Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 23

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 23

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 23

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9.8/10 với 55325 lượt xem

Phù Ninh Đa bước vào nhà Vũ, đúng lúc anh Huỳnh Văn Trọng gọi điện thoại:
- Chú và cả Ninh Đa nữa, cùng đến ăn sáng nhé, chị chú chuẩn bị rồi. Chú đến ngay có việc cần bàn đấy.
Như thường lệ mỗi Chủ nhật hàng tháng, Ninh Đa dành trọn buổi sáng đến với Vũ, lo dọn dẹp nhà cửa, đi tới siêu thị mua đồ hộp, nước uống, bổ sung vào tủ lạnh rồi cùng ăn trưa trò chuyện với nhau. Xong mọi công việc, Ninh Đa cứ lặng lẽ ra về dành cho Vũ ngủ trưa. Bạn bè thân thiết, đặc biệt là anh chị Trọng biết rõ sinh hoạt gần như qui luật của đứa em nuôi. Từ lâu rồi, Vũ chú ý giữ lối sống bình thường như mọi người, bởi có lần anh đã hoảng lên khi anh chị Trọng, cả vợ chồng Trần Đình nhận xét "Cái khác thường" của Vũ. Anh phải sửa, phải chú ý tới lớp vỏ bọc hơn, nên ngoài bộ cánh đúng mốt, bảnh bao, đôi khi anh cũng tham gia cách ăn chơi giải trí buông thả của nhóm chính khách quốc gia chống Cộng. Và thật tình cờ, trong những lúc đó anh lại biết thêm rõ ràng cá tính, sở thích, thói tật... của những nhân vật cao cấp trong chính quyền. Trong bóng đêm họ sống rất thực với bản chất, một số đương quyền còn tranh thủ bất kể ngày đêm hưởng thụ hết mức... Có những buổi tối Vũ rủ Phù Ninh Đa đi bên cạnh tới vũ trường nhà hàng, theo cách hiểu thường tình của mọi người, Vũ cũng có bồ bịch xinh đẹp như ai. Nhiều lúc nghe những lời trầm trồ, bàn tán của thiên hạ, Vũ và Ninh Đa chỉ nhìn nhau cười ý nhị.
Đến nhà Trọng, chị Trọng để hai anh em ngồi tại sa lông như mọi lần, kéo Ninh Đa qua
phòng ăn, điểm tâm với chị và bọn trẻ. Trọng không để Vũ phải chờ lâu:
- Cha Bửu Dưỡng đi Pháp đã trở về, đến cố vấn Ngô Đình Nhu báo trình kết quả chuyến đi xong đã bay ngay lên Đà Lạt. Cha không muốn gặp ai, sợ gây rắc rối, chỉ nhắn qua cha Thuần cho chúng ta biết, công việc chẳng đi đến đâu, vậy thôi. Nhưng tôi đã lên Đà Lạt tuần rồi gặp cha, vì tò mò thôi.
- Hay quá. Cha cho anh biết những gì nào?
- Ông Phạm Ngọc Thuần đón tiếp cha khá trân trọng, thân thiện. Khen ngợi cha đã quan tâm đến tình cảnh đồng bào ta đang đứng trước hiểm họa của đế quốc, âm mưu xâm lược đất nước, khi mà đa số các vị chức sắc trong giáo hội công giáo Việt Nam đã hợp tác với người Pháp, bây giờ là người Mỹ, chống lại nhân dân đang phải xả thân đấu tranh giải phóng đất nước. Khi nghe cha Dưỡng thông báo ý kiến của ông Nhu, ông Thuần cho là anh em ông Diệm sai lầm rồi, tại sao lại chỉ nói chuyện với Hà Nội? Miền Nam đã có Mặt Trận Giải Phóng đang lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống can thiệp Mỹ phá hoại hiệp định đình chiến. Nếu như anh em ông Diệm đã nhận ra ý đồ xấu của đế quốc Mỹ, nếu họ thực sự cũng muốn đòi lực lượng quân sự Mỹ, cố vấn trá hình, rút khỏi miền Nam, thì họ cần phải bàn với ông Thọ, ông Phát trước hay hơn. Theo ý ông Thuần, chắc chắn cả hai ông hoan nghênh thôi. Cả Hà Nội cũng ủng hộ. Vì đó là mục tiêu đấu tranh, là nguyện vọng của nhân dân. Ông Thuần nói ông sẽ tự nguyện làm môi giới cho hai bên, kể cả Hà Nội, tiếp xúc trao đổi. Nhưng ông Diệm phải sớm biểu lộ thiện ý, tuyên bố quan điểm công khai lên án Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, chống Mỹ can thiệp. Điều này không phải là mới lạ gì, chính phủ Pháp đôi ba phen lẽn tiếng rồi, gần đây tổng thống De Gaulle cũng khuyên Kennedy nên giải quyết vấn đề Nam Việt Nam theo điều khoản Hiệp định Genève. Mỹ không nên để thất bại ở đấy. Cuối cùng ông Thuần cho cha Dưỡng biết, dư luận nhận định rằng, Nam Việt Nam do Mỹ nắm quyền, mọi quyết định cho vận mệnh chế độ Việt Nam Cộng Hòa là ở Washington, ông Thuần nghi ngờ anh em ông Diệm đâu có thực quyền quyết định? Ông hỏi nhỏ cha Dưỡng: "Cha là nhà tu hành chân chính, nói một là một, hai là hai, xin hỏi lại cha, anh em ông Diệm có tự biết họ không có quyền giải quyết vấn đề quốc gia không?. Cả hai có thực lòng đứng về phía dân tộc quyết tâm chống Mỹ không?"
Trọng ngó Vũ, ngừng lại cười và lắc đầu:
- Chú có biết, nghe cha kể lể, tôi thương hại cha đến mức nào không? Cha là một giáo sư triết, giảng giải cho sinh viên thì thao thao bất tuyệt về triết học, đó là giáo điều sách vở thôi, nhưng cha đâu phải là thuyết khách hùng biện, càng không thể ngụy biện, vì ông Thuần đã tinh khôn chặn họng từ đầu, đề cao cha là nhà chân tu chính trực, làm sao cha dám phủ nhận sở dĩ ông Diệm còn ngồi đó sau hai cú đảo chánh là nhờ có Mỹ cầm chích, càng không dám cải chính cái ý đồ "ve vãn Hà Nội" của ông Nhu?
Vũ gật gù, có vẻ nôn nóng:
- Nhưng cha đã trả lời thế nào?
- Cha thú nhận là đã lúng túng khá lâu, vì không lường trước được cách đặt vấn đề của ông Thuần. Ông ta hỏi không phải để chờ sự giải thích hoặc thanh minh của người đối thoại. Với một nhân vật như ông Thuần, từng chống Pháp nay ngồi ghế đại sứ tại Pháp, được các quan chức cao cấp của Pháp nể trọng thì cha Dưỡng nghĩ, ông không có khả năng giải thích chính quyền ông Diệm là hợp pháp, có đầy đủ quyền uy, rồi anh em ông Diệm đã thực lòng chống can thiệp Mỹ, có làm nổi không? Nói khác đi, để đạt được gì?
Cha thú nhận, cha chỉ là một linh mục, anh em ông Diệm nhờ cha qua gặp ông Thuần để chuyển lời sẵn sàng hợp tác với Hà Nội để chống can thiệp Mỹ, chấm dứt chiến tranh, chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, để nhân dân tự chọn lựa một chính quyền thực sự của dân, theo tinh thần hiệp định đình chiến 1954. Nếu như Hà Nội chấp thuận, hai bên chính thức gặp gỡ, thương thảo. Nhiệm vụ của cha là vậy. Cha Dưỡng thú nhận không biết anh em ông Diệm có thực lòng hay không, cha không phải là nhà thuyết khách, nên không thể giải đáp. Thế rồi... chú có nghĩ ra, ông Thuần đã làm gì, nói gì không?
