỉnh quốc sách ấp chiến lược, chỉnh đốn quân đội, tập hợp lực lượng tôn giáo, chính trị. Tranh thủ giải quyết bọn cơ hội, duy trì an ninh chính trị xã hội. Phát triển kinh tế nâng cuộc sống của dân. Cộng Hòa Việt Nam sẽ mạnh, đủ mạnh quật lại Cộng sản không riêng ở Nam, và cả phía Bắc... Người Mỹ phải ý thức, phải tin, sách lược Domino, chiến lược toàn cầu, quyền lợi khu vực, cần phải có một Nam Việt Nam mạnh, một tiền đòn trong vùng vững chắc, Mỹ ngồi yên, tọa hưởng. Ông Nhu tin, với miếng đòn hiểm này, Hà Nội bắt mồi ngay, còn Mỹ phải kịp thời ôm Nhu, không còn đủ thời gian cho bọn Mỹ ở đây chuẩn bị người thay thế ông Diệm. Nhu nhấn mạnh, không sợ hai đối thủ mạnh. Cộng sản Hà Nội chưa đủ sức khi bị Mỹ cầm chân, còn Mỹ không thể theo vết xe của Pháp tự mình làm tất cả để công khai xâm lược. Nhu chỉ sợ kẻ thù trước mắt nguy hiểm, cận kề, đó là bọn Đảng phái, tướng lãnh do Mỹ mua chuộc làm bạo loạn, lật đổ, cướp quyền lực của anh em ông ta. Phải kịp thời trước khi Mỹ có đủ lực lượng tay sai trong tay, sẽ đúng lúc cho Kennedy biết, Nhu sẵn sàng bắt tay với Hà Nội. Đánh trúng huyệt hiểm này, mạnh như Mỹ cũng phải rúng động. Nhưng âm mưu xảo quyệt của Nhu không thuyết phục được Hoàng Thụy Năm, dù được Pháp đào tạo, đã quy thuận ông Diệm ngay từ đầu, nhưng vẫn là người tin cậy của CIA. Đại tá Năm nhận lệnh của Nhu, đã sắp xếp cho Nhu và trưởng phái đoàn Maneli gặp nhau hai lần dưới chiếc du thuyền, danh nghĩa du ngoạn trên sông. Nhất cử nhất động của Nhu đại tá Colby đều chụp hình, ghi âm, vì Hoàng Thụy Năm đã báo cho CIA tường tận. Đại sứ Nolting trong một buổi du ngoạn với bà cố vấn Ngô Đình Nhu tỏ ra thân tình, khuyên bà Nhu nên ngăn ông chồng không nên tiến xa hơn. CIA chưa giết Nhu, nhưng Nhu đã giết Hoàng Thụy Năm tức khắc.
Câu chuyện ly kỳ của anh Trọng làm cho mọi người lo lắng. Tất cả im lặng khá lâu. Anh Trọng tiếp:
- Có thể Nhu còn tâm đắc ngón đòn của ông ta, nên tiếp tục tìm đường khác "ve vãn" Hà Nội. Richardson tổ trưởng CIA Sài Gòn nhờ tôi dịch bản ghi âm Maneli-Nhu trao đổi, một báo cáo của Maneli gửi cho đại sứ Ba Lan ở Hà Nội, họ dùng tiếng Pháp. Nhân dịp tôi dò hỏi thêm, Richardson cho biết, Nhu đề nghị Hà Nội ngưng chiến, tập trung quân về cứ điểm, tạo cho tình hình ổn định, ông ta sẽ có cớ đề nghị Mỹ rút lực lượng cố vấn quân sự về nước. Nhu từng bước tổ chức dân chúng đòi Mỹ thôi can thiệp, hai miền Nam Bắc tự giải quyết tình hình nội bộ của Việt Nam. Mỹ không còn lý do gì tồn tại. Nhu cho rằng, mục đích của Hà Nội chỉ cần miền Nam chống Mỹ sẽ chấp thuận kế hoạch của ông ta, kế hoạch mà Nhu tin sẽ thắng Hà Nội chắc chắn. Không thành công phương pháp Maneli vì đại tá Nam đã để lộ, Nhu chuyền qua đường dây khác, đại sứ Pháp Lalouette môi giới để cha Dưỡng đại diện Nhu qua Pan tiếp xúc với Phạm Ngọc Thuần, coi mòi thuận lợi hơn, khi chính phủ De Gaulle sẵn sàng tiếp tay. Nhưng tôi nghĩ làm cách nào che giấu nổi CIA, công việc tiết lộ Nhu có thể xử lý cha như đại tá Năm không?
