Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 24

Điệp viên giữa sa mạc lữa - Chương 24

Điệp viên giữa sa mạc lữa
Chương 24

Ngày đăng
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 8.6/10 với 58861 lượt xem

Những ngày giáp Tết, Sài Gòn bỗng rực rỡ lên với trăm màu hoa thật, hoa giả, bày bán khắp phố chợ. Trong khi ấy, những đợt sóng ngầm từ hậu trường chính trị vẫn đang cuồn cuộn dưới lớp vỏ đã không còn hào nhoáng của chế độ Ngô Đình Diệm.
Cậu út Ngô Đình Cẩn ở Huế được giao trọng trách nuôi mẹ già thay năm anh chị em lo nắm quyền lực quốc gia, coi sóc giỗ Tết phụng thờ ông cha, thế mà năm nay cậu tuyên bố dứt khoát không tổ chức Tết long trọng như mọi năm. Cậu giận vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu đã "vạch áo em ruột mình cho thiên hạ coi lưng", bêu xấu cậu. Cậu phân trần với anh, tổng thống Ngô Đình Diệm:
- Bảy năm qua tui chẳng gởi được đồng tiền mô ra nước ngoài. Lần ni, nghe lời bọn bên dưới khuyên tôi phòng xa, mới chuyển được ít chục triệu đô-la dành dụm được qua ngân hàng Ý, trong khi mụ Lệ Xuân mỗi năm mỗi gởi, bảy năm liền có hàng mấy trăm triệu, chẳng ai dám nói. Đã rứa, Tết năm nay để cho mụ ta lo liệu cúng kiếng, nếm mùi vất vả mà tui đã chịu lâu nay.
Tưởng cậu Út dọa thôi, không ngờ cậu làm thật. Cận Tết, ông Diệm mới được tin báo từ Huế, nhà thờ họ Ngô vẫn đóng cửa im lìm, không một cành hoa trang trí. Bà Nhu khinh khỉnh cười mỉa mai, khi ông Diệm hoảng hốt gọi bà tới giao cho bà phải lo làm. Chẳng có gì khó khăn, vất vả như cậu Út dọa, bà cố vấn lệnh cho bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần chuẩn bị ba máy bay vận tải quân sự, chỉ thị cho số phu nhân trong Hội phụ nữ liên đới, thu gom các loại đặc sản quí hiếm còn tươi, rượu bánh, trà tàu không thiếu loại danh tiếng sản xuất ở châu Âu, Đài Loan, Hương Cảng... Riêng một máy bay đưa hai chục đầu bếp tên tuổi ở Chợ Lớn Sài Gòn ra Huế. Chỉ trong ba ngày chuẩn bị, bà cố vấn đã đại diện gia đình tổng thống sẵn sàng đãi tiệc mừng Tết cổ truyền. Trên 2000 khách, ngoại giao đoàn, các nhân vật quân dân chính quốc nội lũ lượt trảy về cố đô chúc thọ tổng thống, hai vị cố vấn, và tế sống cố bà Ngô Đình Khả. Nhóm người có khuynh hướng chống đối ông Diệm, Nhu năm nay thêm nhiều người vắng mặt trong buổi lễ.
Về vụ Ngô Đình Cẩn chuyển đô-la qua Ý bị lộ. Báo chí Âu, Mỹ khai thác lan sang vụ tổng giám mục Ngô Đình Thục chuyển ngân qua nhờ chương mục của một giáo sĩ người Ý bị lừa gần 100 ngàn đô-la, người ta phát hiện thêm những triệu đô-la trước đó đức cha Thục gởi ra nước ngoài, không kém hơn ai. Bác sĩ Trần Kim Tuyến từ Hồng Kông đã gởi đơn từ chức Đại Sứ, không đi Ai Cập, mà đi sang Anh trình diện cơ quan tình báo Anh, rối tham quan Ý, Pháp.... Ông ta đã gửi cho đại tá Mậu những tài liệu liên quan đến chính quyền Ngô Đình Diệm, không còn uy tín, không được sự ủng hộ của bên ngoài. Trong số tài liệu, còn một bản kê khai bí mật của cơ quan tình báo Anh về con số cả tỷ đô-la mà anh em ông Diệm đã thu vén được trong tám năm cầm quân, so với tổng số tiền gửi ở nước ngoài của những nhà tư sản Việt Nam thì lớn gấp bội. Bản tin của bác sĩ Tuyến được truyền nhanh trong nhóm Tâm Huyết, khích động mạnh tâm tư của mỗi thành viên trong lực lượng quân sự của đại tá Mậu, lực lượng Cần Lao ly khai của cụ Hà Huy Liêm, và lực lượng chính trị của cụ Nguyễn Văn Lực. Tất cả hạ quyết tâm, không chỉ diệt Nhu, Cấn, mà còn mạnh hơn, hạ bệ tổng thống Ngô Đình Diệm, cứu nguy chế độ.
Tết này, Linh Phương người bạn gái thân thiết nhất của Vũ, biết nhau ngay từ những buổi đầu anh có mặt ở Sài Gòn, không chỉ gởi thơ, quà như mọi năm, mà còn đích thân thay chồng về Huế báo cáo công việc làm ăn với cố vấn Ngô Đình Cẩn. Trở về Sài Gòn, nàng đã dành cho Vũ và cô em gái Phù Ninh Đa ba ngày vui Tết với nhau, thật hạnh phúc. Qua những câu chuyện của Linh Phương, Vũ mới biết cái công ty xuất nhập khẩu của cố vấn Ngô Đình Cẩn tại Hồng Kông chỉ với số vốn hơn một tỷ đô-la nhưng hoạt động kinh doanh hàng chục tỷ không thua gì các công ty danh tiếng địa phương. Cẩn đã thu lợi tức hàng năm nhiều trăm triệu, nhờ làm ăn công khai, nhưng lại hoàn toàn lậu thuế xuất nhập vào trong nước.
Linh Phương vẫn còn mặc cảm với Chợ Lớn, Sài Gòn, nơi đã gây ra những vết thương tinh thần mà nàng thú nhận không làm sao lành được. Nàng rủ Ninh Đa cùng lên Đà Lạt sống riêng với nhau hai ngày. Không có Vũ, vì anh đã cùng đại tá Mậu đi công tác ở miền Tây. Chỉ còn lại một ngày, Vũ đưa hai chị em đi Vũng Tàu tắm biển. Tối hôm đó, Linh Phương đưa cho Vũ những bức hình của Sài Kinh Đông, bốn tuổi, con trai nàng, đang ở với bà nội ở Hương Cảng, mỉm cười hỏi Vũ:
- Anh xem kỹ đi, đố anh biết có gì đặc biệt ở thằng bé con em không?
Với một bức hình đứa bé 4 tuổi, dù đã được phóng lớn, rõ nét, Vũ chỉ thấy bé đẹp trai, tươi vui bụ bẫm, chẳng biết có gì đặc biệt. Anh tế nhị im lặng ngắm nghía không dám vội trả lời nàng. Linh Phương nhìn Vũ với ánh mắt đằm thắm, tâm sự giọng nàng như làn hơi thở nhẹ:
- Cho đến ngày gặp anh, em đã qua những năm tháng sống buông trôi theo dòng người thấp hèn ti tiện, thủ đoạn, tàn bạo... Quả tình em không nghi, không hiểu, không biết chút gì về tình yêu nam nữ. Thật bất ngờ gặp anh! ...