Trọng cười thực vui. Thong thả châm thuốc hút, nhấp cà phê, cố ý bắt Vũ chờ, dù nhẫn nại, Vũ cũng gặng hỏi thúc:
- Anh kể đi, ông Thuần làm sao?
- Ông Thuần đã đứng bật lên, ôm chầm lấy cha Dưỡng. Cha nói, ông ta thật sự xúc động, áp má, vỗ lưng cha, khen cha đúng là thánh thiện. Và rồi, ngược lại, ông Thuần giảng giải: Nhân dân ta cướp chính quyền trong tay phát xít Nhật đánh đuổi xâm lược Pháp lần thứ hai. Thế giới công nhận một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Đã yên đâu, lại bắt tay chống can thiệp Mỹ, mưu đồ xâm lược Nam Việt Nam. Thật ít có dân tộc nào hơn, tinh thần đấu tranh bảo vệ Nhân quan cao nhất, đó là quyền sống của cả một dân tộc. Vậy mà tập đoàn đế quốc Thực dân Mỹ và phương Tây đã từng âm mưu cướp đi cướp lại quyền sống độc lập của dân ta, còn dám trơ trẽn rêu rao chống Cộng sản bảo vệ nhân quyền? Ấy thế mà có kẻ tin được. Đến nay đã có đến 20.000 sĩ quan cố vấn Mỹ có mặt ở Nam Việt Nam, con số này còn mỗi ngày một tăng thêm. Phương tiện chiến tranh đố vào ồ ạt. Mỹ đã quyết định chiếm Nam Việt Nam đấy. Còn nhân dân miền Nam, phải sống chết bảo vệ quyền sống của chính mình. Chiến tranh tang tóc, đói khổ không lâu sẽ diễn ra. Ông Thuần nhấn mạnh và căn dặn cha Dưỡng, cha là người tu hành thương dân, chắc không thể ngồi yên nhìn thảm họa đã rõ nét rồi, ở phía trước. Anh em ông Diệm tự cho là vì dân vì nước sẵn sàng hy sinh. Nếu đúng là thực lòng, dù ông ta không có quyền định đoạt, nhưng vẫn là danh nghĩa nguyên thủ quốc gia, hãy lên tiếng công khai đòi chấm dứt can thiệp Mỹ. Mỹ rút đi, nhân dân Việt Nam tự quyết định lấy vận mạng của Tổ quốc mình. Ông Diệm nói rằng, được dân tín yêu, tôn vinh Tổng thống muôn năm, thế tất được dân dồn phiếu cho ông ta đắc cử. Giả thử không thắng cử đi nữa, ông Diệm cũng nên hy sinh quyền lợi riêng để tránh cho nhân dân mà ông thương khỏi rơi vào thảm họa. Ông Thuần hỏi cha Dưỡng khá thân mật, rằng có chắc ông Diệm dám hy sinh không? Đó lại là bổn phận của cha Dưỡng, ông Thuần căn dặn thêm, cha hãy khuyên anh em ông Diệm. Còn phía mặt trận giải phóng miền Nam, chính phủ Hà Nội chắc chắn rồi. Sẵn sàng hợp tác với nhau chống Mỹ can thiệp là mục tiêu chung mà. Nhân dân miền Nam chỉ đánh đuổi Mỹ, nếu Mỹ rút rồi, còn đánh ai đây? Cuộc chiến chấm dứt, cần chi phải yêu cầu.
Anh Trọng ngả người ra lưng ghế, tủm tỉm cười một mình. Vũ hỏi:
- Hết rồi à, anh?
- Chỉ có thế thôi, còn cha, không vui, mất cái vẻ hăng say như hồi nào. Cha nói, sẽ không tham gia vào chuyện đời nữa, lo tu hành, lo cho sinh viên trường Đại học, hướng cho dân chúng sống đạo. Cha đã bị ông Thuần cải tạo đấy...
Nghe Trọng kể, Vũ phấn khởi vô cùng. Anh cảm nhận ở người anh nuôi không còn dấu vết gì của một nhà tu luôn cay cú với Cộng sản, của một Bộ trưởng của chính quyền Nguyễn Phan Long do thực dân Pháp nặn ra, một cố vấn của Thủ hiến Trung Việt Phan Văn Giáo, một đổng lý văn phòng của bộ trưởng Huỳnh Văn Nhiệm, đại diện Hòa Hảo. Anh Trọng đã trở lại đích thực là anh, một trí thức biết nắm bắt vấn đề, biết suy tư và định hướng. Vũ thấy rõ rằng những bài học chính trị ở trường lớp, sách vở, không hiệu quả bằng cách phân giải tình hình thời sự, thực tế diễn biến, giúp cho anh nuôi nhận thực đúng và lần hồi tự anh ấy xác định lấy quan điểm, lập trường đúng.
Chị Trọng và Ninh Đa kéo nhau vào phòng khách. Chị hỏi:
- Chú Vũ có về không? Nếu còn ở lại, hai chị em tôi đi chợ được chứ?
Anh Trọng ngoắc tay như xua đuổi:
- Chú Vũ còn ở đây lâu đấy, vấn đề đại sự chưa bàn xong. Bà cứ đi chợ đi, trưa nay bà cho chúng tôi ăn ngon đấy nhé.
Vũ định từ chối. Anh Trọng nói nhỏ:
- Tôi có cái này hay lắm. Tôi sẽ cho chú coi, hơi lâu đấy. Ở lại ăn cơm được chứ?
- Vâng, anh chị cho hai đứa tôi ăn luôn.
Ninh Đa cười nói rất vui, đã theo chị Trọng ra ngoài. Vũ hỏi:
- Chuyện gì đấy anh?
- Tài liệu của Richardson, tổ trưởng CIA phụ trách thủ đô Sài Gòn, trình báo về trung tâm Langley cho tướng Lansdale, tôi đã sao chụp lại cốt để chú đọc. Ngoài ra, mới vài tuần nay nhóm học trò của tôi bàn tán nhiều về phái đoàn của Mỹ đo chính bộ trưởng Quốc phòng cầm đầu, gồm bảy viên tướng trong hội đồng tham mưu liên quân cùng hàng chục sĩ quan phụ tá đến Sài Gòn. Đoàn làm việc nhiều ngày với Bộ Tư Lệnh quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam hiện nay do tướng Paul Harkins là tư lệnh trưởng. Nhiệm vụ của đoàn do tổng thống Kennedy giao là kiểm tra tại chỗ chiến dịch Bùng Nổ, (Operation Explosion), tiến hành trong một năm từ tháng 2-1962 đến tháng 3-1963, chia làm ba giai đoạn: làm kế hoạch; phân bổ các lực lượng nhận nhiệm vụ thực hiện; và hành động. Trách nhiệm của đoàn phải trả lời cho tổng thống Kennedy chính xác, có cơ sở, để đánh giá triển vọng, rằng "Mỹ đang thắng hay đang thua?" Nếu thắng thì đánh giá cho được "kết thúc thắng lợi trong một thời gian hợp lý". Bàn chung thì vậy, nhưng họ nhắc đến tay trung tướng Victor Krulak, là thành viên đặc biệt của phái đoàn, nguyên tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ, vốn là sĩ quan chỉ huy của Kennedy thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, được Huân chương quân công hải quân, Huân chương danh dự của Quốc hội, người hùng của quân đội Mỹ. Khi nhận chức Tổng thống, Kennedy đã mời y làm cố vấn chuyên trách chống du kích trong Bộ tham mưu liên quân. Tại Lầu Ngũ Giác, người ta xác nhận công việc của Krulak chính là cuộc chiến Việt Nam. Krulak cùng trong lớp trẻ được Kennedy tập họp dưới trướng. Krulak chưa tới tuổi năm mươi đã mang cấp hàm Trung tướng, đã từng là phi công nhưng xin qua binh chủng Hải quân, rồi gia nhập Thủy quân lục chiến. Đã từng trực tiếp chiên đấu ở chiến trường Triều Tiên lúc đó đã là đại úy chỉ huy cả tổng thống Kennedy mới là thiếu úy. Nhờ kinh nghiệm chiến trường, Krulak cải tiến, phát minh loại tàu chiến đổ bộ LC (Landing Craft) chở luôn cả quân lính và xe tăng, chiếm ưu thế chiến trường suốt thời kỳ chiến tranh. Đến nay tại Nam Việt Nam, Krulak cũng là cha đẻ của chiến thuật trực thăng vận. Tham gia phái đoàn qua Sài Gòn lần này, ngoài việc thanh tra chung, y còn chứng kiến thử nghiệm lần cuối với lực lượng thủy quân lục chiến Việt Nam, xem xét lại chiến thuật mạnh yếu, bồ khuyết hoàn chỉnh. Sau đó sẽ có quyết định thực hiện giai đoạn ba của chiến dịch Bùng Nổ đầu mùa khô này.