Linh mục Cao Văn Luận lo lắng thật sự:
- Xin cha cứ lấy cớ gì đó từ chối không nhận đi Paris nữa là hơn. Cha về nằm lý ở Đại chủng viện, Nhu chẳng dám đụng đến đâu.
Vũ cố ý hóa giải mối băn khoăn của linh mục Bứu Dường:
- Điều cấm kỵ đối với ông Nhu, khi biết việc làm bí mật của ông ta bị lộ ra ngoài, và giao việc bí mật không làm là thách đố, đẩy ông ta đến chỗ mạnh tay hơn thôi. Tốt nhất cha cứ đi Pháp thực hiện nhiệm vụ, sự việc đã có nhiều người biết, lộ ra từ Pháp, cha không chịu trách nhiệm. Với địa vị của cha khác với Hoàng Thụy Năm, không cho phép Nhu muốn làm gì thì làm, không nên quá lo.
Linh mục Dưỡng biểu lộ đồng tình:
- Thầy Vũ nói đúng. Quả tình tôi đã không dám từ chối ngay từ đầu, nhận trách nhiệm rồi, phải đi thôi, chẳng còn cách nào khác. Vả lại, chính ông Nhu đã giải thích với tôi, trước sau ông ta cũng phải cho tổng thống Kennedy biết miền Nam sẵn sàng bắt tay với Hà Nội, vì chính những người Mỹ cố ý đẩy ông ta đến chân tường. Còn khi nào cho biết, chờ khi Hà Nội đã chấp thuận, ông Nhu có chủ bài trong tay, sẽ đặt giá với Mỹ.
Tất cả lại chìm trong suy nghĩ, anh Trọng vừa đốt thuốc vừa liếc mắt nhìn Vũ, nhưng linh mục Dưỡng đã chậm rãi nói tiếp:
- Tôi không ngại ông Nhu thủ tiêu tôi như đã thủ tiêu đại tá Hoàng Thụy Năm, có điều tôi không thể tin kế hoạch đơn giản này của ông Nhu, một kiểu "rung cây nhát khỉ." Ông Nhu cố gắng giảng giải cho tôi hiểu rằng, ông ta không thật lòng bắt tay Cộng sản, nhưng làm sao qua mặt được tình báo Mỹ, kể cả tình báo Hà Nội đây? Nếu CIA hiểu lầm ý đồ của ông Nhu thì sự nghiệp, tính mạng của tổng thống Diệm, mà chúng ta đang hết lòng ủng hộ, sẽ ra sao? Nguy hiểm là điều chắc chắn. Vì vậy tôi rất mong quí vị nghĩ cách bảo vệ an toàn cho cụ Diệm là cấp thiết.
Linh mục Luận không suy tính, vốn gặp đâu nói đấy:
- Cha cho rằng kế sách của ông Nhu, tổng thống Diệm không biết gì à? Theo tôi, việc trọng đại như vậy, ông Nhu phải bàn với ông Diệm. Rõ ràng không phải vấn đề đầu hàng cộng sản, ngược lại đây là mưu lược của ông Nhu nhằm chiến thắng Cộng sản. Nhưng trước mắt ông Nhu muốn dằn mặt người Mỹ, ông Nhu biết rõ Mỹ cần phải có chỗ đứng ở miền Nam Việt Nam, nếu Mỹ hết lòng trợ giúp chính phủ Sài Gòn, giữ ông Nhu, tiền đồn của Mỹ sẽ tồn tại, đứng vững. Còn như, Mỹ quá đáng đẩy ông Nhu đến bờ vực, buộc ông ta phải tìm đường sống chứ! Tổng thống Diệm phải biết rõ ý đồ của ông Nhu, vì cả hai chỉ là một. Theo tôi, mưu lược thành bại, anh em ông Diệm tự vạch ra, tự chịu lấy trách nhiệm, chúng ta chẳng làm được gì hơn.
Vũ suy nghĩ, cả hai linh mục vốn có uy thế trong giáo hội công giáo ở miền Nam, sức mạnh tinh thần, chỗ dựa vững chắc của chế độ Ngô Đình Diệm, đã biểu lộ thái độ bất lợi cho Diệm. Còn với Ngô Đình Nhu từ lâu nay cả hai coi như thần tượng, gần đây dư luận bên ngoài lẫn nội bộ đã gậm nhấm lòng tin của cha Luận, bây giờ đến cha Bửu Dưỡng. Anh mừng thầm, uy tín của anh em ông Diệm, của chế độ thực dân mới mà Diệm và chế độ là một thể thống nhất, đã giảm xuống khá thấp, khá nhanh, tất nhiên sẽ không xuống chậm hơn đối với lực lượng tinh thần là Giáo hội công giáo.