Linh Phương ngừng nói, ghé đầu lên vai Vũ, nàng tiếp:
- Không hiểu sao lúc ấy cảm nhận ở ánh mắt của anh có cái gì lạ lùng khiến em thấy em được yêu và biết yêu...
Vũ không trả lời, siết chặt bàn tay Linh Phương, và gật đầu. Giọng Linh Phương dạt dào:
- Từ cuộc sống thể xác không cảm xúc, em như bước sang lãnh vực tình yêu tinh thần. Cứ nhìn vào mắt anh, em cảm nhận được ngay sự an lạc trong lành, tin cậy, trân trọng, tình người, mà từ bao năm qua em không hề có được. Rồi từ đó hễ được anh nhìn thẳng vào mắt, được anh cầm tay, em đã cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện, như mình được yêu, tình yêu của thần linh thật huyền diệu, bí ấn. Nếu như...
Linh Phương ngồi thẳng lên, mỉm cười thật dễ thương với Vũ, ngập ngừng:
- Nếu như... vâng, nếu anh cũng sáp lại em như những người khác, những người đàn ông bình thường, em nghĩ chắc cảm xúc tình yêu thiêng liêng đó sẽ tắt trong em.
Ngừng lại giây lát, giọng nàng sôi nổi hẳn:
- Về sau này em được đọc cuốn Phân Tâm Học của Freud, em tìm ra lý giải. Con người anh được nhìn qua lăng kính thần linh bất diệt trong em, vì đó là tình yêu của em. Em mới càng hiểu cụ Nguyễn Du đã diễn đạt tâm trạng của nàng Kiều nói với chàng Kim "Chứ trinh còn lại chút này mà thôi!" và em nhận chân rằng, khi yêu ai, người ấy trở thành một vị thần linh trong tim mình chớ không phải một xác thịt bên cạnh mình. Em đã nghĩ, một cách hoàn toàn không ý thức, anh đã để lại trong em một cảm nhận làm người, nhân chi vạn vật chi linh. Anh đã đỡ em dậy để làm người, từ đó giúp em ổn định hai mặt cuộc sống, sống như mọi người làm vợ, làm mẹ, đồng thời sống trong tình yêu thầm lặng mà thiêng liêng trong tim em. Chính sự sống tinh thần này lại là điểm tựa vững chắc cho hạnh phúc của gia đình em. Ánh mắt của anh đã ám ảnh em suốt một thời gian dài trong giấc ngủ, trong nhớ nhung, tạo nên bản sao cho đôi mất của con trai em là thế.
Linh Phương cầm bức hình con trai nàng hướng ra ánh sáng để Vũ nhìn kỹ hơn, nàng tiếp, giọng như hơi gió thoảng:
- Thăm thẳm, nhân ái, tự tin là cặp mắt của anh đấy, không phải là của ba nó, anh nhận ra chưa?
Vũ giật mình, nhìn kỹ đôi mắt của bé trai. Anh hết sức cảm động về mối chân tình của Linh Phương. Giọng anh cũng run run:
- Anh cảm ơn em về những gì em đã dành cho anh. Cầu chúc cho con trai em sẽ là nguồn hạnh phúc bền bỉ suốt đời em.
Linh Phương nắm chặt bàn tay Vũ. Anh cảm thấy hơi ấm kỳ lạ, thanh thoát. Hai bàn tay cứ để nguyên như thế, cả hai nhìn nhau, lặng lẽ, trong tiếng sóng biển dặt dìu xa xăm...
Thế rồi ngày chia tay đã đến, Ninh Đa và Vũ đưa Linh Phương ra sân bay Tân Sơn Nhất, hai chị em ghì chặt lấy nhau khóc, như không muốn rời nhau. Vũ không khỏi xúc động. Vũ yêu quý cả hai chị em. Chuyện về họ, quả không ít điều đáng nhớ, không chỉ liên quan tình cảm cá nhân, mà nó đã gắn liền đến sự nghiệp cách mạng Đảng giao cho anh trong những năm dài phục vụ. Vũ nghĩ chắc sẽ có lúc mọi người sẽ biết chuyện về Linh Phương, Ninh Đa, hai nàng Kiều - nạn nhân của thời cuộc, của chiến tranh, biết vùng dậy bảo vệ lòng trung trinh bằng nghị lực phấn đấu của chính mình. Cũng như người anh kết nghĩa của Vũ, anh Huỳnh Văn Trọng, chính anh tự giải thoát mình ra khỏi quá khứ. Anh từng xác nhận, khi tìm ra nhân sinh quan mới, anh thấy mình trẻ hơn, và lớn lên. Vũ không đủ lý luận để phân giải, anh chỉ cảm nhận được rằng, tư tưởng cách mạng đã phát huy từ chân lý cuộc sống.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến lúc này đã trở thành một nguồn tin tức của Vũ qua những thư riêng ông ta gửi cho Vũ. Đồng chí Thành Minh đánh giá cao những thông tin Tuyến gửi cho Vũ sau chuyến đi du lịch ba nước châu Âu về. Tuyến còn gửi thư về cho đại tá Đỗ Mậu, cho nhóm Cần Lao ly khai, những thư này Vũ cũng được biết nội dung. Vũ hiểu tâm trạng của bác sĩ Tuyến, ông ta không còn con đường nào khác, phải bám chặt nhóm đại tá Mậu, hy vọng khi lật đổ được anh em ông Diệm, gia đình Tuyến mới còn đường trở lại quê hương. Đơn từ chức làm đại sứ Việt Nam ở Ai Cập của Tuyến đã gửi về Bộ ngoại giao, coi như một quyết định đoạn tình với chế độ - với người thày một thuở, cũng là một thách đố sinh tử với Ngô Đình Nhu rồi.
Đại tá Đỗ Mậu rất phấn khởi khi nhận được tin của Tuyến, nhanh chóng phổ biến trong nội bộ, phương pháp động viên khá hiệu quả. Đó là những tin Tuyến thu thập được từ cơ quan tình báo Anh ở Luân Đôn, ở chi nhánh tình báo Anh tại Hương Cảng, mà Tuyến đã là thành viên của khối điệp báo địa bàn Việt Nam. Một nhân viên như Tuyến quả là quí hiếm với bất cứ tổ chức tình báo nước ngoài nào vớ đưọc.
Bức thư gần nhất gửi cho đại tá Đỗ Mậu, Tuyến thông báo: Tổng thống Kennedy và tập thể cố vấn đoàn Nhà Trắng đang lo lắng về diễn biến tình hình ở Nam Việt Nam. Cơ quan tình báo Anh nhận định, Kennedy đã chủ quan kéo dài, vì tin cậy quá đáng tập đoàn quân sự Harkins ở Sài Gòn cho là họ đã nắm chắc quyền hành ở Nam Việt Nam, cho nên ông bị bất ngờ khi phát hiện hai thế lực thân Pháp và thân Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam đã liên kết tạo thành lực đẩy anh em Diệm đang lao vào quĩ đạo của De Gaulle, trung lập hóa Nam Việt Nam, đòi phải chấm dứt can thiệp từ bên ngoài. Nếu anh em ông Diệm tuyên bố chống lại can thiệp Mỹ, thì thế lực của Diệm đang yếu sẽ thành mạnh, Nam Việt Nam sẽ lọt vào tay Hà Nội, trong đó có quyền lợi của Pháp theo tinh thần hiệp định Genève, Mỹ sẽ rất khó khăn duy trì sự có mặt của mình ở vùng này để khỏi bị hất ra ngoài.