Vũ chăm chú lắng nghe, tập trung ghi nhận những điều căn bản vào bộ nhớ bẩm sinh toàn bộ nguồn tin tự anh xác nhận là cần thiết đối với công tác lúc này. Trọng ngừng kể, đốt thuốc, nhấp trà, Vũ nhẫn nại chờ đợi. Lát sau Trọng tiếp:
- Chú biết không, nhóm người của Richardson theo dõi rất sát các hoạt động quân sự của cả hai bộ tư lệnh Mỹ-Việt, theo dõi đến từng viên tướng chỉ huy chứ đâu phải CIA chỉ nhòm ngó riêng bên phía Việt cộng. Có thể CIA đã được chính tổng thống Kennedy giao nhiệm vụ riêng. Cụ thể vụ Richardson báo về trung tâm cho tướng Lansdale, sự thất bại thảm hại của cuộc hành quân tại Đồng Tháp tháng trước do tướng Huỳnh Văn Cao trực tiếp chỉ huy mà tướng Harkins đã ém nhẹm. Hai trung đoàn của Cao bao vây một tiểu đoàn khoảng gần 300 du kích quân Việt Cộng, đã bị tiêu hao hơn một đại đội mà vẫn để cho cộng quân chạy thoát qua biên giới Miên an toàn. Tổng thống Kennedy đòi bộ trưởng Quốc phòng McNamara làm tường trình, McNamara đòi tướng Harkins báo cáo gấp nội vụ. Bộ tư lệnh Mỹ tại Sài Gòn oán trách đại tá Colby, rồi các đoàn thanh tra của Mỹ qua mở ba lần hội nghị kiểm điểm, ở Honolulu, ở Sài Gòn, náo loạn cả tháng. Lần này, đích thân McNamara lãnh đạo đoàn, buộc phải trả lời cho Kennedy đang thắng hay thua? Còn dự tính thời gian bao lâu thắng được Việt Cộng? Nhóm CIA bàn rằng, Harkins cam kết ba năm sẽ chiến thắng Việt cộng là hoang tưởng, là liều lĩnh hết chỗ nói. Họ còn tiết lộ riêng với nhau, hàng triệu đô-la đã kê vào "mõm" các tướng tá trong Bộ tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn, rồi tiền và gái do tướng tá Sài Gòn cung cấp cho trên một vạn cố vấn Mỹ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nên họ tha hồ báo cáo láo, thua trở thành thắng. Và vụ trực thăng vận, trung tướng Krulak được hãng thầu sản xuất hứa hẹn biếu cả chục triệu đô-la, cái giá của sự phát minh chiến thuật.
Anh Trọng mỉm cười, lắc đầu:
- Nghe bọn chúng bàn tán, tôi mới tin lời chú nói, chúng phải tạo ra chiến tranh để kiếm lời quả là sự thật.
Vũ vỗ vai anh nuôi, thân mật:
- Đó là lợi tức của bọn tay chân tép riu, còn các tập đoàn tư bản Mỹ, bọn lái súng, không phải kiếm hàng triệu mà phải kể hàng tỷ đô-la lợi nhuận. Mỹ phải tạo ra chiến tranh, trao súng cho đồng minh lẫn kẻ thù, hai phía đánh nhau, Mỹ thu lợi nhuận, bằng máu của hàng triệu người dân lành, đạp trên quyền sống độc lập của cả một quốc gia dân tộc. Nhân dân ta đang phải trả giá vì quyền sống đó.
Đun đẩy, Vũ tế nhị hướng anh Trọng:
- Anh thấy chứ, bọn CIA và nhóm chỉ huy lực lượng cố vấn Mỹ ở đây cũng không thân thiện với nhau, chúng ganh tỵ nhau vì quyền lợi. CIA không phải không thu lợi, nhưng so với giới quân sự thua kém nhiều. Họ cũng chống phá nhau quyết liệt có điều cái thế của giới tướng lãnh lại mạnh hơn, CIA phải chịu lép vế. Tuy nhiên CIA trả đũa được bằng báo cáo thẳng lên trên. Cả McNamara lẫn Harkins cũng phải dè chừng... Anh nên quan tâm lắng nghe nhé.
- Đúng như chú nói, bọn CIA tỏ ra khinh thường nhóm tướng tá Harkins, chỉ có điều họ sợ thế mạnh của McNamara. Họ là một cánh với nhau cả, từ Bộ quốc phòng Mỹ đến Bộ tư lệnh Mỹ ở đây Bản báo cáo của Richardson gửi cho trung tâm CIA khá đầy đủ, tôi đưa chú nghiên cứu, có những vấn đề phía chúng ta khó mà biết được.