Huỳnh Văn Trọng cũng thực thà, nghĩ sao nói vậy, biểu lộ đồng tình với linh mục Luận:
- Tổng thống Diệm và ông Nhu có bàn gì với các cha đâu, ông Nhu giao việc để cha Bề trên làm, như kiểu truyền việc cho nhân viên dưới quyền, hay dở anh em ông ta chịu lấy. Cha lo nghĩ gì cho mệt. Chưa nói đến, lộ ra, Nhu có tha chết cho cha không? Suy luận thì không dám, nhưng muốn giết cha, ông ta thiếu gì phương pháp, cứ Việt cộng ám sát là êm.
Linh mục Dưỡng tỏ ra không vui, ngước mắt nhìn cả ba người:
- Dù sao quí vị cũng quan tâm đến cụ Diệm.
Và cha dặn dò thêm mọi người trước khi chia tay chúc cha lên đường bình an, phải đề phòng Ngô Đình Nhu nghi ngờ, yêu cầu không một ai đưa tiễn cha ra sân bay sáng mai như bình thường những lần cha xuất ngoại.
°
Chiều thứ Bảy, Vũ về nhà muộn hơn mọi ngày. Trong nhà đèn sáng trưng, anh nhận ra chiếc xe Simea 9 đã choán một phần nhà xe. Cô em nuôi Phù Ninh Đa đã mở cửa đón anh khi nghe tiếng động cơ xe của Vũ từ phía cổng. Ninh Đa nói với nụ cười thật tươi dành cho anh:
- Em phải rời cư qua đây tạm trú ít nhất cũng một tuần, ti nạn mà!
- Ti nạn? Chợ Lớn có chiến tranh?
Ninh Đa theo chân Vũ vào nhà, cô nàng liến thoắng:
- Xém xém vậy thôi, nhưng là chiến tranh tình cảm. Anh có lợi rồi đấy. Vừa rồi em đã đến chỗ anh chi Trần Đình, chị Bạch Hường rủ em ở lại đó em hổng chịu, có dịp này giúp anh dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc cho anh, em quyết định ở đây. Anh chịu chứ?
Vũ nhận ra bàn ăn với những chén đũa, ly muỗng đã sẵn sàng cho hai người. Anh cười vui:
- Tất nhiên rồi, có từ chối cũng không kịp nữa. Sao không báo trước cho anh biết nhỉ?
- Sự việc đột xuất mà? Anh thay quần áo, rửa ráy nhanh đi, em lo thức ăn, vào bàn sẽ kể hết anh nghe.
Và không lâu, cả hai cùng ăn cơm với nhau, Ninh Đa kể:
- Trinquier từ Pháp sang đây đã vài ba ngày gì rồi. Hồi còn ở Việt Nam, hắn là trung tá trưởng phòng 2 Bộ Tư lệnh Pháp của Đông Dương, rồi đi Tunisie rồi ở Bắc Phi. Rút quân về Paris hắn được thăng đại tá, vẫn còn phục vụ tại Bộ Tổng Tham mưu Bộ quốc phòng, chỉ huy trưởng ngành quân báo. Hắn gặp trung tá Lucien Conein trước, chính Conein đưa hắn lại thăm em ở cửa hàng 90 Khổng Tử. Bảy năm rồi, Trinquier già hơn nhiều, có thể vì hắn để bộ râu quai nón rậm che phần ba khuôn mặt. Anh Vũ biết không, Trinquier sang đây bằng đường du lịch, hắn giải thích với Conein, có nhiều kỷ niệm sâu sắc ở đất nước này,thăm lại cho đỡ nhớ, đặc biệt là nhớ em?
Ninh Đa ngừng lại, cúi đầu e ngại, Vũ ngừng nhai ngước mắt nhìn nàng: - Nhớ em? Tin được không?
Ninh Đa vênh mặt lên, đẹp, thật dễ thương:
- Em tin đấy? Được không?
Vũ ngơ ngác vì bất ngờ, nhưng cô em nuôi đã cười kể tiếp:
- Đó là điều Trinquier đã nói với Conein. Trinquier đi du lịch, thuê phòng khách sạn Caravelle, đã đến thăm một số người, hắn nói là bạn thân. Em biết trong số đó có tướng Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nhà báo Hà Việt Phương. Rồi đến thăm em, không phải trước hết, mà sau khi đã đến với số người quen thân khác rồi. Em biết chứ, Trinquier chỉ yêu một chị Linh Phương mà thôi, phần em chỉ là bạn, đặc biệt chút chút vậy thôi.
