Điệp vụ thành Bát Đa - Chương 09
Điệp vụ thành Bát Đa
Chương 09
Ngày đăng 29-12-2015
Tổng cộng 25 hồi
Đánh giá 9.7/10 với 21977 lượt xem
Anh chàng Shrivenham ở Sứ quán Anh đang chậm rãi lê bước, mắt ngước nhìn theo chiếc máy bay gầm thét trên đường băng sân bay Bát Đa. Bụi bay mù mịt, những cây cối, nhà cửa, người nào cũng bám một lớp bụi đỏ ngầu.
Lionel Shrivenham chăm chú nhìn theo vẻ đau khổ. “Chắc chắn nó không đáp xuống đây đâu”.
“Vậy thì bọn nó định làm gì đây?” - Harold hỏi.
“Ta ra bến cảng Basrah thử xem, ngoài đó trời trong xanh, khí hậu mát mẻ”.
“Cậu còn bận tiếp mấy ông khách V.I.P, có phải không?”.
Anh chàng Shrivenham lại càu nhàu.
“Cũng may cho ta. Ngài tân Đại sứ chưa nhậm chức. Ngài cố vấn Lansdowne đang ở bên nước Anh. Ngài Rice cố vấn các vấn đề phương Đông bị cầm cúm. Thà ở bên Teheran mà còn hơn ở lại đây lo đủ mọi thứ. Ông bạn mình mới thật rắc rối hết chỗ nói. Ông là một tay du lịch tiếng khắp thế giới, vận chuyển không bao giờ dùng lạc đà. Ta chẳng hiểu làm sao ông lại là một nhân vật quan trọng. Phải thừa nhận ông là một tay cự phách, nên chúng ta chia sẻ với ước muốn của ông. Nếu cho ông ta xuống ngay chỗ thành phố cảng Basrah chắc ông giận lắm. Chưa biết ta nên sắp xếp thế nào đây? Đi theo tàu hỏa tối nay hay sáng mai nhờ máy bay Hoàng gia Anh?”
Chàng Shrivenham thở dài khi cảm thấy trách nhiệm của mình quá nặng. Ba tháng nay từ lúc đến Bát Đa lúc nào cũng gặp chuyện không may. Thật là một tài năng bị thui chột.
Chiếc máy bay lại sà xuống ngay trên đầu.
“Làm sao nó đáp xuống được chứ” - Shrivenham vừa nói, vẻ thích thú. “Ô kìa, thể nào rồi cũng đáp xuống được”.
Một lát sau máy bay ung dung lăn bánh trên đường băng rồi dừng lại đúng chỗ đậu, Shrivenham đứng chờ sẵn đón chào vị khách V.I.P.
Gã đứng nhìn, đôi mắt trơ trơ vẻ không chuyên nghiệp trước khi kịp nhào tới trước đón chào một nhân vật với gương mặt giống như bọn hải tặc trên mình khoác chiếc áo choàng rộng thùng thình.
“Thật là chiếc áo lạ thường” - Gã nghĩ bụng có ý chê bai, chợt gã cất tiếng gọi lớn.
“Thưa ngài Rupert Crofton Lee, tôi là Shrivenham nhân viên Lãnh sứ quán”.
Gã nhìn theo, ngài Rupert có vẻ gay gắt - thì ra sau một hồi căng thẳng máy bay lượn mấy vòng làm cho ngài bực mình.
“Đưa hành lý cho tôi” - Shrivenham vừa nói vừa đỡ lấy hành lý. “Mời ngài theo tôi, xe đã chờ sẵn”.
Cả hai ngồi vào trong xe khi sắp ra khỏi phi trường gã Shrivenham mới nói.
“Tôi đứng chờ mà cứ sợ là ngài phải xuống phi trường khác, vì không chắc phi công dám đáp xuống đây. Bất thình lình máy bay đáp, tung bụi mù trời”.
Ngài Rupert trịnh trọng phủi bụi bám hai bên má, ngài nói.
“Tai hại - thật quá tai hại. Vậy chương trình làm việc của tôi có ảnh hưởng gì không?”
“Chuyện chả ra gì”. - Shrivenham trả lời một cách xấc xược. “Mấy ông V.I.P cứ tưởng đâu việc nhỏ nhặt mọi người ai cũng biết”.
Chợt gã trịnh trọng thưa lớn.
“Tôi cũng nghĩ như ngài”.
“Anh biết chừng nào ngài Đại sứ đến Bát Đa?”
“Dạ cũng chưa chắc là ngày nào”.
“Nghĩ cũng tiếc nếu không được gặp ngài. Đã lâu lắm không gặp lại kể từ năm 1938 khi còn ở bên Ấn Độ”.
Shrivenham lặng thinh.
“Để xem nào, Rice hiện đang ở đây, có phải không?” - Ngài Rupert nói tiếp.
“Dạ đúng, ngài là cố vấn về các vấn đề phương Đông”.
“Ngài là một nhân vật quá tài ba. Ta rất hân hạnh khi được gặp lại người quen”.