Ngày hôm sau, được tin báo, đồng chí Thành Minh đã đến gặp Vưừ, cả hai làm việc trọn buổi chiều. Vũ tường thuật những điều anh Trọng kể, và tóm lược nội dung báo cáo của Richardson:
- CIA có nhiệm vụ theo dõi, điều tra, khách quan đánh giá từng bước kế hoạch ba năm để chiến thắng Việt cộng của tướng Harkins và nhóm lãnh đạo tập đoàn cố vấn quân sự Mỹ. Năm đầu là chiến dịch Bùng Nổ, năm sau chiến dịch Truy Đuổi Tận Diệt, cuối cùng hoàn thành củng cố kế hoạch bình định. Kế hoạch của Harkins được tướng Maxwell Taylor, tống tham mưu trưởng quân lực Mỹ, trình duyệt bộ trưởng Quốc phòng McNamara, Harkins cam kết tất thắng. Tướng Taylor tâm đắc, McNamara tự hào, nhưng Kennedy lại chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Uy tín của người lãnh đạo quốc gia khiến ông ta không thể tránh khỏi được lo ngại. Để phòng phe quân sự qua mặt, kinh nghiệm như họ đã lừa dối tổng thống tiền nhiệm trước đây, Kennedy mật giao cho nhóm CIA ở Sài Gòn điều tra, thường xuyên báo cáo trong chiến dịch Bùng Nổ. Quốc sách ấp chiến lược là một vế quyết định, nên Kennedy đặc phái một cố vấn trẻ tài năng là Rufus Phillips phụ trách chỉ đạo thực hiện. Giai đoạn hai của chiến dịch là hoàn thành hệ thống ấp chiến lược. Song song với chương trình quân sự, phát triển 30.000 quân địa phương, tập trung các thùng thuốc nổ tạo thành quả đấm mạnh, gom dân vào ấp còn lại là vùng trắng, những thùng thuốc nổ sẽ bung ra, tự do hủy diệt, cho Việt Cộng ra rừng đợi giai đoạn Truy Đuổi Tận Diệt. Trong cuộc họp các tướng tá, tòa Đại sứ, có mặt các nhân vật trọng yếu của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và các hãng thông tấn, báo chí, tướng Harkins khoe khoang ông ta hội đủ ba yếu tố sức mạnh để chiến thắng Việt Cộng. Đó là ba chữ M, chữ đầu của ba từ MEN - người đã đủ, MONEY - tiền có dồi dào, và MATERIAL - vật chất khá mạnh. Chính Việt cộng đã cảm thấy sức nặng của ba chữ M đang đè đầu họ xuống. Đó là cỗ xe chà thịt đang lao tới đích. Và kể từ hôm đó, Harkins ngồi trong phòng say sưa đếm những con số chiến thắng. Tháng này có 200 cuộc hành quân, 1000 phi vụ oanh tạc trợ chiến, 400 xác chết Việt cộng để lại, hàng vạn mẫu lúa bị đốt cháy, 2.800 ấp chiến lược hình thành. Harkins an tâm chờ niềm tự hào phát triển bằng những con số tương tự tăng lên. Trong khi, Richardson và nhóm CIA do nhiệm vụ trên giao cho họ đã đánh giá khách quan hơn, nếu không nói là hoàn toàn khác. Tám mươi phần trăm những cuộc hành quân là không có tác dụng. Thất bại về người không ít, 150.000 súng cấp cho nghĩa quân trên thực tế lại vào tay phía du kích, ngược lại quân đội chính qui Sài Gòn phải túc trực bảo vệ ấp chiến lược mới tồn tại. Để có được con số 2.800 ấp chiến lược thì tức khắc 2.300 ấp đã bị rệu rã hoặc bị phá hủy. Còn lại khoảng 500 ấp ở quanh vùng thị xã tỉnh ly, ở cạnh căn cứ các sư đoàn, trung đoàn, nhưng chính các đơn vị này phải lo bảo vệ ấp. Hàng chục triệu đô-la dành cho chương trình tuyển mộ, đào tạo hàng vạn cán bộ "dân ý vụ" là lực lượng mật vụ nhân dân, hàng vạn cán bộ "Bình định nông thôn" đồng phục áo đen. Hầu hết được tuyển mộ từ lớp thanh niên tôn giáo, được huấn luyện phương pháp điều tra, chỉ điểm, săn lùng Việt Cộng nằm vùng, tại các trường khá quy mô. Nhưng khi phân bổ, tung về các ấp chiến lược làm nhiệm vụ thanh lọc dân chúng, ngày đêm dòm ngó sinh hoạt của dân, bọn này đã biến thành kẻ thù của dân do thái độ cường hào, dọa nạt. Số lớn đam mê trai gái gây mâu thuẫn thù địch với thanh niên đia phương. Chính những người thanh niên trong ấp đã đưa đường cho du kích đột nhập, đánh mìn bót canh, trừng trị cán bộ ấp, phá rào ấp. Việt Cộng phá một, dân phá mười, giúp cho du kích rảnh tay giết số dân quân tự vệ. Bước đầu lập ấp là tiền của Mỹ cho, từ trên xuống dưới lợi dụng chia nhau kiếm chác, thì quả họ đã tích cực xây dựng thật. Nhưng sau khi Việt Cộng, chỉ cần ba đến chín người đột nhập thôi, dân dựa vào đó đã phá tan được hệ thống hàng rào ấp chiến lược, và kinh phí trên đã cạn, thì chính quyền địa phương buộc dân đóng góp tiền của, công sức lao động sửa chữa phục hồi, cán bộ không còn bòn rút được như xưa, uể oải làm lấy lệ. Dân càng uể oải hơn, không làm ấp chiến lược mà Diệm, Nhu khoe khoang thành công trong sách lược chống Cộng, và Harkins coi như sức mạnh vô địch của ba chữ M, chỉ hoàn toàn tồn tại trong cuộc họp, trên giấy mà thôi. Phiên họp báo của phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ trước khi trở về, chính bộ trưởng McNamara đã xác nhận rằng, ông ta không thấy gì khác hơn là sự tiến bộ, dấu hiệu hy vọng trong tương lai. Vài nhà báo đã nghi ngờ, chất vấn McNamara "Dựa vào đâu ông lạc quan sớm thế?" Trong chuyến qua Việt Nam lần này, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải trả lời cho được câu hỏi của tổng thống Kennedy: "Ta đang thắng hay đang thua?" Richardson tin McNamara sẽ đáp dễ dàng, vì ông ta tin Harkins đang cho chiếc xe giết người chuyển bánh, băm nát Việt Cộng. Tuy nhiên McNamara cũng có suy nghĩ riêng, lo xa hơn, nên buộc Harkins phải lập cái gọi là "Country Tham" - Hội đồng hành động, gồm ba người: Chủ tịch Harkins nắm, có hai ủy viên là đại sứ Nolting, đại diện CIA là phó đại sứ Porter. Chính quyền Sài Gòn và Bộ tư lệnh quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải chấp nhận sự lãnh đạo của Hội đồng này và của lực lượng cố vấn Mỹ trên chiến trường. Điều này cả Richardson, Colby nhận định trong báo cáo rằng, McNamara và Harkins đang đưa sự nghiệp của Mỹ một cách vô ý thức vào Nam Việt Nam, đẩy đến thảm họa.
Vũ kết luận:
- Richardson nêu lên khá nhiều chứng cứ để phản bác tướng Harkins cố che giấu phái đoàn McNamara. Anh đọc nghiên cứu kỹ sẽ rõ hơn...
Thành Minh gật gù nghĩ ngợi rồi nhận định:
- Ở đây chúng ta càng thấy rõ mâu thuẫn giữa bọn tướng tá Mỹ và CIA đã đậm rồi. Còn tập đoàn anh em ông Diệm với bọn Mỹ ở đây cũng đã phân hóa không phép gì cứu gỡ nổi. Cậu cần phân tích cho đại tá Mậu ngay phần tin mới này, nhằm củng cố quyết tâm cho ông ta nhanh chóng đón thời cơ hành động...
°
Lực lượng quân sự, chính trị của nhóm tâm huyết phát triển rất thuận lợi trong suốt thời gian cuối năm 1962 trong lúc cố vấn Ngô Đình Nhu vùi đầu say sưa thực hiện quốc sách ấp chiến lược. Ông ta tin tưởng, ấp chiến lược là bùa trấn áp hữu hiệu ma quỉ cộng sản và đối lập để không còn chỗ trốn tránh trong nhân dân.
Tại Huế cả chục vạn thanh niên Phật tử đã được tập họp dưới danh nghĩa Hội Phật Học Việt Nam, dù giáo Hội Phật giáo không được chính phủ Sài Gòn chấp nhận, hình thành các "gia đình phật tử, lồng vào hệ thống Hướng đạo đồng phục mầu nâu, được tổ chức Hướng Đạo Thế Giới công nhận, hỗ trợ cả người và tiền bạc, đang bùng nổ như nước sôi đến độ, mục tiêu kín đáo, lại có bình phong công khai hoạt động.