Ninh Đa tủm tỉm cười ngó Vũ, phải chăng nàng muốn anh yên tâm trước mối giao dịch lại với người chủ cũ, chẳng có gì ghê gớm xảy ra. Vũ gật gù:
- Trinquier chắc đã hẹn gặp lại em?
- Vâng. Trước sự có mặt của Conein, Trinquier tỏ vẻ thân mật với em, đúng với lời giải thích "nhớ em", rồi cả hai ra về, không hẹn. Trưa nay, một mình hắn đến mời em đi ăn trưa, cả hai đi taxi về khách sạn. Chúng em ăn cơm trong phòng trọ của Trinquier. Nhờ đó em phát hiện mấy cái danh thiếp có ghi giờ gặp, mà em vừa kể tên đấy, để cạnh bàn điện thoại. Trinquier tỏ ra tin em một cô gái Nùng ngây ngô, chỉ biết nghe lời phục tùng, không có cái đầu biết suy tính. Vì thế, hắn hỏi rất kỹ. Nhớ lời anh, em kể rất chi ly tất cả trừ những điều cấm ky như anh đã nhắc. Trinquier tỏ ra bằng lòng về em, nhân đó, em dò hỏi về hắn trong những ngày xa Việt Nam. Hắn kể, đã có lần hắn vì công việc phải sang Thái Lan, Cao Miên, về vụ ông Nhu hối lộ tên Đáp Chuồn, tỉnh trưởng Siem-rap tay chân của Sam Say, Sơn Ngọc Thành, một trăm ký vàng để yểm trợ cho kế hoạch lật đổ Sihanouk. Kế hoạch thất bại, lực lượng của Đáp Chuồn bị tàn sát gần hết, Đáp Chuồn bị Sihanouk xử tử hình. Bại lộ, Ngô Trọng Hiếu cũng bi trục xuất, bang giao giữa Sài Gòn và Phnom Penh cắt đứt. Nhóm Đáp Chuồn chính là lực lượng do Trinquier đã xây dựng trước kia, dự trữ cho thế chiến lược lâu dài của Pháp, buộc hắn phải sang cứu nguy củng cố lại. Ngày đó, hắn phải ở Thái Lan rồi qua Nam Vang, nhớ Sài Gòn kinh khủng. Chiều chiều hắn từ đất Miên hướng sang chân trời miền Nam, để nhớ em... Hắn tự nói đấy! - Thì Trinquier thú nhận tình cảm, chớ đâu phải em nói. Được rồi, anh hiểu mà, kể tiếp đi.
Ninh Đa vui vẻ tiếp:
- Em bảo Trinquier xạo, xa quá mà thấy gì để nhớ. Hắn tỏ vẻ lưu luyến nắm tay em kéo mạnh, hắn định ôm em, rất nhanh em quay má lại đành phải thưởng cho hắn vậy thôi. Hắn nói, hồi đó tình hình không thuận lợi, chưa cho phép sang đây. Em chợt hỏi, còn bây giờ? Hắn cười thành tiếng, đã khác rồi, anh em ông Diệm biết rõ ý đồ của Mỹ, lại còn biết Mỹ không dễ dàng thắng nổi Cộng sản Hà Nội bằng chiến tranh chính trị, nếu Mỹ phải sử dụng sức mạnh quân sự thì chế độ Diệm mất chính nghĩa. Diệm Nhu phải trông vào Pháp, nhờ chủ trì giải quyết tình hình Việt Nam bằng hiệp định Genève, bầu cử, chế độ Cộng hòa miền Nam nhiều hy vọng thắng cuộc, nhờ đông dân, giàu có hơn miền Bắc. Trinquier tỏ vẻ thực thà, tin em, hắn còn thú nhận đã nhận lệnh qua nghiên cứu tình hình thực tế, để tính chuyện với những yêu cầu của anh em ông Diệm.
Vũ nghiêm túc:
- Em đã kể với Trinquier: cắt quan hệ tình cảm với Conein từ dạo ấy, chuẩn bị để lập gia đình, không làm gì khác ngoài công việc kinh doanh cửa hàng, nhận làm em gái của vợ chồng Linh Phương, mọi vấn đề chính trị, bên ngoài không biết, chẳng cần biết đến. Phải vậy không?