Cơ quan tình báo Anh cũng xác nhận bản phân tích của nhóm CIA ở Sài Gòn rằng, lực lượng của chính quyền Diệm đã phân hóa, uy tín suy giảm trầm trọng. Ông Diệm dựa vào khối công giáo lúc đầu. Ông ta quên rằng các đảng phái chính trị chống cộng ở Sài Gòn đều trông vào các tôn giáo để có thực lực, để tồn tại. Cả lực lượng quân sự cũng không ngoài qui luật đó. Nay một phần cộng đồng công giáo chống cộng ở Bắc di cư vào Nam vẫn hướng về phía Pháp, lớp mới ủng hộ Mỹ thì chưa đủ mạnh hơn; lực lượng đảng phái, cả quân lực Việt Nam cộng hòa, cũng từ đó mà phân hóa làm hai phe: ủng hộ Mỹ hoặc thân Pháp. Các tôn giáo khác, đặc biệt là Phật giáo, anh em Diệm đã đẩy về phía Mặt trận hoặc các nhóm đối lập tự do khai thác, anh em ông Diệm rõ ràng đã bỏ mất thời cơ, nay cứu gỡ không còn kịp. Cơ quan CIA đánh giá, các tôn giáo gốc đạo Phật ở miền Nam Việt Nam vốn có quyết tâm chống cộng hơn lúc nào hết, Mỹ phải hỗ trợ cho họ, để phá vỡ ý đò trung lập hóa miền Nam Việt Nam mà Pháp, Hà Nội và cả anh em ông Diệm đang tính toán.
Kennedy đã phải tổ chức những cuộc họp với các cố vấn để có quyết định của Bộ ngoại giao. Ngoại trưởng George Ball ký bức điện gửi cho đại sứ Nolting ở Sài Gòn: "Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng thêm nữa vai trò đầy quyền lực của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Chúng ta mong dành cho ông Diệm cơ hội cuối cùng, hợp lý, để ông ta phái loại ông Nhu. Nhưng nếu ông Diệm vẫn ngoan cố, chúng ta sẵn sàng nói thằng cho ông ta hiểu, Hoa Kỳ không ủng hộ ông ta thêm nữa. Ông đại sứ có thể thông báo các Tư lệnh quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn biết, không yểm trợ nữa nếu ông Diệm ngoan cố. Và cũng phải nói thẳng với các tướng lĩnh Việt Nam mà chúng ta tin cậy, tất nhiên không để anh em ông Diệm biết rằng đòi hỏi của chúng ta trước hết là không có vợ chồng ông Nhu bên cạnh ông Diệm. Như vậy, chúng ta sẵn sàng chấp nhận ông Diệm để giữ tình hình ổn định." Tuyến thông báo thêm, tổng thống Mỹ đã cho phép cơ quan tình báo CIA tại Sài Gòn tạo một áp lực buộc ông Diệm không thể ù lì, như phát động đấu tranh trong giới hạn chỉ nhằm đạt đúng mục đích yêu cầu, không đi xa hơn đề phòng cả hai mặt gây bất lợi.. Đại tá Mậu giải thích "hai mặt" Mỹ e ngại, tức là hai thế lực chủ trương trung lập miền Nam mà ông Nhu đã toan tính nhảy vào đó.
Một đoạn điện văn, Tuyến ghi lại, của tướng Harkins điện về Tòa Bạch ốc khi ông ta nhận được lệnh của Kennedy hỗ trợ hành động cảnh cáo ông Diệm: "Tôi đề nghị lúc này, chúng ta cố gắng đừng thay ngựa quá sớm, e làm cho chủ trương trung lập sẽ phát triển mạnh lên." Vũ thấy được vấn đề đã xác định ý đồ quyết liệt của Mỹ phải nắm vững Nam Việt Nam sớm hơn, không thể nhân nhượng thêm nữa, khi cần tính sổ cả với Diệm. Đại tá Đỗ Mậu tỏ ra tâm đắc về mẫu điện văn của tướng Harkins cũng giống như ý ông chỉ cần giết vợ chồng Nhu, Diệm chẳng còn gì để gây nguy hiểm cả. Tình cảm đối với ông Diệm vẫn còn chiếm một chỗ đứng trong lòng đại tá Mậu.
Trong lúc đó, công ty phát hành phim ảnh tung ra cuốn phim "Cuộc đời Đức Phật Sakya" về cuộc đời của Siddharta Gautama, luân phiên chiếu khắp các rạp ở Sài Gòn, Nha Trang rồi Huế trước kỳ lễ Phật Đản. Những cây viết phê bình hầu như chờ sẵn, rất nhanh tung ra những luận điệu kích động cộng đồng Phật tử. Tuần tự, Thượng tọa Thích Tâm Châu tức khắc cho ra mắt ủy ban Liên Phái Phật Giáo, chỉ nhằm mở một đợt chiến dịch chống cuốn phim dám bôi bác xuyên tạc Đức Phật, cho rằng chiếu cuốn phim đó là kỳ thị tôn giáo. Bộ thông tin tức khắc ra lệnh cắt đoạn Đức Phật hồi còn là Hoàng tử và sinh hoạt của cung tần phi nữ trong cung đình. Thượng Tọa Tâm Châu chỉ cần có vậy, tập họp, thực tập rồi chuyển vào chiều sâu, chờ đợi ủy ban Liên Phái Phật Giáo ra đời và tồn tại.
Tình hình bề ngoài có vẻ ổn định nhưng trong dân chúng xuất hiện một câu ca dao truyền miệng khắp chợ búa, khắp chốn đông người, nhanh không kém chi truyền thông điện tử:
"Nhà Ngô có bốn gian hùng. Diệm ngu, Nhu ác Cẩn khùng, Thục điên". Giọt nước đã làm tràn ly ấm ức của người dân bị đòn nén lâu rồi, nay có chủ trương từ một phía quyền lực, báo hiệu sức bùng lên sẽ nhanh và sẽ rất mạnh!
Chiều thứ bảy, đại tá Mậu giữ Vũ ở lại cùng ăn cơm, có cả thiếu tá Thăng, trung tá Độ. Ông mời mọi người cùng đi thăm cụ Nguyễn Văn Lực ở chùa Suối Tiên. Trời sụp tối, hai chiếc xe nối đuôi nhau phóng lên Biên Hòa. Không chỉ cụ Lực có mặt, mà có cả thượng tọa Thích Tâm Châu và một đại đức trẻ cao lớn, được giới thiệu là Thích Thiên Ân. Mọi người vui vẻ đón tiếp đại tá Mậu, Vũ, và hai sĩ quan tùy tùng. Thượng tọa Thích Tâm Châu tỏ vẻ hài lòng thông báo cho các vị khách biết về hoạt động của ủy ban Liên Phái Phật Giáo phản đối chiếu phim "Siddharta Gautama" mà ông cho rằng đã đánh cho Nhu Diệm một đòn bất ngờ rất thành công.