Giữa lúc tình hình Phật giáo Huế đang làm nức lòng mọi người, thì cụ Võ Văn Trưng ngã bệnh phải đưa vào bệnh viện Đồn Đất. Tại đây vấn còn số bác sĩ Pháp phục vụ, họ hội chẩn và kết luận cụ bị ung thư đã phát triển từ cục bướu nhỏ hiện ra mấy năm trên mặt. Khối u ác tính đã di căn không thể phẫu thuật. Cụ Trưng chấp nhận số phận, tự an ủi mình đã tới tuổi "cổ lai hi", nhưng vẫn còn tiếc nuối không được tận mắt thấy sự nghiệp nhóm Tâm Huyết thành công, cụ vẫn luôn tin là tất yếu. Thái độ của cụ cũng là nguồn khích lệ đối với đại tá Mậu và bạn bè. Trong một lần đại tá Mậu và Vũ vào thăm, cụ tâm sự với hai người bạn thân thiết nhất, gần gũi nhất:
- Lực lượng của nhóm phát triển rộng lớn lên, tôi cảm thấy đã có nhiều hiện tượng thiếu nhất trí với nhau. Hai ông phải quan tâm luôn để hóa giải bất đồng nội bộ. Nhường nhịn nhau để bảo vệ sức mạnh đoàn kết. Cần rút bài học kinh nghiệm, chúng ta đã hết lòng ủng hộ ông Diệm về chấp chính thế mà khi ông ta đã nắm quyền lực rồi thì quay lưng lại với chúng ta. Không chỉ vậy, còn dã tâm sát hại cả những anh em từng sống chết với mình. Đó là mối lo nghĩ của tôi lúc này.
Sau đó cụ Trưng đòi đại tá Mậu tìm mọi cách đưa cụ Nguyễn Văn Lực về cho hai người gặp nhau lần cuối. Theo cụ, người có thể thay thế tập họp anh em chính trị chính là cụ Lực, vừa có quyết tâm cao, dám hy sinh mạng sống của chính mình, của hai con mình, xứng đáng để nhóm tin cậy. Đại tá Đỗ Mậu hứa thực hiện. Ông lệnh cho thiếu tá Trần Văn Thăng đi ngay Biên Hòa, đón cụ Lực lánh mặt ở một ngôi chùa kín đáo, rồi ngay tối đó cụ được cải trang khăn đóng áo dài, được bảo vệ đưa về thăm cụ Trưng ngay trong bệnh viện an toàn.
Cụ Võ Văn Trưng mất, coi như nhóm Tâm Huyết Cần Lao ly khai mất một đầu não có bản lĩnh và đức độ, một sáng lập viên của lực lượng đối lập với tập đoàn Nhu Diệm.
Giáng sinh năm 1962, linh mục Bửu Dưỡng không về Sài Gòn, nhắn mời anh Trọng và Vũ lên dự lễ tại xứ sở sương mù. Để nhớ mùa đông Hà Nội, cả vợ chồng con cái anh Trọng rủ Vũ cùng Ninh Đa lên Đà Lạt ít ngày tâm sự với cha Dưỡng.
Cha rất mừng, đã cho sắp xếp mọi người ở chung tại nhà dành riêng cho cha ngay trong khuôn viên trường Đại học Đà Lạt. Ba ngày nghỉ thật là hạnh phúc. Ngoài những điều suy nghĩ của cha trong chuyến đi Pháp đã kể hết với anh Trọng, cha còn cho Vũ biết tin về Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã gửi đơn lên Bộ Truyền giáo Tòa Thánh Vatican thông báo ngày lễ Ngân Khánh của ông, 25 năm giám mục, tổ chức vào năm tới cùng với lời đề nghị ông xứng đáng được Đức Thánh Cha phong Hồng Y. Tổng giám mục Thục đang làm một cuộc vận động mạnh ở Pháp, ở giáo hội Mỹ, ủng hộ ước vọng của ông. Cha Dưỡng thông tin với lời lẽ biểu lộ không vui. Phần anh Trọng cũng báo với linh mục Dưỡng, cha Cao Văn Luận, viện trưởng viện đại học Huế được ông Thục gọi tới giao làm trưởng ban tổ chức lễ Ngân Khánh, không phải chỉ ở phạm vi giáo tỉnh Huế, mà ở khắp các giáo phận phía Nam. Cha Luận được lệnh cho in trước cả chục vạn thiệp mời, gửi nội các chính phủ, các viên chức cầm đầu các tỉnh. Nha giám đốc Tuyên úy quân đội chuyển giấy báo cho hầu hết tướng tá chỉ huy, tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa, và phong trào cách mạng quốc gia thông báo cho mọi tổ chức quần chúng. Tổng giám mục Thục hy vọng cũng vào dịp lễ Ngân Khánh sẽ là ngày được Tòa Thánh ban quyết định phong Hồng Y giáo chủ cho ông. Vinh quang cho giáo hội công giáo Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, chứ chẳng phải chỉ riêng cho dòng họ Ngô Đình. Viên thư ký riêng của tổng giám mục Thục gợi ý với cha Luận, thông báo cho các quan chức công sở nhà nước đã dược dự học các khóa chính trị cần lao tại Vĩnh Long. Ngoài quà riêng theo hảo ý cá nhân mỗi người nên đóng góp 5.000 đồng, để ủng hộ Ban tổ chức lễ. Theo thư ký Tòa tổng giám mục Hoàng Ngọc Trợ, chỉ số tiền đó thôi cũng đủ cung cấp cho quan khách về Huế dự lễ cả tuần rồi.
Vũ kết thúc câu chuyện lễ Ngân Khánh:
- Hoàng Ngọc Trợ, thư ký tòa tổng giám mục, nhắc nhở cha Luận như vậy, cha Luận cho rằng chính ông Thục mượn Trợ phát ngôn thôi, nên không dám phản bác. Nhưng ông cố tránh mặt, đã nhờ linh mục phụ tá cùng với Trợ lo cho ngày lễ. Linh mục Bửu Dưỡng không bằng lòng tham vọng quá đáng của ông Thục, đã thuật lại những lời phê phán của số chức sắc giáo hội Pháp, hồi ông qua đó. Người ta cho rằng ông Thục dựa thế giáo hội công giáo Mỹ đã chèn ép các giám mục vốn có quan hệ lâu năm với giáo hội Pháp, cụ thể như vụ giám mục Lê Hữu Từ.
Sau ba ngày nghỉ lễ Giáng Sinh tại Đà Lạt trở về, Vũ được đại tá Mậu cho biết ông vừa đi dự Hội nghị Bộ Tổng tham mưu. Chỉ tháng qua, phòng 2 quân báo phát hiện ra địa điểm Việt cộng đặt đài phát thanh của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam Việt Nam chỉ cách Sài Gòn trên dưới 50 cây số đường chim bay. Nguồn tin này được phía Mỹ xác nhận. Bộ tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn tự quyết đinh mở cuộc hành quân thử nghiệm chiến thuật trực thăng vận. Tướng Harkins trực tiếp chi huy chiến dịch, đề nghị được sử dụng lực lượng sư đoàn
và thiếu tướng Huỳnh Vãn Cao, tư lệnh vùng IV hỗ trợ.