- Vâng, đúng vậy. Trinquier rất chừng mực, thân mật nhưng không suồng sã, hắn vẫn vậy. Nhưng có điều hắn năn nỉ em đến với hắn trong thời gian hắn ở lại Sài Gòn, một tuần thôi. Em từ chối nói rằng phải lấy chồng, sắp cưới. Và, em nghĩ khi cần, chỉ gặp hắn ban ngày, em lấy cớ công việc bận rộn ở cửa hàng hạn chế thời gian gặp hắn, còn tối phải về nhà chồng... Em quyết định đến với anh.
Sắp nhanh một loạt sự kiện diễn biến, từ cái chết của đại tá Hoàng Thụy Năm, tin của anh Trọng nhờ dịch tài liệu Richardson, vụ linh mục Bửu Dưỡng đi Pháp, bây giờ thì chính nhân vật cao cấp của tình báo Pháp qua duyệt xét tình hình tại chỗ, Vũ suy nghĩ, tình báo Pháp không phải thiếu tai mắt thường xuyên nhìn ngó Việt Nam, đến lúc này mới là thời cơ đã tới... Nhưng có điều, Pháp chủ quan, hy vọng đến nỗi quên, thậm chí coi thường CIA. Họ đâu có dễ dàng cho phép Nhu tự ý bắt tay Hà Nội hay chỉ "rung cây nhát khỉ"... Cả Pháp lẫn Nhu đều đánh giá sai quyền lực của Mỹ. Qua những việc diễn tiến, Vũ xác định ý đồ của anh em ông Diệm tính chuyện "ve vãn Hà Nội" là tự chuốc lấy tai họa, không chóng thì chầy.
Thấy anh nuôi im lặng suy tư, Ninh Đa nhắc Vũ ra bàn ngoài uống trà, còn nàng dọn dẹp chén đĩa. Anh không câu nệ đứng lên, cười mình cô em:
- Em khá lắm đó Ninh Đa. Anh rất cám ơn em.
Vừa ngồi uống nước, Vũ nghĩ đến mối quan hệ giữa Ninh Đa và Trinquier giữ được vậy là hợp lý. Vấn đề Pháp chưa có gì bức xúc, tham vọng nhanh trở lại Việt Nam chưa phải lúc này. Phần Mỹ, lúng túng chưa tìm ra lối thoát khi nhận ra anh em Diệm bất lực khiến tình hình càng lúc càng xấu đi...
Vũ mở cặp, lấy tập tài liệu đang đọc dở dang. Đó là bản đánh giá tinh hình sau cuộc thanh tra dài ngày ở miền Nam Việt Nam của giáo sư Robert Scigliano chuyên viên nghiên cứu Việt Nam thường trực của Thượng nghị viện Hoa Kỳ. Anh chăm chú đọc phần kết. Scigliano viết: "Việt cộng đã thực hiện khủng bố ngay trong thủ đô Sài Gòn, ở những địa điểm tuyệt đối an ninh cẩn mật, cụ thể ở Phòng triển lãm của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Tòa Đô chính, nhiều vụ đặt chất nổ làm thủ đô bất an. Chính phủ ông Diệm phải ra quyết định ngừng khai thác mỏ than Nông Sơn, công ty nước suối Vĩnh Hảo, đường xe lửa xuyên Việt. Toàn bộ hệ giao thông thủy bộ bị địch uy hiếp, phải trở lại thời tổ chức đoàn Công-voa, chiến hạm giang đoàn, bảo vệ". Cuối cùng Scigliano nhận định rằng, chỉ trong hơn hai tháng cuối năm 1961, sau biến cố đảo chính một năm thôi, tổng thống Ngô Đình Diệm đã ban hành 6 sắc lệnh chiến tranh. Đáng chú ý là các sắc lệnh số 209 ngày 10-10-1961 tuyên bố tình hình khẩn cấp toàn nước, sắc luật số 13 ngày 29/10/1961 triền khai nghị quyết của quốc hội ủy quyền cho tổng thống ra các sắc lệnh khẩn cấp, và sắc luật số 15/61 ngày 25-11-1961 cho quyền tổng thống thực hiện số biện pháp về tài chính tăng thêm ngân sách an ninh quốc gia... Để đánh giá: Tám mươi phần trăm vùng nông thôn do Việt cộng làm chủ, tình trạng nguy ngập thật sự thảm họa Việt Nam đến dần! ...
Vũ cảm thấy phấn chán trong lòng, anh điện thoại liên lạc ngay với đồng chí Thành Minh, xin giờ gặp bất thường vào ngày mai.

Chương trước Chương sau