Trong khi Nhu chưa kịp phản ứng, thì thượng tọa Thích Tâm Châu thấy rằng mục đích đã đạt, đã tức khắc thu hồi lực lượng, để không dành cho Nhu cơ hội phản công, đồng thời làm tăng thêm sự chủ quan của ông Diệm về uy lực của chế độ. Thế nhưng nhân sự kiện này, báo chí Mỹ lại tung ra chiến dịch tấn công tổng giám mục Ngô Đình Thục về việc ông tổ chức lễ Ngân Khánh 25 năm giám mục, không ở phạm vi giáo phận Huế và Vĩnh Long mà tổ chức trong toàn quốc. Báo chí Mỹ đặt câu hỏi: "Phải chăng ông muốn gây ảnh hưởng tới Tòa thánh Vatican sẽ chấp thuận phong Hồng Y trong dịp này cho ông ta chăng?" Đúng là nhờ sự trùng hợp giữa lễ Ngân Khánh và việc chiếu cuốn phim "Siddharta Gautama" khiến ông Nhu cũng không muốn, và không thể mạnh tay với cái ủy ban Liên Phái Phật Giáo vừa ra mắt đã rút ẩn vào các chùa, thực chất vẫn còn đó với danh xưng ra đủ.
Qua câu chuyện, Vũ được biết đại đức Thích Thiên Ân, tu học tại Nhật Bản từ nhỏ, có bằng cao học Phật học, mới về nước được vài tuần nay cùng với vài chục đại đức cùng trang lứa, họ tu học ở Đài Loan, ở Nam Hàn và Nhật. Các đại đức này đã được các vị thượng tọa thu nhận về, một số đông đã được đưa ra Huế, Nha Trang. Theo thượng tọa Tâm Châu, đây là lực lượng có khả năng làm đòn xeo cho giáo hội Phật giáo sau này.
Vũ nghĩ đến một thế lực có tầm cỡ chiến lược, có trong tay một kế hoạch qui mô, nhưng anh không có cơ hội tìm hiểu vào lúc này. Những ngày sau đó, tình hình Phật giáo đã có sự chuyển biến, đôi nơi sôi động không khí âm ỉ chống chế độ lan ra tới Huế, Nha Trang, không chỉ ở Sài Gòn... Cố vấn Ngô Đình Nhu vẫn không mấy quan tâm về phong trào quần chúng, mà chú trọng đến bạo lực, sức mạnh của vũ trang. Đề phòng phe quân sự làm liều, ông Nhu lo vạch kế hoạch chống đảo chính, rồi kế hoạch giả đảo chính, để diệt bọn âm mưu đảo chính, duyệt lại các lực lượng bố phòng. Chỉ riêng xung quanh khu vực dinh Gia Long, có 8 tiểu đoàn, phân nửa là cảnh sát dã chiến, phân nửa là lực lượng đặc biệt của Lê Quang Tung, chiếm hết các cao ốc, các vị trí thuận lợi có khả năng kiểm soát mọi sự xâm phạm vào khu vực cấm quanh dinh, khu vực cần có an ninh tuyệt đối, bảo đảm sự sống còn của lãnh tụ của cấp lãnh đạo chế độ.
Sau vụ ủy ban Liên Phái Phật Giáo ra mắt, ông Nhu đưa ngay hai lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Dù về thủ đô tăng cường phòng vệ. Đây là hai binh chủng thiện chiến, tin cậy của chính quyền ông Diệm. Sài Gòn lúc này như một trại lính. Vũ nhận thấy đại tá Mậu, người chủ trương tập hợp lực lượng của nhóm Tâm Huyết, không tỏ vẻ lo âu. Một buổi chiều, đại tá Mậu rủ Vũ cùng đi thăm lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, do trung tá Lê Nguyên Khang chỉ huy. Bộ chỉ huy lữ đoàn đóng tại văn phòng của Viện Đại học Sài Gòn góc đường Duy Tân - Trần Quí Cáp. Không có mặt trung tá Khang. Trung tá phó tư lệnh Nguyễn Bá Liên đại diện lữ đoàn đón tiếp đại tá Mậu, và Vũ, không phải trong phòng, mà ở một góc vườn mát mẻ, có sẵn bàn nước dành cho ba người.
Trung tá Nguyễn Bá Liên theo đạo Tin Lành, là một sĩ quan được đào tạo ở Mỹ, có căn bản, tinh thần chiến đấu cao, có khả năng chỉ huy, binh lính phục tùng. Anh ta kể lại những năm tháng hành quân chiến đấu khắp các chiến trường rồi lan man qua những chứng cứ, chứng minh sự suy thoái của chế độ, nông thôn mất an ninh, nạn cường hào ác bá hoành hành, dân chúng đã mất lòng tin ở chế độ và cả ông Diệm. Liên tỏ vẻ lo âu nghi ngờ sự lãnh đạo quốc gia của anh em ông Diệm. Bất chợt, đại tá Mậu hỏi Nguyễn Bá Liên:
- Anh có nghĩ rằng tình hình suy thoái như thế kéo dài, quân đội có thể đứng lên làm binh biến lật đổ ông Diệm không?
Vũ giật mình, lo ngại đại tá Mậu nóng vội có thể làm cho Liên nghi ngờ. Nhưng ngay sau đó Vũ lại không khỏi ngạc nhiên khi thấy trung tá Liên vẫn bình tĩnh, khẽ nhún vai, đáp:
- Tôi cho là có thể, thưa đại tá. Trong lữ đoàn chúng tôi, trừ đại úy Bằng gốc Công Giáo Bắc di cư, các sĩ quan khác đều tỏ ra bất bình hành động của ông bà Ngô Đình Nhu. Cụ thể như đại úy Nguyễn Phúc Quế, tay này đã đậu y khoa bác sĩ tại Pháp, vẫn tình nguyện vào quân đội chiến đấu cho đến bây giờ. Rồi các đại úy Trần Văn Nhật, Lê Hoàng Minh em ruột Lê Minh Đảo, đều là những tiểu đoàn trưởng dây tài năng, chiến đấu rất can trường, dám sống chết vì tự do, vì chế độ, quyết diệt Cộng sản, sắn sàng bảo vệ mảnh đất miền Nam này. Tất cả đều tỏ ra thất vọng về cụ Diệm.
Mậu trầm ngâm đốt thuốc, suy nghĩ giây lát, rồi ông ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt viên tư lệnh phó lữ đoàn:
- Anh biết đấy, tôi đá có 20 năm phò ông Diệm, nếu nay lại đứng lên phế bỏ ông ta thì có bị người đời chê trách thiếu thủy chung không?
Nguyễn Bá Liên tỏ vẻ khẳng khái:
- Thưa đại tá, ba tôi cũng là chiến hữu một thời của ông Diệm, đến đời tôi vẫn tiếp tục chiến đấu vì ông Diệm, như vậy ông Diệm còn mắc nợ đại tá nợ cha con tôi, chúng ta có mang ân nghĩa gì ở ông ta? Huống chi đối với quốc gia dân tộc, nếu đại tá hành động vì cái nghĩa chung thì ai có thể trách nhỉ?
Ông Mậu nói nhỏ nhẹ nhưng đầy vẻ nghiêm túc trang trọng:
- Rất cảm ơn anh, các anh đã hiểu tôi.