Đại tá Mậu còn cho Vũ biết thêm, đây là chiến dịch đầu tiên mà Tổng hành dinh Bộ tư lệnh Mỹ nhận trực tiếp thực hiện, có trung tướng Krulak tham dự để nghiên cứu kế hoạch của chính ông ta. Một số phi công Mỹ mới đưa từ Sài Gòn qua Hồng Kông nghỉ lễ Noel tại khách sạn Trăng Tháng Tám đã được gọi gấp về Tân Sơn Nhất. Đây cũng là cuộc hành quân đầu tiên của tân sư trưởng sư đoàn 7, đại tá Bùi Đình Đạm, giám đốc nha động viên vừa mới về thay tướng Huỳnh Văn Cao lên tư lệnh vùng IV. Ông Mậu nhấn mạnh với vẻ mỉa mai: "Đây là hai sĩ quan cao cấp, công giáo gộc, được tổng thống Diệm tin cậy nhất về lòng trung thành, tinh thần chống cộng, chứ không phải về tài năng", vốn là sĩ quan văn phòng mới ra trực tiếp chiến đấu. Số tướng tá Mỹ không mấy trông cậy cả Cao lẫn Đạm nhưng buộc phải chấp nhận. Theo tin tình báo, tại Tân Thới chỉ có một Đại đội Việt Cộng chính qui của Tiểu đoàn 261, và một số du kích không đáng kể, bảo vệ căn cứ đặt đài phát thanh của mặt trận. Vì thế cả Cao lẫn Đạm tỏ vẻ khinh thường, tin chắc là với lực lượng áp đảo địch, lại có trực thăng yểm trợ đổ quân uy hiếp ngay, trong cách đánh nhanh, phủ đầu thế nào cũng xóa sổ đài phát thanh này. Kế hoạch hành quân đã được Harkins chấp thuận. Bộ tư lệnh Mỹ cử viên đại úy Ziegler phụ tá cho Bùi Đình Đạm; trung tá John Paul Vann cố vấn cho tướng Huỳnh Văn Cao. Harkins và các sĩ quan phụ tá của ông ta cho đây là một trận đánh biểu diễn, thử nghiệm, chỉ có thắng thôi. Lấy mười diệt một.
Lực lượng hành quân tham gia gồm có một tiểu đoàn của sư đoàn 7, một chi đoàn xe bọc thép M-113 có bộ binh đi kèm. Pháo của sư 7 yểm trợ, 15 trực thăng U-la chuyển quân luân phiên, hai tiểu đoàn bảo an có địa phương quân hợp đồng, phi đội không quân oanh kích mở đường, khi cần sử dụng cả giang hạm trực chiến tại sông Tiền Giang. Cuộc hành quân này sẽ làm bài học diễn tập cho tổng hành dinh Bộ tư lệnh Mỹ, cho tư lệnh vùng IV và cho chỉ huy trưởng Bùi Đình Đạm. Mục tiêu: làm bình địa vùng giải phóng quan trọng ở phía bắc đồng bằng sông Cửu Long, tiêu diệt căn cứ liên hoàn hai ấp: ấp Bắc và Tân Thới, đài phát thanh của Mặt trận Giải phóng, và bình định dọc bờ phía tây Đồng Tháp Mười.
Tin quân báo về địch tình tổng hợp được xác nhận lực lượng Việt Cộng gồm có một tiểu đoàn chủ lực 261, quân số trên 300 người, cộng thêm một đại đội dân quân du kích, tổng số 400 quân. Vũ khí nhẹ gồm có 4 đại liên 30, 2 bích kích pháo 60mm, mỗi trung đội có 2 trung liên Bar, binh sĩ có Thompson và Carbine tự động; lựu đạn, đạn dược đầy đủ.
Việt cộng bố trí quân dọc theo địa hình hai ấp giữa Tân Thới và ấp Bắc có con rạch hai bờ cây cối rậm rạp tạo thành hào chiến đấu, bên ngoài khó quan sát. Toàn thể địa bàn dựa vào bờ phía Tây Đồng Tháp Mười, là vùng ảnh hưởng Việt Minh. Nơi đây những người nông dân đã từng sống và chiến đấu suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, dân chúng vốn không ưa chế độ Diệm, có kinh nghiệm kháng chiến bảo vệ quê hương đất sống của họ rất cao. Họ đã tính đến lúc phải chấp nhận thử thách, đối đầu với hiểm nguy, sần sàng chờ đợi. Quả là chỗ dựa vững chắc của Tiểu đoàn chủ lực. Ban chỉ huy Tiểu đoàn đều có số tuổi 40 trở lên, điều này nói lên họ đã có đủ kinh nghiệm chiến thắng quân đội Pháp thiện chiến cả chục năm trước. Trinh sát sư đoàn còn phát hiện thêm, tiểu đoàn Việt cộng bố trí trận địa theo con rạch dọc hướng Bắc Nam, phía ngoài có con đập lớn, bờ cây rậm rạp, đập đắp hình chữ chi rất thuận lợi kiểm soát cánh đồng trước mặt. Viên tiểu đoàn trưởng đã đặt ở góc chữ chi trên đập số trung liên Bar để bắn cài răng lược, bắn chéo khá nguy hiểm. Cuối cùng, trước ít ngày mở cuộc tấn công, lại phát hiện thêm tiểu đoàn 514 địa phương từ Mỹ Tho đến tăng cường cho ấp Bắc.
Ngày 2-1-1963, quyết định mở màn, cuộc hành quân của tướng Harkins vẫn không thay đổi. - Đại tá Mậu kết luận - Vì vẫn là lấy mười diệt một, với hỏa lực hiện đại, người Mỹ tin rằng đủ dập đầu Việt cộng xuống, thắng trận đã ở tầm tay.
Vũ cười hỏi lại Mậu:
- Đại tá cũng cho là thế? Diệt Việt cộng dễ dàng sao?
Mậu lắc đầu:
- Ông quên rồi à? Tôi đã từng là tiểu đoàn trưởng quân đội Việt Minh hồi khởi nghĩa, đã chạm trán với quân đội Pháp một vài lần rồi. Việt cộng có cách của họ, do đó họ đã thắng Pháp. Chủ quan như Harkins là tai họa đấy.
Và đúng như dự đoán của đại tá Mậu, cuộc hành quần ấp Bắc, Tân Thới hoàn toàn thảm bại. Cả chục trực thăng bị bắn rớt, một số phi công Mỹ chết, chiến thuật trực thăng vận, niềm tự hào của trung tướng Krulak bị Việt cộng nhấn xuống bùn lầy Đồng Tháp. Cố vấn Mỹ chết! Báo chí Mỹ được dịp làm rùm beng lên, dù báo chí Việt Nam tại Sài Gòn đã lấy cái kết quả cuối cùng: "Lực lượng Việt cộng đã rút hết khỏi trận địa ấp Bắc, Tân Thới". Đồng Tháp Mười mênh mông trở lại an toàn sau khi đã cho tướng Harkins, trung tá tài năng John Paul Vann cố vấn vùng IV chiến thuật, và toàn bộ Tổng hành dinh Mỹ tại Sài Gòn một đòn choáng váng đến mất tinh thần, không còn hung hăng khoe sục mạnh của vũ khí là vô địch.
Bộ trưởng Quốc phòng McNamara điện gấp qua Sài Gòn, đòi mở ngay hội thảo, kiểm điểm điều tra kỹ cuộc hành quân thất bại, tổng kết phúc trình về Hoa Thịnh Đốn. Tổng thống Ngô Đình Diệm ngỡ ngàng, đòi đại tá Đỗ Mậu nghiên cứu thực địa, lực lượng, cách đánh của Việt cộng, đồng thời xem xét lại những bản tin tình báo, trinh sát trước khi mở cuộc hành quân, đúng sai thế nào? Nguyên nhân thất bại? Tất cả, phải báo cáo, kết luận, nhận xét, trình cho ông ta sớm nhất.