Shrivenham húng hắng ho.
“Dạ thưa thật với ngài, ông đang nghỉ bệnh. Hiện đang nằm viện điều trị bệnh viêm vị tràng. Bệnh này còn nặng hơn một dạng đau dạ dày ở Bát Đa”.
“Anh nói gì vậy?”. - Ngài Rupert quay ngoắt người lại. “Viêm vị tràng rất nặng à? Ngài nằm viện lúc nào?”
“Từ bữa hôm kia, thưa ngài”.
Ngài Rupert nhăn nhó. Vẻ huyênh hoang thường ngày đã biến khỏi trên nét mặt vốn chất phát của ngài.
“Ta chưa hiểu” - Ngài nói “Thật tình ta chưa hiểu làm sao cả”.
Shrivenham cung kính nhìn như đang dò xét.
“Ta không biết nên hiểu như thế nào đây”. - Ngài Rupert nói tiếp “không lẽ là một ca bệnh như của Scheele’s Greencen”. Shrivenham vẫn im lặng, vẻ mặt chưng hửng.
Xe đang băng qua cầu Teisal Bridge, rẽ trái về hướng Lãnh sứ quán Anh.
Chợt ngài Rupert nghiêng người về phía trước.
“Dừng lại chờ tôi một lát có được không?” - Giọng ngài gắt. “Đây rồi, rẽ qua phải”.
Chiếc xe ô-tô rẽ qua khúc ngoặt bên phải rồi dừng lại. Trước mặt là một cửa hiệu bày bán đủ thứ bình, lọ gốm sứ.
Người khách vóc dáng thấp đậm đang đứng nói chuyện với chủ hàng vừa cất bước đi về hướng đầu cầu cũng vừa lúc chiếc xe ô-tô trờ tới. Shrivenham nhận ra ngay là ngài Crosbie thuộc cơ quan I.P. đã gặp một hai lần trước đây.
Ngài Rupert xuống xe bước vào cửa hiệu. Tay cầm chiếc bình gốm quay qua nói chuyện với chủ hàng bằng tiếng Ả Rập. Hai bên trao đổi rất nhanh khiến Shrivenham không nghe kịp.
Chủ hàng mừng rỡ, khoa tay chỉ trỏ đủ thứ. Ngài Rupert xem qua nhiều món. Ngài chọn mua chiếc bình cổ hẹp trả tiền xong ngài ra xe.
“Tay nghề của thợ có kỹ thuật thật” - Ngài Rupert nói. “Mấy ngàn năm vẫn còn giữ được đường nét cổ kính, không kém gì khu bán hàng ở bên xứ Armeria”.
Ngài sờ tay vào bên trong miệng bình xoay vòng qua lại.
“Hàng gốm thô”. - Shrivenham nói, gã chẳng hiểu gì về nghề gốm.
“Ồ, không cần hàng phải tốt. Ta chỉ cốt mua được một món đồ cổ. Này anh nhìn xem dấu hiệu trên mấy cái núm. Mỗi ngày anh thu thập thông tin rời rạc từng chi tiết, còn ta thì có được cả một bộ sưu tập”.
Chiếc xe rẽ qua hướng thẳng vào cổng Sứ quán Anh.
Ngài Rupert yêu cầu được đưa tới ngay trước cửa phòng. Shrivenham cảm thấy dễ chịu và thoải mái khi không còn nghe giảng giải chuyện chiếc bình cổ. Ngài Rupert đặt bừa nó trên xe và bước xuống. Shrivenham ôm theo và cẩn thận đặt xuống kề bên chiếc bàn ở đầu giường.
“Chiếc bình cổ của ngài để đây nhé”.
“Ủa? Ồ cảm ơn ông bạn trẻ”.
Shrivenham xin phép lui ra ngoài, gã nhắc ngài nhớ là giờ cơm trưa sắp dọn ra, còn rượu tùy ngài chọn.
Anh chàng vừa ra ngoài, ngài Rupert bước tới cửa sổ mảnh giấy dán quanh miệng chiếc bình, vuốt thật thẳng. Mảnh giấy ghi vỏn vẹn hai hàng chữ. Ngài đọc thật kỹ xong lấy que diêm thiêu hủy.
Ngài nhân chuông gọi người giúp việc.
“Dạ, thưa ngài cần soạn hành lý phải không ạ”.
“Chưa đâu, tôi cần gặp Shrivenham ngay”.
Shrivenham vội vã đến ngay, nét mặt thoáng một chút lo âu.
“Có việc gì không, thưa ngài?”
“Này ông Shrivenham, kế hoạch của tôi đã thay đổi đột ngột. Tôi biết tính ông cẩn thận và kín đáo, nên tôi rất tin cậy vào ông. Vậy ông có thể giúp tôi được không?”
“Ồ, có gì đâu, thưa ngài”.
“Tôi đã từng ở Bát Đa, chỉ trừ thời kỳ chiến tranh tôi không còn ở đấy. Có phải khách sạn nằm ở bên kia sông không?”
“Dạ phải, ở phố Rashid Street”.