Vũ nhận thấy đại tá Mậu đã chinh phục, qui nạp trung tá Nguyễn Bá Liên tức là kéo thêm về lực lượng của ông cả một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến vốn là đơn vị được tiếng trung thành của ông Diệm, quả là một thuận lợi không nhỏ. Anh nghĩ đến quyền lợi xuất phát từ động cơ cá nhân người ta dễ cảm thông, chấp nhận. Đúng như lời phân giải của Liên: "Chính ông Diệm mắc nợ đại tá 20 năm phục vụ, mắc nợ cha con tôi hai đời xả thân, chúng ta chẳng ân nghĩa gì với ông Diệm?" Với cái đà tương tự đó, lực lượng của nhóm Tâm Huyết do đại tá Mậu đứng ra tập họp mỗi ngày một lớn lên, và không lâu, tin báo động đã đến tai anh em ông Diệm.
Cố vấn Ngô Đình Nhu đã trả lời câu hỏi của bộ trưởng Huỳnh Hữu Nghĩa: "Lấy bằng chứng đâu để trị Đỗ Mậu? Đừng lo, tôi đã có kế hoạch bổ lưới tóm gọn bọn chúng một mẻ." Còn tổng thống Diệm rầy la ông già Ân, khi người đầy tớ trung thành tỏ ra lo lắng: "Thằng Mậu theo tui từ hồi còn là lính hầu khố xanh. Nay mai tui cho hắn lên tướng, tài trí của hắn đến rứa là mãn nguyện quá rồi. Hắn phản tui, theo ai để được hơn nào? Hắn đâu có ngu, đừng nghe lời đồn bậy bạ? "
Dù anh em ông Diệm chủ quan, coi thường đại tá Mậu, ông Mậu vẫn nghe lời khuyên của mọi người, bằng lòng để thiếu tá Trần Văn Thăng tuyển một nhóm lính công binh đến cải tạo căn nhà số 11 Gia Long của đại tá Mậu thành một cứ điểm bảo vệ an toàn, chắc không kém căn hầm bí ẩn của hai anh em ông Diệm tại dinh. Người ta mở khoảng tường phía sau thông sang nhà của trung tá Bùi Quí Cảo, tức là thông qua đường Lê Thánh Tôn. Trung tá Cảo hiện phục vụ ở đơn vi hành chính kế toán Bộ Quốc phòng, cũng là chiến hữu tâm huyết của đại tá Đỗ Mậu. Rồi từ nhà trung tá Cảo, có con đường bí mật chuyển đến căn nhà năm tầng lầu gần đó, là nhà của Thái Văn Châu phó chủ tịch Phòng Thương Mại Sài Gòn, đã nhường cho Nhóm Cần Lao ly khai sử dụng. Phòng làm việc của đại tá Đỗ Mậu được đặt ở lầu 5, phía trên là mái bằng, trực thăng có thể đậu được Bất kể lúc nào, sẵn sàng có trực thăng riêng của trung tá Nguyễn Cao Kỳ đến phục vụ. Lực lượng an ninh quân khu thủ đô là đơn vị cận vệ của đại tá Mậu, đã được lệnh nổ súng trong khu vực cấm mọi sự xâm nhập, hoặc bất kể hiện tượng nào nghi ngờ ám hại đại tá Đỗ Mậu phải nhanh chóng loại trừ. Không có tuyên chiến công khai, nhưng rõ ràng phía đại tá Mậu đã mặc nhiên nhảy lên lưng cọp sắn sàng đối đầu, không phải với ai khác, mà chính là anh em ông Diệm.
°
Mới sáng sớm, anh Huỳnh Văn Trọng đã đến đón Vũ đi ăn điểm tâm, sau đó cả hai cùng đi lại Trung tâm Nha Tuyên úy công giáo thăm linh mục Cao Văn Luận mới ở Huế vào.
Linh mục Thuẫn bận công việc không có mặt. Cha Luận lại không được vui vẻ như mọi lần. Trông thần thái Vũ đoán cha đang băn khoăn gì đó. Không giấu diếm, cha tâm sự:
- Đúng vậy, có vài vấn đê xảy ra làm tôi lo lắng. Đó là vụ tổ chức lễ mừng Ngân Khánh 25 năm giám mục của đức cha Ngô Đình Thục. Mãi đến 29-6 (1963) tới mới là ngày lễ, nhưng cuối tháng ba cha đã thúc giục ông Trương Vĩnh Lễ chủ tịch Quốc hội, ông Huyền chủ tịch Thượng viện thành lập ủy ban tổ chức mừng lễ. Cả hai đã gửi thư mời các vị Viện trưởng Đại học Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt và tôi cùng với ông Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Quang Trình về đây họp bàn chương trình tổ chức lễ. Theo ý đức cha Thục, phải coi như Quốc lễ, không chỉ tổ chức ở trong phạm vi giáo phận Huế, mà ở tất cả các địa phận, các tỉnh đều phải tổ chức đồng loạt. Địa phận Sài Gòn coi như Trung tâm chủ trì, là địa điểm chính. Đức cha Thục hy vọng ngày đó phái đoàn Tòa thánh Vatican đã nhận lời đến mừng, hy vọng sẽ mang theo quyết định vinh phong Hồng Y cho đức cha. Cha Bửu Dưỡng đã tin cho tôi biết, cha lấy cớ yếu đau không tham gia ủy ban tổ chức. Cha đã gặp đức khâm mạng Tòa thánh, ngài nói nhỏ với cha Dưỡng rằng vì có nhiều người chống đối, nên Bộ quốc vụ khanh toà thánh chưa phong Hồng Y cho bất cứ ai của giáo hội Việt Nam trong thời gian này được. Nhưng bạn bè ở Vatican chưa thông báo cho đức cha Thục biết. Một số các tỉnh trưởng không có đạo, biểu lộ bất bình, như các ông biết đấy, tỉnh trưởng bây giờ đều là quân nhân, họ kiêm chỉ huy trưởng Tiểu khu quân sự, các địa phương không còn ổn định như trước, họ phải lo việc an ninh, nên phản đối không chịu đứng ra tổ chức lễ tôn giáo. Lẫn lộn việc tôn giáo với việc quốc gia là sai rồi, trách cứ họ sao được. Ông Cẩn ở ngoài đó, ông Nhu ở đây đã biết vụ này. Cũng không muốn vấn đề này sẽ gây dư luận không lợi, nhưng vì các ông ấy coi trọng quyền huynh thế phụ không dám làm phật ý ông anh giám mục, ngay cả tổng thống Diệm cũng chỉ "ậm ừ", dù không bằng lòng, cũng không dứt khoát.
- Còn việc thứ hai là tình hình sinh hoạt Phật giáo của lực lượng sinh viên Đại học Huế, sinh viên, học sinh Huế gốc đạo Phật chiếm đến tám, chín mươi phần trăm. Chúng và gia đình chúng rất mộ đạo Phật. Vài năm nay, có ba giáo sư sinh ngữ người Úc giảng dạy ở đại học Huế, lại đỡ đâu cho tập thể sinh viên, cho tổ chức nhiều buổi hội thảo giáo lý Phật giáo, rồi sinh hoạt hướng đạo gắn liền với gia đình Phật tử đã thành nếp. Gần đây lại có tổ chức Juspao, thông tấn xã Hoa Kỳ, liên hệ giúp đỡ lập các nhóm sỉnh viên săn bắn dưới biển, sinh viên thể thao khỏe, tạo điều kiện cho phong trào sinh viên Phật tử, tập trung lực lượng khá thuận lợi. Sinh viên Đại học, liên kết với học sinh Trung học, rồi gắn với chùa chiền, từng bước mạnh lên. Phần tôi, các ông hiểu chứ, lo cho sinh viên học đạo đức học văn hóa, rõ ràng bọn chúng sống trí thức và trong sáng, đúng như tinh thần cộng đồng, đối thoại, liên kết tôn giáo, nền tảng của giáo dục, nguyện vọng chung của bậc làm thầy. Vậy mà đức cha Thục đã kêu tôi vào rầy la đã dễ dãi để cho lực lượng Phật tử làm chủ đại học Huế, trong khi chính tôi, một linh mục làm viện trưởng, đức cha bảơ tôi xin từ chức khi đã nhận ra sự bất lực của chính mình. Không rõ tại sao tin tôi bị đức cha rầy la dọa cắt chức Viện trưởng lại đến tai sinh viên, bọn chúng định làm lớn chuyện, quyết bảo vệ tôi, tôi phải khuyên răn mãi bọn chúng mới tạm yên cho. Vào đây, tôi đã trình với tổng thống, cụ khuyên tôi bình tĩnh lo vụ lễ mừng Ngân Khánh cho chu toàn, để đức cha quên đi việc đó nhưng tôi đã khước từ.