Đại tá Mậu cử trung tá Hùng phó giám đốc Tổng nha, thiếu tá Trần Văn Thăng, chỉ huy cả chục sĩ quan phụ tá cấp tốc lên đường xuống ấp Bắc. Chỉ trong một tuần đoàn đã làm xong bản trường trình đưa lên đại tá Mậu. Đọc xong ông chuyển cho Vũ đòi sửa chữa gọn lại và góp ý nhận xét. Vũ nhận tập báo báo do trung tá Hùng chỉ đạo soạn thảo, đem về phòng đóng cửa, tập trung nghiên cứu.
Phần tổng quát về trận địa, về nhân số hai bên không sai lệch bao nhiêu, quân số phía Việt cộng nắm không sát vì họ quên hoặc không quan tâm đến số lượng dân quân các xã lân cận làm chỗ dựa của hai tiểu đoàn 261, 514. Họ vũ trang súng cũ của Pháp để lại, lựu đạn khá mạnh. Và nếu ước tính số "tịnh vị dân động vị binh" tức là dân chúng tham gia chiến đấu thì số lượng vũ trang gấp hai lần. Do đó, dù lực lượng Việt cộng yếu hơn địch về hỏa lực, bị tấn công ba mặt, đặc biệt là sức khống chế bên trên do bom dội, pháo bầy nhưng chỗ dựa phía sau hậu phương rất vững, tinh thần chiến đấu rất cao, vận động chiến linh hoạt, thoải mái trong khu vực quen thuộc từng gốc cây, hố sắn, u đất. Vũ quan tâm đến phương pháp hành quân của Mỹ thông qua những đoạn ghi rất rõ ràng chi tiết Trung tá Hùng đã khai thác được ở bọn cố vấn Mỹ, nhất là nhóm báo chí, phóng viên chiến trường đã có bề dày kinh nghiệm:
Vì có sương mù dày đặc, phi đội trực thăng H.21 do phi công Mỹ lái, đã chở tiểu đoàn của sư 7 tới thẳng mặt trận bị chậm, thay vì lệnh xuất phát 7 giờ sáng, trung tá Vang và đại tá Đạm phải đề nghị tướng Harkins hoãn lại, mãi 10 giờ 20 mới cất cánh. Trong khi đó hai tiểu đoàn địa phương quân, chi đoàn M-113 đã lên đường trước. Chính sơ hở này đã giúp cho Việt cộng phát hiện sớm hơn cuộc hành quân, nếu như họ chưa hề biết trước. Thế tiến công bất ngờ không còn.
Theo lời trung sĩ Arnold Bowers, phi công lái trực thăng đưa quân vào địa điểm hành quân, thì khi trực thăng của anh ta còn ở độ cao 50 feet, đã bị trúng đạn đại liên của Việt cộng. Cánh quạt gãy, anh ta phóng ra rơi xuống ruộng nước được một thiếu úy bộ binh cho lính đưa về phía sau. Nhưng ngay sau đó hỏa lực Việt cộng đã bao trùm lên nhóm lính của viên thiếu úy. Bowers bảo viên thiếu úy phải mở đường ra phía trống trước mặt, viên thiếu úy nói rằng không hiểu Bowers nói gì, anh ta không biết tiếng Anh, và quá sợ hãi dúi đầu xuống sát mặt bùn. Trong khi đó một tiểu đội lính từ phía trực thăng lao về hướng bờ đập. Bowers nhận xét, lớp hạ sĩ quan lớn tuổi tỏ ra gan dạ, có kinh nghiệm chiến đấu hơn loại sĩ quan trẻ tuổi...
Viên phi đoàn trưởng trực thăng H.21 William Deal đã đoán sai chỗ hàng cây phía Tây Tân Thới không có địch, nên cho một phi đội hạ cánh thả quân xuống ruộng lúa. Tại đây lại là trận địa của tiểu đoàn 514 địa phương bố trí chờ sẵn. Họ không tấn công vào lính Việt Nam, mà tập trung hỏa lực bắn trực thăng vừa hạ xuống. Cách 200 thước, nhưng họ đã bắn trúng máy bay nhờ du kích chụm súng thành nhóm cùng khai hỏa một lúc, quả là họ gan dạ và lanh trí. Chiếc trực thăng hộ tống Huey tức khắc nhào xuống phản công lại, và hỏa lực từ các trực thăng chở quân cũng tấn công, nhắm phía hàng cây nơi quân Việt cộng ẩn mình dưới các gốc, trong hố cá nhân. Tuy nhiên tất cả các trực thăng đáp xuống đều bị ăn đạn, không nặng thì nhẹ. Một chiếc bị hỏng động cơ phi hành đoàn hai người Mỹ phải ở lại cùng quân Cộng Hòa chiến đấu. Một trực thăng khác đã quay lại để cứu hai phi công Mỹ, nhưng bi trúng đạn phải tháo chạy.
Bốn máy bay trực thăng Huey đã đến phóng hỏa tiễn xuống bờ đập, nhằm đè bẹp hỏa lực địch, rồi một chiếc Huey tách ra tiến lại phía chiếc H.21 hỏng máy nằm đó. Bị súng Việt cộng bắn tới tấp, gãy chong chóng đâm sầm xuống ruộng lúa cách chiếc trực thăng H.21 chừng năm thước. Tiếp đó, chỉ trong khoảnh khắc bốn chiếc H.21 lại bị bắn rơi cách xa tử địa chừng vài dặm. Tổng số 15 chiếc H.21 bị bắn, 4 chiếc Huey chỉ huy chỉ có một chiếc vô sự không bị viên đạn nào.
Trong thời điểm đó tướng Huỳnh Văn Cao ngồi trên máy bay Li-9 quan sát trận địa cùng với cố vấn Mỹ Paul Vann. Vann như phát điên trong cơn tức giận. Một cố vấn và ba phi đội trực thăng bảy người Mỹ đang chịu hỏa lực phản công của Việt cộng, sống chết trong gang tấc. Cựa quậy trong khoang chật hẹp của chiếc Li-9, Vann gọi điện liên tục cho đại úy James Scanlon, rồi cho đại úy Robert May, hai sĩ quan dưới quyền tại Bộ tham mưu hành quân ở sân bay Tân Hiệp, Biên Hòa, lệnh cho cả hai tìm mọi cách giải vây cho số cố vấn Mỹ bi kẹt trên chiến trường. Tướng Cao cũng chỉ thị cho chi đoàn M-113 tiến thẳng tới ấp Bắc. Đại úy Lý Tòng Bá, chi đoàn trưởng thiết vận xa M-113, xin lệnh của sư đoàn 21, vì chi đoàn này không có mặt trong lực lượng hành quân từ khi trù bị. Chính vì vậy mà cuộc hành quân cứu viện diễn ra chậm hơn ý muốn của tướng Cao. Chi đoàn M-113 của Bá tiến thằng tới ấp Bắc, khi gặp con kênh hai bờ dốc đứng thì phải dừng lại. Thiết vận xa M-l13 không trở ngại khi lội nước, nhưng khi gặp bùn nhão xích không còn chỗ bám để kéo khối sắt 10 tấn lên được. Bộ binh trong xe phải xuống chặt cây chất đầy con kênh, cố gắng cho một chiếc vượt qua, từ đó sử dụng dây xích kéo qua từng chiếc. Chi đoàn M-113 bò tới trận địa, cứu nguy như cứu lửa, mà bò đi như cuộc diễn tập nhàn hạ, thời gian chẳng có nghĩa gì với Bá.