“Lưng dựa ra bờ sông Tigris?”
“Dạ đúng, khách sạn Babylionian Palace lớn nhất vùng này, nó gần như một khách sạn phục vụ khách đi công tác”.
“Ông biết khách sạn Tio chứ?”
“Ồ, khách thường đến đó ở đông lắm. Món ăn ngon, nhân viên phục vụ tốt và mang phong cách Marcus Tio. Ông ta là một bộ mặt quen thuộc ở thành Bát Đa”.
“Nhờ ông đăng ký giúp tôi một chỗ nhé”.
“Ý ngài muốn là - ngài không ngủ lại trong Sứ quán sao?” - Shrivenham nhìn ngài lo ngại “Nhưng - nhưng mà - mọi thứ đã được sắp xếp cả rồi”.
“Dọn ra thì dẹp vào mấy hồi”. - Ngài Rupert gắt gọng nói.
“Hẳn nhiên rồi, thưa ngài. Tôi không có ý muốn nói là...”
“Tôi còn một số việc rắc rối cần phải thương thảo. Tôi thấy không nên giải quyết bên trong sứ quán. Vậy nên tôi nhờ ông đăng ký một chỗ ở khách sạn Tio Hotel ngay tối nay, tôi muốn rời khỏi sứ quán âm thầm không ai để ý. Thế này tôi không thể lái xe ra đến khách sạn Tio một mình được. Tôi còn nhờ ông đăng ký vé máy bay đi Cairo sáng ngày mốt”.
Shrivenham coi bộ càng king ngạc hơn.
“Tôi được biết ngài còn ở lại đây đến năm hôm...”
“Không thể nán lại lâu hơn nữa. Tôi phải bay qua Cairo ngay khi giải quyết xong công việc. Ở lại đây sẽ không được an toàn”.
“An toàn?”
Một nụ cười chua chát làm biến đổi sắc mặt ngài Rupert. Cái vẻ ngài cứng cỏi như một hạ sĩ quan huân luyện không còn nữa. Ngài cũng là người biết xúc động và giàu tình cảm.
“Tôi đồng ý là chuyện an toàn tính mệnh không phải lúc nào cũng cần quan tâm” - Ngài nói - “Trường hợp này không chỉ riêng tôi cần phải lo lắng, sự an toàn của tôi có liên quan đến những người khác. Nên tôi phải nhờ ông sắp xếp giùm cho. Nếu việc mua vé máy bay khó thì đăng ký giúp chuyến bay ưu tiên. Từ đây cho đến khuya, tôi chỉ còn cách là ở trong phòng”. - Ngài vừa nói xong, Shrivenham nghe há hốc mồm kinh ngạc. Ngài liền nói tiếp “Thật tình tôi đang ốm, cơn sốt rét lại đang hành dữ dội, vì vậy tôi không thể ra ngoài được”.
“Có lẽ chúng tôi phải để cho ngài đi thôi, nhưng ngài chưa ăn uống gì cả”.
“Nhịn đói cả ngày với tôi không thành vấn đề. Trong những ngày du lịch đường dài tôi nhịn ăn còn lâu hơn vặy nữa. Ông cứ làm theo lời tôi dặn là được rồi”.
Quay trở xuống, Shrivenham gặp lại một số bạn bè hỏi han, gã càu nhàu đáp.
“Y như là chuyện trinh thám nhà nghề” - Gã nói. “Tôi không thể nói ra được cái tính huênh hoang của ngài Rupert Crofton Lee là có thật hay chỉ là trò đóng kịch. Nhìn chiếc áo choàng rộng thùng thình, chiếc mũ rơm giống như là bọn lục lâm. Những người tìm được tác phẩm của ông nói lại với tôi là ông thích tự đề cao mình. Cũng may là ngài Thomas Rice đến đây kịp lúc để đối phó. Có điều tớ không biết, Scheele’s Green là gì nhỉ?”
“Scheele’s Green nào?” - Ông bạn kia hỏi lại vừa nhíu mày “Có phải là chuyện giấy dán tường gì đó phải không? Thuốc độc đấy. Một dạng hóa chất arsenic”.
“Trời!” - Shrivenham kinh ngạc buông lời.
“Tớ cứ tưởng là bệnh, y như là bệnh lỵ amip”.
“Ồ, đâu phải vấn đề thuộc bên ngành hóa chất, vợ chồng nào mà chẳng yêu thương nhau”.
Nghe vậy Shrivenham càng kinh ngạc hơn. Gã chợt nhận ra còn nhiều điều trái khoáy. Ngài Crofton Lee thì cho là thật ra ngài Thomas Rice không phải bị bệnh viêm vị tràng mà bị trúng độc hóa chất arsenic. Hơn nữa ngài Rupert còn cho là tính mạng ông đang bị đe dọa nên ông không dám ăn uống những món sẵn có bên trong Sứ quán Anh khiến Shrivenham cảm thấy tinh thần tôn trọng lễ nghi của dân Ăng-lê bị đụng chạm. Cho nên gã chẳng hiểu ra làm sao cả.