Cha Luận buồn phiền thật sự, anh Trọng và Vũ chẳng biết dùng lời lẽ gì để chia sẻ an ủi cha, nên im lặng. Lát sau cha Luận tiếp:
- Tôi đến với Trường đại học Huế chỉ với thiên chức phát huy văn hóa thân túy và đạo đức làm người cho lớp trẻ. Chính trị không thể tự do hoành hành trong lãnh vực đại học do tôi điều khiển. Tôi đã hứa với ông Cẩn, tôi không để giáo sư lẫn sinh viên lợi dụng trường Đại học làm điểm tập trung sách động chính trị. Nhưng đạo giáo theo tôi lại là nhu cầu để đào tạo con người, không thể kỳ thị. Tôi đứng về phía sinh viên của tôi.
Cuối cùng cha Luận cho anh Trọng và Vũ hay, cha sẽ rời Huế ít tháng, không phải để vào đây mà sang Mỹ. Cha đã chuẩn bị xong giấy tờ, nhờ đại học Michigan điện mời cha qua nhận số phương tiện hiện đại xây dựng cho Viện Đại học Huế một phòng thí nghiệm y học như chương trình của cha xin chi viện đã được chấp thuận. Với cái cớ hợp lý này cha đã trực tiếp xin phép Tổng thống, ông chấp nhận rồi. Rời Huế lúc này, cha tự giải thoát được khỏi sự khống chế của đức cha Thục, không tham gia ủy ban lễ mừng Ngân Khánh đang gây dư luận mỉa mai, tránh được phong trào sinh viên Phật tử đòi cha phải đứng về phía họ mà cha không thể nào từ chối, để phải đối đầu với đức cha Thục.
Anh Trọng và Vũ nhận nhiệm vụ với cha, thông báo với linh mục Bửu Dưỡng tìm phương cách báo động với tổng thống Diệm nên ngăn hành vi quá đáng tạo nên sự kỳ thị với Phật giáo, với các tôn giáo khác đã có quá trình nuôi oán hận chưa tan. Về tình hình Phật giáo ở Huế, cha Luận đã thấy có hiện tượng không bình thường, nếu ông Diệm không thay đổi chính sách đối xử, sẽ là mối nguy hiểm đối đầu của chế độ.
Từ giã linh mục Luận, hai anh em ra về. Trên đường đi Trọng và Vũ tiếp tục trao đổi về nhưng điều linh mục Luận đã nói. Anh Trọng bổ sung thêm một số thông tin để xác định mối lo của cha Luận là có cơ sở:
- Không chỉ ở Huế, mà chính CIA ở đây cũng đã qua lại với các nhà sư ở chùa Xá Lợi, Ấn Quang liên lạc với lực lượng sinh viên, các huynh trưởng gia đình Phật tử tại trường Đại học Sài Gòn gần như công khai, trước đây quả chưa hề thấy. Tôi nghĩ, có khả năng bọn Mỹ đang nhúng tay vào lực lượng Phật giáo, chẳng phải vì mục đích tôn giáo, mà nhằm mục đích chính trị. Từ trước tới nay hễ nói đến hoạt động Phật giáo, anh em ông Diệm thường gắn ngay với hoạt động Việt cộng, có thể vì bộ phận Phật giáo đã từng sát cánh với Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp mà ông Diệm thành kiến chăng? Mới đây, có dư luận trong cuộc họp nội bộ, ông Nhu đã úp mở lên án CIA đang muốn sử dụng Phật giáo gây sức ép buộc tổng thống Diệm gạt ông ta ra khỏi chính phủ, có thể là sự thật. Chú nghĩ sao?
Với ý muốn người anh nuôi nắm được vấn đề để củng cố quan điểm chính trị của anh, Vũ phân tích:
- Phía Mặt trận có mục tiêu đấu tranh rõ ràng là Độc lập, thống nhất Tổ quốc, có chính sách đoàn kết, đại đoàn kết, rộng rãi. Mặt trận cho đó là sắp xếp hay tập họp lực lượng cách mạng, phần đối ngoại coi là đồng minh. Khi mọi người, mọi quốc gia xác nhận Mỹ là kẻ thù của mình, thì Mặt trận coi như bạn - kẻ thù của kẻ thù mình là bạn mình. Vì có sự phân biệt bạn thù minh bạch mà Mặt trận đã thu hút được đa số trí thức nhân sĩ yêu nước, vì mục tiêu độc lập dân tộc, nếu chưa tham gia thì cũng được ủng hộ. Các nước chống Mỹ cũng được coi là đồng minh của Mặt trận. Trong khi đó anh em ông Diệm đã phá bỏ bình phong dân chủ tự do mà người Mỹ đã tốn công sức tiền của khá bộn tạo dựng lên. Bằng chính sách gia đình trị, độc tôn, họ đã gây oán thù trong nội bộ, trong các tôn giáo. Mỹ đã cố gắng nhiều để cảnh tỉnh ông Diệm, làm binh biến để đuổi Nhu, Cẩn, đặc biệt là bà Nhu, cốt xóa cái "gia đình trị" độc quyền này. Nhưng không những không chịu rút kinh nghiệm mà anh em Diệm còn ngoan cố gây mất lòng người đậm hơn. Tình thế này làm sao thắng nổi Mặt trận? Chắc chắn Mỹ phải tính chuyện "thay ngựa" thôi, theo cách nói của họ. Nhưng phải che giấu cái quyền quyết định là ở tòa Bạch ốc, tránh tiếng trước sự quan sát của thế giới, Mỹ sẽ phù phép tạo thành cuộc thanh lý nội bộ nhưng không vượt ra ngoài quy đạo Mỹ. Họ sẽ làm cách nào đó để một mặt đức cha Thục, tổng thống Diệm nếu cần thiết phải giữ lại, thì họ phải tỏ ra biết điều, mặt khác tranh thủ được sự tin cậy, nhằm có được một lực lượng Tôn giáo mà Mỹ thì rất tin Tôn giáo là phải chống Cộng sản vô thần, sách của Mỹ làm sao sai? Đẩy Phật giáo, cảnh tỉnh ông Thục, răn đe ông Diệm, Mỹ có khả năng việc gì cũng có thể làm được, mà chắc làm sớm đấy.
Trọng gật gù đòng tình, nhưng không khỏi băn khoăn:
- Nhưng, nếu Việt cộng dựa vào vụ này làm tới thì Mỹ tính sao? Có chặn kịp không?