Bá tuy khá tiếng Anh lại trả lời bằng tiếng Việt với Vann, với đại úy cố vấn Scanlon, ai nói người ấy hiểu, hai bên cùng lớn tiếng, không còn giữ lễ, văng tục liên hồi. Lý Tòng Bá cùng lứa tuổi với Scanlon, sĩ quan thuộc quyền của trung tá Vann, là cố vấn của lực lượng M-113. Bá rất tự hào là con một địa chủ lớn ở miền Tây, hai cha con từng phục vụ quân đội Pháp trước kia, đã qua Pháp huấn luyện binh nghiệp. Gần đây Bá lại được qua Mỹ học về Thiết Vận Xa tại trường thiết giáp Fort Knox ở Kentucky, về nước nắm quyền chỉ huy chi đoàn 15 chiếc M-113, một con chủ bài Mỹ mới đưa vào chiến trường miền Nam, có trang bị súng phun lửa thay cho đại liên 50 như 14 chiếc cũ, mỗi chiếc chở 12 bộ binh trang bi trung liên AR và M-l. Là một lực lượng thiết vận xa mạnh, phù hợp với địa hình đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động cả trên bộ, dưới nước. Nhưng lúc này Bá chỉ cho qua kênh ba chiếc M-113 thì dừng lại, vì phát hiện phía trước còn có thêm một con kênh tương tự.
Nếu lọt vào giữa hai con kênh tiến thoái khó khăn là nguy biếm. Lần này Vann ra lệnh thúc giục tiến vào ấp Bắc cứu nguy, Bá từ chối thẳng thừng, trả lời không có đường vào, phái bảo vệ sự sống còn của đơn vi. Vann không còn nhẫn nhục được thêm, cất tiếng chửi Bá:
- Thằng con hoang, đồ chết rét! Việt cộng chi có vài khẩu đại liên 30 làm gì được M-113, sao mày sợ không dám vào?
Bá chửi lại bằng tiếng mẹ đẻ. Hắn cho bọn Mỹ chỉ huy không ra trò gì cả, hắn không dại gì nghe Mỹ đưa đầu vào chỗ chết. Mãi đến hai giờ chiều Bá mới cho ba thiết vận xa đã qua kênh tiến vào tiếp. Còn 12 chiếc án ngữ tại bờ kênh. Ba chiếc tiến đến chỗ trực thăng H.21 rớt còn nằm đó. Ba phi công Mỹ bị thương nằm bên cạnh được mang vào xe. Hai tên lái ở chiếc Huey, một chuẩn úy phi công của chiếc H.21. Cả ba không biết số phi công Mỹ rớt còn sống hiện ở đâu. Mãi sau mới thấy phi công Bowers bị rớt đầu tiên, ở dưới ruộng lúa bò tới. Vann được báo, Bá cứu được bốn phi công Mỹ rồi, y mới bớt cơn thinh nộ.
Tính ra từ 10 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều, cả mười đợt tấn công sau khi phi cơ oanh kích, pháo dập hai bờ đập cắt hết hai rặng cây mở xa tầm nhìn, ba tiểu đoàn ba mặt cố tiến vào đểu bị chặn đứng, có nơi phải rút ra, thương vong tăng dần, hỏa lực của Việt cộng không mạnh nhưng rất chính xác, cắt đội hình các tiểu đoàn của sư không thể tập trung áp đảo. Tướng Cao nhất trí với trung tá Vann lệnh cho trung tâm hành quân Tân Hiệp đưa quân dù đến trợ chiến. Đến 6 giờ tối bảy chiếc máy bay vận tải hai động cơ C-23 mới tới thả quân dù vào trận. Quân dù đã nhảy xuống phía cuối vùng đập phía tây nam ấp Tân Thới và tức khắc mở đợt tấn công khá hiệu quả, nhưng trả giá cũng khá đắt, 19 chết, 32 bị thương, có một đại úy và một trung sĩ cố vấn Mỹ.
Bóng đêm trùm xuống, cùng lúc với quân dù. Phía Việt cộng đã chuẩn bị sẵn sàng, rút rất nhanh ra khỏi trận địa nhờ bóng đêm, vượt kênh vào khu Đồng Tháp Mười an toàn. Quân đội Cộng Hòa coi như hoàn toàn làm chủ trận địa, gồm 2 ấp Tân Thới, ấp Bắc, nhà cháy sáng rực một góc trời. Chiếc C47 chỉ thả năm ba trái sáng rối thôi, không cần thả thêm như dự trù trên 100 trái sáng mở đường chặn địch.
Trung tá Hùng, thiếu tá Thăng đã tổng hợp những tin thu thập trong dân, những người dân đã chứng kiến trận đánh kể như sau. Lực lượng Việt Cộng, tính gộp tiểu đoàn 261 và tiểu đoàn dân quân 514 và quân du kích xã chỉ có 400 người, họ đã giữ vững trận địa, chặn nhiều cuộc tấn công của bom, pháo, thiết vận xa. Vũ khí hạng nặng chỉ có súng cối 60 ly, đại liên 30 ly. Việt cộng chết 18 người, 39 bị thương, một chiến sĩ của họ tên là Dũng mất tích, dù đã đi tìm hai lần không ra xác. Viên tiểu đoàn trưởng 261, chỉ huy cao nhất trận địa, ra lệnh nơi tập kết vào đúng 10 giờ đêm để rút quân. Trong khi rút, mỗi đại đội chỉ để lại một trung đội chặn hậu, họ rút từng phần khá linh hoạt. Du kích địa phương đã tập trung xuồng ở bờ kênh chở người chết và bị thương qua kênh trước rồi dẫn đường cho hai tiểu đoàn rút qua kênh, dân quân du kích phân tán vào khu rừng dừa nước. Những người nông dân chứng kiến trận đánh ở ẩn các hẩm trú an toàn lại trở về các xóm nhà cháy. Mọi phương tiện của đài phát thanh Mặt Trận được chuyển đi trước khi trận chiến xảy ra. Tính thua được qua thương vong, Việt cộng đã thắng, một keo thắng kỳ lạ.
Bản báo cáo trận đánh ấp Bấc và Tân Thới của Tổng nha An ninh quân đội do đích thân đại tá Mậu trình lên tổng thống Ngô Đình Diệm. Cũng đồng thời đồng chí Thành Minh nhận được bản sao chụp của Vũ. Đại tướng Maxwell Taylor tử Thái Lan bay đến Sài Gòn, cuộc họp khẩn cấp được triệu tập. Các cố vấn Mỹ, hàng tướng tá đều có mặt, Huỳnh Văn Trọng nghe qua bọn học trò của anh bàn tán, thuật lại với Vũ:
- Họ nhận là thua trận, nguyên nhân chính là tướng Cao, đại tá Bùi Đình Đạm bất tài, quân đội Sài Gòn bất tài đã đành lại sợ chết, thiếu tinh thần chiến đấu. Mỹ cho rằng thắng Việt Cộng phải có quân đội thiện chiến của Mỹ làm đầu tàu, làm gương cho quân đội Việt Nam, còn nếu chỉ với cố vấn không thôi, không hiệu quả.
Dư luận báo chí Mỹ đưa tin cố vấn quân sự Mỹ đã chết trong trận chiến mở màn, dưới sự chỉ huy của tướng, tá Mỹ. Trong khi báo chí tại Sài Gòn được sự kiểm soát chặt chẽ, sự hướng dẫn tận tình của Bộ thông tin, Nha thông tin Nam Việt góp ý, trận thua trở thành chiến thắng ấp Bắc, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã làm chủ Tân Thới, ấp Bắc, diệt gọn lực lượng du kích giải phóng vùng đất tự do, nhưng không dám nhắc đến cái Đài phát thanh của Việt cộng, ngay đêm đó, rồi sáng hôm sau vẫn truyền tin thắng lợi trận ấp Bắc đi khắp nơi, không ngừng phát buổi nào.

Chương trước Chương sau