- Đã có một nhân vật Mỹ tầm cỡ hỏi đại tá Mậu điều này, anh biết không? Ông Mậu đã lục một tờ báo Paris Match đưa cho người Mỹ xem tấm hình ngoài bìa, một anh bộ đội cụ Hồ khi vào một khu công giáo để tiếp thu vùng quân Pháp vừa rút vào Nam, bị giáo dân giết chết, trong tay còn nầm chặt khẩu súng. Bên dưới ghi hàng chữ: "Khẩu súng có đạn đã lên nòng, nhưng anh bộ đội cụ Hồ chấp nhận cái chết, không chịu nổ súng vào người dân!" Đại tá Mậu giải thích với người Mỹ rằng, "Cộng sản mạnh nhờ chính sách đoàn kết, họ bảo vệ sự đoàn kết như giờ gìn con ngươi trong mắt mình. Với chính sách đó, họ sẽ không dựa vào mâu thuẫn nhất thời giữa hai tôn giáo để giành lợi thế." Và ông Mậu đã khuyên người Mỹ cứ yên tâm thực hiện kế hoạch của họ.
Trọng khẽ thốt lên:
- Đại tá Mậu đáng nể thật!
°
Và rồi lễ Phật Đản của giáo hội Phật giáo đã đến. Khác với thời xưa, cái thời "trẻ chơi nhà, già chơi chùa" ngày Phật Đản chỉ tổ chức ba ngày 14, 15, 16 âm lịch, bây giờ mùa Phật Đản kéo dài đến 10 ngày từ giữa tuần trăng tháng tư âm lịch. Tại cố đô Huế vốn là trung tâm của giáo hội, hầu hết các gia đình đêu tổ chức bàn thờ Phật tại gia. Các gia đình Phật tử trở thành Hội đoàn xã hội, có tổ chức qui mô, sinh hoạt tập thể, tham gia lễ Phật. Các nhà đều treo cờ Phật giáo trước nhà, cờ lớn 5 màu phấp phới khắp chùa chiền. Khắp nơi khách thập phương lũ lượt đến chùa lễ Phật, khói hương bốc cao quyện mờ cây cỏ cố đô.
Năm nay người ta nhận thấy khác hơn năm trước. Cờ Phật giáo mới tinh, khổ lớn hơn, bay rợp trời Huế. Trùng hợp với dịp này là cuộc hành hương về đất thánh La Vang của giáo hội Công giáo, nơi Đức Mẹ hiện lên từ thời xa xưa nào đó được ghi dấu bằng ngôi giáo đường La Vang bên này sông Bến Hải thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Tổng giám mục Ngô Đình Thục mới hôm trước đến nhà thờ La Vang làm lễ, ngày hôm sau trở về, Ngài ngỡ ngàng khi xe chạy giữa rừng cờ Phật giáo. Ngài nghĩ, chỉ ít ngày nữa, phái đoàn Tòa thánh Vatican, các đoàn khách Giáo hội phương Tây, qua đây mừng lễ Ngân Khánh của Ngài, chứng kiến cảnh cờ Phật giáo giăng mắc khắp phố phường, họ sẽ rất thắc mắc những điều đức cha đã thông báo nhân chuyến công du Pháp, ý của Ngài mới đây, rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam đã lớn lên như người khổng lồ, đất nước mến yêu của ngài xung đáng được ân sủng, có một Hồng Y chăn dắt đàn chiên đông đảo, trung thành, hiếu để, luôn vâng phục đức Thánh Cha.
Đức cha Thục lệnh cho bác tài xế già tăng tốc chiếc xe riêng lộng lẫy về ngay dinh tỉnh trưởng Thừa Thiên, kiêm thị trưởng thành phố Huế, ông Nguyễn Văn Đẳng. Viên tỉnh trưởng bị ngài khiển trách nặng nề, không còn đường đối đáp. Nhận lệnh miệng của đức cha, ông Đẳng mời các cán bộ đầu ngành họp khẩn cấp, phân công chia nhận từng khu vực kéo quân đi hạ cờ Phật giáo đài phát thanh và xe loa khắp nơi nhắc lại luật pháp của chính phủ, cờ Tôn giáo chỉ được phép treo ở nơi thờ phượng đình, chùa, nhà thờ, không được phép treo ở tư gia.
Nhưng cố đô Huế năm 1963 có gì đó đã đổi khác rồi. Những năm trước mỗi khi cụ "Cố vấn Trung nguyên, Trung phần và hải ngoại" ban lệnh như vậy thì người dân không những vâng phục, mà còn run rẩy sợ hãi. Lần này những lá cờ Phật vẫn ương bướng tung bay, buộc cảnh sát, linh bảo an phải tự lo liệu lấy. Một vài nơi dân chúng phản ứng mạnh, có khi xô xát, cãi vã diễn ra. Các vị sư lãnh đạo Giáo hội, có danh tiếng như các hòa thượng Thích Tinh Khiết, Thích Thuyền Tôn, Thích Đôn Hậu, các thượng tọa Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Mật Nguyện, Thích Thiện Siêu... cũng mở hội nghị khẩn cấp tại chùa Từ Đàm, cử đại biểu lên gặp viên tỉnh trưởng Thừa Thiên. Ông tỉnh trưởng thêm một lần hoảng hốt, bèn đổ cho lệnh của chính phủ Sài Gòn, Huế chỉ biết thi hành, không cách nào khác được.
Sáng ngày 15 âm lịch, ngày chính lễ Phật Đản, tức ngày 8-5-1963 dương lịch, đồng bào Phật tử cả thành phố Huế, một phần dân của tỉnh Thừa Thiên kéo về chùa Từ Đàm, Chùa Diệu Đế, chùa Linh Quang... đông đảo khác thường. Trên tay mỗi Phật tử là một lá cờ nhỏ, mỗi đoàn người một cây cờ lớn dẫn đầu, Huế rợp bóng cờ bốn màu, các chùa đông nghẹt Phật tử đến nghe thuyết pháp và nghe thông báo "Cờ Phật bị hạ, đạo Phật bị kỳ thị, không chấp nhận chính sách độc tôn?" Trước cảnh rừng người và rừng cờ, tự nhiên bị kích thích tự hào về sức mạnh, có những tiếng hô vang, loan xa, sau đó cả rừng người đòng thanh phản đối lệnh của Chính phủ, thời cơ để phát tiết mối hậm hực bị đè nén quá lâu. Suốt cả ngày Huế sục sôi. Chính quyền Thừa Thiên sợ hãi, không chịu dành chương trình truyền giáo trên đài phát thanh cho đại biểu Phật giáo như thường lệ lại cắt bỏ, tức là đã tự đổ dầu vào lửa. Phật tử lũ lượt kéo về đài phát thanh Huế, và súng nổ, người chết, xe thiết giáp của quân lực Việt Nam Cộng hòa lao vào đám đông, chà lên thân người, những chiếc xe hai bên hông có sơn chữ tên "Ngô Đình Khôi", anh ruột của năm người em đang lãnh đạo chế độ, là chiến sĩ chống cộng, đã chết cho sự nghiệp "Cách mạng quốc gia" từ cái thời ông Khôi là Tổng đốc của nhà nước bảo hộ của Pháp, đã hợp tác với phát xít Nhật, bị nhân dân xử tử hình.
Áp suất phẫn nộ của đồng bào Phật giáo cố đô chuyển từ cơn lốc lùa vào Nam lập tức biến thành cơn bão, thổi qua Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, tụ thành tâm bão ngay tại Sài Gòn, nơi đầu não của chế độ. Chiều ngày 11 tháng 6, từng đoàn sư sãi, ni cô phật tử, tạo thành những dải màu vàng, nâu, xám, chuyển động từ nhiều ngả, sát cánh nhau khắp lòng đường, táp trung về ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt tạo thành vòng xoáy tròn, bao vây quanh vị sư già ngồi thiền trên mặt đường ngay giữa ngã tư. Ánh nắng nửa chiều còn gay gắt, mặt đường nhựa nóng bỏng bốc hơi hừng hực. Hai nhà sư trẻ nhanh chóng xách đến một can xăng, kính cẩn tưới đẫm áo vị sư. Xăng chảy tràn khắp chỗ ngồi, hơi bốc bay ra sặc sụa. Vị sư già vẫn bình thản kỳ lạ, bàn tay giữ quyết giơ cao ngang tầm mắt, bàn tay trái với chuỗi tràng hạt đặt đứng trên ngực. Ngọn lửa phừng lên, vị sư lặng lẽ bất động trong vòng lửa đỏ. Tiếng cầu kinh đồng lúc vang lên, xen lẫn tiếng khóc râm ran trong đám người dày đặc. Hàng vạn con người quì xuống tại chỗ.
Cả đoàn nhà báo, quay phim hầu như được nhường đường ùa vào vây quanh ngọn lửa đang bốc cao, họ xoay chuyển bấm máy liên tục cố khai thác những góc cạnh ưng ý nhất. Ba bốn người Mỹ chen lấn nhóm phóng viên nhà báo cố tiến lại gần hơn, những người này quần áo chỉnh tề như nhân vật ngoại giao. Nhìn thấy vị sư già điềm nhiên ngồi trong ngọn lửa, họ trố mắt kinh ngạc, làm dấu thánh giá, ngó trân bóng nhà sư trong lửa thốt lên bằng tiếng Anh: "Ôi? Chúa tôi! Lạy Chúa?", nhưng không mấy ai quan tâm đến họ. Hàng rào Phật tử hướng đạo đồng phục màu lam và nâu xếp thành hàng với những cây gậy cầm ngang tạo thành hàng rào, nhiều lần khá quyết liệt ngăn chặn các nhóm cảnh sát dã chiến đang hò hét cố gắng lao vào nhưng không thành công. Thân xác vị sư già đã từ từ ngả ra sau. Bốn nhà sư trẻ đã bung rộng lá cờ Phật lớn. Một vị sư với chiến loa cầm tay, thét lên:
- Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của giáo hội Phật giáo, và để đòi hỏi nhà cầm quyền chấp thuận năm yêu sách của Giáo hội Phật giáo!
Nhà sư nhắc đi nhắc lại nhiều lần bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sự kiện này diễn ra ba ngày sau khi giáo hội Phật giáo đã thông báo trước cho tổng thống Diệm và quốc hội, nếu không giải quyết yêu sách của Giáo hội Phật giáo, chấm dứt đàn áp sư sãi, sẽ có vụ tự thiêu, và nhiều vụ tự thiêu tương tự sẽ tiếp theo. Nhưng ông Diệm đã công bố, chính phủ không nhượng bộ trước những yêu sách vô lý, áp đặt quá đáng đối với ông. Phải chăng, đó là thách thức?
Ngay sau ngày hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, tổng thống Diệm đã cấp tốc lập một ủy ban liên bộ, và mời đại diện Giáo hội Phật giáo gặp gỡ thương nghị với tinh thần hòa giải. Có nghĩa là chính phủ và tổng thống chịu nhượng bộ. Hai bên hội họp. Một thông cáo chung được công bố. Chính phủ nhận giải quyết năm yêu sách và đích thân ông Diệm ký, nhưng cạnh chữ ký của mình ông Diệm ghi thêm: "Những điều nêu ra trong thông cáo này đã được tôi tán thành ngay từ đầu theo nguyên tắc". Ngụ ý, dù nhà sư Thích Quảng Đức không tự thiêu như thế, ông ta cũng đã chấp thuận cả năm yêu cầu của Giáo hội Phật giáo rồi. Nhưng còn ông cố vấn Ngô Đình Nhu? Ông ta đã có trên bàn riêng khá đủ bằng cớ chứng tỏ CIA đã không đứng bên ngoại vụ "Phật giáo đấu tranh" - một kế hoạch quen thuộc của họ ở số quốc gia thuộc quyền, để giấu kín bàn tay phù thủy. Nhu linh cảm rõ ràng Mỹ đã chuẩn bị "thay ngựa giữa dòng", xóa bỏ sách lược chính trị cũ, và thay vào đó một chế độ quân phiệt tay sai dễ bảo. Ông ta bắt đầu chơi trả đũa CIA, bằng những bài viết gửi cho báo chí trong nước cả bên ngoài. Đặc biệt người ta không còn thấy Nhu đề cập đến hai từ "Việt cộng" trong các bài đó. Mỹ càng cay cú hơn.
Nhu không ngạc nhiên như ông Diệm đã ngạc nhiên, khi viên đại diện tổng thống Mỹ Trueheart qua gặp Diệm chuyển lời của tổng thống Mỹ: "Tôi không thể chấp nhận tình hình Sài Gòn rối ren thêm?" Nhu đã gằn giọng nói với Trueheart:
- Đây là vấn đề nội bộ của Việt Nam, xin ông nói với tổng thống rằng, không phải là vấn đề của nước Mỹ.
Đồng lúc, ông Nhu trả lời phỏng vấn của báo Times Mỹ:
- Các vị thấy đó, lối tuyên truyền của Phật giáo rất thích hợp với dân chúng ở những nước kém phát triển, nhiều người dân còn mê tín dị đoan. Họ đã kể công lao cống hiến, xây dựng đất nước ở cố đô Huế suốt thời kỳ còn Bảo Đại lệ thuộc Pháp xâm lược lần thứ 2, để hứa hẹn sẽ kiến tạo cho miền Nam hòa bình thinh vượng, dân chủ và tự do... - Nhu cười thành tiếng, sắc lạnh - Còn tôi lại tin ở cái thành tích "nướng một nhà sư già" của họ, không phải để chống Cộng sản như kiểu của hai giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, mà mở đường cho "thành tích kỳ diệu" vượt ranh giới tôn giáo qua ranh giới chính trị, và chính báo chí ở Mỹ đang giúp Phật giáo làm vậy. Phải chăng báo chí Mỹ gây sức ép với chúng tôi, buộc chúng tôi phải vâng lời chính phủ của quí vị?
Và dù thông cáo chung đã được phổ biến, chính quyền đã nhượng bộ, Giáo hội Phật giáo đã thắng lợi, nhưng anh Trọng gọi điện thoại báo cho Vũ biết: "Tôi vừa được nghe phía Phật giáo đã gặp số người Mỹ có quyền cao nhất ở đây, tình hình không phải dừng lại ở năm yêu sách được giải quyết xong, mà Mỹ tỏ ra cởi mở hơn, ủng hộ Phật giáo tiến xa hơn đấy. Không tiện báo kỹ với chú ở đây tôi đến gặp chú tối nay nhé..." Vũ nhận lời đón người anh nuôi tại nhà, buổi tối đó.

Chương trước Chương sau